Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 8 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 8 năm 2019

Phát triển cây ăn trái trên vùng Đồng Tháp Mười

Nguồn tin: Báo Tiền Giang

Hiện nay, huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang) đã mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế lên gần 2.000 ha. Chủ lực gồm: Thanh long, chanh, mít, cây trồng khác...

Trong đó, diện tích thanh long đang tăng nhanh và đạt gần 1.000 ha, chủ yếu là thanh long ruột đỏ, tập trung tại một số xã như: Tân Lập 1, Thạnh Tân,... Từ đầu năm đến nay, nông dân địa phương đã thu hoạch gần 300 ha với sản lượng khoảng 6.500 tấn. Giá thanh long ruột đỏ trên thị trường hiện dao động từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Chanh cũng là cây trồng mới tại huyện Tân Phước với diện tích trên 160 ha, trong đó có trên 120 ha đang cho thu hoạch. Từ đầu năm đến nay, huyện đạt sản lượng chanh trên 1.000 tấn.

Ngoài ra, phong trào trồng mít Thái siêu sớm gần đây cũng rộ lên ở huyện Tân Phước với diện tích gần 500 ha. Phần lớn diện tích đều mới trồng, chưa đến kỳ thu hoạch nhưng phát triển tốt. Mít là loại cây dễ trồng, thích nghi tốt với điều kiện đất đai Tân Phước và cho năng suất cao, bán được giá nên nhiều nông dân địa phương đang tích cực khai hoang, cải tạo đất đai để trồng mít.

Theo đánh giá sơ bộ, cây ăn trái phát triển mạnh ở huyện Tân Phước cho thấy bà con đang phát huy tốt tiềm năng đất đai, lao động, đa dạng hóa cây trồng để ổn định sản xuất và đời sống trên miền đất mới. Nhiều hộ nông dân nhờ sau vài vụ bội thu cây ăn trái đặc sản đã có đời sống ổn định, trở thành triệu phú vùng Đồng Tháp Mười.

Minh Trí

Na Chi Lăng: Ưu tiên phát triển thị trường nội địa

Nguồn tin: Báo Công Thương

Thừa nhận việc thương nhân Trung Quốc không sang gom hàng, khiến đầu ra trái na Chi Lăng nói riêng và na Lạng Sơn nói chung có phần ảnh hưởng, tuy nhiên, lãnh đạo và người dân trồng na tại Lạng Sơn cho hay thông tin na loại 3 quả/kg chỉ được bán với giá 16.000 đồng/kg là không chính xác.

Phủ nhận thông tin na Chi Lăng bán giá “bèo”

Trước thông tin giá na Chi Lăng xuống thấp, loại 3 lạng 1 trái chỉ được trả 16.000 đồng/kg, bằng một nửa năm ngoái, ông Bùi Hồng Quyết – Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Lạc (xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) – cho biết, không có mức giá rẻ như vậy. Thực tế, trên thị trường có nhiều loại na và mức giá cũng khác nhau. Cụ thể, na 16.000 đồng/kg là loại na trái nhỏ, nhiều mắt nhẵn, loại này vị hơi chua và rất nhiều hạt; na loại 3 quả/kg HTX bán với gián 70.000 – 80.000 đồng/kg; na loại trung bình có giá từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Đối với na bở, giá bán duy trì ở mức trên dưới 100.000 đồng/kg.

Sản phẩm na Chi Lăng của được đông đảo người tiêu dùng Thủ đô đón nhận

Cũng theo đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Lạc, giá na tại Chi Lăng phụ thuộc vào việc thương lái Trung Quốc có mua hàng hay không. Cụ thể, tại thời điểm mà thương lái Trung Quốc không gom hàng, thương lái trong nước sẽ ép giá người nông dân trồng na. Ngay tại chợ Đồng Bành, giá na lên xuống theo giờ, thậm chí theo phút chứ không ổn định, có thể trước đó 1 kg bán với giá 25.000 đồng/kg, nhưng chỉ 15 phút sau cũng loại na đấy lại được bán với giá 30.000 đồng/kg, và 1 tiếng sau đó cũng loại na đó lại xuống với mức giá 20.000 đồng/kg. Hiện giá na trung bình dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg.

Hiện, trên địa bàn còn trồng giống na Thái, tuy nhiên, các hộ trồng nhỏ lẻ, sản lượng không nhiều. Na giống Thái trái to, mã sáng đẹp, vị ngọt thanh và được các nhà vườn bán với giá 130.000 – 150.000 đồng/kg, chủ yếu đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích…

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Lương Thành Chung - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng – cho biết, na Chi Lăng có nhiều loại và hiện mức giá trung bình tại huyện Chi Lăng là khoảng 40.000 đồng/kg, loại na 3 quả 1kg có giá 80.000 đồng/kg, thậm chí có những loại 100.000 đồng/kg. Như vậy, thông tin mà giá na 16.000 đồng/kg loại 3 quả là thông tin không chính xác.

Chia sẻ về kinh nghiệm chọn được na ngon, ông Bùi Hồng Quyết cho biết, người tiêu dùng nên lựa chọn những quả na to, tròn đều, mắt na to, các rãnh giữa các mắt sâu, mắt gỗ thì ăn sẽ rất ngọt và thơm, còn những quả na mắt lì và quả tròn nhỏ thì ăn sẽ rất nhiều hạt.

Tập trung ưu tiên phát triển thị trường nội địa

Ông Lương Thành Chung cho hay, việc tiêu thụ na trên địa bàn huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung thông qua 2 kênh gồm: xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với sản lượng khoảng 1/3, phần còn lại sẽ tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Cũng theo ông Lương Thành Chung, năm 2019, sản lượng na tương đương với năm 2018. Trước những dự báo khó khăn từ cuối năm 2018 từ các bộ, ngành về việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn sang thị trường Trung Quốc, về phía huyện cũng đã khuyến cáo bà con trồng rải vụ. Do đó, nếu như năm 2018 na Chi Lăng được tiêu thụ trong thời gian 2 - 2,5 tháng, thì sang năm nay, na Chi Lăng dự kiến sẽ kéo dài thời gian tiêu thụ từ 3 – 4 tháng, giảm áp lực về mặt thị trường.

Do làm tốt công tác quảng bá tiêu thụ đến các thị trường lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… nên hiện thương hiệu na Chi Lăng đã được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến. Năm 2019, huyện Chi Lăng tập trung ưu tiên phát triển tại thị trường trong nước, xác định thị trường nội địa là chính.

"Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, dù việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc năm nay gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến tình hình tiêu thụ na Chi Lăng. Với sản lượng 30 nghìn tấn/năm, việc tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng rất tốt", ông Lương Thành Chung nói.

Hiện vùng trồng của HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Lạc có diện tích hơn 100 ha, trong đó có 25 ha làm theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Bùi Hồng Quyết cho hay, do HTX mới thành lập nên đầu ra cũng chỉ chủ yếu là bán tại chợ, thương lái các tỉnh đến thu mua. Hiện HTX cũng đang tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến, tìm đầu ra ổn định cho trái na cho HTX. Đồng thời, do đã được khuyến cáo từ trước về trồng rải vụ, nên HTX cũng không chịu áp lực tiêu thụ quá lớn.

Liên quan đến việc trái na chưa nằm trong các mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ông Lương Thành Chung cho hay, UBND huyện đang kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn để đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tích cực đàm phán với phía Trung Quốc để cho trái na sớm được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Bên cạnh đó, khuyến nghị những người trồng na Chi Lăng tăng cường sản xuất na an toàn và truy xuất nguồn gốc để khi có thể xuất khẩu được chính ngạch thì trái na Chi Lăng có thể triển khai xuất khẩu được ngay. UBND huyện cũng đã hướng dẫn các HTX làm đầu mối ký kết, tiêu thụ sản phẩm na cho bà con nông dân, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Ông Hồ Tiến Thiệu - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn:

Hiện quả na chưa nằm trong danh mục các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Do đó, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương thúc đẩy đàm phán để có thể xuất khẩu các sản phẩm nông sản trong đó có trái na để có thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, từ đó tăng giá trị cho hàng nông sản Việt Nam, tăng thu nhập cho người trồng nông dân.

Nguyễn Hạnh

Hơn 200.000 đồng một kg nhãn có cùi xếp lớp như bắp cải

Nguồn tin: VNExpress

Có giá đắt gấp 3-6 lần hàng thông thường, nhãn bắp cải ở Vũng Tàu vẫn được săn lùng khi vào mùa vì nguồn cung hiếm.

Cuối tháng 7, đầu tháng 8 là thời điểm các loại nhãn vào mùa thu hoạch nở rộ. Trên các cửa hàng, sạp trái cây, siêu thị nhãn được bán với giá 40.000 - 70.000 đồng một kg.

Mặc dù số lượng nhãn bán ra thị trường tăng mạnh, song, người tiêu dùng vẫn đua nhau tìm mua một loại nhãn có giá cao gấp 3-6 lần hàng thông thường là nhãn bắp cải Vũng Tàu được rao bán với giá lên tới 240.000 đồng một kg.

Nhãn bắp cải Vũng Tàu cùi dày, giòn ngọt bán với giá hơn 200.000 đồng một kg.

Vừa đặt mua 5 kg nhãn bắp cải, chị Loan ở quận 5 (TP HCM) cho biết, ngoài để gia đình ăn thì chị còn dùng biếu. "Tôi thường đặt mua loại này ở nhà vườn có cây lão 60 năm tuổi, trái mới to, ngon và thịt nhãn xếp lớp dày như bắp cải", chị Loan nói và cho biết, để mua được chị phải đặt hàng trước một tuần.

Là cơ sở chuyên bán nhãn bắp cải loại 1, chị Hồng Anh (Vũng Tàu) cho biết, mỗi lần chị thu mua được ở nhà vườn 50 -100 kg nên lượng bán ra không đủ để trả cho khách. Tại cửa hàng chị, một kg nhãn loại này có giá 240.000 đồng.

Theo chị Hồng Anh, trước đây khi mới bán giá sản phẩm này chỉ ở mức 180.000 đồng một kg nhưng nay ngày càng đắt đỏ vì nhu cầu người mua tăng cao, mà nguồn hàng tại nhà vườn không có nhiều. Đặc biệt, chị Anh cho biết, sở dĩ giá bán giá tại cửa hàng của chị cao hơn so với các cơ sở khác vì nhãn được tuyển chọn kỹ từ những cây có tuổi đời trên 60 năm ở 2 nhà vườn lớn Vũng Tàu.

Ông Bùi Quang Duyệt, nhà vườn chuyên trồng nhãn ở Vũng Tàu cho biết, trong số các loại nhãn vườn nhà ông trồng thì nhãn bắp cải là loại đặc biệt hiếm, khó trồng, khó chăm sóc nhưng rất ngọt và thơm ngon, cùi dày.

Hiện tại, vườn của gia đình ông có 300 gốc nhãn, trong đó, chỉ có 13 gốc nhãn bắp cải. Ước tính vụ này vườn nhãn gia đình lãi khoảng 400 triệu đồng. Hiện nay, nhãn tại vườn ông được thương lái thu mua 40.000 đồng một kg với nhãn xuồng cơm trắng, 60.000 đồng nhãn xuồng bao công, 100.000 đồng nhãn xuồng cơm vàng. Riêng nhãn bắp cải có giá 150.000 đồng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 700 ha nhãn, trồng tập trung tại thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ, huyện Xuyên Mộc và Đất Đỏ. Đặc biệt, đây là vùng đất có nhiều giống nhãn cho giá trị kinh tế cao.

Thi Hà

Lào Cai: Giá ngô hạt giảm sâu, nhiều hộ nông dân gặp khó

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Ngô là cây trồng chủ lực của nhiều hộ nông dân thuộc các huyện vùng cao trong tỉnh Lào Cai, tuy nhiên thời gian gần đây, giá ngô hạt đột ngột giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của họ.

Ông Phàn Díu Sài là một trong những hộ trồng nhiều ngô nhất thôn Cán Tỷ, xã Bản Xèo (huyện Bát Xát). Năm nay, phần lớn diện tích ngô của gia đình ông Sài cũng như các hộ khác trong thôn bị sâu bệnh, đặc biệt là sâu keo, nên năng suất giảm. Đáng buồn hơn là giá ngô giảm mạnh khiến đời sống người dân càng thêm khó khăn.

Ngồi bên đống ngô lớn mới thu hoạch để tách hạt, nét mặt vợ chồng ông Sài chùng xuống, buồn thiu. Ông Sài cho biết: Nhà tôi mỗi năm thu gần chục tấn ngô nên ngoài dùng để phục vụ chăn nuôi còn bán để lấy tiền mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu, trang trải cuộc sống gia đình… Năm nay năng suất ngô đã giảm, ngô lại còn mất giá nên gia đình tôi thiệt hại hàng chục triệu đồng, gần như không được đồng công nào.

Người dân vùng cao vất vả trồng ngô nhưng giá bán ngô hạt lại đang ở mức thấp.

Được biết, năm nay giá ngô hạt khô xuống ở mức rất thấp, dao động khoảng 3.500 - 3.800 đồng/kg, tùy thuộc vào chất lượng.

Chuẩn bị đến năm học mới, ông Sùng A Dế (thôn Tả Pa Cheo, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát) cũng dự tính cần bán khoảng 2 tấn ngô để có tiền mua sách vở, quần áo và trang trải các khoản chi phí khác cho các con đi học. Thế nhưng cả tuần nay, ngày nào ông Dế cũng ra trung tâm xã để “ngóng” mà không thấy bóng dáng tư thương nào đến thu mua ngô. Ông Dế than thở: “Giá ngô đã giảm mạnh mà tư thương thu mua cũng chẳng thấy đâu. Trước đây, cứ vài ngày lại có người đánh xe tải vào các thôn, bản để thu mua ngô hạt nhưng nay thì chờ mãi mà chẳng thấy ai. Người nông dân đúng là khổ muôn phần”.

Ông Lê Đức Minh, Bí thư Đảng ủy xã Pa Cheo cho biết, năm nay người dân xã Pa Cheo trồng khoảng 220 ha ngô, ước tính sản lượng gần 1.000 tấn. Thời gian qua, giá ngô hạt giảm mạnh đã ảnh hưởng đến thu nhập của hàng trăm hộ trên địa bàn xã, nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo. Xã đang tuyên truyền, vận động người dân tranh thủ thời tiết nắng ráo, phơi ngô thật khô để bảo quản, chờ khi nào giá tăng sẽ bán.

Không chỉ ở Bát Xát, mà người dân ở các huyện trồng nhiều ngô như Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai cũng đang gặp khó khăn khi giá ngô xuống thấp. Gia đình ông Nùng Si Phà, thôn Cốc Cáng, xã Dìn Chin (huyện Mường Khương) hiện có khoảng 2 tấn ngô hạt đã phơi khô và cất giữ trong nhà, song cũng chờ mãi không có người đến mua. Việc bảo quản lượng ngô tồn đọng này đang là nỗi lo của gia đình ông. “Nhà thì chật, việc để hàng tấn ngô trong nhà trong một thời gian dài không chỉ gây chật chội, bức bối mà còn làm mồi cho lũ chuột đến ăn, quấy phá”, ông Phà nói.

Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân ở các huyện trong tỉnh phát triển mạnh ngô hàng hóa. Tận dụng diện tích đất trồng lúa 1 vụ, người dân đã đưa vào gieo trồng các giống ngô cho năng suất cao, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Cây ngô phủ xanh trên các nương đồi đã cho thấy sự thay đổi trong tập quán canh tác của người dân. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, mỗi năm tỉnh trồng gần 37.000 ha, năng suất bình quân đạt 4,7 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 175 nghìn tấn. Như vậy, việc giá ngô hạt khô giảm mạnh có thể gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Được biết, nguyên nhân chính của việc giá ngô hạt khô giảm mạnh trong thời gian vừa qua là do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Khi một lượng lớn đàn lợn của người dân ở các tỉnh, thành phố trong cả nước bị chết hoặc phải tiêu hủy, các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc không bán được hàng, dẫn tới nhu cầu thu mua ngô hạt khô giảm theo. Bên cạnh đó, nhiều hộ trong tỉnh không còn lợn để chăn nuôi, việc tái đàn gặp khó khăn nên tồn đọng lượng lớn ngô hạt khô. Lượng cung cấp ngô hạt ra thị trường tăng mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm thì chắc chắn giá bán sẽ giảm.

Ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Hiện tại, chúng tôi đang hướng dẫn người dân cách bảo quản ngô hạt để không ảnh hưởng đến chất lượng, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân ở các địa phương có thể tái đàn, tiếp tục đầu tư chăn nuôi lợn. Huyện cũng khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại cây phù hợp với đồng đất ở từng địa phương vào thay thế cây ngô nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

TRUNG NGUYÊN

Long An: Vụ lúa hè thu 2019, doanh nghiệp chỉ mua hơn nửa diện tích cánh đồng lớn

Nguồn tin: Báo Long An

Trong vụ lúa Hè Thu năm 2019, trên địa bàn tỉnh Long An có 26 doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết xây dựng cánh đồng lớn. Theo đó, doanh nghiệp đăng ký 94 cánh đồng trên diện tích thực hiện hơn 7.904ha, 2.703 hộ dân tham gia.

Doanh nghiệp chỉ thu mua hơn nửa diện tích liên kết cánh đồng lớn

Đến nay, diện tích liên kết nông dân có liên kết đã thu hoạch 5.294ha, diện tích doanh nghiệp thu mua 2.944,5ha. Năng suất bình quân ước đạt 4,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt 23.824 tấn. Diện tích thu hoạch còn lại nông dân bán ra ngoài.

Nông dân thu hoạch lúa

Giá lúa của doanh nghiệp thu mua như sau: OM các loại từ 4.500 - 5.050 đồng/kg, IR50404 giá từ 4.050 - 4.100 đồng/kg, Đài thơm 8 giá từ 5.250 - 5.300 đồng/kg.

Tổng diện tích lúa gieo cấy năm 2019 đến ngày 13/8 ước đạt 479.400ha (kế hoạch 503.580ha), đạt 95,2% so với kế hoạch, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2018. Diện tích thu hoạch 374.780ha, năng suất (khô) bình quân ước đạt 5,83 tấn/ha, sản lượng 2.185.736 tấn, đạt 79,5% so với kế hoạch (2,75 triệu tấn), bằng 109,8% so với cùng kỳ năm 2018./.

Gia Hân

Quảng Trị trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh tại độ cao 1.500m

Nguồn tin: VOV

Tỉnh Quảng Trị vừa trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển tại đèo Sa Mù, huyện Hướng Hóa.

Giống sâm này được mua từ tỉnh Quảng Nam mang về trồng, nếu thành công sẽ là hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương.

Khu bảo tồn Bắc Hướng Hóa trồng thử nghiệm giống sâm Ngọc Linh.

Tỉnh Quảng Trị đã phân bổ 500 triệu đồng để Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đầu tư trồng sâm. Số tiền này dùng để mua giống cây sâm Ngọc Linh đưa về trồng ở địa phương.

Cây giống phải đảm bảo 1 năm tuổi, đang được gieo ươm tại các vườn ươm ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Khu vực đèo Sa Mù, huyện Hướng Hoá có độ cao từ 1.100m đến 1.500m so với mực nước biển. Dự kiến, khoảng 1ha được bố trí trồng thử nghiệm 1.000 cây sâm, có hàng rào bảo vệ.

Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị cho biết: "Nếu trồng thành công thì toàn bộ người dân ở Hướng Hóa có rừng nhưng chưa biết làm gì dưới rừng thì sẽ được hỗ trợ nhân rộng để trồng. Đồng thời, trồng sâm Ngọc Linh dưới rừng cũng một phần bảo vệ rừng".

Thanh Hiếu/VOV-miền Trung

Đăk Tô (Kon Tum): Phối hợp hỗ trợ người dân trồng sắn bị bệnh khảm lá

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Phương án phối hợp hỗ trợ của huyện Đăk Tô đã phần nào giảm bớt khó khăn cho người dân trồng sắn bị bệnh khảm lá.

Như Báo Kon Tum đã thông tin, gần 300ha sắn giống mới (KM98-5) do Nhà máy Cồn và Tinh bột sắn Đăk Tô (gọi tắt là Nhà máy) thuộc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi hỗ trợ cho người dân trên địa bàn huyện Đăk Tô trồng trong niên vụ năm nay (để thay thế giống sắn KM94 bị nhiễm bệnh chổi rồng) đã bị bệnh khảm lá buộc phải nhổ bỏ và tiêu hủy. Để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, UBND huyện đã làm việc với Nhà máy và các phòng, ban chuyên môn để thống nhất mức hỗ trợ công tiêu hủy, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ thiệt hại về năng suất cho các hộ.

Theo đó, mức hỗ trợ ngày công tiêu hủy trên diện tích sắn bị nhiễm bệnh là 160.000 đồng/ngày công. Tùy theo mức độ nhiễm bệnh mà mức hỗ trợ thấp nhất là 2 ngày công/1 ha, nhiều nhất là 12 ngày công/1 ha đối với diện tích nhiễm bệnh trên 70%. Nhà máy sẽ hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật phòng bệnh khảm lá sắn cho người dân để các hộ dân tổ chức phun diệt bọ phấn trắng.

Người dân xã Tân Cảnh nhổ bỏ những cây sắn bị nhiễm bệnh. Ảnh: TVP

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Nhà máy xác nhận: Phía Nhà máy sẽ tiến hành bù năng suất thiếu hụt cho các hộ dân trồng giống sắn mới bị bệnh khảm lá. Trong đó, hỗ trợ 50.000 đồng/1 tấn đối với diện tích nhiễm bệnh dưới 10%, hỗ trợ 250.000 đồng/1 tấn đối với diện tích nhiễm bệnh từ 11- 30%, hỗ trợ 300.000 đồng/1 tấn đối với diện tích nhiễm bệnh từ 31-50%, hỗ trợ 350.000 đồng/1 tấn đối với diện tích nhiễm bệnh từ 51-70%. Đối với diện tích sắn bị nhiễm bệnh trên 70% thì được Nhà máy hỗ trợ 5 triệu đồng/1 ha và phải nhổ bỏ 100% số cây sắn bị nhiễm bệnh, đồng thời hỗ trợ giống đậu đen xanh lòng để người dân có thể chuyển đổi cây trồng trước mắt, tránh thiệt hại về sau cho người dân.

Với phương án phối hợp hỗ trợ như trên đã phần nào giảm bớt khó khăn cho người dân, tạo niềm tin để các hộ dân tiếp tục trồng sắn cung cấp cho Nhà máy trong các vụ tiếp theo.

Văn Phúc

Cần Giuộc tổ chức Hội thảo xây dựng thương hiệu rau Cần Giuộc

Nguồn tin: Báo Long An

Nhằm định hướng công tác xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau trồng tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, ngày 16/8, UBND huyện phối hợp Tạp chí Nông thôn Việt tổ chức Hội thảo xây dựng thương hiệu rau Cần Giuộc với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cùng hơn 120 hộ sản xuất rau trên địa bàn huyện.

Lãnh đạo huyện tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm rau của các hợp tác xã tại hội thảo

Tại hội thảo, lãnh đạo huyện xác định rau là cây trồng chủ lực ở các xã vùng thượng thuộc huyện Cần Giuộc, đặc biệt, do điều kiện thổ nhưỡng nên rau gia vị trồng tại đây có mùi vị rất đặc trưng, là loại nông sản đã và đang góp phần đáng kể vào chỉ số phát triển kinh tế của huyện. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu rau Cần Giuộc là điều cần thiết để phát triển bền vững tại địa phương.

Trong đó, một trong những giải pháp được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng sản xuất, làm cơ sở để xây dựng thương hiệu rau Cần Giuộc hiệu quả chính là sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao.

Những năm qua, với sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương, các hộ sản xuất rau áp dụng nhiều giải pháp công nghệ, đưa khoa học kỹ thuật vào trồng rau, nâng cao chất lượng và sản lượng.

Tính đến nay, toàn huyện có 745ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Mô hình sản xuất rau sử dụng phân hữu cơ sinh học đạt 584ha; diện tích xây dựng nhà lưới, nhà màng, nhà kính đạt 43,2ha với 65 hộ.

Toàn huyện hiện có 25 HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất rau có liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trong đó, 6 HTX được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 2 HTX được sản xuất rau theo chuỗi an toàn. Các HTX còn lại đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên địa bàn huyện có 9 HTX và 2 tổ hợp tác có ký hợp đồng để giải quyết đầu ra cho nông dân bình quân khoảng 3 - 4 tấn rau/ngày/HTX, bao tiêu từ khâu cung cấp hạt giống, vật tư đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Để hỗ trợ huyện Cần Giuộc có thêm điều kiện để phát triển sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, tại hội thảo lần này, Minh Hưng Group trao tặng 100 nhà lưới Lực sĩ nhà nông cho các hộ sản xuất rau trên địa bàn huyện với tổng trị giá 4,5 tỉ đồng, giúp huyện Cần Giuộc tăng thêm 7,5ha diện tích sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao.

Lãnh đạo huyện Cần Giuộc tin rằng, sự hỗ trợ của Minh Hưng Group sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển vùng rau đặc sản của huyện./.

Phương Cảnh – Thất Huy

Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Xã Thường Phước 1 (Hồng Ngự, Đồng Tháp) được biết đến là một trong những vùng trọng điểm trồng lúa của địa phương với trên 1.800ha. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xuất khẩu gạo không thuận lợi đã khiến người nông dân trồng lúa gặp nhiều khó khăn nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được quan tâm hơn.

Chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi lươn đã giúp gia đình anh Khắc có thu nhập ổn định

Để nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng như: bắp, mè, rau màu... Ông Phạm Hùng Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho biết, để giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng. Cùng với đó, chú trọng chỉ đạo áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn.

Đến nay, ngoài diện tích hơn 1.800ha lúa, trong vụ đông xuân năm 2019, địa phương cũng đã chuyển đổi, mở rộng vùng trồng rau màu lên 539ha gồm: 170ha rau muống lấy hạt, 90ha củ sắn, 200ha ớt, 42ha bắp... Nhờ sản xuất tập trung gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nên năng suất cây trồng luôn tăng hằng năm. Trong đó, năng suất lúa bình quân đạt 6,7 tấn/ha, riêng các hộ áp dụng theo mô hình “1 phải, 5 giảm” đạt trên 7 tấn/ha.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều hộ có cuộc sống ổn định. Hộ ông Trần Văn Lượng ở ấp 2, xã Thường Phước 1 chuyển 7 công đất lúa sang trồng rau muống lấy hạt đã cho lợi nhuận trên 30 triệu đồng/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa như trước đây. Đáng chú ý hơn, các vùng đất gò cao trồng màu và lúa kém hiệu quả đã được nông dân cải tạo chuyển sang trồng sắn, mè cho hiệu quả kinh tế đáng kể.

Bên cạnh chuyển đổi từ lúa sang các loại cây màu để nâng cao hiệu quả kinh tế, nhiều hộ nông dân cũng đã chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi các loại thủy sản như lươn, cá lóc, cá tra... cho thu nhập ổn định. Điển hình như hộ anh Nguyễn Thanh Khắc chuyển từ trồng lúa sang nuôi lươn rất hiệu quả. Theo anh Khắc, vài năm trước, anh chuyên đi thuê đất để trồng lúa nhưng lợi nhuận thấp. Thấy những hộ xung quanh nuôi lươn cho thu nhập ổn định, anh đã chuyển sang nuôi thử. Lúc đầu anh nuôi vài bể bằng vải nilon. Sau khi thu nhập khá, anh xây bể bê tông nuôi lươn sinh sản và lươn thịt. Hiện anh có 19 bể nuôi lươn, thu hoạch xoay vòng quanh năm, với mỗi bể khoảng 200kg, giá trung bình từ 160.000 - 220.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu lãi gần 150 triệu đồng.

Ông Phạm Hùng Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho biết, sắp tới để nâng cao thu nhập cho người dân, bên cạnh việc vận động người dân chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, địa phương cũng có dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi lươn cho các hộ nghèo trên địa bàn xã. Theo đó, các hộ này sẽ được hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất từ ngành chuyên môn và các hộ chăn nuôi trước nhằm tạo điều kiện để các hộ này có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Qua đó góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4% trong năm nay (hiện tỷ lệ hộ nghèo tại xã là 7%).

MN

Nông dân Đồng bằng sông Hồng thu nhập 43,3 triệu sau 10 năm làm nông thôn mới

Nguồn tin:  Tuổi Trẻ

Đời sống vùng nông thôn cải thiện, thu nhập người dân nông thôn Đồng bằng sông Hồng đạt 43,3 triệu đồng/năm sau 10 năm các tỉnh vùng này làm nông thôn mới.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có nhiều sáng kiến trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh: TC

Nhận định được Ban Chỉ đạo trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đưa ra tại hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ giai đoạn 2010-2020, diễn ra ngày 17-8 tại Nghệ An.

Số liệu tổng kết của ban chỉ đạo ghi nhận đến hết tháng 7-2019 hai vùng đã có 2.402 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 69,1% tổng số xã trong 2 vùng.

Đặc biệt, tại vùng Đồng bằng sông Hồng có 41 huyện thuộc 13 tỉnh thành được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm 48,8% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới của cả nước.

Đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Hồng được cải thiện, thu nhập ở khu vực nông thôn Đồng bằng sông Hồng đạt 43,3 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo trong vùng khoảng 1,7%, mức thấp nhất nước.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư cho các xã biên giới, vùng bãi ngang ven biển; ưu tiên kinh phí để người dân làm du lịch ở miền núi, vùng biển đảo để đa dạng sinh kế cho người dân.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cũng nêu một số nguyên tắc cho xây dựng nông thôn mới là gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập người dân, nâng cao dân trí, xây dựng môi trường sạch, đẹp, xanh tươi, giữ được bản sắc làng quê và thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhắc lại lịch sử hơn 10 năm trước, khi Trung ương Đảng ban hành nghị quyết số 26 về tam nông với những tư tưởng quan trọng để Chính phủ "thai nghén" ra Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do đó, việc tổng kết 10 năm triển khai chương trình ở 2 vùng này có ý nghĩa rất quan trọng để Chính phủ nhân rộng các chính sách, cách làm hay.

Phó thủ tướng đánh giá việc xây dựng nông thôn mới đã tác động tích cực đến cơ cấu sản xuất, lao động khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân về vật chất, tinh thần và đẩy mạnh công tác giảm nghèo.

Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới ở 2 vùng vẫn còn mất cân xứng khi vẫn còn có huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn là thách thức lớn, người dân chưa khai thác hết tiềm năng đất đai để sản xuất, tình trạng "bêtông hóa" nông thôn, gắn kết cộng đồng lỏng lẻo.

B.NGỌC

Nuôi lợn sạch góp phần cải thiện bữa cơm ca cho công nhân

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Dành tới 4.000 m2 đất để xây dựng khu chăn nuôi lợn sạch phục vụ bữa ăn ca cho công nhân là điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Nhưng tại Nhà máy Kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao Ninh Bình CFG (Khu công nghiệp Khánh Cư) việc làm này đã được triển khai nhiều năm nay, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cho người lao động.

Đàn lợn được bơi lội theo giờ, 2 lần trên ngày.

Điều thú vị là trong 4.000 m2 này, diện tích chăn nuôi có khoảng 600 m2, còn lại là khu tiểu cảnh, khu chế biến thức ăn, sân chơi và bể tắm cho lợn có diện tích rộng 3.400 m2. Điều đó đồng nghĩa với việc tại đây lợn được nuôi theo một cách rất riêng, hàng ngày chúng được tập bơi và nghe nhạc khi đi ngủ. Từ đầu năm 2017, khu bể bơi nóng lạnh dành cho lợn bắt đầu được đưa vào sử dụng. Các công nhân phụ trách chăn nuôi tiến hành một công việc khá mới mẻ là hướng dẫn cho lợn nhảy cầu tập bơi. Việc làm tưởng chừng cầu kỳ và hơi “thừa thãi” này thực ra lại có ý nghĩa rất quan trọng. Anh Vũ Anh Ngọc làm việc tại đây cho biết: Việc bơi lội giúp đàn lợn khỏe mạnh hơn, cải thiện hệ thống miễn dịch và đặc biệt có thể giúp chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon... Hiện nay, mỗi ngày 2 lần vào lúc 9h sáng và 15h chiều, đàn lợn được cho ra bơi lội (trừ lợn sắp đẻ và lợn con dưới 2 tháng tuổi). Hoạt động này được duy trì đều đặn hơn 2 năm nay, khiến đàn lợn từ trạng thái sợ sệt, nhốn nháo khi mới được chạm nước đã dần trở nên thích thú, chịu khó tuân thủ hướng dẫn của kỹ thuật viên. Khi đến giờ bơi, đàn lợn được chia thành từng tốp theo lối đi riêng dẫn từ chuồng ra. Theo thứ tự, đàn lợn lần lượt nhảy xuống hồ bơi từ độ cao hơn 2m, bơi một vòng rồi lên đường đi bộ quay trở lại chuồng. Thậm chí, vào mùa đông giá rét hoạt động này cũng không bị gián đoạn khi bể bơi được bơm thêm nước ấm, tuy nhiên số lần bơi giảm còn 1 lần vào lúc 10h sáng để đảm bảo sức khỏe cho đàn lợn.

Chưa hết thú vị, khu chăn nuôi này còn gây bất ngờ với việc trang bị hệ thống đèn sưởi ấm và loa để tập cho lợn nghe nhạc lúc đi ngủ. Loa được gắn phía trên chuồng, phát ra những bản nhạc được điều chỉnh lúc sôi động, lúc nhẹ nhàng theo giờ ăn, giờ ngủ của lợn. Chưa biết việc làm này sẽ tác động tới mức nào đến sự phát triển của đàn lợn nhưng rõ ràng nó đã tạo nên sự hoạt náo khác thường mỗi ngày tại đây, đem lại sự thú vị cho người lao động cũng như người đến tham quan.

Ngoài cách chăm sóc cầu kỳ và tốn kém đó, mỗi con lợn còn được gắn mã số riêng ở tai để tiện cho việc theo dõi, chăm sóc. Nhưng quan trọng hơn cả là ở đây nguồn thức ăn cho đàn lợn chủ yếu từ cám ngô, cám gạo và các loại rau củ quả được trồng tại nhà máy, tuyệt đối không sử dụng thức ăn có chất tăng trọng để đảm bảo chất lượng thực phẩm thơm ngon, không dịch bệnh. Hiện nay đàn lợn của Nhà máy có khoảng hơn 300 con (so với chỉ chưa đầy 100 con lúc mới bắt đầu triển khai mô hình), đa số là các giống lợn móng cái, lợn rừng, lợn cỏ được đưa về từ Thái Nguyên để nuôi và gây giống. Chúng được ở trong hệ thống chuồng trại vuông vắn, sạch sẽ, thoáng mát…

Với sự đầu tư bài bản đó, sản phẩm từ khu chăn nuôi này đang góp phần cải thiện bữa cơm ca của hơn 1.000 công nhân lao động tại Nhà máy CFG với chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bài, ảnh: Đào Duy

Kon Tum: Hiệu quả từ mô hình nuôi hươu sao ở xã Ia Dom

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Mạnh dạn đầu tư kinh phí nuôi hươu sao, hàng năm, các hộ dân ở thôn 4, xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) có nguồn thu nhập ổn định vài chục triệu đồng từ việc chăn nuôi vật nuôi này.

Cách đây hơn 3 năm, anh Nguyễn Xuân Tiến (ở thôn 4, xã Ia Dom) tự lên mạng tìm hiểu cách nuôi hươu sao (loài động vật hoang dã được Nhà nước cho phép người dân nuôi để thoát nghèo). Sau khi tìm hiểu nhiều mô hình ở các địa phương, anh Tiến quyết định tìm hiểu thực tế mô hình nuôi hươu số lượng lớn ở huyện Ea Kar (tỉnh Đăk Lăk).

Anh Nguyễn Xuân Tiến cho biết, để phát triển kinh tế gia đình, anh chọn hướng phát triển chăn nuôi, vì đất sản xuất của gia đình anh không nhiều. Ngoài nuôi bò và gia cầm, anh luôn đắn đo tìm hiểu để đầu tư nuôi các vật nuôi có hiệu quả kinh tế khác nhằm tăng thu nhập của gia đình. Qua tìm hiểu, nhận thấy việc nuôi hươu mang nhiều hiệu quả và phù hợp với điều kiện tự nhiên ở xã Ia Dom nên quyết định đầu tư kinh phí mua hươu giống về nuôi.

Anh Tiến bỏ ra số tiền hơn 40 triệu đồng để mua 2 cặp hươu giống và đầu tư thêm gần 7 triệu đồng để xây dựng chuồng trại. “Chuồng nuôi hươu yêu cầu thiết kế cao hơn so với chuồng nuôi bò. Vì là động vật hoang dã nên chuồng nuôi hươu phải kín và chắc chắn”, anh Tiến nói.

Chia sẻ về những thuận lợi khi nuôi hươu, anh Tiến cho hay, nuôi hươu rất nhàn vì chỉ nhốt trong chuồng, không phải chăn thả hay dắt đi ăn hàng ngày như nuôi bò. Nguồn nguyên liệu thức ăn như cỏ vôi, lá mít, lá sung, lá cây trứng cá, chuối… luôn dồi dào, dễ tìm. Bản thân con hươu cũng ít bị dịch bệnh so với các loài vật nuôi khác.

Với 2 cặp hươu, đến nay, anh Tiến thu về hơn 120 triệu đồng (sau khi trừ chi phí) từ việc bán 5 con hươu giống và 3kg nhung (sừng). Anh chia sẻ, trong đông y, nhung hươu là 1 trong 4 loại thượng dược (sâm, nhung, quế, phụ), vì biết được công dụng nên nhung hươu của anh luôn đắt hàng và được nhiều người tìm đến mua.

Nuôi hươu đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Nguyễn Xuân Tiến. Ảnh: ĐT

Thấy việc nuôi hươu của anh Tiến đem lại hiệu quả, các hộ dân ở xã Ia Dom, Ia Tơi, Ia Đal (huyện Ia H’Drai) hay người dân ở các xã của huyện Sa Thầy đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua hươu giống về nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Anh Vi Thanh Hà (thôn 4, xã Ia Dom) - một trong những hộ mới bắt đầu nuôi hươu cho biết, cách đây hơn 1 năm, anh mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ia H’Drai để mua 2 cặp hươu giống từ tỉnh Đăk Lăk về nuôi. Đến nay, đàn hươu của gia đình anh tăng lên được 6 con. Ngoài có thêm hươu giống, anh Hà còn bán nhung được gần 35 triệu đồng.

Mỗi năm, vào thời điểm mùa xuân, hươu cái sẽ sinh sản và hươu đực sẽ cho thu hoạch nhung. Để nhân giống và phát triển đàn hươu, anh Hà bố trí, ngăn chuồng một cách khoa học, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thức ăn cũng phải sạch và ráo nước.

Hiện tại, anh Tiến và anh Hà đang xây dựng thêm chuồng trại cũng như trồng thêm cỏ để thời gian tới phát triển, nhân rộng đàn hươu của gia đình.

Ông Trần Việt Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia H’Drai đánh giá, việc nuôi hươu lấy nhung và con giống bước đầu cho kết quả đáng mừng, giúp các hộ dân nâng cao được thu nhập, đây là hướng đi đúng đắn trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, phù hợp với tình hình của địa phương.

Ông Dũng khẳng định, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Ia H’Drai sẽ hỗ trợ việc đăng ký, tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu nuôi hươu; đồng thời, khuyến khích nông dân trên địa bàn huyện tiếp tục mạnh dạn phát triển thêm nhiều mô hình kinh tế mới.

Có thể thấy, với số tiền đầu tư không lớn, thời gian thu hồi vốn nhanh, việc nuôi hươu đem lại nguồn thu ổn định, không chỉ góp phần giúp người dân ở xã Ia Dom thoát nghèo mà còn có thể vươn lên làm giàu.

Đức Thành

Biến phế phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Tận dụng phế phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Đức (SN 1961, xã Ea Tyh, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đã chế biến thành thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc.

Ông Đức hiện là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Quyết Thắng. Ngành nghề chính của công ty là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, nhưng do làm ăn khó khăn nên năm 2004, công ty kinh doanh thêm nghề mua bán nông sản, song cũng không khá hơn là bao. Trong lúc công ty đang trên bờ phá sản, ông Đức (lúc ấy đang là nhân viên) đã tìm ra hướng đi mới là tái chế phế phẩm nông nghiệp.

Từng thành công trong việc tái sử dụng bã bia làm thức ăn cho heo vào năm 2006, ông Đức tiếp tục nghiên cứu bã mía. Ý tưởng này nhen nhóm trong lần ông xuống Long An (năm 2011) thấy người dân ủ bã mía làm thức ăn cho bò. Ngẫm địa phương mình có Nhà máy đường 333, mỗi năm thải ra một lượng lớn bã mía bỏ đi rất phí, ông về trình bày phương án thu mua, chế biến phế phẩm và được công ty đồng ý, nhưng ngặt nỗi không có vốn.

Cùng ban lãnh đạo gom tiền thử sức với lĩnh vực mới, ông Đức được giao giữ chức Phó Giám đốc phụ trách mọi hoạt động kinh doanh của công ty. Khởi đầu vốn ít, công ty chủ yếu thuê xe đi gom bã mía về phơi khô rồi bán cho đối tác. Năm 2014, ông Đức mạnh dạn đầu tư máy móc thực hiện công đoạn chế biến sâu: Bã mía sau khi mua về sẽ đổ đống để trong kho kín suốt 1 năm. Theo thời gian bã mía lên men tự nhiên, phân hủy cho mùi thơm, vị ngọt như mật; bã mía đã hoai mục được sấy khô, ép thành miếng vuông hoặc viên nén làm thức ăn cho gia súc.

Ông Nguyễn Văn Đức giới thiệu sản phẩm viên nén được chế biến từ bã mía.

“Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, công ty đã mua 3 nghìn tấn cây bắp tương ứng số tiền hơn 3 tỷ đồng; 5 nghìn tấn bã mía tương đương hơn 2 tỷ đồng. Hiện các sản phẩm viên nén, phế phẩm lên men đang được nhiều doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, bò thịt đặt mua với số lượng lớn”.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Quyết Thắng thông tin thêm

Để tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư, ông Đức tìm tòi nghiên cứu, mua vật liệu về chế tạo thành máy ép bã mía. Từ khi lấn sân sang lĩnh vực thu mua, chế biến phế phẩm nông sản sau thu hoạch, công ty đã thoát khỏi cảnh nợ nần, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Có đối tác là các doanh nghiệp kinh doanh về chăn nuôi, buôn bán, chế biến thức ăn gia súc như Công ty Cổ phần chăn nuôi bò thịt – Bò sữa Cao Nguyên, Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai, Công ty TNHH Kim Nghĩa... nên ông Đức không quá lo lắng về đầu ra sản phẩm. Song song với việc tái chế bã mía, công ty còn thu mua cây bắp về cắt nhỏ, ủ chua bán cho các trang trại nuôi bò.

Thời gian đầu việc thu mua cây bắp gặp nhiều khó khăn bởi người dân đã quen với việc trồng bắp lấy hạt. Khi đặt vấn đề mua cây bắp còn tươi xanh và nguyên cả trái non thì không ít người hoài nghi, ông Đức phải giải thích cặn kẽ, nêu rõ địa chỉ nhà máy... người dân mới tin.

Kiên trì hơn 1 năm, công ty đã có nguồn nguyên liệu ổn định. Cây bắp còn nguyên trái sau khi mua về đưa vào máy cắt nhỏ từ 3 - 5 cm, đóng bao, hút chân không nhằm giữ độ tươi xanh và để được thời gian dài mà không bị hỏng mốc. Giá thu mua cây bắp tại ruộng dao động theo mùa. Mùa khô có giá 800 - 900 đồng/kg, còn mùa mưa là 500 - 600 đồng/kg. Ông Đức chia sẻ, chi phí đầu tư, chăm sóc bắp bán cây thấp, thời gian thu hoạch cũng được rút ngắn từ 15 - 20 ngày. Điều người dân thích nhất là họ không phải tốn nhân công thu hoạch và dọn rẫy vì người của công ty sẽ tự làm tất cả. Giá bán cả cây bắp luôn ổn định, lợi nhuận thu về cao hơn 500 nghìn đồng/sào so với trồng bắp lấy hạt.

Cây bắp tươi nguyên trái được cắt nhỏ, ủ men làm thức ăn cho bò.

Từ chỗ các phế phẩm nông nghiệp bị bỏ đi, hoặc bị đốt sau khi thu hoạch đã được Công ty cổ phần Xây dựng Quyết Thắng mua làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trung bình mỗi năm, công ty thu mua hàng nghìn tấn phế phẩm nông nghiệp. Việc tái chế phế phẩm nông nghiệp vừa giúp người dân tăng thêm thu nhập, giảm ô nhiễm môi trường...

Thanh Thủy

Bình Thuận: Giá heo hơi trong tỉnh tăng mạnh lên 42.000 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Tại các huyện, thị phía Nam trong tỉnh Bình Thuận, giá heo hơi đã tăng mạnh trở lại trong mấy ngày qua, lên tới 42.000- 43.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg so với đầu tháng 8 này. Giá tăng ở mức cao đã cho nhiều người nuôi ở khu vực nông thôn có mức lãi khá, sau thời gian dài thua lỗ do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi khiến giá heo hơi xuống thấp. Tuy nhiên, theo các chủ gia trại cho biết, số lượng heo thịt trên địa bàn không còn nhiều, bởi người nuôi đã xuất bán từ các tháng trước, giảm đàn trước nguy cơ dịch bệnh chưa chấm dứt… Trong khi đó, có hiện tượng tiểu thương trong, ngoài tỉnh gom heo thịt chở ra phía Bắc, sau đó một số xe tiếp tục lên khu vực biên giới để bán cho các thương lái Trung Quốc. Được biết, giá heo hơi tăng nhanh tại các tỉnh phía Nam đang khiến chênh lệch giá heo hơi giữa hai miền Nam - Bắc ngắn lại.

Giá thịt heo bán lẻ đã tăng lên.

Hiện giá heo hơi tăng khiến giá heo thịt bán lẻ tại các chợ nông thôn, thành thị tăng lên 5.000 đồng/kg, dao động ở mức 70.000 đồng - 90.000 đồng/kg (tùy loại).

Thụy Khanh

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop