Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 01 năm 2016

 

 

 

 

 

Hậu Giang: Nghịch lý mía cuối vụ

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang bước vào giai đoạn thu hoạch mía cuối vụ; tuy nhiên, có một nghịch lý đang diễn ra là nhiều diện tích mía đã quá ngày thu hoạch nhưng bà con rất khó tìm thương lái để bán, trong khi nhà máy đường thì “than” thường xuyên thiếu nguồn mía nguyên liệu trong quá trình sản xuất. Vì sao?

 

 

Hiện ruộng mía của ông Thanh có không ít cây mía bị khô đọt và chết do quá ngày thu hoạch.

 

Trái hẳn với không khí nhộn nhịp vào thời điểm đầu hoặc giữa vụ thu hoạch khi nhiều nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và một phần thành phố Vị Thanh cảm thấy phấn khởi vì mía được mùa, bán giá cao thì càng về cuối vụ, bà con bán mía càng khó khăn, giá bị tuột giảm nên gây nhiều lo lắng cho nông dân. Điển hình như trường hợp của ông Đỗ Chí Thanh, ở ấp Thạnh Bình, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh. Mặc dù, gia đình chỉ có 4 công mía (giống K88-92) nhưng gần một tháng nay, ông Thanh phải chạy khắp nơi để tìm thương lái bán mía nhưng không có thương lái nào chịu gật đầu, có chăng thì cũng bị hẹn lần hẹn lựa rồi trôi qua.

 

Nhìn về ruộng mía đang dần bị chết khô của gia đình mà không biết làm gì hơn, ông Đỗ Chí Thanh xót xa, cho biết: “Tôi nhớ không lầm là đã có hơn 8 lần thương lái xin dời ngày đốn mía và đến nay vẫn chưa thu hoạch được. Do chưa bán được mía nên gia đình tôi hiện như đang ngồi trên đống lửa bởi mía đã quá ngày thu hoạch (mía đã trên 13 tháng), nhiều cây đã bị héo đọt và chết lần lần, chưa kể tình trạng bị chuột cắn phá nên khả năng bị thiệt hại trên 20% khi thu hoạch là điều khó tránh khỏi. Mấy hôm nay, tuy đã kiếm được thương lái mua với giá 920 đồng/kg (giảm 130 đồng/kg so với lần đặt cọc trước) và hẹn trong tuần này đốn mía nhưng chừng nào đến mới hay”.

 

Hiện tại, không riêng gì ông Thanh mà hầu hết các hộ dân còn mía chưa thu hoạch trong thời điểm này trên địa bàn thành phố Vị Thanh đều rơi vào hoàn cảnh tương tự. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, nguyên nhân dẫn đến việc thương lái cứ hẹn ngày đốn mía và quay lưng với người dân là do họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn khi thường xuyên bị thua lỗ vì mía đem ra nhà máy không có chữ đường (CCS) cao, trong khi mía đã cuối vụ.

 

Thông tin từ cánh thương lái đang thu mua mía trên địa bàn thành phố Vị Thanh, cùng thời điểm này năm trước, mía đem ra nhà máy đạt chữ đường từ 10-11 CCS; riêng năm nay, cũng cùng một loại giống nhưng CCS hiện được nhà máy đường công bố cao nhất chỉ đạt 8 - 9, có khi còn 6 - 7, từ đó, thương lái nào cũng bị thua lỗ nặng, có người lỗ đến 65.000 đồng/tấn mía nên không ai dám đi mua mía nữa. “Mía đốn hồi đầu tháng 10 năm nay, đem ra nhà máy “xổ” được 10,6 CCS, đến tháng 11 giảm xuống còn 9 CCS, đến nay mía đã 13 tháng mà chỉ có 8 - 9 CCS là một điều nghịch lý vô cùng”, một thương lái thông tin thêm.

 

Cũng theo bà con trồng mía trên địa bàn thành phố Vị Thanh, vào thời điểm đầu vụ thu hoạch (khoảng giữa tháng 11), không khí mùa vụ nơi đây cũng rất nhộn nhịp như bao cánh đồng mía ở các địa phương khác, thương lái đến đặt tiền cọc với giá thu mua 1.050 đồng/kg nên ai nấy đều phấn khởi, cứ nghĩ rằng đến cuối vụ giá mía vẫn ổn định hoặc nhích lên do mía đã chín và đạt CCS cao, nhưng nào ngờ giá lại giảm mạnh mà lại không có người mua. Bên cạnh đó, đa phần bà con trồng mía ở khu vực này đều được Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) ký hợp đồng bao tiêu vào đầu vụ và có ấn định thời gian thu hoạch ghi trên phiếu ưu đãi giao mía. Việc ấn định thời gian thu hoạch có nghĩa là công ty đã tính toán và xác định được thời gian mía chín, CCS đảm bảo; nhưng trên thực tế, do bất cập trong việc đo CCS nên nhiều hộ có quy định thời gian giao mía trong tháng 12 năm 2015, nhưng đến nay vẫn còn nằm chờ ngoài đồng.

 

Nếu như người dân đang nóng lòng muốn bán mía sớm vì mía đã quá ngày thu hoạch, nhiều nơi bị trổ cờ thì tại các nhà máy đường lại xảy ra tình trạng thường xuyên thiếu hụt nguồn mía nguyên liệu trong quá trình sản xuất. Đây thật sự là một bất cập lớn trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Thông tin từ lãnh đạo Casuco, cho biết: Khoảng một tháng nay, hai nhà máy đường thuộc Casuco thường xuyên phải ngưng ép do đứt nguồn nguyên liệu mía. Hiện tại, Nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ hoạt động vài giờ thì phải dừng, còn tại Xí nghiệp đường Vị Thanh thì chạy được 2 - 3 ngày rồi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

 

Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch hơn 10.800ha mía trong tổng số 11.500ha xuống giống. Mặc dù diện tích mía chưa thu hoạch không còn nhiều (chủ yếu ở thành phố Vị Thanh), nhưng do một vài bất cập nên tiến độ thu hoạch mía hiện nay rất chậm trong sự lo lắng của người dân. Một trong những bất cập lớn cứ lặp đi lặp lại ở nhiều vụ mía qua và hiện vẫn chưa có hồi kết mặc dù ngành chức năng đã có những giải pháp là việc đo CCS tại các nhà máy đường. Hiện người trồng mía mong ngành chức năng tiếp tục có những biện pháp hiệu quả hơn để bảo vệ quyền lợi người dân, trước mắt là những hộ còn mía chưa đốn và đang bị trổ cờ, mía dần khô héo ngoài đồng như hiện nay…

 

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Chi cục), thuộc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Nhằm đảm bảo vấn đề minh bạch trong việc đo CCS tại các nhà máy đường, từ đầu vụ sản xuất đến nay, Chi cục đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tổ chức 3 cuộc kiểm tra và lấy 10 mẫu nước mía tại các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh gửi đi cơ quan chức năng kiểm tra. Kết quả, CCS được công bố tại các nhà máy đường cho thương lái so với mẫu đoàn gửi đi kiểm tra không có sự chênh lệch, có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc người dân phản ánh hiện CCS được các nhà máy đường đo đạc thấp, bà con có thể gửi kết quả đo CCS được các nhà máy ghi trên phiếu tính tiền lên Chi cục, chúng tôi sẽ tiến hành thành lập đoàn đi kiểm tra theo phản ánh của bà con…

 

TUẤN PHÁT

 

Niềm vui được mùa

 

Nguồn tin: Báo Cà Mau

 

Ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vào những ngày này bà con tất bật thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm. Vụ lúa năm nay trúng giá nên ai nấy đều phấn khởi.

 

Vừa thu hoạch xong 2/3 diện tích lúa - tôm, anh Nguyễn Thanh Dũng cho biết, vụ lúa - tôm năm nay gia đình anh sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích 1,2 ha, giống Một bụi đỏ. Theo ước tính của anh, năng suất đạt 3,5 tấn/ha. “Nắng hạn kéo dài, lượng mưa ít làm cho khâu rửa mặn, xổ phèn không triệt để, thêm vào đó, lúa bị bệnh sâu đục thân làm giảm năng suất nhưng bù lại được giá”, anh Dũng bộc bạch.

 

 

Nông dân ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm.

 

Qua buổi làm việc trực tiếp với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau (đơn vị anh và nhiều bà con liên hệ để bán lúa bốn năm nay), anh Dũng cho biết, hiện tại 1 kg lúa giống được thu mua với giá 7.300 đồng (năm trước là 7.250 đồng). Với giá này, vụ lúa năm nay, sau khi trừ chi phí, anh Dũng còn lời 15 triệu đồng/ha. Không chỉ vui niềm vui lúa có giá mà anh Dũng còn mừng thầm vì qua kinh nghiệm nhiều năm của anh, miễn được vụ lúa thì trúng vụ tôm. Năm trước, riêng vụ tôm gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng.

 

Cũng tham gia cánh đồng lớn luân canh lúa - tôm, mấy ngày nay anh Nguyễn Hữu Duy cũng đang cùng nhân công thu hoạch 3 ha lúa đang chín rộ. Hiện tại cắt xong hơn 90% diện tích. Tuy lúa chưa suốt nhưng theo kinh nghiệm, anh Duy cho biết, bình quân một công tầm lớn khoảng 25 giạ. “Đạt được năng suất như vậy là tôi thấy vui rồi. Bởi thời tiết sản xuất vụ lúa - tôm năm nay không thuận lợi. Hơn nữa, có lúa thì vụ tôm kế tiếp chắc chắn là có ăn”.

 

Sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn luân canh lúa - tôm, tất cả các khâu sản xuất từ tát nước, phơi đầm, gieo mạ, xuống giống đều được thực hiện đồng loạt, bón phân theo quy định, chính vì vậy, chi phí sản xuất giảm đáng kể, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Anh Duy cho biết, những năm trước mạnh ai nấy làm, khi tát nước, anh làm trước hộ kế bên làm sau, mà bờ vuông của anh thấp, bị mội, tiền dầu vì thế cũng tăng theo. Bón phân không đúng cách, đúng liều lượng làm tăng chi phí. “Năm tới, nếu có chủ trương của Nhà nước, tôi sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này”, anh Duy khẳng định.

 

Anh Từ Thanh Tùng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Hiện nay, nông dân thu hoạch được 30% diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn luân canh lúa - tôm. Nhìn chung, do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết nên năng suất vụ lúa năm nay chỉ đạt từ 3 - 3,5 tấn/ha. Về mặt giá cả, đối với nhiều bà con có hợp đồng bán lúa giống cho Trung tâm Giống tỉnh Cà Mau mấy năm nay, hiện giá lúa 7.300 đồng/kg, còn đối với các hộ bán lúa thương phẩm cũng đang liên hệ với các nhà máy ở Cà Mau, giá cũng cao hơn vì lúa sản xuất theo tiêu chuẩn lúa sạch. Tuy năng suất có thấp nhưng bà con cũng cảm thấy phấn khởi vì lúa bán có giá, hơn nữa, được mùa lúa hứa hẹn sẽ trúng thêm vụ tôm. Dự kiến đến 25 tháng Chạp âm lịch là bà con sẽ thu hoạch dứt điểm”.

 

Mô hình cánh đồng lớn luân canh lúa - tôm lần đầu tiên được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Mô hình này đang mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân vùng chuyển dịch. Sản xuất đồng loạt không chỉ giúp nông dân giảm bớt chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, tăng thu nhập mà còn góp phần phát huy tinh thần hợp tác trong sản xuất. Được vụ lúa, người dân đang kỳ vọng sẽ trúng thêm vụ tôm./.

 

Ngọc Minh

 

Bắc Giang: Nấm Lạng Giang có nhãn hiệu tập thể

 

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

 

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể sản phẩm "Nấm Lạng Giang" cho Hội Sản xuất và tiêu thụ Nấm Lạng Giang.

 

Huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã hình thành được vùng sản xuất nấm tập trung tại 6 xã: Tiên Lục, Nghĩa Hưng, Tân Dĩnh, Phi Mô, Tân Thanh, Mỹ Hà với 276 hộ tham gia; diện tích hơn 46 nghìn m2; tổng sản lượng nấm các loại trung bình đạt gần 49 nghìn tấn/năm; doanh thu đạt hơn 23 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 15 tỷ đồng.

 

Hoàng Thoa

 

Gieo cấy mạ khay, giảm giống, giảm công và tăng năng suất

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Năm 2015 HTX dịch vụ nông nghiệp thị trấn Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đầu tư mua 2 máy cấy trị giá 180 triệu đồng, trong đó 50% nhà nước hỗ trợ. Vụ xuân năm 2016, HTX tiếp tục triển khai dịch vụ cấy mạ khay cho nông dân với 10 ha.

 

 

Áp dụng công nghệ cao vào bắc mạ khay tiết kiệm được chi phí do độ nảy mầm và độ đồng đều cao hơn phương phương pháp bắng mạ truyền thống trên ruộng. Lượng giống gieo trên khay cũng tiết kiệm được nhiều hơn. Tỷ lệ mạ sống đạt 100% do được tưới ẩm chăm sóc hàng ngày, trong khi bắc ở ruộng tỷ này chỉ đạt khoảng 70% - 80%.

 

 

Đất để bắc mạ khay được HTX lấy từ vùng đất đỏ bazan Nghĩa Đàn về xay nhuyễn trộn với lân, phân vi sinh và mùn cưa để đảm bảo độ tơi xốp và đủ dinh dưỡng cho mạ phát triển.

 

 

Hơn 2000 khay mạ đang được HTX chăm sóc tốt chờ ngày đưa ra ruộng cấy bằng máy.

 

 

Mạ được bắc trong khay thuận tiện cho việc tưới ẩm, chăm sóc và quản lý dịch bệnh. Lúa giống được hộ dân đưa đến, HTX chịu tránh nhiệm ngâm ủ chăm sóc phòng trừ sâu bệnh và đưa ra ruộng cấy.

 

 

Cán bộ HTX đang chăm sóc mạ theo qui trình kỹ thuật

 

 

Mạ được phủ ni lon từ trên cao để chống rét

 

 

Chi phí để bắc mạ khay và cấy bằng máy mỗi sào chỉ hết 200 ngàn đồng. Trong khi đó nếu bắc mạ và cấy bằng phương pháp truyền thống mỗi sào người nông dân phải chi hết hơn 400 ngàn đồng chưa kể tiền giống. Trong ảnh: cán bộ HTX kiểm tra lại máy cấy chuẩn bị sẵn sàng cho vụ xuân 2016

 

 

Từ năm 2015 HTX dịch vụ NN thị trấn Hưng Nguyên đã đưa vào sản xuất mạ khay và cấy máy. ảnh: C.L

 

Thanh Tâm

 

Xi măng không phải chất cải tạo đất càng không phải phân bón

 

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

 

Thành phần của xi măng bao gồm Ca, Si, Fe, Al... Nằm trong các khoáng C2S, C3S, C3A, C5AF... Hoàn toàn không tan trong nước và trong dịch rễ cây, nếu bón vào đất còn làm hại đất.

 

Thời gian gần đây ngành nông nghiệp rộ lên thông tin một số hộ nông dân tại tỉnh Đồng Tháp dùng xi măng thay cho phân bón tạo ra những tranh cãi nhất định. Nhân vụ việc này, một số chuyên gia có ý kiến giúp nông dân phân biệt được giữa xi măng, chất cải tạo đất và phân bón.

 

Nguy hiểm khôn lường

 

Tổng GĐ Cty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển, Hoàng Văn Tại khẳng định, xi măng là chất kết dính dùng trong xây dựng, hoàn toàn không liên quan đến phân bón và chất cải tạo đất. Nguyên liệu chính để sản xuất xi măng là đất sét, đá vôi và một số phụ gia khác.

 

Cũng theo ông Tại, thành phần của xi măng bao gồm Ca, Si, Fe, Al... Nằm trong các khoáng C2S, C3S, C3A, C5AF... Hoàn toàn không tan trong nước và trong dịch rễ cây nên không có tác dụng với cây trồng và cũng không có tác dụng cải tạo đất. Ngược lại nếu bón vào đất còn làm hại đất.

 

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Mạnh Ninh, GĐ Cty CP Phân lân Ninh Bình cảnh báo, do là chất kết dính nên nếu nông dân bón xi măng xuống đồng ruộng, khi gặp nước các chất khoáng xi măng sẽ đóng rắn thành khối rắn chắc sẽ làm chai cứng đất, thoái hóa đất rất khó để cải tạo lại như cũ.

 

Bổ sung chi tiết khoa học khẳng định xi măng không phải phân bón, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới (Sở KH-CN TP.HCM) cho rằng, việc một số hộ nông dân ở Đồng Tháp dùng xi măng làm phân bón cho lúa và một số hộ nông dân ở Bình Định bón cho lạc (đậu phộng) rất nguy hiểm vì trong thành phần của xi măng có các thành phần làm ảnh hưởng tới sức khỏe của cây trồng và đất trồng.

 

Đáng kể nhất là 2 nguyên tố Al và Fe (có trong 3CaO.Al2O3 và 4CaO.Al2O3.Fe2O3) sẽ bị phóng thích ra khi pH đất xuống thấp (khi pH < 4) và trở thành 2 độc tố nguy hiểm cho cây sống trong điều kiện đất phèn vậy.

 

Do vậy, theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, nếu sử dụng xi măng bón cho lúa và cho lạc như một số bà con nông dân đã bón có thể ở một hai vụ đầu thấy tốt, nhưng nếu tiếp tục bón vô cùng nguy hại đến sức khỏe của đất trồng.

 

 

 

Việc dùng xi măng thay phân bón sẽ khiến đất bị ngộ độc, suy thoái nặng nề

 

Bản chất của chất cải tạo đất

 

Nhân việc người nông dân dũng xi măng bón cho lúa và lạc, Tổng GĐ Hoàng Văn Tại đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ giữa chất cải tạo đất và phân bón. Bởi phân bón là các sản phẩm chế biến chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng như N, P2O5, K2O, CaO, MgO, S, Fe, Zn, Cu, B, Mo... dưới dạng dễ tiêu mà khi bón vào đất cây cối dễ dàng hấp thụ để sinh trưởng.

 

Còn chất cải tạo đất gồm các sản phẩm sẵn có trong tự nhiên hoặc chế biến đưa vào đất nhằm mục đích cải tạo một số tính chất nào đó của đất. Ví dụ, để khử chua ta dùng vôi bột; để chống lầy thụt có thể dùng phốt phát hoặc apatit nghiền; để tăng độ mùn, xốp ta dùng xác thực vật hoai mục, trồng cây che phủ; để rửa mặn ta dùng nước ngọt "ém phèn tầng sâu, rửa phèn tầng mặt"...

 

Một trong những điều kiện để trở thành chất cải tạo đất là chúng có thể chứa các chất dinh dưỡng ở mức thấp chưa đến ngưỡng để đươc coi như là phân bón và không hoặc chứa rất ít các thành phần có hại cho đất như có thể phá huỷ kết cấu, chứa kim loại nặng độc hại...

 

Tuy nhiên, nếu người nông dân dùng chất cải tạo đất sai mục đích, không phù hợp với loại đất và mục đích cải tạo; lạm dụng, sử dụng quá nhiều... sẽ lại gây hại cho đất và cây trồng.

 

Đặc biệt, gần đây những nhà quản lý nông nghiệp có sự nhầm lẫn xếp chất cải tạo đất vào cùng danh mục với các loại phân bón. Điều này cực kỳ nguy hiểm trong quản lý và cải tạo đất đai, đánh đồng phân bón với chất cải tạo đất và là nguyên nhân bùng phát các loại phân bón rởm giả, chất cải tạo đất đội lốt phân bón như lân vôi canxi, lân supe canxi, vôi lân canxi magie silic... Nhưng thành phần chỉ là nghiền đá đôlomit, đá secpentin, cao lanh, đá vôi chưa qua chế biến.

 

“Thực tế vừa qua báo chí phản ánh về các sản phẩm phân bón trung vi lượng đội lốt phân lân làm loạn Tây Nguyên nhưng thực ra chỉ là chất cải tạo đất. Bằng chiêu khuyến mại, chiết khấu cao đánh vào lòng tham các đại lý lừa nông dân để lãi nhiều.

 

Nếu nông dân chỉ mua sử dụng ít thì ảnh hưởng nhỏ, nhưng nhiều người tham rẻ sử dùng nhiều thì đúng là tiền mất, tật mang, vườn cây rụng lá, rụng quả, thậm chí chết cây và ruộng nương, đất đai thì hỏng, chưa biết bao giờ mới khắc phục trở lại.

 

Thực tế, khi một đơn vị quản lý nhà nước dự định xếp chất cải tạo đất vào cùng danh mục phân bón, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, nhưng rồi điều tồi tệ này cuối cùng vẫn xảy ra nên giờ đây sẽ mất nhiều thời gian khắc phục lại sai lầm này”, ông Hoàng Văn Tại.

 

“Phân bón là thức ăn cho cây và cũng có thể là chất cải tạo đất. Chất cải tạo đất thì có thể chỉ đơn tác dụng và cũng có chất đa tác dụng. Người nông dân phải đọc kỹ công dụng, thành phần và hướng dẫn trên bao bì để hiểu tác dụng chính”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa khuyến cáo.

 

“Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại chất cải tạo đất khác nhau gồm chất khử chua phèn như vôi, đá vôi nghiền; chất khử kiềm như thạch cao...; chất giữ ẩm; chất tăng độ mùn hữu cơ như: mùn rác, rơm rạ, than bùn.... Nhưng xi măng không có bất cứ tài liệu nào liệt vào danh sách này cả. Việc dùng xi măng làm phân bón chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam mà thôi!”, ông Hoàng Văn Tại.

 

NGUYÊN HUÂN

 

Giải bài toán cho cây mía

 

Nguồn tin: Đại Đoàn Kết

 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, niên vụ 2015 - 2016 tổng diện tích mía trồng của tỉnh chỉ đạt gần 10.000 ha, giảm trên 7.000 ha (tức giảm khoảng 40% tổng diện tích mía) so với niên vụ trước.

 

 

Niên vụ mía mới.

 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tổng diện tích mía của tỉnh giảm mạnh, chủ yếu là do sâu bệnh hoành hành, giá mía thu mua đầu vào của các nhà máy đường trong tỉnh giảm so với niên vụ trước. Trong khi đó, các chi phí sản xuất như phân diêm, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển đều tăng… dẫn đến người dân trồng mía bị thua lỗ nặng nên đã chủ động chuyển sang trồng sắn, ngô và một số loại cây trồng thay thế khác với hi vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Thế nhưng, nếu cây mía được chăm sóc tốt thì năng suất, chữ đường cao, giảm chi phí… để việc trồng mía sẽ có lời cao là tất yếu nhưng cũng là một bài toán khó cho chính quyền, các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu.

 

Mía là cây trồng cạn nhưng lại rất “khát” nước, nước chiếm trên 70% khối lượng cây mía thu hoạch. Tuy nhiên, lâu nay, việc trồng mía của người dân ở nhiều địa phương vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước trời, rất ít ruộng mía được tưới nước đều đặn theo chu kỳ sinh trưởng của cây mía.

 

GS Võ Tòng Xuân, thừa nhận: Chỉ cần qua khâu tưới mía của hầu hết bà con trồng mía tôi thấy lạ, lạ ở đây chính là người trồng mía thường xuống hom vào mùa khô và chờ 3 – 4 tháng để “nhờ” trời mưa, có thể nói là không tưới vào mùa khô mà lại bị ngập úng vào mùa mưa. Trong khi đó, nếu tưới từ đầu thì với khoảng thời gian trên đã giúp cho cây mía phát triển tốt.

 

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó TGĐ phụ trách nông nghiệp, Cty CP mía đường Thành Công - Tây Ninh, cho rằng: Với đặc thù của cây mía, tuy trồng 1 năm mới cho thu hoạch nhưng thực chất cây mía chỉ phát triển trong khoảng thời gian 6 - 8 tháng nếu được chăm sóc tốt. Tỉnh Tây Ninh có đặc điểm khí hậu 2 mùa mưa nắng rõ rệt.

 

Cho nên, việc tưới mía vào mùa khô là biện pháp hữu hiệu, giúp tăng thời gian sinh trưởng, tăng số cây mía, góp phần tăng năng suất cây mía cũng như trữ đường. Ngược lại, nếu thiếu nước, cây mía sẽ chậm phát triển, năng suất thấp.

 

Trước thực trạng nhiều vùng nguyên liệu bị thiếu nước trầm trọng vào mùa khô, đặc biệt nhiều cách tưới cũ của bà con gây lãng phí nguồn nước có hạn… Ngoài các chính sách đầu tư nguồn vốn khác cho người trồng mía, Công ty CP mía đường Thành Công – Tây Ninh đã tìm thêm hướng đi mới bằng việc đưa ra nhiều giải pháp, chính sách ưu đãi trong việc tưới mía để người trồng mía chủ động lựa chọn phù hợp với điều kiên kinh tế của mình.

 

Cụ thể như: Ứng vốn lắp bình hạ thế, kéo đường điện phục vụ tưới với định mức 7 triệu đồng/ha trên diện tích hưởng lợi của công trình; ứng vốn thâm canh phục vụ tưới mía tối đa 8 triệu đồng/ha. Đặc biết, ứng vốn lắp đặt hệ thống tưới béc quay với mức 15 triệu đồng/ha; Đầu tư không hoàn lại với định mức 2 triệu đồng/ha cho việc hạ bình điện phục vụ tưới mía, và cho việc lắp đặt hệ thống tưới béc quay.

 

Hiện trên thực tế, nhiều bà con trồng mía vẫn đang áp dụng các loại hình tưới như: Tưới dây phun Đài Loan; tưới súng; tưới ngầm; tưới tràn; tưới nhỏ giọt… với mỗi hình thức tưới đều có những ưu nhược điểm riêng. Nhưng, nhìn chung về lâu dài sẽ không đem lại hiệu quả cao, tốn nhân công, tuổi thọ sử dụng không cao và chỉ phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây mía, chẳng hạn như tưới dây phun của Đài Loan thì khi cây mía lên cao khó thực hiện tưới được.

 

Theo ông Hùng, bà con nông dân nên mạnh dạn đầu tư vào hệ thống tưới béc quay cố định sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với các hình thức tưới khác, với những ưu việt mang lại, lượng nước nhiều và đều, giảm chi phí nhân công, tiết kiệm nước và nhiên liệu, thời gian sử dụng 6 – 7 năm. Mặc dù, chi phí ban đầu hơi cao, khó triển khai trên diện tích thuê. Chính vì thế, Công ty đã có chính sách hỗ trợ gần như toàn bộ giá trị của hệ thống tưới béc khoảng 15 triệu đồng/ha cho bà con. Qua quá trình sử dụng hệ thống tưới béc, kết quả cho thấy, cây mía tăng năng suất từ 22 – 25 tấn/ha so với mía không tưới. Và, tăng hơn 10 tấn/ha so với tưới bằng các hình thức khác, vì thế khả năng thu hồi vốn là rất cao.

 

Niên vụ vừa qua, niềm vui, nụ cười của người trồng mía ở các huyện Châu Thành và Tân Biên là kết quả của việc chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật đến cây mía, trong đó có áp dụng đâu tư hệ thống tưới béc quay.

 

Ngoài các chính sách đầu tư nguồn vốn cho người trồng mía như: Cây giống, phân diêm, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới tiêu, bao tiêu trữ đường… thì doanh nghiệp luôn chủ động cập nhật thông tin thị trường để chia sẽ lợi ích, tăng thêm thu nhập cho nông dân, ngoài việc giữ và phát triển thêm diện tích trồng mía. Có thể nói, với sự quan tâm của chính quyền, các công ty thu mua nguyên liệu đến người trồng mía, hy vọng cây mía Tây Ninh sẽ phát triển bền vững.

 

Hồng Quân

 

Nhiều rào cản trong phát triển cây đậu nành

 

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi

 

Quảng Ngãi có Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) tiêu thụ gần 20.000 tấn đậu nành/năm đứng chân và có Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) lớn nhất cả nước. Thế nhưng, hiện tại Quảng Ngãi vẫn chưa có vùng nguyên liệu đậu nành. Đây là một sự thiệt thòi với cả Vinasoy và nông dân trong tỉnh.

 

Rào cản từ giống, diện tích

 

“Trồng đậu nành cũng được. Nhưng đậu nành sẻ của mình bị sâu quá, năng suất chỉ 50 – 70 kg/sào không đủ tiền công”, bà Trần Thị Xanh, thôn 2, xã Đức Tân (Mộ Đức) giãi bày lý do bỏ đậu nành, trồng đậu xanh xen bắp lai của mình. Không chỉ bà Xanh, mà thực tế nông dân trên địa bàn tỉnh không chú ý đến cây đậu nành. Nếu có cũng chỉ là trồng xen canh với bắp, đậu phụng để sử dụng trong gia đình. Thế nên, khi chúng tôi đặt vấn đề “trồng đậu nành bán cho Vinasoy”, nhiều hộ nói thẳng: "Muốn có đậu để bán phải tìm giống nào ít sâu bệnh. Chứ đậu nành sẻ thì chịu, không ai dám làm!".

 

 

Dù có Công ty Vinasoy tiêu thụ gần 20.000 tấn đậu nành mỗi năm đóng chân trên địa bàn, nhưng cây đậu nành vẫn chưa phát triển tại Quảng Ngãi.

 

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Minh Hường: “Cây đậu nành chưa hấp dẫn nông dân là do năng suất thấp, dễ nhiễm sâu bệnh”. Thực tế không chỉ riêng Quảng Ngãi mà trong cả nước, chưa có giống đậu nành nào cho năng suất trên 2 tấn/ha. Điều này khiến đậu nành khó cạnh tranh với các loại cây trồng khác, đặc biệt là bắp lai. Bởi, năng suất bắp lai hiện đạt 6 – 8 tấn/ha, thu nhập của nông dân vì thế cũng được 36 – 48 triệu đồng/ha. Trong khi đó, với cùng diện tích nhưng năng suất đậu nành chỉ 1 – 1,5 tấn/ha, với giá do Vinasoy thu mua là 18.000 đồng/kg (loại 1) thì thu nhập của nông dân cũng chỉ 18 - 27 triệu đồng/ha.

 

Ngoài giống thì diện tích nhỏ lẻ cũng "cản bước tiến" của đậu nành. Bởi, trong xu thế hội nhập, muốn giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập thì chỉ còn cách ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Song, với bình quân diện tích đất nông nghiệp 2.000m2/hộ nên rất khó thực hiện việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ. Đã thế, quan điểm của nông dân trong tỉnh thì lúa vẫn là chính, còn các loại khác – trong đó có đậu nành chỉ là phụ nên “được thì làm, không được thì thôi”. Và, “chính tư duy sản xuất này đã tạo khoảng cách giữa doanh nghiệp và nông dân; đồng thời cản trở cơ hội phát triển của một số loại cây trồng vốn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn lúa”, ông Trần Thiên Thanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa nhìn nhận.

 

Cần có "cái bắt tay giữa 3 nhà”

 

Mỗi năm, Vinasoy tiêu thụ gần 20.000 tấn đậu nành nguyên liệu, trong đó sản lượng nhập khẩu chiếm 20%. Tuy nhiên, với mong muốn tạo dựng vùng nguyên liệu tại chỗ, giảm áp lực thời gian và chi phí vận chuyển cũng như đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm đậu nành, Vinasoy đã thành lập Trung tâm VSAC nhằm nghiên cứu, lai tạo cho ra đời những giống đậu nành có năng suất cao, phẩm chất tốt; đồng thời phục tráng các đặc tính tốt của giống đậu nành địa phương. Bởi, “đậu nành địa phương thơm, ngon hơn so với loại nhập khẩu; lại phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Việt Nam nên sẽ không "làm khó" nông dân. Vì vậy, nếu công tác phục tráng thành công, sẽ góp phần rất lớn vào việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững cho Công ty”, ông Ngô Văn Tụ- Giám đốc Công ty Vinasoy khẳng định.

 

Với mục tiêu trên, VSAC hứa hẹn sẽ cho ra đời các giống đậu nành năng suất cao, kháng bệnh tốt để trong vòng 3 – 5 năm tới thu hút đông đảo nông dân trong tỉnh tham gia trồng đậu nành. Điều này đồng nghĩa với "rào cản" về giống đã được Vinasoy tháo gỡ. Nhưng, cản trở về phía diện tích thì lại cần cái “bắt tay” hợp tác giữa chính quyền, nông dân và Vinasoy. Bởi, Công ty có thể hỗ trợ nông dân máy móc, kỹ thuật ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch, nhưng muốn hình thành vùng sản xuất tập trung thì yếu tố tiên quyết là phải tích tụ ruộng đất, thực hiện dồn điền đổi thửa.

 

Điều này, theo ông Trần Thiên Thanh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa là: "Do đậu nành dễ nhiễm sâu bệnh nên muốn hạn chế khiếm khuyết này, nông dân cần phải ứng dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cùng một diện tích tập trung. Hơn nữa, thời gian thu hoạch đậu nành rất ngắn, chỉ từ 7 – 10 ngày sau khi chín. Vì vậy, nếu không ứng dụng cơ giới hóa, sẽ không nâng cao được hiệu quả sản xuất cũng như thu nhập cho nông dân. Biết thế nhưng hiện giờ, tiến độ thực hiện dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh quá chậm vì kinh phí thiếu, chính quyền cơ sở cũng thiếu quyết tâm".

 

Vì những rào cản trên, nên dù rất muốn tạo dựng vùng nguyên liệu tại chỗ nhưng Vinasoy đành xếp việc này vào diện “khó, để sau”, còn việc “dễ” cần thực hiện trước là tập trung xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để sớm vượt con số 8.000ha.

 

Từ cây đậu nành, những bất cập mang tính trầm kha trong sản xuất nông nghiệp trên địa tỉnh càng hiện rõ. Đó là những loại cây trồng có đầu ra ổn định thì không được chính quyền quy hoạch, nông dân ủng hộ; còn các loại phụ thuộc vào thương lái, đầu ra bấp bênh bà con lại ồ ạt trồng. Đây cũng là thực trạng chung của toàn ngành nông nghiệp hiện nay.

 

MỸ HOA

 

Mưa trái mùa kéo dài gần 2 giờ

 

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

 

Khoảng 16 giờ ngày 18-1, một cơn mưa lớn trên diện rộng kéo dài gần 2 giờ đồng hồ xuất hiện tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Cơn mưa xuất hiện sau những ngày nắng nóng oi bức đã làm cho không khí địa phương mát mẻ trở lại, hàng trăm hécta cây trồng, như: điều, chôm chôm, sầu riêng... được “giải nhiệt”.

 

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Thống Nhất, cơn mưa này sẽ giúp cho nông dân giảm được nhiều chi phí cho việc tưới nước cho cây trồng, mưa cũng không ảnh hưởng gì đến việc ra hoa đậu trái của cây điều, bởi cơn mưa xuất hiện vào thời điểm chiều tối, khi hoa điều đã đuợc thụ phấn, nhưng nếu mưa kéo dài nhiều ngày vào buổi trưa sẽ làm cho cây điều dễ bị ảnh hưởng do khi nắng nóng oi bức gặp mưa sẽ bị khô bông...

 

Hoàng Nguyên

 

Hiệu quả mô hình táo - nấm rơm

 

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

 

Chị Thống Nhị Thêm trồng thử nghiệm mô hình táo- nấm rơm trên đất vườn thuộc địa bàn thôn Láng Ngựa, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận). Mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng mới đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập, phù hợp điều kiện canh tác của nông dân địa phương.

 

 

Chị Thống Nhị Thêm kiểm tra độ phát triển của nấm rơm.

 

Trao đổi với Thống Nhị Thêm, chúng tôi được biết chị là nông dân đầu tiên của xã Nhơn Sơn trồng thử nghiệm mô hình táo- nấm rơm. Trong một chuyến vô Tiền Giang thăm người em trai, chị Thêm thấy nông dân ở gần nhà cậu em làm giàu từ nghề trồng nấm rơm. Chị lân la hỏi thăm kinh nghiệm làm ăn của bà con và tìm mua sách hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm rơm. Trước lúc trở về Phan Rang, chị mua một bịch meo nấm đưa về quê trồng thử nghiệm. Tháng 11- 2015, chị sử dụng rơm hoai trải thành luống ngang 1 mét, dài 7 mét, dày khoảng 15cm dưới bóng vườn táo rợp mát. Mặt luống được phủ bạt từ lúc trời nắng đến chiều mát tháo bạt ra cho thông thoáng kết hợp tưới nước. Chị áp dụng quy trình trồng nấm theo sách hướng dẫn và kinh nghiệm truyền đạt của bà con ở tỉnh Tiền Giang.

 

Điều bất ngờ đối với chị Thêm lần đầu trồng thử nghiệm nấm rơm dưới vườn táo chỉ sau 15 ngày kể từ lúc cấy meo là nấm mọc dày, có cây to bằng tách uống trà. Chị Thêm thu hoạch 2 lứa trong thời gian 30 ngày được 6 kg nấm bán cho bà con quanh vùng với giá 60 ngàn đồng/kg. Tiền vốn mua 1 bịch meo nấm chỉ 25 ngàn đồng, sau một tháng trồng nấm dưới vườn táo cho thu nhập 360 ngàn đồng, lợi nhuận cao hơn 10 lần số vốn đầu tư. Nhìn thấy hiệu quả bất ngờ do nấm rơm đem lại, chị tiếp tục làm 11 luống dưới vườn táo và gởi mua meo giống về cấy từ đầu tháng 1- 2016 đến nay. Sau một tuần chăm sóc chu đáo meo nấm phát triển rất tốt, dự kiến thu hoạch lứa đầu vào ngày 22-1.

 

 

Chị Thống Nhị Thêm chăm sóc nấm rơm trồng dưới tán lá vườn táo.

 

Thống Nhị Thêm cho biết gia đình chị canh tác 1,5 sào táo đang bắt đầu thu hoạch cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chị quyết tâm thực hiện thành công mô hình táo- nấm rơm. Tận dụng nguồn rơm canh tác 5 sào ruộng lúa vừa nuôi 5 con bò nái sinh sản lai sind vừa làm nguyên liệu trồng nấm rơm dưới vườn táo vừa sạch cỏ vừa tận dụng đất đai. Sau khi thu hoạch nấm, nguồn rơm hoai mục trở thành phân bón làm cho đất tơi xốp.

 

Anh Cao Hoàng Phi, Trưởng Ban quản lý thôn Láng Ngựa nhận xét chị Thống Nhị Thêm là phụ nữ nêu gương sản xuất giỏi tiêu biểu ở địa phương. Chị thực hiện mô hình táo- nấm rơm bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình chị luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, tích cực góp phần xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển no ấm.

 

Sơn Ngọc

 

Giá dưa hấu tăng trở lại

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

 

Nông dân trồng dưa hấu ở TP Cần Thơ khá phấn khởi khi gần đây giá dưa hấu đã tăng trở lại từ 1.000 - 1.700 đồng/kg so với trước, giúp người trồng dưa hấu có lời.

 

 

Thu hoạch dưa hấu tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

 

Hiện dưa hấu được nhiều nông dân thu hoạch bán ngay tại ruộng cho thương lái ở mức từ 4.000 - 4.200 đồng/kg. Với mức giá hiện tại, sau khi bán dưa trừ đi chi phí, nhiều nhà nông có thể kiếm lời từ 2 - 4 triệu đồng/công dưa, tùy năng suất. Giá dưa hấu tăng được cho là do nhu cầu tiêu thụ đã được cải thiện so với trước khi bước vào các tuần cận Tết Nguyên đán 2016. Hơn nữa, thời gian qua do giá dưa hấu giảm mạnh khiến người trồng bị lỗ vốn nên nhiều nông dân cũng giảm diện tích trồng. Theo nhiều tiêu thương kinh doanh dưa dấu, giá mặt hàng này có khả năng còn tăng trong thời gian tới.

 

Khánh Trung

 

Làm giàu từ thanh long

 

Nguồn tin: Báo Long An

 

Từ 4 công đất, gia đình anh Phan Văn Kỳ, ngụ ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An vươn lên trở thành một trong những hộ khá giả. Bản thân anh nhiều năm liền là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.

 

 

Anh Phan Văn Kỳ bên ruộng thanh long của gia đình

 

Cách đây hơn 10 năm, anh Phan Văn Kỳ cùng một số nông dân trong xã được chính quyền địa phương đưa đi học tập kinh nghiệm về trồng thanh long tại tỉnh Bình Thuận. Sau đó, anh tham gia các lớp dạy nghề về trồng thanh long do Hội Nông dân xã phối hợp các ngành liên quan tổ chức.

 

Anh mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đầu tư trồng thanh long trên 4 công đất của gia đình. Từ thanh long không những gia đình anh trả hết nợ mà còn mua thêm đất, mở rộng diện tích canh tác lên đến 1,8ha, trong đó trồng 2.000 gốc thanh long ruột trắng và 500 gốc thanh long ruột đỏ.

 

Anh Kỳ cho biết: “Với năng suất trung bình 45 tấn/ha/năm/, mấy năm trước, khi thanh long có giá, gia đình tôi thu nhập cả tỉ đồng. Nay thị trường không ổn định nên giá cả không bằng như lúc trước. Nhờ trồng thanh long gia đình tôi khá lên, xây nhà khang trang, sắm sửa vật dụng trong gia đình và nhất là có điều kiện nuôi 3 con đi học”.

 

Anh Kỳ hiện là Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp nên luôn đi đầu trong việc đóng góp các loại quỹ Vì người nghèo, tham gia vận động nông dân đóng góp thành lập mô hình ánh sáng an ninh công cộng...

 

Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Hội - Lê Kim Thủy cho biết: “Anh Kỳ có nhiều đóng góp cho xã, góp phần vận động, tuyên truyền người dân cùng tham gia thực hiện các chủ trương, các phong trào do địa phương phát động”./.

 

Thanh Nga

 

Đồng Tháp: Nông dân vùng màu Lai Vung tất bật thu hoạch vụ dưa lê Tết

 

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

 

Đến vùng màu xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) những ngày cuối năm mới cảm nhận được không khí tất bật, hối hả của ngày Tết đang đến gần. Những cánh đồng dưa lê chín vàng trải dài ngút ngàn chờ ngày thu hoạch, những đôi quang gánh nặng trĩu và bước chân vội vã của bà con nông dân tạo nên một bức tranh ngày mùa rộn ràng.

 

 

Thu hoạch dưa lê ở xã Tân Hòa

 

Nhờ thời tiết năm nay thuận lợi nên nhiều nông dân trồng dưa lê ở Lai Vung phấn khởi khi được mùa và trúng giá. Năm 2015, toàn huyện Lai Vung xuống giống 125ha dưa lê, tập trung nhiều nhất ở vùng màu xã Tân Hòa. Do dưa lê được xuống giống rải đều từng đợt theo yêu cầu của doanh nghiệp nên mùa thu hoạch dưa lê không tập trung mà kéo dài từ cuối tháng 11 âm lịch cho đến gần Tết Nguyên đán.

 

Theo ông Nguyễn Viết Dều - cán bộ nông nghiệp xã Tân Hòa, năm nay vùng màu của địa phương xuống giống 120ha dưa lê, tập trung ở ấp Tân Thuận và ấp Tân Mỹ. Tuy nhiên, do thời điểm xuống giống khác nhau, cộng với tác động bất thường từ thời tiết, sâu bệnh nên năng suất ở 2 khu vực này có sự chênh lệch lớn. Phần lớn diện tích ở ấp Tân Thuận năng suất khá cao, trung bình từ 25 - 26 tấn/ha, nông dân rất phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Bồi ngụ xã Tân Hòa cho biết: “Nhờ năm nay xuống giống vào giai đoạn thời tiết thuận lợi nên năng suất tương đối. Da dưa không bị nứt, kích cỡ trái đồng đều nên tỷ lệ dưa loại I, loại II khá cao. Với 3.000m2 có thể lãi khoảng 25 triệu đồng. So với trồng dưa hấu hay lúa thì trồng dưa lê lợi nhuận cao hơn rất nhiều, bên cạnh đó được doanh nghiệp bao tiêu giá cả ổn định thì sản xuất cũng an tâm hơn”.

 

Riêng diện tích dưa lê ở ấp Tân Mỹ xuống giống muộn hơn, nhiều nông dân không để đất cách ly mầm bệnh trước khi xuống giống nên dưa lê ở khu vực này bị khá nhiều dịch bệnh tấn công như: bệnh xì mủ thân, bệnh sương mai, bệnh chết xanh... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất sản phẩm.

 

Cũng giống như những năm trước, diện tích dưa lê ở Lai Vung được Công ty Hồng Huế và Công ty Hoàng Vinh (TP.Hồ Chí Minh) bao tiêu với mức giá dưa loại I là 10 ngàn đồng/kg, dưa loại II giá 9 ngàn đồng/kg, dưa loại III giá 3 ngàn đồng/kg. Với mức giá ổn định như năm nay, trung bình 1ha dưa lê, nông dân có thể lãi từ 70 - 80 triệu đồng. Đây là một khoản thu nhập không nhỏ, giúp bà con vùng màu có được cái Tết sung túc.

 

Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Chủ tịch xã Tân Hòa, huyện Lai Vung cho biết: Những năm gần đây, nhờ diện tích cánh đồng dưa lê mở rộng, nông dân được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý nên bà con nông dân trồng dưa lê rất phấn khởi. Việc phát triển mạnh diện tích cánh đồng liên kết này góp phần giúp địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục làm tốt vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc phát triển cánh đồng liên kết này, xã đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong vấn đề thực hiện họp đồng liên kết với nông dân.

 

Mỹ Lý

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop