Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 01 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 01 năm 2020

Hậu Giang: Vào mùa thu hoạch trái cây tết

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Vào thời điểm này, nhà vườn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang thu hoạch nhiều mặt hàng trái cây phục vụ thị trường tết. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động nên đa phần các mặt hàng trái cây đều giảm sản lượng và giá bán nên phần nào ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân.

Hơn 300 trái bưởi tạo hình hồ lô có in chữ tài - lộc được nông dân huyện Châu Thành cung ứng cho thị trường tết năm nay.

Nhiều trái cây có nguồn cung ít

Những ngày cận tết, về lại một trong những nơi nổi tiếng với thương hiệu xoài cát Hòa Lộc là xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, chúng tôi cảm nhận được sự tiếc nuối của nhiều nhà vườn nơi đây khi vào vụ thu hoạch xoài tết năm nay không đạt theo yêu cầu vì sản lượng thấp so với cùng kỳ. Ông Trần Văn Quang, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng xoài cát Hòa Lộc, ở ấp 1A, xã Tân Hòa, cho hay: “Với 1ha xoài cát Hòa Lộc của gia đình, hàng năm tôi thường thu hoạch khoảng 1 tấn trái để bán vào dịp tết, riêng năm nay thì số lượng giảm đáng kể. Nguyên nhân là do vào thời điểm xoài ra bông thì gặp ngay những đợt mưa liên tục nên không đậu trái nhiều”.

Cũng theo ông Quang, không riêng gì vườn xoài của ông mà nhiều nhà vườn trồng xoài nơi đây đều có chung cảnh ngộ. Cụ thể, toàn bộ 16ha xoài cát Hòa Lộc của 19 thành viên trong Tổ hợp tác trồng xoài của xã Tân Hòa dự kiến trong vụ thu hoạch xoài tết năm nay chỉ đạt sản lượng khoảng 10 tấn trái, bằng 1/3 sản lượng so với cùng kỳ. “Dù sản lượng ít nhưng giá bán không tăng mà tương đương với vụ xoài tết năm rồi. Theo đó, thương lái đang cân xoài tại vườn với giá dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg (tùy vào mẫu mã trái), trong khi bà con kỳ vọng giá xoài đạt mức 60.000-70.000 đồng/kg để bù lại sản lượng ít. Dự kiến, nhà vườn trồng xoài nơi đây sẽ kết thúc vụ thu hoạch xoài tết vào ngày 28 tết sắp tới”, ông Quang thông tin thêm.

Cùng với xoài cát Hòa Lộc, một số mặt hàng trái cây khác như bưởi, quýt đường tại một số địa phương cũng có xu hướng giảm sản lượng. Qua thống kê của ngành nông nghiệp huyện Châu Thành, diện tích bưởi Năm Roi và bưởi da xanh phục vụ thị trường tết năm nay trên địa bàn huyện chỉ có khoảng 38ha. Với năng suất gần 11 tấn/ha thì cho sản lượng khoảng 415 tấn trái, giảm rất nhiều so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm là do nhiều diện tích bưởi bị bệnh nên bà con cải tạo lại vườn bưởi để chuyển sang trồng cây ăn trái khác. Dù sản lượng giảm nhưng giá bưởi đang ở mức tương đương với thị trường tết năm rồi.

Ông Trần Hồng Đức, Phó phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, cho biết: Hiện giá bưởi Năm Roi được thương lái mua của người dân ở mức 40.000-45.000 đồng/kg, còn bưởi da xanh từ 50.000-60.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhà vườn có thể kiếm được nguồn lợi nhuận 20-25 triệu đồng/một tấn bưởi. Tuy nhiên, với tình hình sản lượng bưởi phục vụ thị trường tết năm nay ít nên bà con kỳ vọng giá bán có thể nhích lên chút đỉnh”.

Giống như cây bưởi, tình hình dịch bệnh trên cây quýt đường ở thị xã Long Mỹ trong những năm gần đây cũng diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến sản lượng trái phục vụ cho thị trường tết. Theo thống kê của ngành nông nghiệp thị xã Long Mỹ, hiện toàn thị xã còn khoảng 10ha quýt đường cho trái hiệu quả, tập trung chủ yếu tại xã Long Trị. Hiện tại, nhà vườn nơi đây cũng đang vào vụ thu hoạch để phục vụ thị trường tết. Theo đó, ước sản lượng cung ứng đạt khoảng 3-4 tấn trái, giá bán dao động từ 50.000-55.000 đồng/kg. “Dù giá bán đang ở mức hấp dẫn nhưng do nguồn cung ít nên càng gần tết như lúc này thì số lượng quýt để đáp ứng theo đơn đặt hàng cho khách càng hiếm dần. Nhiều khả năng giá quýt sẽ nhích nhẹ trong thời gian tới, từ đó tạo nguồn thu nhập cao cho người trồng quýt trong mùa xuân này”, ông Nguyễn Văn Thống, Phó phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho hay.

Niềm vui người trồng mãng cầu

Cùng với nhiều mặt hàng trái cây khác, hiện nông dân trồng mãng cầu xiêm trên địa bàn tỉnh cũng đang vào mùa thu hoạch để cung ứng cho thị trường tết. Tuy nhiên, có một điểm khác là bà con trồng mãng cầu đang cảm thấy phấn khởi khi đang vào vụ thu hoạch trái. Bởi, sản lượng nhiều và giá bán ở mức cao hơn so với cùng kỳ. Ông Võ Văn Phải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Theo ước tính sơ bộ thì hiện HTX của tôi chuẩn bị cung ứng ra thị trường hơn 30 tấn mãng cầu xiêm phục vụ nhu cầu chưng tết, với giá bán dao động ở mức từ 22.000-25.000 đồng/kg tùy chất lượng, tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg so với tết năm ngoái. Trong số này có khoảng 2.000 trái mãng cầu được nhà vườn bao trái để vỏ có màu vàng đặc trưng, đẹp mắt”.

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh, hiện toàn tỉnh có gần 800ha mãng cầu xiêm, trong đó có hơn 500ha đang cho trái. Ước tính sẽ có hàng chục tấn trái cung cấp cho thị trường tết năm nay. Trong đó, diện tích trồng mãng cầu xiêm tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và huyện Long Mỹ. Bên cạnh việc bao trái mãng cầu để tạo màu vàng đặc trưng, đẹp mắt thì theo khảo sát, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh còn tạo hình và in chữ lên trái cây rất độc đáo nhằm đáp ứng nhu cầu chưng tết cho khách hàng, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm. Điển hình tại huyện Châu Thành, dịp tết năm nay, nhà vườn nơi đây cung cấp 60 trái bưởi thỏi vàng, 310 trái bưởi hình hồ lô có in chữ tài - lộc, 500 trái dưa hấu hồ lô, 200 trái dưa hấu thổi vàng, 300 trái đu đủ thỏi vàng và 700 trái xoài in chữ…

Mặc dù có một số mặt hàng trái cây phục vụ thị trường tết năm nay giảm sản lượng nhưng nhìn chung giá cả vẫn đảm bảo ở mức hấp dẫn, từ đó giúp nhà vườn có nguồn lợi nhuận cao để vui xuân đón tết. Do đó, những ngày cận tết như lúc này thì không khí thu hoạch và mua bán trái cây tại các vùng quê càng trở nên sôi nổi. Qua đây, tạo ra bức tranh nông thôn chuẩn bị đón tết tràn ngập tiếng cười của người dân sau một năm lao động vất vả.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Tuyên Quang: Cam sành Hàm Yên tất bật vào vụ Tết

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Những ngày này, khi cánh đào khoe sắc thắm cũng là thời điểm cam sành Hàm Yên chín rực, nhuộm vàng óng trên lưng đồi, bao trùm lên những thôn, bản trù phú. Trên các đồi cam, nông dân tất bật, nhộn nhịp vào mùa thu hoạch quả để gửi gắm những trái cam sành thơm ngon, bổ dưỡng đến tay người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước.

Hàm Yên dịp này, những chiếc xe tải lớn, nhỏ mang biển số Hải Phòng, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Sài Gòn... chất đầy cam nối đuôi nhau hối hả về xuôi phục vụ người tiêu dùng dịp Tết. Cũng trong thời gian này lượng nhân công đổ về làm thuê rất đông. Từ khi chợ đầu mối Tân Thành đi vào hoạt động, các loại xe container, xe tải lớn bé đợi bốc hàng vào các tỉnh miền Trung, miền Nam nhiều hơn rõ rệt. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Đặng Văn Bảo cho biết, thị trường ngày càng được mở rộng, nhu cầu thu mua cam dịp Tết tăng cao nên ngay từ sáng sớm người dân đã chuẩn bị mọi phương tiện, tập trung nhân lực thu hái những quả cam chín vàng, mọng nước để kịp cho những chuyến hàng chuyển về xuôi.

Cán bộ Ban Quản lý Chợ Đông Ba (Thừa Thiên Huế) thăm vườn cam xã Tân Thành (Hàm Yên).

Nghề cắt, gánh cam thuê hình thành ở Hàm Yên đã từ lâu. Anh Thèn Đức Tiến ở xã Trung Thịnh, huyện Xín Mần (Hà Giang) đã có 7 mùa cam gánh thuê. Vụ cam năm nay, anh Tiến kiếm được hơn 15 triệu đồng sắm Tết. Anh dự kiến làm thêm từ nay đến 28 - 12 âm lịch kiếm thêm 2 triệu đồng để về quê. Còn vợ chồng người Dao đỏ Triệu Mùi Nái và Phượng Quỳ Lượng đến từ huyện Xín Mần (Hà Giang) có 4 năm gánh cam thuê ở Hàm Yên. Anh Lượng bảo, từ công việc thời vụ này, vợ chồng anh Lượng dành dụm được chút vốn làm ăn, mua được xe máy, sắm được cái ti vi… Tết này ấm cúng, no đủ hơn.

Người dân Hàm Yên thu hoạch cam đáp ứng thị trường Tết.

Ông Lương Văn Nho, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ trồng cam VietGAP thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành cho biết: Hiện trong tổ trồng cam VietGAP có 20 thành viên, tổng diện tích cam sản xuất theo quy trình VietGAP đạt hơn 40 ha. Dịp này, vườn cam của ông và các hộ trong tổ được thương lái tận Sài Gòn đặt mua. Dự kiến từ nay đến Tết, tổ sản xuất cam của ông cắt bán hơn 100 tấn cam. Vì thế, các hộ gia đình phải thuê thêm cả chục nhân công cho kịp tiến độ.

Cam sành Hàm Yên là thứ quả quý được bày trên mâm ngũ quả cúng gia tiên của mỗi gia đình người Việt vào dịp Tết Nguyên đán. Cam sành Hàm Yên có vị ngọt, thanh mát, nên vào dịp Tết cam sành Hàm Yên càng đắt hàng hơn. Vùng đặc sản cam sành Hàm Yên gồm 13 xã, thị trấn, ven hai bờ sông Lô có tầng đất phù sa cổ dày, độ dốc vừa phải, khô ráo và thoáng mát. Với tổng diện tích hơn 7.200 ha, sản lượng hàng năm từ 90 - 100 nghìn tấn, tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng. Những năm gần đây, người dân vùng cam Hàm Yên áp dụng mô hình sản xuất cam an toàn theo quy trình VietGAP, cam hữu cơ nên chất lượng cam sành được nâng lên.

Cam sành Hàm Yên được công nhận là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam; thương hiệu vàng nông nghiệp 2019.

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, sau khi cam sành Hàm Yên được xây dựng thương hiệu năm 2007, thì niềm vui đến với người dân Hàm Yên đấy chính là cam sành tiếp tục nhận danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019”. Cây cam đã trở thành cây đặc sản có ưu thế và ưu tiên trồng tập trung. Hiện, giá trị cam sành Hàm Yên được nâng lên bởi quả cam đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Sản lượng cam thu hoạch niên vụ 2019 - 2020 ước đạt 100.000 tấn quả/năm, giá trị thu được từ cam đạt trên 800 tỷ đồng. Gần Tết, các siêu thị BigC, Metro, Co.opmart, FiviMax và Lotte; các chợ đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Sài Gòn… đều đặt mua cam sành Hàm Yên, người dân không còn lo lắng đầu ra cho sản phẩm.

Hiện huyện Hàm Yên đang phối hợp với các ngành chức năng xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hàm Yên, tiến tới tiếp cận thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

Bài, ảnh: Hải Hương

Bình Phước: Vụ tiêu 2019-2020 có nguy cơ giảm năng suất

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước vừa ban hành Văn bản số 2097/SNN-VP về tăng cường chăm sóc duy trì cây hồ tiêu khi giá thấp. Nội dung văn bản này nêu rõ: Theo dự báo của cơ quan chức năng, vụ tiêu 2019-2020 có nguy cơ giảm năng suất đáng kể, ước chỉ đạt 18-19 tạ/ha (giảm 2-3 tạ/ha) so với năm 2019. Để thực hiện tốt công tác chủ động tưới nước, chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cây tiêu để giảm tối đa thiệt hại về diện tích và năng suất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:

UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tập trung theo dõi diễn biến của sâu bệnh hại. Tuyên truyền, tập huấn biện pháp phòng trừ dịch hại và biện pháp chăm sóc tiêu trong giai đoạn mùa khô. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, dự báo mùa khô năm nay kéo dài và có nguy cơ thiếu nước tưới. Triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc cây tiêu, khuyến cáo nông dân chủ động tủ gốc giữ ẩm cho cây tiêu bằng rơm rạ, cỏ, xác thực vật...; tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục; hạn chế xới xáo cắt tỉa cành, để cây choái (cây che bóng đối với tiêu phù họp), duy trì cỏ vừa phải trong vườn để giữ ẩm, tưới nước tiết kiệm và tưới đều trong giai đoạn mùa khô.

Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc phòng trừ dịch bệnh, khuyến cáo nông dân không dùng hoạt chất thuốc BVTV cấm trong sản xuất tiêu, tuyệt đối không sử dụng thuốc cỏ để phun trong vườn tiêu, không trồng lại tiêu trên những vườn tiêu bị chết. Lập kế hoạch và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức, ngành có liên quan thực hiện chuyển đổi cây trồng chủ lực ở địa phương có hiệu quả kinh tế cao hơn thay thế trên diện tích tiêu trồng không phù hợp tiêu bị chết trong thời gian vừa qua.

Đối với Ban quản lý khu nông nghiệp Công nghệ cao đánh giá giống hồ tiêu ưu thế BP-TĐT1 (người dân thường gọi là tiêu Srilanca) tại xã Lộc Thuận, Lộc Ninh có ưu điểm năng suất cao để tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo đưa vào sản uất. Vì hiện nay, nông dân trồng dặm giống tiêu này trên những vườn tiêu bị chêt cho kết quả khả quan…

QM

Doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn áp dụng quy trình tiên tiến vào sản xuất

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thời gian qua, nhiều quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (VietGAP, Global GAP...) được doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn thành phố mạnh dạn áp dụng, nhân rộng.

Thu hoạch vú sữa VietGAP tại HTX Vú Sữa Trường Khương A.

Ở lĩnh vực trồng trọt, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây lúa có thể kể đến là Hợp tác xã (HTX) Quyết Thắng, với diện tích 84ha; HTX Hiếu Bình 26,7ha; HTX Đồng Vạn 63ha (huyện Vĩnh Thạnh); HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Lộc, diện tích 47,2ha; HTX Nông nghiệp Đại Thành 25,07ha (huyện Cờ Đỏ)… Trên rau màu có HTX rau an toàn Long Tuyền, diện tích 10,2ha; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa, quy mô 0,3ha (quận Bình Thủy). Sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP là HTX Trường Thuận 1, quy mô 9,85ha, Tổ Liên kết sản xuất cây ăn trái VietGAP Phong Điền 7,55ha, HTX Vú Sữa Trường Khương A 45,5ha; HTX nhãn Nhơn Nghĩa 19,1ha (huyện Phong Điền); HTX Xoài Lộc Hưng 30,5ha (huyện Cờ Đỏ). Đối với lĩnh vực thủy sản, thành phố có nhiều vùng nuôi áp dụng các tiêu chuẩn: Global GAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP… nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Hiện tổng diện tích nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của thành phố trên 289ha, với hơn 275ha VietGAP và 13,75ha BAP+ASC.

Tin, ảnh: MỸ THANH

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP

Nguồn tin:  Nhân Dân,

Thời gian qua, việc sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đang được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu thị trường. Đến nay, đã có hàng trăm nghìn héc-ta cây trồng được chứng nhận VietGAP, qua đó giúp nâng cao chất lượng, giá trị cho hàng nông sản.

Vườn dưa hữu cơ của HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, huyện Đan Phượng (Hà Nội).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc sản xuất theo hướng VietGAP giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng và truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. Ðặc biệt, sản xuất theo hướng VietGAP sẽ tiết kiệm được chi phí do sử dụng các nguồn vật tư đầu vào, quản lý sản xuất hiệu quả hơn thông qua đánh giá nội bộ và cải tiến các điểm chưa phù hợp trong hệ thống quản lý. Từ đó làm tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân. Ở nhiều địa phương, việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch đang được các doanh nghiệp quan tâm... Ðến nay, các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, Global GAP...) đang được nhân rộng. Qua thống kê, cả nước hiện có gần 120 nghìn ha được chứng nhận VietGAP. Riêng năm 2019, diện tích được chứng nhận VietGAP gần 40 nghìn ha, trong đó 22 nghìn ha cây ăn quả; gần sáu nghìn ha rau; hơn năm nghìn ha lúa; năm nghìn ha chè; 101 ha cà-phê...

Tại tỉnh Hòa Bình, những năm qua diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi không ngừng tăng nhanh, trở thành cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Ðiểm nổi bật ở Hòa Bình là nông dân đang chuyển đổi dần sang sản xuất mang tính hàng hóa nhằm tạo điều kiện đầu tư thâm canh như các vùng sản xuất cam tại Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc, tạo thu nhập cao, ổn định cho người dân. Ðến nay, toàn tỉnh có gần 10.000 ha cây có múi như cam, quýt, bưởi. Trong đó, diện tích cây có múi được chứng nhận VietGAP là hơn 900 ha. Hay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đang có khoảng 2.900 ha trồng na, tập trung ở các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng với sản lượng 28 nghìn tấn, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Ðiều đáng nói, tỉnh đã có khoảng 211 ha na đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 40 ha sản xuất theo Global GAP; riêng na sản xuất theo Global GAP giá bán cao hơn với na thường khoảng 30%. Na Chi Lăng hiện nay không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài với số lượng lớn.

Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, mặc dù việc sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do một số địa phương sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hướng tới sản xuất hàng hóa, tập trung; chi phí áp dụng các mô hình tiên tiến cao; trình độ của nông dân còn hạn chế, cùng với việc ngại thay đổi tập quán canh tác cho nên việc áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế; chuỗi sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian dẫn đến khó quản lý về an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, chi phí cho các khâu trung gian nhiều dẫn tới giá thành sản phẩm cao khi đến tay người tiêu dùng, do vậy sản phẩm khó cạnh tranh; tại các địa phương nguồn nhân lực phục vụ cho việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP còn nhiều hạn chế, thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Để giải bài toán này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn đến người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất theo các mô hình tiên tiến; tăng cường đào tạo tập huấn cho cán bộ địa phương phục vụ việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Mặt khác, các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất an toàn và cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, sơ chế nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất; xây dựng các mô hình chuỗi sản xuất - cung ứng sản phẩm có chứng nhận, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trong đó lấy doanh nghiệp là hạt nhân; xây dựng chính sách tổng thể phục vụ từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và phải có nguồn kinh phí riêng để tổ chức thực hiện chính sách được thuận lợi; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm có chứng nhận; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình áp dụng, chứng nhận và lưu thông phân phối sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.

BÀI VÀ ẢNH: NGUYÊN PHÚC

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop