Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 03 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 03 năm 2020

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL bắt đầu giảm dần

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, bắt đầu từ ngày 16/3 đến 6/4, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ giảm dần. Phạm vi cách biển 35-45 km trở vào ở các cửa sông Cửu Long có khả năng xuất hiện nước ngọt khi triều thấp, chân triều, thuận lợi cho việc lấy nước.

Chính vì vậy, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quan trắc và tập trung tối đa phương tiện để lấy nước ngọt trong thời gian này.

Tuy nhiên, ở thời điểm này trên sông Hàm Luông, Cửa Tiểu, Cửa Đại mặn vẫn còn khá cao. Dự báo dòng chảy tháng 4 từ thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL có khả năng vẫn ở mức rất thấp, kéo theo xâm nhập mặn có khả năng rất nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là ở khu vực các cửa sông Cửu Long từ ngày 8-15/4.

Cụ thể, chiều sâu mặn xâm nhập lớn nhất với ranh mặn 4 g/l trong thời gian này sẽ cách các cửa sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây tầm 95-105 km, sông Cửu Long (sông Cửa Tiểu, Cửa Đại) khoảng 50-55 km. Còn trên sông Hàm Luông, độ mặn 4 g/l sẽ cách cửa sông 70-75 km, sông Cổ Chiên khoảng 50-55 km, sông Hậu khoảng 45-50 km. Trên sông Cái Lớn, mặn biến động nhanh, dự báo phạm vi ảnh hưởng trong tháng 4 khoảng 60-65 km.

Dự báo, tháng 5 khả năng mặn ở ĐBSCL sẽ giảm nhiều, nhưng vẫn đề phòng một số trường hợp bất thường do mưa muộn, dòng chảy thượng lưu về ĐBSCL thấp.

CM

Long An: Châu Thành hướng đến nâng cao chất lượng trái thanh long

Nguồn tin: Báo Long An

Năm 2020, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn nhưng nhờ biết cách phát huy thế mạnh của từng vùng nên kinh tế nông nghiệp của huyện Châu Thành, tỉnh Long An vẫn phát triển đồng bộ.

Ở các xã vùng hạ, nông dân nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Các xã vùng thượng tập trung trồng thanh long. Đến nay, toàn huyện có gần 9.100ha thanh long (tăng 1.017ha so cùng kỳ), trong đó có 8.100ha thanh long ruột đỏ, diện tích cho trái 7.837ha, sản lượng đạt 350.000 tấn (tăng 90.461 tấn so cùng kỳ năm 2018).

Thực hiện đề án 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, đến nay, Châu Thành có 2.082ha với 3.465 hộ tham gia

Ông Trương Minh Trung (ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long) cho biết: “Gia đình tôi canh tác 2ha thanh long, mỗi năm thu nhập từ 400-500 triệu đồng”. Nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên đầu ra của thanh long tương đối ổn định. Xã Long Trì có 11 hộ dân sản xuất 11 ha thanh long theo quy trình GlobalGAP, được Công ty Ngọc Song Châu (TP.HCM) bao tiêu sản phẩm với giá 25.000 đồng/kg (thanh long chính vụ), 30.000 đồng/kg (thanh long trái vụ). Xã An Lục Long có 4 hộ dân là thành viên của Hợp tác xã Thanh long Long Hội, canh tác 4,24ha thanh long theo quy trình GlobalGAP, được Công ty Rau quả Cần Thơ bao tiêu với giá 30.000 đồng/kg (chính vụ), 35.000 đồng/kg (trái vụ). Ông Trương Minh Trung (xã An Lục Long) cho biết: “Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP không khó, phải sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng theo danh mục, không lạm dụng thuốc kích thích hoặc thuốc trừ sâu. Giai đoạn sinh trưởng cuối của trái, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm thời gian cách ly. Quan trọng là phải ghi nhật ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc sản phẩm”. Ông Trung cho biết thêm, từ khi ký hợp đồng bao tiêu với Công ty Rau quả Cần Thơ, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông lãi từ 400-500 triệu đồng/ha. Năm 2020, tổ sản xuất thanh long của ông Trương Minh Trung có thêm 3 thành viên mới ký kết hợp đồng với Công ty Rau quả Cần Thơ, nâng tổng số lên 7 thành viên với 7ha thanh long được bao tiêu.

Thực hiện đề án 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, đến nay, Châu Thành có 2.082ha với 3.465 hộ tham gia (đạt 104% kế hoạch). Ngoài ra, huyện đang triển khai sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP cho 11 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã với 293,67ha, 498 hộ tham gia và tiếp tục đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí cho 59 tổ hợp tác, diện tích 1.116,63ha với 1.889 hộ tham gia. Để trái thanh long Châu Thành phát triển bền vững, thời gian tới, huyện khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, logo cho trái thanh long, hoàn thành chứng nhận VietGAP, chứng nhận chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, mã số, mã vạch,... để xúc tiến thương mại, tìm thị trường xuất khẩu theo đường chính ngạch

Nhằm nâng cao chất lượng thanh long Châu Thành, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân áp dụng quy trình sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính./.

Minh Trực

HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu: Nâng tầm nhãn lồng Hưng Yên

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) là nơi có truyền thống thâm canh nhãn lồng đặc sản Hưng Yên. Tại đây có những vườn nhãn cho năng suất, chất lượng cao, là địa chỉ tin cậy được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng mua nhãn mỗi khi nhãn vào vụ thu hoạch.

Niềm vui của người trồng nhãn HTX Sản xuất nhãn lồng Mễ Châu trước mùa nhãn mới

Tuy nhiên, trước đây do sản xuất theo quy mô hộ, chưa có sự liên kết nên trái nhãn trong vùng chưa có độ đồng đều về mẫu mã, chất lượng và đặc biệt là sản lượng của từng hộ không đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ lớn. Thêm vào đó, một số khách hàng là những doanh nghiệp đòi hỏi trái nhãn phải có nhãn hiệu, thông tin xuất xứ và sản xuất theo quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm. Trước yêu cầu đó, những người trồng nhãn ở Nễ Châu đã cùng nhau bàn bạc và đi tới thống nhất thành lập HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu. Tháng 11.2016, HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu chính thức được thành lập. Hiện tại HTX có 26 thành viên, diện tích trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGap của HTX là 12,8 ha.

Kể từ khi thành lập HTX, các thành viên trong HTX thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để xây dựng quy trình chăm sóc nhãn tốt nhất. Thời vụ thu hoạch nhãn cũng được rải rộng hơn nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Đến vụ thu hoạch, HTX lại đứng ra tiêu thụ nhãn cho các hộ thành viên. Không chỉ quan tâm tới sản lượng, chất lượng trái nhãn, HTX cũng tích cực, chủ động xây dựng nhãn hiệu cho trái nhãn do HTX sản xuất ra.

Nhãn xuất bán được dán tem truy xuất nguồn gốc đã nâng cao giá trị và tăng khả năng tiếp cận các thị trường cao cấp, đồng thời mở rộng tiêu thụ tại thị trường truyền thống như: Chợ, cửa hàng kinh doanh hoa quả. Năm 2018, trái nhãn lồng của HTX đã cùng trái nhãn lồng của một số HTX khác trong tỉnh trở thành món tráng miệng trên máy bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Sự kiện này đã đánh dấu bước tiến lớn đưa trái nhãn lồng Hưng Yên đi xa hơn, đến với nhiều khách hàng hơn, trong đó có cả những khách hàng là người nước ngoài. Điều này đã góp phần quảng bá, giới thiệu về sản vật Hưng Yên, từ đó thu hút du khách đến với Hưng Yên và thưởng thức các sản vật của Hưng Yên.

Do được chăm sóc tốt theo đúng quy trình kỹ thuật nên diện tích nhãn của HTX cho thu hoạch ổn định. Năm 2019, trong khi nhiều diện tích nhãn trong và ngoài tỉnh bị mất mùa thì nhãn của HTX vẫn cho sản lượng đạt khoảng 50- 60%. Sản lượng nhãn quả tươi năm 2019 của HTX đạt khoảng 150 tấn với giá bán trung bình khoảng 50 nghìn đồng/kg. Năm nay, các vườn nhãn của HTX đều đang sai hoa hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Ông Bùi Xuân Tám, Giám đốc HTX sản xuất nhãn lồng Nễ Châu cho biết: “Với mong muốn nâng tầm trái nhãn lồng Hưng Yên nên HTX chúng tôi luôn quan tâm tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho trái nhãn lồng. Quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đã được tất cả các thành viên trong HTX áp dụng đã nâng cao năng suất, chất lượng, độ đồng đều của quả. Bên cạnh đó, HTX cũng tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, các hội chợ quảng bá. Thông qua đó đem trái nhãn lồng đến nhiều người thưởng thức hơn. Giờ đây, mỗi khi đến vụ thu hoạch nhãn, nhiều khách hàng đã tự tìm đến với HTX để đặt hàng. Chúng tôi mong muốn có thể quảng bá và giới thiệu quả nhãn lồng Nễ Châu rộng rãi hơn nữa để không những người dân trong nước mà cả người dân ở thị trường nước ngoài được biết đến và thưởng thức được thứ quả đặc sản này. Đồng thời, sản lượng tiêu thụ hàng năm được tăng cao giúp cho đời sống của người dân vùng nhãn Nễ Châu cũng được cải thiện”.

Mai Nhung

Hậu Giang: Sản lượng lúa Đông xuân ước đạt trên 583.000 tấn

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, vụ lúa Đông xuân 2019-2020 toàn tỉnh xuống giống 77.820ha, ước sản lượng cả vụ đạt khoảng 583.600 tấn, tăng 8.298 tấn so với cùng kỳ, tăng 29.200 tấn so với kế hoạch năm 2020.

Diện tích sản xuất lúa ở Hậu Giang ổn định trên 200.000ha/năm.

Các năm qua, tỉnh Hậu Giang đã ổn định diện tích trồng lúa 78.000ha, diện tích gieo trồng cả năm trên 200.000ha (trong đó vùng lúa chất lượng cao 32.000ha theo tiêu chí cánh đồng lớn), giảm khoảng 12.000ha so với năm 2013, năng suất bình quân 6,2 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn/năm, tăng 8.000 tấn/năm.

Phần lớn diện tích trồng lúa kém hiệu quả không có đê bao chống lũ, nhỏ lẻ, phân tán trong các vườn cây ăn trái, khó cơ giới hóa đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, rau màu hoặc kết hợp vụ 3 nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng 5 cánh đồng lớn với diện tích trên 2.588ha, phân bố tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy; xã Trường Long A, Trường Long Tây, huyện Châu Thành A; xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ và phường Thuận An, thị xã Long Mỹ được cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch 100%. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình hợp tác, liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với quy mô gần 12.000ha đất canh tác với hàng ngàn hộ tham gia…

Tin, ảnh: H.TÂM

Cam Lâm (Khánh Hòa): Người trồng mì thất thu

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Thời tiết nắng nóng, không mưa kéo dài đã khiến nhiều diện tích cây trồng ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), đặc biệt là cây mì bị thiệt hại nặng khi năng suất chỉ bằng 1/3 so với trước đây.

Nông dân nhiều địa phương trên địa bàn huyện Cam Lâm đang vào vụ thu hoạch mì. Tuy nhiên, đa số người trồng mì không vui vì năm nay mì thất thu. Ông Lê Bá Thành (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết: “Ruộng mì của gia đình tôi có diện tích hơn 1,5ha. Do nắng nóng kéo dài, trên địa bàn không có mưa từ cuối tháng 11 đến nay, nên cây mì thiếu nước, khó tạo củ, năng suất thấp, chỉ đạt bình quân 9 đến 10 tấn/ha, trong khi những năm thuận lợi lên đến 27 đến 28 tấn/ha”. Theo ông Thành, với năng suất này, sau khi trừ chi phí, nông dân bị lỗ. Hầu hết trong số hơn 90ha mì ở Cam Hiệp Bắc đều chung cảnh ngộ.

Nông dân vận chuyển mì đi tiêu thụ.

Ở xã Cam An Bắc, nhiều hộ trồng mì cũng kém vui khi năng suất mì thấp, giá mì không cao bằng năm trước. Thời điểm này năm trước, giá mì tươi thương lái thu mua 2.000 đồng/kg, năm nay chỉ còn 1.600 đồng/kg. Tình trạng này khiến nông dân thiệt đơn thiệt kép. Vụ mì này, toàn xã Cam An Bắc có 173ha mì, 100% diện tích bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng hạn, trong đó có 73ha bị dịch bệnh nên năng suất thấp hơn trung bình những năm trước.

Năm nay, gia đình ông Trần Văn Trung (xã Cam An Bắc) trồng 4ha mì, phần thì chết, phần thì cây èo uột, củ rất nhỏ. Dự kiến, gia đình ông chỉ thu được 40 tấn mì tươi, giảm 80 tấn so với những năm thời tiết thuận lợi. Theo kinh nghiệm của ông Trung, nếu năng suất mì đạt từ 25 tấn trở lên thì với giá bán 1.600 đồng/kg, nông dân vẫn có lãi. Năm nay, tuy giá bán đạt nhưng nông dân vẫn thua lỗ vì năng suất kém.

Theo ông Hồ Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc, giá mì phụ thuộc chủ yếu vào thương lái. Một số thương lái thu mua mì đi các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh nhưng sản lượng thu mua năm nay thấp. Trên địa bàn xã, người dân không còn mặn mà chế biến mì lát, mì bột mà chọn cách bán mì tươi cho thuận lợi.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, trên địa bàn huyện có gần 1.300ha mì, tăng gần 200ha so với năm trước (chủ yếu từ diện tích mía chuyển sang); tập trung chủ yếu tại các xã: Cam An Bắc, Cam Tân, Cam Hiệp Nam, Cam Hiệp Bắc… Năm nay, tuy năng suất cây mì giảm nhưng nông dân vẫn tiếp tục chọn trồng mì thay vì trồng mía. Vấn đề khiến họ lo lắng là giống mì để trồng vụ mới. Nông dân nhiều địa phương đã liên hệ với các nơi khác cũng như nhờ sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn để tìm nguồn giống. Lãnh đạo một số xã cho rằng, giống mì ở địa phương chủ yếu do nông dân tự nhân giống nhưng nhiều diện tích bị thiệt hại vì nắng hạn nên có nguy cơ thiếu giống. Trước mắt, chính quyền địa phương vận động người dân chủ động một phần nguồn giống cho vụ sau, đồng thời kiến nghị cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ tìm nguồn giống mì đảm bảo chất lượng cho người dân trồng vụ mới, bởi giống mì ở địa phương hiện đã có biểu hiện thoái hóa, nhiễm dịch bệnh.

HẢI LĂNG

CNN ca ngợi cà phê Việt Nam tạo cảm hứng cho thế giới

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Rob Atthill kể rằng, ông đã “choáng ngợp” khi thưởng thức cà phê Việt Nam lần đầu tiên năm 2004.

Theo kênh CNN (Mỹ) ngày 17-3, Atthill sau đó bắt tay vào việc nhập khẩu cà phê từ năm 2006. Cà phê được thu hoạch tại Tây Nguyên rồi chế biến ở thành phố Hồ Chí Minh. Atthill nói rằng, doanh thu từ Công ty Ca Phe VN của ông đã tăng doanh số gấp 3 trong 5 năm qua.

Hạt cà phê thường được thu hoạch bằng tay trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm trước tới tháng 2 năm sau. Ảnh: CNN

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Tổ chức Cà phê quốc tế thông tin, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào khoảng 25 triệu bao (loại 60kg) một năm với giá trị thu về trung bình là 3 tỷ USD.

Theo CNN, đối với người Việt Nam, cà phê không chỉ là loại nước uống cung cấp năng lượng mà còn là văn hóa và cuộc sống. Cà phê xuất hiện từ các hàng rong vỉa hè cho tới những cửa hàng thiết kế bắt mắt, sang trọng.

Ông Will Frith, người Mỹ, vốn sở hữu công ty chế biến cà phê tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, người Việt Nam thường gặp nhau tại những quán cà phê yêu thích và nơi đây như “không gian thứ ba” của họ ngoài nhà và nơi làm việc. Bên cạnh đó, ông Frith cũng nhấn mạnh rằng, người Việt Nam còn thường pha cà phê tại nhà.

Ngoài số lượng xuất khẩu lớn và nền văn hóa cà phê đặc biệt, Việt Nam còn nổi tiếng với nguồn cà phê chất lượng. Khoảng 97% hạt cà phê của Việt Nam là loại robusta có vị đắng, mạnh và chứa nhiều cafein. Hạt cà phê robusta thường được sử dụng để chế biến cà phê uống liền.

Ông Frith cho biết, một thế hệ doanh nhân mới tại Việt Nam đang tập trung vào chất lượng của cà phê. Họ chú ý tới khí hậu và trao đổi cách thức thu hoạch với người nông dân, đồng thời nghiên cứu kỹ thuật chế biến cà phê tốt hơn.

Việt Nam còn nổi tiếng với những ý tưởng sáng tạo, nhằm chế biến hương vị đa dạng và khó quên với cà phê khiến thế giới ưa chuộng như cà phê trứng, cà phê cốt dừa...

Theo Hà Linh/Báo Tin tức

ĐBSCL: Nguồn heo giống sạch bệnh khan hiếm

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau trận dịch tả heo châu Phi (DTHCP) vừa qua chấm dứt, các địa phương trong khu vực ĐBSCL đã bắt đầu tái đàn nuôi heo trở lại. Tuy nhiên, việc tái đàn đang gặp khó do nguồn heo giống sạch bệnh khó tìm, số lượng còn hạn chế.

Ở tỉnh Sóc Trăng, sau trận DTHCP vừa qua, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh còn trên 106.000 con, giảm 56% so trước thời điểm xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, từ khi công bố hết dịch, đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Sóc Trăng không phát sinh ổ dịch mới, nguồn cung heo hơi bắt đầu dồi dào trở lại. Trong đó, các trại chăn nuôi quy mô lớn chiếm hơn 40% trong tổng nguồn cung heo hơi của tỉnh. Tại TP Cần Thơ, tổng đàn heo hiện có 98.224 con, đạt 76,14% kế hoạch năm, bằng 77,14% so cùng kỳ năm 2019. Đàn heo nuôi mới tập trung nhiều ở các trại chăn nuôi quy mô lớn; đồng thời từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng... trên đàn heo, gia súc. Thành phố đã xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn heo năm 2020, đồng thời tập trung triển khai chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm... Tuy nhiên, tại TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong vùng, việc tái đàn chăn nuôi heo trở lại sau DTHCP gặp khó bởi nhu cầu của các hộ chăn nuôi nhỏ tăng cao nhưng khó tìm địa chỉ bán heo giống sạch bệnh…

H.VĂN

Hiệu quả kinh tế cao từ nuôi dê

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Năm 2012, sau khi lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng anh Lê Thảo (ở thôn 4B, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) được bố mẹ cho 4 sào đất. Vợ chồng anh trồng được gần 600 trụ tiêu, khi tiêu bắt đầu cho thu hoạch thì bị dịch bệnh chết hàng loạt.

Với suy nghĩ nếu tiếp tục trồng lại tiêu thì độ rủi ro cao nên anh Thảo đã quyết định chuyển đổi hướng làm ăn mới. Sau khi đi tham quan một số mô hình nuôi dê trên địa bàn xã, anh nhận thấy chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không lớn. Năm 2017, vợ chồng anh đã dùng số tiền tích lũy cùng với vay mượn thêm để đầu tư làm chuồng trại và mua 5 con dê mẹ về nuôi.

Nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, đàn dê của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt và mang lại nguồn thu nhập khá. Nguồn lãi thu được, vợ chồng anh tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại và tăng quy mô đàn dê. Đến nay, gia đình anh Thảo đã có 300 con dê lớn, nhỏ, trong đó có hơn 50 con dê mẹ. Bình quân mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con, đặc biệt có những lứa lên đến 3 - 4 con. Dê nuôi khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 25 - 30 kg, được các nhà hàng trong và ngoài địa bàn tiêu thụ hết với giá bán dao động từ 120.000 - 135.000 đồng/kg... Không chỉ bán dê thịt, gia đình anh Thảo còn bán con giống. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh có thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm từ nuôi dê.

Anh Lê Thảo (thứ 3 từ trái sang) dẫn khách đi tham quan mô hình nuôi dê của gia đình.

Anh Thảo chia sẻ, dê là động vật ăn tạp nên việc kiếm thức ăn cho chúng không khó. Người nuôi có thể tận dụng thức ăn có sẵn trong vườn nhà như keo, bơ, mít hoặc có thể trồng cỏ voi, dây khoai lang để cho dê ăn. Việc chăm sóc đàn dê cũng đơn giản, chủ yếu cần nắm được các đặc tính của chúng để phòng ngừa dịch bệnh: chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ, sàn gỗ cách mặt đất khoảng 1 m vì loài dê không ưa độ ẩm cao.

Gia đình anh Thảo đang dự tính mở rộng quy mô chuồng trại để tiếp tục nhân đàn dê. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng anh Lê Thảo còn sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi dê cho bà con địa phương.

Hoài Nam

Cựu thanh niên xung phong mở trang trại nuôi gà đạt hiệu quả cao

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Cách đây hơn hai năm, nhằm cải thiện sinh kế, ông Hồ Xuân Tương (70 tuổi) cựu thanh niên xung phong, thương binh hạng 4/4 ở Thôn 6, xã Gio Hải, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) đã vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng mô hình nuôi gà thịt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi gà thịt, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Khi biết có ý định tìm hiểu quy trình nuôi gà, ông Tương dẫn chúng tôi ra thăm trang trại gà của ông nằm gần cuối thôn. Đó là dãy nhà có chiều cao gần 3 m, được dựng bằng các cột bê tông, phía trên lợp tôn, tường bao quanh bằng thép B40 nhìn vững chắc và thoáng đãng. Trang trại có diện tích gần 1.000 m2 , nuôi mỗi lứa 8.000 con gà thịt. Ông Tương cho biết mỗi năm ông nuôi 3 lứa gà thịt, tổng cộng hơn 24.000 con. Sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn, khấu hao chuồng trại… ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Kể về những vất vả từ ngày thả gà giống cho đến khi xuất chuồng, ông Tương cho biết tường tận quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà mà ông thực hiện. Với gà mới ra đời cho đến 10 ngày tuổi cần cho ăn cách nhau 3 giờ một lần, đêm cũng như ngày, để đảm bảo tất cả gà con được ăn đồng đều, tránh việc chúng chen chúc, gà khỏe giẫm đạp gà yếu, nên giai đoạn này ông Tương phải túc trực cả ngày lẫn đêm tại trang trại, chăm sóc, theo dõi sát sao đàn gà. Gà từ sau 10 ngày tuổi đến 15 ngày tuổi mỗi ngày cho ăn 3 lần, từ 20 ngày tuổi trở về sau thì chỉ cần cho ăn ngày 2 lần đúng liều lượng. Ngoài ra, mỗi ngày ông Tương đều đặn 2 lần làm vệ sinh máng nước, chuồng trại, khay thức ăn và đặc biệt phải kiểm tra nhiệt độ chuồng liên tục để điều chỉnh kịp thời. Với lượng thức ăn đầy đủ và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì sau gần 3 tháng gà đến tuổi xuất chuồng, đạt trọng lượng mỗi con từ 1,5 kg trở lên.

Ông Tương cho biết để nuôi gà đạt hiệu quả cao việc đầu tiên cần đầu tư trang trại đạt chuẩn, đảm bảo kiên cố, sử dụng vật liệu cách nhiệt bao bọc quanh chuồng, nền trại là đệm lót sinh học (trấu) dày, được xử lý khử trùng cùng với hệ thống giữ nhiệt độ trong chuồng luôn duy trì ở mức ổn định từ 30-32 độ C cho gà phát triển tốt. Một khâu quan trọng nữa là luôn chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn gà trong suốt thời gian nuôi. Do số lượng nuôi gà lớn, mật độ dày nên nếu để dịch bệnh xảy ra thì thiệt hại sẽ không nhỏ. Vì vậy tuân thủ tiêm phòng các loại vắc xin cho gà là điều rất cần thiết. Để có kiến thức, ông Tương đến Trường Trung học Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị học cách nuôi gà, chăm đọc tài liệu, sách báo hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà, kết hợp với kinh nghiệm của bản thân nhằm nuôi gà đạt hiệu quả cao, nhận biết trước đặc điểm, triệu chứng các căn bệnh phổ biến của gà, tìm cách chữa trị kịp thời cho đàn gà mỗi khi có nguy cơ bị dịch.

Kết quả sau hai năm chăn nuôi, những lứa gà của ông Tương luôn tránh được dịch bệnh, đều đặn cho xuất chuồng đúng thời gian, độ tuổi, đủ cân nặng và chất lượng thịt tốt. Từ chỗ bắt đầu nuôi với 4.000 con gà thịt/lứa, đến nay số lượng gà mỗi lứa của ông Tương tăng lên gấp đôi, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động trong thôn. Ông còn chủ động liên kết với doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên đầu ra luôn ổn định.

Chủ tịch UBND xã Gio Hải Trần Viết Nam cho biết, ông Tương là cựu thanh niên xung phong, thương binh hạng 4/4, dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng vẫn mở hướng chăn nuôi hiệu quả, làm giàu cho gia đình và góp sức mình xây dựng quê hương, nêu tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên cho người dân địa phương.

Tú Linh

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop