Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 06 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 06 năm 2016

Ruộng nhân giống mía cấp 3 giúp tăng năng suất, chất lượng mía

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Sau thời gian triển khai trồng mía trên ruộng nhân giống cấp 1 và cấp 2, hiện nay Công ty TNHH mía đường Nghệ An tiếp tục trồng mía trên ruộng nhân giống cấp 3. Đây đang là cách được nhiều nông dân học tập và làm theo.

Năm 2005, dịch bệnh chồi cỏ chỉ mới xuất hiện rải rác trên một số điểm trên vùng nguyên liệu NASU; năm 2007, dịch bùng phát dữ dội, lan rộng ra khắp vùng nguyên liệu với diện tích bị nhiễm lên đến 50%; nhiều thửa ruộng bị bệnh chồi cỏ nặng, năng suất mía giảm từ 50-70%, chất lượng mía giảm mạnh, hệ quả là người nông dân trắng tay, nhà máy thiếu nguyên liệu để hoạt động.

Trồng mía hè thu ở Nghĩa Đức - Nghĩa Đàn

Để đối phó với dịch chồi cỏ, UBND tỉnh Nghệ An công bố dịch và ban hành chính sách hỗ trợ cho nông dân khi tiêu hủy mía bị bệnh và trồng lại bằng giống sạch bệnh với trị giá 2,5 triệu đồng/ha; công ty mía đường hỗ trợ 2 triệu dồng ha và đầu tư cho nông dân vay tiền để trồng mía. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đầu ngành đến Nghệ An tìm hiểu, xác đinh nguyên nhân gây bệnh, đề xuất các biên pháp quản lý để duy trì, ổn định vùng nguyên liệu…

Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, đặc biệt là nông dân mua giống sạch bệnh từ các địa phương mía chưa bị bệnh chồi cỏ về trồng, nên 2 vụ vụ ép mía liên tục, 2012/2013 và 2013/2014; sản lượng mía của NASU đều đạt hơn 1 triệu tấn, nhà máy đủ nguyên liệu để hoạt động. Đây là niềm mơ ước của nhiều nhà máy đường ở Việt Nam.

Để tăng sức canh tranh sản phẩm đường do công ty sản xuất ra với đường nhập từ các nước khi Việt Nam cam kết gia nhập WTO, TPP, tăng thu nhập cho các hộ nông dân trồng mía trên vùng nguyên liệu, Công ty TNHH mía đường Nghệ An xây dựng và triển khai đề án “Cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng mía NASU”, với nhiều nội dung.

Trong đó, dự án sản xuất mía giống sạch bệnh 3 cấp để kiểm soát tốt các bệnh lây truyền qua hom giống, đặc biệt là bệnh chồi cỏ hại mía; nhân nhanh các giống mía tốt đã được khẳng định thông qua các khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm đồng ruộng tại Nghệ An để cung cấp cho các hộ nông dân trồng mía. Bởi vì, giống mía là khâu đầu tiên, tiền đề cơ bản nhất để thực hiện các biện pháp khoa học, kỹ thuật, canh tác trong quá trình đầu thâm canh tăng năng suất mía.

Chính sách trồng mía trên các ruộng nhân giống cấp 3 ở vụ hè thu do NASU ban hành rất nhiều ưu đãi cho nông dân trồng mía. Trong ảnh: Vùng nguyên liệu mía Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn). Ảnh: P.V

Ông Ngô Vân Tú-Phó Tổng giám đốc Nông nghiệp cho biết: Năm 2015, công ty bắt đầu thuê đất cách xa nhà máy 50km, chưa bao giờ trồng mía để bảo sự cách ly với nguồn bệnh, xây dựng ruộng nhân giống mía cấp 1. Hom mía được lựa chọn kỹ càng, chặt ngắn thành từng mắt, tiến hành xử lý trong nước nóng để loại bỏ mầm mống sâu bệnh hại mới đem trồng. Vụ thu năm 2015, công ty thu hoạch mía trên ruộng cấp 1, năng suất đạt bình quân 55 tấn/ha và trồng được 40ha ruộng nhân giống cấp 2. Qua kiểm tra, đánh giá mía trên trên các ruộnng nhân giống cấp 1 và cấp 2, đều đáp ứng được yêu cầu của Bộ Nông nghiệp-PTNT về chất lượng ruộng mía giống.

Chính sách trồng mía trên các ruộng nhân giống cấp 3 ở vụ hè thu do NASU ban hành rất nhiều ưu đãi cho nông dân trồng mía: Được mua giống mía với rẻ, cho vay tiền chở mía giống từ các ruộng nhân giống NASU về trồng, hỗ trợ 4 triệu đồng/ha sau khi trồng mía. Thời gian trồng mía vụ hè kết thúc trước 20/7 để mía kịp sinh trưởng, phát triển bán giống vào vụ xuân năm sau.

Ông Cao Thanh Bình xã Nghĩa Mai, Nghĩa Đàn cho biết: Sau khi thu hoạch vụ dưa hấu vụ xuân hè, gia đình đã tiến hành thuê máy cày đất, nhận giống và bắt đầu trồng trên diện tích 1,5ha. Chất lượng giống mía rất tốt, lóng mía to, dài, không lẫn tạp với các giống mía khác; sạch sâu bệnh. Sau khi đặt hom, mía được tưới đủ nước, chắc chắn sẽ nẩy mầm nhanh, đồng đều sau khi trồng. Tôi đã chuẩn bị thêm phân bón NPK15-7-15 để chăm sóc theo đúng quy trình nhà máy đã ban hành; đến vụ xuân sang năm năng suất mía có thể đạt 50-55 tấn/ha sau 9 tháng trồng, gia đình sẽ có thu nhập từ 60-70 triệu/ha từ tiền bán mía giống. Với cách làm này, đất được luân canh, bồi bổ lại các chất dinh dưỡng còn thiếu hụt sau nhiều năm trồng mía; gia đình lại có thêm thu nhập.

Ông Graham - Giám đốc Nghiên cứu &Phát triển cho biết thêm: NASU tập trung đầu tư, phục tráng sản xuất mía trên các ruộng nhân giống cấp 1 và cấp 2; ruộng nhân giống mía cấp 3 sẽ gắn với vùng nguyên liệu, cánh đồng mía lớn để làm mô hình trình diễn, chuyển giao nhanh các giống mới vào sản xuất. Nông dân có thể tận dụng độ ẩm đất trồng mía kịp thời vụ, giảm chi phí giá mía giống. Để nhân nhanh các giống mía tốt, NASU tiếp tục đầu tư mua giống nuôi cấy mô từ Viện Di truyền Nông nghiệp, trồng tiếp 3.5ha ruộng nhân giống mía cấp 1. Chỉ khi chủ động nguồn giống mía sạch bệnh, năng suất và chất lượng mía mới tăng nhanh…

Võ Văn Lương

Bình Phước phấn đấu trên 90% sản phẩm rau được quản lý an toàn

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Đó là một trong những mục tiêu phấn đấu được đưa ra tại Kế hoạch hành động số 152/KH-UBND, ngày 16-6-2016 của UBND tỉnh Bình Phước về thực hiện Chương trình hành động quốc gia sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch hành động đưa ra các chỉ tiêu cụ thể trong sản xuất như: Kiểm soát và quản lý chặt chẽ nguồn xả thải; phấn đấu đến năm 2020 có 100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ sản xuất phù hợp, xử lý các loại chất thải đạt quy chuẩn môi trường. Duy trì tỉ lệ giá trị gia tăng so với các giá trị sản xuất (VA/GO) trên cơ sở áp dụng công nghệ sản xuất sử dụng ít năng lượng, nguyên liệu. Giảm tối đa những tác động tiêu cực của sản xuất đối với môi trường sống của nhân dân trong tỉnh bằng cách đầu tư công nghệ xử lý rác và nước thải. Phấn đấu đến năm 2020 có 50% khu đô thị mới, 100% khu, cụm công nghiệp, 95% cơ sở sản xuất bên ngoài khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt, 95% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải rắn y tế.

Nâng dần tỉ trọng các sản phẩm thân thiện môi trường trong cơ cấu hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh; doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh được cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, tiêu chuẩn về môi trường và phát triển bền vững của nhà nhập khẩu. Đến năm 2020, tỉ lệ các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng những giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng đạt 50%.

Kế hoạch đưa ra mục tiêu xây dựng được vùng sản xuất an toàn và sản xuất rau theo hướng VietGAP, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong ảnh: Vườn rau xanh của Đại đội 31 Ban chỉ huy Quân sự huyện Lộc Ninh

Đối với tiêu dùng: Giảm thiểu việc phát sinh chất thải trong hoạt động phân phối. Phấn đấu đến năm 2020 khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn thực hiện và áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm đến khoảng 65% tỉ lệ áp dụng bao bì khó phân hủy tại siêu thị, trung tâm thương mại và đến khoảng 50% tại các chợ dân sinh.

Người tiêu dùng và cộng đồng trong tỉnh được cung cấp thông tin đầy đủ về các sản phẩm thân thiện với môi trường; các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững; nâng tỉ trọng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường trong cơ cấu chi tiêu công của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 có 90% người dân trên địa bàn tỉnh hiểu biết và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Kế hoạch đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như: Ban hành và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh thu hút đầu tư; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh; xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; thay đổi hành vi tiêu dùng, thực hiện lối sống bền vững; nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng đối với sản xuất và tiêu dùng bền vững.

P.M

TP Vĩnh Long: Từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Từ đầu năm đến nay, TP Vĩnh Long tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ 64ha trồng lúa chuyên canh sang 2 lúa - 1 màu với các loại bắp, mè, đậu nành.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác và thu nhập.

Hiện các Phường 3, 8, 9 và xã Trường An, Tân Hòa đang thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn. Riêng tại Phường 3 còn xây dựng mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun trên rau màu với kinh phí 72 triệu đồng.

Thực hiện dự án “Hỗ trợ giống cây trồng xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2017” do Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long đầu tư, đã nhận gần 5.600 cây giống, gồm: bưởi da xanh, nhãn Edor, nhãn xuồng, chôm chôm Thái, chôm chôm Java để trồng mới tại Phường 8, Phường 9, xã Tân Hội và Tân Ngãi.

Qua đó, nhằm thay thế vườn cây già cỗi, kém hiệu quả, từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái, cơ giới hóa sản xuất và liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

NGUYỄN PHƯƠNG

'Anh em nhà Samsung' chi triệu USD trồng ớt ở Việt Nam

Nguồn tin: VnExpress

Ngoài việc chi hàng triệu USD để đầu tư trồng 10ha ớt tại Việt Nam, đại gia Hàn Quốc còn tham vọng chuyển vùng nguyên liệu ớt tại Trung Quốc về Việt Nam.

Chia sẻ với VnExpress, ông Chang Bok Sang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CJ tại Việt Nam cho biết, sau nửa năm thử nghiệm thành công việc trồng ớt tại Ninh Thuận, tập đoàn quyết định chi 2,1 triệu USD cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) kết hợp với nông dân tại đây trồng 10ha ớt, đồng thời, cơ quan này còn giúp đỡ người dân xây trường học, nhà văn hóa cho thôn.

"Bắt đầu từ đầu tháng 7 chúng tôi sẽ cùng hơn 50 hộ gia đình tại Ninh Thuận khởi động vụ mới. Chúng tôi không chỉ cung cấp giống, phân bón mà còn đem tiến sĩ, kỹ sư nông nghiệp Hàn Quốc sang hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác và chăm sóc. Dự kiến với 10ha ớt mỗi năm công ty có thể thu được 200 tấn. Toàn bộ sản phẩm sẽ được tập đoàn bao tiêu theo giá cả thị trường", ông Chang nói và cho biết, mỗi năm công ty sẽ có báo cáo thị trường về giá cả ớt trên thế giới. Do vậy, người dân nên yên tâm vì tập đoàn sẽ thu mua sản phẩm theo giá thị trường ở mức hợp lý nhất. Còn về biện pháp canh tác, công ty sẽ cùng nông dân thực hiện trồng theo hướng thâm canh, tức là sau khi thu hoạch ớt thì khoảng thời gian để tái tạo đất nông dân có thể trồng đậu xanh. Đây là loại cây trồng không chỉ cho thu hoạch mà cải tạo thành phần của đất rất tốt.

Tập đoàn CJ lên kế hoạch chuyển vùng nguyên liệu trồng ớt từ Trung Quốc về Việt Nam.

Sắp tới để phục vụ cho việc chế biến ớt tại Việt Nam, công ty này cũng dự định xây nhà máy sản xuất tại Ninh Thuận. Một phần ớt chế biến xong sẽ dùng để sản xuất kim chi tại Việt Nam, số lượng còn lại xuất khẩu sang Hàn Quốc.

"Nếu 10ha ớt đầu tiên sản xuất thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ở nhiều tỉnh thành khác trên đất nước Việt Nam, dần dần hướng tới mục tiêu có vùng nguyên liệu 500ha. Vùng nguyên liệu này có thể thay thế nguồn hàng từ Trung Quốc", ông Chang bộc bạch.

Chia sẻ về lý do chọn ớt là cây trồng tại Việt Nam, ông Chang cho rằng, ớt là nguồn nguyên liệu không thể thiếu trong chế biến thực phẩm tại Hàn Quốc, trong khi đó, Việt Nam lại là nơi cho sản phẩm chất lượng tốt, ngon và cay hơn so với nhiều quốc gia khác. Trước đây, công ty đặt vùng nguyên liệu tại Trung Quốc nhưng vì chất lượng ớt tại quốc gia này kém nên Việt Nam là lựa chọn hợp lý để thay thế. Tuy nhiên, theo ông Chang, tại Việt Nam việc tạo ra vùng trồng ớt lớn tương đối khó khăn vì mỗi hộ dân chỉ được cấp những thửa ruộng khá nhỏ. Do vậy, công ty ông đang nhờ sự giúp đỡ của tỉnh Ninh thuận cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại đây vận động bà con kết hợp với nhau để tạo thành vùng nguyên liệu lớn. Sau khi thu hoạch, lợi nhuận sẽ được chia hợp lý theo quy mô của mỗi hộ gia đình.

Tập đoàn CJ của Hàn Quốc tiền thân là nhánh kinh doanh thực phẩm của Tập đoàn Samsung. Sau khi nhà sáng lập Lee Byung-chul qua đời năm 1987, Tập đoàn Samsung tách thành 4 doanh nghiệp gồm: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Shinegae, Tập đoàn CJ và Tập đoàn Hansol vào năm 1991 và 1997.

Hiện CJ hoạt động trong 4 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Thực phẩm và dịch vụ thực phẩm, Sinh học và dược phẩm, Giải trí và truyền thông, Truyền hình mua sắm (Homeshopping) và Logistics, Cơ sở hạ tầng.

Vào Việt Nam năm 1998, hết năm 2015 CJ đã đầu tư 400 triệu USD và có được 13 công ty con, nổi bật với các thương hiệu như hệ thống rạp chiếu phim CGV, Tour les Jours, kênh mua sắm SCJ...

Đơn vị này cũng cho biết, trong năm 2016 tập đoàn sẽ chi thêm 500 triệu USD để đầu tư vào M&A và các dự án mới trong các lĩnh vực thực phẩm, công nghệ sinh học, bán lẻ và giải trí. Riêng với M&A, công ty sẽ tập trung vào lĩnh vực thực phẩm.

Hồi tháng 1/2016, CJ Việt Nam đã mua lại thương hiệu kim chi Ông Kim. Mới đây, trong đợt IPO của Vissan, công ty cũng chi ra hơn 300 tỷ đồng để mua 3 triệu cổ phiếu, tương đương 4,18% cổ phần công ty này với giá 102.000 đồng - mức giá cao nhất trong đợt đấu giá công khai.

Thi Hà

Bắc Hà (Lào Cai): Trồng 11ha cây đương quy và đan sâm

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Năm 2016, tiếp tục thực hiện dự án phát triển cây dược liệu giai đoạn 2014-2020, huyện Bắc Hà (Lào Cai) sẽ trồng 37ha, trong đó có 14ha cây atiso, 19ha cây đương quy, 4ha cây đan sâm tại 4 xã trong vùng dự án là: Bản Già, Lùng Phình, Na Hối, Nậm Mòn.

Từ đầu năm 2016 đến nay, huyện Bắc Hà đã tiến hành trồng được 11 ha cây dược liệu, trong đó, diện tích thực hiện dự án vụ xuân là 2,6ha cây đương quy tại xã Na Hối; ngoài ra, Công ty TNHH 1-5 Minh Ngữ đã phối hợp đầu tư trồng 7ha (5,5ha cây đương quy và 1,5ha cây đan sâm tại khu vực xã Lùng Phình). Hiện tại, 11ha cây dược liệu đã trồng sinh trưởng phát triển tốt, diện tích còn lại sẽ trồng trong tháng 7 đến hết tháng 11, đảm bảo khung thời vụ tốt nhất.

Mô hình trồng cây dược liệu áp dụng màng phủ nilon tại Bắc Hà.

Hiện, huyện Bắc Hà đã và đang đầu tư dây chuyền chế biến trà nhúng các sản phẩm từ cây dược liệu trồng trên địa bàn. Trong thời gian tới, huyện Bắc Hà tiếp tục phối hợp với Viện cây dược liệu, Công ty Traphaco, Công ty Nam dược nghiên cứu, thử nghiệm đưa cơ cấu dự án trồng một số loại cây dược liệu như: Độc hoạt, tục đoạn, cắt cánh, cây ban, đẳng sâm… đồng thời phối hợp nghiên cứu thử nghiệm nhân giống tại huyện để chủ động nguồn giống có chất lượng.

THANH CƯỜNG

Nhiều tiện ích từ công nghệ tưới nhỏ giọt Isarel cho cam

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Nhiều chủ trại cam ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, mang lại nhiều lợi ích.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hải Yến, xóm Minh Thành, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) có gần 7ha cam, đầu năm 2015, bà đầu từ khoảng 40 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, công nghệ Israel, tưới cho 1ha cam gần 3 năm tuổi.

Trên chiều dài của ống dẫn nước chính, ở mỗi gốc cam, ống dẫn nước nhỏ giọt được khoanh tròn xung quanh gốc, theo chiều rộng của tán cây mới hiệu quả.

Trong vườn cam, bà Yến xây bể chứa nước khoảng 40m3 để lắp đặt hệ thống bơm, van điều chỉnh nước trực tiếp.

Bà Yến điều chỉnh van điều tiết nước cho phù hợp. Khi bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt, phân được hòa tan trong xô nước, sau đó được hút vào đường ống dẫn nước đến các gốc cam. Do vậy, dù lượng phân ít cũng được bón đều cho cả vườn cam hàng trăm cây.

Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, mỗi ngày người trồng cam chỉ cần tưới 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều, mỗi lần 30 phút là đủ.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến cho biết, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cam, rất nhiều lợi ích: Tiết kiệm nguồn nước tưới, không mất thời gian, công sức, bón phân đều, luôn đảm bảo đủ độ ẩm trong đất nên cây cam phát triển tốt, bộ lá luôn xanh, cam sớm ra quả. Vườn cam này của gia đình bà Yến mới 2 năm rưỡi đã ra quả bói.

Xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) hiện có 1.200ha cam, trong đó người dân đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho khoảng 50ha. Ông Nguyễn Văn Dũng - chủ tịch UBND xã cho biết: Những diện tích cam được tưới nhỏ giọt, năng suất tăng 30% so với những diện tích cam được tưới trực tiếp bằng vòi. Năng suất cam của Minh Hợp đạt từ 10 - 12 tấn/ha/năm.

Xuân Hoàng

Phòng trị sùng đục cành xoài

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Sùng gây hại chính trên cành, làm cành khô, chết, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và hại nặng đến năng suất.

Sùng đục cành xoài. Tên khoa học chưa định danh. Đây là loài côn trùng mới xuất hiện vài năm gần đây ở các tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ. Sùng gây hại chính trên cành, làm cành khô, chết, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và hại nặng đến năng suất. Cùng lúc, trên một cây có thể có nhiều cành bị sùng gây hại và trên cùng một cành có thể cùng lúc bị có nhiều sùng tấn công.

Quan sát bên ngoài vết đục thấy có mạt gỗ đùn ra ngoài và gây chảy nhựa, bên trong cành, sùng đục thành đường hầm dài làm cành bị khô, chết, gãy ngang ngay lỗ đục.

Ở Đông Nam bộ và ĐBSCL, sùng thường gây hại từ tháng 9 - 11 đến tháng 2 - 3 năm sau, tức trùng hợp vào giai đoạn xoài đang chuẩn bị ra hoa đến thu hoạch.

Đặc tính sinh học: Sùng có màu trắng sữa, thân hình thon dài, đầu đen, hàm khỏe, khi lớn có màu nâu đậm. Thành trùng là một loại xén tóc, dài khoảng 3mm, râu đen, dài khoảng 2mm. Sùng hoá nhộng ngay trong thân cây. Nhộng trần.

Phòng trị: Không trồng dày. Thăm vườn thường xuyên để phát hiện và phòng trị kịp thời. Nếu phát hiện sớm, bỏ thuốc hạt Diaphos 10H hay bơm Sairifos 585EC vào vết đục đục rồi dùng đất sét trét lại, nếu phát hiện muộn, tỉa bỏ cành và mang đi tiêu hủy.

TH.S HUỲNH KIM NGỌC

Gia Lai: Hướng đi mới cho cây chanh dây

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Thời gian qua, người dân các huyện Mang Yang, Kbang, Đak Đoa… (Gia Lai) không ngừng mở rộng diện tích trồng chanh dây-loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, thời gian khai thác sớm. Tuy nhiên, do giá bán không ổn định nên người trồng chanh dây không khỏi lo ngại.

Vườn chanh dây của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: N.D

Cây chanh dây hiện diện trong cơ cấu cây trồng của tỉnh khoảng vài năm gần đây theo hình thức tự phát. Thời điểm mới xuất hiện, giá bán chanh dây liên tục tăng cao và kéo dài nhiều năm liền, có thời điểm giá bán trên 50 ngàn đồng/kg nhưng vẫn không có nguồn cung cấp cho thương lái, người trồng chanh dây thu lời cao nên nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh phá bỏ các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp chuyển sang trồng chanh dây. Theo lý giải của nhiều nông dân tại địa bàn các huyện Mang Yang, Đak Đoa…, chanh dây rất dễ trồng, suất đầu tư trồng mới tầm 100 triệu đồng/ha, thấp hơn nhiều so với đầu tư trồng mới hồ tiêu, cà phê; thời gian từ khi trồng đến lúc thu hoạch chỉ 7 tháng, lại cho thu hoạch thường xuyên.

Khi diện tích trồng chanh dây trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cũng là lúc giá bán quả chanh dây… tụt dốc, có thời điểm giá bán chỉ dao động ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg. Giá thấp, thương lái thu mua chanh dây theo cách tuyển chọn quả to, đẹp nhưng số lượng quả loại này không được nhiều. Vừa thu hoạch vườn chanh dây của gia đình, chị Nguyễn Thị Thanh (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cho hay: “Nhà tôi đầu tư trồng mới khoảng 4 sào chanh dây từ tháng 9-2015, đến nay đã thu hoạch được 4 đợt nhưng trúng thời điểm giá bán chỉ 10.000 - 12.000 đồng/kg nên mới thu về khoảng 5 triệu đồng. Mức thu nhập không đáng là bao để bù vào chi phí đầu tư ban đầu”. May mắn hơn, chị Nguyễn Thị Thu (thôn Cây Điệp, xã Kdang, huyện Đak Đoa) cho biết, gia đình chị trồng thử nghiệm 30 gốc chanh dây nhưng thời điểm thu hoạch giá bán 18.000 - 19.000 đồng/kg nên tổng số tiền bán chanh dây hơn 7 triệu đồng, vượt số tiền đầu tư gần 3 triệu đồng. Cũng theo chị Thu “Chỉ cần giá bán quả chanh dây ổn định ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg, trồng chanh dây vẫn sướng hơn trồng các loại cây khác. Cứ hái xong, gọi điện có người đến thu mua”.

Theo kết quả rà soát của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có khoảng 251 ha chanh dây tập trung tại các huyện: Kbang, Mang Yang, Đak Đoa, Ia Grai và TP. Pleiku. Năng suất bình quân 50 - 80 tạ/ha/năm, cá biệt có hộ trồng chanh dây đạt năng suất trên 100 tạ/ha. Giá bán quả tươi hiện nay dao động ở mức 12.000 - 16.000 đồng/kg tùy theo phân cấp quả. Sản phẩm quả thu hoạch bán cho tư thương sơ chế tại huyện Mang Yang sau đó đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành lân cận. Theo đánh của ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang thì chanh dây là cây trồng ngắn ngày, đầu tư thấp. Vì vậy, với mức giá bán từ 10.000 đồng/kg thì nông dân đã có lãi. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc nên còn bấp bênh về giá. Do đó Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tuyên truyền người dân nên đa dạng hóa các loại cây trồng, nhất là các loại cây mà sản phẩm có nhiều thị trường tiêu thụ như cà phê, tiêu…

Để cây chanh dây phát triển ổn định và tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, mới đây UBND tỉnh đã có Công văn số 2298/ UBND-NL đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Nafoods Group đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chanh dây gắn với nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, diện tích vùng nguyên liệu chanh dây từ nay đến năm 2025 sẽ vào khoảng 3.000ha, trong đó sản xuất nông hộ khoảng 1.300ha tại các huyện Kbang (400ha), Mang Yang (500ha), Chư Prông (300ha), Đak Pơ (70ha) và Ia Grai (30ha); sản xuất tập trung 1.700ha, liên kết với các Công ty Cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Công ty cổ phần Nafoods Group sẽ ký hợp đồng đầu tư, thu mua, bao tiêu nguyên liệu chanh dây trên địa bàn tỉnh theo giá thị trường, đảm bảo giá thu mua để nông dân không chịu thiệt; xây dựng nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu chanh dây…

Ông Lê Văn Lịnh-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trước đây người dân trồng chanh dây theo hướng tự phát. Còn nay, với việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, cùng với xây dựng nhà máy chế biến… đặc biệt là việc thu mua, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là điều rất tốt. Điều này sẽ thu hút nhiều nông dân ở các địa phương tham gia lựa chọn những giống mới, năng suất, chất lượng cao để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động ổn định.

Nguyễn Diệp

Nâng tầm chôm chôm Long Khánh

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Cục Sở hữu trí tuệ vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh. 2 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Long Khánh là chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (giống chôm chôm java) Long Khánh. Đây là sản phẩm thứ 2 của Đồng Nai được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sau bưởi Tân Triều.

Chôm chôm Long Khánh được vào “bảng vàng” đặc sản quốc gia. Trong ảnh: Điểm bán đặc sản trái cây Long Khánh tại xã Xuân Tân.

Việc chôm chôm Long Khánh vào “bảng vàng” đặc sản quốc gia không chỉ góp phần khẳng định, xây dựng thương hiệu mà còn mở ra nhiều cơ hội về thị trường.

* Tiếng thơm lâu đời

Chôm chôm là một trong những cây chủ lực của Đồng Nai với tổng diện tích trên 11 ngàn hécta. Nhờ chất lượng trái ngon, chôm chôm Long Khánh đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Hiệp hội Trái cây Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ bình chọn vào tốp 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam. Trước đó, sản phẩm này cũng đã đăng ký thành công nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Việc chôm chôm Long Khánh được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa lớn trong việc nâng tầm thương hiệu của loại đặc sản này.

Ông Đoàn Quốc Sang, nông dân trồng chôm chôm tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Tuy trái chất lượng trái chôm chôm của Đồng Nai rất ngon và cũng được thị trường biết tiếng, nhưng đầu ra vẫn khá bấp bênh do chưa tổ chức được sự liên kết trong khâu tiêu thụ. Nông dân chúng tôi rất kỳ vọng việc trái chôm chôm Long Khánh được cấp chỉ dẫn địa lý sẽ là cơ hội về thị trường tiêu thụ, để loại trái cây đặc sản này có giá tốt với đầu ra ổn định hơn”.

Việc trái chôm chôm Long Khánh được cấp chỉ dẫn địa lý để người tiêu dùng biết rõ hơn thông tin về nguồn gốc, chất lượng và góp phần đổi mới cách nhìn của người tiêu dùng về sản phẩm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là bước khởi đầu cho xây dựng được một thương hiệu mạnh cho trái chôm chôm Long Khánh. Ông Trương Thành Trung, chủ Trạm dừng chân Lê Hoàng (xã Xuân Tân, TX.Long Khánh), nhận xét “Chất lượng trái ngon, an toàn mới mang lại giá trị lâu bền cho thương hiệu...”. Ông chủ trạm dừng chân này hiện đang triển khai dự án du lịch sinh thái vườn và dự kiến sẽ mở một khu chợ chuyên bán những đặc sản trái cây ngon, an toàn để tiếng thơm đặc sản trái cây Long Khánh, trong đó có chôm chôm ngày càng lan xa.

* Mở ra cơ hội thị trường

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc, cho biết: “Trái chôm chôm Long Khánh được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa rất lớn trong nâng tầm thương hiệu sản phẩm. Với thị trường xuất khẩu, chứng nhận này có giá trị đảm bảo về uy tín chất lượng để mở rộng cơ hội xuất khẩu loại trái cây đặc sản này, đồng thời thu hút doanh nghiệp về đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân”. Ông Tâm dẫn chứng năm ngoái, trái chôm chôm tróc của Bình Lộc đã vào được thị trường Pháp. Yêu cầu của họ rất ngặt nghèo nhưng kết quả phân tích chất lượng trái, mẫu đất, mẫu nước đều đạt nên vụ thu hoạch này khách hàng đã đặt vấn đề sẽ bao tiêu chôm chôm để xuất khẩu lâu dài. Ngoài ra, Tổng công ty thương mại Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh) cũng đã liên lạc với hợp tác xã bàn về việc đưa sản phẩm chôm chôm VietGAP Long Khánh vào hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi của tổng công ty.

Vựa trái cây Thanh Trung tại bến xe Long Khánh.

Việc được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cũng góp phần khuyến khích nông dân quan tâm đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng theo hướng an toàn, góp phần tăng sức cạnh tranh cho trái cây đặc sản này. Theo ông Trần Mộng Thành, Phó chủ tịch UBND TX.Long Khánh, hiện toàn thị xã có khoảng 2.800 hécta chôm chôm và đã hình thành theo những vùng chuyên canh đang dần được chuẩn hóa về chất lượng giống, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. “Thị xã đã hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm sản xuất chôm chôm VietGAP tại xã Bình Lộc và quy trình sản xuất sạch này đang được nông dân ứng dụng rộng rãi. Qua đó, khẳng định thương hiệu đặc sản chôm chôm Long Khánh có chất lượng ngon, an toàn không chỉ được thị trường nội địa ưa chuộng mà đạt chuẩn xuất khẩu. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh việc kết nối, thu hút doanh nghiệp về liên kết với nông dân để có đầu ra bền vững cho sản phẩm” - ông Thành nhấn mạnh.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Long Khánh là trái chôm chôm được trồng ở các xã: Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (TX.Long Khánh); Xuân Định, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất); xã Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ); được bảo quản, đóng gói tại các khu vực trên. Đó là khu vực địa lý có các điều kiện tự nhiên đặc thù, như: địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng là các yếu tố tạo nên chất lượng của chôm chôm Long Khánh với tổng diện tích gần 7 ngàn hécta.

Bình Nguyên

Lào Cai: Toàn tỉnh trồng mới 120ha cây ăn quả ôn đới

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Thực hiện kế hoạch cải tạo và sản xuất cây ăn quả ôn đới năm 2016, toàn tỉnh Lào Cai sẽ trồng mới 120ha cây ăn quả ôn đới.

Cải tạo 5ha cây lê VH6 theo quy trình công nghệ cao tại thành phố Lào Cai.

Diện tích cây ăn quả ôn đới được trồng mới tại các huyện Bắc Hà 60ha, Sa Pa 40ha, Bát Xát 10ha, Văn Bàn 10ha. Trong đó, tỉnh sẽ hỗ trợ thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong trồng và cải tạo 70ha cây ăn quả tại các huyện gồm: Sa Pa 15ha (10ha trồng mới, 5ha cải tạo), Bắc Hà 25ha (trồng mới 10ha, cải tạo 15ha), Bát Xát 15ha (trồng mới 10ha, cải tạo 5ha), Văn Bàn trồng mới 10ha, thành phố Lào Cai cải tạo 5ha. Các loại cây ăn quả trồng và cải tạo chủ yếu là lê VH6, mận Tam hoa, đào Pháp...

Theo đó, các vùng trồng mới được sử dụng giống lựa chọn có năng suất, chất lượng tốt, đồng đều. Các hộ nông dân tham gia trồng cây ăn quả được tập huấn kỹ thuật theo quy trình sản xuất công nghệ cao như: Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động; sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ và màng nilon che phủ gốc cây, sử dụng túi bọc quả chống côn trùng; hướng dẫn cách đốn tỉa, chăm sóc cây đúng quy trình để tạo sản phẩm đẹp, chất lượng cao cung cấp cho thị trường nhằm tạo thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả ôn đới của Lào Cai.

ĐỨC TOÀN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop