Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 07 năm 2017

Hà Giang: Giải pháp để cây Thanh long ruột đỏ ở Đồng Yên phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Hà Giang

“Cách đây 4 năm, cháu đã đưa cây Thanh long ruột đỏ về trồng. Lợi nhuận thu về được cả gốc lẫn ngọn. Tuy nhiên, đến nay cháu đang có ý định loại bỏ cây Thanh long để trồng cây khác...” - Đó là lời tâm sự của anh Đỗ Đặng Tuân, đội 1, thôn An Xuân, xã Đồng Yên (Bắc Quang, Hà Giang) khi nói về vấn đề bấp bênh giá cả và đầu ra cho sản phẩm Thanh long ruột đỏ.

Anh Đỗ Đặng Tuân trong vườn trong Thanh long ruột đỏ hơn 4 năm tuổi đang sai qủa.

Đứng trước khu vườn đồi có tới 800 trụ Thanh long ruột đỏ đang sai trĩu quả, anh Đỗ Đặng Tuân cho biết: Cây Thanh long mỗi năm cho gia đình anh 7 lần thu hái. Mỗi lứa cây ra hoa đậu quả chỉ kéo dài có 45 ngày. Giá bán mỗi kg Thanh long dao động từ 18 – 25 ngàn đồng. Thanh long trồng sau 1 năm rưỡi sẽ cho thu hoạch. Ngày đầu Thanh long anh trồng ở Đồng Yên có giá bán “độc quyền” lên tới 35 – 40 ngàn đồng/kg. Ngoài bán quả, anh Tuân còn bán giống cây cho dân làng An Xuân với giá bình quân từ 15 – 25 ngàn đồng/mầm cây. “Cách đây 4 năm, tôi đã bán cây Thanh long được cả gốc lẫn ngọn. Nhiều lúc còn không có đủ giống, đủ quả để cung cấp cho thị trường. Còn giá bán Thanh long sau 4 năm trồng như hiện tại đã mất đi một nửa vì nguồn cung hiện đang rất dồi dào.” – anh Tuân cho biết thêm. Tuy nhiên, giá bán hiện giờ xuống thấp, lợi nhuận thu được không đáng bao nhiêu và khó tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, trong thôn An Xuân có rất nhiều gia đình đang có ý định từ bỏ cây Thanh long để tìm cây trồng khác hiệu quả hơn. Vậy trồng cây nào hiệu quả hơn cây Thanh long hiện nay? nhiều gia đình cho là cây cam, cây nhãn... Tuy nhiên, chọn cây nào làm cây trồng chính tiếp theo vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp dứt khoát và đây cũng là lời cảnh báo về hiện tượng “được mùa – mất giá”, dẫn đến hiện tượng trồng rồi chặt bỏ đã diễn ra khá phổ biến trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua.

Vấn đề đặt ra trước mắt cho anh Tuân cũng như nhiều gia đình đang trồng Thanh long trong thôn là tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nếu, không có thị trường tiêu thụ ổn định thì người trồng Thanh long tại An Xuân có trên chục ha đang cho thu hoạch sẽ gặp khó khăn. Anh Tuân và nhiều gia đình khác cho rằng, nếu không tìm được thị trường tiêu thụ ổn định họ sẽ loại bỏ cây Thanh long để tìm cây trồng khác...?

Tâm sự của anh Đỗ Đặng Tuân và nhiều người dân thôn An Xuân, xã Đồng Yên sau 4 năm đưa cây Thanh long ruột đỏ về trồng đã, đang để lại nhiều suy tư: Giá bán mỗi kg Thanh long tại các vùng trồng Thanh long trọng điểm ở Ninh Thuận và An Xuân không có gì khác nhau. Vậy sao, người trồng Thanh long ở Bình Thuận vẫn thu về tiền tỷ cho mỗi ha/năm, còn tại xã Đồng Yên tại sao người trồng Thanh long lại có ý định loại bỏ? Tham khảo kỹ ý kiến những người trồng Thanh long trong thôn An Xuân mới biết: Cây Thanh long mỗi năm có thể cho thu hoạch tối đa tới 7 lứa. Nếu cứ để cả 6 đến 7 lứa ra hoa, lấy quả thì chất lượng quả Thanh long sẽ bị giảm sút. Trong đó có quả nhỏ, mẫu mã xấu, ít ngọt... Phần đa người trồng Thanh long ở An Xuân cho rằng phải thay đổi cách thâm canh để thu được sản phẩm tốt hơn, đẹp hơn. Nhưng cái khó của người trồng Thanh long trong thôn chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra. Hướng đi của các gia đình trồng Thanh long thôn An Xuân là thành lập HTX. Tuy nhiên, HTX Thanh long này hoạt động sao cho hiệu quả, tìm kiếm thị trường ở đâu vẫn là những câu hỏi bỏ ngỏ? Có 2 lý do hạn chế hoạt động sản xuất và kinh doanh của HTX đó là: Trình độ quản lý và công tác tiếp cận thị trường. Vì rằng, từ Giám đốc HTX đến các thành viên HTX đều xuất phát từ những người nông dân. Công việc của những người nông dân là trồng cấy, thu hái. Việc tiếp thị, tìm kiếm các nơi tiêu thụ đối với người nông dân là hoàn toàn xa lạ. Do vậy, công việc tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm của HTX vẫn chỉ dừng lại ở một “góc nhỏ” trong thị trường rộng lớn mà thôi.

Còn về phía chính quyền cơ sở xã Đồng Yên làm thế nào để hỗ trợ người trồng Thanh long tiêu thụ sản phẩm? Trước mắt là tạo điều kiện hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi. Tiếp đó là mời gọi doanh nghiệp liên kết cùng các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm làm ra. Sau nữa là khuyến cáo bà con không vội mở rộng diện tích trồng Thanh long khi chưa có thị trường bao tiêu sản phẩm... Tuy nhiên, công việc mời gọi, lôi kéo liên kết vẫn còn hạn chế, chưa có lối thoát, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong huyện và tỉnh giúp đỡ nhà nông.

Để cây Thanh long ruột đỏ phát triển bền vững ở An Xuân không cách nào khác là phải “dừng lại” trên diện tích đã có. Còn giải pháp trước mắt cần thực hiện đó là giảm thời vụ thu hoạch Thanh long từ 6 – 7 vụ/năm xuống còn khoảng 4 vụ/năm để nâng cao chất lượng chăm bón thâm canh nhằm mang lại năng suất cao hơn, mẫu mã đẹp hơn cho tiêu dùng. Ghi nhận tại một số ít gia đình đã hạn chế vụ thu hoạch quả để dưỡng cây cho thấy: Thanh long thu hoạch 4 vụ/năm sẽ cho quả to, đẹp, ngọt đậm, dễ bán. Và đấy cũng là lý do chính đáng để người trồng Thanh long làm giảm, dãn thời gian thu hoạch và cũng là giảm, dãn thời gian cung cấp sản phẩm ra thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm cho người trồng Thanh long trong giai đoạn hiện nay.

Điều cần nói thêm là, cây Thanh long ruột đỏ là cây trồng mới được phát triển thành công trên đất Bắc Quang nói riêng và Hà Giang nói chung. Sản phẩm Thanh long ruột đỏ đã mang lại sự đa dạng các sản phẩm nông nghiệp cho tỉnh nhà. Do đó, cây trồng này cần sự quy hoạch, quảng bá cùng sự liên doanh, liên kết để cây trồng có chỗ đứng vững chắc trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, là cơ hội để các nhà vườn phát triển kinh tế hỗ trợ tích cực cho công tác xoá đói, giảm nghèo tại các địa phương.

Nhật Hồng

Biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên: Người làm nông rát mặt

Nguồn tin: VOV

Thời tiết bất thường, dịch bệnh bùng phát đang gây ra những thiệt hại ngày càng nghiêm trọng trong sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên.

Biến đổi khí hậu với những nghịch lý dị thường đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp ở vùng Tây Nguyên: Năm ngoái hạn hán khốc liệt giữa mùa mưa; Năm nay lại mưa dầm lê thê giữa mùa khô. Sự biến đổi thất thường này đã gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Nông dân canh tác các loại cây cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng… như đang đánh bạc với trời. Vườn hồ tiêu, sầu riêng đang xanh tốt bỗng nhiên đổ bệnh và chết hàng loạt; hầu hết các vườn bơ, rẫy điều vừa trổ hoa đã gặp đợt mưa dầm trái mùa nên không hề đậu quả.

Những cơn mưa không được mong đợi

Thời tiết bất thường đã xuất hiện ngay từ đầu năm nay, với những cơn mưa dầm trong mùa khô Tây Nguyên. Mưa đã gây thiệt hại trên diện rộng đối với hầu hết các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, bơ, sầu riêng và cả các loại cây trồng ngắn ngày khác cũng bị ảnh hưởng. Biểu hiện rõ nét nhất là hàng nghìn ha hồ tiêu ở các huyện phía Nam của tỉnh Đắk Lắk bị chết.

Lần đầu tiên xuất hiện dịch nấm phytophthora khiến hàng trăm ha sầu riêng bị chết.

Xót xa với vườn hồ tiêu 700 trụ đang trong thời kỳ thu hoạch bị lụi tàn, anh Đào Xuân Hùng ở thôn 2A, xã Ea Ô, huyện Ea Kar cho hay, mưa đã khiến hơn 500 trụ hồ tiêu đang sinh trưởng tốt bị chết.

“Mưa xong nắng lên hồ tiêu càng chết nhiều. Diện tích hồ tiêu còn lại đang tiếp tục úa vàng lá, khi tiêu đã úa vàng lá là nó sẽ chết. Từ khi trời mưa nhiều, gia đình đã đầu từ quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật để cứu chữa diện tích hồ tiêu còn lại nhưng không thành”, anh Hùng xót xa.

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Tâm ở thôn 1, xã Ea Lai, huyện M'Đrắk thì thiệt hại cả tỷ đồng vì vườn hồ tiêu bị xóa sổ sau đợt mưa dai dẳng, trái mùa.

“Mưa nhiều và kéo dài khiến bao nhiêu tiêu trồng chết hết, thiệt hại lên tới cả tỷ đồng. Nếu sau này vay thêm được vốn đầu tư sản xuất, gia đình sẽ không làm tiêu mà sẽ chuyển sang trồng bơ, sầu riêng hoặc các loại cây ăn quả khác”, chị Tâm tiếc nuối.

Mặc dù chị Tâm dự định chuyển sang trồng cây ăn quả. Nhưng chị cũng không ngờ rằng, chính những người trồng cây ăn quả ở Tây Nguyên cũng bị thất thu bởi những cơn mưa trái mùa này. Điển hình là vườn bơ 3 ha của gia đình ông Bành Việt Tùng ở thôn 4, xã Ea Kpam, huyện Chư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, mỗi năm đạt sản lượng 15 tấn, bán trên 1 tỷ đồng nhưng năm nay cũng không có thu hoạch.

“Năm ngoái thời tiết nắng hạn, năm nay lại mưa sớm đầu mùa, mà bơ BOOTH lại không chịu được sự thay đổi thất thường của thời tiết. Bơ đang trổ bông hễ gặp mưa sẽ hỏng hết bông nên những ai trồng bơ năm nay dính mưa đều bị thất thu”, ông Tùng cho biết.

Côn trùng rất lạ, nấm bệnh bùng phát

Không chỉ cây bơ mà gần 500 ha sầu riêng ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cũng bị ảnh hưởng đợt mưa trái mùa, trong đó hơn 150 ha đã chết. Hơn 30 năm trồng sâu riêng, đây là lần đầu tiên chứng kiến hiện tượng lạ khiến ông Hoàng Viết Hiển ở thị trấn Phước An vô cùng lo lắng.

“Sầu riêng gặp mưa trái mùa đầu tiên sẽ bị héo lá non đầu ngọn, sau đó cứ héo dần xuống cành và lan ra thân khiến cây rụng hết lá. Mấy lần các gia đình đã mời kỹ sư về đổ thuốc dưới gốc, phun thuốc trên lá nhưng cứu vãn được. Tình trạng này khiến năm nay gia đình thiệt hại nặng, vì với 76 cây sầu riêng, năm ngoái gia đình thu hơn 40 tấn quả, bán được hơn 1 tỷ đồng”, ông Hiển chia sẻ.

Điều là cây dễ thích ứng với sự biến đổi khí hậu, nhưng năm nay toàn vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ đều bị mất mùa. Tỉnh Đắk Nông có hơn 1.500 ha điều, nhưng năng suất chỉ bằng 1/3 so với niên vụ trước.

Nguyên nhân là đang trong mùa khô, cây điều đang ra hoa thì gặp mưa khiến tỷ lệ đậu quả thấp. Tại 3 huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, bọ xít muỗi bùng phát, dịch bệnh thán thư hành hoành khiến hàng nghìn ha điều bị khô cháy, thiệt hại khoảng 850 tỷ đồng.

Nhiều vườn bơ thất thu tiền tỷ vì mưa giữa mùa khô khiến cây không đậu quả.

Nhìn vườn điều 3 ha xác xơ, tàn lụi, bà Lê Thị Kim Lan ở thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai than thở: “Gia đình vừa đầu tư, vừa chăm sóc dọn dẹp cây vườn điều theo đúng kỹ thuật để đảm bảo cho cây đỡ sâu bệnh, nhưng không hiểu do thiên tai hay là do bệnh tự phát mà hiện tại điều chết từ cành xuống thân”.

Ngay ở thành phố Đà Lạt - vùng khí hậu lý tưởng để trồng các loại rau, hoa, củ quả, những năm gần đây liên tục xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan. Nổi tiếng là xứ lạnh, mát mẻ quanh năm, nhưng Đà Lạt giờ đây nhiệt độ có khi tăng vọt lên 27 độ. Mưa đá, lũ quét và nhiều loại dịch bệnh trên cây trồng bùng phát.

Ông Lê Quốc Dũng ở phường 7, thành phố Đà Lạt cho biết, vì đã sống ở Đà Lạt trên 40 năm, ông thấy sự biến đổi khí hậu rất đã ảnh hưởng trực tiếp đến những người làm nông nghiệp, nhất là khi mưa quá nhiều và nắng ngày càng gay gắt.

“Tháng 6 này Đà Lạt chẳng khác gì xứ nóng nên gia đình phải dùng quạt. Có những thời điểm trong năm lại phải tìm từng giọt nước để cứu cây rau, nhưng khi cứu được thì lại gặp trận mưa lớn, mưa đá nó vùi dập. Gần đây xuất hiện những loại côn trùng rất lạ và các loại nấm bệnh mà các nhà khoa học nói đây là do thời tiết”, ông Dũng chia sẻ.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan, trái ngược với quy luật được cho là biến đổi khí hậu, là thiên tai. Nhưng đây là hệ quả tất yếu, là cái giá phải trả bởi hàng chục năm qua môi trường sinh thái của vùng Tây Nguyên đã bị phá vỡ, huỷ diệt do sự khai thác một cách vô tội vạ, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không hề cân nhắc đến bảo vệ môi trường./.

Nhóm PV/VOV-Tây Nguyên

Ổi tím lá nhỏ lần đầu xuất hiện thu hút khách hàng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Thời gian gần đây, làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) xuất hiện giống ổi tím lá nhỏ ra trái quanh năm, vừa để ăn trái vừa làm cây cảnh rất thu hút khách hàng.

Người trồng thành công giống ổi này là ông Lâm Văn Chính (48 tuổi) ở khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc.

Ông Chính cho biết, ông được một người quen cho 1 cây ổi Xá Lị trái xanh, lá nhỏ có vị thơm.

Ông lấy hột nhân giống ra trồng thử thì cây con lại là cây ổi tím, có trái cũng màu tím. Thấy vậy, ông đã nhân thêm nhiều cây để bán, tuy nhiên số lượng không nhiều vì trong 100 cây con thì chỉ có khoảng vài cây là ổi tím, còn lại đều là ổi xanh.

Ngoài cho trái quanh năm, có vị thơm ngon, ổi tím còn dùng làm kiểng nên rất được khách hàng ưa chuộng. Hiện tại, ông bán cây con giá 40 ngàn đồng/cây.

Cây cao từ 1m trở lên có giá từ 400 ngàn - 2 triệu đồng/cây (tùy dáng cây và số lượng trái). Mặc dù giá cao nhưng vườn ổi của ông Chính vẫn không đủ cây con để cung ứng cho thị trường.

Thanh Nghĩa

Thân thiện môi trường, an tâm sử dụng

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Đến thăm khu trồng rau của trang trại sản xuất nông nghiệp sạch Thái Nguyên, chúng tôi ngỡ ngàng vì có vài chục nhà lưới trắng được thiết kế khoa học liền kề bên những vườn rau xanh trồng ngoài trời. Chúng tôi càng vui hơn khi biết sản phẩm rau sạch ở đây được trồng với tiêu chí 5 không, đó là: không thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gen và không thuốc trừ cỏ.

Khu trại trồng rau xanh tươi này nằm trong diện tích trên 21ha của trang trại sản xuất nông nghiệp sạch Thái Nguyên, có trụ sở tại xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ. Với diện tích nhà lưới trên 2ha, trại chuyên trồng rau thủy canh và trồng rau trên đất theo quy trình VietGap. Các khu vực trồng rau trên đất được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho các loại cây lấy quả như: đỗ tương Nhật xanh; dưa chuột Nhật Bản; ớt ngọt; cà chua, bầu, bí… và tưới phun mưa trên các loại rau cải các loại, bồ công anh tía…

Tham quan trại trồng rau này, chúng tôi nhận thấy các nhà lưới khép kín được đầu tư hiện đại và hợp lý với hệ thống tưới nước tự động, máy móc làm đất, hầm và thùng chứa phân bón sinh học (phế phẩm nông nghiệp ủ hoai mục)... Anh Hồng Sỹ Hưng, Giám đốc trang trại sản xuất nông nghiệp sạch Thái Nguyên giới thiệu với chúng tôi về hai hệ thống tưới gồm tưới phun mưa trên các loại rau ăn lá và tưới nhỏ giọt cho các loại cây lấy quả đang áp dụng trong trang trại. Anh cho biết, trồng rau tốn công nhất là tưới nước. Hiện nay chúng tôi trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel, tiết kiệm được khoảng 50% lượng nước tưới, giảm 80 - 90% công tưới nước. Đây là hệ thống được lắp đặt gồm 3 bộ phận: máy bơm, bộ điều khiển trung tâm, hệ thống dây nhỏ giọt được đặt chạy dài theo các luống rau. Nước được bơm vào bồn và dẫn tới hệ thống ống đặt khắp các luống. Tại các điểm thích hợp trên ống thiết kế một lỗ nhỏ, nước được phun ra từ đó với một lượng ít và phun thường xuyên nên lượng nước tiêu tốn ít, đủ để giữ ẩm cho rau và không thất thoát tràn lan ra ngoài. Còn hệ thống tưới phun mưa cũng được thiết kế hiện đại. Các hệ thống tưới này chỉ cần 1 người vận hành là được.

Nói về các sản phẩm rau của trang trại, anh Hưng chia sẻ, rau xanh nhất là các loại rau ăn lá là sản phẩm có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao nhất. Nguyên nhân, do rau có thời gian thu hoạch ngắn, dễ bị sâu bệnh chứ không có vỏ như các loại củ, quả.

Chính vì vậy, để sản xuất được các sản phẩm rau sạch, trang trại chúng tôi luôn chăm sóc, quản lí đảm bảo tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt. Cụ thể, các giống rau gieo trồng đều có nguồn gốc rõ ràng và tuyệt đối không sử dụng giống biến đổi gen. Quá trình trồng và chăm sóc rau không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ. Các loại rau được trồng luân canh trong nhà lưới, tránh mưa, côn trùng. Trong trường hợp sâu bệnh quá nhiều, chúng tôi chỉ dùng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc thiên nhiên như ớt, xả, gừng… để phun phòng trừ, xua đuổi côn trồng tới hại rau, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học...

Bên cạnh trồng các loại rau trên đất, trang trại còn trồng thêm rau sạch các loại theo phương pháp thủy canh trong nhà lưới. Theo đó, các loại rau như: ớt, cà chua, dưa chuột Nhật, cải… được nhập hạt giống từ nước ngoài. Thay cho gieo trồng trên mặt đất, hạt được ươm bằng xơ dừa trộn hợp chất dinh dưỡng trong những vỉ xốp. Những ống nước chứa chất dịch thuỷ canh theo hệ thống được dẫn bên dưới tới từng cây rau. Đây là loại dung dịch đặc biệt, bao gồm các nguyên tố đa lượng và vi lượng, hoàn toàn không có chất kích thích sinh trưởng hay thuốc trừ sâu bệnh. Dung dịch dinh dưỡng này sẽ chảy đến từng cây trong hệ thống trước khi hồi lưu về thùng chứa. Hệ thống đóng mở tự động được nối giữa máy bơm và hệ thống dẫn nước, có tác dụng điều chỉnh thời gian và số lần bơm nước trong ngày. Anh Hưng cho biết, trồng rau theo phương pháp thủy canh này ưu điểm hơn so với phương pháp trồng cây trên đất do cây phát triển nhanh, độ đồng đều cao, thời gian thu hoạch nhanh (giảm 10-15 ngày so với trồng bình thường). Sau 23 ngày cấy luống là có thể thu hoạch rau sạch và hầu như không có sâu bệnh. Rau sạch tuyệt đối vì không dính đất cát, khi thu hoạch chỉ việc nhấc cây lên, cắt gốc và đóng bao bì là có thể xuất hàng.

Từ giữa năm 2016, những bó rau xanh tươi, đảm bảo sạch, tuân thủ điều kiện môi trường sản xuất nghiêm ngặt của trại lần đầu tiên được bán tại thị trường Hà Nội và bán lẻ tại địa bàn tỉnh, đến nay vẫn được thị trường, đối tác quen biết đánh giá cao. Hiện, bình quân 2 ngày một lần, trại cung cấp về thị trường Hà Nội gần 1 tấn rau sạch và bán ra thị trường tỉnh khoảng 2 tạ rau sạch. Chị Dương Thị Hằng, công nhân của trại cho biết: Tôi phụ trách khâu nhổ cỏ ở các nhà lưới trồng rau bồ công anh tím và đỗ tương xanh Nhật. Qua 1 năm làm ở đây, tôi đã thuộc phương châm của trại là làm chậm, chắc, đảm bảo đúng sản phẩm rau sạch mới bán ra thị trường.

Khi chia tay chúng tôi, anh Hưng cho biết, trại sẽ tiếp tục mở rộng qui mô nhà lưới lên 5ha sản xuất các loại rau an toàn. Bên cạnh đó, chúng tôi đang xây dựng kho lạnh, dây chuyền rửa, đóng gói các loại rau và các cửa hàng chuyên bán sản phẩm rau sạch của trại trên địa bàn tỉnh. Khó khăn rồi cũng qua, thị trường bắt đầu hướng tới những sản phẩm vì sức khỏe, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên người dân đã bắt đầu lựa chọn sản phẩm của trang trại chúng tôi. Hy vọng sản phẩm rau sạch của trang trại nay mai sẽ phổ biến trên thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn

Thu Hà

Nông dân thất thu vì giá rơm khô giảm mạnh

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Theo các thương lái thu mua, nguyên nhân giá rơm cuối vụ giảm là do nhu cầu tủ rơm canh tác của nông dân các tỉnh giảm mạnh do lũ về, rơm chủ yếu được mua để dự trữ làm phân rơm và nguồn thức ăn cho gia súc trong mấy tháng mùa lũ. Trong khi đó, nguồn phụ phẩm từ cây trồng cuối vụ cho vật nuôi còn nhiều.

Tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, 1ha lúa, nông dân bán rơm giá 250 ngàn đồng, trong khi vụ trước mỗi hecta nông dân thu nhập 800 ngàn - 1 triệu đồng từ việc bán rơm.

Hiện giá 1 cuộn rơm thương lái bán ra cũng chỉ còn 11 ngàn đồng, trong khi trước đó là 24 - 25 ngàn đồng.

Giá rơm giảm mạnh khiến nông dân mất đi nguồn thu đáng kể.

Minh Hồ

445.500 cây giống cà phê không đạt tiêu chuẩn

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sau hơn 3 tháng phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra gần 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống cà phê trên địa bàn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng kết luận 445.500 cây giống cà phê của 11 cơ sở vườn ươm không đạt tiêu chuẩn xuất vườn.

Chiếm nhiều nhất là cơ sở Vườn ươm Hữu Thể (Phường 1, Bảo Lộc) với số lượng 200.000 cây giống; kế tiếp 70.000 cây ở Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Đức Cường (xã Hoài Đức, Lâm Hà) và 50.000 cây ở Cơ sở Bạch Thị Nhất (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh); 8 cơ sở còn lại có từ 2.500 - 30.000 cây không đạt tiêu chuẩn xuất vườn thuộc địa bàn các huyện Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc.

Được biết, cây giống cà phê không đạt tiêu chuẩn xuất vườn theo quy định gồm cây giống không công bố tiêu chuẩn cơ sở và cây giống có mật độ tuyến trùng ký sinh trong đất, rễ vượt quy định.

Văn Việt

Người trồng cao su Nghệ An điêu đứng vì bão số 2

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Cơn bão số 2 đi qua đã khiến 40ha cây cao su trên đất Phủ Quỳ bị đổ gãy; ước tính tổng thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng.

Những năm gần đây, tác động xấu của thiên nhiên như lốc xoáy; mưa, bão đã khiến hàng nghìn hộ công nhân trồng cây cao su thuộc Công ty TNHH MTV cà phê cao su Nghệ An lâm vào cảnh điêu đứng. Chỉ tính riêng ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã khiến 40ha cây cao su bị đổ gãy, ước tính tổng thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng.

Từ nhiều năm nay, 1,3 ha cây cao su là nguồn thu nhập chính của gia đình bà Nguyễn Thị Hòe, công nhân đội Nghĩa Xuân - Nông trường Tây Hiếu I. Tuy nhiên, cơn bão số 2 đã khiến trên 100 cây cao su đang độ thu hoạch của bà bị đổ gãy, hàng trăm cây bị bật gốc.

"Tiền đóng bảo hiểm công nhân và chi tiêu cuộc sống hàng ngày đều trông cả vào cây cao su; giờ cây đổ gãy khá nhiều nên gia đình cũng không biết xoay sở thế nào" - bà Nguyễn Thị Hòe chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hòe, công nhân đội Nghĩa Xuân - Nông trường Tây Hiếu I đang thu dọn những cây cao su bị gãy đổ do bão số 2. Ảnh: Quang Huy

Không chỉ gia đình bà Nguyễn Thị Hòe, hiện hàng nghìn hộ công nhân của Công ty cà phê cao su Nghệ An cũng đang điêu đứng sau cơn bão số 2. Điều đáng nói là phần lớn diện tích cao su bị đổ gãy đang trong thời kỳ khai thác mủ. Ngoài số cây bị gãy, 100% diện tích cây cao su trên vùng đất đỏ Phủ Quỳ cũng rơi vào tình trạng long gốc, bật rễ, tước cành. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng mủ ở các vụ tiếp theo.

Chị Trần Thị Bích Hằng, công nhân đội Hưng Nam - Nông trường Tây Hiếu I cho biết: Cơn lốc năm 2016 nhiều diện tích cây cao cũng bị thiệt hại, phải đến tháng 5, tháng 6 cây mới phục hồi, chúng tôi chưa kịp vui mừng vì sản lượng mủ tăng thì lại gặp phải cơn bão số 2; Mà mỗi lần gặp thiên tai như thế này phải mất cả năm trời cây mới phát triển ổn định".

Cây cao su gãy đổ tại Nông trường Tây Hiếu I - Công ty TNHH MTV cà phê cao su Nghệ An. Ảnh: Quang Huy

Công ty TNHH MTV cà phê cao su Nghệ An hiện có 5 nông trường gồm Nông trường Tây Hiếu I, Tây Hiếu II, Tây Hiếu III, Cờ Đỏ và Nông trường Đông Hiếu, quản lý trên 2.000ha cây cao su. Ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã khiến 20.000 cây cao su trong thời kỳ kinh doanh bị đổ gãy, những cây không bị gãy cũng rơi vào tình trạng long gốc, bật rễ...

Nông trường Tây Hiếu I là đơn vị chịu nhiều thiệt hại nhất, có hơn 20 ha cây cao su bị bão quật đổ. Trong đó có trên 9.000 cây cao su kinh doanh và 1.000 cây cao su kiến thiết cơ bản.

Thu Trang - Quang Huy (Đài Thái Hòa)

Bộ NN&PTNT công nhận đặc cách 16 giống ngô biến đổi gen

Nguồn tin: Hà Nội mới

Theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay, ở nước ta, tỉ lệ sử dụng giống ngô lai trong sản xuất chiếm gần 100% với khoảng 50 loại do các công ty trong và ngoài nước cung cấp. Ước tính, mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 20 nghìn tấn ngô giống phục vụ sản xuất.

Ruộng ngô sử dụng giống biến đổi gen của gia đình bà Vì Thị Hắc (Mộc Châu, Sơn La)

Cục Trồng trọt cho biết: Từ 2014, Việt Nam chính thức chấp nhận ứng dụng ngô chuyển gen (GMO) phổ biến sản xuất đại trà sau khi đã tiến hành các bước đánh giá về an toàn sinh học, an toàn trong chế biến thức ăn chăn nuôi và thực phẩm…

Cuối tháng 3-2017, tổng lượng giống ngô biến đổi gen đã nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 1.500 tấn, tương đương với khoảng 100.000ha diện tích gieo trồng. Tính đến hết tháng 6-2017, Bộ NN&PTNT đã công nhận đặc cách tổng cộng 16 giống ngô biến đổi gen...

Nguyễn Mai

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop