Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 09 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 09 năm 2020

Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm

Nguồn tin:  Báo Thái Nguyên

HTX Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Đồng tâm, xã Động Đạt đang từng bước thực hiện phát triển chăn nuôi gà Ai Cập lai theo chuỗi giá trị.

Hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong mọi lĩnh vực. Xuất phát từ thực tiễn đó, để từng bước đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đã triển khai các giải pháp nhằm khuyến khích các cá nhân, đơn vị liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Trước đây, sản xuất nông nghiệp của người dân ở huyện Phú Lương chủ yếu nhỏ lẻ, ít có sự liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ. Điều này khiến năng suất, chất lượng và giá trị các mặt hàng không cao, chưa có chỗ đứng trên thị trường. Từ năm 2018 đến nay, từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND huyện đã triển khai 17 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Các đơn vị, HTX tham gia được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật; vật tư nông nghiệp; máy móc; cây, con giống; quảng bá và nhận diện sản phẩm… Đến nay, đã có 9 dự án hoàn thành, còn lại đang trong quá trình thực hiện. Việc triển khai các dự án không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất mà còn từng bước hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị cho người dân.

Anh Đinh Văn Tuấn, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Đồng Tâm, xã Động Đạt cho biết: Trước đây, chúng tôi đã đầu tư nuôi gà Ai Cập lai lấy trứng với quy mô 2 nghìn con. Những năm gần đây, nhận thấy thị trường đầu ra của sản phẩm trứng gà ngày càng tăng, tôi có ý định tăng đàn nhưng chưa đủ vốn để đầu tư con giống và mua thức ăn chăn nuôi. Sau khi được phê duyệt là đơn vị chủ trì dự án “Phát triển chăn nuôi gà Ai Cập lai” vào năm 2019, HTX đã được hỗ trợ 500 triệu đồng để mua 4 nghìn con gà Ai Cập giống; máy trộn và máy nghiền thức ăn; đăng ký mã vạch, mã QrCode; thiết kế in bao bì, tem nhãn… Từ nguồn hỗ trợ này, chúng tôi đã chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi. Hơn nữa, nhờ sản phẩm có mã, bao bì nhận diện sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, nên chúng tôi đã liên kết tiêu thụ với một số HTX và Công ty dưới Hà Nội với số lượng lớn và ổn định.

Bên cạnh việc xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, huyện cũng chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất cây lương thực, cây chè tập trung quy mô lớn như: Vùng sản xuất chè ở các xã Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc (chiếm 70% diện tích chè toàn huyện); vùng sản xuất lúa nếp vải, nếp cái hoa vàng quy mô trên 150ha tại xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch; vùng sản xuất lúa bao thai giống nguyên chủng với quy mô 150ha tại Phấn Mễ, Cổ Lũng, thị trấn Đu…

Đi liền với đó, huyện cũng đã và đang khuyến khích phát triển kinh tế tập thể để thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện nay, toàn huyện có 39 HTX nông nghiệp, 26 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè, rau; 42 làng nghề. Trong đó chủ yếu là hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chè. Hàng năm, huyện đều có các chính sách hỗ trợ máy móc, tập huấn, xúc tiến thương mại cho các HTX, làng nghề để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiện, trên địa bàn huyện có 15 mô hình kinh tế đã hình thành liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nổi bật như: HTX chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh); Cơ sở sản xuất chè Hoan Xuyến (xã Vô Tranh); Công ty TNHH thảo dược HENAVA; Công ty TNHH ROVA - VINA; Công ty dược phẩm thiên nhiên DK…

Ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Nhằm tiếp tục nhân rộng, hình thành những mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp bền vững, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tham mưu xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các hộ cá thể, đơn vị không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng liên kết với nhau để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Phan Trang

Mã số vùng trồng: ‘Tấm vé’ cho nông sản xuất khẩu

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số mới được phép xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… và gần đây nhất là Trung Quốc.

Má số vùng trồng giúp người tiêu dùng ở các thị trường nhập khẩu an tâm về truy xuất nguồn gốc nông sản - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đến nay, đối với các thị trường “khó tính”, chúng ta đã cấp được 998 mã số vùng trồng, trong đó các mã số được cấp nhiều nhất là cho thị trường Hoa Kỳ (471), tiếp đó là Australia và New Zealand (393), Hàn Quốc (199) và cuối cùng là các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.

Đối với thị trường Trung Quốc, tính đến tháng 8/2020 đã có 47 tỉnh gửi văn bản đề nghị và đã cấp được 1.735 mã số vùng trồng với diện tích trên 180 000 ha cho 9 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt) đã được xuất khẩu chính ngạch và 1.832 mã số cơ sở đóng gói.

Điều kiện bắt buộc

Theo Cục Bảo vệ thực vật, đối với từng thị trường khác nhau, các quy định liên quan đến cấp mã số vùng trồng có thể khác nhau nhưng tựu chung lại mục tiêu của việc cấp, quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số là để đảm bảo truy xuất được đến từng vườn trồng, cơ sở đóng gói về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng, các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng trên vườn trồng đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng.

Mỗi mã số vùng trồng được cấp không phải là không có thời hạn mà theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số sẽ bị thu hồi.

Đối với thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như: EU, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc... các quy định về vùng trồng, cơ sở đóng gói được thể hiện trong các bản điều kiện nhập khẩu nhập khẩu hoặc kế hoạch thực hiện đối với từng loại nông sản cụ thể. Cũng có một số loại sản phẩm thì thực hiện theo một văn bản quy định chung của nước nhập khẩu.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, yêu cầu về việc trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này phải xuất phát từ vùng trồng, cơ sở đóng gói được Bộ NN&PTNT cấp mã số và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt được thông báo từ năm 2018 và bắt đầu chính thức áp dụng từ 2019.

Hiện nay, các quy định cụ thể về yêu cầu với vùng trồng được cấp mã số vùng trồng của các nước đã được đăng tải đầy đủ trên website của Cục Bảo vệ thực vật, tựu chung lại các vùng trồng được cấp mã số phải đáp ứng các yêu cầu về: nhận diện được vùng trồng (thường sử dụng GPS); áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong đó chú trọng đến công tác ghi chép nhật ký canh tác; theo dõi thường xuyên tình hình sinh vật gây hại; thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng; thực hiện tốt các biện pháp canh tác, phòng trừ sinh vật gây hại và thu hoạch để đảm bảo mật độ sinh vật gây hại luôn ở mức thấp; đảm bảo không có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép theo quy định của nước nhập khẩu.

Việt Nam cũng đã đưa quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng vào Luật Trồng trọt (Điều 64).

Không thể nơi lỏng giám sát

Cục Bảo vệ thực vật cho biết hời gian qua một số địa phương còn chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng. Cá biệt có những tỉnh sau khi đề nghị cấp mã số xong không còn quan tâm đến thực tế đang diễn ra ở các vùng được cấp mã số này.

Trong thời gian qua, việc kiểm tra và giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại các địa phương được thực hiện về cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, tháng 6/2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cho cơ quan Kiểm dịch thực vật Việt Nam về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020, chiếm khoảng 0,43% tổng lượng xuất khẩu) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Mặc dù tỷ lệ số mã số cơ sở đóng gói và vùng trồng đang bị phía Trung Quốc tạm ngưng xuất khẩu là không lớn, nhưng đây là một tín hiệu cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các nông sản xuất khẩu cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời.

Do đó, trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khẩu xuất khẩu.

Các địa phương phải phân công cụ thể cán bộ và cơ quan đầu mối trong quản lý, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số; chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra đề nghị cấp mã số hoặc giám sát các đơn vị đã được cấp mã số và báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật để có các biện pháp xử lý kịp thời nếu có vấn đề xảy ra.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo có các cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có phối hợp xử lý. Thông tin thường xuyên với các cơ quan quản lý về vùng trồng, nhà đóng gói cũng như quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình. Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.

Đỗ Hương

Nông nghiệp đô thị ‘chuyển mình’ sau hạn mặn

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Hướng đi của nông nghiệp đô thị ở TP. Bến Tre sau đợt hạn mặn năm 2019-2020 có nhiều nét mới. Trong điều kiện mặn xâm nhập với diễn biến ngày càng khó lường, quá trình thích ứng của nông dân TP. Bến Tre có thể đem lại một số kinh nghiệm chọn lựa mô hình nông nghiệp đô thị thích hợp cho những đô thị đang phát triển ở các huyện.

Cây ổi ruby tại Khu du lịch Phú An Khang vẫn phát triển tốt sau hạn mặn.

Trồng nha đam Mỹ

TP. Bến Tre có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn là kinh tế chính của hơn 5 ngàn hộ dân ở 6 xã trên địa bàn thành phố. Nhắc đến mô hình nông nghiệp đô thị ở TP. Bến Tre, chiếm vị trí số một vẫn là cây bưởi, kế đến là dừa xiêm xanh. Thế nhưng, sau hạn mặn vừa qua, hiện cây bưởi của thành phố vẫn còn trong tình trạng “dưỡng thương”, chưa thể cho trái. Cây dừa xiêm xanh cũng ráng trái nhưng trái nhỏ, khó bán. Cây nha đam Mỹ tuy không đem lại thu nhập cao cho người dân nhưng đã cầm cự đi qua mùa mặn và cho thu hoạch đều đến nay.

Cô Hồ Thị Luyến, Ấp 3, xã Nhơn Thạnh là một trong những người trồng nha đam Mỹ khá thành công ở xã. Cô Luyến tận dụng lối đi từ cổng vào nhà, mé mương bờ vườn để trồng cây nha đam Mỹ, với diện tích khoảng 500m2. Loại cây này dễ trồng, 3 - 4 ngày mới tưới 1 lần, mỗi năm bón 2 lần phân hữu cơ vào đầu và cuối mùa mưa. Giá bán 6.000 đồng/kg, mỗi tháng cây nha đam Mỹ đem lại thu nhập cho cô Luyến khoảng 5 triệu đồng. Cây nha đam Mỹ đã sống sót qua mùa mặn lịch sử vừa rồi. Chủ vườn cho hay, cứ cách 5 ngày cây được tưới một ít nước ngọt (nước mua từ các xe bán nước ngọt), các bẹ lá thiếu nước nên không múp míp, nhưng vẫn vượt qua đợt mặn mà không bị suy kiệt.

Bên cạnh đó, vườn nhà cô Luyến còn nuôi thỏ, trồng dừa xiêm xanh. Nhờ đa dạng sinh kế mà diện tích vườn nhỏ hẹp của cô Hồ Thị Luyến vẫn là kinh tế chính nuôi sống gia đình. “Tôi vẫn còn băn khoăn vì cây nha đam Mỹ có bệnh thối nhũn. Cây cứ bị hư, hiện vẫn chưa có biện pháp nào trị được. Bên cạnh đó, tại Nhơn Thạnh mỗi tháng 2 lần triều cường, nước ngập cả vườn và đó lại là nước mặn khiến tôi không thể trữ nước ngọt trong mương để tưới cây”, cô Hồ Thị Luyến chia sẻ.

Chuyển đổi mô hình

Kể từ những trận mưa đầu mùa giữa tháng 5-2020, đến nay, đã được 3 tháng, cứ mỗi đợt ngày rằm, nước dâng cao tràn vào các mương vườn ở Nhơn Thạnh đem theo độ mặn 2%o, khiến nông dân khá bối rối. “Hễ rằm là nước mặn tràn vào đất, bò vào trong những ao nước mưa mà chúng tôi để dành. Thật không biết phải làm sao để giữ nước ngọt. Nhà tôi hiện có 3 hồ chứa nước ngọt, trữ được khoảng 17 - 18m3 nước, vừa dùng cho người, cho vật, cho cây thì e là khó đối phó trong những mùa mặn tiếp theo”, cô Hồ Thị Luyến băn khoăn.

Hơn 60% diện tích đất trồng dừa (tương đương 240ha) và trên 85% diện tích đất trồng bưởi (khoảng 264ha) ở xã Nhơn Thạnh bị ảnh hưởng hoặc thiệt hại do hạn mặn năm 2019-2020. “Nông dân ở xã đã bị bất ngờ vì nước mặn về sớm. Lượng nước ngọt dự trữ lại không đủ xài vì mặn kéo dài hơn dự đoán. Đa số vườn cây ở xã không được tưới nước trong suốt mùa mặn. Vì thế, hiện giờ nông dân đang vất vả dưỡng cây. Mùa mưa năm nay, việc chuyển đổi cây trồng ở Nhơn Thạnh diễn ra rất nhiều, hơn hẳn mọi năm do cây trồng bị chết. Đa số nông dân chọn cây dừa xiêm xanh, cây chanh để trồng mới”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Nga - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Thạnh cho biết.

Ở những trang trại có mô hình nông nghiệp đô thị sử dụng công nghệ cao, nước mặn đã làm thay đổi quan điểm chọn cây trồng. Đợt mặn vừa rồi, vườn cây ở Khu du lịch Phú An Khang, xã Bình Phú, TP. Bến Tre được tưới ngọt lọc từ nước máy, chủ khu du lịch này đã đầu tư hơn 300 triệu đồng cho hệ thống lọc mặn. Bên cạnh đó, chi phí cho tiền điện và nước tưới cây cũng tăng gấp đôi so với lúc nước không nhiễm mặn, khoảng 60 - 70 triệu đồng/tháng.

Để thích ứng với tình hình hạn mặn trong thời gian tới, ông Nguyễn Duy Thuấn - Giám đốc Công ty TNHH Phú An Khang cho biết: “Định hướng của Phú An Khang là tìm cách giữ nước ngọt tại chỗ ở các mương vườn, tìm những cây chịu được mặn. Đợt mặn vừa qua, tôi thấy những cây chịu được mặn khá như ổi ruby, ổi lê, sơ ri; giống cây mới ngoại nhập là cây che-ri cũng hơn 1,5 năm, chúng sống và hiện đang cho trái, còn vú sữa hoàng kim thì không chịu được mặn, đã chết”.

Theo nhận xét của bà Huỳnh Thị Ngà - Phó trưởng phòng Kinh tế TP. Bến Tre, hạn mặn và triều cường đã đem mặn ngấm vào đất khiến đa số vườn cây ở thành phố bị ảnh hưởng, số cây già cỗi lâm vào suy kiệt và chết. Cây bưởi được người dân trồng mới rất nhiều. Sau hạn mặn, cây ổi ruby, các loại hoa lan, hoa hồng được người dân chọn làm để phát triển mô hình nông nghiệp đô thị.

Trong khi đó, ở Nhơn Thạnh, Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ đang phát động phong trào hỗ trợ bồn nước cho hội viên, như: vận động nhà tài trợ một số vốn, cộng với người dân đối ứng vốn (trả chậm trong 1 - 2 năm) để mua bồn nước bằng nhựa, hoặc túi trữ nước (trữ được khoảng 7,5m3/túi) để sử dụng.

Theo bà Huỳnh Thị Ngà - Phó trưởng phòng Kinh tế TP. Bến Tre, hướng đi của nông nghiệp đô thị ở TP. Bến Tre trong 5 năm tới vẫn là phát triển theo hướng đô thị, kết hợp du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai phát triển hệ thống tưới tiết kiệm, nuôi lươn không bùn, nuôi thỏ.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Hậu Giang: Nhiều diện tích cây ăn trái được chứng nhận an toàn thực phẩm và nhãn hiệu tập thể

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết sau thời gian khuyến cáo, tập huấn cho nông dân, hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều diện tích cây ăn trái của người dân được chứng nhận an toàn thực phẩm và nhãn hiệu tập thể. Cụ thể, có 164,41ha (gồm bưởi, cam, quýt, sầu riêng, mãng cầu xiêm, khóm) được cấp giấy chứng nhận sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, 60ha (bưởi, chanh) được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP; đang làm hồ sơ chuẩn bị công nhận VietGAP cho 77ha (bưởi, cam) và đang xây dựng 40ha (khóm, mãng cầu) sản xuất theo chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 7 sản phẩm cây ăn trái được chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm: Bưởi Năm Roi Phú Thành Hậu Giang, cam sành Ngã Bảy, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt Hậu Giang, quýt đường Long Trị, cam xoàn Phụng Hiệp, xoài cát Hậu Giang. Trong đó, có 2 loại cây là cam sành và khóm đã phát triển thành thương hiệu nổi tiếng; 7/7 loại sản phẩm nông sản trên đều đạt tiêu chuẩn GAP.

Chanh không hạt đang là một trong 7 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể của tỉnh.

Đến thời điểm này, tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh đạt 41.568ha. Trong đó, diện tích trồng cây có múi là 14.431ha, mít 6.562ha, xoài 3.520ha, khóm 2.744ha, mãng cầu xiêm 762ha, còn lại cây ăn trái khác 13.549ha. Năng suất bình quân đạt từ 13-23 tấn/ha.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Biến đất cằn thành vùng chuyên canh cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Nhiều người cho rằng vùng đất Ia Piơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) không phù hợp với cây ăn quả. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Viết Tất đã thành công với 6 ha cây ăn quả trên vùng đất khô cằn này.

“Đầu tư trồng một lúc 6 ha cây ăn quả trong khi xung quanh chưa ai trồng, ông có thấy mình quá mạo hiểm?”-trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Tất cười hiền: “Tôi đã tham quan, khảo sát nhiều nơi rồi mới dám triển khai”.

Trước tiên, ông dành thời gian vào tỉnh Đồng Nai để tham quan các mô hình trồng cây ăn quả; sau đó tham khảo ý kiến của bạn bè, những người có kiến thức, kinh nghiệm về trồng trọt. Và hơn hết, ông nhận được sự đồng thuận từ các thành viên trong gia đình, nhất là cậu con trai đã tốt nghiệp đại học có cùng ý tưởng về trang trại cây ăn quả.

Ông Nguyễn Viết Tất (bên trái) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả với hội viên trong xã. Ảnh: Anh Huy

Ông Bùi Văn Phụng-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Piơr: “Ông Nguyễn Viết Tất là người tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng kém năng suất sang cây ăn quả với số lượng lớn tại địa phương. Không chỉ mạnh dạn phát triển kinh tế, trong vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Tất còn tích cực hướng dẫn, vận động hội viên chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập”.

Đầu năm 2015, ông tiến hành trồng 2.000 cây na hạt lép, 1.000 cây xoài và 500 cây mít Thái cùng 200 cây bưởi da xanh trên diện tích 6 ha. Trước đó, trên diện tích này, ông Tất trồng cây cao su. Ngay khi quyết định trồng cây ăn quả, ông đã đầu tư đào hồ chứa nước rộng 8.000 m2, vừa đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, vừa tận dụng để thả cá, nuôi vịt siêu trứng. Sau một năm rưỡi, cây na hạt lép cho thu bói đủ với số vốn đầu tư ban đầu (đạt 100 ngàn đồng/cây). Còn diện tích xoài 3 năm cho thu hoạch bói cũng đạt 100 ngàn đồng/cây.

“Hiện tại, diện tích cây ăn quả cho thu nhập ổn định. Bình quân mỗi cây na tôi thu khoảng 500 ngàn đồng và mỗi cây xoài thu 300 ngàn đồng, còn mít Thái thu khoảng 20 kg/cây bán với giá 20 ngàn đồng/kg. Đến vụ thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua nên không lo ngại về đầu ra”-ông Tất phấn khởi nói.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cây, ông Tất cho hay: Tổng diện tích trang trại của gia đình rộng 16 ha, trong đó có 6 ha cây ăn quả, còn lại là điều ghép. Sở dĩ, gia đình ông vẫn dành phần lớn diện tích trang trại cho cây điều vì loại cây này có khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với khí hậu nắng, nóng của xã vùng đệm biên giới.

Ông Tất trải lòng: Cách đây 23 năm, gia đình ông rời quê hương Hải Dương vào Gia Lai lập nghiệp theo diện đi xây dựng kinh tế mới. Gia đình ông được Nhà nước cấp 1 căn nhà gỗ rộng 20 m2, 400 m2 đất vườn và 5.000 m2 đất trồng cây hàng năm để từng bước ổn định cuộc sống.

Thời gian đầu, cuộc sống gia đình ông khá khó khăn do con cái còn nhỏ, trồng trọt lại chưa nắm bắt được khí hậu, thổ nhưỡng, chưa có máy móc hỗ trợ sản xuất nên năng suất các loại cây trồng không cao. Mãi đến năm 2010, gia đình ông mới tích lũy được ít vốn để mua máy ủi, máy múc phục vụ sản xuất và làm dịch vụ để kiếm thêm thu nhập. Cứ dành dụm được ít tiền, ông Tất lại mua thêm đất để mở rộng diện tích và đến năm 2015 gia đình ông đã sở hữu trong tay 16 ha đất sản xuất.

Hiện tại, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu hơn 1 tỷ đồng từ trang trại trồng điều và cây ăn quả, sau khi trừ các khoản chi phí còn lời hơn 500 triệu đồng. Ngoài tạo việc làm ổn định cho 5 lao động ăn, ở ngay tại trang trại với mức thu nhập 170-200 ngàn đồng/ngày, hàng năm gia đình ông còn giải quyết việc làm cho 150 lao động thời vụ.

Trong suốt 17 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Tất luôn tích cực hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho hội viên, nhất là hội viên dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn xã có 27 hộ trồng cây ăn quả với tổng diện tích 52,2 ha. “Thời gian tới, Hội sẽ hướng tới việc thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả”-ông Tất cho biết thêm.

ANH HUY

Tiết kiệm chi phí sản xuất nhờ tận dụng cỏ dại trong vườn cây

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Trồng và giữ cỏ dại đã giúp giữ được độ ẩm cho vườn cây ăn trái trong mùa hè, chống trôi chất dinh dưỡng và xói mòn trong mùa mưa. Nắm bắt được những lợi ích này, nhiều nông dân ở Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) đã chủ động trồng cỏ trong vườn cây ăn trái, giúp vườn cây phát triển tốt hơn.

Vườn sầu riêng 3 ha bắt đầu cho thu hoạch, anh Trần Văn Điệp, ở thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh (Đắk Mil), bắt đầu trồng cỏ trai xung quanh mỗi gốc.

Thảm cỏ giúp vườn sầu riêng của anh Điệp giữ ẩm và chống xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng

Anh Điệp chia sẻ, sau nhiều năm canh tác, anh thấy việc xử lý cỏ dại tốn rất nhiều công sức. Việc diệt cỏ bằng thuốc cũng làm chai đất. Còn dùng cuốc xới thì làm trôi chất dinh dưỡng, bạc màu đất. Vì thế, anh đã tìm cách để cây trồng sống chung với cỏ dại. Thậm chí anh còn trồng và duy trì cỏ trong vườn cây.

Theo anh Điệp, cỏ còn mang nhiều ưu điểm như tạo thành một lớp mặt giúp giữ ẩm cho đất, lá cỏ có thể dùng làm phân xanh, thức ăn cho gà vịt. Điều quan trọng hơn là việc để cỏ đã giúp cho người dân giảm bớt được công sức diệt cỏ, giảm chi phí sản xuất.

Tương tự, vườn bơ, cây ăn trái hơn 7 ha của gia đình ông Nguyễn Tiến Hoàng, thôn Tây Sơn, xã Long Sơn (Đắk Mil), cũng được trồng cỏ trai trên lô và quanh gốc. Từ ngày trồng cỏ, ông Hoàng đã tiết kiệm được công làm cỏ, mỗi năm chỉ dùng máy cắt từ 1 - 2 lần để hạn chế chiều cao của cỏ chứ không phải cắt diệt tận gốc như trước đây. Cỏ sau khi cắt trở thành phân xanh giúp cải tạo đất.

Ông Hoàng phân tích, cỏ dại là một thành phần trong tự nhiên, nên không thể tiêu diệt chúng mà phải tìm cách tận dụng những lợi ích mà chúng mang lại. Cỏ dại lấy chất dinh dưỡng từ đất và các chất dinh dưỡng này sẽ được quay trở lại đất bằng cách sử dụng ngay chúng làm che phủ hoặc dùng lá làm phân xanh. Giữ cỏ dại trong vườn cây ăn trái sẽ có tác dụng giúp giữ ẩm cho đất trong mùa hè và chống rửa trôi chất dinh dưỡng hay xói mòn đất trong mùa mưa. Cỏ dại cũng giúp cho bộ rễ cây ăn quả dễ hấp thụ chất dinh dưỡng hơn. Thảm cỏ giúp phân tán tuyến trùng ra khắp vườn khiến chúng không tập trung vào gốc cây...

Vườn bơ, cây ăn trái của ông Hoàng luôn duy trì cỏ trai

Sử dụng thảm cỏ ở vườn cây ăn trái là một phương pháp đã được rất nhiều nhà vườn áp dụng hiệu quả từ nhiều năm nay. Qua thực tế cho thấy, việc trồng cỏ trong vườn cây có rất nhiều tác dụng. Nó vừa hạn chế công làm cỏ, vừa hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để cây trồng phát triển. Hiệu quả kinh tế của việc trồng cỏ là rất lớn. Người nông dân chỉ cần biết cách chọn lọc, tận dụng phù hợp thì cỏ dại hoàn toàn có thể trở thành "người bạn" thân thiết cho vườn cây. Đối với những vườn rẫy nằm trên các mái đồi thoai thoải dốc, việc duy trì cỏ dại có tác dụng chống xói mòn đất, giúp cây trồng phát triển tốt.

Thời gian qua nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đắk Mil đã áp dụng cách trồng cỏ trong vườn rẫy cây ăn trái. Các loại cỏ người dân chọn trồng là cỏ trai, cỏ lạc... Đây là cách làm hay, theo xu hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, giúp cải tạo, bảo vệ đất và tạo môi trường thuận lợi để cây trồng phát triển. Chính việc trồng và duy trì cỏ dại trong vườn rẫy, người dân ít sử dụng thuốc diệt cỏ giảm thiểu sự ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ít làm chai đất và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cây trồng khi thu hoạch.

Bài, ảnh: Đức Hùng

Khánh Sơn (Khánh Hòa): Hơn 255ha sầu riêng và mía tím được chứng nhận VietGAP

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 255,3ha cây trồng (gồm 250,3ha rầu riêng và 5ha mía tím) của 162 hộ là thành viên của 10 hợp tác xã và tổ hợp tác trồng cây ăn quả, cây mía tím trên địa bàn huyện đã đạt chứng nhận VietGAP.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, về sầu riêng, Hợp tác xã cây ăn quả Sơn Bình có 10ha, Tổ hợp tác trái cây Sơn Bình có 32,3ha, Tổ hợp tác trồng sầu riêng Sơn Hiệp 30ha, Tổ hợp tác trái cây Ba Cụm Bắc 39,6ha, Tổ hợp tác cây ăn quả Tô Hạp 24ha, Tổ hợp tác cây ăn quả Sơn Trung 47,7ha, Tổ hợp tác cây sầu riêng Sơn Lâm 54,4ha, Tổ hợp tác sầu riêng Thành Sơn 5,6ha và Tổ hợp tác trái sầu riêng Ba Cụm Nam 6,7ha. Về mía tím, hiện nay, chỉ có Tổ hợp tác trồng mía tím Sơn Hiệp có 5ha đạt chuẩn VietGAP. Như vậy, tất cả các địa phương trên địa bàn huyện Khánh Sơn đều đã có sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP.

HẢI LĂNG

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức: Chọn hướng đi mới cho cây chanh

Nguồn tin: Báo Long An

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Bến Lức (ấp 6, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) hiện có 7 thành viên sản xuất 50ha chanh. Ngoài ra, HTX còn liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ chanh với một vài HTX khác trên địa bàn huyện và huyện Thạnh Hóa.

Giám đốc HTX - Trần Duy Thuận cho biết, mong muốn lớn nhất của HTX là liên kết sản xuất trên diện tích 300 đến 400ha để chủ động sản xuất, liên kết đầu ra với doanh nghiệp, tạo đầu ra cũng như thu nhập bền vững cho người trồng chanh.

Dây chuyền sơ chế chanh vừa được hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia

Những năm gần đây, chanh được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Nhờ lợi nhuận từ cây chanh, đời sống kinh tế của người dân ngày càng ổn định. Hiện tại, trên địa bàn huyện Bến Lức có khoảng 6.500ha chanh. Mục tiêu của huyện đến cuối năm 2020 có 1.200ha ứng dụng công nghệ cao, cung ứng sản phẩm có nguồn gốc cho thị trường xuất khẩu. Nắm bắt mục tiêu này từ huyện, HTX Bến Lức đã tiên phong ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trồng trọt trong nhiều công đoạn như tưới, phun thuốc. Gần đây nhất, HTX mạnh dạn đầu tư Dây chuyền sơ chế và phân loại chanh.

Thấy được hiệu quả của việc đầu tư dây chuyền sơ chế và phân loại chanh từ HTX Bến Lức, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh xây dựng đề án hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2020. Theo đó, HTX đầu tư dây chuyền sơ chế và phân loại chanh có tổng kinh phí trên 603 triệu đồng, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng. Máy có công suất 40 tấn/ngày với nhiều công đoạn nhưng là một dây chuyền sản xuất liên kết như rửa, lau bóng, làm khô và sau cùng là phân loại theo kích cỡ.

Theo ông Trần Duy Thuận, máy hoạt động theo hình thức bán tự động, tốc độ sơ chế và phân loại chanh nhanh, chính xác. Sản phẩm sau phân loại đạt đúng tiêu chuẩn, tỷ lệ phân loại lỗi thấp, đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng. So với lựa chanh bằng thủ công, máy cho năng suất cao hơn 2-3 lần, tiết kiệm chi phí nhân công.

Sau khi có máy lựa chanh, HTX mạnh dạn liên kết với nhiều doanh nghiệp để tiêu thụ chanh từ các thành viên trong cũng như ngoài HTX. Bình quân mỗi ngày, HTX sơ chế, phân loại, đóng gói theo hình thức ủy thác từ 20-25 tấn chanh. Chanh được tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu đi Singapore, Trung Đông, châu Âu,... Hoạt động khá ổn định, HTX tạo việc làm cho khoảng 50 lao động từ khâu chuyên chở, sơ chế, đóng gói.

Chị Huỳnh Thị Yến Duyên (ấp 5, xã Lương Hòa) làm việc tại HTX ở khâu đứng máy sơ chế, lựa chanh. Chị Duyên cho biết, bình quân mỗi ngày, chị làm việc từ 8-10 giờ, mỗi giờ được 30.000 đồng. Với thu nhập này, chị có thể phụ giúp trang trải kinh tế gia đình./.

Gia Hân

Quảng Ngãi: Đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả giá trị cao

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả mà chủ lực là bưởi da xanh đã mang lại cho gia đình ông Trần Minh, ở xóm 5, thôn Thọ Bắc, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi một hướng sản xuất mới.

Trên khu vườn trên 9.000 mét vuông của gia đình ông Trần Minh đã hình thành một vườn cây ăn quả mà chủ lực là cây bưởi da xanh. Khu vườn này hình thành với sự hỗ trợ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh từ tháng 7 năm 2017. Khi đó, ông được hỗ trợ gần 100 cây giống các loại gồm bưởi da xanh, mít Thái và dừa xiêm nhưng qua thời gian ông nhận thấy cây bưởi da xanh phù hợp với thổ nhưỡng vùng này nên đã phá bỏ hết diện tích vườn tạp để mở rộng phát triển giống bưởi da xanh. Từ chỗ chỉ có 37 cây bưởi giống được hỗ trợ, đến nay khu vườn của ông đã có trên 300 gốc bưởi da xanh.

Hiện, trên 200 cây bưởi của ông Minh đã ra quả lứa đầu và đang chín dần. Ông nhẩm tính, mỗi cây bưởi ông để lại từ 7-8 quả, mỗi quả bưởi bán từ 120 - 150 nghìn đồng, ông thu về từ 1 - 1,2 triệu đồng/gốc. Cải tạo vườn tạp để trồng bưởi, đã cho giá trị cao gấp 4 lần so với trồng các loại cây khác trên mảnh vườn này của ông. Ông Minh, vui vẻ cho biết: "Cái vườn này trước đây tôi trồng bắp, mì, đậu nhưng giờ trồng bưởi. Nếu cứ đà này, sang năm tôi dự kiến thu 5 tạ bưởi, khoảng 25 triệu đồng, thì được gấp 4 lần hoa màu phụ" – ông Minh nói

Nhờ chịu khó đầu tư, thâm canh, chăm sóc, bám vườn, vườn bưởi của ông luôn sum xuê, tươi tốt

Nhờ chịu khó đầu tư, thâm canh, chăm sóc, bám vườn, vườn bưởi của ông luôn sum xuê, tươi tốt. Bưởi được ông chăm sóc theo hướng sạch, không dùng phân thuốc hóa học. Khi quả bưởi bằng nắm tay, ông dùng bao để bao bọc, bảo vệ. Ông luôn thực hiện tốt việc phòng trừ sâu bệnh trên cây và ngọn cây. Hiện đầu ra đã được các thương lái và hộ gia đình đăng ký tấp nập. Bưởi của ông Minh rất to, có quả nặng trên 2 kg, múi bưởi dày, ngọt và mọng, vỏ xanh mướt.

Nhằm cải tạo đất, tăng thu nhập, bên dưới các gốc bưởi, ông Minh còn tạo luống để trồng khoai môn, dự kiến sẽ cho thu hoạch trong dịp Tết nguyên đán sắp tới. Để giúp đất ẩm, cây bưởi được tưới đều, ông Minh đã đầu tư trang bị hệ thống tưới phun mưa nhân tạo với hàng trăm ống tưới được đặt song song với các hàng bưởi.

Ông Minh đầu tư hệ thống tưới phun mưa nhân tạo cho vườn bưởi

Thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, năm 2017, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh đã triển khai cho 8 hộ nông dân ở xã Tịnh Thọ thực hiện 2 ha với các loại cây trồng như bưởi, mít Thái và dừa xiêm. Nhìn chung, sau 3 năm thực hiện, hầu hết các hộ đều xây dựng được vườn cây ăn quả có giá trị. Đặc biệt, sự thành công trong việc cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, mà chủ lực là bưởi da xanh của ông Trần Minh đã mở ra một hướng đi mới góp phần phát triển cây trồng có giá trị trên đồng đất xã Tịnh Thọ, cải thiện cuộc sống cho người nông dân.

Ông Phạm Văn Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh cho biết: "Hiện nay, bà con nông dân ở đây thích cải tạo vườn tạp, do đó Trung tâm sẽ hướng dẫn, trao đổi miễn phí cho bà con nông dân về kỹ thuật bất cứ khi nào bà con cần thì Trung tâm đáp ứng, nhằm giúp bà con cho ra sản phẩm cây ăn quả có giá trị"

Hiệu quả kinh tế của cây ăn quả đã tạo nên một hướng đi mới cho bà con nông dân ở xã Tịnh Thọ nói riêng và huyện Sơn Tịnh nói chung. Trong thời gian tới, huyện Sơn Tịnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế có giá trị từ hiệu quả của các loại cây trồng, nhất là các loại cây có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, mít Thái góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Thu Phượng - Kim Cúc

Đăk Kan (Ngọc Hồi, Kon Tum): Hiệu quả khai thác mủ cao su bằng khí ethylen

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Học hỏi mô hình khoan lấy mủ cao su từ khí ethylen ở huyện Đăk Hà vào năm 2018 và thử nghiệm hiệu quả trên vườn cây của gia đình, anh Nguyễn Văn Hiển - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng cao su trên địa bàn áp dụng.

Ethylen là một hoocmôn thực vật có trong cây cao su, kích thích quá trình tạo mủ và làm cho mủ chậm đông. Tận dụng được đặc tính này, người ta nghĩ ra cách bơm khí ethylen vào thân cây để mủ hóa lỏng nhằm tăng tốc độ chảy mủ, rút ngắn thời gian thu hoạch. Khi thực hiện phương pháp này, người dân sẽ lắp bộ áp khí (gồm nắp chóp, túi khí, ống khí) vào thân cây, sau đó bơm khí vào túi. Khí ethylen từ túi khí sẽ thẩm thấu vào cây. Một tháng thường bơm khí 2 lần. Khoảng 2 ngày từ lúc bơm khí, sẽ bắt đầu khoan lấy mủ, dùng ống nhựa được thiết kế sẵn gắn vào lỗ được khoan để mủ chảy ra. Cách làm này giúp người trồng cao su vừa giảm được nhân công thuê cạo mủ cao su, vừa ít gây tổn thương cho cây, lại cho lượng mủ khai thác nhiều hơn so với cách khai thác truyền thống, góp phần nâng cao năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế trong suốt chu kỳ khai thác mủ.

Bơm khí vào cây cao su. Ảnh: HT

Chúng tôi đến thăm vườn cao su gần 2ha của anh Mai Hoa Kiều ở thôn Ngọc Tặng (xã Đăk Kan). Tại đây, anh Kiều đã triển khai phương pháp khai thác mới hơn 1 năm nay trên 1ha cao su. Nhận thấy hiệu quả, anh Kiều đang dự tính sẽ triển khai toàn bộ trên diện tích cao su còn lại của gia đình.

Anh Kiều kể, trước đây, vợ chồng anh phải dậy từ 3h sáng để đi khai thác mủ cao su, vào lúc cao điểm trong vụ khai thác, gia đình anh còn phải thuê thêm 2 nhân công. Từ ngày áp dụng phương pháp áp khí ethylen, vợ chồng anh không phải dậy sớm nữa, chỉ đi khai thác vào ban ngày và sáng hôm sau chỉ việc đi trút mủ là xong. Và gia đình anh cũng không cần phải thuê thêm nhân công làm nữa.

“Ưu điểm của phương pháp này là tăng năng suất và tuổi thọ của cây vì hạn chế được tổn thương so với phương pháp truyền thống (1 vết cạo theo cách truyền thống có chiều dài nửa vòng thân cây nên gây tổn thương gấp nhiều lần so với một mũi khoan). Nếu như với cách làm truyền thống nhịp độ cạo có thể là d2 (2 ngày cạo một lần) thì với cách làm áp khí có thể dùng d3 hoặc d4 (3-4 ngày/1 lần cạo) vì thế đỡ tốn công hơn rất nhiều. Phương pháp áp khí ethylen lại cho mủ cao su nhiều hơn so với cạo truyền thống, trung bình nhiều hơn từ 40-50 kg mủ/ha, thu nhập cũng tăng khoảng 3-4 triệu đồng/1ha ” - anh Kiều chia sẻ.

Anh Hiển khoan lấy mủ cao su. Ảnh: H.T

Với anh Nguyễn Văn Vinh (thôn Ngọc Tặng, xã Đăk Kan), từ lúc áp dụng phương pháp khai thác mủ cao su bằng áp khí ethylen, anh Vinh đã chủ động được thời gian làm việc, thu nhập tăng lên nhờ tiết kiệm được ngày công và từ năng suất vườn cây tăng.

Anh Vinh cho biết, đầu năm 2019, sau khi được cán bộ Hội Nông dân xã giới thiệu kỹ thuật mới, anh bàn với vợ và quyết định đầu tư mua sắm vật tư, kinh phí hết 16 triệu đồng/2ha cao su của mình. Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật, anh Vinh áp dụng thành thạo phương pháp khai thác mới, từ khâu lựa chọn vị trí đặt nắp túi khí cho đến kỹ thuật khoan, tất cả anh đều làm thuần thục. Sau hơn một năm thử nghiệm, anh nhận thấy lượng mủ của vườn cao su ổn định hơn, cây tránh được những tổn thương và tăng khả năng kháng bệnh, bản thân lại không phải làm việc vào ban đêm hay những ngày mưa gió nên anh Vinh rất hài lòng với cách khai thác mủ cao su theo phương pháp mới. Từ đó, anh Vinh tích cực tuyên truyền để mọi người cùng áp dụng vào vườn cây cao su của gia đình.

Anh Nguyễn Văn Hiển cho biết, phương pháp dùng khí ethylene để khai thác mủ cao su an toàn, tiết kiệm chi phí và nâng cao thu nhập cho người nông dân trước những biến đổi của giá cả thị trường hiện nay. Bí quyết thành công của phương pháp này là sự cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu, từ lúc lắp đặt thiết bị cho đến lúc khai thác. Trong đó, công đoạn quan trọng nhất là đóng nắp chóp và bơm khí ga, nếu làm không kỹ thì khí ethylen sẽ không hấp thụ được vào cây và mủ sẽ không chảy ra được, hoặc nếu bơm quá liều lượng khí ethylen vào cây và khai thác mủ quá nhiều trong thời gian ngắn cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, làm cho cây suy kiệt, giảm sản lượng và chất lượng về sau.

Hoàng Thanh

Đồng Tháp: Mô hình ‘1 phải 5 giảm’ giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Vừa qua, tại ấp 1, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) diễn ra hội thảo mô hình “Xây dựng điểm trình diễn 1 phải 5 giảm”.

Đại biểu thăm quan ruộng trình diễn 1 phải 5 giảm

Vụ thu đông 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn tỉnh phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số 2 (xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh) tổ chức thực hiện mô hình “Xây dựng điểm trình diễn 1 phải 5 giảm” (thuộc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT) tại ấp 1, xã Tân Nghĩa.

Qua gần 4 tháng triển khai, mô hình được thực hiện trên 2ha/2 hộ tham gia tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số 2, giống lúa sử dụng là OM 5451. Tổng chi trong mô hình 19,3 triệu đồng/ha, thấp hơn 1,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình (20,9 triệu đồng/ha); năng suất trong mô hình đạt 6,5 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình 1,4 tấn/ha (5,1 tấn); giá thành sản xuất trong mô hình 2.900 đồng/kg thấp hơn 1.100 đồng/kg so với ngoài mô hình (4.000 đồng/kg); lợi nhuận trong mô hình đạt 18,8 triệu đồng/ha cao hơn 9,5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình (9,3 triệu đồng/ha). Mô hình cũng đạt được 4 tiêu chí của Dự án là giảm giống, lượng phân đạm, số lần phun thuốc sâu, ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ và hạch toán được hiệu quả kinh tế.

Kết quả đạt được đã tạo điều kiện cho nông dân trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng chất lượng và tăng lợi nhuận.

Trí Nguyễn

Trà hoa vàng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của đồng bào Ba Chẽ

Nguồn tin: VOV

Mô hình trồng trà hoa vàng đang được huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển tại nhiều xã vùng cao của huyện như Đồn Đạc, Thanh Sơn, Đạp Thanh… góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.

Trước đây, thu nhập của gia đình Anh Chíu Sinh Phạn, người dân tộc Dao ở xã Đồn Đạc chủ yếu nhờ vào 1 ha trồng keo và quế. Khi chính quyền địa phương vận động xây dựng mô hình trồng trà hoa vàng, anh Phạn xin hỗ trợ cấp 300 cây giống. Sau 4 năm, 300 cây trà trong vườn đã cho thu hoạch hơn 2kg trà sấy khô, bước đầu tạo thu nhập hơn 40 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, anh Phạn tiếp tục xin hỗ trợ, hiện vườn trà hoa vàng của anh đã có gần 1.000 cây tươi tốt.

“Nhận thức về giá trị của cây trà hoa vàng có hiệu quả rất cao cho thu nhập trong gia đình. Lúc đầu cũng khó khăn về cây giống, rồi được Nhà nước cũng như là huyện Ba Chẽ quan tâm về giống. Từ lúc bắt đầu trồng cây trà hoa vàng thì thu nhập so với các loại cây khác là khá hơn” - anh Chíu Sinh Phạn nói.

Được đánh giá là dược liệu hiếm, trà hoa vàng mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người.

Không chỉ anh Phạn, nhiều hộ dân khác ở xã Đồn Đạc cũng đều nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng loại cây dược liệu quý giá này. Anh Triệu Đức Tình đã đăng kí trồng 1.600 cây khi được huyện hỗ trợ 70% tiền mua cây giống. Gom góp hơn 100 triệu đồng tiền tiết kiệm, xóa bỏ cây trồng cũ, anh Tình mạnh dạn đầu tư vào vườn trà với niềm tin cuộc sống sẽ đổi thay.

“Trồng keo thì không trồng được trà hoa vàng, phải trồng quế xong bắt đầu xem cây nào xấu mình chặt, để lại cây tốt đẹp để nó còn che phủ râm râm một tí không là nắng quá. Trồng trà hoa vàng phải trồng xen với quế mới được, trồng với keo thì không được, lúc khai thác hỏng hết. Chăm sóc cây hoa trà cũng không có gì khó khăn, hàng ngày cứ đi phát cỏ để không cho leo vào cây” - anh Tình chia sẻ.

Tính đến tháng 8/2020, huyện Ba Chẽ có khoảng 200 ha trồng trà hoa vàng với 2 công ty và 418 hộ dân. Năm 2019, toàn huyện thu hoạch 600 kg hoa sấy (tương đương 3.600 kg hoa tươi), 6 tấn lá khô (tương đương 18 tấn lá tươi) và hơn 100.000 cây giống, tổng thu 13,8 tỷ đồng, hiệu quả kinh tế cho các hộ dân tương đối ổn định.

Tuy nhiên, việc thực hiện dự án “Trồng trà hoa vàng tại các doanh nghiệp được thuê đất và các hộ dân trên địa bàn” của huyện Ba Chẽ lại đang gặp nhiều khó khăn. Một phần do cây trà hoa vàng phải trồng vài năm mới cho thu hoạch. Thêm vào đó, giá bán trà hoa vàng trên thị trường khá cao, việc tiêu thụ sản phẩm ở địa phương cũng gặp khó, dẫn đến việc hàng tồn kho.

Việc trồng trà hoa vàng đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương.

Để định hướng phát triển cho trà hoa vàng, ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường hướng dẫn kĩ thuật cho bà con, đặc biệt là công tác thâm canh cây trồng phải theo đúng kỹ thuật. Trong năm 2020 sẽ tham mưu tổ chức lễ hội trà hoa vàng lần thứ 3. Mục tiêu là để quảng bá cho nhân dân trong nước và du khách biết được giá trị của cây trà hoa vàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô vùng trồng trà hoa vàng, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp để mở rộng cơ sở sản xuất chế biến”.

Trà hoa vàng là loài cây dược liệu quý, từ lâu đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng, công dụng.

“Đối với Ba Chẽ thì trà hoa vàng là cây bản địa, vùng sinh thái rất là phù hợp. Theo nhận định của tôi thì trong thời gian tới, tiềm năng của cây trà hoa vàng đối với thị trường trong nước cũng như là nước ngoài sẽ tăng lên rất nhiều. Đối với quy mô vườn cây giống thì tôi thấy cũng rất là tốt, tất nhiên là thời gian tới cần phải có thêm nhiều nghiên cứu, khảo sát nguồn gen và bảo toàn cây giống, cây đầu dòng có nguồn gen tốt mang lại sản lượng cũng như là hàm lượng dược liệu tốt đối với sức khỏe con người” - PGS.TS Dương Văn Thảo, Trưởng khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Lâm nhận định.

Việc phát triển mô hình trồng trà hoa vàng tại các xã vùng cao của huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đang mang lại nhiều tín hiệu tốt. Ngoài việc nâng cao thu nhập cho bà con, việc phát triển quy mô ươm trồng và sản xuất diện rộng cũng giúp huyện Ba Chẽ phát triển kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh và con người Quảng Ninh thông qua sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đặc thù./.

CTV Thành Nam/VOV-Đông Bắc

Biến đất cằn thành vùng chuyên canh cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Nhiều người cho rằng vùng đất Ia Piơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) không phù hợp với cây ăn quả. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Viết Tất đã thành công với 6 ha cây ăn quả trên vùng đất khô cằn này.

“Đầu tư trồng một lúc 6 ha cây ăn quả trong khi xung quanh chưa ai trồng, ông có thấy mình quá mạo hiểm?”-trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Tất cười hiền: “Tôi đã tham quan, khảo sát nhiều nơi rồi mới dám triển khai”.

Trước tiên, ông dành thời gian vào tỉnh Đồng Nai để tham quan các mô hình trồng cây ăn quả; sau đó tham khảo ý kiến của bạn bè, những người có kiến thức, kinh nghiệm về trồng trọt. Và hơn hết, ông nhận được sự đồng thuận từ các thành viên trong gia đình, nhất là cậu con trai đã tốt nghiệp đại học có cùng ý tưởng về trang trại cây ăn quả.

Ông Nguyễn Viết Tất (bên trái) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả với hội viên trong xã. Ảnh: Anh Huy

Ông Bùi Văn Phụng-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Piơr: “Ông Nguyễn Viết Tất là người tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng kém năng suất sang cây ăn quả với số lượng lớn tại địa phương. Không chỉ mạnh dạn phát triển kinh tế, trong vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Tất còn tích cực hướng dẫn, vận động hội viên chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập”.

Đầu năm 2015, ông tiến hành trồng 2.000 cây na hạt lép, 1.000 cây xoài và 500 cây mít Thái cùng 200 cây bưởi da xanh trên diện tích 6 ha. Trước đó, trên diện tích này, ông Tất trồng cây cao su. Ngay khi quyết định trồng cây ăn quả, ông đã đầu tư đào hồ chứa nước rộng 8.000 m2, vừa đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, vừa tận dụng để thả cá, nuôi vịt siêu trứng. Sau một năm rưỡi, cây na hạt lép cho thu bói đủ với số vốn đầu tư ban đầu (đạt 100 ngàn đồng/cây). Còn diện tích xoài 3 năm cho thu hoạch bói cũng đạt 100 ngàn đồng/cây.

“Hiện tại, diện tích cây ăn quả cho thu nhập ổn định. Bình quân mỗi cây na tôi thu khoảng 500 ngàn đồng và mỗi cây xoài thu 300 ngàn đồng, còn mít Thái thu khoảng 20 kg/cây bán với giá 20 ngàn đồng/kg. Đến vụ thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua nên không lo ngại về đầu ra”-ông Tất phấn khởi nói.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cây, ông Tất cho hay: Tổng diện tích trang trại của gia đình rộng 16 ha, trong đó có 6 ha cây ăn quả, còn lại là điều ghép. Sở dĩ, gia đình ông vẫn dành phần lớn diện tích trang trại cho cây điều vì loại cây này có khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với khí hậu nắng, nóng của xã vùng đệm biên giới.

Ông Tất trải lòng: Cách đây 23 năm, gia đình ông rời quê hương Hải Dương vào Gia Lai lập nghiệp theo diện đi xây dựng kinh tế mới. Gia đình ông được Nhà nước cấp 1 căn nhà gỗ rộng 20 m2, 400 m2 đất vườn và 5.000 m2 đất trồng cây hàng năm để từng bước ổn định cuộc sống.

Thời gian đầu, cuộc sống gia đình ông khá khó khăn do con cái còn nhỏ, trồng trọt lại chưa nắm bắt được khí hậu, thổ nhưỡng, chưa có máy móc hỗ trợ sản xuất nên năng suất các loại cây trồng không cao. Mãi đến năm 2010, gia đình ông mới tích lũy được ít vốn để mua máy ủi, máy múc phục vụ sản xuất và làm dịch vụ để kiếm thêm thu nhập. Cứ dành dụm được ít tiền, ông Tất lại mua thêm đất để mở rộng diện tích và đến năm 2015 gia đình ông đã sở hữu trong tay 16 ha đất sản xuất.

Hiện tại, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu hơn 1 tỷ đồng từ trang trại trồng điều và cây ăn quả, sau khi trừ các khoản chi phí còn lời hơn 500 triệu đồng. Ngoài tạo việc làm ổn định cho 5 lao động ăn, ở ngay tại trang trại với mức thu nhập 170-200 ngàn đồng/ngày, hàng năm gia đình ông còn giải quyết việc làm cho 150 lao động thời vụ.

Trong suốt 17 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Tất luôn tích cực hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho hội viên, nhất là hội viên dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn xã có 27 hộ trồng cây ăn quả với tổng diện tích 52,2 ha. “Thời gian tới, Hội sẽ hướng tới việc thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả”-ông Tất cho biết thêm.

ANH HUY

Quảng Trị: Phòng trừ bệnh khảm lá sắn giai đoạn thu hoạch

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nông dân đang tiến hành thu hoạch sắn củ, nguy cơ bệnh khảm lá sắn lây lan trên diện rộng rất cao và có khả năng lây lan rất nhanh nếu không được phòng trừ triệt để.

Triệu chứng bệnh khảm lá sắn giai đoạn thu hoạch

Năm 2020, tổng diện tích trồng sắn toàn tỉnh Quảng Trị hơn 10.000 ha và diện tích sắn bị nhiễm bệnh vi rút khảm lá sắn là 421,9 ha, bệnh hại trên sắn chủ yếu trên giống KM 94, KM 140, phân bố ở Hải Lăng (395,2 ha), thị xã Quảng Trị (26 ha) và một số diện tích ở Vĩnh Linh. Đây là đối tượng bệnh hại đặc biệt nguy hiểm trên cây sắn, bệnh có khả năng phát tán và lây lan nhanh chóng và gây thiệt hại nghiêm trọng đối với người trồng sắn. Hiện nay chưa có thuốc để trừ vi rút gây bệnh khảm lá sắn, chỉ phòng bệnh là chủ yếu và khi bị bệnh thì phải tiêu hủy.

Tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng có hơn 235,7 ha diện tích trồng sắn thì có gần 200 ha bị bệnh khảm lá gây hại, tỉ lệ bệnh hại đa số trên 70%. Ông Bùi Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết, UBND xã đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn thông báo rộng rãi cho nhân dân kiểm tra ruộng sắn trong giai đoạn thu hoạch; tổ chức tiêu hủy bằng cách thu gom và đốt với những thân, lá cây sắn bị bệnh để tránh lây lan ra diện rộng và vụ sau.

Ông Tuấn đang kiểm tra cây bệnh và hướng dẫn cho bà con cách tiêu hủy

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị cho biết, để ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng trong vụ sau:

Đối với những ruộng nhiễm bệnh đang thu hoạch, người nông dân cần tiến hành thu gom toàn bộ tàn dư, cây sắn sau thu hoạch để tiêu diệt nguồn bệnh bằng cách đem đốt, băm nhỏ để sử dụng làm phân chuồng, không để tàn dư cây sắn bị bệnh trên các bờ thửa, hàng rào.

Nông dân thu gom tiêu hủy cây bệnh

Nghiêm cấm mọi hành vi buôn bán, vận chuyển giống, thân lá sắn từ các vùng đang có dịch bệnh về địa phương khác trong tỉnh và tỉnh bạn để tránh nguồn bệnh lây lan.

Sau thu hoạch thường xuyên kiểm tra các vườn, nếu phát hiện cây sắn con mọc lên từ tàn dư cây bệnh (thân, củ) thì tiếp tục tiến hành tiêu hủy và phòng trừ theo những nội dung trên.

Đối với những diện tích chuẩn bị trồng mới thì người nông dân tuyệt đối không được sử dụng giống từ những khu vực đã bị nhiễm bệnh cho vụ sau. Hạn chế sử dụng các loại giống nhiễm như KM140, KM94 để trồng. Nên sử dụng biện pháp luân canh, không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn như cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, khoai tây, ớt ở những vùng đã bị bệnh khảm lá hại nặng ít nhất một vụ.

“Để khống chế không để bệnh khảm lá sắn lây lan ra diện rộng, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn. Đề nghị nông dân trồng sắn cần thực hiện ngay các biện pháp phòng trừ, áp dụng triệt để để quản lý đối tượng bệnh này một cách hiệu quả nhất trong giai đoạn thu hoạch sắn, hạn chế bệnh khảm lá virus hại sắn lây lan cho vụ sau” - ông Tuấn nói.

Phan Việt Toàn - Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị

Xây dựng thương hiệu lúa gạo Bạc Liêu từ các giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã và đang tập trung nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa mới ngắn ngày, có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, ít sâu bệnh, chống chịu yếu tố bất lợi của thời tiết, phù hợp điều kiện sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả sản xuất cho nông dân trong tỉnh.

Nông dân huyện Hòa Bình tham gia chọn lọc, lai tạo các giống lúa Bạc Liêu.

CHỌN TẠO LÚA GIỐNG MỚI

Những năm qua, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã tập trung nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo các giống lúa mới theo hướng nâng cao phẩm chất, thích ứng với biến đổi khí hậu để đưa vào sản xuất. Mục tiêu hướng đến là nghiên cứu, chọn giống chịu mặn cho vùng tôm - lúa; chọn giống có năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, thời gian sinh trưởng ngắn cho vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm; chọn giống lúa thơm ngon, gạo dẻo cho vùng sản xuất 2 vụ lúa/năm làm thương hiệu cho gạo Bạc Liêu. Riêng các giống lúa mùa địa phương có những đặc tính tốt như Một bụi đỏ, Tài nguyên thì lai tạo với các giống lúa ngắn ngày đã thích nghi với sinh thái, thổ nhưỡng của tỉnh để tìm chọn ra giống lai có các đặc tính mong muốn.

Hiện tỉnh đã chọn tạo được 2 giống lúa: BLR103, BLR105 chịu mặn khá cao. Hai giống này có nguồn gốc từ tổ hợp lai Một bụi đỏ/OM263 của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, thích nghi với vùng tôm - lúa của tỉnh. Đồng thời, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cũng đã cho trồng khảo nghiệm tại 3 vùng tôm - lúa ở TX. Giá Rai, huyện Phước Long và huyện Hồng Dân trong 2 vụ của 2 năm liên tục. Kết quả cho thấy, hai giống này thích nghi cao với vùng sản xuất tôm - lúa của tỉnh; có thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày, thấp cây, thân cứng; có hàm lượng amylose trung bình 23% và hàm lượng protein cao 8,25 - 8,3%, cơm mềm, có vị ngọt đặc trưng của giống Một bụi đỏ. Đặc biệt là ít nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn, bệnh đạo ôn. Khả năng chịu mặn ở giai đoạn trỗ chính của giống BLR103 là 4‰, BLR105 là 5‰, rất phù hợp cho vùng tôm - lúa của tỉnh. Đồng thời, hai giống lúa này còn chịu được hạn mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chọn tạo 2 giống BLR203, BLR312 có năng suất cao; 2 giống BLR413, BLR404 có phẩm chất tốt; đồng thời gửi khảo nghiệm quốc gia 3 giống: BLR103, BLR105, BLR413. Hiện các giống này được tỉnh khuyến cáo nông dân đưa vào sản xuất và nhân rộng.

Nông dân tham gia đánh giá các giống lúa trình diễn tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh. Ảnh: M.Đ

TRÌNH DIỄN THÍ ĐIỂM VÀ NHÂN RỘNG

Sau khi hoàn thành quá trình chọn tạo, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã tổ chức sản xuất trình diễn đối với 2 giống BLR103 và BLR105 trên vùng đất tôm - lúa của tỉnh. Trong đó, điển hình là hộ ông Lê Phước Tồn (ấp Nhụy Cầm, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) thực hiện trên diện tích 2ha. Qua đánh giá, các giống lúa chịu được mặn, sinh trưởng tốt, cho năng suất cao (7tấn/ha), rạ phân hủy rất nhanh, thuận lợi cho việc cải tạo vuông để nuôi tôm. Hay hộ ông Nguyễn Văn Ở (ấp Bình Thạnh, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) cũng tham gia sản xuất trình diễn 2ha với 2 giống lúa nói trên, năng suất đạt 7 tấn/ha…

Qua sản xuất trình diễn ở các điểm, ngành chức năng đánh giá giống BLR103, BLR105 có thời gian sản xuất ngắn (95 ngày), khả năng chịu mặn khá, kiểu hình thấp, dạng hình đẹp, cứng cây, năng suất 6 - 7 tấn/ha, ít nhiễm sâu bệnh, có phẩm chất gạo khá, thích hợp cho vùng sản xuất tôm - lúa của tỉnh. Riêng giống BLR413 rất phù hợp cho vùng sản xuất 3 vụ lúa; thời gian sản xuất 95 ngày, ít nhiễm sâu bệnh, cứng cây, có tiềm năng cho năng suất khá, đặc biệt phẩm chất gạo thơm, ngon, dẻo, phù hợp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Dương Văn Ngô, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, cho biết: “Hiện Trung tâm đã triển khai trồng thử nghiệm 3 giống BLR103, BLR105 và BLR413 trên các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh để đánh giá thêm tính thích nghi, làm cơ sở cho việc công nhận giống quốc gia. Đồng thời, đề nghị Sở NN&PTNT tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm đưa giống BLR413 thành giống mang thương hiệu lúa gạo Bạc Liêu. Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương khuyến cáo nông dân sản xuất các giống lúa chịu mặn vùng lúa - tôm, vùng thường xuyên ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn”.

MINH ĐẠT

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop