Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 10 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 10 năm 2019

Trồng dâu và ớt trên đất hoa cúc

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Nông dân Nguyễn Thanh Hải ở làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt đã mạnh dạn chuyển đổi phần lớn đất trồng hoa cúc truyền thống sang trồng dâu tây và ớt ngọt công nghệ cao, đạt những kết quả vượt trội ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên.

Chuyển đổi từ cây hoa cúc sang trồng cây dâu tây New Zealand lứa đầu tiên, nông dân Nguyễn Thanh Hải ở làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt đạt doanh thu bình quân 2 triệu đồng/1.000 m2/ngày.

Một sáng giữa tháng 10/2019, phóng viên đến vườn dâu tây Phương Nam tọa lạc dưới thung lũng của cung đường nhựa lớn thuộc địa giới thành phố Đà Lạt đi Nha Trang. Anh Nguyễn Thanh Hải, chủ vườn tiếp phóng viên khi cùng gia đình vừa thu hái xong đợt dâu tây trong ngày, bắt đầu sơ phân loại, xếp thành từng hàng trái chín đỏ đựng trong chiếc hộp carton vuông vắn, loại 0,5 kg đến 1 kg. Anh Hải cho biết, vườn dâu tây này được trồng với nguồn giống nhập về từ New Zealand, tổng diện tích 2.000 m2 nhà kính chuyển đổi từ đất trồng cây hoa cúc truyền thống trong tháng 5/2019. Trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật của đơn vị cung cấp giống, đến giữa tháng 7/2019, anh Hải chính thức đi vào thu hoạch những trái dâu đầu tiên, mỗi ngày đạt năng suất trung bình trên dưới 20 kg. “Liên tục ba tháng vừa qua, vườn dâu tây New Zealand của hộ gia đình chúng tôi đưa ra giá bán bình quân 200.000 đồng/kg, được khách hàng mua hết khá nhanh trên dưới 20 kg trong buổi sáng mỗi ngày. Thời gian thu hái từ 6 giờ đến 7 giờ sáng theo kỹ thuật hướng dẫn từ các cơ quan nghiên cứu khoa học và những nhà nông nhiều kinh nghiệm ở địa phương, nên dâu tây New Zealand giữ độ tươi lâu ngày hơn khi bày bán tại các điểm du lịch, các khu chợ ở Đà Lạt hoặc vận chuyển ra ngoài tỉnh Lâm Đồng theo đơn đặt hàng trước… ”, chủ vườn Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

với chủ nhân Nguyễn Thanh Hải bước xuống vườn dâu tây New Zealand tốt tươi trên giá thể xơ dừa, tro trấu… phối trộn trong hệ thống màng nhựa, hoa nở đều khắp, trái xanh, trái chín từng chùm nối tiếp nhau trên từng luống thẳng hàng, chạy song song “lấp đầy” 2.000 m2 diện tích trong nhà kính năm đầu tiên chuyển đổi. Theo lời kể của anh Hải, vào tháng 5/2019, sau khi thu hoạch lứa hoa cúc giảm đến 50% năng suất vì ảnh hưởng dịch bệnh sọc thân, anh Hải quyết định chuyển sang trồng dâu tây New Zealand với mật độ 5.000 cây/500 m2 ban đầu. Nhờ nguồn giống, giá thể đảm bảo chất lượng và tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật chăm sóc, khoảng 20 ngày sau, phần lớn cây dâu đã phát triển hàng loạt ngó (cây con mọc lên từ rễ cây mẹ), anh Hải chiết tách và nhân giống cho đến khi “phủ kín” 20.000 cây trên tổng diện tích 2.000 m2. Anh Hải ước tính nguồn vốn khoảng 300 triệu đồng để trồng, chăm sóc 2.000 m2 dâu tây New Zealand chuyển đổi từ hoa cúc, trong đó chiếm tỷ lệ phần lớn kinh phí đầu tư mới gồm: hệ thống máng lắp đặt trên giàn sắt cách ly mặt đất hơn 1 m, hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với châm phân trực tiếp vào từng bộ rễ cây dâu, đào mới giếng khoan để lấy nước sạch tưới tiêu…

Hạch toán kinh tế trồng dâu tây New Zealand của anh Nguyễn Thanh Hải ở làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt khá hiệu quả. Cụ thể, tính trên diện tích 1.000 m2, mỗi ngày thu hoạch 10 kg trái dâu nhân với đơn giá 200.000 đồng/kg thành tiền 2 triệu đồng. Số thu này “lũy tiến” 75 ngày sau đã thu hồi tổng nguồn vốn đầu tư 150 triệu đồng. Trong khi trồng hoa cúc truyền thống mỗi lứa kéo dài 120 ngày, giảm năng suất do bệnh sọc thân thời gian qua chỉ mới đạt doanh thu khoảng 45 triệu đồng/1.000 m2.

Cũng trong thời điểm tháng 5/2019, chủ vườn Nguyễn Thanh Hải tiếp tục chuyển đổi 3.000 m2 diện tích đất hoa cúc sang trồng 12.000 cây ớt ngọt. Kết quả từ tháng 8/2019 đến nay, anh Hải thu hoạch bình quân 300 kg/3 ngày, những ngày cao điểm thu rộ đạt sản lượng đến 1.000 kg/3 ngày. Nhân với giá ổn định trong 2 tháng qua với 25.000 đồng/kg, anh Hải thu về 25 triệu đồng/3 ngày. Và dự kiến khả năng thu hoạch ớt ngọt liên tục đến hết tháng 5/2020 mới bước sang vụ rau trồng mới…

Như vậy đến thời điểm giữa tháng 10/2019, trên tổng diện tích 7.000 m2 đất trồng hoa cúc truyền thống, nông dân Nguyễn Thanh Hải ở làng hoa Thái Phiên đã chuyển đổi 5.000 m2 sang trồng dâu tây New Zealand và giống ớt ngọt Hà Lan. Còn lại 2.000 m2 vẫn tiếp tục giữ lại trồng cây hoa cúc truyền thống và tập trung thời gian triển khai các biện pháp phòng, trừ bệnh sọc thân hữu hiệu hơn. Thiết nghĩ theo phóng viên, trong lúc cây hoa cúc Thái Phiên nói riêng, hoa cúc Đà Lạt và các vùng phụ cận nói chung đang bị bệnh sọc thân chưa có thuốc đặc trị thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới phù hợp như nông dân Nguyễn Thanh Hải đáng được quan tâm đặc biệt đối với người nông dân ở đây.

VĂN VIỆT

Triển vọng từ những mô hình hiệu quả

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Nhiều nông dân ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), đã tạo nên những thành quả đáng khen ngợi trong lĩnh vực nông nghiệp, song song đó là chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Anh Thức sẽ tạo thêm nhiều mẫu mã mới trên trái xoài đưa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán tới đây.

Mô hình trồng xoài Đài Loan in chữ thư pháp của anh Bùi Văn Thức, ở ấp Phú Hòa, hơn 2 năm nay không còn xa lạ với người dân huyện Châu Thành, cũng như cả tỉnh Hậu Giang và nhiều tỉnh, thành khác. Dịp Tết Nguyên đán năm 2019, anh Thức đã xuất 1.000 trái xoài xanh, 200 trái xoài đỏ Đài Loan có in chữ thư pháp tài - lộc, với giá dao động từ 100.000-180.000 đồng/trái. Giá thành đó gấp cả chục lần khi bán xoài ký thông thường.

Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao điển hình của xã Đông Phú. Hiện nay, trong khu vườn nhà, anh Thức trồng gần 800 gốc xoài Đài Loan và 200 gốc nhãn. Để có được thành quả những chữ thư pháp tài - lộc rất đẹp trên từng trái xoài, là cả hành trình kỳ công, đi học hỏi nhiều nơi và thử nghiệm không biết bao nhiêu lần của anh Thức.

“Bây giờ mình làm được rồi, hỏi dễ hay khó cũng không biết trả lời sao, nhưng sẽ rất khó với những ai thiếu sự kiên nhẫn. Tôi đã có những lần thất bại, nhưng quan trọng là sau mỗi lần thất bại đó, mình vẫn tiếp tục với đam mê, nên dù có gì vẫn cố gắng vượt qua hết, để thực hiện thành công mô hình”.

Bây giờ, anh Thức không chỉ thử nghiệm và sản xuất chữ tài lộc, mà còn sử dụng nhiều chữ thư pháp khác, cùng nhiều chữ mới ngay trên một trái xoài. Bên cạnh đó, anh còn đang nghiên cứu tạo ra xoài bon sai, cho nhiều trái và có in chữ thư pháp cho cây xoài trong chậu. Song song đó, là sản xuất bonsai đu đủ. Anh Thức chia sẻ: “Thật sự có được kết quả như hôm nay ngoài sự nỗ lực hết mình, gắng sức của bản thân, cũng phải nói đến sự trợ giúp, hỗ trợ từ các anh chị ở trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật của huyện, những cán bộ kỹ thuật tại xã. Tôi cũng hay liên hệ để được tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm. Nhà tôi thuần nông, đời cha ông đã gắn bó với nông nghiệp, nay mình tiếp bước, nhưng bây giờ làm nông nghiệp phải phù hợp với thị trường, với nhu cầu, có cái mới lạ, có vậy mới có thể trụ vững lâu dài được”.

Trong câu chuyện của mình, anh Thức cũng chia sẻ rằng hồi đó anh chỉ học đến lớp 10, do hoàn cảnh gia đình rồi nghỉ học ở nhà làm vườn, nuôi cá với cha mẹ. Cuộc sống cũng êm đềm trôi qua, làm đủ ăn đủ mặc, mãi đến 4-5 năm nay, khi những nông dân Hậu Giang phát huy tinh thần sáng tạo, điển hình như ông Võ Trung Thành - được mệnh danh là “Vua bưởi hồ lô, bưởi tạo hình” của Hậu Giang, đã giúp cho anh Thức thêm nhiều ý tưởng để thực hiện những mô hình sáng tạo trong nông nghiệp.

Chị Trần Thiện Thiên Trang, cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, cho biết: “Anh Thức chịu khó lắm, rất hay chia sẻ về những ý tưởng và điều mong muốn với chúng tôi. Thật sự thì sự thành công hôm nay của anh chính là nhờ công lao của anh thôi. Dám thử nghiệm, thử sức và thậm chí chấp nhận thất bại để có được thành công như hôm nay. Nhưng phải nói là anh quá năng động”.

Trên địa bàn xã Đông Phú diện tích đất vườn hầu như đã không còn cam bưởi, đa phần đã chuyển sang hết trồng mít Thái và xoài (nhiều nhất vẫn là xoài Đài Loan). Chia sẻ về việc bỏ vườn cam bưởi để trồng mít cả khu vườn, ông Nguyễn Thanh Nhu, cũng ở ấp Phú Hòa, cho biết, ông gắn bó với cây cam, cây bưởi 6-7 năm, trước đó đất này chỉ là ruộng. Trồng cam sành sau khi cho trái được hơn một năm thì bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện, vườn coi như tiêu điều. Vẫn cố gắng gắn bó với cây có múi, sau đó ông tiếp tục trồng bưởi da xanh, nhưng tình hình vẫn không khá hơn là mấy. Rồi sau đó đến trồng chanh không hạt, gần 5 năm nay, trên hơn 8 công đất của gia đình, ông Nhu bắt đầu trồng mít Thái với hơn 1.100 gốc. Tuần nào ông cũng thu hoạch cho thu nhập từ 3-4 triệu đồng, có lúc rộ cũng được mười mấy triệu đồng/tuần. Gia đình ông và nhiều hộ dân đã chuyển đổi cây trồng nơi đây sống khỏe với mít.

Ông Nhu bộc bạch: “Vùng này trước đây quy hoạch cây có múi mà nghe nói định hướng trồng cam hoặc bưởi, hai loại đã tạo nên thương hiệu của Châu Thành, nhưng thật sự, tôi cũng đã cố gắng duy trì cây có múi, nhưng nó bệnh hoài, kham không nổi, nên mới đổi sang mít. Ở ấp này, tôi thấy khoảng 80% diện tích đất vườn đã trồng mít Thái rồi, không phải là không nghe theo khuyến cáo ngành chức năng, vì hiện tại đầu ra cũng ổn, mà thu nhập từ mít có người đã giàu lên rồi đó”.

Ông Lê Thanh Hồng, Chủ tịch UBND xã Đông Phú, bày tỏ: “Những người nông dân như anh Thức, chú Nhu đã thể hiện được sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đặc biệt là làm hiệu quả. Hy vọng sẽ có thêm nhiều mô hình mới ra đời trên lĩnh vực nông nghiệp ở quê hương Đông Phú này”.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Tuyên Quang: Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam sành

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Tháng 3-2017, Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên được thành lập có nhiệm vụ thu mua cam của người dân để tiêu thụ tại các siêu thị và chợ đầu mối trong cả nước. Hiện, công ty đang triển khai kế hoạch ký kết hợp đồng tiêu thụ với người dân trong vụ thu hoạch cam năm 2019.

Related image 

Cam sành Hàm Yên được bán và giới thiệu tại Hội chợ hàng Việt ở Đà Nẵng cuối năm 2018.

Ông Đoàn Xuân An, Giám đốc Công ty cho biết, mục tiêu của công ty là hỗ trợ người nông dân kiến thức khoa học kỹ thuật, phân bón chính hãng, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm; quảng bá, xây dựng thị trường trong phạm vi toàn quốc để bao tiêu sản phẩm cho người trồng cam.

Sự hỗ trợ của công ty mang lại những lợi ích thiết thực cho người trồng cam. Anh Hoàng Văn Hạnh, Tổ trưởng Tổ trồng cam VietGAP thôn 1 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ, được cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên hướng dẫn trồng, chăm sóc cam theo quy trình VietGAP, các thành viên trong tổ rất yên tâm, không lúng túng khi thực hiện các tiêu chuẩn VietGAP như bón phân, sử dụng thuốc trừ sâu đúng liều lượng, đúng thời điểm; cách thu hoạch và bảo quản cam…

Từ tháng 5-2017, công ty đã triển khai dự án xây dựng chiến lược marketing online để phát triển, quảng bá thương hiệu Cam sành Hàm Yên. Công ty đã tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm, các mô hình trình diễn đến với bà con nhân dân. Đồng thời, gặp gỡ và làm việc với hàng loạt công ty, hệ thống phân phối lớn như Công ty VinEco của tập đoàn VinGroup, hệ thống siêu thị Saigon Co-op, hệ thống nông nghiệp sạch Lam Sơn của Công ty cổ phần Mía đường Thanh Hóa, hệ thống nông nghiệp xanh… Đây chính là thị trường tiêu thụ cam sành trong thời gian sắp tới, góp phần bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Tại Hội chợ cam sành Hàm Yên được tổ chức đầu năm 2019, công ty đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cam sành Hàm Yên với các doanh nghiệp của Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Đến thời điểm này, công ty đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đưa cam sành Hàm Yên vào tiêu thụ tại hệ thống của 4 siêu thị lớn và phát triển thị trường sản phẩm cam sành ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hiện, UBND huyện Hàm Yên đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hoàn thiện hồ sơ đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho cam sành Hàm Yên. Khi được cấp chỉ dẫn địa lý khẳng định được chất lượng và thương hiệu của cam sành Hàm Yên, giúp việc truy xuất nguồn gốc thêm thuận lợi. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: Mai Hương

Nông dân chạy theo ‘cơn sốt’ giống sầu riêng Musang King

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Thời gian qua, sầu riêng Musang King có giá bán rất cao, nên nó được người dân xem là “vua” của các loại sầu riêng. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng vì thế mà đua nhau trồng loại sầu riêng này.

"Đánh cược" vì lợi nhuận quá cao

Những năm gần đây, sầu riêng Musang King (có nguồn gốc từ Malaysia) luôn dẫn đầu bảng về giá cả, với mức khoảng 500.000 đồng/kg. Không chỉ có giá trị kinh tế cao, loại sầu riêng này còn được thị trường ưa chuộng, có đầu ra rộng mở. Thế nên, cũng dễ hiểu khi rất nhiều người nông dân trên địa bàn tỉnh đã đua nhau trồng mới sầu riêng Musang King.

Mùa mưa vừa qua, anh Mai Văn Tuấn, ở xã Quảng Thành (Gia Nghĩa), đã trồng thử nghiệm giống sầu riêng Musang King. Anh Tuấn cho biết: Vừa qua, tham gia hội chợ thương mại được tổ chức trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, tôi đã tìm hiểu và chọn mua 50 cây giống Musang King về trồng xen trong vườn rẫy cà phê của mình. Do trái sầu riêng Musang King có giá bán cao nên giống cũng đang lên cơn “sốt”. Hiện nay, trên thị trường đang bán 150.000 đồng/cây giống, nhưng nếu như người mua không nhanh chân thì cũng rất khó mua được. Gia đình tôi vẫn biết đây là loại cây trồng mới nhưng vẫn trồng thử, vì lợi nhuận quá cao.

Trước "cơn sốt" sầu riêng Musang King, ông Lê Quốc Hội, ở xã Thuận An (Đắk Mil), đã trồng mới hơn 150 cây

Cũng chạy theo "cơn sốt" sầu riêng Musang King, trong mùa mưa năm nay, ông Lê Quốc Hội, ở xã Thuận An (Đắk Mil) đã cắt ghép, trồng mới được khoảng 150 cây. Ông Hội chia sẻ: Đây là giống sầu riêng mới, chưa có ai thu hoạch nên tôi không đánh giá được giá trị của nó. Chỉ thấy người dân đồn thổi Musang King là “vua” của các loại sầu riêng, nên tôi trồng xen canh thử nghiệm. Hi vọng, trong mấy năm tới, những cây sầu riêng Musang King mới này sẽ phát triển tốt, cho năng suất cao và đặc biệt là giữ được giá cao như hiện nay.

Không riêng gì các hộ gia đình trên, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm hộ gia đình săn tìm, xuống giống sầu riêng Musang King. Do là loại cây nhập ngoại, chưa có sự đánh giá, khảo nghiệm, nên cơ quan chức năng cũng chưa thống kê được số liệu diện tích cụ thể. Mặc dù vậy, theo ngành chức năng, diện tích sầu riêng Musang King đang được mở rộng rất nhiều tại các địa phương và chưa hề có sự kiểm soát, nhất là về nguồn giống.

Phải thận trọng

Nắm được nhu cầu trồng sầu riêng Musang King tăng cao, nên hầu hết các cơ sở bán cây giống trên địa bàn tỉnh đều có giống sầu riêng Musang King để cung cấp cho người dân.

Mới đây, trong vai người đi mua giống sầu riêng Musang King, chúng tôi đã đến cơ sở bán cây giống nằm trên địa bàn huyện Đắk Song. Chủ cơ sở liên tục giới thiệu những lợi thế của giống cây trồng này đại loại như: phù hợp với điều kiện khí hậu của Tây Nguyên, năng suất cao, giá trị kinh tế cao…

Thế nhưng, khi được đặt vấn đề muốn tham quan mô hình trồng thử nghiệm loại sầu riêng này thì chủ cơ sở giống lại xoay sang phân tích, đây là giống xuất xứ từ Malaysia, mới du nhập về Việt Nam khoảng mấy năm nay nên có ít vườn cây cho trái. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên của nước mình tương đồng, đất đai lại màu mỡ, nên chỉ cần người dân chịu khó chăm sóc, sầu riêng Musang King chắc chắn sẽ phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng không thua kém ở Malaysia. Lợi thế của giống sầu riêng này là giá rất cao, khoảng 500 ngàn đồng/kg, cao gấp cả chục lần so với sầu riêng bình thường…

Giống sầu riêng Musang King được các vựa cây giống chào bán công khai trên địa bàn tỉnh

Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Chi cục Phó Chi cục Phát triển Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT), sầu riêng Musang King là giống sầu riêng được một số người dân đưa vào trồng thử nghiệm rải rác trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh lại chưa có mô hình nào đánh giá mức độ thích nghi của loại giống mới này với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh. Đặc biệt, trên lãnh thổ Việt Nam cũng chưa có đơn vị nào đăng ký nhập khẩu giống sầu riêng Musang King về trồng khảo nghiệm, đánh giá. Do đó, giống sầu riêng này cũng chưa được cơ quan chuyên môn nghiên cứu đánh giá về khả năng sinh trưởng, thích nghi với điều kiện thời tiết, chống chịu sâu bệnh, năng suất, chất lượng và tính hiệu quả.

Để hạn chế những thiệt hại, rủi ro khi sử dụng loại giống sầu riêng Musang King, mới đây Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thị xã quan tâm chỉ đạo các phòng chuyên môn khuyến cáo người dân không trồng sầu riêng Musang King ồ ạt do chưa có cơ quan thẩm quyền cho phép trồng thử nghiệm để giảm thiểu rủi ro. Mặt khác, các địa phương cũng cần tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với các hộ sản xuất, kinh doanh giống sầu riêng Musang King theo đúng quy định của Nhà nước.

Bài, ảnh: Lê Phước - Phan Tuấn

Làm thương hiệu cho nông sản địa phương

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

Những năm gần đây, huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) không chỉ nổi tiếng về phát triển du lịch sinh thái với các khu du lịch như: Vườn quốc gia Cát Tiên hay Khu du lịch Suối Mơ mà còn có các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản như: bưởi da xanh, sầu riêng, tôm càng xanh... được nhiều người ưa chuộng, tìm mua. Đây là những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, đang dần tạo nên thương hiệu riêng của huyện miền núi này.

Mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã thương mại, dịch vụ nông nghiệp Tà Lài

Để tạo ra được những thế mạnh riêng của địa phương như hôm nay là cả quá trình dài không ngừng nỗ lực của huyện Tân Phú trong việc nắm bắt, khai thác những tiềm năng sẵn có của địa phương, tạo ra những giá trị về kinh tế - văn hóa - xã hội mang bản sắc riêng.

Xây dựng vùng cây ăn trái miền núi

Hơn 10 năm trước, Tân Phú chỉ được biết đến như một huyện miền núi vùng xa khó khăn nhất của tỉnh Đồng Nai. Ấn tượng duy nhất chỉ là huyện nằm trên quốc lộ 20, trên cung đường người dân các tỉnh, thành khác khi đi du lịch ở TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) sẽ ngang qua. Thu nhập người dân ở mức thấp, phát triển kinh tế - xã hội thời đó cũng chưa có gì nổi bật.

Tuy nhiên, những năm gần đây, huyện Tân Phú đã biết tận dụng ưu thế sẵn có để phát triển nhiều vùng trái cây ngon thuộc vào hàng đặc sản như: sầu riêng, bưởi da xanh, mãng cầu...

Điển hình như xã Phú An, hơn 10 năm trước chỉ là một xã vùng xa và gần như không có điểm nổi bật nào trong sản xuất nông nghiệp. Vì nhiều hạn chế, nông dân Phú An thường chỉ trồng những loại cây không có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đầu những năm 2000, Phú An bắt đầu “gây tiếng vang” với đặc sản sầu riêng thơm ngon hơn hẳn những vùng khác.

Nói về nguyên nhân hình thành và phát triển cây sầu riêng trên vùng đất này, ông Trần Văn Nhuốt, nông dân ở ấp 4, xã Phú An chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ giống, phân bón và máy móc từ một doanh nghiệp nên một số bà con đã mạnh dạn tham gia thay cây cà phê bằng cây sầu riêng. Thời gian đầu, không nhiều người mặn mà tham gia, nhưng khi thấy những hộ trồng sầu riêng đạt lợi nhuận cao, nhiều người khác bắt đầu tham gia trồng sầu riêng.

“Hiện nay, chỉ riêng ấp 4 đã có gần 20 hộ trồng sầu riêng với diện tích khoảng 300 hécta. Sầu riêng Phú An nổi tiếng thơm ngon hơn những vùng khác nên giá bán khá ổn định. Hiện bà con đã thực hiện trồng cây theo mô hình VietGap. Với mô hình này, chúng tôi kỳ vọng khi chất lượng càng đạt chuẩn, trái sầu riêng Phú An sẽ ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thị trường, tiến tới có thể xuất khẩu” - ông Nhuốt nói.

Hình thành vùng chuyên canh chậm hơn Phú An nhưng tại những xã như: Tà Lài, Núi Tượng, Phú Lộc, Phú Thịnh... những năm gần đây cũng đang nổi lên với đặc sản cây có múi như: bưởi da xanh, cam, quýt. Tổng diện tích trồng bưởi da xanh trên địa bàn huyện đã lên đến trên 1,4 ngàn hécta, năng suất trung bình 17,3 tấn/hécta (tăng 138% so với năm 2011), sản lượng đạt trên 12,4 ngàn tấn (tăng 207% so với năm 2011).

Trong đó, riêng vùng chuyên canh tập trung ở các xã Phú Lộc, Trà Cổ, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh có diện tích 950 hécta, chiếm 65,7% tổng diện tích. Mô hình trồng bưởi da xanh hiện đang cho năng suất, chất lượng và giá trị cao. Theo đó, người dân có thu nhập bình quân khoảng 800 triệu đồng/hécta, lợi nhuận bình quân khoảng 650 triệu đồng/hécta. Đặc biệt, Hợp tác xã thương mại, dịch vụ nông nghiệp Tà Lài vừa thành lập năm 2017 đang áp dụng mô hình trồng bưởi da xanh tiêu chuẩn VietGAP, đây là bước đệm để nâng cao giá trị sản phẩm cho nông sản địa phương.

Tạo thương hiệu bền vững

Ngoài sầu riêng và các loại cây có múi, huyện Tân Phú còn đạt được những thành quả khác như: xây dựng cánh đồng lúa chất lượng cao với diện tích trên 13,3 ngàn hécta; mô hình khai thác trầm hương trên cây dó bầu; nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ cho lợi nhuận cao...

Để nông nghiệp phát triển bền vững, có những mô hình sản xuất hiệu quả như vừa nêu trên, huyện đang hướng đến mục tiêu chung là phát triển thị trường bền vững với chất lượng các loại nông sản địa phương ở mức cao, có khả năng xâm nhập vào các thị trường “khó tính” nhất, đủ sức cạnh tranh với các loại nông sản trong và ngoài nước.

Chia sẻ về những mục tiêu phát triển kinh tế của Tân Phú, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Ký cho biết, trong vài năm gần đây, huyện đã chỉ đạo, hỗ trợ trong việc quy hoạch lại các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn cho các cây trồng chủ lực giá trị cao. Đồng thời, huyện còn đẩy mạnh đầu tư một cách có trọng tâm trong việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật (về giống, quy trình canh tác, phòng trừ dịch hại tổng hợp, hệ thống tưới nước tiết kiệm...).

Kết quả là thời gian qua, ngành nông nghiệp Tân Phú đã tạo ra những sản phẩm có năng suất cao, chất lượng đồng bộ, sản lượng lớn, chi phí sản xuất giảm đáng kể... Đồng thời, tính cạnh tranh của sản phẩm cũng tăng mạnh trên một số loại nông sản có tính chủ lực như: bưởi da xanh, sầu riêng, hồ tiêu, rau sạch...

Theo ông Ký, để thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm có giá trị, kêu gọi doanh nghiệp tìm đầu ra sản phẩm, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ các đơn vị, cá nhân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ đầu tư các mô hình điểm về ứng dụng khoa học công nghệ (công nghệ cao) cho các hợp tác xã để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

“Thời gian tới, huyện Tân Phú sẽ hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực của huyện (cây rau, hồ tiêu, điều, sầu riêng, bưởi) theo chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) để quảng bá sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Huyện cũng sẽ tổ chức các điểm giới thiệu sản phẩm chủ lực, kết hợp tổ chức một số tour du lịch vườn, du lịch dạng homestay, tạo cơ hội để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho địa phương” - ông Ký nhấn mạnh.

Huyện Tân Phú hiện có 33 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động trong các lĩnh vực gồm: nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ vận tải, thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và quỹ tín dụng nhân dân (tăng 25 HTX so với năm 2011), hoạt động kinh doanh của các HTX nhìn chung ổn định và có lãi. Các HTX nông nghiệp mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã từng bước chuyển mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Hầu hết các HTX, tổ hợp tác đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang canh tác chuyên canh các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực. Từng bước đẩy mạnh thực hiện quy trình sản xuất theo mô hình VietGAP, GlobalGAP, UTZ..., tổ chức hoạt động sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng liên kết để phát triển ổn định và bền vững.

Ngọc Liên

Huyện Vị Thủy (Hậu Giang): Nhân rộng mô hình bón vùi phân thông minh cho khoảng 100ha lúa

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Từ thành công của mô hình thí điểm bón phân thông minh cho cây lúa ở vụ Hè thu 2019 với tổng diện tích 12ha tại ấp 9, xã Vị Thắng, vụ lúa Đông xuân tới đây, huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) sẽ nhân rộng mô hình tại 5 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện, gồm: HTX Hai Huynh (xã Vị Thắng), HTX nông nghiệp Vị Thanh (xã Vị Thanh), HTX Kiến Trung (xã Vị Bình) và HTX Thuận Tiến (xã Vĩnh Thuận Tây). Tổng diện tích lúa áp dụng mô hình dự kiến khoảng 100ha, với khoảng 120 hộ dân tham gia. Hình thức thực hiện mô hình là bà con cấy máy hoặc sạ hàng kết hợp với bón vùi phân thông minh (bón phân một lần cho cả vụ lúa). Về giống lúa sử dụng là Hương Trâu 6, ST 24 và RVT. Khi tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ một phần kinh phí máy cấy và vùi phân, đồng thời được công ty liên kết bao tiêu sản phẩm.

Vụ lúa Đông xuân 2019-2020, huyện Vị Thủy dự kiến nhân rộng mô hình máy cấy và sạ hàng kết hợp bón vùi phân thông minh cho khoảng 100ha.

Việc tiếp tục nhân rộng mô hình là ngành chức năng huyện Vị Thủy nhằm từng bước đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất lúa để bà con áp dụng đại trà, qua đây giúp nông dân giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm, tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường do hạn chế việc bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Thu lợi nhuận từ 174-300 triệu đồng/ha/năm từ mô hình chuyển đổi

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Sáng ngày 16-10, Phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu gắn với đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh, UBND huyện Vị Thủy và đông đảo người dân trong và ngoài mô hình.

Thông qua mô hình đã tạo công ăn việc làm và cải thiện nguồn thu nhập cho người dân tại ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường.

Từ vùng đất bị nhiễm phèn nên việc sản xuất lúa của người dân không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, nhằm giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với vùng đất và hướng tới sản xuất tập trung để có đầu ra ổn định, đầu năm 2019, Phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy đã tổ chức vận động bà con thực hiện mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, như: dưa deo, mướp và bí đao. Theo đó, mô hình được triển khai thí điểm với diện tích gần 7ha của 7 hộ dân ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy. Khi tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 50% kinh phí về hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và màng phủ. Sau thời gian triển khai từ tháng 4 đến tháng 9, mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Cụ thể, các loại rẫy dây như bí đao, mướp và dưa leo sau khi trồng được từ 40-45 ngày sẽ bắt đầu cho thu hoạch và thời gian thu hoạch có thể kéo dài khoảng 3 tháng/vụ. Trong giai đoạn hái trái, bình quân mỗi ngày, bà con nơi đây thu hoạch từ 800kg đến gần 1 tấn trái/ha để giao cho thương lái đi bỏ mối tại các chợ trong và ngoài huyện Vị Thủy, với giá bán dao động từ 3.500-6.500 đồng/kg (tùy thời điểm và loại trái).

Theo đánh giá của nông dân trong mô hình, trồng rẫy dây mức lợi nhuận mang lại cao hơn so với 2 vụ lúa trong năm (Đông xuân và Hè thu) là gần 174 triệu đồng/ha đối với mô hình trồng dưa leo và gần 300 triệu đồng/ha đối với mô hình trồng mướp. Từ hiệu quả mang lại nên sau khi đi tham quan thực tế, nhiều bà con ngoài mô hình có dự định sẽ thực hiện cách làm trên ngay trong vụ lúa Đông xuân, đồng thời ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy cũng đề ra kế hoạch nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

WeGAP, bạn của người trồng cà phê

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Nhằm giúp người dân thuận lợi hơn trong canh tác cà phê, năm 2017, Văn phòng đại diện Embden, Drishaus & Epping Consulting GmbH châu Á Thái Bình Dương (EDE Consulting) tại Đắk Lắk phối hợp với các chuyên gia công nghệ thông tin, nông nghiệp xây dựng ứng dụng WeGAP cho điện thoại thông minh.

WeGAP là một trong những sản phẩm được khởi tạo từ Dự án “Sử dụng nước tưới hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam” (Dự án) do Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ (SDC) và Công ty Nestle toàn cầu tài trợ, Quỹ Neumann (HRNS/EDE Consulting) Khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hiện trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên 5 năm (2015-2019). Ứng dụng WeGAP được tích hợp giữa cẩm nang thực hành canh tác cà phê được Bộ NN-PTNT công nhận năm 2005 và dự báo thời tiết. Năm 2018, ứng dụng chính thức được đưa vào sử dụng.

Người dân huyện Krông Búk tham gia lớp tập huấn về học phần nước tưới.

Để sử dụng ứng dụng WeGAP miễn phí, người dân chỉ việc vào Apple store hoặc Google play store tải về và sử dụng như những ứng dụng thông thường khác. Khi có nhu cầu nắm bắt tình hình thời tiết tại khu vực mình sinh sống, người dân chỉ cần mở GPS trên điện thoại, sau đó vào ứng dụng chọn biểu tượng đám mây với dòng chữ “thời tiết” phía dưới.

Ở phần sổ tay có 10 học phần từ giống đến thời tiết và cách quản lý vườn cây. Cụ thể là học phần nhân giống vô tính và quản lý vườn ươm; quản lý đất trồng; quản lý phân bón, các loại phân hữu cơ; tưới nước; tạo hình, cưa đốn và cải tạo; quản lý sâu bệnh hại; thu hoạch, chế biến và bảo quản; nhật ký nông hộ; cà phê và khí hậu. Ngoài ra, trong mỗi học phần còn có nội dung câu hỏi và bài tập thực hành để người dân nhớ bài và áp dụng thực tế một cách hiệu quả nhất. Các bài học được trình bày tích hợp nhưng ngắn gọn kết hợp với hình ảnh minh họa, sơ đồ, biểu đồ nên nông dân dễ đọc, hiểu và ghi nhớ…

Ứng dụng WeGAP được xây dựng với mục tiêu tạo ra một hệ thống cảnh báo sớm thời tiết hỗ trợ tối ưu hóa quản lý vườn cà phê được thực hiện bởi Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội.

Ông Hoàng Mạnh Thu, thôn Ea Krôm, xã Cư Né (Krông Búk) cho biết, gia đình ông có 3 ha cà phê xen canh các loại cây ăn quả. Năm 2016, ông bắt đầu tham gia Dự án với mục tiêu sản xuất cà phê với lượng nước ít hơn. Đến năm 2018, khi ứng dụng WeGAP được số hóa trên điện thoại di động thông minh ông tiếp tục tập huấn cách tải về và cách sử dụng ứng dụng.

Trong nhóm nông hộ ông tham gia, có những người sử dụng ngay khi tiếp cận nhưng cũng có người không sử dụng. Tuy nhiên, số lượng người sử dụng WeGAP nhiều hơn và đều tâm đắc, ủng hộ ứng dụng này bởi họ có thể nắm bắt tình hình thời tiết trên địa bàn bất cứ lúc nào. Ngoài ra, các bài học về các học phần giúp ông hiểu hơn về nhu cầu dinh dưỡng, nước tưới, chăm sóc của cây cà phê từ đó thay đổi tập quán canh tác theo hướng sản xuất cà phê nhiều hơn với chi phí thấp hơn dựa vào việc quản lý vườn cây hợp lý. Đơn cử, học phần quản lý phân bón giúp ông thay đổi tổng, liều lượng và phương pháp bón phân từ 15 bao phân bón tổng hợp/ha/năm xuống còn 10 bao/ha/năm; số lần bón phân nhiều hơn theo tiến độ sinh trưởng của cây nhưng lượng lại giảm so với trước. Riêng vấn đề dự báo thời tiết tuy chưa chính xác như mong muốn nhưng đã hỗ trợ đắc lực trong việc xây dựng kế hoạch trong ngày, lên lịch thăm vườn, chăm sóc vườn cây.

Còn chị H’Glen Niê, buôn Mùi 1, xã Cư Né (huyện Krông Búk) có 2,2 ha cà phê xen canh được trồng từ năm 2005 cho hay, năm 2015 chị bắt đầu tham gia vào chuỗi khảo sát và thực hiện Dự án. Từ một nông dân sản xuất bình thường, chị được lựa chọn để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về kỹ thuật canh tác cà phê; kỹ năng mềm truyền thông và trở thành tư vấn viên địa bàn của Dự án.

Hiện tại, chị tham gia hướng dẫn 370 hộ tại 4 buôn gồm buôn Mùi 1, 2, 3 và buôn Ea Vin, xã Cư Né. Ứng dụng WeGAP đã giúp chị ghi nhớ kiến thức nên công tác tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân địa phương khá thuận lợi. Người trồng cà phê dần thay đổi tập quán canh tác theo hướng hiện đại, khoa học hơn như: khi kiểm tra thấy vườn cây có sâu bệnh, nông dân sẽ tham khảo tư liệu ở mục quản lý sâu bệnh hại và sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết với loại thuốc trong danh mục được phép sử dụng; làm cỏ bằng máy; cắt tỉa cành sau khi thu hoạch chứ không chờ mưa mới làm để hạn chế sự xâm nhiễm của mầm bệnh…

Ông Mai Xuân Thông, cán bộ Văn phòng đại diện EDE Consulting tại Đắk Lắk cho biết, đến thời điểm này đã có hơn 89.000 nông hộ trồng cà phê trên cả nước được tiếp cận ứng dụng với hơn 300.000 lượt người tham gia. Hiện tại, ứng dụng này đã được Trung tâm Khuyến Nông quốc gia tiếp nhận và quản lý.

Nguyên Hương

Từ cây cà rốt đến danh hiệu ‘Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019’

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh

Được tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019, với mô hình trang trại trồng cà rốt, củ cải đường cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, nhưng ít ai biết, để có được thành quả như ngày hôm nay, anh Nguyễn Văn Linh (thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức, Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) trải qua bao khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng phải dang dở ước mơ.

Anh Nguyễn Văn Linh chăm sóc cây cà rốt mới trồng trên bãi Nguyệt Bàn.

Nhấp ngụm nước trà, xoa đôi bàn tay thô ráp, anh Linh chậm rãi nhớ lại ngày đầu tới thuê đất, khi đó, bãi Nguyệt Bàn như một vùng “hoang đảo” toàn lau sậy, cách trở đò giang, mỗi năm nước lên ngập vài tháng lại không có điện. Giữa bề bộn khó khăn, anh Linh vẫn nhận ra vùng đất này thích hợp làm nông nghiệp sạch. Mất 1 năm thuê tàu phà chở máy móc, nhân công ra cải tạo đất, xây dựng trang trại, năm 2009, anh bắt tay gieo vụ cà rốt đầu tiên. Song, năm ấy mưa nhiều, cả 3 lần xuống giống, khi cây chớm xanh thì nước lên cuốn sạch. Tiền của nối nhau trôi về Lục Đầu Giang...

Không nản chí, anh Linh chạy vạy vay mượn làm lại từ đầu, vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, anh tìm tòi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đất không phụ công người, những năm sau, thời tiết suôn sẻ cộng với những kinh nghiệm từ lần thất bại trước, trang trại từng bước vận hành ổn định, cây trồng, vật nuôi phát triển tốt. Ngoài trời gian trồng cà rốt, anh Linh xen vụ ngô, khoai, dưa, rau ngắn ngày để nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như tận dụng thức ăn xanh là phụ phẩm từ rau màu để chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hơn một lần đến vùng bãi Nguyệt Bàn, lần nào chúng tôi cũng bị chinh phục bởi những luống củ đậu mập mạp, những cây cà rốt đang lên mướt xanh, hứa hẹn mùa vụ bội thu... Trên diện tích 40ha, anh Linh trồng dưa hấu, ngô, đỗ, cà rốt đông, củ cải đường (trong đó cà rốt đông là nguồn thu nhập chính). Theo anh Linh, cà rốt thích hợp trồng trên đất phù sa, bãi bồi cao. Cùng với các yếu tố về giống thì khâu xử lý đất trước khi gieo trồng bảo đảm khô, tơi xốp và đặc biệt phải được xử lý mầm bệnh cũng rất quan trọng. Để có thể xuất khẩu sản phẩm, trong quá trình sản xuất, toàn bộ diện tích chỉ sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học, năng suất đạt trung bình đạt 2,5-3 tấn/sào, chất lượng, mẫu mã củ tốt, được công ty và thương lái đến thu mua tận ruộng. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, củ cà rốt của gia đình anh Linh còn được xuất khẩu sang Nhật Bản với sản lượng 1.500- 2.000 tấn/năm và được người tiêu dùng ở thị trường nổi tiếng khó tính này chấp nhận.

Để tạo nguồn nông sản an toàn cung ứng với khối lượng lớn cho thị trường anh Linh tập hợp 16 hộ dân trong vùng thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mỹ Linh. Anh cho rằng: Sản xuất quy mô lớn với quy trình an toàn là xu hướng của nền nông nghiệp hiện đại. Bên cạnh việc bảo đảm chất lượng nông sản theo quy chuẩn dinh dưỡng, tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm thì quy mô sản xuất đảm bảo nguồn cung ổn định đóng vai trò rất quan trọng. Đối với những hộ sản xuất nhỏ cần liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác; giúp nâng cao hiệu quả đầu tư, hạn chế rủi ro, đặc biệt là khắc phục được tình trạng “được mùa - mất giá” hiện nay.

Tiếng lành vang xa, từ thành công của mô hình trồng cà rốt xuất khẩu, mới đây, đối tác Hàn Quốc tìm đến và ký kết với HTX triển khai mô hình trồng và bao tiêu củ cải đường trên diện tích 4ha. Theo đó, đối tác sẽ cung ứng giống, chế phẩm, phân bón hữu cơ và cử chuyên gia trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật và tham gia sản xuất. Thời gian xuống giống đến khi thu hoạch từ 100-120 ngày, sản lượng bình quân 4 tấn/sào, lợi nhuận hơn 5 triệu đồng, mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân địa phương.

Những nỗ lực và thành công từ cây cà rốt, củ cải đường và nhiều cây trồng khác trên vùng đất bãi Nguyệt Bàn, anh Nguyễn Văn Linh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác và đóng góp xây dựng nông thôn mới trên quê hương.

Bài, ảnh: Yến Ngọc

Trồng cỏ nuôi bò thay cho thả rông

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Diện tích đồng cỏ tự nhiên đang ngày càng bị thu hẹp, nguồn thức ăn xanh cho gia súc bị thiếu bởi nhiều nguyên nhân. 14 hộ dân của xã Phan Sơn tham gia mô hình trồng cỏ nuôi bò do Trạm Khuyến nông huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) triển khai; với mục đích đảm bảo nguồn thức ăn vào mùa khô, phát triển đàn bò và cải thiện thu nhập cho nông dân xã vùng cao.

Trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Ảnh: Ngọc Lân

Với hơn 2.800 con bò và 200 con trâu, người dân Phan Sơn chủ yếu chăn nuôi theo kiểu truyền thống là thả rông dựa vào đồng cỏ tự nhiên hoặc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, lá và trái táo nhơn, cành thanh long… Khi mưa đến, bò trở nên căng tròn do dễ kiếm nhiều thức ăn. Tuy nhiên, mùa khô kéo dài gây hạn hán, bò gầy trơ xương bởi thiếu thức ăn xanh trong tự nhiên và các phụ phẩm nông nghiệp khác cũng không còn nữa.

Ông K’Bảy (Chủ tịch UBND xã) cho biết: Bò nuôi chậm lớn, chất lượng thịt không cao nếu ăn rơm, cám, phụ phẩm mà không đủ thức ăn xanh. Thương lái sẽ mua giá thấp, thậm chí không mua. Vì vậy, 14 hộ trong xã đăng ký trạm khuyến nông trồng 2,1 ha cỏ voi 06 dọc Sông Tho để chủ động nguồn thức ăn cho bò khi mùa khô đến. Cỏ phát triển tốt thì thu hoạch quanh năm, người chăn nuôi bò không còn lo chuyện tìm cỏ, không tốn thời gian chăn dắt vẫn bảo đảm được nguồn cỏ chất lượng cho bò.

Theo tính toán của một số hộ trồng cỏ nuôi bò tại thị trấn Lương Sơn cùng huyện với xã này, cứ 1 sào (1.000m2) cỏ voi 06 có thể cung cấp thức ăn cho 3 con bò nuôi nhốt. Nếu bò ăn dư, nguồn cỏ này có thể ủ chua để dành cho thời gian chờ cắt đợt cỏ tái sinh hoặc bán cho những gia đình khác có nhu cầu. Cỏ voi cũng như các cây trồng khác, cần bón phân, tưới nước, chăm sóc tốt; đặc biệt cỏ phát triển nhanh vùng ven sông. Sau khi giâm hom khoảng 60 - 70 ngày, cỏ cho thu hoạch, chu kỳ thu tái sinh khoảng 25 - 30 ngày. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 5 - 6 năm.

Như vậy, để chất lượng thịt bò có sức cạnh tranh, ngoài chuyện con giống tốt, thì người nuôi phải chủ động nguồn thức ăn. Đây cũng là khâu quan trọng trong chăn nuôi gia súc nói chung và trâu, bò nói riêng. Hay nói cách khác, một khi chăn nuôi hội đủ các yếu tố giống tốt, đủ thức ăn chất lượng, phòng bệnh tốt thì mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Mô hình trồng cỏ nuôi bò của 14 hộ tại xã Phan Sơn là hướng đi đúng, khẳng định sự thay đổi trong tư duy chăn nuôi của người dân vùng cao.

Trang Minh

Cải tạo đàn dê, cừu

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang hỗ trợ Khánh Hòa dự án “Xây dựng mô hình cải tạo đàn dê, cừu bằng biện pháp luân chuyển đực giống chất lượng tốt và áp dụng các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng để đạt năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu”. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để cải tạo, phục tráng giống dê, cừu trong tỉnh đang có biểu hiện thoái hóa.

Kết quả bước đầu

Theo bác sĩ thú y Nguyễn Thanh Sơn - Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trung tâm đã ký hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Viện Chăn nuôi) triển khai mô hình, cùng khảo sát và chọn điểm tại 2 xã Cam Phước Tây và Cam An Bắc (huyện Cam Lâm). Xã Cam Phước Tây thực hiện mô hình nuôi cừu quy mô 44 con/4 hộ (10 cừu cái và 1 cừu đực/hộ); xã Cam An Bắc thực hiện mô hình nuôi dê quy mô 40 con/4 hộ (9 dê cái và 1 dê đực/hộ). Cừu và dê được Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây cung cấp. Dự án yêu cầu các hộ cam kết đầu tư đủ vốn đối ứng; bảo đảm đủ vật tư (50% thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học...); tuân thủ quy trình kỹ thuật, hướng dẫn, quy định của dự án; chủ hộ có khả năng vận động thuyết phục và hướng dẫn các hộ khác làm theo...

Mô hình nuôi cừu tại Cam Phước Tây.

Ông Lê Chí Hùng - chủ hộ thực hiện mô hình nuôi dê tại Cam An Bắc cho biết, giống dê Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây chuyển giao có tầm vóc tương đương giống địa phương (Bách thảo lai) nhưng chắc, nhanh nhẹn hơn. Ông tuân thủ và bám sát chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông về cách nuôi dưỡng, phòng bệnh cho dê, đồng thời bổ sung lượng cám thực phẩm để đảm bảo dê sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là dê cái chuẩn bị sinh sản. Hiện nay, trong số 9 dê cái đã có 3 con mang thai.

Ông Nguyễn Thể Dục - chủ mô hình nuôi cừu tại Cam Phước Tây cho hay, giống cừu Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây chuyển giao có tầm vóc như giống địa phương. Sau thời gian cho ăn, chăm sóc đầy đủ, cừu thay lông đẹp và dày, không khác cừu địa phương. Từ khi đưa về, cừu lạ khí hậu nên có biểu hiện tiêu chảy, viêm phổi nhưng khi áp dụng các biện pháp chăm sóc, điều trị của cán bộ khuyến nông, đàn cừu khỏe và thích nghi nhanh. Hiện nay, 5 con đã sinh sản.

Theo nhận xét của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các hộ tham gia mô hình thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi và điều trị bệnh kịp thời theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Hiện nay, đàn dê phát triển tốt, 18 dê cái đã mang thai, dê đực phối giống tốt. Cừu đực cũng phối giống tốt, cừu cái hầu hết đều động dục và mang thai, 5 con đã sinh sản, cừu con sinh ra khỏe mạnh, trọng lượng trung bình 2,67kg/con.

Phục tráng nguồn giống

Tại Cam Phước Tây, đàn cừu phát triển tốt nhưng một số nơi khác như: Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh) đã có dấu hiệu thoái hóa. Một số người nuôi có kinh nghiệm cho biết, đàn cừu chậm lớn hơn và khó đạt tiêu chuẩn xuất bán. Trước đây, trọng lượng xuất chuồng 30 - 32kg/con, hiện nay chỉ đạt 27 - 28kg/con, dù thời gian nuôi như nhau. Không những vậy, đàn cừu lại còi cọc và khó giao phối. Riêng đàn dê chưa có biểu hiện thoái hóa nhưng cách nuôi khép kín, không có sự giao lưu bầy đàn, có nguy cơ cận huyết cao. Việc chăn nuôi khép kín, biệt lập, không có sự trao đổi với nguồn gen bên ngoài chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng đồng huyết.

Theo Thạc sĩ Lý Thị Luyến - Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây, mô hình thực hiện trong 2 năm (2019 - 2020) nhằm cải tạo đàn dê, cừu bằng phương pháp luân chuyển đực giống và một số biện pháp khoa học về dinh dưỡng nhằm nâng cao thể lực, sức khỏe sinh sản của giống. Việc giao phối cận huyết trong một thời gian dài đã dẫn đến hiện tượng đồng huyết gia tăng, là nguyên nhân chất lượng đàn dê, cừu ở địa phương suy giảm. Giống cừu hỗ trợ cho địa phương là Daughter; giống dê là Boer, trong đó dê đực Boer thuần và dê cái Boer lai là những giống có ưu thế, thích nghi tốt với khí hậu Nam Trung Bộ. Chương trình ràng buộc người dân phải lưu giữ giống trong vòng 2 năm, không được bán, trao đổi nhằm lan tỏa nguồn gen quý trong cộng đồng. Riêng đàn con sinh sản ra, người dân có thể bán để tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Lương Thao - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, đây là mô hình hay nhằm từng bước cải thiện nguồn gen của đàn dê, cừu trong tỉnh. Tuy nhiên, để có sự biến chuyển sâu sắc, lan tỏa trên phạm vi rộng, bền vững, tỉnh cần nghiên cứu xây dựng đề án cải tạo, phục tráng giống đàn cừu, dê. Có như vậy mới có thể ngăn chặn tình trạng thoái hóa giống đang có chiều hướng tăng tại các khu vực nuôi cừu, dê khép kín.

V.Lạc

Bình Phước: Thêm hướng đi cho nông dân Lộc Ninh

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Anh Đậu Xuân Ngọc là nông dân có tiếng về trồng tiêu ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Tuy nhiên, những năm gần đây cây tiêu liên tục mất mùa, mất giá, nông dân thu nhập bấp bênh. Với suy nghĩ phải thay đổi cách làm kinh tế để cải thiện cuộc sống, năm 2018, sau khi được Hội Nông dân xã tổ chức cho đi tham quan, học tập kinh nghiệm về chăn nuôi gia cầm, anh Ngọc về thử nghiệm nuôi vịt cánh trắng trên sàn lưới và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi vịt trên sàn lưới của hộ anh Đậu Xuân Ngọc ở ấp 8A, xã Lộc Hòa. Có 2 giống vịt được anh chọn nuôi thử nghiệm là vịt siêu nạc và siêu thịt cánh trắng. Toàn khuôn viên khoảng 300m2, anh đầu tư xây dựng 3 ô chuồng với hệ thống điện chiếu sáng, thiết bị cảm biến nhiệt, quạt... tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Các ô chuồng được anh Ngọc chăng lưới trên hệ thống đà vững chắc cao hơn 30cm so với mặt sàn xi măng; mặt sàn căng lưới mềm chuyên dùng cho chăn nuôi, phía trên có mái che mưa và thoáng gió, đảm bảo vịt luôn khô ráo. Giữa các ô chuồng, anh đặt ao tắm và máng nước uống, máng ăn. Ban đầu anh nuôi thử nghiệm 1.000 con, do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ sống chỉ đạt 60%.

Anh Đậu Xuân Ngọc ở ấp 8A, xã Lộc Hòa chăm sóc đàn vịt siêu nạc và siêu thịt

Anh Ngọc cho biết: “Đợt nuôi đầu tiên do chưa có kỹ thuật nên tỷ lệ vịt sống thấp. Khó nhất trong nuôi vịt là từ 1-20 ngày tuổi, do vịt còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên bệnh xâm nhập rất nhanh và nhanh chết. Mình phải chú ý giai đoạn đó để tiêm phòng vắc-xin thì sẽ giảm thiệt hại”. Nhờ chịu khó mày mò và học hỏi kinh nghiệm của những người chăn nuôi hiệu quả, dần tích lũy được kiến thức, anh Ngọc nuôi đến lứa thứ 4 thì ổn định.

Vịt giống được anh Ngọc mua từ trại ở Long An và chuyển từ Hà Nội vào với giá 23.000-27.500 đồng/con tùy theo đợt. Anh Ngọc chia sẻ, so với cách nuôi truyền thống thì phương thức nuôi vịt trên sàn lưới đảm bảo được đầu con, dễ kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống đến lúc bán đạt trên 95%, đàn vịt lớn đều, chất lượng thịt thơm, chắc, thương lái đến tận nhà mua. Đàn vịt của anh từ lúc thả giống đến khi xuất chuồng khoảng 40-50 ngày, trung bình mỗi con đạt từ 3,2kg trở lên, giá bán xuất chuồng 40-46 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí ban đầu, lứa vịt vừa qua gia đình anh thu lãi gần 30 triệu đồng từ 500 con vịt thương phẩm. Đến nay, anh Ngọc đã phát triển đàn vịt lên 1.500 con, trong đó có 1.000 con vịt siêu nạc và 500 con siêu thịt sắp đến thời điểm xuất chuồng. “Nếu lứa này giá bán ổn định 40.000 đồng trở lên/kg, thì 1.500 con nuôi trong 2 tháng cho lời hơn 50 triệu đồng. Dự tính cuối năm, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng các ô chuồng trên 1 sào đất còn lại của gia đình” - anh Ngọc cho biết thêm.

Nuôi vịt siêu nạc và siêu thịt là mô hình đầu tiên ở xã Lộc Hòa. Qua phương thức nuôi của gia đình anh Đậu Văn Ngọc cho thấy mô hình khả năng phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh. “Tới đây, Hội Nông dân xã sẽ tổ chức cho hội viên tham quan những mô hình sản xuất con giống hiệu quả tại địa phương. Mô hình của gia đình anh Ngọc đang mở ra hướng đi trong phát triển kinh tế ở huyện biên giới Lộc Ninh trong thời điểm cây tiêu gặp khó khăn” - bà Phan Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa cho biết.

Duy Khôi - Phước An

Lâm Đồng: Nghề nuôi ong Dú ở Cát Tiên

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) đã phát triển nghề nuôi ong Dú cho nguồn thu nhập khá ổn định. Gia đình anh Trần Văn Thức (Thôn 3, xã Đức Phổ) là một trong những nông hộ đã thành công với nghề nuôi ong này.

Anh Thức kiểm tra một tổ ong Dú

Bốn năm trở lại đây, gia đình anh Thức được biết đến là một trong những địa chỉ tin cậy chuyên bán mật ong Dú nguyên chất với chất lượng mật thơm ngon. Gắn bó với nghề nuôi ong Dú 15 năm nay, nhưng anh Thức chỉ mới phát triển nuôi ong theo hướng kinh doanh 4 năm qua vì nhận thấy thị trường tiêu thụ mật ong rất tiềm năng. Nhiều người có nhu cầu tìm mua mật ong có chất lượng tốt để sử dụng cho việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Nắm bắt được nhu cầu này, anh Thức đã quyết định nuôi ong Dú trong vườn chôm chôm để lấy mật. Đặc tính của loài ong Dú là không ăn đường mà chỉ hút nhụy hoa nên mật là tự nhiên và nguyên chất. Việc nuôi ong trong vườn chôm chôm cũng đảm bảo cung cấp cho đàn ong có nguồn hoa để lấy mật và cũng vì vậy mà chôm chôm trong vườn của gia đình anh khi thu hoạch luôn đảm bảo sạch và an toàn cho người sử dụng vì không phun xịt bất cứ loại thuốc gì.

Hiện nay, anh Thức có 130 tổ ong Dú; trong đó, có 70 tổ ong đã cho thu hoạch. Mỗi năm, anh thu được hơn 60 lít mật ong với giá bán 700 ngàn đồng/ lít. Anh Thức cho biết: “Một tổ ong sau khi được tách và nhân đàn mới thì hai năm sau sẽ cho thu hoạch đợt mật đầu tiên. Mỗi năm thu mật một lần vào khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm”. Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết: “Toàn huyện Cát Tiên hiện có trên 10 hộ nuôi ong Dú để lấy mật. Nhằm hỗ trợ các hộ nuôi ong có thị trường tiêu thụ ổn định, với phương châm đặt uy tín, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, Phòng đang tiến hành hướng dẫn các hộ thành lập Câu lạc bộ nuôi ong Dú, từ đó làm cơ sở để các hộ tiến hành đăng ký nhãn hiệu. Tạo ra sản phẩm mật ong Dú có xuất xứ từ Cát Tiên là một trong những hướng phát triển của sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa của huyện theo chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) dựa trên lợi thế của địa phương.

Ong Dú (tên tiếng Anh là Stingless bee), còn gọi là ong Rú, ong Lỗ và một số tên gọi khác theo địa phương là ong lấy mật. Đây là loại ong hiếm có trong tự nhiên và rất khó nuôi. So với các loại ong mật khác như ong Ruồi, ong Khoái…, ong Dú có kích cỡ nhỏ hơn. Ong Dú có tính hiền, ít chích đốt và không gây nguy hiểm cho người.

NGÂN HẬU

Tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Theo báo cáo của các địa phương và phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong thời gian gần đây đã và đang xảy ra tình trạng vận chuyển bất hợp pháp lợn và các sản phẩm lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang từng bước được kiểm soát tốt - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống, dịch tả lợn châu Phi vừa có công văn gửi Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, hiện nay tại Việt Nam bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang từng bước được kiểm soát tốt; số xã có dịch và số lợn buộc phải tiêu hủy đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay. Trong khi đó, tại các nước xung quanh Việt Nam, bệnh DTLCP đang xảy ra trầm trọng và diễn biến phức tạp. Do đó, nguy cơ các loại mầm bệnh xâm nhiễm từ nước ngoài vào nước ta là rất cao nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn qua biên giới.

Để ngăn chặn bệnh DTLCP và các loại dịch bệnh khác có thể phát sinh, tiến tới sớm kiểm soát được dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh (Ban Chỉ đạo quốc gia) đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn; cụ thể cần tập trung một số nội dung sau:

Đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn, ra vào Việt Nam.

Chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp; phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thành lập các đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào Việt Nam.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản lợn ra, vào Việt Nam.

Trường hợp bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).

Chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y Trung ương đóng tại địa phương và cơ quan thú y địa phương; phối hợp tổ chức áp dụng các biện pháp triển khai phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành…

Đỗ Hương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop