Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 11 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 11 năm 2016

Nông dân trồng rau màu “trúng giá”

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

 

Những tháng gần đây, nhiều nông dân trồng rau màu tại TP Cần Thơ đạt được mức lợi nhuận khá hấp dẫn nhờ giá bán tăng. Nhiều nông dân dự đoán, tới đây nhiều loại rau củ sẽ tiếp tục có đầu ra thuận lợi nên đang tích cực mở rộng diện tích trồng.

 

*Giá tăng bất ngờ

 

Cách đây gần 3 tháng, giá nhiều loại rau củ đã giảm xuống ở mức rất thấp khiến nhà nông thua lỗ. Khi đó, nhiều loại rau củ như: rau muống, rau nhút, mồng tơi, củ cải trắng, mướp hương, bí đao, khổ qua… chỉ còn ở mức 2.000-3.500 đồng/kg (giá nông dân bán buôn cho tiểu thương). Nguyên nhân được cho là do nông dân tại nhiều địa phương tăng diện tích trồng rau màu làm nguồn cung tăng mạnh, trong khi thị trường tiêu thụ không tăng. Nhưng sau đó, nguồn cung rau màu tại nhiều địa phương giảm mạnh do ảnh hưởng bởi mưa lũ và các yếu tố thời tiết bất lợi. Điều này đẩy giá các loại rau củ liên tục tăng cao và đạt đỉnh trong những tuần cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2016, với mức tăng giá hơn gấp đôi so với trước. Tại nhiều chợ và siêu thị ở TP Cần Thơ, giá bán lẻ các mặt hàng thông dụng của địa phương (như: cải xanh, cải ngọt, rau muống, mồng tơi, bồ ngót, rau dền, tần ô, bắp cải, cải thảo, cà chua, củ dền, đậu cô ve, khổ qua…) ở mức 15.000 - 30.000 đồng/kg. Nhiều mặt hàng rau củ xuất xứ Đà Lạt, như cà rốt loại 1, khoai tây, các loại cải bó xôi, xà lách Lolo, xà lách Carol, xà lách Iceberg, bắp cải tím, bông cải… cũng đạt mức giá kỷ lục từ 32.000 - 80.000 đồng/kg.

 

 

Nhân viên tại một vựa thu mua rau quả tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ phân loại sản phẩm để cho vào bọc chở đi nơi khác tiêu thụ.

 

Giá tăng, nhiều nông dân trồng rau màu từ chỗ thua lỗ, huề vốn giờ đã có được niềm vui, mức lợi nhuận hấp dẫn nhờ "trúng giá". Ông Nguyễn Văn Chuột ngụ ấp 2, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Chưa bao giờ bán các loại mướp, bầu, bí, dưa leo được giá cao từ 8.000 - 16.000 đồng/kg như vừa qua. Với giá này, nhiều nhà nông trồng rau quả có thể đạt lợi nhuận từ 50- 100 triệu đồng/ha, thậm chí cao hơn". Theo anh Phạm Công Chí ngụ ấp Thắng Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, gia đình anh có 5 công ruộng, vừa qua chỉ trồng dưa leo và hành lá trên diện tích hơn 500m2 nhưng thu được lợi nhuận gần 5 triệu đồng nhờ bán dưa leo được giá 8.000 - 9.000 đồng/kg, còn hành lá có giá 19.000 đồng/kg. Tới đây, ngoài tiếp tục duy trì diện tích này để sản xuất rau màu, gia đình anh có kế hoạch phát triển trồng thêm 3 công dưa hấu phục vụ thị trường Tết.

 

*Tăng diện tích trồng

 

Gần đây, nguồn cung rau màu tăng, giá một số loại rau ăn lá và rau củ, rau quả đã giảm nhẹ trở lại khoảng 1.000 - 3.000 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tuần. Tuy nhiên, nhìn chung phần lớn giá các mặt hàng vẫn được duy trì ở mức cao, giúp người sản xuất có lời. Nông dân nhiều địa phương đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng các loại rau màu để phục vụ nhu cầu thường nhật của thị trường cũng như chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2017.

 

Thời gian qua, xã Thới Hưng là một trong những địa phương sản xuất rau màu chủ lực của huyện Cờ Đỏ. Nông dân đang cung ứng ra thị trường vài chục tấn rau củ mỗi ngày. Ông Đặng Hồng Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, cho biết: "Xã có khoảng 1.000 ha chuyên canh trồng rau màu các loại, với sản lượng cung ứng ra thị trường ít nhất từ 10-20 tấn/ngày. Gần đây, khi các loại rau màu có giá, nông dân cũng tích cực tận dụng các bờ thửa đất trống và chuyển các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu và cây ngắn ngày như: bầu, bí, mướp, khổ qua, dưa leo, đu đủ, dưa hấu, sen, mè… Qua đó, nâng tổng diện tích sản xuất các loại rau, màu và cây ăn trái ngắn ngày trên địa bàn xã trong năm nay đạt gần 3.000 ha". Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, diện tích xuống giống rau màu trên địa bàn huyện trong năm 2016 ước hơn 4.362 ha, đạt 109,05% so với kế hoạch, tăng hơn 45,6 ha so với năm 2015. Nhiều mô hình chuyên canh trồng màu trên địa bàn huyện đạt doanh thu bình quân 976 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân trên 444 triệu đồng/ha/năm. Một số mô hình chuyển dịch màu xuống ruộng lúa cũng cho hiệu quả cao như: trồng bí đao lợi nhuận 77 triệu đồng/ha, dưa leo 51 triệu đồng/ha, ớt khoảng 191 triệu đồng/ha, mướp khoảng 107 triệu đồng/ha.

 

Không có nhiều lợi thế về phát triển các loại rau màu như tại các quận, huyện nằm gần nội ô thành phố: Bình Thủy, Ô Môn, Phong Điền, Thới Lai… nhưng nông dân huyện Vĩnh Thạnh cũng đang mạnh dạn mở rộng diện tích rau màu. Theo ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, các năm trước trên địa bàn huyện chỉ có vài trăm héc-ta trồng rau màu nhưng đầu năm 2016 đến nay diện tích sản xuất trên toàn huyện đã đạt hơn 1.400 ha. Nhiều nông dân đang tích cực tăng thêm các diện tích trồng rau màu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2017. Trong đó, nông dân tập trung sản xuất các loại rau ăn lá, củ cải trắng và dưa hấu... Bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân cần phát triển trồng với diện tích vừa phải và tăng cường liên kết với nhau và liên kết với các nhà tiêu thụ để đảm bảo đầu ra sản phẩm.

 

Thực tế cho thấy, rau màu là mặt hàng dễ gặp các rủi ro về giá cả, đầu ra do không thể bảo quản để lâu. Nông dân không nên ồ ạt sản xuất theo phong trào mà cần quan tâm nghiên cứu thị trường và gắn kết với các nhà tiêu thụ cũng như phát triển sản xuất theo hướng an toàn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

 

Khánh Trung

 

Bệnh chổi rồng gây thiệt hại nặng nề cho nông dân

 

Nguồn tin: Khoa học phổ thông

 

 

Hàng ngàn hecta nhãn tiêu da bò bệnh chổi rồng gây thiệt hại nặng nề cho nông dân ĐBSCL từ nhiêu năm nay. Các nghiên cứu mới đã cho biết, bệnh chổi rồng xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 1955 và sau đó ở một số nơi như Thái Lan, Brazil…

 

Bệnh chổi rồng xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc

 

Báo cáo sơ kết dự án khuyến nông trung ương về xây dựng mô hình quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn mới đây cho biết, bệnh chổi rồng xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 1955 và sau đó ở một số nơi như Thái Lan, Brazil…

 

Các nhà khoa học cho rằng, triệu chứng chổi rồng do nhện Eriophyes dimocarpi gây ra. Đây là loài nhện được phát hiện bởi Kuang ở Trường đại học Nanjing Trung Quốc. Ở Việt Nam, khảo sát tại miền Đông Nam bộ cho thấy, nhện lông nhung có tương quan đến triệu chứng bệnh chổi rồng, do vậy nguyên nhân chính là do côn trùng môi giới nhện lông nhung gây ra trên cây nhãn. Nhện lông nhung là một trong những loài dịch hại vải cực kỳ nguy hiểm và hiện diện phổ biến trên các vườn vải nhiễm đọt chổi rồng.

 

Có những bất đồng trong các kết quả nghiên cứu về tác nhân của chổi rồng mà cho rằng có thể là do virus hay do Mycoplasma hoặc là do nhện Eriophyes dimocarpi. Một số nghiên cứu trước đó ở Trung Quốc cho rằng tác nhân thuộc về virus, tuy nhiên, kết luận này gây nhiều tranh cãi.

 

Nhiều kỹ thuật được sử dụng như quan sát với kính hiển vi điện tử, thí nghiệm ghép, thí nghiệm lây nhiễm nhện, tỉa cành, xây dựng thí nghiệm phòng trừ đã xác định chổi rồng gây ra do nhện Eriophyes dimocarpi. Khi cây con được lây nhiễm với nhện, 50% phát triển các triệu chứng chổi rồng và bị ký sinh bởi nhện trong khi không phát hiện nhện trên lá của những cây không có triệu chứng. Nhện luôn được tìm thấy trên những chồi nhiễm và mật số nhện tương quan thuận với mức độ hại.

 

 

Bệnh chổi rồng ở Việt Nam xuất hiện khi nào?

 

Bệnh chổi rồng gây hại trên nhãn tại Việt Nam từ năm 2001, bệnh lan rộng tại các vùng trồng nhãn của các tỉnh miền Đông Nam bộ vào những năm 2005-2007, và sau đó tiếp tục lây lan gây hại tại khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Những năm sau đó hiện tượng chổi rồng ngày càng lan rộng đã bộc phát thành dịch và gây thiệt hại lớn đến năng suất và sản lượng nhãn. Bệnh chổi chổi rồng gây gây hại nặng thành dịch tại các tỉnh có trồng nhãn ở Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2011 và 2012. Có thời điểm diện tích nhiễm bệnh tới 27.151 ha.

 

Nhãn là một trong những loại cây ăn quả dễ trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất so với một số loại cây ăn quả khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây sản xuất nhãn gặp phải những khó khăn về dịch bệnh, trong đó đặc biệt nguy hại là bệnh chổi rồng gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, chất lượng quả, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Bệnh chổi rồng gây hại trên nhãn tại Việt Nam từ năm 2001, bệnh lan rộng tại các vùng trồng nhãn của các tỉnh miền Đông Nam bộ vào những năm 2005-2007, và sau đó tiếp tục lây lan gây hại tại khắp các tỉnh ĐBSCL.

 

Chưa xác định tác nhân gây bệnh

 

Theo Trung tâm bảo vệ thực vật phía nam, dù mức độ gây hại của bệnh xảy ra khá nghiêm trọng nhưng cho đến nay các kết quả nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác tác nhân gây bệnh. Kết quả nghiên cứu mới đây của Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết có thể có sự phối hợp phức tạp giữa nhện lông nhung (Eryophyes dimocarpi) và Phytoplasma nhưng nhện là nguyên nhân trực tiếp và quan trọng gây ra bệnh chổi rồng trên nhãn tại Việt Nam.

 

Một thực tế xảy ra đó là, trên giống nhiễm nặng như Tiêu Da Bò, đôi khi có những chồi trên cây không thể hiện triệu chứng, có những chồi non chỉ một số thể hiện triệu chứng. Nhiều trường hợp chồi non mọc từ một chồi nhiễm dạng “chổi” trước đó cũng không thể hiện triệu chứng và vẫn phát triển bình thường. Nhiều chồi non mọc từ gốc ghép, từ thân chính gần gốc (giống mẫn cảm) thể hiện dạng “chổi” đặc trưng toàn bộ chồi. Một điều chưa thể giải thích đó là một số cây nhãn, vườn nhãn bị nhiễm chổi rồng một thời gian nhưng sau đó không thấy xuất hiện triệu chứng nữa, mặc dù không áp dụng các biện pháp phòng trừ nào cả.

 

Phòng trừ thế nào?

 

Tỉa cành tạo tán và phun thuốc trừ nhện trên những chồi nhiễm giúp phục hồi, ra hoa và giảm tỷ lệ gié hoa nhiễm từ 80% xuống còn 9%. Ở Việt Nam, tại một số vườn nhãn nhiễm đầu tiên tại Đông Nam bộ ở Định Quán (Đồng Nai), một số mẫu nhiễm từ nhãn Tiêu Da Bò đã được thu thập và được gởi đến CABI để giám định, kết quả giám định sau đó kết luận rằng không có phytoplasma và họ khuyên nên đi vào hướng nghiên cứu nấm hoặc vi khuẩn.

 

Nghiên cứu của Vũ Mạnh Hà và Mai Văn Trị cho thấy, sử dụng thuốc trừ nhện đóng vai trò quan trọng trong phòng trừ bệnh chổi rồng. Kết quả nghiên cứu mới đây của một nhóm nghiên cứu ở Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng tác nhân gây chổi rồng là vi khuẩn thuộc nhóm gamma proteobacteria. Đây là vi khuẩn không thể nuôi cấy, sống trong mạch dẫn của cây, đặc biệt trên các đọt non và bệnh được lan truyền qua trung gian truyền bệnh là nhện E. dimocarpi. Tuy nhiên, việc xem vi khuẩn là tác nhân của chổi rồng chỉ là kết quả nghiên cứu bước đầu, chưa đủ cơ sở khẳng định một cách chắc chắn và cần nhiều nghiên cứu tiếp theo để khẳng định.

 

 

TS. Hồ Văn Chiến, nguyên giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết, đến nay các kết quả nghiên cứu về tác nhân của chổi rồng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau ngay cả trong cùng một lãnh thổ. Các kết quả này do từng nhóm nghiên cứu độc lập thực hiện và các kết quả không được lặp lại dẫn đến không được công nhận rộng rãi thậm chí trong cùng một lãnh thổ. Sự chậm trễ và mâu thuẫn trong việc xác định tác nhân đối với một dịch hại như chổi rồng nhãn do tính chất phức tạp của nghiên cứu.

 

Để đối phó với dịch bệnh chổi rồng, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh chổi rồng trên nhãn để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Quy trình phòng trừ tổng hợp tập trung vào các kỹ thuật chủ yếu như: chăm sóc cây, bón phân cân đối, tạo tán cây thông thoáng, tưới nước hợp lý để có vườn cây khỏe, chống chịu tốt với bệnh hại và hạn chế sự phát triển của Nhện lông nhung. Sử dụng giống nhãn ít bị bệnh chổi rồng, phát hiện sớm các bộ phận cây bị bệnh để cắt bỏ, tiêu hủy. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ Nhện lông nhung.

 

Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật cũng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực của nông dân trong việc phát hiện và phòng trừ sớm khi bệnh mới chớm xuất hiện; đồng thời thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc. Đặc biệt là sự chỉ đạo và các chính sách hỗ trợ của địa phương để giúp dân tiêu hủy và ngăn chặn sớm nguồn bệnh, góp phần quản lý bền vững bệnh chổi rồng.

 

Ở Việt Nam, các khảo sát ngoài đồng cho thấy mức độ nhiễm chổi rồng của các giống nhãn ở Nam Bộ rất khác nhau. Có giống nhiễm nặng, nhiễm nhẹ hơn và có giống chưa thấy triệu chứng. Có 3 giống nhãn chưa xuất hiện triệu chứng, đó là nhãn Long, Super và Xuồng Cơm Vàng. Giống nhãn Idor cũng có khả năng bị nhiễm (chưa ghi nhận mức độ nặng). Do đó, có thể sử dụng giống chống chịu là một trong những giải pháp trong quản lý tổng hợp bệnh chổi rồng.

 

Thanh Tâm

 

Chanh leo mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào vùng cao

 

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

 

Huyện vùng cao biên giới Quế Phong (Nghệ An) hiện có 250ha chanh leo được trồng ở các xã Tri Lễ, Châu Thôn, Nậm Giải. Riêng Tri Lễ có 108ha chanh leo, trong đó có 97ha đã cho thu hoạch. Doanh nghiệp thu mua tận vườn giá cao, ổn định...

 

Dù chanh leo nơi đây chưa đạt năng suất như kỳ vọng nhưng doanh nghiệp thu mua tận vườn giá cao, ổn định và đứng trước cơ hội có mặt tại thị trường Nhật Bản.

 

Cây thoát nghèo

 

Năm 2014, ông Vi Văn Sơn ở bản Yên Sơn, xã Tri Lễ trồng 1,3ha cây chanh leo Đài Loan. Đến nay đã cho thu hoạch vụ thứ 2, năng suất ước đạt 15 tấn/ha.

 

 

Chanh leo giúp đồng bào Thái Quế Phong thoát nghèo

 

“Ta trồng với mật độ 800 gốc/ha, năm nay đã bán được 16 tấn, hiện còn khoảng gần 4 tấn nữa sắp hái. Cty Nafoods (Cty CP Thực phẩm Nghệ An - PV) thu mua tận vườn với giá 9 nghìn đồng/kg. Vụ này chắc gia đình ta sẽ thu được gần 180 triệu đồng. Dân bản Yên Sơn vẫn chưa chăm sóc tốt, nếu không năng suất có thể đạt 25 tấn/ha đấy”.

 

Theo ông Sơn, độ dốc ở một số bản của Tri Lễ vừa đủ cho cây chanh leo phát triển, dù là cây rất cần nước nhưng nếu ngập úng, chanh leo dễ bị nhiễm bệnh và chết. Ngoài lượng phân bón 15 - 16kg phân chuồng/gốc (3 - 4 lần bón/năm); 250gr phân NPK/gốc (4 - 5 lần bón/năm), cây chanh leo cần được tưới đậm 1 - 2 lần vào mùa khô và phải được tiêu úng kịp thời. Để quả phát triển tốt, mỗi tuần cần tỉa lá 2 - 3 lần… Đầu tư ban đầu cho mỗi ha chanh leo khoảng 70 triệu đồng, cây có thể cho năng suất cao trong 3 năm đầu lưu gốc. Vì vậy, cứ 3 năm/lần lại phải trồng cây mới.

 

Hiện chanh leo được trồng tại 5 bản đồng bào Thái của xã Tri Lễ với tổng diện tích 108ha. Trong đó có 55ha của 100 hộ đồng bào Thái, số còn lại của một số doanh nghiệp thuê đất đầu tư trồng. Theo kế hoạch, đến năm 2020 diện tích chanh leo tại Tri Lễ sẽ ổn định ở mức 1,5 nghìn ha.

 

“Với năng suất hiện tại khoảng 16 tấn/ha, chanh leo vẫn là cây cho thu nhập "đầu bảng” tại xã Tri Lễ. Không có cây gì cho thu nhập cao hơn chanh leo. Nếu được chăm sóc tốt hơn, chanh leo hoàn toàn có thể giúp đồng bào thoát nghèo bền vững”, ông Lữ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết thêm.

 

Cơ hội sang Nhật Bản

 

Tháng 10/2010, sau khi đi khảo sát tại một số vùng nguyên liệu của Nafoods Nghệ An tại Lâm Đồng, Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong chỉ đạo bà con trồng thử nghiệm 2ha chanh leo với sự tham gia của 21 hộ. Chỉ sau một năm trồng thử nghiệm, 2ha chanh leo tại xã Tri Lễ đã cho thu hoạch vụ đầu tiên, tiềm năng năng suất, chất lượng triển vọng.

 

 

Chanh leo có cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản

 

Tháng 10/2011, UBND huyện Quế Phong có tờ trình xin chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng vùng trồng chanh leo nguyên liệu quy mô 1.000ha tại hai xã Tri Lễ (800ha) và Nậm Giải (200ha) để cung cấp nguyên liệu cho Nafoods và các nhà máy xuất khẩu nước hoa quả trong nước.

 

Thời điểm thử nghiệm, đồng bào chủ yếu trồng giống chanh leo địa phương, quả chín màu vàng nhưng do quả chua nên nay chuyển sang trồng giống chanh leo Đài Nông 1 có nguồn gốc từ Đài Loan. Giống mới này khi chín màu quả tím, nước có vị ngọt và thơm hơn nên được thị trường ưa chuộng.

 

Hiện chanh leo được đồng bào Thái trồng tại 3 xã Tri Lễ, Châu Thôn, Nậm Giải với tổng diện tích khoảng 250ha. Hiện Quế Phong là vùng duy nhất của Nghệ An trồng được chanh leo, với diện tích khoảng 250ha, mỗi năm sản xuất gần 1.000 tấn chanh leo và đã tự chủ được giống.

 

Mới đây, trong khuôn khổ hợp tác giữa tỉnh và Tổ chức hỗ trợ phát triển Nhật Bản JICA, đoàn chuyên gia JICA phối hợp với Nafoods tổ chức khảo sát tại một số vườn chanh leo trên địa bàn huyện Quế Phong.

 

Địa bàn đoàn JICA khảo sát đợt này bao gồm một số chủ vườn chanh ở xã Tri Lễ và Châu Thôn. Đoàn đã khảo sát thực địa, tìm hiểu cách đầu tư chăm sóc, lấy mẫu, ghi các chỉ số phát triển của cây và quả chanh leo. Dự định của JICA là sẽ hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và vốn để sản xuất theo quy trình của Nhật Bản, nếu sản phẩm quả đạt tiêu chuẩn sẽ đưa sang Nhật Bản để tiêu thụ.

 

Tuy nhiên, để sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, theo ông Lữ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cần có thêm các chính sách hỗ trợ: “Đồng bào vẫn chưa chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, sản lượng và chất lượng chưa được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, đầu tư ban đầu tương đối cao so với tiềm lực của đồng bào. Trước đây, diện tích chanh leo tăng nhanh chủ yếu nhờ vào nguồn đầu tư của ban phát triển nông thôn miền núi huyện. Vì vậy, nếu Nhà nước không tiếp tục hỗ trợ thì việc tăng diện tích, chất lượng đảm bảo xuất khẩu sẽ gặp khó khăn”.

 

VĂN DŨNG

 

Không phát triển thế mạnh cây cam là sai lầm!

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Thật sai lầm nếu không nhanh chóng đưa cây cam trở thành cây trồng chủ lực ở Nghệ An trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường chung của thế giới - Đó là ý kiến phát biểu của ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tại cuộc họp sáng ngày 7/11/2015 với các sở, ban, ngành, các công ty nông, lâm nghiệp và các huyện, thành, thị trong tỉnh để bàn giải pháp phát triển cây cam trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh.

 

Cây trồng có hiệu quả lớn

 

Cam Nghệ An vốn nổi tiếng với thương hiệu "Cam Vinh" đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước thừa nhận và ngày 17/12/2010 Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Cam Vinh" cho sản phẩm cam quả Nghệ An. Đây là cơ sở và điều kiện để Nghệ An mở rộng diện tích trồng cam trên quy mô lớn để không những tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới sẽ là sản phẩm xuất khẩu lớn ra thị trường quốc tế và là nguồn nguyên liệu lớn để phục vụ cho nhà máy chế biến nước hoa quả có giá trị cao trong tương lai gần.

 

Xuất xứ thương hiệu cam Vinh thơm, ngon nổi tiếng được bắt nguồn từ giống cam Xã Đoài có nguồn gốc từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, do một cố đạo người Pháp sang truyền đạo ở xứ Xã Đoài ngày nay mang đến trồng. Đến bây giờ cam Xã Đoài không còn bó hẹp ở vùng Xã Đoài nữa, nó đã được đem đi trồng ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh nhờ có phương pháp nhân giống vô tính.

 

Gần đây, thông qua con đường trao đổi khoa học công nghệ, Nghệ An có thêm giống cam V2 được gieo trồng trên quy mô tương đối lớn. Cả 2 giống cam Xã Đoài và V2 đều có các đặc điểm cơ bản gần như giống nhau, đó là: quả hình trụ, trọng lượng quả nặng trung bình từ 140 - 145 gam, vỏ quả mỏng, thịt quả có màu vàng tươi như màu mật ong. Quả ít hạt, ăn có mùi thơm, ngon và có vị ngọt đặc trưng. Đặc biệt, cả 2 giống cam này ra hoa muộn và quả chín tập trung vào Tết âm lịch nên rất có giá khi bán.

 

Hiện nay, ở Nghệ An đã có 3.425 ha cam được trồng bằng cả 2 giống cam xã Đoài và cam V2 tập trung ở các huyện: Quỳ Hợp 1.642 ha, Nghĩa Đàn 425 ha, Thanh Chương 303 ha, Yên Thành 28 ha, Con Cuông 137 ha, Nam Đàn 162 ha, Anh Sơn 110 ha, Nghi Lộc 105 ha và rải rác một số địa phương khác. Trong số diện tích đó có 1.867 ha cam kinh doanh, năng suất cam bình quân chung toàn tỉnh đạt 135 tạ/ha.

 

Tại Công ty nông nghiệp Xuân Thành ở huyện Quỳ Hợp có gần 800 ha cam được phân bố cho 680 hộ nhận khoán, bình quân mỗi hộ trồng 1,07 ha cam. Hộ nhận khoán nhiều nhất từ 3 - 5 ha, ít nhất 0,5 - 1,0 ha. Theo ông Hoàng Minh - Giám đốc Công ty nông nghiệp Xuân Thành cho biết: Trong số gần 800 ha cam nói trên có 320 ha cam kinh doanh, vụ cam năm 2013 được mùa cam, nhưng không được giá vẫn cho thu nhập 100 tỷ đồng.

 

Vụ cam năm 2014 được cả giá, được cả mùa cam nên doanh thu đạt được 150 tỷ đồng và vụ cam năm 2015 do gặp hạn nặng, cam vẫn nhiều quả, nhưng quả nhỏ hơn và vẫn cho thu nhập khoảng 143 - 145 tỷ đồng. Năm 2016 hiện nay cam rất sai quả, dự kiến sẽ là một năm được mùa cam không thua kém năm 2014 và 2015... Cũng theo ông Hoàng Minh, nếu được đầu tư thâm canh tốt, có nước tưới đầy đủ thì 1 ha cam cho doanh thu 1 tỷ đồng là chuyện bình thường ở đây.

 

Tại Công ty nông nghiệp Xuân Thành hiện nay có 40 hộ nông dân thành lập câu lạc bộ những người trồng cam có số doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp có ông Kiều Quang Vinh - một lão nông có kinh nghiệm trồng cam giỏi. Ông Vinh cho biết: Gia đình ông chỉ có 0,75 ha cam, năm ngoái ông thu hoạch được 40 tấn quả, bán với giá bình quân 30.000 đồng/kg, cho doanh thu 1,2 tỷ đồng. Vụ cam năm nay hạn nặng, nước tưới không kịp nên năng suất có phần giảm hơn năm ngoái. Nhưng cũng không thể có thu nhập dưới 1 tỷ đồng trên diện tích 0,75 ha này.

 

Xuống huyện lúa đồng bằng Yên Thành, vào trang trại cam Thiên Sơn ở xã Đồng Thành do ông Trịnh Xuân Giao làm trưởng trại, ông cho biết: Trang trại của ông có 20 ha cam được trồng bằng giống cam Xã Đoài, cam V2 và đã cho thu hoạch 15 ha, 5 ha còn lại năm sau mới cho thu hoạch. Vụ cam đầu tiên (năm 2012) thu về 200 tấn quả, cho thu nhập được 5,4 tỷ đồng. Vụ cam năm 2013 thu về 400 tấn quả, cho thu nhập 12 tỷ đồng.

 

Vụ cam năm 2014 thu về 500 tấn, cho thu nhập 15 tỷ đồng và vụ cam năm 2015 cho thu hoạch 600 tấn cam quả, doanh thu từ 17 - 18 tỷ đồng. Vụ cam 2016 này khả năng có thể được mùa lớn hơn năm 2015. Theo ông Trịnh Xuân Giao, hầu hết sản phẩm cam trang trại của ông 50% bao tiêu nội tỉnh, 50% còn lại khách hàng từ Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh vào tận trang trại của ông để mua và nhận hàng. Hiện nay trang trại của ông đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm 12 ha nữa trong năm 2016 này.

 

 

Cam Vinh ngon nổi tiếng nhưng tại sao vẫn chưa "bứt phá" để trở thành nông sản chủ lực của tỉnh nhà? (Ảnh tư liệu minh hoạ).

 

Rõ ràng cây cam trồng trên đất Nghệ An đã đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người trồng cam. Không những thế, cây cam còn là cây trồng bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sống rất tốt. Mấy năm qua, phần lớn những người trồng cam với quy mô trên dưới 1 ha đều cho thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến trên dưới 1 tỷ đồng/ha thật dễ dàng; trong khi đó chi phí đầu tư để sản xuất cam qua tính toán hết tối đa từ 13 - 15% so với doanh thu mà thôi.

 

Nếu chúng ta đến một số vùng nơi bà con nông dân trồng bằng giống cam Xã Đoài, cam V2 ở các huyện Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Yên Thành… mới thấy hết được giá trị đích thực của cây cam, không chỉ giúp xóa hết đói, giảm hết nghèo mà thực sự là cây trồng làm giàu cho rất nhiều gia đình, ông Hồ Ngọc Sỹ - nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT nói.

 

Phát triển mạnh cây cam là một chủ trương đúng

 

Tại các cuộc họp bàn về chủ trương và giải pháp phát triển cây cam ở Nghệ An hiện nay, hầu như không có ý kiến nào chần chừ, phân vân, do dự trong phát biểu thảo luận.

 

Ngược lại, tất cả các ý kiến đều cho rằng, mở rộng và phát triển mạnh cây cam hiện nay ở Nghệ An là một chủ trương đúng và trong thực tế mấy năm qua thu nhập từ cây cam của người trồng cam đã chứng minh điều đó.

 

Ở Nghệ An, cây cam rất có điều kiện và lợi thế để phát triển, đó là: Có giống cam Xã Đoài chất lượng tốt được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và cả một số nước trên thế giới biết đến khi nói đến "Cam Vinh". Gần đây có thêm giống cam V2 bổ sung vào có chất lượng tương đương giống cam Xã Đoài, cả 2 giống cam này đều rất tốt. Vùng miền Tây Nghệ An có 13.400 ha đất đỏ Bazan, đây là loại đất rất tốt có tầng canh tác dày, thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp và cây ăn quả dài ngày. Hiện tại, vùng này đang là vùng trọng điểm trồng cam ở Nghệ An thuộc các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa…

 

Giống cam Xã Đoài có ở Nghệ An gần một thế kỷ nay, rất phù hợp với đất đai, khí hậu môi trường sống ở Nghệ An và đã được UBND tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ hàng năm cung cấp đầy đủ kinh phí để nghiên cứu, bình tuyển, chọn lọc, phục tráng lại, nên giống cam Xã Đoài ngày nay vẫn tốt, vẫn giữ lại được chất lượng vốn có.

 

Người dân Nghệ An vốn có kinh nghiệm và truyền thống trồng cam từ nhiều đời nay. Khi được UBND tỉnh chủ trương mở rộng diện tích trồng cam trên quy mô lớn thì đây là cơ hội để cây cam trở thành cây trồng chủ lực, cây cho sản phẩm hàng hóa lớn và là sản phẩm thế mạnh của Nghệ An trong tương lai gần.

 

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2015 - 2020 phần nói về nông nghiệp và phát triển nông thôn ghi rõ: Phấn đấu đến năm 2020 diện tích cam trồng mới 2.500 ha, đưa tổng diện tích cam cả tỉnh lên con số 6.000 ha. Phấn đấu đưa năng suất cam trên diện tích cam kinh doanh đạt bình quân 180 tạ/ha, sản lượng cam hàng hóa đạt khoảng 36.000 - 40.000 tấn.

 

Để thực hiện được chủ trương phát triển mạnh cây cam từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chủ trương kêu gọi các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả tại Nghệ An. Trước mắt, UBND tỉnh trích kinh phí của tỉnh để hỗ trợ 10.000 đồng/cây giống và kinh phí làm đất, cải tạo đồng ruộng để trồng cam.

 

Chủ trương mở rộng và phát triển mạnh cây cam ở Nghệ An bằng giống cam truyền thống Xã Đoài và giống cam chất lượng cao V2 là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay, rất được bà con nông dân đồng tình, nhất là bà con nông dân ở các huyện miền núi.

 

Để thương hiệu cam Vinh bay xa và luôn luôn trong nỗi nhớ không bao giờ quên của mọi người gần xa trong nước và quốc tế. Đề nghị UBND tỉnh giao ngành NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Quỳ Hợp tổ chức lễ hội cam, giới thiệu sản phẩm cam Vinh cho người tiêu dùng trong cả nước và quốc tế biết loại cam đặc sản quý hiếm này ở quê hương Nghệ An. Từ đó sẽ hình thành chuỗi giá trị khép kín từ người sản xuất đến các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ hết sản phẩm cam cho bà con nông dân.

 

Doãn Trí Tuệ

 

Cà Mau: Sẽ triển khai dự án trồng chuối già Philippines

 

Nguồn tin: Đài PT-TH Cà Mau

 

Tỉnh Cà Mau vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Dự án “Chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng chuối già Philippines đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở vùng U Minh hạ”.

 

Dự án này sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2017 với mục tiêu tiếp nhận và làm chủ được quy trình kỹ thuật để xây dựng mô hình nhân giống vô tính chuối già Philippines và giống chuối Xiêm địa phương đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, cho người dân vùng U Minh Hạ. Theo đó, sẽ chuyển giao và tiếp nhận quy trình công nghệ nuôi cấy mô cây chuối; quy trình trồng; quy trình phòng trừ sâu bệnh hại; đồng thời đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho người dân trong quá trình sản xuất./.

 

PV: Tuyết Anh

 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Trái Cây Tết: Nguy cơ giảm sản lượng

 

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu

 

 

Ông Trần Văn Chính (ấp Long Hòa, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) kiểm tra lại tình trạng vườn mãng cầu mới tỉa lá, cắt cành làm trái.

 

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Đinh Dậu 2017, tuy nhiên thời điểm này, những nhà vườn trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa an tâm về năng suất và chất lượng nông sản. Theo đánh giá của người dân, mùa trái cây Tết năm nay sẽ kém phần “sôi động” bởi những ảnh hưởng bất lợi của tình hình thời tiết phức tạp. Mưa nhiều, lại thêm sâu bệnh trên mỗi loại cây trồng gia tăng ảnh hưởng đến không chỉ đến năng suất nông sản, thậm chí có thể có một số mặt hàng rơi vào tình trạng hiếm hàng.

 

Bưởi da xanh Sông Xoài luôn là sản phẩm trái cây có nhu cầu cao vào dịp Tết. Tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây, sản lượng bưởi cung cấp ra thị trường có xu hướng giảm thậm chí khan hiếm. Ông Hồ Hoàng Kha, Phó Giám đốc HTX bưởi da xanh Sông Xoài cho biết, năm 2015, sản lượng bưởi cung cấp cho thị trường khoảng 90 tấn. Năm 2016, HTX bán ra thị trường Tết khoảng 80 tấn bưởi. Trong năm qua, do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài đúng vào thời điểm bưởi cho hoa, đậu trái, hoa bưởi bị đen, khô nụ, không cho trái và khoảng 60ha/120ha diện tích bưởi bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ. Vì vậy, theo ông Kha sản lượng bưởi da xanh cung ứng cho thị trường Tết 2017 có khả năng giảm còn khoảng 60 tấn, có thể thấp hơn nữa, tức là giảm gần 60% so với Tết năm 2016.

 

Ngồi nhìn vườn bưởi 250 gốc đang trong gia đoạn làm trái chuẩn bị phục vụ Tết, có hơn 1/3 bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ, ông Nguyễn Văn Đa (người trồng bưởi ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, huyện Tân Thành) như ngồi trên “đống lửa”. Ông Đa cho biết, vườn bưởi của ông được 4 năm tuổi, mùa Tết năm ngoái là vụ bưởi đầu tiên cho ông thu nhập được 25 triệu đồng. Dự tính năm nay, sẽ có thêm nguồn thu nhập từ bưởi Tết, nhưng không may bưởi bị nhiễm bệnh, ước chừng năng suất bưởi của gia đình ông giảm 30-40%. “Hiện tôi đang cố gắng cứu chữa để bưởi phục hồi lại và làm trái nhằm thu vốn vào đợt thu hoạch sau Tết”, ông Đa cho biết.

 

Những năm gần đây, huyện Xuyên Mộc là địa phương có diện tích trồng cây có múi như cam, quýt… lớn nhất tỉnh với gần 700ha. Trong đó, khoảng hơn 435ha đang cho thu hoạch. Theo các hộ nông dân, thời gian trước, cam quýt thường cho năng suất cao, bán được giá, mỗi vụ Tết, sau khi trừ chi phí, người trồng cây ăn trái thu lãi từ 200-400 triệu đồng/ha. Tuy nhiên dự báo của Hội Nông dân huyện, trong mùa Tết năm nay diện tích canh tác cam, quýt cho thu hoạch chỉ vào khoảng 200-250ha giảm ½ so với năm 2015. Nguyên nhân do thời tiết phức tạp, mưa nhiều, xuất hiện dịch bệnh, sâu bệnh nên người trồng chặt tỉa bớt hoặc nhiều diện tích không đạt chỉ tiêu thu hoạch.

 

Anh Nguyễn Hùng Cường (ấp 4, xã Hòa Bình) hiện đang canh tác 2ha quýt đường với 2.500 gốc. Theo anh Cường, trong 2 năm đầu, trung bình mỗi năm quýt nhà anh cho năng suất đạt khoảng hơn 55 tấn. Với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, anh thu về 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, anh Cường thu lãi hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, trong vụ quýt Tết năm nay, anh Cường dự báo sẽ thất thu sản lượng do gần 40% diện tích quýt bị nhiễm sâu bệnh hại đục trái. Thêm nữa, vào giai đoạn làm trái, quýt bị ảnh hưởng bởi nhiều cơn mưa lớn kéo dài nên tỷ lệ đậu trái không cao. Theo anh Cường, ước sản lượng quýt Tết năm nay của nhà anh chỉ đạt khoảng 25-30tấn.

 

Lo lắng sẽ bị thất thu trong vụ Tết là tâm trạng hiện nay của người dân cũng vùng chuyên canh mãng cầu tại khu vực Gò Bà Canh trên địa bàn xã Long Tân (huyện Đất Đỏ). Ông Trần Văn Chính (người trồng mãng cầu tại ấp Long Hòa, xã Long Tân) cho biết, nhà ông đành lỗi hẹn với vụ mãng cầu Tết năm nay vì 1ha trồng 1 ngàn cây mãng cầu năm nay không đậu trái. Theo ông Chính, nguyên nhân trên do vào giai đoạn tháng 7- 9, thời gian chăm sóc cho mãng cầu trổ hoa, mưa kéo dài làm hoa rụng nên mãng cầu nhà ông không thể đậu trái, ước thất thu gần 100 triệu đồng. Ông Chính dự tính thử vừa cắt cành, tỉa lá, bón phân lại thì vào đầu tháng 10 làm trái và đến tháng 4-2017 mới có thể thu hoạch. “Vụ Tết 2016, với năng suất 7kg quả/1 cây, tổng sản lượng của nhà tôi đạt 7 tấn, với giá Tết từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, thậm chí 50.000 đồng, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi gần 80-90 triệu đồng. Mùa Tết năm 2017 này gia đình tôi đành ngậm ngùi vì không có gì để thu hoạch”, ông Chính chia sẻ.

 

Không riêng gì ông Chính, 20 hộ trồng mãng cầu trên địa bàn xã Long Tân làm mãng cầu vụ Tết đều đang lo lắng. Ông Lê Minh Vương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tân cho biết, toàn xã có 70ha diện tích trồng mãng cầu, riêng trong vụ mãng cầu Tết năm nay, có 20 hộ làm trái với hơn 20ha. Hàng năm, trung bình mỗi vụ Tết, thời tiết thuận lợi, mãng cầu cho thu hoạch từ 7-8 tấn/ha, với giá bán cao, sau khi trừ chi phí mỗi hộ cũng có lãi từ 100-150 triệu đồng. Tuy nhiên do năm nay, ảnh hưởng của thời tiết, mưa nhiều khó đậu trái, lại thêm bệnh rệp sáp bám đen trái, làm sản lượng mãng cầu năm nay có nguy cơ giảm 60-70%, khả năng sẽ hiếm mãng cầu ngon ngoài thị trường trong dịp Tết.

 

Với tình hình như đã nêu trên, mùa Tết năm nay, có thể sẽ người tiêu dùng sẽ phải mua trái cây Tết với giá cao.

 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, ngoài phần diện tích chính tại các vùng chuyên trồng chuyên canh bị ảnh hượng thì sản lượng bưởi, cam, quýt, mãng cầu… được trồng rải rác tại các địa phương khác cũng bị ảnh hưởng tương tự. Nguyên nhân cũng do tình hình thời tiết phức tạp, mưa lớn kéo dài, sâu bệnh hại gia tăng. Được biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 7.800ha cây ăn quả đang cho sản phẩm, trong đó các loại cây bưởi, cam quýt, mãng cầu chiếm diện tích gần 40%.

 

NGÔ THANH

 

Vụ đông ở Hưng Yên được mùa, được giá

 

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

 

Theo tổng hợp của các địa phương, đến ngày 13.11, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được 1,2 nghìn ha rau màu vụ đông, chủ yếu là dưa chuột, su hào, bí xanh, bí đỏ, rau xanh… Theo đánh giá của nông dân, từ đầu vụ đến nay, rau màu đã thu hoạch đạt năng suất cao, dễ tiêu thụ, giá bán cao, trong đó nhiều loại rau màu giá bán tăng 1,5 – 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Qua khảo sát thực tế, giá bán bí ngô non (bí rau) được thương lái thu mua với giá bình quân 5 nghìn đồng/kg, bí xanh giá 10 nghìn đồng/kg, dưa chuột thường giá 12 - 13 nghìn đồng/kg, bắp cải giá 9 – 10 nghìn đồng/bắp, su hào giá 2 - 3 nghìn đồng/củ, cà chua giá 13 – 14 nghìn đồng/kg, cải thảo, xà lách giá 10 nghìn đồng/kg…

 

 

Nông dân huyện Kim Động thu hoạch rau màu vụ đông

 

Thời điểm này, trên những cánh đồng trồng bí vụ đông thuộc các xã Nhân La (Kim Động), Hồ Tùng Mậu (Ân Thi), Quang Hưng (Phù Cừ)… nông dân đang tích cực xuống đồng thu hoạch rau màu trong niềm vui được mùa, được giá; thương lái nườm nượp đến tận đầu ruộng thu mua nông sản. Anh Lê Văn Thanh, ở xã Nhân La (Kim Động) cho biết: “Nhiều năm nay, với gia đình tôi bí đỏ là cây trồng chính trong vụ đông vì dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chỉ hơn 1 tháng đã cho thu hoạch, giá bán lại cao. Vụ đông này, gia đình tôi trồng 6 sào bí đỏ, đã được thu hoạch cách đây hơn 1 tháng, giá bán cho thương lái hiện tại 6 – 7 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của tôi và những hộ sản xuất ở đây, so với vụ đông trước, vụ này giá bán bí tăng gần gấp đôi, năng suất đạt bình quân 4,5 - 5 tạ quả/sào, tăng 1,5 - 2 tạ/sào. Với giá bán ổn định như từ đầu vụ đến nay, 1 sào bí cho thu lãi hơn 2 triệu đồng và dự kiến sẽ kéo dài thời gian thu hoạch hơn 10 ngày so với vụ trước”.

 

Bà Nguyễn Thị Bích, người nhiều năm thu mua nông sản trên địa bàn huyện Kim Động cung ứng ra các chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) cho biết: “Trung bình 1 ngày tôi thu mua từ 3 - 4 tấn rau, củ, quả cho nông dân trong huyện. Số lượng thu mua có thể cao hơn phụ thuộc vào nguồn cung của các hộ dân, hầu hết sản phẩm của nông dân làm ra được chúng tôi thu mua và tiêu thụ, nông dân chỉ việc trồng, chăm sóc và thu hoạch. So với vụ trước, vụ này nông sản chất lượng tốt, giá cao và dễ tiêu thụ hơn nên người mua và người bán đều có lợi”.

 

Cùng với các địa phương trong tỉnh, đến ngày 13.11, nông dân huyện Yên Mỹ gieo trồng được gần 880ha cây vụ đông, tập trung nhiều ở các xã: Yên Phú, Hoàn Long, Việt Cường… một số diện tích rau màu có thời gian sinh trưởng ngắn, gieo trồng sớm đã cho thu hoạch.

 

 

Thương lái thu mua nông sản vụ đông cho nông dân

 

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông và tạo uy tín đối với người tiêu dùng, HTX thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên và nông dân áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn, thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, bón phân cân đối, hợp lý. Trong quá trình sản xuất, cán bộ HTX và các hộ nông dân giám sát nhau, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình triển khai thực hiện. Vụ này, rau màu cho năng suất cao, bán được giá nên nông dân phấn khởi, thu hoạch đến đâu HTX và thương lái thu mua đến đó, ước tính 1 sào rau cho thu lãi 2,5 triệu đồng trở lên. Nếu trước đây, nông dân chỉ tiêu thụ rau ở chợ địa phương, nay nhiều hộ sản xuất, thương lái đã thu mua, tiêu thụ ở các quán ăn, nhà hàng tại Hà Nội, chợ đầu mối Long Biên và nhiều tỉnh khác…

 

Theo đánh giá sơ bộ của ngành chuyên môn, các địa phương, vụ đông này nông dân sản xuất trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Số lượng, chủng loại và cơ cấu giống cây vụ đông được chuẩn bị khá phong phú, đầy đủ, nguồn cung dồi dào. Giá các mặt hàng nông sản hiện nay đang ở mức có lợi cho người sản xuất, năng suất tăng cao so với vụ trước, nhiều nông sản vụ đông dự báo vẫn giữ giá ổn định, thị trường tiêu thụ tốt như: Bí đỏ, bí xanh, dưa chuột các loại… Một số loại cây trồng vụ đông sớm, rau màu xuất khẩu được thương lái thu mua tại đầu ruộng và doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm như: Dưa chuột, các loại bí… Bước đầu, vụ đông năm nay được đánh giá là vụ đông thắng lợi. Bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để vụ đông giành thắng lợi toàn diện, giai đoạn này, các địa phương cần tăng cường cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Trong đó cần bảo đảm đủ nước cho cây vụ đông mới trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Thu hoạch kịp thời các diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch theo đúng yêu cầu kỹ thuật, chú trọng công tác bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch. Thực hiện tốt hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp hoặc thương lái thu mua sản phẩm. Phòng Nông nghiệp và PTNT, các phòng, ban liên quan ở cấp huyện phối hợp với các xã, phường, thị trấn kiểm tra, nghiệm thu, tổng hợp diện tích cây vụ đông đã trồng và thanh toán kinh phí ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ đến hộ nông dân theo quy định.

 

Đức Toản

 

Khánh Sơn (Khánh Hòa): Cây trồng nhiễm sâu bệnh

 

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

 

Sau đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, nhiều loại cây trồng trên địa bàn huyện bị nhiễm sâu bệnh, gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân.

 

Nông dân thiệt hại

 

Với 5ha đất canh tác, gia đình ông Hoàng Văn Tuấn (thôn Xóm Cỏ, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ các loại cây trồng như: sầu riêng, hồ tiêu, cà phê, bưởi, quýt đường… Tuy nhiên, sau đợt mưa lũ đầu tháng 11 vừa qua, cả vườn cây của gia đình ông bị úng nước. Sau đó, lại gặp trời nắng nên sầu riêng bị thối rễ, xì mủ; bưởi, cam, quýt thì bị nấm thân; hồ tiêu gần đến thời điểm thu hoạch cũng bị bệnh… “Hiện tại, gia đình tôi chưa biết cách nào để khắc phục tình trạng sâu bệnh trên các loại cây trồng trong vườn. Riêng tiêu và sầu riêng đã bị bệnh thì rất khó chữa. Tôi mới bỏ ra 15 triệu đồng mua thuốc về điều trị cho cây nhưng không biết có hiệu quả hay không”, ông Tuấn chia sẻ.

 

 

Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện kiểm tra vườn tiêu bị bệnh của nhà ông Phạm Hồng Tuyến

 

Vườn cây của hộ ông Phạm Hồng Tuyến (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình) cũng có hơn 20 trụ tiêu và hàng trăm cây bơ bút bị chết, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Ông Tuyến cho biết: “Sau khi mưa mà nắng lên là cây bị chết khô. Gia đình tôi không biết cách nào để điều trị nên đành chặt bỏ cây bị bệnh để trồng cây mới”.

 

Theo ông Lê Anh Quang, cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình, trên địa bàn xã có đến 90% hộ trồng cây ăn quả và cây công nghiệp. Hiện nay, hầu hết các hộ đều có cây trồng bị chết do ảnh hưởng thời tiết, gây thiệt hại lớn cho người dân.

 

Theo khảo sát ban đầu của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, hiện nay, tình trạng ngập úng, sâu bệnh trên cây trồng đã xảy ra tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Ông Phạm Hữu Cầu, cán bộ khuyến nông xã Sơn Trung cho biết, hầu hết những hộ trồng tiêu trên địa bàn xã đều bị thiệt hại, có vườn tiêu bị chết đến 50 trụ. Để khôi phục lại những trụ tiêu đã chết, ít nhất người dân cũng phải mất mấy năm.

 

Chủ quan trong phòng bệnh

 

Ngoài nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của thời tiết, tình trạng trên còn xuất phát từ sự chủ quan của người dân. Theo ông Lê Anh Quang, mấy năm gần đây, mùa mưa không kéo dài và lượng mưa không nhiều nên nông dân có tâm lý chủ quan, không chủ động phòng, chống sâu bệnh cho cây trồng trước mùa mưa. Bên cạnh đó, hầu hết nhà vườn không làm hệ thống thoát nước hoặc phủ bạt hạn chế ngập úng cho cây. Vì thế, khi gặp mưa lớn kéo dài như những ngày vừa qua, nhiều vườn cây ăn quả bị thiệt hại là điều khó tránh khỏi.

 

Ông Trần Anh Việt - Phó Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến thất thường thì diện tích cây trồng bị thiệt hại tại các xã, thị trấn sẽ tăng lên, nhất là đối với cây sầu riêng và hồ tiêu. Nhằm hạn chế thiệt hại về diện tích cây trồng của người dân, trong những ngày qua, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện tiến hành kiểm tra thực tế tại một số nhà vườn bị thiệt hại để tìm biện pháp khắc phục “Trước mắt, nông dân cần thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện những cây có dấu hiệu bị sâu bệnh và báo cho cơ quan chuyên môn để có hướng xử lý phù hợp. Đối với những cây sầu riêng, hồ tiêu mới bị bệnh, người dân nên điều trị bằng thuốc Agrifot; tuyệt đối không nên mua các loại thuốc bán trôi nổi trên thị trường về điều trị hoặc tự ý xử lý những cây bị bệnh không đúng kỹ thuật, tránh tình trạng cây trồng càng bị bệnh nặng hơn và tốn chi phí đầu tư”, ông Việt khuyến cáo.

 

Đ.L

 

Hà Nội đạt mục tiêu đề án sản xuất trên 5.000ha rau an toàn năm 2016

 

Nguồn tin: Hà Nội Mới

 

Sáng 17-11, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức tổng kết “Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2016”. Tham dự hội nghị có đại diện các HTX, DN sản xuất RAT, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực rau và đại diện người tiêu dùng….

 

Hà Nội có tổng diện tích canh tác rau 12.000 ha, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Chủng loại rau phong phú với trên 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân. Sản lượng rau đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Qua gần 6 năm triển khai, diện tích được chứng nhận đủ điều kiện rau an toàn đạt mục tiêu của Đề án và lớn nhất toàn quốc đạt 5.000 ha.

 

Từ kết quả thí điểm gắn nhãn, tem nhận diện RAT, Chi cục BVTV Hà Nội lập hồ sơ đăng ký “Nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Hà Nội” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn. Đến nay, các doanh nghiệp tự in, gắn tem, nhãn nhận diện sản phẩm để phát triển thương hiệu.

 

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội trao thưởng cho các đơn vị, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển, sản xuất và tiêu thụ RAT trên địa bàn thành phố.

 

Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi Cục BVTV Hà Nội cho rằng: những cái được lớn nhất của Đề án RAT của Hà Nội chính là: Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau đạt mục tiêu Đề án trên 5000 ha. Rau của Hà Nội qua các đợt lấy mẫu kiểm tra thường xuyên và đột xuất trên đồng ruộng đều cơ bản đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ 1-2% số mẫu kiểm nghiệm vượt giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV.

 

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, diện tích sản xuất rau toàn là 16.276,7 ha, trong đó các vùng sản xuất rau tập trung là 151 vùng với tổng diện tích là 6.644,7 ha. Giảm diện tích, mức độ hại của sinh vật gây hại, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên rau, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV dưới ngưỡng quy định cho 95% diện tích sản xuất rau. Phát triển, kiểm soát 50 chuỗi cung cấp rau an toàn, đảm bảo 100% truy xuất nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm.

 

Bạch Thanh

 

Nghệ An: Nông dân Diễn Châu được giá lạc đông

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Hiện nay bà con nông dân các xã vùng màu như Diễn Hùng, Diễn Hoàng, Diễn Phong, Diễn Thịnh… (Nghệ An) đang bước vào thu hoạch lạc vụ đông và bán được với giá 35.000 đồng/kg (lạc giống).

 

 

Bà con nông dân Diễn Thịnh bước vào thu hoạch 300 ha lạc vụ đông.

 

Vụ đông 2016, Diễn Châu gieo trồng 600 héc ta lạc đông, tăng 100 héc ta so với năm 2015 với các giống như sen thắt, L14. Với cơ chế của tỉnh tiếp tục thực hiện hỗ trợ 10 nghìn đồng/kg nilon phủ lạc nên 100% diện tích đều được phủ ni lon chống rét. Lạc được gieo trồng sớm từ tháng 8, đến nay đã bắt đầu bước vào thu hoạch. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, trời mưa nhiều gây ngập úng nhiều diện tích nhưng nhờ chăm sóc kịp thời, nên năng suất lạc đông vẫn đảm bảo, trung bình đạt 1 tạ lạc khô/sào, thấp hơn vụ đông năm 2015 là 30kg/sào.

 

Lạc vụ đông được dùng làm giống rất tốt nên có giá trị kinh tế cao, khoảng từ 30- 35 ngàn đồng/kg nên mỗi sào bà con cũng có thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng, cao gấp đôi so với trồng ngô. Việc trồng lạc đông ở Diễn Châu không chỉ đảm bảo đủ lượng lạc giống vụ xuân cho địa bàn huyện mà còn cung cấp lượng lạc giống cho một số huyện lân cận.

 

 

Lạc đông ở Diễn Châu đạt 3 triệu đồng/sào/vụ.

 

Ngay sau khi thu hoạch lạc đông, bà con nông dân tiếp tục trồng rau ngắn ngày, sau đó mới bước vào sản xuất vụ xuân./.

 

Mai Giang

 

Người tiên phong trồng chè cành ở Khe Lim

 

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

 

 

Với hơn 1ha chè cành, mỗi năm, gia đình bà Lê Thị Quang thu lãi gần 100 triệu đồng.

 

Về xã Bình Sơn (T.P Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) hỏi thăm nhà bà Lê Thị Quang (sinh năm 1962) ở xóm Khe Lim ai cũng biết, bởi gia đình bà có truyền thống làm chè ngon nức tiếng trong vùng. Bà Quang cũng là người tiên phong đưa cây chè cành về trồng và hướng dẫn người dân trong xóm nhân rộng diện tích.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi chè xanh bát ngát, đang độ thu hoạch của gia đình, bà Quang chia sẻ: Vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống làm che, từ nhỏ tôi đã theo bố mẹ lên đồi hái chè về sao bằng phương pháp thủ công nên cũng tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm. Sau khi lập gia đình, năm 1980, tôi cũng bắt đầu trồng chè nhưng chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của gia đình, mỗi lứa thu hái được khoảng 2kg chè khô.

 

Năm 2002, khi thấy một số hộ dân ở xóm Chũng Na, xã Bá Xuyên đưa cây chè cành vào trồng và mang lại hiệu quả, tôi đã mạnh dạn phá bỏ một số cây trồng kém hiệu quả (vải thiều, hồng xiêm) và cải tạo đất để chuyển sang trồng thử nghiệm giống chè cành LDP1 với diện tích khoảng 3 sào. Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong trồng chè giống mới nên trồng được một thời gian thì búp chè bị lụi dần không rõ nguyên nhân. Chính vì thế, tôi đã đến những nơi bà con trồng nhiều chè như xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Tức Tranh (Phú Lương) để tìm hiểu. Tại đây, tôi được những người trồng chè lâu năm cho biết, do bón phân quá liều lượng khiến cây bị bó rễ không hấp thụ được nước, chất dinh dưỡng nên héo dần đi. Để khắc phục tình trạng này, tôi đã huy động mọi người trong gia đình đào rãnh sâu giữa hai hàng chè, sau đó dùng phân chuồng được ủ bằng cây xanh bón vào gốc rồi lấp đất lại nhằm giữ ẩm cho cây và kích thích cây phát triển trở lại. Nhờ tích cực chăm sóc, diện tích chè đã dần hồi phục và sau hơn 2 năm đã cho thu hoạch với hơn 10kg búp chè khô. Tôi mạnh dạn mang ra chợ bán thì được khách hàng đánh giá là nước chè xanh, có vị đậm và thơm nên một vài thương lái đã đến tận nhà hỏi mua.

 

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng chè cành, bà Quang cho biết: Trồng chè cành không quá khó mà quan trọng là ở khâu chăm sóc. Sau khi trồng được 1 tháng tôi đưa cây phân xanh vào gieo giữa hàng với khoảng cách 1m/hố, khi cây chè phát triển khá, dần ép cây phân xanh xuống để làm phân. Cùng với đó, trồng xen kẽ những cây thân gỗ, tán rộng để làm mát cho chè, giữ ẩm cho đất vào mùa khô, hạn chế xói mòn vào mùa mưa, khống chế cỏ dại. Sau mỗi vụ thu hoạch, tôi tiến hành làm cỏ cho chè bằng việc cuốc lật đất toàn bộ diện tích; đào rạch giữa hai hàng chè sâu 20-25cm, rộng 25-30cm trước khi đốn chè kết hợp với bón phân hữu cơ khoảng 30-35 tấn/ha. Trước mỗi đợt thu hái, tôi đã dùng bạt che phần diện tích chuẩn bị cho thu hoạch để tránh sương muối, hạn chế sâu bệnh, bụi bẩn, như vậy khi sao chè sẽ mềm, sạch và ngon hơn. Nhờ áp dụng cách trồng, chăm sóc và chế biến theo đúng quy trình kỹ thuật nên chè của gia đình làm ra đến đâu đều được thương lái đến tận nhà thu mua đến đó.

 

Từ chỗ chỉ có 3 sào chè, đến nay, gia đình bà Quang đã nhân rộng diện tích lên hơn 1ha với các giống chè: LDP1, Kim Tuyên và TRI 777. Bình quân, mỗi năm cho thu hái 7 lứa, mỗi lứa thu hoạch hơn 120kg chè khô. Với giá bán bình quân từ 180-200 nghìn đồng/kg chè thành phẩm, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, cuộc sống gia đình càng thêm khấm khá, có điều kiện mua máy đốn chè, tôn quay, máy vò... phục vụ cho việc sản xuất, chế biến chè.

 

Nhận thấy hiệu quả mà cây chè cành mang lại, bà Quang đã vận động người dân trong xóm đưa vào trồng ở những diện tích đồi bãi, đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập. Đến nay, xóm có 105 hộ dân thì có tới 80 hộ tham gia trồng, chế biến chè với diện tích gần 20ha. Bình quân mỗi năm, Khe Lim cung cấp ra thị trường trên 25 tấn chè búp khô, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ trồng chè mà đời sống của người dân trong xóm từng bước được cải thiện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới còn 19% (năm 2011 là trên 30%); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 27 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, cùng với việc mở rộng diện tích chè cành, người dân trong xóm còn tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc, chế biến chè theo hướng an toàn do thành phố, xã tổ chức nên hiệu quả trồng chè nâng lên rõ rệt.

 

Ông Dương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết thêm: Gia đình bà Quang là một trong những hộ dân vươn lên làm giàu nhờ trồng chè. Bà Quang không chỉ là người tiên phong trồng chè cành ở Khe Lim mà còn là một trong những người đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng chế biến chè của xã. Mới đây, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của T.P Sông Công giai đoạn 2016-2020, mô hình chè cành của gia đình bà Nga đã được xã lựa chọn thí điểm làm chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Trịnh Phương

 

Sắn Tây Nguyên mất mùa, mất cả giá

 

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

 

Thời điểm này bà con nông dân Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch sắn năm 2016. Tuy nhiên, niên vụ sắn năm nay người dân nơi đây lại một lần nữa chịu cảnh “hai mất”.

 

 

Nhiều nông dân tại Đăk Lăk đau đầu vì sắn mất mùa, mất giá

 

Năm nay Tây Nguyên chịu sự tác động của cơn đại hạn nghiêm trọng nhất trong 20 năm. Khô hạn, thiếu nước tưới làm cho năng suất cây sắn ở các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông… giảm từ 35 - 40% so với niên vụ trước.

 

Tại Đăk Lăk, sắn được trồng tại Ea Sup, Buôn Đôn, Krông Bông, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Pắk…Trong đó huyện Ea Súp có diện tích sắn lớn nhất tỉnh với 5.615 ha. Năm trước, thời tiết thuận lợi, mỗi ha sắn cho 30 tấn củ tươi, còn năm nay chỉ còn 16 - 17 tấn/ha, có nơi 10 - 11 tấn/ha.

 

Chị Lê Thị Duyên xã Ea Lê, huyện Ea Súp cho biết: “Năm nay vợ chồng tôi thuê đất trồng được 1 ha sắn, như những năm trước trung bình cho 30 - 31 tấn củ tươi, nhưng năm nay năng suất giảm mạnh, may ra chỉ đạt 17 tấn là cao.

 

Sắn là cây trồng thích nghi với điều kiện bán khô hạn, cần độ ẩm chủ yếu trong quá trình trồng, sau khi cây sắn đã phát triển thì có thể chịu được hạn. Tuy nhiên, năm nay ở Tây Nguyên hạn nặng, lại kéo dài nên cây sắn cũng bị ảnh hưởng lớn”.

 

 

Nhiều nông dân tại Đăk Lăk đau đầu vì sắn mất mùa, mất giá

 

Không chỉ năng suất, sản lượng sắn giảm mà giá sắn cũng bi đát. Điều này khiến người trồng sắn thêm đau đầu. Nếu đầu vụ, giá sắn tươi từ 1.200 - 1.500 đồng/kg thì nay chỉ còn 600 - 700 đồng/kg. Theo các hộ dân, mỗi kg sắn sau khi trừ tiền xe và tiền công nhổ chỉ còn khoảng 300 - 350 đồng.

 

Ông Lê Bá Hùng ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn cho biết: “Năm ngoái sắn được mùa nhưng giá sắn tạm được thì tôi trồng có 2 sào, năm nay sắn vừa mất mùa vừa mất giá thì tôi lại trồng tới 5 sào… Nhà nào có rẫy gần đường giao thông còn dễ bán, chứ cách xa như nhà tôi sắn rất khó tiêu thụ. Thương lái trả thấp, tôi đành đem sắn xắt lát phơi khô cất trữ, chờ giá nhích lên 1 chút nữa mới”.

 

Còn chị Bùi Thị Liên xã Ea Kênh, huyện Krông Păk tâm sự: “Năm nay giá sắn thấp quá, người bán nhiều hơn người mua nên sắn tươi ế ẩm. Hầu hết bà con phải thái lát sắn, phơi khô. Riêng tôi trồng 1ha sắn nhưng mới bán được 1 tấn sắn tươi. Năng suất giảm, giá sắn lại thấp thì nông dân chúng tôi chỉ có nước thua lỗ”.

 

 

Nhiều nông dân tại Đăk Lăk đau đầu vì sắn mất mùa, mất giá

 

Bà Lê Thị Vân chủ đại lý thu mua sắn tại xã Ea Wen, huyện Buôn Đôn cho biết trước đây, việc nhập sắn cho các công ty khá dễ, đưa sắn đến bao nhiêu họ nhận bấy nhiêu, nhưng nay họ chọn lựa, phân loại kỹ lắm, đưa đến họ còn không muốn mua. Bên cạnh đó chi phí vận chuyển cao…

 

Đầu ra của hầu hết các đơn vị sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn đang rất chậm, kéo theo công suất hoạt động của các nhà máy chế biến sắn giảm. Bởi sản phẩm làm ra phụ thuộc lớn vào thị trường, nếu lượng sản phẩm tồn dư nhiều thì nhà máy phải ngừng hoạt động để giải quyết đầu ra.

 

Ở Tây Nguyên, so với các loại cây trồng khác, sắn có lợi thế vượt trội bởi ngắn ngày, có thể canh tác trên các địa hình dốc, tầng canh tác mỏng, không phù hợp các loại cây trồng khác. Sắn cũng là cây trồng không đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với trình độ canh tác của các hộ đồng bào dân tộc.

 

Sản phẩm sắn có đầu ra đa dạng, với củ tươi được bán cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn, sắn lát dùng xuất khẩu hoặc bán các nhà máy thức ăn chăn nuôi, các nhà máy chế biến cồn…

 

Tuy nhiên, các cơ chế chính sách có liên quan đến quản lý sản xuất, chế biến, xuất khẩu sắn vẫn còn hạn chế. Sản xuất sắn mang tính tự phát, chủ yếu chạy theo nhu cầu thị trường và từ đó bà con ồ ạt chuyển đổi rừng, nương rẫy cũ và diện tích các loại cây trồng khác sang trồng sắn dẫn đến mất cân đối cung - cầu.

 

VĂN MINH

 

Cà Mau: Xuống giống vụ lúa Đông Xuân - cần tuân thủ đúng lịch thời vụ

 

Nguồn tin: Báo Cà Mau

 

Tình hình hạn, mặn năm 2016-2017 được cơ quan chuyên môn dự báo sẽ diễn ra không kém so với mùa khô năm 2015-2016, nên khuyến cáo bà con nông dân cần có những biện pháp ứng phó cần thiết, tránh thiệt hại trong sản xuất vụ lúa đông xuân.

 

Theo kế hoạch, vụ lúa đông xuân 2016-2017 toàn tỉnh Cà Mau xuống giống 34.560 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Trần Văn Thời 27.360 ha, U Minh 4.000 ha, Thới Bình 700 ha, TP Cà Mau 2.500 ha.

 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa nhiều và triều cường dâng cao, đến nay, toàn tỉnh chỉ mới gieo sạ được 13.628 ha, đạt khoảng 40% diện tích. Trong khi đó, khuyến cáo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp tập trung xuống giống từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11/2016 để tránh tình trạng khô hạn, xâm mặn gây thiệt hại lớn như vụ lúa đông xuân vừa qua.

 

 

Hơn 13.628 ha lúa đông xuân xuống giống sớm để né hạn, mặn hiện trong giai đoạn sinh trưởng tốt.

 

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Cà Mau, tình hình hạn, mặn trong mùa khô năm 2016-2017 tuy ít gay gắt hơn mùa khô 2015-2016, nhưng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm. Ðáng lưu ý là triều cường đạt đỉnh tương đương cùng kỳ hằng năm và xảy ra bất thường không theo chu kỳ. Theo đó, mặn tại các cửa sông có khả năng xuất hiện sớm, độ mặn tăng cao nhất vào tháng 3-4/2017.

 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Tranh cho biết, rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng lịch thời vụ xuống giống ngay đầu tháng 10 này ở một số vùng thường bị mặn xâm nhập nhằm tránh thiệt hại cho người dân như vụ đông xuân cùng kỳ. Giải pháp này nhận được sự đồng tình cao của bà con, nếu thực hiện đúng kế hoạch thì toàn bộ 34.560 ha lúa đông xuân được thu hoạch trước Tết và trước khi nước mặn về.

 

Bên cạnh đó, hiện ngành nông nghiệp cũng đang chỉ đạo các địa phương sớm xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai, bảo vệ mùa màng, trong đó, khẩn trương hoàn thành việc nạo vét các kinh thuỷ lợi nội đồng để trữ ngọt, đồng thời khảo sát lại các đập thời vụ để có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

 

Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ lúa đông xuân 2016-2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo Chi cục Thuỷ lợi phải bố trí nhân viên các trạm túc trực điều tiết nước để nông dân bơm tát nước xuống giống vụ đông xuân. Ðặc biệt, tuyên truyền, hướng dẫn người dân nắm rõ bản tin dự báo thời tiết, lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa, tuyệt đối không để người dân sử dụng lúa thương phẩm của vụ mùa trước để lại làm giống cho vụ mùa sau./.

 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Tranh khuyến cáo: Ðối với gieo sạ vụ lúa đông xuân, ở những vùng không chủ động trữ nước ngọt tại chỗ nên tiến hành gieo sạ từ đầu đến giữa tháng 10. Ðối với những vùng chủ động dự trữ được nguồn nước ngọt tại chỗ nên gieo sạ theo từng tiểu vùng, bố trí 2-3 xã xuống giống 1 đợt, thời gian gieo sạ từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11. Gieo sạ những giống lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 6162, ST 20, ST 5, RVT… Phải tổ chức liên kết sản xuất tập trung theo từng khu vực, tiểu vùng, theo cánh đồng lớn nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

 

Trúc Ly

 

Bến Tre: Trồng gừng cao sản bằng bã thải

 

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

 

 

Trồng gừng trên bã thải trồng nấm. Ảnh: CTV

 

Từ năm 2010, phong trào trồng nấm bào ngư, nấm linh chi phát triển mạnh, với diện tích lớn dẫn đến bã thải phôi sau khi trồng nấm tăng, gây ô nhiễm môi trường.

 

Vì vậy, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thực hiện đề tài nghiên cứu: “Trồng thử nghiệm gừng cao sản trong bao trên cơ chất bã thải mùn cưa sau khi trồng nấm”, sau đó đưa vào ứng dụng và đạt hiệu quả cao. Theo đó, quy trình kỹ thuật trồng gừng được thực hiện như sau:

 

- Thời vụ trồng: Tùy điều kiện nước tưới, thông thường từ 15-1 đến 15-4 âm lịch hàng năm.

 

- Chọn giống và chuẩn bị giống: Chọn củ gừng già đủ 9 tháng tuổi trở lên, sạch bệnh. Củ giống xử lý sớm sau khi thu hoạch, khử độc củ gừng giống bằng cách ngâm củ trong nước nóng 50ºC khoảng 10 phút, phơi củ gừng giống trong 2 giờ dưới trời nắng lúc 9 - 11 giờ sáng, củ đạt 40 - 50ºC (gây chết vi khuẩn). Bẻ hom: sau xử lý 5 - 7 ngày, ngâm hom 30 phút trong dung dịch 0,1% thuốc Nativo 750WG, Unitil 32WP... trải ra để trong mát cho lành mặt bẻ (khoảng 7 - 10 ngày). Ủ mầm: trải hom thành lớp dày 20 - 30cm, nơi cao, trong mát hay trên lớp tro trấu dày 10 - 15cm, trên phủ rơm, chỉ tưới nước vừa ẩm, sau 10 - 15 ngày củ vừa nhú mầm thì mang ra trồng. Số lượng giống: 1kg gừng giống có thể trồng từ 12 - 15 bao.

 

- Chuẩn bị giá thể vô bao: Thành phần giá thể trồng gừng gồm bã thải mùn cưa sau khi trồng nấm đã xử lý, đất sạch và tro trấu. Phối trộn bã thải mùn cưa sau khi trồng nấm đã xử lý với đất sạch và tro trấu theo tỷ lệ 5:4:1 tính theo thể tích (nghĩa là 5m3 bã thải mùn cưa sau khi trồng nấm đã xử lý thì cho 4m3 đất sạch và 1m3 vỏ trấu) trộn đều, đảo cho tơi xốp.

 

- Mật độ bao: 1m2 có thể xếp 10 - 12 bao theo hàng mật độ trung bình 80 - 100 ngàn bao/ha.

 

- Kỹ thuật trồng: Sau khi cho giá thể vào bao xếp theo hàng lối, ta tiến hành trồng, dùng tay bới sâu 5 - 7cm rồi đặt nhánh gừng vào, sau đó phủ lên một lớp vỏ trấu, dùng nước tưới ẩm và luôn giữ ẩm trong quá trình gừng phát triển.

 

- Phân bón (1.000m2): Lượng phân bón 65kg Urea, 63kg super lân 16% P2O5, 33kg KCl (N:P:K = 30:10:20kg). Có thể bón phân như sau:

 

+ Bón lót: Do giá thể trồng gừng có sẵn lượng phân hữu cơ nên không cần bón lót phân hữu cơ, chỉ sử dụng phân vô cơ (30kg super lân, 10kg KCl).

 

+ Bón thúc: Chia thành 8 - 9 đợt bón, 2 tuần/đợt, rải cách gốc 10 - 15cm. Riêng bón thúc đợt 1 và 2: pha nước tưới (45 ngày sau khi trồng, gừng khoảng 2 - 3 chồi).

 

- Chăm sóc gừng: Cần cung cấp đủ nước cho gừng phát triển nếu thời tiết khô hạn. Tuy nhiên, trong quá trình trị bệnh ở một số thời điểm nhất định thì nên cắt giảm nước tưới để hạn chế sự lây lan của dịch hại. Tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại định kỳ. Trong các tháng sau, khi thấy cỏ dại thì phải làm sạch, không để củ gừng lộ khỏi mặt đất nhằm đảm bảo phẩm chất và giá trị thương phẩm. Dùng tay rạch rãnh nhỏ xung quanh củ gừng rồi rải phân theo rãnh và lấy tay lấp lại, tưới ẩm nước cho phân tan ra, tránh bỏ phân trực tiếp lên củ gừng. Thời điểm bón phân, gừng bị vàng do thiếu đạm thì có thể tiến hành phun phân bón lá; có thể kết hợp với Ridomyl, Basudin 10H khi cần.

 

- Phòng trừ sâu bệnh hại: Sâu đục thân thường xuất hiện vào đầu mùa mưa, cần sử dụng các loại thuốc trừ sâu có tính lưu dẫn như: Basudin, Regent, Furadan… Khi thấy bướm sâu đục thân xuất hiện hoặc sâu ở tuổi 1 - 2 thì tiến hành phun thuốc diệt ngay. Bệnh cháy lá do nấm Fusarium gây ra, vết bệnh thường xuất hiện trên chóp lá và cháy từ chóp lá xuống. Nếu bệnh phát triển mạnh, nấm tấn công vào nách lá, xuống củ làm chết cả cây, vì vậy cần sử dụng các loại thuốc Appencard, Bavistin, Carbenzim, Score để trị.

 

Cần phòng trị bệnh thối củ, đặc biệt là bệnh thối xanh, do vi khuẩn lưu tồn trong đất, nước hoặc côn trùng gây ra. Gừng đang xanh bỗng héo đột ngột vào giữa trưa, có tươi lại vào lúc chiều mát và chết rất nhanh; thân bị nhũn nước, tách rời củ và có màu sậm; khi nhổ lên, đỉnh sinh trưởng có nước màu đục và có mùi hôi đặc trưng.

 

Khi thấy gừng có triệu chứng xoắn lá thì tiến hành phun các loại thuốc Kasuran, Kasumin, Starner... kết hợp với một số thuốc đặc trị các loại rầy mềm, rệp sáp tấn công như Diazan, Supracide... Luân cây trồng hợp lý để cắt nguồn bệnh lưu tồn tấn công vào củ, xuất hiện trong điều kiện ẩm ướt kéo dài.

 

Bệnh thối vàng do nấm Fusarium gây vàng lá, sau đó rụng và chết tương đối chậm, trên củ có vết màu nâu, phần củ nhăn nheo và tóp lại, có phủ lớp tơ màu trắng. Nên phòng trị bằng cách xử lý đất và giống trước khi trồng; sử dụng các loại thuốc Appencard, Carban, Carbenzim, Ridomyl, Score...

 

- Thu hoạch và bảo quản để giống: Có thể thu hoạch gừng từ 4 tháng trồng trở đi. Gừng để làm giống thì phải thu hoạch sau 9 tháng. Gừng cần được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

 

Để biết cụ thể hơn có thể liên hệ: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, địa chỉ số 415A, Nguyễn Thị Định, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre hoặc số điện thoại: 0753.560590 để được giới thiệu cụ thể hơn.

 

Xuân Lãm

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop