Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 11 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 11 năm 2020

Nông dân An Thành thu nhập khá từ nhãn trái vụ

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Trong vòng 5-6 năm trở lại đây, một số nông dân xã An Thành (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng mía sang cây ăn quả, đặc biệt là trồng nhãn trái vụ để tăng thu nhập. Bước vào 2 tháng cuối năm 2020, một số diện tích nhãn đã bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến mùa nhãn trái vụ kéo dài từ Tết Nguyên đán cho đến hết tháng 3 năm sau.

Năm 2015, ông Nguyễn Văn Minh (thôn 5) tận dụng 2,5 sào đất gần ao để trồng 60 cây nhãn Hương Chi. Trong thời gian chờ cây lớn, ông Minh tận dụng nền đất trồng xen cây sả chanh vừa để khai thác tinh dầu, vừa có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Đến năm 2019, vườn nhãn cho thu hoạch với sản lượng 1,5-1,8 tấn/60 cây, giá bán tại vườn đạt 30 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình ông thu về khoảng 40 triệu đồng.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Minh bộc bạch: “Nhãn thuộc dòng cây lâu năm. Khi trồng được 5-6 năm mới bắt đầu khai thác, lúc này sản lượng và chất lượng quả mới ổn định. Bình quân mỗi cây thu hoạch 30-40 kg quả. Với giá cả thị trường hiện nay thì trồng nhãn có lợi nhuận tốt hơn trồng mía”.

Năm 2020, vì điều kiện thời tiết không thuận lợi nên 1/2 diện tích nhãn Hương Chi của ông Minh khai thác chính vụ vào tháng 7, tháng 8. Diện tích còn lại được ông áp dụng kỹ thuật dưỡng cây, đậu quả để có thể khai thác trái vụ vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. “Nếu thời tiết thuận lợi thì trồng nhãn trái vụ đạt lợi nhuận cao hơn hẳn nhãn chính vụ. Thời điểm cận Tết, giá thu mua có thể đạt 40 ngàn đồng/kg nếu quả to đạt chuẩn. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư trồng thêm nhãn vì còn dư khoảng 5-6 sào đất”-ông Minh chia sẻ thêm.

Anh Huỳnh Hữu Nghị (thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ) bên vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Sơn Ca

Năm 2015, anh Huỳnh Hữu Nghị (thôn 5) cũng đã chuyển đổi một phần đất trồng mía sang trồng nhãn. Lựa chọn vùng đất có điều kiện thuận lợi về nguồn nước, anh Nghị trồng thử vài chục cây trong năm đầu tiên, các năm sau tiếp tục trồng và nhân rộng thành 300 cây trên diện tích 7 sào. Đối với cây giống, anh Nghị lựa chọn giống Hương Chi và T6 bởi cho quả đẹp, hạt nhỏ, cơm dày và khô ráo, mùi vị thơm ngọt đặc trưng. Tương tự các loại cây trồng lâu năm khác, chi phí đầu tư ban đầu cho cây nhãn ước tính khoảng 600 ngàn đồng/cây/năm. Do đó, anh Nghị trồng xen và khai thác nguồn thu từ chuối tiêu hồng, dừa xiêm để có nguồn vốn tái đầu tư cho vườn nhãn trong 4-5 năm đầu.

“Năm 2019, tôi thu hoạch được khoảng 1,8 tấn nhãn trái vụ đợt đầu tiên với giá bán tại vườn xấp xỉ 30 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận trên 30 triệu đồng. Nếu tính toán cụ thể thì 77 cây nhãn trên 1,3 sào đất mà lợi nhuận như này là cao hơn mấy lần so với trồng mía”-anh Nghị khẳng định.

Từ kinh nghiệm thực tế mùa nhãn trái vụ đầu tiên, anh Nghị đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm 600 cây trên diện tích 1,6 ha đất đồi. Đối với vườn cây đã bước vào thời kỳ kinh doanh, trong 2 tháng còn lại của năm 2020, anh Nghị áp dụng khoa học kỹ thuật để nhãn cho thu hoạch trái vụ vào tháng 2, tháng 3 Âm lịch.

Xã An Thành hiện có khoảng 15 ha nhãn thuộc 13 hộ, trong đó có 5 ha đang bước vào giai đoạn kinh doanh. Từ thực tế năm 2019 cho thấy, người trồng nhãn không phải lo lắng về đầu ra và giá cả. Bước vào chính vụ, thương lái đến tại vườn thỏa thuận giá và đặt lịch thu hoạch. Tùy theo thời điểm trong năm, giá nhãn Hương Chi có thể đạt tới 35 ngàn đồng/kg, giá nhãn T6 lên tới 45 ngàn đồng/kg. Hầu hết nhãn An Thành được thu mua và xuất đi các tỉnh, thành lân cận.

Ông Trương Công Hạnh-Chủ tịch UBND xã An Thành-đánh giá: “Trong các loại cây ăn quả hiện nay, cây nhãn rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương nên sản lượng đạt 30-40 kg/cây. Đối với nhãn trái vụ, một số hộ đang bước vào khai thác và kéo dài qua Tết Nguyên đán. Một số vườn khác do ảnh hưởng mưa bão nên khả năng khai thác muộn hơn”.

Trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, xã An Thành đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả trên địa bàn đạt 40 ha. Trong năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả của xã đạt 35 ha. Với mong muốn đa dạng hóa nguồn thu cho nông dân, xã đang định hướng phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung tư vấn, hỗ trợ bà con giải quyết khó khăn về nguồn nước bằng cách lựa chọn vùng đất có điều kiện về nước tưới để trồng nhãn hoặc chủ động múc ao hồ, áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm đối với vùng không thuận lợi về nguồn nước.

SƠN CA

Giá chanh lai bông tím giảm

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Thời điểm hiện tại, nông dân trồng chanh lai bông tím tại huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) đang lo lắng vì giá chanh giảm.

Nông dân thu hoạch chanh lai bông tím

Chanh lai bông tím đang có giá 7.000 - 8.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg so với 2 tháng trước. Ông Võ Văn Hòa - Giám đốc Hợp tác xã chanh An Hiệp (huyện Châu Thành) cho biết, giá chanh giảm do hiện nông dân trồng chanh đang thu hoạch ồ ạt để chuẩn bị xử lý ra hoa cho vụ mới. Do đó, lượng hàng cung ứng ra thị trường tăng mạnh khiến cung vượt cầu. Ngoài ra, điều khiến nông dân lo lắng nhất là việc canh tác chanh gặp khó khăn do ảnh hưởng sâu bệnh khiến năng suất giảm.

Trang Huỳnh

Thanh long tím hồng khó đầu ra, do đâu?

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Trái thanh long tím hồng có màu rất đẹp, ngon, mát khiến khách châu Âu, Mỹ, Á đều rất thích. Tuy nhiên, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chưa nghiên cứu đầu ra đã vội đi trước đón đầu thị trường khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.

Tím hồng lao đao

5 năm trước, anh Lâm Văn Thanh, thôn Hiệp Lễ, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam đã lặn lội xuống tận miền Tây để mua hom giống thanh long tím hồng về trồng. Thời điểm này, anh trồng 1.000 trụ với chi phí đầu tư khoảng gần 300 triệu đồng cho đến ngày thu hoạch. Cất công chăm sóc, sớm khuya bên ruộng vườn hơn 1 năm cũng mang lại niềm vui khi thanh long bắt đầu ra nụ, trổ bông và kết trái. Niềm vui chưa được bao lâu thì anh “ngã ngửa” khi biết rằng trái thanh long tím hồng của mình rất khó tiêu thụ. “Thời điểm này thanh long trắng bán được với giá 12.000 - 15.000 đồng/kg, thì thanh long tím hồng chỉ bán được từ 2.500 - 4.000 đồng/kg. Thậm chí gọi thương lái tới nhưng họ đều lắc đầu”, anh Thanh thở dài chia sẻ.

Cầm cự được một thời gian nữa, cuối cùng anh Thanh cũng đã thuê người chặt bỏ, để thay thế bằng thanh long ruột trắng. Tình huống trên cũng rơi vào gia đình anh Trần Ngọc Bình, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam. Anh Bình cho biết, trồng thanh long tím hồng rất khó, kỹ thuật chăm sóc cũng không đơn giản. Chăm sóc được trái thanh long tới khi trái chín là cả một quá trình, nếu không đáp ứng được kỹ thuật trái thanh long sẽ bị nhỏ, xuống màu, năng suất không bằng thanh long ruột trắng mà giá bán lại không cao.

Thanh long tím hồng của Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu

Theo ông Trần Văn Lanh - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Nam, hiện toàn huyện có hơn 50 ha thanh long tím hồng, chủ yếu ở các xã Tân Thuận, Thuận Quý, Tân Lập, Thuận Minh… Việc trồng giống thanh long này là do người nông dân tự phát, muốn đưa giống mới vào trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm thanh long tím hồng có giá bán tương đương thanh long ruột đỏ, có khi chỉ bằng thanh long ruột trắng hoặc thấp hơn. Hiện nay, đã có nhiều hộ dân phá bỏ diện tích thanh long tím hồng để chuyển sang trồng thanh long ruột trắng.

Vì sao?

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Nam cũng cho biết, những nguyên nhân khiến cho người nông dân chuyển đổi diện tích thanh long tím hồng sang trồng thanh long ruột trắng là do khi trái chín nhanh xuống màu, kỹ thuật khó, năng suất không cao. Bên cạnh đó, vấn đề sở hữu bản quyền về giống và thị trường xuất khẩu khiến việc tiêu thụ hết sức khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân. Trao đổi với Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, huyện Hàm Thuận Nam được biết, năm 2013 công ty đã chi 2 tỷ đồng đầu tư mua giống thanh long LĐ5 hay còn gọi thanh long tím hồng từ Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo. Sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao chứng nhận bản quyền, đơn vị này liên tục mở rộng diện tích trồng thanh long tím hồng với trên 500 ha theo tiêu chuẩn GlobalGap xuất khẩu thị trường trong và ngoài nước.

20 năm là thời gian sở hữu bản quyền giống thanh long tím hồng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký Quyết định số 584 cho Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, kể từ ngày 15/4/2012. Theo đó, công ty được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại điều 185, 191 Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 và khoản 22, 23 và 24 điều 1 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/ QH12. “Thời gian qua, một số hộ dân trong tỉnh trồng tự phát thanh long tím hồng, đây có thể là phiên bản khác nhau của thanh long tím hồng, thế nhưng phiên bản “chuẩn và trội” nhất được Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo và chọn tạo đã được công ty mua bản quyền giống cây trồng và xuất khẩu độc quyền. Hiện tại chúng tôi chưa muốn chia sẻ cây giống cũng như liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thanh long tím hồng xuất khẩu”, ông Trần Ngọc Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu cho biết.

Thực trạng trên đã đặt ra vấn đề, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác tuyên truyền, khuyến cáo người nông dân không nên mở rộng diện tích trong thời điểm thanh long tím hồng còn bản quyền sở hữu trí tuệ.

Ngọc Diệp

Gỡ khó cho cơ giới hóa sau thu hoạch

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn ở miền Bắc với 182.982ha/năm, song việc cơ giới hóa khâu phơi thóc sau thu hoạch vẫn còn hạn chế. Do đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang tích cực tìm kiếm các giải pháp gỡ khó cho khâu này, tiến tới cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.

Do thiếu sân phơi và không có hệ thống máy sấy nên nông dân vẫn phơi thóc dưới lòng đường. Ảnh: Sơn Tùng

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện mức độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội chưa đồng đều ở các khâu. Cụ thể, cơ giới hóa trong sản xuất lúa mới tập trung chủ yếu ở khâu làm đất (chiếm trên 95% diện tích), khâu thu hoạch chiếm trên 85% diện tích, còn khâu phơi sấy đạt chưa tới 1% diện tích.

Ông Nguyễn Văn Son ở thôn Nguyễn Xá (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) cho biết "Do không có mặt bằng, nhiều nông dân trên địa bàn sau khi thu hoạch lúa vẫn phơi thóc trên đường nhựa, không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn không bảo đảm chất lượng gạo (hạt gạo bị gãy, hỏng)... Hoặc trong điều kiện thời tiết mưa bão kéo dài, sau thu hoạch, nông dân không phơi sấy ngay được, gây thất thoát, giảm chất lượng lúa gạo. Mong muốn lớn nhất của nông dân trồng lúa là được Nhà nước, đơn vị chức năng hỗ trợ khâu này".

Trước thực trạng trên, mới đây, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã thí điểm mô hình liên kết sản xuất chế biến lúa gạo đồng bộ tất cả các khâu tại Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa).

Bà Cao Thị Thủy - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết cho hay, phương pháp làm khô lúa bằng cách phơi dưới ánh nắng mặt trời vừa tăng chi phí (do lao động nông thôn ngày càng khan hiếm, đắt đỏ), vừa không bảo đảm chất lượng lúa gạo (do thời gian phơi lâu, lúa khô không đồng đều, thường lẫn các tạp chất như đất, đá, sỏi, phân gia súc...) và không chủ động (vì phụ thuộc thời tiết như vụ mùa thu hoạch vào mùa mưa). Được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Thủ đô, Hợp tác xã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất và dây chuyền sấy, xay xát, đóng gói lúa gạo. Xưởng sấy, xay xát lúa gạo của Hợp tác xã vừa mới đưa vào hoạt động liên hoàn, công suất sấy 50 tấn lúa/ngày, đáp ứng việc sấy cho gần 1.000ha lúa trong vùng khi vào cao điểm thu hoạch và xay xát đạt 3 tấn gạo/ngày. Thời điểm này, xưởng sấy thuộc loại lớn nhất Hà Nội, là địa chỉ để nhiều nơi tham quan, tìm hiểu công nghệ sấy thóc sau thu hoạch.

Cũng theo bà Thủy, hiện nay khâu sấy thóc cũng đã có những dây chuyền lắp ghép tự động, nghĩa là khi vào mùa vụ thu hoạch, nông dân có thể lắp hệ thống phơi sấy này ngoài đồng hoặc để ở những nơi có mặt bằng rộng, sau mùa vụ có thể tháo rời lắp gọn lại. Như vậy, thay vì phơi thủ công nhỏ lẻ, các hộ chuyển đến sấy tập trung, chi phí cho loại máy sấy thóc này không lớn, chỉ từ 30 triệu đồng trở lên tùy công suất, hầu hết các hợp tác xã đều có thể lắp đặt được.

Ông Ngô Đình Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội chia sẻ, việc khánh thành nhà máy sấy, xay xát liên hoàn của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết mở ra hướng mới cho sản xuất lúa gạo của Hà Nội. Để nhân rộng mô hình cơ giới hóa trong khâu sấy, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang tích cực làm việc, tìm các đơn vị cung ứng uy tín để cùng các địa phương hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng mô hình sấy phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, tại khâu này, ngoài hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, thành phố, các địa phương cũng cần tích cực hỗ trợ nông dân kinh phí lắp đặt ban đầu. Có như vậy mới chấm dứt được những hạn chế lâu nay ở khâu bảo quản, phơi sấy thóc sau thu hoạch...

BẠCH THANH

Giá tiêu trên đà tăng trở lại

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lâm Đồng, giá tiêu đen bán ra tại vườn trên địa bàn tỉnh tăng 15.000 - 17.000 đồng/kg so với 1 tháng trước, lên 57.000 - 60.000 đồng/kg. Mặc dù vậy, với mức giá này, người dân trồng tiêu vẫn bị thua lỗ nhẹ hoặc ngang với giá thành sản xuất.

Giá tiêu có xu hướng tăng trở lại nhưng dự báo sẽ không ổn định

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thông tin, giá tiêu tăng trở lại chủ yếu do nhu cầu tăng dần trong khi nguồn cung có xu hướng giảm. Đặc biệt, thời gian qua thị trường Trung Quốc tăng lượng mua hồ tiêu từ Việt Nam. Hiện Việt Nam vẫn là quốc gia chiếm 50% sản lượng hồ tiêu toàn cầu.

Theo nhiều người dân trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh, mức giá tiêu tăng, nhưng mức giá này vẫn chỉ bằng khoảng 30 - 35% giá so với thời điểm tiêu đạt giá cao lên 170.000 - 210.000 đồng/kg.

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết từ đầu năm 2018 tới nay, giá hồ tiêu đã xuống thấp nhất trong vòng 10 năm qua khiến người trồng tiêu tại Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân đã quyết định dừng mở rộng diện tích, phá bỏ, số còn lại chỉ tập trung thâm canh trên diện tích tiêu hiện hữu. Hiện diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có gần 1.700 ha.

C.THÀNH

Ngọt, đắng mía đường

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Một số nhà máy đường trong khu vực đã bắt đầu đi vào hoạt động niên vụ mới 2020 – 2021 và nông dân trồng mía tại các tỉnh trong khu vực tiếp tục ngóng chờ sự khởi sắc của giá mía ở niên vụ mới này.

Những rẫy mía xanh ngát, bạt ngàn giờ đây đang giảm dần trên “đảo mía” Cù Lao Dung do giá mía giảm mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: Tích Chu

Hiện nay, một số vùng trồng mía của tỉnh Hậu Giang và huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã bắt đầu bước vào thu hoạch niên vụ mía đường 2020 – 2021 và ngay ở thời điểm đầu vụ này, nông dân trồng mía đã bắt đầu cảm nhận “vị đắng” đầu tiên của niên vụ mía mới này khi giá mía bao tiêu vẫn chưa chạm đến giá thành sản xuất. Theo thông báo về giá thu mua mía đầu vụ 2020 – 2021 của một số nhà máy đường trong khu vực như: Long Mỹ Phát, Phụng Hiệp, Sóc Trăng… giá mía loại 10CCS (chữ đường) dao động trong khoảng 700 - 800 đồng/kg tại ruộng. Trong khi đó, theo tính toán của nông dân trồng mía, giá thành mỗi ký mía ở niên vụ này dao động từ 650 - 800 đồng/kg (tùy năng suất, chữ đường và cự ly vận chuyển-NV). Trước đó, có thông tin giá mía được thu mua ở mức 1.000 – 1.150 đồng/kg khiến nông dân trồng mía hí hửng, nhưng khi hỏi ra mới biết đó chỉ là một lượng nhỏ mía được tiêu thụ để bán nước mía, chứ không phải giá thu mua từ các nhà máy đường.

Nguyên nhân giá mía đầu vụ thấp không phải đến từ diện tích, hay sản lượng mía tăng mà chủ yếu là do giá đường trong nước đang ở mức thấp vì phải cạnh tranh với giá đường nhập khẩu lẫn nhập lậu trong nội khối ASEAN. Trước đây, khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, ngành đường vốn đã rất khó khăn với tình trạng đường nhập lậu, nay ATIGA đã có hiệu lực, nên khó khăn càng thêm gấp bội khi đường nhập khẩu chính ngạch vẫn có giá rẻ hơn so với đường trong nước. Theo số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, lượng đường Thái Lan chiếm đến 89,9%. Vì vậy, có thêm 4 nhà máy phải đóng cửa vì thua lỗ nên bước sang niên vụ 2020 - 2021, cả nước chỉ còn 25 nhà máy đường hoạt động, với tổng công suất chế biến thiết kế là 95.700 tấn mía/ngày.

Các nhà máy đường trong khu vực đã bắt đầu vào niên vụ sản xuất mới với dự báo không ít khó khăn vẫn còn phía trước. Ảnh: Tích Chu

Với thực trạng trên, các dự báo đều nghiêng về xu hướng tiếp tục khó khăn cho ngành mía đường cả nước trong niên vụ 2020 - 2021, đặc biệt là áp lực cạnh tranh với đường nhập khẩu từ Thái Lan (kể cả chính ngạch lẫn nhập lậu). Riêng thị trường trong nước, từ nay đến cuối năm là lúc cao điểm tiêu thụ đường khi đại dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt và các doanh nghiệp chế biến thực phẩm - đồ uống bắt đầu tăng tốc sản xuất phục vụ cho các dịp lễ, tết cuối năm. Tuy nhiên, do tồn kho đường vẫn ở mức cao, đường nhập khẩu giá rẻ vẫn tiếp tục thâm nhập vào thị trường, nên giá đường sẽ khó có cơ hội cải thiện.

Khó khăn, đó là điều không khó để nhận thấy đối với ngành mía đường trong niên vụ mới này, nhưng cũng có những hy vọng phía trước cho ngành mía đường nếu khai thác, tận dụng tốt các cơ hội. Cơ hội đầu tiên có thể kể đến là tình hình dịch Covid-19 và lũ lụt ở Trung Quốc thời gian qua đã khiến nước này phải tăng cường nhập khẩu đường nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước, trong đó có đường từ Việt Nam. Tuy đây chỉ được dự báo là cơ hội trong ngắn hạn, nhưng ít nhiều giúp cho các doanh nghiệp đường Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ có vị trí địa lý gần với biên giới Trung Quốc. Về dài hạn, thị trường EU sẽ đem lại cơ hội lớn cho các sản phẩm đường trong nước đạt các tiêu chuẩn do thị trường EU quy định, khi EVFTA quy định hạn ngạch xuất khẩu đường Việt Nam 20.000 tấn đường các loại từ Việt Nam sẽ được miễn thuế. Đặc biệt các loại đường Organic, đường ăn kiêng, đường có bổ sung dưỡng chất… sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao.

Đối với các vùng mía đường tỉnh Sóc Trăng, trong những năm gần đây, xu hướng giảm dần diện tích vẫn đang là xu hướng chủ đạo. Đơn cử như vùng trồng mía của huyện Long Phú phần lớn đã được chuyển sang nuôi thủy sản hay phát triển cây trồng khác. Hay như huyện Cù Lao Dung, nơi vốn được mệnh danh là “đảo mía” thì diện tích mía vẫn liên tục giảm theo đà khó khăn chung của ngành mía đường cả nước trong những năm gần đây. Theo dự báo của ngành nông nghiệp và các địa phương, xu hướng giảm diện tích trồng mía sẽ còn tiếp tục tăng thêm, không chỉ do nông dân trồng mía hầu như đã kiệt quệ sau nhiều năm liên tục thua lỗ vì giá mía giảm mạnh và thiên tai hạn hán, mà còn ở viễn cảnh không mấy sáng sủa của cây mía so với một số đối tượng cây trồng, vật nuôi khác.

TÍCH CHU

Vịt trời Duy Khương - đặc sản Hải Hà

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, huyện Hải Hà có những đồi chè bát ngát, các loại thủy hải sản mang lại giá trị kinh tế cao, như tôm, cá, hàu, hà, ngao. Bên cạnh đó, phải kể đến vịt trời Duy Khương, một trong số ít mô hình nuôi vịt trời bán hoang dã thành công trong tỉnh, hiện là sản phẩm OCOP 3 sao của Quảng Ninh.

Là người đầu tiên nuôi vịt trời bán hoang dã ở tỉnh Quảng Ninh, vịt trời nuôi tại hộ anh Đào Duy Khương (thôn 2, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) có chất lượng thơm, ngon vượt trội, được khách hàng ưa chuộng. Mô hình chăn nuôi này được gia đình anh triển khai từ đầu năm 2014.

Anh Khương chia sẻ: Tôi thấy vịt trời có nhiều trong tự nhiên, chứng tỏ chúng hợp với khí hậu và thổ nhưỡng vùng đất Hải Hà. Vịt trời rất khôn, hằng ngày chúng bay đi kiếm ăn rất xa, nhưng tối lại quay về đúng nơi ở. Do đó, tôi quyết định nuôi theo hướng bán hoang dã, chứ không nuôi nhốt hay chăng lưới bên trên ao đầm. Hằng ngày, những con vịt lớn tự bay đi kiếm ăn, buổi tối bay về ao đầm.

Anh Khương cải tạo hơn 2ha ao đầm, quy hoạch chuồng liền kề với vườn trồng cây ăn quả để tạo môi trường sinh sống gần với tự nhiên cho đàn vịt nuôi.

Trong quá trình nuôi, để con vịt có sức khoẻ tốt, ít dịch bệnh, anh Khương bổ sung thêm thức ăn cám, thóc, ngô với tỷ lệ tùy theo giai đoạn vịt phát triển. Anh đầu tư cải tạo hơn 2ha ao đầm, quy hoạch chuồng liền kề với vườn trồng cây ăn quả để tạo môi trường sinh sống gần với tự nhiên nhất cho đàn vịt. Cách làm phù hợp đã giúp cho đàn vịt phát triển tốt, ít dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng bởi cách nuôi bán hoang dã mà thịt vịt trời rất ngon, ngọt, thơm, da giòn, ít mỡ. Vịt trời Duy Khương đang được bán với giá 220.000 đồng/con đã qua sơ chế. Sản phẩm được hỗ trợ về mẫu mã, bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Để người tiêu dùng biết đến rộng rãi hơn, những năm gần đây sản phẩm vịt trời Duy Khương đều được huyện Hải Hà giới thiệu bày bán tại các hội chợ OCOP của tỉnh. Nhiều nhà hàng tại huyện Hải Hà, TP Móng Cái, TP Hạ Long và Hà Nội đã đến cơ sở chăn nuôi của gia đình anh Khương đặt mua vịt trời. Trung bình mỗi năm, gia đình anh tiêu thụ hơn 4.000 con vịt trời; mới đây nhất, tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2020, gia đình anh tiêu thụ được gần 500 con đã qua sơ chế.

Anh Nguyễn Văn Hưng, người tiêu dùng ở TP Hạ Long, chia sẻ: Mọi người trong gia đình tôi rất thích vịt trời Duy Khương, bởi được nuôi bán hoang dã, ăn rất ngon, ngọt thịt mà lại không mỡ. Lần nào có hội chợ, tôi cũng tìm mua 5-7 con về để tủ lạnh ăn dần. Sản phẩm được chế biến, đóng gói bao bì sạch sẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Với hiệu quả kinh tế, mô hình nuôi vịt trời bán hoang dã cũng đang được nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Hải Hà học tập và phát triển với mục tiêu tăng sản lượng cung ứng cho thị trường.

Vịt trời Duy Khương thường xuyên được giới thiệu, bày bán tại các hội chợ OCOP của tỉnh.

Trúc Linh

Khánh thành Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Japfa Comfeed Bình Định

Nguồn tin: Báo Bình Định

Ngày 18.11, tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa (TX An Nhơn), Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Japfa Comfeed Bình Định. Dự lễ có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh.

Theo ông Arif Widjaja - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Japfa Comfeed Bình Định là nhà máy thứ 6 của Công ty tại Việt Nam. Nhà máy này xây dựng trên diện tích hơn 7 ha, được đầu tư trang bị dây chuyền sản xuất tiên tiến và công nghệ hiện đại, công suất thiết 80.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm, tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Công ty kỳ vọng Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Japfa Comfeed Bình Định sẽ mang đến nhiều hơn các giá trị cho khách hàng, cũng như tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy KT-XH tỉnh Bình Định phát triển.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đánh giá cao sự quyết tâm của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam trong việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại Bình Định; đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ DN giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh; trong quá trình hoạt động, Công ty phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và các vấn đề khác có liên quan.

TIẾN SỸ

Chủ động tái đàn, đảm bảo nguồn cung

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Đầu năm đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 10.000 hộ, cơ sở nuôi lợn ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi (TLCP). Hiện, các trang trại, doanh nghiệp đã trở lại tái đàn, tăng đàn khoảng 80.000 con.

Khoảng trên 10 nghìn cơ sở trên địa bàn tỉnh tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

Tái đàn kịp thời

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh, một khó khăn hiện nay là giá lợn giống và thức ăn chăn nuôi đang cao, nguồn lợn giống thiếu hụt, nhất là lợn giống có chất lượng cao, ảnh hưởng đến tái đàn.

Lợn tái đàn hiện nay được nuôi phần lớn tại các trang trại (TT) bảo đảm an toàn sinh học (ATSH) tại Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Quảng Điền, Phong Điền...

Các trại nuôi lợn tập trung thuộc hộ dân có diện tích rộng, cách ly, cách biệt với nhà ở và áp dụng các biện pháp ATSH (có tường rào, hàng rào bao quanh, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, mật độ nuôi phù hợp; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng đảm bảo; sử dụng hầm khí sinh học biogas hoặc đệm lót sinh học ủ men xử lý phân và chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường).

Các cơ sở sản xuất lợn giống quy mô vừa và lớn như TT lợn ngoại bố mẹ Hoàng Vân tại xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc với quy mô nuôi 2.400 lợn nái, sản xuất khoảng 62.000 con lợn giống/năm và các TT, hộ gia đình sản xuất lợn giống để tự cung và bán một ít cho các hộ, cơ sở chăn nuôi trong địa phương cũng góp phần cung ứng nguồn giống lợn trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh cho biết, để chủ động đảm bảo nguồn cung thịt lợn, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm ATSH, giảm thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra và hạn chế ô nhiễm môi trường, tiến tới chấm dứt tình trạng chăn nuôi trong khu vực dân cư.

UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 29/7/2020 ban hành kế hoạch tái đàn lợn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi sau dịch TLCP giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu đến năm 2025 khôi phục tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt trên 207.000 con và phát triển, nâng dần tổng đàn.

Theo đó, tùy điều kiện thực tế địa phương, nghiên cứu lập đề án chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, ATSH, trình UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2020. Đồng thời, để hỗ trợ các TT, HTX trên địa bàn, tỉnh cũng đã ban hành quyết định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020 (trong đó có hỗ trợ đối với lĩnh vực chăn nuôi và thú y). Tỉnh đang chỉ đạo xây dựng quy định một số chính sách cho giai đoạn 2021-2025.

Đồng bộ giải pháp

Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, chi cục đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chọn vùng phát triển chăn nuôi và đẩy mạnh chăn nuôi ATTSH bằng cách nâng cao nhận thức về lợi ích và hiệu quả kinh tế của việc tái đàn lợn theo hướng hữu cơ, ATSH, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thay đổi tập quán của người chăn nuôi, hình thành thói quen sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Căn cứ tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, trên cơ sở quy hoạch xây dựng nông thôn mới và kế hoạch phát triển triển kinh tế - xã hội để lựa chọn, định hướng các khu vực có điều kiện phát triển chăn nuôi lợn, tách biệt với khu dân cư. Trong đó, ưu tiên các vùng có hạ tầng đảm bảo phục vụ sản xuất, ít ngập úng. Hàng năm tiến hành rà soát, bổ sung các vùng phát triển chăn nuôi lợn ATSH.

Chuyển giao kỹ thuật

Chi cục CN&TY tỉnh và các địa phương tổ chức tập huấn cho các hộ chăn nuôi gồm phương pháp chọn giống lợn nái, lợn thịt, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng theo hướng hữu cơ, ATSH, cách phòng trị dịch bệnh. Tập huấn kỹ thuật xây dựng về chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi, xử lý chất thải, đánh giá hiệu quả kinh tế.

Tại các vùng chăn nuôi lợn tập trung, huy động, tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hạ tầng của các chương trình, đề án, dự án, nguồn hỗ trợ, đóng góp từ các DN hoặc trích vốn từ ngân sách địa phương để đầu tư hạ tầng về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải bảo vệ môi trường đúng quy định.

Để phát triển chăn nuôi tập trung, các địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý về đất đai, có chính sách cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo quy mô TT, tách biệt với khu dân cư.

Bước đầu xây dựng các tổ hợp tác chăn nuôi lợn và hướng đến hình thành các HTX chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, đảm bảo ATSH tại các địa phương để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Kêu gọi, hỗ trợ các DN đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là các DN chế biến thịt lợn, mở rộng các đại lý cung cấp dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Các địa phương khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để các DN liên kết với người chăn nuôi thông qua tổ hợp tác, HTX trong việc cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm lợn hữu cơ để tăng tính cạnh tranh trên thị trường...

Bài, ảnh: Hà Nguyên

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop