Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 21 tháng 3 năm 2019

Xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh

Nguồn tin: Báo Công Thương

Xuất khẩu gạo đã giảm 14,4% về lượng và 23,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018, theo con số thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm 2019 đạt 711.759 tấn, thu về 311,59 triệu USD.

Xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn

Riêng tháng 2/2019, xuất khẩu gạo đạt 274.765 tấn, tương đương 116,62 triệu USD, giảm 37,2% về lượng và giảm 40,3% về kim ngạch so với tháng 1/2019 và cũng giảm 19,1% về lượng và giảm 31% về kim ngạch so với tháng 2/2018. Giá xuất khẩu gạo trong tháng 2/2019 giảm 4,9% so với tháng 1/2019 và giảm 14,6% so với tháng 2/2018, đạt trung bình 424,4 USD/tấn. Tính trung bình cả 2 tháng đầu năm đạt 437,8 USD/tấn, giảm 10,8% so với cùng kỳ.

Xét về thị trường, Philippines là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam, chiếm 44,2% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tương đương 40,2% trong tổng kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 314.851 tấn, tương đương 125,32 triệu USD, tăng mạnh 80,9% về lượng và tăng 60,6% về kim ngạch so với 2 tháng đầu năm trước.

Bờ Biển Ngà là thị trường lớn thứ hai của gạo Việt Nam, với mức tăng 672,1% về lượng và tăng 508,2% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 65.223 tấn, tương đương 30,81 triệu USD, chiếm gần 10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Các thị trường lớn còn lại gạo Việt Nam có tăng trưởng mạnh là Malaysia, Hồng Kông, Angola, Hà Lan, Nam Phi… Ngược lại, xuất khẩu gạo sụt giảm rất mạnh ở các thị trường như Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ…

Ngay từ đầu năm, các chuyên gia đã nhận định, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay đối mặt với nhiều khó khăn khi các quốc gia thu mua lớn có xu hướng giảm nhu cầu, tiến tới tự chủ nguồn lương thực, trong khi đó các nước xuất khẩu gạo tăng cường xuất ra thị trường. Do đó, cùng với những tháo gỡ về chính sách, thị trường từ phía Nhà nước và các bộ, ngành thì các doanh nghiệp cần liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, đồng thời tiếp tục đầu tư tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mới đây, nước ta đã xuất khẩu sang Iraq 120.000 tấn gạo và dự báo Iraq sẽ nhập khoảng 300.000 tấn gạo Việt Nam trong năm nay. Malaysia cũng vừa nhập khẩu 25.000 tấn gạo trắng 5% tấm của Việt Nam. Đặc biệt, một số nguồn tin cho biết, Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu với hạn ngạch hơn 5 triệu tấn gạo. Đây là những tín hiệu vui, có thể giúp tình hình xuất khẩu gạo sáng sủa hơn trong thời gian tới.

Bảo Ngọc

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn ở Nhật Bản: Đòn bẩy tăng giá trị nông sản

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Từ đầu năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) làm hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang tại Nhật Bản đối với sản phẩm quả tươi. Nếu đăng ký thành công cho vải thiều vào Nhật Bản sẽ góp phần tăng giá trị nông sản, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người sản xuất.

Nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn

Lục Ngạn có hơn 20 nghìn ha vải thiều, tổng sản lượng ước đạt 150 nghìn tấn, thu về hàng nghìn tỷ đồng/năm. Sau nhiều lần đại diện lãnh đạo địa phương và cơ quan chuyên môn T.Ư làm việc với đối tác Nhật Bản, tháng 6-2018 đoàn chuyên gia của Cục Công nghệ thực phẩm Nhật Bản đã sang làm việc với UBND huyện Lục Ngạn về việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho quả vải. Chủ trương đưa vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản là tin vui với người trồng vải bởi lâu nay 90% sản phẩm chỉ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, số còn lại xuất sang các nước: Mỹ, Úc, Thái Lan, Hà Lan…

Người dân xã Hồng Giang (Lục Ngạn) tuân thủ đúng quy trình sản xuất vải thiều để đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản. Ảnh tư liệu.

Đối tác yêu cầu, để được chấp thuận và cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trong quy trình sản xuất, giới hạn giống, cơ chế quản lý tem, nhãn hiệu, logo và các thủ tục hành chính liên quan khác đúng quy định cũng như các bước kiểm tra của Nhật Bản.

Theo đó, UBND huyện đã và đang xây dựng Đề án “Vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Mộc giai đoạn 2018-2020”, diện tích hơn 300 ha. Toàn bộ diện tích tham gia dự án phải tuân thủ quy trình canh tác VietGAP và GlobalGAP; công nghệ bảo quản hiện đại có tem mã vạch truy xuất nguồn gốc. Cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân ở các xã khác sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP, với hơn 11 nghìn ha; cấp mã số đạt tiêu chuẩn quốc tế cho 18 vườn. Ông Giáp Văn Huynh, thôn Kép (xã Hồng Giang) chia sẻ: “Vụ này, cả 300 gốc vải của gia đình đều được chăm sóc theo quy trình GlobalGAP. Hy vọng, vụ vải thiều sắp tới sẽ được xuất sang Nhật Bản với giá bán cao hơn trong nước”.

Theo ông Ngô Chí Vinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN, hiện nay, vải thiều Lục Ngạn là nông sản duy nhất của tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý trong nước. Nếu thành công, đây sẽ là sản phẩm đầu tiên của Bắc Giang có chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, tạo cơ hội rất lớn cho vải thiều xuất khẩu.

Tăng trách nhiệm người trồng

Lục Ngạn là địa phương có vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước, song mới có khoảng 50% số hộ trồng vải tham gia liên kết sản xuất theo quy trình an toàn; số còn lại vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ lẻ. Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, để đáp ứng 12 chỉ tiêu trong hồ sơ đăng ký thì địa phương còn gặp phải một số khó khăn. Ví như người dân canh tác còn manh mún dẫn tới vướng mắc trong quản lý và kiểm soát quy trình, chất lượng đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Diện tích vải chăm sóc bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP chưa nhiều.

Để được bảo hộ CDĐL Vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản, hồ sơ đăng ký sẽ phải đáp ứng 12 danh mục tài liệu liên quan như: Tờ khai, bản mô tả sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, quy chế quản lý quá trình sản xuất sản phẩm; chứng minh thẩm quyền của tổ chức, đại diện sở hữu công nghiệp; bản cam kết đáp ứng và tuân thủ các điều kiện quy định đối với tổ chức đăng ký chỉ dẫn…

Để giải quyết những hạn chế trên, ngay sau khi có định hướng đăng ký chỉ dẫn địa lý, địa phương cùng các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia liên kết sản xuất theo phương thức tiên tiến; đưa khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo thống kê từ Hội Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, toàn huyện đã thành lập 30 chi hội, 455 tổ hợp tác sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP, tăng so với năm 2017 hơn 700 ha.

Không những vậy, huyện tích cực đầu tư thực hiện các đề tài, dự án bảo quản cho sản phẩm vải thiều như: Phát triển nông sản quốc gia; vùng sản xuất trọng điểm và các mô hình áp dụng quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP), công nghệ của Israel, CAS... rất hiện đại.

Ông Ngô Chí Vinh cho biết thêm, ngoài giải pháp tích cực của huyện, giải quyết triệt để vướng mắc trên cần có sự đồng thuận và quan tâm đặc biệt của cơ quan chức năng, nhà khoa học, doanh nghiệp, người sản xuất. Trong quá trình canh tác vải thiều, cùng với các thủ tục về hành chính thì các hộ gia đình trồng vải cần bám sát những tiêu chí do đối tác đặt ra về quy trình chăm sóc cây; thu hoạch, bảo quản quả vải bởi đây là tiêu chuẩn hàng đầu mà đối tác xét đến. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục quan tâm thành lập mới các hợp tác xã; vận động, hỗ trợ để thu hút 80% hộ tham gia sản xuất vải theo chuỗi giá trị an toàn vào năm 2020.

Huyện Lục Ngạn cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc vải nhằm tăng số hộ được cấp chứng nhận; đẩy mạnh việc dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm đúng tiêu chuẩn nhãn hiệu. Cơ quan chức năng phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng giá trị thu nhập từ quả vải lên gấp nhiều lần so với thực tế. Trước mắt, phía Nhật Bản đã xem hồ sơ và yêu cầu đơn vị chỉnh sửa lần cuối. Hy vọng trong thời gian sớm nhất, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản sẽ được đối tác đồng ý cấp chứng nhận. Qua đây, khẳng định chất lượng, uy tín, danh tiếng của hàng hóa, làm giàu cho người dân.

Hoàng Phương

Đến 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả miền Nam trên 4,5 tỉ USD

Nguồn tin: Báo Long An

Sáng 15/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Long An, tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Lê Quốc Doanh, Quyền Cục trưởng Cục trồng trọt – Nguyễn Như Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Phạm Văn Cảnh đồng chủ trì hội nghị.

Ông Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương cần triển khai thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Phạm Văn Cảnh cho biết, hội nghị nhằm tìm giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả. Đây là cơ hội để định hướng, mở rộng sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và hội nhập quốc tế về cây ăn quả của Việt Nam nói chung và các tỉnh Nam Bộ nói riêng. Long An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 10,36% - đây là mức tăng trưởng cao nhất những năm gần đây, GRDP bình quân đầu người đạt 69 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Chính vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về Chương trình đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của tỉnh Long An

"Hiện, trên địa bàn tỉnh, diện tích cây ăn quả chủ yếu là thanh long với trên 11.000ha, cây chanh gần 10.000ha. Hy vọng, sau hội nghị này, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất, kinh doanh cây ăn quả các tỉnh phía Nam sẽ tiếp tục nhận được nhiều thông tin để bàn bạc, trao đổi và đề xuất biện pháp phát triển cây ăn quả bền vững, thông tin tiếp cận ứng dụng tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất trong thời kỳ cách mạng 4.0 để thích ứng thị trường chuyển biến mạnh mẽ", ông Phạm Văn Cảnh nhấn mạnh.

Để thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam, mục tiêu đến năm 2020 là tổng diện tích cây ăn quả đạt 1 triệu hecta, trong đó, diện tích các cây ăn quả chủ lực 810 ngàn hecta. Tổng sản lượng 9,5 triệu tấn (tăng hơn 11,7% so năm 2016). Năng suất bình quân 11,5 tấn/ha (tăng trên 15% so với năm 2016). Giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả trên 4,5 tỉ USD, trong đó sản phẩm quả chiếm hơn 3,6 tỉ USD (> 80%).

Thanh long là một trong những cây ăn quả chủ yếu của tỉnh Long An

Với mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương cần triển khai thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích một số cây ăn quả chủ lực có giá trị xuất khẩu như chuối, xoài, dứa, nhãn....phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa, hạn chế nhập khẩu và gia tăng xuất khẩu. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm giá thành; tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP, hữu cơ,...), đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch. Nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng. Tăng cường chế biến sâu các sản phẩm quả, gia tăng giá trị sản xuất đồng thời tránh các hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm tươi sống, mở rộng thị trường, tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu. Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại trái cây đặc sản.

Theo báo cáo từ Cục trồng trọt – Bộ NN&PTNT, năm 2018, diện tích cây ăn quả phía Nam ước đạt 596.331ha (chiếm 60% diện tích cây ăn quả cả nước). Tổng sản lượng quả đạt hơn 6,6 triệu tấn (chiếm khoảng 67% sản lượng quả cả nước), tăng trên 61% so năm 2010 (2,5 triệu tấn).

Hiện, miền Nam có 14 loại quả có diện tích lớn (trên 10 ngàn ha/loại). Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn quả chủ lực (chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả toàn miền Nam). Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả còn phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung; khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hiện chỉ có một số loại quả như thanh long, chuối, cây có múi đang hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô tương đối lớn.

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, từ 151,5 triệu USD năm 2003 lên 1,07 tỉ USD năm 2013, năm 2016 đạt 2,458 tỉ USD, bình quân tăng 1,25 lần/năm.

Năm 2018, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,8 tỉ USD, tăng trên 47,3% so năm 2017; trong đó, ước tính các sản phẩm từ quả chiếm trên 80%. Năm 2018, có 13 thị trường xuất khẩu lớn có giá trị trên 25 triệu USD; Trung Quốc là thị trường lớn nhất (chiếm 73,1% thị phần), kế đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan, Úc, Đài Loan, Các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống nhất./.

Huỳnh Phong

Cam Lâm (Khánh Hòa): Giá xoài đang giảm

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Những ngày này, người dân huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang ồ ạt thu hoạch xoài Úc và Đài Loan. Theo các hộ kinh doanh, xoài Úc loại 1 chủ yếu xuất bán sang Trung Quốc. 1 tấn xoài Úc chỉ chọn được 4 đến 5 tạ xoài đạt tiêu chuẩn xuất bán sang Trung Quốc. Hiện nay, xoài Úc loại 1 giá 45.000 đồng/kg, loại 2 giá 25.000 đồng/kg; xoài Đài Loan, loại 1 giá 15.000 đồng/kg, loại 2 giá 10.000 đồng/kg. Giá xoài giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân do xoài ở Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh cũng đang rộ, cộng thêm việc các nước Thái Lan và Campuchia cũng xuất sang thị trường Trung Quốc nên các hộ kinh doanh xoài tại Cam Lâm gặp không ít khó khăn.

Người dân thu hoạch xoài.

Được biết, toàn huyện Cam Lâm hiện có gần 5.000ha xoài các loại, tập trung chủ yếu là xoài canh nông, xoài Úc và Đài Loan. Trong đó, diện tích xoài Úc chiếm khoảng 60%, tập trung nhiều ở các xã: Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc, Suối Tân và thị trấn Cam Đức. Hiện nay, xoài canh nông trên địa bàn huyện cũng đang ra hoa. Một số diện tích bị bọ trĩ và gặp sương muối nên hoa bị đen và rụng trái non.

Tuyết Trinh

Khuyến cáo không đốt đồng, nên tận dụng rơm Đông Xuân

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Hiện nay, trên địa bàn huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long), nông dân đã thu hoạch dứt điểm lúa Đông Xuân. Sau khi thu hoạch, nông dân đang vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị sản xuất tiếp vụ Hè Thu. Dù thời gian qua, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nên tận dụng rơm sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân nhưng tình trạng đốt rơm vẫn còn tiếp diễn.

Thông thường, nông dân sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân là rải rơm ra đồng đốt, vì cho rằng việc đốt rơm sẽ làm tăng độ phì nhiêu cho đất và giảm được chi phí cày, xới đối với vụ sản xuất kế tiếp. Tuy nhiên, việc đốt rơm ngoài đồng vừa gây khói bụi làm ô nhiễm môi trường vừa lãng phí nguồn rơm, rạ vì ngoài việc sử dụng rơm để trồng nấm còn làm thức ăn nuôi bò.

Vụ Đông Xuân năm trước, mỗi công rơm có giá từ 100.000- 120.000đ. Để tránh việc đốt rơm gây khói bụi, ô nhiễm môi trường đồng thời khai thác hiệu quả nguồn lợi từ rơm, ngành nông nghiệp huyện Long Hồ khuyến cáo bà con nông dân nên tận dụng nguồn phụ phẩm sau thu hoạch này để làm nấm rơm hoặc để nuôi bò tăng thêm thu nhập cho gia đình.

PHƯỚC GIANG

Đắng lòng nông dân trồng mía

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Thời gian qua, vùng ĐBSCL là một trong những nơi trồng mía chủ lực của cả nước, góp phần đáng kể vào việc sản xuất mặt hàng đường cát cung ứng nhu cầu tiêu thụ của cả nước. Tuy nhiên, gần đây nhiều cánh đồng mía ở ĐBSCL cứ thưa dần và diện tích liên tục bị mất đi do giá thấp, người dân canh tác không hiệu quả nên đành ngậm ngùi chia tay cây mía…

Càng trồng, càng lỗ

Những ngày này, nông dân huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đang vào cao điểm thu hoạch vụ mía năm 2018- 2019, thế nhưng giá quá thấp khiến nhiều hộ thấp thỏm lo âu. Ông Diệp Thanh Tâm, ngụ xã An Thạnh Đông rầu rĩ: “Vụ này gia đình tôi trồng 13 công mía, đây là loại cây truyền thống của xứ cù lao hàng chục năm nay. Cả nhà vất vả chăm sóc gần cả năm trời, nay mía tới kỳ thu hoạch thì thương lái chỉ mua 260- 300 đồng/kg (mua sô, thương lái tự đốn), mức giá thấp nhất từ nhiều năm qua. Dù lỗ, nhưng nông dân đành chấp nhận bán, chứ càng neo lâu thì gặp hạn mặn sẽ khiến mía giảm chất lượng và lỗ nhiều hơn”. Đưa chúng tôi ra thăm ruộng mía rộng 12 công của gia đình đã quá ngày thu hoạch, ông Út Chí (xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung) chua chát: “Hồi năm ngoái giá mía thấp nhất cũng chỉ 500 đồng/kg khiến hàng loạt hộ lỗ te tua. Sau đó, người dân chạy đi hỏi nợ đầu tư trồng lại vụ mía mới hy vọng gỡ nợ. Nào ngờ, giờ tới kỳ thu hoạch thì giá mía rớt thảm hơn vụ trước”.

Nông dân thu hoạch mía ở Sóc Trăng

Nhiều nông dân ở xứ mía Cù Lao Dung cho biết, nếu như vụ trước năng suất mía khoảng 120 tấn/ha; trong khi vụ này bị thất mùa năng suất chỉ 90- 100 tấn/ha; chữ đường trong mía cũng giảm xuống còn 8- 9 chữ; đặc biệt là giá cả thấp nhất so hàng chục năm nay. Như vậy, tính trên 3 mặt là năng suất thấp, chữ đường thấp và giá thấp đã đẩy nông dân trồng mía thua lỗ từ 10- 20 triệu đồng/ha. “Do thua lỗ khá nặng trong 2 vụ mía liên tục nên rất nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần và hiện tại bà con tiến thoái lưỡng nan trong việc có trồng mía nữa hay không. Trước mắt đã có không ít hộ rời cánh đồng mía để lên TPHCM, Bình Dương… làm thuê kiếm sống; trong khi nợ vật tư, nợ bên ngoài vẫn chưa thể thanh toán”, ông Diệp Thanh Tâm chia sẻ.

Theo ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung: “Vụ mía năm nay nông dân các xã sản xuất hơn 5.100 ha, đến thời điểm này đã thu hoạch gần 40% và đang vào cao điểm đốn mía cho đến tháng 5-2019 kết thúc vụ. Tuy nhiên, cái khó năm nay là giá mía quá thấp, bình quân chỉ 400-500 đồng/kg; riêng những nơi xa kênh mương thì giá thấp hơn. Mấy ngày qua, ngành chức năng rất nóng lòng bởi giá thấp, tiêu thụ chậm, dân bị lỗ kéo dài… song, vẫn rối bời vì chưa có giải pháp hữu hiệu”. Không riêng gì Sóc Trăng, mà ở Trà Vinh, Long An, Bến Tre… hàng loạt nông dân trồng mía cũng trắng tay bởi vụ mùa ảm đạm, khi giá mía nguyên liệu và giá đường cùng sụt giảm mạnh, tiêu thụ gặp khó khăn…

Cây mía sẽ mất dần…

Tâm sự với chúng tôi, ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung bộc bạch: “Nhiều năm nay, mỗi khi nói tới Cù Lao Dung là người ta nghĩ ngay tới những cánh đồng mía bạt ngàn. Chính vì vậy mà không ít người quen gọi xứ này là “cù lao mía”. Những năm cao điểm Cù Lao Dung trồng hơn 8.520ha mía và là một trong những huyện có diện tích mía đứng hàng nhất nhì ở vùng ĐBSCL. Song, vài năm nay ngành mía đường lâm vào khủng hoảng và khó khăn càng lúc trầm trọng hơn. Do ảnh hưởng giá đường thấp đã kéo giá mía xuống thấp và nông dân bị lỗ nên họ bỏ cây mía là chuyện hiển nhiên”. Ông Kiệt chỉ chúng tôi những cánh đồng tôm sú, tôm thẻ nối tiếp nhau, rồi những rẫy rau màu chạy dài quanh xứ cù lao… Đây chính là những cánh đồng mía trước đây đã bị san phẳng để chuyển sang trồng cây con khác. “Sau vụ mía năm ngoái đã có khoảng 1.000ha đất mía bị phá bỏ để trồng cây khác. Vụ mía hiện tại nông dân tiếp tục lỗ, nên dự kiến có từ 1.000- 1.100ha mía sẽ mất. Với tình hình này nhiều khả năng sang vụ mía 2019- 2020, huyện Cù Lao Dung chỉ còn lại khoảng 4.000ha mía; kế hoạch giữ từ 5.000- 5.500 ha mía xem như khó thực hiện được”, ông Kiệt nhìn nhận.

Tại Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh… diện tích mía cũng giảm mạnh, bởi nông dân đã quá ngán ngẩm. Riêng ở thủ phủ mía Hậu Giang, nếu như năm 2012 toàn tỉnh trồng hơn 12.000 ha mía, thì năm 2018 sụt giảm còn 10.500 ha; niên vụ mía 2019- 2020 tiếp tục giảm xuống khoảng 8.500 ha. Mới đây, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, do tình hình sản xuất kinh doanh mía đường khó khăn, nên dự kiến niên vụ mía 2019-2020, phía Casuco sẽ không ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân Hậu Giang và các tỉnh như những vụ trước; mà chuyển sang hình thức thu mua theo giá sàn. Thông tin này ít nhiều khiến ngành chức năng và nông dân trồng mía lo lắng về đầu ra, bởi Casuco là doanh nghiệp mía đường hàng đầu ở ĐBSCL. Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết: “Lâu nay, có hơn 62% diện tích mía của địa phương được Casuco hợp đồng bao tiêu; nay nếu Casuco không bao tiêu thì tình hình vô cùng khó. Cần thấy rằng, trong tình cảnh nông dân trồng mía thua lỗ do giá thấp và nếu công ty không bao tiêu sẽ dẫn đến đầu ra càng bấp bênh hơn; khi đó nông dân ào ạt phá bỏ cây mía là khó tránh khỏi”.

Hiện tại huyện Phụng Hiệp khuyến cáo nông dân sản xuất sớm và thu hoạch sớm để tranh thủ bán mía cho các nơi mua về ép nước mía giải khát. Đây được xem là một trong những giải pháp “tự bơi”, hạn chế phụ thuộc vào nhà máy đường trong tình cảnh khó khăn chung. Phía Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang yêu cầu các địa phương có trồng mía, sớm thông tin chính sách thu mua mới của Casuco để nông dân chủ động ứng phó; đồng thời có giải pháp làm việc với nhà máy đường về tiêu thụ…

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, nguyên Phó Tổng Giám đốc CTCP Mía đường Cần Thơ, nhận định: Do thế giới dư thừa sản lượng đường nên giá cả giảm mạnh. Từ ảnh hưởng trên khiến giá đường trong nước cũng rất thấp chỉ 10.500- 11.000 đồng/kg, với tình cảnh này nên đa phần các nhà máy đường không hiệu quả. Tại ĐBSCL mặc dù đến tháng 5-2019 mới kết thúc vụ, nhưng đến nay chỉ còn 5 nhà máy đường hoạt động (Vị Thanh, Phụng Hiệp, Trà Vinh, Sóc Trăng và Long Mỹ Phát); trong khi các nhà máy khác như Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre và 2 nhà máy đường ở Long An đã ngừng sản xuất. Có thể nói, ngành mía đường đang đối mặt muôn vàn khó khăn như: Diện tích sản xuất ở ĐBSCL nhỏ lẻ, đất đai có nhiều kênh mương nên khó áp dụng cơ giới hóa; công lao động tăng cao và thiếu trầm trọng, việc sản xuất phụ thuộc nhiều vào thủ công khiến chi phí giá thành quá cao; từ đó giảm tính cạnh tranh so với các nước khác…

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Nhộn nhịp mùa rơm

Nguồn tin: Báo Long An

Tháng 3, trên khắp đồng quê ở tỉnh Long An nói riêng và miền Tây nói chung đang vào vụ thu hoạch rộ lúa Đông Xuân. Đây là thời điểm khởi động cho mùa rơm lớn nhất trong năm. Điều đáng quan tâm là việc mua - bán rơm diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và rầm rộ hơn cả mua - bán lúa.

Việc thu mua rơm diễn ra quanh năm, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác tạo nên nét đặc trưng vùng quê Nam bộ và làm nhộn nhịp thêm mỗi mùa gặt

Trên các tuyến đường tỉnh, Quốc lộ N2, Quốc lộ 62,... những chiếc xe tải đầy ắp rơm chạy hối hả từ sáng sớm đến chiều tối. Dưới đồng ruộng, không khí ngày mùa cũng sôi động hẳn lên khi xuất hiện nhiều máy cuốn rơm xen lẫn máy cắt lúa hoạt động liên tục. Nhu cầu tiêu thụ rơm rất lớn nên giá rơm từ 600.000-700.000 đồng/ha tăng lên 900.000 đồng/ha. Từ đó, nông dân rất phấn khởi vì có thêm thu nhập; đồng thời, giảm bớt được chi phí vệ sinh đồng ruộng. Ông Bùi Văn Phương, ngụ xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, chia sẻ: “Mấy năm trước, rơm không ai mua, nông dân phải tốn tiền, tốn sức đốt rơm. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều thương lái tìm đến mua rơm, cứ thế người dân bán hết rơm là có đủ tiền xới đất”.

Trước đây, rơm là loại phế phẩm bỏ đi sau mỗi mùa thu hoạch, thì nay nó được các thương lái gần xa đổ xô tìm mua. Không chỉ các hộ chăn nuôi trâu, bò cần rơm bổ sung cho thức ăn gia súc mà nông dân trồng trọt cũng cần rơm để che gốc thanh long, cà phê hoặc dùng để trồng nấm. Cứ thế, rơm theo chân thương lái đi khắp nơi, trong tỉnh, ngoài tỉnh, hết Đồng bằng sông Cửu Long đến miền Đông Nam bộ,... Anh Phạm Minh Triều - thương lái huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Hiện nay, nhu cầu sử dụng rơm của người dân ngày càng nhiều. Do đó, tôi phải thuê thêm người làm “cò” thu mua rơm mới cạnh tranh nổi với nhiều thương lái khác”.

Trung bình 1ha đất sản xuất thu được 140-150 cuộn rơm. Rơm rất hút hàng nên vừa cuộn xong, thương lái chưa kịp bán đã có người tìm đến mua để giao lại cho nhà vườn với giá từ 17.000-20.000 đồng/cuộn. Đó là vụ Đông Xuân, còn vụ Hè Thu hoặc vụ 3, rơm khan hiếm nên giá được đẩy lên 20.000-22.000 đồng/cuộn.

Gắn bó với nghề làm rơm gần 10 năm, anh Nguyễn Huỳnh Nam, ngụ xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tâm sự: “Làm rơm cực lắm, phải dầm mưa, dãi nắng nhưng được cái có thu nhập cao. Hiện gia đình tôi có 3 máy cuốn rơm và giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Bình quân mỗi lao động có thu nhập từ 500.000-700.000 đồng/ngày, còn tôi có lợi nhuận 1-1,5 triệu đồng/máy/ngày”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tấn có thu nhập ổn định từ nghề làm rơm

Thu mua rơm dần trở thành một ngành nghề thật thụ, không chỉ giúp thương lái dễ dàng “bỏ túi” vài chục triệu đồng mỗi tháng mà còn tạo ra việc làm thường xuyên cho người lao động. Họ với những chiếc xe máy thô sơ chạy ngang dọc khắp các cánh đồng, vận chuyển cả 100 cuộn rơm từ ruộng đưa ra đường lớn và cho lên xe. Công việc cứ thế kéo dài từ sáng đến tối với nhịp độ hối hả, không ngơi tay nhưng đổi lại, thu nhập khá hấp dẫn. Đó là lý do nhiều người gắn bó với nghề rơm. Ông Nguyễn Văn Tấn, ngụ xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, nói: “Gia đình tôi cả 5 thành viên đều làm nghề rơm. Nhờ nghề này mà gia đình tôi có cuộc sống ổn định, xây được căn nhà tường khang trang. Dự định thời gian tới, gia đình tôi sẽ mua 1 máy cuốn rơm để không phải đi làm thuê nữa”.

Nguồn rơm cuộn nhiều nhất là ở vùng trọng điểm sản xuất lúa: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP.Cần Thơ,... Việc thu mua rơm diễn ra quanh năm, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng quê Nam bộ và làm nhộn nhịp thêm mỗi mùa gặt./.

Lê Ngọc

Quảng Ninh: Đầm Hà thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Để hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành vùng trọng điểm sản xuất chế biến, cung cấp nông sản của tỉnh, thời gian qua, huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) đang tập trung quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao…

Mô hình sản xuất cá giống của HTX Sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Bắc Việt áp dụng công nghệ nuôi trong nhà hiện đại.

Với lợi thế giáp biển, địa hình đất đai nhiều vị trí bằng phẳng, diện tích đất rừng lớn, huyện Đầm Hà hội tụ nhiều yếu tố để phát triển nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, ngành nông nghiệp của huyện Đầm Hà chỉ phát triển quy mô manh mún, giá trị kinh tế không bền vững. Thời gian gần đây, để khai thác hết tiềm năng lợi thế trong ngành nông nghiệp, Đầm Hà đã tập trung tái cơ cấu ngành, quy hoạch lại các vùng sản xuất tập trung, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, người dân liên kết phát triển sản xuất.

Trong định hướng phát triển, huyện Đầm Hà xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn và đặt mục tiêu sẽ trở thành vùng trọng điểm sản xuất chế biến, cung cấp nông sản của tỉnh. Theo đó, huyện sẽ tập trung phát huy lợi thế nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm, cá công nghệ cao); chăn nuôi (trâu, gà, lợn); trồng trọt (cây dược liệu, rau công nghệ cao).

Cụ thể, đối với nuôi trồng thủy sản hiện nay, huyện đã triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ sản huyện đến năm 2020, định hướng 2030; từng bước xây dựng hai vùng nuôi trồng thuỷ sản với quy mô lớn, gồm: Vùng nuôi tôm tập trung tại Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập với diện tích trên 300ha; vùng nuôi nhuyễn thể tập trung cũng tại các xã trên với diện tích khoảng 500ha…

Song song với đó, huyện đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các mô hình này. Trong đó, nổi bật nhất sau gần 2 năm triển khai dự án Khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh do Tập đoàn Việt - Úc làm chủ đầu tư, dự kiến đến cuối tháng 3/2019 khu nuôi giống sẽ sản xuất những mẻ tôm giống đầu tiên với sản lượng đạt 10 triệu tôm giống/tuần. Dự án này được đầu tư nuôi theo công nghệ nhà màng; nhà máy chế biến (để tăng giá trị con tôm); nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm. Bên cạnh đó, hiện nay Công ty CP Thực phẩm BIM đang triển khai dự án nuôi tôm thương phẩm tại xã Đại Bình, quy mô 125ha, tổng mức đầu tư dự án khoảng 200 tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn GFS đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư nuôi tôm công nghệ cao tại xã Tân Lập. Những dự án này hứa hẹn từng bước đưa Đầm Hà trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi tôm lớn phía Bắc.

Huyện Đầm Hà đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm từ cây quế.

Trong danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư huyện Đầm Hà mới thu hút được dự án quan trọng do Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Bình Dương liên kết với Tập đoàn Hàn Quốc triển khai xây dựng trại nuôi lợn quy mô 90.000 con lợn thương phẩm/năm và 2.600 con lợn nái tại xã Dực Yên. Hiện tại, dự án này đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đang tiến hành GPMB, dự kiến đến tháng 4/2019 sẽ bắt đầu khởi công xây dựng. Ngoài ra, hiện nay toàn huyện có hơn 50 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trong lĩnh vực trồng trọt huyện đang hướng phát triển đầu tư và chế biến cây dược liệu và cây quế tại xã Quảng An và Quảng Lâm nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Ngoài ra, hiện nay Đầm Hà tập trung nhân rộng mô hình trồng rau công nghệ cao, rau hữu cơ tại xã Quảng Tân, Dực Yên và Đại Bình. Cùng với đó, một số mô hình đã được doanh nghiệp, HTX mở rộng liên kết sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng với người dân xây dựng thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện ngày càng được nâng cao. Riêng năm 2018 tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của huyện đạt 969 tỷ đồng (tăng hơn 80 tỷ đồng so với năm 2017).

Đồng chí Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, sắp tới huyện sẽ ưu tiên đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất. Trong đó, trước mắt huyện sẽ xây dựng đề án Trung tâm sản xuất giống cá biển công nghệ cao. Riêng năm 2019, huyện sẽ triển khai 2 mô hình liên kết sản xuất rau hữu cơ tại xã Dực Yên và Đại Bình. Đồng thời tiếp tục ưu tiên mở rộng vùng nuôi tôm công nghệ cao, phấn đấu sau năm 2020 huyện sẽ có nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Bên cạnh việc thu hút đầu tư xây dựng các mô hình liên kết phát triển sản xuất huyện sẽ đẩy mạnh xúc tiến hợp tác tiêu thụ đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản.

Phạm Tăng

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop