Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 01 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 01 năm 2020

Kiếm tiền triệu từ trái mận tí hon

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Những gốc mận bonsai cho trái chín đỏ cả cây đang thu hút nhiều người tìm đến Cồn Khương (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) để chiêm ngưỡng. Độc đáo hơn, đó là những trái mận tí hon, chỉ nhỏ bằng một phần ba, thậm chí là một phần năm so với trái mận bình thường.

So sánh mận hoàng yến và mận thông thường.

Men theo tuyến đường cặp bên Khách sạn Vạn Phát, chạy đến cuối đường, du khách sẽ bắt gặp vườn mận bonsai đẹp mắt này. Người sở hữu chúng là anh Đào Văn Hiếu, 38 tuổi, tên thường gọi là Hận. Anh Hận cho biết, cây mận này có tên là mận hoàng yến. Hình dáng từ thân cây đến lá, hoa… đều không khác những loại mận khác, duy chỉ có trái là kích thước nhỏ hơn nhiều lần và cho trái rất nhiều.

Cách đây 7 năm, anh Hận được một người thầy dạy trồng cây kiểng ở tỉnh Bến Tre giới thiệu giống mận quý này và anh đem về trồng. Vốn có nghề trồng và ghép mai vàng thành thạo, anh Hận nghĩ đến chuyện nhân giống và ghép mận hoàng yến. Anh tìm mua những gốc mận già, cao lớn đem về hạ tán làm kiểng bonsai rồi ghép bo mận hoàng yến vào. Năm đầu tiên, tỷ lệ thành công không tới 50% nhưng năm thứ 2, anh Hận đã thành công tuyệt đối và duy trì nghề từ đó đến nay. Mỗi năm, anh Hận cung cấp ra thị trường hàng trăm gốc mận hoàng yến bonsai đẹp mắt, đặc biệt thu hút với khách hàng các địa phương miền Bắc. Tùy độ đẹp, lớn của gốc mận ghép và quy mô nhành, tược mà mỗi cây mận hoàng yến bonsai được anh Hận bán với giá từ trên 1 triệu đồng đến vài chục triệu đồng.

Anh Hận bên gốc mận bonsai cho trái tí hon.

Hiện tại, anh Hận vẫn đang chăm sóc gốc mận hoàng yến “cái” rất cẩn thận để dùng chiết cành nhân giống và lấy bo ghép. Theo anh, việc chăm sóc cây mận hoàng yến rất dễ, chỉ cần đảm bảo tưới nước đều, thỉnh thoảng bổ sung một ít phân bón là cây sẽ sinh trưởng tốt. Mận hoàng yến cho trái quanh năm, rất nhiều trái và trái ăn rất ngon với vị ngọt thanh, thịt chắc. “Điểm đặc biệt nhất của cây mận này là không cần bao trái mà vẫn không bị sâu và nhặng đục làm hư trái như những giống mận khác. Kinh nghiệm nhiều năm qua tôi ghi nhận được nhưng không biết lý giải thế nào” - anh Hận chia sẻ. Ngoài ra, khi phát hiện mận hoàng yến bị sâu rầy tấn công, người trồng không cần sử dụng thuốc hóa học mà chỉ cần tưới hoặc phun ít rượu trắng, hay các loại nước pha tạo tinh dầu như tiêu, tỏi, ớt... thì sâu, rầy tự khắc biến mất.

Tết này, những chậu mận hoàng yến bonsai của anh Hận “cháy hàng” từ rất sớm. Hơn 50 gốc chưa kịp cho trái đã được khách hàng các tỉnh phía Bắc vận chuyển để kịp đón Tết. Anh Hận chỉ còn 1-2 gốc để trưng bày sản phẩm nhưng cũng có rất nhiều người hỏi mua. Còn rất nhiều đơn hàng đặt nhưng anh Hận cũng không dám hứa trước vì để sở hữu một cây mận bonsai hoàn chỉnh phải mất rất nhiều thời gian.

Những gốc mận cổ, dáng thế đẹp cho trái đỏ rực với kích thước trái tí hon khiến nhiều người tò mò và muốn sở hữu. Anh Hoàng Thế Kiên, một tài xế đến từ tỉnh Bắc Giang, nói: “Tôi đã vào Cần Thơ chở 2 chuyến mận hoàng yến này cho khách hàng. Ở ngoài đấy họ thích lắm, mang về thay chậu đẹp và đặt trong sân vườn, biệt thự, nhìn rất đẹp”. Với cách làm nông nghiệp sáng tạo này, anh Hiếu có thể kiếm trăm triệu đồng mỗi năm, giúp cải thiện cuộc sống.

Bài, ảnh: DUY LỮ

Hậu Giang: Cận tết, giá trái cây tăng mạnh

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Từ chiều ngày 23 tháng Chạp, thị trường trái cây sôi động hơn và giá cả tăng mạnh. Cụ thể, thanh long ruột trắng đã tăng giá gấp đôi so với cách đây 1 tháng, lên 30.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc tăng khoảng 10.000-15.000 đồng/kg, lên mức từ 60.000-70.000 đồng/kg tùy kích cỡ, xoài cát chu 35.000 đồng/kg, quýt hồng 40.000-50.000 đồng/kg, dưa hấu 10.000-12.000 đồng/kg, nhãn Ido 40.000 đồng/kg, táo đỏ Mỹ 70.000-80.000 đồng/kg…

Sức mua trái cây tăng mạnh những ngày cận tết.

Một số tiểu thương bán trái cây tại các chợ trong tỉnh nhận định, nguồn hàng năm nay tuy không bị hụt nhưng một số loại không có nhiều “hàng tuyển” (loại trái to, đẹp). Khả năng từ đây đến tết, sức mua tăng nên giá sẽ tăng theo từng ngày, nhất là các loại thường được người dân mua chưng tết như dưa hấu, xoài, bưởi, táo, mãng cầu…

Tin, ảnh: T.TRANG

Sóc Trăng: Long Phú khó khăn trong tiêu thụ lúa lúc cuối vụ

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Trong những ngày qua, tình hình hạn hán và xâm nhập diễn ra gay gắt làm cho tất cả các tuyến kênh trên địa bàn huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) đã cạn, ảnh hưởng tưới tiêu, sinh hoạt và vận chuyển cũng như tiêu thụ lúa của nông dân.

Vụ lúa Đông - Xuân sớm năm 2019, toàn huyện Long Phú xuống giống được trên 16.216ha, tính đến ngày 13-1, nông dân đã thu hoạch được gần 13.000ha. Hiện nay, do các sông, kênh, mương trên địa bàn huyện đã cạn nước, nông dân gặp khó khăn trong việc vận chuyển nên bị thương lái ép giá, trong khi tiền thuê xe máy chuyển lúa là 5.000 đồng/bao, tính ra trừ đi chi phí, nông dân có lãi không cao. Ông Trần Hoàng Hải, ở ấp Bưng Thum, xã Long Phú cho hay: “Lúa của mình rất nhiều ở ngoài đồng, nhưng thương lái không mua được, chi phí vận chuyển một bao lúa cũng 5.000 đồng, rồi tiền cắt lúa và các khoản chi phí khác nên nông dân không có lời.”

Sông cạn nước do hạn, mặn ảnh hưởng đến vận chuyển lúa của nông dân.

Những ngày qua, độ mặn đo được trên các tuyến sông luôn ở mức cao, cụ thể độ mặn đo được vào ngày 14-1, lúc 6 giờ sáng tại bến phà Đại Ân 13,0‰, cống Bà Xẩm 7,5‰, cống Cái Oanh 4,7‰, cống Cái Xe 4,0‰, hiện các cống trên địa bàn huyện đã đóng lại, gây khó khăn trong việc vận chuyển, tiêu thụ lúa của nông dân. Ông Lâm Hiếu, ở ấp Bưng Thum, xã Long Phú đã thu hoạch xong 15 công lúa nhưng 4 ngày nay ông vẫn để lúa cặp kênh vì không bán được do chưa có phương tiện vận chuyển, trong khi ông đã tốn chi phí 2 lần thuê xe máy chở lúa từ ruộng ra gần kênh, với giá một bao 5.000 đồng/lượt. Ông Hiếu bộc bạch: “Tính ra 1 bao 5.000 đồng, 100 bao là 500.000 đồng, người làm nhiều lời nhiều, làm một chục, hai chục công là đâu có lời bao nhiêu”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, đơn vị đã kiến nghị về trên nếu độ mặn giảm và nằm trong ngưỡng quy định sẽ tiến hành mở cống đế lấy nước phục vụ tưới tiêu, vận chuyển nông sản của người dân và tuyên truyền, khuyến cáo bà con nên sử dụng nước tiết kiệm. Được biết, trên địa bàn huyện Long Phú hiện còn hơn 64ha đang làm đòng và khoảng 776ha trổ, đây là những trà lúa nguy cơ gặp rủi ro rất cao. Vì vậy, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con không nên làm lúa vụ 3 mà nên chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác để đất nghỉ ngơi tái tạo nguồn dinh dưỡng và hạn chế thất mùa.

Thanh Đồng

Nguy cơ giảm năng suất lúa đông xuân vì mặn xâm nhập

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Do nằm sát biển, vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau đang đứng trước nguy cơ bị xâm nhập mặn rất cao. Vụ rò rỉ nước mặn trực tiếp qua cống thủy lợi mới đây càng làm người dân thêm lo lắng. Khi phát hiện, ngành chức năng địa phương đã vào cuộc nhưng đến nay sự cố vẫn chưa được khắc phục triệt để. Người dân trong vùng ngọt hóa đang rất lo vụ lúa đông xuân và hoa màu có thể bị ảnh hưởng.

Nước mặn tiếp tục xâm nhập vào vùng ngọt từ cống thủy lợi.

Nước mặn xâm nhập qua cống thủy lợi

Theo người dân địa phương, vào tối 14-1, nước mặn từ sông Ông Đốc chảy từ đáy cống Trùm Thuật (ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) vào vùng ngọt. Ban đầu nước vào ít, dần dần chảy mạnh hơn và sau đó gần như là mở cống để lấy nước. Đến sáng hôm sau, mực nước kênh Trùm Thuật đã dâng cao khoảng 15-20cm.

Ông Nguyễn Văn Nỉ ở gần cống, cho biết: Một số diện tích lúa đông xuân của bà con đang trổ bông nên vẫn cần bơm nước. Còn phần lúa không cần bơm từ kênh vào nhưng vẫn phải khắc phục nhanh vì nước mặn vào nhiều có thể gây xì phèn, ảnh hưởng năng suất. “Lúa nhà tôi cận Tết mới có cắt. Bây giờ nếu không ngăn được, để nước mặn vô sâu sẽ thiệt hại rất nhiều” - ông Ni lo lắng bày tỏ.

Theo UBND xã Khánh Hải, sau khi phát hiện vụ việc, ngành chức năng đã cho đóng ngay các cống thuộc tiểu vùng 3 - thuộc vùng ngọt Bắc Cà Mau. Do có hệ thống cống thủy lợi độc lập nên nước mặn bước đầu chỉ ảnh hưởng địa bàn xã Khánh Hải. Phần lớn hơn 3.700ha lúa đông xuân trên địa bàn chưa thu hoạch, chính vì vậy địa phương đã phát cảnh báo đến người dân trên toàn địa bàn không dùng nước kênh rạch cho hoạt động sản xuất để tránh thiệt hại.

Không để ảnh hưởng sản xuất

Ghi nhận của chúng tôi vào chiều ngày 17-1, hàng chục dân quân tự vệ và lực lượng chức năng địa phương tiếp tục tiến hành đắp đập tạm để ngăn mặn. Kè của đập tạm đã hoàn thành, các lực lượng đang tiến hành đưa đất, cát vào bao tấn để ngăn dòng chảy. Cùng với đó, các máy bơm hoạt động liên tục để bơm nước mặn ngược ra.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết: Nước mặn có thể đã xâm nhập nhiều kênh rạch trên địa bàn xã Khánh Hải nhưng chưa ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Hiện ngành chức năng đang khẩn trương thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp tạm thời để ngăn chặn, bằng mọi cách không để nước mặn xâm nhập vào sâu hơn ảnh hưởng đến sản xuất. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng lo lắng việc nước mặn lắng đọng có thể ảnh hưởng tới vụ mùa tiếp theo nên sau khi khắc phục xong sự cố sẽ tính tới giải pháp rửa mặn.

“Cống Trùm Thuật được thiết kế theo công nghệ cống vùng thủy triều thấp, khoảng 1,2m. Tuy nhiên, do nắng hạn gay gắt nên kênh rút nước nhanh chỉ còn khoảng 0,3m, ở ngoài thì triều cường lên cao. Chênh lệch giữa triều cường và mực nước bên trong khoảng trên 2m nên áp lực rất lớn. Nhận định ban đầu là do áp lực nước làm xói dưới đáy cống, lỗ xói ngày ngày càng rộng hơn nên xảy ra tình trạng mặn xâm nhập vào vùng ngọt” - ông Hoai nói về nguyên nhân nước mặn xâm nhập qua cống thủy lợi.

Vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau có diện tích đất sản xuất khoảng 50.000ha. Đây cũng là vùng trọng điểm trồng lúa của tỉnh Cà Mau. Chỉ tính riêng huyện Trần Văn Thời đã có khoảng 26.000ha lúa đông xuân. Thời gian qua, tình trạng hạn hán làm thiếu nước sản xuất cùng với đó mặn xâm nhập nội đồng đã gây giảm năng suất cho một số diện tích lúa đã thu hoạch. Việc nước mặn xâm nhập qua cống thủy lợi càng làm người dân lo lắng hơn.

Bài, ảnh: Hiếu Nghĩa

Đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng

Một năm vượt qua thách thức, khó khăn về dịch hại trên cây trồng, dịch bệnh lây lan trên đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp Lâm Đồng với giải pháp gắn tái cơ cấu ngành với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, mang lại những hiệu quả tích cực.

Năm 2020, Lâm Đồng tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đạt thu nhập bình quân 185 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: V.Việt

Tăng 3.237 ha diện tích nông nghiệp công nghệ cao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, kết thúc năm kế hoạch 2019, toàn ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản đề ra. Cơ cấu nội bộ ngành với tỷ lệ 81% trồng trọt, 14% chăn nuôi và 5% dịch vụ. Giá trị sản xuất bình quân đạt 178 triệu đồng/ha năm 2019, tăng 5,2% so với năm 2018.

Trong đó, ở lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đã phát triển nhiều chủng loại cây trồng sản xuất công nghệ cao, đạt tổng diện tích 57.714 ha, tăng 3.237 ha. Đồng thời, tái canh cải tạo gần 8.200 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp, nâng tổng số diện tích cà phê tái canh toàn tỉnh đạt gần 37,7%. Đặc biệt, diện tích cây trồng áp dụng các quy trình GlobalGAP, VietGAP, 4C tăng hơn 94 ha cây ăn quả và gần 18.615 ha cà phê. Trong năm 2019, các loại bệnh bọ xít muỗi trên cây cà phê; virus trên cây hoa cúc, rau họ cà; sâu keo mùa thu trên cây bắp xuất hiện phạm vi diện rộng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều giải pháp phòng trừ hiệu quả, giảm thiệt hại đáng kể cho người sản xuất.

Đáng nói ở lĩnh vực chăn nuôi trong năm 2019, với tình trạng lây lan dịch tả lợn châu Phi, dẫn đến đã giảm tỷ lệ 5% sản lượng thịt so với năm 2018. Vượt qua khó khăn này với việc đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua các giải pháp quy hoạch, khoa học công nghệ, huy động nguồn lực tại chỗ, ngành chăn nuôi Lâm Đồng đã tạo sự chuyển dịch rõ nét từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung đạt giá trị kinh tế cao hơn, kết quả tỷ lệ đàn heo giống lai, giống ngoại trên 92%; đàn bò thịt cao sản trên 70%. Đến nay, toàn tỉnh tiếp tục phát triển 4 vùng chăn nuôi VietGAHP với 50 tổ hợp tác gồm gần 720 nông hộ tham gia, quy mô hơn 67.880 con heo. Và ở Trang trại bò sữa Vinamilk Lâm Đồng cũng đã được cấp chứng nhận chăn nuôi theo quy trình Organic đối với 1.500 con bò sữa.

Bên cạnh đó, với việc triển khai 11 chương trình, dự án trong năm 2019, Lâm Đồng đã chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng hiệu quả gần 130 mô hình chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng tập trung theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.

Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 185 triệu đồng/ha/năm

Trên cơ sở phát huy những kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng vật nuôi, cây trồng trong năm 2019, ngành nông nghiệp Lâm Đồng thông qua kế hoạch trong năm 2020 đạt giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 185 triệu đồng/ha/năm. Cùng với đó, những chỉ tiêu khác phấn đấu đạt được như: tăng thêm 2.550 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 3.450 ha diện tích sản xuất kém hiệu quả; tái canh gần 6.770 ha cà phê; tăng 6% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, nhằm duy trì tỷ trọng 15-15,5% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp.

Nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu tăng trưởng nêu trên trong năm 2020, một trong những nhóm giải pháp được ngành nông nghiệp Lâm Đồng tập trung triển khai là nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trong đó, hoàn thành các tiêu chí công nhận ít nhất 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển 300 ha diện tích nông nghiệp chứng nhận hữu cơ, 400 ha diện tích ứng dụng công nghệ IoT. Cụ thể, đối với sản xuất rau, hoa tiếp tục hiện đại hóa mô hình phát triển theo hướng tiếp cận đa ngành, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ cho Khu Công nghiệp Nông nghiệp Tân Phú, nhân rộng mô hình Trung tâm Sau thu hoạch. Đồng thời, tiếp tục tái canh cây cà phê, thâm canh, xen canh cây ăn quả, mắc ca trên cây chè, cà phê, hình thành nhà máy chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu. Đặc biệt, quan tâm đầu tư phát triển vùng lúa đặc sản tại các huyện phía Nam Lâm Đồng. Riêng ngành chăn nuôi với quy mô phát triển tập trung đàn heo hướng nạc, đàn bò sữa, bò thịt chất lượng cao, mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh, khôi phục đàn gia cầm…

“Ngành nông nghiệp Lâm Đồng trong năm 2020 tập trung áp dụng khoa học công nghệ tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nhằm nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhấn mạnh.

VĂN VIỆT

Tuyên Quang: Xuân này, Phú Bình vui hơn

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Chủ tịch UBND xã Phú Bình (Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) Hà Xuân Hùng phấn khởi bảo, Tết này bà con Phú Bình vui lắm vì có tiền mua sắm từ nuôi trâu vỗ béo, trâu sinh sản. Toàn xã có 1.332 hộ dân thì có 900 hộ có thu nhập khá từ chăn nuôi trâu. Doanh thu của xã mỗi năm đạt khoảng 6 tỷ đồng từ nuôi trâu.

Phú Bình có lợi thế chăn nuôi trâu với trên 50 ha đất trồng cỏ. Toàn xã hiện có 1.170 con trâu tập trung nhiều nhất là thôn Bản Ho có 400 con, thôn Nà Lung có 200 con, thôn Đoàn Kết có 200 con…. Nếu như trước đây, người dân chỉ nuôi đơn thuần các giống trâu bản địa, có tầm vóc nhỏ, sức khỏe kém thì từ năm 2017, nhiều hộ dân mạnh dạn nuôi các giống trâu lai được sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo để tăng hiệu quả kinh tế. Anh Ma Văn Học, trưởng thôn bản Ho cho biết, toàn thôn có 400 con trâu, trong số đó có 210 con là trâu lai cho hiệu quả kinh tế cao hơn, nuôi trong 1 năm nuôi thì trâu lai sẽ nặng hơn trâu bản địa khoảng 100 kg.

Anh Ma Văn Học, thôn Bản Ho, xã Phú Bình chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Nhiều hộ ở Phú Bình có cuộc sống khá hơn từ nuôi trâu vỗ béo. Chị Bùi Thị Huyền, thôn Đoàn Kết cho biết, nhà chị trước đây nghèo lắm, Tết đến xuân về không có tiền mua sắm, nghĩ mà tủi. Nhưng giờ khác rồi, cuối năm 2017, gia đình chị được vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa, chị đầu tư thêm chuồng trại, nhận chăm sóc 3 con trâu vỗ béo và 2 con trâu sinh sản theo mô hình liên kết với hợp tác xã. Để đảm bảo nguồn thức ăn, chị trồng thêm 1 ha cỏ voi, được nhân viên thú y xã thường xuyên giúp đỡ về kỹ thuật nuôi, cách thức phòng bệnh, đến nay mỗi năm chị có nguồn thu ổn định trên 150 triệu đồng, trở thành hộ khá của thôn. Chị có điều kiện chăm lo cái Tết tươm tất hơn, không khí gia đình vì thế cũng đầm ấm, vui vẻ hơn.

Thay vì chăn nuôi trâu thả rông, nhỏ lẻ và chưa chú ý tới phòng chống dịch bệnh, chống rét, từ năm 2018 đến nay, trên 90% số hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã chuyển dần sang hình thức nuôi nhốt chuồng và trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn. Chị Lưu Thị Như, nhân viên thú y xã Phú Bình cho biết, ngay từ đầu mùa rét, các hộ dân đều được hướng dẫn cách thức che chắn chuồng trại đảm bảo độ ấm cho đàn vật nuôi, đồng thời hướng dẫn người dân cách ủ chua, làm mềm thức ăn khô, cách bảo quản thức ăn cho trâu.

Mùa xuân đang đến, những triền cỏ xanh non dọc hai bên đường làng, thung lũng núi Phú Bình là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn trâu. Nuôi trâu, người Phú Bình đang đẩy lùi nghèo đói, trước năm 2017, toàn xã có trên 40% hộ nghèo, thì đến cuối năm 2019 giảm còn 28%. Hiện Phú Bình nằm trong “top” những xã có nhiều trâu nhất huyện Chiêm Hóa. Năm 2020, xã tiếp tục mở rộng mô hình liên kết chăn nuôi trâu, chú trọng khâu chế biến sản phẩm thịt trâu, coi đây là sản phẩm đặc trưng thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Bài, ảnh: Lê Duy

Long An: Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống lở mồm long móng trên gia súc

Nguồn tin: Báo Long An

Trước tình trạng dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc đã và đang xảy ra ở một số tỉnh, thành; trong tỉnh Long An đã có trường hợp gia súc nghi mắc bệnh, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này trên gia súc.

Nuôi thả rông gia súc rất dễ bị lây lan dịch bệnh

Thời gian gần đây, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc đã và đang xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có một số tỉnh phía Nam gần tỉnh Long An như Trà Vinh, Vĩnh Long. Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Hòa, Tân Trụ xuất hiện các trường hợp bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh LMLM, trong đó có 1 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh LMLM. Do đó, nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng là rất cao, diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhất là khi điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nhu cầu vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán 2020.

Nguyên nhân chủ yếu do việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, có ban hành văn bản chỉ đạo nhưng thiếu sự kiểm tra, đôn đốc giám sát thực hiện tại tuyến cơ sở.

Nguyên nhân khác là thời gian qua, các địa phương đã và đang tập trung các nguồn lực để phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi nên có tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh khác, trong đó có bệnh LMLM.

Bên cạnh đó, trong 3 năm qua (từ năm 2017 - 2019), trên địa bàn tỉnh đều có xảy ra các ổ dịch bệnh LMLM, mầm bệnh còn lưu hành trong đàn gia súc. Ngoài ra, hệ thống thú y các cấp có nhiều thay đổi, sáp nhập, cắt giảm làm ảnh hưởng đến công tác chủ động giám sát, phòng, chống dịch bệnh, không nắm được thông tin dịch bệnh hoặc chưa đầy đủ, kịp thời,….

Trước tình hình đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện tốt và kịp thời các nội dung sau: Phối hợp các địa phương tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh LMLM ở gia súc, nhất là tại các khu vực ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao, phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.

Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc, kiểm tra chặt chẽ giết mổ không đúng nơi quy định, gia súc nhập vào tỉnh; đặc biệt trong việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trái phép qua biên giới.

Hướng dẫn, tạo điều kiện cho người chăn nuôi xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc để được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định.

Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng bệnh là chính; tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo quy định; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên thực hiện việc vệ sinh khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống và xử lý dịch bệnh theo quy định,…

Riêng người chăn nuôi khi phát hiện gia súc nghi nhiễm bệnh LMLM phải báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương; tuyệt đối không bán chạy gia súc bệnh, không thả rông gia súc, không vứt xác gia súc ra ngoài môi trường,…/.

Tấn Lộc

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop