Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 03 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 03 năm 2021

Chăm sóc vườn cây ăn trái mùa nắng nóng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Hạn hán và xâm nhập mặn hiện không nghiêm trọng như đợt hạn mặn lịch sử của mùa khô năm 2019-2020, nhưng vẫn khá gay gắt và đang gây nhiều tác động tiêu cực cho sản xuất trồng trọt, sinh hoạt của người dân.

Nguy cơ bị thiệt hại do nắng hạn

Nông dân tưới nước cho vườn cây ăn trái ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Hiện nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL nhìn chung được đảm bảo nhờ sự chủ động chuẩn bị của người dân và quan tâm hỗ trợ tích cực của ngành chức năng trong đầu tư, vận hành hiệu quả nhiều công trình ngăn mặn và tích trữ nước ngọt. Tuy nhiên, các địa phương phải đối mặt với tình hình nắng nóng xảy ra với cường độ cao trong những ngày qua, với nền nhiệt ban ngày tại TP Cần Thơ và nhiều nơi ở Nam bộ đạt mức cao lên đến 35-370C. Vào ban đêm, nền nhiệt lại giảm thấp và nhiệt độ chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm lên đến 13-140C. Trong điều kiện thời tiết như vậy, nhiều loại sâu bệnh dễ bùng phát gây hại cho cây ăn trái và cây cũng có nguy cơ bị giảm năng suất cho trái, thậm chí bị chết nếu không được cung cấp đủ nước và có biện pháp chăm sóc, bảo vệ phù hợp.

Thời gian qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng làm cho việc xuất khẩu và tiêu thụ nhiều loại trái cây gặp khó, khiến giá bị giảm thấp, nhất là trong dịp trước và trong Tết Nguyên đán 2021 nên đã xảy ra tình trạng nhiều vườn cây ăn trái tới lứa thu hoạch nhưng nông dân phải neo trái lại nhằm chờ giá tăng. Điều này đã ít nhiều làm cho cây bị suy kiệt, ảnh hưởng đến sức chống chịu của cây trong điều kiện nắng nóng bất lợi. Ngoài ra, thời điểm này có một số loại cây ăn trái cũng đang trong quá trình ra hoa và đậu trái như: sầu riêng, dâu… nên rất cần được chăm sóc kỹ và tưới đủ nước để đảm bảo năng suất và chất lượng trái.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Theo các dự báo của ngành chức năng, tình hình hạn hán trong mùa khô năm nay có khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, đồng thời xâm nhập mặn cũng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ven biển tại vùng ĐBSCL. Đáng chú ý, nắng nóng gay gắt đã diễn ra trên diện rộng và dự báo còn kéo dài. Đối với diện tích cây ăn trái còn neo trái quá lứa, nông dân nên có giải pháp thu hoạch, khôi phục sức khỏe cho cây. Để bảo vệ vườn cây ăn trái, nông dân cũng cần thường xuyên rà soát hệ thống ao, mương trữ nước để đảm bảo đủ nước tưới cho cây và quan tâm áp dụng các biện pháp tủ cỏ, rơm rạ… để bảo vệ cây. Tuyệt đối không phun thuốc diệt cỏ trong thời điểm nắng nóng này. Quan tâm cắt tỉa các cành cây già cỗi, tạo tán cho cây thông thoáng, hạn chế nơi trú ẩn cho sinh vật gây hại. Chú ý bón phân và cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách cân đối, nhất là chú ý bón phân kali và tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng sâu bệnh và các loại nấm, vi khuẩn gây hại cây…”.

Cũng theo ông Nghiêm, dự báo mưa trái mùa cũng có khả năng xuất hiện trong mùa nắng nóng này nên bà con nông dân cũng cần chú ý để có giải pháp phòng tránh các nguy cơ gây hại cho vườn cây. Cần tưới đủ nước cho cây thường xuyên, chủ động hạn chế hiện tượng sốc nước do mưa trái mùa, gây nứt trái, rụng trái và khiến cây đâm chồi ngoài ý muốn. Song song đó, nông dân cần quan tâm đẩy mạnh sản xuất cây trái theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm đảm bảo đầu ra.

Tích cực bảo vệ vườn cây

Cây ăn trái là loại cây trồng lâu năm, nông dân tốn nhiều chi phí đầu tư và công sức mới có được các vườn cây cho huê lợi. Do vậy, nếu để xảy ra tình trạng cây chết thì thiệt hại rất lớn cả về mặt chi phí và thời gian. Đặc biệt, nông dân rất khó khôi phục lại vườn cây trong thời gian ngắn như sản xuất lúa, rau màu và các loại cây trồng ngắn ngày nói chung. Nhận thức được điều đó, các nhà vườn trồng cây ăn trái ở TP Cần Thơ đã và đang tích cực quan tâm áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp được ngành Nông nghiệp khuyến cáo nhằm chăm sóc, bảo vệ tốt vườn cây.

Ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, chia sẻ: “Thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào 20 công sầu riêng. Để bảo về vườn sầu riêng trong mùa nắng nóng này, ngoài việc chủ động nguồn nước và tưới cho cây thường xuyên, tôi cũng đã cắt tỉa bớt các cành lá già cỗi, bón phân cân đối, phù hợp và tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ. Đồng thời, sử dụng sình bùn, rơm rạ, cỏ cây che chắn, bảo vệ cho cây”. Ông Bùi Văn Dũng, ngụ ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, nói: “Mùa nắng nước rất dễ bốc hơi, do vậy tôi cũng đã chú ý sử dụng sình bùn, rơm rạ và cây cỏ để che đậy gốc cây nhằm giữ ẩm, nhằm bảo vệ tốt vườn mít Thái. Để tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả tưới nước cho vườn cây, tôi cũng đã đầu tư hệ thống phun tưới nước tự động cho 9 công đất trồng cây ăn trái. Tôi chỉ cần bật cầu dao điện là hệ thống tự phun tưới nước cho vườn cây đều khắp và chỉ cần mất thời gian khoảng 15-20 phút”.

Cần Thơ có hơn 21.620ha cây ăn trái các loại, với sản lượng thu hoạch trái đạt hơn 143.150 tấn/năm. Cây ăn trái được trồng khá đa dạng về chủng loại và có nhiều loại trái cây ngon, đặc sản như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn, vú sữa, xoài, mít, dâu, cam, bưởi, mận... Thời gian qua, nhiều loại cây ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ cho hiệu quả kinh tế rất cao, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nhiều hộ dân.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Bình Thuận: Triển vọng cây bơ trái vụ tại Thắng Hải

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Hiện nay, cây bơ trái vụ đang sinh trưởng phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng vượt trội tại vùng đất xám tại thôn Suối Bang, xã Thắng Hải (Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).

Tại vườn bơ xanh mướt, trĩu quả của ông Võ Văn Sót, hơn 3.500 gốc bơ được trồng, gồm nhiều loại bơ khác nhau. Đó là 034, Mã Dưỡng, Bà Khái, Không Tên, Dưa Leo… Để có vườn bơ trĩu quả như hôm nay, ông Sót mạnh dạn chuyển đổi 5 ha cây trồng mì sang cây bơ trái vụ vào năm 2016 nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Bởi đây là loại cây dễ trồng, tiết kiệm công chăm sóc, kháng sâu bệnh tốt và cho năng suất cao.

Nắm bắt đặc tính để bơ nghịch vụ sinh trưởng tốt, là không cần nhiều nước mà cần độ ẩm ổn định. Cây bơ thay đổi nhu cầu cần nước theo từng giai đoạn phát triển. Nếu người trồng cung cấp nước không đủ, thì cây không nở hoa, kết trái. Ông Sót ứng dụng công nghệ tưới phun mưa tự động tại gốc bơ. Phương pháp này sử dụng các loại béc tưới phun. Một lần tưới được diện tích lớn, giúp tiết kiệm được nhân công, chi phí mà vẫn đảm bảo yêu cầu tưới đúng thời điểm cho cây trồng để đạt năng suất.

Trồng bơ nghịch vụ kết hợp áp dụng hệ thống tưới phun mưa tại gốc, ông Sót trồng chuyên canh cây bơ với diện tích 5 ha. Ước tính, mỗi năm thu được gần 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Tại thời điểm này, thương lái thu mua tận vườn, giá dao động 70.000 - 75.000 đồng/kg tùy loại bơ.

Đến nay, toàn xã Thắng Hải có 9 ha diện tích cây bơ trái vụ thuộc 3 gia đình canh tác. Từ thông tin trên cho thấy, bơ trái vụ mang lại hiệu quả cao, phù hợp với đất xám. Song hành cùng nhãn, xoài, mít, cây bơ mở ra định hướng phát triển thêm loại cây ăn quả tại xã Thắng Hải.

Trang Minh

Huyện Gò Công Tây (Tiền Giang): Giá thanh long tăng cao, nông dân phấn khởi

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, cây thanh long trên địa bàn huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) bắt đầu có giá tăng cao trở lại nên nông dân trồng thanh long trên địa bàn huyện Gò Công Tây cũng như tại các địa phương khác rất phấn khởi.

Người dân phấn khởi thu hoạch thanh long.

Tại xã Bình Phú, xã Đồng Sơn, đây là những địa phương có diện tích thanh long nhiều của xã, hiện thanh long ruột đỏ loại 1 đang có giá từ 25.000 - 26.000 đồng/kg. Trên 02 công đất trồng thanh long bà con có thể thu về trên 10 tấn trái; sau khi trừ đi các khoản chi phí, nông dân thu lãi trên 100 triệu đồng. Theo nhiều bà con trồng thanh long, sau Tết Nguyên đán, thanh long thuận lợi xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài nên bắt đầu có giá tăng cao trở lại. Hiện thương lái từ các tỉnh Long An, Bình Thuận đang tìm mua thanh long của nhà vườn để vận chuyển đi tiêu thụ ở nơi khác và phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Anh Nguyễn Văn Năm, người trồng thanh long tại xã Bình Phú cho biết: "Hiện tại, giá thanh long trên địa bàn huyện Gò Công Tây đang ở mức cao, đó là nhờ bà con thực hiện tốt các biện pháp trữ nước và chăm sóc tốt cây thanh long trong mùa nắng nên vườn thanh long của nhà anh và các hộ khác cho trái sai, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Nếu tiếp tục duy trì được mức giá này ở những vụ tiếp theo thì nông dân trồng thanh long rất vui mừng".

Kim Lan - Quốc Nam

Khoai mỡ trúng mùa, được giá, nông dân có lãi cao

Nguồn tin: Báo Long An

Vụ khoai mỡ Đông Xuân (ĐX) 2020-2021, nông dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An rất phấn khởi vì trúng mùa, được giá.

Vụ Đông Xuân 2020-2021, nông dân trồng khoai mỡ phấn khởi vì trúng mùa, được giá

Tháng 01/2021, nông dân Thạnh Hóa bước vào vụ thu hoạch khoai mỡ, năng suất dao động từ 12/15 tấn/ha. Không chỉ trúng mùa, khoai mỡ còn bán được giá. Cụ thể, vào đầu mùa vụ, khoai mỡ loại I bán với giá trên 20.000 đồng/kg, cao gấp 4 lần so cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, nông dân có lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Vĩnh Thắng, ngụ xã Thủy Đông, chia sẻ: “Năm nay, thời tiết thuận lợi; đồng thời, người dân biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên khoai mỡ ít bị bệnh, củ to, tròn đều, đạt năng suất, bán được giá và ít có khoai dạt. Tôi trồng gần 2ha khoai mỡ, đầu vụ bán với giá gần 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gần 200 triệu đồng”.

Theo nhiều nông dân huyện Thạnh Hóa, vụ ĐX 2019-2020, khoai mỡ loại I bán giá 5.000 đồng/kg, thậm chí nhiều ruộng không có thương lái đến thu mua, nông dân phải vận chuyển khoai mỡ ra tận ghe, xếp hàng đợi thương lái đến cân. Điều này làm nhiều nông dân trồng khoai mỡ lâm cảnh nợ nần. Còn vụ ĐX này, nông dân trồng khoai mỡ thắng lớn.

Tiểu thương Lê Văn Hiệp, ngụ thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, thông tin: “Thị trường tiêu thụ khoai mỡ chủ yếu ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Vụ ĐX 2019-2020, tình hình tiêu thụ khoai mỡ nói riêng, các loại hoa màu khác nói chung đều chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh

Covid-19. Còn năm nay, tình hình tiêu thụ khoai mỡ trở lại bình thường, bình quân mỗi ngày, tôi thu mua gần 10 tấn khoai mỡ, sau đó giao lại cho các thương lái ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây”.

Khoai mỡ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương

Được biết, cây khoai mỡ thích hợp trồng ở các vùng đất phèn. Hiện nay, tổng diện tích trồng khoai mỡ trên địa bàn tỉnh gần 2.700ha, nhiều nhất là ở các xã: Thạnh An, Thủy Đông và Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa. Những năm qua, khoai mỡ được xem là cây “hái ra tiền” của người dân nơi đây. Bà Huỳnh Thị Liễu, ngụ xã Thủy Đông, bộc bạch: “25 năm qua, diện tích đất của gia đình chỉ trồng được khoai mỡ, còn trồng lúa cho năng suất rất thấp, không có lợi nhuận. Ngoài ra, trồng khoai mỡ còn tạo việc làm thường xuyên cho người dân quê tôi. Vào vụ thu hoạch, từ 6-12 giờ, chúng tôi thường đi làm cho các ruộng khoai xung quanh với tiền công 200.000 đồng/người. Còn buổi chiều, chúng tôi tranh thủ thời gian chăm sóc ruộng khoai của gia đình”.

Thời điểm này, nông dân huyện Thạnh Hóa tất bật thu hoạch khoai mỡ, khuôn mặt ai cũng nở nụ cười vui tươi vì vụ khoai trúng mùa, được giá. Chủ tịch UBND xã Thủy Đông - Phan Vũ Cường cho biết: “Thời gian qua, cây khoai mỡ phát triển góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nhàn rỗi ở địa phương, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng khoai theo hướng an toàn, liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra và giá cả ổn định”./.

Kim Ngọc

Triển vọng giống mì kháng bệnh khảm lá trên đất Tây Ninh

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Bệnh khảm lá trên cây mì (sắn) bùng phát và lây lan trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ tháng 7.2017. Đây là loại bệnh nguy hiểm do virus gây ra trên cây mì, hiện chưa có thuốc đặc trị, bệnh làm giảm năng suất và chất lượng tinh bột.

Ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra thực tế hai giống mì HN3 và HN5 sau thu hoạch.

Để duy trì và phát triển cây mì, từ năm 2018 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật và Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) và Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh triển khai chương trình nghiên cứu và khảo nghiệm trên 102 giống mì kháng bệnh khảm lá dưới áp lực bệnh trên đồng ruộng tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu.

Ông Nguyễn Anh Vũ – Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm (thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, các ruộng thí nghiệm giống sắn khảo nghiệm đều phát triển rất tốt, chiều cao và tán lá tốt hơn so với giống đối chứng (KM419, HL-S11) và các ruộng của nông dân xung quanh.

Đánh giá năng suất củ mì giống khảm ngang bằng với các giống đang trồng tại địa phương.

Sau khi đánh giá khả năng kháng bệnh khảm lá trên đồng ruộng và tham khảo kết quả năng suất, tỷ lệ tinh bột từ các thí nghiệm diện hẹp đã thu hoạch của Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, xác định được 8 giống có khả năng chống chịu được bệnh khảm lá sắn gồm: C4, C9, C36, C48, C97, HN3, HN4, HN5. Trong đó, 2 giống HN3 và HN5 có khả năng chống chịu được bệnh khảm lá mì mạnh nhất, Đồng thời, còn cho năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với giống KM140 và KM419 (được trồng phổ biến hiện nay).

Hiện Viện cùng với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tây Ninh đang triển khai các bước để nhân giống với số lượng lớn hai giống mì HN3 và HN5, sớm đưa vào sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh cho biết sau hơn 2 năm Chi cục cùng với Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài nghiên cứu, khảo nghiệm hơn 100 giống mì.

Đến nay, về cơ bản đã có thể khẳng định hai giống mì HN3 và HN5 hoàn toàn kháng được bệnh khảm lá. Đồng thời, qua quá trình theo dõi và đánh giá đây là 2 giống có năng suất và chất lượng tinh bột ngang với các giống mì địa phương như HL419, HL05.

Ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra thực tế hai giống mì HN3 và HN5 sau thu hoạch.

Cũng theo ông Hồng, trong vụ sản xuất sắp tới, Chi cục sẽ triển khai nhân rộng hai giống mì này với diện tích khoảng 10ha. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam theo dõi, đánh giá. Dự kiến trong năm 2022 sẽ triển khai cho nông dân trồng đại trà, thay thế những giống mì địa phương đang bị nhiễm khảm lá.

Nguyên An

Gia Lai: Giá ớt ‘nhảy múa’ khó lường, lệ thuộc Trung Quốc, lãi cao cũng không nên trồng ồ ạt

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Những năm gần đây, diện tích trồng ớt trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng nhanh vì đây là cây trồng ngắn ngày, dễ chăm sóc. Giá ớt bán được thường khá tốt nên nông dân thu lãi cao so với chi phí đầu tư.

Những năm gần đây, diện tích trồng ớt trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng nhanh vì đây là cây trồng ngắn ngày, dễ chăm sóc lại có giá bán thu lãi cao so với chi phí đầu tư.

Tuy nhiên, do thị trường chưa có đầu ra ổn định, giá ớt lên xuống thất thường, nên ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích, tránh bị tồn đọng hàng như các loại nông sản trước đây.

Do thị trường chưa có đầu ra ổn định, giá ớt lên xuống thất thường, nên ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích.

Theo ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kong Chro, trước Tết, huyện có gần 1.500 ha ớt đang trong thời điểm thu hoạch. Giá ớt vụ này cao nhất trong các năm trở lại đây nên người dân rất phấn khởi. Cá biệt, trên địa bàn huyện Kong Chro có một số gia đình thu lãi hàng tỷ đồng từ ớt do gieo trồng trên diện tích lớn.

Cụ thể, có thời điểm, giá ớt tại Gia Lai liên tục tăng cao trung bình từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, thậm chí 120.000 đồng/kg. Với năng suất trung bình khoảng 12 tấn/ha, mỗi sào ớt, người dân thu lãi khoảng hơn 120 - 130 triệu đồng.

Tuy nhiên, qua Tết, giá ớt hạ nhiệt, lên xuống thất thường, trung bình từ 50.000 - 60.0000 đồng/kg. Thời điểm tháng 3/2021 giá ớt tụt sâu xuống chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên với giá bán hiện tại, người dân vẫn lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng/ha.

Hiện, diện tích ớt của tỉnh Gia Lai tâp trung tại các huyện phía Đông Nam như Kong Chro, An Khê, Đắk Pơ, Kbang. Ớt là cây rau màu có vòng đời khoảng 1 năm, sau khi gieo giống vào đầu mùa mưa Tây Nguyên (tháng 5 - 6) thì đến cuối năm là đã có thể thu hoạch, phục vụ nhu cầu thị trường Tết nên giá ớt thường rất cao.

Những năm trở lại đây, người dân trồng ớt rất phấn khởi vì ớt được mùa, được giá, dù giá xuống thấp nhất cũng vẫn có lãi hơn nhiều so với đầu tư trồng sắn, mía.

Chị Nguyễn Thị Hồng, huyện Đắk Pơ, cho biết, gia đình chị trồng 2 sào ớt, trước Tết, với giá bán trung bình 100.000 đồng/kg, chị thu lãi khoảng 150 triệu đồng trong đợt hái trước Tết.

Nay giá ớt chỉ còn 18.000 - 20.000 đồng/kg thì gia đình chị vẫn thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Ớt không chín đồng loạt mà cho thu hoạch liên tục trong vòng 6 tháng rồi mới trồng mới. Nông dân trồng cây ớt thu lợi nhuận khá cao, nhất là thời tiết thuận lợi, nắng ráo như sau Tết.

Tuy năm nay ớt được mùa, được giá nhưng theo giới chuyên môn, người dân không nên tự ý phát triển ồ ạt diện tích cây trồng này. Ông Nguyễn Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Pơ, cho biết, huyện có diện tích khoảng 300 ha ớt đang thu hoạch.

Theo nhìn nhận của cơ quan chuyên môn, giá ớt tăng cao trong những tháng vừa qua là do các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng mưa bão, diện tích ớt bị hư hại nhiều, nông dân chưa trồng lại kịp. Đầu ra chủ yếu của ớt thực tế chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Vì vậy, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích, tránh tồn đọng hàng vì giá xuống thấp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 2.000 ha ớt, trồng chủ yếu tại các huyện phía Đông Nam tỉnh. Cây ớt có khả năng chịu nắng nóng rất tốt, ít sử dụng nước tưới, chi phí đầu tư thấp. Ớt trồng khoảng 5 tháng đã cho thu bói và thu hoạch nhiều đợt. Cây ớt có tuổi đời 1 năm, cho chu kỳ thu hoạch kéo dài từ 5 - 6 tháng.

Do nhiều thuận lợi, ớt là cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp nên nhiều năm trở lại đây người dân các huyện phía Đông Nam tỉnh Gia Lai nhân rộng diện tích, chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng ớt. Tuy thu nhập khá hơn các loại nông sản khác nhưng ngành nông nghiệp địa phương vẫn khuyến cáo người dân không nên tự ý phát triển diện tích ớt, phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng nông nghiệp, việc này dễ gây hậu quả kéo giá ớt xuống thấp, do nguồn cung quá nhiều như một số loại nông sản trước đây.

Để cây ớt phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đang phối hợp các địa phương khuyến khích, hỗ trợ người nông dân liên kết sản xuất ớt theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã gắn kết với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến ớt để đảm bảo về đầu ra ổn định khi mở rộng diện tích, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hồng Điệp (TTXVN)

Sử dụng thiên địch để tiêu diệt sâu bệnh hại trên cây ớt chuông

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, đơn vị này đã thử nghiệm thành công mô hình dùng nhện Ambly và nhện Phyto để tiêu diệt bọ trĩ, nhện đỏ hại cây ớt chuông.

Theo đó, việc thử nghiệm được tiến hành trên diện tích 4.500 m2 sản xuất ớt công nghệ cao của ông Nguyễn Phong Phú (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương). Kết quả kiểm định cho thấy việc thả thiên địch lên cây ngay từ đầu sẽ đảm bảo an toàn trên 80%. Khi thiên địch phát hiện côn trùng gây hại, chúng sẽ săn bắt, tiêu diệt hoàn toàn. Trong trường hợp vườn kiệt 100% côn trùng gây hại, các loại thiên địch sẽ ăn phấn hoa hoặc có thể hút nhựa cây nhưng không đáng kể. Với chu kỳ sinh trưởng 9 tháng của ớt chuông, cần thả thiên địch 4 lần với chi phí 8 triệu đồng/lần/1.000 m2. So với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giải pháp này tiết kiệm được 50% chi phí trong khi hiệu quả cao hơn nhiều lần.

Ông Nguyễn Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, việc ứng dụng các công nghệ sinh học, ứng dụng các loại côn trùng thiên địch vào phòng trừ dịch hại cây trồng là điều cần thiết và địa phương đang thực hiện. Từ thành công của mô hình thí điểm, thời gian tới mô hình này sẽ được nhân rộng, triển khai thêm trên các loại cây trồng khác. Dự kiến trong năm nay, nhiều lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về thiên địch đến với bà con nông dân sẽ được tổ chức. Đồng thời, đơn vị này cũng đang xúc tiến thực hiện mô hình thiên địch trên 10 ha chè tại huyện Bảo Lâm.

NGỌC NGÀ

Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ được nhân rộng tại Đồng Tháp

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Ngày 18/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp phối hợp với Tổ chức Seed To Table (Nhật Bản) tổ chức hội nghị sơ kết dự án (DA) phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Đồng Tháp giai đoạn 2019 - 2021. Tham dự có gần 50 đại biểu đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân và ngành nông nghiệp ở các huyện, thành phố.

Mô hình sản xuất rau hữu cơ được thực hiện tại Trường THPT Nguyễn Quanq Diêu, TP.Cao Lãnh

Sau 2 năm triển khai thực hiện, DA phát triển nông nghiệp hữu cơ đã có nhiều tín hiệu tích cực, từng bước được nhân rộng và phát triển hiệu quả tại nhiều điểm trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Từ hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ, DA giúp học sinh, sinh viên hiểu hơn về tầm quan trọng của nền nông nghiệp hữu cơ. DA cũng được đông đảo nông dân nhiệt tình tham gia, giúp nông dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất và làm quen dần với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bền vững với môi trường...

Theo bà Ino Mayu - Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table, hiện nay phát triển nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu hướng ở trong nước và thế giới. Với sự phát triển của cuộc sống, chất lượng bữa ăn trong mỗi gia đình Việt ngày càng được nâng cao. Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn các sản phẩm nông sản an toàn và có chứng nhận hữu cơ. Mong rằng với những nền móng từ DA, thế hệ trẻ của tỉnh sẽ phát huy trong tương lai.

Bên cạnh những kết quả, DA cũng có nhiều khó khăn như: tinh thần hợp tác của nông dân vẫn còn hạn chế, gây khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm rau hữu cơ; nông dân chưa quen với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật luân canh để giảm áp lực sâu bệnh.

Ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định, sau 2 năm phát triển dự án nông nghiệp hữu cơ, có nhiều tín hiệu tích cực, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Đồng Tháp cam kết sẽ đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để DA tiếp tục phát triển và mở rộng. Địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Seed to Table để liên kết và tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm rau hữu cơ của Đồng Tháp.

Mỹ Lý

Hiệu quả từ sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã và đang hỗ trợ nông dân các huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn. Mô hình này không chỉ giúp giảm chi phí thức ăn, giảm tồn dư thuốc kháng sinh, mà còn tăng tỷ lệ thịt sạch cung cấp cho thị trường, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, từ năm 2019, trung tâm thực hiện thành công mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn quy mô 50.000 con/năm. Kết quả cho thấy, đàn gà khỏe, tăng trọng nhanh, giảm công chăm sóc và chi phí thuốc kháng sinh trong phòng, điều trị bệnh; thu lãi cao hơn phương pháp nuôi thông thường 10-15%.

Phát huy kết quả đó, từ tháng 7 đến tháng 12-2020, trung tâm tiếp tục thực hiện mô hình với quy mô 50.000 con gà trên địa bàn các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây với 61 hộ nông dân tham gia. Mô hình có tổng mức đầu tư hơn 2,89 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Tin ở thôn Đồng Chằm, xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) cho biết: "Gia đình tôi và những hộ tham gia mô hình được hỗ trợ và đối ứng 50% tổng trị giá giống, thức ăn, thảo dược; được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, cách phòng, trị bệnh cho gà… Cán bộ khuyến nông cũng bám sát quá trình thực hiện chăn nuôi gà của các hộ gia đình và đưa nông dân tham quan các mô hình ở những huyện khác để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm".

Chị Vũ Thị Bích Diệp, cán bộ chỉ đạo thực hiện mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn trên địa bàn xã Kim Sơn và phường Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây) cho biết, 10 hộ tham gia mô hình ở 2 xã, phường, mỗi hộ được hỗ trợ 1.000 con gà, 4.700kg thức ăn và thảo dược… Tháng 12-2020, đàn gà được xuất chuồng, theo tính toán của các hộ chăn nuôi, gà thương phẩm được bán với giá 80.000-90.000 đồng/kg, bình quân thu lãi 50- 60 triệu đồng/1.000 con gà.

Mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn cho hiệu quả rõ rệt, doanh thu cao hơn, chất lượng thịt ngon hơn, do đó nhiều hộ tiếp tục phát huy, tăng đàn vật nuôi, như gia đình ông Phùng Văn Tuấn ở thôn Kim Đái 2 (xã Kim Sơn) nuôi 6.000-10.000 con/lứa; gia đình bà Nguyễn Thị Hương ở khu phố 1 (phường Trung Sơn Trầm) nuôi 2.000-4.000 con/lứa…

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn đã mang lại hiệu quả rõ rệt và mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, trung tâm cũng đã đề xuất Sở NN& PTNT Hà Nội quan tâm, tiếp tục triển khai mô hình trên địa bàn thành phố; đồng thời đề nghị các địa phương hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, tạo chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôi, giúp tiêu thụ ổn định sản phẩm để nông dân yên tâm phát triển chăn nuôi gia cầm sạch với quy mô lớn, tập trung, gia tăng lợi nhuận...

ÁNH DƯƠNG

Chàng trai 8X Nghệ An thu nửa tỉ đồng mỗi năm từ đàn gà ‘khủng’

Nguồn tin: Lao Động

Anh Nguyễn Xuân Anh cùng mô hình trang trại gà sạch tự động trên địa bàn. Ảnh: Đình Linh

Với quyết tâm đột phá, anh Nguyễn Xuân Anh (xã Nghi Thái, Nghi Lộc, Nghệ An) đã quyết tâm khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương bằng nghề chăn nuôi gà sạch.

Đầu tháng 3.2021, chúng tôi có dịp tới thăm mô hình nuôi gà sạch đầu tiên trên địa bàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An) của anh Nguyễn Xuân Anh (31 tuổi).

Anh cho biết, công việc trước đây trong ngành đường sắt thu nhập không ổn định, xa nhà nên đến năm 2017, anh quyết định xin nghỉ việc tại đường tàu và hướng đến học hỏi các loại mô hình kinh tế hộ gia đình.

Đến đầu năm 2018, sau khi vay vốn và đấu thầu thành công mảnh đất quy hoạch chăn nuôi trang trại, anh triển khai xây dựng và nuôi hơn 10.000 con gà trên diện tích 3.000 m2.

Nhờ học hỏi kinh nghiệm và phương pháp chăn nuôi từ nhiều nơi nên những lứa gà phát triển rất tốt, đem lại nguồn thu ổn định.

Được biết mô hình này là dạng hợp tác chăn nuôi gà công nghiệp, doanh nghiệp bên ngoài cung cấp lượng thức ăn và các yếu phẩm cho vật nuôi, đáp ứng được tiêu chuẩn gà sạch.

Đặc biệt là sử dụng nguồn nước sạch đã qua hệ thống lọc. Đàn gà phát triển khá nhanh chóng và có đầu ra ổn định.

Lứa gà trưởng thành chuẩn bị xuất chuồng. Ảnh: Đình Linh

Sau hơn 3 năm, anh Xuân Anh đã mở rộng và xây dựng thêm một trang trại gà tương tự tại xã Nghi Ân và hồ nuôi tôm, nuôi cá gần nhà.

Hằng năm trang trại của anh có3 lứa gà xuất chuồng, mỗi lứa hơn 20.000 con, đạt thu nhập trừ chi phí lên đến 400-500 triệu đồng/năm cho mỗi trang trại.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi gà, anh cho biết: “Phải có giống tốt, nguồn thức ăn hợp lý, đảm bảo vệ sinh, và đặc biệt là cách phòng chống dịch bệnh”.

Trang trại chăn nuôi gà sạch của Xuân Anh được xem là trang trại kiểu mẫu sử dụng phần lớn các trang thiết bị hiện đại, với thiết bị cho ăn tự động, kèm hệ thống quạt gió khử mùi hoạt động 24/24.

Hệ thống quạt gió với chức năng khử mùi và tránh ẩm ướt cho trại. Ảnh: Đình Linh

Vỏ trấu được sử dụng như một tấm đệm lót sinh học tạo ấm, giúp giữ độ khô ráo tránh ẩm ướt phát sinh bệnh và bốc mùi. Nước thải và phân chuồng cũng được xử lý qua men vi sinh tránh ảnh hưởng đến khu dân cư.

Anh Xuân Anh xây dựng hố vôi khử trùng tại điểm ra vào, vòi xịt vệ sinh xung quanh, đặc biệt chọn lựa giống gà từ những vùng an toàn, có nguồn gốc.

“Khi các xe vận chuyển từ nhiều vùng khác đến, khi xe đi qua có chức năng diệt khuẩn bánh xe, hoặc nhận thấy những xe di chuyển từ vùng dịch thì trực tiếp dùng nước và thuốc vệ sinh trước khi vào trại nhằm giữ an toàn tuyệt đối” - anh cho biết thêm.

Hố vôi khử trùng nơi cửa ra vào trang trại. Ảnh: Đình Linh

Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thái - ông Nguyễn Văn Lục cho biết: “Mô hình chăn nuôi gà sạch của Nguyễn Xuân Anh có tính tiên phong, tiêu biểu, tạo hướng đi mới cho người dân địa phương.

Xã luôn tạo điều kiện hỗ trợ, tập trung xây dựng chuyển đổi một số đất diện tích năng suất thấp không sử dụng được sang xây dựng các mô hình kiểu mới”.

ĐÌNH LINH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop