Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 05 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 05 năm 2020

Gần 18.000 ha lúa và cây ăn trái thiệt hại do hạn mặn

Nguồn tin:  VOV

Từ đầu năm đến nay do nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập làm ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long.

Đến nay đã có khoảng 18.000 ha lúa và cây ăn trái của bà con nông dân ở địa phương bị thiệt hại.

Từ nhiều ngày qua, anh Nguyễn Đạt Ân, ở ấp Tân Mỹ B, xã Chánh An, huyện Mang Thít đã thực hiện nhiều cách để cứu vườn cây sầu riêng gần 10 năm tuổi đang khô lá và có khả năng chết cây.

Cống Mười Miên, ấp Bình Hòa 2, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ đang khô nước

Anh Ân cho biết, đây là năm đầu tiên nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, vườn sầu riêng đang hứa hẹn một mùa bội thu nhưng nay đã rụng hết trái. Anh cố gắng cắt bỏ bớt cành với mong muốn cứu được cây sầu riêng nhưng rất khó vì nhiều cành đã chết khô.

"Nước mặn làm cho rụng lá và cháy lá, rớt trái, 1 cây khoảng 40 -50 trái rớt hết, không còn nữa" - anh Ân chia sẻ.

Tại các xã cù lao An Bình, thuộc huyện Long Hồ nơi có rất nhiều sông rạch nên công tác phòng chống hạn mặn gặp rất nhiều khó khăn. Tại đây khi mùa khô đến, nước mặn xâm nhập, người dân địa phương chỉ biết đóng các cống lại chờ nước mưa về.

Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài như hiện nay, hầu hết vườn cây ăn trái của người dân địa phương đều bị thiếu nước tưới. Tại xã Bình Hòa Phước, thuộc cù lao An Bình hiện có khoảng 30 ha cây chôm chôm bị ảnh hưởng.

Vườn sầu riêng của anh Nguyễn Đạt Ân, ở ấp Tân Mỹ B, xã Chánh An nhiều cây đã chết.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX chôm chôm Bình Hòa Phước có khoảng 18 ha chôm chôm cho biết: "Một năm bà con chỉ có một mùa trái cây. Vườn thì chuyên canh cây ăn trái ở xứ cù lao. Hiệu quả kinh tế rất cao, nếu ảnh hưởng hạn mặn thì ảnh hưởng đến kinh tế bà con rất lớn".

Theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, hiện toàn tỉnh có khoảng 17.600 ha lúa và vườn cây ăn trái bị thiệt hại do ảnh hưởng hạn mặn, trong đó hơn 1.000 ha vườn cây ăn trái tập trung tại các huyện Vũng Liêm, Mang Thít và Long Hồ và Trà Ôn.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm nay tình hình hạn mặn diễn biến rất phức tạp, nước trên các sông rạch xuống thấp đáng kể.

Để chủ động ứng phó với mặn xâm nhập , ngay từ đầu mùa khô Vĩnh Long đã vận động nhân dân kiểm tra, gia cố các công trình thủy lợi trên địa bàn, thực hiện nạo vét các mương để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn để thông báo kịp thời đến người dân chủ động ứng phó.

Điều đáng mừng là ý thức người dân trong công tác ứng phó mặn xâm nhập đã được nâng cao, tất cả các xã đều được trang bị máy đo độ mặn. Chính quyền địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm; đồng thời tận dụng các dụng cụ trữ nước để tưới tiêu trong mùa khô. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi thiệt hại.

Vườn chôm chôm của người dân ở các xã Cù Lao An Bình đang thiếu nước nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm: "Tới giờ phút này chúng ta cũng đã có một số thiệt hại trên vườn cây ăn trái và trên lúa. Giải pháp chúng ta chỉ mới là khắc phục tạm thời, do đó cần nhất là tuyên truyền. Đồng thời, chúng tôi phân công các đơn vị trực thuộc như trồng trọt, bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông sẽ tiến hành những cuộc tập huấn hướng dẫn bà con nông dân về các giải pháp khắc phục".

Việc ứng phó với hạn mặn ở Vĩnh Long những tháng qua cũng chỉ là biện pháp tình thế. Về lâu dài, theo ông Nguyễn Văn Liêm, địa phương cần có đề án phát triển hệ thống cống đập đồng bộ, có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh và thường xuyên nạo vét kênh mương mới có thể đối phó được với hạn mặn trong những năm tới. Để thực hiện được điều này cần có vốn đầu tư lớn, trong khi kinh phí dùng để phát triển hệ thống thủy lợi của địa phương còn hạn chế./.

Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL

Cần Thơ đưa công nghệ 4.0 vào đồng ruộng

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0 (thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4), TP Cần Thơ đang tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thông qua các chương trình khuyến nông và tranh thủ sự hỗ trợ từ các viện, trường và các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp được Trung ương và các tổ chức quốc tế tài trợ, thành phố từng bước giúp cán bộ quản lý nông nghiệp và nông dân sử dụng các thiết bị, công nghệ mới, nhằm quản lý tốt đồng ruộng, giúp cây trồng đạt năng suất, chất lượng cao.

Thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn tự động được lắp đặt tại CĐL của Hợp tác xã nông nghiệp Hiếu Bình, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: CTV

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết, vừa qua ngành Nông nghiệp thành phố đã đưa thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn tự động (còn gọi là thiết bị IoT: Internet of Things) vào đồng ruộng để giúp đo đạc, thu thập tự động và có độ chính xác cao các thông tin về khí tượng thủy văn, cũng như thông số dữ liệu về đất, nước, tình hình phát triển của lúa… Cụ thể, Cần Thơ đã lắp đặt 1 thiết bị IoT tại mô hình cánh đồng lớn (CĐL) của HTX nông nghiệp Hiếu Bình ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh và 1 thiết bị IoT tại CĐL của Tổ hợp tác sản xuất lúa ở khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt. Đây là thiết bị do Trường Đại học Cần Thơ lắp ráp và tặng cho ngành nông nghiệp TP Cần Thơ.

Thiết bị IoT không chỉ được lắp đặt các bộ phận cảm biến, đo đạc khí tượng thủy văn... mà còn có các camera để ghi lại hình ảnh thực tế trên đồng ruộng và hệ thống truyền dữ liệu qua sim 3G. Người sử dụng (nhà quản lý, nhà chuyên môn, hộ canh tác) được cảnh báo sớm và phát đáp lại với các diễn biến thời tiết và tình hình phát triển của lúa trên đồng ruộng, nhờ vậy chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc, cảnh báo sớm sâu bệnh, hạn mặn, dự báo năng suất, thời gian thu hoạch phù hợp,...Các thông tin, dữ liệu và hình ảnh do thiết bị IoT cung cấp có thể dễ dàng được chia sẻ và cung cấp cho nhiều người, chỉ cần người đó có các thiết bị kết nối được với mạng Internet (như máy tính, điện thoại thông minh...) được cài đặt phần mềm và có mật khẩu để truy cập.

Giáo sư, tiến sĩ Võ Quang Minh, Trưởng Bộ môn Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học Cần Thơ, cho biết: "Thiết bị IoT được đưa vào đồng ruộng giúp thu thập, xử lý thông tin một cách nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm được nhiều chi phí và nguồn nhân lực so với cách cử người đi thu thập thông tin theo kiểu thủ công, phải đi kiểm tra đồng ruộng hằng ngày, hằng tuần. Làm theo kiểu thủ công, muốn nắm được các chỉ tiêu số liệu về đất, không khí, nước... lại phải lấy mẫu đem đi xét nghiệm, tốn nhiều thời gian và chi phí...". Đến nay Trường Đại học Cần Thơ đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL lắp đặt được 4 thiết bị IoT gồm: 2 thiết bị IoT tại TP Cần Thơ, 1 tại tỉnh An Giang và 1 tại tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, thiết bị IoT được lắp đặt tại huyện Vĩnh Thạnh của TP Cần Thơ và tại huyện Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang có khả năng thu thập, truyền tải 14 chỉ tiêu số liệu khí tượng thủy văn và đất, nước: vận tốc gió, hướng gió, áp suất không khí, ánh sáng mặt trời, chỉ số tia UV, ẩm độ, độ mặn, lượng mưa... Còn thiết bị IoT được lắp đặt tại quận Thốt Nốt thuộc TP Cần Thơ và tại tỉnh Sóc Trăng thu thập và truyền tải 8 chỉ tiêu số liệu. Chi phí để lắp đặt các thiết bị này ở mức khoảng 50-100 triệu đồng/thiết bị.

Thời gian qua, tại CĐL của HTX nông nghiệp Hiếu Bình ở huyện Vĩnh Thạnh và CĐL của Tổ hợp tác sản xuất lúa ở khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật và trình diễn mô hình ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"… Các hoạt động này được Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) tại Cần Thơ triển khai thực hiện, lồng ghép cùng nhiều chương trình, hoạt động khuyến nông được ngành nông nghiệp thành phố triển khai thường xuyên đã mang đến nhiều hiệu quả thiết thực cho nông dân. Do vậy, khi ngành nông nghiệp thành phố đưa thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn tự động vào lắp đặt trên cánh đồng, nông dân rất ủng hộ và tham gia giữ gìn, bảo vệ thiết bị. Ông Trần Văn Đào, Tổ trưởng Tổ hợp tác CĐL ở khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: "Nông dân chúng tôi tin tưởng các thiết bị này sẽ giúp thu thập, cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết về khí tượng thủy văn để bà con sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đã lắp đặt các thiết bị bẫy đèn để xác định mật độ rầy nâu và các loại côn trùng di trú, giúp cảnh báo sớm cho bà con cách phòng, trị kịp thời".

Theo ông Đào, được sự hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật từ ngành nông nghiệp và Dự án VnSat, nông dân tại CĐL ở khu vực Tân Phước đã áp dụng ngày càng nhuần nhuyễn các kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", thực hiện gieo cấy tiết kiệm giống, bón phân xịt thuốc theo nguyên tắc 4 đúng và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật khác, cũng như đẩy mạnh cơ giới. Qua đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo hàng hóa và giảm được chi phí sản xuất nên lợi nhuận có thể tăng thêm 4-5 triệu đồng/ha/vụ.

KHÁNH TRUNG

Quảng Bình: Phát triển cây chanh leo trên vùng đất Quảng Kim

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, thời gian qua, nhiều hộ nông dân của huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Mô hình trồng cây chanh leo trên vùng đất đồi tại địa bàn xã Quảng Kim đã mở hướng phát triển kinh tế mới, bước đầu cho hiệu quả cao.

Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu, năm 2019, gia đình ông Từ Ngọc Hoàng ở thôn 5, xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch đã chuyển đổi 3ha đất trồng cây bạch đàn sang trồng cây chanh leo, theo hướng hàng hóa. Qua hơn 6 tháng đưa vào trồng và tích cực chăm sóc, đến nay, vườn chanh leo của gia đình ông Hoàng phát triển rất tốt.

Ông Từ Ngọc Hoàng chia sẻ: "Ban đầu, tôi đã phải trải qua một quá trình chăm sóc cây rất khó khăn, nhưng với sự kiên trì, nhẫn nại, cây bắt đầu cho thu hoạch. Hiện tôi tiếp tục cố gắng chăm sóc, bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng để cây chanh leo phát triển tốt, vụ sau cho năng suất cao hơn".

Để có mô hình chanh leo như ngày hôm nay, ông Hoàng đã phải vào tận vùng đất Tây Nguyên để tìm hiểu kỹ thuật trồng chanh leo, mua cây giống, liên hệ với các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ông mạnh dạn đầu tư trên 800 triệu đồng cải tạo đất, xây dựng hệ thống tưới nước, giàn leo, trồng 4.500 gốc chanh leo. Hiện nay, vườn chanh bắt đầu cho thu hoạch, bình quân mỗi gốc cho khoảng 150 quả/vụ, tương đương với 15kg, với giá thị trường 20.000 đồng/kg, mỗi gốc thu được 300.000 đồng.

Ông Từ Ngọc Hoàng cho biết thêm: "Qua quá trình chăm sóc, tôi thấy cây chanh leo phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng nơi đây, do đó, để nâng cao hiệu quả kinh tế, tôi tiếp tục động viên bà con trong thôn cùng phát triển cây chanh leo, bảo đảm cung ứng lượng hàng nhập cho các công ty thu mua để xuất khẩu".

Cây chanh leo có nhiều ưu điểm, như: dễ trồng, dễ chăm bón, quá trình sinh trưởng nhanh, cho sản lượng cao, mỗi lần trồng cho thu hoạch trong vòng 3 năm sau đó mới trồng lại. Quả chanh leo có hương vị chua, ngọt, thanh, có tác dụng thanh nhiệt, nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng, thị trường tiêu thụ rộng rãi. Do đó, người trồng chanh leo có thể sớm thu hồi vốn. Theo ông Hoàng, vụ thu hoạch chanh leo là từ tháng 5 cho đến cuối tháng 8, sau đó, bà con cắt cành, tỉa lá, bón phân, chăm sóc để cây phát triển tốt, bảo đảm vụ sau cho sai quả hơn.

Nếu được chăm sóc tốt, trung bình mỗi gốc chanh leo có thể cho thu hoạch 150 quả/vụ.

Để khuyến khích hội viên nông dân mạnh dạn mở hướng phát triển kinh tế mới, Hội Nông dân huyện Quảng Trạch đã hỗ trợ mô hình trồng chanh leo của ông Hoàng 50 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển nông nghiệp của huyện năm 2020.

Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Trạch cho biết: "Thời gian tới, Hội sẽ tập trung tranh thủ các nguồn lực, đặc biệt dạy nghề cho hội viên nông dân để bà con có thể tiếp cận, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tranh thủ các nguồn vốn ngân sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, phối hợp với các ngân hàng để tạo điều kiện cho nông dân có nguồn vốn đầu tư. Hội tiếp tục quan tâm xây dựng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng các mô hình điểm phát triển kinh tế nông nghiệp mới, theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ, qua đó, giúp nông dân đổi mới tư duy, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần phát triển ngành nông nghiệp của huyện theo hướng bền vững".

Bên cạnh phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày, giữ vững diện tích cây lúa nước, bảo đảm an ninh lương thực, việc chuyển một số diện tích đất vườn tạp sang trồng cây chanh leo là hướng đi mới. Thời gian tới, các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp sẽ chuyển đổi sang trồng cây chanh leo theo hướng chuyên canh hàng hóa, bảo đảm các yêu cầu xuất khẩu ra thị trường, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thế Lực (Đài TT-TH Quảng Trạch)

Giá sắn nguyên liệu tăng trở lại

Nguồn tin: Công Thương

Nguồn cung thấp đẩy giá sắn nguyên liệu tại các vùng trên cả nước từ đầu tháng 5/2020 đến nay có xu hướng tăng trở lại.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, trong 10 ngày đầu tháng 5/2020, giá sắn lát có xu hướng tăng trở lại do nguồn cung sắn nguyên liệu thấp. Do thời tiết nắng nóng và do chưa đến vụ thu hoạch nên lượng sắn về các nhà máy không nhiều, giá sắn tươi tại Tây Ninh, Đắk Lắk vẫn ổn định. Giá sắn tươi ở Tây Ninh không tăng và dao động trong biên độ từ 2.400 - 2.600 đồng/kg, loại 30% bột.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2020 khi chiếm 91% thị phần xuất khẩu của Việt Nam

Về xuất khẩu, theo ước tính, tháng 4/2020, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đạt 250 nghìn tấn, trị giá 100 triệu USD, giảm 24,9% về lượng và giảm 13,8% về trị giá so với tháng 3/2020, nhưng tăng 4,3% về lượng và tăng 4,9% về trị giá so với tháng 4/2019; giá xuất khẩu bình quân tăng 0,5% so với tháng 4/2019, lên mức 400 USD/tấn.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 1,02 triệu tấn, trị giá 359 triệu USD, tăng 11,1% về lượng và tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng mặt hàng sắn, trong tháng 4/2020 xuất khẩu ước đạt 52 nghìn tấn, trị giá 13 triệu USD, giảm 38,5% về lượng và giảm 33,3% về trị giá so với tháng 3/2020; so với tháng 4/2019, tăng 18,5% về lượng và tăng 21,6% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân tăng 8,5% so với tháng 4/2019, lên mức 252 USD/tấn.

Xuất khẩu sắn giảm là do nhu cầu mua sắn lát từ Trung Quốc chậm lại do giá cồn tại Trung Quốc chịu áp lực giảm bởi sự suy giảm của giá dầu và giá cồn thế giới. Tính đến hết tháng 4/2020, xuất khẩu sắn ước đạt 293 nghìn tấn, trị giá 65 triệu USD, tăng 47,5% về lượng và tăng 64,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Mùa thu hoạch chính của sắn thường vào giữa mùa mưa đến cuối mùa mưa, tầm tháng 9, tháng 10 cho đến cuối năm. Hiệp Hội sắn Việt Nam cho hay, hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến sắn tại Việt Nam đã nghỉ vụ sản xuất. Theo tin từ thương nhân, nguồn sắn lát tồn kho vụ 2019 - 2020 của Việt Nam ở mức thấp, khoảng 300 nghìn tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid- 19 nên nhu cầu mua hàng từ thị trường Trung Quốc những tháng đầu năm 2020 giảm mạnh. Giá chào bán sắn lát khô của Việt Nam khoảng 225 USD/tấn FOB cảng Quy Nhơn. Trong khi đó, giá chào bán tinh bột sắn của các nhà máy Việt Nam đang chào bán mức giá trong khoảng 420 - 425 USD/tấn FOB cảng Hồ Chí Minh.

Cục Xuất Nhập khẩu nhận định, hiện mặt hàng sắn lát đang có nhiều cơ hội khi Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi ngành chăn nuôi lợn sau dịch tả lợn châu Phi dẫn đến nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng cao. Giá xuất khẩu sắn lát vẫn tiếp tục tăng do khan hiếm nguồn cung trong nước của Trung Quốc trước bối cảnh bệnh khảm lá sắn tiếp tục bùng phát, lây lan trên diện rộng, nguy cơ sản lượng sắn năm nay có thể sẽ giảm khi nhiều diện tích bị mất trắng.

Dự báo, trong ngắn hạn xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam sẽ ổn định hơn so với đầu năm 2020 do tình hình dịch Covid- 19 đang được kiểm soát tốt. “Tại Trung Quốc, công suất sản xuất của các nhà máy thức ăn chăn nuôi đã đạt gần 80% so với mức bình thường vào cuối tháng 2/2020”, Cục Xuất Nhập khẩu cho biết thêm.

Nguyễn Hạnh

Trồng dưa lưới theo hướng VietGAP cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ông Nguyễn Đình Mẫu (thôn Thiện Chí, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã tiên phong thử nghiệm mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà kính và mang lại nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm cho gia đình.

Cùng với dưa lưới, giống bí Nhật mini cũng đang được ông Nguyễn Đình Mẫu trồng thử nghiệm

Với hơn 20 năm công tác tại Hội Nông dân xã và nguyên là Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Gia trước khi xin nghỉ vì lý do sức khỏe, ông Mẫu tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm về sản xuất cho bản thân. Vào đầu năm 2019, ông Mẫu quyết định đầu tư 800 triệu đồng để xây dựng 2 sào nhà kính kết hợp với hệ thống tưới tự động công nghệ Israel để trồng dưa lưới theo hướng VietGAP. Qua hơn 1 năm đầu tư, mô hình trồng dưa lưới của ông Mẫu đã và đang mang lại thành công bước đầu.

Ông Mẫu cho biết, việc trồng dưa lưới trong nhà kính có nhiều ưu điểm như: Quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che mưa, che nắng và ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên sản phẩm sạch và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trồng dưa lưới trong nhà kính cũng có những khó khăn nhất định, đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ và áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới đảm bảo năng suất và chất lượng khi thu hoạch.

Vốn là một người chịu khó và kiên nhẫn, ông Mẫu chăm sóc tỉ mỉ cho cây ngay từ khi xuống giống. Mỗi cây dưa lưới được ông trồng trong một bịch giá thể đặt trong luống đã được lót bạt nilon cách ly với nền đất để tránh mầm bệnh, bón phân thông qua hệ thống tưới tự động nhỏ giọt.

Khi cây bắt đầu leo giàn, sẽ được mắc vào từng sợi dây nối với hệ thống khung giàn cố định để lá phân bố đều, tận dụng ánh sáng quang hợp tốt; sau đó, sẽ tiến hành cắt tỉa, bấm ngọn thường xuyên để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Dưa lưới được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, cho sản phẩm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Khi cây phát triển đến 70 ngày tuổi, ông bắt đầu bón bổ sung trứng gà, mật mía, sữa tươi được ủ men để làm tăng độ ngọt cho quả. Đặc biệt, nguồn nước phải được xử lý độ pH mới có thể đưa vào hệ thống tưới cho cây.

Việc sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt sẽ giúp cây hấp thụ tốt chất dinh dưỡng từ phân bón cho đến lượng nước, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không để lãng phí nguồn nước.

Ông Nguyễn Đình Mẫu cho biết: “Sau khi thử nghiệm giống cây trồng này, tôi thấy đây là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương; thời gian trồng và chăm sóc cũng ít bận rộn hơn so với những giống cây trồng khác và cho thu nhập cũng tương đối cao”.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh vườn, ông Mẫu cho biết, vụ dưa này do tỉ mỉ và cẩn thận từ khi bắt đầu xuống giống nên tỷ lệ sống của cây đạt trên 96%; chu kỳ cứ khoảng từ 3 - 4 tháng cho thu hoạch, trọng lượng bình quân mỗi quả từ 1,2 đến 1,6 kg, có quả gần 2 kg.

Dự kiến với 2 sào trồng dưa lưới công nghệ cao của ông Mẫu sẽ cho thu hoạch từ 4 - 4,2 tấn, giá bán bình quân từ 28 đến 30 ngàn đồng/kg thông qua hợp đồng thu mua của Công ty TNHH Tiên Phong ở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với đặc tính của giống cây nhiệt đới rất ưa nắng và chịu được nhiệt độ cao, dưa lưới là loại cây trồng phù hợp trong mùa khô hạn. Đối với ông Mẫu, dưa lưới sẽ được ông trồng vào thời điểm này hàng năm, sau đó trồng luân canh thêm cây trồng khác để cải tạo đất và đa dạng cây trồng. Nhiều hộ nông dân trong và ngoài địa phương đã đến tham quan và mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ ông để đầu tư sản xuất.

Là người không ngừng học hỏi, mạnh dạn thử nghiệm những cây trồng mới, ngoài việc trồng dưa lưới, ông đã trồng thử nghiệm 50 cây bí Nhật mini. Đây là loại bí có kích thước quả nhỏ chỉ khoảng bằng lòng bàn tay, trọng lượng bình quân từ 250-300 gram/quả. Qua thời gian trồng thử nghiệm, ông Mẫu quyết định trong thời gian tới sẽ tiến hành xuống giống loại bí Nhật mini tại vườn của mình. Ông Mẫu cho biết thêm: “Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng mở rộng thêm diện tích trồng dưa lưới và giống bí Nhật mini. Mặt khác, tôi cũng sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với bà con nông dân trên địa bàn, đứng ra liên hệ với Công ty thu mua, bao tiêu sản xuất để mở rộng chuỗi liên kết những giống cây trồng này”.

NHẬT MINH

Giá cam soàn, cam sành tăng trở lại

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Sau thời gian dài cam soàn, cam sành trên địa bàn huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) bị rớt giá thì những ngày qua, giá các loại nông sản này đã tăng trở lại.

Nông dân thu hoạch cam soàn cung ứng cho thị trường

Hiện cam soàn được thu mua với giá 20.000 - 22.000 đồng/kg; cam sành có giá từ 14.000 - 16.000 đồng/kg. Mức giá này tăng khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg so với tháng trước.

Theo ông Phạm Văn Hùng ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, giá cam tăng là do vào thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng cam để giải khát tăng cao. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều nông dân trồng cây có múi bị ảnh hưởng bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh nên năng suất cam bị giảm khiến lượng hàng cung ứng cho thị trường giảm mạnh.

TRANG HUỲNH

Kbang (Gia Lai): Nguy cơ thất thu mía vì sâu bệnh và nắng hạn

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Nhiều nông dân huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) lại đứng trước nguy cơ thất thu khi sâu đục thân, xén tóc, bệnh than cùng lúc hoành hành trên hàng ngàn héc ta mía. Bên cạnh đó, cây mía cũng chậm phát triển do nắng hạn kéo dài.

Sâu bệnh hoành hành

Tính đến nay, toàn huyện Kbang có 772 ha mía bị xén tóc, sâu đục thân gây hại và 952 ha mía bị nhiễm bệnh than. Diện tích mía bị sâu bệnh hại tập trung tại các xã: Đak Hlơ, Kông Pla, Tơ Tung, Kông Lơng Khơng…

Ông Đinh Văn Lum-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-cho hay: Mía là một trong những cây trồng chủ lực của xã. Niên vụ này, toàn xã có 2.355 ha mía đang trong giai đoạn sinh trưởng, đẻ nhánh. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, trên địa bàn không có mưa, cộng với nhiệt độ cao đã tạo điều kiện cho một số loại sâu bệnh sinh sôi phát triển. Qua kiểm tra, toàn xã có khoảng 330 ha mía bị xén tóc, sâu đục thân gây hại; trên 50 ha mía bị nhiễm bệnh than.

Ông Đinh Văn Quăr (làng Bờ-Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng,huyện Kbang) kiểm tra sâu bệnh cùng cán bộ nông nghiệp xã. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Đinh Văn Quăr (làng Bờ-Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng) có 3 ha mía thì một nửa đã bị nhiễm bệnh than và bị sâu đục thân gây hại. Ông cho biết: “Tôi trồng mía mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy khó khăn như năm nay. Cây mía ở khu vực gò đồi bị chết do khô hạn; phần diện tích mía lên được thì bị đủ loại sâu bệnh hại. Năm trước, gia đình tôi thu gần 40 triệu đồng/3 ha. Năm nay, sâu hại chết những cây chính, chỉ còn những nhánh nhỏ mà lại khô hạn thế này thì chắc thất thu”.

Tương tự, bà Phạm Thị My (thôn 2, xã Đak Hlơ) có 3/5 ha mía bị sâu đục thân, xén tóc gây hại. Bà chia sẻ: “Năm trước, loại sâu này cũng có nhưng mật độ không dày. Còn năm nay, hầu như bụi mía nào cũng thấy xuất hiện sâu. Cây mía bị nhiễm sâu bệnh là chết khô”.

Bà Trần Thị Mai-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang-cho rằng, chu kỳ vòng đời của sâu đục thân, xén tóc khoảng 30 ngày. Qua chu kỳ này và mưa xuống thì mía sẽ hết sâu bệnh. Tuy nhiên, thời điểm này, sâu bệnh đang gây hại trên những mầm mía chính nên ảnh hưởng tới năng suất, ước thiệt hại khoảng 20% năng suất. Nếu tiếp tục nắng nóng kéo dài thì thiệt hại còn tăng hơn nhiều.

Mía kém phát triển do nắng hạn

Bên cạnh sâu bệnh gây hại, nắng nóng kéo dài cũng làm cho nhiều diện tích mía ở huyện Kbang kém phát triển, thậm chí không lên nổi. Chỉ tay vào đám đất khô trắng, ông Lương Duy Tặng (thôn 2, xã Kông Pla) xót xa nói: “Gia đình tôi đầu tư gần 125 triệu đồng để trồng mới 4,7 ha mía. Nắng hạn kéo dài khiến hơn 4 ha mía không mọc nổi, chỉ mấy sào ở khu vực gần ao có nước tưới là đâm chồi, đẻ nhánh. Tuy nhiên, nước trong ao đang cạn dần, chỉ đủ tưới trong vòng 1 tuần nữa”.

Ruộng mía trồng mới của gia đình ông Lương Duy Tặng (xã Kông Pla, huyện Kbang) không lên nổi do nắng hạn kéo dài. Ảnh: N.M

Ông Đinh Bát-Chủ tịch UBND xã Kông Pla-cho hay: Nắng nóng kéo dài nên hầu hết ao hồ tại xã đã cạn, không còn khả năng cung cấp nước tưới cho cây trồng. Hiện có trên 20 ha đất bà con đã cày ải nhưng vì thiếu nước nên chưa thể gieo trồng. Nắng hạn cũng làm cho gần 176/251,4 ha mía trồng mới của xã không thể mọc nổi.

Theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, toàn huyện có 8.796 ha mía, trong đó có 817,4 ha trồng mới và hơn 7.978 ha mía lưu gốc. Niên vụ trước, Kbang có khoảng 6.000 ha mía giảm năng suất do hạn hán. Huyện đã đề nghị tỉnh hỗ trợ 8,7 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đã nắm được diện tích mía bị sâu bệnh gây hại, còn diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn hán thì đang rà soát.

“Từ cuối năm 2019 đến nay, lượng mưa trên địa bàn huyện rất thấp, không làm tăng lưu lượng dòng chảy hoặc nâng lượng nước tích trữ trong các công trình thủy lợi. Mực nước ở các công trình đập dâng thấp hơn 20-30 cm so với các năm, trong khi nước hồ chứa chỉ còn 30-40% so với dung tích thiết kế. Người dân đã nạo vét ao hồ, đào giếng lấy nước tưới cho cây trồng nhưng chỉ được một số diện tích và không biết kéo dài được bao lâu. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng thì diện tích mía bị chết do khô hạn và sâu bệnh còn tăng”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.

NGỌC MINH

Phú Thọ: Xen canh cây trồng trên đất dốc

Nguồn tin: Báo Phú Thọ

Khu vườn của chị Nguyễn Thị Mùi, ở khu 10, xã Kim Đức, TP Việt Trì trồng xen canh cây ăn quả với các loại trồng ngắn ngày. PTĐT - Nhằm khai thác lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, đất đồi dốc, nhiều hộ dân ở các huyện miền núi đã trồng xen canh các loại cây ăn trái, rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày... theo mùa vụ. Đây được xem là mô hình giúp người dân tận dụng diện tích đất hiện có, tăng mùa vụ canh tác, mang lại hiệu quả cao.

Ghé thăm khu vườn rộng 2.160 m² xanh mướt cây trồng của chị Nguyễn Thị Mùi, ở khu 10, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì. Trước đây, khu vườn này chỉ trồng sắn một vụ, mỗi năm trừ chi phí thu lãi chỉ vài triệu đồng. Từ khi chuyển đổi trồng các cây ăn quả như bưởi Đoan Hùng, dứa xen canh với đỗ, lạc, vừng gia đình chị đã thu lãi khoảng 30 triệu đồng/năm. Chị Mùi chia sẻ: Trong khi bưởi ra quả cũng là mùa dứa chín, gia đình tôi vừa thu hoạch dứa, vừa trỉa lạc, vừng. Khi đến mùa thu hoạch bưởi thì lạc, vừng đã xanh tốt. Bên cạnh đó, tôi còn trồng rau xanh cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. Việc xen canh này vừa tận dụng được thời gian, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Mỗi vụ cam, trừ chi phí gia đình anh Lịch thu về khoảng trên 400 triệu đồng/năm

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều mô hình trồng xen canh đất dốc, lấy ngắn nuôi dài, sử dụng quỹ đất một cách hiệu quả. Gia đình anh Ngô Văn Lịch, ở khu Bình Thọ, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn có 4ha cây trồng xen canh. Anh là một trong số những người ở xã phát triển kinh tế từ việc trồng xen canh các loại cây trồng trên đất dốc. Anh Lịch cũng đã đi nhiều nơi để học hỏi và tìm hiểu về việc trồng xen canh các loại cây ăn quả và tiến hành trồng thử nghiệm với hơn 1 nghìn gốc cam, 3 trăm gốc gốc bưởi, 1 nghìn cây quất cảnh và 1 ha chanh leo,… Với ưu điểm đất đai màu mỡ, khí hậu thổ nhưỡng ôn hòa, các loại cây trồng đã phát triển xanh tốt, cho những vụ thu hoạch bội thu, mang lại giá trị kinh tế cao. Tính riêng mỗi vụ cam, gia đình anh được 20-30 tấn, trừ chi phí thu khoảng hơn 400 triệu đồng/năm. Anh Lịch cho biết: Chúng tôi theo dõi và áp dụng “vòng tuần hoàn” với các loại cây, tận dụng đất đai triệt để. Bên cạnh những cây ăn quả, ở những diện tích lưng đồi, tráng nắng, tôi tiến hành trồng xen canh những cây ngắn ngày như nghệ, dong riềng, vừa chống xói mòn, giữ độ ẩm cho đất, giúp tỉ lệ cây mới trồng sống cao, có thêm thu nhập trong quá trình đợi cây ăn quả cho thu hái.

Chị Nguyễn Thị Oanh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kiệt cho biết: Nhiều hộ gia đình trong xã đã áp dụng trồng xen canh các loại cây, điều này tăng sự đa dạng sinh học, giảm thiểu rủi ro về kinh tế và môi trường, chống xói mòn đất, nhất là đối với vùng đồi núi như ở Tân Sơn, giúp bà con có thu nhập ổn định.

Xen canh, luân canh cây trồng trên đất dốc ở các địa phương trong tỉnh là mô hình hiệu quả, tăng tần số sử dụng đất, giảm tình trạng “nông sản rớt giá, nông dân mất trắng”, hạn chế tối đa lượng đất xói mòn trên đất dốc; cải tạo và duy trì độ phì nhiêu đất và khống chế cỏ dại mọc. Có nhiều hình thức xen canh đã được người dân áp dụng như xen canh cây rau màu ngắn ngày với cây ăn; xen canh lạc, đậu tương vào đất mía... Nếu tiến hành xen canh, luân canh đúng kỹ thuật thì không chỉ làm đất tơi xốp và màu mỡ, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị canh tác mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất độc canh truyền thống của người dân.

Như Quỳnh

Doanh nghiệp chăn nuôi hậu Covid-19: Thuận lợi đan xen thách thức

Nguồn tin: Công Thương

Nhận định sau dịch sẽ là thời cơ để bứt phá nên ở thời điểm này nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đang củng cố lại chuỗi cung ứng sản xuất để sẵn sàng nắm bắt cơ hội ngay khi dịch kết thúc.

Cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế khác, chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Theo đánh giá của ngành chăn nuôi, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại Việt Nam giảm mạnh do lượng khách du lịch nội địa cũng như quốc tế từ tháng 2/2020 đến nay giảm tới 65-70% so với cùng kỳ năm trước. Từ đó dẫn tới hiện tượng cung vượt quá cầu đối với hầu hết các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản (trừ thịt lợn), hàng loạt sản phẩm bị giảm giá mạnh, thậm chí không bán được như tôm, cá, trứng gia cầm…

Đơn cử tại Đồng Tháp, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, Đồng Tháp hiện có tổng đàn gia cầm đạt hơn 4,5 triệu con, cung cấp cho các địa phương trong vùng và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên khi dịch bệnh xảy ra, nhu cầu thị trường giảm mạnh bởi các quán ăn, nhà hàng mua không nhiều, dẫn đến các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi bị thiệt hại nặng.

Tiêu thụ trứng gia cầm của nhiều doanh nghiệp sụt giảm vì dịch bệnh

Là đơn vị vừa trực tiếp sản xuất và mở kênh phân phối khắp các tỉnh/ thành phố, ông Phạm Thanh Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân - thừa nhận, khi dịch diễn tiến phức tạp, lượng sản phẩm mà Ba Huân vốn chỉ bán cho trường học, nhà hàng, khách sạn hầu như không có doanh thu. Vì thế Ba Huân phải chuyển hướng qua kênh siêu thị, kênh online - nhờ vậy mới “trụ được” trong suốt mùa dịch.

Dịch bệnh xảy ra không chỉ ảnh hưởng tới các DN đang trực tiếp sản xuất, chăn nuôi mà các đơn vị đang xây dựng dự án chăn nuôi cũng chịu chung số phận. Công ty Cổ phần CPV - Food VN (thuộc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam) là một trong những DN như vậy. Thời điểm dịch chưa diễn ra công ty này đang xây dựng dự án sản xuất và chế biến gà xuất khẩu tại Bình Phước. Đây là dự án xuất khẩu gà chế biến theo mô hình khép kín đầu tiên của C.P. Việt Nam. Ước tính ngân sách đầu tư lên đến 200 triệu USD và công suất đạt 50 triệu con một năm. Thế nhưng khi dịch ập tới mọi tiến độ xây dựng của dự án đã bị đình trệ, đảo lộn các kế hoạch ban đầu đã đề ra của DN này.

Ông Sawang Chanprasert - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần CPV - Food VN - chia sẻ, Covid-19 đã khiến tiến độ hoàn thành dự án chậm so với kế hoạch nhiều tháng bởi trong quá trình xây dựng, chuyên gia lắp đặt máy móc từ nước ngoài không thể sang Việt Nam lắp đặt, hướng dẫn vận hành máy do vướng quy định về cách ly xã hội, cũng như các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam…

Ở thời điểm hiện tại, việc Chính phủ đang kiểm soát tốt dịch bệnh đã tạo sự tin tưởng cho DN, giúp DN sẵn sàng tâm thế mới để đón cơ hội sau dịch. Ông Sawang Chanprasert nhận xét, sau dịch bệnh Covid-19 sẽ là cơ hội tốt cho ngành chăn nuôi bởi thế giới đang khan hiếm thực phẩm. Chính vì thế, ngay khi hết thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi đã đẩy tiến độ nhanh nhất có thể nhằm nhanh chóng đưa dự án sản xuất và chế biến gà xuất khẩu đi vào hoạt động. Thị trường chúng tôi hướng tới là cả trong nước và xuất khẩu nên đã có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực cũng như các nguồn lực khác để sẵn sàng triển khai khi có thể.

Nói thêm về dự án đang xây dựng, ông Sawang Chanprasert cho biết, dự án này sử dụng các công nghệ hiện đại nhất trong suốt quy trình, từ đầu vào như thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi gà cho tới nhà máy chế biến thịt gà nhằm cho ra sản phẩm thịt gà đạt tiêu chuẩn chất lượng, sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Với Ba Huân, ông Phạm Thanh Hùng cho biết, công ty đã hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, với trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao quy mô 18ha, tổng đàn 1 triệu con và nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ tại Bình Dương; nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2ha, công suất 185.000 trứng/giờ tại TP. Hồ Chí Minh; nhà máy chế biến thực phẩm quy mô 5ha, công suất 50 tấn/ngày tại Long An; trang trại chăn nuôi gà lấy thịt công nghệ cao quy mô 30ha, tổng đàn 3 triệu con tại Long An... Trong đó, riêng sản phẩm trứng gia cầm, trung bình mỗi ngày Công ty Ba Huân cung ứng ra thị trường từ 600.000 - 1 triệu quả trứng.

Với sự đầu tư bài bản và chuẩn bị sẵn sàng, các doanh nghiệp chăn nuôi hy vọng sau dịch có thể bứt phá và tận dụng cơ hội tốt hơn.

Mai Ca

Người trăn trở với nông nghiệp sạch

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) có hàng trăm ha đất cát ven biển, trước đây, hầu hết diện tích này đều bị bỏ hoang, khai thác kém hiệu quả. Nhưng giờ đây, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư làm trang trại, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình có anh Đỗ Văn Tùng, thôn Tân Định-người đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, hướng đến sản phẩm sạch...

Trước đây, cũng giống như nhiều người dân khác, anh Đỗ Văn Tùng luôn có suy nghĩ: "Cát trắng và nắng nóng đến cỏ cũng không mọc nổi thì làm sao trồng được các loài cây khác?".

Thế nhưng, qua tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thấy nhiều người đã đầu tư và làm giàu trên vùng cát trắng. Riêng ở xã Hải Ninh đã có trang trại Cát Ngọc hay trang trại của Công ty cổ phần Thanh Hương… đi trước và thành công.

Từ thực tế đó, năm 2008, anh Tùng đã mạnh dạn học hỏi, thuê 5ha đất cát trắng ở thôn Tân Định lập trang trại chăn nuôi tổng hợp lợn, gà và cá. Hiện trang trại của anh có hơn 500 con lợn, trong đó có 60 con lợn nái để cấp giống, 5.000 con gà thả vườn và gần 1.000m2 ao cá.

Mặc dù mới thực hiện nhưng mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới bước đầu đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình anh Đỗ Văn Tùng.

Đặc biệt, năm 2019, anh mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng 1.500m2 nhà lưới để trồng rau, củ, quả sạch đạt chuẩn VietGAP. Anh Tùng cho biết, mặc dù số tiền ban đầu bỏ ra để xây dựng nhà lưới tương đối lớn, nhưng chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, mô hình đã cho thấy những ưu điểm vượt trội so với cách trồng truyền thống. Việc trồng rau, củ trong nhà lưới ngăn không cho côn trùng vào sinh sản, nhờ đó, hạn chế tối đa tình trạng sâu bệnh gây hại, hạn chế được thời tiết bất lợi, như: nắng nóng, mưa bão..., nên năng suất cao hơn so với trồng theo phương thức truyền thống.

Hơn 12 năm làm nghề chăn nuôi, anh Tùng nhận thấy đầu ra sản phẩm là quan trọng nhất đối với người chăn nuôi và sản phẩm sạch thì thị trường luôn rộng mở. Thời gian trước đây, anh không dùng thức ăn công nghiệp để chăn nuôi mà thay vào đó chỉ sử dụng men vi sinh hoạt tính để ủ chín các nguyên liệu sẵn có ở địa phương, như: ngô, sắn, lúa nghiền, bã đậu, bã sắn…, để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm (gọi chung là thức ăn sinh học).

Theo tính toán của anh Tùng, thức ăn sinh học giá thành thấp hơn so với thức ăn công nghiệp khoảng 30% nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cách nuôi thông thường. Không những vậy, thức ăn lên men vi sinh giúp cho gia súc, gia cầm tăng cường khả năng chống dịch bệnh, chống giun sán, chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng hơn so với thức ăn công nghiệp.

Tuy nhiên, việc chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học cũng có những khó khăn, hạn chế nhất định, như: ngoại hình của đàn lợn thường không bóng bẩy, thời gian nuôi dài hơn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Đặc biệt, sản phẩm lại không đủ tiêu chuẩn để nhập vào thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng, như: các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị...

Năm 2018, được sự giúp đỡ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp-PTNT), anh Tùng mạnh dạn chăn nuôi heo, gà sạch theo hướng VietGAP. Khi mới áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, anh bỡ ngỡ với quy trình nuôi hết sức nghiêm ngặt, như: tiêm vắc xin cho vật nuôi, tiêu độc khử trùng chuồng trại, đánh số theo dõi đối với từng ô chuồng... Mọi hoạt động đều phải được ghi sổ nhật ký từng ngày. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, mọi quy trình chăn nuôi đã được thực hiện một cách bài bản.

Nói về lợi ích khi áp dụng quy trình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Tùng cho biết: "Nhờ ghi chép sổ sách từng ngày nên tôi đã theo dõi và sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý rất hiệu quả. Hơn hai năm qua, dịch bệnh luôn được kiểm soát tốt, đặc biệt, trong khi cả nước lao đao vì dịch tả lợn châu Phi nhưng trang trại của gia đình tôi vẫn không bị ảnh hưởng, đàn lợn sinh trưởng tốt, lợi nhuận tăng cao. Cũng nhờ được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP nên có nhiều công ty chế biến thực phẩm ở trong và ngoài tỉnh liên hệ thu mua lợn thịt, tạo sự ổn định đầu ra cho sản phẩm".

Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm thịt lợn của trang trại đã được siêu thị Co.opMart Quảng Bình ký hợp đồng tiêu thụ. Hiện anh Tùng đang hoàn tất thủ tục cho các sản phẩm khác của trang trại, như: gà kiến, rau, củ, quả sạch, để cung ứng cho siêu thị trong thời gian tới.

“Lửa thử vàng gian nan thử sức”, từ 5ha đồi cát trắng, với sự cần cù, năng động, sáng tạo anh Tùng đã thu về tiền tỷ mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 nhân công và nhiều lao động thời vụ tại địa phương. Hiện trang trại cùa anh đang trở thành mô hình tiêu biểu cho nhiều người dân tham quan học hỏi và áp dụng.

Thanh Hoa

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop