Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 07 năm 2017

Khánh Sơn (Khánh Hòa): Giá chuối giảm, tiêu thụ chậm

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Mấy tháng gần đây, do không có người thu mua nên chuối ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) liên tục giảm giá, hàng trăm tấn chuối bị tồn đọng khiến nông dân thất thu.

Hộ ông Bo Bo Xuân Vận (tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp) có 1ha chuối mốc và dạ hương, cũng là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Thời điểm cuối năm 2016, 1kg chuối ông bán được khoảng 6.000 đồng, còn hiện nay chỉ được từ 1.000 đến 2.500 đồng/kg. Giá rẻ là thế, nhưng không phải ngày nào cũng có người thu mua, ông đành phải để chuối chín rụng trên cây. “Năm trước, tư thương thu mua chuối giá cao, mỗi ngày lên rẫy về tôi bán được gần 200.000 đồng. Nhờ đó, gia đình tôi có tiền chi phí sinh hoạt hàng ngày. Năm nay, giá chuối giảm mạnh, lại không có người thu mua nên gia đình đang gặp khó khăn. Mấy ngày vừa qua, chuối chín vàng trên rẫy, tôi đành chặt về cho heo, gà ăn”, ông Vận chia sẻ.

Bà Phạm Thị Tuyết, một chủ vựa chuyên thu mua chuối tại tổ dân phố Hạp Thịnh (thị trấn Tô Hạp) cho biết, trước đây, ngày nào cũng có xe tải đặt hàng, nhà bà luôn tấp nập người ra vào mua chuối. Mấy tháng nay, bà chỉ dám mua vào cầm chừng với số lượng hạn chế. Tuy nhiên, có lúc xe tải không lên nhập hàng, chuối chín bà chỉ còn cách để làm thức ăn cho gà. Cũng theo bà Tuyết, chuối mốc Khánh Sơn không chỉ tiêu thụ trong nước, còn được các thương lái thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc. “Thời gian gần đây, phía Trung Quốc tạm ngừng nhập chuối, vì thế chuối Khánh Sơn chỉ tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, do nguồn cung ở các địa phương khác cũng rất dồi dào, trong khi chuối Khánh Sơn màu sắc không được đẹp, nên người ta chỉ thu mua số lượng ít và giá chỉ được từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg. Phải 10 ngày, có khi cả nửa tháng, xe tải mới đến bốc hàng 1 lần”, bà Tuyết lý giải.

Ông Nguyễn Văn Kết - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hiệp cho biết, toàn xã có hơn 40ha chuối, do trên địa bàn không có điểm thu mua nên người dân bán chuối trực tiếp cho xe thồ hoặc xe tải. Mấy tháng nay, tình hình tiêu thụ chuối của bà con rất chậm, những hộ trồng chuối mốc thi thoảng còn bán được, còn hộ trồng chuối dạ hương thì gần như ế hoàn toàn.

Không bán được chuối, nhiều hộ lâm vào cảnh khó khăn, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Để có nguồn thu nhập, một số hộ đã tự tìm đầu ra cho quả chuối bằng cách sấy khô, rồi đem đi chào bán tại các cửa hàng, chợ hoặc vận chuyển chuối tươi đi tiêu thụ ở khu vực đồng bằng. “Chuối là một trong những nguồn thu chính của gia đình tôi. Năm nay, chuối ế ẩm quá nên chúng tôi phải tự đưa về đồng bằng để bán. Mặc dù công vận chuyển rất khó khăn vì đường xa lại đèo dốc, nhưng tôi cũng bán được từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg. Nếu không đưa đi bán kịp thời, khi chuối chín quá, không ăn được nữa thì phải mang đổ đi và sẽ không có thu nhập”, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, người trồng chuối tại xã Ba Cụm Bắc bày tỏ.

Giá chuối giảm, gây khó khăn cho nhiều người dân Khánh Sơn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm hiện tại, quả chuối đến tay người tiêu dùng trong tỉnh vẫn có giá không hề thấp. Trong khi đó, giá chuối ở Khánh Sơn rất thấp, bán ra ế ẩm là điều hết sức vô lý. Theo ông Cao Phạm Cưỡng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện, tại Hội chợ nông sản Khánh Hòa 2017 vừa qua, trong buổi hội thảo kết nối cung cầu, địa phương đã kiến nghị Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh quan tâm thu mua các mặt hàng nông sản Khánh Sơn, trong đó có chuối. Nhưng chỉ có một số doanh nghiệp tư nhân đồng ý thu mua khoảng 1 tạ/ngày. Với số lượng ít như thế thì công vận chuyển sẽ rất khó khăn.

Ông Đinh Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, thời gian qua, huyện đã gặp và trao đổi với một số doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Mình về việc bao tiêu sản phẩm chuối Khánh Sơn. Tuy nhiên, để đi đến thống nhất về vấn đề này thì cần phải có thời gian, chứ không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Toàn huyện Khánh Sơn có khoảng 550ha chuối, tập trung chủ yếu ở các xã: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Hiệp, Thành Sơn và thị trấn Tô Hạp. Trong cơ cấu phát triển nông nghiệp những năm tới, cây chuối vẫn là loại cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên để có nguồn thu ổn định từ cây chuối, việc tìm đầu ra ổn định, lâu dài cho loại nông sản này là điều người dân đang rất mong chờ ở các ngành, các cấp.

Đinh Luận

Làm giàu từ trồng cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Là một trong những 4 gương mặt của tỉnh vinh dự được tham dự Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 tại Hà Nội, anh Lưu Chấn Thụ ở thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận (Bạch Thông) là một tấm gương làm kinh tế giỏi của Bắc Kạn.

Anh Thụ quét dung dịch vôi kết hợp sulfat đồng cho gốc cây quýt để chống nấm mốc về mùa mưa

Phải chăm chỉ mới làm được kinh tế

Nói đến mô hình trồng cây ăn quả của anh Thụ ở trong vùng không ai là không biết bởi quy mô lớn nhất xã. Quả đúng như vậy khi đặt chân tới đây tôi hoàn toàn choáng ngợp bởi các bãi đồi quýt ngút ngàn, xanh tốt, đều tăm tắm, cây nào cây đó đang vào độ sai trĩu quả.

Vào vườn cam quýt rộng lớn là thế nhưng rất sạch cỏ, có hệ thống ống dẫn phun nước tận nơi. Anh Thụ chia sẻ: “Trước đây tôi từng có cơ hội đi thoát ly ra ngoài nhưng vì tính ưa tự do nên không có nghề nào gắn bó được lâu dài, trải qua nhiều ngành nghề cuối cùng tôi nhận thấy phát triển cây ăn quả chính là giải pháp làm giàu phù hợp nhất trên quê hương mình, từ đó đến nay tôi chỉ gắn bó với nghề trồng cây ăn quả”.

Vào những năm 2001 gia đình anh nhận vài chục ha đất của lâm trường để trồng rừng, nhưng nhận thấy hiệu quả không cao năm 2005 anh đã xin chuyển một phần diện tích đất đồi để phát triển cây ăn quả. Mới đầu là chỉ trồng thử vài trăm cây nhưng sau này càng làm càng ham, dần dần mỗi năm anh lại trồng tăng thêm diện tích. Tính đến nay anh Thụ đã sở hữu hơn 6ha cây ăn quả, chủ yếu là giống cây có múi, trong đó có tới 4ha là đã cho thu hoạch, bình quân sản lượng mỗi năm đạt 60 tấn, thu về từ 500 - 700 triệu đồng, anh dự kiến năm nay vườn cam quýt còn có thể thu về tiền tỷ nếu thời tiết thuận lợi.

Hiện tại phần lớn thời gian anh đều ở trong lán trại để tiện cho việc chăm sóc, trông nom vườn tược. Ngày nào cũng vậy anh thức dậy từ sáng sớm lên đồi phát cỏ, tỉa cành sâu, gẫy, nâng niu từng cây trái, thấy cây nào có biểu hiện bệnh là anh xử lý luôn. Lao động mãi thành quen nên chẳng mấy khi thấy anh ở không, là người gắn bó với cây ăn quả nhiều năm anh nói rằng: “Làm kinh tế từ nông nghiệp là phải thực sự chăm chỉ, coi cây cối như những đứa con của mình thì may ra mới thu lại thành quả”.

Cần chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm

Có được thành quả như ngày hôm nay với anh Thụ chẳng hề dễ dàng gì, tất cả đều được đánh đổi bằng mồ hồi, công sức và cả sự kiên trì trong quá trình lao động suốt hơn chục năm qua. Thời điểm mới trồng cây, bản thân anh chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc nên chất lượng quả thu về không cao, ngày đó trồng được quả quýt gia đình phải dậy từ tờ mờ sáng thồ quýt ra chợ bán từng cân, hôm nào thuận lợi thì không sao hôm nào ế thì bán với giá rẻ như cho.

Trải qua những khó khăn ban đầu, hiện nay anh đã thực sự thành công từ mô hình cây ăn quả, không chỉ trồng cam quýt địa phương mà mấy năm gần đây anh còn đưa giống cam Vinh, cam Xã Đoài, cam Đường canh vào trồng thử. Đến nay các loại cây này đều đã bói quả, hứa hẹn cho năng suất cao, hiện anh có 500 gốc cam Vinh, hơn 1.000 cây cam Đường canh, một số diện tích cây ăn quả có dấu hiệu già cỗi hoặc chết anh đều chủ động thay thế bằng những cây mới.

Những gốc cam Vinh đang bắt đầu bói quả

Do trồng với số lượng lớn nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được anh đặt lên hàng đầu, năm 2014 Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn, Viện rau quả Trung ương đã chọn vườn cây nhà anh thí điểm mô hình VietGAP, từ đó đến nay toàn bộ diện tích đồi vườn đều thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, đó là lý do sản phẩm cây ăn của của gia đình luôn được khách hàng đánh giá cao về mẫu mã và độ an toàn. Cứ mỗi mùa thu hoạch tới gia đình anh không phải vất vả đưa từng cân quả ra chợ bán nữa mà chủ yếu bán xô cho các lái buôn dưới các tỉnh miền xuôi.

Nói về tương lai anh Thụ cũng nung nấu sẽ xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm cam quýt để nâng cao giá thành sản phẩm, tạo sự tin cậy trên thị trường. Tuy nhiên để làm được điều này anh cho rằng ngoài nền tảng đã có là vùng hàng hóa tập trung thì cũng cần tính toán, liên kết các hộ trồng cây ăn qủa lại với nhau, tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó mới duy trì được thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm với các tỉnh bạn.

Ngoài trồng cây ăn quả, anh Thụ còn tham gia trồng rừng sản xuất, hiện anh đang phối hợp với Lâm trường Bạch Thông nhận hơn chục ha rừng, bình quân mỗi năm từ trồng rừng anh cũng thu được trên 30 triệu đồng/ha. Nhờ sự chịu khó trong làm kinh tế mà giờ đây anh có thu nhập khá. Năm 2014 anh đã xây được căn nhà 2 tầng khang trang, hiện đại ngay quốc lộ 3B, đồng thời xây dựng thêm ngôi nhà rộng lớn ngay khu vực đồi cây ăn quả của gia đình để tiện lợi cho việc chăm sóc và mua sắm nhiều vật dụng gia đình có giá trị khác./.

Thu Trang

Măng cụt giảm giá

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang có hơn 108ha diện tích trồng măng cụt, đang vào vụ thu hoạch. Hiện nay, giá măng cụt chỉ còn 30.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Với giá này, người trồng măng cụt không có lời nhiều, vì măng cụt từ 6 năm tuổi trở lên mới cho trái nên kinh phí đầu tư cao. Dự báo thời gian tới giá sẽ còn giảm, nguyên nhân là do mưa nhiều, cây giảm năng suất, chất lượng trái không ngon và đang vào vụ thu hoạch rộ.

Phú Hữu

Hậu Giang: Lúa Hè thu: Năng suất chỉ đạt 650-700kg/công

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Nông dân đã và đang thu hoạch lúa Hè thu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cho biết, đa phần năng suất lúa Hè thu năm nay chỉ dao động ở mức từ 650-700kg/công (1.300m2), thấp hơn cùng kỳ khoảng 200kg/công. Nguyên nhân lúa giảm năng suất được bà con cho là do sâu bệnh năm nay nhiều, thời tiết gặp bất lợi, nhất là vào giai đoạn lúa trổ bông thì thường xuyên có mưa trái mùa nên bông lúa bị lem lép hạt khá nhiều. Tuy năng suất giảm, nhưng bù lại giá lúa được ổn định ở mức cao. Cụ thể, giống lúa IR 50404 cắt máy, lúa tươi được thương lái mua với giá từ 4.400-4.500 đồng/kg, riêng giống OM 5451 và OM 4900 ở mức từ 4.800-5.300 đồng/kg (tùy theo thời điểm). Với giá lúa trên, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân kiếm được nguồn lợi nhuận từ 20-25 triệu đồng/ha.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa Hè thu.

Đến thời điểm này, bà con trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch khoảng 60.000/77.732ha lúa Hè thu đã xuống giống, diện tích chưa thu hoạch còn lại chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ và thị xã Long Mỹ.

Hữu Phước

Thanh niên 9X làm giàu từ cây rau má

Nguồn tin: Khuyến Nông TPHCM

Gần đây, trên thị trường nước giải khát có sản phẩm mới về bột rau má Quảng Thanh rất được người tiêu dùng ưa chuộng và nhắc đến do công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Thiên Nhiên Việt là đơn vị tiên phong trong việc trồng rau má theo tiêu chuẩn ATVSTP tại ấp Mũi Lớn 2, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Thông qua sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện, trực thuộc Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh về tập huấn quy trình và đăng ký chứng nhận VietGAP. Mà người đứng đầu thương hiệu bột rau má Quảng Thanh là một thanh niên thế hệ 9X, anh tên Nguyễn Hồng Bắc, sinh năm 1990, hiện cư ngụ tại ấp Mũi Lớn 2 xã Tân An Hội, huyện Củ Chi.

Hiện anh có 9.000m2 đất trồng rau má sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh kể, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chủ động nguồn nguyên liệu chế biến, anh đã mạnh dạn thuê đất, tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng rau má thông qua tài liệu, kinh nghiệm của những người đi trước và thậm chí anh còn lặn lội xuống các tỉnh miền Tây tham quan và học tập kinh nghiệm. Theo anh, bước đầu anh cũng khó khăn trong nguồn vốn và giống, nhưng anh đã thuyết phục nông dân chuyên trồng rau má ở địa phương cùng thỏa thuận làm ăn, ban đầu họ chỉ bán cho anh bán một lượng giống rất khiêm tốn, đủ để trồng trên 100m2 với giá 2 triệu đồng.

Sau đó, anh đã tiến hành trồng và nhân giống cho toàn trang trại. Theo anh, rau má là cây ưa ẩm tuy nhiên không chịu ngập quá 4 giờ đồng hồ. Do đó, trước khi trồng phải có sự thiết kế quy hoạch trang trại có rãnh luống và hệ thống thoát nước tốt. Rau má là cây cần ánh sáng vừa phải, nếu có điều kiện làm nhà lưới để che bớt ánh sáng trực tiếp thì cây sẽ phát triển tốt hơn và đặc biệt các hoạt chất trong rau má sẽ cao hơn so với việc không che lưới.

Lúc mới trồng, trang trại rau má của anh được tưới bằng hình thức tưới tràn, tuy nhiên hiệu quả không cao lại tốn nhiều công tưới. Nên sau vài lần rút kinh nghiệm, anh đã lắp đặt hệ thống tưới pet phun tự động để chủ động trong việc tưới nước, duy trì độ ẩm thích hợp thường xuyên cho trang trại. Nhờ đó mà rau má phát triển tốt hơn rất nhiều so với việc tưới tràn trước đây và đặc biệt giảm đáng kể công tưới nhờ vào việc cơ giới hóa.

Anh chia sẻ thêm, đầu tư cho cây rau má không tốn kém nhiều. Nguyên một chu kỳ sinh trưởng của cây (khoảng 1 tháng) chỉ cần một lần lót phân và 2 lần thúc phân với nền phân chính là phân trùn quế kết hợp với bón vôi và phân NPK. Một điều đặc biệt nữa là trang trại rau má được trồng hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, do đó sản phẩm rất an toàn cho người sử dụng. Trung bình 1.000 m2 đất cần đầu tư khoảng 1 triệu đồng, thu được 1 tấn rau má tươi/1 lần thu hoạch với giá mua tại trang trại là 12.000 đồng/kg. Đây là loại rau tái sinh, mỗi gốc rau má có chu kỳ thu hoạch trong 10 năm, do đó chỉ tốn chi phí mua giống và đầu tư ban đầu. Mỗi tháng nếu chỉ bán rau tươi, anh đã có thể thu về được khoảng gần 50 triệu đồng. Còn nếu đem về nhà máy chế biến thành sản phẩm bột rau má sạch, thì giá trị sẽ tăng lên gấp 7 – 8 lần. Điều đó cho thấy mô hình của anh có khả năng nhân rộng rất cao, giúp nông dân phát triển kinh tế nâng cao đời sống.

Hiện tại, trang trại rau má của anh đã đi vào ổn định, nên anh đang dự định trồng thêm rau diếp cá để đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài ra, trong thời gian tới anh sẽ kết hợp với người dân và chính quyền để chuyển giao quy trình trồng rau má sạch, góp phần cải thiện đời sống người dân và khai thác diện tích đất bị bỏ hoang tại địa phương nhằm thực hiện chủ trương cơ cấu chuyển đổi cây trồng và làm gia tăng giá trị của cây rau má.

Thanh Mai (Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi)

Tạo đột phá trong sản xuất cây giống dược liệu

Nguồn tin: Nhân Dân

Chăm sóc cây giống tại Công ty cổ phần Lâm Y Dược Bắc Sơn (tỉnh Bắc Giang).

Nhu cầu hạt giống, cây giống dược liệu thời gian qua tăng đột biến do tác động của các chính sách khuyến khích phát triển dược liệu trong nước khiến nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang đầu tư trồng dược liệu. Tuy nhiên, để phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có giải pháp bảo đảm nguồn giống dược liệu chuẩn nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.

Trả giá vì cây giống "trôi nổi"

Bảy năm qua, Công ty cổ phần Lâm Y Dược Bắc Sơn (Bắc Giang) đã đầu tư hơn năm tỷ đồng để chọn, tạo giống cây ba kích năng suất, chất lượng, phục vụ kế hoạch xây dựng vùng trồng ba kích trên đất rừng Bắc Giang. Ngần ấy thời gian không thể kể hết các chuyến đi "săn lùng" cây giống ba kích trong rừng sâu cùng những lần nhân giống thất bại. Kể về quá trình kiên nhẫn tìm giống ba kích, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lâm Y Dược Bắc Sơn Vũ Long Vân cho biết, hơn 100 cây giống đầu tiên được công ty mua của một đơn vị sản xuất giống có uy tín tại Hà Nội nhưng trồng xong thì cây chết. Sau này, công ty mới phát hiện số giống này được mua "trôi nổi" từ Thanh Hóa về bán lại.

Tiếp đến, công ty mua 200 cây giống của một trung tâm giống ở tỉnh Lạng Sơn, cây lên xanh tốt nhưng sau ba năm không có củ. Chuyển sang trồng 200 cây giống nuôi cấy mô tưởng thành công nhưng rồi công ty cũng thất bại vì cây chỉ phát triển thân, không cho củ. Cuối cùng, công ty đành thuê người đi rừng, cứ tìm thấy có cây ba kích mọc tự nhiên là đào đem về trồng và đến nay vườn giống ba kích của công ty đã có 11 loại giống.

Dẫn chúng tôi lên vườn giống nằm tít trên rừng ở xã Nghĩa Phương (huyện Lục Nam, Bắc Giang), ông Vũ Long Vân hồ hởi khoe hai giống ba kích mà công ty đặt tên là BK 9, BK 11 cho năng suất, chất lượng vượt trội, có thể cho thu nhập 1,4 tỷ đồng/ha sau chu kỳ canh tác ba năm. Tuy vậy, ông Vũ Long Vân cho rằng, không doanh nghiệp nào muốn tự mày mò tìm giống chuẩn bởi vừa mất rất nhiều tiền, nhiều rủi ro, vừa chậm cho ra sản phẩm. Nếu có sẵn cây giống ba kích chuẩn để trồng trong bảy năm qua, thì đến nay, công ty đã có thể có rất nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường như củ ba kích, nước tăng lực ba kích...

Tình trạng doanh nghiệp muốn trồng dược liệu phải tự đầu tư sản xuất giống như nêu trên đang rất phổ biến hiện nay. Ông Lê Văn Sản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Dược chia sẻ, mới đây, công ty đã phải dừng dự án trồng cây kim ngân hoa sau nhiều lần mua hạt về gieo không nảy mầm, còn đặt hàng Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cung cấp cây giống cũng không có. Trong khi đó, mỗi năm công ty vẫn phải nhập khẩu năm đến sáu tấn kim ngân hoa để sản xuất thuốc chữa bệnh.

Ðánh giá thực trạng nguồn giống cây dược liệu hiện nay, dược sĩ Bùi Thanh Tùng (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế) thẳng thắn thừa nhận, thị trường dược liệu trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển vùng nguyên liệu. Không chỉ thiếu cây giống có năng suất, chất lượng mà cây giống bình thường cũng không đủ. Nguyên nhân do chưa có cơ quan chuyên về phát triển cây giống dược liệu, chưa có sự phối hợp của ngành nông nghiệp trong chọn, tạo giống năng suất. Ngoài các đề tài, dự án Nhà nước hỗ trợ sản xuất cây giống thì lâu nay chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân chọn tạo, nhập và phát triển giống dược liệu quý.

Chăm sóc cây giống tại Công ty cổ phần Lâm Y Dược Bắc Sơn (tỉnh Bắc Giang).

Cần đột phá trong sản xuất cây giống

Viện Dược liệu là đơn vị Nhà nước có chức năng sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu được nhiều doanh nghiệp trông đợi có thể cung cấp nguồn giống chuẩn nhưng thực tế Viện chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hiện nay, Viện Dược liệu chỉ sản xuất và cung cấp khoảng 30 loại giống dược liệu. Theo lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (thuộc Viện Dược liệu), bất cập lâu nay trong sản xuất cây giống là chưa có quy định về công nhận giống dược liệu khiến đơn vị sản xuất giống chưa xây dựng được thương hiệu cây giống để quảng bá cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân biết đến.

Thực tế cho thấy, trên thị trường có những loại cây giống doanh nghiệp cần thì không có như cát cánh, ngưu tất, đan sâm, ngược lại một số loại cây giống doanh nghiệp ít quan tâm lại có nhiều như ích mẫu, kim tiền thảo… Ðể đáp ứng nhu cầu của thị trường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội Phan Thúy Hiền cho biết, sắp tới, đơn vị sẽ phối hợp các doanh nghiệp nghiên cứu những cây giống mà doanh nghiệp thật sự cần, trung tâm có lợi thế về khoa học, công nghệ, còn doanh nghiệp hỗ trợ đất, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách hiện nay đã tạo thuận lợi cho việc công nhận cây giống, cho nên, Viện Dược liệu sẽ làm thủ tục công nhận giống đối với khoảng hơn 30 loại giống đã sản xuất đại trà nhiều năm. Khi giống được công nhận, có "tên, tuổi", Viện sẽ có điều kiện cung cấp những loại giống tốt cho thị trường.

Trước thực trạng quản lý chất lượng giống, công bố giống cây dược liệu chưa được quan tâm, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nếu vẫn kéo dài tình trạng không quản lý giống dược liệu như hiện nay thì những cá nhân, tổ chức nghiên cứu ra giống dược liệu mới sẽ khó chia sẻ, cung cấp giống ra thị trường do sợ mất bản quyền, nhất là với những loại cây sinh sản vô tính, trồng bằng cành. Nghị định 65/2017/NÐ-CP về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu có hiệu lực từ ngày 5-7 vừa qua được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc chọn, tạo những giống mới, nhanh chóng được đưa vào sản xuất.

Nghị định quy định giống dược liệu mới do các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chọn tạo được xem xét công nhận đặc cách, bỏ qua bước sản xuất thử nghiệm, chỉ cần tiến hành khảo nghiệm. Hiện, Bộ Y tế đang phối hợp cùng các địa phương lập danh sách, mô tả các giống dược liệu địa phương đang sử dụng trong sản xuất hiện nay vào Danh mục giống dược liệu được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Khi giống dược liệu địa phương có tên trong danh mục mới được phép sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Nghị định còn quy định hỗ trợ về tiền, ưu đãi về đất đối với cơ sở sản xuất giống.

Mục tiêu của quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu là đến năm 2020 cung ứng được 60% và đến năm 2030 cung cấp 80% số giống dược liệu sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao. Ðể thực hiện mục tiêu, đáp ứng nhu cầu về cây giống ngày càng tăng của doanh nghiệp, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành y tế và nông nghiệp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để lai tạo, sàng lọc giống năng suất, chất lượng cao.

Nhiều chuyên gia dược liệu cho rằng, để tạo sự đột phá trong phát triển giống dược liệu, Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần phối hợp Viện Dược liệu đẩy nhanh việc chọn, tạo giống dược liệu năng suất, chất lượng cao bằng thế mạnh về trang thiết bị, nhân lực, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng mong mỏi các đơn vị sản xuất giống thường xuyên có những hội thảo chuyên đề về cây giống để nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp. Khi có cây giống chất lượng, doanh nghiệp yên tâm trồng dược liệu thì các chính sách quan trọng về phát triển công nghiệp dược như ưu tiên mua dược liệu, thuốc dược liệu trong nước, mở rộng danh mục thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong thanh toán bảo hiểm y tế... mới thật sự khả thi, có ý nghĩa với doanh nghiệp.

Thanh Quý

Hớn Quản (Bình Phước): Ốc bươu vàng hại lúa diện rộng

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Hiện nay, các cánh đồng trên địa bàn huyện Hớn Quản (Bình Phước) đang vào giai đoạn gieo sạ lúa vụ hè thu. Đây là điều kiện cho ốc bươu vàng hại lúa sinh sản, phát triển và gây hại. Toàn huyện Hớn Quản có khoảng 550 ha lúa và hiện khoảng 110 ha bị ảnh hưởng bởi ốc bươu vàng. Riêng 2 xã Phước An và An Khương ốc bươu vàng hại lúa cục bộ với mật độ 40-60 con/m2, gây hại trên mạ và lúa đẻ nhánh.

Qua tìm hiểu tình hình tại xã Phước An cho thấy, người dân chỉ diệt ốc bươu vàng trong các thửa ruộng, còn ở mương nước, bờ ruộng, ốc và trứng ốc có mật độ dày đặc, dẫn đến không tận diệt được nên việc khống chế sự lây lan vẫn ngoài tầm kiểm soát.

Ông Điểu Thách trộn thuốc diệt ốc bươu vàng vào hạt giống khi gieo sạ (ảnh lớn). Mật độ ốc bươu vàng dày đặc trong ruộng của gia đình ông Điểu Thách (ảnh nhỏ)

Có 2 phương thức làm lúa là sạ thẳng và sạ mạ. Anh Điểu Mai có 8 sào lúa ở cánh đồng ấp Tổng Cui Lớn, xã Phước An cho biết: “Tôi gieo sạ giống lúa truyền thống có thời gian sinh trưởng và phát triển trong 6 tháng. Theo kinh nghiệm gia đình, tôi sạ mạ, sau đó khoảng 1 tháng 15 ngày cấy lúa xuống ruộng và rút nước. Lúc này cây lúa đã lớn nên hạn chế được ốc bươu vàng, vì sinh vật gây hại này chủ yếu cắn phá vào giai đoạn mạ”.

Còn gia đình ông Điểu Thách có 4 sào lúa trên cánh đồng ấp Tổng Cui Lớn lại thực hiện sạ thẳng. Ông Thách cho biết: “Tôi trộn luôn thuốc trị ốc bươu vàng vào hạt giống rồi sạ thẳng xuống ruộng”. Ngoài ra, vẫn còn một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa chịu thay đổi tập quán canh tác, làm lúa không chú trọng năng suất mà phó mặc cho “ông trời”. Đã có trên 30 năm làm lúa, song ông Điểu Thách vẫn xuề xòa: “Bị ốc bươu vàng như vậy, mình trộn thuốc vào hạt giống khi sạ, nhưng năng suất lúa vẫn giảm khoảng 50%. Thôi kệ, ốc ăn hết thì thôi, còn lại nhiêu mình ăn!”.

Trước tình hình đó, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản đã có văn bản gửi UBND các xã ngày 6-7-2017, dự báo trong thời gian tới, ốc bươu vàng tiếp tục sinh sản mạnh, lây lan nhanh và gây hại trên diện rộng. Để hạn chế thực trạng này, trạm đề nghị UBND các xã tập trung tuyên truyền để các hộ nông dân thu gom tiêu hủy, phun thuốc phòng trừ nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do ốc bươu vàng gây ra. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ phụ trách nông nghiệp thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phối hợp các ngành, đoàn thể ở cơ sở phát động thu gom, tiêu hủy ốc bươu vàng trước và sau khi gieo sạ; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp thủ công lẫn hóa học để phòng trừ.

Theo đó, trước khi gieo sạ phải làm đất bằng phẳng, tránh chỗ trũng nước, bắt ốc và ổ trứng vào sáng sớm; đánh rãnh sâu quanh ruộng để tập trung thu gom hoặc xử lý thuốc thuận tiện hơn; sử dụng lưới chắn ở các rãnh nước chảy vào ruộng để ngăn ốc xâm nhập và bắt ốc trưởng thành. Sau khi gieo sạ nông dân cần cắm các cọc tre, sậy ở những chỗ ngập nước, mương nước để thu hút ốc đẻ trứng rồi thu gom dễ dàng hơn. Đối với diện tích lúa có mật độ ốc cao, khả năng lây lan, phát sinh trên diện rộng, nông dân nên sử dụng một số loại thuốc hóa học có hoạt chất metaldehyde như: Bolis 6B, Pilot 19AB, Octigi 6GR...

H.Cúc

Sẽ trồng giống cao su mới thích nghi với gió bão ở Nghệ An

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Trong 7 năm qua, người trồng cao su trên địa bàn Nghệ An gánh chịu 2 cơn bão, hàng trăm ha cao su bị đổ gãy; cần có giống cây cao su mới thích nghi với gió bão để hạn chế thiệt hại cho người dân.

Anh Đặng Văn Thanh buồn bã trước vườn cao su bị đổ gãy do cơn bão số 2 tàn phá. Ảnh: Xuân Hoàng

Đứng trước lô cao su vừa đổ gãy sau cơn bão số 2, anh Đặng Văn Thanh, xóm Tân Thái, xã Tân Phú (Tân Kỳ) buồn bã: Sau 7 năm trồng chăm sóc, những tưởng gia đình có khoản thu nhập ổn định từ 1,1 ha cao su, ai ngờ chỉ sau 1 đếm gió bão, gần như toàn bộ gần 600 cây cao ssu đổ gãy, không còn cơ hội khôi phục.

Cách đây 7 năm cũng vườn cao su này, một cơn bão của năm 2010 bẻ gãy hoàn toàn, gia đình anh đã đầu tư trồng lại, ai ngờ giờ lại bị bão tàn phá. Giờ chỉ biết chặt bỏ bán củi, nhưng chưa có khách đến mua nên chưa chặt.

Những vườn cây cao su trên 7 năm tuổi ở xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ bật gốc do bão số 2 gây nên. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo anh Thanh, phía Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con cần có giải pháp chuyển đổi cây trồng khác, chứ không nên trồng lại cao su nữa, vì sợ bão lại tàn phá. Để trồng mới 1 ha cao su, người dân đầu tư khoảng 30 triệu đồng, sau 5 - 6 năm mới cho khai thác, nếu gặp bão thì trắng tay. Anh Thanh cho rằng, phía công ty cần tìm giống cao su mới có thể chống chọi với gió bão thì người dân mới yên tâm trồng cao su.

Cạnh đó là vường cao su 12 năm tuổi của gia đình bà Phan Thị Liên cũng bị đổ gãy rất nhiều cây. Bà Liên cho biết: Qua kiểm tra thấy tỷ lệ cây bị đỏ gãy chiếm trên 50% số cây, gia đình sẽ xin công ty thanh lý toàn bộ vườn cao su. Còn trồng cây gì thay thế thì chờ phương án thống nhất giữa công ty và người dân.

Bà Lê Thị Thủy, đội Yên Thái, xã Tân Phú có 2 ha cao su bắt đầu cạo mủ năm đầu tiên thì bị gió bão bẻ gãy 1,3 ha. Những cây nhỏ bị đổ, chặt làm củi, cây to thì tìm thương lái bán làm gỗ, những cây có thể khôi phục được thì chặt bớt cành, dựng lên dùng cây chống đỡ. Tuy nhiên những cây khôi phục sẽ giảm năng suất, vì bộ rễ không ổn định.

Vợ chồng bà Lê Thị Thủy xót xa khi phải chặt cành để khôi phục những cây cao su bị gió bão thổi nghiêng. Ảnh: Quang An

Ông Phạm Ngọc Minh, đội trưởng đội Thái Yên (Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con) chia sẻ: Sau bão, anh cùng với các chủ vườn cao su thống kê thiệt hại một cách cụ thể từng gia đình, báo cáo với lãnh đạo Công ty để có giải pháp khắc phục. Đội Thái Yên có 24,5 ha cao su đang khai thác và 67 ha cao su đang giai đoạn kiến thiết, nhìn chung vườn nào cũng bị đổ gãy, tùy theo mức độ.

Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con, đơn vị có hơn 215 nghìn cây cao su kinh doanh/537,59 ha và 336 ha cao su kiến thiết cơ bản với 151 nghìn cây. Trong đó hơn 86 nghìn cây cao khi kinh doanh bị đổ gãy, bật gốc (tương đương khoảng 200 ha) và hơn 60 nghìn cây cao su kiến thiết cơ bản bị đổ gãy (tương đương 150 ha).

Ông Phan Thanh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con cho biết: Những diện tích thị thiệt hại từ 50% số cây trở lên, công ty cho thanh lý, trước mắt cho bà con trồng mía ổn định cuộc sống; những diện tích có tỷ lệ cây bị đổ gãy dưới 50% thì hướng dẫn bà con khôi phục. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ quy hoạch của UBND tỉnh 1.000 ha cao su, công ty tiếp tục có chính sách khuyến khích, động viên bà con trồng mới cao su trên vùng đất khác.

Ông Hùng cho rằng: Để đối phó với gió bão, tới đây công ty sẽ tìm giống cao su mới thích nghi với gió bão, cung ứng cho bà con trồng. Hiện nay một số tỉnh phía Nam đã trồng giống cây cao su chống chọi với gió bão, hiệu quả.

Báo cáo của UBND huyện Tân Kỳ cho thấy, cơn bão số 2 vừa qua đã làm cho 897 ha cây cao su trên địa bàn huyện bị đổ gãy tỷ lệ từ 30 - 70%.

X.Hoàng - Quang An

Thăm đồng thường xuyên để sớm phát hiện các vết bệnh trên lúa Hè - Thu chính vụ năm 2017

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Tính đến trung tuần tháng 7, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống 143.483ha lúa Hè - Thu chính vụ, tăng 15.567ha so với tháng trước, với các giống lúa chủ lực gồm: OM 5451, OM 4900, RVT, OM 6976, IR 50404, OM 7347…

Thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm vết bệnh, sử dụng các loại thuốc đặc trị để phòng trừ kịp thời

Hiện trà lúa đang tập trung giai đoạn đẻ nhánh đến đòng đòng. Trong tháng, một số đối tượng sâu bệnh gây hại nặng, như: rầy nâu, sâu cuốn lá, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá, lem lép hạt, đốm sọc vi khuẩn… tập trung ở một số địa phương gồm: Mỹ Tú, Kế Sách, Long Phú, Thạnh Trị, Trần Đề, TX. Ngã Năm và TP. Sóc Trăng.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, bên cạnh một số đối tượng sâu bệnh trên trà lúa Hè - Thu chính vụ năm 2017 hiện còn xuất hiện chuột cắn phá, sâu đục thân, bù lạch, sâu phao, sâu keo, đốm vằn, thối thân vi khuẩn… với diện tích nhiễm nhẹ đến trung bình.

Hiện nay, do ảnh hưởng thời tiết, mưa thường xuất hiện vào buổi chiều và tối, ẩm độ không khí cao, kết hợp lúa đang tập trung giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ, tạo điều kiện thích hợp cho nấm bệnh và vi khuẩn phát triển, nên bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm vết bệnh, sử dụng các loại thuốc đặc trị để phòng trừ kịp thời.

Q.Bình

Viện Lúa ĐBSCL: Chuyển giao các giống lúa om cho các đơn vị, doanh nghiệp

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Theo Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 6 tháng đầu năm 2017, Viện Lúa đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ và quyền sử dụng không độc quyền các giống lúa OM cho 5 đơn vị sản xuất và kinh doanh giống lúa. Đến nay, về cơ bản Viện đã hoàn tất việc ký kết chuyển giao quyền sử dụng không độc quyền các giống OM cho tất cả các trung tâm và các trạm, trại giống của các địa phương, cũng như các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giống lớn ở ĐBSCL. Ngoài việc chuyển giao quyền sử dụng giống lúa không độc quyền, 6 tháng đầu năm 2017, Viện Lúa ĐBSCL cũng ký kết chuyển giao quyền sử dụng độc quyền giống lúa OM9582 cho Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình và các giống OM341, OM344, OM nếp 406 và OM8959 cho Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam để các đơn vị đầu tư, sản xuất, kinh doanh cung ứng giống cho nông dân.

Việc ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ và quyền sử dụng không độc quyền các giống lúa OM cùng với việc ký kết chuyển giao quyền sử dụng độc quyền giống lúa cho các doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia ký kết với Viện Lúa có đầy đủ cơ sở về mặt pháp lý trong việc sử dụng giống lúa do Viện Lúa ĐBSCL lai tạo. Đây cũng là cơ sở để các đơn vị được tiếp cận nguồn giống chính thống từ Viện để tổ chức sản xuất và cung ứng cho bà con nông dân giống cấp xác nhận có chất lượng tốt hơn, phục vụ sản xuất.

Minh Huyền

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop