Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 10 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 10 năm 2020

Lục Ngạn (Bắc Giang): Triển khai Kế hoạch ‘Du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi’

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa xây dựng Kế hoạch “Du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi” năm 2020.

Theo đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về tài nguyên, tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt của huyện; gắn trải nghiệm thực tế tại vườn cây ăn quả với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện tới khách du lịch.

Vườn bưởi đang vào vụ thu hoạch ở Lục Ngạn.

Hình thành được tour, tuyến du lịch mới nhằm thu hút khách du lịch đến với Lục Ngạn trải nghiệm, mua sản phẩm, tạo thêm việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Các điểm du lịch được hình thành, tạo điều kiện cho các công ty du lịch lữ hành xây dựng các tuor, tuyến du lịch để đưa vào khai thác. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân giới thiệu sản phẩm, ký kết các hợp đồng mua bán sản phẩm.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND huyện Lục Ngạn sẽ tập trung xây dựng các điểm du lịch ấn tượng, đặc sắc, thu hút được khách du lịch. Lựa chọn các nhà vườn có đủ tiêu chuẩn để đón khách, ưu tiên lựa chọn các nhà vườn lớn, có đủ loại cây có múi, cảnh quan đẹp, thuận lợi về giao thông, có đủ cơ sở vật chất đảm bảo đón khách du lịch, kể cả khách du lịch nghỉ qua đêm. Có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Minh Phúc

Hòa Bình: Đưa bưởi hữu cơ Tân Động thành sản phẩm OCOP

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Sản phẩm bưởi hữu cơ Tân Động của HTX trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Tân Động, xóm Tân Lai, xã Đông Lai (Tân Lạc) được trồng theo phương pháp canh tác hữu cơ tự nhiên nên sản phẩm hoàn toàn sạch. Quả bưởi căng mọng, hương vị thơm ngon. Những năm qua, bưởi hữu cơ Tân Động đã khẳng định được thương hiệu và sức cạnh tranh cao trên thị trường, từ đó, góp phần nâng cao đời sống cho các hộ thành viên HTX.

Sản phẩm bưởi quả của HTX trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp Tân Động, xã Đông Lai (Tân Lạc) được người tiêu dùng ưa chuộng, tạo được sức cạnh tranh trên thị trường.

Cây bưởi được người dân xã Đông Lai trồng từ năm 1979. Giai đoạn 2015 - 2020, cây bưởi trở thành cây trồng chủ lực của xã. Đến nay, toàn xã có khoảng 210 ha bưởi, trong đó, 40 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, 20 ha trồng theo phương pháp hữu cơ. Trồng bưởi đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với trồng mía, ngô, sắn. Hàng năm, UBND xã phối hợp Trung tâm Học tập cộng đồng mở các lớp trang bị kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi. Xã đang hướng tới nhân rộng diện tích trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Đồng chí Bùi Văn Sư, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ những tiềm năng, thế mạnh của cây bưởi đỏ, năm 2020, cấp ủy, chính quyền xã lựa chọn sản phẩm bưởi hữu cơ của HTX trồng bưởi hữu cơ và DVNN Tân Động tham gia Chương trình OCOP. Ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền cùng các thành viên HTX nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, lựa chọn hộp đựng sản phẩm, làm tem truy xuất nguồn gốc và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm bưởi hữu cơ Tân Động đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho HTX trong việc quảng bá thương hiệu bưởi đỏ địa phương, nhất là cơ hội để tiếp cận với các thị trường uy tín, siêu thị lớn trên cả nước.

Để có những vườn bưởi sai trĩu quả, đạt tiêu chuẩn, tất cả 25 thành viên HTX phải tham gia lớp đào tạo sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Canh tác theo hướng hữu cơ đòi hỏi kỹ thuật cao, thực hiện nghiêm chỉnh quy định vệ sinh ATTP. Các thành viên HTX tuyệt đối không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó sử dụng phân chuồng ủ hoai mục trộn với chế phẩm sinh học EM, sử dụng đậu tương ngâm với cá tươi và ốc trong thời gian khoảng 2-3 tháng để bón cho cây. Ngoài ra, HTX ưu tiên sử dụng các loại thảo mộc thiên nhiên như gừng, ớt, tỏi, rượu ngâm để phòng trừ các loại sâu bệnh.

Ông Trần Hồng Năng, Giám đốc HTX trồng bưởi hữu cơ và DVNN Tân Động cho biết: Niên vụ 2018-2019, với 20 ha bưởi của HTX thu hơn 27 vạn quả. Giá bán trung bình 18.000 đồng/quả. Nhờ trồng bưởi đỏ theo hướng hữu cơ, đời sống của các hộ thành viên HTX không ngừng cải thiện. Năm nay, sản phẩm bưởi hữu cơ của HTX được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP nên các thành viên đều phấn khởi, nỗ lực trong khâu chăm sóc. Chúng tôi xác định chỉ có chất lượng, mẫu mã tốt thì sản phẩm bưởi của HTX mới có thể tham gia chương trình. Hiện, các hộ thành viên tập trung chăm sóc phòng bệnh ruồi vàng đục quả để đảm bảo năng suất, chất lượng vụ bưởi năm nay.

Thu Thủy

Hậu Giang: Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ được bao tiêu 350 tấn trái

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh vừa ký hợp đồng bao tiêu 350 tấn trái với Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Thời gian thực hiện trong 6 tháng, từ ngày 25-11-2020 đến ngày 25-4-2021. Trong khoảng thời gian này, hợp tác xã sẽ thu hoạch trái để bàn giao cho công ty mỗi ngày, trừ chủ nhật, ngày lễ, tết. Sau thời gian trong hợp đồng, nếu hợp tác xã còn mãng cầu có thể ký tiếp hợp đồng mua bán với công ty.

Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ hiện có 50 xã viên, với diện tích sản xuất gần 60ha, mỗi năm cho sản lượng từ 1.000 đến 1.300 tấn trái.

LÊ ĐĨNH

Khi nông dân được chuyển giao công nghệ mới

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng

Nhiều loại cây trồng chủ lực được chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ ở Lâm Đồng đến nay đã từng bước phát huy hiệu quả tích cực về chuyển đổi cơ cấu, quy trình thâm canh, tăng năng suất, chất lượng thu hoạch gắn với chế biến và tiêu thụ để gia tăng giá trị thu nhập cho kinh tế hộ gia đình nông thôn.

Nhiều vườn ươm ở Lâm Đồng đã được chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao chất lượng cây giống cà phê xuất vườn

Theo đó, với mô hình thâm canh cây ca cao trồng xen dưới tán vườn điều, huyện Đam Rông đã triển khai đạt tổng diện tích 40 ha hướng đến vùng nguyên liệu ổn định tại địa phương. Qua mô hình, hơn 750 hộ nông dân được chuyển giao quy trình kỹ thuật mới về sản xuất, thu hoạch; 10 kỹ thuật viên được đào tạo, tập huấn nâng cao. Và cũng tại huyện Đam Rông, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau các loại (xà lách, mướp đắng, cà tím, dưa leo…) theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (quy mô 500m2/mô hình) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Đạ R’Sal và Đạ K’Nàng đã lựa chọn, đào tạo 20 kỹ thuật viên cơ sở.

Ở huyện Lâm Hà và huyện Đạ Tẻh, mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm đạt các kết quả đáng kể như: năng suất lá dâu 25-29,5 tấn/ha/năm, năng suất kén từ 40-45 kg/hộp, tỷ lệ trứng tằm nở đạt trên 96%... Đặc biệt, đã xây dựng mô hình liên kết trồng trên 80 ha diện tích cây dâu, nuôi tằm, tiêu thụ sản phẩm kén ổn định; mô hình nuôi 10.000 hộp trứng tằm giống; đào tạo 28 kỹ thuật viên và tập huấn cho 600 lượt nông dân nắm vững và ứng dụng thành thạo các quy trình kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm mới.

Trên đối tượng cây chè, Dự án “Xây dựng vùng chè năng suất cao, chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu” trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đã tiếp nhận, làm chủ quy trình nhân giống bằng phương pháp giâm cành, thâm canh 3 giống chè Kim Tuyên, Thúy Ngọc và Tứ Quý theo quy trình kỹ thuật mới, đạt tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 50 ha; đào tạo 10 kỹ thuật viên và tập huấn chuyển giao cho 300 lượt người dân quanh vùng.

Với đối tượng cây cà phê ở địa bàn huyện Lâm Hà, Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng và phát triển mô hình sản xuất cà phê bền vững” đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả như: khu vườn 50.000 cây cà phê vối nhân chồi giống; 1.100 cây sản xuất hạt lai đa dòng; 4.500 cây sản xuất hạt giống cà phê chè mới; 10 ha vườn cà phê ghép cải tạo đạt 3,5 tấn nhân/ha/năm... Ngoài ra, Dự án đã chuyển giao hàng chục quy trình kỹ thuật về canh tác cà phê trên đất dốc, trồng mới và chăm sóc giai đoạn kiến thiết cơ bản, ghép cải tạo vườn, tạo hình, tỉa cành, tưới tiết kiệm nước; ủ vỏ cà phê làm phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp, thu hái, sơ chế và bảo quản cà phê sau thu hoạch... Qua đó, đào tạo 20 kỹ thuật viên cơ sở và tổ chức 10 buổi tập huấn, tham quan mô hình cho 400 nông dân. Đến nay, thu nhập của hộ dân trồng cà phê trong Dự án tăng hơn 10%, chất lượng cà phê cải thiện 10-15%. Các hộ tham gia cũng được hỗ trợ hoàn chỉnh quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn cấp chứng nhận VietGAP, 4C của các tổ chức trong và ngoài nước…

Tính chung giai đoạn năm 2018 - 2020, Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng và vận hành chuỗi rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai đến nay đã xây dựng 11 mô hình VietGAP; hình thành chuỗi liên kết cho 4 loại sản phẩm cà chua, ớt ngọt, dâu tây và xà lách; xây dựng Trung tâm sau thu hoạch, trong đó đầu tư dây chuyền hiện đại về sơ chế, chế biến rau, củ, quả, đóng gói theo quy trình HACCP. Và Dự án còn đào tạo 10 kỹ thuật viên và tập huấn kỹ thuật cho 100 lượt nông dân…

Thống kê giai đoạn 2011 - 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt triển khai 9 dự án chuyển giao khoa học và công nghệ cấp tỉnh (gần 7,9 tỷ đồng), đề xuất đặt hàng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và triển khai 14 dự án cấp nhà nước (hơn 34,6 tỷ đồng). Kết quả các dự án đã triển khai ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương.

Theo đánh giá của ngành chức năng Lâm Đồng: “Trong 10 năm qua, Lâm Đồng có những bước tiến mạnh mẽ về hiệu quả ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vùng sản xuất, phát triển các mô hình sản xuất mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống của người nông dân. Qua đó, góp phần thực hiện thành công chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh, bền vững ở địa phương”…

VĂN VIỆT

Lãi trên 113 triệu đồng/ha từ mô hình sinh kế mùa lũ

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Theo ông Lưu Văn Tiến - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông (Đồng Tháp): Đồng Tháp đã chọn Tam Nông là 1 trong 4 huyện của tỉnh thực hiện mô hình sinh kế mùa lũ thuộc Dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng Tháp Mười” - gọi tắt là Dự án WB 9. Huyện Tam Nông đã chọn 6 xã: An Hòa, An Long, Phú Ninh, Phú Thọ, Phú Thành A và B để thực hiện dự án này.

Mô hình sinh kế mùa lũ ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông

Được Dự án hỗ trợ dụng cụ lưới, cọc tràm, cá giống và thức ăn cho cá ... 3 hộ dân ở xã Phú Thọ đã thực hiện mô hình sinh kế mùa lũ bằng hình thức canh tác lúa, nuôi vịt và dẫn dụ cá tự nhiên vào ruộng nuôi. Mỗi mô hình được thực hiện trên 10ha, nuôi 3.000 con vịt và vừa dẫn dụ cá tự nhiên vào ruộng - vừa thả thêm các loại cá bản địa như: cá rô, cá sặc rằn... để nuôi và trồng thêm bông điên điển.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Tàu - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông cho biết: Tính chung, hiệu quả qua 9 tháng thực hiện mô hình sinh kế mùa lũ thuộc Dự án WB 9, người dân thu lợi nhuận trên 113 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, còn tăng hiệu suất sử dụng phân bón của lúa, giảm gấp 3 lần lượng thuốc trừ sâu, giúp lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã, không làm phát sinh sâu cuốn lá, rầy nâu, đạo ôn; giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao phẩm chất hạt gạo và giảm giá thành sản xuất...

TRẦN TRỌNG TRUNG

Sản xuất rau gắn với bảo vệ môi trường

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Những năm gần đây, tại nhiều vùng rau của Hà Nội, nông dân đã hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất. Việc này không chỉ bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Sản xuất rau an toàn tại xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Đức Duy

Xã Tiền Yên là “vựa” rau lớn ở huyện Hoài Đức với diện tích hơn 70ha, trong đó có 33,5ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Mỗi ngày, vùng rau Tiền Yên cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn rau, củ, quả và được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Thành ở xã Tiền Yên, để có nguồn rau bảo đảm chất lượng, các hộ trồng rau tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất: Không sử dụng hóa chất, phân hóa học, thay thế bằng phân hữu cơ, vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Tương tự, tại huyện Phúc Thọ, mô hình sản xuất rau an toàn đã tạo ra sự khác biệt với phương thức cũ, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương khẳng định: “Việc áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân, vừa tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường”.

Cụ thể, tại huyện Phúc Thọ, đến nay, các địa phương đã tăng diện tích sản xuất rau an toàn lên 480ha. Nhờ vậy, sản phẩm rau, củ, quả của huyện Phúc Thọ đã có thương hiệu trên thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao. Bình quân doanh thu 450-550 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có loại rau ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đạt 800-900 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài hai địa phương này, hiện toàn thành phố Hà Nội còn phát triển được hơn 5.000ha rau an toàn. Tiêu biểu như 220ha ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm); 200ha ở xã Tráng Việt và 90ha ở xã Tiền Phong (huyện Mê Linh); 15ha ở thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ)... mỗi ngày cung cấp hàng nghìn tấn rau, củ, quả an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Về lĩnh vực này, theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, giai đoạn 2015-2020, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức 1.100 lớp tập huấn sản xuất rau an toàn/VietGAP cho hàng chục nghìn lượt nông dân. Hằng năm, ngành Nông nghiệp phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức tuyên truyền cho hơn 10 nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức về Luật Bảo vệ môi trường... qua đó, giúp thay đổi hành vi, phương thức canh tác như: Không lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục; không vứt bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, bừa bãi...

Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội còn thường xuyên thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn nhằm kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng của người dân; phối hợp với chính quyền địa phương lắp đặt 20.000 thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các vùng trồng rau an toàn để bảo vệ môi trường...

Với những giải pháp cụ thể, việc sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường ở Hà Nội đã đạt được kết quả tích cực, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm ô nhiễm môi trường. Trong giai đoạn 2020-2025, ngành Nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tăng diện tích sản xuất rau an toàn lên 12.000ha nhằm tạo nguồn cung nông sản chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh - sạch trên địa bàn...

HOÀNG SƠN

Ia Grai phát triển chăn nuôi gia trại

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Nhờ phát triển mô hình chăn nuôi gia trại, nhiều hộ dân ở huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năm 2010, anh Phạm Thế Cân (tổ 2, thị trấn Ia Kha) đầu tư nuôi 2 con heo nái để tích lũy kinh nghiệm. Sau đó, nhận thấy việc chăn nuôi heo mang lại lợi nhuận ổn định nên anh Cân đã xây dựng chuồng trại để mở rộng quy mô chăn nuôi tập trung trên diện tích khoảng 2.000 m2. Trong đó, chuồng chăn nuôi được chia thành nhiều khu vực gồm: khu nuôi heo nái, khu nuôi heo con và khu nuôi heo thương phẩm.

Anh Cân cho biết: Anh chọn những heo con đẹp để gây nái, còn lại nuôi thương phẩm. Hiện đàn heo nái của gia đình anh có 25 con và heo thương phẩm 120-150 con/lứa. Bình quân mỗi con heo nái 2 năm đẻ được 5 lứa, mỗi lứa 8-12 con. Heo con nuôi được khoảng 1 tháng thì tách mẹ và nuôi thêm 4 tháng đạt trọng lượng 80-100 kg/con thì xuất bán. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán 2 lứa với tổng trọng lượng 25-30 tấn heo hơi. Với giá bán hiện nay hơn 70 ngàn đồng/kg heo hơi, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh lãi hơn 500 triệu đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi heo của gia đình anh Phạm Thế Cân (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai). Ảnh: Lê Nam

Huyện Ia Grai có tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 242.600 con. Trong đó, trên 400 con trâu, hơn 14.600 con bò, khoảng 26.200 con heo, hơn 1.400 con dê, gần 200.000 con gia cầm.

“Do chủ động được nguồn giống từ heo nái sinh sản nên mình không phải mua heo con giống ở bên ngoài. Đồng thời, ngoài thức ăn công nghiệp, mình còn sử dụng nguồn cám gạo, bắp, rau củ quả nên cũng giảm được chi phí đầu tư. Bình quân 2,2 kg thức ăn thì heo tăng trọng được 1 kg. Đặc biệt, khi nuôi phải vệ sinh chuồng trại thường xuyên, định kỳ phải phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và hạn chế người ra vào khu vực nuôi để phòng ngừa dịch bệnh”-anh Cân chia sẻ.

Cũng phát triển mô hình chăn nuôi gia trại, nhưng bà Đoàn Thị Thọ (thôn Tân An, xã Ia Sao) lại chọn chăn nuôi dê. Bà Thọ cho hay: Đầu năm 2017, bà vào tỉnh Đồng Nai mua 2 con dê đực và 50 con dê cái giống Boer với chi phí 130 triệu đồng. Khi mới nuôi do chưa nắm vững kỹ thuật nên dê phát triển kém. Vừa nuôi vừa học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, đến nay, đàn dê của gia đình bà đã phát triển lên 300 con.

“Trước kia, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào cây cà phê. Tuy nhiên, do thấy trồng cà phê vất vả, đầu tư nhiều mà thu nhập không cao nên tôi mạnh dạn chuyển qua nuôi dê. Giống dê lai Boer dễ ăn, dễ chăm sóc, tăng trọng nhanh, ít bị bệnh, hàm lượng thịt nhiều hơn dê cỏ và được thị trường ưa chuộng”-bà Thọ cho hay.

Cũng theo bà Thọ, khi nuôi dê phải chú ý chọn giống có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, chuồng nuôi phải được thiết kế theo kiểu nhà sàn để đảm bảo thoáng mát, khô ráo. Khu vực chuồng nuôi được bà Thọ chia ra thành 2 khu gồm: khu nuôi sinh sản và khu nuôi vỗ béo. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê, bà Thọ trồng hơn 0,5 ha cỏ và tận dụng thêm nguồn bắp, chuối.

“Hiện dê lai giống Boer phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây. Trung bình 2 năm dê cái sinh sản được 3 lứa (mỗi lứa 1-4 con). Khi dê con được khoảng 2 tháng tuổi thì tách mẹ và bắt đầu nuôi riêng. Sau 6-8 tháng là có thể đạt trọng lượng 30-35 kg. Mỗi tháng, gia đình tôi xuất bán 10-15 cặp dê với giá 115-120 ngàn đồng/kg dê hơi thương phẩm và 200 ngàn đồng/kg dê giống. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi 20-25 triệu đồng/tháng”-bà Thọ cho hay.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Giang-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai-cho biết: Trên địa bàn huyện có hơn 13.000 hội viên nông dân. Hàng năm, từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đã có khoảng 4.300 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong khi nhiều mặt hàng nông sản xuống giá thì việc nông dân chọn hướng phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia trại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Riêng đối với nuôi heo, sau ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi, giá heo hơi tăng cao đã giúp cho người chăn nuôi có thu nhập khá. Ngoài ra, nhiều nông dân áp dụng mô hình kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt để tận dụng nguồn phân chuồng bón cho cây trồng, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và ngược lại tận dụng nông sản làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

“Chăn nuôi gia trại đang là hướng đi mang lại hiệu quả và bền vững. Hàng năm, Hội Nông dân huyện đã tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để bà con có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều mô hình mới hiệu quả để giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu”-bà Giang cho biết thêm.

LÊ NAM

Giá lợn hơi giảm mạnh

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Gần 2 tuần qua, giá lợn hơi tại Bắc Giang giảm mạnh. Người chăn nuôi lo ngại “kịch bản” thua lỗ như hồi giữa năm ngoái sẽ quay trở lại.

Hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh đang lo âu khi giá lợn giảm nhanh. Ảnh: Chăn nuôi lợn thịt ở hộ ông Nguyễn Văn Luân (bên phải), thôn Sấu, xã Liên Chung (Tân Yên).

Theo đó, mỗi ngày giá lợn hơi tại Bắc Giang giảm khoảng 2 nghìn đồng/kg. Hiện lợn hơi siêu nạc giá dao động từ 62 - 66 nghìn đồng/kg, giảm hơn 20 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước. Tại Tân Yên, giá lợn cỏ thậm chí giảm còn 58 nghìn đồng/kg, thấp nhất trong vòng một năm trở lại đây.

Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chính dẫn đến giá lợn giảm sâu là do nguồn cung tăng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong tỉnh xuất hiện lợn chết rải rác. Mặc dù chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh nhưng nhiều hộ đã bán tháo lợn để thu hồi vốn, tránh thiệt hại khiến nguồn cung tăng cục bộ.

Ông Nguyễn Văn Lộc, một trong những chủ trại chăn nuôi lợn tại thôn Am Ngàn, xã An Dương (Tân Yên) chia sẻ, với mức giá như hiện nay, người chăn nuôi vẫn lãi cao. Tuy nhiên, với tâm lý vừa bị thiệt hại nặng do bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) nên các hộ chăn nuôi vẫn lo sợ và bán tháo lợn nếu dịch bệnh không được ngăn chặn kịp thời.

Theo cảnh báo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện nay dịch bệnh trên đàn vật nuôi có diễn biến phức tạp, với các bệnh như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, đặc biệt là bệnh DTLCP có chiều hướng gia tăng. Trong đó bệnh DTLCP đã xuất hiện tại 27 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ trong tháng 9 vừa qua, DTLCP đã làm gần 10 nghìn con lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy.

Ông Nguyễn Văn Lộc (áo xanh) thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh.

Để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đặc biệt là thiệt hại trên đàn lợn, vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Sở đề nghị chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như: Kiểm soát việc tái đàn; chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho vật nuôi theo quy định; thực hiện tiêu độc, khử trùng định kỳ để ngăn ngừa mầm bệnh phát sinh…

Chi cục chăn nuôi và Thú y tăng cường phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát nguồn lây bệnh; nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời vật nuôi mắc bệnh, không để dịch bệnh lây lan; hướng dẫn, cập nhật thông tin giúp người dân phòng, chống dịch hiệu quả, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Đại La

Quảng Ninh lần đầu tiên tổ chức hội thi ‘Vua gà’

Nguồn tin: Công Thương

Dự kiến, hội thi “Vua gà” sẽ được tổ chức tại tại Trung tâm Văn hóa Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) vào ngày 30/10. Hội thi được tổ chức nhằm chuyển tải thông điệp "Tiên Yên - Nơi bình minh thức giấc" gắn với câu chuyện huyền thoại Vua gà đến du khách trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh.

Hội thi cũng là dịp để tỉnh Quảng Ninh giới thiệu, quảng bá và tôn vinh thương hiệu gà Tiên Yên, đồng thời, đây cũng là dịp để giúp người chăn nuôi hiểu rõ giá trị của giống gà Tiên Yên, từ đó có thể duy trì, phát triển giống gà bản địa.

Nằm trong hội thi sẽ có các nội dung như: Thi "Vua gà"; thi đôi gà đẹp, thi gà trống thiến đẹp. Dự kiến có 20 đội thi tới từ các HTX, trang trại chăn nuôi gà được cấp chứng nhận nhãn hiệu "Gà Tiên Yên" với số lượng từ 500 con trở lên trên địa bàn huyện Tiên Yên tham dự hội thi.

Gà Tiên Yên là một sản phẩm OCOP thương hiệu có tính nhận diện cao và có hướng đi bền vững

Một số tiêu chí chung về gà dự thi như: Gà mái: Đạt trọng lượng từ 1,8kg trở lên; mào phát triển, mềm, đỏ tươi; đầu mảnh, thanh tú… Gà trống từ 8 tháng tuổi trở lên, có trọng lượng từ 3kg trở lên, phải có cựa, màu đẹp, đỏ tươi; ở cuống mỏ, cả hai phía có chùm lông chĩa ra trông như túm râu…

Đặc biệt, hội thi còn có các tiết mục biểu diễn tiểu phẩm và hoạt cảnh về gà, múa gà, trình diễn thời trang của gà; khiêu vũ thể thao; giới thiệu văn hóa ẩm thực của 13 địa phương trong tỉnh; hội chợ OCOP và thương mại.

Gà Tiên Yên được biết đến là món ngon nức tiếng của tỉnh Quảng Ninh với đặc tính thịt ngọt thơm đặc biệt. Thịt gà Tiên Yên khi luộc, da có màu vàng ươm như thoa nghệ và bóng nhẫy, thịt ngọt thơm, đặc biệt săn chắc, không dai. Năm 2012, gà Tiên Yên đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đưa vào danh sách Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam.

Huyền Trang

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop