Tin nông nghiêp ngày 22 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 22 tháng 11 năm 2019

Chế biến cà phê theo phương pháp mật ong: Dễ làm, hiệu quả cao

Nguồn tin:  Báo Gia Lai

Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cà phê nhân, anh Nguyễn Tiến Thành (thôn Hưng Tiến, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, Gia Lai) đã chế biến theo phương pháp mật ong. Đây là phương pháp chế biến khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao.

Năm 2018, qua tìm hiểu thị trường, anh Thành thấy các cơ sở rang xay cà phê rất ưa chuộng nguồn nguyên liệu được chế biến theo phương pháp mật ong. Vì vậy, anh đã mạnh dạn chế biến thử khoảng 3 tấn cà phê theo phương pháp này và thu được thành công. Năm nay, anh dự kiến sẽ nâng sản lượng cà phê chế biến lên khoảng 20 tấn để cung cấp cho thị trường.

Anh Nguyễn Tiến Thành kiểm tra độ khô của cà phê nhân. Ảnh: L.N

Anh Thành cho biết: “Nguyên tắc cốt lõi của phương pháp mật ong nằm ở chỗ chỉ chọn những quả cà phê chín để chế biến. Bởi lẽ, hàm lượng đường trong quả cà phê chín sẽ ở mức cao nhất và đạt chất lượng tốt nhất”. Cũng theo anh Thành, quy trình chế biến cà phê theo phương pháp mật ong rất đơn giản, chi phí đầu tư không cao và các hộ gia đình đều có thể áp dụng để nâng cao giá trị sản phẩm. Cụ thể, cà phê sau khi thu hái về sẽ được đổ vào một bể nước hoặc máy rửa để loại bỏ những quả khô, quả bị sâu, lép, kém chất lượng và những tạp chất khác như cành, lá, đất... Sau đó, cà phê tiếp tục được đưa vào máy xay ướt để loại bỏ phần vỏ. Trong quá trình xay tách vỏ, máy sẽ tự phân loại và chỉ xay quả cà phê chín. Nhân cà phê sau khi xay sẽ được đưa vào ủ 8-12 tiếng đồng hồ để lên men rồi đưa lên các giàn phơi ngoài trời. Qua quá trình sơ chế, phơi khô, nhân cà phê vẫn còn lớp vỏ trấu cứng ở ngoài để bảo vệ khỏi côn trùng và một số tác nhân làm hư hại khác, đến khi giao cho khách hàng mới tiến hành xay tách vỏ trấu.

Để chế biến cà phê theo phương pháp mật ong, gia đình anh Thành chỉ phải đầu tư khoảng 25 triệu đồng mua máy xay và làm giàn phơi bằng khung sắt, lưới. Phần công lao động để làm các công đoạn từ sơ chế đến phơi cũng tương đương so với chế biến cà phê nhân thông thường. “Chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả mang lại rất lớn đó là nâng cao giá trị sản phẩm cà phê. Hiện tại, tôi đang hợp đồng cung cấp cà phê nhân chế biến theo phương pháp mật ong cho các cơ sở chuyên rang xay cà phê nguyên chất trên địa bàn huyện Chư Prông và TP. Pleiku với giá cao hơn khoảng 20.000 đồng/kg so với nguyên liệu thông thường”-anh Thành chia sẻ.

Với 3 ha cà phê, hiện mỗi năm gia đình anh Thành thu được hơn 10 tấn cà phê nhân. Để có thêm nguồn nguyên liệu chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, anh đang thu mua cà phê tươi của bà con trong xã với giá cao hơn thị trường 500-2.000 đồng/kg tươi, tùy vào tỷ lệ quả chín. Anh Thành cho biết thêm: “Thời gian tới, khi sản phẩm cà phê nhân chế biến theo phương pháp mật ong của gia đình xây dựng được thương hiệu, mở rộng thị trường, tôi sẽ đầu tư nâng công suất lên khoảng 50 tấn/vụ và tiến tới ký kết, bao tiêu sản phẩm với bà con trong thôn. Đồng thời, tôi sẽ hướng dẫn người dân thu hoạch cà phê sao cho đảm bảo chất lượng, đạt tỷ lệ quả chín cao. Nếu hộ nào có ý định chế biến theo phương pháp này, tôi sẽ hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật và giúp tiêu thụ sản phẩm”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho hay: Anh Thành là người đầu tiên trên địa bàn huyện triển khai chế biến cà phê ướt theo phương pháp mật ong. Bước đầu cho thấy, phương pháp chế biến này mang lại hiệu quả tương đối tốt, nâng cao giá trị của hạt cà phê. “Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng thì người dân cần đẩy mạnh việc tái canh, đưa những giống năng suất, chất lượng cao vào trồng và phải dần thay đổi phương thức sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C hoặc hữu cơ. Huyện luôn khuyến khích người dân chủ động tiếp cận với những phương pháp chế biến sâu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm”-ông Luyến nhấn mạnh.

LÊ NAM

Nhọc nhằn mùa cà phê chín...

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Đến thời điểm các nhà vườn cà phê đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Nhiều vùng năm ngoái gặp mưa trái mùa như: Đắk R’lấp, Gia Nghĩa, Đắk Glong… có hộ đã thu chính. Cà phê đang vào mùa, vui đấy nhưng cũng lắm nhọc nhằn.

Sau vài cơn mưa rào rơi rớt cuối mùa, những cành cà phê sum suê, trĩu trái như căng mọng hơn. Trên những trục đường vào rẫy cà phê của nông dân những ngày này trở nên nhộn nhịp hơn ngày thường. Các loại phương tiện vận chuyển như xe công nông, xe tải nhỏ hối hả đưa đón nhân công, tập kết các vật dụng để thu hái cà phê.

Tây Nguyên chuyển mùa, đất trời tươi tắn hơn, cà phê cũng đang chín đỏ vườn hơn. Đi qua các vườn đồi, từ trong tán lá xanh um luôn phát ra âm thanh lộp bộp quen thuộc như mưa rào, đó là âm thanh của những trái cà phê rơi xuống nền bạt được phủ dưới gốc.

Thiếu lao động được xem là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân tranh thủ hái cà phê sớm. Ảnh: Đức Hùng

Trồng cà phê cũng “ăn cơm đứng”

Mùa thu hoạch cà phê năm nay tôi đến thăm anh Nguyễn Văn Kiên, ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa). Anh Kiên là bộ đội phục viên, đến Đắk Nông sinh sống hơn 20 năm nay. Đến Đắk Nông chỉ dựa vào sức trai trẻ, sau nhiều năm làm thuê với đủ mọi công việc, anh đã dành dụm mua đất để trồng được 2 ha cà phê. Những năm 2007 – 2008, người dân ở Gia Nghĩa chủ yếu làm vườn tạp, chưa quen thâm canh cây cà phê thì vườn cà phê của anh Kiên đã cho thu hoạch đến 4 tấn nhân/ha. Vợ chồng anh Kiên hầu như quanh năm bám rẫy, bám vườn bất kể sớm tối.

Theo anh Kiên, trồng cà phê phụ thuộc hoàn toàn vào phân bón hóa học thì không những chi phí tăng cao mà cũng gây hại cho đất, làm vườn cây nhanh thoái hóa. Vì vậy, anh phải tìm tòi cách ủ phân chuồng, xác bã thực vật… để tạo mùn cho đất. Còn công việc thường ngày thì cứ ra vườn là đụng việc. Ngoài bón phân, phun thuốc, giáp tháng lại lúi húi đi làm cành, bấm tỉa chồi... Chưa kể gặp những năm thời tiết xuất hiện sương muối, rệp sáp, bọ xít tấn công, mọi việc một mình anh cáng đáng.

Anh Kiên nói vui: “Suy cho kỹ thì trồng cà phê cũng là nghề “ăn cơm đứng” thật đấy!”. Nếu những công việc này cứ thuê mướn người làm thì chi phí đầu tư sẽ tăng lên, giá cà phê thấp sẽ lỗ vốn. Quanh năm quần quật ngoài vườn, đến bữa ăn cũng vội vàng nói gì đến chuyện quan tâm đến sinh hoạt gia đình. Chuyện học hành của con, mọi thứ tôi đều giao hết cho vợ lo".

Nếu sơ lược từ tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công... mỗi ha cà phê ngốn gần 50 - 60 triệu đồng cho mỗi vụ. Vì vậy, năng suất vườn phải đạt từ 3 – 4 tấn/ha, với giá 40 ngàn trở lên thì người làm cà phê mới hòng có đồng vốn tích lũy… (Anh Nguyễn Văn Kiên, ở phường Nghĩa Đức, Gia Nghĩa)

Chăm sóc cà phê thêm một nỗi nhọc nhằn nữa là khâu tưới. Tưới cà phê không như tưới cây trồng ngắn ngày. Phải đầu tư hệ thống máy móc, ống nước cũng mất hàng chục triệu đồng. Mỗi năm tưới 3 – 4 lần, nhưng mỗi mùa khô đi qua, chạy nước cho vườn cà phê vừa ổn thì anh gầy rạc người, sút đi 3 – 4 kg. Thời gian chăm sóc cây cà phê phát triển, nuôi quả lớn để cho thu hái là cả một quá trình tiêu tốn công sức và tiền bạc khá lớn, nếu nhà vườn nào không tích lũy được coi như thất bát thấy rõ.

Lo lắng trăm bề

Những năm trước đây, cứ bước vào mùa thu hoạch cà phê là lao động từ các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam "đổ bộ" vào các vùng trồng cà phê ở Đắk Nông, khiến những vùng quê trở nên đông đúc hơn. Thế nhưng, vài năm gần đây, ở các tỉnh đồng bằng, người ta tham gia làm công nhân ở các khu công nghiệp nên nhân công hái cà phê trở nên thiếu hụt hẳn.

Không những vậy, ngay tại địa phương, một số vùng lao động trẻ theo phong trào về thành phố kiếm việc làm cũng làm cho các chủ vườn cà phê gặp khó khăn khi đến vụ thu hoạch. Thiếu nhân công và giá nhân công mỗi năm một tăng cao, nên nhiều chủ vườn cà phê buộc phải hái xanh hoặc kéo dài vụ thu hoạch để tránh bớt khó khăn.

Thiếu nhân công hái cà phê nên các chủ vườn cũng phải chịu “lép vế ” trước những đòi hỏi, yêu sách của nhân công. Để thu hút nhân công, các chủ vườn cũng cạnh tranh với nhau bằng cách trả giá cao hơn, cộng thêm các khoản bồi dưỡng bữa ăn, nước uống giải khát để kéo nhân công về phía mình. Do đó, việc thuê mướn công lao động trong mùa vụ hái cà phê trở nên nhiêu khê cho các chủ vườn.

Bát nháo hơn là tình trạng “cò” nhân công lao động ở các bến xe, điểm dừng xe buýt, xe ôm... người lao động ở các nơi đến bị giành giật như một món hàng. Khi được người tìm việc làm đồng ý, cánh xe ôm chia nhau chở đến các nhà vườn có nhu cầu. Qua tìm hiểu, trong giới xe ôm gọi hình thức này là “bán nhân công hái cà phê”. Cánh xe ôm thường nhận tiền cả hai bên.

Cụ thể, cứ một công lao động chở đến, người lao động trả tiền xe ôm tùy theo quản đường xa gần, còn chủ vườn trả cho xe ôm từ 600 – 800.000 đồng/người. Những vụ cà phê trước, có nhiều trường hợp người hái cà phê thuê thông đồng với người chạy xe ôm để "moi" tiền các chủ vườn. Đó là khi được nhận vào làm, người làm thuê ứng tiền trước, khi làm được dăm bảy hôm tìm cách bỏ đi. Ngay sau đó, người chạy xe ôm đến đón chở đi “bán” cho chủ vườn khác...

Công nhật hái cà phê thường dao động từ 160 - 180 ngàn đồng/ngày/người. Có người nhận hái khoán vườn tiền công có thể đạt đến 200 ngàn đồng/ngày. Với những người trung niên, khi không thể làm việc được ở các khu công nghiệp thì đi hái cà phê và mỗi người cuối vụ thu hoạch cũng mang về một khoản tiền kha khá cho gia đình. Theo các nhà vườn, năm nay, thời tiết cũng thuận lợi, mưa đều nên năng suất cà phê đạt khá cao. Tuy nhiên, vào đầu vụ, giá thị trường chỉ còn trên 30.000 đồng/kg, thấp hơn so với cùng thời điểm năm trước (39.000- 40.000 đồng/kg). Tuy vậy các nhà vườn vẫn chung suy nghĩ, dù lời ít, lời nhiều gì thì cũng phải bám vườn mà sống!

Nếu tính từ thời hoàng kim của cà phê năm 1995 đến nay, người trồng cà phê đã qua nhiều cuộc “bể dâu” do giá cả thất thường. Song đến nay cà phê vẫn tiếp tục khẳng định vai trò là một trong các loại cây trồng chủ lực địa phương, mang lại cuộc sống ổn định cho người trồng cà phê và tạo việc làm, thu nhập khá cho người lao động.

Vậy đó, người trồng cà phê ở Đắk Nông cũng như trên cả vùng Tây Nguyên này, lâu nay vẫn âm thầm, chấp nhận như khép mình theo một vòng quay, hái cà phê xong là lại tất bật vào mùa tưới...

Ghi chép của Kim Ngân

Danh mục loài cây trồng chính

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Thay vì đậu tương và lạc, bên cạnh lúa, ngô thì cà phê, cam, bưởi, chuối đã có mặt trong Danh mục loài cây trồng chính vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Cà phê được đưa vào Danh mục loài cây trồng chính

Danh mục loài cây trồng chính được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng thời kỳ phát triển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các chỉ tiêu để lựa chọn cây trồng chính, bao gồm: Diện tích, sản lượng, giá trị xuất khẩu, số giống của loài cây trồng đã được công nhận, số đơn vị đang sản xuất, kinh doanh giống cây trồng…

Cây lúa là cây lương thực có vai trò quan trọng để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Lúa có diện tích gieo trồng và cho sản lượng lớn. Năm 2018, diện tích lúa đạt 7,57 triệu ha; sản lượng 43,98 triệu tấn. Xuất khẩu gạo ước đạt 3,03 tỷ USD. Số giống lúa đã được công nhận là 305 giống.

Cây ngô là cây lương thực quan trọng sau cây lúa, làm thức ăn cho người và cung cấp nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi. Ngô cũng có diện tích gieo trồng và cho sản lượng lớn. Trong năm 2018, diện tích ngô đạt 1,04 triệu ha, sản lượng 4,91 triệu tấn. Số giống ngô đã được công nhận là 140 giống.

Cà phê là loài cây trồng có giá trị kinh tế, hiện đang là sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia theo Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT. Diện tích, sản lượng cà phê lớn và ổn định trong nhiều năm qua. Trong năm 2018, diện tích cà phê đạt 687,2 nghìn ha; sản lượng 1,63 triệu tấn; giá trị xuất khẩu 3,52 tỷ USD. Cây cà phê cần được phát triển để tăng thu nhập cho người dân và đóng góp nhiều hơn nữa vào giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Số giống cà phê đã được công nhận là 16 giống.

Cây cam, cây bười là cây có múi, thuộc nhóm cây ăn quả đang có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị xuất khẩu của ngành. Cam và bưởi cũng là sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia theo Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT (nhóm rau quả). Diện tích, sản lượng cam và bưởi tăng nhanh trong những năm gần đây. Trong năm 2018, diện tích cam đạt 94,4 nghìn ha (tăng khoảng 7 nghìn ha so với năm 2017); sản lượng đạt 868,2 nghìn tấn (tăng 12,6% so với năm 2017); diện tích bưởi đạt 79,9 nghìn ha (tăng khoảng 8 nghìn ha so với năm 2017) và sản lượng đạt 624,9 nghìn tấn (tăng 9,1% so với năm 2017). Cây cam và cây bưởi cần được phát triển để tăng thu nhập cho người dân và đóng góp nhiều hơn nữa vào giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Ở nước ta chuối cũng là loại trái cây có diện tích và sản lượng cao. Với diện tích lớn trên 100 nghìn ha, chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái của Việt Nam hàng năm, cho sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn.

Tuệ Văn

Bình Tân (Vĩnh Long): Giá mít Thái giảm còn 18.000 đ/kg

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Sau thời gian giá ổn định, trong khoảng nửa tháng trở lại đây, giá mít Thái trên địa bàn huyện Bình Tân đã sụt giảm trở lại.

Hiện mít Thái loại I đạt trọng lượng mỗi trái từ 10kg trở lên được thương lái thu mua tại vườn với giá 18.000 đ/kg, mít loại II giá 11.000 đ/kg và mít loại III chỉ 7.000 đ/kg. Như vậy, mít Thái đã giảm trên 10.000 đ/kg so với thời gian trước đó.

Theo một số hộ trồng mít, giá mít Thái giảm là do đa số diện tích mít Thái đang trong độ tuổi thu hoạch nhiều, sản lượng thu hoạch cao, nguồn cung dồi dào hơn so với thời gian trước nên giá sụt giảm.

Toàn huyện Bình Tân hiện có gần 400ha mít Thái, trong số này diện tích đang cho trái không nhiều, chỉ được người dân trồng rải rác và xen canh cùng với nhiều loại cây ăn trái khác. Phần lớn chỉ được trồng từ cuối năm 2018 đến nay, số diện tích này đang trong giai đoạn phát triển tốt.

Do mít Thái là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và sau khi trồng khoảng 2 năm sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên nên dự kiến số diện tích mít mới được trồng sẽ được cho trái vào năm sau.

TRUNG THÀNH

Trồng nấm theo hướng hữu cơ

Nguồn tin: Long An

“Trồng nấm theo hướng hữu cơ có nghĩa là phải bảo đảm an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng phân, thuốc hóa học, sử dụng nguyên liệu tạo phôi giống từ cám gạo, cám bắp; đồng thời, diệt các loại côn trùng, sâu bọ chủ yếu bằng các loại tinh dầu” - Đó là chia sẻ của anh Lê Thanh Nhàn - chủ trại nấm Thanh Nhàn (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An).

Cách đây 4 năm, anh Nhàn bắt tay vào trồng thử nghiệm các loại nấm, trong đó chủ yếu là nấm bào ngư. Lúc đó, anh lấy phôi giống từ huyện Củ Chi (TP.HCM) và huyện Long Khánh (tỉnh Đồng Nai).Tuy nhiên, phôi giống không đạt chất lượng, năng suất thấp, nấm sản xuất ra có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trước thực trạng trên, anh mạnh dạn đăng ký khóa học 12 tháng về trồng nấm ăn và nấm dược liệu tại Trường Đại học Nông Lâm, TP.HCM. Trong quá trình học, anh vừa tìm tòi, học tập kinh nghiệm tại các trại nấm khác, vừa mạnh dạn đầu tư nhà nuôi phôi, lò hấp, khu đóng gói, nhà giàn,... để làm phôi giống.

Chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm là phương châm hoạt động của trại nấm Thanh Nhàn

Sau khi thử nghiệm và thành công, năm 2017, anh Nhàn bắt đầu sản xuất phôi giống đại trà bán cho khách hàng ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang,... Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất phôi giống, anh cũng gặp nhiều khó khăn. Anh Nhàn chia sẻ: “Lúc mới thành lập trại nấm, tôi không có vốn nên phải thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để vay 200 triệu đồng đầu tư các trang thiết bị. Còn nhân công rất khó thuê vì nhiều người cho rằng, làm phôi giống chủ yếu sử dụng thuốc hóa học nên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.Sau một thời gian, nhiều người thấy trại nấm của tôi làm chủ yếu bằng hữu cơ nên xin vào làm công nhân. Hiện nay, trại nấm giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động, bình quân mỗi lao động thu nhập trên 4,5 triệu đồng/tháng”.

Phương châm hoạt động của trại nấm Thanh Nhàn là lấy chất lượng làm hàng đầu, không chạy theo lợi nhuận, nhất là phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, anh Nhàn chủ yếu sử dụng cám gạo, cám bắp làm phôi giống. Vì vậy, phôi giống của anh bán sẽ không có lợi nhuận cao bằng phôi giống làm bằng phân, thuốc hóa học.Cụ thể, anh bán 4.500 đồng/phôi giống, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận 500 đồng/phôi giống.Còn phôi giống làm bằng phân, thuốc hóa học, có lợi nhuận từ 800-1.000 đồng/phôi giống.

Nhờ làm ăn uy tín, chất lượng, trại nấm Thanh Nhàn được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Hơn hết, chất lượng sản phẩm được khách hàng đánh giá cao nên nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn tại TP.HCM liên hệ đặt hàng. Ngoài ra, anh Nhàn còn mở một quầy bán nấm sạch tại chợ thị trấn Tân Thạnh nhằm cung cấp sản phẩm sạch cho người dân quê mình. Bình quân trại nấm Thanh Nhàn cho ra thị trường ít nhất 50kg/ngày, còn lúc cao điểm từ 200-250kg/ngày, giá bán cho thương lái 45.000 đồng/kg.

Chị Trần Thị Thu Dung, ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Thạnh, cho biết: “Tôi thấy nấm của trại nấm Thanh Nhàn rất có chất lượng. Cụ thể, nấm để ngoài ít bị úng, cây nấm ăn giòn, dai và ngọt. Quan trọng là nấm có nguồn gốc rõ ràng nên tôi an tâm”.

Hiện nay, trại nấm Thanh Nhàn hỗ trợ kỹ thuật, con giống cho 8 hộ tại địa phương, với gần 10.000 phôi giống. Anh Nhàn cho biết thêm: “Quy mô sản xuất của trại ngày càng lớn, vấn đề tôi băn khoăn nhất là vốn đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại, trong đó có máy chiết xuất tinh dầu. Vì vậy, tôi hy vọng các cấp, các ngành sớm có biện pháp hỗ trợ trại nấm, góp phần mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng”.

Mô hình trồng nấm hữu cơ của trại nấm Thanh Nhàn đang mở ra hướng đi mới cho người dân huyện Tân Thạnh nói riêng, tỉnh nói chung. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững, góp phần giúp người dân cải thiện thu nhập và mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, rất cần sự trợ lực của các cấp, các ngành./.

Kim Ngọc

Điều chỉnh giá thu mua mía lên 730 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) vừa có thông báo đến các xã, thị trấn, các hộ trồng mía, các chủ hợp đồng bao tiêu mía nguyên liệu về việc điều chỉnh giá thu mua mía vụ 2019-2020. Cụ thể, giá thu mua mía chuẩn 10 CCS tại ruộng là 730 đồng/kg, tăng 30 đồng/kg so với đầu vụ ép. Mức tăng hoặc giảm mỗi 0,1 CCS là 7 đồng/kg. Giá thu mua mía mới điều chỉnh được áp dụng từ 0 giờ ngày 15-11-2019 cho đến khi có thông báo khác thay thế. Ngoài ra, khi thị trường đường có chiều hướng tích cực thì công ty sẽ tiếp tục quan tâm xem xét điều chỉnh tăng giá mua mía thêm cho nông dân.

Đặc biệt, mới đây Bộ Công thương có Thông tư quy định việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường có xuất xứ từ các nước ASEAN theo quy định của pháp luật hiện hành. Số lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN không tính vào lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm do Bộ Công thương công bố theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) áp dụng vào các nước WTO. Thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng đường có xuất xứ từ các nước ASEAN thực hiện theo quy định của Chính phủ. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.

H.TÂM

Lào Cai: Sa Pa chủ động phòng, chống rét cho gia súc

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Mùa đông năm nay dự báo sẽ khắc nghiệt hơn, xuất hiện rét đậm, rét hại kéo dài, do vậy huyện Sa Pa đã sớm chỉ đạo các xã, hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống đói rét, bảo vệ đàn vật nuôi.

Vụ rét năm 2018 - 2019, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Sa Pa mới thấy nhẹ nhõm bởi nền nhiệt độ trung bình cao hơn những vụ rét trước. Cùng với đó, người chăn nuôi đã cẩn thận và chủ động hơn trong công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi nên thiệt hại ở mức rất thấp. Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để bảo vệ được vật vuôi trong mùa đông ở Sa Pa là thách thức lớn, đòi hỏi nỗ lực cao của các xã và hộ chăn nuôi. Thành công trong công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi trong vụ rét năm 2018 - 2019, song các xã và người chăn nuôi không nên chủ quan trong vụ rét năm 2019 - 2020, bởi thời tiết thay đổi thất thường và ngày càng khắc nghiệt. Năm nay, công tác phòng, chống đói rét cho đàn gia súc được UBND huyện chỉ đạo sớm và được các xã triển khai ngay đến người chăn nuôi.

Rơm, rạ từ vụ mùa được người dân dự trữ làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa, thời tiết khắc nghiệt, các đợt rét kéo dài từ cuối tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau và kèm theo mưa tuyết chính là khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống đói rét cho gia súc trên địa bàn. Ngoài ra, tập quán thả rông gia súc vẫn còn. Một số hộ chưa chủ động dự trữ đủ thức ăn xanh cho gia súc và nhiều hộ không di chuyển đàn gia súc đi tránh rét theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Nhiệm vụ quan trọng nhất được UBND huyện Sa Pa xác định là nâng cao nhận thức về tác hại của rét đậm, rét hại cho người chăn nuôi, từ đó phát huy tính chủ động trong phòng, chống đói rét, bảo vệ đàn vật nuôi. Đến thời điểm này, các xã đã tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và tại các cuộc họp thôn, bản để phổ biến đến người dân các biện pháp phòng, chống đói rét cho vật nuôi. Theo đó, sau khi thu hoạch vụ mùa, người dân các xã đã thu gom rơm, rạ, cây cỏ thân mềm để phơi khô, bảo quản, dự trữ thức ăn nơi khô ráo, đồng thời gieo ngô dày làm thức ăn cho gia súc; đảm bảo lượng rơm, cỏ dự trữ tối thiểu 4 tạ/con trâu (bò). Các hộ chuẩn bị thức ăn tinh (ngô, sắn, cám gạo) để bổ sung cho gia súc trong những ngày rét đậm, giúp tăng cường sức khỏe và khả năng chống chịu rét, dịch bệnh cho đàn gia súc.

Ông Hạng A Nhà, ở thôn Sa Pả, xã Sa Pả cho biết: Được sự hướng dẫn của khuyến nông viên xã, gần đây gia đình tôi đã đưa trâu về nhốt trong chuồng sớm hơn. Đồng thời, tôi chủ động trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc và nếu không đủ, tôi sẽ mua thêm, không để gia súc thiếu thức ăn trong những ngày rét.

Cùng với chuẩn bị, dự trữ thức ăn cho gia súc, việc sửa chữa chuồng nuôi đảm bảo giữ ấm cho gia súc được các xã vận động hộ chăn nuôi khẩn trương thực hiện. Đối với những hộ chăn thả gia súc trong rừng, trong tháng 11 này, các xã yêu cầu di chuyển đàn gia súc về nuôi nhốt tại chuồng hoặc những nơi kín gió, có đủ các điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét. Đối với các xã hằng năm có đàn gia súc di chuyển tránh rét, đến thời điểm này đã rà soát, thống kê số hộ đăng ký số lượng gia súc di chuyển tránh rét và nơi gia súc di chuyển đến để có phương án quản lý. Đối với những xã trên địa bàn có gia súc từ nơi khác chuyển đến tránh rét, UBND huyện yêu cầu phải nắm rõ số hộ, số lượng gia súc, nơi xuất phát của gia súc di chuyển đến và tạo điều kiện về địa điểm nuôi nhốt gia súc cho các hộ phải đưa đàn gia súc đi tránh rét. Thú y viên hoặc khuyến nông viên xã thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người dân chăm sóc đàn gia súc, thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường khu vực nuôi nhốt. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã tổ chức tiêm phòng kỳ 2 cho đàn gia súc...

Đến nay, huyện Sa Pa có 13.000 con đại gia súc, trong đó đàn trâu có 10.300 con, đàn bò có 2.620 con. Qua công tác chỉ đạo của huyện và các xã, đã có 4.460 hộ chăn nuôi có chuồng trại kiên cố nuôi nhốt gia súc, chiếm gần 95% tổng số hộ chăn nuôi; gần 1.500 hộ chăn nuôi trồng cỏ dự trữ thức ăn cho gia súc, với gần 100 ha; hơn 4.000 hộ chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc. Sự chuẩn bị sớm của huyện Sa Pa là rất cần thiết để bảo vệ “đầu cơ nghiệp” trong mùa rét năm nay, góp phần hạn chế thiệt hại tới mức thấp nhất đối với người chăn nuôi.

THANH NAM

Thu nhập cao từ nuôi rắn

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Sau nhiều lần thay đổi con vật nuôi mà kinh tế gia đình vẫn không được cải thiện, ông Tô Văn Vân ở thôn Tào Xá, xã Đông Cường (Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã “đánh liều” chọn rắn hổ mang, rắn hổ trâu để nuôi. Sau hơn 2 năm, ông đã có thu nhập cao từ việc bán rắn con và rắn thương phẩm.

Mô hình nuôi rắn cho thu nhập cao của gia đình ông Vân.

Nhận thấy đầu ra cho con rắn thuận lợi nên ông Vân đã mày mò tìm hiểu và quyết định xây chuồng nuôi rắn hổ mang và rắn hổ trâu. Để có nguồn giống tốt, ông tìm đến tận gia đình nuôi rắn có tiếng ở Hải Phòng mua 600 con rắn hổ mang, rắn hổ trâu con về nuôi. Ông xây dựng nhiều ô chuồng và chia thành 2 khu gồm: khu nuôi rắn sinh sản và khu nuôi rắn thương phẩm. Mỗi chuồng rộng từ 3 - 5m2, sàn lót bằng đất khô, dùng chăn làm đệm cho rắn ngủ đông, tường xây bằng gạch, lúc nào cũng khóa cửa cẩn thận, bảo đảm an toàn bằng lưới sắt. Mỗi ô chuồng ông chỉ nuôi khoảng 50 con để có không gian cho rắn sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Khi được hỏi tại sao gia đình lại chọn rắn hổ mang, rắn hổ trâu để nuôi, ông Vân chia sẻ: Tôi đã dự định nuôi rắn cách đây hàng chục năm nhưng có một mình nên chưa dám nuôi, đến năm 2017 con trai đi làm ăn xa về mới xây chuồng kiên cố để nuôi. Rắn là con đặc sản, nhu cầu thị trường lớn, dễ chăm sóc, theo dõi, ít bệnh tật, ngủ nhiều, ăn ít. Chính nghề độc và lạ này mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần nuôi các con vật khác. Để không gặp nguy hiểm khi vào chuồng rắn mọi hoạt động đều phải nhẹ nhàng, không làm rắn hoảng sợ, đặc biệt là không được uống rượu vì rắn rất kỵ mùi rượu.

Nếu như các gia đình khác thường lấy cóc, chuột làm thức ăn cho rắn hổ mang, rắn hổ trâu thì gia đình ông Vân lại tận dụng gà con để làm thức ăn cho rắn. Anh Tô Văn Đạt, con trai ông Vân cho biết: Gia đình thường mua gà con thải loại của các gia trại, trang trại để làm thức ăn cho rắn vì lượng đạm của gà con cũng tương đương với cóc, chuột nhưng giá rẻ hơn, nguồn dồi dào hơn. Rắn 3 ngày mới phải cho ăn một lần. Chăm sóc hai loại rắn này dễ hơn các con vật khác không chỉ ở việc cho ăn mà bệnh tật cũng ít hơn bởi loài rắn này ngủ đông tới 5 tháng không cần ăn, nó thức và hoạt động chủ yếu vào mùa hè. Trong chuồng của ông Vân hiện nuôi 500 - 600 con rắn, chủ yếu là rắn thương phẩm, rắn giống. Thời gian gần đây, anh Đạt tự mày mò cho rắn phối giống, khi rắn đẻ lấy trứng ấp theo kỹ thuật hướng dẫn trên mạng. Sau vài lần thất bại, anh Đạt đã nhân giống rắn thành công. Từ chỗ phải đi mua con giống, giờ gia đình ông Vân lại trở thành nhà cung cấp rắn giống cho thị trường các tỉnh lân cận, đem lại nguồn thu không nhỏ bởi một con rắn hổ mang mới nở có giá 80.000 đồng/con, một con rắn hổ trâu mới nở có giá 120.000 đồng.

Không chỉ nuôi rắn, gia đình ông Vân còn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi thả 1.000 con cá quả, 4.000 - 5.000 con ếch, 3.000 con ngan, vịt; trên bờ ông tận dụng đất trồng một số cây ăn quả như bưởi, cam, thanh long. Mỗi năm ông Vân thu hàng trăm triệu đồng từ mô hình nuôi con đặc sản này, trong đó thu từ nuôi rắn là chủ yếu. Đến nay, hộ ông Tô Văn Vân vẫn là gia đình duy nhất trên địa bàn xã Đông Cường nuôi rắn hổ mang, rắn hổ trâu. Đây là hướng chăn nuôi mới, cho lãi cao. Song để bảo đảm an toàn cho người nuôi và người dân sống xung quanh thì chuồng trại nuôi rắn phải được xây dựng cẩn thận, chắc chắn.

Thu Hiền

Heo giống quyết đinh hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Hiện tại Dịch tả heo châu Phi xảy ra ở Việt Nam đã làm giảm sản lượng thịt heo trong nước. Diễn biến của dịch bệnh và thực tế tổn thất của ngành chăn nuôi đã đặt ra những lo ngại về đảm bảo nguồn cung từ nay đến Tết Nguyên đán 2020, đây là giai đoạn mà nhu cầu tiêu thụ thịt của người dân cao nhất trong năm.

Theo Bộ NN-PTNT, thịt lợn chiếm hơn 70% trên tổng số các loại thịt mà người Việt dùng trong bữa cơm hàng ngày. Do đó giá thịt heo đang tiếp tục leo thang tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước khi cung cầu thị trường đang bị mất cân đối khá lớn. Trong tình hình này, mặc dù biết đây là thời cơ cho việc tái đàn sau khi cơn bão dịch đi qua nhưng đối với các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi vẫn còn một nỗi lo: ngoài việc phải đảm bảo một số điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học theo khuyến cáo của Bộ NNN-PTNT thì việc tìm nơi cung cấp giống heo hậu bị thay đàn khoẻ mạnh, không nhiễm bệnh và có năng suất cao là đều không dễ dàng.

Đàn heo bị nhiễm bệnh được thay thế

Cung cấp giải pháp bền vững

Hiện nay, Xí nghiệp Heo Giống Cấp I, trực thuộc Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), có bề dày lịch sử hình thành và phát triển trên 40 năm và là đơn vị giống duy nhất của TPHCM từ năm 1983, được thành phố đầu tư cho nhập một số giống thuần, có chất lượng cao từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến như: Bỉ, Anh, Pháp, Mỹ, Canada…

Nhiệm vụ chính của xí nghiệp là nuôi dưỡng và chọn lọc một số gen tốt để lai tạo ra những dòng sinh sản, dòng sinh trưởng năng suất cao ổn định, điều quan trọng là thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi tại Việt Nam nhằm đảm bảo là một trong những nguồn cung cấp con giống uy tín cho thị trường chăn nuôi heo trong hiện tại và tương lai. Qua đó xí nghiệp cũng đóng góp một phần vào sự nghiệp phát triển ngành chăn nuôi heo Việt Nam.

Sagrifood cung cấp giải pháp bền vững

Trong quá trình phát triển con giống, với tiêu chí “Vì Nhà Chăn Nuôi”, xí nghiệp đã không ngừng nghiên cứu và cải thiện công tác nhân giống lai tạo để cung cấp những con giống chất lượng tốt như mong muốn. Song song đó đến với con giống của xí nghiệp chăn nuôi heo giống cấp 1 (Sagrifood), người chăn nuôi còn được nhận thêm dịch vụ chăm sóc khách hàng như: tư vấn thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, kỹ thuật chăn nuôi như: cách nuôi dưỡng, quản lý và chăm sóc đàn, quy trình phòng và kiểm soát dịch bệnh… để đạt được hiệu quả lợi nhuận cao nhất, chăn nuôi bền vững.

QUÝ NGỌC

Thận trọng phát triển nuôi chim yến

Nguồn tin: Báo Nam Định

Chim yến vốn là loài chim phương Nam với khí hậu nóng ấm quanh năm; sinh sống, làm tổ trên vách đá cao ngoài hải đảo hoặc trong những hang, động ven biển. Đặc biệt tổ yến được làm bằng vật liệu riêng là “dãi” yến và được sử dụng làm thực phẩm rất bổ dưỡng. Tổ yến có giá trị kinh tế rất cao, do vậy nuôi chim yến đã thành một nghề ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam. Gần đây trên địa bàn tỉnh có một số hộ dân đầu tư hàng tỷ đồng làm nhà nuôi chim yến cho dù điều kiện khí hậu mùa đông khắc nghiệt có mưa lạnh kéo dài.

Anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu) kiểm soát tình hình nhà yến qua thiết bị theo dõi từ xa.

Anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu, tỉnh Nam Định), đã đầu tư xây ngôi nhà 3 tầng ngay gần biển, trang bị dàn thiết bị âm thanh thu hút chim yến. Cứ độ 5 giờ chiều, hàng nghìn con chim yến ríu rít về xây tổ. Anh Thuận đã từng thành công với nhiều mô hình làm kinh tế như trồng đinh lăng, nuôi thủy sản, được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng giải thưởng Lương Định Của (năm 2018). Quá trình nuôi thủy sản, anh quan sát, phát hiện ở các khu vực đầm nuôi thủy hải sản, cánh đồng lúa, rau màu và rừng ngập mặn rộng lớn hàng nghìn ha tạo thành hệ sinh thái phong phú, trong lành cung cấp thức ăn tự nhiên thu hút nhiều chim yến về kiếm ăn. Anh tìm hiểu được biết chim yến đã được nhiều nơi nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nên có ý tưởng nuôi ngay tại quê nhà. Nghĩ là làm, đầu năm 2019, anh Thuận đã mạnh dạn xây nhà nuôi yến theo công nghệ Malaysia với diện tích 100m2 mỗi tầng. “Đất lành chim đậu”. Đến nay sau 3 tháng đi vào hoạt động, nhà yến đã dụ được khoảng 2.000 con chim về cư trú, làm tổ. Ý tưởng táo bạo của anh đã thành công bước đầu. Tuy nhiên, còn phải chờ xem sức chống chịu của đàn chim với thời tiết có mưa phùn, giá lạnh của mùa đông miền Bắc. Hiện tại anh Thuận đã có phương án để chăm giữ đàn chim yến vào những ngày đông lạnh như nuôi chim trong nhà và bổ sung thức ăn cho chim. Ngoài gia đình anh Thuận, hiện tại trên địa bàn tỉnh còn có một số hộ dân ở huyện Nam Trực và thành phố Nam Định cũng phát triển nuôi chim yến lấy tổ. Theo tính toán của các hộ nuôi chim yến trên địa bàn thì với chi phí ban đầu gần 2 tỷ đồng cho một nhà yến, nếu thuận lợi sẽ cho thu mỗi tháng từ 3-5kg tổ. Giá bán tổ yến thô hiện nay khoảng 25 triệu đồng/kg, doanh thu hàng tháng sẽ có thể lên đến gần trăm triệu đồng. Nếu thành công, mô hình nuôi chim yến có thể sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội nghề nuôi yến Việt Nam thì nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao ở 43 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Do biến đổi khí hậu, mùa đông ngày càng ấm nên địa bàn nuôi yến đang dần dịch chuyển mở rộng ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Tại các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh và Ninh Bình đã phát triển nuôi yến lấy tổ thành công. Tuy nhiên, nghề nuôi yến đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật xây dựng và quy trình nuôi và phải nghiên cứu kỹ về đặc tính của chim yến để “chiều”. Tường nhà nuôi yến phải xây 2 lớp để cách âm, cách nhiệt, chủ động điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định việc thu hút yến đến làm tổ. Theo đó nhiệt độ trong nhà yến tốt nhất duy trì từ 26-310C. Độ ẩm thích hợp từ 74-85% và nếu độ ẩm dưới 74% thì yến không làm tổ vì độ bám dính kém, nền tổ yến bị bong tróc. Độ ẩm này phải duy trì liên tục, ổn định cả ngày và đêm kể từ khi nhà yến hoạt động mới duy trì được. Ánh sáng trong nhà yến phải yếu, không lộ sáng để bảo vệ tổ và chim non. Ngoài ra phải tính toán thiết kế chỗ đậu cho chim và lựa chọn âm thanh dẫn dụ chim. Trong quá trình nuôi chim cũng cần đặc biệt quan tâm việc khử mùi, tạo độ ẩm trong nhà nuôi và cách phòng thiên địch (rắn, chuột, chim cắt, chim cú) bảo vệ đàn yến… Thậm chí mỗi lần có người vào thăm hay vệ sinh nhà nuôi đều phải rất cẩn thận bởi phát hiện có mùi lạ chim yến sẽ bỏ đi.

Đặc biệt, hiện tại chưa có kinh nghiệm thực tế về sức khỏe đàn yến và việc chăm sóc trong thời gian mùa đông với những đợt không khí lạnh nhiệt độ giảm thấp xuống đến 10 độ C và có kèm theo mưa phùn không thuận lợi cho chim yến kiếm ăn. Bên cạnh đó cũng phải tính đến những tác động môi trường mà chim yến gây ra khi tập trung đàn lớn và đảm bảo an toàn dịch bệnh nhất là nhóm bệnh cúm. Đó là những vấn đề cần được các địa phương, cơ quan chuyên môn và người đầu tư quan tâm, chủ động giải pháp quản lý trước khi mô hình kinh tế này được nhân rộng, tránh bị động trước những hậu quả môi trường, xã hội phát sinh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop