Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 5 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 5 năm 2019

Bắc Giang: Giá vải VietGAP tại Phúc Hòa (Tân Yên) dao động từ 35-37 nghìn đồng/kg

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Thời điểm này, người dân xã Phúc Hòa (Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) bắt đầu cho thu hoạch vải sớm. Tính đến ngày 19-5, giá bán vải tại vườn dao động từ 23-37 nghìn đồng/kg (cao gấp đôi so với năm ngoái), riêng vải VietGap có giá bán từ 35-37 nghìn đồng/kg.

Một điểm cân vải sớm tại thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa.

Ước tính, sản lượng vải sớm tại xã Phúc Hòa đạt hơn 6 nghìn tấn; riêng vải VietGAP đạt hơn 3 nghìn tấn.

Vải thiều sớm sẽ thu hoạch từ nay cho đến đầu tháng 6-2019. Để bảo đảm chất lượng quả, cơ quan chuyên môn chỉ đạo người dân tập trung tưới nước, cắt tỉa cành tăm...

Năm nay, xã Phúc Hòa có 550 ha vải sớm cho thu quả, trong đó có 300 ha canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Do bà con làm chủ kỹ thuật trồng, chăm sóc nên vải cho quả to, mã đẹp, không bị sâu cuống, chất lượng thơm ngon.

Hoàng Phương

Ngọt thơm trái xoài Sơn La

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Từng chuyến xe tải chở những thùng xoài thơm ngát dừng trước các gian hàng giới thiệu về "Tuần lễ xoài và nông sản an toàn Sơn La năm 2019" tại siêu thị Big C Thăng Long - Hà Nội khiến ai cũng trầm trồ, thích thú.

Lần đầu tiên, trái xoài - một trong những đặc sản của Sơn La được giới thiệu trực tiếp với quy mô lớn cho người tiêu dùng Thủ đô. Người trồng xoài Sơn La không giấu nổi niềm vui và hy vọng về một tương lai tươi sáng cho trái xoài quê hương trong hành trình khẳng định vị thế ở các thị trường lớn.

Trưng bày, giới thiệu xoài Sơn La trong Tuần lễ xoài và nông sản an toàn Sơn La tại siêu thị Big C Thăng Long - Hà Nội.

Đặc sản của người Sơn La

Lau vội những giọt mồ hôi lã chã trên trán, nâng niu, sắp xếp lại những quả xoài căng mọng, thơm lựng (đã được dán tem nhãn) lên quầy, chị Nguyễn Thị Hồng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Hoa quả Quyết Tâm (xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) hồ hởi nói: “Từng đến với thị trường Thủ đô qua thương lái, nhưng đây là lần đầu tiên xoài - một đặc sản ở quê tôi được quảng bá, giới thiệu trực tiếp với người tiêu dùng ở đây. Mấy hôm nay, khi chuẩn bị những thùng xoài đưa xuống Hà Nội, tôi và nhiều xã viên trong hợp tác xã vừa mừng, vừa hồi hộp. Hiện Hợp tác xã Hoa quả Quyết Tâm đang trồng khoảng 50ha xoài, sản lượng đạt khoảng 600 tấn xoài/năm. Năm 2018, hợp tác xã đã xuất khẩu 40 tấn xoài sang thị trường Australia và Trung Quốc".

Tiếp lời chị Hồng, chị Lường Thị Duyên ở bản Chiềng Ban (xã Tú Nang, huyện Yên Châu) rạng ngời trong trang phục dân tộc mình, chia sẻ: "Yên Châu là đất xoài truyền thống nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc. Xã Tú Nang và nhiều xã khác của Yên Châu chủ yếu là đồi dốc, trồng cây gì cũng khó phát triển nên cây xoài được người dân trong vùng lựa chọn để trồng, cho thu nhập ổn định”. Ở gian hàng của mình, chị Duyên thoăn thoắt gọt xoài mời khách. Thưởng thức miếng xoài, anh Đào Đức Thụy ở phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) khen: "Xoài có vị thơm, ngọt, mẫu mã đẹp. Trái cây Việt Nam thật phong phú và có giá trị".

Vừa tất bật đón khách, chỉ đạo các hợp tác xã trưng bày sản phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu Lường Trung Hiếu vừa hào hứng cho biết: "Được mệnh danh là đất của “xoài thơm, chuối ngọt”, Yên Châu là địa phương trồng xoài lâu đời, được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu. Với 6.350ha trồng xoài, trong đó có 1.600ha xoài được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, 100ha được cấp mã vùng xuất khẩu sang Mỹ và Australia, đặc sản xoài Yên Châu đang khẳng định được vị thế, thương hiệu ở những thị trường lớn... Nếu như năm 2017, Yên Châu chỉ xuất được 3 tấn xoài sang Australia thì đến năm 2018, con số này được nâng lên 790 tấn.

Đặc biệt, vụ xoài năm 2019, Yên Châu dự kiến xuất 1.200 tấn, trong đó đã xuất 100 tấn theo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ngày 1-6 tới đây, Yên Châu xuất 3 tấn xoài đến Australia và 3 tấn sang Mỹ theo hợp đồng đã ký. Có thể nói, ngoài phủ xanh đồi núi Yên Châu, cây xoài còn tạo nguồn thu nhập khá, giúp hơn 3.000 hộ đồng bào các dân tộc ổn định đời sống. Tự hào hơn, Yên Châu có những cây xoài cổ thụ ở xã Tà Vạt rất to, một người ôm không xuể, tuổi đời gần trăm năm, cho thu hoạch gần 1 tấn quả mỗi năm".

Nhộn nhịp không kém gian hàng xoài Yên Châu, những gian hàng của huyện Mộc Châu cũng rất đông khách. Những xã viên Hợp tác xã Mai Sơn Green Farm (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) say sưa nói về từng loại xoài với người tiêu dùng. Cầm trái xoài gốc Thái và xoài tròn bản địa, Giám đốc Hợp tác xã Mai Sơn Green Farm Nguyễn Văn Tuấn giới thiệu: "Xoài giống Thái Lan dài, quả to, vị ngọt, giòn; xoài bản địa quả nhỏ, tròn, vị ngọt, mềm, thơm ngát và ruột màu vàng đậm hơn. Trong 60ha xoài các loại của hợp tác xã, có 45ha được cấp mã vùng xuất khẩu sang Mỹ và Australia".

Khẳng định vị thế với người tiêu dùng

Chia sẻ với chúng tôi về trái xoài đặc sản của quê hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh cho hay: Hiện toàn tỉnh có 11.580ha trồng xoài. Năm 2019 có 15.700ha cho thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt 35.500 tấn, trong đó khoảng 7.300 tấn đủ điều kiện xuất khẩu. Đặc biệt, chất lượng quả xoài năm 2019 được đánh giá tiến bộ vượt bậc so với năm 2018 do các hộ gia đình, hợp tác xã trồng xoài chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác và làm tốt việc đăng ký chất lượng, đăng ký cấp mã vùng…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Khánh vẫn trăn trở: "Tuy là vùng trồng xoài trọng điểm của Tây Bắc, song việc tiêu thụ vẫn chưa thực sự như kỳ vọng; phần lớn phụ thuộc thương lái hoặc người dân tự tiêu; sản lượng xuất bán cho siêu thị, công ty hoặc xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất nhỏ".

Không chỉ khó đầu ra, nông dân trồng xoài Sơn La đang gặp khó khăn về vốn đầu tư sản xuất và xây dựng kho chứa, bảo quản, sơ chế... Giám đốc Hợp tác xã Mai Sơn Green Farm Nguyễn Văn Tuấn cho biết, hợp tác xã mới xây dựng được kho lạnh, nhưng diện tích khá khiêm tốn (20m2). Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, hợp tác xã dự kiến xây dựng nhà bảo quản quy mô lớn nhưng hiện chưa đủ nguồn lực... Hay như Hợp tác xã Hoa quả Quyết Tâm, dù đã xuất khẩu xoài tới Mỹ, Australia… song, đơn vị chưa có kho lạnh; việc thu hái, đóng gói hầu hết do xã viên làm tại nhà, sau đó tập hợp và giao hàng theo đơn… Ngoài ra, xoài Sơn La đang phải đối mặt với những biến động về giá vật tư ngày một tăng, nguy cơ mai một nguồn giống quý; nhiều diện tích xoài cổ thụ bị chết do sâu bệnh...

"Trước những khó khăn trên, chúng tôi đã, đang quan tâm, hỗ trợ người trồng xoài tiếp cận nguồn vốn, công nghệ tiên tiến, thị trường tiêu thụ… Các cơ quan chức năng cũng đang tìm phương án để lưu giữ, bảo tồn nguồn gen quý để nhân rộng xoài đặc sản bản địa. Đặc biệt, tỉnh Sơn La tiếp tục phát huy tốt 47 chuỗi từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ; mở rộng các hợp tác xã rau quả; đồng thời, quyết liệt các biện pháp trong sản xuất sạch, bảo đảm chất lượng với mục tiêu chinh phục các thị trường kỹ tính nhất cả trong và ngoài nước", ông Nguyễn Quốc Khánh thông tin.

Với những bước đi cụ thể kể trên, cùng tâm thế tự tin, hồ hởi mà chúng tôi cảm nhận được từ những người trồng xoài Sơn La có mặt ở Thủ đô trong "Tuần lễ xoài và nông sản an toàn Sơn La năm 2019", chắc chắn trái xoài ngọt thơm Sơn La sẽ khẳng định được vị thế đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

ĐÀO HUYỀN

Thanh long có giá, nông dân vùng chuyên canh thu nhập cao

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Hiện nay, tại tỉnh Tiền Giang, thanh long đang có giá, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân vùng chuyên canh. Theo ông Trần Hữu Thuyết, nông dân trồng thanh long xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, giá thanh long thương lái đang thu mua trên dưới 35.000 đồng/kg giống ruột đỏ, tăng hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5.000 đồng/kg.

Gia đình ông canh tác 6.000 m2 (6 công) thanh long ruột đỏ. Vài ngày tới ông thu hoạch khoảng 1 tấn. Thanh long có giá nên gia đình ông rất phấn khởi. Dự kiến lần này bán thu trên 30 triệu đồng. Ông Thuyết cũng cho biết, để nâng cao giá trị cây thanh long, nông dân vùng chuyên canh thường xử lý bằng cách xông đèn để cho trái rải vụ, tránh trùng với thời điểm chính vụ thường bán mất giá. Thanh long mỗi năm xông đèn xử lý cho thu hoạch trung bình 3 đến 4 lần. Ngoài ra, xen kẽ trong đó, bà con còn thu hoạch từ 4 đến 5 lần cây ra trái tự nhiên nhưng sản lượng không nhiều.

Năng suất thanh long đạt khoảng 30 tấn /ha/năm. Với giá bán 35.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi ha thanh long đạt giá trị trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí bà con còn lãi khoảng 50% trở lên. Theo ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, địa phương hiện có gần 6.200 ha thanh long chuyên canh, lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 4.500 ha với sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 142.000 tấn cung ứng thị trường.

Ông cũng cho biết, hàng năm, thời điểm vào chính vụ thu hoạch tự nhiên thanh long thường bị mất giá. Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh, kết hợp xử lý rải vụ nên thời gian qua nông dân địa phương đã tránh được tình trạng trúng mùa, mất giá, vừa nâng cao khả năng cạnh tranh của cây trồng đặc sản trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mộng Tuyết

Hải Dương: Vải sớm Thanh Bính được mùa, được giá

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Trong khi nhiều nơi khác, vải năm nay mất mùa thì ở xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, vải vẫn được mùa, được giá. Với giá bán vải sớm hiện tại dao động từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, ước tính xã Thanh Bính năm nay cho thu khoảng 10 - 12 tỷ đồng từ thu hoạch vải sớm.

Theo ông Lê Sỹ Tín - Chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho biết: Xã Thanh Bính là xã thuần nông, nông dân trong xã chủ yếu trồng cây ăn quả. Toàn xã Thanh Bính có 268,1ha trồng vải. Do vải thiều chính vụ chỉ tập trung thu hoạch vào một thời điểm nhất định và phụ thuộc nhiều vào điều kiện nhiệt độ thấp để phân hóa mầm hoa, do đó thường hay ra quả cách năm, năm được mùa thường mất giá. Bởi vậy, các cấp đảng bộ và chính quyền nhân dân xã Thanh Bính quán triệt và chỉ đạo người dân cần tập trung cho sản xuất vải sớm, trong đó diện tích vải cực sớm như u trứng trắng, u trứng gai, u trứng dây chiếm khoảng 20% diện tích; 60% diện tích u hồng chín sớm; 20% còn lại là tàu lai và vải chính vụ; để vừa đảm bảo không bị mất mùa mà vải sớm bán được giá cao hơn.

Anh Phạm Văn Hoan bên vườn vải u hồng của gia đình

Anh Phạm Văn Hoan, một nông dân tiêu biểu trong sản xuất vải sớm của xã Thanh Bính, cho biết: Để có năng suất vải sớm cao và ổn định thì vải sớm cũng cần phải chăm bón kịp thời, nhất là việc cắt tỉa cành đúng thời điểm để lấy 2- 3 đợt lộc thu, kết hợp với bón phân. Bên cạnh đó, việc khoanh cắt vỏ là rất quan trọng cho phân hóa mầm hoa năm sau. Thông thường, sau khi thu hoạch quả xong khoảng 1 tháng thì anh tiến hành cắt cành, kết hợp với bón phân NPK lần đầu khoảng 50% tổng lượng bón cho 1 năm. Đến tháng 8 âm lịch thì tiến hành khoanh vỏ cành lộc, tùy theo mức độ sinh trưởng và màu sắc lá để quyết định mức độ khoanh nông hay sâu, một vòng hay hai vòng. Khi vải phân hóa mầm hoa thì tiếp tục bón phân NPK và phun phân bón lá. Bón phân NPK lần cuối khi quả vải được 2/3 cùi.

Nhờ chủ trương và định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương mà 3 – 5 năm trở lại đây, nông dân trồng vải trong xã Thanh Bính luôn được mùa, được giá.

Nguyễn Quang Toàn - TT Khuyến nông Hải Dương

Xuất khẩu cà phê: Nhiều thách thức

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê nước ta liên tục giảm về khối lượng và giá trị, kể cả tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Đức… Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của các quốc gia sản xuất cà phê lớn như Brazil, Colombia, Ấn Độ… đang tạo ra thách thức lớn với ngành cà phê Việt Nam.

Giảm về khối lượng và giá trị

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm đáng kể. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê chỉ đạt 629 nghìn tấn với kim ngạch 1,1 tỷ USD, giảm 13,4% về khối lượng và 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến, xuất khẩu cà phê trong tháng 5-2019 tiếp tục giảm bởi giá cà phê trong nước và thế giới đang có chiều đi xuống.

Ngành cà phê đang đứng trước nhiều thách thức về thị trường xuất khẩu.

Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, giá cà phê trong nước đang ở mức dưới 30.000 đồng/kg - thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tại thị trường thế giới, từ đầu tháng 5 đến nay, giá cà phê giao dịch ở mức 1.295 USD/tấn, giảm 500 USD/tấn so với thời điểm trước đó.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Toản, giá cà phê thế giới bị tác động do các thị trường tiếp tục phản ứng mạnh trước thông tin về quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc. Giá cà phê thế giới giảm khiến giá cà phê tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cũng giảm đáng kể.

Bên cạnh tác động về giá và quan hệ thương mại thì xuất khẩu cà phê Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia cùng sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Nguyễn Viết Vinh, trong 4 tháng đầu năm 2019, cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 19,8%; tương tự, thị trường nhập khẩu cà phê truyền thống của Việt Nam là Đức cũng giảm 13%. Hiện, cà phê Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh lớn với cà phê của Brazil và Colombia tại 2 thị trường truyền thống này.

Ngoài ra, tại nhiều thị trường, xuất khẩu cà phê cũng đang giảm mạnh: Nhật Bản 12,5%, Algeria 25,2%, Hàn Quốc 11,2%, Pháp 14%, Ấn Độ 33,7%...

Tập trung nâng cao chất lượng

Đối với sản xuất và xuất khẩu cà phê Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Ngoài những tác động về quan hệ thương mại, sự sụt giảm xuất khẩu cà phê Việt Nam chủ yếu do chất lượng chưa cao; còn thiếu linh hoạt trong khâu thị trường; đồng thời, sản phẩm còn mang tính sơ khai, truyền thống… Trong khi đó, ngành cà phê Việt Nam được coi là thế mạnh; là một trong những mặt hàng xuất khẩu nông sản chiến lược của Việt Nam (đứng thứ 3 thế giới)...

Để khắc phục khó khăn, ngành cà phê cần thay đổi phương thức sản xuất. Đặc biệt, trong bối cảnh hạn hán, sản lượng cà phê trong nước giảm dần qua từng niên vụ thì ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm bảo đảm chất lượng là vấn đề cần tập trung giải quyết hiện nay.

Đơn cử, như chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh: "Sản phẩm cà phê xuất khẩu phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật ngày càng cao của các nước nhập khẩu và tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu nên việc giải bài toán chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Ngoài việc trồng giống mới (thay thế giống cà phê cũ, đã thoái hóa), các địa phương trồng cà phê trọng điểm cần tập trung sản xuất cà phê chất lượng tốt, ứng dụng công nghệ cao trong các khâu: Trồng, thu hái, phơi sấy, bảo quản, chế biến…".

Cùng với bài toán chất lượng, cà phê Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu sản phẩm đặc sản. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (chuyên chế biến, xuất khẩu cà phê tại Gia Lai) Thái Như Hiệp thông tin: Hiện, thị phần loại cà phê đặc sản mới chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản lượng cà phê thế giới. Tuy thị phần thấp nhưng giá trị gia tăng gấp từ 5 đến 10 lần (tùy theo loại cà phê), và Việt Nam có nhiều vùng sản xuất loại hạt chất lượng này. Cụ thể hơn, theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, tại tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã lấy 130 mẫu cà phê tại vùng nguyên liệu để các chuyên gia nếm thử và đánh giá chất lượng. Kết quả, hơn 10% mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản, có thể xuất khẩu. Các địa phương trồng cà phê trọng điểm, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên, cần phát huy lợi thế này.

“Trong giai đoạn tới, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cà phê Việt Nam nhờ việc cắt giảm thuế quan; đặc biệt là đối với các sản phẩm cà phê chế biến. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này, tập trung nâng cao chất lượng cà phê, đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến sản phẩm chế biến có giá trị cao để mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo vị thế tương xứng cho mặt hàng chiến lược này" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường định hướng.

Năm 2019, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu sản lượng cà phê nhân đạt 1,67 triệu tấn, tăng 52.400 tấn so với năm trước. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho rằng, sản lượng cà phê năm 2019 có thể giảm 20% do thời tiết xấu và diện tích canh tác giảm.

ĐỖ MINH

Mỗi năm Nestlé mua 20% - 25% lượng cà phê Việt

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Với thành tích đóng góp cho ngành cà phê Việt Nam, Công ty Nestlé Việt Nam vừa được Bộ NN-PTNT tặng bằng khen.

Hiện mỗi năm, Nestlé Việt Nam mua khoảng 20%-25% sản lượng cà phê Việt Nam để chế biến và xuất khẩu, trực tiếp đóng góp vào nền kinh tế quốc gia khoảng 600 triệu USD/năm. Nestlé Việt Nam là thành viên sáng lập của đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) và đồng chủ trì nhóm Hợp tác công tư ngành hàng cà phê Việt Nam (PPP coffee Taskforce) tăng cường liên kết chuỗi, gia tăng giá trị hạt cà phê Việt.

Nestlé Việt Nam cũng đã triển khai dự án NESCAFÉ Plan, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế 4C (Common Code for Coffee Community). Trên 27 triệu cây giống năng suất cao, kháng bệnh được hỗ trợ cho nông dân tái canh 21.000ha cà phê già cỗi, tập huấn hơn 220.000 nông dân về kỹ thuật, thông tin thị trường, kinh tế nông hộ và thành lập tổ/nhóm nông dân.

ĐĂNG LÃM

Đưa bí đao khổng lồ đến với du khách

Nguồn tin: Báo Bình Định

Nhắc đến xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), rất nhiều người nghĩ ngay đến thôn Chánh Trạch 1 với những quả bí đao khổng lồ có trọng lượng trung bình đến 60 kg. Tuy nhiên số hộ và diện tích trồng bí ở đây ngày càng giảm do đầu ra cho sản phẩm được xem là độc nhất vô nhị này gặp khó khăn.

Thôn Chánh Trạch 1 hiện nay có khoảng 60 hộ trồng bí đao với diện tích gần 1ha. Ngay cả những người trồng bí đao lâu năm cũng không biết giống bí này xuất hiện lúc nào và nguồn gốc từ đâu, chỉ biết rằng nó có đã lâu rồi, cứ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau cách trồng và chăm sóc sao cho cây có thể đạt được trọng lượng lớn nhất.

Ông Nguyễn Đảm năm nay 80 tuổi cho biết, để trồng được loại bí này, ngoài việc dùng giống, người trồng còn phải thiết kế bộ giàn theo cách đặc biệt, kết hợp bón phân và cách chăm sóc, mất nhiều công sức hơn so với các cây trồng khác.

“Khi cây bắt đầu ra lá thì lấy phân bò, phân hóa học trộn với bánh dầu, sau đó lấp đất tưới nước, vừa theo dõi và làm như vậy cho đến khi cây phát triển. Nhờ có bánh dầu nên dây bí to và cho trái to hơn”, ông Đảm cho biết thêm.

Từ khi trồng cho đến khi thu hoạch loại bí này khoảng 4 tháng. Khi thấy lá nách héo là phải hái trái xuống vì để lâu trọng lượng sẽ bị giảm.

Ông Nguyễn Bảy, một người dân địa phương cho biết thêm, quả bí trồng ở đây ăn rất ngon và bổ dưỡng. Đặc biệt, nước bí chảy ra từ dây sau khi thu hoạch, uống rất mát và có thể trị bệnh lang ben, hắc lào...

Đây là giống bí lạ và chỉ trồng được ở vùng đất này, nhưng hiện nay số hộ và diện tích trồng bí ngày càng giảm do đầu ra của sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Bình Long ở TP.Quy Nhơn đã thực hiện ý tưởng đưa khách du lịch về khám phá vùng quê này kết hợp tham quan vườn bí đao khổng lồ.

Anh Thạch cho biết, hiện nay công ty đã đưa khách du lịch về tham quan, chi phí trả cho hộ dân trồng bí 10.000 đồng/khách. Ngoài ra khách có thể dùng trà bí đao tại chỗ và mua bí đao khô về làm quà, giải quyết một phần đầu ra cho sản phẩm này. Công ty cũng đã mua bí đao gởi cho các khách sạn để trưng bày sản phẩm nhằm giới thiệu cho nhiều người biết.

Nếu có thể phát triển những tuyến du lịch cộng đồng mà ở đó du khách có thể hòa mình với thiên nhiên, khám phá nét độc đáo mới lạ ở các vùng nông thôn thì đây là địa phương lý tưởng cho nhiều du khách lựa chọn.

PHAN TUẤN (thực hiện)

Quảng Bình: Khẳng định vị thế kinh tế trang trại

Nguồn tin:  Báo Quảng Bình

Kinh tế trang trại là một trong những phương thức sản xuất hiệu quả nhằm tạo chuyển biến tích cực về giá trị, sản lượng hàng hóa, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung và gắn với thị trường tiêu thụ. Những năm qua, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh ta được đánh giá tăng nhanh về số lượng, đa dạng hình thức tổ chức sản xuất, dần khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…

Mô hình kinh tế hiệu quả

Có mặt tại trang trại của anh Lê Xuân Ngọc ở xã Tân Thủy (Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi khá ấn tượng với mô hình chăn nuôi ếch giống, ếch thịt và cá giống. Anh Lê Xuân Ngọc chia sẻ, trang trại có tổng diện tích khoảng 6ha, chủ yếu nuôi ếch thịt, ếch giống, cá giống và chăn nuôi lợn thịt, lợn nái.

Mô hình kinh tế trang trại của anh Lê Xuân Ngọc (Lệ Thủy) đạt doanh thu 4 tỷ đồng/năm.

Mỗi năm, trang trại cung cấp cho thị trường trên 65.000 con ếch giống, 90 tấn ếch thịt, 15 tấn cá giống cho bà con nuôi cá vụ 3 trong vùng và khoảng 200 con lợn thịt. Ngoài ra, anh Ngọc còn xây dựng chuỗi liên kết từ cung cấp con giống, hỗ trợ kỹ thuật nuôi đến thu mua ếch thương phẩm cho bà con với giá thị trường. Tổng doanh thu hàng năm của trang trại đạt trên 4 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi trên 600 triệu đồng.

Cũng đầu tư phát triển chăn nuôi, nhưng anh Đặng Ngọc Anh ở xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) lại phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm khá hiệu quả. Trên diện tích khoảng 1,5ha, anh Đặng Ngọc Anh đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, ao hồ để thả nuôi khoảng 5.000 con gà, ngan, vịt, ngỗng, 300 con chim bồ câu thương phẩm mỗi năm; xây dựng 4 lò ấp trứng, trung bình mỗi ngày ấp khoảng 2.500 quả trứng gà, vịt các loại.

Ngoài ra, tận dụng diện tích mặt nước ao hồ, mỗi năm, anh Ngọc Anh còn thả nuôi và thu về từ 5-7 tấn cá nước ngọt. Trừ chi phí, trang trại thu lãi trên 300 triệu đồng/năm; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động địa phương với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Nguyễn Quốc Út, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, những năm qua, kinh tế trang trại đã dần khẳng định được vai trò, hiệu quả trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang hướng tới mục tiêu chất lượng, giá trị. Thống kê đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 545 trang trại đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT, trong đó có 299 mô hình trang trại tổng hợp.

Bố Trạch hiện là địa phương dẫn đầu về số lượng mô hình kinh tế trang trại, với 280 trang trại đạt tiêu chí, chiếm trên 50% số lượng trang trại toàn tỉnh. Các trang trại đã khai thác và sử dụng có hiệu quả gần 3.200ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản; đồng thời, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 3.400 lao động với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/lao động/năm.

Đặc biệt, mô hình trang trại tổng hợp đang chiếm ưu thế với gần 55% tổng số trang trại trên toàn tỉnh, do bà con chuyển từ thế độc canh sang đa canh, đa dạng hóa con nuôi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để giảm thiểu rủi ro và tăng thu nhập.

Ngoài ra, một số trang trại đã từng bước xây dựng chuỗi liên kết từ khâu cung cấp giống, thức ăn, thú y đến tiêu thụ sản phẩm nhằm giải quyết hiệu quả “bài toán” đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Nhờ đó, tổng giá trị thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của trang trại đạt trên 720 tỷ đồng, bình quân trên 1.320 triệu đồng/trang trại vào năm 2018. Tổng thu bình quân của trang trại đạt trên 200 triệu đồng/ha đất, cao gấp gần 3 lần so với sản xuất của hộ dân.

Cần sự hỗ trợ để phát triển bền vững

Với những kết quả đã đạt được, phát triển kinh tế trang trại là hướng đi được nhiều địa phương quan tâm, hỗ trợ. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có gần 300/545 trang trại đạt tiêu chí được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, đạt 54,8%, tăng 10% so với năm 2017.

Từ nguồn vốn lồng ghép, các địa phương cũng đã thực hiện hỗ trợ 41 trang trại mở rộng quy mô và phát triển sản xuất với tổng kinh phí 680 triệu đồng. Trong đó, huyện Lệ Thủy hỗ trợ 8 trang trại, TP. Đồng Hới 2 trang trại, huyện Bố Trạch 3 trang trại, huyện Quảng Trạch 5 trang trại, huyện Tuyên Hóa 2 trang trại và TX. Ba Đồn hỗ trợ 21 trang trại.

Cùng với đó,việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trang trại cũng được các địa phương chú trọng thực hiện. Đến nay, đã có 445/545 trang trại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 81,5%, với tổng diện tích đủ điều kiện được cấp chứng nhận gần 2.000ha.

Hiệu quả kinh tế trang trại đã rõ nét và từng bước khẳng định được vai trò trong tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Út, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần được tháo gỡ, như: nhiều chủ trang trại chưa tiếp cận được kênh vay tín chấp theo Nghị định 55; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn ít, chỉ chiếm 3,6% tổng số trang trại toàn tỉnh; sản xuất của các trang trại chưa thật sự bền vững; liên kết sản xuất, kinh doanh giữa trang trại và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn ở mức thấp; đa số các trang trại còn thiếu kết nối với thị trường…

Nhiều chủ trang trại đa dạng đối tượng cây trồng để tăng hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế trang trại, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2022, giá trị sản xuất của trang trại đạt 1.500 tỷ đồng, chiếm 7,5% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; có trên 70% trang trại tham gia hình thức liên kết sản xuất, đăng ký nhãn hiệu; 10% trang trại xây dựng thương hiệu hàng hóa; 60% trang trại sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, trong đó, 10% trang trại ứng dụng công nghệ cao...

Tỉnh sẽ ưu tiên triển khai thực hiện các chính sách đối với trang trại, như: hỗ trợ vay vốn tín chấp bằng giấy chứng nhận kinh tế trang trại; ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế biến tại vùng trang trại tập trung trong quy hoạch; có chính sách khuyến khích các chủ trang trại lớn, doanh nghiệp phát triển công nghiệp chế biến nông sản; hỗ trợ giải quyết đầu ra cho sản phẩm của trang trại theo hướng liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong liên kết chuỗi giá trị; hỗ trợ thông tin thị trường, xúc tiến thương mại.

Cùng với đó, tỉnh tập trung, khuyến khích phát triển mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao, trang trại sản xuất theo hướng thực phẩm sạch, có quản lý chất lượng nông sản trong sản xuất, kinh doanh theo hướng VietGAP nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phát triển hình thức tổ chức sản xuất trang trại được chú trọng nhằm giúp các hộ nông dân, chủ trang trại chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện liên kết trong sản xuất, chủ động đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sản phẩm…

Ngọc Lan

Cẩn trọng khi giao dịch xuất khẩu sang Trung Quốc

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc vừa có những lưu ý, khuyến cáo các doanh nghiệp (DN) trong nước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc về những rủi ro mà các DN có thể gặp phải.

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc luôn tăng trưởng mạnh, nhóm hàng nông lâm thủy sản có nhiều thuận lợi vì được hưởng ưu đãi thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.

Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc lưu ý DN trong nước khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường này cần thông qua các Thương vụ, Chi nhánh thương vụ và Văn phòng Xúc tiến thương mại để tìm kiếm các đối tác phù hợp, có uy tín tại Trung Quốc; xác minh năng lực của các DN Trung Quốc, nhất là các đối tác được tìm kiếm qua Internet.

Mọi giao dịch với DN Trung Quốc phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế, với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ, có tính ràng buộc cao.

Những năm qua, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc thường qua đường tiểu ngạch. Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đã có những thay đổi về chính sách cho các DN xuất khẩu bằng đường chính ngạch như thuế suất giảm, không còn chênh lệnh giữa đường bộ và đường biển, siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ xuất xứ và các yếu tố khác liên quan đến chất lượng hàng hóa tại cửa khẩu.

Vì vậy, các DN nên chủ động tìm hiểu các quy định xuất nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc đối với hàng hóa mà DN có kế hoạch hợp tác, giao dịch. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, cập nhật thông tin quy định về chất lượng sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương.

MINH HẢI

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop