Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 01 năm 2016

 

Phú Yên: Chuột cắn phá, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng

 

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

 

Lúa vụ mùa bị chuột cắn ngang gốc không thể thu hoạch được - Ảnh: P.NAM

 

Mặc dù các ngành chức năng đã khuyến cáo và phát động nông dân ra đồng diệt chuột trước và sau khi gieo sạ vụ lúa đông xuân. Tuy nhiên, hiện tình trạng chuột cắn phá lúa vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí nhiều loại cây trồng khác như sắn, mía cũng bị chuột cắn phá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.

 

Nguy cơ mất mùa

 

Nhiều ngày qua, ở hầu hết các cánh đồng thuộc xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên người dân hết sức lo lắng vì tình trạng chuột cắn phá lúa diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trên bờ ruộng, lúa non bị chuột cắn tiện gốc được người dân vớt lên bỏ vương vãi khắp các cánh đồng. Điều đáng nói là nhiều phương án diệt chuột được các ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai cho người dân áp dụng, trong đó dùng thuốc bỏ bờ là phổ biến nhất nhưng vẫn không đem lại hiệu quả. Tại cánh đồng Lò Gạch rộng hàng chục héc ta ở thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, đến chiều tối vẫn còn rất đông nông dân đi thăm ruộng, bỏ thuốc diệt chuột trong tâm trạng “cầu mong” chuột bị trúng thuốc chết để bớt cắn phá. “Tôi trồng hơn 1 sào lúa được gần 1 tháng tuổi. Từ khi gieo sạ đến nay, ngày nào tôi cũng bỏ thuốc nhưng chuột chết rất ít. Ruộng nhiều nước nên thuốc chỉ bỏ được trên bờ; trong khi đó chuột thường cắn phá giữa đám gây thiệt hại 1/3 diện tích”, ông Lê Thanh Tùng, một người dân ở xã Xuân Phước, ngậm ngùi chia sẻ.

 

Trong khi đó, tại cánh đồng gieo sạ muộn ở thôn Định Trung 2, xã An Định, huyện Tuy An, chuột đã ăn hạt lúa từ khi mới xuống giống, làm nhiều diện tích nông dân phải cấy dặm lại. Bà Võ Thị Điệp trồng 2,5 sào lúa tại đây nói trong phiền muộn: “Chúng tôi đã dùng đủ mọi cách nhưng vẫn không diệt hết chuột. Ruộng bị chuột cắn loang lổ nên chỉ còn cách cấy dặm cầu may… còn gì ăn nấy”.

 

Theo người dân, chưa có năm nào chuột cắn phá cây trồng dữ dội như năm nay và chúng ngày càng sinh sôi nhiều hơn. Không chỉ ruộng nước mà cả những diện tích cây trồng khác gần chân núi như lúa vụ mùa, mía, sắn cũng bị chuột cắn phá, đào bới ngang dọc như “giao thông hào” trong lòng đất. Có thửa ruộng lúa bị chuột cắn cắt ngang như liềm gặt, sắn bị đào bới đến tận củ (có nơi mật độ chuột đào gốc sắn từ 2 - 3 hang/m2), còn mía thì bị cắn tiện gốc như dùng dao chặt. Anh Nguyễn Văn Trí ở xóm Đồng Đá, thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, nói: “Hơn 1 sào lúa mùa đã chín nhưng chúng tôi không thể thu hoạch vì chuột cắn phá gần hết. Gần 2 sào mía, sắn cũng trong tình trạng tương tự. Năm nay có khả năng sẽ mất mùa nếu chuột tiếp tục tàn phá”.

 

Kết hợp nhiều biện pháp

 

Theo Sở NN-PTNT, năm qua nắng hạn, lượng mưa ít và không có lũ lớn nên chuột tồn tại, phát triển nhanh. Còn theo người dân, ngoài nguyên nhân trên còn có nguyên nhân do nạn săn bắt thú rừng, đặc biệt là rắn diễn ra rầm rộ, trái phép nhiều năm gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho chuột có đất sống và phát triển.

 

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, vụ hè thu 2015, nhiều biện pháp diệt chuột ngay từ đầu vụ và xuyên suốt cả vụ lúa như ra quân đào bắt chuột, sử dụng thuốc sinh học, hóa học trừ chuột bẫy cây trồng, bẫy hàng rào… đã góp phần hạn chế đáng kể thiệt hại do chuột gây ra trong sản xuất lúa. Do đó, các địa phương cần tiếp tục phát động nông dân tham gia diệt chuột đồng loạt trước khi gieo sạ và trong suốt cả vụ bằng nhiều biện pháp tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Trong đó, giai đoạn trước khi gieo sạ, người dân cần ra quân diệt chuột tập trung, đồng loạt 2 - 3 lần. Giai đoạn này cần huy động lực lượng lớn và áp dụng nhiều biện pháp, coi trọng biện pháp thủ công đào bắt chuột ở hang, kết hợp sử dụng chà di, đổ nước, xông hơi hang, chó săn bắt chuột… Giai đoạn làm đất lần cuối trước khi gieo sạ là thời điểm diệt chuột có kết quả cao vì ruộng chưa có lúa, chuột thiếu thức ăn. Nông dân nên sử dụng biện pháp đánh bả thuốc sinh học (Biorat, bả diệt chuột bằng thuốc sinh học), hóa học (Rat K 2%D, Klerat 0,05%, Racumin 0,0375 paste) đồng loạt và làm ruộng bẫy cây trồng. Còn ở giai đoạn lúa đẻ nhánh đến trổ, người dân cần sử dụng nhiều biện pháp diệt chuột như bẫy hàng rào, bẫy bán nguyệt, dùng đèn soi đuổi bắt, nôm chụp kết hợp với đánh bả bằng thuốc sinh học và hóa học.

 

PHƯƠNG NAM

 

Lá dong Hoàng Hanh

 

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

 

Cây lá dong gói bánh chưng được trồng ở xã Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên) từ rất lâu, nhưng khoảng từ 5 năm trở lại đây, loại cây này ngày càng được trồng nhiều góp phần cải thiện thu nhập cho các hộ dân.

 

 

Nông dân xã Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên) đang thu hoạch lá dong

 

Hầu hết ở các thôn trong xã đều trồng cây lá dong, nhưng tập trung chủ yếu ở thôn An Châu 1 và An Châu 2 với diện tích lớn, được tận dụng trồng dưới tán cây, trong vườn hay những khoảng đất trống, ven bờ ao…. Là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, cùng với những giống cây đem lại giá trị kinh tế cao như: Nhãn, cam, ổi…. ở Hoàng Hanh còn có cây lá dong một loại cây “trồng chơi” mà cho thu nhập khá. Lá dong được thu hoạch quanh năm và có thể trồng, nhân giống vào bất cứ thời điểm nào, chỉ cần tách lấy một vài nhánh ở những cụm dong đã già rồi đem trồng một vài tháng sau sẽ được một cụm dong mới. Theo như các hộ chuyên trồng lá dong cho biết, cách chăm bón rất đơn giản, không như những cây trồng khác, cây lá dong đã được trồng sẽ tự lớn lên. Để được lá to, màu xanh thẫm cần cung cấp thêm phân lân tổng hợp, tốt nhất là tro bếp, phân tằm, bùn… những loại phân hữu cơ sẵn có, vừa phù hợp với cây dong lại cải tạo đất bền vững. Bên cạnh đó, cây lá dong có lợi thế ít sâu bệnh, dưới gốc cây phần lớn không có cỏ dại mọc, cho sản phẩm lá dong sạch và an toàn với sức khỏe khi sử dụng gói thực phẩm, làm bánh. Chúng tôi đến thăm vườn lá dong của chị Nguyễn Thị Tem (thôn An Châu 1), chị Tem cho biết: “Trồng cây lá dong tận dụng được đất trống, lại không mất nhiều công chăm sóc mà gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập. Lá dong bán theo mớ, mỗi mớ bó khoảng 10 đến 20 lá, ngày thường, tôi mang ra chợ bán với giá khoảng 5 - 6 nghìn đồng/mớ; dịp tết, nhu cầu lá dong lớn nên giá bán cũng cao hơn ngày thường, trung bình từ 20 đến 25 nghìn đồng/mớ tùy từng kích cỡ lá, có năm bán được giá cao hơn”. Cây lá dong là một trong những cây trồng đem lại thu nhập ổn định, trung bình trồng lá dong thu lãi 8 – 10 triệu đồng/sào/năm, mỗi năm thu hoạch được 2 – 3 lứa. Lá dong không chỉ để gói bánh chưng mà còn để gói các loại bánh khác như: Bánh nếp, bánh tẻ, gói giò… Cứ đến khoảng rằm tháng Chạp, những hộ trồng lá dong bắt đầu thu hoạch lá, lựa chọn lá phù hợp, bó lại, không mang bán ngay mà tập trung lại để ở chỗ mát, thường xuyên tưới nước cho lá tươi chờ đến khoảng 23 tháng chạp mới đem bán. Nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh ưa chuộng lá dong Hoàng Hanh còn tìm về tận nơi, thu mua theo bó hoặc cả vườn.

 

Lá dong Hoàng Hanh được ưu tiên lựa chọn bởi dung lá gói bánh chưng có màu xanh đặc trưng, độ dẻo dai của lá và nhất là mùi thơm quyện vào vỏ bánh khiến người thưởng thức không khỏi xuýt xoa. Ngoài việc trồng lá dong phục vụ nhu cầu gói bánh, một vài hộ gia đình trong xã đã mở dịch vụ gói bánh chưng thuê với giá trung bình khoảng 20 – 30 nghìn đồng/chiếc, tùy theo nhu cầu đặt bánh của khách hàng. Gia đình chị Đỗ Thị Mùi mở dịch vụ gói bánh hơn 2 năm nay cho biết: “Tôi chuyên thu mua lá dong của một vài hộ dân trong xã để gói bánh chưng, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của khách hàng. Với những đơn đặt hàng lớn phục vụ cưới hỏi, lễ hội, tết truyền thống gia đình tôi thường phải thuê thêm 2 – 3 lao động với mức lương 100 nghìn đồng – 120 nghìn đồng/ngày. Vào dịp tết, khách đặt hàng đông, có khi phải làm đến 2 - 3 giờ sáng để kịp trả bánh cho khách. Để bánh được thơm ngon, khâu đầu tiên là việc lựa chọn lá dong. Lá dong không cần quá lớn nhưng phải là lá bánh tẻ, dày, màu xanh đậm, bóng, như vậy khi bánh được luộc lên mới thơm ngon, màu sắc đẹp. Trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu lãi 5 – 8 triệu đồng/tháng”.

 

Nhờ chất đất phù hợp và điều kiện chăm sóc tốt mà lá dong nơi đây ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân xã Hoàng Hanh không chỉ phấn khởi vì thứ cây được thiên nhiên ưu đãi làm xanh tốt vườn nhà, đem lại thu nhập khá mà còn góp phần làm cho món bánh chưng ngày tết thêm đậm đà hương vị ngày tết.

 

Minh Huế

 

Hơn 780 ha lúa ở Sóc Trăng mất trắng do nhiễm mặn

 

Nguồn tin: Đài PT-TH Sóc Trăng

 

Tính đến trung tuần tháng 1/2016, tỉnh Sóc Trăng có hơn 2.300 ha lúa mùa và đông xuân bị ảnh hưởng do nhiễm mặn, trong đó hơn 780 ha bị mất trắng, dù nông dân đã cố gắng làm đất sạ lại, bón thêm phân, thuốc dưỡng, nhưng vẫn thiệt hại trên 70% năng suất.

 

 

Hơn 780 ha lúa ở Sóc Trăng mất trắng do nhiễm mặn.

 

Năm nay, nông dân 6 xã vùng tôm lúa huyện Mỹ Xuyên xuống giống lúa mùa vượt hơn 11% kế hoạch, với trên 10.620 ha. Ngoài 3.232 ha đã thu hoạch, cho năng suất từ 4 - 6,5 tấn/ha, các diện tích còn lại chủ yếu đang làm đòng đến trổ, là giai đoạn quyết định đến năng suất. Tuy vậy đã có trên 480 ha lúa bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, trong đó 439 ha bị mất trắng, diện tích còn lại cũng thiệt hại từ 20 – 50% năng suất, như ông Nguyễn Văn Quyền ở xã Hòa Tú 2 có hơn 5 công tầm cấy, mấy mùa lúa trước, cuối vụ ít nhất ông cũng thu hoạch từ 3 – 4 tấn lúa, vậy mà năm nay mất trắng, thiệt hại toàn bộ chi phí đầu tư và hơn 3 tháng ròng chăm sóc, ông Quyền cho biết: “Lúc mới sạ lúa cũng lên đều, phát triển tốt, nhưng được gần 1 tháng lá lúa có dấu hiệu héo, tôi liền xử lý phân thuốc kéo dài đến khi lúa được trên 3 tháng và đến nay chỉ trổ toàn bông trắng. Coi như vụ lúa này mất trắng!”.

 

Nhiều nông dân vì lo ngại độ mặn tăng cao hơn mọi năm trong nền đất nuôi tôm còn tồn đọng, nên đã tích cực làm đất kỹ, cách ly từ 2 – 3 tháng, đưa nước vào ngâm xả nhiều lần, rồi mới xuống giống lúa ST5, nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Anh Võ Văn Nguyên ở xã Hòa Tú 2, cho biết: “Sau vụ thu hoạch tôm, tôi cũng tiến hành xử lý đất như: ngâm, xả mặn, phơi đất… sau đó mới bừa trục lại đất để sạ lúa. Nhưng do năm nay hạn sớm, lượng nước trong ruộng không đủ nên phải lấy nước từ ngoài vào thêm, không ngờ nước bị nhiễm mặn nên ruộng lúa của tôi từ từ lụi dần. Dù tôi đã cố gắng bón phân, phun thuốc nhưng không cứu được”

 

Cùng lấy chung nguồn nước sông Mỹ Thanh, các xã Lịch Hội Thượng, Trung Bình, Liêu Tú, Thạnh Thới Thuận… của huyện Trần Đề đã có 1.834 ha lúa bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, trong đó hơn 340 ha mất trắng. Theo kết quả quan trắc môi trường, độ mặn sông Mỹ Thanh hiện đạt mức cao nhất là 6,5‰, dự báo còn tăng trong những ngày tới. Ngoài ra, các huyện Long Phú, Châu Thành, Mỹ Tú… cũng có nguy cơ nhiễm mặn vào nội đồng cao, bởi hiện độ mặn trên sông Hậu đang ở mức báo động 2, đạt mức cao nhất 19,5‰. Ngành Nông nghiệp các địa phương đang rất lưu tâm về tình hình độ mặn trên các sông, để điều tiết việc đóng mở cống ngăn mặn trữ ngọt, đồng thời khuyến cáo người dân các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo năng suất lúa, ông Quách Phước Châu – Phó Chi Cục trưởng – Chi Cục trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Những năm trước khoảng tháng 2 tháng 3 mặn mới xâm nhập, nhưng năm nay mới vào tháng 12/2015 đã có một số khu vực bị mặn xâm nhập và thiếu nước nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây lúa rất lớn, vì vậy bà con cần lưu ý trước khi bơm nước vào thì phải thử độ mặn, cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời xử lý khi lúa có dấu hiệu bị nhiễm mặn”.

 

 

Trà lúa trên nền vuông tôm bị ảnh hưởng mặn xâm nhập.

 

Diện tích lúa đông xuân 2015 – 2016 của Sóc Trăng còn hơn 100.000 ha trên đồng, chủ yếu ở giai đoạn từ đẻ nhánh đến trổ chín, thời gian tới ngành chức năng khuyến cáo nông dân tuy bận rộn vui xuân nhưng không nên lơ là mà cần theo dõi sát tình hình độ mặn và thông báo của địa phương để canh lấy nước vào đồng, bảo đảm năng suất cho vụ lúa này, để niềm vui ngày Tết trọn vẹn hơn./.

 

Ngọc Khuê

 

Bắc Giang: Mô hình trình diễn sản xuất củ cải Song Jeong và ớt High Fly Hàn Quốc

 

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

 

Nhằm giới thiệu các giống rau tiên tiến, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, vụ đông năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả triển khai mô hình trồng giống cải củ Song Jeong và ớt High Fly của Hàn Quốc với tổng quy mô 2.000m2 tại xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang và xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng.

 

 

Hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả mô hình trình diễn sản xuất cải củ Song Jeong tại xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang, Bắc Giang

 

Kết quả thực nghiệm cho thấy, cải củ Song Jeong có khả năng sinh trưởng khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất trung bình đạt trên 80 tấn/ha, cao hơn giống cải củ truyền thống 2 - 3 lần. Củ có đường kính 8 – 10cm, khối lượng củ 1.000 – 1.200 g/củ, thịt củ mịn, không bị xốp, vị ngọt, mát. Sau khi trừ chi phí, mỗi sào người trồng cải củ Song Jeong lãi trên 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, cải củ Song Jeong có thời gian bảo quản và thời gian sử dụng lâu hơn so với giống cải củ trước đây địa phương hay trồng.

 

Giống ớt cay High Fly có nhiều đặc tính ưu việt như chống chịu được rét, không bị bệnh mắt cua, năng suất cao, ước đạt 5 tạ/sào, sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 8 triệu/sào. Đặc biệt, giống ớt High Fly có cấu trúc quả dạng trùm nên tiện cho việc thu hoạch, giảm công thu hái.

 

Từ hiệu quả của mô hình, nhiều người dân tại xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang, Viện nghiên cứu Rau quả tiếp tục phối hợp để nhân rộng mô hình trồng sản xuất cải củ Song Jeong và giống ớt cay High Fly tại địa phương. Đồng thời giới thiệu doanh nghiệp, công ty liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho người dân.

 

Dương Thơm - Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang

 

Nghề ươm cây giống đem lại thu nhập cao

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

 

Không giống như những bạn cùng trang lứa chọn các trường cao đẳng, đại học để theo đuổi ước mơ của mình, Hoàng Thân, sinh năm 1990 ở khu I, xã Đại Đồng (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) lại chọn làm nông nghiệp là con đường lập nghiệp của bản thân.

 

 

Gia đình anh Hoàng Thân, khu I, xã Đại Đồng thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm nhờ nghề ươm cây giống

 

Trước đây, nghề ươm cây giống chưa phát triển. Nhưng mấy năm trở lại đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ ươm cây giống, nhiều hộ gia đình đã đầu tư thu gom ruộng đất và quy hoạch vườn ươm cây giống. Dọc theo tuyến Quốc lộ 2, đoạn qua xã Đại Đồng, Tân Tiến (Vĩnh Tường) chúng ta dễ nhận thấy hai bên đường là những vườn ươm cây giống xanh mướt với đầy đủ chủng loại từ đu đủ, su hào, bắp cải, cà chua…

 

Anh Hoàng Thân cho biết: Gia đình tôi gắn bó với nghề ươm cây giống đã 30 năm, nhờ nghề nghề này đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho gia đình tôi. Nghề ươm cây giống là một nghề đòi hỏi người trồng phải chăm chỉ, chịu khó, tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất đến gieo hạt và chăm sóc. Đất gieo trồng phải nhỏ, mịn, tơi xốp và thoáng khí. Do đất vườn ươm gối vụ liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi nên cần bón lót phân đảm bảo chế độ dinh dưỡng của đất đủ cho cây phát triển. Khâu chăm sóc, tưới nước, nhổ cỏ, theo dõi, phòng trừ sâu bệnh phải tiến hành thường xuyên và tỉ mỉ. Bởi chỉ cần lỗi nhỏ sẽ mất trắng cả vườn ươm. Toàn vườn ươm phải căng lưới đen để đảm bảo nhiệt độ và tránh sương cho cây trồng.

 

Để phục vụ nhu cầu của người dân, ruộng ươm nhà anh Thân lúc nào cũng đầy đủ các loại cây giống: Su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua, ớt… Ông Nguyễn Văn Hải, xã Nghĩa Hưng, một khách hàng thường xuyên mua rau giống của anh Hoàng Thân cho biết: Gia đình tôi có 5 sào ruộng, tôi để 2 sào chuyên trồng rau màu, vụ nào thứ ấy. Dù có rất nhiều vườm ươm nhưng tôi thường mua cây giống của anh Thân vì thấy chất lượng cây giống tốt, cho năng suất cao và giá hợp lý.

 

Bà Nguyễn Thị Phượng, xã Bồ Sao cho biết: Dù không có đất ruộng nhưng để phục nhu cầu rau sạch của gia đình, tôi đã để lại một khoảng đất trống sau nhà và mua các hộp xốp về trồng rau. Tôi thường mua các loại cây ươm sẵn về trồng, hiện tại, ruộng rau nhà tôi có đầy đủ các loại rau, củ phục vụ đủ nhu cầu rau hàng ngày cho gia đình, đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

Không chỉ phục vụ nhu cầu cây giống cho người dân trong tỉnh mà gia đình anh Hoàng Thân còn ký hợp đồng với Trung tâm Giống cây trồng huyện Si Ma Cai (Lào Cao) với trên 100 vạn cây giống các loại mỗi năm. Nhờ đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý cũng như hướng dẫn cách chăm sóc cho người dân mỗi khi mua cây giống nên năm nào gia đình anh cũng bán được rất nhiều cây giống. Trung bình một năm, gia đình anh thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng .

 

Hồng Tính

 

Cho vay trồng rừng sản xuất tối đa là 15 triệu đồng/ha

 

Nguồn tin: Đại Đoàn Kết

 

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) vừa ban hành hướng dẫn nghiệp vụ cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi được quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ giai đoạn 2015 – 2020.

 

Cụ thể, đối tượng vay vốn trồng rừng sản xuất là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ, có thực hiện hoạt động trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất.

 

NHCSXH sẽ cho vay trồng rừng sản xuất, mức vay tối đa là 15.000.000 đồng/ha. Mức vay cụ thể do NHCSXH và người vay thỏa thuận phù hợp với thiết kế - dự toán trồng rừng được phê duyệt sau khi trừ đi số tiền được Ngân sách hỗ trợ quy định tại Điều 5 của Nghị định 75/2015/NĐ-CP. Cho vay phát triển chăn nuôi, mức cho vay tối đa 50.000.000 đồng/hộ gia đình. Mức vay cụ thể do NHCSXH và người vay thỏa thuận phù hợp với nhu cầu vốn cần thiết cho việc đầu tư phát triển chăn nuô trâu, bò, gia súc khác của người vay. Thời hạn cho vay, với cho vay trồng rừng sản xuất tối đa là 20 năm.

 

K.Nguyên

 

Sẽ có giống lúa phù hợp với đất nhiễm mặn, phèn

 

Nguồn tin: CTV Cà Mau

 

Sau quá trình nghiên cứu, trồng khảo nghiệm, hiện nay ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều giống lúa siêu chịu mặn. Những giống lúa này được người nông dân cho là giống lúa “độc đáo” bởi nó có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; chịu mặn hơn hẳn những giống lúa khác.

 

Tại tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, cùng một số tỉnh khác trong vùng cũng bị ảnh hưởng nhiễm mặn, phèn; nhưng hiện nay đã có thể trồng 2 loại lúa giống: Lúa sỏi và một bụi đỏ. Hai loại lúa này có thể chịu được độ mặn của đất lên đến hơn 10‰; chống chịu được rầy, ít nhiễm bệnh nhất là bệnh đạo ôn; có thể sống thiếu nước trong 15 ngày và bị ngập khoảng 1 tuần. Năng suất lên đến trên 4 tấn lúa khô/ha.

 

Việc nghiên cứu, trồng thử nghiệm thành công những giống lúa chịu được mặn, phèn cao như trên sẽ tạo điều kiện cho người nông dân thay đổi dần tư tưởng vùng mặn là không thể làm lúa như trước đây, có thể đáp ứng được an ninh lương thực và phù hợp với xu hướng thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

 

Theo dự báo của các cơ quan chức năng về biến động cơ cấu sử dụng đất lúa và vùng dễ bị ảnh hưởng bởi mặn dưới tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, hầu hết các địa phương trong vùng đều chịu nhiều tác động và diện tích lúa bị ảnh hưởng ngày càng tăng. Trong đó, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đến năm 2030 là tỉnh Cà Mau (khoảng 390.000ha); đến năm 2050 với diện tích khoảng 440.000ha./.

 

PV: Thúy An

 

Bất an vì nạn trộm bóng đèn tại vườn thanh long

 

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

 

Tết Bính Thân 2016 đã cận kề, trong khi đông đảo nhân dân tất bật chuẩn bị đón xuân với niềm hân hoan thì nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang đứng ngồi không yên bởi tình trạng trộm bóng đèn chong thanh long trái vụ…

 

 

Chị Nguyễn Thị Tâm buồn rầu bên vườn thanh long vì bị kẻ gian lấy cắp hơn 210 bóng đèn.

 

Thủ đoạn tinh vi

 

Đến các vườn thanh long vào những ngày này, đâu đâu cũng râm ran chuyện bà con nông dân lo lắng vì liên tục bị mất bóng đèn compact. Chị Nguyễn Thị Tâm, ở thôn Phú Hưng, xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam) cho biết: Nhiều năm nay, kinh tế gia đình chị chủ yếu dựa vào vườn thanh long hơn 200 trụ, nhưng tình trạng trộm bóng đèn thanh long liên tiếp xảy ra thời gian qua khiến gia đình chị mất ăn, mất ngủ. Ngày 19/12/2015, vườn thanh long của chị bị mất 213 bóng và đuôi đèn. Điều đáng nói, việc mất trộm xảy ra vào ban ngày dù trước đó gia đình chị đã được nhiều hộ khác cảnh báo phải cảnh giác hơn bởi nạn trộm cắp.

 

Cách đó không xa, vườn thanh long của anh Lê Bảo Anh mới chong đèn cho thanh long được 2 đêm cũng bị “trộm viếng” lấy mất 95 bóng. “Bọn trộm tinh vi lắm, sơ hở là bọn chúng ra tay ngay. Bà con nông dân về nhà ăn trưa chưa được một tiếng đồng hồ quay lại vườn thì bóng đèn đang chong thanh long đã không cánh mà bay. Trước tình hình này, chúng tôi phải dựng chòi, cùng ăn, cùng ngủ tại vườn thanh long” -anh Bảo Anh bức xúc.

 

Không chỉ vườn của chị Tâm và anh Bảo Anh, vườn thanh long của ông Ngô Thanh Quang cũng bị mất 84 bóng đèn, vườn của anh Nguyễn Cao Nguyên (thôn Phú Hưng) bị mất gần 220 bóng. Theo thống kê chưa đầy đủ, 2 tháng trở lại đây, xã Hàm Mỹ có hơn 3.000 bóng đèn của người dân bị trộm.

 

Chính quyền, nhân dân cùng chống trộm

 

Hiện nay, xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam) đang là điểm nóng của tình trạng trộm bóng đèn chong thanh long. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng này không chỉ diễn ra ở Hàm Mỹ mà còn xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn Hàm Thuận Nam và 2 huyện có diện tích thanh long khá lớn là Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình.

 

Trước tình hình trên, các ngành, địa phương trong tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp để đấu tranh ngăn chặn. Riêng tại Hàm Thuận Nam, sau một thời gian nắm tình hình, Công an huyện đã phát hiện 1 nhóm đối tượng nghi vấn gồm: Nguyễn Thành Tâm (SN 1982), ở thị trấn Thuận Nam; Huỳnh Ngọc Hiển (SN 1992); Trần Vĩnh Tỵ (SN 1989), cùng thường trú tại xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam. Qua đấu tranh khai thác, Công an Hàm Thuận Nam xác định 3 đối tượng trên chính là thủ phạm đã thực hiện nhiều vụ trộm bóng đèn tại các vườn thanh long gây bức xúc trong nhân dân. Theo đó, đêm ngày 9/8/2015, Hiển và Tâm đã đột nhập vào vườn thanh long của ông Lê Thanh Tú, ở xã Tân Lập trộm 129 bóng đèn compact. Sau đó, 2 đối tượng này tiếp tục vào vườn thanh long của 2 hộ nông dân khác trong huyện trộm 190 bóng đèn và 100 đuôi bóng đèn. Số bóng và đuôi đèn trộm được, Hiển và Tâm bán cho Trần Vĩnh Tỵ. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Thuận Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thành Tâm, Huỳnh Ngọc Hiển về tội “Trộm cắp tài sản”; khởi tố Trần Vĩnh Tỵ về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

 

Ngoài ra, qua tin báo của nhân dân, Công an Hàm Thuận Nam tiếp tục phát hiện và bắt giữ nhóm trộm cắp tài sản khác gồm: Võ Thế Dũng (SN 1993), Nguyễn Ngọc Hiệp (SN 1975), Trần Hồng Sơn (SN 1998), Võ Tuấn Minh (SN 1995), Đặng Xuân Truyền (SN 1998), cùng trú tại thị trấn Thuận Nam. Đây là những đối tượng đã thực hiện 11 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Trong đó, Võ Tuấn Minh cùng đồng bọn đã thực hiện 4 vụ trộm cắp bóng đèn tại các vườn thanh long.

 

Được biết, mỗi bóng đèn compact - loại bà con nông dân thường sử dụng để chong thanh long có giá khoảng 40.000 đồng. Tuy nhiên, việc bóng đèn đang chong thanh long bị mất không chỉ ảnh hưởng đến pha điện cung cấp cho thanh long và chi phí mua bóng đèn thay thế, mà còn ảnh hưởng đến khả năng ra hoa, kết trái của thanh long nên thiệt hại về kinh tế không thể tính được…

 

LÊ PHÚC

 

Chuối mất giá, nông dân thất thu

 

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh

 

Những năm trước đây, giá chuối tiêu hồng đạt mức cao khiến cho không ít nông dân “đổi đời” nhờ loại cây trồng này và hăng hái mở rộng diện tích để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, năm nay khi Tết đã cận kề nhưng giá chuối rất thấp, thậm chí không bằng một nửa năm ngoái khiến nhiều hộ nông dân thất thu và ngày càng lo lắng.

 

 

Giá chuối xuống thấp khiến người trồng lao đao.

 

Hiện đang là thời điểm thu hoạch chuối của bà con nông dân huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Dù được mùa, nhưng bà con lại không phấn khởi như những năm trước bởi đột nhiên giá chuối rớt thê thảm xuống mức thấp chưa từng có. Ông Trần Văn Chuyển ở thôn Hữu Ái (xã Giang Sơn, Gia Bình), người có nhiều năm trồng chuối buồn rầu: “Thông thường, giá các loại chuối ít biến động nhiều, nếu có sụt giảm thường chỉ rơi vào thời điểm thu hoạch rộ. Riêng năm nay thị trường có khác biệt so với các năm trước vì giá giảm hơn 50%. Thời điểm này năm ngoái, buồng chuối 8 nải trở lên, gia đình tôi bán với giá 160 - 200 nghìn đồng/buồng, nhưng hiện tại phải bán với giá khoảng 40 - 70 nghìn đồng/buồng… Không những vậy, năm trước các thương lái đến hỏi mua nườm nượp, thậm chí trả giá tranh giành mua, còn năm nay, khi chuối mất giá thì cũng chẳng thấy các chủ buôn “hỏi thăm” nữa...”.

 

Cùng chung một nỗi lo như gia đình ông Chuyển, bà Nguyễn Thị Hoạch ở thôn Từ Ái (xã Song Giang, Gia Bình) ngán ngẩm: “Mọi năm, vườn chuối nhà tôi đã được thương lái đến đặt hết cả vườn rồi, nhưng năm nay chưa có ai đến hỏi mua. Tôi nghĩ có lẽ do giá chuối giờ đang quá rẻ, nên người buôn cũng không dám đến hỏi trước vì họ sợ giá còn xuống nữa… Đối với những người có mối lái thì có phần thuận lợi hơn, tuy giá chuối giảm nhưng vẫn còn tiêu thụ được”.

 

Được biết, phần lớn chuối trên địa bàn huyện được thu mua để đưa về các địa phương lân cận tiêu thụ hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng những ngày gần đây, phía Trung Quốc đột nhiên không nhập khẩu loại nông sản này nên lượng chuối còn tồn đọng lớn, dẫn đến tình trạng giá chuối sụt giảm như hiện nay. Thêm vào đó, dù đã là những tháng cuối năm, nhưng thời tiết nóng lạnh thất thường, thậm chí có cả những đợt nắng nóng như mùa hè vào cuối năm khiến cho những buồng chuối đẹp chín nhanh hơn dự định và dễ bị dập nát, không được giá.

 

Bà Nguyễn Thị Cải, thương lái đến từ Hải Dương cho hay: “Do nhu cầu tiêu thụ chuối của người dân cũng không nhiều, chủ yếu vào các dịp lễ, Tết, nên giá cả của mặt hàng này cũng không được ổn định. Giá chuối rẻ không chỉ người dân lo lắng mà người buôn cũng lao đao. Lãi không được là bao, thậm chí nhiều khi chuối ế, để chín quá đành phải đổ đi…”.

 

Thực trạng trên khiến nhiều hộ nông dân chán nản, lấy chuối làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nhưng chừng ấy vẫn không thể giải quyết hết lượng chuối tồn đọng vì số lượng chuối của mỗi gia đình quá lớn. Theo ông Bùi Thế Sẫm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Bình, toàn huyện có hơn 300ha trồng chuối, tập trung chủ yếu ở các xã Giang Sơn, Song Giang, Thái Bảo, Đại Lai, Cao Đức. Loại cây này phát triển mạnh trong 10 năm gần đây, song phần lớn là bà con trồng tự phát nên thời tiết thuận lợi, thị trường ổn định thì thắng, còn nếu không thì cũng rất bấp bênh.

 

Để cây chuối trở thành sản phẩm thoát nghèo, làm giàu bền vững cho bà con nông dân, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, tránh phát triển ồ ạt, không có định hướng. Cùng với việc đưa các giống chuối mới vào sản xuất, cần phải tuân theo quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm; chú trọng liên doanh, liên kết, tăng cường liên kết “4 nhà”, chủ động tìm kiếm thị trường, bảo đảm đầu ra, ổn định thu nhập cho nông dân.

 

N.Hoa - V.Anh

 

Thu nhập tiền tỷ từ mô hình trồng cây ăn trái

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Năm 2010, ông Vũ Văn Vĩnh đưa gia đình từ Đồng Nai đến lập nghiệp tại thôn 3, xã Cư Elang (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk).

 

Vốn nắm vững kỹ thuật trồng cây ăn trái, nhận thấy Cư Elang có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây như: cam, quýt, bưởi da xanh nên ông Vĩnh đã mạnh dạn trồng 5 ha cây ăn trái gồm 3.500 cây quýt, 1.000 cây bưởi da xanh và 6.000 cây cam. Đất không phụ công người, sau 5 năm chăm sóc, các cây ăn trái đã cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi cây cam, quýt cho thu hoạch từ 15 - 17kg quả và đến năm 2014 vườn bưởi da xanh của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2015 gia đình ông Vĩnh đã bán ra thị trường 50 tấn quýt, 60 tấn cam và 5 tấn bưởi. Với giá bán trung bình 22.000 đồng/kg quýt, 16.000 đồng/kg cam và 30.000/kg bưởi, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 2 tỷ đồng.

 

 

Ông Vĩnh bên vườn quýt của gia đình.

 

Ông Vĩnh chia sẻ, cam, quýt, bưởi đều thuộc cây có múi, nhiều sâu bệnh hại như: nhện đỏ, bọ trĩ, bọ xít, sâu ăn lá, sâu đục thân, sâu vẽ bùa, sâu đục gốc, ruồi vàng, sâu hại hoa, các loại bệnh nấm trên lá, thân, cành... Nông dân phải thường xuyên thăm vườn để quan sát, phát hiện sâu bệnh hại, kịp thời có biện pháp phòng tránh phù hợp để quản lý tốt cho vườn cây. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh hại thì sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Khi bón phân cho cây, cần kết hợp sử dụng thêm những loại phân có chứa vi sinh vật có lợi nhằm cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết để cây sinh trưởng phát triển tốt. Ông Vĩnh khẳng định: “Tuy trồng các loại cây này cần vốn đầu tư ban đầu cao, dày công chăm sóc, nhưng nếu kiên trì thực hiện đúng kỹ thuật thì việc thu hồi vốn và khả năng làm giàu là không khó, hiện nay trên thị trường rất chuộng các loại trái cây nội địa, với mức độ tiêu thụ nhanh, tuy số lượng trái cây thu hoạch nhiều như vậy nhưng luôn trong tình trạng thiếu hàng, chỉ cung cấp đủ trong nội tỉnh”.

 

Không những làm kinh tế giỏi, ông Vĩnh còn giúp đỡ hàng chục hộ gia đình khó khăn ở địa phương cùng phát triển kinh tế như: cung cấp giống cây trồng cho nhân dân; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để giúp họ phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo.

 

Hoàng Bình Nguyên

 

Làm giàu từ vườn cây cam, bưởi

 

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

 

 

Nhờ mạnh dạn đưa cây cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn về trồng tại vườn nhà, gia đình cựu chiến binh Hoàng Văn Việt, xóm làng Mới, xã Tân Long (Đồng Hỷ) có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Từ một hộ nghèo trong xã, đến nay gia đình ông Việt đã vươn lên thoát nghèo và trở nên khá giả.

 

Nhờ mạnh dạn đưa cây cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn về trồng tại vườn nhà, gia đình cựu chiến binh Hoàng Văn Việt, xóm làng Mới, xã Tân Long (Đồng Hỷ - Thái Nguyên) có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Từ một hộ nghèo trong xã, đến nay gia đình ông Việt đã vươn lên thoát nghèo và trở nên khá giả.

 

Thời điểm này, vườn cam, bưởi của gia đình cựu chiến binh Hoàng Văn Việt trĩu những quả vàng óng. Chúng tôi đến vào lúc gia đình ông Việt đang tíu tít hái quả cho khách mua hàng chờ sẵn. Đặt chiếc túi đã gần đầy cam xuống sân nhà, ông Việt hồ hởi nói: Năm nay được mùa, cả 500 gốc cam, bưởi trong vườn đều sai quả và đang trong kỳ thu hoạch. Với kinh nghiệm trồng cam, bưởi 5 năm nay, gia đình ông hiện không cần mang ra chợ bán, người buôn và người tiêu dùng thường đến tận nhà để mua.

 

Qua câu chuyện, chúng tôi được biết ông Hoàng Văn Việt xung phong vào quân ngũ năm 17 tuổi, được biên chế vào Lữ đoàn 382, đến năm 1983, ông được phục viên và về sinh sống tại quê nhà. Sau nhiều năm loay hoay với 3 sào ruộng và 5 sào đất vườn, cộng với làm thêm đủ nghề để phát triển kinh tế gia đình nhưng vẫn không thoát được nghèo, ông Việt thường xuyên trăn trở làm gì để phát triển kinh tế gia đình.

 

Ông Việt cho biết, năm 2009, qua đài, báo thấy ở các địa phương như: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội… có nhiều người giàu lên nhờ trồng cây ăn quả, tôi đã lặn lội đến tận nơi. Năm 2010, tôi quyết định đưa các loại cây cam Canh, cam Vinh và bưởi Diễn về trồng tại vườn nhà. Vì đây là loại cây phù hợp với chất đất và khí hậu của địa phương, nhất là có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác. Năm đó, vợ chồng ông đã mạnh dạn vay mượn thêm tiền vốn để đầu tư cải tạo lại đất vườn, mua giống trồng 300 gốc cam Canh, cam Vinh và 50 gốc bưởi Diễn. Sau 2 năm, vườn cây của ông đã cho những quả ngọt đầu tiên. Thế nhưng, lúc này ông lại gặp khó khăn về đầu ra do ở địa phương chưa có ai trồng loại cây này nên người dân còn chưa biết đến nên khó tiêu thụ. Thời điểm đó, 2 vợ chồng ông phải đưa sản phẩm đi khắp các chợ vừa chào hàng, vừa bán lẻ. Sau này, khi biết được chất lượng sản phẩm cam Canh, Cam Vinh và bưởi Diễn của gia đình ông, nhiều thương lái đã tìm đến tận vườn đặt mua. Thế là từ lứa quả thứ 2, gia đình ông đã đỡ vất vả hơn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

 

Từ thành công bước đầu đó, ông Việt quyết định đầu tư trồng thêm 150 gốc cam Canh trên toàn bộ phần diện tích đất vườn còn lại. Ông cho biết, cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn đều là những loại cây rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh, đòi hỏi người trồng phải cần cù, chịu khó và phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Để cam, bưởi ngọt, quả tròn, căng đẹp, bán được giá, ngoài việc tìm về những địa phương đang có thế mạnh về cây này để học hỏi kinh nghiệm, vợ chồng tôi thường xuyên tìm hiểu qua sách, báo, mạng Internet và tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội nông dân, Khuyến nông tổ chức để tích lũy thêm kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng và an toàn cho các loại quả trong vườn, gia đình ông Việt chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, bón phân hữu cơ do gia đình tự ủ để cây cam, bưởi sinh trưởng tốt, cho ra quả ngọt. Đây là bí quyết để các loại cây cam, bưởi của gia đình ông Việt được thị trường chấp nhận, bán được giá cao.

 

Hiện nay, từ 50 cây bưởi Diễn, trung bình mỗi năm gia đình ông Việt thu hoạch được trên 3 nghìn quả, với giá bán bình quân 35 nghìn đồng/quả, trừ chi phí cho thu lãi trên 80 triệu đồng; 450 cây cam Canh, cam Vinh mỗi năm thu hoạch trung bình 13 tấn quả, với giá bán trung bình 40 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, cho thu lãi gần 500 triệu đồng. Như vậy, từ vườn cây cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, gia đình ông Việt thu về gần 600 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, bằng kinh nghiệm của mình, ông Việt đã ươm, ghép cây cam, bưởi để bán cây giống cho bà con quanh vùng.

 

Nói về cựu chiến binh Hoàng Văn Việt, ông Nguyễn Sơn Thủy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Long cho biết, hiện với người dân trong xã, ông Việt không chỉ là tấm gương sáng về phát triển kinh tế mà còn là kho kinh nghiệm trồng cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn để người dân trong xã tìm hiểu, làm theo. Đến nay, trong xã đã có thêm 4 gia đình bắt đầu trồng cam Canh, bưởi Diễn sau khi học hỏi kinh nghiệm từ gia đình ông Việt.

 

Thu Hà

 

Bình Thuận: Dưa hấu Tết “rớt giá mạnh”

 

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

 

Hiện nay, nông dân 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh đang lo lắng vì dưa hấu cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán không bán được.

 

Đức Linh được xem là địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất tỉnh Bình Thuận, tập trung chủ yếu tại thị trấn Võ Xu, xã Mê Pu, Sùng Nhơn… Năm nay, toàn huyện có 200 ha dưa hấu vụ Tết, chủ yếu dưa giống Hắc Mỹ Nhân với đặc tính quả dài, to, đỏ, vỏ mỏng và ăn ngọt. Hiện nay, dưa hấu đã vào vụ thu hoạch nhưng giá dưa sụt giảm liên tục, thậm chí không có thương lái đến hỏi để thu mua. Theo người trồng dưa ở đây, năm ngoái vào thời điểm này các thương lái đã vào tận ruộng đặt mua với giá từ 4 - 5.000 đồng/kg, đỉnh điểm có lúc lên đến 9.000 đồng/kg. Nhưng hiện nay, mặc dù đầu vụ nhưng dưa hấu giống Hắc Mỹ Nhân sụt giảm đáng kể, từ 2.000 đồng/kg xuống còn 1.700 đồng/kg, thậm chí nhiều ruộng dưa đã tới lúc thu hoạch mà không có thương lái đến hỏi mua. Với giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí người dân lỗ 4 triệu đồng/sào. Hiện ở Đức Linh còn khoảng 4 – 5.000 tấn dưa chưa tiêu thụ được khiến bà con rất lo lắng, đứng ngồi không yên. Không chỉ ở Đức Linh, nông dân trồng dưa ở huyện Tánh Linh cũng cùng chung cảnh ngộ trên. Với 150 ha dưa hấu đã đến kỳ thu hoạch mà không bán được, nóng lòng sợ dưa chín quá bị hư người dân Tánh Linh đành tự cắt vận chuyển bán tại các điểm chợ nhỏ lẻ tại địa phương nhưng tiêu thụ với số lượng rất ít.

 

Để giúp người dân tiêu thụ lượng dưa hấu tồn với giá cả đảm bảo bù lại chi phí đầu tư, rất cần các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc để giải cứu cho bà con.

 

Dưới đây là một số hình ảnh dưa hấu không bán được trên địa bàn huyện Đức Linh.

 

 

Những ruộng dưa đã đến kỳ thu hoạch còn đang nằm chờ người mua

 

 

Nông dân đứng ngồi không yên bên ruộng dưa chưa bán được

 

 

Dưa chất đống chờ người mua

 

 

Lão nông lo lắng bên đống dưa chưa bán được của gia đình

 

 

 

Người dân nóng lòng tự cắt dưa, vận chuyển đem bán các điểm nhỏ lẻ tại địa phương

 

 

Dưa hấu Hắc Mỹ Nhân với đặc tính quả dài, vỏ mỏng, đỏ và ăn rất ngọt được nhiều ngươi ưa thích

 

Thanh Thủy

 

Chuối cấy mô cho thu nhập 10 triệu đồng/công

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Thời gian qua, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) thực hiện Dự án mô hình trồng chuối cấy mô cho 40 hộ ở xã Hòa An, xã Phương Bình, thị trấn Kinh Cùng, xã Thạnh Hòa… Qua đánh giá mô hình bước đầu đã cho hiệu quả tích cực.

 

Khi mô hình được triển khai, các hộ nông dân được hỗ trợ cây giống, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật. Qua gần một năm thực hiện, từ 3.000 cây chuối cấy mô trồng trên khoảng 2ha đất đã đem về lợi nhuận hơn 258 triệu đồng. Bình quân 1 công chuối cấy mô, người trồng có lãi hơn 10 triệu đồng. Do là loại cây trồng chỉ trồng một đợt có thể thu hoạch dài lâu, nên bà con tiết kiệm thêm chi phí đầu tư ở những vụ chuối sau, góp phần nâng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 

THANH DUY

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop