Tin nông nghiêp ngày 23 tháng 01 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 23 tháng 01 năm 2020

ĐBSCL: Nước mặn xâm nhập sâu vào đúng dịp Tết nguyên đán

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Các đập thủy điện thượng nguồn giảm xả nước ảnh hưởng đến ĐBSCL đúng vào những ngày Tết Nguyên đán, kết hợp triều cường từ biển lấn sâu vào nội động, diễn biến nước mặn xâm nhập sẽ hết sức phức tạp.

Sáng 14-1, dù đang vào mùa khô nhưng tại thành phố Cần Thơ triều cường đã dâng lên gây ngập lé đé ở một số tuyến đường trong nội ô TP Cần Thơ. Đây cũng là đợt nước mặn len theo triều cường lấn sâu vào các cửa sông ĐBSCL khoảng 55km. Trong đó, nước có độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất là trên sông Vàm Cỏ Đông với 67km, thấp nhất là sông Cái Lớn 45km.

Cán bộ ngành nông nghiệp Hậu GIang đo độ mặn trên sông Cái Lớn

Tại Hậu Giang, nước mặn xâm nhập từ hai hướng biển Đông và biển Tây. Đối với triều cường biển Đông, trên sông Cái Côn thuộc huyện Châu Thành độ mặn đo được lúc đỉnh triều là 2,8‰; tại thị xã Ngã Bảy độ mặn đo được lúc đỉnh triều là 2,0‰… Triều cường từ biển Tây, xâm nhập vào địa phận huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh trên sông Cái Lớn, độ mặn đo được từ 0,9‰ - 2,1‰.

Những ngày tới, mực nước trên các sông tại Hậu Giang đều ở mức thấp và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30cm do đó, nồng độ mặn có xu hướng tăng cao và sâu vào nội đồng.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Nhiều hệ thống cống ngăn mặn đã đóng để bảo vệ diện tích đất trồng trọt. Ngành thủy lợi túc trực kiểm tra độ mặn thường xuyên để khuyến cáo nông dân chủ động ứng phó”.

Song, điều làm ông Trần Chí Hùng lo lắng là các đập thủy điện thượng nguồn giảm xả nước ảnh hưởng đến ĐBSCL đúng vào những ngày Tết Nguyên đán, kết hợp triều cường từ biển lấn sâu vào nội động, diễn biến nước mặn xâm nhập sẽ hết sức phức tạp.

Hệ thống cống ngăn mặn ven biển Tây

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ảnh hưởng của việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc sẽ về tới biên giới Việt Nam tại Tân Châu và Châu Đốc bắt đầu từ 22-1 và ảnh hưởng ra các vùng ven biển đến hết ngày 28-1, vào đúng thời kỳ triều cường và chuẩn bị đón năm mới. Vì vậy, dự báo mặn sẽ xâm nhập sâu vào ĐBSCL. Vùng ven biển ĐBSCL, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long có khả năng cao ngay ở tháng 1 và 2.

Vùng ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang): Mặn lịch sử có thể xảy ra, cần chủ động các biện pháp chống hạn mặn và cấp nước sinh hoạt từ bây giờ. Các địa phương cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn với trường hợp như năm hạn mặn lịch sử; chủ động các giải pháp bơm trữ gạn ngọt khi triều thấp, chủ động trữ nước cho các tuần trước triều cường ở các thời kỳ khan hiếm nước.

Theo dự báo của Đài khí thượng thủy văn Bến Tre, hiện nay độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông khoảng 44-52 km, độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông khoảng 51-72km, gần như bao phủ toàn tỉnh, đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp do mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với diễn biến hạn mặn đang diễn ra rất phức tạp; tổ chức trực ban và theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình xâm nhập mặn để chuyển tiếp thông tin, hướng dẫn và khuyến cáo người dân kịp thời thực hiện các giải pháp ứng phó. Trong đó, các vùng trồng hoa, cây giống, cây ăn quả tại các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, TP. Bến Tre... tập trung trữ nước ngọt trong mương vườn, dùng các dụng cụ chứa nước để dự trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi. Đối với diện tích hơn 2.000 ha lúa đã xuống giống tại huyện Giồng Trôm, Ba Tri khuyến cáo ngưng chăm sóc, bón phân để giảm thiệt hại.

CAO PHONG- HÀM LUÔNG

Đồng Tháp: Trái cây chưng Tết được giá

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần, nông dân trồng cây ăn trái chưng Tết trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang tất bật thu hoạch để kịp cung cấp cho thị trường Tết. Năm nay, các nhà vườn khá phấn khởi khi một số loại trái cây chưng Tết được mùa, trúng giá.

Chị Mai bên vườn tho của gia đình

Trái tho chưng tết có giá

Tại vùng trồng trái tho (khóm son) chưng Tết ở xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, hiện thương lái đã thu mua gần hết sản lượng canh tác. Theo nhiều nông dân trồng tho, năm nay mặt hàng này có tỷ lệ trái đạt chất lượng cao nên thương lái thu mua với giá cao hơn năm ngoái từ 500 - 1.000 đồng/trái.

Vừa thu hoạch xong 4.000m2 trái tho, chị Nguyễn Ngọc Mai ở ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ cho biết, năm qua thấy nhiều hộ xung quanh trồng tho chưng Tết có lãi nên năm nay gia đình chị đầu tư trồng thử 9.000 gốc tho xen với vườn mít, chanh của gia đình. Qua hơn 9 tháng canh tác, ruộng tho của gia đình cho thu hoạch với tỷ lệ đạt hơn 60%, giá bán 16.500 đồng/trái loại 3 cựa (nhánh) trở lên. Trừ chi phí, gia đình chị thu lãi trên 10 triệu đồng/công.

Theo chị Mai, trái tho đạt tiêu chuẩn là trái có từ 3 cựa trở lên, màu đỏ đẹp đều, không bị táp nắng, được thương lái mua với giá cao từ 16.500 – 17.000 đồng/trái. Riêng trái không có cựa thì thương lái chỉ mua từ 5.000 - 6.000 đồng/trái. “Phần cựa là do trái mọc tự nhiên, nông dân không thể can thiệp. Nhà vườn chỉ có thể giữ cho màu sắc của trái được đẹp, không bị táp nắng, đều màu bằng cách dùng nhánh tho cột bao trái. Tuy nhiên công đoạn này, người trồng phải mất nhiều thời gian, công sức để thực hiện”, chị Mai cho biết thêm.

Có kinh nghiệm hơn 9 năm trồng tho, chị Võ Thị Diễm ở ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ chia sẻ, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên ruộng khóm son 10 công của gia đình đạt tỷ lệ thu hoạch khoảng 70%. Do trái tho đạt chất lượng với có số lượng lớn nên thương lái thu mua với giá 17.000 đồng/trái, cao hơn năm ngoái 1.000 đồng/trái. Với mức giá này, mỗi công khóm, chị có thể thu lãi trên 10 triệu đồng. “Trồng tho chỉ cực công thời gian đầu, về sau rất nhẹ công chăm sóc lại ít sâu bệnh. Đặc biệt loại này thường thu hoạch vào dịp cuối năm nên nông dân có thu nhập ăn Tết”, chị Diễm chia sẻ.

Để đáp ứng nhu cầu trái cây chưng Tết của người dân, hiện chị Diễm còn gầy thêm giống khóm ngọc. Đặc điểm của loại nông sản này là trái có màu xanh đậm, nhiều cựa, phía trên đầu trái có những viền màu trắng như cẩm thạch rất đẹp nên khách hàng rất ưa chuộng. Chị Diễm cho biết: “Hiện thương lái ngỏ ý mua khóm ngọc với giá 20.000 đồng/trái nhưng tôi chưa muốn bán vì để dành gầy giống đưa ra thị trường năm sau. Hy vọng với loại khóm mới này sẽ đắt hàng, được giá”.

Ông Nguyễn Văn Khanh - Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết: “Trái tho là loại trái cây có màu sắc đẹp và cái tên phù hợp khi Tết đến, xuân về nên nhiều gia đình thích chọn loại nông sản này chưng trên mâm ngũ quả. Trước sức hút từ thị trường, hiện nay nhiều nông dân trên địa bàn xã Thanh Mỹ chuyển đổi sang trồng trái tho rất nhiều. Hiện trên địa bàn xã có trên 20ha trồng trái tho, bước đầu mang lại thu nhập khá ổn định cho bà con, đặc biệt là mỗi dịp năm mới Tết đến. Tuy nhiên, để không phát triển “nóng” loại cây này, địa phương sẽ tiến hành thống kê, khảo sát để định hướng quy hoạch, tránh tình trạng cung vượt cầu”.

Ông Hồng chăm sóc quýt chậu cho thị trường Tết

Quýt chậu, bưởi Diễn đắt hàng

Quýt hồng lên chậu huyện Lai Vung là mặt hàng chưng Tết rất được lòng người tiêu dùng. Năm nay, mặc dù quýt hồng bị ảnh hưởng của bệnh vàng lá thối rễ khiến sản lượng quýt bị hao hụt nhiều nhưng bù lại là giá mặt hàng này ổn định và đắt hàng hơn mọi năm.

Có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng quýt và 5 năm trồng quýt hồng lên chậu, năm nay, ông Hà Thanh Hồng ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung tiếp tục đưa ra thị trường 150 chậu quýt hồng. Đến nay, sản phẩm này được khách hàng đặt mua gần hết. “Năm nay giá quýt hồng lên chậu có giá dao động từ 1 triệu - 5 triệu đồng/chậu (tùy cây) nhưng vẫn không đủ cung ứng cho khách hàng. Tôi dự tính Tết năm sau sẽ tăng số lượng quýt lên chậu để phục vụ thị trường”.

Ngoài quýt hồng lên chậu, năm nay, ông Hồng còn thử nghiệm và cho ra thị trường 9 chậu bưởi Diễn, với giá 40 triệu đồng/chậu. Dù mới ra mắt nhưng sản phẩm này được khách hàng mua hết. Bưởi Diễn là loại cây ăn trái đặc trưng của miền Bắc với màu vàng rất bắt mắt dùng để chưng trong ngày Tết. Tuy khí hậu giữa hai miền khác nhau nhưng bằng kinh nghiệm trong nghề của mình, ông Hồng vẫn trồng và cho trái thành công. Trung bình mỗi cây bưởi Diễn cho khoảng 5 trái.

Quan sát tín hiệu của thị trường, năm sau, ông Hồng dự định sẽ cung ứng 20 chậu bưởi Diễn nhằm đáp ứng nhu cầu chưng Tết của người tiêu dùng. Riêng về quýt hồng, ông Hồng sẽ cho lên chậu khoảng 200 cây. Bởi nhu cầu thị trường đối với quýt hồng vào chậu vào khoảng 1.000 chậu, nếu phát triển nhiều hơn sẽ dẫn đến dư thừa.

Ngoài các mặt hàng trên, nhiều nhà vườn tại Đồng Tháp còn tìm tòi sáng tạo ra nhiều kiểu dáng mới, mẫu mã đẹp... trên các loại cây thế mạnh của tỉnh (xoài, dưa hấu, bưởi) để phục vụ nhu cầu chưng Tết của người tiêu dùng...

MN

Ninh Bình: Mô hình trồng nấm mộc nhĩ đen cho kết quả khả quan

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Mộc nhĩ là loại nấm được sử dụng nhiều ở nước ta để chế biến các món ăn và làm thuốc. Tuy nhiên, các giống mộc nhĩ mà người dân sử dụng hiện nay là giống nấm mộc nhĩ Auricularia auricula cánh nhung, mỏng, năng suất thấp, khả năng thích ứng kém, dễ bị sâu bệnh. Từ thực tế trên, Trung tâm ứng dụng, Thông tin KHCN và Đo lường thử nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình) thực hiện mô hình “ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi trồng thử nghiệm giống nấm mộc nhĩ đen (Auricularia polytricha) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.

Cán bộ Trung tâm KHCN và Đo lường thử nghiệm trao đổi kỹ thuật nuôi trồng nấm mộc nhĩ đen với xã viên HTX nấm Khánh Vân.

Trong 7 tháng qua (từ tháng 6 đến tháng 12/2019), các cán bộ của Trung tâm ứng dụng, Thông tin KHCN và Đo lường thử nghiệm đã tiến hành xây dựng mô hình nuôi trồng thử nghiệm nấm mộc nhĩ đen, quy mô 8.000 bịch tại xã Gia Tường (Nho Quan) và xã Khánh Vân (Yên Khánh), đến nay đã cho kết quả rất tốt.

Ông Bùi Trung Thành, HTX nấm Khánh Vân (Yên Khánh) - cơ sở phối hợp thực hiện mô hình chia sẻ: Chúng tôi có gần 3.000 m2 lán trại và được Trung tâm chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư… thực hiện mô hình thử nghiệm trồng giống nấm mộc nhĩ đen từ tháng 6 đến tháng 12.

Đến nay, 4.000 bịch nấm mộc nhĩ đen đang cho thu hái, chuyển sang chế biến, bảo quản. Để trồng nấm mộc nhĩ đen có thể sử dụng các loại giá thể như rơm rạ, vỏ lạc, bã mía, thân, lõi ngô, bông phế liệu, nhưng chủ yếu là sử dụng mùn cưa của các loại cây gỗ có nhựa trắng như mít, sung, keo, si, bồ đề, cao su. Không sử dụng các loại mùn cưa của cây có tinh dầu, độc tố.

Tuy nhiên, so với các loại nấm mộc nhĩ khác, mộc nhĩ đen sinh trưởng, phát triển nhanh, do vậy cần lượng dinh dưỡng lớn hơn, cần bổ sung lượng cám ngô, cám gạo nhiều hơn, nếu dùng mùn tạp có thể bổ sung thêm đạm sun phát, superphotphat. Để có được cánh nấm to, dày cần có chế độ tưới phù hợp, nếu thời tiết khô hanh thì tưới ngày 3-4 lần, nếu trời ẩm tưới ngày 2-3 lần đảm bảo độ ẩm trong lán 90%.

Thời gian của mỗi lứa kéo dài hơn, từ 20-25 ngày sẽ cho cánh nấm to, dày. Cần điều chỉnh ánh sáng phù hợp, ánh sáng quá yếu cánh nấm bị mỏng, mọc kém, ánh sáng mạnh hạn chế nấm sinh trưởng.

Thạc sỹ Đinh Thị Lan, Chủ nhiệm thực hiện mô hình cho biết: Giống nấm này có dải nhiệt rộng từ 20-30oC nên thời vụ trồng kéo dài, có thể trồng từ tháng 8 dương lịch, thu hoạch vào trước Tết Nguyên đán nên người dân có thể trồng sớm, tận dụng lúc nông nhàn, tận dụng lán trại, giá bán nấm vào thời điểm này từ 120-140 nghìn đồng/1kg nên cho hiệu quả kinh tế cao.

Nấm mộc nhĩ đen sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian ăn kín bịch nhanh, cho năng suất cao từ 90-120 kg/1 tấn nguyên liệu, cao hơn 1,5-2 lần so với giống nấm mộc nhĩ nhung. Nấm mộc nhĩ đen có màu đen sẫm, lớp lông tơ dày, cánh nấm dày, kích thước lớn gấp 3 lần so với nấm mộc nhĩ nhung.

Mộc nhĩ đen rất có ích cho tim mạch: giảm lượng cholesterol, ngăn ngừa sự tích tụ mỡ ở thành động mạch và sự hình thành cục máu do xơ vữa động mạch, chống ôxy hóa, ngăn ngừa đông máu, ức chế sự kết dính tiểu cầu.

Đặc biệt là tỷ lệ sắt và canxi trong mộc nhĩ đen cao gấp 30 - 70 lần trong thịt. Mô hình trồng nấm mộc nhĩ đen cho chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên nhu cầu rất lớn, hiện nay lượng cung không đủ cầu. Với kỹ thuật trồng không quá phức tạp, hiện nay Trung tâm ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm đã làm chủ được quy trình phân lập, nhân giống và nuôi trồng có thể chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu mở rộng mô hình sản xuất.

Hơn thế nữa, mô hình còn góp phần lưu giữ, bảo tồn nguồn gen quý và nâng cao năng suất, từ đó phát triển nghề trồng nấm tại Ninh Bình và một số tỉnh lân cận.

Trên thực tế, tiềm năng để người dân mở rộng trồng nhiều loại nấm là rất lớn do có nguồn nguyên liệu phong phú, nguồn lao động dồi dào, điều kiện thời tiết thuận lợi có thể trồng quanh năm. Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nấm đem lại hiệu quả kinh tế ở quy mô hộ gia đình, gia trại, trang trại, hợp tác xã, tổ sản xuất, doanh nghiệp.

Sản xuất nấm đang từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, quy mô hàng hóa gắn kết đồng bộ khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ. Mô hình trồng nấm không chỉ tạo việc làm cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị gia tăng của lĩnh vực trồng trọt nhờ sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm của nông nghiệp.

Bài, ảnh: Nguyễn Minh

Năm nay, ngành mía đường sẽ chật vật?

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2017-2018, cả nước sản xuất được 1,47 triệu tấn đường. Niên vụ 2018-2019 chỉ còn 1,17 triệu tấn, với diện tích trồng mía giảm 30% - 60% so với các năm trước và có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.

Từ năm 2020, ngành mía đường trong nước sẽ gặp khó khăn khi thực thị Hiệp định ATIGA

Bắt đầu từ năm nay, Việt Nam thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Theo đó, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, nên nhiều khả năng đường ngoại sẽ có giá mềm hơn đường nội. Cộng thêm với thực tế lâu nay, ngành mía đường trong nước luôn gặp khó từ đường nhập lậu, dự đoán năm nay sẽ là năm chật vật với ngành mía đường.

Chịu tác động kép

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2017-2018, cả nước sản xuất được 1,47 triệu tấn đường. Niên vụ 2018-2019 chỉ còn 1,17 triệu tấn, với diện tích trồng mía giảm 30% - 60% so với các năm trước và có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu. Nguyên nhân được VSSA xác định, chủ yếu do tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu đường không được ngăn chặn hiệu quả.

Năm 2019, Thái Lan xuất khẩu đường qua Campuchia hơn 1 triệu tấn, nhưng tiêu thụ tại đây chỉ khoảng 200.000 tấn nên 800.000 tấn còn lại, có khả năng nhập khẩu “lậu” vào Việt Nam. Trung bình, Việt Nam cần 1,45 triệu tấn đường/năm. Ngành mía đường trong nước sản xuất có thể cung cấp đủ. Tuy nhiên, đường lậu nhập giá rẻ, cạnh tranh với đường trong nước, khiến ngành mía đường điêu đứng.

Tại hội nghị phòng chống buôn lậu đường, ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thừa nhận tình trạng buôn lậu, vận chuyển đường qua biên giới vẫn diễn biến theo chiều hướng tăng, phương thức hoạt động ngày càng tinh vi. Đường lậu sau khi vào nước ta được sang chiết, đóng gói thành bao bì, nhãn mác của Việt Nam để đưa ra thị trường tiêu thụ. Một hình thức buôn lậu “công khai” khác là các doanh nghiệp tham gia đấu giá đường lậu với giá cao để mua được hàng thanh lý; sau khi có hồ sơ đấu giá, đối tượng lợi dụng quay vòng cho các lô đường nhập lậu khác.

Trong bối cảnh ngành mía đường đang chịu nhiều sức ép từ tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu đường ngày càng gia tăng và khó thể kiểm soát, việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA bên cạnh những thuận lợi chung, cũng tạo ra những áp lực rất lớn đối với ngành mía đường.

Chủ tịch VSSA Cao Anh Đương cho hay, các nước Thái Lan, Indonesia và Philippines dù đã thực hiện dỡ bỏ hàng rào thuế quan và hạn ngạch, nhưng đường nhập khẩu vào nước họ sẽ phải nằm chờ tại kho dự trữ mà không được “tự do” bán vào thị trường nội địa, nếu như chưa được sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền. Cùng với đó, nhiều nơi còn dựng lên những hàng rào kỹ thuật thông qua các quy định, các giấy phép, các loại phí… để đảm bảo rằng đường nhập khẩu từ ASEAN được tự do thông quan nhưng khó thâm nhập vào các kênh phân phối, tiêu thụ, buôn bán và sử dụng tại thị trường nội địa. Thậm chí, các nước còn có nhiều hỗ trợ cho ngành đường “lẩn” trong những chính sách tưởng chừng như hỗ trợ chung chung như nghiên cứu phát triển. Do vậy, đường của họ có giá thành rất rẻ.

Kiểm soát tại các nhà máy

Nhằm bảo đảm cho người nông dân bán được mía và thu được tiền mía đã bán cho nhà máy, VSSA đề nghị Nhà nước tạm thời quy định tất cả các loại đường nhập khẩu sau thời điểm 1-1-2020 sẽ phải đưa vào kho ngoại quan hoặc kho dự trữ. Đường nhập khẩu chỉ được đưa vào lưu thông, phân phối, sử dụng tại thị trường nội địa khi đã kết thúc vụ ép mía, đường sản xuất từ mía trong nước đã tiêu thụ hết và được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép theo từng giai đoạn, thời điểm và số lượng cụ thể.

Phần lớn đường lậu được đưa vào nhà máy, công ty để đóng gói bao bì, nhãn mác trước khi ra thị trường. Để quản lý được sản lượng đường trong nước chính xác và không còn tình trạng đường lậu trôi nổi ngoài thị trường, ông Đặng Phú Quý, Công ty Đường Quảng Ngãi, đề nghị: “Nên có truy xuất nguồn gốc từ người trồng mía, nhà máy thu mua mía để xác định được tổng sản lượng của đường trong nước. Cuối cùng, Bộ NN-PTNT lấy số liệu từ nhà máy đường trên cả nước để xác định tổng sản lượng đường, nhằm thuận tiện trong việc giám sát hoạt động nhập khẩu đường của các công ty thương mại, cũng như giám sát được đường lậu”.

Chủ tịch VSSA Cao Anh Đương đề xuất, Bộ Công thương nên thành lập một cơ chế tham vấn dạng ủy ban, gồm bộ, nông dân, viện, trường, hiệp hội… nhằm đưa ra các tham vấn khách quan về cân đối cung cầu đường, khuyến cáo các mức giá hợp lý. Hàng năm, ủy ban tính toán, khuyến cáo giá mua mía, nhưng không nên cao hơn giá mua mía của nông dân trong khu vực ASEAN. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp phi thuế quan và hàng rào kỹ thuật để bảo đảm cho sản xuất đường trong nước hoạt động tốt, chất lượng; nghiên cứu đưa các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đấu giá đường lậu chỉ nên cho các đơn vị thuộc VSSA tham gia.

THANH HẢI

Thành công trong ‘sóng gió’

Nguồn tin:  Báo Sóc Trăng

Có thể nói như thế đối với ngành nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2019, bởi ngay từ đầu năm, những yếu tố bất lợi không chỉ xuất hiện trên nhiều mặt hàng nông, thủy sản chủ lực mà còn kéo dài đến tận giữa năm. Tuy nhiên, những “tay chèo” tâm huyết của ngành vẫn tỉnh táo đưa ra những quyết sách phù hợp, giúp “con thuyền” nông nghiệp vượt qua sóng gió, về đích an toàn khi đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết của tỉnh.

Sau thời điểm khó khăn về giá, cây lúa tiếp tục có sự tăng trưởng đáng kể, góp phần đảm bảo thu nhập cho nông dân.

Đầu năm 2019, khi những trà lúa Đông – Xuân sớm vào vụ thu hoạch cũng là lúc giá lúa trên thị trường bắt đầu “rơi” tự do và kéo dài cho đến hết vụ. Tuy không phải lỗ lã nhiều như con tôm, nhưng do đây là vụ lúa chính trong năm, nên chuyện giá lúa giảm mạnh đã tác động không nhỏ đến thu nhập của đại bộ phận nông dân trong tỉnh. Chưa hết, do ảnh hưởng thời tiết thất thường, ở các vụ lúa tiếp theo một số vùng trồng lúa của tỉnh cũng gặp khó không ít. Trong bối cảnh khó khăn chung đó, những tưởng ngành lúa gạo của tỉnh sẽ khó có thể về đích, nhưng bằng sự nỗ lực của toàn ngành và nông dân trong tỉnh, đến cuối năm, sản lượng lúa của tỉnh vẫn giữ vững ở mức 2,1 triệu tấn và lợi nhuận từ cây lúa được đảm bảo ở mức 30%. Cũng có những điểm sáng trong bức tranh khó khăn của ngành lúa gạo là diện tích sản xuất các giống lúa đặc sản chiếm gần 50% và gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu lần đầu tiên được công nhận là gạo ngon nhất thế giới.

Không chỉ có cây lúa gặp khó về giá bán, con tôm nước lợ cũng phải lận đận ở mức giá thấp suốt gần 7 tháng đầu năm mới ngoi lên được mức giá đảm bảo có lãi khá cho người nuôi. Khi giá tôm bắt đầu tăng trở lại cũng là lúc tình hình nuôi gặp khó vì dịch bệnh EHP làm cho sản lượng tôm những tháng cuối năm chưa đạt như mong muốn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm trong chỉ đạo sản xuất, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã có những khuyến cáo kịp thời, giúp người nuôi hạn chế thiệt hại và dần lấy lại thành công trong những tháng cuối năm. Cũng chính từ sự chỉ đạo, khuyến cáo kịp thời đó, biểu đồ ngành tôm của tỉnh tiếp tục có sự đi lên với những con số có tính thuyết phục cao, như: diện tích thả nuôi 57.500ha, sản lượng tôm đạt trên 150.000 tấn, vượt 8,6% kế hoạch và cao hơn cùng kỳ gần 11%.

Những vườn cây ăn trái đang gặp bất lợi về hạn, mặn, nhưng đang có thị trường tiêu thụ tốt, giá cao, giúp nhà vườn an tâm tập trung đầu tư chăm sóc.

Nếu như cây lúa, con tôm đều vượt qua được khó khăn về thị trường, dịch bệnh, thì chăn nuôi heo lại gặp “hạn” lớn do dịch tả heo châu Phi. Không chỉ trực tiếp gây thiệt hại nặng trên tổng đàn heo của tỉnh, dịch tả heo châu Phi còn kéo giá heo hơi giảm mạnh trong suốt gần 10 tháng đầu năm và chỉ chịu “bật” lên từ đầu tháng 10 đến nay, khi mà hầu hết người chăn nuôi, nhất là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã không còn heo để bán. Một thiệt hại được đánh giá là lớn nhất đối với nghề nuôi heo và cũng là lời cảnh báo về những rủi ro trong chăn nuôi đến từ dịch bệnh. Nhưng đâu chỉ có con heo, giá gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm cũng sụt giảm không kém và chỉ mới hồi phục trong thời gian cận tết này.

Vẫn biết nông nghiệp luôn phải chịu tác động trực tiếp từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường… nhưng để hạn chế tổn thất từ những rủi ro trên là một điều rất khó. Và câu chuyện về giá mía ở niên vụ này cũng như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt là một minh chứng. Tuy nhiên, nếu có những dự tính, dự báo kịp thời, cùng những quyết sách phù hợp, ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn có thể có được thành công nhất định. Bài học kinh nghiệm từ sự thành công trong sóng gió của ngành Nông nghiệp tỉnh trong năm 2019 rất đáng được đúc kết, cải tiến để giúp nông nghiệp có thể vượt qua được những thời điểm khó.

Thuận lợi và khó khăn luôn là 2 mặt đan xen nhau của ngành nông nghiệp và chắc chắn trong năm 2020 cũng không là ngoại lệ, mà trước mắt là làm sao phòng chống hạn mặn được tốt để bảo vệ sản xuất cũng như đảm bảo tốt điều kiện sinh hoạt cho cư dân vùng nông thôn. Tất cả đã, đang và sẽ còn được ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để không chỉ đảm bảo cho thắng lợi của ngành, mà còn góp phần xây chắc “bệ đỡ” cho nền kinh tế của tỉnh tăng tốc trong năm cuối của nhiệm kỳ.

Tích Chu

Viện Hải dương học tiếp nhận 2 cá thể cá sấu Hoa Cà

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Viện Hải dương học (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) vừa tiếp nhận 2 cá thể cá sấu Hoa Cà (Crocodylus porosus) do Công ty cổ phần Dịch vụ Du Lịch Phú Thọ (TP. Hồ Chí Minh) trao tặng. Sau khi tiếp nhận, 2 cá thể này được đưa vào khu vực rừng ngập mặn nhân tạo của viện để nuôi dưỡng.

Đây là 2 cá thể cái đã trưởng thành, được sinh sản trong điều kiện nhân tạo, có kích thước chiều dài đạt gần 3 m. Trước đó, Viện Hải dương học cũng đã tiếp nhận và nuôi giữ 2 cá sấu Hoa Cà chưa trưởng thành do một doanh nghiệp trao tặng. Việc nuôi dưỡng cá sấu Hoa Cà của viện vừa phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen, đồng thời làm phong phú, đa dạng thêm mẫu vật của Bảo tàng Viện Hải dương học. Qua đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cộng đồng về bảo vệ các loài động vật quý hiếm.

Sau khi tiếp nhận cá sấu được thả nuôi khu vực rừng ngập mặn nhân tạo của Viện Hải dương học

Cá sấu Hoa Cà là loài bò sát lớn nhất thế giới, có thể dài đến 7m, nặng 1.2 tấn, sống được trong môi trường nước mặn và nước ngọt, thường định cư ở các rừng ngập mặn cửa sông, các vùng đồng bằng, đầm phá... Ở Việt Nam, cá sấu Hoa Cà phân bố chủ yếu ở các vùng rừng ngập mặn của Vũng Tàu, Cần Thơ Kiên Giang, Phú Quốc, Côn Đảo. Hiện nay số lượng cá sấu Hoa Cà đã bị tuyệt chủng ở ngoài tự nhiên và bị nghiêm cấm mọi hoạt động săn bắn, buôn bán.

Được biết, qua gần 100 năm hình thành và phát triển, hiện nay Bảo tàng Viện Hải dương học đang lưu giữ và bảo tồn gần 20.000 mẫu của hơn 5.000 loài sinh vật ở biển Đông và các vùng lân cận ở vùng biển Việt Nam. Hàng năm, Bảo tàng thu hút trên 400.000 lượt khách tham quan.

T.Ly

Vĩnh Long: Nông dân Bình Tân trúng mùa dưa hấu tết

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nông dân huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) đang tất bật bước vào mùa thu hoạch rộ dưa hấu phục vụ thị trường tết. Vụ dưa năm nay, nông dân rất phấn khởi vì thời tiết thuận lợi, dưa hấu trúng mùa, bán được giá cao.

Dưa hấu vàng được tạo hình thỏi vàng.

Mới hơn 6 giờ sáng, ruộng dưa hấu của ông Huỳnh Văn Dạng (ấp Hưng Thuận, xã Tân Hưng) đã nhộn nhịp người thu hoạch. Gia đình ông có 10 công đất, ngày thường thì trồng khoai lang, riêng vụ tết thì ông xuống giống dưa hấu chưng, trái tròn.

Ông Dạng chia sẻ với chúng tôi: Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, chất lượng dưa được nâng lên. Vừa trúng mùa, vừa bán được giá cao nên bà con nơi đây ai nấy cũng đều rất vui mừng, phấn khởi.

Ông nói tiếp: “Nhà mình năm nay trồng 10 công dưa hấu, trong đó thì 8 công dưa xanh, 2 công dưa vàng. Năng suất đạt, bình quân 5 tấn/công, bán giá trên đồng 25 triệu/ công. Lời hơn phân nửa, năm nay bà con Tân Hưng cũng phấn khởi”.

Thời tiết thuận lợi cộng thêm nông dân có kinh nghiệm nhiều năm trồng dưa nên năng suất và chất lượng quả dưa đạt cao hơn so với các năm trước.

Mùa tết này, Tân Hưng có 300ha dưa hấu.

Tùy vào chất lượng và chủng loại, giá bán được thương lái thu mua tại ruộng dao động từ 25-27 triệu đồng/công. Sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân thu lời khoảng 16 triệu đồng/công.

Ông Nguyễn Nhật Tân- thương lái mua dưa- cho biết: “Tôi đi dưa được 17 năm rồi. Lúc trước mua bên Cờ Đỏ không hà, sau mới mua đồng Tân Hưng này được 5 năm.

Đồng Tân Hưng này trồng dưa trái lớn, lên thành phố bán khách chuộng hơn. Giá dưa năm nay mua trong đồng thì nhích hơn năm rồi, ra thị trường bán chắc cũng phải cao hơn năm rồi mới được”.

Vụ dưa năm nay, toàn huyện Bình Tân xuống giống khoảng 442ha đón thị trường trước, trong, sau Tết Nguyên đán.

Trong đó, tập trung nhiều nhất vẫn là xã Tân Hưng (375ha); còn lại rải rác từ 8- 20ha tại các xã: Tân Lược, Tân An Thạnh, Thành Trung, Tân Thành, Thành Đông và Thành Lợi, thu hoạch rộ trong 2 ngày 24- 25 tháng Chạp âm lịch.

Ngoài các giống dưa trái dài và trái tròn truyền thống, nông dân xã Tân Hưng còn khéo léo tạo hình thỏi vàng, hình hồ lô đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Theo ông Lê Văn Khoa- Chủ tịch UBND xã Tân Hưng: “Diện tích dưa của xã Tân Hưng năm nay trên 300ha, năng suất khoảng 4- 5 tấn/công. Với giá bán hiện tại, bán cho thương lái thì bà con trồng dưa lời từ 20- 25 triệu/công.

Sau một năm lao động mệt nhọc, vụ dưa hấu tết năm nay, nông dân huyện Bình Tân đã thu được quả ngọt, có thêm thu nhập để đón mừng một năm mới sung túc và đầm ấm hơn.

Bài, ảnh: ÁI XUÂN- TRUNG THÀNH

Bà Rịa - Vũng Tàu: ‘Thủ phủ’ bưởi da xanh hối hả vào vụ thu hoạch

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Những ngày này, thương lái khắp nơi đang đổ về xã Sông Xoài (TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi được ví là “thủ phủ” trồng bưởi da xanh để thu mua bưởi, xe chở hàng của thương lái ra vào tấp nập, đến nhà nào cũng thấy bưởi. Để bảo đảm đúng tiến độ thu hoạch bưởi phục vụ dịp Tết Nguyên đán, nhiều nhà vườn phải thuê thêm nhân công, tăng thời gian làm việc...

Công nhân gia đình anh Hồ Hoàng Kha (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ) thu hoạch bưởi.

8 giờ sáng ngày 19/1 (tức ngày 25/12 âm lịch), chúng tôi có mặt tại vườn bưởi của anh Hồ Hoàng Kha (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ), mặc dù mới sáng sớm nhưng bưởi đã được chất đầy trên xe của thương lái. 3 ngày qua, gia đình anh Kha luôn có khoảng 10 người tập trung để thu hoạch, phân loại bưởi rồi hỗ trợ thương lái đóng thùng đưa lên xe. Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh vườn bưởi, anh Kha cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi, ít mưa nên hầu hết các vườn bưởi đều được mùa sai trái, mỗi gốc có thể đạt từ 80-100 trái. Giá bưởi dao động ở mức 50.000-70.000 đồng/trái bán tại vườn”.

Cũng đang chạy đua với thời gian để kịp thu hoạch xong trước ngày 27 âm lịch, bà Nguyễn Thị Bé (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ) cho biết: Gia đình bà có khoảng 1.500 gốc bưởi được xử lý để phục vụ Tết, hiện gia đình bà đã thu hoạch được khoảng 40% diện tích. Theo bà Bé, bưởi da xanh Sông Xoài được các đầu mối tiêu thụ đánh giá cao bởi mẫu mã đẹp và có chất lượng vượt trội hơn các sản phẩm cùng loại trồng ở nơi khác. So với mùa trước, giá bưởi không có nhiều sự chênh lệch, tuy nhiên, năm nay thời tiết ổn định hơn, ít sâu bệnh nên sản lượng và chất lượng bưởi đều và tốt hơn năm ngoái. “Ước tính vườn bưởi của gia đình tôi trong vụ Tết này đạt khoảng 50 tấn, với giá bán như hiện tại, sau khi trừ chi phí tôi sẽ thu về khoảng gần 1 tỷ đồng”, bà Bé cho biết thêm.

Theo các hộ trồng bưởi nơi đây, từ ngày 20 âm lịch, hầu như nhà vườn không có thời gian để nghỉ ngơi. Vườn bưởi đều đã được các thương lái đặt mua, chỉ chờ đến ngày thu hoạch rồi phân ra từng loại khác nhau.

Anh Nguyễn Văn Phương, thương lái đến từ TP. Bà Rịa cho biết: “Bưởi là loại quả không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền, nên nhu cầu luôn ở mức cao. Từ đầu tháng 12 âm lịch, tôi đã đi khảo sát và đặt hàng một số vườn bưởi tại đây để thu mua. Năm nay tuy sản lượng không bằng các năm trước do nhiều hộ không xử lý để thu hoạch dịp Tết, nhưng bù lại, chất lượng bưởi da xanh năm nay tốt, mẫu mã đẹp, trọng lượng vừa phải chủ yếu từ 1,5-2 kg, chắc chắn sẽ được người tiêu dùng yêu thích”. Cũng theo anh Phương, hiện mỗi ngày anh thu mua khoảng 10-12 tấn bưởi, sau khi thu mua xong, anh chủ yếu đổ mối cho các thị trường tại TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa và một số tỉnh lân cận như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận… Còn những đơn hàng được đặt từ thị trường ngoài Bắc đã được vận chuyển từ ngày 24 âm lịch.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Xoài cho biết: Hiện xã Sông Xoài có khoảng 160ha diện tích trồng bưởi chủ yếu tại ấp Phước Bình, Sông Xoài 1, Sông Xoài 2, Cầu Ri, Cầu Mới, ấp 3. Những ngày qua, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch bưởi để các thương lái tới thu mua, năm nay thời tiết thuận lợi, sản lượng và chất lượng bưởi da xanh đều được các thương lái đánh giá cao, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 này, xã Sông Xoài sẽ cho ra thị trường khoảng hơn 1.000 tấn bưởi da xanh phục vụ thị trường Tết.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

Giá heo hơi giảm mạnh

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 20-1, lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, sau nhiều đợt lập đỉnh gần 100.000 đồng/kg, hiện giá thịt heo tại nhiều địa phương đã quay đầu giảm mạnh.

Tại thủ phủ chăn nuôi heo Đồng Nai, giá xuất bán dao động khoảng 80.000 đồng/kg.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, lý do giá heo giảm mạnh những ngày qua là vì hiệu quả công tác bình ổn thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như thông tin cho phép nhập khẩu thịt heo đã tác động đến tâm lý người chăn nuôi.

Theo Sở Công thương Đồng Nai, hiện tổng đàn heo có khoảng 1,4 triệu con, trung bình mỗi ngày cung cấp cho địa bàn tỉnh và TPHCM là 7.000 con.

TIẾN MINH

Giá gà giảm, giá lợn hơi ổn định, đủ nguồn cung

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Thời điểm này tại các vùng chăn nuôi trọng điểm của Bắc Giang như: Tân Yên, Yên Thế, Hiệp Hòa… thương lái đến thu mua gia cầm, lợn thương phẩm khá đông. Tuy nhiên, mấy ngày qua giá gia cầm lại giảm so với một tuần trước, còn giá lợn vẫn giữ ở mức cao.

Chăn nuôi gà thịt tại thôn Tân Kỳ, xã Đồng Tâm (Yên Thế).

Tìm hiểu tại huyện Yên Thế, được biết, năm nay nông dân trong huyện chuẩn bị hơn 2 triệu gà thương phẩm xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán, tương đương năm ngoái và tập trung nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng.

Hiện mỗi ngày địa phương này xuất bán trung bình hơn 30 xe ô tô gà thương phẩm các loại, tương ứng hơn 35 tấn/ngày. Nhu cầu sử dụng thịt gà thay thế thịt lợn của người dân cao nên việc tiêu thụ gà khá thuận lợi.

Mặc dù vậy, giá gà thương phẩm (hơn 4 tháng tuổi) lại sụt giảm từ 10 nghìn đến 15 nghìn đồng/kg so với một tuần trước đây. Cụ thể, tại huyện Yên Thế gà ri lai, lai chọi giá dao động từ 65-70 nghìn đồng/kg; gà mía lai, gà lai Hồ giá dao động từ 60 -65 nghìn đồng/kg, tương đương cùng kỳ năm trước. Tại huyện Lục Nam, giá gà lai chọi và lai Hồ giảm hơn khoảng 2 nghìn đồng/kg so với giá gà cùng loại ở Yên Thế.

Theo các chủ nuôi, sở dĩ có điều này là do lượng gà tại các trại nuôi xuất nhiều ra thị trường, bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng ít ăn gà Hồ và lai chọi trong dịp Tết.

Thương lái đến thu mua gà tại chợ đầu mối ngã ba Đình Nẻo (Tân Yên).

Hiện, các doanh nghiệp, HTX chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ gia cầm tại Yên Thế cũng đang hoạt động hết công suất. Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế thông tin: “Hiện mỗi ngày chúng tôi bán 350 con gà lông, 200 gà thịt đóng túi và hơn 1 tạ giò gà. Dự kiến dịp Tết Nguyên đán tới HTX sẽ xuất bán khoảng 160 nghìn gà các loại và hơn 2 tấn giò gà tới các thị trường Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… tăng khoảng hơn 30% so năm trước”.

Tại chợ gia cầm đầu mối ngã 3 Đình Nẻo, xã Liên Sơn (Tân Yên), dịp này thương lái đến thu mua gia cầm khá đông. Mỗi ngày có khoảng hơn 100 tấn gà được thu mua từ đây đưa đi tiêu thụ. Năm nay, chợ này đã tăng thêm hàng chục hộ tham gia thu mua, tiêu thụ gia cầm.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm dịp Tết, người chăn nuôi các huyện: Tân Yên, Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Lạng Giang… cũng đang xuất chuồng nhiều sản phẩm chăn nuôi.

Chăm sóc lợn thương phẩm tại một hộ ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa).

Mặc dù giá lợn hơi hiện đang thấp hơn khoảng 10 nghìn đồng/kg so với tháng trước nhưng vẫn đang ở mức khá cao, dao động từ 80 đến 85 nghìn đồng/kg, người nuôi thu lãi từ 3,5 đến 4 triệu đồng/1 tạ lợn hơi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, 10 ngày trước Tết, toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 150 nghìn con lợn (tương ứng với hơn 15 nghìn tấn). Tính cả tháng Tết, toàn tỉnh tiêu thụ gần 3 triệu con gà (tương ứng với gần 6 nghìn tấn). Theo đó, lượng lợn hơi xuất ngoại tỉnh giảm so năm trước khoảng 10%; lượng gà tăng hơn so năm 2019 khoảng 20%.

Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý giá thực phẩm sẽ tăng không đáng kể bởi lượng lợn và gia cầm đang được các chủ nuôi xuất bán khá mạnh. Mặc dù lượng lợn có thiếu hụt đôi chút nhưng người tiêu dùng không lo thiếu nguồn cung dịp Tết tới.

Thế Đại

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop