Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 03 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 03 năm 2020

Cách nào giảm thiệt hại do xâm nhập mặn?

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Thời gian vừa qua, người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải gồng mình chống chọi với đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử. Ngoài triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp, các bộ, ngành, địa phương cũng đang rốt ráo tìm giải pháp bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp nhận kinh phí hỗ trợ ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn từ đại diện chương trình Phát triển Liên hợp quốc. Ảnh: Ngọc Hà

Khẩn cấp ứng phó, bảo đảm đời sống người dân

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, làm 39.000ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, 95.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt... Trong đó, 5 tỉnh: Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang và Long An đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp… Dự báo trong thời gian tới, xâm nhập mặn tiếp tục đe dọa sinh trưởng, năng suất của 332.000ha lúa, 136.000ha cây ăn quả, 158.900 hộ có nguy cơ cao bị thiếu nước sinh hoạt…

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các biện pháp ứng phó, bảo đảm không để bất kỳ hộ dân nào bị thiếu nước sinh hoạt, bảo đảm đủ nước cho vùng sản xuất; tuyệt đối không để bùng phát dịch bệnh do thiếu nước…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre Bùi Văn Lâm cho biết, tỉnh đã đầu tư, lắp đặt thiết bị lọc mặn tại các công trình cấp nước sinh hoạt; vận chuyển nước ngọt từ địa phương khác về cung cấp cho người dân… Còn tại Kiên Giang, tỉnh đã vận hành 55 cống ven sông Cái Bé và 17 cống vùng U Minh Thượng để ngăn mặn giữ ngọt; triển khai gia cố, đắp mới 70 đập ngăn mặn bảo vệ lúa; tiếp tục đắp 83 đập đề phòng nước mặn xâm nhập sâu hơn…

Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống, nâng công suất nhà máy để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho 9.000 hộ dân… Tỉnh Cà Mau khẩn cấp xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung và hỗ trợ nhân dân dụng cụ trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt… Tỉnh Sóc Trăng đã lắp đặt thêm 115km đường ống để cấp nước cho hơn 4.000 hộ dân vùng thiếu nước ngọt; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện 604km đường ống để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho 22.400 hộ dân trong năm 2020…

Ngoài sự chủ động của các địa phương, Bộ NN&PTNT đã đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các công trình: Cống Âu Thuyền Ninh Quới, cống Vũng Liêm, Trạm bơm Xuân Hòa… vào hoạt động để kiểm soát xâm nhập mặn hơn 83.000ha và giảm tác động ảnh hưởng hơn 300.000ha đất canh tác... Các đơn vị quân đội đã vận chuyển hàng trăm nghìn mét khối nước ngọt cấp cho nhân dân vùng thiếu nước sinh hoạt. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã ký thỏa thuận với Bộ NN&PTNT hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 185.000 USD để ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn…

Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng đã tăng cường dự báo, cảnh báo sớm, giúp các địa phương kịp thời điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp, khuyến cáo nông dân sử dụng các bộ giống lúa ngắn ngày, chủ động trữ nước tưới… Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên nên mức độ thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra trong năm 2020 giảm hơn so với cùng thời kỳ năm 2016, cho dù mức độ xâm nhập mặn năm nay khốc liệt hơn.

Đề xuất nhiều giải pháp ứng phó

Ngoài triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng công trình để ngăn mặn, giảm thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra. Cụ thể, tỉnh Bến Tre đã đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng triển khai dự án Quản lý nước Bến Tre, với mục tiêu kiểm soát mặn cho 204.270ha đất tự nhiên và cấp nước ngọt cho hơn 207.000 hộ dân…

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, để giảm thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra theo hướng bền vững, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải thực hiện đồng bộ giải pháp công trình và phi công trình. Cụ thể, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tiếp tục gia cố cống, đập, đê bao và bờ bao ngăn mặn, làm nhiều hồ trữ nước ngọt… Người dân phải tuân thủ khuyến cáo của địa phương về thời vụ; sử dụng giống lúa chịu hạn mặn tốt nhất…

Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, cập nhật, điều chỉnh các loại quy hoạch, nhất là thủy lợi, giao thông... Đối với sản xuất nông nghiệp, các tỉnh cần chuyển dịch lịch thời vụ để né hạn mặn; sử dụng giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với hạn mặn; mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả hơn cây lúa...

Ở góc độ khác, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, không thể vì thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn khắc nghiệt đỉnh điểm như năm nay mà đưa ra các quy hoạch chống lại thiên nhiên. Hay nói cách khác, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần có giải pháp thích ứng hơn là phòng, chống…

Liên quan vấn đề này, TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang chia sẻ: Rút kinh nghiệm từ hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo đóng cửa các cống ngăn mặn ngay từ thời điểm còn nước ngọt bên ngoài cửa cống. Nhờ vậy, người dân tỉnh Kiên Giang giảm bớt khó khăn vì thiếu nước ngọt…

Như vậy, để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng chọn giải pháp phòng, chống hay thích ứng đang là vấn đề đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương ngay từ thời điểm này…

KIM VĂN

Nghĩa tình mùa hạn, mặn

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Không chỉ thực hiện nhiều phương án như đắp đập ngăn mặn, đầu tư hệ thống bơm chuyền, tỉnh Tiền Giang còn triển khai phương án cấp nước ngọt cho người dân nhằm hỗ trợ cứu vườn cây ăn trái các huyện phía Tây; mở vòi nước công cộng cấp nước sinh hoạt cho người dân phía Đông. Chưa kể, các cấp, các ngành, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ người dân. Chưa bao giờ nghĩa tình với người dân vùng hạn, mặn lại đong đầy như thế.

Nhiều diện tích lúa Đông xuân vùng Ngọt hóa Gò Công vượt qua cơn hạn, mặn.

Mùa hạn, mặn năm nay đang diễn biến phức tạp và rất gay gắt, đời sống sinh hoạt, hoạt động sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các ban, ngành của tỉnh cùng người dân phải căng mình ứng phó. Trong sự khó khăn chung, tỉnh Tiền Giang đã quyết liệt, trách nhiệm triển khai nhiều giải pháp bảo vệ sản xuất, hỗ trợ người dân để cho ra những "trái ngọt" trong cơn hạn, mặn lịch sử.

Giữa tháng 3/2020, tình hình xâm nhập mặn đang bước vào giai đoạn cao điểm, ngay cả khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 của tỉnh cũng bị mặn xâm nhập, mặn còn xâm nhập đến tận khu vực cầu Mỹ Thuận của huyện Cái Bè. Đây có thể được coi là đợt hạn, mặn khốc liệt nhất lịch sử.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, đến thời điểm này, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh đang chủ động ứng phó với hạn, mặn để giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Nhiều diện tích lúa Đông xuân vượt qua hạn, mặn

Trở lại vùng Ngọt hóa Gò Công vào những ngày giữa tháng 3, cái nắng như thiêu đốt làm cho nhiều cánh đồng trở nên khô cháy. Hầu hết các tuyến kinh nội đồng đều trơ đáy, nứt nẻ. Nhiều đoạn kinh do bị khô cạn nước nên dẫn đến tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống và việc đi lại của người dân. Chưa bao giờ, người dân Gò Công lại thấy tình hình hạn, mặn khốc liệt như năm nay.

Do tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp nên có thời điểm, tình hình gay gắt hơn dự báo của các ngành chuyên môn. Cống Xuân Hòa không thể lấy nước kể từ ngày 10/02 là yếu tố dẫn đến vùng Ngọt hóa Gò Công thiếu nước sản xuất và sinh hoạt nghiêm trọng.

Dù vậy, với quyết tâm "còn nước, còn tát", chính quyền các cấp đã triển khai nhiều phương án, tổ chức nhiều điểm bơm chuyền nước, kể cả bơm chuyền bằng ống lộ thiên để cứu các diện tích lúa Đông xuân các huyện, thị phía Đông. Nhờ đó, đến nay, nhiều diện tích lúa Đông xuân vùng Ngọt hóa Gò Công đã vượt qua cơn hạn, mặn, cho năng suất cao. Trong hơn 24.400ha lúa Đông xuân năm nay, chỉ có khoảng hơn 2.200ha lúa xuống giống không theo lịch thời vụ bị ảnh hưởng đến năng suất và chết trắng một phần.

Ông Nguyễn Văn Cao, ấp 1, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công bộc bạch: "Nhờ gieo sạ sớm nên 3ha lúa ST24 của tôi không bị mặn ảnh hưởng nhiều. Năm nay, Nhà nước hỗ trợ bơm chuyền từ sông Rầm Vé vào tuyến kinh nội đồng, sau đó, tôi mới bơm chuyền 3 cấp nữa nước mới tới ruộng. Nhờ vậy, đến nay, ruộng lúa thu hoạch cho năng suất khá cao, đạt khoảng 7 tấn/ha".

Bên cạnh khó khăn về nguồn nước sản xuất, một số vùng cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công cũng gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Trước tình hình này, tỉnh đã cho mở khoảng 100 vòi nước công cộng để phục vụ nhân dân. Dù vậy, do áp lực nước yếu nên người dân vẫn gặp khó khăn về nước sản xuất. Để san sẻ một phần khó khăn của người dân, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã vận chuyển nước ngọt miễn phí đến người dân. Trong khô hạn, nước ngọt càng quý giá, nghĩa tình san sẻ càng thêm đong đầy.

Ông Nguyễn Văn Dũng, ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông chia sẻ, hiện nước ở các kinh, rạch nội đồng đã cạn, nguồn nước máy không chảy tới, nên người dân gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt. Nguồn nước sinh hoạt của gia đình ông cũng như nhiều bà con trong ấp chủ yếu được lấy từ các vòi nước công cộng. Việc mở các vòi nước miễn phí cũng phần nào giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân.

Cấp nước ngọt cứu khẩn cấp cây sầu riêng.

Những giọt nước nghĩa tình

Trong đợt hạn, mặn này, các huyện, thị phía Tây của tỉnh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vùng chuyên canh cây ăn trái của tỉnh đang phải gồng mình chống chọi với đợt xâm nhập mặn gay gắt nhất từ trước đến nay. Những ngày này, về các xã dọc sông Tiền của các huyện phía Tây của tỉnh, đâu đâu cũng thấy người dân mang thùng, can để đi mua nước về tưới cho vườn cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng. Nhiều vườn sầu riêng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do không có nước ngọt để tưới nên một số vườn đã suy kiệt dẫn đến chết cây.

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp để bảo vệ vườn cây ăn trái như: Đắp nhiều đập ngăn mặn; hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn, mặn; thường xuyên quan trắc độ mặn…, thì phương án vận chuyển nước ngọt hỗ trợ cứu khẩn cấp cây sầu riêng và cây ăn trái các huyện, thị phía Tây được tỉnh triển khai thực hiện được đánh giá là hợp lòng dân.

Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Cai Lậy cho biết, xuất phát từ tình hình hạn, mặn cực kỳ khốc liệt, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vùng sầu riêng của huyện Cai Lậy, việc vận chuyển nước ngọt cứu cây sầu riêng là giải pháp khẩn cấp trong điều kiện hết sức khó khăn về việc nước tưới. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã có phương án lấy nước ngọt về để cấp miễn phí cho người dân để giải quyết trong giai đoạn khó khăn này. Mục tiêu là cố gắng duy trì vùng sầu riêng, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Hiện nước mặn đã xâm nhập khắp địa bàn huyện nên việc có nước ngọt không phải đơn giản, phải có phương tiện lớn để lên thượng nguồn lấy nước về, trong khi đó, người dân không có điều kiện này. Chính vì vậy, đây là phương án hết sức phù hợp và hợp lòng dân.

Đến thời điểm này, hàng chục ngàn mét khối nước ngọt đã được cấp cho người dân mang về cứu các vườn sầu riêng đang khát nước. Có mặt tại các điểm cấp nước ngọt mới thấy không khí phấn khởi, vui mừng của người dân khi được Nhà nước quan tâm, chia sẻ khó khăn. Điều này thể hiện sự quyết tâm, trách nhiệm của chính quyền với người dân, nó được chuyển hóa qua những giọt nước nghĩa tình tưới mát vườn cây trong mùa hạn, mặn. Bà Nguyễn Thị Thúy, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy cho biết, Ngũ Hiệp là vùng kinh tế vườn, xâm nhập mặn gay gắt nên cây cối nơi đây trở nên xơ xác. Chủ trương cấp nước ngọt miễn phí cứu sầu riêng khiến người dân chúng tôi vô cùng phấn khởi.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, đến thời điểm này, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đang chủ động ứng phó với hạn, mặn để giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Nhiều diện tích lúa Đông xuân vùng Ngọt hóa Gò Công vượt qua cơn hạn, mặn là thành quả từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung lòng vượt khó của người dân. Chưa kể, những giải pháp quyết liệt như: Đầu tư đắp đập kinh Nguyễn Tấn Thành, đắp nhiều đập ngăn mặn… được thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trước mắt là cơ bản đảm bảo được nguồn nước ngọt tưới tiêu, phục vụ sản xuất và đời sống của người dân vùng Dự án Bảo Định, giải quyết được nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân TP. Mỹ Tho và khu vực phía Đông của tỉnh.

Thành quả ấy là kết tinh từ "ý Đảng, lòng dân", từ những chủ trương đúng và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi ứng phó với tình trạng hạn, mặn gay gắt, lịch sử năm nay.

A.P - M. Thành

Một số quy định mới về Kinh tế trang trại

Nguồn tin:  Tổng cục Thủy sản

Ngày 28 tháng 02 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT quy định Tiêu chí Kinh tế trang trại. Theo đó, Tiêu chí Kinh tế trang trại quy định tại Thông tư này sẽ là căn cứ để xác định đối tượng hưởng các Chính sách của Nhà nước áp dụng cho Kinh tế trang trại.

Ảnh minh họa

Đối tượng áp dụng là (1) Cá nhân/chủ hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp) đáp ứng các Tiêu chí Kinh tế trang trại theo quy định của Thông tư này; và (2) Cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT đã phân chia trang trại thành những loại sau: (1) “Trang trại chuyên ngành” được xác định theo lĩnh vực sản xuất (như: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp) và tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. “Trang trại chuyên ngành” được phân loại thành: Trang trại nuôi trồng thủy sản; Trang trại trồng trọt; Trang trại chăn nuôi; Trang trại lâm nghiệp; Trang trại sản xuất muối. (2) “Trang trại tổng hợp” là trang trại trong đó không có lĩnh vực sản xuất nào có tỷ trọng giá trị sản xuất chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm.

Tiêu chí và Chế độ báo cáo về Kinh tế trang trại

Liên quan đến lĩnh vực thủy sản, Tiêu chí Kinh tế trang trại đối với “Trang trại chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản” như sau: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên. Đối với “Trang trại tổng hợp” được quy định về Tiêu chí Kinh tế trang trại như sau: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

Cách tính “Tổng diện tích đất sản xuất”: Tổng diện tích đất sản xuất quy định tại Thông tư này là tổng diện tích đất sản xuất kinh doanh của trang trại, được sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai (bao gồm: diện tích đất để trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối và đất để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất của trang trại tại thời điểm kê khai).

Cách tính “Giá trị sản xuất của trang trại”: Giá trị sản xuất của trang trại/năm là giá trị sản xuất của ít nhất 1 năm trang trại đạt được trong 3 năm gần nhất với năm kê khai; được tính bằng tổng giá trị sản xuất các kỳ thu hoạch hoặc khai thác trong năm. Đối với trang trại mới thành lập chưa có sản phẩm thu hoạch, giá trị sản xuất được ước tính căn cứ vào phương án sản xuất, tình hình triển khai thực tế của trang trại.

Liên quan đến các chế độ Theo dõi/ Thống kê/ Báo cáo về Kinh tế trang trại, Thông tư đã quy định:

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: Hướng dẫn, phổ biến Tiêu chí Kinh tế trang trại cho cá nhân/chủ hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Nông nghiệp trên địa bàn cấp xã; Triển khai theo dõi, thống kê, cập nhật các biến động về chủ trang trại, diện tích đất sản xuất, loại trang trại; Lập sổ theo dõi phát triển Kinh tế trang trại trên địa bàn theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư.

Chế độ báo cáo về Kinh tế trang trại: Thực hiện theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư. Cụ thể là: Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo về Kinh tế trang trại trên địa bàn xã trong năm gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Trước ngày 19 tháng 12 hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo về Kinh tế trang trại trong năm trên địa bàn tỉnh gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phương thức gửi, nhận báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8, khoản 4 Điều 12 Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước.

Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2020 và thay thế Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về Tiêu chí và Thủ tục cấp giấy chứng nhận Kinh tế trang trại. Giấy chứng nhận Kinh tế trang trại được cấp theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2020.

Ngọc Thúy – FICen

Phóng thích 10.000 bọ đuôi kìm để phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Sáng 19-3, gần 30 đoàn viên thanh niên Đoàn cơ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa tham gia phóng thích 10.000 con bọ đuôi kìm tại công viên bờ biển Nha Trang.

Đây là số lượng bọ đuôi kìm nhân nuôi thời gian gần đây của cán bộ đoàn viên thanh niên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trong mục tiêu phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa.

Phóng thích bọ đuôi kìm được cho là biện pháp hữu hiệu tiêu diệt bọ cánh cứng gây giảm năng suất, chất lượng cũng như màu xanh của các vườn dừa trong tỉnh, ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Cùng với việc phóng thích bọ đuôi kìm, đoàn viên thanh niên còn tham gia treo poster tuyên truyền về phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa.

Được biết, từ năm 2017 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã xây dựng được 50 điểm nhân nuôi, kể cả hộ gia đình. Đến nay toàn tỉnh Khánh Hòa đã phóng thích hơn 135.000 bọ đuôi kìm.

Dưới đây là ghi nhận của phóng viên Khánh Hòa Online về hoạt động này.

Gần 30 đoàn viên thanh niên tham gia hoạt động

Xe vận chuyển bọ đuôi kìm về công viên bờ biển

Triển khai phóng thích bọ đuôi kìm

Ghi lại hoạt động của bọ đuôi kìm

Dùng chai nhựa để thả bọ đuôi kìm phát tán từ từ nếu không chúng lẩn rất nhanh

Treo poster tuyên truyền về giải pháp phòng chống bọ cánh cứng hại dừa

V.L

Mát mắt thu hoạch dưa lưới giữa mùa hạn

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Trong khi nhiều nông dân vùng ĐBSCL đang oằn mình đối phó hạn mặn, thì anh Nguyễn Thanh Tâm ngụ ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đang tất bật thu hoạch vụ dưa lưới bội thu. Có được kết quả này là nhờ anh chọn lựa cây trồng phù hợp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Dưa lưới được thu hoạch, bao trái, đóng thành kiện giao cho khách hàng.

Theo anh Tâm, trước đây khu vực này trồng cây ăn trái, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao và bản thân cũng rất đam mê nông nghiệp công nghệ cao nên anh quyết định chuyển sang trồng dưa lưới. Vấn đề sản xuất thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu tại ĐBSCL được tính đến đầu tiên, anh Tâm đầu tư hệ thống nhà lưới để trồng dưa lưới diện tích hơn 3.600m2. Để tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, anh chọn sản xuất theo hướng VietGAP và ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.

Dưa lưới có vị ngọt thanh, mát lành nên tiêu thụ rất tốt vào mùa nắng nóng.

Anh Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ: “Vùng này, năm nay chưa thấy xảy ra xâm nhập mặn nhưng hạn hán đang hoành hành. Vườn dưa lưới của tôi “sống khỏe” là nhờ sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel siêu tiết kiệm nước. Không chỉ vậy, nước tưới cho dưa được xử lý qua hệ thống lọc nên hàm lượng chì, các thành phần có hại đều được loại bỏ rất an toàn, đảm bảo dưa lưới “sạch từ bên trong”. Nhờ hệ thống nhà lưới giúp tránh được những bất lợi của thời tiết, vừa ngăn chặn được côn trùng, sâu bệnh tấn công nên tiết giảm đáng kể khoản chi phí và công sức”.

Dưa lưới có ưu điểm ngắn ngày (75 ngày/vụ ) nên mỗi năm anh Tâm trồng 4 vụ, năng suất 3 tấn/1.000m2, với giá thu mua tại vườn 30.000 đồng/kg, trừ hết chi phí anh đảm bảo có lời từ 40-45%. Với thành công bước đầu, anh Tâm mạnh dạn đầu tư thêm 2 nhà lưới nữa với tổng diện tích khoảng 2.300m2. “Khi việc sản xuất và tiêu thụ đi vào ổn định tôi sẽ chuyển sang giai đoạn 2: phát triển du lịch trải nghiệm trồng và thu hoạch dưa lưới. Đồng thời, thực hiện dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu về xây dựng nhà lưới, hệ thống bơm lọc nước sạch, kỹ thuật trồng dưa lưới... Hiện tại, tôi đang kêu gọi liên kết với doanh nghiệp, một số hộ xung quanh để tiến tới thành lập Hợp tác xã và hướng đến công nhận VietGAP” - anh Tâm nói.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Hòa Bình: Giá cam Cao Phong tăng mạnh - nhà vườn đón niềm vui cuối vụ

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19, để phòng dịch bệnh, người dân tăng cường sử dụng thực phẩm chứa nhiều vitamin C nhằm tăng sức đề kháng. Vì vậy, từ đầu tháng 3, sản phẩm cam V2 - giống cam chín muộn được trồng nhiều tại thủ phủ cam Cao Phong được đông đảo người tiêu dùng miền Bắc lựa chọn, khiến giá cam tăng mạnh, thậm chí tăng từng ngày.

Tại các vườn cam thị trấn Cao Phong (Cao Phong) thời điểm này tấp nập tư thương đến mua cam V2.

Hiện tại, có nhiều loại hoa quả người dân có thể sử dụng để tăng sức đề kháng, tuy nhiên, thương hiệu cam Cao Phong đã khẳng định được vị trí đối với người tiêu dùng. Cam Cao Phong nói chung và cam V2 nói riêng có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, cam thơm, nhiều nước. Đặc biệt, giống cam V2 không có hạt, tép giòn được đánh giá là giống cam ngon nhất của huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình).

Cách đây 1 tuần, giá cam V2 được tư thương mua tại vườn với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá cam tại vườn đã tăng lên 35.000 - 40.000 đồng/kg. Giá bán lẻ tại các cửa hàng dọc quốc lộ 6 trên địa bàn huyện Cao Phong 45.000 đồng/kg, thậm chí 50.000 đồng/kg. So với năm ngoái, giá cam V2 tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Người trồng cam tại thủ phủ cam Cao Phong phấn khởi vì cam được giá.

Chị Vũ Thị Lệ Thuỷ, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong cho biết: HTX có khoảng 13 - 15 ha cam V2. Những ngày này, các thành viên của HTX ai cũng vui mừng, phấn khởi vì giá cam V2 được giá hơn so với năm ngoái. Thời điểm này năm ngoái, cam V2 chỉ có giá dưới 30.000 đồng/kg, hiện lên tới 35.000 - 40.000 đồng/kg. Không khí sôi nổi, hăng hái cắt cam diễn ra khắp các vườn. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên cam V2 ít quả bị bệnh, chất lượng quả tốt.

Từ đầu tháng 3, nhà vườn không phải lo lắng chờ tư thương đến mua cam. Khắp mọi nẻo đường xe tải tấp nập nối đuôi nhau vào vườn mua cam. Các cửa hàng bán cam tại chợ Bóp, dọc quốc lộ 6 thuộc địa phận huyện Cao Phong náo nhiệt. Chủ vườn và người bán hàng vui vẻ, phấn khởi vì cam được giá, lượng mua tăng mạnh.

Theo chia sẻ của các tiểu thương có ngày giá cam tăng tới 4 giá. Giá cam tăng mạnh nhưng để mua được cam không hề dễ. Nhiều nhà vườn không muốn bán vì muốn chờ giá cam tăng cao hơn. Chị Nguyễn Thị Tư, tiểu thương buôn cam tại thị trấn Cao Phong chia sẻ: Từ khi Hà Nội công bố dịch Covid-19, giá cam V2 tăng mạnh. Thị trường tiêu thụ cam chủ yếu là Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình... Tiểu thương chúng tôi vào vườn rất khó mua cam. Nhiều chủ vườn đóng cửa chờ giá lên cao. Thậm chí vừa cắt cam lúc sáng chiều vào chủ vườn đã đòi tăng 1 - 2 giá và yêu cầu cắt cuốn hết cây không được cắt chọn.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong, hiện, toàn huyện có tổng diện tích cam V2 là 269,9 ha, trong đó, trong thời kỳ chăm sóc 120 ha, trong thời kỳ kinh doanh 142,9 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 2.858 tấn. Tổng diện tích cam V2 trồng theo tiêu chuẩn VietGAP 142,9 ha. Đến giữa tháng 3, toàn huyện còn khoảng 72 ha cam V2 thuộc niên vụ 2019 - 2020 chưa bán với sản lượng khoảng 1.440 tấn.

Đồng chí Bùi Đăng Khoa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Cam V2 của huyện được trồng chủ yếu theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, người dân có nhu cầu ăn cam cao để tăng sức đề kháng nên giá cam tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều hộ trồng cam đang có tư tưởng găm hàng chờ giá cao hơn mới bán. Việc găm hàng sẽ có nhiều rủi ro, vì vậy, Phòng NN&PTNT huyện khuyến cáo người dân nên bán cam, không được găm hàng chờ giá lên cao. Đặc biệt, các nhà vườn, tiểu thương cần tăng cường các biện pháp phòng dịch Covid-19 như không tập trung đông người tại một vườn cam. Chủ vườn cần bố trí người cắt cam khắp vườn, không nên tập trung tại một vị trí. Đối với các cửa hàng bán lẻ cam trên quốc lộ 6 thuộc địa phận huyện cần thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên khi tiếp xúc với khách lạ.

Thu Thủy

Sóc Trăng: Ông Nguyễn Văn Dũng, ấp Trường Lộc, xã Trường Khánh, huyện Long Phú thu lợi gần 1 tỷ đồng từ trồng chanh không hạt

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnhSóc Trăng

Chanh không hạt được nông dân trên địa bàn huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) trồng thời gian gần đây đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng và đem lại kinh tế cao cho người trồng, ông Nguyễn Văn Dũng, ấp Trường Lộc, xã Trường Khánh là một trong những người “tiên phong” trong việc đưa cây chanh không hạt về trồng tại địa phương và hiện rất thành công.

Thời gian trước, ông Nguyễn Văn Dũng trồng lúa cho năng suất và hiệu quả kinh tế không cao, nhưng trong một lần tình cờ xem tivi ông phát hiện cây chanh không hạt đem lại lợi nhuận và thích nghi với vùng đất địa phương nên năm 2007 ông cải tạo 8.000m2 đất lúa chuyển sang trồng thử nghiệm cây chanh không hạt, tổng chi phí đầu ban đầu khoảng 36 triệu đồng, trồng 80 cây giống/1.000m2. Sau 18 tháng chăm sóc chanh bắt đầu thu hoạch bán được giá và năng suất cao đã đem về nguồn lợi nhuận khá cho gia đình, thấy có hiệu quả kinh tế nên ông đã trồng chanh không hạt 3,1 ha, năng suất đạt 3tấn/1.000m2/năm, với giá bán bình quân 12.500 đồng/ký, thu được hơn 1 tỷ 160 triệu đồng, trừ đi chi phí ông còn lời trên 990 triệu đồng/năm. Ông Dũng nói: “Làm ruộng thấy hiệu quả kinh tế bấp bênh quá, có vụ lời có vụ thất, tôi bắt gặp cây chanh này thấy xuất khẩu được nên đã mạnh dạn trồng chanh đầu tiên, thấy có hiệu quả kinh tế nên người dân trồng cũng rất nhiều và đem lại hiệu quả kinh tế ổn định”.

Ông Nguyễn Văn Dũng chăm sóc vườn chanh

Ngoài trồng chanh bán trái tươi, hiện ông Dũng còn chiết nhánh chanh bán giống cho người dân trong, ngoài địa phương và thu mua chanh của những hộ dân lân cận để bán ra thị trường có thêm nguồn thu nhập gia đình, thấy có hiệu quả và để liên kết các hộ trồng chanh với nhau cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định, chính quyền địa phương đã thành lập được tổ hợp tác trồng chanh, hiện có 12 thành viên tham gia, với diện tích canh tác trên 10 ha. Ông Lý Minh Nghĩa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Khánh, huyện Long Phú nhận xét: “Tôi thấy chanh không hạt có hiệu quả kinh tế đối với nông dân mình nhiều lắm, thời gian tới, tôi sẽ tham mưu cho Đảng ủy - UBND xã có kế hoạch vận động bà con ấp này cải tạo vườn tạp để trồng loại chanh không hạt và nhân rộng thêm nữa diện tích trồng cây có múi này để nâng cao đời sống người dân địa phương”.

Hiên nay, nhu cầu xuất khẩu chanh không hạt là rất lớn và đây là loại cây có tiềm năng và mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân vì thích nghi với điều kiện thời tiết và đất trồng khác nhau, đặc biệt chịu được độ mặn trên 2 phần ngàn, kỹ thuật trồng không mất nhiều thời gian, dễ chăm sóc và cho trái quanh năm, năng suất cao, ổn định và được thị trường rất ưa chuộng bởi chanh rất có nhiều công dụng. Đây là mô hình có hiệu quả kinh tế cần được nhân rộng ở địa phương.

Thanh Đồng

Làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Những năm gần đây, xu hướng khởi nghiệp từ nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch đang thu hút nhiều thanh niên. Bằng việc mạnh dạn áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn góp phần đưa nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Anh Tạ Văn Hiệp chăm sóc cà chua vàng Hà Lan trồng trong nhà kính công nghệ cao của nông trại HPfam

Tới thăm nông trại trái cây sạch HPfam ở thôn Đống Cao, xã Văn Tiến (Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), chúng tôi thực sự ấn tượng với mô hình trồng rau quả sạch trong nhà kính công nghệ cao của 2 chàng trai trẻ. Với niềm đam mê nông nghiệp từ nhỏ, năm 2017, sau khi có vốn và kinh nghiệm từ việc đi XKLĐ ở Nhật, anh Nguyễn Thái Phi đã cùng người bạn thân của mình là anh Tạ Văn Hiệp góp vốn để thành lập trang trại chuyên sản xuất trái cây, rau quả sạch. Nhận thấy nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người dân ngày càng tăng cao nên hai anh quyết định trồng thử các loại rau, củ, quả sạch như: Cà chua, dưa chuột, dưa lê siêu ngọt.

Anh Hiệp chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất ban đầu là kinh nghiệm, bởi ngoài đam mê cả 2 chúng tôi đều không được đào tạo chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi dành nhiều thời gian đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng cây trong nhà kính ở nhiều tỉnh, thành phố và qua theo dõi các chuyên mục nông nghiệp sạch trên tivi, sách báo và học hỏi kinh nghiệm của các hội, nhóm về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trồng rau quả VietGAP trên facebook...”.

Với quyết tâm cao và kiên trì thực hiện mục tiêu đề ra, thành công đã đến với 2 chàng trai trẻ: Hiện nông trại HPfam đã xây dựng được 4 nhà kính với tổng diện tích hơn 3.000 m2, không chỉ trồng các loại rau quả thông thường mà còn trồng các loại trái cây giống mới có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao.

Vụ hè, nông trại chủ yếu trồng dưa lê Minki, dưa lưới vỏ vàng, dưa lê trắng Cẩm ngọc, dưa Kim cô nương; vụ đông trồng dưa chuột Nhật, cà chua vàng, cà chua sô cô la nhập giống từ Hà Lan, Thái Lan.

Để rau quả, trái cây sinh trưởng phát triển tốt, đạt quy chuẩn về mẫu mã và chất lượng, anh Phi và anh Hiệp đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị chăm sóc cây trong nhà kính như: Đồng hồ cảm biến nhiệt độ, hệ thống phun sương tự động, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hệ thống tưới châm phân với bồn chứa riêng biệt giúp đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm trong nhà kính luôn được duy trì phù hợp; cây trồng được tiếp nhận dinh dưỡng đồng đều.

Nhờ cần mẫn, chịu khó cùng việc mạnh dạn áp dụng công nghệ trong trồng trọt, sản phẩm rau quả, trái cây trong nhà kính của nông trại HPfam phát triển tốt, không bị sâu bệnh, cho năng suất cao, thơm ngon, tạo được niềm tin, uy tín với người tiêu dùng. Hiện nay, sản phẩm của nông trại đã có mặt ở rất nhiều gia đình, cửa hàng rau quả sạch, nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm, anh Hiệp và anh Phi có thu nhập 600 - 700 triệu đồng từ trang trại.

Cũng với niềm đam mê nông nghiệp và suy nghĩ làm sao vừa làm giàu cho bản thân vừa giúp được nhiều người có việc làm ổn định, anh Nguyễn Quốc Huy (1983) ở tổ dân phố Tích Cực, thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo) đã quyết định nghỉ làm quản lý cho một doanh nghiệp Hàn Quốc ở KCN Khai Quang để về quê lập nghiệp bằng nghề trồng nấm.

Nói về quyết định này, anh Huy cho biết: “Sau khi tìm hiểu nhiều loại nông sản, nhận thấy nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe và có thị trường rộng, dễ trồng nên tôi quyết định học nghề. Tìm thông tin địa chỉ nhập nấm qua các tiểu thương ở chợ, tôi đã làm quen, xin làm thợ phụ cho các cơ sở trồng nấm ở xã Thanh Trù và thị trấn Thanh Lãng để học nghề.

Ban ngày trực tiếp trồng nấm, tranh thủ lúc rảnh rỗi tôi lên mạng tìm kiếm thông tin kỹ thuật trồng nấm công nghệ cao. Sau hơn 2 tháng vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, tôi bàn với vợ dùng hết số tiền tiết kiệm được để mua bông nguyên liệu, trang thiết bị cần thiết để mở xưởng trồng nấm rơm và nấm sò.

Sau hơn 20 ngày nấm sinh trưởng và phát triển tốt, lứa đầu tiên tôi thu hoạch được hơn 60 tạ, bán với giá 30 nghìn đồng/kg, trừ mọi chi phí còn lãi hơn chục triệu đồng. Mặc dù số tiền thu lãi không nhiều nhưng đó là bước khởi đầu thuận lợi, tạo động lực để tôi thêm quyết tâm gắn bó với nghề đã chọn”.

Qua nhiều vụ nấm đã giúp anh Huy có kinh nghiệm, biết cách trồng, chăm sóc để nấm giòn, thơm ngon, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Đầu năm 2010, anh Huy quyết định thành lập Hợp tác xã Nấm Tam Đảo; tiếp tục đầu tư tiền và dành thời gian về Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam để học hỏi, nâng cao kiến thức trồng nấm, chọn lọc các chủng giống tốt đưa về sản xuất.

Anh Huy đã đầu tư 2 tỷ đồng để đầu tư hệ thống điều hòa, trong đó có thêm 4 phòng lạnh sản xuất nấm công nghệ cao với tổng diện tích 500 m2. Mỗi phòng đều được trang bị máy cảm biến nhiệt độ, làm lạnh, phun sương, tưới nước điều hòa nhiệt độ tự động. Ngoài nấm sò, nấm rơm, anh trồng thêm nấm đùi gà, nấm linh chi và một số loại nấm trái vụ.

Hiện nay, các sản phẩm nấm của HTX Nấm Tam Đảo đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 300 - 350 tấn nấm các loại, trong đó, phần lớn là thị trường Hà Nội và Vĩnh Phúc, doanh thu đạt 600 - 700 triệu đồng. Để giới thiệu quảng bá nấm sạch, anh Huy đã mở một nhà hàng lẩu nấm tại thị trấn Hợp Châu phục vụ du khách khi tới tham quan, nghỉ dưỡng tại Tam Đảo. Thu nhập từ nghề trồng nấm và kinh doanh ẩm thực từ nấm đã giúp anh không chỉ có nguồn thu nhập cao mà còn tạo việc làm cho gần chục lao động ở địa phương.

Với sự khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ đã mang lại hiệu quả cao. Thực hiện chương trình đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, Tỉnh Đoàn đã hỗ trợ vốn, tổ chức phát động các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, tọa đàm cung cấp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau làm kinh tế, tuyên dương thanh niên làm kinh tế giỏi.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng hơn 100 doanh nghiệp, hơn 40 hợp tác xã và hàng trăm trang trại do thanh niên làm chủ. Mỗi mô hình là một câu chuyện về tư duy mới, cách làm mới đầy sáng tạo nhưng có một điểm chung là tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ. Trong đó, nhiều mô hình kinh tế từ nông nghiệp công nghệ cao do thanh niên làm chủ đã thành công bởi sự mạnh dạn, không theo lối mòn, dám thay đổi để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: Phương Loan

Khánh Hòa: Vạn Hưng khởi sắc nhờ cây tỏi

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), tỏi chính là cây trồng đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, thu nhập cho người dân.

Từ những năm 2005, 2006, một số người dân ở thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa đã đem giống tỏi Lý Sơn, Quảng Ngãi đến thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng để trồng. Người dân Vạn Hưng thấy có hiệu quả nên làm theo, từ đó, diện tích trồng tỏi phát triển nhanh chóng. Ở những vùng đất không hiệu quả, vườn rẫy tạp, người dân mạnh dạn cải tạo theo hướng: đất được san bằng, rải lên một lớp đất màu dày khoảng 7-10cm rồi đầm chặt, bồi thêm một lớp đất cùng phân bón lót và cuối cùng phủ lên lớp cát san hô dày khoảng 3-5cm. Người này truyền cho người kia, ban đầu chỉ vài chục héc-ta, dần dần lên hàng trăm héc-ta và trở thành vùng trồng tỏi sẻ lớn nhất tỉnh.

Một khu vực trồng tỏi ở xã Vạn Hưng. Ảnh C.Đ

Nhận thấy đây là cây trồng có thể làm thay đổi cuộc sống của người dân trong xã, các cấp chính quyền đã vào cuộc. Những ruộng tỏi kiểu mẫu được hình thành, hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nước ở vùng khô hạn này được đầu tư và cả những con đường vào khu trồng tỏi cũng được Nhà nước hỗ trợ. Cuối năm 2015, xã Vạn Hưng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cây tỏi vẫn tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn xã có 3 thôn trồng nhiều tỏi gồm: Xuân Đông, Xuân Vinh và Xuân Tây với diện tích 150ha, chiếm 71,4% diện tích trồng tỏi trên địa bàn huyện (210ha). Năng suất tỏi ở đây ước đạt 7 tấn/ha, giá tỏi tươi hiện nay dao động từ 28.000 đến 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 80 đến 100 triệu đồng/ha. Vào vụ thu hoạch, cây tỏi còn giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với việc cắt tỉa lá, phân loại, đóng bao và đưa đi tiêu thụ. Bình quân 1 công lao động được trả từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày.

Đến năm 2017, Hợp tác xã tỏi Vạn Hưng được thành lập, quy mô hoạt động trồng tỏi được mở rộng, nâng cao hơn so với trước. Hơn 20ha tỏi ở đây được đưa vào mô hình chuỗi cung cấp tỏi an toàn theo chuẩn VietGAP do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh phối hợp với UBND các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai. Đến năm 2018, diện tích tỏi này đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, mở ra hàng loạt liên kết tiêu thụ với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.

Hiện nay, người dân Vạn Hưng cùng với chính quyền địa phương nghiên cứu đem thêm giống tỏi mới về vùng đất này, trong đó có cây tỏi voi Nhật Bản. Hoạt động xây dựng thương hiệu và hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ tỏi cũng tiếp tục được xúc tiến, triển khai. Hy vọng, khi đã hình thành được mô hình sản xuất tỏi tiêu chuẩn, cùng với sự đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân, sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc hình thành thương hiệu, xây dựng chuỗi giá trị, sản phẩm tỏi sẻ ở Vạn Hưng sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị của mình, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho người trồng.

HUỲNH QUANG THÀNH

Bình Phước: Nông dân Lộc Ninh lại mất mùa điều

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) hiện có khoảng 4.700 ha điều. Đây cũng là một trong 3 loại cây trồng chủ lực của người dân ngoài cao su và tiêu. Nhưng những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt đã làm năng suất các loại cây trồng, trong đó có cây điều giảm đáng kể, người trồng điều trên địa bàn Lộc Ninh gặp khó khăn.

Hằng năm, khoảng đầu tháng chạp là thời gian cây điều bắt đầu trổ bông. Thế nhưng vào khoảng thời gian trước tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thời điểm điều ra bông, thời tiết diễn biến phức tạp, ngày nắng nóng và tình trạng bị bọ trĩ gây hại đã làm điều khô bông, héo trái non.

Người dân lo lắng vì điều mất mùa, rớt giá

Gia đình anh Nguyễn Văn Nhiều ở ấp 6, xã Lộc Hưng có gần 1 ha điều. Anh Nhiều cho biết, do sức khỏe yếu, không đi làm thêm được, mọi chi tiêu, sinh hoạt của gia đình phụ thuộc vào vườn điều. Nhưng do thời tiết xấu, cộng với sâu bệnh hại điều nhiều nên 2 năm trở lại đây, sản lượng, chất lượng điều của gia đình giảm nghiêm trọng. Đầu mùa, điều trổ bông nhiều nhưng tỷ lệ đậu trái rất ít, một số trái non cũng bị teo ảnh hưởng đến chất lượng hạt điều. Từ đầu mùa điều đến nay, gia đình anh chỉ thu được hơn 5 triệu đồng, chưa đủ chi phí đầu tư chăm sóc cây.

Hộ ông Nguyễn Xuân Học ở xã Lộc Thành có hơn 1,5 ha điều. Đây là nguồn thu nhập chính hằng năm của gia đình nhưng 2 năm trở lại đây, điều mất mùa nên vợ chồng ông đi phụ hồ để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ông Học cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh gây hại nên rất nhiều cây điều không ra bông, hoặc ra bông ít và bị khô. Thời điểm này, gia đình ông mới thu được khoảng 7 triệu đồng, không đủ đầu tư chăm sóc vườn điều. Những năm trước giá hạt điều cao nên vào mùa thu hoạch gia đình ông đều phải thuê từ 2-3 người lượm, nhưng 2 năm nay điều mất mùa, rớt giá, vợ chồng ông tự thu hoạch.

Ngoài mất mùa, người trồng điều ở Lộc Ninh đang đối mặt với giá giảm. Theo nhiều người dân, năm nay do thời tiết bất lợi, chất lượng điều không cao nên giá đầu mùa chỉ dao động mức 34.000 đồng/kg, đến giữa mùa thu hoạch giảm còn 24.000 đồng/kg và có khả năng sụt giảm trong thời gian tới. Mất mùa, mất giá, người trồng điều trên địa bàn Lộc Ninh gặp khó khăn lớn khi tiền thu hoạch không đủ chi phí chăm sóc vườn và thuê nhân công.

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh khuyến cáo người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc điều. Nhưng để điều tăng năng suất trong điều kiện khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay đang là bài toán khó cho ngành chức năng và người nông dân.

Văn Hùng

Chọn giống nào để sản xuất cà phê đặc sản?

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Việt Nam là một trong những quốc gia có năng suất, sản lượng cà phê Robusta lớn, cũng như các giống cà phê có năng suất cao, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc lựa chọn giống nào để sản xuất cà phê đặc sản hay cà phê khác biệt vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng.

Với cách sản xuất cà phê truyền thống, Việt Nam hiện đã có những mẫu cà phê đạt chuẩn đặc sản. Theo đánh giá của một số chuyên gia, hiện tại có một số giống cà phê được người tiêu dùng đánh giá cao như cà phê sẻ (thuộc bộ giống cũ, có hạt nhỏ hơn các loại cà phê khác), TR9, TRS1... (của Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên).

Các học viên tham gia lớp tập huấn về chế biến cà phê đặc sản tại thị xã Buôn Hồ đầu năm 2020.

Khảo sát tiềm năng cà phê đặc sản niên vụ 2016 - 2017, 2017 - 2018 thông qua thử nếm cà phê khô chế biến thông thường cho thấy 15/122 mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản. Niên vụ 2018 - 2019 có 25/44 mẫu cà phê được các chuyên gia thử nếm quốc tế công nhận đạt chuẩn đặc sản của Tổ chức Cà phê đặc sản quốc tế (Specialty Coffee Association - SCA) tại Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2019. Niên vụ 2019 - 2020 có 38/56 mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản…

Tiến sĩ Manuel Diaz, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Cà phê đặc sản quốc tế (Specialty Coffee Association-SCA) cho rằng, muốn hướng đến sự thay đổi mang tính cấu trúc thì trước tiên phải thay đổi về mặt di truyền giống.

Điều đó cho thấy, trong bộ giống cà phê cũ và mới đang được trồng tại Việt Nam vẫn có những giống cà phê có tiềm năng sản xuất cà phê đặc sản. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đánh giá từ phía người sản xuất và người tiêu dùng chứ chưa có công trình nghiên cứu khoa học cụ thể nào về sản xuất giống cà phê đặc sản. Trong khi đó, cây cà phê cần ít nhất ba năm kiến thiết cơ bản và hai năm cho thu hoạch ổn định mới đánh giá được chất lượng.

Vườn cà phê cảnh quan bền vững của nông dân huyện Krông Năng.

Trên thế giới, việc sản xuất cà phê đặc sản được định hình từ bộ giống đến vùng trồng, quy trình chế biến… đòi hỏi một quá trình lâu dài. Thị trường cà phê đặc sản không còn mới, nhưng sản xuất cà phê đặc sản tại Việt Nam vẫn mới ở dạng "phôi thai". Do đó cần sớm đưa cà phê đặc sản vào chiến lược phát triển cà phê trong tương lai, đồng thời xây dựng chính sách phát triển toàn diện và dài hạn, chú trọng đến người sản xuất nguyên liệu thông qua nghiên cứu bộ giống và vùng trồng thuận lợi cho sản xuất cà phê đặc sản.

Từ nền tảng giống chất lượng, nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân sẽ có sự kết nối tạo dựng thương hiệu, khai thác tiềm năng sẵn có về đất đai, khí hậu, sự khác biệt... tại các vùng sản xuất cà phê như Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên để xây dựng chuỗi khối trong ngành hàng. Khi thiết lập được mối quan hệ này, các vấn đề khác trong chế biến, tiêu thụ, quảng bá sẽ có nền móng để phát triển…

Thanh Hường

Thu nhập cao từ mô hình liên kết chăn nuôi gà

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

Anh Dương Thế Anh (sinh năm 1978), ở thôn An Ninh 1, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) được biết đến là người đầu tiên thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi gà cho hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm thu về khoảng 800 triệu đồng.

Đến thăm mô hình liên kết chăn nuôi gà của anh Thế Anh vào những ngày đầu tháng 3, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước ngôi nhà sàn khang trang cùng khu chuồng trại rộng rãi, thoáng sạch. Anh Thế Anh cho biết: Trước khi thực hiện mô hình này, anh chạy xe hợp đồng du lịch đưa mọi người đi tham quan, anh được chứng kiến nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, trong đó có mô hình liên kết chăn nuôi gà cho Công ty Japfa Việt Nam. Từ đó, anh đã ấp ủ ước mơ xây dựng một trang trại chăn nuôi theo hướng hiện đại, anh đã chủ động liên hệ với công ty để ký hợp đồng liên kết chăn nuôi.

Tháng 1/2019, với số vốn tích góp được và sự hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn, anh cùng gia đình đầu tư xây dựng khu chuồng trại khép kín đảm bảo đầy đủ các máy móc thiết bị hiện đại theo quy định của công ty gồm: máng ăn tự động, hệ thống xử lý chất thải,… với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng.

Anh Dương Thế Anh chăm sóc đàn gà

Trong năm 2019, anh đã nuôi được 3 lứa gà, mỗi lứa trung bình từ 25 đến 28 nghìn con, khi xuất chuồng đạt đạt từ 55 – 60 tấn gà/lứa, đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm của công ty. Giá tiền công chăn nuôi là 7 đến 7,5 nghìn đồng/kg, với tổng sản lượng 3 lứa trong năm, anh xuất bán được trên 150 tấn gà thương phẩm, thu lãi khoảng 800 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Anh Thế Anh chia sẻ: Tôi chỉ cần đầu tư về quỹ đất, cơ sở hạ tầng chuồng trại, công chăm sóc, còn công ty sẽ đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho gà. Khi nuôi gà đến tuổi xuất bán thì công ty sẽ thu mua toàn bộ gà thành phẩm và thanh toán tiền nuôi cho gia đình. Với phương thức chăn nuôi này, tôi không những giảm được chi phí đầu tư mà còn hạn chế rủi ro về thị trường tiêu thụ, lợi nhuận đạt cao.

Theo anh Thế Anh, một lứa gà chỉ cần nuôi từ 100 đến 105 ngày là được xuất bán, chăn bằng hệ thống tự động hoàn toàn bằng cám sạch, không mất nhiều thời gian. Để đàn gà phát triển ổn định, ít bị dịch bệnh đòi hỏi người chăn nuôi phải có vốn hiểu biết kỹ thuật, có quy trình chăn nuôi hợp lý, đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Vì vậy, mỗi con gà, anh đều phải tiêm vắc-xin phòng bệnh, thường xuyên dọn chuồng trại, phun thuốc khử trùng để đảm bảo khu vực chăn nuôi luôn sạch sẽ.

Anh Thế Anh cho biết: Tôi nhận thấy chăn nuôi gà vừa sạch sẽ lại không ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế cao. Sau nhiều năm lao động vất vả, đến thời điểm hiện tại, gia đình cũng gọi là có của ăn của để, cuộc sống khấm khá hơn. Bên cạnh tạo việc làm và tăng thu nhập cho những thành viên trong gia đình, tôi còn tạo việc làm ổn định cho 4 – 5 người với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Nhận xét về mô hình kinh tế trang trại này, ông Hoàng Văn Chuyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Đống cho biết: Anh Thế Anh là một hội viên nông dân năng động, sáng tạo, ham học hỏi và dám nghĩ dám làm, có quyết tâm làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Đây là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

NGỌC MAI – KIM HUYÊN

Sóc Trăng: Giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Cúm gia cầm (CGC) thường xảy ra và lây lan mạnh vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi, nắng nóng, kết hợp với những trận mưa đầu mùa cũng là cơ hội để dịch cúm bùng phát và lây lan trên diện rộng. Các ổ dịch cũ, các khu vực chăn nuôi gia cầm mật độ dày, đặc biệt là các khu vực có vịt chạy đồng được xem là những vùng nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh CGC. Đồng thời, CGC là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất hiện nay đối với ngành chăn nuôi gia cầm, bệnh có diễn biến phức tạp, thường ở thể quá cấp và cấp tính gây chết nhanh chóng, hàng loạt khi nhiễm phải, làm thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Nhằm chủ động trong việc phòng, chống dịch CGC, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đang tăng cường nhiều giải pháp trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Thời gian qua, do thiệt hại từ bệnh dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi tận dụng chuồng trại chuyển sang nuôi gia cầm nên số lượng đàn gia cầm của tỉnh tăng khá nhanh. Toàn tỉnh hiện có trên 6 triệu con gia cầm, tập trung nhiều nhất ở huyện Kế Sách, Châu Thành, Thạnh Trị... Để chủ động ngăn chặn nguy cơ mắc dịch cúm, trạm chăn nuôi và thú y các huyện đã tổ chức thực hiện công tác tiêm phòng, phân công trách nhiệm cho cán bộ địa bàn trong việc giám sát khu vực có nguy cơ cao, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng chăn nuôi theo quy trình an toàn dịch bệnh. Phối hợp với trạm chẩn đoán và điều trị bệnh động vật định kỳ, lấy mẫu giám sát sự lưu hành virus cúm để phát hiện chủng virus mới.

Theo anh Nguyễn Văn Huy, ở ấp Kinh Mới, xã An Ninh (Châu Thành), để đàn gia cầm nuôi công nghiệp phát triển tốt nên tiêm phòng vắc xin đúng định kỳ phòng tránh dịch bệnh. Ảnh: Thúy Liễu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 34 ổ dịch CGC do virus cúm A/H5N1 và A/H5N6 gây ra tại 10 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 100.000 con gia cầm, các chủng virus này có khả năng lây nhiễm và gây tử vong ở người. Trước tình hình CGC đã xảy ra tại một số địa phương trên cả nước, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã quyết liệt phòng tránh dịch cúm.

Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh Trần Tuấn Phong chia sẻ: “CGC là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm A/H5N1 gây ra, triệu chứng thường thấy ở gia cầm khi bị mắc cúm là ủ rũ, ăn ít, tiêu chảy, các xoang thường có hiện tượng sưng, tích nước; mắt thường kéo màng trắng như viêm giác mạc và khoảng từ 8% - 20% gia cầm nhiễm virus CGC bài thải virus ra môi trường ngoài mà không biểu hiện triệu chứng, khi đó khám không ghi nhận bệnh tích và virus bài thải ra môi trường từ những đàn gia cầm đầu tiên sau đó nhanh chóng phát sinh thành ổ dịch. Đồng thời, bệnh tích virus có động lực thấp trên đàn gia cầm sẽ xuất hiện thanh khí quản, viêm xoang, đôi khi chảy ra chất dịch hoặc kéo nhày có sợi huyết hoặc mủ, có trường hợp phù khí quản do dịch thẩm xuất, viêm xoang bụng, viêm ruột cata hoặc có sợi huyết, dịch thẩm xuất có ở vòi trứng khi gia cầm đang đẻ và virus có động lực cao là tụ huyết, xuất huyết ở da, gan, thận, tim, lách, phổi nếu gia cầm chết đột ngột thì không có các bệnh tích này, đặc biệt gia cầm bệnh có xuất huyết ở dưới da chân, lúc đầu đỏ sau tím lại; niêm mạc dạ dày tuyến xuất huyết đỏ thẫm và mỡ màng treo ruột cũng bị tụ huyết, xuất huyết”.

Là hộ dân chăn nuôi gia cầm nhiều năm, anh Nguyễn Văn Huy, ở ấp Kinh Mới, xã An Ninh (Châu Thành) bộc bạch: “Để phòng ngừa dịch CGC trên đàn gà nuôi công nghiệp, tôi thường tiêm ngừa cho đàn gà định kỳ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn và theo kinh nghiệm tích lũy nhiều năm nuôi gà bổ sung thêm các loại vitamin cần thiết cho gà trong giai đoạn giao mùa. Chính vì vậy, trong nhiều năm nuôi gà, đàn gà của gia đình tôi phát triển tốt, ngoài việc tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin, tôi còn chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, làm chuồng trại hoàn toàn khép kín và có hệ thống máy lạnh chạy liên tục…”.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lâm Minh Hoàng cho biết: “Để đảm bảo đàn gia cầm của tỉnh không bị ảnh hưởng bởi dịch CGC, đơn vị đã phối hợp với ngành chức năng của địa phương thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch CGC, xử lý triệt để không để lây nhiễm sang người. Chuẩn bị vắc xin tiêm phòng CGC, hóa chất sát trùng để cung ứng kịp thời phục vụ công tác tiêm phòng và triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã, thành phố, thực hiện tốt công tác tiêm phòng CGC tại địa phương, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt 100%; tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ; đặc biệt là các chợ mua bán gia cầm sống thực hiện nghiêm việc kiểm dịch gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực đã có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyệt đối không bán chạy gia cầm bệnh, không vứt xác gia cầm chết ra ngoài môi trường...” - đồng chí Lâm Minh Hoàng cho biết thêm.

Thúy Liễu

Làng nghề nuôi rắn lao đao vì Covid-19

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Những năm qua, nghề nuôi rắn trở thành nguồn thu chính cho hàng trăm hộ dân tại các làng nghề nuôi rắn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều hộ chăn nuôi rơi vào cảnh lao đao vì rắn không xuất bán được.

Đàn rắn thương phẩm của gia đình anh Vũ Văn Kiên, thôn Hồng Sen, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô không thể xuất bán trong thời điểm Covid-19 đang có diễn biến phức tạp. Ảnh: Nguyễn Lượng

Toàn tỉnh hiện có 3 làng nghề nuôi rắn đã được công nhận tại các địa phương: Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường); thôn Hùng Mạnh và thôn Xóm Làng (xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô). Do hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với những loài vật nuôi khác, nghề nuôi rắn đã mang đến diện mạo mới cho các làng nghề.

Nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, trở thành tỷ phú, góp phần làm giàu cho quê hương. Chính vì vậy, một số hộ dân tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh như: Xã Tân Tiến, Đại Đồng, Bình Dương (Vĩnh Tường); xã Hải Lựu (Sông Lô) cũng phát triển kinh tế bằng nghề nuôi rắn.

Hiện nay, sản phẩm của các làng nghề nuôi rắn chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 bùng phát, động vật hoang dã được cho là có liên quan đến chủng mới virus corona nên Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm việc mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Khi thị trường chính ngừng thu mua, người nuôi rắn bị rơi vào cảnh lao đao vì rắn không xuất bán được.

Với 2 làng nghề được công nhận, hiện, xã Bạch Lưu có 109 hộ chăn nuôi rắn hổ mang với tổng số lượng gần 40.000 con, trong đó, có 22.700 con rắn bố mẹ và 16.600 con rắn thương phẩm. Tổng giá trị vốn đã đầu tư của các hộ nuôi rắn toàn xã ước tính hơn 35 tỷ đồng.

Nhìn chung, nghề nuôi rắn ở địa phương cho thu nhập cao hơn so với các ngành chăn nuôi khác. Nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang. Tuy nhiên, từ cuối tháng 1/2020, tình hình SXKD tại các làng nghề nuôi rắn xã Bạch Lưu bị đình trệ do tác động của Covid-19. Không có giao dịch mua bán, người chăn nuôi không có thu nhập và vốn để duy trì sản xuất.

Là một trong những hộ nuôi rắn với số lượng lớn nhất trên địa bàn xã Bạch Lưu, gia đình anh Vũ Văn Kiên đang nuôi gần 3.000 con, trong đó, có 1.800 con rắn thương phẩm và hơn 1.000 con rắn bố mẹ. Hàng năm, gia đình anh cung cấp ra thị trường vài nghìn trứng rắn và hàng tấn rắn thương phẩm với doanh thu từ 600-700 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương. Hiện, đàn rắn thương phẩm của gia đình đã tới thời kỳ xuất bán nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, chúng vẫn phải nằm im trong chuồng.

Nhìn vào công trình chuồng trại bị dang dở vì thiếu vốn, anh Kiên tâm sự: “Rắn thương phẩm đã đạt trọng lượng tối đa, có nuôi thêm cũng không thể lớn, chỉ tốn tiền mồi, tiền điện sưởi ấm. Đàn rắn con đang nuôi tập trung, đã đến thời kỳ tách chuồng nhưng cũng chưa biết nhốt ở đâu vì rắn thương phẩm chưa xuất được. Rắn bố mẹ cũng chuẩn bị tới thời kỳ sinh sản, gia đình cũng không biết có nên cho phối giống để đẻ trứng hay không. Nếu đẻ ra mà không tiêu thụ được cũng chẳng có chỗ nuôi”.

Lợi nhuận từ việc nuôi rắn những năm trước đã được tái đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất nên hiện nay, gia đình anh Kiên đang rơi vào cảnh nợ nần vì bị “kẹt” vốn. Theo tính toán của anh Kiên, mỗi con rắn tiêu thụ khoảng 0,5kg mồi/tháng. Thức ăn của chúng là gà, vịt con thải loại hiện rơi vào khoảng 30 nghìn đồng/kg; với số lượng đàn rắn khoảng 3.000 con, mỗi tháng, gia đình phải bỏ ra gần 45 triệu tiền mồi. Ngoài ra, một số chi phí khác như: Lãi ngân hàng, thuốc men cho rắn, điện sưởi ấm chuồng nuôi… cũng tốn thêm khoảng hàng chục triệu đồng.

Là làng nghề truyền thống có từ lâu đời, nổi tiếng khắp gần xa bởi nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ rắn, đến nay, làng nghề rắn Vĩnh Sơn có khoảng 800 hộ chăn nuôi với tổng số lượng gần 1 triệu con rắn bố mẹ và rắn thương phẩm. Năm 2019, giá trị từ chăn nuôi rắn của xã Vĩnh Sơn chiếm hơn 92% tổng giá trị chăn nuôi toàn xã. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng củaCovid-19, nhiều hộ dân của làng nghề rắn Vĩnh Sơn hiện cũng đang trong cảnh điêu đứng.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Làng nghề rắn Vĩnh Sơn cho biết: “Xã hiện có hơn 1.400 hộ, trong đó có tới 800 hộ nuôi rắn. Những năm trước, sản lượng rắn thương phẩm của xã khoảng 300 tấn/năm; trứng rắn nhiều vô kể. Ước tính doanh thu toàn xã lên tới 250 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận thu về từ con rắn được nhiều bà con dùng để xây dựng nhà cửa, cải thiện cuộc sống, đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, mọi hoạt động giao thương đều bị đình trệ. Không bán được rắn, thiếu vốn sản xuất, nhiều hộ nuôi rơi vào cảnh lao đao, bởi hàng ngày vẫn phải gồng mình lo chi phí thức ăn cho rắn, tiền điện, tiền lãi ngân hàng... Ước tính, các hộ nuôi rắn trên địa bàn đang vay khoảng 400 tỷ đồng tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trong đó, dư nợ cho vay của Quỹ TDND xã lên tới 70 tỷ đồng”.

Nhằm khắc phục những thiệt hại, cũng như hỗ trợ, động viên các hộ nuôi rắn yên tâm sản xuất, bảo tồn đàn rắn bố mẹ và thương phẩm hiện có, UBND xã Bạch Lưu và xã Vĩnh Sơn khuyến cáo bà con không nên tăng đàn trong thời điểm này. Đồng thời, gửi công văn đề nghị các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí mua thức ăn duy trì đàn rắn; giãn nợ, giảm lãi suất nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người chăn nuôi rắn vượt qua khó khăn.

Phùng Hải

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop