Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 10 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 10 năm 2020

ĐBSCL: Bưởi da xanh hút hàng, tăng giá

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 20-10, ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre (cơ sở thu mua và xuất khẩu bưởi da xanh lớn nhất ĐBSCL hiện nay) cho biết, sau thời gian sụt giảm thì gần đây bưởi da xanh ở ĐBSCL tăng giá khá mạnh.

Cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây ở hyuện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre

Hiện bưởi da xanh loại 1 được thu mua vào từ 40.000 - 49.000 đồng/kg, tăng bình quân khoảng 10.000 - 14.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái.

“Nguyên nhân bưởi da xanh hút hàng, tăng giá là do thị trường nội địa đang tiêu thụ mạnh, việc xuất sang thị trường Trung Quốc cũng ấm lên; trong khi nhiều địa phương như Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long… nông dân không còn bưởi để bán, bởi ảnh hưởng của đợt hạn mặn vừa qua kéo dài, buộc nhiều hộ phải hái bỏ bưởi non nhằm bảo dưỡng cho cây không bị chết…”, ông Đàm Văn Hưng nói.

Nếu như trước đây, mỗi ngày cơ sở Hương Miền Tây cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu hàng chục tấn bưởi da xanh các loại, nay phải mất khoảng 2 ngày trở lên mới thu gom được 10 - 15 tấn bưởi để bán. Dự báo tình hình thiếu hụt bưởi da xanh còn kéo dài hơn 1 tháng nữa.

Tại Sóc Trăng, Giám đốc HTX Bưởi Năm roi và da xanh Kế Thành (huyện Kế Sách) Đặng Văn Nám bộc bạch: “Giá bưởi da xanh hiện tại sẽ giúp nông dân lời đậm, tuy nhiên số hộ có bưởi để bán lúc này không bao nhiêu. Mục tiêu quan trọng là tập trung chăm sóc các vườn bưởi thật tốt để cung ứng cho thị trường tết 2021 sắp tới”.

HUỲNH LỢI

Hậu Giang: Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ được bao tiêu 350 tấn trái

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh vừa ký hợp đồng bao tiêu 350 tấn trái với Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Thời gian thực hiện trong 6 tháng, từ ngày 25-11-2020 đến ngày 25-4-2021. Trong khoảng thời gian này, hợp tác xã sẽ thu hoạch trái để bàn giao cho công ty mỗi ngày, trừ chủ nhật, ngày lễ, tết. Sau thời gian trong hợp đồng, nếu hợp tác xã còn mãng cầu có thể ký tiếp hợp đồng mua bán với công ty.

Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ hiện có 50 xã viên, với diện tích sản xuất gần 60ha, mỗi năm cho sản lượng từ 1.000 đến 1.300 tấn trái.

LÊ ĐĨNH

Kbang chuyển đổi diện tích mía sang trồng cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) có gần 1.130 ha cây ăn quả các loại. Từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới, huyện đã thực hiện dự án liên kết sản xuất cây ăn quả với tổng diện tích 34,8 ha tại các xã phía Nam.

Hai năm nay, gia đình ông Hồ Tấn Tại (thôn 1, xã Kông Pla) trồng mít Thái, ổi theo hướng hữu cơ. Toàn bộ phân bón đều được tưới qua hệ thống nhỏ giọt và phun mưa tại gốc. Việc sử dụng hệ thống tưới này đã giúp tiết kiệm tối đa lượng phân bón, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng quả cao hơn.

Ông Hồ Tấn Tại (thôn 1, xã Kông Pla) chăm sóc vườn mít Thái. Ảnh: Ngọc Sang

Ông Tại cho hay: Giữa năm 2018, ông chuyển 1,4 ha mía không hiệu quả sang trồng mít Thái xen ổi trên diện tích hơn 1 ha, diện tích còn lại trồng măng tây. Sau gần 2 năm, 70/200 cây mít đã cho thu hoạch, còn ổi đã ra quả trước đó 1 năm.

“Ban đầu, tôi trồng thử nghiệm gần 2 sào măng tây, sau đó mở rộng diện tích lên gần 4 sào. Vụ vừa qua, với hơn 6 sào mít, ổi và măng tây đã cho thu hoạch, tôi thu về trên 120 triệu đồng. So với cây mía thì thu nhập cao hơn nhiều. Muốn có sản phẩm sạch đưa ra thị trường thì phải sản xuất theo hướng hữu cơ, giảm tối đa sử dụng thuốc và phân bón hóa học. Chính vì thế, trái cây của tôi vào kỳ thu hoạch đều được thương lái đến thu mua tận vườn. Đồng thời, việc sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ đảm bảo cho tuổi thọ của cây được dài hơn”-ông Tại chia sẻ.

Tương tự, ông Phạm Xuân Luynh (thôn 3, xã Đak Hlơ) đầu tư hơn 40 triệu đồng đào giếng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để chuyển đổi 2 ha mía sang trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Vụ vừa rồi, riêng ổi và mít đã cho thu nhập gần 80 triệu đồng.

“Năm 2018, tôi đã chuyển từ trồng mía sang trồng trồng cây ăn quả. Ngoài diện tích ổi và mít đã cho thu hoạch, năm tới, các loại khác sẽ cho thu hoạch đợt đầu tiên. Hy vọng các loại cây này sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây mía”-ông Luynh nói.

Vườn chanh không hạt của gia đình ông Phạm Xuân Luynh (thôn 3, xã Đak Hlơ). Ảnh: Ngọc Sang

Ông Bùi Phích-Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ-thông tin: Thời gian qua, người dân trong xã đã chuyển đổi 15 ha mía, mì kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Đó cũng là tiền đề để xã xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo trong thời gian tới, góp phần đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Những năm gần đây, một số cây trồng chủ lực ở huyện Kbang như: mía, mì không đem lại hiệu quả kinh tế nên nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng cây ăn quả. Thành công bước đầu của những mô hình này đã mở ra hướng đi mới cho địa phương trong việc định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Theo thống kê, toàn huyện có gần 1.130 ha cây ăn quả các loại. Từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới, huyện đã thực hiện dự án liên kết sản xuất cây ăn quả với tổng diện tích 34,8 ha tại các xã phía Nam, chủ yếu trồng mít Thái, na, chanh không hạt, bưởi da xanh, ổi… Đồng thời, huyện hỗ trợ, vận động người dân sản xuất theo hướng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho hay: Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang là hướng đi đúng được nhiều người dân lựa chọn. Từ đây cho ra những sản phẩm sạch đáp ứng với nhu cầu thị trường tiêu dùng ngày càng cao và hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần phá thế độc canh cây mía, đem lại thu nhập cao hơn cho người dân.

“Tuy nhiên, khu vực này rất khó khăn về nước tưới, các hộ chủ yếu tận dụng nguồn nước từ khe suối, ao, giếng… để sản xuất. Vào mùa khô, nguồn nước tưới không đảm bảo, việc chăm sóc cây trồng gặp khó khăn. Do đó, chúng tôi khuyến cáo các hộ dân chỉ trồng cây ăn quả trên những diện tích chủ động nguồn nước tưới, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh trái cây để ổn định đầu ra cho sản phẩm”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang thông tin.

NGỌC SANG

Giải pháp an toàn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Nhằm góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn, thời gian qua, TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đã tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết quả đó được thấy rõ qua chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên diện tích đất lúa kém hiệu quả ở ĐBSCL.

Mô hình trồng xoài, chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả, đã mang lại hiệu quả cao ở huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ).

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm gần đây, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn xuất hiện thường xuyên và lấn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với đất sản xuất lúa kém hiệu quả. Do đó, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả đang được các địa phương trong vùng ÐBSCL thực hiện và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ đầu năm 2020 đến nay diện tích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa tại ÐBSCL tăng nhanh, trong đó cây trồng hằng năm đạt 54.213ha, cây lâu năm 12.736ha, nuôi trồng thủy sản 1.011ha. Hiệu quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đều đạt kết quả tốt trong những năm qua. Ðiển hình năm 2019, kết quả chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả của toàn vùng ÐBSCL, như sau: cây trồng hằng năm có doanh thu đạt 178,10 triệu đồng/ha, lợi nhuận là 113,49 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa 99,76 triệu đồng/ha. Ðối với nuôi trồng thủy sản: lợi nhuận thu được đạt 40,73 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa 13,27 triệu đồng/ha…

Nhằm thích ứng với tình hình khô hạn, thiếu nước, TP Cần Thơ đã thực hiện chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa. Qua đó, hơn 9 tháng năm 2020, diện tích rau màu và đậu các loại được gieo trồng trên đất lúa đạt 17.400ha, vượt 32,73% so với kế hoạch (trong đó, có 12.009ha cho thu hoạch). Ước sản lượng thu hoạch cả năm là 192.916 tấn, vượt 41% kế hoạch năm. Diện tích cây ăn trái toàn thành phố trong 9 tháng đạt 21.798ha, tăng 2.429ha so cùng kỳ năm 2019, vượt 7,7% kế hoạch năm; sản lượng thu hoạch đạt 112.804 tấn, vượt 2,96% kế hoạch. Bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Ðỏ (TP Cần Thơ), cho biết: "Ðịa phương thực hiện các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, như: mô hình chuyển đổi trồng rau màu, cây ăn trái (cam, quýt, xoài…), mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa ở xã Thới Hưng, Ðông Thắng và xã Thới Xuân... cho kết quả khá cao và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới".

Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại vùng ÐBSCL cũng còn hạn chế, như: vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát, chưa phù hợp với kế hoạch chung; một số cây trồng khi chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ lẻ; thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa đảm bảo khâu tiêu thụ mang tính bền vững; chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ; một số địa phương chưa tính toán chi tiết và phân tích đầy đủ giá trị sản xuất trồng trọt nên việc khuyến cáo, tổ chức chuyển đổi hạn chế, chưa đạt hiệu quả cao…

Giải pháp để nhân rộng

Ðể thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa, Cục Trồng trọt khuyến cáo: Các địa phương trong vùng ÐBSCL cần quan tâm thực hiện một số giải pháp, như: tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Trong quá trình thực hiện cần lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu, bệnh tốt; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng, vật nuôi chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất; lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng; kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất…

Ðặc biệt, đối với vùng cây ăn trái, rau màu khi có dự báo hạn mặn hoặc có nguy cơ bị hạn mặn, ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ÐBSCL cần hướng dẫn nông dân chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước. Các địa phương cần củng cố hệ thống đê bao và đê chung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập; đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước, không tưới nước có độ mặn hơn 1‰ cho cây. Ðối với một số cây ăn quả mẫn cảm với mặn như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn hơn 0,5‰. Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt…

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, nhấn mạnh: "Năm 2020 nước lũ về ĐBSCL ít và muộn hơn so với trung bình nhiều năm, dự báo khô hạn, xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm vào cuối năm 2020. Do đó, các địa phương trồng cây ăn trái, thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa cần chú ý, theo dõi tình hình hạn mặn để hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phòng ngừa, hạn chế thiệt hại xảy ra. Việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn trái đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn, do đó, hạ tầng nông nghiệp cũng cần được các địa phương đầu tư thực hiện phù hợp, đáp ứng yêu cầu trồng cây ăn trái, phát triển vật nuôi ở từng địa phương...".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Ninh Bình: Gia Viễn đẩy mạnh thu hoạch lúa mùa, bảo vệ diện tích thủy sản

Nguồn tin:  Báo Ninh Bình

Chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 7, cùng với không khí lạnh nên tỉnh Ninh Bình mấy ngày qua có mưa to và dông gió. Thời điểm này, nhiều địa phương ở huyện Gia Viễn đang tập trung khắc phục những vùng úng ngập cục bộ, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những diện tích sắp cho thu hoạch.

Hộ nuôi thủy sản của HTX Mai Sơn, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn đang bơm thoát nước để bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản.

Với địa hình tự nhiên, thường gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, mỗi khi có mưa lớn hoặc bão lũ xảy ra, huyện Gia Viễn luôn chịu ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, trước đó, công tác ứng phó với cơn bão số 7 đã được huyện triển khai tích cực. Thông tin về cơn bão số 7 được cập nhật sớm và thường xuyên đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng trũng, hộ nuôi trồng thủy sản, để bà con chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh. Các địa phương cũng phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi triển khai tiêu nước đệm trong đồng, có kế hoạch hạ thấp mực nước hồ một cách hợp lý để đảm bảo an toàn cho các công trình và phục vụ sản xuất.

Thời điểm này, huyện Gia Viễn thu hoạch được 40% diện tích lúa (toàn huyện là 2.500 ha lúa mùa). Các cấp, các ngành đôn đốc chỉ đạo, tập trung nhân lực, máy móc, thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa mùa theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng".

Qua kiểm tra thực tế, đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Gia Viễn nhấn mạnh: Hiện nay, cùng với diện tích đang sắp cho thu hoạch, Gia Viễn còn 2.300 ha nuôi trồng thủy sản, nếu để mưa lũ, làm tràn bờ thì thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Do vậy, địa phương đặc biệt chú trọng tuyên truyền để người dân nắm được tình hình mưa bão, chủ động các biện pháp che chắn, bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản.

Sáng 16/10, chúng tôi về tìm hiểu tình hình mưa úng ở một số xã vùng hữu sông Hoàng Long. Xã Gia Sinh, Gia Lạc - là 2 địa phương ở vùng rốn nước của phía Bắc sông Rịa, nơi có công trình thủy lợi Âu Lê. Cũng vì thế, khi có mưa là lượng nước từ vùng rừng núi Cúc Phương, các xã Thượng Hòa Thanh Lạc, Sơn Thành, Gia Minh dồn về, nên chỉ sau khi mưa nửa ngày là nước dâng lên rất nhanh.

Ông Lê Văn Luật và Lê Văn Lễ ở xóm 1 Lương Sơn, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn nhanh chóng dựng lưới chắn bảo vệ diện tích nuôi cá.

Hộ anh Lê Văn Luật và Lê Văn Lễ ở xóm 1 Lương Sơn, xã Gia Sinh cho biết: anh em trong nhóm nuôi cá suốt cả đêm qua túc trực theo dõi diễn biến của lượng mưa và sáng nay tập trung rà soát bờ vùng, bờ quai, che, chắn lưới bảo vệ diện tích cá vụ mùa sắp cho thu hoạch.

Anh Luật cho biết thêm, xã Gia Sinh đã tiến hành dồn điền đổi thửa từ năm 2014, hình thành nên những thửa ruộng lớn. Do diện tích trũng nên chỉ có vụ đông xuân người dân mới tập trung cấy lúa. Còn vụ mùa nhiều hộ không cấy, chỉ có một số người nhận thầu ruộng, tổ chức quai bờ, nuôi cá ngắn ngày. Đây là lứa cá sẽ cho thu hoạch cuối tháng 11. Cá nuôi ở thùng, vũng khi gặp nước lớn, chảy là tìm mọi cách đi hết. Nếu không sát sao trông, nom cận trọng… chỉ vài tiếng là cá theo nước mới ra sông hết. Đã có vụ, nhóm nuôi cá của anh bị mất trắng.

Trao đổi với nhiều chủ hộ nuôi thủy sản ở các xã Gia Sinh, Gia Lạc, Gia Minh được biết, mưa đã ngừng, nhưng nước vẫn chưa dừng dâng cao. Các địa phương tranh thủ tháo nước ra sông. Nếu còn mưa tiếp, khi đó, nước ngoài đê dâng cao hơn trong đồng, buộc tổ, đội thủy lợi của HTX phải vận hành máy bơm bảo vệ diện tích nuôi thả. Vì vậy trong 2- 3 ngày tới, các HTX, các tổ hợp tác, nhóm hộ còn phải trực, theo dõi diễn tiến của thời tiết, mực nước dâng… để bảo vệ diện tích thủy sản sắp cho thu hoạch

Được biết, các xã vùng hữu sông Hoàng Long, như xã Gia Lạc, Gia Phong, Gia Minh vụ mùa này còn rất ít diện tích lúa mùa. Ông Trần Văn Long, Giám đốc HTX Mai Sơn (xã Gia Lạc) cho biết: Trước đây HTX có 59 ha lúa mùa, nhưng vụ này chuyển sang nuôi trồng thủy sản ngắn ngày với diện tích 38 ha, diện tích còn lại làm lúa tái sinh (lúa chét). Đến nay, diện tích lúa chét đã cho thu hoạch.

Sau gặt lúa chét, diện tích này đang được các hộ xã viên nuôi thủy cầm, hoặc tiếp tục thả cá rô ngắn ngày, cho thu hoạch vào dịp cuối năm. Đến cuối tháng 11, diện tích thủy sản được thu hoạch, phải nhường lại để làm đất cấy lúa vụ đông xuân năm sau.

Từ ba, bốn năm nay, trên địa bàn huyện Gia Viễn có nhiều HTX nuôi trồng thủy sản hoạt động có hiệu quả. Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện phát triển ổn định về diện tích, tăng dần về năng suất và sản lượng.

Nếu như năm 2017 là 1.700 ha, đến năm 2020 diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Gia Viễn đã tăng lên 2.300 ha. Hàng năm sản lượng ước đạt 5.000 tấn, mang về giá trị khoảng gần 150 - 180 tỷ đồng. So với cấy lúa, nuôi thủy sản (nuôi cá), cho giá trị kinh tế cao hơn từ 3 - 5 lần.

Bài, ảnh: Nguyễn Minh

Phát triển cây hồi theo hướng bền vững

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) có khoảng 400ha hồi, tập trung tại 02 xã vùng cao Sỹ Bình, Vũ Muộn. Đây là nhóm cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Hiện, huyện định hướng phát triển cây hồi theo hướng bền vững.

Cây hồi trở thành cây lâm nghiệp chủ lực của người dân xã Sỹ Bình, Vũ Muộn từ nhiều năm nay.

Với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ, cây hồi rất thích hợp với điều kiện sinh trưởng tại các xã phía Đông Bắc của huyện Bạch Thông. Từ khi triển khai thực hiện Dự án 327, Dự án 661, người dân xã Sỹ Bình, Vũ Muộn được cấp giống cây hồi về trồng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Qua mấy chục năm, cây hồi sinh trưởng, phát triển tốt, cho khai thác liên tục, trở thành cây dược liệu lâu năm đem lại nguồn lợi khá cho người dân trong vùng.

Theo tính toán, bình quân mỗi héc - ta hồi có thể thu về 80 - 100 triệu đồng, đầu ra chủ yếu tiêu thụ cho các thương lái ở tỉnh Lạng Sơn. Đặc biệt, vài năm trở lại đây giá hồi tương đối cao, bình quân 15.000 - 20.000 đồng/kg, riêng năm 2019 giá tăng lên tới 30.000 đồng/kg tươi. Một số hộ trong vùng thu hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, như ông Nguyễn Duy Thuyết; ông Bàn Văn Nhị ở xã Sỹ Bình. Sản phẩm khai thác đến đâu thương lái thu mua tới đó, người dân không phải vận chuyển đi xa. Mặc dù là cây lâm nghiệp lâu năm, trồng 10 năm trở lên mới cho thu hoạch, song cây hồi lại có những ưu điểm lớn không mất nhiều chi phí đầu tư, công chăm sóc, cây sau khi trưởng thành được khai thác liên tục, bình quân mỗi năm hái 2 lần (vào tháng 4 và tháng 9 âm lịch), chu kỳ khai thác 01 cây có thể vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm nếu được đầu tư chăm sóc tốt.

Tuy nhiên, hiện một số diện tích hồi có dấu hiệu già cỗi, xuất hiện sâu bệnh hại, phổ biến là bệnh thán thư, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hoa, thậm chí có nguy cơ lây lan sang những diện tích khác. Mấy năm trở lại đây, nhiều hộ dân tại xã Sỹ Bình, Vũ Muộn tự mua cây giống về tra dặm, trồng xen để nhằm thay thế diện tích già cỗi.

Đồng chí Đinh Như Hiếu- Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn cho biết: "Xã hiện có khoảng 220ha hồi, đa số là cây lâu năm được trồng từ các chương trình, dự án của Nhà nước, một số cây đang có nguy cơ giảm năng suất do chưa được đầu tư, chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, xác định đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên xã tuyên truyền, vận động bà con chăm sóc, trồng tra dặm thay thế những cây già cỗi, duy trì diện tích hiện có".

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bạch Thông lần thứ ba, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Bạch Thông định hướng phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững, gắn với tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Theo đó, huyện dự kiến trồng khoảng 200ha hồi tại 3 xã: Sỹ Bình, Vũ Muộn và Cao Sơn. Trồng mới tại những khu vực có cây già cỗi không còn khả năng ra hoa, hoặc tra dặm bổ sung tăng mật độ cho phù hợp. Vận dụng các chính sách kêu gọi đầu tư máy móc, công nghệ nhằm chiết xuất tinh dầu hồi, mang lại giá trị kinh tế cao từ sản phẩm này.../.

Thu Trang

Tất bật thu hoạch, chuẩn bị cho vụ mùa sau

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Tranh thủ thời tiết có nắng trở lại sau nhiều ngày mưa kéo dài gây ngập, người dân ở các xã vùng ngọt huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) tất bật thu hoạch lúa vụ hè thu, dù nước trên đồng vẫn ngập sâu, mọi hoạt động vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tranh thủ thu hoạch những diện tích lúa cuối vụ, cùng với đó là trục cải tạo đất cho vụ mùa tiếp theo trên cánh đồng Kinh Hội, xã Khánh Bình.

Chúng tôi về ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình Đông, bắt gặp hai vợ chồng lão nông Trần Văn Đoàn đang lui cui cột bao lúa mới suốt, chờ thương lái cho xe đến chở. Lúa ngập nước nhiều ngày nên khi suốt ra, hạt lúa nhuốm đen, thương lái chê, mua giá chỉ có 3.400 đồng/kg. “Mang được lúa vào nhà, ra lúa hột và có người chịu mua là mừng rồi, chỉ mong huề vốn”, tay xốc từng hạt lúa còn mọng nước, lão nông Trần Văn Đoàn nói.

Vợ chồng lão nông Trần Văn Đoàn (ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình Đông) đã mang được hạt lúa vào nhà, đang chuẩn bị bán cho thương lái.

Bốn công rưỡi lúa của ông Đoàn được xem là trúng nhất tại khu vực này, khi thu hoạch đạt 65 bao. Tuy nhiên, qua tính toán, tiền thuê công cắt 800 ngàn đồng/công, lòi lúa vào sân 300 ngàn đồng/công, giá suốt lúa 25.000 đồng/bao, xem như người nông dân chẳng còn gì, đó là chưa tính các chi phí ban đầu như lúa giống, cày ải, phân, thuốc…

Gặp anh Phạm Tuân ở ấp Lung Bạ, cùng hoàn cảnh, anh bảo bỏ thì tiếc, đó còn là sự “tự ái”, điều “kỵ” của người nông dân khi bỏ mặt nông sản ngoài đồng, nhưng chi phí mang lúa vào nhà quá lớn, biết lỗ nhưng vẫn phải làm, chỉ mong có lúa để chà gạo ăn trong mùa giáp hạt.

Tận dụng nhà có phương tiện, anh Phạm Tuân (ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông) chở lúa ngoài đồng về chất đống, chờ máy suốt lúa đến để ra lúa hột.

Khó khăn là vậy, nhưng lão nông Trần Văn Đoàn hay anh Phạm Tuân cho biết vừa kêu thuê máy trục lại diện tích mới thu hoạch, chuẩn bị khi nước dưới sông rút, tiến hành be bờ bơm nước để chuẩn bị cho vụ sau.

Dù hiếm, công suốt lúa hơi cao, nhưng ra được lúa hột là niềm vui của người dân vùng ngọt Trần Văn Thời sau thời gian dài lúa bị ngập do mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao.

Tại các tuyến sông, thương lái vận chuyển lúa thu mua từ các hộ dân vùng nội đồng qua cống.

Hiện nước rút rất chậm thông qua hệ thống trạm bơm cưỡng bức, những đồng lúa cuối vụ vùng ngọt huyện Trần Văn Thời tất bật thu hoạch. Những nơi đất gò, tiếng máy gặt đập hòa vào tiếng máy trục cho vụ mùa sau tạo nên một nhịp sống sôi động, hy vọng vụ mùa mới sau thiên tai.

THANH PHÚC

Bình Định: Ban hành lịch thời vụ và cơ cấu giống vụ Đông Xuân năm 2020 – 2021

Nguồn tin: Báo Bình Định

Theo lịch thời vụ và cơ cấu giống mùa vụ Đông Xuân năm 2020-2021 do Sở NN&PTNTBình Định ban hành, từ tháng 11.2020, nông dân sẽ xuống giống lúa ở những diện tích đất chân cao sạ cưỡng. Đối với chân đất sản xuất 3 vụ lúa/năm, nếu không có mưa, nông dân xuống giống tập trung từ ngày 25.11 đến trước ngày 5.12. Trường hợp có mưa lớn, gieo sạ sau ngày 7 - 15.12 và khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các giống lúa chủ lực như: Khang dân đột biến, ĐV 8, TBR 36, An Sinh 1399. Chân ruộng sản xuất 2 vụ lúa/năm xuống giống tập trung từ ngày 10 - 25.12. Chân ruộng thấp trũng, nước rút đến đâu gieo sạ đến đó, cố gắng kết thúc vào cuối tháng 1.2021, sử dụng các giống lúa chủ lực như: Q5, TBR 1, ĐV 108, Khang dân đột biến.

MINH HẰNG

Tái đàn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường tết: Thận trọng!

Nguồn tin: Báo Bình Định

Việc đầu tư tái đàn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường trong dịp tết nhằm nâng cao thu nhập, tăng giá trị chăn nuôi là điều bình thường, đến hẹn lại lên. Nhưng năm nay, trong bối cảnh bình thường mới, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương khuyến cáo phải thận trọng, đảm bảo an toàn và hiệu quả; khuyến cáo này cũng được người dân lắng nghe kỹ hơn mọi năm.

Đàn heo của ông Lê Xuân Quang, ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn) được chăm sóc chu đáo.

Hiện người dân ở các địa phương trong tỉnh đang tập trung tái đàn gia súc, gia cầm (GSGC) nhằm phục vụ nhu cầu thị trường thực phẩm trong dịp tết. Trái với mọi năm, đã không có chuyện phát triển đàn ồ ạt, theo kinh nghiệm, ngược lại tất cả đều rất thận trọng. Ông Lê Xuân Quang, một người nuôi heo chuyên nghiệp, chủ trại nuôi heo quy mô lớn ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn) chia sẻ: Nhu cầu tiêu dùng thịt heo vào dịp cuối năm luôn tăng cao, nhưng trong điều kiện thời tiết bất lợi, các loại dịch bệnh nguy hiểm dễ phát sinh, lúc này mà mở rộng quy mô, phát triển mạnh đàn heo là mạo hiểm. Vì vậy, sau khi xuất bán lứa heo 1.500 con, tôi chỉ mua lại đúng 1.500 con heo giống từ các DN chuyên sản xuất heo giống có uy tín về nuôi. Đàn heo là tài sản lớn, nên tôi chăm sóc kỹ lưỡng và thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch bệnh!”.

Ngay cả các hộ chăn nuôi gia cầm cũng rất thận trọng trong phát triển đàn. Dẫn chúng tôi tham quan trang trại trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi gà, ông Tống Vinh Quang, ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân cho biết, dịp tết, nhu cầu tiêu thụ thịt gà cao hơn ngày thường rất nhiều. Nhưng những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh dễ phát sinh, nếu lơ là sẽ bị trả giá ngay. Hơn nữa do việc phát triển đàn heo gặp khó khăn, nhiều tháng qua việc cung cấp thịt heo có trở ngại nên nhiều người tính đến chuyện nuôi gà để bù vào vì vậy rất dễ xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Do đó, đợt này ông chỉ thả nuôi 1.000 con gà theo phương pháp an toàn sinh học. Trước khi mua và thả nuôi, đúng theo quy định, ông đều thông báo với chính quyền và ngành thú y địa phương biết về nguồn gốc xuất xứ và số lượng gà giống. Ngoài kinh nghiệm tích lũy, tôi còn thường xuyên nhờ cán bộ thú y tư vấn, hướng dẫn thêm quy trình chăm sóc, bảo vệ vật nuôi trong mùa mưa.

Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thịt và các sản phẩm động vật trên thị trường tăng cao, thị trường tiêu thụ thoáng hơn sẽ dễ xảy ra tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán thịt và các sản phẩm động vật tràn lan, vi rút các loại dịch bệnh nguy hiểm có cơ hội xâm nhiễm. Hơn nữa, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao ít nhiều ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, làm tăng nguy cơ dịch bệnh phát sinh. Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chăn nuôi, mua bán, vận chuyển GSGC.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT), cho biết: Hiện đàn bò của tỉnh ổn định với 300 nghìn con; đàn gia cầm 8,5 triệu con, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước và đàn heo 1,1 triệu con, tăng 7%. Người dân chủ yếu sử dụng giống GSGC hiện có hoặc mua tại các cơ sở sản xuất giống uy tín trong tỉnh về nuôi. Trước khi mua hoặc bán GSGC, các hộ dân đều thông báo với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tại địa phương để kiểm tra, chứng nhận. Công tác phòng chống dịch bệnh cũng đã được chú trọng. Ngoài 2 loại vắc xin do tỉnh hỗ trợ, người dân còn mua thêm nhiều loại vắc xin khác để tiêm phòng cho đàn GSGC, nên số lượng vật nuôi được tiêm phòng đạt tỷ lệ cao. Để đảm bảo an toàn cho đàn GSGC, Chi cục sẽ tăng cường lực lượng Thú y tại Trạm Kiểm dịch động vật trên các tuyến quốc lộ, kiểm tra giám sát hoạt động mua bán, vận chuyển GSGC ra vào tỉnh. Mặt khác, phối hợp với các địa phương xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để cung ứng sản phẩm chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y cho thị trường.

PHẠM TIẾN SỸ

Nhân rộng đàn ngựa bạch

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Vài năm gần đây, tận dụng lợi thế đồi rừng rộng, nhiều hộ dân ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi ngựa bạch. Với cách làm này, người dân có thu nhập khá, cải thiện cuộc sống.

Phát huy tiềm năng

Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình anh Chu Văn Lanh ở thôn Khuôn Phải (Tân Sơn) chủ yếu từ vải thiều. Từ nguồn vốn tích cóp nhiều năm, anh Lanh đã mạnh dạn đầu tư nuôi giống ngựa bạch để phát triển kinh tế gia đình.

Cán bộ khuyến nông xã Tân Sơn tư vấn phòng, chống dịch bệnh trên ngựa bạch cho người dân.

Do diện tích đồi cỏ, đồi rừng ở địa phương khá rộng nên chăn nuôi ngựa khá thuận lợi. Đàn ngựa bạch của gia đình anh Lanh phát triển ổn định, duy trì đàn ở mức 15 con. “Nuôi ngựa không khó, miễn là có nơi chăn thả. Sáng lùa đi, tối lùa về, riêng ngựa đực chế độ dinh dưỡng, chăm sóc được chú trọng hơn để bảo đảm chất lượng phối giống”, anh Lanh chia sẻ. Năm trước, gia đình anh đã bán 5 con ngựa giống, giá 35 triệu đồng/con, thu về gần 200 triệu đồng.

Theo anh Nguyễn Đức Hữu, cán bộ khuyến nông xã Tân Sơn, ngựa bạch mỗi năm đẻ một lần. Ngựa sinh ra chừng 3 - 4 tháng tuổi, bán lúc nào cũng có giá từ 29-32 triệu đồng một con, gấp nhiều lần so với ngựa thường. Nếu ngựa đã trưởng thành, giá mỗi con không dưới 60 triệu đồng, còn ngựa đực giá có thể lên tới 65-70 triệu đồng.

Toàn xã Tân Sơn có hơn 200 hộ đã đầu tư chăn nuôi ngựa, trong đó chủ yếu là ngựa bạch, nhiều hộ chăn nuôi từ 10-20 con; tập trung ở các thôn: Khuôn Kén, Khuôn Tỏ, Khuôn Phải và Phố Chợ...

Không chỉ gia đình anh Lanh ở xã Tân Sơn mà nhiều gia đình sinh sống tại khu vực vùng cao của huyện như Phong Vân, Phong Minh... cũng nhân rộng đàn ngựa bạch cho thu nhập cao, nhiều hộ duy trì ổn định từ 15 đến 25 con.

Phong Vân là xã thuần nông, thu nhập chủ yếu từ trồng trọt và chăn nuôi. Nhiều năm qua, chăn nuôi trên địa bàn xã đã được xác định là một trong những thế mạnh của địa phương. Tính đến tháng 9/2020, toàn xã Phong Vân có 818 con ngựa, trong đó trên 70% là giống ngựa bạch, được nuôi nhiều ở các thôn: Chả, Vựa Trong, Suối Chạc, Cầu Nhạc, Niêng, Cống Lầu… Nhận thức của người dân ở đây cũng ngày một nâng cao, chuyển dần sang chăn nuôi bán chăn thả với số lượng lớn.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm vùng

Nhằm hình thành vùng chăn nuôi tập trung, hạn chế dịch bệnh, góp phần ổn định đàn đại gia súc trên địa bàn, UBND huyện Lục Ngạn đã triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển lợi thế chăn nuôi tại một số xã vùng Đông Bắc của huyện, giai đoạn năm 2018-2021. Đây là những xã vùng cao, còn nhiều khó khăn. Đề án đã hỗ trợ 41 con ngựa bạch cái, 5 con ngựa đực bạch cho nhân dân trong vùng dự án.

Đến nay, 23 con ngựa cái đã sinh sản. Mặc dù chăn nuôi trong giai đoạn 2018-2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ không ổn định nhưng chăn nuôi đại gia súc, nhất là ngựa bạch ở Lục Ngạn vẫn tiếp tục phát triển.

Năm 2019, những hộ lựa chọn nuôi ngựa để phát triển kinh tế gia đình đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ và chăn nuôi trâu, bò, ngựa cỏ vùng cao xã Tân Sơn với 13 thành viên. Đây là tiền đề để các hộ nuôi ngựa ở Lục Ngạn tăng quy mô, hướng đến nâng cao chất lượng, ổn định đầu ra.

“Ngựa ở Tân Sơn được nhiều người biết đến. Khách hàng từ Ninh Bình, Lạng Sơn hoặc trong tỉnh, huyện… thường xuyên đến đặt hàng với số lượng từ 7-8 con ngựa thịt/tháng. Hiện tại, ngựa giống đang khan hiếm, HTX chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường”, ông Nguyễn Đức Khương, Giám đốc HTX Dịch vụ và chăn nuôi trâu, bò, ngựa cỏ vùng cao cho biết.

Sau ba năm thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi tại một số xã vùng Đông Bắc, giai đoạn 2018-2021, ngành chăn nuôi của huyện đã đạt được những kết quả khá quan trọng. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ gia đình đã từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Đề án đã tác động rất lớn đến nhận thức của nông dân trong việc phát triển chăn nuôi, hiệu quả kinh tế thu được từ chăn nuôi ngày càng nâng lên.

Hiện toàn huyện có hơn 2.500 con ngựa, trong đó có 800 con ngựa bạch, tập trung ở các xã: Tân Sơn, Phong Vân và Phong Minh. Qua quá trình chăn nuôi đại gia súc, người dân nhận thấy nuôi ngựa bạch có giá trị cao hơn những loại khác. Vì vậy, tới đây, HTX Dịch vụ và chăn nuôi trâu, bò, ngựa cỏ vùng cao sẽ chú trọng hơn nữa tới việc nhân rộng, đầu tư phát triển đàn ngựa bạch.

Thời gian tới, UBND huyện Lục Ngạn tăng cường công tác quản lý nhà nước trong chăn nuôi, bảo đảm các chủ trương, chính sách phát triển chăn nuôi được triển khai thực hiện có hiệu quả. Xây dựng quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi theo hướng chuyên canh phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng của địa phương đối với từng vật nuôi.

Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để nâng cao hiệu quả kinh tế, kiểm soát dịch bệnh và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn. Đồng thời, đẩy nhanh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, coi trọng công tác thú y, củng cố nâng cao hoạt động của đội ngũ cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp, cán bộ thú y cơ sở. Phát triển mạnh mạng lưới dịch vụ thú y để chủ động kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển.

Minh Phúc

Nuôi ong vò vẽ: Lợi bất cập hại

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Anh Nguyễn Đức Tài, xóm Phúc Tiến, xã Phú Tiến (Định Hóa) hiện nuôi 20 tổ ong vò vẽ trong vườn nhà.

Vài năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã nuôi ong vò vẽ (hay còn gọi là ong bò vẽ) trong vườn, đồi của gia đình để bán nhộng, cho thu nhập khá. Tuy nhiên, việc nuôi ong này ảnh hưởng đến đàn ong mật hiện có tại địa phương và tiềm ẩn nguy hiểm đối với con người.

Nhận thấy nhiều người có nhu cầu mua nhộng ong vò vẽ về ăn, năm 2018, anh Nguyễn Đức Tài, xóm Phúc Tiến, xã Phú Tiến (Định Hóa) đã bắt đầu nuôi loại ong này trong vườn nhà. Để có giống ong, dịp tháng 4, 5, khi thời tiết đang chuyển mùa Hạ, anh Tài bỏ vài ngày đi khắp các vườn, rừng để tìm tổ ong vò vẽ mới làm, sau đó bắt về và buộc trên cành cây hoặc dưới mái hiên chuồng trại chăn nuôi trong vườn nhà để ong tự sinh trưởng, phát triển.

Nuôi ong vò vẽ trước anh Tài 2 năm, anh Hoàng Mạnh Hùng, xóm 10, xã Cù Vân (Đại Từ) có nhiều kinh nghiệm về loại ong này. Ngoài nuôi ong vò vẽ, anh Hùng còn nuôi ong đất (cùng họ với ong vò vẽ nhưng to và nọc có độc tính cao hơn rất nhiều). Theo anh Tài và anh Hùng, hiện nhộng ong vò vẽ được bán với giá 300.000 đồng/kg, nhộng ong đất là 550.000 đồng/kg. Mỗi một vụ nuôi từ tháng 5 đến tháng 11, với 30 tổ ong vò vẽ, người nuôi thường thu về từ 100-150 triệu đồng. Ong đất cho thu nhập cao hơn, một tổ có thể cho từ 30-40kg nhộng một mùa, bán được 16 triệu đến 22 triệu đồng.

Hoạt động nuôi ong vò vẽ trên địa bàn tỉnh đều tự phát, bước đầu đã mang lại thu nhập cho người nuôi nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và bất lợi. Ong vò vẽ là loài côn trùng, hung hãn, khắc tinh với ong mật. Khi có tổ gần khu vực nuôi ong mật, ong vò vẽ thường xuyên tìm bắt khiến ong mật suy giảm đàn hoặc bỏ tổ. Ông Đào Đức Văn, ở xóm Nhất Tâm, xã Phúc Lương (Đại Từ) chia sẻ: Gia đình tôi nuôi hơn 40 thùng ong mật, vào mùa Hè, tôi thường xuyên phải canh, đập ong vò vẽ tới trước cửa tổ bắt ong mật. Vì vậy, tôi không đồng ý nếu những gia đình gần nhà tôi nuôi ong vò vẽ.

Không chỉ có vậy, nọc độc của ong vò vẽ gồm các chất histamin và nhiều loại độc tố. Các chất độc này gây sốc phản vệ nhanh, đau buốt, sưng, tổn thương gan, thận, tiêu cơ và tan máu. Người lớn nếu bị ong vò vẽ đốt trên 20 nốt hoặc ong đất đốt trên 10 nốt có thể tử vong nếu không được cứu chữa tích cực, đúng cách và triệt để. Trên địa bàn tỉnh ta đã có một trường hợp bị ong vò vẽ đốt dẫn đến tử vong vào năm 2009, thời gian gần đây chưa ghi nhận trường hợp nào. Còn tại tỉnh Nghệ An, ngày 5-10 vừa qua đã ghi nhận trường hợp anh Lê Đình Hảo (23 tuổi), thôn Yên Hòa, xã Thanh Hòa, huyện Thanh Chương tử vong do ong vò vẽ nuôi trong vườn nhà đốt. Anh Nguyễn Đức Tài, xóm Phúc Tiến, xã Phú Tiến (Định Hóa) cho biết: Tôi có lần bị ong vò vẽ đốt 1 nốt vào chân, sưng tấy đến mức không đi lại được, phải nghỉ làm mất mấy ngày.

Với sự nguy hiểm, bất lợi từ việc nuôi ong vò vẽ, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nên quan tâm đến vấn đề này, khuyến cáo người dân không nên nuôi. Bên cạnh đó, người dân cũng nên hạn chế ăn nhộng ong vò vẽ vì loại nhộng này chứa chất không tốt cho sức khỏe, có thể gây dị ứng, thậm chí là sốc phản vệ.

Công Minh

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop