Tin nông nghiêp ngày 23 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 23 tháng 11 năm 2019

Hòa Bình: Vùng cam Chỉ dẫn địa lý Cao Phong mùa lễ hội

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Chỉ còn ít ngày nữa, Lễ hội cam Cao Phong với chủ đề Hương sắc đất Mường sẽ diễn ra. Đến thời điểm này, cam Cao Phong vẫn là vùng cam duy nhất ở vùng Tây Bắc được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý bảo hộ cho sản phẩm đặc sản. Vùng cam đất Mường Cao Phong đang sẵn sàng chào đón khách muôn phương tham dự, chung vui với bà con nhân sự kiện này.

Lãnh đạo UBND huyện Cao Phong đưa các đoàn khách đến thăm quan mô hình cam của thị trấn Cao Phong.

Hướng về dịp Lễ hội, những hộ thành viên trồng cam thuộc Công ty TNHH MTV Cao Phong đang có chung lạc quan, phấn khởi bởi diện tích cam niên vụ này dù năng suất có giảm đôi chút so với thời vụ trước, nhưng chất lượng lại có phần ngon, ngọt, đậm đà hơn. Theo anh Trịnh Trọng Nghĩa, Đội Bắc Phong, do ít mưa, nên năm nay cam ngọt và ngọt sớm hơn, nhất là đối với diện tích cam đang ở năm thứ 8, thứ 9. Về giá cả tiếp tục giữ ổn định, có vườn giá nhỉnh hơn (20.000 đồng - 22.000 đồng/kg), mặt bằng chung giá dao động từ 16.000 đồng - 18.000 đồng/kg thu mua tại vườn.

Với trên 833 ha vườn cam của 175 hộ, Công ty TNHH MTV Cao Phong có diện tích cam, quýt đặc sản đứng đầu các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn. Sản phẩm cam của công ty được trồng đa dạng, tuyển chọn và đưa nhiều giống cây có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như cam V2 chín muộn không hạt, Đường Canh, Mát, CT36, bưởi Diễn... Ông Nguyễn Khắc Ân, Trưởng phòng Kế hoạch - Thị trường của Công ty cho biết: Sản phẩm cam, quýt của công ty đã được đăng ký lô gô nhãn hiệu hàng hóa và được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ từ hàng chục năm. Tích cực đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng đi liền với bảo vệ, gìn giữ thương hiệu, uy tín sản phẩm, đến nay, trên 80% diện tích của Công ty đã sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, thị trường tiêu thụ thuận lợi.

Để Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong được quản lý chặt từ giống, quy trình kỹ thuật, chất lượng VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm cho việc sản xuất cam, bảo vệ thương hiệu và giữ vững lòng tin của người tiêu dùng, Ban Kiểm soát Chỉ dẫn địa lý đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát kinh doanh sản phẩm cam, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc tuân thủ các quy định sử dụng Chỉ dẫn địa lý của các tổ chức cá nhân trên địa bàn. Thành lập các hội trồng cam, HTX dịch vụ nông nghiệp tham gia tích cực trong công tác sản xuất và kinh doanh sản phẩm. Quản lý lô -gô tem, nhãn và chất lượng sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý. Quảng bá về thương hiệu cam Cao Phong đến mọi vùng miền trong cả nước. Đồng chí Đỗ Minh Ngọc, Phó trưởng đoàn Kiểm soát Chỉ dẫn địa lý cho biết: Riêng trong tháng 11, Ban kiểm soát với lực lượng nòng cốt là Kinh tế & Hạ tầng, QLTT, Công an huyện... đã kiểm soát tại tất cả các điểm kinh doanh sản phẩm cam trên trục QL 6. Quá trình kiểm soát kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở hộ kinh doanh chỉ bán sản phẩm cam có xuất xứ Cao Phong, niêm yết chủng loại, giá bán, sử dụng bao bì đúng quy định hiện hành.

Các nhà vườn ở Cao Phong trong những ngày gần đây liên tục đón các đoàn khách trong tỉnh và tỉnh bạn đến thăm quan, tìm hiểu mô hình. Theo đồng chí Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện, có nhiều đoàn khách từ Thanh Hóa, Quảng Bình cất công ra thăm. Một số tỉnh bạn khác như Sơn La, Điện Biên, Hà Nam, Ninh Bình... cũng đến tìm hiểu khá đông. Các đoàn khách bạn không chỉ đến để trải nghiệm cam Cao Phong mùa chính vụ mà còn tâm đắc về cách làm, mô hình sản xuất hiệu quả của người trồng cam Cao Phong.

Tháng 11, ngoài cam lòng vàng chính vụ thì diện tích cam đường Canh, quýt Hà Giang, quýt Cao Phong cũng đã bước vào vụ chín. Tiếp tục nâng cao chất lượng, bảo vệ Chỉ dẫn địa lý cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, người trồng cam, quýt Cao Phong đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và được chứng nhận đảm bảo chất lượng ATTP ở trên 1.000 ha cam, quýt thời gian kinh doanh. Đến với Lễ hội cam Cao Phong những ngày này là dịp để bạn bè, du khách gần, xa ghé thăm, thưởng thức cam, quýt đặc sản, trứ danh của vùng đất Mường Thàng.

Bùi Minh

Mỹ Tú (Sóc Trăng): Đẩy mạnh sản xuất cây ăn trái theo hướng hữu cơ

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Những năm gần đây, dịch bệnh bùng phát trên các loại cây ăn trái, cùng với biến đổi khí hậu khiến việc sản xuất của nhà vườn gặp không ít khó khăn. Trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ là một trong những giải pháp hữu hiệu đang được ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) hướng đến để khôi phục lại diện tích trồng cây ăn trái.

Là nhà vườn có nhiều năm gắn bó với cây ăn trái, ông Lê Quang Hiến ở ấp Phương Hòa 1, xã Hưng Phú cho biết: “Do vườn cây ăn trái của gia đình trồng lâu năm rồi, cây cho trái kém chất lượng, năng suất cũng giảm. Năm 2016, tôi quyết định chuyển sang sử dụng bón phân hữu cơ trên toàn bộ diện tích cây cam xoàn gần 9 năm tuổi, nhờ vậy mà cây trồng dần dần khôi phục và phát triển xanh tốt trở lại”.

Giải pháp trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ đang được ngành nông nghiệp hướng tới.

Theo kinh nghiệm làm vườn lâu năm, kết hợp với việc biết ứng dụng phân hữu cơ bón cho cây ăn trái, ông Hiến chia sẻ: “Phân hữu cơ được sử dụng chủ yếu từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, đơn giản, dễ làm, chi phí thấp. So với phân hóa học thì việc sử dụng phân hữu cơ giúp giảm chi phí sản xuất từ 40% - 50% mỗi vụ. Nhưng nếu lạm dụng phân hóa học thì rất dễ làm hư cây, mình xài vi sinh với hữu cơ kết hợp thì bộ rễ nó được bền hơn vì không bị thừa phân. Sâu bệnh cũng có xảy ra nhưng do cây phát triển khỏe mạnh nên hạn chế được rất nhiều so với trước kia”.

“Với diện tích 8.000m2 đất trồng cây cam xoàn, trung bình mỗi năm cây cho hơn 20 tấn trái, có năm lên đến 50 tấn trái, theo đó lợi nhuận từ vườn cây cam xoàn thu được cả tỉ đồng” - ông Hiến chia sẻ thêm.

Trong nhiều năm qua, việc mở rộng diện tích một số loại cây ăn trái ở huyện Mỹ Tú còn mang tính tự phát và thiếu định hướng về thị trường, quy mô sản xuất cây ăn trái còn khá manh mún, phân tán, nên khối lượng sản phẩm hàng hóa nhỏ, chất lượng cho trái nhìn chung còn thấp dẫn tới sức cạnh tranh yếu, giá cả bấp bênh. Nếu như vào đầu năm 2016, diện tích trồng cây ăn trái trên toàn huyện vẫn được duy trì trên 2.000ha thì hơn 2 năm nay, phần lớn diện tích đã được chuyển đổi dần sang các loại cây trồng khác. Do vậy, việc lựa chọn loại cây ăn trái phù hợp cho từng địa phương để phát triển thành vùng chuyên canh canh tác theo hướng hữu cơ an toàn, có diện tích lớn là yêu cầu đang được đặt ra trong định hướng phát triển cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng nói chung và của huyện Mỹ Tú nói riêng.

Đây là năm thứ hai tỉnh Sóc Trăng triển khai khôi phục lại vùng cây ăn trái hiện có của huyện Mỹ Tú, trong đó tập trung nhiều nhất tại xã Hưng Phú.

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Tú, canh tác cây ăn trái theo hướng hữu cơ là hướng canh tác bền vững, góp phần giúp nhà vườn giảm chi phí sản xuất, hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng. Phân hữu cơ vi sinh tạo được độ tơi xốp, làm tăng độ phì nhiêu cho đất, giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng, cây cho trái có chất lượng tốt. Hiện nay Đề án Khôi phục vườn cây ăn trái theo hướng hữu cơ tại Mỹ Tú đã được triển khai thí điểm với diện tích 5ha, tập trung tại xã Hưng Phú.

Huyện Mỹ Tú nằm trong vùng dự án cây ăn trái của tỉnh. Đây là năm thứ hai tỉnh Sóc Trăng triển khai khôi phục lại vùng cây ăn trái hiện có trên địa bàn, trong đó tập trung nhiều nhất tại xã Hưng Phú. Với hiệu quả bước đầu mang lại, ngành Nông nghiệp Mỹ Tú cũng đang tiến hành khảo sát nhằm mở rộng diện tích trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ với diện tích khoảng 50ha. Sản xuất theo hướng hữu cơ là xu thế phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập, đáp ứng nhu cầu về sản xuất nông sản thực phẩm an toàn cho thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Việc sử dụng phân bón, thuốc kích thích một cách thiếu kiểm soát đã dẫn đến những thiệt hại không nhỏ trên các vườn cây ăn trái. Những thiệt hại mang tính đồng loạt sau thời gian các nhà vườn chạy theo sản lượng đã làm cho hầu hết vườn cây bị suy kiệt khó khôi phục.

Có thể nói, khôi phục hay trồng mới theo hướng canh tác hữu cơ sẽ góp phần vực dậy một trong những vùng trồng cây ăn trái trọng điểm của tỉnh theo xu hướng phát triển bền vững, trước mắt là khôi phục lại vùng chuyên canh cam xoàn đặc sản tại vùng đất Mỹ Tú.

Tuyết Xuân

Phát triển cây ăn quả tại Hà Nội: Hình thành vùng đặc sản

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Hiện nay, tại một số địa phương, nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây ăn quả nhưng không theo quy hoạch, dẫn tới tình trạng cung vượt cầu. Mặt khác, một số vùng trồng cây ăn quả chưa được đầu tư về khoa học kỹ thuật cũng như xây dựng thương hiệu nên năng suất, chất lượng, giá bán thấp... Đâu là giải pháp để hình thành những vùng trồng cây ăn quả đặc sản theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường?

Hệ lụy từ việc chạy theo phong trào

Gia đình ông Hoàng Văn Khánh ở xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ) trồng 70 gốc bưởi, mỗi năm sau khi trừ chi phí, thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng. Theo ông Khánh, do thiếu vốn và chưa có quy trình sản xuất theo hướng an toàn nên gia đình ông và nhiều hộ dân khác vẫn dựa vào kinh nghiệm là chính. Mặt khác, khi thấy thu nhập từ trồng cây ăn quả cao hơn so với trồng rau màu, nhiều hộ dân ồ ạt chuyển sang trồng bưởi nên giá bán một vài năm nay giảm so với trước khoảng 10%.

Chăm sóc cây ăn quả tại xã Kim An (huyện Thanh Oai). Ảnh: Thái Hiền

Còn theo ông Nguyễn Văn Can ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai), trước đây gia đình ông có một mẫu đất trồng hoa màu, khi thấy các hộ xung quanh chuyển sang trồng cam Canh nên cũng đầu tư khoảng 200 triệu đồng để đổ đất trồng loại cây này. Do chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc nên khi cây cho quả, chất lượng không đồng đều, bán chỉ khoảng 20.000 đồng/kg-25.000 đồng/kg, trong khi các hộ trồng cam Canh ở nơi khác bán tại vườn từ 35.000 đồng/kg đến 45.000 đồng/kg.

Nói về việc phát triển cây ăn quả ở địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn cho biết: "Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả với diện tích gần 900ha ở các xã Vân Hà, Thanh Đa, Hiệp Thuận… Tuy nhiên, có một thực tế là nông dân trồng cây ăn quả theo phong trào, không tìm hiểu nhu cầu thị trường… Mặt khác, do chưa có thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu vẫn bán qua thương lái nên khi vào vụ thu hoạch thường bị ép giá".

Do không tính toán căn cơ nên người nông dân chịu không ít rủi ro và chưa thể thoát được cái vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”. Nhận định về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội có khoảng 17.000ha cây ăn quả, chủ yếu là bưởi, cam, nhãn, chuối... Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả còn phân tán, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn nên rất khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng như tổ chức liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Mặt khác, người dân chưa quan tâm tới việc sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm… Do đó, sản xuất cây ăn quả của Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức.

Lựa chọn loại cây chủ lực

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1.384ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao và tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao chiếm 15-20% tổng giá trị sản xuất cây ăn quả toàn thành phố. Thành phố cũng khuyến khích phát triển các vùng cây ăn quả sản xuất theo hướng tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu, như: Mỹ, châu Âu... Để thực hiện mục tiêu đó, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo ông Phạm Văn Mạnh ở xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức), nông dân mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó là hình thành các vùng trồng cây ăn quả hình thành thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cũng như tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm...

Từ góc độ của nhà quản lý ở địa phương, ông Nguyễn Tiến Hoàng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, huyện sẽ phát triển các vùng cây ăn quả tập trung có quy mô từ 20ha trở lên tại các xã, thị trấn: Đông Dư, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Trâu Quỳ, Kim Sơn, Phú Thị, Lệ Chi, Cổ Bi, Phù Đổng, Trung Mầu, tập trung vào các loại cây cam, chanh, bưởi, ổi, táo… Gia Lâm sẽ tạo điều kiện về đất đai, nguồn vốn cho những nông dân có khả năng và nhu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp thông qua việc giao đất, cho thuê đất trong vùng phát triển cây giống, cây ăn quả.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở và các địa phương phối hợp chọn một số chủng loại cây ăn quả chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng chỉ dẫn địa lý với một số loại cây ăn quả đặc sản; đồng thời nghiên cứu, nắm chắc tình hình thị trường, dự báo sản lượng tiêu thụ cụ thể và đưa vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ...

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, để cây ăn quả của Hà Nội phát triển bền vững, các địa phương cần chọn lựa loại cây đặc sản có lợi thế để tạo ra sản phẩm chủ lực, không nên phát triển ồ ạt dẫn tới tình trạng cung vượt cầu. Mặt khác, thành phố cần có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, làm đầu tàu dẫn dắt sản xuất.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Đối với một số loại cây ăn quả phát triển nhanh, có nguy cơ rủi ro về giá cả, tiêu thụ như cam, bưởi... cần tăng cường khuyến cáo nông dân không tăng diện tích khi chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; đồng thời rà soát, chuyển đổi cơ cấu, chủng loại cây ăn quả phù hợp với thị trường.

NGỌC QUỲNH

Bù Đăng (Bình Phước): Cà phê mất mùa, rớt giá

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Bù Đăng (Bình Phước) hiện có gần 103 ngàn ha đất trồng cây lâu năm. Trong đó, khoảng 59 ngàn ha cây điều, 1,3 ngàn ha hồ tiêu, hơn 31 ngàn ha cao su, 10 ngàn ha cà phê, còn lại là cây ăn trái. Hiện cà phê đang vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay sản lượng cà phê giảm, lại rớt giá nên nhiều người dân trên địa bàn huyện lo lắng thất thu so với mọi năm.

Ông Điểu Tang ở thôn 5, xã Minh Hưng lo lắng vì cà phê năm nay mất mùa, rớt giá

Anh Nguyễn Minh Sáu ở thôn 5, xã Minh Hưng cho biết: Hiện cà phê tươi thương lái mua 6 ngàn đồng/kg, tương đương 30 ngàn đồng/kg nhân. Với giá này, người trồng cà phê không có lãi. Vì vậy, dù đã vào vụ thu hoạch nhưng phần lớn nhà vườn chưa vội bán mà phơi khô, trữ hàng để chờ giá lên. Ông Điểu Tang ở thôn 5, xã Minh Hưng cho hay: Gia đình có 6 ha cà phê trồng xen dưới tán điều. Niên vụ 2018, trung bình mỗi héc ta đạt năng suất gần 7 tấn cà phê tươi. Năm nay dù mới bắt đầu vào vụ thu hoạch nhưng ước năng suất sẽ giảm hơn 30% so với năm trước.

Theo một số nông dân trồng cà phê, năm nay năng suất cà phê giảm nhiều, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết. Nắng hạn kéo dài nên nhiều vườn cà phê thiếu nguồn nước tưới; đến thời kỳ cây ra hoa, đậu trái lại gặp mưa lớn. Trong khi các vườn cà phê trên địa bàn huyện chủ yếu trồng xen dưới tán điều nên thiếu ánh sáng, sâu bệnh phát triển dẫn đến tỷ lệ đậu trái thấp.

Trước thực trạng cà phê mất mùa, rớt giá; các mặt hàng nông sản khác như tiêu, điều, cao su... giá cũng chưa nhích lên khiến nhiều nông hộ gặp khó trong tái đầu tư, sản xuất. Do đó, nông dân mong chính quyền và doanh nghiệp tăng cường hỗ trợ vốn, khoa học, kỹ thuật để cải thiện năng suất, tái phát triển sản xuất, tránh tình trạng chặt bỏ vườn khi nông sản mất giá.

Xuân Túc

Phú Yên: Triển khai mô hình quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên thực hiện mô hình thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn gây hại tại xã Ea Trol (huyện Sông Hinh). Mô hình triển khai từ tháng 4, trên diện tích 10ha, với 10 hộ dân tham gia. Giống sắn trồng tại mô hình là giống KM140 sạch bệnh.

Kết quả mô hình sau 5 tháng, cây sắn sinh trưởng tốt, chiều cao cây khoảng 1,8-2m, tỉ lệ bệnh khảm lá rất thấp (2%). Trong khi đó, ở ruộng nông dân ngoài mô hình trồng giống KM419 và KM94, tỉ lệ nhiễm bệnh khảm lá cao, từ 30-80%. Dự kiến mô hình trồng giống sắn KM140 trồng 9 tháng thu hoạch, năng suất củ tươi đạt 38 tấn/ha, cao hơn ruộng của nông dân trồng ngoài mô hình10 tấn/ha.

LÊ TRÂM

Nguy cơ thiếu nước vụ tỏi đông xuân ở huyện đảo Lý Sơn

Nguồn tin: VOV

Bà con nông dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lo nguy cơ thiếu nước tưới cho vụ tỏi đông xuân 2019 – 2020.

Vụ tỏi đông xuân 2019 - 2020, huyện Lý Sơn xuống giống hơn 330ha. Chi phí đầu tư sản xuất vụ tỏi năm nay tăng khoảng hơn 5% so với mọi năm. Bà Võ Thị Mai, ở xã An Hải, huyện Lý Sơn cho biết, dự báo năm nay sẽ hạn nặng nên bà con cũng lo không có nước tưới, tỏi mất mùa.

“Theo dự báo, năm nay thời tiết không thuận lợi nên bà con lo không có nước tưới. Không có nước tưới, tỏi không phát triển được nên mất mùa”, bà Mai nói.

Đến thời điểm này, nông dân huyện Lý Sơn đã xuống giống được 80% diện tích trồng tỏi. Năm nay, thời tiết ít mưa nên vụ tỏi đông xuân có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng.

Xuống giống tỏi vụ đông xuân.

Anh Bùi Kim Thiết ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Nguồn nước tưới tỏi đang thiếu trầm trọng. Phải nhờ cấp trên các huyện, xã tạo điều kiện cho dân tìm nguồn nước, chỉ có đào giếng còn nếu đóng giếng thì nhiễm mặn toàn bộ”.

Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vụ tỏi đông xuân hàng năm thường bị thiếu nước. Vụ tỏi đông xuân này, huyện khuyến cáo nông dân dùng thiết bị phun tưới vừa đều vừa đủ, không nên tưới thủ công bằng ống trực tiếp. Thời gian tưới cũng nên linh hoạt theo thời gian sinh trưởng của cây.

Ông Nguyễn Đình Trung cho hay: “Có những giải pháp cho bà con tưới tiêu tiết kiệm. Lý Sơn có hồ nước Thới Lới thì nên tập trung khai thác đảm bảo hiệu quả để tưới tiêu cho bà con. Huyện đang triển khai dự án thay bể nước tưới tiết kiệm nước sinh hoạt, vừa để cung cấp cho hàng nghìn người và vừa để cung cấp cho khoảng 80ha đất nông nghiệp. Nếu dự án hoàn thành, sẽ góp phần hạn chế nắng hạn cho cây tỏi vụ đông xuân này”./.

Hữu Danh/VOV-Miền Trung

Nông dân lại thêm gánh nặng vì phân bón tăng giá

Nguồn tin:  Báo Đắk Nông

Bên cạnh các chi phí về xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công lao động… giá phân bón vài năm trở lại đây cũng liên tục tăng cao. Trong khi đó, giá nông sản lại giảm mạnh, khiến nông dân càng gặp nhiều khó khăn hơn trong đầu tư sản xuất.

Hợp tác xã Tam Nông (thị xã Gia Nghĩa), đã nhập phân bón với giá gốc để cung cấp cho xã viên

Thời điểm này, nông dân trên địa bàn Đắk Nông đang bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2019-2020. Thế nhưng khi nhẩm tính lại giá “đầu vào” trên mỗi ha cà phê, nhiều người không khỏi lo lắng.

Ông Trần Văn Ca, một hộ trồng cà phê ở thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) cho biết: “Mấy năm nay, giá phân bón tăng từ 5.000-25.000 đồng/bao (50 kg) tùy từng loại. Mỗi năm tôi thường bón từ 3-4 đợt phân, mỗi đợt 10 bao, như vậy giá thành cũng đội lên khá cao”.

Theo ông Ca, từ đầu năm 2019, giá các loại phân thông dụng bón cho cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái tại địa phương bỗng tăng vọt so với trước. Cụ thể, phân NPK 16-16-8, có giá 500.000 đồng/bao, tăng 25.000 đồng so với niên vụ cà phê 2018; phân DAP có giá 750.000 đồng/bao, tăng 15.000 đồng; Ka li đỏ 340.000 đồng/bao, tăng 10.000 đồng…

Còn gia đình ông Kỳ Lập Phong, ở tổ dân phố, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) trồng trên 2 ha cà phê. Gần đây, ông Phong thuê đất liên kết với các trại nuôi bò sữa ở tỉnh Gia Lai để trồng thêm gần 30 ha bắp lấy cây.

Ông Phong cho biết: Hằng năm, cứ vào mùa mưa, tôi mua 20 bao phân NPK để chăm sóc cho 1 ha cà phê. Năm nay, giá cà phê xuống thấp, trong khi giá phân bón lại tăng cao nên thu nhập từ hạt cà phê cũng giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, do đồng vốn hạn hẹp, tôi phải ứng trước hàng chục tấn phân bón từ các đại lý với lãi suất cao để bón cho bắp, nên chi phí phân bón cho mỗi ha bắp tăng cả chục triệu đồng, rất khó.

Còn gia đình ông Lê Văn Mỹ, ở tổ dân phố 7, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) cũng canh tác trên 1,5 ha cà phê. Trong thời gian vừa qua, mỗi đợt bón phân gia đình ông đều dè dặt hơn so với trước đây. Ông Mỹ chia sẻ: “Dù biết năng suất của vườn cây phụ thuộc vào chế độ chăm sóc, lượng phân bón đủ để cây sinh trưởng cho trái, nhưng do tình hình phân tăng giá nên tôi buộc phải cắt giảm bớt”.

Cắt giảm lượng phân bón cũng diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua khi nông sản rớt giá, thị trường các loại vật tư nông nghiệp tăng cao khiến cho hoạt động sản xuất của bà con bị ảnh hưởng theo. Qua tìm hiểu, ở các niên vụ trước, trung bình người trồng cà phê bón 1 bao phân cho 1 sào đất, chủ yếu là NPK hay phân trộn gồm kali, urê, SA (mùa khô bón 1 đợt, mùa mưa 3 đợt). Năm nay, giá cà phê hạ thấp nên người trồng bón phân ít đi. Bởi vì, theo bà con giá phân bón tăng cao cộng với các khoản chi phí khác nếu đầu tư nhiều sẽ không có lãi.

Theo ông Nguyễn Đình Ngân, chủ doanh nghiệp chuyên nhập khẩu phân gà nở từ Nhật Bản để cung cấp cho các tỉnh Tây Nguyên, phân bón xuất kho ra thị trường đều có giá vừa, nhưng có không ít đại lý tự nâng giá lên khá cao. Nhất là tại ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa thì việc tự nâng giá phân càng không kiểm soát được.

Mặt khác, hiện nay phân bón tăng giá một phần nguyên nhân là qua nhiều đầu mối đại lý bán lẻ và cước vận chuyển cao. Ông Ngân dẫn chứng: “Đơn cử như sản phẩm phân gà nở nhập về từ Nhật Bản, khi về đến cảng giá chỉ có 3.000 – 3.500 đồng/kg, nhưng vận chuyển về đến Đắk Nông giá bán đã lên đến 7.000 đồng”.

Không chỉ vậy, cũng cùng loại phân gà nở, nhưng sau khi chạy một vòng từ thành phố Hồ Chí Minh lên Lâm Đồng rồi sang huyện Đắk Song có lúc giá bị thổi lên đến 9.000 đồng/kg. Như vậy, sau khi chuyền tay qua vài đại lý, giá phân gà nở Nhật Bản tăng lên gấp 3 lần và mỗi đầu mối phân phối kiếm lời trên 2.000 đồng/kg.

Từ bối cảnh thị trường phân bón như hiện nay, nhiều hộ nông dân tỏ ra lo lắng vì không biết mùa vụ tới giá phân bón sẽ tăng, giảm như thế nào? Bởi chỉ còn hơn một tháng nữa, khi hái cà phê xong, bà con sẽ tiến hành bón phân đợt 1, chăm sóc vườn cây sau thu hoạch...

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nông dân cải tiến máy tuốt đậu phộng

Nguồn tin:  Báo Khánh Hòa

Ông Lưu Quang Trương (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vừa đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (2018 - 2019) với sáng kiến cải tiến máy tuốt đậu phộng. Đây là lần thứ 3 ông Trương đoạt giải.

Hoàn thành trong 20 ngày

Những năm gần đây, trên địa bàn xã Cam An Nam và các xã lân cận, việc chuyển đổi, luân canh cây trồng trên đất mía phát triển mạnh, chủ lực là cây đậu phộng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với người trồng đậu là mất nhiều công lao động để lặt đậu. Trong khi đó, trên thị trường có bán nhiều loại máy tuốt đậu nhưng giá thành cao. Chính vì vậy, ông Trương đã nghiên cứu, cải tiến máy tuốt đậu để giúp nông dân.

Máy tuốt đậu phộng của ông Lưu Quang Trương.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, cải tiến các loại máy móc, ông chỉ mất 20 ngày để hoàn thành máy tuốt đậu. Theo ông, hiện nay, trên mạng có quảng cáo máy tuốt đậu nhưng chỉ có 3 thanh sắt làm trụ tuốt nên rất nguy hiểm cho tay người thao tác. Bên cạnh đó, máy dùng cây sắt làm dây tuốt nên tuốt đậu không sạch. Máy do ông cải tiến có một số bộ phận chủ yếu như: khung sườn, trục tuốt, trụ tuốt, khoen tuốt, đặc biệt là dây tuốt làm bằng 12 dây cước, nơi củ đậu tiếp xúc trực tiếp và được bứt ra. Ngoài ra, máy còn có bầu thổi rác, cánh quạt, máng hứng đậu, sử dụng động cơ điện hay máy nổ... Máy có chiều dài trục tuốt 1,2m nên làm việc tốt hơn. Năng suất máy cải tiến cao gấp 3 lần máy rao bán trên mạng.

Máy tuốt do ông Trương cải tiến có khả năng tuốt được 1,2 - 1,5 tấn đậu/8 giờ. Hạt đậu không bị vỡ, tỷ lệ sạch đạt 98%. Máy có kích thước gọn nhẹ, dễ vận chuyển, tháo lắp, sửa chữa, tận dụng được vật liệu từ phế liệu địa phương nên giá thành thấp, chỉ 4 triệu đồng/máy (máy rao bán trên mạng có giá từ 6,5 đến 9 triệu đồng/chiếc); năng suất lao động gấp 10 lần so với lao động thủ công.

Thời gian qua, ông Trương đã cải tiến được 5 máy, trong đó có 4 máy đang phục vụ tại các cánh đồng Cam An Nam và một số nơi tại Cam Lâm, Cam Ranh vào mùa thu hoạch đậu. Theo tính toán, máy cải tiến giảm được 2/3 chi phí tiền và công lao động, tương đương 5 công và 1,3 triệu đồng/1.000m2.

“Cây” sáng chế

Bà Triệu Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam An Nam: Ông Trương tuy là nông dân nhưng rất am hiểu về cơ khí, ông đã có nhiều cải tiến có giá trị phục vụ công việc của nhà nông. Gia đình ông là gia đình văn hóa, có nhiều đóng góp cho hoạt động hội và chính quyền địa phương.

Được biết, ông Trương chỉ mới học hết lớp 3 nhưng lại có năng khiếu về cơ khí. Lớn lên, ông làm việc cho một xưởng cơ khí tại Mỹ Ca (TP. Cam Ranh), thường xuyên làm việc với máy móc nên rất vững về nguyên lý máy độ chế nhiều cải tiến khiến nhiều người thán phục.

Thời gian qua, ông đã cải tiến rất nhiều máy, như: Cối nhồi đường kết tinh; máy cày tay bằng bánh xe đạp; máy hút đường dùng lưỡi khoan xoắn; con đội đá; máy cày sử dụng máy nổ động cơ Honda; máy phát cỏ kết hợp xới cỏ; máy ép dầu bằng tay sau cải tiến ép bằng máy; máy tuốt đậu... Đặc biệt, các máy móc cải tiến đều có giá thành rẻ, tận dụng vật liệu cũ, nâng cao công năng so với máy móc cùng loại bán trên thị trường mà lại gần gũi với các hoạt động nhà nông. Đến nay, ông đã tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh 3 lần, trong đó 2 lần đạt giải khuyến khích, 1 lần đạt giải ba.

V.L

Đắk Nông: Nông dân lại gặp khó vì gia cầm ‘rớt giá’

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Khoảng 3 tháng nay, giá cả các loại gia cầm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giảm mạnh, khiến hầu hết người chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn trong việc duy trì, phát triển sản xuất.

Gia đình chị Trần Thị Hương, thôn 2, xã Tâm Thắng (Cư Jút) hiện có đàn gà lai chọi hơn 200 con. Chị Hương cho biết, giá bán gà thịt hiện chỉ ở mức 60 ngàn đồng/kg, thấp hơn so với 3 tháng trước khoảng 20 ngàn đồng/kg. Nếu tính toán, nuôi được 1 con gà trưởng thành mất 3 tháng (trọng lượng khoảng 2,5 kg), với mức giá hiện nay thì bán được 150.000 đồng. Trừ hết các chi phí thức ăn, tiền giống, công chăm sóc thì mỗi con chỉ thu lãi khoảng 30.000 đồng, chẳng bõ bèn vào đâu.

Mỗi ngày gia đình chị Trần Thị Hương, xã Tâm Thắng (Cư Jút) chi cả triệu đồng tiền mua thức ăn cho đàn gà hơn 200 con

Chị Hương chia sẻ: Đầu năm tôi chỉ nuôi khoảng 100 con, nhưng cuối năm nghĩ là sẽ bán dịp tết thu lời khá hơn nên tăng đàn, không ngờ đến cuối năm giá đi xuống thế này, gia đình phải chịu nhiều khó khăn, chủ yếu bỏ công làm lãi. Thực tế lúc này gia đình cũng thiếu chi phí mua thức ăn cho đàn gà. Với số lượng gà này, hàng ngày tôi phải mất khoảng 1 triệu đồng tiền thức ăn, cộng với chi phí các loại thuốc, vắc xin phòng bệnh định kỳ.

Theo ông Đỗ Duy Nam, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút, những năm qua, chăn nuôi gia cầm được các hộ dân trên địa bàn chú trọng nhằm đa dạng thu nhập. Năm nay, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lây lan trên địa bàn huyện, nhiều hộ chuyển hướng sang chăn nuôi gà, vịt nên đàn gia cầm của địa phương có xu hướng tăng. Hiện tổng đàn gia cầm toàn huyện hơn 306.600 con.

Không chỉ ở Cư Jút, qua tìm hiểu, tình trạng các sản phẩm gia cầm giảm giá xảy ra ở khắp các địa phương trong tỉnh. Theo chị Nguyễn Thị Ly, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa), gia đình đã duy trì việc nuôi gà công nghiệp lấy trứng khoảng 5 năm nay. Chưa lúc nào chị gặp cảnh giá trứng xuống thấp như hiện nay. Hiện chị bỏ mối cho tiểu thương, quán ăn, nhà hàng ở mức 17 ngàn đồng/1 chục trứng gà, thấp hơn nhiều so với thời điểm giữa năm 2019.

Cách đây khoảng 1 tháng có lúc giá còn xuống mức 14 - 15 ngàn đồng/chục trứng, giảm khoảng 5-7 ngàn đồng/chục so với trung bình nhiều năm trước. Với mức giá này thì chúng tôi không có lãi, đã thế việc tiêu thụ cũng chậm nên gia đình gặp nhiều khó khăn để bảo đảm tiền thức ăn cho gà hoặc duy trì và tái đàn. (Chị Nguyễn Thị Ly, phường Nghĩa Đức, Gia Nghĩa)

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2019 là hơn 2,2 triệu con, đạt 98% kế hoạch năm, tăng hơn 47.000 con so với cùng kỳ năm 2018. Việc tổng đàn gia cầm tăng được ngành Nông nghiệp tỉnh lý giải do nông dân, doanh nghiệp tăng đàn, mở rộng quy mô sản xuất.

Thời gian qua, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm gia cầm của người dân có tăng nhưng không tăng cao. Trong khi tổng đàn lại tăng cao dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, đẩy giá gia cầm và sản phẩm gia cầm đi xuống. Việc này còn do ảnh hưởng của thị trường trong nước khi những tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập số lượng lớn các sản phẩm thịt gia cầm, nhất là thịt gà, làm cho giá bán sản phẩm gia cầm trong nước đi xuống.

Trứng gà, vịt bán trên thị trường Gia Nghĩa giảm khoảng 2.000-5.000 đồng/chục trứng

Trong hoàn cảnh này, ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn khuyến cáo nông dân khắc phục khó khăn duy trì đàn, không bán tháo sản phẩm, kiên trì thực hiện các biện pháp kỹ thuật về phòng bệnh, bảo đảm an toàn sinh học cho gia cầm. Các cấp, ngành tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi cách chăn nuôi gia cầm của Nhân dân. Trong đó, bà con chú ý đến các nội dung như khi sử dụng giống gia cầm phải biết rõ nguồn gốc, các sản phẩm gia cầm phải qua kiểm dịch, không tiêu thụ các sản phẩm gia cầm bị bệnh.

Các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm tạo môi trường chăn nuôi an toàn cho gia cầm phát triển gắn với việc kiểm dịch việc vận chuyển, giết mổ, tiêm vắc xin phòng cúm - loại bệnh phổ biến nhất, gây hại lớn với gia cầm. Về lâu dài, ngành Nông nghiệp Đắk Nông đang tiến hành xây dựng vùng, cơ sở an toàn về cúm gia cầm nhằm mục tiêu khuyến khích các trại chăn nuôi gia cầm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Cà Mau: Tổng đàn gia cầm tăng đột biến

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết; đang trong lúc dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp và lây lan nhanh. Tỉnh thực hiện chủ trương giết mổ giảm tổng đàn heo, đồng thời khuyến khích người nuôi không tái đàn heo chờ dịch đi qua.

Trong thời điểm này nhiều hộ chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm, khiến tổng đàn gia cầm tăng đột biến. Theo thống kê vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, tổng đàn gia cầm trong toàn tỉnh hiện trên 3.400.000 con, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, đây cũng chính là nguyên nhân khiến giá thịt heo tăng cao qua từng ngày và vượt mức kỷ lục nhiều năm qua. Bên cạnh đó thì giá cả gà, vịt lại quay đầu giảm mạnh đây chính là hệ lụy của việc cung vượt cầu.

Thực hiện chủ trương giảm đàn heo, khuyến khích người nuôi không tái đàn heo chờ dịch đi qua nhiều hộ chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm, khiến tổng đàn tăng đột biến.

Ngoài nguồn cung tại thị trường nội địa tăng mạnh, lượng gà nhập khẩu về nhiều với giá rẻ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới giá gà giảm mạnh trong thời gian qua.

Vì vậy, để tránh rơi vào cảnh cung vượt cầu, người chăn nuôi nên nắm bắt thông tin thị trường để tái đàn, không nên làm theo phong trào. Các địa phương cần thúc đẩy sản xuất gia cầm theo quy hoạch, không phát triển tràn lan. Theo đó, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để hướng tới thị trường xuất khẩu.

Trung Đỉnh

Chất lượng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi chưa bảo đảm

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh, vừa qua, Chi cục đã lấy 30 mẫu thuốc thú y và 60 mẫu thức ăn chăn nuôi tại 52 cửa hàng kinh doanh hai sản phẩm này để đưa đi kiểm nghiệm.

Cửa hàng thuốc thú y Kim Sang (tại xã An Cơ, huyện Châu Thành) vừa bị xử phạt hành chính về kinh doanh thuốc thú y có hàm lượng thuốc ngoài mức giới hạn cho phép.

Kết quả có 5 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi có hàm lượng protein không đạt so với công bố chất lượng và 10 cửa hàng kinh doanh thuốc thú y có hàm lượng thuốc ngoài mức giới hạn cho phép.

Chi cục đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở trên, với mức tiền từ 5.500.000 đồng đến 17.500.000 đồng; có 3 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi bị phạt cảnh cáo.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y yêu cầu các cơ sở vi phạm trong kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi phải khắc phục hậu quả, phối hợp cơ sở sản xuất để thu hồi, tái chế thuốc thú y có hàm lượng thuốc ngoài mức giới hạn cho phép so với hàm lượng ghi trên nhãn.

NGUYÊN VŨ

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop