Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 11 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 11 năm 2020

Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam Hưng Yên

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Cam Hưng Yên là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, có hương vị thơm, ngọt đặc trưng, từ lâu được người tiêu dùng ưa chuộng. Tháng 5 vừa qua, sản phẩm cam Hưng Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Đây là bước đột phá trong tiếp cận thị trường trong và ngoài nước đối với sản phẩm cam Hưng Yên, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế địa phương.

Gia đình anh Dương Văn Độ (thành phố Hưng Yên) thu hoạch cam

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 2000ha trồng cam, tập trung nhiều ở các xã: Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), Tam Đa (Phù Cừ), Đồng Thanh (Kim Động), Đông Tảo (Khoái Châu) và một số xã của huyện Văn Giang. Cam Hưng Yên chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi tại các chợ đầu mối, cơ sở bán lẻ trong và ngoài tỉnh; một số ít được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn ở thành phố Hà Nội. Cam Hưng Yên có vị ngọt, thơm đặc trưng khác với các vùng trồng cam khác. Những năm qua, để xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm cam của các địa phương, tỉnh đã hoàn thành đăng ký nhãn hiệu bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này, gồm: Cam Quảng Châu, cam Đông Tảo, cam Đồng Thanh.

Năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai dự án tạo lập, đăng ký và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cam Hưng Yên cho sản phẩm cam của tỉnh. Ngày 6.5.2020, sản phẩm cam Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, góp phần bảo vệ vùng sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân địa phương.

5 hợp tác xã được trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận là: Hợp tác xã sản xuất rau quả và dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh (Kim Động), Hợp tác xã nông sản Phú Quý (Khoái Châu), Hợp tác xã nông nghiệp Ngũ Phúc (Phù Cừ), Hợp tác xã sản xuất rau củ quả an toàn Văn Giang (Văn Giang), Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản chất lượng cao Quảng Châu (thành phố Hưng Yên).

Đồng chí Trần Tùng Chuẩn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Cùng với hoạt động đăng ký và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cam Hưng Yên, hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ thường xuyên phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bảo vệ thực vật đối với cây cam. Đặc biệt, sở chú trọng triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu đối với sản phẩm cam Hưng Yên.

Xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) có 56ha trồng cam, trong đó có 32,5ha của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản chất lượng cao Quảng Châu được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời điểm này, một số vườn cam của xã đã bắt đầu thu hoạch. Theo các nhà vườn, đến cuối tháng 9 cam mới chín rộ và mùa thu hoạch kéo dài đến tháng 12 âm lịch. Anh Dương Văn Độ, chủ vườn cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn 4, xã Quảng Châu cho biết: “Gia đình tôi trồng được 4 mẫu cam Hưng Yên. Nhờ thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên năm nào vườn cam nhà tôi cũng được nhiều khách hàng đến mua, sản lượng tiêu thụ ổn định. Năm nay được mùa, sản lượng cam tại vườn nhà tôi dự kiến thu hoạch cao hơn năm trước.

Những năm qua, nông dân trồng cam trong tỉnh đã nhận được nhiều hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương. Cùng với hoạt động đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, hàng năm, tỉnh chú trọng đến công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam Hưng Yên. Các hoạt động quảng bá, giới thiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam Hưng Yên đã góp phần không nhỏ trong việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cam địa phương. Năm 2019, tại 2 sự kiện: Phiên chợ Cam Hưng Yên tổ chức tại khu đô thị Ecopark (Văn Giang) và Tuần lễ cam và nông sản Hưng Yên tại Hà Nội năm 2019, các nhà vườn trong tỉnh đã tiêu thụ được gần 80 tấn cam với giá bán trung bình 40 nghìn đồng/kg. Không chỉ giới thiệu, quảng bá sản phẩm cam Hưng Yên tại các chương trình xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức, các ngành chức năng còn hỗ trợ người dân tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại nông sản do các bộ, ngành Trung ương tổ chức và phối hợp tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm hàng nông sản tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bước vào vụ cam năm nay, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiêu thụ cam cho nông dân. Theo kế hoạch, nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ cam sẽ được tổ chức như: Phiên chợ cam Hưng Yên tại khu đô thị Ecopark, Tuần lễ cam và nông sản Hưng Yên tại Hà Nội... Đồng chí Vũ Cảnh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Xúc tiến tiêu thụ cam Hưng Yên là chủ trương được tỉnh và ngành Công Thương triển khai thực hiện trong nhiều năm nay thông qua các lễ hội, hội chợ, phiên chợ giới thiệu sản phẩm cam Hưng Yên trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm cam của tỉnh thuận lợi hơn…

Minh Huấn

Hậu Giang: Giá mãng cầu xiêm đầu vụ 24.000 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Ông Trần Văn Ửng, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), vừa thu hoạch 300kg mãng cầu xiêm, phấn khởi cho biết: Những ngày qua, mãng cầu xiêm liên tục tăng giá, hiện bán cho thương lái mãng cầu loại 1 được 20.000-24.000 đồng/kg, mãng cầu loại 2 bán 10.000-12.000 đồng/kg và mãng cầu cân xô được 15.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Với giá bán như hiện nay, mỗi lứa thu hoạch gia đình ông Ửng thu nhập trên 4 triệu đồng.

Thương lái mua mãng cầu xiêm tại.

Toàn huyện Phụng Hiệp hiện có gần 320ha mãng cầu xiêm, trong đó xã Hòa Mỹ có trên 200ha. Mặc dù mãng cầu xiêm tăng giá, nhưng hiện nhà vườn không có nhiều để bán cho thương lái, bởi một phần do nhà vườn chủ động để trái muộn và một số diện tích bị ảnh hưởng bởi triều cường dâng cao.

Tin, ảnh: LÊ ĐĨNH

Diện tích cây ăn trái tăng ‘nóng’

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu “ồ ạt” chuyển qua trồng các loại cây ăn trái, khiến diện tích của loại cây này tăng “nóng”. Nguy cơ cung vượt cầu sẽ xảy ra nếu không có định hướng, khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Cũng giống như nhiều hộ khác tại địa phương, ông Nguyễn Hữu Thắng (ấp Liên Đức, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng tiêu sang trồng cây bơ.

Ồ ẠT TĂNG DIỆN TÍCH CÂY ĂN TRÁI

Gia đình ông Nguyễn Hữu Thắng, ấp Liên Đức, xã Xà Bang, huyện Châu Đức nhiều năm gắn bó với cây tiêu. Tuy nhiên, năm 2015 khi vườn tiêu già cỗi, bị chết hàng loạt do nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, ông đã chuyển hết 1,5ha sang trồng bơ. Theo ông Thắng, lúc bấy giờ, thấy người ta trồng bơ cho thu nhập cao nên ông mạnh dạn chuyển đổi hết số diện tích đang trồng tiêu cho hiệu quả kém. Sau gần 6 năm chuyển đổi, hiện vườn bơ của gia đình đã cho thu hoạch, với năng suất 10 tấn/vụ, lợi nhuận đạt khoảng 100 triệu đồng/năm.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hạnh, thôn Tân Hưng, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, cũng đã chuyển đổi 1/3 diện tích trồng tiêu sang trồng sầu riêng. Bà Hạnh chia sẻ, ngay khi giá tiêu “lao dốc”, tiêu ứ đọng, không bán được, gia đình bà thiếu vốn để tái đầu tư, khiến nhiều gốc tiêu đã bị bệnh chết nhanh, chết chậm, với diện tích lên đến 7.000m2. Thấy lợi nhuận từ cây tiêu không còn cao, gia đình bà Hạnh quyết định vay vốn chuyển đổi số diện tích 7.000m2 này sang trồng 300 gốc sầu riêng. Mặc dù, chi phí đầu tư ban đầu cho việc chuyển đổi sang cây sầu riêng không hề nhỏ, thời điểm bà chuyển đổi, riêng tiền giống là 160.000 đồng/cây, chưa kể chi phí phân, công lao động…. Song thấy nhiều hộ tại địa phương trồng có hiệu quả, bà quyết định chuyển đổi. Theo bà Hạnh, sở dĩ bà chọn cây sầu riêng bởi đây là loại trái cây hiện đang có giá nhất thị trường.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, hiện nay diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện là 3.852ha, tăng 950ha so với cùng kỳ năm trước. Các loại cây ăn trái trên địa bàn huyện là mít, bơ, sầu riêng, đu đủ, bưởi, chuối…. Trong đó, bơ và sầu riêng chiếm diện tích lớn nhất. Riêng tại xã Xà Bàng, ông Nguyễn Đóa, Chủ tịch Hội Nông dân xã thông tin, khoảng 4 năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi gần hết diện tích trồng tiêu và trồng điều, với khoảng gần 650ha sang trồng các loại cây bơ, sầu riêng và mít. Trong đó, bơ là loại cây được nhiều người chuyển sang trồng nhất với khoảng 600ha.

Không riêng gì huyện Châu Đức, tại TX. Phú Mỹ diện tích trái cây cũng đang tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Ông Dương Văn Tèo (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ) cũng chuyển đổi từ vườn cây kém hiệu quả sang trồng gần 1ha bưởi da xanh. Ông Tèo cho biết, nhờ đặc điểm đất đai, khí hậu tại địa phương phù hợp nên bưởi cho năng suất tốt, trung bình 20-25 tấn/ha, giá bán cũng luôn ở mức cao, 30-70 ngàn đồng/kg tùy thời điểm. Nhờ đó, trừ chi phí mỗi năm nông dân trồng bưởi có thể thu được khoảng 500-600 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, hiện thị trường tiêu thụ của loại trái cây này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, đầu ra thiếu ổn định.

Nông dân huyện Xuyên Mộc thu hoạch nhãn.

RỦI RO CAO

Diện tích tăng là thế, song mùa thu hoạch bơ năm nay, hàng trăm hộ dân trồng bơ trên địa bàn tỉnh đã rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi giá bơ xuống thấp còn ½ so với năm ngoái. Theo chia sẻ của nhiều hộ trồng bơ trên địa bàn huyện Châu Đức, nếu như năm ngoái, giá bơ khá cao từ 35-40.000 đồng/kg, thì năm nay do sản lượng bơ nhiều, cộng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá hạ xuống còn khoảng 15-20.000 đồng/kg. Trong khi đó, vài năm trở lại đây cây bơ bị nhiều loại bệnh tấn công và rất khó trị. Chính vì vậy, đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của bơ, chi phí của người trồng cũng vì thế mà tăng cao, không còn dễ.

Cùng với cây bơ, hiện tại nhiều bà con trồng nhãn trên địa bàn huyện Xuyên Mộc cũng đang “điêu đứng” khi giá nhãn đang rớt ở mức kỷ lục khi chỉ còn 6.000-9.000 đồng/kg. Diện tích tăng nhanh, sản lượng lớn trong khi sức tiêu thụ chậm, thị trường tiêu thụ thiếu tính ổn định, thương lái ép giá, không ít hộ lâm vào cảnh nợ nần khi vay ngân hàng đầu tư.

Theo phản ánh của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh, trong khi các lại cây lâu năm như tiêu, cà phê, điều, cao su gặp khó khăn về đầu ra, giá cả thấp, bà con nông dân bắt đầu đua nhau chuyển đổi cây trồng. Thấy các loại cây như mít Thái, sầu riêng bơ… có giá cao, người dân ồ ạt trồng theo phong trào. Tuy nhiên, bản thân nhiều hộ nông dân cũng không hề tính toán về thị trường tiêu thụ của các sản phẩm trái cây sau khi chuyển đổi. Câu chuyện của cây chuối cấy mô và thanh long tại huyện Xuyên Mộc thời gian trước là minh chứng cho việc nông dân vẫn chạy theo phong trào, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nỗi lo về cơn khủng hoảng thừa nguồn cung từng diễn ra với thanh long, nhãn, chuối… hoàn toàn có thể tái diễn với nhiều loại cây ăn trái khác khi diện tích những cây trồng này không ngừng tăng nhanh.

CHÚ TRỌNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VƯỜN CÂY

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, diện tích trồng cây ăn trái liên tục tăng không chỉ riêng sầu riêng, bơ, bưởi da xanh, mà thời gian trước đây nhiều loại trái cây khác cũng liên tục được mùa, được giá. Cộng với việc một số cây công nghiệp lâu năm như hồ tiêu, cà phê, cao su gặp vấn đề về dịch bệnh, giá cả. Do vậy, bà con nông dân đã chuyển hướng qua mở rộng diện tích trồng cây ăn trái. Trong đó, các loại trái cây đặc sản như bưởi da xanh, sầu riêng, bơ... có tốc độ tăng “nóng”, lên đến hàng trăm ha. Thực tế cho thấy, lâu nay thói quen của nông dân là thấy ai trồng loại cây ăn trái nào “trúng” thì ùn ùn trồng theo. Chẳng bao lâu, thị trường bão hòa, giá cả xuống thấp, dịch bệnh liên miên… Còn loại cây nào có hiệu quả kinh tế cao thì “vắt” kiệt sức để thu lợi nhuận.

Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người dân, thay vì tăng diện tích trồng ồ ạt, bà con cần tiếp tục nâng cao chất lượng vườn cây, đăng ký sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và mở rộng sang các thị trường mới có tiềm năng trên thế giới. Bên cạnh đó, để giảm áp lực của tình trạng “được mùa, rớt giá”, nông dân nên chú trọng thực hiện việc rải vụ thu hoạch một số loại trái cây bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, đồng thời liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để có đầu ra ổn định, bền vững.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, nếu như diện tích trồng các loại cây ăn trái trên địa bàn tỉnh năm 2018 là hơn 9.000ha, năm 2019 là hơn 10.300ha thì đến nay diện tích trái cây trên địa bàn tỉnh đã là gần 12.000ha, tăng 1.566ha so với năm 2019.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

Lâm Đồng: Măng cụt sai trái trên đất Tân Lạc

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Giữa bạt ngàn cà phê có một vườn măng cụt sai trái, từ hàng chục năm nay mang lại no ấm cho người nông dân. Đó là vườn măng cụt của gia đình ông Vũ Hoàng Dũng, Thôn 1, xã Tân Lạc, Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng).

Ông Vũ Hoàng Dũng (phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây măng cụt

Khác với nhiều nông dân trong vùng thường gắn bó với cây cà phê, ngay khi định cư trên quê hương Bảo Lâm những năm 1990, ông Vũ Hoàng Dũng đã thử trồng ít cây măng cụt, giống cây vốn là đặc sản của xứ miền Tây Nam bộ sông nước. Măng cụt vốn lâu ra trái nhưng ông Dũng không nản lòng, vừa chăm vườn măng cụt, vừa trồng cà phê, rau màu để có thu nhập. Được chăm bón và hưởng khí hậu cao nguyên, vườn măng cụt ra trái vào năm thứ 7. Vậy là thành công, ông Dũng tiếp tục nhân rộng diện tích măng cụt vườn nhà. Hiện ông Dũng đang có vườn măng cụt trồng thuần trên 1 ha, với 120 cây đều đang cho trái, cây trồng lâu nhất đã ở tuổi 30, cây nhỏ nhất 16 năm.

Vừa tỉa lá cho măng cụt, ông Dũng cho biết: “Măng cụt ở Tân Lạc cho trái từ tháng 6 tới tháng 9 hàng năm, hơi lệch vụ so với các vùng măng cụt khác. Đất vùng này cũng hợp với cây măng, cây cho trái khá tốt. Như vụ năm 2018, 120 cây mà nhà tôi thu được 14 tấn trái, năng suất rất cao”. Ông Dũng cũng cho biết, măng cụt lâu ra trái và có một số bệnh cần chú ý như thán thư, sâu vẽ bùa, nhện đỏ. Khi cây đã lớn thì sức sống khỏe, cây bệnh, chết chủ yếu khi còn nhỏ. Muốn cây măng nhanh lớn, khi mới trồng cần hạn chế nắng, che lưới để giảm nhiệt, giảm ánh sáng, giúp cây phát triển. Vì vậy, chăm măng cụt phải có “nghề”, sử dụng phân bón phải đảm bảo chất lượng tốt, tránh cây xì mủ. Giống măng cụt ra trái keo kiểu năm được năm mất nên phải rất chú trọng tới kỹ thuật chăm bón, tạo tán, tránh để cây mất sức, suy kiệt.

Măng cụt Tân Lạc vì ra trái khá ngon, lại lệch vụ nên giá bán trên thị trường rất ổn. Như ông Vũ Hoàng Dũng, vườn măng nhà ông cho thu 12-14 tấn trái/năm, với giá bán trung bình 50 ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình thu xấp xỉ 450 triệu đồng/ha. Đặc biệt, chăm măng cụt cần kỹ thuật cao nhưng chi phí không quá tốn kém, công lao động không nhiều, rất phù hợp với nông hộ ít người. Cây không cần nhiều nước tưới, chỉ giữa mùa khô, khi đất quá hạn mới cần tưới 1 đến 2 lần là đủ cho cây măng vượt qua mùa khô. So với cây cà phê, cây măng cho thu nhập cao hơn nhiều lần.

Năm 2019, ông Vũ Hoàng Dũng đăng ký tiêu chuẩn VietGAP cho diện tích măng cụt của gia đình. Ông cho biết: “Trồng măng cụt theo VietGAP chú trọng đến chất lượng trái, bảo vệ môi trường. Cán bộ kỹ thuật đã đo đạc từ phân bón, chất đất, nước đạt chuẩn..., hướng dẫn kỹ thuật canh tác hạn chế thuốc trừ sâu, bệnh. Gia đình tôi được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận VietGAP”. Ông cũng cho biết, trước mình trồng theo quan điểm cá nhân, theo kinh nghiệm, nay kết hợp cùng tiêu chí khoa học, có chứng nhận đầy đủ để trồng ra những trái măng ngon, sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Viết Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm chia sẻ: “Gia đình anh Vũ Hoàng Dũng là hộ nông dân giỏi, tiến bộ trong sản xuất, sẵn sàng áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Vườn măng cụt của gia đình anh là một trong những mô hình trồng cây ăn trái thành công của xã Tân Lạc, cũng là một trong 3 hộ áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. Hiện toàn xã cũng có nhiều hộ canh tác trái cây như sầu riêng, bơ, măng cụt xen lẫn trong vườn cà phê, tăng thu nhập trên một diện tích đất và anh Dũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt với bà con”. Vườn măng cụt của ông Vũ Hoàng Dũng cho thấy, với sự mạnh dạn, sẵn sàng áp dụng cây trồng mới, kỹ thuật mới, người nông dân có thể làm giàu ngay từ mảnh đất quê hương.

DIỆP QUỲNH

Kiên Giang thay đổi cơ cấu giống lúa ‘vượt’ hạn mặn, được mùa được giá

Nguồn tin: VOV

Thời tiết diễn biến bất thường nhưng ngành nông nghiệp Kiên Giang đã bố trí cơ cấu giống lúa chất lượng phù hợp, đáp ứng với thực tế sản xuất ở từng địa phương.

Năm nay, dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất, bố trí lịch thời vụ sản xuất từng vụ lúa ở từng vùng và các tiểu vùng hợp lý, đặc biệt là cơ cấu giống lúa phù hợp. Nhờ vậy, tỉnh không bị ảnh hưởng nhiều bởi hạn hán, xâm nhập mặn và mưa lũ. Năm 2020, Kiên Giang ước đạt hơn 4,5 triệu tấn lúa, tăng 5,74% kế hoạch.

Trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã bố trí cơ cấu giống lúa chất lượng cao phù hợp, đáp ứng với thực tế sản xuất ở từng địa phương. Trên cơ sở đặc điểm nguồn nước của từng vùng, từng khu vực, ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân bố trí cơ cấu cây trồng, thời vụ sản xuất hợp lý, khuyến cáo sử dụng giống lúa ngắn ngày, áp dụng các biện pháp tiên tiến. Trong đó, tỉnh chú trọng những giống thích nghi cao cho từng vùng sinh thái, có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp, chống chịu được các yếu tố bất lợi của thời tiết như phèn, mặn, sâu bệnh nhưng vẫn cho năng suất cao và phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Năm 2020, nông dân Kiên Giang sản xuất lúa thuận lợi, vượt sản lượng đề ra.

Năm nay, nông dân trong tỉnh Kiên Giang sử dụng giống lúa chất lượng cao đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, hơn 90%. Anh Nguyễn Văn Cường ở huyện Kiên Lương cho biết, gia đình anh xuống giống lúa đài thơm và OM5451 cho 7ha lúa ở xã Hoà Điền. Việc sản xuất lúa rất thuận lợi nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ nên trà lúa của gia đình anh “né” được mặn và mưa bão.

“Vụ lúa thì thành công vì em sạ giống 5451 với đài thơm. Năm nay được mùa được giá. Giá năm nay cao hơn mọi năm, vụ hè thu bán được 6.500 đồng/kg, cao hơn gần 1.000 đồng/kg so với mọi năm. Sản xuất theo lịch thời vụ thứ nhất đỡ được sâu bệnh, nước mặn và tránh được rủi ro” - anh Cường chia sẻ.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo chi cục thuỷ lợi vận hành có hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê biển; chỉ đạo các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng mặn triển khai đắp mới 202 đập ngăn mặn, chỉ đạo xây dựng điều chỉnh kế hoạch xuống giống vụ đông xuân 2019 – 2020 để đề phòng thiếu nước, xâm nhập mặn vào giai đoạn từ giữa đến cuối vụ nhờ vậy vẫn đảm bảo nước cho sản xuất, sinh hoạt.

Ông Hồ Văn Quân ở thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất nhận xét: “Nông dân hiện nay rất thuận lợi trong sản xuất vì tất cả hệ thống kênh lớn được nhà nước đầu tư thông thoáng. Ngoài ra việc chuyển giao khoa học kỹ thuật nhà nước rất quan tâm. hiện nay rất nhiều thông tin để người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật từ đó năng suất của nông dân mỗi lúc mỗi ổn định. Chính tôi sản xuất cũng cảm thấy rất an tâm với quy trình sản xuất hiện nay”.

Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho rằng: thành công lớn nhất của ngành nông nghiệp tỉnh là đã chủ động vượt qua khó khăn, đảm bảo sản lượng, chất lượng lúa gạo phục vụ cho an ninh lương thực và xuất khẩu.

“Trong năm 2020 vừa qua, dù điều kiện thời tiết không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng kết quả vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra, cho thấy thành công của ngành trong sản xuất. Trong chỉ đạo chi cục thuỷ lợi điều hành cống phù hợp cho sản xuất, các đơn vị trực thuộc xuống tập huấn cho bà con nông dân về sâu bệnh; các địa phương đắp các đập nhỏ để ngăn mặn, trữ ngọt. Cơ cấu giống lúa phù hợp là giống lúa chất lượng cao” - ông Đỗ Minh Nhựt nói.

Hiện nay, người dân trong tỉnh Kiên Giang đang làm đất, rửa mặn để chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân 2020 – 2021 và vụ mùa. Dự kiến, Kiên Giang xuống giống hơn 350.000 ha. Trong vụ mùa quan trọng này, tỉnh tiếp tục khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các giống lúa chủ lực cho năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chống chịu phèn mặn, phấn đấu đạt năng suất bình quân hơn 7 tấn/ha./.

Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL

Lâm Đồng: Mắc ca tiền tỷ giữa đồi Đam Rông

Nguồn tin: Lâm Đồng

Đam Rông, vùng đất xa của Lâm Đồng vốn được mệnh danh là đất khó khăn với những người nông dân vất vả. Nhưng một nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi, trồng bạt ngàn mắc ca mang lại thu nhập tiền tỷ cho gia đình. Đó là anh Nguyễn Văn Nghiêm, nông dân ở thôn Trung Tâm, xã Đạ K’Nàng.

Anh Nghiêm bên vườn mắc ca của gia đình

Thăm trang trại mắc ca mênh mông với 8 ha, vừa có diện tích đã cho thu, vừa có diện tích đang giai đoạn kiến thiết cơ bản, ai cũng ngạc nhiên với sự mạnh dạn của anh nông dân Nguyễn Văn Nghiêm. Như hầu hết nông dân xung quanh, anh Nghiêm cũng trồng cây cà phê là cây trồng chính. Năm 2011, theo lời giới thiệu của người thân về cây mắc ca, anh mạnh dạn sang Đắk Lắk, tìm nhà vườn mua giống về trồng. Anh Nghiêm kể lại: “Thời điểm 2011, giống mắc ca còn quá cao với gia đình tôi, nhất là mắc ca ghép. Tôi mua 700 cây thực sinh về trồng đỡ, coi như thử nghiệm vì cũng lo không biết cây có phát triển không, ra trái không, có trái rồi bán cho ai. Nói chung là rất lo vì lúc đó cây mắc ca còn rất mới và lạ”. Anh cũng coi như trồng cây che bóng cho diện tích cà phê, chống xói mòn, lở đất. Không phụ lòng người, năm 2015, anh thu được 200 kg trái bói, những lứa hạt đầu tiên có giá tốt, mang lại thu nhập bên cạnh cà phê. Những năm sau, mắc ca càng lớn càng phủ bóng, che lấp cà phê. Cộng với giá cà phê thất thường, thiếu công lao động, anh Nghiêm quyết định chặt hết cà phê, chỉ trồng thuần mắc ca. Anh mua thêm cây giống mắc ca ghép về trồng thay cho cà phê. Đến nay, anh đã trồng khoảng 8 ha mắc ca, diện tích cho thu hoạch quả khoảng 4,5 ha. Năm 2019, anh thu được hơn 9 tấn hạt tươi, với giá khoảng 100 ngàn đồng/kg, thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng, ở vùng đất Đam Rông đây thực sự là một nguồn thu mơ ước.

Anh Nghiêm chia sẻ kinh nghiệm, trồng mắc ca thành công cần nắm rõ kỹ thuật, từ tạo tán cho cây đến phun thuốc phòng trừ sâu bệnh giai đoạn quả nhỏ. Tuy mắc ca là giống cây rừng nhưng để cây mắc ca có năng suất cần đầu tư phân bón. Mắc ca ưa cả phân NPK và phân chuồng, đầu tư đúng cây sẽ khỏe, trái sai, hạt to và nhân giòn, ngon. Anh Nghiêm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, anh không dùng thuốc diệt cỏ, đợi cỏ lên cao rồi dùng máy cắt, dập tại chỗ tận dụng làm nguồn phân bón hữu cơ để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và bảo vệ môi trường. Trong vườn mắc ca có những cây đạt năng suất 25-30 kg hạt/cây được giữ lại, những cây không đạt tiêu chuẩn như năng suất thấp, vỏ hạt dày anh sẽ cưa để ghép cải tạo. Anh Nghiêm đang thử nghiệm lấy chồi ghép từ cây mẹ chất lượng cao để ghép cải tạo những cây năng suất thấp, trái nhỏ.

“Trồng mắc ca thực sự rất lợi, kể cả trồng xen trong cà phê hay trồng thuần. Cây cần chăm sóc không nhiều, đầu tư ít, công lao động ít và đầu ra rất thoải mái, có bao nhiêu bán cũng hết”, anh Nghiêm chia sẻ. Ban đầu, do sản lượng còn ít, anh Nghiêm tách vỏ quả mắc ca xanh bằng biện pháp thủ công. Khi lượng quả thu hoạch nhiều, anh đã mua máy tách vỏ quả mắc ca, áp dụng cơ giới hóa trong khâu sau thu hoạch, giúp giảm chi phí mà tăng năng suất lao động lên gấp hơn 10 lần. Và để tăng giá trị hạt mắc ca vườn nhà, anh mua tủ sấy hạt và dụng cụ tách hạt, trực tiếp chế biến mắc ca sấy khô phục vụ thị trường. Sản phẩm trái mắc ca sấy khô của trang trại anh Nguyễn Văn Nghiêm được người tiêu dùng quanh vùng ưa chuộng vì độ tươi, giòn, thơm do chế biến từ trái mắc ca địa phương. Hiện mỗi năm, anh Nghiêm cung cấp 1 tấn trái khô ra thị trường.

Trang trại mắc ca của anh Nguyễn Văn Nghiêm là một điển hình của nông dân xã Đạ K’Nàng. Bà con xung quanh tới tham quan, học hỏi và anh Nghiêm sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm. Anh chia sẻ với bà con, nếu trồng xen trong vườn cà phê thì nên trồng thưa, tầm 100 cây/1 ha sẽ đảm bảo cả mắc ca và cà phê phát triển tốt. Ông Nguyễn Bá Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ K’Nàng đánh giá mô hình mắc ca của anh Nguyễn Văn Nghiêm là một mô hình thành công, một hướng sản xuất mới, tăng thêm tính đa dạng của cây trồng địa phương. Từ tấm gương thành công của anh Nghiêm, bà con trong xã, cả nhiều hộ dân tộc thiểu số cũng mạnh dạn trồng xen mắc ca trong vườn cà phê, giúp người dân có thêm thu nhập, đồng thời góp phần xây dựng vùng trồng cà phê bền vững.

D.QUỲNH - N.DIỆN

Quảng Trị: Người trồng rau màu ở Đông Thanh cần được hỗ trợ hạt giống, phân bón

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Sau đợt lũ lịch sử vừa qua, hơn 30 ha rau màu sản xuất thâm canh của nông dân HTX Đông Thanh, thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) bị thiệt hại nặng nề. Đây là phường có diện tích sản xuất rau màu lớn nhất thành phố Đông Hà. Sau lũ, toàn bộ diện tích rau này đã bị hư hại hoàn toàn, người dân gần như mất trắng.

Nông dân phường Đông Thanh cần được hỗ trợ để khôi phục sản xuất rau màu sau lũ - Ảnh: H.G

Gia đình ông Hồ Sỹ Thiềng ở Khu phố 5, phường Đông Thanh sản xuất rau màu gần 20 năm nay hiện đang rơi vào cảnh “trắng tay” sau lũ lụt. Thu nhập chính của gia đình ông chủ yếu nhờ vào 1 sào trồng rau màu, đang thời kỳ thu hoạch thì bị nước lũ ngập sâu hơn 1 m làm hư hại hoàn toàn. Đứng bên ruộng rau ngập ngụa bùn đất sau khi nước lũ rút, ông Thiềng không khỏi ngán ngẫm: “Đợt lũ lụt lớn vừa qua nước ra vào liên tục đã làm cho toàn bộ diện tích hoa màu của gia đình tôi bị cuốn trôi và úng thối hết.

Các gia đình khác trong khu phố cũng chung tình cảnh như vậy. Vợ chồng tôi vốn chỉ trông chờ vào vườn rau màu này để có thu nhập trang trải cuộc sống, vậy mà giờ mất trắng hết rồi. Người trồng rau chúng tôi mong muốn sau lũ lụt, nhà nước sớm quan tâm hỗ trợ nguồn giống, phân bón hoặc hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để có điều kiện tái sản xuất, ổn định cuộc sống”. Không chỉ gia đình ông Thiềng mà hầu hết các hộ trồng rau màu trên địa bàn phường Đông Thanh cũng chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra.

Gia đình ông Hồ Sỹ Ái ở Khu phố 3, phường Đông Thanh cũng mất gần 60 triệu đồng từ nguồn thu nhập trồng rau. Nhìn cảnh tiêu điều của vườn rau, ông Ái không cầm được nước mắt. Bao nhiêu công lao của vợ chồng ông bỏ ra chăm sóc giờ còn lại là bãi đất trống. Ông Ái buồn rầu nói: “Khu phố 3 được xem là vựa rau lớn nhất của phường cũng như thành phố Đông Hà nhưng giờ lũ tàn phá hư hại hết. Từ rau ngoài ruộng đang thời kỳ thu hoạch cho đến nguồn giống, vật tư, phân bón người dân tích trữ, bảo quản trong nhà đều bị lũ làm hư hại và cuốn trôi hết. Nếu không xảy ra lũ lớn như vừa qua thì vườn rau của gia đình tôi cho nguồn thu từ 60 - 70 triệu đồng, nhưng giờ thì mất trắng. Nông dân trồng rau chúng tôi chỉ mong muốn được nhà nước hỗ trợ kịp thời nguồn giống để sản xuất trở lại. Hiện nay, chúng tôi đang tranh thủ xử lý môi trường, làm lại đất và đợi thời tiết ổn định để khôi phục sản xuất”.

Những ngày sau mưa lũ, nhìn cánh đồng sản xuất rau an toàn của HTX Đông Thanh, thành phố Đông Hà ai cũng xót xa. Toàn bộ diện tích hơn 30 ha đất sản xuất rau màu quanh năm xanh tốt của người dân giờ trở thành một bãi đất trống xơ xác, lắng đầy bùn đất nhão nhoẹt. Ngoài vốn liếng đã bỏ ra, thì còn không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức chăm bón của người nông dân cũng đã trôi theo dòng nước lũ. Phường Đông Thanh hiện có 240 hộ trồng rau màu với chủ yếu các loại rau cải, dền, mồng tơi, xà lách… để cung ứng cho thị trường thành phố Đông Hà và các địa phương trong tỉnh.

Trận lũ lịch sử vừa qua gây ngập lụt cả cánh đồng rau màu của người dân từ 1- 2 m, thiệt hại mỗi héc ta ước trên 150 triệu đồng. Không chỉ thiệt hại rau màu đang kỳ thu hoạch và mới gieo trồng mà toàn bộ phân bón, vật tư nông nghiệp các hộ mua về chuẩn bị cho sản xuất vụ mới cũng bị nước cuốn trôi. Sau mưa lũ, toàn bộ rau màu của phường Đông Thanh bị dập nát, thối úng khiến cho việc cung cấp rau ra thị trường khan hiếm. Hiện nay, các hộ trồng rau đang tất bật dọn dẹp, thu gom rác, rau màu đã bị hư hại do mưa lũ để chuẩn bị làm đất, bước vào vụ rau mới.

Ông Phạm Văn Tường, Giám đốc HTX Đông Thanh, thành phố Đông Hà cho biết: “Cuộc sống của người nông dân phường Đông Thanh bao đời nay chủ yếu dựa vào sản xuất thâm canh rau màu. Tuy nhiên, đợt mưa lũ lịch sử liên tiếp vừa qua đã cuốn trôi toàn bộ rau màu, vật tư, phân bón, giống rau tích trữ của bà con. Vì vậy để tái đầu tư sản xuất, thật sự người dân đang gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp người dân tái sản xuất, HTX chúng tôi cũng sẽ cố gắng hỗ trợ một phần để động viên chứ khả năng HTX là không thể kham nổi với quy mô diện tích lớn như vậy. Vì vậy, trước tình hình này, chúng tôi mong muốn được nhà nước quan tâm hỗ trợ kịp thời về vốn, giống và các loại vật tư sản xuất nông nghiệp để giúp người dân tái sản xuất, vừa để cải thiện đời sống cũng như cung cấp nguồn rau màu cho thị trường trong thời gian tới. Chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ giống rau màu phù hợp với điều kiện đất đai, nhu cầu của của bà con, vì thật sự mấy năm trước có đợt người dân được hỗ trợ giống hoa màu sau lũ nhưng do không phù hợp nên họ đành phải bỏ tiền mua giống mới để sản xuất, rất lãng phí”.

Mưa lũ qua đi, các hộ sản xuất rau màu phường Đông Thanh lâm vào cảnh khó khăn. Để khôi phục sản xuất, người dân đang rất cần sự hỗ trợ về hạt giống, phân bón để trồng rau màu cung ứng ra thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp đến.

Hiếu Giang

Hậu Giang: Chăn nuôi đón tết

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Cùng với các loại nông sản khác, nguồn gia súc, gia cầm thường được người chăn nuôi chuẩn bị sớm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Người dân đang chăm sóc kỹ đàn vật nuôi để bán vào dịp tết.

Khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm, người chăn nuôi bắt đầu chuẩn bị nguồn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán để góp phần cung ứng một lượng lớn thực phẩm trong đợt cao điểm tiêu thụ cuối năm. Đây cũng là thời điểm chăn nuôi chịu nhiều rủi ro do những tác động bất lợi của thời tiết.

Ông Võ Hoàng Nam, ở ấp Hòa Hưng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), cho biết thời điểm này gia đình ông đang tập trung tái đàn heo. “Sau đợt dịch tả heo châu Phi mãi đến mấy tháng gần đây gia đình tôi mới dám nuôi lại. Khác với không khí chăn nuôi đón tết nhộn nhịp cuối năm ở những năm trước, tết này tôi không có nguồn heo bán tết do mất nhiều thời gian tìm nguồn giống chất lượng. Thay vào việc tất bật đầu tư cho tết, tôi lại muốn chăm chút kỹ cho 4 con nái chửa trong chuồng. Hy vọng từ đây phục hồi dần lại đàn heo. Còn chuyện nuôi heo đón đầu thị trường tết, chắc phải chờ sang năm vậy!”.

Câu chuyện khan hiếm nguồn giống, giá heo cao khiến kế hoạch tái đàn của nhiều hộ bị trì hoãn, đa số là hộ nuôi nhỏ lẻ. Trong khi đó, hộ nuôi gia cầm đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường cuối năm. Thời điểm tái đàn đón đầu thị trường tết cũng là lúc thời tiết giao mùa. Đây cũng là lúc bà con hết sức cẩn thận với dịch bệnh. Những hộ chăn nuôi lâu năm đã sớm chủ động biện pháp bảo vệ đàn gia cầm trước những thay đổi của thời tiết.

Với kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm nhiều năm, ông Lê Văn Giả, ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, cho biết: “Dù nuôi con gì thì yếu tố giống đạt chất lượng là mối quan tâm đầu tiên. Kế đến, tiêm phòng bệnh và chăm sóc nuôi dưỡng kỹ là 2 khâu quyết định đến thành bại giữa thời điểm nhiều rủi ro dịch bệnh như hiện nay. Cuối mùa mưa, bão, chuyển sang thời tiết giao mùa, khô hanh, khí hậu lạnh, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch nên tôi đã bổ sung dinh dưỡng vào thức ăn, tăng đề kháng cho đàn gà và heo”.

Chị Trần Thị Cẩm Giang, ở phường V, thành phố Vị Thanh, chăn nuôi giống gà nòi, mỗi đợt tái đàn nuôi mới gần 400 con. Với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, thấy trời trở gió, chị Giang dựng lại chuồng gà, che chắn kín đáo xung quanh. Thay vì mỗi ngày thả gà ra ngoài nắng như trước thì những ngày gần đây chị nuôi nhốt hẳn, tránh để không khí lạnh ảnh hưởng tới sức khỏe đàn gà. “Ở đây tôi nuôi luân phiên nhau từng đợt để thường có nguồn gà thịt bán cho khách. Năm nay đàn heo chưa khôi phục kịp nên chắc gà, vịt dịp cuối năm sẽ hút hàng. Từ đây đến tết, tôi sẽ mở rộng đàn, tăng gia sản xuất để bán tết. Gà nòi hút hàng hơn các giống gà khác, giá bán lẻ hiện nay cũng tầm 120.000 đồng/kg. Có lúc hút, người ta đặt không có hàng để giao. Tôi cố gắng chăn nuôi cẩn thận để có nguồn bán cuối năm”, chị Giang cho biết thêm.

Toàn tỉnh hiện không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm. Từ đầu năm đến nay, tổng số gia cầm được tiêm phòng trên 2,4 triệu con. Các bệnh dịch tả, lở mồm long móng trên heo cũng được người chăn nuôi quan tâm tiêm phòng. Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, khuyến cáo người chăn nuôi cần lưu ý thường xuyên trong khâu chăm sóc nuôi dưỡng gia súc, gia cầm. Chuồng trại, nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm cần được che chắn kín đáo, không để gió lùa, nhất là trong những ngày bắt đầu chuyển mùa, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch cao.

Theo số liệu của Cục Thống kê Hậu Giang, tổng đàn heo toàn tỉnh có khoảng 86.000 con (không tính heo con chưa tách mẹ); tổng đàn gia cầm trên 4,5 triệu con. Nguồn cung heo hơi dịp cuối năm được các ngành chuyên môn dự báo vẫn đáp ứng phục vụ tốt cho thị trường nội tỉnh.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Bảo đảm an toàn trong chăn nuôi, tái đàn gia súc, gia cầm

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Theo nhận định của ngành Thú y TP Cần Thơ, hiện nay chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đã dần ổn định. Số lượng gia súc, gia cầm phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân. Ngành chức năng TP Cần Thơ đang tăng cường công tác phòng tránh dịch bệnh xâm nhập; giáo dục, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chống dịch, bảo vệ an toàn chăn nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn…

Đàn gia cầm nuôi tại hộ gia đình phát triển tốt trên địa bàn quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Hỗ trợ tái đàn

Ông Lê Trung Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, cho biết: “Ðể ổn định phát triển đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, ngành Thú y đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn, khôi phục sản xuất, chuyển đổi chăn nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương và tăng cường phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND thành phố… Ðến nay, người chăn nuôi đã tái đàn heo đạt khoảng 90% tổng đàn heo của thành phố so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi. Trong đó, có 58 trang trại chăn nuôi mới tái đàn với tổng đàn là 3.780 con, góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2021 sắp tới...”.

Thời gian qua, việc tái đàn gia súc, gia cầm, khôi phục sản xuất gặp nhiều khó khăn, bất cập sau khi dịch tả heo châu Phi chấm dứt. Ðiển hình phương thức chăn nuôi của người dân còn nhỏ lẻ, phân tán, chuồng trại chăn nuôi không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; nguồn heo giống tại địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi, đồng thời giá heo giống luôn ở mức cao (khoảng từ 2,5-2,8 triệu đồng/con); giá thức ăn, thuốc thú y có xu hướng tăng; việc cải tạo chuồng trại để áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học tốn nhiều chi phí nên người chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư...

Ðể đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, ngành Thú y tăng cường công tác phòng ngừa dịch cúm. Ðến nay, ngành đã hoàn thành kế hoạch tiêm phòng cúm gia cầm đợt 1 và 2 năm 2020, với gần 1,894 triệu con gia cầm được tiêm phòng, trong đó có 376.511 con gà, hơn 1,517 triệu con vịt được tiêm phòng. Tỷ lệ tiêm phòng đối với đàn gà đạt 51,17%/tổng đàn; đàn vịt tỷ lệ tiêm phòng là 82,77%/tổng đàn. Hiện tỷ lệ tiêm phòng đàn gà thấp do người dân nuôi phân tán, nhỏ lẻ. Ngoài ra, ngành Thú y còn cung cấp nhiều loại vắc-xin tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm khác (dịch tả ở vịt, Newcatle, Gum, tụ huyết trùng gia cầm...) theo yêu cầu của người chăn nuôi với tổng số liều là 717.745 liều.

Ðối với gia súc, ngành Thú y đã hoàn thành kế hoạch tiêm phòng gia súc đợt 1 năm 2020 và hiện đang thực hiện kế hoạch tiêm phòng đợt 2 năm 2020. Kết quả tiêm phòng đợt 1 đạt 44% trên tổng đàn trâu; phòng, chống bệnh lở mồm long móng 2.327 con bò, đạt 59,21% trên tổng đàn; 41.030 con heo, đạt 40,36% trên tổng đàn; phòng chống bệnh tai xanh ở heo là 46.295 con, đạt 45,54% trên tổng đàn... Ngoài ra, ngành Thú y còn thực hiện tiêm phòng thường xuyên theo yêu cầu của người chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay đã tiêm được 37.798 liều vắc-xin các loại cho gia súc (dịch tả heo, phó thương hàn…); triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại khu vực chăn nuôi với diện tích 2.624.665m2 của 37.578 hộ chăn nuôi.

Phát triển chăn nuôi bền vững

Từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh: lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở heo, dịch tả heo châu Phi, dại chó, mèo không xảy ra. Tuy nhiên, bệnh cúm gia cầm H5N1 đã xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi gà thuộc khu vực Tân Qui, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Tổng đàn gia cầm trong ổ dịch là 1.970 con (gà 42 ngày tuổi), số mắc bệnh 1.600 con, số chết 1.066 con, số tiêu hủy là 1.963 con. Dịch bệnh kịp thời được dập tắt, không lây lan. Ông Lê Trung Hoàng nhận định: “Ðến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại TP Cần Thơ giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, tai xanh, dại không xảy ra. Tuy nhiên, thời gian tới dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có khả năng phát sinh và lây lan do tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh lân cận đã và đang diễn ra hết sức phức tạp. Bà con chăn nuôi cần cảnh giác và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống theo hướng dẫn của ngành Thú y”.

Xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh cũng được quan tâm thực hiện. Ðến nay, ngành Nông nghiệp đã thực hiện hỗ trợ chứng nhận VietGAHP cho 2 mô hình chăn nuôi (1 mô hình chăn nuôi heo; 1 mô hình chăn nuôi vịt) để tham gia chuỗi cung ứng và xác nhận thực phẩm an toàn; hiện có 3 chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, gồm: 1 chuỗi liên kết sản xuất sữa bò tươi với sản lượng 2.000 tấn/năm, 1 chuỗi liên kết sản xuất thịt heo với sản lượng 50 tấn/tháng, 1 chuỗi cung ứng trứng vịt muối phục vụ cho xuất khẩu với sản lượng tiêu thụ 9,6-9,8 triệu quả/năm. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ vận động, hướng dẫn và có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, kiểm soát an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường theo định hướng nâng cao chất lượng đàn giống và phương thức chăn nuôi phù hợp gắn quy hoạch phát triển chăn nuôi, quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ; xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện chăn nuôi, điều kiện vệ sinh thú y đối với các trang trại, các cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm...

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Ngành Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ, cơ sở chăn nuôi heo tái đàn, khôi phục sản xuất sau dịch bệnh bằng các biện pháp cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp định hướng, khuyến khích phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, gia trại, an toàn sinh học; giám sát và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hiệu quả, không để xảy ra tình trạng tái nhiễm dịch bệnh...”.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, thành phố phát triển đàn bò được 4.680 con, đạt 98,5% kế hoạch, giảm 2,9% so với cùng kỳ; đàn heo 118.344 con, đạt 91,7% so với kế hoạch, tăng 53,9% so với cùng kỳ 2019; đàn gia cầm gần 2 triệu con, đạt 99,7% so với kế hoạch, giảm 0,7% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi các loại ước khoảng 31.090 tấn, đạt 81,8% kế hoạch; trứng gia cầm trên 78,2 triệu quả, đạt 85,1% kế hoạch. Trong đó, thịt trâu, bò cung ứng khoảng 40%, thịt heo khoảng 60%, thịt gia cầm khoảng 75% nhu cầu thị trường tại TP Cần Thơ, phần còn lại nhập từ các địa phương lân cận…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Nuôi gà Ai Cập siêu trứng

Nguồn tin: Báo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Đây là giống gà khá mới, đã được ông Nguyễn Xuân Noãn (ấp Phước Tân 5, xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa) nuôi theo mô hình lấy trứng, mang lại hiệu quả cao.

Trung bình mỗi ngày, đàn gà của ông Nguyễn Xuân Noãn (ấp Phước Tân 5, xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa) cho thu hoạch gần 400 trứng.

Vốn gắn bó với nghề chăn nuôi heo từ nhiều năm trước, tuy nhiên vài năm trở lại đây, heo bị dịch bệnh, giá cả bấp bênh, dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp, do đó năm 2019, ông Nguyễn Xuân Noãn quyết định chuyển đổi mô hình sang nuôi gà. Ông Noãn nhận thấy, nếu nuôi gà thịt, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều trang trại nuôi gà quy mô lớn và thành công. Nhưng, nuôi gà theo phương pháp chăn nuôi gà đẻ trứng thì rất ít người thử nghiệm. Nhận thấy đây có thể là một hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường ổn định, ông Noãn quyết tâm bắt tay vào thực hiện. Sau khi tìm hiểu qua phương tiện thông tin đại chúng, ông đã liên hệ với một đơn vị ngoài Hà Nội để mua giống và học hỏi kinh nghiệm. Được nhà cung cấp tư vấn, ông Noãn quyết định nhập giống gà Ai Cập để xây dựng mô hình.

Theo ông Noãn, gà Ai Cập là giống gà thuần chủng, với đặc tính là giống gà đẻ dày, dễ chăm sóc, một gà mái có thể đẻ từ 250-270 trứng/năm. Đặc biệt, gà có sức đề kháng cao nên ít bệnh tật, ít tốn công chăm sóc. Năm đầu tiên, ông Noãn nhập 300 con gà giống để nuôi, với chi phí khoảng 23 ngàn đồng/con (bao gồm tiền vận chuyển từ Hà Nội vào). Gà từ lúc mua giống về đến khoảng 5 tháng sau bắt đầu đẻ trứng, tháng thứ 6 gà sẽ đẻ liên tục, đến 1 năm sau sẽ thay lứa mới. Đối với gà đẻ trứng, thức ăn được ông tận dụng tại chỗ bằng bắp, cám từ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng cao. Đang nuôi ở lứa thứ 2, hiện trang trại của ông Noãn đang có khoảng 500 con gà, mỗi ngày đàn gà đẻ gần 400 quả, với giá bán trung bình 3.000 đồng/quả, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng. Theo ông Noãn, đối với loại gà Ai Cập này, không những siêu đẻ trứng, mà kích thước trứng cũng to hơn gà bình thường, nhiều lòng đỏ, có mùi vị thơm, ngon, béo nên rất được khách hàng yêu thích. Hiện toàn bộ trứng gà của ông được các bạn hàng tại địa phương thu mua.

Đối với việc chăm sóc gà, ông Noãn cho biết, đàn gà được chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt, từ khâu chọn thức ăn đến việc tiêm vắc xin phòng bệnh, kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng, môi trường. Ngoài ra, ông thường xuyên rắc vôi bột khử trùng, vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh. Do đó, đàn gà của ông ít xảy ra dịch bệnh, chất lượng trứng gà đạt tiêu chuẩn thực phẩm sạch, được người tiêu dùng ưa chuộng. “Muốn gà đẻ đều, chất lượng trứng tốt, môi trường phải thoáng mát. Để gà ăn khỏe, đẻ khỏe, ngoài cần cung cấp đủ thức ăn và bảo đảm nước uống sạch cho gà, người chăn nuôi gà cũng phải nắm vững kỹ thuật và cần có nhiều kinh nghiệm để chăm sóc gà theo từng giai đoạn cụ thể, nhất là khâu chọn lựa con giống, nuôi dưỡng gà”, ông Noãn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phương Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa cho biết: Đây là mô hình nuôi gà siêu đẻ trứng đầu tiên của địa phương. Mô hình đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, không mất nhiều thời gian và diện tích nuôi. Do không mất nhiều thời gian để chăm sóc, do đó không mất quá nhiều công lao động và có thể tranh thủ lúc nhàn rỗi. Thời gian qua, Hội nông dân địa phương cũng đã phối hợp cũng Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở các lớp tập huấn về mô hình chăn nuôi gà, sắp tới Hội Nông dân xã sẽ vận động một số hộ để nhân rộng, phát triển mô hình, đặc biệt mô hình ít tốn công lao động, nên phù hợp với những hội viên lớn tuổi, là cơ hội để các hội viên cao tuổi nâng cao nguồn thu nhập gia đình.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU- PHƯƠNG DUY

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop