Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 2 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 2 năm 2019

Xuất khẩu hồ tiêu: Chất lượng trên hết

Nguồn tin: Báo Công Thương

95% sản lượng hồ tiêu của Việt Nam dùng để xuất khẩu (XK). Vì vậy, chất lượng là yếu tố cần phải được đảm bảo.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, XK hồ tiêu tháng 1/2019 đạt 15 nghìn tấn, trị giá 46 triệu USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với tháng 12/2018, nhưng giảm 12,8% về lượng và giảm 33,3% về trị giá so với tháng 1/2018. Tháng 1/2019, giá XK bình quân hồ tiêu đạt mức 3.067 USD/tấn, giảm 5% so với tháng 12/2018 và giảm 23,5% so với tháng 1/2018.

Đảm bảo chất lượng ngay từ khâu sản xuất ban đầu

Năm 2018, XK hồ tiêu tăng 8,3% về khối lượng nhưng giảm 32,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá hồ tiêu XK bình quân năm 2018 đạt 3.260 USD/tấn, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2017. XK tiêu của Việt Nam năm 2018 ghi nhận sự tăng trưởng về lượng ở hầu hết các thị trường nhưng lại giảm mạnh về giá trị do giá XK giảm đáng kể so với các năm trước đó, theo xu hướng giảm giá chung của thị trường tiêu thế giới.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT)) - cho biết, giá hồ tiêu đã bắt đầu vào quỹ đạo giảm từ nửa cuối năm 2016, sau khoảng 1 thập kỷ tăng giá liên tục (2006 - 2015). Nguyên nhân chủ yếu do sự mở rộng đáng kể diện tích trồng tiêu ở hầu hết các nước sản xuất, đặc biệt tại Việt Nam, Brazil và Campuchia, khiến cung tăng cao so với cầu.

Mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn 2030, diện tích trồng hồ tiêu của cả nước chỉ ở mức 50 nghìn ha, diện tích cho sản phẩm 47.000 ha. Tuy nhiên, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu trong nước tăng rất nhanh. Năm 2010, cả nước chỉ trồng 51,5 nghìn ha; năm 2014 (85,591 nghìn ha); đến hết năm 2017 (152,668 nghìn ha), tăng 196,3% so với năm 2010 và vượt quy hoạch trên 100 nghìn ha.

Dự báo mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, 4 nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới, bao gồm Việt Nam, Brazil, Indonesia và Ấn Độ đều dự báo giảm sản xuất so với năm 2018. Trong đó, sản lượng tiêu của Việt Nam năm 2019 được kỳ vọng sẽ đạt 175 nghìn tấn tiêu đen và 25 nghìn tấn tiêu trắng; tổng sản lượng tiêu đạt khoảng 200 nghìn tấn, giảm nhẹ so với năm 2018. Điều này có thể kéo giá hồ tiêu phục hồi nhẹ trong năm 2019.

Để XK hồ tiêu bền vững, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, vấn đề chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. DN hồ tiêu Việt Nam cần liên kết, kết nối với đối tác, khách hàng quốc tế, hiệp hội gia vị thế giới để mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay, cần hướng tới tập trung nâng cao chất lượng, giảm tối đa mức sử dụng thuốc trừ sâu hóa học tổng hợp, ràng buộc hộ nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất phải tuân thủ kỹ thuật chăm sóc; xây dựng mô hình trồng hồ tiêu sạch, thúc đẩy phát triển tiêu hữu cơ để XK sang các thị trường khó tính ở châu Âu và các nước trên thế giới. Ngoài ra, DN XK cần phải chủ động khai thác tốt lợi thế là quốc gia đang nắm trong tay nguồn cung lớn, và cần có bài toán kinh doanh tốt để có thể nâng giá tiêu XK.

Sau 4 năm liên tục đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, năm 2018, XK hồ tiêu chỉ đạt 759 triệu USD.

Hạnh Nguyễn

Con đường duy nhất cho lúa gạo là nâng cao chất lượng

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

“Lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định con đường duy nhất để phát triển lúa gạo là nâng cao chất lượng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Đồng ý với đề xuất của Bộ NN&PTNT về việc kiến nghị Bộ Tài chính mua dự trữ quốc gia năm 2019 với số lượng

80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo sớm để hỗ trợ cho các hộ dân giải quyết tình trạng giá lúa gạo đang xuống thấp song Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn không quên dặn dò “lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu”.

Xuất khẩu gạo 2019 đã được dự báo trước khó khăn

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cả về lượng và giá xuất khẩu. Đặc biệt, mặt bằng giá xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 đã cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên rất khó duy trì trong năm 2019 trừ khi có các đột biến về nhu cầu. Dự báo mặt bằng giá gạo Việt Nam sẽ suy giảm trong năm 2019 để có thể cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu gạo lớn.

Bên cạnh đó, mặc dù tổng lượng gạo được giao dịch trên thị trường toàn cầu trong niên vụ 2018/2019 được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sẽ tăng nhẹ so với niên vụ trước (48,1 triệu tấn), nhưng nhu cầu nhập khẩu gạo dự báo giảm ở một số thị trường truyền thống, quan trọng của Việt Nam như Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc.

Trong đó, Indonesia tuyên bố không có kế hoạch nhập khẩu trong năm 2019 bởi nước này tiến hành hoạt động bầu cử và đã nhập khẩu lượng lớn trong năm 2018; dự báo nhập khẩu gạo của Bangladesh giảm mạnh xuống chỉ còn 400.000 tấn từ mức 1,4 triệu tấn năm 2018 do sản xuất đã phục hồi sau trận lũ lụt năm 2017; dự báo nhập khẩu gạo của Trung Quốc chỉ đạt 4,5 triệu tấn.

Bên cạnh vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo, gạo Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh ngày càng lớn từ gạo Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Ấn Độ tại thị trường này.

Tại thị trường châu Phi, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ, gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với nguồn gạo giá rẻ của Trung Quốc, trong khi châu Phi là thị trường rất nhạy cảm về giá.

Ngay cả thị trường truyền thống là Philippines, với sự tham gia của các thương nhân đa quốc gia trong các đợt đấu thầu mở G2P, giá bỏ thầu của thương nhân Việt Nam phải rất cạnh tranh mới có khả năng trúng thầu.

“Tất cả những việc này Bộ Công Thương đều đã có báo cáo đánh giá rồi, mục tiêu là giữ cho giá bán gạo của người nông dân có lãi, còn để đạt được giá bán gạo như 2018 là rất khó”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.

Con đường duy nhất là nâng cao chất lượng

Đối với thông tin về việc thị trường Trung Quốc “khắt khe” với gạo Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, thông tin này không chính xác. Bởi Việt Nam luôn đứng đầu trong số những quốc gia xuất khẩu gạo sang Trung Quốc.

“Ta đang có 22 doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào Trung Quốc nhưng thời gian vừa qua có 3 doanh nghiệp xuất khẩu gạo kém chất lượng nên phía Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu gạo của 3 doanh nghiệp này. Đề nghị Bộ NN&PTNT kiểm tra lại xem những doanh nghiệp đó có nhận ủy thác gạo từ nơi khác khiến gạo không đạt chất lượng không. Hàng nông sản rất khác với các mặt hàng khác, thuế chỉ là một mặt, còn lại vấn đề về chất lượng mới là việc chúng ta cần quan tâm”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Công Thương cũng cho rằng, không nên quá “bi quan” bởi bên cạnh những khó khăn, thách thức, vẫn còn nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2019.

Ví dụ như, với việc áp dụng thuế hóa gạo, thị trường Philippines đã bỏ cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu và áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi trong Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) là 35%. Dự kiến gạo Việt Nam sẽ xuất khẩu tăng mạnh sang Philippines so với lượng khoảng 293.000 tấn được phân bổ theo cơ chế MAV trong các năm trước.

Gạo thơm của Việt Nam vẫn duy trì được thị trường Iraq. Năm 2018 xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam sang thị trường này đạt 300.000 tấn, tăng gấp đôi so với mức 150.000 tấn của năm 2017.

Gạo ngắn Japonica của Việt Nam đã chiếm tỷ trọng lớn nhất tại thị trường Hàn Quốc (đạt 122.783 tấn, chiếm 30% tổng lượng gạo nhập khẩu của thị trường này). Giá trúng thầu cao, đem lại lợi nhuận cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Ngoài ra, thị trường Ai Cập cũng có tín hiệu tích cực với gạo Japonica sau khi Việt Nam và Ai Cập ký biên bản ghi nhớ về gạo.

Bên cạnh đó là cơ hội cho gạo thơm tại thị trường Bờ Biển Ngà, cơ hội cho gạo thơm của Việt Nam tại thị trường Châu Âu (EU) khi nguồn gạo Campuchia và Myanmar không còn lợi thế về thuế nhập khẩu, cơ hội cho gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng với các quy định theo hướng mở của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Phan Trang

Nông dân Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): Bước vào vụ thu hoạch mía 2018 - 2019

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Niên vụ 2018 - 2019, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) có 1.530ha mía, giảm 50ha so với niên vụ trước. Theo một số hộ trồng mía trên địa bàn, mía vụ này xấu, còi cọc do ảnh hưởng nắng hạn dài ngày. Để cứu mía, nông dân tốn khá nhiều chi phí bơm tưới. Mặt khác, cơn bão số 12 cuối năm 2017 đã làm cho tiến độ thu hoạch vụ trước chậm lại, dẫn đến cây mía chậm phát triển.

Nông dân xã Khánh Nam thu hoạch mía.

Hiện nay, những trà mía gốc đầu vụ đang được nông dân Khánh Vĩnh thu hoạch, song năng suất chỉ đạt khoảng 35 đến 37 tấn mía cây/ha, giảm 10 đến 15 tấn mía cây/ha so vụ trước. Chữ đường dao động từ 8 đến hơn 9 chữ. Giá mía được các công ty đường thu mua vào dao động từ 720.000 đến 730.000 đồng/tấn mía cây 10 chữ đường, giá này nông dân bị thua lỗ nặng. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp nông dân trồng mía ở Khánh Vĩnh không có lãi.

Nhiều nông dân Khánh Vĩnh dự tính sẽ chuyển dần đất trồng mía sang canh tác các loại cây trồng khác có lợi nhuận khá hơn như: bưởi da xanh, keo lai...

Kim Oanh

Thu lãi lớn từ trồng nấm linh chi công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Trang trại trồng nấm linh chi ứng dụng công nghệ cao của ông Hoàng Văn Lâm ở ấp Sông Xoài 4, xã Láng Lớn là một mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra triển vọng cho việc phát triển nghề trồng nấm linh chi trên địa bàn huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ông Hoàng Văn Lâm theo dõi sự phát triển bịch phôi nấm trong trại sản xuất nấm linh chi.

Sau nhiều năm sinh sống tại Mỹ, ông Lâm quyết định trở về Việt Nam, thành lập DN sản xuất thực phẩm nông nghiệp công nghệ cao U.S Farm. Năm 2015, ông Lâm đầu tư 20 tỷ đồng sản xuất thử nghiệm vụ nấm linh chi đầu tiên. Nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại đã được ông Lâm trang bị để phục vụ quy trình sản xuất nấm, như: băng chuyền tự động, máy đóng bịch phôi, máy trộn mùn cưa, băng chuyền đưa bịch nấm lên kệ, hệ thống phun sương tự động… Hiện nay, mỗi ngày, trang trại sản xuất khoảng 10 ngàn bịch phôi nấm. “Các khâu sản xuất nấm linh chi của trang trại đều thực hiện theo quy trình khép kín tự động, chú trọng chất lượng sản phẩm. Từ quá trình chọn nguyên liệu đến nuôi trồng đều được kiểm tra chặt chẽ, không sử dụng hóa chất để tạo ra sản phẩm nấm sạch”, ông Lâm cho hay.

Trang trại nấm linh chi của ông Lâm còn giúp nhiều nông dân có cơ hội phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, công ty đang cung cấp phôi nấm cho người trồng ở các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, đồng thời, hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với người trồng. Theo đó, các hộ mua bịch phôi nấm về trồng sẽ được ông Lâm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu mua sản phẩm. Giá bán nấm hiện nay từ 500-600 ngàn đồng/kg, tùy loại. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, người trồng nấm thu lãi khoảng 200 ngàn đồng/kg.

Hiện tại, ông Lâm có 3ha trồng nấm linh chi, mỗi vụ (khoảng 100 ngày) cho thu hoạch từ 2-3 tấn nấm. Ngoài việc bán nấm linh chi nguyên bản, ông Lâm đã nghiên cứu ra 4 loại sản phẩm đặc biệt làm từ nấm linh chi, gồm: Cao linh chi, cà phê linh chi, rượu linh chi và trà linh chi. Các sản phẩm nấm linh chi mang thương hiệu “Ông Tiên”, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm nấm linh chi của ông Lâm không chỉ trong nước, mà còn được xuất khẩu ra các nước như: Mỹ, Dubai (UAE), Canada, Nhật Bản. Hiện nay, ông Lâm đang sản xuất thử nghiệm các sản phẩm kẹo socola linh chi, nước tương linh chi, bon sai linh chi phong thủy… để da dạng và phong phú sản phẩm, nhằm tạo nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.

Thương hiệu nấm linh chi “Ông Tiên” ngày càng được biết đến. Nhiều DN, hộ nông dân ở các địa phương khác đã tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác sản xuất với DN của ông Lâm. Tuy nhiên, mô hình trồng nấm linh chi công nghệ cao đòi hỏi các điều kiện về vốn, mặt bằng sản xuất, lao động kỹ thuật… nên đến nay, ông Lâm mới liên kết với hơn chục hộ dân trong huyện và các địa phương khác để sản xuất nấm linh chi.

Ông Nguyễn Hữu Khánh (TX. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) cho biết, ông đã 3 lần đến tham quan mô hình trồng nấm tại trang trại U.S Farm. “Trong bối cảnh các cây điều, tiêu, cao su giá cả bấp bênh hiện nay, tôi cho rằng trồng nấm linh chi theo công nghệ sạch là hướng đi đúng đắn với điều kiện gia đình tôi. Vì vậy sau 3 lần tham quan, tìm hiểu kỹ mô hình, tôi quyết định ký hợp đồng với ông Lâm để trồng nấm linh chi, phát triển kinh tế gia đình”, ông Nguyễn Hữu Khánh dự định.

Ông Lê Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, cho biết: Trên địa bàn huyện có 13 trang trại sản xuất nấm linh chi. Trong đó, mô hình trồng nấm linh chi của ông Hoàng Văn Lâm ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này còn chuyển giao kỹ thuật trồng nấm sạch cho bà con nông dân trên địa bàn huyện, giúp họ có cơ hội tiếp cận với công nghệ mới trong sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm và nâng cao thu nhập, góp phần phát triền nghề trồng nấm linh chi hướng tới công nghệ cao trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ

Bệnh đốm vàng khô lá mía ở huyện Sông Hinh (Phú Yên): Nguy cơ thiệt hại nặng

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Cán bộ Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh đang kiểm tra bệnh đốm vàng khô lá mía - Ảnh: VĂN THÙY

Bệnh đốm vàng khô lá đang lây lan nhanh, đến nay đã có hàng trăm héc ta mía ở huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) bị bệnh, có nguy cơ mất trắng. Để giảm thiệt hại, UBND huyện Sông Hinh đề nghị Công ty CP Mía đường Tuy Hòa sớm thu mua mía cho nông dân và các cơ quan chuyên môn ở tỉnh khẩn trương giúp địa phương ngăn chặn bệnh này.

Để có tiền đầu tư tái sản xuất, chăm lo cho gia đình, thời gian qua, Y Lu ở buôn Chung, xã Ea Bar rao bán 2ha mía đã đến kỳ thu hoạch nhưng ai cũng lắc đầu và chê mía đang bị bệnh, chữ đường thấp.

Y Lu rất lo lắng vì cả năm trời vun vén cho rẫy mía nhưng giờ nguồn thu nhập chính của gia đình có nguy cơ mất trắng. Anh than thở: “Năm ngoái, ngay từ đầu mùa thương lái đã đến trả giá, còn năm nay chờ mãi không thấy ai. Gia đình tôi đã đầu tư vào 2ha mía này hơn chục triệu đồng tiền phân, thuốc, chưa tính công cuốc cỏ, phun thuốc, bón phân. Giờ không ai mua thì biết làm sao”.

Cùng chung cảnh ngộ với Y Lu, ông Cao Xuân Bình ở khu phố 8, thị trấn Hai Riêng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng thuê ba mảnh đất với tổng diện tích khoảng 10ha để trồng mía. Nhưng năm nay, hầu hết diện tích mía của ông Bình đều phát bệnh đốm vàng khô lá. Nặng nhất là đám mía có diện tích 2,4ha nằm giáp ranh giữa thị trấn Hai Riêng và xã Ea Bar gần như đã khô cháy lá.

Ông Cao Xuân Bình cho biết: “Cách đây hơn 2 tháng, tự nhiên tôi thấy lá mía vàng úa đi, giống như bị phun thuốc cỏ cháy. Không chỉ đám mía này mà hai đám mía còn lại của gia đình ở khu vực khác cũng bị nhiễm bệnh tương tự. Nếu tình trạng này kéo dài thì hai đám mía này coi như bỏ không, vì có chặt bán thì cũng không đủ trả tiền công”.

Theo Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh, bệnh đốm vàng khô lá mía xuất hiện cục bộ từ năm 2018 với diện tích ban đầu khoảng 30ha. Từ tháng 12/2018 đến nay, bệnh này lây lan nhanh, xuất hiện ở hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Sông Hinh, nặng nhất là các xã Ea Ly, Ea Bar, Ea Trol, Ea Bia, thị trấn Hai Riêng. Đến nay, số diện tích mía bị bệnh trên địa bàn huyện đã tăng lên khoảng 215ha.

“Mía nhiễm bệnh nhẹ sẽ làm giảm sản lượng và chữ đường từ 20-40%, còn bị nặng thì mất trắng. Do hầu hết diện tích mía phát bệnh ở chu kỳ sinh trưởng cuối nên giải pháp tốt nhất là thu hoạch sớm để hạn chế thiệt hại…”, ông Nguyễn Văn Kiện, Trưởng Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh nói.

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, niên vụ năm nay, toàn huyện có khoảng 5.000ha mía, phần lớn đã được Công ty CP Mía đường Tuy Hòa ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Để tránh mía bị thiệt hại nặng và lây lan nhanh sang những diện tích mía liền kề, UBND huyện đã làm việc với Công ty CP Mía đường Tuy Hòa và đề nghị công ty này khẩn trương cho thu hoạch những diện tích mía bị bệnh để tránh ảnh hưởng đến năng suất, chữ đường.

“Công ty đã cam kết, tuy nhiên do cuối năm 2018 trên địa bàn huyện có mưa, không đảm bảo cho việc vận chuyển nên đến nay mới khởi động vụ ép, chậm hơn so với các vụ trước gần một tháng khiến người dân lo lắng. Sau khi người dân thu hoạch mía xong, huyện sẽ tiếp tục khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phòng trị bệnh đốm vàng khô lá mía cho vụ sau bằng cách thu gom các tàn dư của cây mía rồi đốt, bón vôi khử trùng nhằm hạn chế lây lan. Huyện kiến nghị Sở NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn giúp nông dân trồng mía xử lý dứt điểm bệnh đốm vàng khô lá.

VĂN THÙY

Đồng Nai: Tiêu hủy trên 46 hécta mì nhiễm bệnh

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, đến nay toàn tỉnh Đồng Nai đã thực hiện tiêu hủy trên 46 hécta mì nhiễm bệnh khảm lá tại các huyện: Nhơn Trạch, Định Quán, Long Thành, Xuân Lộc. Biện pháp tiêu hủy là cày vùi hủy toàn bộ ruộng hoặc nhổ cây bệnh tiêu hủy.

Để có nguồn giống mì sạch bệnh cung cấp cho nông dân, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã thực hiện 4 mô hình quản lý giống mì sạch tại các huyện: Long Thành, Xuân Lộc với tổng diện tích khoảng 92 hécta. Các mô hình này được áp dụng nhiều biện pháp để phòng, trừ dịch bệnh, được kiểm tra mẫu trước khi thu hoạch để đảm bảo nguồn giống này sạch bệnh trước khi cung cấp cho sản xuất. Năm 2018, toàn tỉnh trồng trên 13,8 ngàn hécta mì. Trong đó, phát hiện gần 380 hécta bị bệnh khảm lá.

Bình Nguyên

Khánh Sơn (Khánh Hòa): Diện tích cà phê giảm

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho biết, đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được hơn 80% trong tổng số khoảng 640ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh trên địa bàn huyện. Năm nay, do nhiều nguyên nhân như: cà phê bị gãy đổ do mưa bão, ra hoa, kết quả đúng thời gian mưa nhiều, cùng với việc giá cà phê xuống thấp, nông dân ít đầu tư đã khiến cho sản lượng cà phê của huyện giảm 30 - 40% so với năm trước, trung bình chỉ đạt 2 tấn nhân/ha. Hiện nay, nông dân đang bán 32.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với niên vụ trước.

Do hiệu quả cây cà phê mang lại không cao nên trên địa bàn huyện tiếp tục có sự chuyển dịch từ diện tích trồng cà phê sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bưởi da xanh… Chỉ tính riêng năm 2018, diện tích cà phê đã giảm 100ha.

BÍCH LA

Nỗi buồn mùa thu hoạch điều

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Năm nay điều chín sớm, các hộ nông dân trồng điều tại huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) phải tranh thủ thu hoạch ngay trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Tuy vậy, sản lượng điều năm nay thấp, giá cả lại giảm khiến nhiều nông dân kém vui.

Chị Đỗ Thị Hiền (36 tuổi, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) cho biết, nhà chị có 3 ha điều ở xã Cư M’lan (huyện Ea Súp). Năm nay điều chín sớm nên chị và chồng phải đi nhặt điều đến tận 30 Tết, sáng mùng 1 tranh thủ đi chúc Tết họ hàng gần đó rồi chiều lại tất tả vào rẫy. Từ trước Tết, điều chín rụng nhiều nên gia đình chị luôn phải túc trực bên rẫy, bởi nếu không đi nhặt sợ kẻ gian sẽ nhặt hết. Ước tính sản lượng năm nay thu được khoảng 2 tấn, giảm 30% so với năm ngoái.

Chị Đỗ Thị Hiền đang thu hoạch điều.

Cách vườn điều của chị Hiền không xa là vườn điều của bà Nông Thị Hạ (62 tuổi). Giữa cái nắng gay gắt như đổ lửa của buổi trưa đầu năm mới, bà Hạ vẫn cặm cụi nhặt điều. Được biết, thu nhập chính của gia đình bà Hạ dựa vào 3 ha điều, thế nhưng vườn điều của bà đa phần đã già cỗi, năm nay giá điều giảm mạnh, sản lượng cũng giảm đáng kể. Bà Hạ cho hay, thời tiết năm nay thất thường, nắng nóng kéo dài, lại xuất hiện mưa trái mùa khiến điều không đậu trái, năng suất bị giảm. Mất mùa, mất giá nên bà Hạ không dám thuê người nhặt điều mà một mình bà lặn lội sớm tối ở vườn, với hy vọng vớt vát được chút nào hay chút đó, lấy vốn để trang trải cho vụ điều sau.

Bà Nông Thị Hạ tranh thủ nhặt điều giữa trưa.

Cây điều từng được coi là loại cây xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa của Đắk Lắk bởi chi phí đầu tư thấp, không cần chăm sóc nhiều, trồng một lần, thu hoạch nhiều năm, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân sau mỗi vụ mùa. Tuy nhiên năm nay, người dân ở huyện vùng biên Ea Súp lại phải đón một cái Tết ảm đạm khi điều liên tục rớt giá. Hiện những nhà vườn trồng điều ở khu vực các xã như Cư Kbang, Cư M’lan, Ia R’vê… đang bước vào vụ thu hoạch. Theo các hộ dân trồng điều tại đây, năm nay sản lượng, giá điều giảm nhiều hơn so với năm trước. Năm 2018, điều tại huyện Ea Súp được các thương lái thu mua có giá dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Đến đầu mùa điều 2019, giá điều rớt chỉ còn 28.000 - 32.000 đồng/kg. Đây là mức giá giảm mạnh kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Huyền Diệu

Trồng thanh long kết hợp nuôi lợn rừng: Tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Không chỉ phát triển, mở rộng diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ, gần đây, một số hộ dân xã Vân Trục (Lập Thạch, tỉnh tỉnh Vĩnh Phúc) còn tận dụng thân, cành và hoa thanh long tỉa bỏ để nuôi lợn rừng, đem lại thu nhập cao. Mô hình này đang được nhiều hộ gia đình trong xã nhân rộng.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ kết hợp nuôi lợn rừng của gia đình ông Nguyễn Đình Long, thôn Tam Phú, xã Vân Trục (Lập Thạch) cho thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Kim Khôi, Chủ tịch UBND xã Vân Trục cho biết: Năm 2008, xã Vân Trục được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh (Sở NN&PTNT) hỗ trợ lợn rừng giống theo Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho nông dân. Phát huy lợi thế có vườn rộng, cùng với tận dụng phế phẩm từ cây thanh long ruột đỏ, từ 1 - 2 con lợn nái hỗ trợ ban đầu, một số gia đình đã nhân giống, mở rộng quy mô đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Đình Long, thôn Tam Phú.

Cùng cán bộ xã, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình ông Long đúng vào dịp gia đình đang chuẩn bị lợn rừng để xuất bán dịp Tết Nguyên đán. Trên diện tích vườn rộng gần 1 ha, ngoài trồng hơn 7.000 gốc thanh long ruột đỏ, ông Long dành hơn 300m2 để xây dựng 3 chuồng nuôi kiên cố, kết hợp với sân vườn có quây lưới chắc chắn để nuôi lợn rừng theo hình thức bán chăn thả.

Được biết, trước đây, gia đình ông Long chủ yếu trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2008, được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 1 cặp lợn rừng để nuôi thử nghiệm. Sau một thời gian nuôi, ông Long nhận thấy lợn rừng rất thích ăn cành, hoa thanh long - một trong những phụ phẩm mà gia đình ông đang đau đầu trong việc xử lý. Từ đó, ông Long tích cực nhân giống để phát triển quy mô đàn. Từ 1 cặp giống ban đầu, đến nay, gia đình ông Long có 10 lợn nái và gần 80 con lợn thịt.

Ông Long cho biết: Trồng thanh long rất nhiều sản phẩm phụ, bởi, tháng nào cũng phải tỉa bỏ cành. Từ tháng 2 - 4, gia đình còn phải tỉa bớt hoa để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Với hơn 7.000 gốc thanh long, trung bình mỗi tháng gia đình tỉa bỏ hơn 8 tấn cành và hoa. Nếu như vứt bỏ tại vườn, cành và hoa thanh long sẽ thối rữa, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của thanh long.

Vì vậy, trước đây, gia đình phải vận chuyển đi tiêu hủy rất mất thời gian và tốn chi phí. Thế nhưng, phụ phẩm này lại là một loại thức ăn ưa thích của lợn rừng, bởi nó chứa nhiều nước và chất dinh dưỡng. Ban ngày chỉ cần cho lợn ăn cành, hoa thanh long, đến tối cho ăn thêm một bữa cám gạo hoặc ngô là đủ. Trung bình một ngày, 100 con lợn rừng có thể tiêu thụ khoảng 50kg cành hoặc hoa thanh long. Hơn 10 năm qua, các sản phẩm phụ từ trồng thanh long đều được lợn rừng ăn hết. Việc tận dụng cành và hoa thanh long không chỉ giúp gia đình tiết kiệm được chi phí chăn nuôi, lợn rừng nhanh lớn, chất lượng thịt thơm, ngon mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Với hơn 7.000 gốc thanh long, trung bình mỗi năm, ông Long thu được khoảng 35 tấn quả. Với giá bán trung bình 25 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng/năm. Riêng lợn rừng nuôi theo phương pháp tự nhiên, vào dịp Tết Nguyên đán, gia đình ông Long có thể bán với giá từ 100 - 120 nghìn đồng/kg. Thông thường, sau khoảng 10 tháng, lợn rừng có thể đạt trọng lượng từ 30 - 35 kg/con. Tháng trước, gia đình ông Long xuất bán 20 con lợn rừng thu về gần 70 triệu đồng. Với 10 lợn nái và hơn 50 con lợn thịt cung ứng cho thị trường trước, trong và sau Tết, ước tính năm 2018, gia đình ông Long thu lãi hơn 100 triệu đồng từ nuôi lợn rừng.

Ông Long cho biết thêm: Lợn rừng là động vật ăn tạp, dễ nuôi, có khả năng thích nghi tốt nên rất thích hợp với những vùng có nhiều đồi núi. Bên cạnh đó, với 1 ha diện tích trồng cây thanh long, đây là nguồn thức ăn chính để lợn rừng của gia đình phát triển.

Nuôi lợn rừng, kết hợp với trồng thanh long thật sự là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân ở những vùng đồi núi như xã Vân Trục. Mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Long. Không chỉ vậy, một số gia đình khác trên địa bàn xã cũng đang tích cực tìm hiểu và nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, để nuôi lợn rừng bà con cần thiết kế khu vực riêng và có chuồng trại, tránh lợn rừng làm hại đến diện tích trồng cây thanh long.

Bài, ảnh Thanh Huyền

Bình Phước: ‘Sốt’ giá mít Thái

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Thời điểm này, mít Thái được các thương lái săn lùng tận vườn, thu mua với giá từ 35-45 ngàn đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Ninh, tiểu thương ở xã Thuận Phú (Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cho biết: Mỗi ngày tôi phải đi hàng chục kilômét để thu gom nhưng không được nhiều vì vào cuối vụ nên mít còn rất ít. Hiện giá mít Thái tăng so với cùng kỳ năm trước khoảng 15 ngàn đồng/kg. Giá mít cao nên nhiều nhà vườn phấn khởi.

Thương lái thu mua mít tại xã Thuận Lợi

Bà Nguyễn Thị Hạo, ấp Thuận Hòa 1, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) chia sẻ: Với giá bán hiện nay mỗi cây mít Thái cho thu nhập trung bình 2 triệu đồng/năm. Nhà tôi có 3 ha mít Thái đang cho thu lai rai đợt 2. Tôi thường bán cho thương lái ở tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và thương lái thu mua về bán lẻ ở các chợ trên địa bàn tỉnh. Thời điểm trước tết mít rộ, mỗi ngày tôi bán khoảng 5 tấn trái, có ngày 7 tấn. Từ đầu vụ đến nay, giá duy trì ở mức 25-40 ngàn đồng/kg, gia đình thu khoảng 1,3 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Gia đình ông Dương Văn Đỉnh ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú) có 2,5 ha mít đang cho thu. Ông Đỉnh nói: “Vườn mít nhà tôi đã cho thu hoạch 2 năm. Mỗi năm thu 2 đợt chính, còn lại thu lai rai. Trung bình 1.000 gốc mít của gia đình cho thu khoảng 50 tấn trái/năm. Hiện thương lái đến thu mua tại vườn với mức giá loại 1 là 50 ngàn đồng, loại 2 là 40 ngàn đồng, loại 3 là 30-35 ngàn đồng/kg”.

Hiện nay, do giá mít Thái đang ở mức cao, cây từ khi trồng đến thu hoạch chỉ mất khoảng 18 tháng nên nhiều nông hộ ở Đồng Phú phá bỏ vườn tạp để trồng loại cây này.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn huyện Đồng Phú hiện có gần 70 ha mít Thái, tập trung chủ yếu ở các xã Thuận Lợi, Tân Lợi, Tân Hưng... Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ mít Thái khá bấp bênh, có lúc giá tăng mạnh nhưng cũng có lúc giảm sâu. Mặt khác, hiện nhiều địa bàn ở các tỉnh miền Tây đang phát triển mạnh loại cây trồng này nên tình trạng cung vượt cầu, giá giảm rất dễ xảy ra. Vì vậy, nông dân nên cẩn trọng khi chuyển đổi sang trồng loại cây này, tránh tình trạng trồng ồ ạt.

Cẩm Nhung

Những mô hình làm vườn hiệu quả

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Hội Nông dân (HND) xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) đã phối hợp với các ngành mở lớp tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) làm vườn cho hội viên, nông dân. Trên cơ sở đó, nhiều hội viên mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng giống cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: mô hình trồng mãng cầu xiêm của ông Phan Thanh Xuyên và mô hình trồng bưởi Tân Triều của ông Phan Hoàng Phương, cho lợi nhuận cao, thu nhập ổn định.

Với phương pháp bao trái, mãng cầu của ông Xuyên (bìa trái) tiết kiệm chi phí và cho năng suất cao.

Hưởng ứng phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2016, ông Phan Thanh Xuyên (ấp Thới Bình, xã Xuân Thắng) đã chuyển đổi 3 công đất ruộng kém hiệu quả để lên vườn trồng mãng cầu xiêm. Sau hơn 2 năm chăm sóc, trước Tết Nguyên đán năm 2019, ông Xuyên thu hoạch được 2,5 tấn trái và bán được 9.000 đến 20.000 đồng/kg, thu vào hơn 20 triệu đồng. Ông Xuyên phấn khởi nói: “Hiện tại, 3 công mãng cầu đang trong giai đoạn thu hoạch, ước còn khoảng 4 tấn trái. Nếu giá 10.000 đến 20.000 đồng/kg, gia đình tôi thu vào khoảng 50 triệu đồng...”.

Vườn bưởi tân triều của ông Phương cho thu nhập cao.

Theo ông Xuyên, mãng cầu xiêm có thể cho trái 2 vụ/năm. Vụ thuận vào mùa nắng và vụ nghịch vào mùa mưa. Tuy nhiên, để mãng cầu tự thụ phấn sẽ cho trái rất ít. Qua thời gian nghiên cứu, ông Xuyên đã tìm ra “bí quyết” để thụ phấn cho cây mãng cầu ra trái nhiều và có trái quanh năm. Ông Xuyên chia sẻ: “Đặc tính của mãng cầu là thụ phấn chéo. Do đó, buổi sáng tầm khoảng 7 đến 9 giờ sáng, tôi tiến hành thụ phấn. Nếu làm đúng kỹ thuật, tỷ lệ đậu trái khá cao, trái to, đẹp mắt sẽ bán được giá cao”. Nhờ phương pháp này, vườn mãng cầu của ông Xuyên cho năng suất khá cao. Trái mãng cầu sau khi đậu trái bằng cổ tay sẽ được bao bằng túi chuyên dụng để hạn chế sâu, bệnh tấn công, đồng thời tiết kiệm được thuốc bảo vệ thực vật và sản phẩm sau khi thu hoạch đạt chất lượng, thị trường rất ưa chuộng.

Nhờ được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây ăn trái do các cấp Hội Nông dân xã Xuân Thắng phối hợp tổ chức, ông Phan Hoàng Phương, ấp Thới Hòa B, xã Xuân Thắng đã mạnh dạn cải tạo vườn mận kém hiệu quả để trồng bưởi Tân Triều (bưởi ruột hồng). Ông Phương cho biết: “Với diện tích 4 công trồng bưởi tân triều, trung bình gia đình tôi thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/ năm. Vào trước Tết Nguyên đán 2019, gia đình tôi bán được trên 6 tấn trái và thu được 127 triệu đồng. Đây là một trong những giống bưởi có năng suất cao, trái to, khi chín có màu vàng tươi, mọng nước nên được thị trường rất ưu chuộng”.

Vườn bưởi của ông Phương thu hoạch trên 15 năm qua, điều đặc biệt là giống bưởi này hạn chế được bệnh vàng lá, nhẹ phân, thuốc bảo vệ thực vật, tỷ lệ đậu trái khá cao. Theo ông Phương, cách nay 18 năm, ông có dịp qua tỉnh Đồng Tháp chơi và phát hiện ra giống bưởi Tân Triều. Sau khi mua được 12 nhánh chiết về trồng thử và thấy hiệu quả, ông Phương đã đốn bỏ 4 công mận để trồng loại bưởi này đến nay. Để bưởi có trái to, bán được giá cao, ông Phương chăm bón rất kỹ từ lúc cây mới ra hoa và thường xuyên vun gốc bón phân, đồng thời tỉa những cành kém hiệu quả giúp cây mang lượng trái vừa đủ. Nhờ cần mẫn chăm sóc nên vườn bưởi của ông Phương lúc nào cũng xanh tốt, trái xum xuê. Ông Phương chia sẻ: “Để xử lý cho bưởi ra hoa sớm vụ, tôi thường xuyên tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây có múi và ứng dụng những tiến bộ KHKT vào vườn bưởi của gia đình. Nhờ làm đúng theo các quy trình nên vườn bưởi cho trái quanh năm”.

Ông Nguyễn Hoàng Nhan, Chủ tịch HND xã Xuân Thắng, cho biết: “Mô hình trồng mãng cầu xiêm của ông Xuyên và trồng bưởi Tân Triều của ông Phương được xem là mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập ổn định ở địa phương. Hiện tại, trên địa bàn xã có 85ha vườn trồng cây ăn trái, trong đó có khoảng 40ha đang trong giai đoạn thu hoạch. Những giống cây trồng chủ lực trên địa bàn xã gồm: bưởi da xanh, cam xoàn, nhãn idor… Thời gian qua, HND xã phối hợp với các ngành mở nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ và tổ chức tham quan các mô hình làm vườn hiệu quả trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận để hội viên trao đổi, học tập và ứng dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với ngân hàng, tạo điều kiện cho 798 hội viên vay trên 11 tỉ đồng để phát triển sản xuất”.

Bài, ảnh: Thanh Thư

Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang): Diện tích trồng xoài Đài Loan tăng mạnh

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Do có nguồn thu nhập ổn định nên nhiều nông hộ ở huyện Phụng Hiệp đã chủ động chuyển đổi đất trồng mía sang trồng xoài Đài Loan.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), toàn huyện trồng khoảng 465ha xoài Đài Loan, tập trung chủ yếu ở thị trấn Búng Tàu và các xã Phương Phú, Tân Phước Hưng, Hòa Mỹ. Riêng khoảng 2 tháng đầu năm 2019, huyện Phụng Hiệp đã trồng mới 20ha. Nhiều nông hộ trồng xoài Đài Loan ở huyện Phụng Hiệp, cho biết xoài Đài Loan hiện nay được lai tạo nên mau cho thu hoạch. Từ khi trồng đến thu hoạch chỉ mất khoảng 18 tháng, mỗi công xoài đạt năng suất bình quân 2 tấn trái/công. Giá bán bình quân năm qua ở mức 15.000 đồng/kg, trừ hết chi phí mỗi công xoài Đài Loan cho thu nhập trên 20 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với cây mía.

Tin, ảnh: DUY KHÁNH - LÊ ĐĨNH

Vĩnh Long: Nhà vườn trồng sầu riêng thu lời cao

Nguồn tin: Vĩnh Long

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long): Nhiều tháng nay, giá sầu riêng luôn ở mức cao, nông dân trồng sầu riêng rất phấn khởi.

Trong khi đó, ngành nông nghiệp 2 xã Thanh Bình, Quới Thiện- địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn- cũng cho biết thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng sầu riêng để đạt năng suất cao và đảm bảo chất lượng trái.

Khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động phòng trừ các bệnh thường gặp trên cây sầu riêng trong từng giai đoạn, nhằm đảm bảo tốt năng suất sầu riêng.

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Hồ Văn Trọn cho biết hiện xã có 389ha trồng sầu riêng, hiện đang đầu mùa sầu riêng, thương lái thu mua sầu riêng ở mức khá cao, từ 55.000- 80.000 đ/kg.

Sầu riêng cho năng suất từ 15- 16 tấn/ha, cá biệt có vườn đạt 18 tấn/ha. Với chi phí khoảng 20- 25%/ha, nếu tính mức giá bình quân 70.000 đ/kg, thì nhà vườn thu lời vài trăm triệu đến tỷ đồng/ha sầu riêng là không khó.

Nhờ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên hiện nay nhiều hộ nông dân trồng sầu riêng rất chú trọng sản xuất an toàn, sử dụng phân thuốc theo khuyến cáo của ngành chức năng. Song song đó, do sầu riêng là loại cây ăn trái chịu mặn thấp, các địa phương và người dân đã chủ động triển khai, áp dụng nhiều biện pháp chống hạn mặn, trữ nước ngọt để đảm bảo tưới tiêu.

PHƯỚC- LY

900.000 đồng/kg phúc bồn tử đen dưới chân núi Langbiang

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sau một thời gian dài nghiên cứu và thử nghiệm, Công ty Dâu rừng Langbian F đã trồng đại trà cây phúc bồn tử đen thương phẩm trên 2,5ha nhà kính tại thôn Đăng Gia Rít B, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng).

Quy trình sản xuất phúc bồn tử đen dưới chân núi Langbian đạt chuẩn Chứng nhận hữu cơ của Nhật Bản

Đến thời điểm ngày 19/2/2019, Công ty Dâu rừng Langbian F bán trái phúc bồn tử đen hái tươi tại vườn là 900.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, công ty này cũng đã chế biến tại chỗ sản phẩm rượu vang phúc bồn tử đen với giá 600.000 đồng/chai. Ngoài ra còn có các sản phẩm nước cốt phúc bồn tử đen khác được bán 500.000 đồng/lít.

Phúc bồn tử đen bán tươi tại vườn dưới chân núi Langbian là 900.000 đồng/kg

Được biết giống phúc bồn tử đen do Công ty Dâu rừng Langbian F được mua về từ châu u, sản xuất tại khu vực dưới chân núi Langbian thuộc thị trấn Lạc Dương nói trên từ gần 18 tháng qua, đạt tiêu chuẩn Chứng nhận hữu cơ của Nhật Bản.

Các công dụng của phúc bồn tử đen được ghi nhận trong các tài liệu khoa học như: ngăn ngừa, làm chậm tăng trưởng bệnh ung thư, cải thiện chức năng não, trẻ hóa tế bào, tốt cho hệ tim mạch…

VĂN VIỆT

Khi đất và nước ô nhiễm

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Sau tết, một doanh nghiệp ở Mỹ qua mấy tầng giới thiệu cũng đã tiếp cận được các cơ sở, doanh nghiệp sơ chế trái thanh long tại Bình Thuận. Đại diện của doanh nghiệp này cho biết qua điện thoại là người tiêu dùng ở Mỹ đã bắt đầu quan tâm đến sản phẩm thanh long sơ chế theo kiểu sấy khô, sấy dẻo nhưng thực tế trên thị trường lại ít, vì sản phẩm đạt chất lượng yêu cầu cho lưu thông mua bán không nhiều. Để chứng minh, đại diện này cũng gửi qua một số sản phẩm thanh long sấy đóng gói trong bịch nhựa láng cứng, có hình ảnh đẹp, tuy nhiên kết quả kiểm tra từ các cơ quan chức năng tại Mỹ là không đạt chất lượng theo yêu cầu. Đại loại, trong miếng thanh long đã sấy đó có chứa hàm lượng chì, kẽm, mangan…vượt ngưỡng. Đại diện này cũng nhìn nhận là sản phẩm trên đã qua được vòng kiểm duyệt của sân bay Mỹ, nhưng khi tới vòng kiểm tra của các cơ quan chức năng thì không đạt. Và đó là lý do họ đề nghị muốn lấy mẫu hàng thanh long sấy khô, sấy dẻo của các cơ sở, doanh nghiệp tại Bình Thuận để đem qua Mỹ kiểm tra, trước khi có quyết định ký kết mua hàng.

Sản phẩm có hàm lượng chì, kẽm…vượt ngưỡng cho thấy xuất phát từ gốc của vấn đề là do đất và nước của nơi cây thanh long sinh trưởng đang bị ô nhiễm. Vì vậy, dù nông dân sau khi thay đổi nhận thức có nỗ lực chăm sóc cây qua rải phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, thời gian cách ly thì cũng chỉ cho sản phẩm an toàn, tức không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Còn những hàm lượng như chì, kẽm… vượt ngưỡng là không thể phai vì chúng ở trong đất, trong nước ngấm vào từng chi tiết sinh trưởng của cây hàng ngày và ngấm vào trái là điều tất nhiên. Có thể, đó là vùng thanh long dân sản xuất không theo chuẩn nào, vì nếu theo chuẩn VietGAP thôi thì việc test đất, nước đã là khâu cơ bản phải làm trước tiên. Tiếp đến mới nói đến thực hiện theo đúng quy trình chăm sóc như thế nào. Đó là lý do mà thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh diện tích sản xuất thanh long VietGAP. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề được nhiều nông dân phản ánh là thanh long VietGAP bán với giá như thanh long thường nên việc mở rộng diện tích sản xuất theo chuẩn này khó khăn. Tuy nhiên, theo quy luật phát triển, sản phẩm đạt chất lượng vẫn là đích đến cuối cùng. Bây giờ ngay cả thanh long sấy, sản phẩm mà ai cũng hình dung là thanh long tươi không được đẹp về hình dáng sẽ được tận dụng và đã qua nhiều công đoạn của sấy nên sẽ làm phai dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, của hàm lượng kim loại có trong thanh long tươi. Nhưng thực tế lại không.

Từ đó cho thấy, nếu ở tỉnh sản xuất thanh long VietGAP bền vững thì việc tiêu thụ thanh long tươi và cả thanh long sấy sẽ có hy vọng. Với thị trường Mỹ, nơi thanh long tươi đã vào nhưng không thành công, vì nhiều lý do, trong đó có cả cung đường vận chuyển quá dài thì bây giờ, thanh long sấy khắc phục được nhược điểm của thanh long tươi sẽ mở đường vào Mỹ dễ dàng hơn. Cái chính vẫn là thanh long phải sản xuất sạch, ngay cả từ trong đất, nước. Nếu vậy, phải cải tạo đất, nước trước khi sản xuất thanh long lại, nhất là với hàng nghìn ha thanh long đang ở giai đoạn già cỗi hiện nay.

Bích Nghị

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop