Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 5 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 5 năm 2019

Khởi nghiệp từ cây sả

Nguồn tin:  Báo Gia Lai

Dù gia đình không ủng hộ song anh Đào Duy Hiệp (tổ 5, thị trấn Chư Sê, Gia Lai) vẫn quyết tâm từ bỏ công việc đáng mơ ước ở một cơ quan nhà nước để trở về làm nông. Và cây sả được anh lựa chọn để khởi nghiệp với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bỏ phố về quê trồng sả

Anh Đào Duy Hiệp sinh năm 1989 trong một gia đình nông dân có 4 anh chị em. Từ nhỏ, anh Hiệp đã có ý thức phụ giúp bố mẹ chăm nom vườn tược và đặc biệt yêu thích nghề nông. Niềm đam mê ấy đã thôi thúc anh chọn ngành Công nghệ sinh học-Nông nghiệp của Trường Đại học Bình Dương để thi. Năm 2011, sau 4 năm miệt mài đèn sách, anh ra trường và được nhận vào làm việc tại Viện Sinh học Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Năm 2012, anh quay trở lại Trường Đại học Bình Dương tham gia quản lý học sinh, sinh viên và phòng thí nghiệm theo lời mời gọi của nhà trường. Trong thời gian làm việc ở đây, nhằm củng cố và nâng cao kiến thức, anh tiếp tục học lên Thạc sĩ Khoa học cây trồng tại Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.

Anh Đào Duy Hiệp thu hoạch lá sả để chiết xuất tinh dầu. Ảnh: H.T

Khi chuẩn bị lựa chọn đề tài cho luận văn thạc sĩ, anh Hiệp luôn đau đáu muốn thực hiện điều gì đó trên quê hương Gia Lai và đã được một giảng viên trong trường gợi ý nghiên cứu về cây sả. “Trong quá trình thực hiện đề tài tại Binh đoàn 15, tôi nhận thấy sả là cây trồng có thể giúp bà con quê mình thoát nghèo nhanh với thu nhập ổn định hàng tháng chứ không phải chờ cả năm mới thu như cà phê, hồ tiêu. Hơn nữa, sả khá dễ trồng, chỉ đầu tư một lần, ít tốn công chăm sóc, có thể trồng thâm canh hoặc xen canh với nhiều loại cây. Đặc biệt, sản phẩm tinh dầu sả ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng bởi có nhiều công dụng hữu ích. Tôi nghĩ, cây sả nhất định sẽ giúp mình làm nên chuyện”-anh Hiệp chia sẻ.

Cuối năm 2016, anh Hiệp từ bỏ công việc ở TP. Hồ Chí Minh để trở về nhận công tác tại Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh. Gắn bó với công việc ở đây hơn 1 năm, anh xin nghỉ để theo đuổi đam mê của mình, dù bố mẹ không ủng hộ. “Gia đình không muốn tôi đi học bao nhiêu năm, có công việc ổn định lại từ bỏ để về trồng sả, sản xuất tinh dầu. Dẫu buồn nhưng tôi vẫn quyết tâm chứng minh cho bố mẹ thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn khi đem kiến thức tích lũy được về làm giàu trên chính quê hương”-anh Hiệp cho biết.

Với số vốn tích lũy ít ỏi, anh Hiệp vay ngân hàng thêm 100 triệu đồng để đầu tư nhà xưởng và mua cây giống. Các giống sả Java, sả Ấn Độ, sả chanh… được anh trồng thâm canh và xen canh trong vườn cà phê, hồ tiêu. Đây đều là các giống sả có đặc tính sinh trưởng, phát triển nhanh, cho hàm lượng tinh dầu cao, mùi thơm đậm, khả năng khử mùi và xua đuổi côn trùng tốt; thời gian trung bình cho thu hoạch lá từ 40 đến 50 ngày. Riêng giống sả Ấn Độ được anh mua với giá gần 200.000 đồng/kg, có mùi thơm ban đầu giống sả Java nhưng khi để lâu hương dịu hơn và tỏa ra hương cam tươi mát. Anh cũng đang trồng thử nghiệm thêm các loại sả có mùi quế, xá xị nhằm đa dạng hóa sản phẩm tinh dầu của mình trong tương lai. Đến nay, anh Hiệp trồng được gần 3 ha sả trên địa bàn huyện Chư Sê và Chư Pưh.

Điều đáng nói là anh Hiệp tự nghiên cứu tạo ra hệ thống máy móc chiết xuất tinh dầu sả bằng kiến thức của bản thân và đúc rút kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất tại Gia Lai, Đak Lak. Anh cho hay: “Ở Binh đoàn 15, họ vận hành hệ thống bằng điện nên chi phí khá cao, rơi vào tầm 700.000 đồng/tấn sả ép. Còn tại huyện Ea HLeo (tỉnh Đak Lak), họ lại sản xuất bằng cách đốt củi trực tiếp khiến tinh dầu tạo ra không đảm bảo chất lượng về màu sắc và mùi hương. Vì thế, tôi đã bỏ ra gần 80 triệu đồng để làm hệ thống riêng của mình, vừa tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm”.

Xây dựng sản phẩm đặc trưng địa phương

Những ngày đầu tiến hành chiết xuất tinh dầu sả, anh Hiệp liên tục thất bại vì lượng tinh dầu sả chiết xuất ra không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, anh không hề nản chí. Vừa làm vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm, cuối cùng việc sản xuất cũng đi vào ổn định. Đó cũng là lúc anh tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tranh thủ mối quan hệ của mình trước đây ở Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh để đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hệ thống spa, khách sạn lớn nhỏ. Sau 2 tháng nỗ lực, đầu ra cho sản phẩm tinh dầu sả của anh Hiệp đã dần ổn định với đơn đặt hàng trung bình tầm 15 lít/tháng. Để đáp ứng nguồn cung, mỗi ngày anh sản xuất 1-2 mẻ tinh dầu; mỗi mẻ khoảng 3 tạ lá sả, ép chừng 8 giờ đồng hồ sẽ cho 1,7 lít tinh dầu. Với giá bán 1,1-1,4 triệu đồng/lít, trừ chi phí, anh thu về hơn 10 triệu đồng/tháng. Tính đến nay, anh đã xuất bán gần 200 lít tinh dầu sả. Ngoài bán theo lít, để khách hàng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm và có nhiều sự lựa chọn hơn, anh Hiệp còn chiết tinh dầu sả vào những chai thủy tinh có kích cỡ 10-30 ml ở dạng chai serum, dạng xịt, bi lăn và treo, giá bán dao động từ 80.000 đồng đến 110.000 đồng/chai.

Tinh dầu sả được anh Hiệp chiết vào các chai có kích cỡ khác nhau tùy theo mục đích sử dụng của khách hàng. Ảnh: Hồng Thi

Bà Bùi Thị Đào (thị trấn Chư Sê)-một trong những khách hàng thân thiết của anh Hiệp tại địa phương-nhận xét: “Cách đây 2 năm, lúc Hiệp mới chế biến tinh dầu sả có mời tôi dùng thử. Tôi thấy tinh dầu khá thơm, mùi hương khác với sả mình vẫn hay dùng chế biến ăn uống hàng ngày. Không chỉ giúp thư giãn khi xông hơi, gội đầu, tinh dầu sả này còn xoa dịu vết cắn và xua đuổi được côn trùng như kiến, ruồi, muỗi… Biết được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm lại chất lượng nên tôi thường xuyên mua dùng và tặng bạn bè, bà con ngoài quê”.

Không chỉ dừng lại ở tinh dầu sả, tháng 4-2018, anh Hiệp cùng 7 thành viên khác đồng tâm thành lập Hợp tác xã Hạt giấy từ thiện Chư Pưh có trụ sở tại làng Tao Kó, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh với vốn điều lệ là 310 triệu đồng. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc điều hành Hợp tác xã, anh Hiệp đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho thành viên để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: tinh dầu sả, tinh bột nghệ, bột đậu đen xanh lòng giống bản địa, mủ trôm, mật ong hoa cà phê, chuối trồng tự nhiên dưới tán rừng…; đồng thời tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm ở huyện, tỉnh và TP. Hồ Chí Minh. “Tôi nghĩ, muốn cạnh tranh trên thị trường thì mình phải sở hữu cái riêng có, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc. Và khi đầu tư phát triển những sản phẩm đặc thù địa phương, chúng tôi cũng hướng đến việc hỗ trợ, liên kết với người dân để mở rộng quy mô, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cái khó bây giờ là nguồn lực của chúng tôi chưa đủ lớn để đầu tư nhà xưởng, hệ thống sản xuất quy mô hơn nhằm đáp ứng toàn bộ đơn đặt hàng”-anh Hiệp bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pưh: Trên địa bàn huyện hiện có nhiều mô hình, hợp tác xã khởi nghiệp của thanh niên hoạt động hiệu quả, trong đó có Hợp tác xã Hạt giấy từ thiện Chư Pưh. Là đầu tàu, anh Hiệp khá năng động và sáng tạo trong việc phát triển các mặt hàng đặc trưng của địa phương. Vừa qua, tinh dầu sả của Hiệp cũng được xét công nhận là sản phẩm đặc trưng của xã Ia Rong theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh này còn khá nhỏ lẻ, chưa tham gia được vào các hệ thống bán lẻ lớn trên cả nước. Nếu thị trường đầu ra được mở rộng hơn nữa thì sẽ rất có tiềm năng.

HỒNG THI

Niềm tin từ cây dưa lưới!

Nguồn tin: Báo An Giang

“Vườn dưa lưới của tôi đang vào giai đoạn thu hoạch, công ty bao tiêu với giá 30.000 đồng/kg. Vụ này tôi thu hoạch khoảng 3,7 tấn, ước đạt 150 triệu đồng. Lần đầu tiên tôi trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đạt kết quả như vậy xem như thành công” - ông Phan Văn Đắt (sinh năm 1953, ngụ ấp Trung Phú 6, xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn, tỉnh An Giang) bộc bạch.

Đến vườn dưa lưới rộng 1.000m2 của ông Đắt, vợ chồng ông đưa chúng tôi tham quan thành quả sau gần 3 tháng dày công chăm sóc với những trái dưa to tròn, căng mọng chờ đến ngày thu hoạch. Ông Đắt cho biết: “Trồng dưa lưới trong nhà màng đỡ cực khâu chăm sóc hay ảnh hưởng bởi dịch bệnh phá hoại cây trồng, thời tiết bất thường, nhưng không vì thế mà giao phó hết cho công nghệ. Ở đây, chúng tôi chỉ rảnh tay được công đoạn phun tưới nước hàng ngày, vì mảnh vườn đã được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel. Nghĩa là nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây, 1 tiếng đồng hồ thiết bị sẽ tự động bật tưới nước 1 lần. Phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tự động tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều, song mỗi ngày vợ chồng tôi đều ra thăm vườn để thực hiện các công đoạn chăm sóc, tỉa lá, cắt đọt để cây tập trung nuôi trái to. Hàng ngày nhìn cây do mình chăm sóc phát triển tốt, vợ chồng tôi mừng lắm. Ai cũng hy vọng sẽ thoát được cuộc sống cơ cực, vươn lên làm giàu chính đáng”.

Vợ chồng ông Đắt rất phấn khởi với mùa vụ đầu tiên

Chia sẻ ý tưởng đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng, ông Đắt tự hào cho biết, đó là công lao của con trai mình. Tốt nghiệp kỹ sư ngành nông nghiệp, khi ra trường đi làm, con ông Đắt đam mê với cây dưa lưới nên về bàn bạc với gia đình và khuyên vợ chồng ông đừng vất vả đi cấy mướn, nên tập trung đầu tư trồng cây dưa lưới. Suy tính một thời gian khá lâu, vợ chồng ông Đắt quyết định gom tất cả tiền dành dụm và vay mượn thêm để trồng dưa lưới, với kinh phí đầu tư khoảng 360 triệu đồng. Từ khi trồng đến nay, vợ chồng ông là người trực tiếp chăm sóc, con trai do bận công việc nên chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nhằm chăm sóc cho cây được tươi tốt. “Lúc nào ươm giống, thay bầu, giai đoạn nào thụ phấn tốt, cách thụ phấn làm sao, tỉa lá thế nào… tất cả đều do con trai hướng dẫn. Dù có con giúp đỡ nhưng trước khi quyết định trồng dưa lưới trong nhà màng, tôi đi tham quan, học tập kinh nghiệm nhiều nơi khác. Các nơi tôi đến học tập kinh nghiệm, bà con rất nhiệt tình chia sẻ nên tôi biết được đôi chút” - bà Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1960, vợ ông Đắt) thật thà chia sẻ.

Ông Đắt cho biết, từ giai đoạn trồng đến khi lặt chèo, tỉa nhánh khoảng 14 ngày. Đến ngày thứ 26 thì tiến hành thụ phấn cho cây dưa lưới. Việc thụ phấn được thực hiện bằng phương pháp thủ công (lấy nhụy hoa đực úp vào hoa cái). Mỗi dây để khoảng 3-4 trái, sau đó 1 tuần, trái dưa phát triển khá ổn định về hình dạng thì lựa ra 1 trái tốt nhất để lại. Làm như vậy, trái sau khi thu hoạch sẽ đều và đẹp hơn. Tuy phải tốn khá nhiều thời gian cho công đoạn thụ phấn, song mỗi ngày thấy trái phát triển đúng theo ý muốn của mình, ông Đắt cảm thấy rất phấn khởi. Ông lưu ý, nên thực hiện việc thụ phấn vào sáng sớm để trái đạt chất lượng tốt nhất. Với số lượng 2.500 cây giống, ông Đắt cho biết do lấy hạt giống chất lượng nên khi ươm mầm đến lúc trồng, không bị hụt cây nào. Bà con quanh xóm thấy vợ chồng ông Đắt trồng dưa tươi tốt nên đến học hỏi. “Tôi sẵn sàng hướng dẫn bà con cách chăm sóc, gieo trồng để cây phát triển tốt nhất, đầu tư chi phí cao mà không rành kỹ thuật chăm sóc thì khổ lắm” - ông Đắt chùn giọng.

Hiện nay, vườn dưa lưới của vợ chồng người nông dân chân đất ấy đang bước vào vụ thu hoạch đầu tiên. Nếu tính trung bình 1 trái dưa đạt trọng lượng từ 1,5-1,7kg, vụ này có thể đạt 3,7 tấn, với số tiền khoảng 150 triệu đồng. “Vậy là, chỉ cần nỗ lực chăm sóc tốt, khoảng 2 vụ nữa tôi đã thu hồi vốn và có lời. Là loại cây ngắn ngày, dưa lưới từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 3 tháng, 1 năm có thể trồng được 3 vụ. Chỉ cần trồng đúng kỹ thuật, lợi nhuận từ dưa lưới rất cao”- ông Đắt phấn khởi cho biết.

Có thể nói, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đang là hướng phát triển của ngành nông nghiệp, góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn thực phẩm. Việc nhân rộng mô hình là việc làm cần thiết. Bởi, không chỉ giúp đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

Đưa trái xoài xuất khẩu

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Tuy trái xoài Đồng Nai rất giàu tiềm năng xuất khẩu nhưng loại trái cây được cho là đặc sản của Đồng Nai này từng rơi vào cảnh “giá rẻ như cho” vẫn không có người mua. Gần đây, Việt Nam đã có lô xoài đầu tiên xuất khẩu thành công vào thị trường Hoa Kỳ. Nhưng mở rộng kênh xuất khẩu để trái xoài có đầu ra bền vững vẫn là bài toán khó.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai (bìa phải) hướng dẫn nông dân quy trình trồng xoài sạch đạt chuẩn xuất khẩu. Ảnh: B.Nguyên

Đồng Nai đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đầu tư cánh đồng lớn; hướng dẫn sản xuất xoài tiên tiến đạt chuẩn xuất khẩu để loại trái cây giàu tiềm năng xuất khẩu này có thị trường bền vững.

* Long đong... đặc sản

Vài tuần trở lại đây, giá xoài ba mùa mưa chỉ còn khoảng vài ngàn đồng/kg; xoài Đài Loan chỉ từ 10-12 ngàn đồng/kg. Trong đó, xoài cát Hòa Lộc, giống xoài đặc sản thường bán được giá cao hiện cũng bị rớt giá và chỉ còn từ 16-18 ngàn đồng/kg. Tại một số xã vùng sâu, giá xoài còn thấp hơn mức bình quân nói trên. Điều nông dân lo lắng hơn là dù chấp nhận bán với giá lỗ vốn nhưng vẫn không dễ tìm được người mua.

Ông Phan Bá Long, nông dân xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) bày tỏ lo lắng: “3 tuần nay, xoài ba mùa mưa chỉ bán được 2 ngàn đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc cũng chỉ còn 16 ngàn đồng/kg mà gọi thương lái cũng không đến mua. Liên hệ với các chủ đại lý thu mua trái cây, họ cũng nói chưa mua ngay được vì cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều chậm “ăn” hàng. Nhiều nhà vườn đã có hiện tượng xoài chín rụng đầy gốc nên thiệt hại càng lớn hơn”.

Cũng chung tâm trạng, ông Lê Hồng Thi, nông dân trồng xoài tại xã Phú Lý chia sẻ: “Hiện nông dân đang rất khốn khổ tìm đầu ra cho trái xoài. Chúng tôi mong ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương quan tâm hơn, không nên “bỏ mặc” nông dân tự tìm thị trường. Chúng tôi mong có sự hỗ trợ, định hướng hết sức cụ thể về nhu cầu của thị trường hiện nay về trái xoài để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp”.

Ngay cả giống xoài đặc sản cát Hòa Lộc vốn được thị trường ưa chuộng, thường bán được với giá cao hơn nhiều so với các giống xoài khác hiện cũng khó gọi thương lái thu mua. Theo bà Nguyễn Thị Kim Mai, Tổ trưởng Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán): “Xoài cát Hòa Lộc là giống đặc sản của Việt Nam nên không lo “đụng hàng” với các nước khác. Từng có nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản, Hoa Kỳ muốn ký hợp đồng bao tiêu trái xoài này xuất khẩu nhưng đều vuột mất cơ hội vì không đủ nguồn hàng cung cấp”.

* Sản xuất theo chuẩn xuất khẩu

Với mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu xoài, Đồng Nai đã triển khai các dự án cánh đồng lớn cho trái xoài, hỗ trợ cho nông dân làm chứng nhận VietGAP cho trái xoài; mở các lớp tập huấn trồng xoài theo chuẩn xuất khẩu của Nhật Bản... Nhưng đến nay, trái xoài vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Vụ thu hoạch năm nay, xoài mất mùa, giảm năng suất từ 20-30% so vụ thu hoạch năm ngoái nhưng trái xoài vẫn rớt giá vì thị trường Trung Quốc đang siết chặt việc nhập khẩu trái cây theo đường tiểu ngạch. Theo nông dân trồng xoài, dự án cánh đồng lớn, sự liên kết sản xuất theo quy mô lớn vẫn còn lỏng lẻo; hiệu quả thực tế chưa cao nên chưa đáp ứng được những thị trường khó tính.

Bà Kim Mai chỉ ra những cái khó trong việc chuẩn về khâu sản xuất của nông dân: “Điểm “nghẽn” lớn nhất trong sản xuất an toàn đạt chuẩn xuất khẩu là nông dân mình vẫn chạy theo lợi nhuận trước mắt, vẫn giữ thói quen lạm dụng phân, thuốc hóa học để có năng suất cao, trái xoài to, bóng. Trong khi đó, sản xuất sạch tốn kém và mất nhiều công chăm sóc hơn và hiện thị trường cho trái sạch vẫn còn bấp bênh. Điều cần nhất là nông dân phải thay đổi từ tư duy sản xuất, kiên định làm theo hướng an toàn mới mong có đầu ra bền vững”.

Cũng theo bà Mai, hiện có doanh nghiệp đang đặt vấn đề hợp tác với trang trại của bà về việc bao tiêu trái xoài xuất khẩu. Theo đó, trang trại có nhu cầu liên kết với nông dân trồng xoài theo hướng sinh học; thực hiện việc bao trái để hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học... Trang trại sẽ chuyển giao kỹ thuật sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu, nhất là kỹ thuật xử lý cho trái nghịch vụ cho những nông dân tham gia chuỗi liên kết.

Ông Nguyễn Quân, Giám đốc Công ty Northwest Evergreen.Co. tại Washington, D.C (Hoa Kỳ) cho biết: “Tôi đang hợp tác với Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai với mong muốn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trái xoài cát Hòa Lộc. Qua khảo sát tại thị trường Hoa Kỳ, tôi thấy không có loại xoài nào ngon bằng giống xoài cát Hòa Lộc nên đã nhiều lần về Việt Nam tìm vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu”.

Theo ông Quân, doanh nghiệp đầu tiên vừa xuất khẩu lô xoài đầu tiên vào thị trường Hoa Kỳ đã mất 10 năm chuẩn bị. Điều này cho thấy yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ rất khắt khe. Nhưng tiềm năng của thị trường này là rất lớn, cửa thị trường cũng đã mở, nông dân cần thay đổi ngay thói quen sản xuất để không bỏ lỡ cơ hội lớn này.

Bình Nguyên

Khóm trái hút hàng, tăng giá

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Những ngày qua, nhiều hộ trồng khóm ở xã Tân Tiến và Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), rất phấn khởi vì giá khóm trái tăng cao. Anh Sáu Lợi, ở xã Tân Tiến, cho biết mấy ngày gần đây thương lái vào tận rẫy đặt mua khóm loại 1 từ 1kg/trái trở lên với giá dao động từ 100.000-120.000 đồng/chục 10 trái. Loại 2 từ 1kg/trái trở xuống thì giá từ 80.000-90.000 đồng/chục, cao hơn tuần trước từ 20.000-40.000 đồng/chục.

Thương lái vào tận rẫy thu mua khóm với giá khá cao.

Tại chợ Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, các tiểu thương cho biết giá khóm bán lẻ tại chợ hiện nay là 14.000 đồng/trái khóm loại 1; còn loại 2, dưới 1kg/trái là 10.000-12.000 đồng/trái, tăng khoảng 3.000-5.000 đồng/trái. Nguyên nhân giá khóm tăng là do các nhà máy chế biến cần nguồn nguyên liệu, trong khi nguồn khóm trái tại địa phương đang vào cuối vụ.

Tin, ảnh: QUANG HẢI

Nông dân Dương Minh Châu (Tây Ninh): Trồng sắn cho thu nhập trên 130 triệu đồng/ha

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Trước những thiệt hại do bệnh khảm lá trên cây mì, thời gian qua nhiều hộ nông dân ở huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích sang trồng các loại cây khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Thu hoạch củ sắn tại ruộng của ông Nguyễn Thành Nhân.

Điển hình như ông Nguyễn Thành Nhân, sinh năm 1960, nông dân xã Suối Đá. Vụ Đông Xuân vừa qua, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 2 ha củ sắn (củ đậu). Tuy vụ đầu còn gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật và kinh nghiệm, nhưng với quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Nhân đã thành công do củ sắn trúng mùa, lại trúng giá.

Ông Nhân cho biết, củ sắn rất dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, có thể trồng được nhiều vụ trong năm và thích hợp với nhiều vùng đất khác nhau. Cây trồng sau 4,5 tháng là có thể cho thu hoạch, giá trị kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Giá trị kinh tế của củ sắn mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Hiện nay ông Nhân đang thu hoạch củ sắn với năng suất đạt trên 45 tấn/ha. Giá thương lái thu mua dao động từ 4.000 đồng đến 6.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Nhân thu về lợi nhuận hơn 130 triệu đồng/ha.

Hiền Âu

Độc đáo mô hình trồng cây sung Mỹ và dưa lưới công nghệ cao

Nguồn tin: Báo An Giang

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Nông dân xã Châu Phong (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) đã hỗ trợ gia đình ông Võ Văn Cao (ấp Vĩnh Lợi 2) xây dựng mô hình trồng cây sung Mỹ kết hợp dưa lưới trên diện tích 1.000m2. Đây là mô hình mới được địa phương đánh giá cao, có tiềm năng phát triển.

Mô hình tiềm năng

Là một trong những hộ tiên phong trong việc phát triển mô hình trồng cây sung Mỹ ở địa phương, ông Võ Văn Cao cho biết, gia đình ông có khoảng 1ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 1.000m2 đất gần nhà trồng rau màu. Những năm qua, nhận thấy việc sản xuất khó khăn, nên ông nghiên cứu, tìm kiếm loại cây trồng khác để thay thế. “Trước đây khi xem ti vi, thấy giới thiệu mô hình trồng cây sung Mỹ thu lợi nhuận khá cao. Biết có chính sách hỗ trợ vay vốn từ chương trình xây dựng NTM, gia đình đăng ký xin vay vốn và chọn cây sung Mỹ để trồng” - ông Cao chia sẻ. Về nguồn cây giống, ông Cao xuống Cần Thơ để mua, ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho cây sung sinh trưởng và phát triển, gia đình ông xây dựng nhà màng, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tổng chi phí đầu tư khoảng 225 triệu đồng (khung, sườn), trong đó Hội Nông dân xã hỗ trợ 120 triệu đồng.

Theo ông Cao, cây sung Mỹ là loại cây ưa thích khí hậu nóng khô, thích hợp với độ ẩm thấp và dễ trồng, chỉ cần có đất và lượng nước đủ là cây sẽ sống và phát triển. Cây sung không kén chọn đất, có thể sống trên nhiều điều kiện đất đai khác nhau, nhưng không thể sống ở đất thường ngập úng. Cây giống khi trồng sau 6 tháng sẽ cho ra trái (bình quân 2kg trái/cây), mỗi nách ra 1 trái, trái non có màu xanh đậm, khi chuyển sang màu vàng đỏ tức là trái chín (khoảng 25-30 ngày). Trái sung chín có thịt mềm thơm mọng nước, lớp vỏ áo bên ngoài rất mỏng, ăn có vị ngọt thanh, trái xanh ăn khá giòn. “Việc trồng sung trong nhà màng để cách ly côn trùng bên ngoài xâm nhập vào gây bệnh cho cây. Tuy nhiên, người trồng không được chủ quan mà phải thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện cây bị bệnh phải có biện pháp xử lý ngay” - ông Cao chia sẻ kinh nghiệm.

Tuy nhiên, do chi phí đầu tư trồng cây sung Mỹ khá lớn, khoảng 230.000 đồng/cây nên ông Cao chỉ trồng khoảng 200 cây trên diện tích 300m2, phần còn lại được trồng dưa lưới. “Hiện nay, dưa lưới đang gần tới ngày thu hoạch, trọng lượng ước đạt từ 1,2kg trở lên. Sản phẩm được Hợp tác xã Kim Long (Bình Dương) thu mua với giá hơn 35.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có lãi trên 72 triệu đồng” - ông Cao chia sẻ.

Mở rộng diện tích

Mặc dù chưa thu hoạch nhưng theo đánh giá của ông Cao, mô hình khá tiềm năng, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao nếu áp dụng đúng kỹ thuật. Cây sung Mỹ do có nhiều thành phần dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nên được người tiêu dùng ưa thích và được bán với giá cao. Về cây dưa lưới, ông Cao cho rằng, đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Cây dưa lưới phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao và ổn định. Tuy nhiên, cây dễ bị bệnh trong những ngày mưa dầm, nên nông dân cần phải thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện bệnh sớm và có những biện pháp phòng tránh hiệu quả. “Trước mắt, gia đình tôi sẽ tìm tòi, nghiên cứu thêm kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng cây dưa lưới. Đồng thời, đưa trái của cây sung Mỹ tới một số trung tâm cây giống để thẩm định tiêu chuẩn của trái, chào hàng tại các cửa hàng nông sản tại An Giang. Nếu thuận lợi, sẽ tăng diện tích trồng cây sung Mỹ cũng như tìm đầu ra ổn định cho loại cây ăn trái này” - ông Cao thông tin.

Những năm qua, nhằm giúp nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, thông qua nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Châu Phong đã hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư thực hiện các mô hình nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả cao, khuyến khích nông dân phát huy thế mạnh của từng mô hình sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Phong Ngô Phước Hùng đánh giá: “Mô hình trồng cây sung Mỹ kết hợp dưa lưới của gia đình ông Cao bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn các mô hình nông nghiệp khác của địa phương. Chúng tôi sẽ tổ chức cho các nông dân, đặc biệt là nông dân sản xuất giỏi tham quan mô hình, từ đó sẽ định hướng mở rộng diện tích trong thời gian tới".

Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN

Các nhà vườn công nghệ cao Lâm Đồng ‘méo mặt’ vì giá điện tăng

Nguồn tin:  VOV

Giá điện cùng với giá xăng tăng bắt đầu có những tác động rõ nét lên các hoạt động sản xuất kinh doanh ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Giá điện cùng với giá xăng tăng bắt đầu có những tác động rõ nét lên các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, nơi mà các trang trại nông nghiệp công nghệ cao phải thắp điện suốt đêm, tác động của tăng giá điện càng rõ nét. Áp lực này đòi hỏi thiết bị công nghệ sử dụng trong nông nghiệp ở Lâm Đồng phải tiếp tục được đổi mới.

Một góc Làng hoa Thái Phiên về đêm.

Ông Lê Văn Hải ở tổ dân phố Thái Bình, phường 12, thành phố Đà Lạt có 4 ha chuyên sản xuất hoa cúc và cây cúc giống, trước đây mỗi tháng với hơn 4.500 bóng điện thắp sáng chi phí tiền điện hết hơn 47 triệu đồng. Mới đây khi giá điện tăng, tiền điện gia đình đã tăng lên 57 triệu đồng.

Theo ông Hải, sản xuất hoa cúc lệ thuộc rất lớn vào nguồn điện. Mấy vụ gần đây, dịch bệnh hoa cúc nhiều, nay thêm việc tăng giá điện, khiến nhà vườn bị ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập.

“Một năm tôi phải mất 120 triệu tiền điện. Trong khi giá hoa bây giờ không cao, mà vẫn bình ổn. Dịch bệnh đã khiến người trồng hoa lỗ rất nặng rồi. Hiện bây giờ người dân phải trả thêm tiền điện nữa thì hầu như người nông dân mất trắng”, ông Hải cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Ron, Chủ tịch UBND phường 12, thành phố Đà Lạt, các hộ dân ở đây trung bình 1 năm trồng 4 vụ hoa. Để cây phát triển tốt, 1ha nhà vườn thắp từ 1000 đến 1200 bóng điện. Với việc tăng giá điện như hiện nay, mỗi năm các nhà vườn tại phường 12 chi trả tiền mua điện cho sản xuất hơn 45 tỷ đồng.

“Việc tăng giá điện ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con. Phần nào gây khó khăn cho bà con trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt phường 12 là phường sản xuất hoa, nhu cầu sử dụng điện rất lớn”, ông Ron cho biết.

Cơ sở sản xuất cúc giống của gia đình ông Hải ở Làng hoa Thái Phiên.

Tương tự tại huyện Lạc Dương các nhà vườn cũng bắt đầu phải giải bài toán về chi phí tiền điện. Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, huyện Lạc Dương có hơn 700 ha sản xuất rau, hoa công nghệ cao. Sau khi điện lực tăng giá chi phí mỗi tháng tiền điện tại các nhà vườn đã tăng 15-20%.

“Chúng tôi sẽ tuyên truyền cho người dân sản xuất nông nghiệp tiết kiệm điện. Khuyến khích người dân nên sử dụng các loại bóng đèn led. Đèn led hiện nay có nhiều hộ dân đã áp dụng vì tuổi thọ cao và giảm được chi phí sản xuất và điện”, ông Hải nói.

Hiện tỉnh Lâm Đồng có hơn 4500 ha sản xuất rau, hoa trong nhà kính, sử dụng hàng triệu bóng đèn thắp sáng, tiêu thụ rất nhiều điện năng. Kể từ đợt tăng giá điện mới nhất, nhà nông bắt đầu cảm nhận được gánh nặng từ chi phí tiền điện. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực cần thiết để nhà nông Lâm Đồng thải loại những thiết bị điện lạc hậu, xây dựng một vùng nông nghiệp công nghệ cao thật sự./.

Tuấn Anh/VOV-Tây Nguyên

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop