Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 7 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 7 năm 2019

Lâm Sơn (Ninh Thuận) vào mùa du lịch miệt vườn

Nguồn tin:  Báo Ninh Thuận

Trong những năm trở lại đây, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) như một “miền Tây” thu nhỏ của Ninh Thuận được đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh biết đến với mô hình du lịch vườn. Loại du lịch đậm chất miền Tây khi du khách được hòa mình vào những vườn trái cây chôm chôm, măng cụt, sầu riêng. Điều đặc biệt níu chân du khách khi đến đây là được trải nghiệm cùng người dân địa phương khi thu hoạch vườn và thưởng thức những trái cây tươi tự tay mình hái…

Khi giữa cái nắng gay gắt của mùa hè, nhưng được thiên nhiên ưu đãi, hưởng khí hậu đặc trưng dưới chân đèo Ngoạn Mục vùng tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng, vì vậy nơi đây luôn có phần dịu mát. Với lợi thế có sẵn, trồng được các loại cây ăn quả đặc trưng, nông dân địa phương đã phát triển mô hình du lịch vườn được nhiều người biết đến. Nếu như vào khoảng 5 năm trước đây, những vườn trái cây khi đến mùa được bán cho thương lái thì thời gian gần đây các chủ vườn đã đổi mới trong cách nghĩ, cách làm là mở hướng cho phát triển du lịch vườn đậm chất miền Tây. Đồng thời, để mang đến sự trải nghiệm hoàn hảo cho du khách, nhiều chủ vườn đã cải tạo vườn, tạo cảnh quan sinh thái để du khách được trải nghiệm như được hòa mình trong thiên nhiên của núi rừng. Ngoài ra du khách còn được thưởng thức những món đặc sản miền núi theo yêu cầu được người dân chế biến rồi thưởng thức dưới những tán cây trong vườn. Song song đó, để thuận lợi cho việc đi lại an toàn, người dân địa phương đã đóng góp tiền, ngày công bê tông các tuyến đường vào vườn trái cây. Anh Lê Tấn Lương, thôn Lâm Hòa, chủ vườn trái cây hơn 1,5ha được xem là người đầu tiên hướng đến phát triển du lịch vườn, cho biết: Nếu như trước đây trái cây đến mùa thu hoạch chủ vườn hái bán cho thương lái thì với mô hình cho khách vào tham quan vườn, nguồn thu được nâng lên đáng kể. Cứ vào mùa hè khoảng từ tháng 7 là trái cây bắt đầu chín, vì vậy lượng khách đến tham quan vườn trái cây ngày càng nhộn nhịp. Đặc biệt là dịp cuối tuần, vườn của gia đình đón tiếp hơn 300 lượt khách tham quan. Để du khách hài lòng hơn tôi còn tạo các bể nước sinh thái cho vườn thêm sinh động, xây hồ bơi cho khách có nhu cầu muốn trải nghiệm cùng thiên nhiên. Nếu khách có nhu cầu ăn uống thì gia đình sẽ chế biến món ăn theo yêu cầu và đặt bàn cho du khách tại vườn.

Du khách thưởng thức trái cây tại vườn.

Với giá vé thống nhất vào tại các điểm du lịch vườn 30.000 đồng/người. Dưới mỗi tán cây được chủ vườn trải tấm bạt nylon, du khách sẽ được hòa mình vào những bóng mát vườn cây vui chơi và tự hái thưởng thức trái cây thỏa thích. Hay như du khách muốn mua trái cây đem về do chính tay mình chọn và tự hái những quả ưng ý nhất. Chị Nguyễn Mỹ Linh, du khách Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng), chia sẻ: Ngày nghỉ cuối tuần gia đình tôi từ Đà Lạt xuống biển Vĩnh Hy chơi, trên đường về thì ghé vào tham quan vườn trái cây. Đây không phải lần đầu tiên tôi ghé nơi này, mà đã là lần thứ 3 rồi. Nơi đây không khí thật sự mát mẻ, thức ăn ngon, giá cả phù hợp, đặc biệt là được tự mình hái trái cây tươi ngon ăn thỏa thích và đem về làm quà. Ở đây như một miền Tây thu nhỏ, chủ vườn tiếp đón rất nhiệt tình và mến khách, vì vậy đến mùa trái cây tôi đều muốn quay lại nơi đây.

Ông Trương Thành Quyền, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn có trên 400ha trồng các loại cây ăn quả như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm... vào mùa trái cây mỗi năm, địa phương thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Thương hiệu trái cây Lâm Sơn đã được công nhận và chỉ dẫn địa lý, có thương hiệu đã giúp người dân yên tâm phát triển cây trồng. Thời gian tới, Lâm Sơn mở rộng diện tích, tìm kiếm nguồn giống cây con cải tạo vườn để hoạt động du lịch phát triển theo hướng bền vững, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Tin rằng với sự hiếu khách và ân cần, du lịch vườn trái cây Lâm Sơn sẽ ngày càng thu hút nhiều khách đến tham quan, đem lại thành quả cao cho người dân địa phương từ hương vị ngọt ngào này.

Kim Thùy

Hợp tác xã nông nghiệp nhập cuộc 4.0

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực của toàn cầu. Và, với khu vực kinh tế tập thể, trọng tâm là các hợp tác xã (HTX) cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của vòng xoáy đó.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đánh giá cao hiệu quả của mô hình canh tác lúa thông minh tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2. Ảnh: M.NHÂN

Để tồn tại và phát triển, hiện nay các HTX tại Việt Nam nói chung, Đồng Tháp nói riêng cũng bắt đầu có những cách làm chủ động, đổi mới công nghệ để thích ứng với xu thế phát triển chung của khoa học công nghệ.

Cánh đồng lúa lý tưởng - quản lý nước bằng hệ thống cảm ứng

Tiên phong ứng dụng 4.0 trong trồng lúa phải kể đến mô hình của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười). Theo đó, để từng bước tiếp cận công nghệ, HTX đã có một cách làm khá mới, đó là xây dựng cánh đồng canh tác lúa lý tưởng, có áp dụng các giải pháp công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Vụ đông xuân 2017 -2018, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 phối hợp Công ty Rynan Smart Fetilizers, Trà Vinh thực hiện thí điểm mô hình trồng lúa thông minh 7,6ha. Trong mô hình “Cánh đồng lúa lý tưởng”, nông dân sử dụng phân bón thông minh và sử dụng loại máy cấy hiện đại có chức năng cùng lúc thực hiện 3 công đoạn: cấy lúa, bón phân và phun thuốc diệt cỏ, diệt ốc nên tiết kiệm được nhiều khoản chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công. Cùng với đó là trang bị hệ thống cảm ứng mực nước thông minh để giúp nông dân theo dõi mực nước cần sử dụng cho lúa. Nông dân bơm nước vào hay rút nước ra sẽ thao tác bằng cách điều khiển qua điện thoại thông minh. Trên cánh đồng lúa này, nông dân nuôi vịt để tăng thêm lợi nhuận cũng như tiêu diệt các loài sinh vật gây hại cho lúa.

Ông Nguyễn Văn Khi - thành viên của HTX Mỹ Đông 2 cho hay, sản xuất lúa thông minh là phải giảm lượng giống từ 12kg xuống còn 6-8kg, đồng thời sử dụng thuốc sinh học, vùi phân một lần cho cả vụ sản xuất... Phương pháp sản xuất khá mới nên ban đầu nhiều hộ trong xã không làm theo, tuy nhiên qua quá trình vận động, nhiều hộ cũng nhận làm thử. Và thành quả nhận được thật không ngờ, lúa sản xuất thông minh năng suất chỉ khoảng 7 tấn lúa tươi/ha, nhưng bán cho công ty với giá cao hơn từ 400-500 đồng/kg so với lúa sản xuất thông thường.

Nhờ mang lại hiệu quả cao trong quá trình canh tác, hiện nay mô hình vẫn được duy trì và tăng diện tích với 170ha. Qua đánh giá sau các vụ mùa, nông dân giảm 50% phân bón, giảm 75% công bón phân, giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính, tăng năng suất 30%. Từ đó, thu nhập của nông dân tăng lên ít nhất được 20%. Đặc biệt, mô hình có sự tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, giúp nông dân an tâm sản xuất. Ước tính, lợi nhuận nông dân thu về khoảng 17,7 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 4,3 triệu đồng/ha/vụ so với phương pháp canh tác thông thường.

Không chỉ áp dụng quy trình canh tác lúa thông minh, một số khâu sản xuất cũng được HTX thay bằng máy móc hiện đại như: cấy lúa bằng máy, cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch, qua đó giúp nông dân giảm giá thành trong sản xuất lúa. Ông Ngô Phước Dũng - Giám đốc HTX Mỹ Đông 2 cho biết, mục tiêu của HTX là mang lại nhiều lợi ích cho xã viên từ việc giảm giá thành, mua chung, bán chung và tăng lợi nhuận từ việc hỗ trợ của công nghệ. Vì thế, HTX sẽ tiếp tục đầu tư nhiều máy móc hiện đại để thực hiện mục tiêu này...

Thử nghiệm phun thuốc bằng máy bay tại Hợp tác xã Thuận Tiến

Máy bay phun thuốc trên đồng ruộng

Cũng ứng dụng phân thông minh, hệ thống cảm ứng mực nước thông minh để theo dõi mực nước trên đồng ruộng, nhưng tại HTX Thuận Tiến (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh) thời gian gần đây còn có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ khi mạnh dạn thử nghiệm máy bay phun thuốc trên đồng ruộng. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc HTX Thuận Tiến, trong điều kiện nguồn nhân công trong nông nghiệp đang thiếu thì thiết bị này sẽ là một giải pháp hữu hiệu vừa giảm gánh nặng về thể chất khi làm nông cho thành viên, vừa giảm được chi phí sản xuất, đồng thời giải quyết được bài toán thiếu lao động phun xịt thuốc. “Thực tế khi thử nghiệm thiết bị này vào sản xuất mang lại hiệu quả khá rõ. Cụ thể, luồng gió luân chuyển từ cánh quạt máy bay sẽ giúp hạt thuốc tiếp xúc được một lượng lớn cây trồng, tăng 50% hiệu quả phun thuốc, tiết kiệm được 30% thuốc bảo vệ thực vật; không thất thoát lúa do giẫm đạp. Đặc biệt, không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất” – ông Hùng nhận xét.

Ngoài ứng dụng công nghệ phun thuốc trên đồng ruộng, HTX Thuận Tiến còn được biết đến với mô hình “Ruộng nhà mình” có ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Theo đó, vụ thu đông năm 2018, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX phối hợp với Công ty Lương thực Đồng Tháp thực hiện mô hình cánh đồng lý tưởng 21ha và vẫn được duy trì thực hiện trong vụ đông xuân 2018-2019 với 24ha/7 hộ dân tham gia. Đây là mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn theo quy trình từ gieo cấy đến thu hoạch, có kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, thực hiện cấy cơ giới 60kg/ha giống lúa xác nhận kết hợp với bón vùi phân thông minh, chỉ bón một lần cho suốt vụ; áp dụng quy trình tưới tiêu xen kẽ quản lý nước bằng hệ thống cảm biến qua điện thoại thông minh; quản lý đồng ruộng bằng hệ thống camera, áp dụng các giải pháp kỹ thuật đạt hiệu quả cao; quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng theo quy trình canh tác 3G3T và 1P5G... Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm của mô hình sẽ được Công ty Lương thực Đồng Tháp bao tiêu, đóng gói với thương hiệu “Ruộng nhà mình” cung cấp cho thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường Hà Nội.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc HTX Thuận Tiến cho biết, việc ứng dụng công nghệ “Ruộng nhà mình” cũng như thiết bị máy bay phun thuốc trong nông nghiệp đang là bước đệm, làm động lực để HTX đầu tư công nghệ vào ứng dụng sâu hơn trong các khâu sản xuất. Đây cũng là tiền đề để HTX ứng dụng công nghệ, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp hiện đại, nhất là định hướng xây dựng thương hiệu gạo riêng trong thời gian tới.

Ngày càng nhiều mô hình sản xuất mới

Thay đổi công nghệ bắt kịp thế giới là xu hướng mà một số HTX Đồng Tháp đang hướng tới. Theo ông Lê Quang Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, mặc dù còn chậm, nhưng sự nhập cuộc của các HTX trên địa bàn tỉnh cũng đang dần được nâng lên. Không riêng lĩnh vực cây lúa tại 2 HTX Mỹ Đông 2 và Thuận Tiến, sự nhập cuộc công nghệ 4.0 của các HTX còn lại trên các lĩnh vực cây ăn trái, rau màu, vật nuôi... cũng là tín hiệu đáng mừng. Mô hình 4.0 của tỉnh Đồng Tháp có 2 dạng: áp dụng trực tiếp trong sản xuất, đó là các mô hình ứng dụng 4.0 trong sản xuất lúa; mô hình bán nông sản qua mạng tại HTX Mỹ Xương với “Cây xoài nhà tôi”. Tuy có những cách thức ứng dụng công nghệ khác nhau, nhưng tựu chung lại, các mô hình này đều có mục tiêu mang lại nhiều lợi ích cho xã viên từ việc giảm giá thành, tăng lợi nhuận qua áp dụng công nghệ trong sản xuất. Thực tế, qua đánh giá hơn 50% trong tổng số các mô hình này đều có hiệu quả tốt, năng suất lao động của các thành viên HTX tăng từ 5 - 10%, giá bán sản phẩm tăng từ 20 - 25%, thu nhập của thành viên tăng 30%.

Ngoài tăng thu nhập, việc nông dân, HTX chủ động ứng dụng công nghệ trong sản xuất có kết hợp với liên kết tiêu thụ sản phẩm đã cho thấy ý thức của người sản xuất nông sản hiện nay ngày càng được nâng lên, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành sản xuất. Đây chính là chìa khóa cho ngành nông nghiệp tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với “cơn bão” công nghệ hiện nay.

“Vấn đề cốt lõi để HTX tồn tại bền vững là phải có sự liên kết bền vững và giảm giá thành sản xuất. Chính vì vậy, ứng dụng công nghệ là một trong những giải pháp hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX. Đây chính là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế hiện nay, đồng thời là nhu cầu cấp thiết của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong chiến lược phát triển bền vững...” - ông Lê Quang Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp khẳng định.

Có thể nói, dù mô hình HTX còn nhiều khó khăn nhưng với ý thức vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành sản xuất, đặc biệt là khai thác tốt công nghệ số trong sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm nên những mô hình HTX nông nghiệp của tỉnh đã có sự thay đổi rõ nét. Chính sự mạnh dạn thay đổi, áp dụng công nghệ vào sản xuất, những HTX này không chỉ tạo nên câu chuyện nông nghiệp tươi sáng cho chính mình mà còn cho vùng Đất Sen hồng trong tương lai...

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ, tiếp xúc với nhiều nông dân, ông thấy vui vì một bộ phận bà con, HTX đã dần nhận biết được đâu là nhược điểm của cách nghĩ cũ, cách làm cũ. Nhiều bà con đã tự thấy rằng mình phải thay đổi. Tuy nhiên, để giải quyết lời nguyền “chi phí cao, chất lượng kém” và hướng đến cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp còn cần rất nhiều sự cố gắng, sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của các bên tham gia. Trong đó, vai trò của hệ thống ngành nông nghiệp là quan trọng hàng đầu. Hệ thống ngành nông nghiệp phải thoát ra khỏi cách vận hành theo tư duy sản xuất để hướng tới tư duy kinh tế. Mọi kế hoạch của ngành nông nghiệp đều phải hướng tới mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”. Mọi báo cáo của ngành nông nghiệp phải lượng hóa được kết quả thực hiện hai mục tiêu đó. Dẫu ngành nông nghiệp còn nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, nhưng tái cơ cấu với cách nhìn như một cuộc cách mạng phải được xem như một mệnh lệnh.

“Chúng ta có chấp nhận làm cuộc cách mạng mới trong mỗi người không? Và, nếu chấp nhận thì bắt đầu “buông bỏ” dần cái cũ không còn phù hợp để hướng đến cái mới tốt đẹp hơn. Tinh thần Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được thực hiện xuyên suốt trong cuộc sống chứ không chỉ dừng lại ở công tác quán triệt, sơ kết, tổng kết, không được hô hào khẩu hiệu suông” - Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan nói.

Mỹ Nhân

Vườn đu đủ xanh trĩu trái ở Quảng Ngãi

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Các nông dân ở xã Nghĩa Hà, Tp Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đang bước vào vụ đu đủ, đây là thời điểm đu đủ trĩu trái, mỗi cây có đến hàng chục quả chi chít với những trái “khổng lồ” nặng đến 5kg/trái.

Cánh đồng thôn Sung Túc (xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi) được phủ màu xanh ngắt của những ruộng đu đủ. Mỗi năm đến tháng 7, những cây đu đủ với những trái xanh, trái chín vàng đều “xà” xuống tận mặt đất, trĩu cây... trông rất mát mắt. Nông dân ở đây thường hay nói đùa rằng vì có đu đủ nên cuộc sống của người dân trong thôn rất “sung túc”.

Những ngày tháng 7 này tại xã Nghĩa Hành, mỗi ngày đều có rất nhiều thương lái đến “ngắm nghía” để mua đu đủ.

Bà Lương Thị Lý (thôn Sung Túc, xã Nghĩa Hà) trồng 1.000m2 với 300 cây đu đủ tây, loại đu đủ này chỉ cao tầm 2-2,5m nhưng trái sum suê, cho biết: “Mỗi cây có thể cho ra 30 quả/đợt. Bắt đầu từ tháng 7 là mùa thu hoạch đu đủ cho đến khi mùa mưa bão đến”.

Người dân ở đây trồng đu đủ được xem là trái dành để ăn trong mùa mưa, khi đó những loại rau như xà lách, rau muống không thể trồng được vì mưa. Nhưng ngược lại, thời tiết đó lại rất thích hợp để cây đu đủ phát triển tốt, chỉ khi bão đến thì cây đủ đủ mới ngã đổ, nhưng khi qua bão, những quả đu đủ vẫn được “tận thu” để bán.

Đu đủ nặng trĩu quả ở các cánh đồng xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Theo bà Lý, mỗi đợt có thể thu hoạch hơn 1.000 trái đu đủ, mỗi tháng thu hoạch 2 đợt, kéo dài đến hết năm. Hiện tại giá bán đu đủ xanh khoảng 4.000 đồng/kg, khi đu đủ chín thì giá dao động 10.000-12.000 đồng/kg, cao nhất là 14.000 đồng/kg. Bà Lý bán theo chục, hơn 200.000 đồng/chục đu đủ.

“Chỉ cần 300 cây đu đủ, mỗi năm thu hoạch từ ruộng đu đủ có thể kiếm lãi 40 triệu/năm, chăm đu đủ rất dễ lại nhàn hơn làm rau nên ở Nghĩa Hà chỉ cần có đất thì nông dân đều dành một ít để trồng đu đủ. Trái nặng nhất ở ruộng đu đủ của bà nặng đến 5kg.”- bà Lý chia sẻ.

Cạnh ruộng bà Lý là ruộng đu đủ của ông Phạm Đức rộng 500m2 với 120 cây. Ông Đức cho biết: “Đu đủ được ươm trong bầu, khi thành cây lớn thì mang ra đất trồng, người dân ở đây đều tự ươm đu đủ mà không phải đi mua ở nơi khác nên đu đủ mang hương vị rất riêng của xã Nghĩa Hà: đặc ruột, dài và đẹp trái”.

Mỗi đợt, ông Đức thu từ 500-700kg, mỗi tháng thu 2 đợt, thu hoạch đến tháng 11 - bắt đầu mùa mưa bão.

Đu đủ sai quả tại ruộng ông Lê Văn Minh (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi). Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Lê Văn Minh cũng trồng 500m2 với 120 cây đu đủ, vui mừng nói: “Xã Nghĩa Hà có địa thế nằm cạnh sông Trà Khúc, nước không nhiễm mặn lại có nguồn nước tưới dồi dào. Nhờ thế, mỗi sào thu hoạch được 3-4 tấn/tháng. Đu đủ ra trái quanh năm, hái hết đợt này thì trái khác nhảy ra, đu đủ vừa nấu canh, trộn gỏi lại để được lâu nên nông dân bán rất chạy. Ngoài các giống đu đủ ta, đu đủ tây thì còn có đu đủ ruột đỏ Ấn Độ, loại này rất ưa khí hậu miền Trung, cây ra trái đều đẹp”.

Tại xã Nghĩa Hà - nơi có hàng chục hecta trồng đu đủ các giống, nằm cạnh sông Trà Khúc nên có nguồn nước dồi dào, ngay mùa nắng nóng vẫn có nước tưới thường xuyên do vậy nơi đây trở thành vựa rau củ quả lớn nhất nhì của tỉnh Quảng Ngãi, phân phối đi khắp các tỉnh miền Trung, miền Nam,…

NGUYỄN TRANG

Ông Huỳnh Văn Tiếu: Cuộc sống khá lên nhờ trồng bưởi da xanh

Nguồn tin: Báo Tiền Giang

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, những năm gần đây, ông Huỳnh Văn Tiếu ở ấp Phú Hòa, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống nhờ trồng bưởi da xanh.

Gia đình ông Tiếu có 4 công ruộng nhưng cách xa nguồn nước, điều kiện canh tác khó khăn, trồng lúa năng suất thấp, cuộc sống gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Thông qua tập huấn khuyến nông, khuyến ngư và học hỏi kinh nghiệm của các lão nông đi trước ở địa phương, năm 2001, sau khi có hệ thống ô bao khép kín, ông mạnh dạn lên liếp trồng trên 100 cây bưởi da xanh. Sau 3 năm, vườn bưởi cho thu nhập ổn định, năng suất bình quân đạt 50 tấn/ha, bán giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Ông Tiếu cho biết: Bưởi da xanh thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, nhất là cây chịu bóng râm. Vì vậy, ông trồng bưởi xen với các loại cây ăn trái khác trên cùng một diện tích như nhãn, chuối... Bưởi da xanh được thương lái đến tại vườn mua giá cao hơn bưởi lông Cổ Cò và bưởi Năm roi từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, so với các loại cây ăn trái khác bưởi da xanh dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí thấp, năng suất ổn định. Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiết kế mô hợp lý, trồng mật độ thoáng, bón phân cân đối giữa 3 hàm lượng đạm, lân, kali, chú trọng bón nhiều phân hữu cơ nên cây phát triển tốt. Chủ động xử lý cho cây ra hoa sớm hoặc muộn hơn mùa thuận, năng suất ổn định, hạn chế hàng dội chợ. Thu hoạch xong vụ bưởi, ông tỉa cành, tạo tán, loại bỏ những chồi vô hiệu và cành già, giúp cây thông thoáng, cho năng suất cao.

Ông chia sẻ: Đối với cây bưởi bị bệnh vàng lá nông dân rất ngán vì không có thuốc đặc trị, phải thường xuyên thăm vườn, chủ động phòng trị, chăm sóc cây đúng kỹ thuật, hạn chế sâu bệnh. Những kinh nghiệm tích lũy được ông tận tình hướng dẫn giúp nông dân cùng mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh trên địa bàn ấp.

Ngoài canh tác 4 công vườn, ông Tiếu còn tranh thủ thời gian đi làm thợ hồ, để có thêm tiền đầu tư chăm sóc vườn bưởi và trang trải sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, ông Tiếu còn gương mẫu thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt.

Cần cù, chí thú làm ăn, ông Huỳnh Văn Tiếu đã xây dựng được một gia đình hạnh phúc, trở thành một điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở địa phương.

Thảo Quyên

Tây Ninh: Thêm huyện Dương Minh Châu phát hiện sâu keo mùa thu tấn công cây bắp

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Qua công tác kiểm tra đã phát hiện 90/150 ha bắp đang được trồng trên địa bàn huyện Dương Minh Châu bị sâu keo mùa thu tấn công.

Sau khi xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp tại Tây Ninh, lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh cùng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã có mặt kịp thời để kiểm tra, hướng dẫn người dân phun thuốc xử lý loài sâu này. Đồng thời khuyến cáo người trồng bắp cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra ruộng bắp để phát hiện và kịp thời xử lý khi cây bắp bị sâu keo mùa thu tấn công.

Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn người dân cách nhận biết cây bắp bị sâu keo mùa thu tấn công.

Ngày 20.7, ông Phan Thanh Quang, phụ trách Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Dương Minh Châu xác nhận, qua công tác kiểm tra đã phát hiện 90/150 ha bắp đang được trồng trên địa bàn huyện này bị sâu keo mùa thu tấn công. Trong đó, xã Bến Củi có hơn 60 ha, xã Cầu Khởi hơn 20 ha và xã Truông Mít có 4 ha.

Sâu keo mùa thu tấn công trên cây bắp được xuống giống từ 15 đến 45 ngày, với mật độ từ 1 đến 2 con/m2.

Như vậy, tính đến nay loài sâu này đã tấn công cây bắp được trồng tại xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu), xã Tân Đông (huyện Tân Châu) và 3 xã của huyện Dương Minh Châu.

Thế Nhân

Thừa Thiên Huế: Bẫy dính sinh học bảo vệ hành lá

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Nhiều địa phương canh tác rau củ đang có cơ hội được bảo vệ mùa màng tối đa nhờ bẫy dính tẩm pheromone.

Bẫy dính được đặt trên cánh đồng hành để diệt sâu bệnh gây hại

Hành lá là loại cây trồng cho giá trị kinh tế khá, được trồng nhiều tại các phường Hương An, Hương Xuân, Hương Chữ… (TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tuy nhiên, loại cây này lại dễ bị sâu bệnh, trong đó sâu xanh da láng và ruồi vàng là đối tượng gây nguy hại lớn.

Ông Phan Khân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) TX. Hương Trà cho biết: “Sâu xanh da láng và ruồi vàng đều có đặc điểm giống nhau, đó là sâu con và ấu trùng đều trú ngụ trong ống lá. Dù sử dụng thuốc hóa học, chúng vẫn có thể chống chịu được, đó là chưa kể đối tượng kháng thuốc”.

Trung tâm DVNN đặt hàng bẫy dính được gia công từ Trường đại học Nông lâm Huế. Ban đầu, loại bẫy dính chỉ dẫn dụ được ruồi vàng. Qua thực tiễn, bẫy dính được bổ sung thêm pheromone, có tác dụng diệt ruồi vàng và bướm sinh ra sâu da xanh láng.

Hiệu lực của bẫy dính kéo dài 60 ngày. Trong thời gian này, bẫy dính có sức chống chịu với thời tiết khá tốt. Vì thế, sau một lứa hành lá (thường kéo dài 45 ngày), người dân có thể tận dụng bẫy thêm được 15 ngày, từ đó giảm đáng kể chi phí.

Với 2 ha hành lá thử nghiệm tại phường Hương An, Hương Chữ, Hương Xuân, bẫy dính đã phát huy công dụng. Bà Nguyễn Thị Nhi, ngụ tại phường Hương An, người có 4 năm kinh nghiệm trồng hành mừng rỡ: “Có bẫy dính nên chúng tôi đỡ lo hơn. Giờ chỉ cần kết hợp việc vợt sâu và bẫy, phun thuốc đúng kỳ là có thể yên tâm”.

Bẫy dính sinh học dùng để dẫn dụ, bẫy các loại côn trùng có cánh bằng pheromone (chất dẫn dụ giới tính có mùi thơm đặc trưng) và keo dính. Lợi ích của bẫy là loại pheromone chỉ tác dụng lên đối tượng đã được chọn sẵn, vì thế không gây ảnh hưởng đến các loài thiên địch và môi trường. Bẫy dính sinh học có màu vàng, thu hút đối tượng ruồi vàng và loài bướm sinh ra sâu xanh da láng. Với kích thước 25x40cm, bán kính khuếch tán pheromone hơn 10m, trung bình mỗi sào hành lá sử dụng từ 15-20 tấm bẫy là phù hợp.

Không chỉ dính bướm, ruồi vàng, mật độ côn trùng mắc bẫy còn cho thấy đồ thị sinh trưởng của chúng. “Khi quan sát bẫy dính, chúng tôi có thể phán đoán gian đoạn sâu non nở rộ (đây là lúc chúng mới nở, chưa kịp chui vào cọng hành, vì thế sức chống chịu rất kém), từ đó thông báo cho bà con lịch phun thuốc. Chỉ cần bà con đồng loạt dùng loại thuốc phù hợp, cây hành sẽ đạt chất lượng và an toàn hơn rất nhiều cho sức khỏe người tiêu dùng”, ông Khân cho biết.

Được biết, mỗi con bướm cái có thể sinh từ 300 - 400 trứng. Việc kết hợp giữa vợt bắt sâu trưởng thành, bẫy dính và theo dõi đồ thị để xử lý sâu non sẽ bẻ gãy vòng đời của loài côn trùng gây hại này. Để đảm bảo hiệu quả tối đa, cách tốt nhất là bà con áp dụng ba phương pháp tiêu diệt sâu bọ trên toàn bộ diện tích hành lá.

Năm 2019, diện tích hành lá trên địa bàn phường Hương An là 80ha. Trong đó, có 16,5 ha được bà con canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Đăng Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân phường kỳ vọng: “Nếu có thể áp dụng rộng rãi loại bẫy này, bà con vừa giảm được việc sử dụng thuốc trừ sâu, vừa có hành lá chất lượng, từ đó nâng cao giá trị hành lá Hương An”. Với giá thành rẻ, chỉ hơn 10 nghìn đồng/miếng dán, nhiều hộ dân tại phường đã chủ động mua và sử dụng loại bẫy dính này.

Không chỉ với hành lá, đối tượng ruồi vàng, sâu xanh da láng cũng gây hại trên nhiều loài cây trồng khác nhau. Thời gian tới, Trung tâm DVNN TX. Hương Trà sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và đối tượng cây trồng sử dụng bẫy dính, sát cánh cùng bà con nông dân trong quá trình canh tác.

Bài, ảnh: Mai Huế

Bình Định: Chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng cạn: Ðiển hình Phù Cát

Nguồn tin: Báo Bình Định

Xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp nâng cao giá trị gia tăng, góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát diện tích đất sản xuất lúa không chủ động được nước tưới, kém hiệu quả, xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng cạn phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương, có đầu ra thuận lợi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ của Nhà nước và lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng mô hình sản xuất các loại cây trồng cạn trên chân đất chuyển đổi để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Hiệu quả kinh tế từ các mô hình đã thuyết phục nông dân.

Nông dân xã Cát Hải, huyện Phù Cát thu hoạch đậu phụng.

Xã Cát Hải là địa phương được đánh giá đã thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi trên. Quá trình sản xuất, nông dân ở đây còn áp dụng nhiều biện pháp luân canh cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hải, cho hay: “Có 198 ha đất sản xuất 1 vụ lúa kém hiệu quả đã được nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn. Diện tích này đã được nông dân xoay chuyển liên tục, hết đậu phụng, đến hành và ngược lại, nên thu nhập đạt từ 150 - 180 triệu đồng ha/năm. Nhờ vậy đời sống của người dân ngày càng khá, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu”.

Ông Võ Kế Cu, ở thôn Vĩnh Hội, chia sẻ: “Sản xuất lúa tiêu tốn nhiều nước, chi phí đầu vào cao, mà chỉ đủ ăn, nên tôi đã chuyển hết 6 sào đất sản xuất lúa sang trồng hành và đậu phụng; lắp đặt thiết bị tưới phun nước tự động trên ruộng, cây trồng được cấp đủ nước, nên phát triển tốt. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi có lãi trên 70 triệu đồng từ sản xuất hành và đậu phụng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa”.

Cùng với suy nghĩ trên, nông dân các xã: Cát Tài, Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hanh... cũng mở rộng diện tích cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả, áp dụng các biện pháp sản xuất luân canh cây trồng, cho thu nhập khá. Riêng tại xã Cát Tài đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con giải quyết đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập và yên tâm tái đầu tư sản xuất.

Vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu năm 2019, nông dân huyện Phù Cát đã chuyển đổi hơn 2.100 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn. Cách làm này đã giảm được áp lực về nước tưới, công lao động, đồng thời hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: Phù Cát tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích lúa bấp bênh, mở rộng diện tích các loại cây trồng cạn, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững của địa phương. Phấn đấu đến năm 2020 sản xuất ổn định khoảng 1.200 ha bắp, 4.400 ha đậu phụng, 550 ha ớt, 450 ha hành…

PHẠM TIẾN SỸ

Kon Tum: Bảo tồn, đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác

Nguồn tin: Báo Kon Tum

“Bảo tồn, đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với xây dựng chuỗi liên kết giá trị và phát triển thương hiệu” là nội dung đã được xác định nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình số 31 của UBND tỉnh về triển khai 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế- xã hội năm 2019.

Gắn với chủ trương tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực của tỉnh, triển khai đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất…; thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã xây dựng và triển khai đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn.

Tổng hợp sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.260ha cây dược liệu; trong đó, ngoài 600ha sâm Ngọc Linh tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông, còn một số loại cây dược liệu phổ biến như hồng đảng sâm (sâm dây), đương quy, sa nhân tím, đinh lăng… được trồng tại các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Sa Thầy…

Phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên và tranh thủ các nguồn đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS khó khăn, bước đầu, bà con nông dân các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) đã trồng được 40ha sâm dây, 27ha cây đương quy, hơn 17ha sâm Ngọc Linh, hơn 6ha các loại cây sơn tra, ngũ vị tử, sa nhân.

“Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện và các xã rà soát, bố trí trên 600ha đất để liên canh các loại cây dược liệu, trong đó ưu tiên trồng sâm dây. Huyện cũng đã giới thiệu khoảng 1.000ha đất cho các doanh nghiệp lập thủ tục đầu tư, phát triển cây dược liệu” - đồng chí Võ Trung Mạnh- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tu Mơ Rông cho biết.

Cấy giống sâm dây. Ảnh: TN

Được biết, đến nay, tỉnh đã giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng để triển khai các dự án đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến dược liệu đối với 10 doanh nghiệp, tổng diện tích khoảng 7.660ha. Phần lớn trong số này là diện tích cho thuê rừng để trồng sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục lựa chọn một số doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế để giới thiệu, khảo sát thực tế, làm cơ sở lập dự án đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng kết hợp quản lý, bảo vệ rừng.

Trong tháng 6/2019, Chương trình phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được UBND tỉnh phê duyệt, với 5 nội dung và 4 giải pháp cụ thể cần tập trung thực hiện. Đáng chú ý là xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” và nhãn hiệu sâm Ngọc Linh ra nước ngoài cho các sản phẩm sâm Ngọc Linh xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh Kon Tum, mà trọng tâm là quản lý chặt chẽ nguồn gốc, tiêu chuẩn sâm giống, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất sâm Ngọc Linh theo chuỗi giá trị.

Tỉnh cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện các công cụ, biện pháp quản lý sản xuất, kinh doanh; sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh, nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh…

Tại cuộc họp thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh, một trong số nhiệm vụ công tác trọng tâm được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa chỉ đạo là tập trung đẩy mạnh triển khai 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 trên địa bàn tỉnh và yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan khẩn trương xúc tiến công tác chuẩn bị các điều kiện để sớm hình thành 3 trung tâm dược liệu tại 3 vùng trọng điểm Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei đã được xác định.

Để tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu “không tách rời phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu và sâm Ngọc Linh Kon Tum với phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn nhằm góp phần quan trọng phục hồi, duy trì, bảo dưỡng hệ sinh thái tự nhiên; bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người dân”, đồng thời phải lấy doanh nghiệp làm trụ cột, hợp tác xã là hạt nhân để phát triển các chuỗi giá trị liên kết gắn với xây dựng thương hiệu để phát triển sản phẩm chủ lực, dược liệu và sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Song song với đầu tư hình thành 3 vườn ươm giống dược liệu, UBND tỉnh còn xác định tập trung hình thành ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông, 1 cơ sở sản xuất giống dược liệu khác tại Kon Plông; lựa chọn xây dựng thành công các thương hiệu sản phẩm dược liệu chủ lực trên địa bàn tỉnh, mà trước mắt là sâm Ngọc Linh và sâm dây.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể đã được xác định, phấn đấu đưa sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu của tỉnh thực sự trở thành sản phẩm chủ lực, đồng thời tạo ra bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian tới, các cấp, các ngành và người dân tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cần thiết trong quá trình đầu tư vào lĩnh vực này.

Thanh Như

Thành công với mô hình nuôi chim cút

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Thực hiện chủ trương về chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Lũng Hòa (Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đã lựa chọn nuôi chim cút để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Mạnh dạn đầu tư và sáng tạo trong sản xuất, chị Khổng Thị Phương, thôn Đông không chỉ thành công với mô hình nuôi chim cút mà còn trở thành một gương điển hình trong phát triển kinh tế hộ của địa phương.

Mô hình nuôi chim cút của gia đình chị Khổng Thị Phương, thôn Đông, xã Lũng Hòa (Vĩnh Tường) đem lại hiệu quả kinh tế cao

Năm 2006, chị Khổng Thị Phương khởi nghiệp với mô hình nuôi chim cút với quy mô 3.000 con, chủ yếu nuôi lấy trứng trong diện tích chuồng nuôi chỉ khoảng 80m2.Với kinh nghiệm được tích lũy, đàn chim cút của gia đình chị phát triển khá tốt, cho lượng trứng ổn định.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Phương cho biết: "Chim cút là loài vật dễ nuôi, sức đề kháng mạnh, trong khi đó, vốn đầu tư không cao lại thu hồi vốn nhanh nên loại chim này đang được xem là những vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do trứng cút và thịt chim cút là loại thực phẩm bổ dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao".

Sau những lứa chim cho trứng ổn định, kinh tế gia đình phát triển hơn, đầu năm 2013, chị Phương quyết định tăng đàn chim cút lên 2 vạn con, trong đó, một nửa số con nuôi để lấy trứng, số còn lại nuôi bán thương phẩm; mở rộng quy mô chuồng nuôi lên 300m2 với khoảng 80 ô chuồng. Để nhiệt độ trong chuồng nuôi luôn ổn định, gia đình chị đầu tư thêm hệ thống tưới phun sương tự động, không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức cho người nuôi mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vừa luôn tay phân loại trứng, chị Phương vừa cho biết: Để nuôi chim cút với số lượng nhiều thì người nuôi cần phải chú ý đến việc xây dựng chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong chăn nuôi. Đặc biệt, tôi sử dụng men vi sinh trộn vào thức ăn, nước uống nhằm tác động vào quá trình tăng trưởng của chim cút, giúp tỷ lệ đẻ trứng tăng lên và ổn định, cải thiện chất lượng trứng, tỷ lệ lòng đỏ đồng đều, khi soi trứng không có hiện tượng khoảng trống, màu sắc vỏ trứng sáng đẹp. Ngoài ra, sử dụng chế phẩm sinh học còn giúp chim cút nâng cao sức đề kháng, hạn chế được việc dùng kháng sinh, tăng hiệu quả hấp thu dinh dưỡng. Nhờ đó, doanh thu từ nuôi chim cút đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

Về hiệu quả mô hình nuôi chim cút của chị Khổng Thị Phương, ông Khổng Đức Toàn, Phó Trưởng thôn Đông cho biết: Mô hình nuôi chim cút của gia đình chị Khổng Thị Phương là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều hộ dân trong thôn học tập và nhân rộng bởi không chỉ giúp người chăn nuôi tranh thủ lúc nông nhàn tăng gia sản xuất. Riêng bản thân chị Phương cũng được nhân dân trong thôn yêu quý bởi bản tính cần cù, ham học hỏi và mạnh dạn trong phát triển kinh tế hộ.

Không chỉ nhạy bén trong tư duy làm giàu, chị Phương còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim cút cho bà con nhân dân địa phương, bởi theo chị, không có gì vui bằng việc giúp người nông dân thoát nghèo, phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương để gây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Thời gian tới, chị Phương tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi và xây dựng khu chuồng nuôi mới để hình thành quá trình sản xuất khép kín, tăng thu nhập.

Bài, ảnh: Bảo Anh

3,3 triệu con heo bị tiêu hủy, ngành thức ăn chăn nuôi cũng mệt mỏi

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

Để đối phó, các nhà máy sản xuất đã phải thay đổi kế hoạch kinh doanh, chuyển từ sản xuất thức ăn chăn nuôi heo sang làm thức ăn cho gà và thủy sản để thay thế nguồn sụt giảm.

Heo của trại nhà bà Nguyễn Thị Liên (Đồng Nai) bị dịch phải đưa đi tiêu hủy - Ảnh: HÀ MI

Để đối phó, các nhà máy sản xuất đã phải thay đổi kế hoạch kinh doanh, chuyển từ sản xuất thức ăn chăn nuôi heo sang làm thức ăn cho gà và thủy sản để thay thế nguồn sụt giảm.

Nhu cầu thức ăn chăn nuôi đã giảm sút khi hàng triệu con heo bị chết và tiêu hủy khắp cả nước nhưng theo các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, khó khăn thực sự vẫn còn đang ở phía trước.

Hơn một tháng qua, ông Nguyễn Quang Hóa - giám đốc một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương - gần như phải cho máy móc hoạt động nửa công suất vì một số trại nuôi heo là khách hàng của công ty bị dính bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF).

"Chúng tôi là đơn vị sản xuất quy mô nhỏ với khách hàng chỉ 20 trang trại. Chỉ cần vài khách hàng ngưng nuôi là sản lượng kinh doanh giảm mạnh", ông Hóa cho hay.

Trong khi đó, dù vẫn đạt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao hơn so với nửa đầu năm 2018 nhưng Công ty TNHH De Heus, một trong số những đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam, cũng đang gặp những khó khăn cho nửa cuối năm.

Ông Gabor Fluit - tổng giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn De Heus - thừa nhận những khó khăn của ngành khi dịch ASF diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng. "Chúng tôi đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình trong nửa cuối năm 2019. Theo đó, thay vì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ như kế hoạch cuối năm 2018 xây dựng, chúng tôi chỉ đặt mục tiêu bằng với năm trước", ông Gabor Fluit nói.

Ông Gabor nhận định: "Theo kinh nghiệm từ Trung Quốc thì phải sau 9 tháng xảy ra dịch bệnh, nhu cầu thức ăn cho heo mới sụt giảm mạnh. Trong khi dịch ASF xảy ra tại VN từ tháng 2-2019, do đó khó khăn với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ rơi vào cuối năm nay và đầu năm tới", ông Gabor cho hay.

Duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa nhiễm dịch tả heo châu Phi

Theo Bộ NN&PTNT, dịch bệnh ASF đã lây lan ra 62 tỉnh, thành phố trên cả nước (chỉ còn Ninh Thuận chưa phát hiện dịch) với tổng số heo tiêu hủy hơn 3,3 triệu con (chiếm khoảng 10% tổng đàn heo). Trong thời gian tới, nguy cơ ASF tiếp tục phát sinh và lây lan theo ba hướng: phát tán, lây lan nhanh và lan tỏa đến các địa bàn chưa có dịch; tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày; dịch bệnh xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.

TRẦN MẠNH

Ở 'thủ phủ' nuôi heo cả nước, người khóc người xỉu, kẻ liệt giường…

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

Một lô heo xuất xứ từ Đồng Nai vận chuyển lên TP.HCM giết mổ trái phép vừa bị cơ quan chức năng phát hiện dương tính với dịch tả heo châu Phi.

Lực lượng chức năng tiêu hủy heo nhiễm dịch tả châu Phi - Ảnh: T.T.

Ngày 14-7, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Trạm chăn nuôi và thú y liên quận 12 và Gò Vấp (TP.HCM) vừa tiêu hủy lô heo 10 con nhiễm dịch tả heo châu Phi.

Lô heo này được phát hiện tại một lò mổ trái phép ở phường Thới An (quận 12).

Trước đó, rạng sáng 11-7, Trạm chăn nuôi và thú y liên quận 12 và Gò Vấp phối hợp với Phòng cảnh sát môi trường (PC05) Công an TP.HCM kiểm tra tại địa chỉ nhà tạm không số (tổ 9, KP2, P.Thới An, Q.12), phát hiện ông Nguyễn Đông Lực đang giết mổ heo trái phép.

Tại hiện trường, đoàn ghi nhận có 55kg thịt heo pha lóc và phụ phẩm heo đã giết mổ. Ngoài ra, còn có 10 con heo đang chờ giết mổ.

Kết quả xét nghiệm sau đó xác định lô heo dương tính với dịch tả heo châu Phi.

Đoàn liên ngành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hành vi giết mổ trái phép và tiêu hủy toàn bộ lô heo.

Ông Lực khai với đoàn kiểm tra lô heo không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, lô heo trên là của một công ty chăn nuôi ở Đồng Nai. Thực tế số lượng xuất đi là 15 con, được cán bộ thú y Đồng Nai cấp giấy chứng nhận kiểm dịch về Long An giết mổ, nhưng không hiểu sao heo lại được giết mổ trái phép tại TP.HCM.

Trước đó ngày 8-7, Tuổi Trẻ Online đã phản ánh một lô heo gồm 14 con xuất phát từ vùng dịch tả heo châu Phi được kiểm dịch viên Ninh Văn Trường (Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai) cấp niêm phong kèm giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ngoài tỉnh.

Trước khi cấp giấy chứng nhận, lô heo này không được thực hiện quy trình xét nghiệm theo quy định.

Kết quả xét nghiệm phát hiện cả hai mẫu đều dương tính với dịch tả heo châu Phi.

Lô heo này sau đó được cơ quan chức năng tiêu hủy tại bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn). Cán bộ thú y sai phạm ngay sau đó bị đình chỉ công tác.

HƯƠNG THẢO - A LỘC

Ngăn ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Theo ngành thú y TP Cần Thơ, đến thời điểm này, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) vẫn tiếp tục xuất hiện trên đàn heo nuôi tại hộ gia đình trên toàn thành phố. Điều đáng lo ngại là tình hình bệnh dịch xuất hiện ngày càng nhiều và phát tán, lây lan càng nhanh. Công tác ngăn ngừa lây lan, dập tắt bệnh dịch đang được ngành chức năng thành phố, các quận, huyện tập trung thực hiện với mong muốn bảo vệ đàn heo nuôi còn lại và hỗ trợ người dân tái đàn khi dập tắt dịch bệnh.

Đàn heo chăn nuôi áp dụng biện pháp an toàn sinh học được thực hiện tại hộ chăn nuôi ở huyện Vĩnh Thạnh, ngăn chặn bệnh DTHCP xâm nhập.

Dịch bệnh lây nhanh

Chỉ tính riêng trong những ngày gần đây, bệnh DTHCP xuất hiện nhanh và lan rộng trong những hộ gia đình chăn nuôi heo nhỏ lẻ trên địa bàn TP Cần Thơ. Cụ thể: ngày 14-7-2019, bệnh DTHCP phát sinh thêm tại 30 hộ chăn nuôi của 27 ấp, khu vực thuộc 19 phường, xã của 7 quận, huyện (Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh). Tổng đàn heo trong ổ dịch 956 con; số heo được ngành thú y tiêu hủy 368 con, khối lượng là 47.014kg. Đến ngày 16-7-2019, bệnh DTHCP phát sinh thêm tại 25 hộ chăn nuôi của 22 ấp, khu vực của 15 phường, xã thuộc 6 quận, huyện (Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ). Tổng đàn heo trong ổ dịch 388 con; số heo được ngành thú y tiêu hủy 321 con, khối lượng là 19.226kg.

Tính đến hết ngày 16-7-2019, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 712 hộ chăn nuôi heo thuộc 66 xã, phường của 9 quận, huyện. Tổng số heo trong ổ dịch là 20.055 con, số heo bệnh là 8.578 con, chết 3.562 con, số heo tiêu hủy là 18.952 con (ngành thú y tiêu hủy 18.638 con, khối lượng là 1.009,6 tấn và chủ hộ tự tiêu hủy 314 con). Ông Lê Trung Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, cho biết: “Đến thời điểm này, công tác tiêu độc khử trùng, xử lý đàn heo bị nhiễm bệnh được ngành thú y thành phố và các quận, huyện thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, số heo chết, tiêu hủy do bệnh được ghi nhận đầy đủ, thực hiện hỗ trợ theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục hỗ trợ tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ đối với đàn heo bị tiêu hủy trước ngày 26-6-2019. Sau ngày 26-6, heo bị tiêu hủy do bệnh dịch sẽ áp dụng hỗ trợ theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh DTHCP, nhằm tạo điều kiện cho nông dân tái đàn khi bệnh dịch được dập tắt...”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có tổng đàn heo 122.254 con, phát triển đạt 89,89% kế hoạch năm. Đầu năm 2019, một ổ dịch bệnh lở mồm long móng trên heo xảy ra tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ (đã được dập tắt) và đến nay bệnh DTHCP bùng phát, lây lan trên diện rộng và gây thiệt hại trên 16,4% tổng đàn heo nuôi trên địa bàn thành phố.

Giải pháp phòng tránh lây lan

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, khẳng định: Bệnh DTHCP không ảnh hưởng đến con người và những động vật khác so với loài heo. Nhưng, con người và động vật khác có thể có vai trò quan trọng trong việc gieo rắc bệnh này. Bởi, sự lây truyền của bệnh dịch rất phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố, tuy nhiên con đường chính truyền bệnh được biết qua việc con người đi lại từ những nơi có mối nguy tiềm tàng gây bệnh hay vận chuyển thực phẩm nhiễm bệnh từ khu vực bị bệnh (với khoảng cách xa) và mang vi-rút lây bệnh đến khu vực khác. Những yếu tố lây bệnh khác như những côn trùng, con vật khác (chuột, ruồi…), nguồn nước nhiễm bẩn, thực phẩm và xe vận chuyển thức ăn bị nhiễm bẩn, vi rút bệnh DTHCP đến nơi chăn nuôi khác lây truyền bệnh dịch.

Ông Lê Trung Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, khuyến cáo: Để ngăn ngừa vật nuôi với mầm bệnh, tránh để heo nuôi nhiễm bệnh phải thực hiện hàng loạt giải pháp về tập trung an toàn sinh học trong chăn nuôi, như: chuồng trại chăn nuôi xây dựng phải có khoảng cách nhất định, nơi xây dựng cách nhà dân, khu dân cư, nơi đi lại của con người, ngăn chặn sự xâm nhập của các loài vật khác; cơ sở chăn nuôi phải có rào cản, cửa đóng mở nhằm tránh người ra vào mang vi-rút DTHCP truyền bệnh, đồng thời chuồng trại chăn nuôi phải có vách ngăn từng khu vực chăn nuôi heo thịt, heo sinh sản, heo con… Đặc biệt, người dân nuôi heo phải thực hiện thời gian cách ly mỗi đợt nuôi từ 10 đến 15 ngày để vệ sinh chuồng trại, xử lý mầm bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng.

Đối với đàn heo giống, người nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt về kiểm soát con giống. Trong đó chú ý con giống phải sạch bệnh và xét nghiệm âm tính với bệnh DTHCP; người chăn nuôi cũng phải đảm bảo an toàn sạch bệnh từ các phương tiện, dụng cụ chăn nuôi… Đồng thời, trong quá trình nuôi bất cứ người ngoài nào tới từ vùng được biết có dịch bệnh DTHCP nên thực hiện nghiêm ngặt quy trình an toàn sinh học khi đến khu vực chăn nuôi khác...

Ông Lê Trung Hoàng khẳng định: “Khi bệnh DTHCP xuất hiện, tất cả các địa phương trên cả nước đều mong muốn vắc-xin phòng bệnh được chế tạo thành công và ngăn ngừa bệnh dịch tái phát khi đàn nuôi mới được tái đàn. Nhưng đến nay, vắc-xin phòng bệnh DTHCP chưa có nên việc ứng dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học là ưu tiên hàng đầu, cần nghiêm túc thực hiện. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo hạn chế tái đàn tại địa phương từng diễn ra bệnh dịch; chỉ tái đàn ở khu vực kiểm soát được dịch bệnh, hết dịch và chưa xảy ra bệnh DTHCP, nhưng quá trình chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. TP Cần Thơ chưa thực hiện tái đàn đối với khu vực đã từng bị nhiễm bệnh DTHCP, đồng thời, thời gian tới thành phố sẽ giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ mà hướng dẫn, vận động chăn nuôi tập trung, có quy mô lớn nhằm ứng dụng tốt giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, ngăn ngừa DTHCP tái phát…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop