Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 03 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 03 năm 2020

Xuất khẩu nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19: Nỗ lực vượt khó

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Trong khi một số cửa khẩu sang Trung Quốc những ngày qua đã thông quan trở lại thì các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu lại quyết định đóng cửa biên giới. Như vậy, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Nỗ lực vượt khó, tìm hướng đi mới là yêu cầu đặt ra để thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp...

Hai tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tấn Thành

Trong vòng xoáy của dịch Covid-19

Theo thống kê của Bộ NN& PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2 tháng đầu năm 2020 đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản có sự sụt giảm khá mạnh như: Cá tra giảm 27,4%; hạt điều giảm 17,4%; rau quả giảm 11,9%... Hiện, tỉnh Bình Định còn khoảng 600 tấn cá ngừ đại dương chưa thể “lên đường” sang châu Âu. Dự báo trong tháng 3 này, khoảng 10.000 tấn tôm cũng sẽ gặp khó trong xuất khẩu. Rồi 48.000 tấn ớt đang vào vụ thu hoạch vẫn đang tìm thị trường tiêu thụ…

Nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh trong xuất khẩu của nước ta như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, cam… đang gặp nhiều khó khăn. "Thị trường chính là Trung Quốc và Hoa Kỳ, Malaysia, nhưng từ đầu năm đến nay, 70% lượng trái cây không xuất khẩu được. Chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ từ các hiệp hội, hệ thống bán hàng để tiêu thụ trong nước", bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xuân Định (Cần Thơ) cho biết.

Phân tích về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, thời điểm cuối tháng 1 đến giữa tháng 2-2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc (thị trường lớn nhất - ngang với thị trường Mỹ, đều chiếm tỷ trọng 23,8%), dẫn đến nhiều mặt hàng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu. Đồng thời thông tin, theo dự báo của các chuyên gia, các nhà phân tích, đầu tư, dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng rất lớn tới xuất nhập khẩu nông sản trên toàn thế giới về trung hạn.

Trong vòng xoáy của dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã bộc lộ những điểm yếu cố hữu. Đó là trồng trọt, chăn nuôi tự phát, chưa theo quy hoạch và không gắn với chế biến, phát triển và xây dựng thương hiệu kém. "Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc ùn ứ nông sản là do công tác nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta còn nhiều hạn chế. Người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời, thiếu sự hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo của các cơ quan chức năng trong quá trình sản xuất. Hay nói cách khác, nông sản của nước ta vẫn đang trong tình trạng bán cái mình có chứ chưa bán cái thị trường cần...", Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam phân tích.

Tìm hướng đi mới cho nông sản Việt

Vụ ớt của cả nước với sản lượng 48.000 tấn đang bước vào thu hoạch hiện vẫn tìm thị trường tiêu thụ. Ảnh: Lê Tuấn

Trong những ngày vừa qua, Bộ NN&PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kết nối hỗ trợ thu mua, tiêu thụ nông sản tồn dư do không thể xuất khẩu cho nông dân và doanh nghiệp; hướng dẫn một số địa phương đang trồng dưa hấu, thanh long chuyển sang cây trồng khác dễ tiêu thụ (về mặt ngắn hạn) hơn, như đậu tương, ngô, rau... Song song đó, Bộ NN&PTNT vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để phát triển thị trường tại các địa phương của quốc gia này vào một thời điểm phù hợp, khi dịch bệnh được kiểm soát, được dự báo là cuối tháng 3 đầu tháng 4 này.

Tại hội nghị về thúc đẩy thương mại và phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch Covid-19 tổ chức tháng 2-2020, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ có những giải pháp mới như việc tạo cơ chế để các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch (với thị trường Trung Quốc) và nâng cao chất lượng sản phẩm để thỏa mãn yêu cầu của những thị trường kỹ tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu...

Ngoài ra, cần tiếp tục thúc đẩy việc xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới, mở rộng xuất khẩu. Trong 2 tháng đầu năm, trong bối cảnh khó khăn, kim ngạch xuất khẩu gạo vẫn tăng 27%, gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 10,1% do không phụ thuộc vào khách hàng truyền thống mang tính chi phối là một bài học quý cho các ngành hàng khác trong việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.

Về phía các doanh nghiệp - chủ thể của hoạt động xuất khẩu, không có cách nào khác là phải chủ động, năng động hơn trong phát triển thị trường. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Ðàng (tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Văn Ðạo chia sẻ: “Sau Tết Nguyên đán, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Rất may là chúng tôi đã kịp mở rộng sang các thị trường mới, nên các đơn hàng bắt đầu có sự phục hồi...”.

Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội Nguyễn Xuân Trường, các doanh nghiệp cần phát triển bài bản và chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch để có thể phát triển bền vững. "Dự kiến ngày 13-3, công ty có đơn hàng 10.000 bông hoa cúc xuất sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, chiều 11-3, chúng tôi được thông báo là các hãng hàng không ngừng nhận mặt hàng này. Khi hủy hợp đồng, phía đối tác Nhật Bản sẽ đền bù 100% giá trị đơn hàng, khoảng trên 100 triệu đồng. Dịch bệnh là vấn đề bất khả kháng, nên công ty cùng chia sẻ rủi ro với đối tác, không tính đền bù để còn hợp tác lâu dài. Số hoa đó được công ty tiêu thụ tại thị trường trong nước, vì chúng tôi cũng đã lên phương án dự phòng", ông Nguyễn Xuân Trường cho biết.

Trong vai trò tư lệnh ngành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, dịch Covid-19 đã mang lại một "áp lực tích cực", buộc ngành Nông nghiệp nhận thức rõ hơn những hạn chế để khắc phục và có hướng đi mới cho sự phát triển trước mắt cũng như dài hơi: Nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm; đáp ứng tiêu chuẩn cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

Áp lực từ dịch Covid-19 buộc ngành Nông nghiệp Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu, tìm kiếm những thị trường mới; chế biến gắn với xây dựng chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ hiện đại thay vì xuất khẩu sản phẩm thô... Thách thức đang ở phía trước, đòi hỏi nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân.

ĐỖ MINH

Ngành cà phê Tây Nguyên lao đao vì dịch Covid-19

Nguồn tin: VOV

Giá cà phê lao dốc, cùng với dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, nhất là khu vực Châu Âu đã khiến ngành cà phê Tây Nguyên lao đao.

Niên vụ vừa qua, gia đình anh Lê Phước Ngà, ở thôn 9, xã Tân Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai thu được 2,5 tấn cà phê nhân từ 1ha rẫy. Trước Tết âm lịch, anh đã bán 1,5 tấn để chi tiêu, trả nợ. 1 tấn còn lại, anh tính đợi giá cà phê tăng thêm, nhưng càng chờ, giá càng xuống. Không thể chờ được nữa, anh Lê Phước Ngà buộc phải bán số cà phê còn lại với giá 30.000đ/kg để có tiền tái đầu tư cho vườn cà phê.

“Với giá cả như hiện nay, người trồng cà phê thiệt hại nhiều lắm. Phân bón, vật tư cao, nhân công cũng cao, mọi chi phí đều tăng nhưng giá cà phê lại giảm. Tình trạng này khiến người nông dân rất khổ”, anh Lê Phước Ngà nói.

Nông dân Tây Nguyên rất lo lắng vì giá cà phê liên tục sụt giảm.

Cùng với nông dân, các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê ở Gia Lai cũng đang lao đao vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông Nguyễn Minh Đường, Giám đốc Công ty Xuất khẩu nông sản Tây Nguyên (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cho biết, giá cà phê đang sụt giảm nghiêm trọng, hiện chỉ khoảng 30.000đ/kg, thấp hơn so với giá thành là 32.000 - 33.000đ/kg. Giá thấp khiến nông dân hạn chế bán ra, doanh nghiệp thiếu nguồn cung cho xuất khẩu.

Giá cà phê liên tục sụt giảm những năm qua và thời điểm này đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây. Điều này khiến nông dân có xu hướng chặt bỏ cà phê để thay thế bằng loại cây khác. Các doanh nghiệp khẩu nói riêng, ngành cà phê nói chung sẽ bị ảnh hưởng rất lớn trong thời gian tới. Do đó, theo ông Nguyễn Minh Đường, để ổn định vùng nguyên liệu, doanh nghiệp phải chú trọng hỗ trợ nông dân để cùng vượt qua khó khăn.

“Giá cà phê xuống quá thấp, thời điểm hiện nay người trồng cà phê không có lãi. Giai đoạn này, chính sách của chúng tôi là cho các hộ sản xuất cà phê ứng trước tiền để đủ điều kiện chăm bón vườn cây và đảm bảo cuộc sống gia đình, cho ứng 70% giá trị hàng hóa của khách hàng. Khi nào giá phục hồi, đảm bảo có lãi thì khách hàng bán”, ông Nguyễn Minh Đường cho hay.

Giá cà phê Tây Nguyên đang thấp kỷ lục trong 10 năm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Với doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất nhì cả nước, ông Lê Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu cà phê 2/9 Đắk Lắk (Semexco), cho biết, dịch Covid-19 diễn ra phức tạp ở châu Âu đã khiến cho thị trường xuất khẩu chính của công ty bị đình trệ. Trong quý 1 năm nay, doanh nghiệp đã ký các hợp đồng xuất khẩu với khối lượng 30.000 tấn, nhưng dịch diễn biến phức tạp khiến các đối tác ngừng nhập hàng. Trong khi giá cà phê giảm sâu, các hợp đồng mới tại Châu Âu không ký được, công ty tìm đến các thị trường khác nhưng tình hình cũng không khả quan hơn.

Theo ông Lê Tiến Hùng, Nhà nước cần sớm có chính sách giúp người trồng cà phê và doanh nghiệp vượt qua khó khăn: “Dịch bệnh kéo dài, mà Châu Âu là thị trường mua nhiều nhất nhưng họ đã dừng hoạt động hết, khiến giá cà phê sụt giảm. Không chỉ Đắk Lắk mà cả ngành cà phê vùng Tây Nguyên này đều bị thua lỗ. Chính phủ nếu hỗ trợ thì hỗ trợ cho nông dân vay một mức lãi ưu đãi tương đối để nông dân có vốn đầu tư. Đồng thời, phải quản lý tốt một số khâu đầu vào như phân bón, thuốc từ sâu, vật tư phục vụ sản xuất, tránh đi vật tư giả, kém chất lượng làm thiệt hại đến năng suất của nông dân”.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, cà phê là một trong những loại nông sản của địa phương bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch Covid-19 do phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ nước ngoài như Châu Âu, Trung Quốc, Mỹ. Hiện, việc xuất khẩu của các doanh nghiệp Đắk Lắk gần như tê liệt.

Ông Nguyễn Hoài Dương cho rằng: “Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có tỉnh Đắk Lắk và đặc biệt là ngành cà phê. Chính phủ cần sớm hỗ trợ về lãi suất, tín dụng đối với các đơn vị đang triển khai những hợp đồng xuất khẩu gặp khó khăn, hoặc người sản xuất, chế biến đang gặp khó khăn. Đó là động lực để họ duy trì sản xuất ổn định”.

Niên vụ 2018-2019 vừa qua được đánh giá là cơn bĩ cực của ngành cà phê Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung, do giá thấp, kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 500 triệu USD. Nhiều chuyên gia, nhà xuất khẩu dự báo và hy vọng niên vụ này sẽ khởi sắc. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, tình hình đã vô cùng khó khăn khi giá cà phê tiếp tục giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua và được dự báo khủng hoảng giá sẽ còn kéo dài. Cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê đang trông chờ những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước để vượt qua giai đoạn khó khăn./.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Hơn 10 tỷ đồng dành cho hoạt động khuyến nông tại Trà Vinh

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Trà Vinh

Giai đoạn 2020-2022, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện các hoạt động khuyến nông với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng, số tiền còn lại do nông dân đối ứng.

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới của nông dân huyện Châu Thành

Theo đó, tỉnh xây dựng 14 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất áp dụng các tiến khoa học kỹ thuật tiên tiến trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, phù hợp với định hướng cơ cấu ngành nông nghiệp. Cụ thể, ở lĩnh vực trồng trọt, tỉnh xây dựng 5 dự án khuyến nông, gồm các dự án hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất theo hướng an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; trồng rau trong nhà lưới ứng dụng hệ thống tưới, bón phân tự động và liên kết thị trường tiêu thụ; sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; sản xuất cây dừa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Chương trình khuyến nông chăn nuôi có 3 dự án, gồm: Dự án hỗ trợ đầu tư chăn nuôi gà có bổ sung thảo dược nhằm hạn chế sử dụng kháng sinh; Dự án đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng bò thịt sử dụng tinh phân li giới tính (đực) bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn sinh sản theo hướng an toàn sinh học.

Đối với lĩnh vực thủy sản, tỉnh thực hiện 6 dự án gồm: Dự án hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong nuôi tôm thẻ thâm canh mật độ cao; Dự án hỗ trợ đầu tư nuôi tôm thẻ thâm canh mật độ cao ứng dụng semi biofloc 3 giai đoạn sử dụng hầm Biogas xử lý môi trường gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Dự án hỗ trợ đầu tư nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học quản lý môi trường, hạn chế dịch bệnh; Dự án hỗ trợ đầu tư nuôi cá lóc thâm canh 2 giai đoạn; Dự án hỗ trợ đầu tư nuôi tôm sú thâm canh 2 giai đoạn theo hướng VietGAP sử dụng chế phẩm sinh học quản lý môi trường và Dự án hỗ trợ đầu tư nuôi tôm sinh thái kết hợp nuôi nhuyễn thể (vọp, sò).

Để việc thực hiện các dự án thành công và có thể nhân rộng, tỉnh huy động nhiều nguồn lực; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ làm khuyến nông các cấp.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức 326 lớp tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ cho gần 10.000 lượt nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đồng thời, kết hợp với Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh tổ chức 17 lớp tập huấn nhân rộng các mô hình nông nghiệp sản xuất hiệu quả, với gần 700 lượt nông dân tham dự./.

Thanh Hòa

Sầu riêng, mít Thái dễ tiêu thụ, giá cao

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Nông dân trồng sầu riêng tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL phấn khởi vì giá trái sầu riêng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và đang ở mức khá cao.

Thu mua mít Thái tại một vựa trái cây ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Tại TP Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp… giá sầu riêng Ri 6, Mỏn Thon được nông dân bán cho thương lái từ 66.000-70.000 đồng/kg. Giá sầu riêng tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng, lại chưa bước vào mùa thu hoạch chính vụ. Hiện nay, sầu riêng không chỉ được tiêu thụ mạnh trong nước mà còn được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu.

Những ngày gần đây, giá mít Thái loại 1 (trái từ 9 kg trở lên) được thương lái và các vựa thu mua từ 28.000- 35.000 đồng/kg, trong khi hồi cuối tháng 1-2020 giá mít Thái loại 1 chỉ ở mức trên dưới 7.000 đồng/kg.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Bến Tre: Nhãn xuồng Tam Hiệp khó tiêu thụ

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Đất cồn Tam Hiệp (hay còn gọi cồn Tàu), huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre là xứ sở của nhãn xuồng ngon “nức tiếng”. Đây cũng là nơi tiên phong chuyển đổi các giống nhãn truyền thống (như nhãn long, tiêu huế) sang nhãn xuồng có giá trị cao hơn. Giá bán tại vườn thường dao động từ 50 - 60 ngàn đồng/ký. Tuy nhiên, hiện nay, cả trăm tấn nhãn xuồng Tam Hiệp đang vào đợt thu hoạch nhưng không có doanh nghiệp thu mua. Các thương lái chủ lực tại các chợ đầu mối cũng “lắc đầu” tuyên bố không nhận hàng nữa.

Nhãn xuồng Tam Hiệp nằm đợi trên cây chờ rụng vì không bán được. Ảnh: C. Trúc

Đường đến cồn Tam Hiệp ngày nay đã không còn khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn phải “lụy phà”. Len lỏi sâu bên trong cồn mới nhận ra, từ đầu đến cuối cồn toàn trồng nhãn tiêu huế và nhãn xuồng. Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Nguyễn Hữu Thọ cho biết: Ở đây, nhà nào cũng trồng nhãn. Phát triển kinh tế địa phương chủ yếu nhờ vào cây nhãn...”.

Xã Tam Hiệp có trên 574ha đất nông nghiệp, trong đó, nhãn chiếm trên 548ha (khoảng 300ha là nhãn xuồng), còn lại là dừa, bưởi da xanh. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các đơn vị thu mua trong và ngoài tỉnh đã ngưng thu mua trong 2 tuần nay, khiến nhà vườn hoang mang vì nhãn đang chín rộ. Mặt khác, tình hình nước mặn xâm nhập bủa vây khắp nơi trên đất cồn, với độ mặn hiện lên đến 8 - 10%o, người dân không thể tưới, nhãn dễ rụng, hư hỏng.

Anh Trần Thanh Nam có 1ha đất trồng nhãn xuồng cho biết, ước sản lượng trái chín cần thu hoạch ngay là 10 tấn. “Ngặt nỗi, giờ nhãn chín tới nơi, phần rụng vì quá chín, phần vì thiếu nước ngọt mà các chợ ngưng thu mua, doanh nghiệp thì gọi họ cũng không bắt máy” - anh Nam lo lắng.

Không riêng gì vườn nhà anh Nam, toàn xã hiện có 100 tấn nhãn xuồng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Một chủ vườn khác cũng rối rắm chia sẻ: Từ đó đến giờ, tôi mới gặp cảnh tượng này. Lần đầu tiên tôi chở 20kg nhãn đi giao cho khách bán lẻ ở các xã khác.

Thời gian qua, chính quyền địa phương, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm với thương lái chủ lực tại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), góp phần giải quyết tiêu thụ trên 80% sản lượng nhãn xuồng của địa phương. Bên cạnh đó, có một số đơn vị như Tập đoàn VinGroup, doanh nghiệp thu mua trái cây của tỉnh cũng hợp đồng thu mua. Riêng nhãn tiêu huế được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu với sản phẩm trái tươi đóng rổ hoặc sấy khô.

Cẩm Trúc

Đắng chát vị mía đường

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Những năm gần đây, do hạn hán, năng suất thấp, giá cả bấp bênh… khiến người trồng mía trong tỉnh Khánh Hòa liên tiếp bị thua lỗ nặng. Từ một cây trồng chủ lực của các địa phương trong tỉnh, cây mía dần nhường đất cho các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn, kéo theo các nhà máy đường cũng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng. Nếu ngành chức năng, các địa phương, người trồng mía không chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa để tăng năng suất thì còn lâu nông dân mới tìm lại được “vị ngọt” của cây mía đường.

Thua lỗ, nông dân bỏ mía

Giữa cái nắng như đổ lửa, gạt giọt mồ hôi trên khuôn mặt xạm đen, ông Hoàng Văn Thanh - người trồng mía ở xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm cho biết: “Trồng mía cả năm mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Gia đình tôi có 3ha đất trồng mía, năm nào đạt được 60 tấn/ha, nhưng bán cho thương lái chỉ được 25 đến 30 triệu đồng/ha, mới đủ chi phí đầu tư. Năm nay, người trồng mía thua lỗ nặng, năng suất rất thấp, chỉ đạt chừng 25 tấn/ha, bán cho thương lái chưa đến 20 triệu đồng/ha”. Ông Thanh cho rằng, nếu bán trực tiếp cho nhà máy đường giá sẽ cao hơn, được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Lâu nay, những hộ trồng mía diện tích ít thường phải bán qua đầu nậu, bởi như thế sẽ không gặp trục trặc gì. “Liên tục 4-5 năm nay, năm nào người trồng mía cũng thua lỗ. Vì vậy, không chỉ tôi mà nhiều hộ khác cũng bỏ mía, hộ có tiền đầu tư thì trồng xoài, hộ ít vốn thì trồng mì”, ông Thanh nói.

Sau nhiều niên vụ mía thua lỗ, nông dân không mấy mặn mà với cây mía.

Qua các vùng trồng mía trọng điểm ở thị xã Ninh Hòa như: Ninh Tân, Ninh Xuân, Ninh Tây…, đến đâu cũng gặp thông tin rao bán đất mía. Bây giờ, trang trại chăn nuôi, rừng keo, vườn cao su, rẫy mì… đã thay thế dần cho cây mía. Ngồi nghỉ mệt dưới tán keo đã 4 năm tuổi tiếp giáp với ruộng mía vừa thu hoạch xong, ông Nguyễn Thành (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) cho hay: “Trước đây, gia đình tôi có 7,6ha mía, do không hiệu quả nên 4 năm trước, tôi đã chuyển đổi 3ha sang trồng keo. Niên vụ này, nắng nóng kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay khiến cây mía còi cọc, năng suất giảm còn 50% so với niên vụ trước, thu chẳng bù chi nên tôi quyết định bỏ toàn bộ diện tích mía này để tìm cây khác về trồng. Tôi đang dự định sẽ cày bỏ 3,6ha mía còn lại để trồng xoài hoặc mít”.

Theo lãnh đạo UBND xã Ninh Tây, niên vụ mía 2019 - 2020, toàn xã chỉ còn 2.338ha mía, giảm 200ha so với niên vụ trước, do nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây keo, mì. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, liên tục trong những năm gầy đây, diện tích mía trên địa bàn tỉnh giảm mạnh; cây mía đã nhường đất cho các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn, mỗi năm có hàng trăm héc-ta đất mía được chuyển đổi. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh có 18.984ha mía thì đến nay, diện tích mía giảm 2.823ha, còn 16.161ha.

Nhà máy hụt nguyên liệu

Năng suất, sản lượng mía nguyên liệu giảm đã kéo theo hoạt động của 2 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh khó khăn. Năm nay, Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa thiếu nguyên liệu đầu vào nghiêm trọng. Năng suất mía giảm đến 40% nên mía nguyên liệu không đủ cung cấp cho nhà máy. Đầu vụ, Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa ước tính sẽ ép khoảng 400.000 tấn mía, nhưng thời điểm hiện tại chỉ đạt 200.000 tấn. Trong đó, vùng nguyên liệu trong tỉnh chỉ cung cấp được khoảng hơn 100.000 tấn mía. Ông Thái Tiến Dũng - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa cho biết, với tình hình này, sang năm không biết lấy mía đâu để ép. Năm trước, công ty phải thu mua và ép đến hết tháng 5, nhưng năm nay chỉ khoảng 1 tuần nữa là không còn mía để ép.

Nắng hạn khiến năng suất mía tại xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) giảm mạnh.

Đây cũng là tình cảnh chung của Công ty Cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar). Mặc dù công suất của Vietsugar đạt 10.000 tấn mía/ngày, nhưng nhà máy phải hoạt động với công suất thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế. Đến thời điểm hiện tại, vụ ép đã kết thúc do hết nguyên liệu. Ước tính niên vụ này, vùng mía của tỉnh cung cấp chưa tới 200.000 tấn mía cho Vietsugar, trong khi năng lực sản xuất của đơn vị này có thể đạt tới 1,2 triệu tấn mía/vụ.

Khó khăn không dừng ở đó, theo lộ trình cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1-1-2020, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước trong khối ASEAN. Như vậy, giá đường trong nước sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, vùng nguyên liệu mía đường trong nước đang sụt giảm về chất lượng lẫn số lượng. Điều này đặt ra bài toán nan giải cho các nhà máy đường.

Năng suất thấp, nông dân bỏ mía trồng cây khác khiến sản lượng mía nhập về các nhà máy đường thiếu hụt nghiêm trọng.

Nút thắt cần gỡ

Nhiều nhà nông cho biết, thực ra người trồng mía vẫn có thể gắn bó được với cây mía, nhưng nút thắt ở đây là phải tăng được năng suất. Đã hơn 20 năm gắn bó với cây mía, các nhà máy đường trong tỉnh đã qua bao phen đổi chủ sở hữu, nhiều hộ trồng mía xung quanh đã bỏ mía để chuyển sang trồng keo, trồng chuối… nhưng ông Nguyễn Văn Thành (xã Ninh Tân) vẫn quyết định dành một phần diện tích 3ha trồng mía. Ông Thành phân tích, năm nay tuy nắng hạn nhưng nhờ rẫy mía nằm cạnh suối, nên trong giai đoạn mía phát triển ông vẫn bơm, tưới bổ sung được 2 đợt. Nhờ đó, năng suất mía đạt chừng 50 tấn/ha, sau khi trừ chi phí ông vẫn lãi được khoảng 10 triệu đồng mỗi ha. “Muốn nâng cao năng suất, nông dân không thể làm được mà phải liên kết, nhận đầu tư từ nhà máy cả giống, phân bón, máy móc, kỹ thuật canh tác… Tuy nhiên, tôi được biết mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thí điểm tại Khánh Hòa đã đổ vỡ do các bên không tìm được tiếng nói chung”, ông Thành cho hay.

Trước những khó khăn của người trồng mía, những năm qua, chính quyền các địa phương như: Cam Lâm, Ninh Hòa, Diên Khánh… đã định hướng chuyển đổi nhiều diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng khác, chỉ phát triển cây mía ở những nơi phù hợp. Bước đầu sự chuyển đổi này ở các địa phương đã mang lại hiệu quả. “Chúng tôi xác định chỉ duy trì diện tích mía dưới 8.000ha, đây là những khu vực nông dân có thể đầu tư để tăng năng suất. Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ phối hợp với các nhà máy đường hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng các kỹ thuật, máy móc vào canh tác để tăng hiệu quả đầu tư, nâng năng suất mía”, ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa chia sẻ.

Đại diện các nhà máy sản xuất, chế biến đường cho rằng, để tồn tại ngành mía đường phải tái cơ cấu. Trong đó, điều cốt lõi là phải nâng được năng suất và chữ đường của cây mía. Bởi, với năng suất bình quân từ 40 đến 50 tấn/ha, lượng đường thu về thấp, rất khó để bà con có được thu nhập cao từ cây mía. Không những vậy, hầu hết diện tích trồng mía là sở hữu của nông dân, quy mô gia đình, phân bố chủ yếu vùng đất gò, đồi nên khó áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa cho biết: “Chúng tôi đã đẩy mạnh cơ giới hóa tại các vùng trồng mía. Mới đây, công ty mua 40 máy móc về hỗ trợ bà con nhằm giảm chi phí nhân công lao động. Đối với vùng đất cằn cỗi, công ty đang hướng dẫn bà con trồng theo phương pháp mía hố để tập trung dinh dưỡng, nâng cao năng suất”. Cũng theo ông Việt, để nâng cao năng suất cây mía không còn cách nào khác là phải thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng quy mô lớn để cơ giới hóa. Có như vậy mới giảm được chi phí giá thành còn 50% so với cách làm hiện nay.

Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước những khó khăn hiện nay, doanh nghiệp đường và người trồng mía cần phải thay đổi để tồn tại. Đối với các vùng đất bằng có nước tưới, bà con cần liên kết với doanh nghiệp để được cung ứng giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Phải nâng được năng suất mía lên 80 tấn/ha, chứ 40 đến 50 tấn/ha như hiện nay là không có lãi. Các nhà máy đường có thể chủ động trong giảm giá thành sản phẩm bằng cách tạo lập kênh phân phối của chính mình. Có như vậy mới có thể kiểm soát, bình ổn được giá đường trong nước. Đồng thời, chủ động hơn nữa trong việc đầu tư, nghiên cứu nhập khẩu giống mía, nâng cao chất lượng chữ đường nhằm tăng năng suất mía, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất đường giúp giảm giá thành đường.

NHÓM PV

Giá thịt lợn rất cao nhưng người chăn nuôi không thể tái đàn

Nguồn tin: VOV

Sau đại dịch tả lợn châu Phi, nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang tìm cách khôi phục lại đàn lợn.

Người chăn nuôi ở Đắk Lắk đang phải đối mặt với một loạt khó khăn và rủi ro, do giá lợn giống cao, việc chăn nuôi an toàn cần đầu tư rất lớn. Điều này dẫn đến nghịch cảnh là dù giá lợn thịt đang rất cao, người chăn nuôi ở Đăk Lăk rất muốn tái đàn mà không thể.

Gia đình anh Lê Thanh Phú, ở thôn Hiệp Thành, xã Quảng Hiệp, huyện Cư Mgar, có trại nuôi lợn quy mô 600 con.

Anh Phú cho biết, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình anh đã xuất bán với giá 100.000 đồng/1kg lợn hơi, tiền lãi 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã gần 3 tháng qua, gia đình anh vẫn chưa thể tái đàn lợn. Lý do vì giá lợn giống tăng cao, trên 2,5 triệu đồng/1 con giống, mà không tìm được nơi cung cấp an toàn.

Anh Phú bên dãy chuồng lợn bỏ trống.

Cũng theo anh Lê Thanh Phú lý giải, việc nhập lợn giống giá cao vào thời điểm này, nguy cơ thiệt hại kép nếu chẳng may dịch bệnh quay trở lại, hoặc mua phải lợn giống kém chất lượng.

"Giá lợn giống cao, thứ hai là không có heo con để mua, vì bây giờ những trại cung cấp giống hồi xưa bữa nay họ nuôi thịt, họ xây dựng trại thịt thêm nên nguồn cung khan chưa thể tái đàn" - anh Phu cho biết.

Với người nhận nuôi lợn gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam như anh Lưu Văn Đức, ở buôn Cuôr, xã Ea Mdróh, huyện Cư Mgar, thì lý do không thể tái đàn là do thiếu vốn xây dựng chuồng lạnh. Anh cho biết, trước đây, anh đã đầu tư khoảng 600 triệu đồng xây chuồng trại và nhận nuôi 600 con lợn.

Sau đợt dịch, do không đủ vốn nâng cấp, sửa chữa thành chuồng lạnh theo yêu cầu, nên phía công ty cắt hợp đồng nuôi lợn gia công. Đầu tư thêm thì không có vốn, mua lợn giống lại phải chịu giá cao, cộng thêm lo ngại rủi ro dịch bệnh có thể tái phát nên anh Lưu Văn Đức đã chuyển hướng sang chăn nuôi gà.

"Nếu mà tiếp tục làm cho công ty CP thì công ty yêu cầu phải có trại lạnh, cộng thêm số tiền cũ, tiền mới đầu tư thêm thì mình phải mất thêm 400-500 triệu. Tôi nghĩ 400 - 500 triệu đồng đó làm con gà thì hiệu quả mà ít rủi ro hơn nuôi lợn” - anh Đức chia sẻ.

Theo ông Thủy Lệ Vũ, Quyền Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đắk Lắk, dịch tả lợn Châu phi thời gian qua, địa phương đã phải tiêu hủy hơn 44.800 con lợn với tổng trọng lượng gần 2.500 tấn. Nhờ chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, ngành chuyên môn, cùng với sự nỗ lực của người dân, đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 3 xã có dịch. Sau khi dịch đi qua, các hộ chăn nuôi đã rục rịch tái đàn.

Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có một số công ty, trang trại lớn khôi phục được đàn lợn, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phải bỏ trống chuồng, do không đảm bảo các điều kiện an toàn trong chăn nuôi.

Anh Đức đang dọn dẹp chuồng lợn để chuyển sang nuôi gà.

Ông Vũ nhấn mạnh: “Khuyến cáo người dân tái đàn nhưng phải thực hiện theo đúng chỉ thị 14 của Ủy ban nhân dân tỉnh là những cơ sở trang trại mà chăn nuôi khép kín, chuồng trại đảm bảo, thứ hai là áp dụng được an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh thì được phép tái đàn nhưng phải có kiểm soát của lực lượng thú y, đặc biệt là thông báo với chính quyền sở tại thì mới được phép tái đàn.

Còn những cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ mà chuồng trại không đảm bảo, nguy cơ dịch bệnh tái phát thì khuyến cáo không nên tái đàn mà nên chuyển qua nuôi động vật khác".

Có thể nói, việc tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm dập tắt dịch tả lợn châu Phi, tiến tới công bố hết dịch bệnh, hướng tới chăn nuôi an toàn là điều rất cần thiết. Nhưng điều cấp thiết không kém hiện nay là tháo gỡ khó khăn giúp người chăn nuôi khôi phục đàn lợn, phục vụ nhu cầu thịt lợn rất lớn của thị trường.

Cơ sở cung cấp con giống thì chuyển sang nuôi lợn thịt. Công ty chiếm giữ thị phần lớn thì đặt thêm những quy định siết người chăn nuôi. Thiếu vốn, thiếu con giống, nên dù giá thịt lợn rất cao, thị trường khan hiếm, nhưng người chăn nuôi không thể tái đàn, và người tiêu dùng tiếp tục chịu cảnh “nhịn miệng” hoặc chấp nhận bị móc túi.

Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có những chính sách giúp người dân tìm được nơi cung ứng lợn giống có chất lượng, giá thành hợp lý; Đồng thời, tạo điều kiện đáp ứng nguồn vốn đầu tư chăn nuôi. Có như vậy, người dân mới có điều kiện khôi phục đàn lợn, góp phần ổn định nguồn cung thịt lợn trên thị trường./.

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

Liên kết tiêu thụ gia cầm tồn kho cho người dân

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Nội dung này được đưa ra tại cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các địa phương không tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 do Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chiều 21/3.

Trên 100.000 con vịt tại 3 Phong Điền, Quảng Điền và Phú Vang đến kỳ xuất chuồng nhưng không tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch COVID- 19

Tham dự có lãnh đạo UBND TP. Huế và các huyện Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền cùng với ban quản lý các chợ và hàng chục hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Tồn kho gần 200.000 con gia cầm

Là trang trại chăn nuôi vịt quy mô lớn tại xã Quảng Lợi (Quảng Điền), từ đầu tháng 3/2020 đến nay, trang trại của anh Lê Đình Thi không thể tiêu thụ được số vịt đến thời điểm xuất chuồng với trên 5.000 con do giá thấp và tiêu thụ chậm. Trong khi đó, nếu tiếp tục duy trì, mỗi ngày anh phải trang trải khoản thức ăn từ 2-3 triệu đồng.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Quảng Điền - Phan Văn Lự, toàn huyện hiện có trên 22.000 con lợn, gần 2.000 con trâu, 2.300 con bò và 540.000 con gia cầm. Từ khi xuất hiện dịch COVID- 19 đến nay, số lượng lợn, trâu bò vẫn tiêu thụ ổn định, chỉ có chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn do ế ẩm và giá sụt giảm, nhất là vùng trang trại ở các xã Quảng Lợi, Quảng Vinh. Hiện, trên địa bàn có 40.000 con gà đến trọng lượng xuất bán và 25.000 con vịt xuất chuồng, song do giá giảm từ 20.000- 25.000đ/con nên người dân gặp khó.

Ông Lự cho biết, để giải cứu gia cầm cho các hộ chăn nuôi tập trung, huyện đã vận động bà con trên địa bàn thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển từ thịt lợn sang thịt gà, vịt, đồng thời tiếp tục củng cố, mở rộng các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản, hướng dẫn các hộ nuôi giảm lượng thức ăn công nghiệp, tăng cường lượng thức ăn có sẵn như lứa, sắn, ngô để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng thịt và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tại huyện Phong Điền, hiện sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn còn tồn kho không tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 khá lớn, trong đó khoảng 30.000 con gà, gần 30.000 con vịt, 300 tấn tôm trên cát, 20 tấn cá ao hồ và một số sản phẩm nông sản khác.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền - Nguyễn Văn Bình thông tin, để giải quyết đầu ra cho nông dân, ngày 20/3, UBND huyện đã ra thông báo gửi các cơ quan, ban, ngành, các trường học và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan vận động CBCNV- LĐ chia sẻ, tiêu thụ giúp người dân với số lượng tối thiểu 2 con vịt/người theo đơn giá 75.000đ/con (vịt sống); danh sách đăng ký thu mua gửi về Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện.

Gà giảm giá, không tiêu thụ được đang khiến nhiều hộ nuôi gặp khó

Tuy nhiên, với số lượng trên 2.500 CBCNV- LĐ, số lượng vịt tiêu thụ chỉ hơn 5.000 con, số còn lại vẫn còn khá lớn, trong khi số lượng vịt này đã đến kỳ xuất chuồng nên chi phí cung cấp thức ăn hằng ngày để duy trì đàn vịt chiếm trên 5 triệu đồng/4.000 con/ngày nên tìm giải pháp hỗ trợ người dân tiêu thụ gấp các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là vịt là giải pháp cấp bách để các hộ dân duy trì chăn nuôi và tiếp tục tái đàn đảm bảo nguồn cung cho thị trường khi hết dịch COVID- 19.

Chủ trang trại xã Vinh Hà (Phú Vang) - Nguyễn Mạnh trăn trở, trong khi số lượng gia cầm trên địa bàn không tiêu thụ được, song hằng ngày tại các chợ vẫn nhập hàng ngàn con vịt, gà từ các tỉnh, thành phố trong nước về bán. Để “giải cứu” gia cầm cho nông dân, mong các ban ngành tăng cường công tác kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng nhập gia cầm từ các tỉnh khá về.

Liên kết để tiêu thụ

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế - Trần Song, hiện trên địa bàn có 25 chợ truyền thống đang kinh doanh và tiêu thụ số lượng gia cầm khá lớn, thành phố sẽ chỉ đạo Ban quản lý (BQL) các chợ thống kê số lượng tiêu thụ gia cầm, sau đó kết nối trực tiếp với các hộ chăn nuôi để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, với gần 20 cửa hàng nông sản sạch có đội ngũ nhân viên ship hàng tận nơi cho các hộ gia đình trên địa bàn TP. Huế, thành phố sẽ lên danh sách và kết nối với người dân với mục tiêu sớm tiêu thụ hết số lượng gia cầm tồn kho tại 3 địa phương là Phong Điền, Quảng Điền và Phú Vang.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Lương Bảy cho rằng, thị trường tiêu thụ các sản phẩm gia cầm giảm là tất yếu khi các nhà hàng, khách sạn ít khách; các hội nghị, tiệc cưới đều hoãn, gây khó khăn cho người nông dân. Để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nói chung và gia cầm nói riêng, đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý và hình thành các điểm giết mổ tập trung nhằm giúp người dân tiêu thụ, đồng thời các ban ngành tăng cường tổ chức kiểm soát nguồn hàng từ các nơi khác nhập về nhằm đảm bảo quyền lợi cho các hộ chăn nuôi; BQL các chợ cập nhật danh sách các tiểu thương kinh doanh gia cầm để phối hợp trong vấn đề tiêu thụ và giết mổ, có thể huy động lực lượng giao hàng tận nơi cho khách.

Ông Bảy cho biết, để giúp nông dân sớm tiêu thụ số gia cầm tồn kho, Sở Công thương sẽ lập Trang giao dịch tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên hệ thống Zalo để cập nhật số lượng, giá cả và nhu cầu tiêu thụ, nơi cần mua- bán và phối hợp với các địa phương, BQL các chợ, hộ chăn nuôi với mục đích “giải cứu” nhanh số lượng gia cầm cho người dân.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop