Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 03 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 03 năm 2021

Xây dựng nền nông nghiệp thuận tự nhiên

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Nhu cầu thực phẩm an toàn ngày càng tăng, từ đó nhiều mô hình sản xuất thực phẩm thuận theo tự nhiên, hữu cơ được hình thành nhằm đáp ứng thị trường. Tuy nhiên, loại sản phẩm này có giá thành cao hơn so với sản phẩm thông thường nên nhiều người vẫn khó tiếp cận.

Trang trại Nhất Thống (huyện Nhà Bè) sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn quốc tế

Không sử dụng hóa chất

Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng. Năm 2017, cả nước có khoảng 76.000ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đến năm 2020, con số này đã tăng hơn 415.000ha. Tuy nhiên, sản phẩm thuận theo tự nhiên, hữu cơ giá thành rất cao, mẫu mã không đẹp và màu sắc kém, nhưng bù lại dinh dưỡng và chất lượng cao hơn.

Hơn 2 năm trồng vườn cam thuận theo tự nhiên tại Nghệ An, chị Trần Thị Tuyến cho hay, khi mới về trồng, nhiều nông dân xung quanh đánh giá vườn cam sẽ không phát triển được. Bởi, các vườn cam khác đều bón phân, cắt cỏ, phun thuốc; còn vườn cam của mình không bón phân, không phun thuốc cũng không cắt cỏ. Chị Trần Thị Tuyến chia sẻ, tầng cỏ là để cho côn trùng sinh sống, thiên địch sẽ tạo cân bằng tự nhiên, không gây hại cho cây cam. Bên cạnh đó, những trái cam rụng không cần dọn mà để tự tiêu hủy, trở thành dinh dưỡng cho cây. Tuy năng suất không cao so với các vườn khác, nhưng bù lại giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Với diện tích sản xuất cà phê hữu cơ rất lớn, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, nhìn nhận, sản phẩm hữu cơ là xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững. Ở Việt Nam, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận theo tự nhiên còn nhiều hạn chế. Một mặt, nông dân chưa có kỹ thuật sản xuất sản lượng lớn; mặt khác các sản phẩm phân bón, chế phẩm sinh học còn ít, giá thành cao. Tương tự, ông Lê Văn Toàn, quản lý sản xuất rau nhiệt đới trang trại Organica (quận 2, TPHCM), nhận định, mô hình sản xuất hữu cơ chủ yếu nhỏ lẻ, liên kết chuỗi yếu, chi phí và giá thành cao nên không thể mở rộng. Để giảm chi phí, người sản xuất cần làm mô hình liên kết theo kiểu vườn-ao-chuồng để tận dụng các phụ phẩm, tái sản xuất.

Có một thực tế, nhiều cửa hàng gắn mắc sản phẩm hữu cơ để bán với giá cao, nhưng chất lượng còn “mập mờ”. Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T Group, bức xúc, nhiều cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ trưng bày chứng nhận hữu cơ quốc tế tràn lan, rất khó để cơ quan chức năng giám sát. Do đó, Bộ NN-PTNT cần xây dựng chứng nhận hữu cơ Việt Nam có quy chuẩn bằng chất lượng nước ngoài để người dân có thể tham gia sản xuất, xuất khẩu được; đồng thời có biện pháp quản lý các cửa hàng bày bán thực phẩm hữu cơ “tự xưng”.

Hỗ trợ để giảm chi phí

Theo Bộ NN-PTNT, thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên thế giới tăng trưởng ổn định với quy mô ước tính hơn 80 tỷ USD/năm. Người tiêu dùng ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU hiện rất ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ không chỉ vì tính ưu việt trong bảo vệ sức khỏe mà còn bởi đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, tiềm năng xuất khẩu nông sản hữu cơ vẫn còn rất lớn. Thời gian qua, ngành công nghệ sinh học đã phát triển mạnh, ứng dụng rộng rãi để đáp ứng trước yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, chia sẻ, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, kinh nghiệm thực tế và sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp là lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp hữu cơ vốn đòi hỏi nhiều nhân công. Để nông nghiệp hữu cơ có thể phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần chọn vùng trồng phù hợp với chủng loại; ưu tiên phát triển đặc sản địa phương.

Thực tế hiện nay, còn nhiều mô hình sản xuất thuận theo tự nhiên không có chứng nhận hữu cơ, khiến tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Cùng với đó, nhiều cửa hàng còn trà trộn sản phẩm không đạt chuẩn với sản phẩm hữu cơ. Thậm chí, có trường hợp đạt chứng nhận hữu cơ nhưng thời gian sau lại sản xuất không đạt chuẩn. Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho biết, Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và xây dựng kế hoạch hành động. Diện tích nông nghiệp hữu cơ đang phát triển mà không thực chất, khó kiểm soát. Công tác đào tạo nhân lực rất nhiều năm chưa có chủ trương tiếp cận được tài liệu nông nghiệp hữu cơ từ các cấp. Chính vì vậy, bộ đang tích cực triển khai đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 với mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất canh tác nông nghiệp hữu cơ đạt 1,5-2% tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp, đến năm 2030 diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ sẽ đạt 2,5-3% tổng diện tích canh tác nông nghiệp cả nước.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để nông nghiệp hữu cơ bền vững phải đào tạo nông dân. Nhà nước cần tăng cường giới thiệu, xây dựng hệ thống phân phối, xúc tiến thương mại, đồng thời hỗ trợ các đơn vị đánh giá mẫu sản phẩm hữu cơ. Ngoài ra, muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn, tất yếu phải có dịch vụ cung cấp vật tư cho nông nghiệp hữu cơ chuyên nghiệp, đủ tầm như phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thảo mộc, chế phẩm sinh học...

QUÝ NGỌC

Những nhà nông hiện đại

Nguồn tin:  Báo Đắk Lắk

Chủ động tìm tòi, sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều nông dân trong tỉnh Đắk Lắk đã thành công, trở thành tỷ phú.

Lão nông “gàn dở”

Trong khi các nhà nông trồng hồ tiêu và cà phê ở xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) đang đau đầu vì giá cả thấp, bệnh cây trồng… thì tại vườn của ông Nguyễn Văn Liêm (ở thôn 6) các thương lái tấp nập tìm đến mua bưởi, quýt, cây giống…

Ngược thời gian, năm 2016 cây cà phê và hồ tiêu giúp không ít nông dân ở đây trở thành tỷ phú, riêng ông Liêm quyết định phá bỏ 2 ha cà phê để chuyển sang trồng 400 gốc bưởi da xanh và 300 gốc cam, quýt theo mô hình chuyên canh. “Nhiều người bảo tôi là gàn dở, can ngăn vì cho rằng cây bưởi, quýt không hợp với đất Tây Nguyên, khó sinh trưởng và không cho nhiều trái như ở miền Tây Nam Bộ”, ông Liêm trò chuyện.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Liêm (bên trái) ở thôn 6 (xã Ea Sol).

Quyết là làm, ông Liêm học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng các giải pháp công nghệ cao chăm sóc cây có múi từ khâu bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh, đến lắp hệ thống tưới tiết kiệm, bảo đảm mùa khô cây bưởi vẫn xanh tốt. Sau 2 năm trồng và chăm sóc vườn cây ăn trái bắt đầu ra bói, đến năm 2019, ông Liêm thu hoạch được 40 tấn bưởi và bán với giá 30.000 - 40.000 đồng/kg và 9 tấn quýt đường, giá bán 10.000 - 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Thị trường mà ông Liêm cung cấp bưởi, quýt chủ yếu ở các tỉnh miền Tây và luôn trong tình trạng "cháy" hàng. Hiện nay, ông Liêm đã chuyển đổi toàn bộ 4 ha chuyên canh cà phê sang trồng 900 gốc bưởi da xanh.

Ông Liêm cho biết, cây bưởi da xanh dễ thích nghi với các điều kiện khí hậu khác nhau, ra trái quanh năm, giá cả và đầu ra ổn định… Nếu để cây tự nhiên ra quả thì mỗi cây có khoảng 100 trái/năm, nhưng trái sẽ không chất lượng, nên ông tỉa bớt chỉ để lại một lượng trái vừa đủ, đảm bảo sức cho cây phát triển vụ sau.

Ngoài chăm sóc bưởi ra trái, ông Liêm còn chiết cành để bán cây giống, riêng trong năm 2020 ông đã bán 8.000 cây giống với giá 50.000 đồng/cây, gia đình có thêm khoản thu nhập gần 400 triệu đồng. Nói về dự định sắp tới, ông Liêm cho hay: "Tôi vẫn muốn tạo ra dòng bưởi da xanh theo chất lượng VietGAP để có cơ hội hướng đến thị trường khó tính hơn”.

Tỷ phú... nhờ đa cây

Anh Nguyễn Văn Dần buôn Cư Yuck (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) được hội viên nông dân địa phương biết đến với việc luôn chuyển đổi sang những cây trồng khác sinh lợi nhiều hơn. Từ 8 ha cao su, đến nay vườn nhà anh Dần đã trở thành vùng trồng xen canh cà phê, sầu riêng, bơ, mít Thái da xanh, ổi… mang lại nguồn thu nhập ổn định quanh năm.

Anh Nguyễn Văn Dần (bên phải) ở buôn Cư Yuck (xã Cư Pơng) giới thiệu giống ổi Đài Loan.

Năm 1996, anh Dần đến định cư tại buôn Cư Yuck. Nơi đây trồng bạt ngàn cao su, anh Dần cũng mua 8 ha đất đồi trồng cây cao su. Qua 10 năm, anh Dần bỏ cao su sang trồng cà phê. Đất đai khô cằn, thiếu nước tưới, cây cà phê lúc được mùa mất giá, khi được giá mất mùa, năm 2010 anh Dần mạnh dạn phá bỏ một phần cà phê già cỗi trồng xen canh cây sầu riêng, bơ, mít Thái da xanh… Đầu năm 2020, anh Dần tiếp tục chuyển đổi 3 ha cà phê trồng ổi lê Đài Loan cho thu nhập cao. Với mô hình trồng xen cà phê và cây ăn trái đã mang về cho gia đình anh Dần khoản thu nhập hơn 1 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi gần 700 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Liêm, thôn 6 (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo): Nhà nông hiện đại, nhanh nhạy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng phải thích ứng với diễn biến thị trường để không phải đối diện với tình trạng được mùa, mất giá”.

 

Nhớ lại thời gian mới chuyển đổi trồng xen canh, anh Dần cho hay: "Tôi phải đi học nhiều nơi, nhiều mô hình, nhờ đó, tôi dần làm chủ được kỹ thuật sản xuất. Tiếp đó, tôi đầu tư thêm hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, công sức..., nhờ vậy vườn cây phát triển xanh tốt, đạt năng suất ổn định".

Theo anh Dần, trồng nhiều loại cây trên cùng một diện tích giúp chia sẻ rủi ro nếu một loại nông sản bị rớt giá, hiệu quả kinh tế của vườn cao hơn gấp 2 - 3 lần so với trồng độc canh. Đơn cử, trên diện tích 3 ha trồng sầu riêng, anh Dần trồng xen cây ổi lê Đài Loan, chỉ mới trồng gần 1 năm nhưng đã cho thu hoạch 4 đợt, sản lượng khoảng 1 tấn với giá thu mua từ 15.000 - 20.000 đồng/kg mang về cho gia đình anh khoản thu nhập đáng kể. “So với cây cà phê, chăm sóc cây ổi lê Đài Loan nhàn hơn, nhưng lợi nhuận lại cao hơn 3 lần”, anh Dần nói.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Dần còn hỗ trợ hội viên nông dân xã Cư Pơng giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua việc hỗ trợ cây giống, lắp hệ thống tưới…, riêng gia đình anh Dần tạo việc làm ổn định cho 15 hội viên buôn Cư Juck với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Hoàng Ân

Hòa Bình: Căng tròn trái bưởi Mỹ Tân

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Tận dụng diện tích đất đồi, 20 năm qua, người dân xóm Mỹ Tân, xã Cao Dương (Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã duy trì trồng và phát triển cây bưởi Diễn. Bưởi Diễn đã trở thành sản phẩm chủ lực đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, đem lại giá trị kinh tế cao. Đây là điều kiện thuận lợi để xã tiếp tục phát triển cây bưởi Diễn theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.

Bưởi Diễn của HTX nông nghiệp Mỹ Tân, xã Cao Dương (Lương Sơn) được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Năm 2000, một số hộ ở xóm Mỹ Tân mua vài chục cây giống bưởi Diễn tại trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội) về trồng thử. Hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương nên cây bưởi phát triển tốt, nhất là các cây đầu dòng. Cũng đầu những năm 2000, câu lạc bộ hội làm vườn Mỹ Tân được thành lập gồm 20 thành viên với niềm đam mê làm vườn, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trồng cây, mong muốn phát triển mô hình trồng bưởi Diễn hơn nữa. Tháng 8/2018, HTX nông nhiệp Mỹ Tân được thành lập nhằm hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. HTX thu hút 54 thành viên với diện tích 122 ha, hộ trồng nhiều nhất 14 ha. Trong đó, diện tích trồng bưởi thực hiện Chương trình OCOP 86 ha, với 25.000 cây. Năm 2020 có 15.000 cây cho thu hoạch, sản lượng 15 vạn quả, doanh thu 12 tỷ đồng. Bình quân thu nhập 240 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận 170-180 triệu đồng/ha. Đến nay, 112 ha bưởi của HTX đều được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, 16 ha trồng theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường.

Để thu hoạch được những quả bưởi an toàn, chất lượng, HTX nông nghiệp Mỹ Tân không ngừng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, phương pháp trồng cây khoa học nhất. Theo đó, HTX quy hoạch, xây dựng quy mô vườn cây, kết hợp cải tạo đất, thiết kế đường lô, hệ thống tưới tiêu tự động. Đồng thời, thực hiện quy trình khoa học, kết hợp kinh nghiệm thực tế và các mô hình tiên tiến của các nước phát triển như Mỹ, Israel… Qua thời gian vừa trồng, vừa nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc, đến nay, HTX nông nghiệp Mỹ Tân đã sở hữu những vườn bưởi tốt tươi, với những quả bưởi căng tròn, múi to, tép vàng tươi, vị ngọt thơm hấp dẫn.

Nhờ điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, kỹ thuật chăm sóc tốt, bưởi Mỹ Tân được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng như độ ngọt, mùi thơm và là loại hoa quả sạch, an toàn. Bưởi Mỹ Tân đã có mặt trong các siêu thị lớn như Bác Tôm, Big C, Hải sản, thực phẩm Sói biển, cùng nhiều siêu thị, cửa hàng rau quả sạch ở Hà Nội. Năm 2020, bưởi Mỹ Tân được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, là một trong những sản phẩm chủ lực, có thương hiệu đứng đầu của huyện Lương Sơn.

Anh Đỗ Quốc Hương, Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Tân cho biết: Triển khai Chương trình OCOP, chúng tôi được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện, tập huấn về kỹ thuật để chuẩn hóa sản phẩm. Diện tích bưởi được lựa chọn tham gia OCOP phải đảm bảo các điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất được nguồn gốc. Ý thức được đây là một trong những yếu tố quan trọng xây dựng thương hiệu bưởi Diễn Mỹ Tân nên sau khi được công nhận, HTX tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm, tiếp tục nâng cao chất lượng, hình thành liên kết sản xuất. HTX đã đưa bưởi Mỹ Tân tham gia các hội chợ thương mại, hội thảo nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, được các cấp, ngành đánh giá cao về chất lượng. Nhờ đó ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bưởi. HTX đặt mục tiêu trong tương lai, bưởi Mỹ Tân sẽ là một trong những sản phẩm của huyện được lựa chọn xuất khẩu ra nước ngoài.

Đinh Thắng

Gia Lai khẩn trương phòng trừ bệnh rệp sáp trên cây cà phê

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Bệnh rệp sáp đang gây hại một số vườn cà phê ở Gia Lai. Trước tình hình đó, chính quyền các địa phương cùng bà con nông dân triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh, tránh lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất cà phê.

Ông Hoàng Văn Thục (thôn Đoàn Kết, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) kiểm tra vườn cà phê bị rệp sáp gây hại. Ảnh: Lê Nam

Đã 3 tuần nay, hơn 1 ha cà phê của ông Hoàng Văn Thục (thôn Đoàn Kết, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) bị bệnh rệp sáp gây hại mà chưa thể xử lý dứt điểm. Ông Thục cho hay: Khi tưới xong đợt 1, cây cà phê nở hoa thì bắt đầu xuất hiện bọ màu trắng bay trong vườn. Ít ngày sau thì phát hiện trên một số cây có rệp sáp gây hại.

“Bệnh rệp sáp phát triển rất nhanh và lây lan ra cả vườn. Mặc dù phát hiện sớm nhưng do nắng nóng kéo dài nên tôi chưa thể phun thuốc để xử lý mà phải chờ tiết trời dịu xuống phun thuốc mới có tác dụng. Năng suất cà phê năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”-ông Thục lo lắng.

Còn ông Nguyễn Vũ Thanh Hòa (thôn Hòa Bình, xã Bàu Cạn) thì cho biết: Nhờ phát hiện sớm bệnh rệp sáp nên ông tranh thủ phun thuốc phòng trừ khi đất đang còn ẩm. Ngoài ra, ông kết hợp với cắt tỉa cành để giảm tiêu hao dinh dưỡng và hạn chế bệnh lây lan.

“Phải thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện và xử lý kịp thời. Năm tới, tôi sẽ đầu tư máy xông khói để xua đuổi bọ trắng (đối tượng gây ra rệp sáp), đồng thời hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”-ông Hòa chia sẻ.

Ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông-thông tin: Ngoài rệp sáp, trên cây cà phê còn xuất hiện rệp vảy xanh, cháy lá, đốm mắt cua, gỉ sắt và bệnh khô cành. Vì vậy, Trung tâm đã chủ động hướng dẫn các giải pháp phòng trừ nhằm giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

“Thời gian tới, rệp sáp, rệp vảy xanh và vảy nâu có thể gia tăng cả về tỷ lệ và diện tích khi bước vào giai đoạn tưới đợt 3. Ở giai đoạn này, cây cà phê đang còn những cánh hoa khô trên cành và chưa có mưa nên trước khi phun thuốc, người dân cần tưới nước hoặc phun xịt nước bằng vòi áp lực cao làm cho mát cây và rụng cánh hoa khô, giúp tăng hiệu quả phòng trừ”-ông Hưng nói.

Người dân huyện Ia Grai phun thuốc phòng trừ rệp sáp cho cây cà phê. Ảnh: Lê Nam

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có 2.280,6 ha cà phê bị rệp sáp gây hại, tập trung tại các huyện: Chư Prông 1.339 ha, Chư Sê 389 ha, Chư Pưh 263 ha, Đức Cơ 100 ha, Chư Păh 55 ha, Ia Grai 39,6 ha, Đak Đoa 35 ha, TP. Pleiku 60 ha.

Tại huyện Chư Sê, ông Lê Sĩ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-thông tin: Rệp sáp thường bám vào chồi, lá, chùm quả, cành, thân để hút nhựa cây làm hoa bị rụng, quả héo khô. Nếu rệp phát triển với mật độ cao xuất hiện vón cục và chảy nhựa ở chùm quả gây khó khăn cho công tác phòng trừ. Trường hợp bị nặng, gặp nắng nóng kéo dài có thể khô héo, dẫn đến chết cây.

“Bà con cần thường xuyên thăm vườn để có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu phát hiện có rệp sáp trên diện rộng thì báo ngay về Trung tâm để được hướng dẫn phòng trừ”-ông Quý cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho hay: Hiện nay, cây cà phê đang trong giai đoạn ra quả non. Vì vậy, rệp sáp gây hại có xu hướng gia tăng. Đồng thời, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, thời gian tới, nắng nóng kéo dài có mưa xen kẽ và biên độ nhiệt chênh lệch lớn. Đây là điều kiện thuận lợi cho rệp sáp phát sinh gây hại trên diện rộng.

Để kịp thời phòng trừ rệp sáp gây hại cà phê, cơ quan chuyên môn cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cách phun thuốc trị bệnh để giảm thiểu thiệt hại cho vườn cây. “Bà con nông dân chỉ phun thuốc khi vườn đảm bảo độ ẩm và chấp hành nghiêm nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng phương pháp) thì hiệu quả mới cao. Bà con tuyệt đối không nên phun qua loa, phun không đủ lượng thuốc sẽ làm cho rệp sáp kháng thuốc, hiệu quả phòng trừ sẽ không cao, gây tốn kém”-ông Khải khuyến cáo.

LÊ NAM

Vụ tiêu 2021: Niềm vui chưa trọn

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Sau thời gian dài giá hồ tiêu dưới đáy thì mùa thu hoạch niên vụ 2020-2021, giá tiêu lại “nhảy” từng ngày khiến người trồng tiêu Bình Phước phấn khởi xen lo lắng...

Giá tăng từng ngày

Những ngày tháng 3 này ở các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Đăng, người trồng tiêu phấn khởi, tất bật thu hái “vàng đen”. Chị Nguyễn Thị Thêm ở thôn 2, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, trồng 1.500 nọc tiêu trên cây keo, kết hợp nuôi dê theo mô hình khép kín. Những nọc tiêu được chăm bón bằng phân dê phát triển xanh tốt, tăng sức đề kháng. Sâu bệnh gây hại giảm nhiều, tiết kiệm được một khoản đầu tư khá lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi vụ chị thu trên 4 tấn hạt khô, cao hơn mức bình quân chung trong xã.

Thu hoạch tiêu ở Hợp tác xã hồ tiêu sạch bền vững Hưng Phước, huyện Bù Đốp

Chị Thêm vui vẻ khoe: Thương lái vừa ra giá 75 ngàn đồng/kg tiêu hữu cơ, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Hy vọng giá tiêu ổn định ở mức cao để chúng tôi “gỡ gạc” sau mấy năm ảm đạm, lỗ nặng.

Hộ ông Ngô Đức Nhật ở ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh có 2.000 nọc tiêu cũng đang tất bật thu hoạch trong niềm vui được giá. “Từ đầu tháng 3 đến nay, giá tiêu tăng đều nên nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, không có nhiều tiêu để bán, càng không thể trữ hàng chờ giá tăng thêm. Bán để thu hồi vốn, trả nợ và đầu tư chăm sóc mùa tới tốt hơn” - ông Nhật nói.

Tìm hiểu thêm tại các vùng trồng tiêu chính ở Tây nguyên, Đông Nam bộ cho thấy, giá tiêu có xu hướng tăng mạnh từ đầu tháng 3 tới nay và đà tăng chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ trong vòng nửa tháng, giá tiêu nhảy vọt lên trên 70 ngàn đồng/kg. Có người vừa thu hoạch vừa bán luôn, tránh chờ lâu, vì lo hồ tiêu quay đầu giảm. Một số nhà vườn lại nhận định, năm nay sản lượng giảm mạnh do diện tích thu hẹp, lại mất mùa, giá tiêu có thể còn tăng nữa... nên không bán. Thương lái cũng tăng cường tỏa đi gom hàng, chờ giá tăng thêm.

Khắc phục điệp khúc “được giá, mất mùa”…

Mặc dù giá tiêu đã cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước nhưng nhiều người trồng tiêu vẫn kém vui. Vừa cào những mẻ tiêu mới hái phơi khô để kịp bán trả nợ, niềm vui được giá không che hết được nỗi âu lo trên khuôn mặt khắc khổ, ông Đỗ Xuân Thể ở ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp cho biết, 8 năm trước, khi tiêu được giá, ông phá bỏ 2 ha cao su để trồng tiêu. Nhưng chưa kịp thu hoạch thì giá hồ tiêu bắt đầu lao dốc. Từ hơn 2.000 nọc, nay hộ ông chỉ còn khoảng một nửa, vì tiêu mất giá, không dám đầu tư dẫn đến thiếu nước, dịch bệnh. Ông Thể hy vọng giá tiêu ổn định thì mới có khả năng trả nợ và đầu tư cho mùa tới.

Năm nay, hộ trồng tiêu ở Bù Đốp phải thuê nhân công hái tiêu từ 180-220 ngàn đồng/người/ngày. Theo tính toán, nếu cây tiêu chỉ đạt năng suất 2 tấn/ha thì sau khi trừ chi phí, người trồng không có lãi.

Trước những biến động mạnh về giá, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) khuyến cáo: Hiện người dân mới bắt đầu thu hoạch rộ, dự kiến cuối tháng 4 kết thúc. Lúc đó sản lượng tăng lên cộng thêm tiêu Campuchia tràn vào, giá có thể sẽ không còn như bây giờ. Người nông dân nên cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm, không vì giá tăng cao mà vay nóng để trữ hàng, tránh rủi ro khi giá xuống. Chú ý đầu tư nâng chất diện tích hiện có, hạn chế tình trạng thấy giá tiêu lên cao lại mở rộng diện tích như những năm 2015-2016.

Theo ông Bùi Quốc Hai, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu sạch bền vững Hưng Phước, huyện Bù Đốp, sản lượng thu hoạch trong mùa vụ 2021 của hợp tác xã sẽ giảm nhiều so với những vụ trước, ước chỉ đạt 90-100 tấn (năm 2020 là 300 tấn và năm 2019 là 400 tấn). Bên cạnh diện tích thu hoạch giảm do dịch bệnh và già cỗi, diện tích còn lại mặc dù được chăm sóc nhưng cây vẫn thưa trái...

Trao đổi về thực trạng phát triển cây tiêu ở Bù Đốp, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, diện tích tiêu của huyện 3 năm qua giảm mạnh do giá luôn ở dưới đáy. Nhiều nhà vườn không cầm cự được phải chuyển sang trồng cây ăn trái. Phần còn lại thiếu đầu tư dẫn đến suy yếu kéo theo dịch bệnh, năng suất, sản lượng giảm. Để khắc phục điệp khúc “được giá, mất mùa...”, huyện đã thực hiện theo chủ trương của tỉnh là quy hoạch, sản xuất tiêu theo hướng sinh học, hữu cơ bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên đã giảm áp lực về giá, thị trường.

Huỳnh Nguyên

Đắk Nông: Hơn 20.000 ha cà phê được tái canh

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Năm 2020, toàn tỉnh Đắk Nông đã tái canh được 2.614 ha cà phê, trong đó ghép cải tạo 988 ha, trồng mới 1626 ha.

Ảnh minh họa

Đến nay, toàn tỉnh đã tái canh được 20.512 ha cà phê, trong đó trồng mới 17.307 ha và ghép cải tạo 3.205 ha. Qua đánh giá của ngành Nông nghiệp, năng suất bình quân cà phê sau tái canh đạt 2,68 tấn/ha/vụ, cao hơn 1 tấn/ha/vụ so với trước.

Hưng Nguyên

Hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi chim trĩ

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật kinh tế, ra trường có việc làm ổn định, thế nhưng, lối rẽ giúp anh Phạm Anh Tuân, sinh năm 1985, ở thôn 6, xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đi đến thành công trên con đường lập nghiệp lại là mô hình nuôi chim trĩ.

Ban đầu, ấn tượng của Phạm Anh Tuân về loài chim trĩ chính là vẻ bề ngoài bắt mắt của chúng với những bộ lông rực rỡ, nhiều màu sắc rất phù hợp với việc nuôi làm cảnh. Từ đam mê, anh đi sâu vào tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia vào các CLB, Hội những người nuôi chim trĩ trong nước để tìm hiểu và học hỏi kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng loài chim này. Càng tìm hiểu, anh nhận thấy ngoài làm cảnh thì chim trĩ còn là thực phẩm có nhiều giá trị về dinh dưỡng. Hiện tại, tại Quảng Bình, có rất ít người dám mạnh dạn mở rộng mô hình này mà chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ.

Từ ý tưởng nuôi làm cảnh, anh Tuân đã từng bước hiện thực hóa ước mơ của mình. Được sự hỗ trợ của gia đình, năm 2017, Phạm Anh Tuân đã đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại ở vùng đất đồi thuộc thôn 6, xã Lộc Ninh, mua vài cặp chim trĩ giống về nuôi thử. Công việc thuận lợi, 2 năm sau, anh đã nhân rộng mô hình với gần 300 chim bố mẹ, gần 1.000 con chim trĩ thương phẩm. Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán ra thị trường 500-600 con chim giống và chim thương phẩm, hơn 3 nghìn quả trứng. Giá 1 con chim giống 1 tháng tuổi là 90.000 đồng và giá tiền càng cao tùy vào số tháng tuổi; chim thịt từ 220.000-250.000 đồng/kg; trứng 10.000 đồng/quả. Từ thành công của mô hình chăn nuôi, anh Tuân đã mạnh dạn mở nhà hàng “Chim trĩ Quảng Bình”. Mô hình bước đầu đã được nhiều khách hàng trong và ngoài địa phương đón nhận.

Sắp tới, anh Phạm Anh Tuân sẽ mở rộng quy mô trang trại từ gấp hai đến ba lần nhằm đáp ứng nhu cầu chim trĩ xuất ra thị trường.

Thu nhập bình quân hàng năm của trang trại nuôi chim trĩ và nhà hàng của anh Phạm Anh Tuân là trên 300 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với thu nhập từ 4-12 triệu đồng/người/tháng. Với anh Tuân, đó chỉ mới là những bước khởi đầu để anh từng bước mở rộng mô hình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Anh chia sẻ: “Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trang trại từ gấp hai đến ba lần so với hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu chim trĩ xuất ra thị trường. Ngoài ra, tôi cũng sẽ liên kết với các trang trại nhỏ lẻ ở Quảng Bình để tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm”.

Ngoài nuôi chim trĩ, hiện trang trại của anh Phạm Anh Tuân còn nuôi thêm gà, bồ câu, vịt trời và trồng rau sạch. Những sản phẩm này chủ yếu là nguồn thực phẩm cung cấp cho nhà hàng của anh theo phương châm kinh doanh là “ngon từ chất, sạch từ nguồn”.

Ông Hoàng Minh Khang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới cho biết: “Hội nông dân xã đánh giá cao mô hình nuôi chim trĩ và đưa chim trĩ từ trang trại đến bàn ăn của anh Phạm Anh Tuân. Dù mới thành lập được hơn 3 năm nhưng mô hình của anh đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền để hội viên nông dân trong xã học tập và làm theo”.

Trong lộ trình xây dựng xã Lộc Ninh thành xã nông thôn mới nâng cao, địa phương cần có các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đối chiếu với các yêu cầu đặt ra, mô hình chim trĩ của anh Phạm Anh Tuân cơ bản đáp ứng các tiêu chí này. Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, hiện nay, anh Tuân đang xúc tiến các thủ tục, nâng cao chất lượng các sản phẩm từ chim trĩ để đưa sản phẩm này tham gia bình xét sản phẩm OCOP.

Ông Trần Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh cho biết: “Đây là mô hình nhằm thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch từ chăn nuôi đến bàn ăn và đến người tiêu dùng, được nhiều khách hàng ủng hộ và là một tiêu chí để xã định hướng sản phẩm OCOP của địa phương. Thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện và đề xuất với các cấp, ngành liên quan hỗ trợ về vốn và kỹ thuật giúp cho mô hình này được nhân rộng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương”.

Cái Huệ

Lâm Đồng: Nông dân Bình Thạnh thu nhập cao từ nghề trồng dâu nuôi tằm

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Với tiềm năng, lợi thế của địa phương, cộng với giống dâu và giống tằm mới, cùng với kỹ thuật nuôi hiện đại, trồng dâu nuôi tằm đã và đang trở thành nghề chủ lực mang lại sinh kế ổn định cho người dân xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Bình Thạnh và huyện Đức Trọng tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm của người dân xã Bình Thạnh

Theo ông Bùi Đức Đảm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh, toàn xã hiện có gần 500 hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm, với 305 ha dâu cao sản F7 được chăm sóc kỹ, đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho tằm. Bà con Bình Thạnh nuôi tằm con bắt đầu từ tuổi 4, chỉ cần nuôi thêm khoảng 15 ngày là cho thu hoạch kén. Thay vì nuôi theo nong như cách truyền thống, giờ đây bà con sử dụng khay trượt, né gỗ công nghệ mới để nuôi tằm.

“Từ năm 2017, người dân trên địa bàn đã bắt đầu chuyển đổi mạnh từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Nghề trồng dâu nuôi tằm hiện đang có chi phí đầu tư thấp, quay vòng vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi. Thêm vào đó, đầu ra sản phẩm đang thuận lợi, giá kén ổn định, dù có thời điểm giá kén giảm xuống 70-80 ngàn đồng/kg thì bà con vẫn có lãi. Thời điểm hiện nay giá kén tăng lên 160 ngàn đồng/kg; với mỗi hộp tằm giống có giá từ 900 đến 1 triệu đồng, sau 15 ngày chăm sóc bà con sẽ thu lãi từ 6-8 triệu đồng. Thêm vào đó, trên địa bàn xã luôn có sẵn các đơn vị thu mua, bao tiêu, nên bà con nông dân không phải vất vả tìm đầu ra” - Ông Bùi Đức Đảm cho biết thêm.

Ông Phạm Văn Thụ là một trong những nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả ở xã Bình Thạnh. Ông Thụ cho biết, trước đây, gia đình ông chỉ trồng 2 sào dâu, còn lại là trồng lúa, hoa màu. 2 năm nay, thấy trồng hoa màu, lúa không hiệu quả, ông bàn với vợ chuyển 8 sào đất còn lại sang trồng dâu nuôi tằm. Qua một năm chuyển đổi, ông Thụ nhận thấy hiệu quả mang lại rõ rệt, vì cùng một diện tích đất, nhưng nghề trồng dâu tằm cho thu nhập cao hơn nhiều so với rau, lúa, có lúc gấp ba, gấp bốn lần nếu được giá.

Chị Trần Hoàng Anh Thư cũng là một trong những hộ gia đình nuôi tằm có hiệu quả tại thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh. Chị Thư cho biết: “So với cách nuôi tằm truyền thống thì việc nuôi tằm bằng khay trượt nhàn hơn rất nhiều, hiệu quả lại vượt trội, không phải bê lên, bê xuống, chỉ việc kéo ra bỏ dâu vào là tằm ăn, sau 1 lứa nuôi mới phải vệ sinh khay. Hơn nữa, nuôi tằm bằng khay trượt còn tiết kiệm được diện tích nuôi và đảm bảo độ thông thoáng, tằm không bị bệnh, còn tận dụng được lao động lúc nông nhàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với việc trồng lúa hay cà phê”.

Anh Nguyễn Văn Nhân, thôn Thanh Bình 2, xã Bình Thạnh cũng cho biết, trước đây, gia đình anh nuôi 2 thùng ong, cộng với 3 sào trồng hoa màu, thu nhập cũng ổn định. Nhưng vài năm gần đây, ong bị bệnh chết, khiến gia đình gặp khó khăn. “Suy đi tính lại rất nhiều, cuối cùng vợ chồng tôi bàn nhau quyết định không nuôi ong nữa và mạnh dạn chuyển sang trồng dâu nuôi tằm từ năm 2019. Năm 2020, do dịch bệnh COVID-19, giá tằm xuống, cũng gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình vẫn quyết bám trụ với nghề tằm tang này, với lại những lúc đó, các đại lý thu mua cũng cho mình mua nợ vật tư nên cũng đỡ lo và từ đầu năm 2021 đến nay, giá tằm đang lên nên thu nhập cũng được, tôi cũng thấy rất mừng” - anh Nhân chia sẻ.

Những năm gần đây, người dân xã Bình Thạnh đã mạnh dạn chuyển đổi từ diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Trải qua những thăng trầm của nghề tằm tang, bà con xã Bình Thạnh đã tìm hiểu và tiếp cận với kỹ thuật, phương thức sản xuất mới, giúp nghề nuôi tằm không còn phải là “nghề ăn cơm đứng” tất bật, vất vả và nhiều rủi ro như trước kia. Đồng thời, với việc thực hiện liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, giá cả đầu ra tương đối ổn định giúp nghề trồng dâu, nuôi tằm nơi đây hiện nay đã không phải là để xóa đói giảm nghèo mà còn giúp bà con xã Bình Thạnh vươn lên làm giàu chính đáng.

NHẬT MINH

Hưng Yên: Mùa ong lấy mật

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Tháng ba, nắng ấm gọi cây cối thức giấc sau một mùa đông dài, trên khắp các triền đê, nhà vườn, hoa nhãn vào mùa nở rộ. Đây cũng là thời điểm “vàng” để các hộ nuôi ong trên địa bàn tỉnh khai thác nguồn lợi mật hoa nhãn.

Thu hoạch mật ong hoa nhãn

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Hội làm vườn và nuôi ong tỉnh Hưng Yên cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 10 nghìn đàn ong, tập trung ở thành phố Hưng Yên và huyện Khoái Châu. Các hộ nuôi ong hiện tập trung nuôi 2 giống ong chính là ong ruồi (ong ta) và ong Ý để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhằm phát huy giá trị đặc sản mật ong hoa nhãn, hội tổ chức tập huấn, giao lưu giữa các hộ nuôi ong trên địa bàn tỉnh, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, đặc tính của từng loài ong, nhu cầu mật ong của thị trường, các mùa hoa trong năm để các chủ vườn nuôi ong chủ động di chuyển đàn ong lấy mật đạt năng suất, hiệu quả cao…

Sau hành trình dài di chuyển các thùng ong từ tỉnh Đắk Nông về Hưng Yên cho kịp vụ thu hoạch mật ong hoa nhãn, anh Lê Thanh Phú ở xã Mễ Sở (Văn Giang) chia sẻ: Gia đình tôi nuôi ong từ hơn 10 năm nay, hiện nay, có 1,2 nghìn đàn ong Ý. Hàng năm, mùa nào hoa đấy, chúng tôi lại di chuyển đàn ong đến các vùng trên cả nước để lấy mật. Mỗi một loài hoa lại cho hương vị mật đặc trưng khác nhau, nhưng mật ong hoa nhãn có độ sánh mịn, vàng óng, thơm dịu hơn hẳn, được khách hàng đánh giá cao và đặt hàng từ sớm. Giá bán mật ong hoa nhãn cũng cao hơn 10 – 20 nghìn đồng/kg so với loại mật ong hoa khác. Trung bình hàng năm, gia đình tôi khai thác được 10 - 20 tấn mật ong hoa nhãn. Dự kiến năm nay, sản lượng mật ong hoa nhãn khai thác đạt trên 20 tấn. Sản phẩm Mật ong Danh vị của gia đình tôi đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao của tỉnh, sản phẩm phấn hoa đạt hạng 3 sao của tỉnh.

Các thùng ong được đặt tại các vườn nhãn trên địa bàn tỉnh

Gắn bó với nghề nuôi ong 21 năm nay, ông Lã Quang Khẩn ở phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) khẳng định: Mùa nào ong cũng đi lấy mật. Thế nhưng, mùa này ong lấy được nhiều mật nhất. 200 đàn ong ruồi của gia đình tôi hiện đang đặt tại vườn nhãn của nhà và vườn nhãn ở tỉnh Hà Nam. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên sau khi đặt thùng ong khoảng 5 ngày, gia đình tôi tiến hành thu mật, trung bình mỗi thùng cho thu trên 1 kg mật, giá bán ổn định 170 nghìn đồng/kg. Sản lượng mật ong hoa nhãn của gia đình tôi năm nay ước tính đạt 4 tạ. Hết tháng 2 âm lịch, sau khi thu hoạch mật hoa nhãn, gia đình tôi sẽ di chuyển đàn ong sang tỉnh Hải Dương để thu hoạch mật hoa rừng đến hết tháng 6 âm lịch. Sau đó, đàn ong sẽ được chuyển về các điểm nuôi dưỡng để thay chúa, nhân đàn và chuẩn bị giống cho mùa hoa năm sau.

Với đặc tính khác nhau của mật ong ruồi và mật ong Ý nên giá bán mật ong Ý hiện dao động 80 – 130 nghìn đồng/kg, mật ong ruồi cao hơn 20 – 40 nghìn đồng/kg.

Mùa xuân không chỉ là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa lá tốt tươi, thời tiết ấm áp, mà còn là mùa con ong cần mẫn đi gom mật ngọt. Không chỉ đàn ong của tỉnh mà các đàn ong ở nhiều nơi trên cả nước cũng đang tụ hội dưới những rặng nhãn của các nhà vườn, tạo nên bản nhạc râm ran. Những nhà vườn trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh cũng chủ động không phun thuốc bảo vệ thực vật vào mùa hoa nở, góp phần bảo vệ đàn ong, tăng hiệu quả thụ phấn của khu vườn. Nếu thời tiết thuận lợi, ong gom được nhiều mật ngọt cũng là những dấu hiệu lạc quan hứa hẹn mùa màng bội thu…

Hoa Phương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop