Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 07 năm 2017

Nhãn Hưng Yên dự báo tăng giá, sản lượng giảm

Nguồn tin: Nông nghiệp VN

Theo dự tính, trà nhãn chính vụ của Hưng Yên năm nay sẽ muộn hơn mọi năm khoảng một tuần, đồng thời giá dự báo sẽ cao hơn từ 5.000 – 7.000 đ/kg so với mọi năm.

Bà Đoàn Thị Chải, PGĐ Sở NN-PTNT Hưng Yên cho biết: Do ảnh hưởng của thời tiết mùa đông ấm hồi cuối năm 2016, đầu năm 2017, nên vụ nhãn năm nay, tỉ lệ nhãn ra hoa đậu quả ở một số diện tích bị ảnh hưởng.

Hưng Yên sẽ lần đầu tổ chức Lễ hội nhãn lồng vào đầu tháng 8/2017

Theo đánh giá đầu năm 2017, vùng nhãn Hưng Yên có thể bị mất mùa khoảng 40-50%, tuy nhiên nhờ việc đẩy mạnh các biện pháp kích thích ra hoa như phun hóa chất, quanh cành… nên đến thời điểm này, năng suất nhãn toàn tỉnh theo đánh giá chỉ bị tụt năng suất khoảng từ 20-30% so với mọi năm, với tổng sản lượng toàn tỉnh dự kiến đạt khoảng 32-33 nghìn tấn hoặc cao hơn (so với năm 2016 khoảng trên 40 nghìn tấn). Do ảnh hưởng của thời tiết, dự kiến năm nay, mùa nhãn chính vụ của Hưng Yên sẽ bị lùi muộn so với các năm từ 7 đến 10 ngày, dự kiến thu hoạch trà chính bắt đầu khoảng từ ngày 8 đến ngày 10/8 tới (so với mọi năm thường bắt đầu ngay từ những ngày đầu tháng 8).

Cũng theo bà Chải, do sản lượng giảm so với mọi năm nên dự kiến năm nay, giá nhãn chính vụ có thể đạt trung bình từ 35-36 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 5.000-7.000 đ/kg so với năm 2016. Hiện một số siêu thị và nhà phân phối lớn cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ với các HTX và nhà vườn lớn với mốc khởi điểm khoảng 35 nghìn đồng/kg. Việc sản lượng giảm, giá tăng nhiều khả năng sẽ khiến các DN xuất khẩu nhãn trong nước năm nay sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu, bởi với mức giá tăng so với các năm từ 5.000-7.000 đ/kg, nếu cộng với chi phí sơ chế, vận chuyển, bảo quản, chiếu xạ…, giá XK sẽ rất khó cạnh tranh được so với giá tại thị trường nội địa.

Mặc dù trà nhãn chính vụ sẽ tăng mạnh về giá, tuy nhiên trà nhãn sớm (chiếm khoảng 10% tổng diện tích toàn tỉnh) lại có mức giá thấp hơn so với mọi năm. Hiện các diện tích nhãn chín sớm mới chỉ bắt đầu cho thu hoạch tuy nhiên lượng rất ít, giá chỉ dao động từ 45-50 nghìn đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức giá trung bình từ 70-80 nghìn đồng/kg của các năm trước.

Theo lí giải, sở dĩ trà nhãn sớm năm nay của Hưng Yên giá khá thấp, bởi mùa vải thiều của các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Bắc Giang năm nay cũng bị muộn thời vụ thu hoạch từ 10-15 ngày so với các năm trước. Vì vậy nếu như mọi năm, thường thì phải hết mùa vải, sẽ có một khoảng thời gian chuyển tiếp mới đến mùa nhãn, tuy nhiên năm nay vải chín muộn, vụ vải và nhãn gần như gối đầu nhau, khiến nhu cầu về nhãn chín sớm giảm tính độc quyền. Bên cạnh đó, vải thiều chín muộn năm nay cũng thu hoạch vào giai đoạn thời tiết khá mát mẻ nên nhu cầu tiêu thụ rất tốt, khiến nhãn sớm kém tính cạnh tranh hơn.

Theo Sở NN-PTNT Hưng Yên, những năm gần đây, diện tích nhãn của tỉnh này vẫn tiếp tục tăng. Mặc dù số liệu thống kê (không cập nhật được) chỉ khoảng trên 3.000 ha, tuy nhiên thực tế, ước toàn tỉnh đến năm 2017 đã có khoảng xấp xỉ 4.000 ha nhãn, trong đó khoảng 3.500 ha đang cho thu hoạch quả. Dự kiến đầu tháng 8/2017, UBND tỉnh Hưng Yên sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, đặc biệt là lần đầu tiên sẽ tổ chức Lễ hội tôn vinh Nhãn lồng Hưng Yên lần thứ nhất.

Lê Bền

Diễn Châu (Nghệ An): Sau bão giá dưa hấu giảm mạnh

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Sau bão nông dân Diễn Châu (Nghệ An) phải tập trung thu hoạch hơn 200 héc ta dưa hấu hè thu. Do thu hoạch đại trà, mắc mưa dưa bị nhạt nên giá giảm đến gần một nửa.

Vụ hè thu năm nay, Diễn Châu gieo trồng 300 héc ta dưa hấu, trong đó 100 héc ta đã được thu hoạch trước cơn bão số 2 với năng suất đạt khá cao 1,7-2 tấn/sào. Tuy nhiên 200 héc ta còn lại phần lớn đã đến kỳ thu hoạch gặp bão cây bị dập nát, nhiều quả bị úng thối. Tại các xã Diễn Thành, Diễn Phong, Diễn Hồng, Diễn Kỷ bà con đang tiến hành thu hoạch đại trà dưa sau bão.

Một số diện tích dưa bị hỏng hoàn toàn. Ảnh Mai Giang

Sản lượng dưa chỉ đạt từ 1,2-1,5 tấn/sào, giá cũng bị giảm gần một nửa. Trước bão bà con bán với giá 5.000-6.000 đồng/kg nhưng nay chỉ đạt 3.000-3.500 đồng/kg, thu nhập khoảng 3,5-4 triệu/sào. Bên cạnh đó một số diện tích dưa hấu chưa đến kỳ thu hoạch nhưng do bị dập nát cây, úng nước không thể phục hồi nên phải hủy bỏ hoàn toàn.

Dưa mua tại ruộng chỉ từ 3000-3500 đồng/kg. Ảnh Mai Giang

Anh Nguyễn Thuận – Nông dân Diễn Thành đang thu hoạch dưa trên ruộng cho biết: Tôi thu hoạch những quả to, đẹp bán cho tư thương tại ruộng, còn lại phải vứt bỏ. Năng suất đã sụt giảm nhưng giá rẻ, rất khó bán.

Còn anh Cường – thương lái thu mua dưa cho biết: Trước thu mua ngày dăm tấn nhập cho các hàng hoa quả trong huyện nhưng nay chỉ dám mua khoảng 1 tấn thôi. Dưa sau bão bị nhạt, mà trời không nắng nên sức tiêu thụ kém.

Dưa hấu sau bão khó tiêu thụ. Ảnh Mai Giang

Cùng với thu hoạch dưa hấu sau bão thì bà con nông dân Diễn Châu cũng đang tiến hành thu dọn, vệ sinh lại đồng ruộng, tiến hành trồng thêm một vụ dưa nữa, hoặc trồng các loại rau màu cho vụ đông.

Mai Giang

Giống cây ăn trái đang tăng giá mạnh

Nguồn tin: Nông nghiệp VN

Giá giống cây ăn trái ở Long Khánh (Đồng Nai) và Chợ Lách (Bến Tre) đang tăng mạnh. Nhiều chủ trại giống cho biết giá cây giống tăng mạnh nhất là sầu riêng Monthon và Ri 6.

Do giá thành cao, giống sầu riêng và nhiều cây ăn trái đang tăng mạnh

Chị Hương, chủ trại cây giống Hai Bền (Long Khánh) cho biết, lượng cây giống nhập về không đủ cung ứng cho khách hàng. Giá cả cũng tùy thuộc vào tùy loại cây như sầu riêng Ri 6 và Monthon có giá từ 120.000đ đến 150.000đ/cây (tăng khoảng 15-20% so với năm ngoái); các giống khác tăng từ 5.000đ đến 10.000đ/cây so với mọi năm.

Nhiều trại cây giống cho hay, do ảnh hưởng xâm nhập mặn nhiều nhà vườn ở Bến Tre bị thiệt hại nặng nề, nguồn cung ứng mắt ghép thiếu trầm trọng là nguyên nhân khiến giá cây giống tăng vọt.

Văn Quân

Đắk Lắk: Người dân vùng sâu Krông Bông đổ xô trồng dứa đồi

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Những năm gần đây, cây dứa đồi đã giúp nhiều hộ dân ở 2 xã vùng sâu của huyện Krông Bông là Cư Đrăm và Yang Mao (Đắk Lắk) có nguồn thu nhập cao với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha từ việc bán quả và giống.

Thấy vậy hàng trăm hộ dân ở đây đang tiếp tục chuyển đổi diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dứa đồi.

Ông Trần Văn Tư (thôn 1, xã Cư Đrăm) hiện có hơn 2 ha dứa đang cho thu hoạch, ước tính vụ này sẽ thu hơn 3.000 quả dứa. Với giá bán buôn bình quân 15.000 đồng/quả, gia đình ông thu về hơn 450 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn thu về gần 50 triệu đồng tiền bán giống dứa. Đất vườn của gia đình ông Tư khá dốc, trước đây trồng điều và keo lá tràm không hiệu quả nên ông đã chặt bỏ để trồng 30.000 gốc dứa. Thấy cây dứa mang lại hiệu quả, ông Tư dự định mở rộng thêm hơn 2 ha nữa. Ông Tư cho biết: “Mấy năm nay giá dứa ổn định. Dứa thu hoạch đến đâu, thương lái vào tận vườn mua hết đến đó. Trồng dứa mang lại lợi nhuận gấp hàng chục lần các loại cây trồng khác. Vì vậy vừa rồi tôi quyết định chặt bỏ 1,5 ha điều và gần 1 ha cà phê kém hiệu quả để trồng thêm 30.000 gốc dứa”.

Gia đình anh Võ Tấn Yên (thôn 1, xã Cư Đrăm) trước đây thuộc diện khó khăn. Cách đây 2 năm, anh mạnh dạn trồng 8 sào dứa ở vùng đất dốc. Với giá bán buôn hiện nay, ước tính diện tích 8 sào dứa mùa này, gia đình anh Yên sẽ thu về khoảng 120 triệu đồng. Dù mới thấy hiệu quả bước đầu nhưng anh vẫn dự định mở rộng thêm diện tích bởi theo anh, trồng dứa chi phí thấp, ít bón phân, không phải tưới nước, chủ yếu là công trồng, làm cỏ, thu hoạch.

Tiểu thương vào thu mua dứa tại thôn 1, xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông).

Có thể nói, hiệu quả kinh tế mà cây dứa mang lại trong những năm qua đã giúp nhiều hộ dân ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông có được nguồn thu nhập cao. Việc đổ xô trồng dứa khiến diện tích loại cây này tăng đột biến. Bên cạnh một số hộ tự phát, hiện nay bà con nông dân các xã vẫn đang tiếp tục chuyển đổi, trồng mới hàng chục héc-ta dứa từ nguồn vốn sinh kế của Dự án giảm nghèo Tây Nguyên.

Diện tích dứa ngày càng tăng trong khi đầu ra, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào tiểu thương ở các nơi về mua đã đặt ra mối lo ngại về hiệu quả bền vững của loại cây này trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm cho biết: “Đầu ra của cây dứa hiện nay chỉ là các tiểu thương ở địa phương mua gom bán buôn lại cho đầu mối các chợ ở Buôn Ma Thuột và một số chợ ở các huyện; giống dứa thì chủ yếu được cung cấp cho các xã trong huyện và một số xã của huyện Krông Pắc”.

Thiết nghĩ, để phát triển bền vững, tránh tình trạng “được giá thì đổ xô trồng, đến khi ồ ạt trồng thì… rớt giá”, cơ quan chức năng cần chủ động đề ra quy hoạch phát triển cây dứa ở địa phương; đồng thời hỗ trợ bà con nông dân trong việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho loại nông sản này.

Theo thống kê, hiện nay 2 xã Cư Đrăm và Yang Mao có khoảng 120 ha dứa (trong đó xã Cư Đrăm 90 ha, xã Yang Mao 30 ha), sản lượng gần 3.600 tấn, tăng 4 lần so với năm 2015.

Tùng Lâm

Xử lý ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Thời điểm này, nông dân trong tỉnh Thái Bình đã cơ bản hoàn thành gieo cấy 80.000ha lúa mùa, chuyển trọng tâm sang chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh.

Nông dân huyện Kiến Xương tỉa dặm lúa gieo thẳng.

Vũ Thư là một trong những địa phương hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa mùa sớm nhất tỉnh. Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh, nông dân trong huyện đang tập trung tỉa dặm để bảo đảm mật độ và tiến hành làm cỏ, sục bùn, bón thúc cho lúa.

Bà Nguyễn Thị Hòa, xã Dũng Nghĩa cho biết: Vụ mùa này, gia đình tôi gieo cấy hơn 4 sào lúa. Để lúa sinh trưởng, phát triển nhanh, trước khi gieo cấy, do không có phân chuồng, tôi sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ cho hoai mục, sử dụng phân tổng hợp NPK để bón lót, sau gieo cấy 5 ngày, tôi tiếp tục bón thúc, kết hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trừ ốc bươu vàng gây hại lúa. Với cách làm như vậy, cây lúa phát triển ngay từ khi mới cấy, cứng cây, chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết.

Cũng như Vũ Thư, thời điểm này, nông dân các địa phương đang tập trung chăm sóc lúa mùa, đặc biệt khắc phục ảnh hưởng do mưa úng gây ra. Một trong những khó khăn trong sản xuất vụ mùa là tình trạng cây lúa bị ngộ độc hữu cơ. Nguyên nhân do chuyển vụ gấp, thời gian từ làm đất đến gieo cấy ngắn, đất làm sổi, rơm rạ chưa kịp hoai mục. Sau khi gieo cấy lúa mùa, lượng rơm rạ trong đất tiếp tục phân hủy trong điều kiện yếm khí sẽ sản sinh ra các khí H2S, CH4…

Tuy chỉ xảy ra cục bộ song hiện tượng này khiến nhiều nông dân nhầm lẫn, chăm bón không đúng kỹ thuật dẫn tới lúa sinh trưởng phát triển kém, lùn lụi, thậm chí chết. Triệu chứng của ngộ độc hữu cơ trên lúa là sau cấy từ 15 - 20 ngày, khi lúa đang đẻ nhanh rộ thì lá lúa biến vàng đỏ, khô từ chóp lá lan dần xuống dưới, cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh ít. Nhổ cây lúa lên kiểm tra thấy bộ rễ thối đen, có mùi tanh hôi, rễ mới không phát sinh. Ngộ độc hữu cơ thường thấy ở vùng đất trũng thấp, ngập nước, nhiều sét, cày vùi nhiều rơm rạ.

Ông Phạm Văn Vĩnh, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Tây Tiến (Tiền Hải) cho biết: Từ nhiều năm nay, nông dân xã Tây Tiến chủ yếu sử dụng máy gặt để thu hoạch lúa, vì vậy lượng rơm rạ để lại trên đồng ruộng rất lớn, cộng với địa hình úng trũng rất dễ gây ngộ độc hữu cơ trên lúa. Tuy nhiên, nhờ chú trọng khâu làm đất, xử lý rơm rạ bằng các chế phẩm như Trichoderma, Emunic… và sử dụng vôi bột để cải tạo đất nên từ nhiều vụ nay Tây Tiến không còn tình trạng ngộ độc hữu cơ trên lúa.

Ngoài biện pháp làm đất, khâu điều hành nước cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp hạn chế tình trạng ngộ độc hữu cơ. Sau khi cấy xong cần giữ nguyên mực nước giúp cho mạ hồi nhanh sau đó điều tiết nước ở trạng thái chỉ có ở dấu chân trên mặt ruộng từ 5 - 7 ngày rồi tiếp tục lấy nước vào ruộng ở mức 3 - 5cm. Biện pháp này giúp cung cấp oxy cho đất, hỗ trợ rễ phát triển, giúp cây lúa đẻ nhánh tốt, cây lúa ít bị đổ. Bên cạnh đó, nông dân cần tuân thủ đúng nguyên tắc bón phân vụ mùa: bón cân đối, tập trung, bón lót sâu, bón thúc sớm. Khi ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ cần ngừng ngay bón phân, bón 15 - 20kg vôi bột/sào rồi sục bùn thay nước khử độc. Sau đó đưa nước mới vào ruộng, bón lân supe hoặc phân vi sinh, nếu có điều kiện phun thêm các chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng cho lúa, giúp bộ rễ phục hồi nhanh. Tuyệt đối không bón đạm u rê khi lúa bị ngộ độc.

Nhờ thu hoạch lúa xuân sớm hơn từ 7 - 10 ngày so với cùng kỳ nhiều năm nên khâu làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa được thực hiện kỹ càng hơn. Đây là tiền đề để nông dân trong tỉnh có được một vụ mùa năng suất, sản lượng cao.

Lưu Ngần

Ngô nội cần một cuộc cách mạng mới?

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Ngô nhập khẩu giảm giá mạnh trong những năm gần đây khiến tổng lượng nhập khẩu ngô về Việt Nam tăng nhanh, tạo ra áp lực rất lớn đối với nông dân trồng ngô trong nước.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong những năm gần đây, diện tích trồng ngô của cả nước dao động khoảng hơn một triệu ha, tuy nhiên năng suất trung bình còn khá thấp, chỉ ở mức 4,6 triệu tấn/ha. Hằng năm, Việt Nam vẫn phải chi một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu ngô hạt về phục vụ nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước.

Theo ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục Trồng trọt, đó chính là mâu thuẫn nội tại của ngành trồng trọt, khi mà gạo thì xuất khẩu, thậm chí xuất khẩu khó khăn còn ngô lại nhập gần như chiếm già nửa về giá trị (trên 1,65 tỷ USD năm 2016) so với gạo xuất. Chỉ riêng trong năm 2016, Việt Nam đã nhập về 8,3 triệu tấn ngô. Điều này tạo ra áp lực rất lớn đối với nông dân trồng ngô trong nước.

Hiện nay, cây ngô vẫn là cây lương thực quan trọng. Với nhu cầu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi ngày một tăng như hiện nay, việc có được nhiều hơn quyền chủ động về nguồn cung giúp bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời tránh khỏi tình trạng bị phụ thuộc và thất thoát ngoại tệ. Bộ NN&PTNT định hướng duy trì diện tích canh tác như hiện tại, nhưng mạnh nâng cao giá trị và sản lượng trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

Theo ông Trần Xuân Định, năng suất ngô trung bình của Việt Nam còn đang ở mức rất thấp. Do điều kiện canh tác không thuận lợi, địa hình khó khăn, việc ứng dụng các giống mới kháng lại các tác nhân bất thuận sẽ giúp bảo đảm năng suất tiềm năng và nhờ đó nâng cao sản lượng và chất lượng ngô sau thu hoạch. Việc công nhận đưa một số giống ngô mới vào sản xuất từ năm 2015 bước đầu tạo ra các tín hiệu tích cực khi năng suất và thu nhập của bà con nông dân trồng ngô được cải thiện rõ rệt. Năm 2016, ước diện tích ngô biến đổi gen chiếm khoảng 10% tổng diện tích trồng ngô của cả nước.

Hình thành chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất

Theo Báo cáo của Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), sản lượng ngô toàn cầu đang tăng trong những năm gần đây chủ yếu do năng suất trồng ngô được cải thiện khiến giá ngô thế giới trong những năm gần đây có xu hướng giảm.

Tại Việt Nam, năng suất ngô còn ở mức khá thấp so với thế giới và chỉ đủ đáp ứng khoảng 40-50% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Thực tế này khiến Việt Nam luôn là nước nhập khẩu ngô trong thời gian qua. Một bất cập đóng góp vào xu hướng nhập khẩu ngày càng tăng đó là giá ngô nhập khẩu về Việt Nam thường thấp hơn so với giá ngô trong nước, trong khi chất lượng hạt lại tốt hơn.

Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn dự đoán nhu cầu về thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 9 triệu tấn ngô và sản xuất trong nước vẫn sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu. Đồng thời với quá trình hội nhập, thuế nhập khẩu đối với ngô sẽ có xu hướng giảm. Tất cả các nhân tố trên sẽ tạo áp lực rất lớn cho sản xuất trong nước.

Theo Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn, để tăng sức cạnh tranh, vấn đề cốt lõi đó là nâng cao chất lượng sản xuất ngô đồng thời tổ chức sản xuất lại - giảm bớt can thiệp của quá nhiều tác nhân trung gian tham gia vào chuỗi giá trị. Mô hình tổ nhóm hợp tác xã kết nối trực tiếp với doanh nghiệp được đưa ra như một giải pháp quan trọng, trong đó nông dân liên kết sản xuất, doanh nghiệp trực tiếp hỗ trợ về phương tiện, giống, kỹ thuật canh tác và bảo đảm xử lý, bao tiêu sau thu hoạch.

Canh tác tiên tiến để nâng cao chất lượng và sản lượng

Ông Trần Xuân Định cho hay, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có mức tiêu thụ ngô lớn nhất thế giới, với tỉ lệ tăng trưởng qua các năm khá cao khoảng hơn 12% - điều này thể hiện qua con số tăng trưởng nhập khẩu ngô qua các năm trong khi sản lượng ngô trong nước vẫn tăng đều.

Nhìn vào bức tranh thương mại ngô toàn cầu, hiện tại thị trường châu Mỹ đang là nơi xuất khẩu ngô chính sang châu Á, châu Phi và các khu vực khác. Đáng chú ý là mức độ nhập khẩu tại tất cả các châu lục đều tăng qua các năm và dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ ngô toàn cầu sẽ khoảng 1.074 triệu tấn (năm 2016 là 1.021 triệu tấn) trong đó châu Á và châu Phi sẽ tăng 20%. Với năng suất như hiện nay (năm 2016 thế giới sản xuất được khoảng 1.040 triệu tấn), đến năm 2050, sản xuất ngô thế giới sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu, đồng nghĩa với việc nguồn cung về ngô sẽ không còn dư thừa đề xuất khẩu sang các thị trường còn thiếu như châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo Tổ chức CropLife Việt Nam (một tổ chức quốc tế hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận với phương châm ứng dụng khoa học vào nông nghiệp), nếu không sớm có các phương án để chủ động tốt hơn về sản xuất ngô nội địa, Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Bài toán của Việt Nam và nhiều nước trồng ngô khác hiện nay đó là cần gia tăng năng suất trên diện tích sẵn có để gia tăng sản lượng.

Việt Nam đã đưa các giống ngô lai vào sản xuất từ những năm 1995 và tại thời điểm đó đã tạo ra cuộc cách mạng về tăng năng suất. Tuy nhiên cho đến nay, năng suất của các giống ngô lai thường đã đến mức tới hạn và đòi hỏi cần có các cải tiến mới, thông qua các tiến bộ về giống và phương pháp canh tác, đồng thời giảm chi phí đầu vào và các tác động tiêu cực lên môi trường.

Nhật Nam

Khoai lang Hoàng Long xanh đồng Thanh Miện

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Vụ xuân hè 2017 diện tích cây khoai lang trên địa bàn huyện Thanh Miện (Hải Dương) đã lên tới trên 100ha. Nông dân nơi đây vốn có truyền thống trồng giống khoai lang Hoàng Long cho năng suất, chất lượng cao...

Tại thời điểm này diện tích trồng khoai lang Hoàng Long cơ bản đã thu hoạch xong. Với năng suất đạt từ 800 - 1.000kg củ/sào, giá bán cho thương lái tại ruộng là 7.000 đồng/kg, trừ chi phí sau 4 - 5 tháng trồng, chăm sóc nông dân thu lãi từ 5 - 6 triệu đồng/sào. Dù không lợi nhuận bằng các cây rau màu ngắn ngày khác bà con vẫn mặn mà với khoai lang bởi chi phí sản xuất thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, dễ thâm canh...

Thu hoạch khoai lang xuân hè

Ông Cương, nông dân ở thôn Kim Đông, xã Lam Sơn cho biết, dù lãi không cao bằng cây dưa hấu, cà chua hay ớt nhưng so với cấy lúa thì khoai lang vẫn cho thu lãi gấp 3 - 4 lần. Quan trọng là trồng khoai lang tốn ít thuốc trừ sâu bệnh, ít rủi ro, mất mùa như các cây trồng khác, nhất là khi thời tiết đang có nhiều bất lợi. Vụ này gia đình ông dù chỉ có 2 nhân công lao động "vừa làm vừa chơi" đến cuối vụ, với 1 mẫu khoai lang cho thu lãi hơn 50 triệu đồng.

Ông Cương cho biết thêm, để có được năng suất cao, chất lượng tốt cho giống khoai lang Hoàng Long, ông đã dày công học hỏi kinh nghiệm và kĩ thuật từ cán bộ ngành nông nghiệp để phục tráng lại giống. Ngoài ra, các ngành chức năng đã giúp ông và bà con có cơ hội tiếp cận thị trường qua việc “trình làng” giống khoai lang Hoàng Long tại các hội chợ thương mại. Đây là một kênh quảng bá sản phẩm nhằm thúc đẩy địa phương có điều kiện phát triển sản phẩm.

Trong các vụ sản xuất, nông dân nơi đây đều được các cán bộ của Viện Cây lương thực - cây thực phẩm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện chuyển giao kĩ thuật trồng khoai lang theo lối cải tiến, chăm sóc, bảo vệ thực vật... Cán bộ khuyến nông còn thường xuyên theo dõi, bám sát ruộng đồng để giải quyết các tình huống xấu cho nông dân. Vì thế vụ xuân hè 2017 dù thời tiết không ưu tiên (ấm nóng) nhưng cây khoai lang Hoàng Long vẫn cho năng suất rất cao, chất lượng thơm ngon hơn trước.

Ông Vũ Văn Tiến, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Miện trao đổi, trước mỗi vụ sản xuất, cán bộ trạm trực tiếp tập huấn kĩ thuật cho nông dân hoặc kết hợp với các cơ quan chức năng chuyển giao các tiến bộ mới qua các mô hình trình diễn hay đề tài khoa học, giúp bà con có kiến thức và yên tâm bước vào sản xuất. Sản phẩm khoai lang Hoàng Long thơm ngon được nhiều nơi biết đến một phần nhờ sự đóng góp tích cực từ công tác khuyến nông...

Thực tế xuống đồng chứng kiến việc thu hoạch khoai lang mới thấy được hết niềm vui được mùa được giá của nông dân. Những củ khoai lang to tròn, chắc nịch, nhiều củ cân nặng đến nửa ki lô gam được thu mua ngay tại ruộng. Một thương lái cho biết, khoai lang là mặt hàng ăn quà của cả người dân nông thôn lẫn thành thị nên đắt hơn gạo là lẽ đương nhiên. Những năm trước miền Bắc vắng bóng khoai lang thì khoai Đà Lạt vẫn chuyển ra bán lẻ từ 20 - 25 nghìn đồng/kg. Nay có khoai của địa phương chất lượng cũng không thua kém nên tiêu thụ rất dễ.

Khoai lang vốn là cây chống đói nay đã được "lên ngôi", chính quyền huyện Thanh Miện đang chú trọng để phát triển và nhân rộng cây trồng này. Trong vụ thu đông sắp tới, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương sẽ phối hợp với doanh nghiệp thực hiện một mô hình sản xuất khoai lang Nhật để Thanh Miện trở thành vùng nguyên liệu trù phú...

Hồng Phong

Sản xuất chạy lũ với cây trồng ngắn ngày

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Thay vì sản xuất lúa vụ 3, nông dân chọn những cây trồng ngắn ngày hơn để canh tác ở những khu vực gò cao hoặc đê bao lửng. Cách làm này được người dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp áp dụng để sản xuất kịp lũ, vừa góp phần tăng thu nhập và giải quyết thời gian nhàn rỗi trong mùa lũ.

Ông Hà Văn Oai chăm sóc diện tích trồng cà tím

Trước dự báo lũ lớn và tính toán mùa vụ sản xuất, bà Phạm Thị Mốt ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự quyết định bỏ lúa vụ 3 chuyển sang trồng cây đậu xanh. Đây là cây trồng ngắn ngày, chỉ bằng khoảng 2/3 thời gian sinh trưởng của cây lúa.

Với lịch xuống giống đầu tháng 5 âm lịch, nên dự kiến đến đầu tháng 7 âm lịch, diện tích canh tác này sẽ cơ bản thu hoạch ăn chắc trước lũ lớn. Bà Phạm Thị Mốt cho biết: “Mấy năm trước làm lúa nước lũ tràn vô, còn cây đậu xanh ngắn ngày nên an toàn hơn làm lúa”.

Tại các khu vực đất gò cao của các xã Thường Phước 1, Thường Phước 2 và một số xã cù lao, nông dân mạnh dạn chuyển đổi lúa vụ 3 sang canh tác các loại cây trồng ngắn ngày để chạy lũ. Việc làm này vừa đảm bảo an toàn trong sản xuất, vừa góp phần tăng thu nhập và giải quyết lao động nông nhàn của địa phương.

Bước đầu một số diện tích đã cho thu hoạch, lợi nhuận khá. Ông Hà Văn Oai, nông dân xã Thường Phước 1 nói: “Năm nay trồng cà tím giá cũng ổn định, cứ 3 ngày tôi thu hoạch một lần tương đương 6 - 7 giạ lúa. Mấy năm trước lũ lên mạnh, đê bao chịu không nổi nước ập vô, bộ đội biên phòng phải vô giúp dân gặt lúa nên UBND huyện khuyến cáo người dân không sản xuất lúa vụ 3”.

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn huyện hiện có khoảng 300ha cây trồng ngắn hạn được xuống giống trong vụ 3 năm nay, bao gồm: đậu, bắp nếp và một số cây dây leo. Những cây trồng này có thời gian sinh trưởng ngắn từ 1 - 2 tháng nên đảm bảo thu hoạch an toàn trước lũ.

Ông Nguyễn Văn Buôn - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết: “Thị trường đôi lúc có những biến động, do vậy người dân khi sản xuất nên lưu ý không sản xuất đại trà mà phải với diện tích vừa phải để lượng cung và cầu đáp ứng với nhau thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá cả”.

Việc tính toán sản xuất cho phù hợp với lịch thời vụ và điều kiện mưa lũ đã được nông dân huyện Hồng Ngự áp dụng những năm qua. Năm 2017, chủ trương xả lũ của UBND huyện được nhiều người dân đồng tình và có cách làm phù hợp tận dụng vòng quay của đất nhưng vẫn đảm bảo cho đất nghỉ ngơi và đón nhận phù sa từ lũ sông Tiền.

Minh Thi

Mô hình bán công nghệ cao trồng ớt của người phụ nữ “thép”

Nguồn tin: Khuyến nông TP.HCM

Vốn là một nữ thiết kế thời trang tại Tp.HCM và có thâm niên hoạt động với nghề hơn 20 năm, nhưng hiện chị lại là một “nông dân” chính hiệu trên đất Thép - Củ Chi (Tp.HCM) với sản phẩm mới là ớt công nghệ cao, đang được nông dân thành phố ghi nhận và học hỏi. Do đó, chị được mọi người xem là người phụ nữ “thép” – Nguyễn Thị Kim Xuân – chủ trang trại mô hình trồng ớt công nghệ cao ở Tp.HCM.

Sở dĩ, chị được gọi là người phụ nữ “thép” vì trong quá trình thực hiện mô hình, chị đã chấp nhận hy sinh nhiều khó khăn, như trước tiên chị đã không ngại vất vả bỏ công nghiên cứu, học hỏi hơn 5 năm qua internet. Không những vậy, chị còn lặn lội sang trời Tây để học hỏi nông nghiệp Australia vì người thân của chị hiện đã và đang thực hiện mô hình này tại Australia. Và đặc biệt, chị đã chấp nhận bỏ phố thị Sài thành để “xoắn tay” vào cùng với nông dân thực hiện mô hình như mong muốn bằng cách chuyển hẳn lên Củ Chi để có thời gian chăm sóc trang trại, vì với chị một khi đã làm là làm cho bằng được bằng sức lực và khối óc của mình.

Chị Xuân đang chăm sóc vườn ớt bán công nghệ cao của mình tại xã Trung Lập Thượng – huyện Củ Chi

Ban đầu, chị thuê 3ha đất ở xã Trung Lập Thượng - huyện Củ Chi - Tp.HCM, để trồng 2 loại: ớt chỉ thiên và ớt chỉ địa. Chị chia sẻ, “giống ớt này là giống cao sản tìm thấy dễ dàng trên thị trường, nhưng 1 cây ớt tôi trồng, 1 lứa có thể thu 2 – 3kg là chuyện thường, một trái ớt sừng (ớt chỉ địa) có thể dài hơn 10cm, một cây ớt đến tuổi trưởng thành cao vượt cả đầu người”. Theo chị, việc trồng rau, quả trên giá thể không phải mới nhưng áp dụng mô hình công nghệ trên cây ớt giữa lộ thiên đồng ruộng và để phát huy hết năng suất của giống ớt ngay tại địa phương thì chưa có nhiều.

Điểm khác biệt ở vườn ớt của chị là được trồng trong bầu giá thể, đặt ngay trên mặt ruộng, được cung cấp đầy đủ phân, nước qua hệ thống ống tưới nhỏ giọt được bơm từ nhà lều. Vì vậy, ớt được cung cấp đủ dưỡng chất để đạt năng suất cao theo quy trình công nghệ của Israel với chế độ bón phân, nước hoàn toàn tự động. Bởi vậy, theo chị mô hình ớt chị đang thực hiện được gọi chính xác là mô hình bán công nghệ cao vì hoàn toàn không có nhà màng, nhà kính như cách nghĩ thông thường. Vì nông nghiệp công nghệ cao, giải thích nôm na là ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Phải đem đến một giải pháp tiết kiệm nhưng năng suất cao mới là mục đích của ứng dụng công nghệ - chị cho biết.

Là người trực tiếp chăm sóc từng cây ớt, nên không ngần ngại chị chia sẻ, ớt khi cung cấp đủ dưỡng chất, sẽ có màu sắc tươi rói, trái to, dài và thẳng; vượt trội hơn hẳn ớt trồng theo phương pháp thông thường. Cụ thể, chiều dài trung bình của trái (tính cả cuống), ớt chỉ địa dài khoảng 18 - 20cm, ớt chỉ thiên khoảng 10 - 12cm. Bởi vậy nên so với cách làm truyền thống, ớt trồng theo công nghệ cao không lệ thuộc vào khí hậu hay thổ nhưỡng của vùng miền. Chị nói: “thời tiết Việt Nam thích hợp làm năng suất cây ớt, ớt trồng ở đây

Sản phẩm ớt của chị Xuân đang được nhân công phân loại, cung cấp cho công ty TNHH SX Chế biến ớt Phạm Tân còn cao hơn cả nơi quy trình công nghệ được nhập, nhưng dù làm theo cách nào cũng phải thường xuyên kiểm tra tốc độ phát triển của vườn ớt để có cách chăm sóc phù hợp hơn. Do đó, vườn ớt của tôi được chăm sóc theo cách riêng, đặc biệt là không bón thuốc bảo vệ thực vật mà phòng trừ sâu bệnh bằng hỗn hợp ớt, tỏi, gừng ngâm rượu.

Với cách làm đó, bước đầu đã giúp chị có những thành công lớn là hiện sản phẩm ớt của chị đã được công ty TNHH SX Chế biến ớt Phạm Tân ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Mỗi ngày chị thu hoạch và cung cấp cho công ty khoảng 500kg, so với chợ đầu mối Hóc Môn - TP.HCM, ớt sừng đang bán với giá 23.000 - 25.000đ/kg, thì ớt của chị Xuân được thu mua với giá 30.000đ/kg.

Chị Xuân còn chia sẻ thêm, ngoài diện tích đang cho thu hoạch, chị còn tiếp tục thử nghiệm quá trình sinh trưởng của giống ớt được nhập về từ Úc.Thành công bước đầu là như vậy, nhưng không dừng lại ở đó, chị cho biết kế hoạch trong thời gian đến sẽ xúc tiến thêm bằng cách thuê 50ha để tiếp tục triển khai các mô hình khác.

Hiện ở nhiều nơi trong cả nước có những mô hình trồng ớt của bà con nông dân đang nóng lòng vì đầu ra sản phẩm, nhưng ngược lại với mô hình bán công nghệ cao trồng ớt của chị Xuân cho thu hoạch với năng suất cao ngay trong mùa mưa, khiến nhiều người phải trầm trồ thán phục. Là một trong những người ủng hộ và theo dõi mô hình từ những ngày đầu. Ông Võ Ngọc Đẹp- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết: “Chúng tôi phải cảm ơn bà Xuân vì trong khi Trung tâm phải đi thuyết phục nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao thì bà Xuân tự mình bỏ vốn ra để phát triển mô hình hoàn toàn mới”.

M.Hiếu

Công bố dịch bệnh khảm lá trên cây mì

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Chiều 20.7, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức cuộc họp đột xuất, công bố dịch bệnh khảm lá trên cây mì ở các huyện Tân Châu, Tân Biên và Châu Thành.

UBND tỉnh họp công bố và chuẩn bị các biện pháp phòng chống dịch khảm lá trên cây mì.

Tại hội nghị, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá trên cây mì cấp tỉnh, do ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban.

Tính đến ngày 18.7, toàn tỉnh có trên 1.581 ha mì bị nhiễm bệnh, tập trung ở 3 huyện Tân Châu, Tân Biên và Châu Thành. Trong đó, Tân Châu là huyện đầu tiên phát hiện bệnh trên cây mì vào tháng 5 vừa qua, với diện tích nhiễm bệnh 1.500 ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, bệnh khảm lá trên cây mì là bệnh mới xuất hiện gần đây trên địa bàn tỉnh, lây truyền phổ biến qua bọ phấn trắng và hom giống lấy từ cây bị bệnh. Biểu hiện của bệnh khảm là trên lá cây mì xuất hiện những vết vàng loang lổ xen lẫn phần xanh. Khi cây trồng bệnh nặng, vết vàng lan rộng ra trên phiến lá mì, làm lá biến dạng nhăn nheo, cuốn lại và nhỏ dần.

Bệnh khảm lá làm lá mì biến dạng nhăn nheo, cuốn lại và nhỏ dần.

Để ngăn ngừa dịch bệnh lan nhanh, UBND tỉnh chỉ đạo, với những diện tích bị nhiễm bệnh sẽ tiến hành tiêu hủy bằng cách nhổ cây nhiễm bệnh, thu gom và đốt ngay sau khi nhổ. Với những ruộng nhiễm trên 70%, sẽ tiêu hủy theo phương pháp cày vùi cây mì vào đất, sau 15 ngày tiêu hủy sẽ kiểm tra và phun thuốc cỏ diệt các mầm khoai mì mọc trở lại trên ruộng. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành phun thuốc tại các diện tích liền kề ruộng bị nhiễm bệnh để ngăn ngừa bọ phấn trắng mang mầm bệnh phát tán.

Trước đó, ngày 19.7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công điện khẩn yêu cầu UBND tỉnh Tây Ninh thực hiện cấp bách việc tiêu hủy nguồn bệnh. Bệnh khảm lá trên cây khoai mì là loại bệnh mới, nguy hiểm và khó phòng trừ. Thời gian qua, bệnh đã xuất hiện và gây hại nặng trên cây mì tại Campuchia và hiện đã lây lan sang Lào.

N.D

Xây dựng bộ giống lúa Khánh Hòa

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Nhằm tạo ra bộ giống lúa có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, tỉnh đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ triển khai xây dựng bộ giống lúa mang tên Khánh Hòa.

Đã bước sang giai đoạn 2

Thời điểm này, những chân ruộng khảo nghiệm sản xuất bộ giống lúa Khánh Hòa tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) phát triển xanh tốt. Các cán bộ kỹ thuật của trung tâm luôn bám sát đồng ruộng, theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển của lúa khảo nghiệm.

Bà Cao Thị Trúc - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm NNCNC cho biết, việc khảo nghiệm bộ giống lúa mang tên Khánh Hòa đã bước sang giai đoạn 2. Giai đoạn 1 được thực hiện trong phòng thí nghiệm của Trường Đại học Cần Thơ với việc tuyển chọn và lai tạo các tổ hợp lai nhiều giống lúa trong ngân hàng gen của trường sau bước khảo sát ban đầu các giống lúa tại Khánh Hòa. Sau đó, những giống lúa được chọn được đưa ra khảo nghiệm cơ bản, theo dõi các chỉ tiêu đánh giá. Có 4 giống được chọn mã hóa ký hiệu là: 3C, 8C (bộ giống năng suất cao) và 3T, 4T (bộ giống chất lượng cao). 4 giống này đều có đặc tính mạ khỏe, số nhánh trên khóm dày (5 - 8 nhánh), chiều cao cây 80 - 100cm, thời gian sinh trưởng 100 - 120 ngày. Riêng giống 3C đóng thóc dày, gié nhiều nhánh con, ít sâu bệnh, thời gian trổ ngắn. Năng suất các giống qua khảo nghiệm đạt 7 - 8 tấn/ha. Giai đoạn 2 đưa ra khảo nghiệm sản xuất 2 vụ tại 3 nơi: Trung tâm NNCNC (huyện Cam Lâm) 7.000m2; Hợp tác xã Nông nghiệp Diên Thạnh (huyện Diên Khánh) và Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa), mỗi hợp tác xã 4.000m2. “Chúng tôi theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển của lúa, thường xuyên gửi kết quả về Trường Đại học Cần Thơ để theo dõi, tổng hợp. Trường chịu trách nhiệm chính về đề tài, thực hiện việc lai tạo, tuyển chọn, đánh giá số liệu, ra quyết định và về Khánh Hòa làm việc vào các giai đoạn then chốt của cây lúa”, bà Trúc cho biết.

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, đề tài “Lai tạo và tuyển chọn bộ giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sản xuất tại tỉnh Khánh Hòa” do PGS-TS Võ Công Thành - Phó Bộ môn di truyền giống nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm, phối hợp với Trung tâm NNCNC thực hiện. Mục tiêu là tạo ra bộ giống lúa có năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh, nâng cao năng lực chủ động cung cấp nguồn giống lúa cho địa phương; tạo ra một số dòng trung gian có triển vọng làm cơ sở để tuyển chọn, lai tạo một số giống lúa năng suất và chất lượng cao về sau; hoàn chỉnh quy trình canh tác bộ giống lúa cho năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện sản xuất của Khánh Hòa và đào tạo 2 - 3 cán bộ kỹ thuật nắm vững công nghệ lai tạo và tuyển chọn giống lúa mới.

Khảo nghiệm bộ giống lúa tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao

Sẽ hoàn thành vào năm 2018

Kết quả đề tài sẽ được chuyển giao để ứng dụng vào thực tế sản xuất lúa tại địa phương, dần thay thế 2 giống đang sản xuất chủ lực mà không phải là giống bản quyền của tỉnh là ML202 và ML48 và chuyển giao 2 giống siêu nguyên chủng cho Trung tâm NNCNC. Ngoài ra, còn chuyển giao một số dòng trung gian có triển vọng về năng suất và chất lượng cao là cơ sở để tuyển chọn, lai tạo một số giống lúa có năng suất và chất lượng cao; đồng thời đào tạo cho cán bộ Trung tâm NNCNC làm chủ công nghệ lai tạo và tuyển chọn giống lúa.

Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Khánh Hòa là tỉnh có diện tích sản xuất lúa khá lớn nhưng chưa có bộ giống lúa phù hợp, còn phụ thuộc vào các đơn vị cung cấp. Hàng năm, các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu, khảo nghiệm. Bên cạnh đó, một số giống lúa có chất lượng, phẩm chất gạo ngon, thị trường ưa chuộng nhưng sản xuất đã lâu, thoái hóa, nhiễm sâu bệnh. Vì thế, việc xây dựng bộ giống lúa mang tên Khánh Hòa là cần thiết; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu kỹ thuật để chủ động công tác lai tạo giống cho Khánh Hòa. “Hiện nay, các đơn vị cung cấp giống giữ bản quyền giống của mình; vì thế, những đơn vị muốn nhân giống cho nông dân không còn được miễn phí, thậm chí khi mua họ cũng không đồng ý chuyển giao, vì thế công việc nhân giống cho nông dân bị động, làm đội giá thành, không đáp ứng được nhu cầu của địa phương”, ông Ninh cho biết.

PGS-TS Võ Công Thành cho hay, đến nay, việc triển khai đề tài gặp nhiều thuận lợi, giai đoạn khảo nghiệm sản xuất theo đúng kế hoạch đề ra. Dự kiến đề tài sẽ hoàn thành vào năm 2018 và chuyển giao kết quả cho tỉnh. Hiện tại, Trường Đại học Cần Thơ đang đào tạo 2 cán bộ thuộc Trung tâm NNCNC chuyên sản xuất giống lúa. Về lâu dài, tỉnh nên xây dựng phòng kiểm nghiệm hạt giống để chủ động việc lai tạo giống lúa.

Tổng kinh phí thực hiện đề tài là 1,75 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh; thời gian thực hiện 36 tháng, từ tháng 10-2015 đến tháng 10-2018.

V.L

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop