Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 10 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 10 năm 2020

Thủ tướng quyết định xuất cấp hạt giống cây trồng hỗ trợ hai địa phương

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp hạt giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia cho 2 tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận để hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai và ảnh hưởng hạn hán vụ hè - thu 2020.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp không thu tiền 15 tấn hạt giống lúa; 25 tấn hạt giống ngô; 4,5 tấn hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Hà Giang để hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai 7 tháng của năm 2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp không thu tiền 37 tấn hạt giống ngô; 2 tấn hạt giống rau và 600 tấn hạt giống lúa từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận bị thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán vụ hè - thu 2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo.

UBND các tỉnh Hà Giang và Ninh Thuận tiếp nhận, phân bổ và sử dụng số hạt giống cây trồng trên kịp thời, đúng quy định.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

Hà Nội có 1.000ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cây ăn quả đang trở thành nhóm cây chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Hiện, toàn thành phố có hơn 21.880ha cây ăn quả các loại (tăng 39% so với năm 2015); ước tính sản lượng quả năm 2020 đạt 300.886 tấn (tăng 35% so với năm 2015).

Khách tham quan mô hình nhãn chín muộn tại xã Song Phương (huyện Hoài Đức). Ảnh: Bá Hoạt

Cùng với đó, thành phố tập trung phát triển 4 loại cây ăn quả chủ lực (chiếm 62% tổng diện tích) gồm: Chuối, cam Canh, bưởi, nhãn chín muộn; hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang hỗ trợ các địa phương xây dựng chuỗi liên kết với doanh nghiệp bảo đảm đầu ra cho sản phẩm cây ăn quả; hỗ trợ các hộ dân trồng mới, ghép, cải tạo hơn 10.000ha cây ăn quả, trong đó có hơn 1.000ha đã được ứng dụng công nghệ cao; xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể về cây ăn quả. Nhờ vậy, giá trị sản xuất cây ăn quả đã đạt 400-650 triệu đồng/ha, một số mô hình đạt 1 tỷ đồng/ha.

QUỲNH DUNG

Hậu Giang: Diện tích trồng cây ăn trái tăng mạnh

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, do hiệu quả kinh tế cao cộng với khai thác được lợi thế về khí hậu, đất đai và lao động cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong những năm qua nên Hậu Giang đã tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển nhiều loại cây có múi sạch bệnh và cây ăn trái đặc sản. Trong đó, có các cây trồng chủ lực như bưởi Năm Roi, cam mật, cam sành, quýt đường, xoài cát Hòa Lộc, mít… Nhờ đó, diện tích cây ăn trái có xu hướng tăng từ 30.743ha năm 2015 lên 41.568ha như hiện nay. Trong đó cây có múi là 14.431ha, xoài 3.520ha, nhãn 784ha, mít 6.562ha, mãng cầu 762ha, khóm 2.744ha, còn lại cây ăn trái khác 12.765ha.

Cây có múi chiếm gần 35% tổng diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục thực hiện các đề án phát triển các cây trồng vật nuôi chủ lực kết hợp với thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh, đồng thời tích cực hỗ trợ người dân tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phòng ngừa các loại sâu bệnh để tăng năng suất và chất lượng cây ăn trái...

Tin, ảnh: H.TÂM

Nhiều vườn cây đặc sản ở ĐBSCL ‘điêu đứng’ vì triều cường

Nguồn tin: VOV

Đợt triều cường dâng cao tại ĐBSCL vừa qua đã gây khó khăn cho việc đi lại và thiệt hại nghiêm trọng đối với sản xuất, nhiều vườn cây đặc sản “điêu đứng” vì nước tràn qua đê.

Dù mực nước triều cường đã giảm nhưng rất nhiều vườn cây ăn trái gồm: dừa, hồng xiêm, bưởi ở xã Kim Sơn, Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vẫn còn nằm trong “biển nước”. Một đoạn bờ đê dài hơn 100 mét ven sông Rạch Gầm xuống cấp lại bị sạt lở làm nước tràn gây ngập úng trên diện rộng.

“Tràn đê, rồi vỡ đê, nước ngập toàn tuyến lên khoảng 3 tấc trong khoảng 5 ngày, không bơm được nên cây bưởi chết nhiều. Năm ngoái ngập rồi năm nay lại bị mặn. Đê cũ 17 năm chưa được gia cố, bể đưa đất xuống sông hết. Đề nghị bây giờ phải gia cố đê bao và làm nấp cống”, ông Nguyễn Văn Vân (nhà vườn trồng 2 công bưởi ở ấp Đông, xã Vĩnh Kim bị ngập nước) nói.

Triều cường, nước tràn cắt đứt tuyến huyện lộ 70 tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang

Còn ông Nguyễn Văn Phương cũng như nhiều người dân ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim có nhà gần bị sụp xuống sông Rạch Gầm không khỏi lo âu: “Tình trạng vừa rồi, nước vào đến nhà. Hiện nay nhà này tôi không dám ở, phải dọn đến nhà mới. Nguyên nhân là do đê bị sạt lở. Chúng tôi đề xuất trước mắt là phải khắc phục được đoạn sạt lở này vì người dân làm không nổi”.

Đáng quan tâm là tại tổ 11, ấp Long Quới, xã cù lao Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, triều cường dâng cao kết hợp với mưa nhiều đã làm sạt lở 1 đoạn bờ đê dài 12 mét tại vườn nhà ông Trần Văn Thuận. Nước từ sông Tiền tràn vào gây ngập úng vườn cây sầu riêng và nhà ở của hàng chục hộ dân trong khu vực.

Nhiều vườn cây ăn trái tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang bị ngập nước do triều cường

Triều cường cũng làm một đoạn huyện lộ 70 tại địa phương này bị sạt lở, chia cắt đường giao thông, ảnh hưởng khoảng 70 hecta vườn cây ăn trái của 120 hộ dân. Chính quyền địa phương phải huy động cơ giới khẩn trương gia cố đoạn đê sạt lở, gia cố các vị trí lân cận, đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực. Toàn xã Ngũ Hiệp còn có 22 điểm đê bao xung yếu, có nguy cơ tràn do triều cường và sạt lở.

Các địa phương ven sông Tiền, sông Ba Rài, kênh Chợ Gạo, kênh Nguyễn Văn Tiếp… tỉnh Tiền Giang đã xảy ra hàng trăm điểm nước tràn do triều cường dâng cao. Riêng tại xã Phú Phong, huyện Châu Thành có 6 điểm sạt lở có quy mô lớn ven sông Phú Phong. Chính quyền và người dân địa phương đã huy động nhân lực, vật lực tiến hành gia cố tạm thời để ngăn nước.

Nhà vườn tỉnh Tiền Giang khẩn trương bơm nước bảo vệ vườn cây

“UBND xã cũng huy động sức dân, hỗ trợ một phần cát cho dân vô bao để tự gia cố để chống đỡ đợt triều cường này, không cho nước tràn vô vườn cây ăn trái của bà con. Hiện tại, những tuyến bị sạt lở tỉnh đã có dự án, kế hoạch làm. Hiện tại đã giao mốc được 3 điểm, UBND xã cũng hối thúc cấp trên đẩy nhanh tiến độ để ứng phó với đợt triều cường sắp tới”, ông Nguyễn Trường Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Phong, huyện Châu Thành cho biết thêm.

Tại tỉnh Bến Tre, đợt triều cường vừa qua đã gây tràn, sạt lở, vỡ 15 điểm đê bao, bờ bao với tổng chiều dài gần 200 mét và 36 căn nhà ở của người dân bị ngập. Nghiêm trọng nhất là tại cồn Lát thuộc ấp Quân Bình, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách đã có 05 điểm sạt lở. Đoạn bờ đê ở ấp Phú Bình (cồn Phú Đa), xã Phú Bình, huyện Chợ Lách bị sạt lở 50 mét. Huyện Châu Thành có 7 điểm nước tràn, sạt lở với tổng chiều dài khoảng 50 mét tại các xã: Tân Phú, Tiên Long, Giao Long. Riêng các ao nuôi cá của Công ty Hùng Vương thuộc xã Tiên Long huyện Châu Thành bị nước tràn làm thất thoát khoảng 126 tấn cá; 14 hecta nuôi tôm quảng canh của ngư dân ở huyện Bình Đại; 37 hecta diện tích vườn cây ăn trái của người dân xã Tam Hiệp huyện Bình Đại, xã Tân Thiềng huyện Chợ Lách bị ngập sẽ giảm năng suất.

Sạt lở tại cồn Lát, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

Sau khi xảy ra sạt lở, nước tràn bờ đê, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã cử lực lượng đến trực tiếp hiện trường để hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục. Đồng thời, yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện ngay các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực. Tuy nhiên, đối với các điểm sạt lở lớn ngoài khả năng khắc phục của địa phương, cần có nguồn kinh phí hỗ trợ từ cấp tỉnh, Trung ương.

Sau đợt hạn mặn lịch sử gây thiệt hại nặng nề, người dân tỉnh Tiền Giang và Bến Tre tiếp tục chống chọi với những đợt triều cường mùa mưa. Theo ngành chuyên môn dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, sẽ còn xảy ra nhiều đợt triều cường dâng cao. Do đó, chính quyền và người dân các địa phương cần có những biện pháp, giải pháp khẩn trương ứng phó hiệu quả để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp – thủy sản bền vững

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Ngày 23-10, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức hội thảo khoa học Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp - thủy sản bền vững, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài tỉnh.

GS-TS Võ Tòng Xuân trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày và thảo luận các kết quả nghiên cứu mới nhất về sự phát triển công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản theo hướng bền vững trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, đề xuất những định hướng nghiên cứu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh về ngành công nghệ sinh học và môi trường giữa các viện, trường, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ban Tổ chức tặng quà lưu niệm cho các nhà khoa học tham gia tại hội thảo. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho biết không riêng Việt Nam mà cả thế giới đang bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà nguyên nhân do phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp, thủy sản không bền vững và những hành vi vô ý thức đối với môi trường. Biến đổi khí hậu không chỉ tác động trực tiếp đến đời sống mà còn ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, do đó phải có các biện pháp giảm thiểu tác động cũng như thích ứng trong tương lai. Đặc biệt, cần phục hồi rừng ngập mặn ven biển và bảo tồn đa dạng sinh học của vùng; cần tìm những hệ thống canh tác tổng hợp thích nghi, chọn tạo giống cây trồng có khả năng chịu nhiệt, ngập nước và độ mặn; kháng những loài côn trùng và bệnh mới, cũng như xây dựng hệ thống canh tác tổng hợp bền vững.

BÌNH NGUYÊN

Xử lý rác thải sau lũ bằng chế phẩm sinh học

Nguồn tin:  Báo Quảng Trị

Hơn nửa tháng qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị diễn ra mưa lớn liên tiếp nhiều đợt gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, có nơi ngập sâu hơn 2,5 m gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hiện toàn tỉnh đang tập trung huy động tất cả các nguồn lực để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Lũ lụt gây tác hại đến sức khoẻ con người và môi trường sống. Sau lũ lụt, thường xảy ra nhiều loại dịch bệnh như tả, lỵ, thương hàn... mà nguyên nhân chính là do môi trường và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng. Để xử lý tốt môi trường sau lũ, Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ giúp người dân xử lý rác bằng chế phẩm sinh học để làm phân bón.

Hướng dẫn người dân xử lý bèo tây bằng chế phẩm Compo-QTMIC làm phân bón -Ảnh: TAM

Do hậu quả của mưa lớn, nước lũ từ nguồn đổ về, dâng cao mang theo nhiều rác thải từ các loại thân, lá cây và bèo tây lấp đầy các đoạn sông làm cản trở dòng chảy, hoặc dạt vào bờ chất thành đống gây ô nhiễm môi trường. Lượng rác hình thành sau lũ tăng lên rất nhiều, tràn ngập vườn tược, đường giao thông, ruộng đồng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, giao thông đi lại của người dân. Nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ, đợi nước rút hết, Sở KH&CN khuyến khích và sẽ hướng dẫn cho người dân ở những khu vực có nhiều rác hữu cơ, bèo tây sử dụng chế phẩm vi sinh Compo - QTMIC do Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN Quảng Trị sản xuất để ủ làm phân bón hữu cơ sinh học.

Bèo tây và các loại rác hữu cơ sau khi trộn với chế phẩm vi sinh Compo - QTMIC rồi chất thành đống, phủ bạt ủ trong thời gian từ 25 - 30 ngày. Chế phẩm vi sinh sẽ dễ dàng làm hoai mục nhanh các loại rác hữu cơ để cho ra sản phẩm phân vi sinh tơi xốp, ít hôi, dùng bón cho cây trồng. Việc xử lý bèo tây và các loại rác hữu cơ sau lũ thành phân hữu cơ vi sinh sẽ giúp người dân giải quyết nhanh lượng rác hữu cơ, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường nông thôn và có thêm phân bón để phục vụ sản xuất trong vụ đông xuân sắp tới khi mà các loại phân chuồng đã bị lũ cuốn trôi.

Một thuận lợi khi giúp người dân xử lý môi trường sau lũ là trong thời gian gần đây, Sở KH&CN đã triển khai tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh Compo - QTMIC để xử lý các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt thành phân hũu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạn chế sử dụng các loại phân vô cơ. Việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp khôi phục môi trường sản xuất từng bị phá hủy do sử dụng nhiều loại phân hóa học trong thời gian dài, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm có lợi cho sức khỏe con người. Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN Quảng Trị đã tổ chức các tập huấn hướng dẫn sử dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất và xử lý môi trường cho các hội viên Hội Nông dân cơ sở.

Thông qua các lớp tập huấn, nông dân đã được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN giới thiệu về chế phẩm vi sinh Compo-QTMIC do Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN Quảng Trị sản xuất được dùng để xử lý chất thải hữu cơ; về các thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng loại chế phẩm này. Chế phẩm vi sinh xử lý chất thải hữu cơ làm phân bón, diệt mầm bệnh, khử mùi hôi và hạn chế ruồi muỗi, giúp người dân chủ động ủ phân bón tại chỗ, bảo vệ môi trường. Các lớp tập huấn cũng hướng dẫn thực hành tại chỗ cách làm phân hữu cơ vi sinh từ rác thải nên nông dân nhiều nơi đã biết cách xử lý môi trường bằng loại chế phẩm sinh học. Nhờ đó, khi bắt tay vào xử lý môi trường sau lũ, với kiến thức đã được tiếp thu từ các lớp tập huấn, người dân dễ dàng thực hiện các khâu xử lý rác thải bằng chế phẩm vi sinh để làm phân bón.

Kỹ sư Lê Mậu Bình, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN Quảng Trị cho biết: Người dân đã được nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của KH&CN, nâng cao trình độ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, đã được tập huấn, hướng dẫn về sử dụng chế phẩm vi sinh CompoQTMIC nên khi bắt tay vào thực hiện thuận lợi hơn. Ngoài việc sử dụng để ủ rác sau lũ, người dân có thể dùng chế phẩm vi sinh Compo-QTMIC để xử lý các khu vực vườn tược khác chống mùi hôi sau lũ.

Việc giúp dân xử lý môi trường sau lũ bằng sử dụng chế phẩm vi sinh Compo-QTMIC ủ rác hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh là một cách làm có ý nghĩa quan trọng, vừa giúp xử lý nhanh lượng rác thải rất nhiều sau lũ, hạn chế vi khuẩn có hại từ rác thải phát sinh và gây bệnh cho con người, vừa tạo ra được lượng phân bón phục vụ cho vụ mùa sắp tới.

Trần Anh Minh

Câu chuyện sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Đồng Nai trên sân chơi quốc tế

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

Trong 2 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), hiện toàn tỉnh đã có 46 sản phẩm OCOP. Trong đó, sản phẩm bột ca cao nguyên chất 3 trong 1 của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán) là sản phẩm OCOP đầu tiên và duy nhất đạt tiêu chuẩn 5 sao của Đồng Nai.

Chất lượng hạt ca cao của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức được khách hàng đánh giá cao về chất lượng

OCOP hạng 5 sao là sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đây không chỉ là đặc sản riêng của huyện miền núi Định Quán mà Đồng Nai đang đề nghị trung ương công nhận sản phẩm 5 sao này là sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Để vươn xa trên thị trường quốc tế, nhiều năm trước, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức đã xây dựng được chuỗi liên kết từ vùng nguyên liệu sạch đến đầu tư chế biến sâu và xuất khẩu tốt vào những thị trường khó tính.

Độc đáo ca cao Định Quán

Ngay từ năm 2015, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức và Ca Cao Ken Co.,Ltd là doanh nghiệp có hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bánh kẹo truyền thống tại Nhật Bản đã hợp tác với mục tiêu quảng bá, xuất khẩu chocolate và các sản phẩm từ ca cao của Đồng Nai ra thị trường thế giới. Doanh nghiệp này đã sử dụng rất nhiều nguồn nguyên liệu từ các nước nổi tiếng về ca cao trên thế giới để chế biến chocolate. Họ cũng đã bỏ ra hơn 10 năm để tìm hiểu về thị trường ca cao Việt Nam, trong đó có ca cao Đồng Nai rồi mới quyết định hợp tác với Công ty TNHH ca cao Trọng Đức. Ông Nakano Toshimi, Tổng giám đốc Ca Cao Ken đã có nhiều chuyến đến Đồng Nai, vào tận xưởng sản xuất “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn công nhân về kỹ thuật chế biến dòng sản phẩm chocolate cao cấp, được làm thủ công từ hạt ca cao của vùng đất Định Quán theo chuẩn quốc tế.

Chia sẻ lý do chọn hợp tác với Công ty TNHH ca cao Trọng Đức, một doanh nghiệp còn non trẻ trong ngành chế biến thực phẩm, ông Nakano Toshimi cho biết, Trọng Đức có kỹ thuật ủ hạt ca cao rất chuyên nghiệp, cho ra những loại hạt chất lượng rất tốt để làm ra những thanh chocolate cao cấp có hương vị tinh tế, tuyệt vời nhất. Ngoài ra, yếu tố thổ nhưỡng cũng góp phần tạo ra hạt ca cao Đồng Nai có đặc thù riêng là rất thơm, có vị chua, ít đắng… Đây là những yếu tố làm ra loại chocolate ăn không gây ngán; là nét độc đáo riêng tạo ra sự khác biệt cho dòng sản phẩm chocolate của đất Đồng Nai so với các thương hiệu chocolate truyền thống nổi tiếng trên thế giới.

Theo một số doanh nghiệp trong ngành ca cao, chất lượng hạt ca cao Đồng Nai được đánh giá cao vì có đội ngũ nông dân trồng ca cao rất chuyên cần, luôn tuân thủ theo nguyên tắc, yêu cầu chặt chẽ trong quá trình sản xuất để làm ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất.

Để sản phẩm ca cao tham gia sân chơi quốc tế, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức đã mất hơn 10 năm đầu tư xây dựng những vùng chuyên canh với hàng trăm ha cây ca cao được cấp chứng nhận UTZ (chứng nhận sản xuất tốt của quốc tế cho cây ca cao) tại nhiều tỉnh, thành ở vùng Đông Nam bộ. Riêng tỉnh Đồng Nai hiện có 210 ha ca cao đạt chứng nhận UTZ. Việc hợp tác với Nhật Bản để xuất khẩu chocolate “made in Vietnam” ra thị trường thế giới sẽ là đòn bẩy để doanh nghiệp cho đẩy nhanh việc chuẩn hóa 100% diện tích đều đạt chuẩn UTZ để có vùng nguyên liệu sạch đáp ứng tốt nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Xuất khẩu đặc sản quê

Ông Đặng Tường Khanh (bìa phải), Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức giới thiệu khu trưng bày sản phẩm chế biến từ hạt ca cao do doanh nghiệp đầu tư tại H.Định Quán

Câu chuyện khởi nghiệp của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức bắt đầu từ việc người bác sĩ quân y, thầy thuốc ưu tú - Đặng Tường Khâm từng bỏ nhiều tâm huyết nghiên cứu về cây ca cao vào những năm 80 của thế kỷ trước. Hơn 15 năm trước, khi nghỉ hưu, ông Khâm muốn làm điều gì đó cho nông nghiệp, nông dân nên đã rời TP.HCM về đất Định Quán phát triển cây ca cao. Rồi sự nghiệp này được những người con của ông Khâm tiếp nối.

Theo ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức: “Tôi ký hợp đồng với nông dân, hướng dẫn kỹ thuật, nhận bao tiêu sản phẩm... với tiêu chí mà cha tôi đặt ra là phải bảo đảm quyền lợi cho nông dân, chúng tôi có thể lỗ, nhưng không để nông dân lỗ”. Hướng phát triển của Trọng Đức là nhắm vào thị trường cao cấp và rất cao cấp, cạnh tranh được bằng chất lượng và hương vị chứ không phải nhờ giá rẻ. Đây cũng là cái nền để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu riêng cho ca cao đất Đồng Nai nói riêng, ca cao Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.

Ông Khanh cho biết thêm, doanh nghiệp đã đầu tư hàng triệu USD vào nhà máy chế biến cũng như cho vùng nguyên liệu. Đây chỉ mới là giai đoạn đầu, doanh nghiệp đang tiếp tục bỏ vốn đầu tư nâng cấp cho khâu sản xuất cũng như mở rộng kênh phân phối ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Hiện ngoài xuất khẩu hạt ca cao thô, Trọng Đức có hàng chục sản phẩm chế biến sâu như: chocolate, rượu ca cao, bột ca cao... tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa và đã có nhiều sản phẩm tiêu biểu được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhiều năm qua, sản phẩm của doanh nghiệp này cũng xuất khẩu mạnh vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc...Nhiều lần, sản phẩm ca cao, nhất là chocolate của Trọng Đức đã tham gia các giải thi quốc tế cũng như những hội chợ, chương trình quảng bá sản phẩm ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…được đánh giá cao.

Theo ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức: “Trọng Đức hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản cùng phát triển thương hiệu chứ không làm gia công thuần túy. Những sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản đều được ghi rõ sản phẩm “made in Vietnam” với logo có hình ảnh Đá Ba Chồng Định Quán. Người tiêu dùng Nhật Bản có thể ngồi tại chỗ để truy xuất nguồn gốc thanh chocolate này xuất xứ từ đất Định Quán, Đồng Nai, thậm chí cụ thể đến nông dân nào là người đã trồng ra trái ca cao.

Bình Nguyên

Liên kết sản xuất cà phê chất lượng cao bền vững

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Hơn 600 ha/800 ha diện tích cà phê của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đưng K’Nớ (Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) hiện nay đã liên kết cùng nhau sản xuất cà phê bền vững với Công ty A.COM. Từ đây, không những giúp nâng tầm cà phê thương hiệu Lang Biang của huyện mà còn tăng thu nhập và thay đổi tư duy về sản xuất.

Cà phê Đưng K’Nớ được xác định là một trong những nguồn nguyên liệu chính có chất lượng của thương hiệu cà phê Lang Biang, hướng tới vùng nguyên liệu sạch nhờ vào điều kiện tự nhiên và không lạm dụng thuốc hóa học. Hiện tại, cà phê vẫn là cây kinh tế chủ lực của địa phương do đặc thù địa hình nhiều đồi dốc, khó chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cà phê xanh tốt đang thời kỳ đậu trái của nông dân, ông Bon Niêng Ha Dong, Phó Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ phấn khởi khoe: Toàn xã có gần 800 ha sản xuất cà phê thì đã có 600 ha được liên kết sản xuất cà phê bền vững với Công ty A.COM. Từ năm 2017, xã đã thành lập 4 tổ hợp tác (THT) với 48 tổ viên, sản xuất cà phê gần 100 ha. Đến nay, THT tăng thêm 7 tổ với hơn 100 thành viên. Nhờ đó, hoạt động sản xuất cà phê của người dân trên địa bàn xã ngày càng đi vào quy củ.

Theo ông Ha Dong, những năm trước, khi chưa có sự liên kết sản xuất cà phê với Công ty A.COM, bà con nông dân chủ yếu tập trung sản xuất và bán cà phê tươi hoặc cà phê nhân cho các tư thương địa phương. Thời điểm đó, phương thức chăm sóc cà phê vẫn là kiểu cũ, làm theo thói quen và thu hoạch chung cả quả xanh lẫn chín. Do vậy, khi xuất bán, cà phê của nông dân thường xuyên bị đối tác đánh giá chất lượng thấp, ép giá. Nhưng mọi chuyện đã khác khi Công ty A.COM bước vào, giá cà phê được bán cho công ty cao hơn hẳn so với thị trường. Người dân cũng không còn bị phụ thuộc vào thương lái tự do.

Ông Cil Mup Phang - Tổ trưởng THT Thôn 1 cho biết: Hiện THT Thôn 1 đang có 15 thành viên. Nhờ được công ty chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc nên năng suất cây cà phê năm qua cao hơn hẳn, giá thành cũng cao hơn. Qua 3 năm tham gia THT, cái lợi lớn nhất của các tổ viên là học được kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây cà phê hiệu quả, từ đó nâng cao thu nhập cho gia đình. Đó là một trong những động lực giúp người dân yên tâm, tiếp tục bám vào cây cà phê và sống tốt từ cây trồng chủ lực này.

Ngoài ra, khi tham gia liên kết, công ty cũng thu mua với giá cao hơn thị trường từ 2 - 3 giá, đầu tư phân bón cho nông hộ chăm sóc cây và không tính lãi suất. Nông dân thu hoạch cà phê đến đâu, xe của công ty tới tận vườn thu mua trái tươi đến đó, không phải tốn thêm công phơi sấy cà phê.

Đây cũng là tâm trạng phấn khởi chung của nhiều hộ dân trồng cà phê ở xã Đưng K’Nớ trong vụ mùa năm nay khi tham gia liên kết với Công ty A.COM. Theo ông Ha Dong, với gần như 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã trồng cà phê, việc tổ chức được chuỗi liên kết sản xuất cà phê sạch đã giúp hỗ trợ nhiều cá nhân, tổ chức nông dân và đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của địa phương. Người dân được học hỏi, tích lũy kinh nghiệm về sản xuất cà phê sạch, ứng dụng các phương pháp chăm sóc, bón phân khoa học nên chi phí đầu tư giảm. Hơn nữa, việc tập huấn, đào tạo kỹ thuật canh tác đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất, nhằm hướng đến làm cà phê sạch, giữ được vùng cà phê bền vững.

Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lạc Dương cho biết: Hiện nay, toàn huyện Lạc Dương còn khoảng 4.000 ha cà phê Arabica, trên thế giới cũng rất ít địa phương trồng được loại cà phê thơm ngon này để cạnh tranh, nên việc đăng ký nhãn hiệu thật sự là bước đi trước của huyện. Để giữ vững thương hiệu này, huyện đã mời một số doanh nghiệp vào cuộc để cùng bà con nâng tầm thương hiệu cà phê.

Theo đó, các công ty vẫn thu mua cà phê của Lạc Dương nhưng để sản phẩm đi vào chiều sâu chất lượng, họ đã liên kết với các hộ dân để thành lập nên các tổ hợp tác sản xuất, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc cà phê đạt chuẩn và cam kết thu mua giá cao hơn thị trường. Công ty A.COM đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất cà phê. Từ hiệu quả của xã Đưng K’Nớ, người dân ở các xã trong huyện thấy rằng nhờ vào liên kết làm ăn trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mà cà phê tại địa phương có điều kiện khó khăn hơn lại được thu mua giá cao hơn. Đây là thành công rất lớn của huyện cho chiến lược phát triển thương hiệu cà phê Arabica Lang Biang.

H.YÊN - H.SA

Yên Bái phát triển cây dược liệu, nâng cao thu nhập người dân

Nguồn tin: Báo Yên Bái

Cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích cực bảo vệ và phát triển kinh tế lâm nghiệp, vài năm trở lại đây, Yên Bái đã thực hiện quy hoạch, phát triển cây dược liệu khá hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo ở các địa phương vùng cao...

Toàn tỉnh đã phát triển trên 5.000 ha cây sơn tra mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân vùng cao.

Từ rất sớm, Yên Bái đã thực quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, nhằm phát huy lợi thế vùng, miền và nâng cao hiệu quả trên một đơn vị canh tác. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 08/12/2017 về phát triển cây dược liệu tỉnh Yên Bái đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Theo đó, tỉnh ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu gồm: quế, sơn tra, thảo quả, đinh lăng, sả, ba kích, giảo cổ lam, sâm Ngọc Linh, ý dĩ, hà thủ ô đỏ, cà gai leo, lá khôi, Atiso, đương quy.

Tổng diện tích trồng mới các loại cây dược liệu đến năm 2020 là 26.470 ha trên địa bàn các huyện, thành phố; xây dựng 1 - 2 vườn nhân giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh; quy mô đáp ứng khoảng 20% nhu cầu giống tại chỗ; xây dựng, phát triển và quản lý hệ thống thu mua, chế biến và tiêu thụ.

Bằng cách làm và hướng đi đó, Yên Bái đã trồng, khai thác có hiệu quả và bền vững trên 29.692 ha cây dược liệu (bao gồm: quế 21.674,4 ha; sơn tra 5.089,9 ha; thảo quả 2.619,6 ha; đinh lăng 35 ha; sả 87,1 ha; ba kích 10,5 ha; giảo cổ lam 25ha; cà gai leo 23,4 ha, hà thủ ô 2 ha; ý dĩ 5 ha; lá khôi tía 17,5 ha...) dưới tán rừng tự nhiên, góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng cao.

Trạm Tấu là huyện vùng cao của Yên Bái, những năm vừa qua đã và đang phát huy hiệu quả của việc trồng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên.

Ông Vũ Lê Chung Anh - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trạm Tấu được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cánh rừng tự nhiên, đa dạng sinh học cao, là điều kiện thuận lợi để các loại cây dược liệu sinh trưởng và phát triển.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây dược liệu đến năm 2020, với những điều kiện thuận lợi được thiên nhiên ưu đãi, huyện Trạm Tấu đã duy trì, bảo tồn và phát triển lợi thế cây dược liệu trên địa bàn, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất để tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khảo sát diện tích đất trồng thử nghiệm một số loại dược liệu như cây gừng, cây tam thất, sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến… mang lại hiệu quả cao.

Trạm Tấu hôm nay hình thành rõ các vùng sản xuất cây dược liệu như vùng cây sơn tra với trên 4.000 ha tập trung ở các xã: Bản Công, Xà Hồ, Bản Mù, Làng Nhì; vùng cây thảo quả trên 140 ha tập trung ở các xã: Xà Hồ, Túc Đán, Bản Công; vùng cây sả Java trên 50 ha tập trung ở xã Bản Mù, Hát Lừu...

Thu nhập bình quân 1 ha cây sơn tra đạt trên 30 triệu đồng, đã có những hộ gia đình trồng sơn tra, thảo quả cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Ngoài ra, với nguồn dược liệu tự nhiên cũng là một trong những nguồn thu nhập đối với một số người dân, qua đó góp phần nâng cao ý thức trong bảo vệ tài nguyên rừng, nguồn dược liệu quý; phòng chống cháy rừng và giúp người dân yên tâm, gắn bó với sản xuất nông - lâm nghiệp, từng bước tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Cây dược liệu mang lại hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng cao.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì việc phát triển cây dược liệu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số sản phẩm dược liệu gặp khó khăn trong tìm đầu ra, chưa có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm như quả sơn tra, thảo quả; chưa có quy hoạch để có định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng tâm; chưa có sự tham gia vào cuộc của doanh nghiệp trong nghiên cứu, liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm…

Để cây dược liệu trở thành một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân vùng cao, thiết nghĩ các địa phương cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về giá trị kinh tế của dược liệu mang lại, vì không chỉ phục vụ cho sản xuất thuốc chữa bệnh mà còn là loại cây trồng có khả năng tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững nhất là đối với người dân vùng cao.

Cùng đó, tiếp tục xây dựng quy hoạch chi tiết, cụ thể phát triển cây dược liệu chủ lực của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh, gắn phát triển cây dược liệu với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tỉnh tiếp tục có cơ chế hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật, công nghệ trong phát triển cây dược liệu nhất là chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào chế biến.

Hình thành tổ chức sản xuất, tạo liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất chế biến dược liệu với người dân, chính quyền để xây dựng, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu các loài cây dược liệu theo quy hoạch, đặc biệt đối với những loại dược liệu đang có nhu cầu lớn phù hợp với điều kiện sinh thái và địa lý của từng địa phương

Từng bước xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cây dược liệu của mỗi địa phương trong tỉnh; khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng tán rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để phát triển thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, chuyên canh thuận lợi cho áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong vùng quy hoạch.

Ngọc Trúc

Trồng sen trên đất trũng

Nguồn tin: Báo Nam Định

Hoa sen là một trong những cây hoa truyền thống của Việt Nam, là loại cây dễ trồng và được khai thác sử dụng với nhiều mục đích như: lấy hoa trang trí, lá, củ, hạt làm thực phẩm, dược liệu và tạo vẻ đẹp cho cảnh quan, thanh lọc môi trường... Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao.

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ tham quan mô hình trồng sen lấy củ tại xã Minh Tân (Vụ Bản). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Hiệu quả kinh tế từ trồng sen trên đất lúa kém

Cây hoa sen có đặc điểm là cây dễ trồng, thích ứng cao với đồng đất địa phương, không mất quá nhiều thời gian chăm bón. Hơn thế nữa, thời gian gần đây, nhu cầu tiêu dùng của người dân không chỉ dừng lại ở việc lấy hoa trang trí, dùng hạt làm thực phẩm mà còn tận dụng cả lá, củ, ngó… làm dược liệu nên cây sen được trồng phổ biến hơn. Trước đây, sen trồng trong ao, đầm thì chỉ cần trồng một lần, hết vụ sen tàn rồi sang năm đúng tiết sen đâm chồi nảy lộc. Tuy nhiên để trồng sen kinh doanh, những người có kinh nghiệm thường chọn ao, đầm hoặc chân ruộng trũng tháo kiệt nước, vệ sinh ruộng, diệt mầm bệnh nấm, mốc và các loại sinh vật gây hại cho sen như ốc bươu vàng, cá rô phi để tạo môi trường cho sen sinh trưởng. Trung tuần tháng 2 âm lịch, bắt đầu vào vụ trồng sen. Sen được ươm bằng hạt hoặc ngó, sau đó bón thêm phân NPK và tháo nước dần theo sức lớn của sen. Chỉ sau 3 tháng, sen trổ hoa và cho đài lấy hạt. Thời gian thu hoạch khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, từ lúc trổ bông đến lúc sen tàn. Chỉ tính riêng thu nhập từ bán hạt sen, trung bình mỗi sào ruộng đã cho thu hoạch 1,5 đến 2 tạ hạt tươi, giá trị khoảng 5 triệu đồng. Ngoài ra, tiền bán hoa, lá sen, ngó sen cũng mang lại nguồn lợi không nhỏ. Đặc biệt với những mô hình kết hợp trồng sen và nuôi cá truyền thống còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Vũ Văn Phong, xã Yên Dương (Ý Yên) đã có thâm niên trồng sen trên 10 năm nay cho biết: gia đình tôi có 3 mẫu ruộng trồng cả sen trắng và sen hồng. Sen trắng chủ yếu lấy hoa, còn sen hồng để lấy hạt. Hoa sen bán tại đầm giá dao động từ 15-20 nghìn đồng/chục bông; hạt sen tươi loại bánh tẻ giá 35 nghìn đồng/kg, sen già sẽ bán được giá khoảng 30-40 nghìn đồng/kg”. Hết vụ thu hoa và hạt, ông Phong còn có thể tận thu ngó sen với mức giá 40-50 nghìn đồng/kg. Các bộ phận khác của cây sen như đài, lá cũng thường xuyên được các tiểu thương, người dân trong vùng hỏi mua. Trung bình mỗi vụ gia đình tôi thu về vài chục triệu đồng, cao gấp gần 10 lần trồng lúa mà không vất vả như làm lúa. Ngoài thu nhập từ sen, tôi thả thêm cá truyền thống, mỗi vụ cũng có thêm 2 tấn cá thịt chất lượng cao bởi cá nuôi trong đầm sen tự tìm thức ăn từ sinh vật phù du, lá sen mục và hoa, nhị, gạo sen rụng xuống đầm khi kết hạt. Anh Đặng Đình Nam, xóm Bói, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) hiện chỉ trồng 2 sào ao sen. Khác với các hộ trồng sen kinh doanh, anh trồng với mục đích làm sạch nguồn nước trước khi dẫn về cho các ao nuôi cá thịt, cá cảnh nhưng cũng mang thêm nguồn thu không nhỏ. Anh cho biết: Vì diện tích trồng sen nhỏ nên tôi chăm chút cảnh quan đầm sen, tạo không gian đẹp giữa ao nuôi cá cảnh và đầm sen nên thu hút không ít du khách đến tham quan. “Một công ba việc”, mỗi vụ tôi cũng thu được hàng chục triệu đồng từ bán hoa, bán hạt sen, tiền dịch vụ cho khách tham quan; quan trọng nhất là đàn cá thịt, cá cảnh có môi trường thuận lợi để phát triển”. “Tiếng lành đồn xa”, hiệu quả kinh tế từ việc trồng sen được phổ biến và nông dân nhiều nơi trong tỉnh học tập mô hình mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương. Nhiều hợp tác xã như hợp tác xã dịch vụ thương mại Minh Tân, xã Minh Tân (Vụ Bản); hợp tác xã Hải Quang (Hải Hậu) đã thành lập được các tổ đội sản xuất, chế biến sản phẩm từ sen để cung ứng ra thị trường.

Để nghề trồng sen phát triển bền vững

Diện tích trồng sen nhanh chóng mở rộng song vẫn chỉ phát triển tự phát. Do vậy, việc lựa chọn giống, quy trình chăm bón, xử lý sâu bệnh vẫn hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm; thị trường chưa ổn định và sản phẩm của cây sen vẫn ở dạng thô, chưa qua chế biến. Đa số người dân trồng sen chỉ với mục đích lấy hoa và lấy hạt, do đó chỉ sản xuất được 1 vụ/năm nên chưa phát huy hết hiệu quả kinh tế… Cây sen là cây trồng tiềm năng song hiện phát triển chưa tương xứng với lợi thế của tỉnh. Để hỗ trợ người dân phát triển trồng sen bền vững, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ người dân xã Minh Tân (Vụ Bản) thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng vùng đất trũng từ trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất sen và các sản phẩm từ cây sen theo chuỗi giá trị tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định”. Triển khai dự án, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả; Trung tâm Tài nguyên Thực vật, Viện Khoa học và kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng mô hình. Theo đó, 2 giống sen được chọn trồng trên đất Vụ Bản là sen lấy hạt (sen Mặt bằng, sen Tây hồ) và sen lấy củ (sen Oga, sen Kanasumi của Nhật Bản). Với hai loại sen này, các hộ dân được hướng dẫn 6 quy trình công nghệ từ nhân giống, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm. Dự án đã hỗ trợ hợp tác xã sản xuất kinh doanh - dịch vụ Nông nghiệp Minh Tân xây dựng các mô hình trên tổng diện tích 5.000m2 nhân giống sen; 40 nghìn m2 sản xuất sen lấy củ, lấy hạt và mô hình thu hái sơ chế, phân loại, đóng gói, bảo quản sản phẩm sen, một dây chuyền chế biến củ sen, hạt sen theo công nghệ mới có công suất 0,5-1 tấn/tuần. Sau 2 năm triển khai, đến nay, trung bình 1ha trồng sen đã cho thu hoạch 1,5-2 tấn hạt; 0,2-0,3 tấn ngó sen, 0,1-0,2 tấn tâm sen; 4-5 tấn củ sen. Tất cả các sản phẩm thu hoạch đều có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn để chế biến quy mô công nghiệp. Hiện tại sản phẩm từ cây sen của hợp tác xã đã được Công ty TNHH Địa Mỹ (Hà Nội) là doanh nghiệp đầu mối thu mua sản phẩm để tiêu thụ. Ngoài ra UBND huyện đã có phương án hỗ trợ người dân trồng sen đưa sản phẩm bày bán, giới thiệu tại khu vực chợ trung tâm, chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm và khu du lịch tâm linh trên địa bàn. Sở Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục hướng dẫn hợp tác xã xây dựng thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ để sản phẩm phát triển ổn định./.

Nguyễn Hương

Thu nhập khá từ nuôi dê Nam Phi

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Từ 6 con dê giống ban đầu, trong vòng 4 năm, anh Nguyễn Văn Hoàng ở bon Đắk R’la, xã Đắk N’Drót (Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đã nhân giống thành công và phát triển đàn dê giống Boer (Nam Phi) lên hơn 100 con, đem lại nguồn thu khá cho gia đình.

Áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi

Năm 2012, sau khi chuyển đến Đắk Nông sinh sống và lập nghiệp, cũng như bao người dân xung quanh, gia đình anh Hoàng tập trung phát triển kinh tế bằng nghề nông và có nguồn thu tương đối từ 2 ha tiêu, cà phê. Tuy nhiên, anh Hoàng vẫn luôn suy nghĩ, tìm tòi những cây trồng, vật nuôi hiệu quả để phát triển thêm kinh tế gia đình. Nhận thấy việc nuôi dê có nhiều lợi ích, vừa có thể tận dụng được cây cỏ trong vườn làm thức ăn, vừa bán dê thịt và có phân dê làm nguồn phân bón cho cây trồng.

Anh Nguyễn Văn Hoàng tận dụng cây cỏ trong vườn làm thức ăn cho đàn dê

Nghĩ là làm, năm 2016, anh Hoàng đầu tư 120 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 6 con dê giống về chăm sóc. Anh Hoàng rất tin tưởng vào mô hình nuôi dê của mình, bởi vốn đầu tư ít, quay vòng nhanh, có thể tận dụng được thời gian nông nhàn, giá dê lại khá cao so với các loại vật nuôi khác. Sau thời gian mày mò học hỏi kinh nghiệm từ các nơi, cùng với kiến thức từ sách vở, mạng internet, anh Hoàng đã có những kinh nghiệm cần thiết để phát triển đàn dê của gia đình.

Để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao, anh Hoàng tìm hiểu đặc điểm của loài dê và áp dụng khoa học kỹ thuật, từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Thức ăn cho dê chủ yếu là các loại lá như lá xoan, lá mít, lá bơ, cỏ… và cho ăn thêm cám bắp, cám gạo, bã đậu nành, bã bia.

Đàn dê hơn 100 con đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình anh Hoàng

Quá trình nuôi, anh tìm tòi để thiết kế làm hệ thống chuồng phù hợp, thuận tiện và thực hiện chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh để có thể phát triển đàn dê.

Anh làm sàn chuồng lên tới 2m để giúp chuồng trại thông thoáng, dê đỡ mắc bệnh, nhất là bệnh viêm phổi, đau mắt. Ngoài ra, anh còn dùng chế phẩm sinh học để giảm nhẹ mùi hôi trong chuồng và thường xuyên xử lý, dọn dẹp chuồng trại cho sạch sẽ.

Có nguồn thu nhập khá

Hiện tại, anh Hoàng đã có 3 chuồng dê với diện tích 120m2 để nuôi hơn 100 con dê Nam Phi; trong đó có 60 dê mẹ sinh sản. 1 con dê thời kỳ sinh sản, mỗi năm đẻ khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 1- 2 con. Dê con sau khi chăm sóc, đạt trọng lượng từ 20 -25 kg là có thể cho xuất chuồng, bán làm dê giống. Căn cứ vào hình thể, độ thuần chủng và chất lượng sinh sản trong tương lai mà mỗi con dê sẽ có mức giá khác nhau và thường dao động từ 180.000 - 300.000 đồng/kg hơi. Với mức giá này, mỗi con dê giống bán ra, anh Hoàng thu về từ 4 - 5 triệu đồng.

Thường xuyên dọn rửa chuồng trại để đàn dê không bị bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt

Anh Hoàng cho biết: "Nuôi dê giúp gia đình tôi có nguồn thu tương đối khoảng 300 triệu đồng/năm mà lại tận dụng được nguồn thực phẩm sẵn có ở trong vườn cho dê ăn. Không chỉ có nguồn thu từ chăn nuôi, tôi còn tiết kiệm khoảng 80 triệu đồng chi phí phân bón trong trồng trọt nhờ việc tận dụng phân dê để bón cây, góp phần tăng năng suất, sản lượng vườn cà phê, tiêu. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư tăng số lượng đàn dê để nâng cao hơn nữa nguồn thu của gia đình".

Với sự cần cù, chịu khó, anh Hoàng đã mạnh dạn tìm thêm hướng đi mới để phát triển kinh tế và thành công với mô hình nuôi dê nhốt chuồng, được bà con trong vùng học tập.

Bài, ảnh: Linh Thư

Phòng chống dịch bệnh động vật sau mưa lũ

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa về việc tổng vệ sinh, sát trùng, phòng, chống dịch bệnh động vật sau mưa, lũ.

Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước diễn biến bất thường, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng của thời tiết hiện nay và có khả năng xảy ra trong thời gian tới tại các tỉnh miền Trung, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực để chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật, chuẩn bị khôi phục sản xuất.

Trong đó, chú trọng hướng dẫn người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ động kiểm tra, gia cố chuồng nuôi, cơ sở nuôi thủy sản bảo đảm chắc chắn để phòng, chống bão, lụt. Có giải pháp ứng phó trong các trường hợp xảy ra úng ngập, cần di dời đàn vật nuôi đến vị trí không bị úng ngập, giải pháp giữ ấm cho đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết mưa, lạnh kéo dài.

Hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống phù hợp với từng đối tượng nuôi, đồng thời bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho đàn vật nuôi. Tổ chức thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho gia súc, gia cầm theo đúng quy định.

Khi nước rút phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Có phương án hỗ trợ con giống, hóa chất để xử lý môi trường, tiêu hủy thủy sản và vật nuôi chết do lũ, lụt và dịch bệnh. Báo cáo những khó khăn vướng mắc trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, lụt và trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn. Có văn bản báo cáo, đề xuất Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ khắc phục hậu quả theo quy định, trong đó có hỗ trợ hóa chất sát trùng, phòng, chống dịch bệnh.

Chủ động triển khai công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh,...

Tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định, không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.

NH

Ngành tôm kỳ vọng bứt phá dịp cuối năm

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Từ đầu năm, mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, đầu ra bị "tắc" bởi dịch COVID-19, song ngành tôm nước ta vẫn duy trì ổn định. Với những lợi thế có được từ EVFTA và dự báo nhu cầu tiêu thụ có thể bằng hoặc tăng 1-2% so với trước khi có dịch COVID-19 là cơ hội để con tôm tăng lợi thế cạnh tranh, tạo bứt phá vào dịp cuối năm.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thực phẩm Thủy sản Nam Hải, TP Cần Thơ.

Duy trì ổn định

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho biết: Ngay từ đầu năm, Tổng cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt. Ðồng thời, ban hành văn bản về việc ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường chỉ đạo sản xuất tôm nước lợ năm 2020 với các biện pháp tổng hợp: khung lịch mùa vụ; quy trình nuôi tôm hạn chế hóa chất; hướng dẫn phòng bệnh EHP. Về phía các địa phương, ngay từ đầu năm, 100% tỉnh, thành đều xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất năm 2020, ban hành khung thời vụ thả giống phù hợp và thực hiện nhiều giải pháp chỉ đạo sản xuất để tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Ðồng thời, ban hành kế hoạch, bố trí kinh phí ứng phó hạn mặn và phòng chống dịch bệnh thủy sản hoặc có hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân áp dụng được tốt; phê duyệt kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản và triển khai thực hiện…

Theo phản ánh của nhiều địa phương, mặc dù gặp khá nhiều bất lợi, song với sự chủ động từ trước nên diện tích, sản lượng tôm thu hoạch vẫn duy trì ổn định. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh Long An, cho biết: 9 tháng năm 2020, diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh 4.599ha, đạt 65% so kế hoạch, bằng 104,1% so với cùng kỳ. Diện tích thu hoạch 4.013,3ha, năng suất bình quân 2,7 tấn/ha, với tổng sản lượng gần 10.660 tấn, đạt 76,1% so với kế hoạch và bằng 129,1% so với cùng kỳ. Về đầu ra, vùng nuôi tôm của Long An giáp với thị trường tiêu thụ lớn là TP Hồ Chí Minh nên sản phẩm tôm được tiêu thụ thuận lợi, đa số người nuôi đều có lãi từ 100-300 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Sỹ Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, cho rằng, nuôi tôm nước lợ là một trong những ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Trong đó, 2 vùng trọng điểm nuôi tôm là vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng U Minh Thượng. Thời gian qua, chúng tôi huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển tốt nhất để tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Ðến tháng 9-2020, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt gần 129.370ha, đạt 99% kế hoạch; sản lượng 77.139 tấn, đạt 90,8% kế hoạch. Trong đó, nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp diện tích đạt 3.579ha, sản lượng đạt 25.279 tấn, năng suất trung bình khoảng 7,16 tấn/ha; nuôi tôm - lúa diện tích 97.721ha, sản lượng 41.626 tấn, năng suất trung bình khoảng 461 kg/ha; nuôi tôm quảng canh cải tiến diện tích 28.064ha, sản lượng 10.234 tấn, năng suất trung bình khoảng 432 kg/ha.

Tận dụng thời cơ

Từ tháng 8-2020, ngay khi EVFTA có hiệu lực, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22% được giảm về 0%. Ðáng chú ý là các sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh (mã HS 03061792) được giảm từ mức 4,2% (thuế GSP) về 0%. Ðây là lợi thế để doanh nghiệp Việt Nam đàm phán với nhà nhập khẩu EU khi so sánh với tôm cùng loại từ Thái Lan đang bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Ðộ chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia thuế GSP 4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, người nuôi, doanh nghiệp cần có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng, đạt tiêu chuẩn và tuân thủ quy định của thị trường EU. Ðặc biệt, doanh nghiệp biết tận dụng hiệu quả và linh hoạt, trung thực và hiệu quả quy tắc xuất xứ của hiệp định.

Ông Trương Ðình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhận định: "Nguồn cung tôm thế giới sau dịch COVID-19 có khả năng sẽ thiếu hụt trong khi nhu cầu tiêu thụ có thể bằng hoặc tăng 1-2% so với trước khi có dịch. Trong đó, 4 thị trường lớn là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU đang mạnh tay khôi phục kinh tế đều là những thị trường chính của tôm Việt Nam". Theo ông Hòe, xu hướng tiêu dùng của thế giới có thể thay đổi lớn sau dịch bệnh, tuy nhiên tập quán ưa chuộng thủy sản vẫn không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, ngành tôm ÐBSCL vẫn đứng trước các thách thức: dịch bệnh trên tôm ngày càng dễ bùng phát; chi phí nuôi tôm tăng; vấn đề nuôi tôm gắn với bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; đòi hỏi của thị trường ngày càng tăng dần và phức tạp hơn…

Nhiều ý kiến cho rằng, khoa học công nghệ góp phần giải quyết thách thức nói trên. Ðơn cử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, sản xuất và tiêu thụ để người nuôi tôm không bị bỏ lại phía sau trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Ông Trần Công Khôi nhấn mạnh: Trước diễn biến thời tiết bất thường, ngành Nông nghiệp cần phổ biến, hướng dẫn người nuôi lựa chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; ứng dụng các mô hình nuôi thành công theo công nghệ mới; thực hiện ương/vèo giống (20-25 ngày) để có cỡ giống lớn thả nuôi thương phẩm cho tất cả các hình thức nuôi. Ðồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành, phát triển các hợp tác xã/tổ hợp tác; khuyến khích phát triển hình thức liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Về phía các doanh nghiệp, người nuôi tôm cần áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, Global GAP, ASC… để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop