Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 11 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 11 năm 2016

Thăm vùng cù lao xoài

 

Nguồn tin: Báo An Giang

 

Cù lao Giêng (Chợ Mới, An Giang) từ lâu được thiên nhiên ưu đãi với vùng đất màu mỡ, nơi nuôi dưỡng biết bao con người lớn lên cùng trái xoài. Một lần trở về thăm vùng cù lao xoài, chúng tôi mới thấy hết sự chuyển mình của vùng đất này và cả những thách thức cho hướng đi sắp tới.

 

Không cần đợi đến mùa xoài, hễ ai đặt chân lên vùng đất cù lao Giêng, địa phận của 3 xã Mỹ Hiệp, Tấn Mỹ và Bình Phước Xuân đều thấy nhịp sống hối hả của những thương buôn đang ngày đêm vận chuyển xoài. Hình ảnh những người đàn ông hay phụ nữ hì hục chở từng chuyến xoài lên xuống bến đò Mỹ Luông đã được thay thế bằng hình ảnh thong thả hơn nhờ chiếc cầu thẳng tắp nối 2 bờ Mỹ Luông-Tấn Mỹ. Những chuyến xe tải chuyển hàng giao về vùng trên nhờ đó mà thuận tiện hơn. Đang nhanh tay lựa chọn chuyến hàng về chợ đầu mối tận Tiền Giang, chị Thư, ngụ ấp Bình Quới, xã Bình Phước Xuân, xởi lởi: “Làm nghề lái buôn cực lắm cô ơi, nếu không nhanh nhẹn và chịu khó sẽ không kham nổi chuyện vào tận vườn nông dân thu mua, phân loại hàng và đích thân chở hàng đi phân phối. Những ngày thị trường “ăn hàng” có thể nhận đến vài tấn, còn khi dội chợ mình cũng phải biết uyển chuyển phân phối thêm ở những thương lái, đầu mối khác”.

 

 

Người dân khá nhờ nghề buôn xoài

 

Xã Bình Phước Xuân, nơi đã xóa lúa, chỉ chuyên trồng xoài (915 héc-ta) có đến hàng trăm người sống bằng nghề thương lái, hơn 50 người sống bằng nghề thu mua xoài lá, 15 vựa xoài lớn chuyên thu mua và “tập kết” những chuyến xoài ba màu ra Bắc. Theo các thương buôn, xoài ba màu những năm qua được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, không kén chọn quả to, nhỏ, chất lượng loại 1, 2 hay 3, miễn đủ số lượng đặt hàng, giá cả dao động tùy theo thời điểm từ 30-40 ngàn đồng đến 60-70 ngàn đồng. Thế nhưng, đằng sau điều phấn khởi đó là chuyện đáng buồn, bởi việc mua bán giữa những lái xoài và người Trung Quốc phải thông qua một “tay cò” biên giới. Họ nhận hàng đem bán, nhận hoa hồng rồi mới giao tiền chứ không có bất kỳ sự ký kết hợp đồng mua bán nào, tất cả chỉ phụ thuộc vào niềm tin. Hơn nữa, lý do thị trường Trung Quốc lấy hàng dễ tính chính là thu mua xoài giá rẻ sau đó nhập vào kho, sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác mang thương hiệu xoài Trung Quốc đem xuất khẩu sang các nước khác. Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Bình Phước Xuân, nói: “Chúng tôi biết đây là điều thiệt thòi cho nông dân địa phương nên đã nỗ lực cùng các xã khác xây dựng thương hiệu “Trái cây cù lao Giêng”. Quá trình làm thủ tục và xây dựng đến nay đã 2 năm và đang trong quá trình hoàn thiện. Có được thương hiệu chung, chúng tôi còn nâng cao chất lượng trái xoài với cách trồng theo tiêu chuẩn VietGap và tìm kiếm nhiều thị trường có tính bền vững hơn”.

 

Nói về VietGap, chú Tám, xã Bình Phước Xuân, cho biết: “Tôi đã có kinh nghiệm mười mấy năm trồng xoài và hơn 7 năm trồng theo kiểu VietGap. Những tiêu chuẩn để trồng cho ra trái xoài sạch, đảm bảo chất lượng không làm khó nông dân chúng tôi, mà cái khó nhất hiện nay chính là tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho xoài VietGap, chứ hiện nay sản xuất xong không ai ký kết thu mua, nông dân buộc lòng bán cho thương lái như xoài thông thường”. Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Thắm, kỹ thuật viên nông nghiệp xã Bình Phước Xuân, sản xuất xoài theo VietGap phải đảm bảo tiêu chuẩn, kích cỡ trái xoài theo nhu cầu đặt hàng, do vậy năng suất thu hoạch sẽ giảm hơn so với xoài truyền thống, nên giá cả có phần cao hơn thị trường. Những siêu thị trong vùng có đặt vấn đề ký kết nhưng không thỏa thuận được giá nên xoài VietGap vẫn chưa tiêu thụ được. Còn thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc có thể trả giá trái xoài gấp đôi, gấp ba nhưng rất khó đáp ứng nhu cầu của họ.

 

Hướng đi cho trái xoài đã có, vấn đề hiện nay là làm sao để có tiếng nói chung giữa người nông dân trồng xoài và những thị trường khó tính. Việc củng cố lại cách thức làm ăn và sản xuất của các nhà vườn, thương lái cũng cần được quan tâm hơn theo hướng bền vững, đảm bảo khai thác gắn liền vào bảo vệ tài nguyên đất, đáp ứng vùng đất canh tác xoài trong những năm tiếp theo, cùng với đó là xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, sản xuất sạch hơn để nâng cao chất lượng trái xoài nơi xứ cù lao.

 

Đón đầu xu thế lựa chọn thực phẩm sạch và đáp ứng các thị trường khó tính hơn, những năm qua, các xã cù lao đã tổ chức được 2 lớp học cho nông dân về kỹ thuật trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap; có 95 nông dân tham gia vào hợp tác xã, với diện tích trồng gần 90 héc-ta.

 

TRÚC PHA

 

Trồng thanh long ruột đỏ ở Cam Lâm: Băn khoăn đầu ra

 

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

 

Nhằm đạt hiệu quả trồng trọt cao hơn, một số hộ ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng đạt kết quả như mong muốn.

 

Hiệu quả bước đầu

 

Tuần qua, vườn thanh long ruột đỏ của ông Hoàng Đức Hào (thôn Cửa Tùng, xã Cam An Bắc) tấp nập người thu hoạch. Với 2.536 gốc trồng trên 1,8ha, ông Hào thu lãi gần 100 triệu đồng/lứa. Ông Hào phấn khởi cho biết: “Thanh long càng trồng lâu, năng suất càng cao. Với giá trung bình 12.000 đồng/kg, nếu cây phát triển tốt, đầu ra ổn định thì từ năm thứ tư, vườn thanh long của tôi có thể cho lãi 500 triệu đồng/năm”.

 

 

Ông Hào chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ

 

Trước khi trồng thanh long ruột đỏ, 2,6ha đất của gia đình được ông Hào trồng mì. Ban đầu, cây mì cho hiệu quả, nhưng càng về sau, đất càng cằn cỗi, thêm nắng hạn kéo dài khiến năng suất mì ngày một giảm, lãi ước 600.000 đồng/sào. Ông Hào đã đi nhiều nơi học hỏi và bị cuốn hút bởi những vườn thanh long ruột đỏ ở tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai cho trái 8 - 10 vụ/năm, trong khi những cây trồng khác chỉ cho trái 1 - 2 vụ/năm. Sau khi mua thiết bị kiểm tra độ pH của đất, thấy đạt 5.5 - 6.0 (độ pH đất 5.7 phù hợp với thanh long), tháng 4-2014, ông Hào chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh và cỏ voi làm phân xanh ủ gốc thanh long. Sau 16 tháng, thanh long đã cho trái bói nặng 0,4kg và đến nay đã cho thu 10 lứa gối vụ (60 ngày/lứa, cây đang mang trái vẫn tiếp tục ra hoa), trọng lượng đạt 0,8 - 1kg/trái, năng suất 2 - 7 tấn/lứa.

 

Theo ông Nguyễn Đình Cương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam An Bắc, thanh long dễ phát triển, có thể tự nhân giống để mở rộng diện tích. Nếu chăm sóc tốt, mỗi gốc thanh long có thể cho khoảng 10 trái, 0,4 - 0,8 kg/trái, mỗi năm cho 8 - 9 lứa. Xã có hộ ông Hào chuyển đổi trồng thanh long ruột đỏ và bước đầu, loại cây này tỏ ra phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng. Hội Nông dân xã sẽ theo dõi hiệu quả của mô hình này thêm một thời gian rồi mới vận động người dân học tập, nhân rộng.

 

Ở thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam, 2ha thanh long ruột đỏ với 2.600 gốc của bà Hoàng Thị Kim Loan sau gần 3 năm cũng cho thu 10 lứa. Đây là diện tích được bà Loan chuyển đổi từ đất trồng mì kém hiệu quả. Bà Loan cho biết, thanh long đang cho năng suất trung bình 2 - 5 tấn/lứa, 0,4kg/trái, hiệu quả hơn trồng mì. Với năng suất này, nếu đầu ra ổn định, bà hoàn toàn yên tâm.

 

Cần thận trọng

 

Tuy nhiên, không phải hộ nào chuyển đổi trồng thanh long ruột đỏ cũng hài lòng. Theo ông Đinh Văn Cư - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Phước Tây, trên địa bàn xã có hộ ông Nguyễn Xuân Mai (thôn Văn Thủy 1) cũng chuyển 1 sào trồng rau đậu sang trồng thanh long ruột đỏ nhưng trái nhỏ hoặc bị hư không rõ nguyên nhân, cộng thêm giá thu mua thất thường khiến ông Mai nản lòng.

 

Được coi là hộ chuyển đổi hiệu quả nhưng ông Hào cũng lo lắng. Loại cây này không khó chăm sóc, năng suất cao nhưng đầu tư ban đầu khá lớn, chuyển đổi ở diện tích nhỏ không đáp ứng được lượng hàng bán sỉ. Tính ra, 1 trụ thanh long từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch lứa đầu (tưới thủ công) bỏ vốn đầu tư 600.000 đồng. Từ khi cây ra hoa đến khi thu hoạch đầu tư 6.500 đồng/kg trái, cộng với chi phí vận chuyển, cắt trái hết 2.800 đồng/kg. Đó là chưa tính 5 người làm vườn trả công 3,6 triệu đồng/người/tháng. Nếu lắp đặt hệ thống tưới tự động cả trên và dưới gốc phải cần thêm hơn 120 triệu đồng. Trong khi đó, giá bán lại không ổn định: gần Tết có thể tới 46.000 đồng/kg, nhưng có lúc hạ còn 8.000 đồng/kg; chưa kể mỗi lứa phải đạt trên 2 tấn trái bạn hàng mới lấy. “Đã có lứa tôi thu không đạt nên phải mang ra chợ bán rất vất vả, giá cũng hạ còn 5.000 - 8.000 đồng/kg tùy loại. Đầu ra của trái thanh long không giống xoài, ít người trồng, thu theo lứa, không thể bỏ sỉ hàng ngày nên khó chào hàng cho các vựa. Tôi đã liên hệ với một đơn vị thu mua thanh long ở Bình Thuận, nhưng họ yêu cầu phải trồng từ 5.000 gốc trở lên mới thu mua tận nơi”, ông Hào cho biết.

 

Bà Loan cũng chia sẻ: “Trồng thanh long nếu không nắm chắc kỹ thuật, năng suất thấp, trái nhỏ, diện tích ít thì chỉ bán trực tiếp được tại các chợ. Bây giờ, tôi chỉ mong có nhiều người trồng để đủ lượng hàng cho bạn hàng Bình Thuận thu mua ổn định”.

 

Ông Đặng Ngọc Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc cho biết, Cam An Bắc là xã chủ yếu trồng mì và mía với tổng diện tích 395ha mía, 208ha mì. Mấy năm qua nắng hạn, mất mùa, 1 sào mía hoặc mì nếu bán được giá cũng chỉ lãi 1 triệu đồng/năm. Vì vậy, lãnh đạo xã rất quan tâm đến việc chuyển đổi, phát triển cây trồng mới. Nếu cây thanh long cho năng suất cao, ổn định đầu ra thì xã sẽ khuyến khích nhân rộng. Xã sẽ liên hệ với các đơn vị thu mua để góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân.

 

Ông Nguyễn Lai - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lâm: Việc nông dân tìm tòi chuyển đổi giống cây trồng mới, hiệu quả cao, thích ứng được với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt là đáng quý. Tuy nhiên, nếu chuyển đổi ồ ạt mà không tìm được đầu ra ổn định sẽ dẫn đến nguy cơ nông sản sản xuất với số lượng lớn không tiêu thụ được, bị ép giá. Vì vậy, bên cạnh định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, các cấp hội cần tuyên truyền để nông dân không chuyển đổi ồ ạt, chạy theo phong trào, đồng thời tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ nông dân cung cấp thông tin thị trường, tìm đầu ra.

 

TIỂU MAI

 

Thọ Xuân mùa quả ngọt

 

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

 

 

Trang trại của gia đình anh Nguyễn Trí Tám, xã Xuân Thành (Thọ Xuân) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Anh.

 

Đông về se sắt heo may, cảm nhận bao nhiêu thứ tinh túy thảo thơm của đất trời đã gieo vào lòng trái quả. Chúng tôi háo hức tìm về vùng trồng cam ngon nổi tiếng trên đất Xuân Thành (Thọ Xuân, Thanh Hóa), đúng mùa cây gọi quả ngọt.

 

Con đường bê tông phẳng lỳ đưa chúng tôi vào khu vườn đầy cây trái trĩu cành, lúc lỉu những quả. Anh Nguyễn Trí Tám – một chủ trang trại trẻ tuổi, năng động nhất nhì vùng này dẫn chúng tôi tham quan một lượt, mời chúng tôi thưởng thức vị cam tươi lịm ngọt vừa mới hái trong vườn.

 

Anh Tám tâm sự, khoảng chục năm trước, nơi đây vốn là ruộng lúa nhưng thuộc khu đất cao nên cằn cỗi, khó tưới và cho năng suất thấp. Anh đã mạnh dạn xin xã cho thuê đất lâu năm để chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị cao hơn. Xã đồng ý, song, gia đình anh ngăn cản, cho rằng ngoài cây lúa, còn cây nào khác có thể sinh trưởng được trên đất này? Nhưng anh không nản chí, mà càng quyết tâm thực hiện ước mơ của mình “cải tạo đất xấu thành đất màu mỡ, biến tấc đất kém giá trị thành tấc vàng”.

 

Nghĩ là làm, chẳng bao lâu người ta đã thấy cả một vùng đất rộng 5 ha được anh đầu tư làm kinh tế trang trại. Trước tiên là cải tạo đất, tăng cường các loại phân bón để tăng độ màu mỡ cho đất, tạo luống, đào mương, xẻ rãnh đưa nước về tưới mát cho cây, rồi anh ra tận tỉnh ngoài chọn mua giống cây ăn quả về trồng. Người nông dân như anh đã khiến cho đất phải được “thở”, cây phải được sinh sôi, nảy nở, đơm hoa, kết trái theo đúng lẽ tự nhiên của nó. Sau 8 năm dày công chăm bón, trang trại của gia đình anh đã được phủ xanh cả một vùng, với hơn 2.000 gốc cam Vinh, hơn 300 gốc bưởi Diễn. Ngoài ra, anh còn kết hợp chăn nuôi khoảng 1.500 con lợn thịt và 200 con lợn nái để lấy phân bón cho cây, nuôi đàn gà đẻ trứng, đào ao thả cá... Riêng trồng cây ăn quả đã cho năng suất 30 tấn/1ha, với giá bán tại vườn là 32 nghìn đồng/kg, anh đã có lãi 500 triệu đồng/1ha/năm và còn tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên cùng với hàng chục lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

 

“Những ông chủ miệt vườn dám nghĩ, dám làm như anh Tám, anh Dũng, anh Thoại... xuất hiện ngày càng nhiều, càng chứng minh chuyện làm giàu không khó của nông dân thời nay” - Ông Hà Đình Thuần, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, khẳng định – Nhờ công cuộc xây dựng nông thôn mới, xã đã tập trung chuyển đổi hàng chục ha đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả (có múi). Quy hoạch được vùng cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa khoảng 25 ha, với hàng chục hộ và trang trại tham gia trồng và tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để bà con áp dụng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.

 

Nhìn ra toàn huyện, vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung, quy mô lớn đã được hình thành tại các xã: Xuân Thành, Xuân Trường, Bắc Lương, Thọ Xương. Các hộ đã có ý thức sản xuất hàng hóa, đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Sau thời gian trồng từ 5 - 10 năm, các hộ đã có thu nhập bình quân 400-500 triệu đồng/ha; sau trồng 10 năm trở lên có thu nhập bình quân 500 - 700 triệu đồng/ha; cá biệt có hộ cho thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên. Với cái đà đó, toàn huyện tiếp tục phấn đấu đến năm 2020 diện tích trồng mới cây ăn quả tập trung chuyên canh trong vùng quy hoạch khoảng 200 ha (chuyển từ đất lúa, mía kém hiệu quả, đất đồi bãi, vườn tạp), gồm cam các loại, bưởi Diễn và bưởi Luận Văn (50 ha), năng suất bình quân đạt từ 20 - 25 tấn/ha trở lên, giá trị trên một đơn vị diện tích cao hơn so với các cây trồng khác.

 

Bên cạnh phát triển vùng cây ăn quả, huyện đã bước đầu hình thành các vùng chuyên canh hàng hoá tập trung quy mô lớn như: vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao có diện tích 6.500 ha, năng suất bình quân đạt trên 67 tạ/ha; vùng trồng ngô trên 4.000 ha, năng suất bình quân 53 tạ/ha; vùng mía nguyên liệu có diện tích gần 3.000 ha, năng suất bình quân 62,5 tấn/ha; các vùng sắn nguyên liệu, ớt xuất khẩu, rau an toàn,... cũng đang được duy trì ổn định và phát triển.

 

Tuy vậy, các vùng sản xuất tập trung ở Thọ Xuân cũng đang gặp không ít khó khăn, bất cập, đó là: Qui trình kỹ thuật trồng, chăm sóc yêu cầu khắt khe nghiêm ngặt, thời gian kiến thiết cơ bản từ 3- 4 năm, đến năm thứ 5 mới bắt đầu cho thu hoạch ổn định nên nhiều hộ sản xuất không đủ khả năng đầu tư phát triển và mở rộng diện tích. Công tác tích tụ, chuyển đổi đất khó khăn, diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung, mặc dù đã qua “dồn điền, đổi thửa lần 2”. Bình quân đất nông nghiệp trên đầu người thấp, dẫn đến việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất còn hạn chế, chất lượng sản phẩm không đồng đều, hiệu quả kinh tế chưa cao. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tuy đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đầu tư cho chế biến và công nghệ sau thu hoạch chưa được quan tâm, cơ sở chế biến nông sản hầu như chưa có, chủ yếu sơ chế ở dạng thô dẫn đến sức cạnh tranh thấp. Liên kết “bốn nhà” trong sản xuất theo chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn; chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ. Người nông dân sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm, nặng tư tưởng bảo thủ, việc tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế...

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Huy Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững, huyện Thọ Xuân đã xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp, như: Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, quy hoạch mới và quản lý quy hoạch, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Quy hoạch liên kết giữa các vùng sản xuất có điều kiện tương đồng, đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm có cùng lợi thế, tạo khối lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chất lượng. Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích tích tụ ruộng đất bằng các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tuyên truyền, vận động các hộ có đất trong vùng quy hoạch nhưng không có khả năng sản xuất, chuyển đổi, chuyển nhượng cho các hộ, các tổ chức có khả năng sản xuất để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tạo môi trường thuận lợi, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Huyện cũng đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, có chính sách hỗ trợ tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

 

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững sẽ tạo bước đột phá về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh các sản phẩm, mở rộng các hình thức liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Xác định công tác tích tụ đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là tạo điều kiện để tổ chức lại sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là khâu đột phá. Tin tưởng trong vài năm tới, huyện sẽ cơ bản hình thành được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, từng bước ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, có sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, tiến tới xây dựng thương hiệu một số sản phẩm có lợi thế của huyện. Viễn cảnh tươi sáng cho bức tranh nông nghiệp của Thọ Xuân đang dần mở ra trước mắt chúng tôi, đặc biệt với những người nông dân, hứa hẹn mùa quả ngọt đang về...

 

Ngọc Anh

 

Hướng Hóa: Cảnh giác với nạn trộm cắp cà phê mùa thu hoạch

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

 

Hiện nay là cao điểm của mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2015 - 2016 ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Bên cạnh niềm vui khi giá tăng cao, một số chủ vườn rất lo lắng trước tình trạng trộm cắp cà phê.

 

 

Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ tài sản trong mùa thu hoạch cà phê

 

Bước vào vụ thu hoạch năm nay, giá thu mua cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa luôn ổn định ở mức cao, dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Đây là tin vui cho nông dân sau nhiều năm giá cà phê giảm sâu. Tuy nhiên theo phản ánh của một số chủ vườn, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng kẻ xấu lợi dụng đêm tối để trộm cắp cà phê bằng cách tuốt sạch, kể cả quả xanh. Mặc dù tình trạng trên diễn ra ở mức độ nhỏ lẻ và chỉ xảy ra ở những vườn cà phê nằm cách xa khu dân cư nhưng đã gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và thu nhập của nông dân. Một số nông dân chọn giải pháp thu hoạch sớm để chống mất trộm khiến chất lượng cà phê giảm sút bởi cà phê được thu hoạch khi chưa chín rộ, tỷ lệ quả xanh còn cao.

 

Để bảo vệ tài sản của người dân, đồng thời góp phần đảm bảo chất lượng cà phê trên địa bàn, chính quyền và ngành chức năng của huyện Hướng Hóa cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự quản cho người dân, khuyến cáo các đại lý không được thu mua cà phê quả xanh. Cùng với đó, lực lượng công an xã cần phối hợp với các chủ vườn thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là trong thời gian cao điểm của mùa thu hoạch cà phê.

 

CÔNG ĐIỀN

 

Phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi

 

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, ngày 23, 24-11 này, một đợt không khí lạnh sẽ tràn xuống gây rét đậm tại các tỉnh phía Bắc. Quảng Ninh cũng nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Chính vì thế, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai các phương án chống rét cho cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

 

 

Gia đình anh Nguyễn Tất Hùng, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên chủ động che đậy mặt nước để giữ ấm cho cá.

 

Theo thống kê của Phòng Kỹ thuật và Môi trường, Sở NN&PTNT, tính đến ngày 1-10-2016, toàn tỉnh có 46.242 con trâu, 22.963 con bò, 417.524 con lợn và trên 3,328 triệu con gia cầm. Để chủ động đối phó với tình hình thời tiết khắc nghiệt của mùa đông, Sở NN&PTNT ban hành Công văn số 3062/SNN&PTNT-KTMT ngày 26-9-2016 về việc chủ động phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Phó Phòng Kỹ thuật - Môi trường, Sở NN&PTNT Nguyễn Duy Huy cho biết: “Khi có rét đậm, rét hại xảy ra, Sở NN&PTNT và UBND các địa phương đều cử cán bộ xuống tận cơ sở, hộ dân để hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét, đề xuất hỗ trợ kịp thời khi có thiệt hại xảy ra. Chúng tôi còn hướng dẫn bà con trồng cỏ, ngô, dự trữ rơm, rạ làm thức ăn cho trâu, bò; vận động bà con tiêm phòng đầy đủ, tăng cường sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh phát sinh và lây lan cho gia súc, gia cầm”.

 

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng chỉ đạo phòng nông nghiệp của các địa phương khuyến cáo người dân, khi nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C không chăn thả trâu, bò tự do; cung cấp đầy đủ thức ăn, nước ấm cho trâu, bò; củng cố chuồng trại, che chắn gió lùa tạo sự kín, ấm.

 

Đối với cây trồng, hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa mùa muộn. Tính đến ngày 14-11, tổng diện tích cây rau màu vụ Đông đã gieo trồng khoảng 4.000ha. Dự kiến, tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông sẽ khoảng 7.000ha. Sở cũng đã tổ chức khuyến cáo người dân không xuống giống khi nhiệt độ dưới 3 độ C, thực hiện chống rét cho mạ xuân, không bón đạm khi nhiệt độ dưới 15 độ C, che phủ nilon, giữ nước 1-2cm, tăng cường bón ka-li, bón tro bếp cho mạ; đồng thời, tăng diện tích gieo thẳng, tăng tỷ lệ lúa xuân muộn để tránh rét; chuẩn bị giống lúa, giống rau dự phòng tăng 10%, nhất là các loại cây chịu lạnh như cải bắp, su hào...

 

Đối với lĩnh vực thuỷ sản, tính đến hết tháng 10, tổng số giống thả là 4,89 tỷ con, trên diện tích 20.690ha. Theo Phó Phòng Kỹ thuật - Môi trường Nguyễn Duy Huy, để bảo vệ nguồn thuỷ sản trước biến đổi thất thường của thời tiết, người dân cần chú ý bổ sung thêm vitamin C, vitamin B1, thuốc KN-04-12... theo đúng liều lượng hướng dẫn, nhằm tăng sức đề kháng và phòng một số bệnh nhiễm khuẩn cho cá. Đồng thời, phải che đậy mặt nước khi nhiệt độ xuống thấp để ổn định môi trường cho cá... Định kỳ 2 tuần/lần dùng vôi bột hay một số loại thuốc sát trùng: BKA, BKC, VICATO theo hướng dẫn của nhà sản xuất để ức chế, ngăn chặn sự xâm nhập của các vi-rút, vi khuẩn gây bệnh cá...

 

Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh dự báo, mùa đông năm nay sẽ có nhiệt độ thấp hơn trung bình các năm trước. Nền nhiệt trong mùa khoảng 18-19 độ C, nhiệt độ thấp nhất khoảng 6-8 độ C. Ở một số địa phương vùng núi có thể thấp hơn. Số đợt rét đậm, rét hại ít hơn trung bình nhiều năm, song có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại kéo dài, tập trung chủ yếu vào giữa tháng 12-2016 đến đầu tháng 2-2017. Vùng núi có thể xuất hiện băng giá và sương muối, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Do đó, các địa phương cần hướng dẫn cụ thể để người dân chủ động hơn trong phòng, chống giá rét cho cây trồng, vật nuôi.

 

HOÀNG QUỲNH

 

Lâm Đồng: Hội thảo tư vấn mắc ca lần thứ 3 thu hút đông đảo nông dân

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Ngày 20/11, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng), diễn ra Hội thảo giới thiệu kỹ thuật canh tác mắc ca và tư vấn tín dụng cho 300 nông dân các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc và Đam Rông. Đây là Hội thảo lần thứ ba do Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt phối hợp với các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Đặc biệt, Hội thảo lần này có sự tham dự và trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến mắc ca của hai đại diện Hiệp hội Mắc ca Úc và Vân Nam (Trung Quốc).

 

 

Đông đảo nông dân quan tâm đến tìm hiểu về cây mắc ca và tín dụng hỗ trợ canh tác mắc ca

 

Ông Trần Đình Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Di Linh đề nghị các chuyên gia phải tư vấn thật rõ các vấn đề về giống, canh tác, thu hoạch và chế biến sản phẩm; có những cam kết và kế hoạch hỗ trợ vốn vay đối với việc trồng mắc ca tại các địa phương… Di Linh hiện có khoảng 270 ha cà phê trồng xen mắc ca và quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 1.300 ha mắc ca trồng xen.

 

Điểm khác biệt của lần hội thảo này là đa số bà con ở vùng canh tác cà phê, đang có dự định trồng xen mắc ca. Nên bà con muốn đến nghe tư vấn và tìm hiểu về các phương thức tín dụng đối với cây mắc ca; đồng thời, tìm giải pháp khắc phục đối với những vườn mắc ca 3-4 năm tuổi của gia đình chưa cho trái hoặc ít trái…

 

LÊ HOA

 

Cẩn trọng với giống lúa không rõ nguồn gốc

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Hiện nay, nông dân tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đã và đang xuống giống vụ lúa Đông xuân 2016-2017. Tuy nhiên, chưa năm nào thị trường lúa giống lại diễn biến phức tạp như hiện nay. Đặc biệt qua kiểm tra, ngành chức năng đã phát hiện hàng chục tấn lúa giống không rõ nguồn gốc được một số thương lái bán cho nông dân.

 

 

40 bao lúa giống RVT không rõ nguồn gốc vừa bị tạm giữ tại ấp 7, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy.

 

Nhập nhằng chuyện giống lúa

 

Vào những ngày đầu tháng 11, thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh, ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy cùng lực lượng Công an huyện đã tổ chức kiểm tra và tạm giữ trên 3 tấn lúa giống RVT không rõ nguồn gốc chuẩn bị cung ứng cho nông dân xã Vĩnh Trung và xã Vị Thủy. Hầu hết người dân đều tin tưởng người bán và chỉ ngỡ ngàng khi vụ việc được ngành chức năng phát hiện. Chị Nguyễn Thị Nhàn, ở ấp 7, xã Vị Thủy, nói: “Nông dân mà thấy giá lúa cao cũng ham. Khi thương lái mời chào mua lúa giống, tôi cũng chịu rồi, nhưng băn khoăn không biết có phải giống RVT như họ nói không nên mới nhờ mấy cán bộ nông nghiệp xuống xem. Ai dè kiểm tra xong mới biết không phải giống xác nhận. Đây là một hình thức lừa gạt nông dân”.

 

Trước đó, tại xã Vị Thắng, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và huyện Vị Thủy cũng đã tạm giữ chiếc ghe biển kiểm soát CT 07793, chở gần 40 tấn lúa giống đang chuẩn bị bán cho nông dân ở ấp 11, xã Vị Thắng. Theo đó, phía doanh nghiệp sẽ cung cấp giống lúa xác nhận RVT cho nông dân với giá 15.000 đồng/kg, sau đó sẽ tiêu thụ toàn bộ sản phẩm được nông dân sản xuất ra. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì tất cả đều là lúa thường chứ không phải là lúa giống. Đặc biệt, trên bao bì đựng lúa giống có nhiều vi phạm như không có tên đơn vị, địa chỉ sản xuất.

 

Với diện tích trên 16.000ha đất sản xuất lúa, mỗi năm huyện Vị Thủy cần trên 2.000 tấn lúa giống. Trên địa bàn huyện, hiện nay các CLB, tổ hợp tác, HTX nhân giống lúa là nơi cung cấp, phân phối chính các loại giống lúa xác nhận cho bà con nông dân. Tuy nhiên, trên thực tế hầu như các đại lý mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều có kinh doanh giống lúa xác nhận. Không những thế, ngay cả những hộ kinh doanh xay xát gạo, thu mua lúa… cũng tham gia mua bán lúa giống. Đặc biệt gần đây có khá nhiều doanh nghiệp, thương lái len lỏi vào trong dân để kêu gọi mua lúa giống RVT không rõ nguồn gốc và một số hộ đã ngâm giống nhưng không lên hoặc nẩy mầm không đều.

 

Bà Trần Hồng Tim, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho biết: Không riêng gì giống RVT mà đối với các giống khác, ngành cũng đề nghị cán bộ kỹ thuật nhắc nhở nông dân nên tin tưởng mấy công ty được sự giới thiệu của ngành chức năng cấp tỉnh, cấp huyện. Còn lại các công ty, cơ sở nhỏ tự liên hệ, tự len lỏi bán lúa giống cho nông dân thường là mục đích trá hình, vì thực tế đã có trường hợp hứa bao tiêu sau đó không thấy quay lại mua lúa.

 

Có nên xuống giống đại trà lúa RVT?

 

Theo ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng thực tế cho thấy chưa năm nào giống RVT lại được nhiều nông dân quan tâm, lựa chọn gieo sạ như vụ này. Ông Nguyễn Văn Thành, nông dân ở ấp 7, xã Vị Thủy, có trên 2ha đất thì hơn phân nửa được ông trồng giống RVT. Ông Thành cho biết nguyên nhân: “Thấy người ta làm năm rồi bán có giá mà mình làm giống khác bán rẻ hơn nên mới làm theo. Tính ra mua giống này không có mắc hơn bao nhiêu, vì 1kg lúa giống RVT giá 15.000 đồng, trong khi giống OM 5451 cũng đã 12.000 đồng mà lúa khi làm ra bán thấp hơn giống RVT”.

 

Không riêng gì ông Thành, mà nhiều nông dân khi sạ giống RVT đều có chung suy nghĩ cũng muốn kiếm được nhiều đồng lời. Điều này là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tràn lan nạn bán lúa giống RVT không rõ nguồn gốc, kém chất lượng tại huyện cũng như nhiều địa phương lân cận mà chưa lường hết hệ lụy phía sau. Bà Trần Hồng Tim, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho biết: Hiện nông dân huyện Vị Thủy đã xuống giống được trên 4.000ha lúa Đông xuân, chiếm hơn 1/4 diện tích cả vụ, với cơ cấu giống được khuyến cáo là OM 5451, OM 4900, OM 8017, OM 4218... Riêng đối với giống RVT không khuyến cáo nông dân gieo sạ. Bên cạnh đó, hiện nay các công ty, đại lý cung cấp giống cho bà con không phải là giống cấp xác nhận thực thụ, do giống này chỉ có độc quyền là của Công ty Giống cây trồng Trung ương. Lúa RVT của các công ty, đại lý cung cấp sẽ không đảm bảo độ nẩy mầm, chất lượng sau này. Đặc biệt, hiện nay giống này do một số công ty ký được hợp đồng nên đặt hàng với nông dân. Còn diện tích không được đặt hàng sẽ khó có đầu ra. Các công ty này chủ yếu ký hợp đồng với thị trường Trung Quốc, mà thị trường này trước nay rất bấp bênh.

 

Tuy nhiên, vấn đề nan giải là giống lúa ở huyện Vị Thủy cũng như các địa phương vùng ĐBSCL là chất lượng giống còn thả nổi. Trong khi việc kiểm tra, xử phạt vi phạm về chất lượng giống của các đơn vị có thẩm quyền quản lý chất lượng giống chưa đủ răn đe. Ngoài vai trò chủ động định hướng cơ cấu giống, kiểm tra của ngành chức năng thì nông dân cần cân nhắc khi lựa chọn giống để đảm bảo năng suất và đầu ra hạt lúa lâu dài.

 

THU HIỀN

 

An Giang: Tăng cường diệt chuột bảo vệ lúa

 

Nguồn tin: Báo An Giang

 

Với tình trạng nước lũ thấp cùng quá trình thâm canh cây lúa liên tục đã tạo điều kiện cho dịch chuột phát sinh trên diện rộng. Do đó, việc diệt chuột bảo vệ mùa màng đã trở thành vấn đề cấp bách, cần được ngành chuyên môn và nông dân thực hiện thường xuyên, liên tục.

 

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh An Giang, tình hình chuột gây hại trên cây trồng diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Năm 2016, có hơn 52.600 héc-ta lúa bị chuột gây hại, tăng gần 11.000 héc-ta so cùng kỳ năm trước. Dự báo, tình hình chuột gây hại sẽ gia tăng nếu thời tiết tiếp tục khô hạn và nước lũ thấp trong năm 2017. Mặt khác, việc giảm sút số lượng các loài vật thiên địch với chuột như rắn, mèo, chó… đã khiến số lượng “ông tý” phát triển nhiều hơn. Do đó, muốn hạn chế thiệt hại do chuột gây ra phải tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng trừ liên tục, lâu dài và huy động mọi người cùng tham gia.

 

Ông Huỳnh Tấn Hưng, Phó Trưởng trạm TT&BVTV Châu Phú, cho biết: “Thời điểm mưa cũng là lúc chuột phát sinh nhiều nhất. Theo cách tính của ngành chuyên môn, chỉ 1 cặp chuột đồng không bị tiêu diệt thì sau một năm chúng có thể phát triển hơn 2.000 con. Vì thế, việc bắt chuột ngay thời điểm đầu vụ sẽ chặn đứng quá trình phát triển số lượng theo cấp số nhân của chúng”. Hiện tại, các Trạm TT&BVTV huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều thống nhất thực hiện theo kế hoạch diệt chuột của Chi cục TT&BVTV tỉnh đề ra.

 

“Biện pháp được áp dụng thường xuyên nhất là diệt chuột cộng đồng. Chúng tôi tập trung nông dân các địa phương tìm diệt chuột tại những bờ đê chúng thường trú ẩn. Thông thường, người ta sẽ đào hang, bơm nước để bắt chuột. Biện pháp này sẽ góp phần nâng cao ý thức diệt chuột thường xuyên của nông dân, giúp bà con chủ động bảo vệ mùa màng”- ông Huỳnh Tấn Hưng thông tin. Dự kiến, Chi cục TT&BVTV tỉnh sẽ thực hiện 210 cuộc diệt chuột cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh với kinh phí trên 200 triệu đồng trong năm 2017.

 

 

Tích cực thực hiện các buổi diệt chuột cộng đồng

 

Hiện nay, ngoài biện pháp diệt chuột cộng đồng, ngành chuyên môn còn hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình bẫy cây trồng với mục đích hướng đến phương pháp diệt chuột ổn định, thân thiện với môi trường. Hiện nay, Trạm TT&BVTV Châu Phú đang triển khai mô hình này và đang thu được hiệu quả nhất định. Mô hình được áp dụng trên diện tích ruộng 2.000m2 của anh Bùi Tấn Lộc (xã Bình Mỹ, Châu Phú). Anh Lộc giải thích: “Sau khi xuống giống lúa thơm tại diện tích ruộng nói trên, tôi có thể bắt tay vào làm bẫy. Trước tiên, tôi làm hàng rào ny-lon xung quanh diện tích ruộng cần làm bẫy. Cứ cách 20 – 30 mét thì khoét một cửa để chuột chạy vào. Ngay cửa sẽ đặt các loại bẫy lồng, bẫy sập. Theo quán tính, chuột nhất định sẽ men theo hàng rào đến các cửa này rồi lọt vào bẫy”. Bên cạnh đó, nông dân cũng thường xuyên sử dụng các loại thuốc BVTV chứa hoạt chất ít độc nằm trong danh mục cho phép để diệt chuột, như: Bromadiolone, Diphacinone, Coumatetralyl… Tuy nhiên, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân nên ứng dụng biện pháp sinh học để tiêu diệt chuột bằng cách bảo vệ, phát triển đàn mèo, không tận diệt các loại rắn ăn chuột trong tự nhiên hay sử dụng bả sinh học Biorat.

 

Ngoài các hoạt động của ngành chuyên môn, nông dân cũng bắt chuột một cách tự phát bằng hình thức thủ công. “Thông thường, chúng tôi có thói quen ví cù vào cuối vụ lúa hoặc có thể dẫn theo chó đào hang bắt chuột trong bất cứ thời điểm nào trong năm. Có những hộ dân chuyên bắt chuột để bán thương phẩm bởi đây cũng được xem là “đặc sản” của ruộng đồng” - ông Nguyễn Văn Thiệt, nông dân xã Khánh An (An Phú), chia sẻ.

 

Với diễn biến của dịch chuột hiện nay, Chi cục TT&BVTV tỉnh đã tiến hạnh vận động, kêu gọi nông dân tích cực diệt chuột bảo vệ mùa màng bằng các biện pháp an toàn, thân thiện với môi trường. Mong rằng, với sự nỗ lực của ngành chuyên môn, sự ủng hộ của các địa phương và người dân, công tác diệt chuột sẽ thu được hiệu quả cao trong những vụ sản xuất tiếp theo.

 

THANH TIẾN

 

Trồng cây tràm Úc thu hàng trăm triệu trên đất trũng, phèn

 

Nguồn tin: VOV

 

Bà con trồng tràm Úc tại tỉnh Sóc Trăng đang rất phấn khởi khi loại cây lâm nghiệp này đang cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định.

 

Theo người dân trồng tràm ở huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, vùng đất Mỹ Tú nhiều khu vực là vùng trũng, thấp thường bị ngập nước và nhiễm phèn nặng. Do vậy sau nhiều năm trồng tràm rừng truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp, khoảng 10 năm nay, người dân chuyển sang trồng cây tràm Úc thay thế với khoảng 700 ha.

 

 

Anh Nguyễn Văn Đắng đang chăm sóc cây tràm Úc.

 

So với cây tràm rừng truyền thống thì tràm Úc cho hiệu quả kinh tế gấp đôi, thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Trung bình chỉ mất 2,5 - 3 năm. Hiện thương lái thu mua tràm Úc trên diện tích 1ha (thời gian sinh trưởng từ 2,5 - 3 năm) vào khoảng từ 100 triệu đến gần 200 triệu đồng. Do loại cây trồng này không tốn nhiều công lại dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp nên lợi nhuận thu về rất cao.

 

Người dân trồng tràm chia sẻ, sở dĩ cây tràm Úc chỉ cần 2,5 - 3 năm trồng là có thể đốn bán phần lớn để sử dụng làm tràm cừ phục vụ xây dựng công trình.

 

Anh Nguyễn Văn Đắng, người trồng tràm ở xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú cho biết: “Trồng tràm Úc khoảng 10 năm thôi. Trước đây, tôi trồng khoảng 4 năm, nhưng nay mình rút ngắn chỉ còn khoảng 3 năm là bán, cho năng suất cũng tương đối. Trước đây khoảng 3-4 tháng, tôi cũng có bán gần 2ha, thu về cũng trên dưới 30 triệu, còn gần đây nữa mới bán khoảng 1 ha thì cũng thu về được khoảng 140 triệu”./.

 

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

 

Gia Lai: Thiếu nhân công thu hoạch cà phê

 

Nguồn tin: Báo Gia Lai

 

Khoảng vài năm trở lại đây, cứ bước vào mùa thu hoạch cà phê thì tình trạng thiếu nhân công lại diễn ra. Dù mới vào đầu mùa thu hoạch nhưng người trồng cà phê ở Gia Lai đã “đua” nhau tìm nhân công.

 

Theo nhiều người làm cà phê, sở dĩ thiếu hụt nhân công là bởi nguồn lao động từ các tỉnh Bắc Trung bộ, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đã không còn đổ dồn về Tây Nguyên như trước nữa.

 

 

Thu hoạch cà phê. Ảnh: Huy Tịnh

 

Các vùng cà phê trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Ia Grai, Chư Prông, Đak Đoa... đều thiếu người thu hoạch cà phê. Người trồng cà phê chạy đôn, chạy đáo thuê nhân công thu hoạch. Chị Huỳnh Thị Kim Phúc (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) nói: “Tôi đang đợi nhà chống thuê 6 người quen từ Bình Định lên. Gia đình có 2 ha cà phê đang thu hoạch cần 10 người hái, nhưng mới thuê được 2 người”. Nhiều khi thuê được người rồi nhưng chưa thể yêm tâm, bởi lẽ, có người chỉ làm theo kiểu đối phó, khi có chủ thì tích cực, vắng chủ thì ngồi chơi hoặc không cẩn thận làm gãy cành.

 

Còn chị Đặng Thị Liệu (thôn 6, xã Gào, TP. Pleiku) cho biết: Trước đây, khi trộm cắp cà phê chưa phức tạp, chúng tôi có thể đổi công cho nhau. Những năm gần đây, tình trạng trộm cắp diễn ra thường xuyên nên ai cũng tranh thủ thu hoạch để tránh mất cắp. Vì vậy, tình trạng thiếu nhân công càng trở nên trầm trọng.

 

Mỗi ha cà phê cần hàng chục nhân công thu hái, đó là chưa kể thu hoạch theo kiểu chọn quả chín. Nếu tuân thủ theo khuyến cáo thì số lượng nhân công sẽ tăng lên gấp đôi. Có những hộ do cà phê chín rộ, không có nhân công thu hoạch nên đã phải đến các “chợ lao động” để tìm người. Anh Nguyễn Quốc Thành (xã Glar, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Vườn cà phê 1,8 ha của tôi đã chín đỏ cả cây nhưng không có người thu hoạch. Vài ngày nay, tôi liên tục ra thị trấn Đak Đoa tìm nhân công từ các tỉnh lên nhưng không có. Đối với người đồng bào tại chỗ bước vào chính vụ thu hoạch tìm “đỏ mắt” cũng không có người”.

 

So với những năm trước, giá cà phê năm nay tăng khá cao, khoảng 45.000 đồng/kg nhân. Giá cà phê tăng nên giá thuê nhân công thu hoạch cũng cao hơn mọi năm. Nếu như năm ngoái, giá thuê nhân công tầm 140.000 đến 150.000 đồng/ngày/người (bao ăn, ở) thì năm nay khoảng 180.000 đồng/ngày/người. Thậm chí có chủ hộ thuê 200.000 đồng/ngày nhưng vẫn không có lao động.

 

Theo thống kê mới nhất, Gia Lai có gần 92.000 ha cà phê, trong đó có khoảng 81.000 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Trong đợt hạn hán vừa qua, toàn tỉnh có hơn 22.200 ha bị thiếu nước tưới, khô hạn làm giảm năng suất 30-70% hoặc chết khô, mất trắng. Vì thế, vụ cà phê năm nay cho dù giá tăng hơn mọi năm nhưng dự báo năng suất sẽ giảm.

 

Anh Khoa

 

Hiệp hội mắc ca hứa đầu ra cho 'cây tỷ đô'

 

Nguồn tin: VnExpress

 

Hiệp hội mắc ca Việt Nam vừa có một loạt động thái để lo liệu tương lai dài hạn cho hạt mắc ca và giải quyết nạn cây giống kém chất lượng đang làm nhiều nông dân khu vực Tây Nguyên hoang mang.

 

Trồng xen 600 cây mắc ca với 2.000 cây cà phê trên diện tích 2 hécta, anh Trầm Văn Huynh tại thôn Tân Trung, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết, dù giá thu mua hạt mắc ca tươi năm nay giảm so với năm ngoái nhưng doanh thu từ mắc ca vẫn đang cao hơn cà phê.

 

“Vườn mắc ca của tôi đã được 7 năm tuổi. Đến năm thứ 5 thì thu nhập đã nhiều hơn cà phê rồi. Với 2 hécta này, từ năm thứ 6 tôi thu được 3 tấn hạt mắc ca, còn cà phê thì thu được 8 tấn. Giá trị quy ra tiền thì mắc ca cao hơn.”

 

Vào thời điểm khoảng tháng 8 năm ngoái, giá hạt mắc ca tươi (nguyên vỏ cứng) được thu mua tại vườn khoảng 120.000 đồng mỗi kg. Tuy nhiên, đến nay, theo một số nông dân huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, giá thu mua hạt tươi đã xuống dưới 100.000 đồng mỗi kg, có khi chỉ còn 70.000 đồng. Tuy nhiên, các nông dân cũng thừa nhận, đây vẫn là mức giá tốt và các cơ sở chế biến cũng mua rất nhanh. Bà Bùi Huyền - Trưởng phòng sản xuất của Công ty TBK Green Food ở Lâm Đồng cho biết, ngoài thu mua hạt mắc ca địa phương, công ty này còn nhập hạt nguyên liệu từ nước ngoài để đủ sản lượng chế biến vì nhu cầu tiêu thụ đang tốt. “Hiện nhà xưởng của chúng tôi có công suất tối đa 50 tấn mỗi tháng. Từ tháng 7 đến cuối năm nay, chúng tôi dự kiến chế biến 180 tấn. Trong năm sau, chúng tôi có kế hoạch mở rộng nhà xưởng lên quy mô 2.000m2, đạt công suất 1.000 tấn một năm để xuất khẩu thành phẩm đi Australia”.

 

 

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đảm bảo đầu ra cho người trồng.

 

Theo tính toán của các chuyên gia, hiện tại, đầu tư một hécta mắc ca xen canh với cà phê có chi phí không lớn, chỉ vào khoảng 100 triệu đồng. Đây là khoản đầu tư mà không ít nông dân ở Tây Nguyên có thể xoay xở được. Thậm chí, nếu có nhu cầu thì thị trường cũng đã có ngân hàng triển khai gói vay ưu đãi riêng để trồng. Tuy nhiên, sản lượng mắc ca không chỉ tăng ở Việt Nam mà còn đang tăng ở khá nhiều nơi trên thế giới. Theo dự báo của Hiệp hội mắc ca Australia, sản lượng mắc ca tại các vùng trồng lớn như: Australia, Mỹ, Nam Phi đều sẽ tăng. Đó là chưa tính đến tình hình phát triển nóng của ngành mắc ca Trung Quốc. Tính đến cuối tháng 7/2016, hai tỉnh trồng mắc ca lớn của nước này là Vân Nam và Lâm Thương đang có tổng cộng 270.000 hécta mắc ca. Dự kiến thời gian tới, riêng tỉnh Lâm Thương sẽ mở rộng thêm 100.000 hécta. Khả năng cạnh tranh của mắc ca Trung Quốc cũng khá mạnh vì quy mô chế biến lớn, với những nhà máy có công suất đến 10.000 tấn một năm và sản phẩm đa dạng, không chỉ nhân mắc ca mà còn có nhân mắc ca rang muối, cà phê mắc ca, sữa mắc ca, mật ong mắc ca...

 

“Đã là nông dân thì chúng tôi cũng muốn trồng nhiều cây để không bị rủi ro về giá. Nhưng bây giờ bán cây giống thì phải cam kết thu mua sản phẩm. Bà con giờ hiểu biết lắm rồi. Đừng bán giống rồi thôi, phải xuống gắn kết với bà con. Chứ giờ trồng cả chục năm rồi mà bán không được thì chúng tôi chịu thiệt, còn mấy ông bán giống thì biến mất”, một nông dân tại huyện Di Linh lo lắng.

 

Ông Trần Đình Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Di Linh cũng khẳng định, huyện này nói riêng và Lâm Đồng nói chung ủng hộ trồng mắc ca. Tuy nhiên, 2 nỗi lo lớn của địa phương và chất lượng giống và đầu ra phải giải quyết được rốt ráo thì mới an tâm. “Tôi thấy quan trọng nhất là vấn đề cây giống, thời gian qua bà con trồng tự phát nên không biết chọn giống nào. Thứ hai là quy trình chăm sóc cần được hướng dẫn kỹ hơn. Và thứ ba là vấn đề đầu ra. Rất nhiều nông dân cũng suy nghĩ không biết đầu ra trong tương lai như thế nào. Rồi còn khâu chế biến sau thu hoạch nữa”, ông Sỹ thẳng thắn.

 

Phản hồi về vấn đề này, Hiệp hội mắc ca Việt Nam cho biết đã có hàng loạt giải pháp được triển khai nhằm đảm bảo tương lai lâu dài của hạt mắc ca. Hiệp hội này đã ký được thỏa thuận hợp tác với 2 hiệp hội mắc ca có sản lượng hàng đầu thế giới là Hiệp hội mắc ca Australia và Hiệp hội mắc ca Vân Nam (Trung Quốc) để liên kết nhau trong vấn đề giá. Đại diện các hiệp hội này cũng cho rằng, vấn đề liên kết sẽ hạn chế tối đa rủi ro giá cho mắc ca toàn cầu. “Chúng tôi không thể dự báo được sản lượng mắc ca của Trung Quốc trong thời gian tới, nhưng dù phát triển chậm nhất thì cũng là một vùng trồng rất lớn trên thế giới. Trừ khi chúng ta cùng tìm kiếm, phát triển thị trường chứ nếu không khi cung mắc ca tăng cao thì giá toàn cầu sẽ giảm xuống. Do đó, nếu các hiệp hội cùng hợp tác phát triển chặt chẽ thì sẽ xây dựng được thị trường ổn định”, ông Jolyon Richard Burnett - Tổng giám đốc Hiệp hội Mắc ca Australia nhận định.

 

“Với tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường thì chúng ta còn chặng đường rất dài. Chỉ khi chúng ta đoàn kết, liên kết lại thì mới đạt được hiệu quả. Hiện giá mắc ca rất cao nhưng thị phần còn rất nhỏ, chỉ chiếm 2% trong tổng các loại hạt. Chúng ta nên hợp tác để nâng từ 2% lên 10%”, bà Chen Yuxiu – Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Vân Nam (Trung Quốc) lạc quan trong bối cảnh tiêu thụ mắc ca trên đầu người tại Trung Quốc chỉ mới có 1,3gram so với Australia là 137 gram mỗi người một năm.

 

Cùng với ký kết với nước ngoài, Hiệp hội mắc ca Việt Nam còn tuyên bố cam kết thu mua và trợ giá cho các nông dân tham gia thành viên hiệp hội với 95% giá thế giới. Công ty Him Lam, thành viên của hiệp hội này đã có kế hoạch xây dựng một nhà máy chế biến mắc ca tại Lâm Đồng. Giáo sư Hoàng Hòe - Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết, lộ trình về lượng cây sẽ trồng và các loại giống đạt chuẩn đã được đơn vị này chuẩn bị xong để đảm bảo đầu vào và cả đầu ra dài hạn. “Dự tính trong tương lai sẽ trồng thêm chỉ 10 triệu cây cho 5 đến 10 năm tới. Tôi muốn nói số cây chứ không phải hécta vì chúng ta trồng xen vào vườn cà phê. Hiện có 10 giống mắc ca phù hợp mà chúng tôi khuyến nghị nông dân chủ động chọn từ nguồn có uy tín”, giáo sư Hòe chia sẻ.

 

“Ở Việt Nam, cây mắc ca phát triển khá nhanh, sản lượng có vẻ tốt hơn các cây trồng cùng thời điểm với Australia, hương vị cũng thơm ngon. Nhưng mắc ca của các bạn giống như trẻ vị thành niên. Thách thức từ một đứa trẻ vị thành niên là đến khi trưởng thành phải vẫn giữ được chất lượng và sản lượng ổn định. Trong nhiều năm trở lại đây, giá mắc ca luôn cao hơn các loại hạt khác, nếu trồng với chất lượng tốt thì giá sẽ cao. Do đó, phải trồng giống mắc ca chất lượng cao, chứ các bạn trồng nhiều như vậy mà chất lượng kém sẽ ảnh hưởng giá trên toàn cầu”, ông Jolyon Richard Burnett nhận xét.

 

Theo hai đơn vị cung cấp giống lớn là Vina Mắc ca và Him Lam Mắc ca thì giống đạt chuẩn sẽ cho quả bói từ năm thứ 3, trễ nhất là năm thứ 4. Sản lượng thu hoạch sẽ tăng dần từ 5 kg hạt mỗi cây lên 16 kg hạt mỗi cây từ năm thứ 5 đến năm thứ 10. Các chuyên gia khuyến nghị, nông dân nên chọn mua các các vườn ươm chấp nhận cung cấp đầy đủ hóa đơn và hợp đồng bảo hành về thời gian cho quả bói để tránh thiệt hại và dễ dàng đòi quyền lợi nếu có sự cố xảy ra.

 

Viễn Thông

 

Nghệ An: Xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn ở Quỳ Hợp

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Diện tích trồng mía ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) hiện có 5.116ha, năng suất đạt 60,6 tấn/ha. Tổng sản lượng đạt 310.172 tấn. Trong đó có nhiều cánh đồng mẫu lớn cho năng suất cao. Nhà máy đường đã tổ chức thu mua hết nguyên liệu cho bà con.

 

 

Huyện Quỳ Hợp đánh giá mô hình cánh đồng mía mẫu lớn.

 

Riêng vụ ép 2015-2016, nhà máy đường Nghệ An đã phối hợp với các xã Văn Lợi, Châu Đình, Thọ Hợp, Hạ Sơn và Châu Lý xây dựng được 14 mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích là 140 ha, bằng các giống mía mới có năng suất, chất lượng như QĐ93-159, QĐ 94-119, Rốc 16, Rốc 10, VD 00236, Lâm Viên 6, MY55-14.

 

Năm 2017, huyện Quỳ Hợp xây dựng kế hoạch tiếp tục nâng diện tích mía lên 5.600 ha mía, các xã, thị trấn tập trung đầu tư thâm canh đại trà, đưa những loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm phát huy tối đa ưu điểm của từng loại giống, phấn đấu năng suất mía bình quân đạt từ 65 tấn/ha trở lên, sản lượng hàng năm trên 364.000 tấn.

 

Phan Giang

 

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop