Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 5 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 5 năm 2019

Bắc Giang: Lục Ngạn giữ vững chất lượng cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Là địa bàn trọng điểm về cây ăn quả của tỉnh, đặc biệt có vùng vải thiều lớn nhất cả nước, Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang coi trọng chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, vươn ra thị trường lớn, khó tính.

Giám sát chặt quy trình chăm sóc

Vụ vải thiều năm nay, lần đầu tiên gia đình ông Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn liên kết với một doanh nghiệp (DN) tại Bắc Ninh sản xuất vải thiều có sự giám sát của hệ thống camera. Được biết, đây là hộ làm vườn giỏi trong huyện do vậy phía DN tin tưởng lựa chọn là điểm liên kết sản xuất vải.

Vườn vải GlobalGAP của gia đình ông Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn.

Theo ông Hành, tất cả quá trình từ chăm sóc đến thu hoạch đều được DN giám sát chặt chẽ. Liên kết với DN, hộ sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các bước chăm sóc vải theo quy trình GlobalGAP. Trong đó chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, vụ vải này toàn huyện có hơn 2 ha vải ở xã Giáp Sơn, Quý Sơn được lắp camera giám sát quá trình chăm sóc. Việc làm này giúp DN liên kết thuận lợi khi giao dịch với đối tác vì trích xuất quá trình chăm sóc tại mọi thời điểm trên vườn, rõ nguồn gốc sản phẩm.

Giữ vững thương hiệu

Năm nay toàn huyện có hàng trăm ha vải GlobalGAP, hơn 10 nghìn ha vải VietGAP. Thực tế, những năm trước, sản phẩm chăm sóc theo quy trình trên đã được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu sang thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản…

Ngoài ra, cam, bưởi của Lục Ngạn cũng đã có nhiều vườn VietGAP, sản xuất an toàn. Quả cây có múi dù chưa xuất khẩu song cũng cạnh tranh mạnh với trái cây trong cả nước.

Có thể thấy, chất lượng đã tạo dựng lên thương hiệu trái cây Lục Ngạn mà hiếm nơi nào có được. Cùng một loại sản phẩm nhưng khi trồng tại Lục Ngạn luôn có giá bán nhỉnh hơn so với địa bàn khác trong tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn khẳng định: “Để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh, đồng thời giữ vững thương hiệu trái cây tại địa bàn, huyện xác định yếu tố mấu chốt là chất lượng sản phẩm. Vì thế, việc khuyến cáo, tập huấn người dân sản xuất tạo ra sản phẩm có mã đẹp, thơm ngon luôn được huyện chú trọng. Huyện cũng cơ cấu lại bộ giống, vùng trồng để đạt năng suất, chất lượng tốt nhất”.

Theo lời ông Bình, phía Trung Quốc yêu cầu hàng hóa gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam là khó khăn nhưng đồng thời là dịp để bà con nhìn lại quá trình sản xuất. Qua đó người sản xuất sẽ phải nâng trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra.

Lục Ngạn có hơn 26 nghìn ha cây ăn quả các loại, mỗi năm mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng cho người dân. Vì vậy, đi đôi với các biện pháp trên, huyện đã chỉ đạo những xã trọng điểm cây ăn quả thành lập các tổ hợp tác liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nâng cấp hạ tầng vùng trồng cây ăn quả.

Nhờ các biện pháp trên, Lục Ngạn có gần 5 nghìn ha vải thiều; hơn 1 nghìn ha cây có múi được phía Trung Quốc chấp thuận mã vùng. Diện tích cây trồng VietGAP, GlobalGAP ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu nhiều thị trường.

Trường Sơn

Giá mít Thái giảm khoảng 20.000 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện nay, một số vựa trên địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) thu mua mít với giá 17.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm khoảng 20.000 đồng so với thời điểm cách đây 1 tuần. Giá thương lái thu mua bên ngoài còn thấp hơn với khoảng 15.000 đồng/kg. Một số nhà vườn cho biết khi vào mùa mưa, giá mít Thái sẽ thấp do thương lái giảm thu mua. Với mức giá hiện nay người trồng vẫn còn có lãi, tuy nhiên nhiều khả năng giá sẽ tiếp tục giảm khi vào cao điểm mùa mưa. Một số nhà vườn có kinh nghiệm cũng đã biết đà giảm giá hay xảy ra vào thời gian này nên chủ động cắt tỉa bớt trái để tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt khó tiêu thụ.

T.NGỌC

Những nông dân sản xuất, kinh doanh tiêu biểu

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng

Trong 5 năm qua, TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) xuất hiện nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với những mô hình nông nghiệp tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Bảo Thiện với mô hình trồng lan Hồ điệp theo công nghệ 4.0. Ảnh: Q.N

Trồng lan Hồ điệp công nghệ 4.0

Sinh năm 1985, tốt nghiệp đại học năm 2009 với tấm bằng kỹ sư ngành điện tử viễn thông và từng có 4 năm làm việc cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Vietell, nhưng Châu Phước Bảo Thiện (Phường 2, Bảo Lộc) đã gác lại tất cả để khởi đầu một công việc hoàn toàn mới vì niềm đam mê là nghề trồng lan Hồ điệp. Tận dụng diện tích trên 800 m2 sẵn có của gia đình, bắt đầu từ năm 2016, Bảo Thiện đầu tư hệ thống nhà kính và nhập giống lan Hồ điệp từ Đài Loan về cấy ghép, nuôi trồng. Với kiến thức điện tử viễn thông sẵn có, Bảo Thiện mạnh dạn áp dụng công nghệ 4.0 vào việc trồng và chăm sóc lan. Nhờ công nghệ này, Bảo Thiện có thể điều khiển hệ thống tưới tiêu và quạt gió qua điện thoại di dộng, vừa giúp tiết kiệm nhân công vừa có thể điều khiển hệ thống của nhiều trang trại cùng một lúc.

Hiện nay, Bảo Thiện đang tâm huyết đầu tư vào một giống lan duy nhất là Hồ điệp. Bởi theo anh, đây là giống lan khá phổ biến, được người chơi ưa chuộng và có thị trường tiêu thụ rộng. Với thị trường tiêu thụ khá ổn định, có nhiều thời điểm sản phẩm cung cấp không đủ nhu cầu. Doanh thu hàng năm sau khi trừ các chi phí đạt khoảng 200 triệu đồng. Dự kiến trong thời gian tới, anh Thiện tiếp tục đầu tư, phát triển thêm 2 trang trại nuôi trồng lan Hồ điệp để vừa thỏa mãn niềm đam mê vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng.

Nuôi bò sữa thu tiền triệu mỗi ngày

Khởi nghiệp bằng nghề nuôi bò sữa từ năm 2004 với chỉ 3 con, đến nay, gia đình anh Lê Minh Tuấn và chị Phạm Thị Ngọc Bích (ngụ tại Tổ 13, phường Lộc Phát) đã có đàn bò trên 65 con, cho thu nhập 300 đến 400 trăm triệu đồng mỗi năm.

Hiện nay, gia đình anh chị đang nuôi các giống bò khá phổ biến và cho năng suất sữa cao như giống bò Hà Lan, Úc, Thái và bò lai. Áp dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nghề nuôi bò sữa hiện nay của gia đình anh Tuấn, chị Bích cũng khá đặc biệt. Hàng ngày, đàn bò của gia đình anh được tắm và nghe nhạc. Theo như anh chị chia sẻ, đã thành thói quen, đàn bò sau khi nghe nhạc mới chịu đi ngủ. Khi được nghe nhạc, bò cho sữa đều hơn, chất lượng sữa được đảm bảo hơn và số lượng sữa cũng được nâng lên đáng kể. Hiện tại, trang trại của anh chị đang có 30 con bò cho sữa. Lượng sữa đều được đơn vị ký hợp đồng là Công ty sữa Vinamilk đến tận nơi thu mua. Với chu kỳ thu sữa ổn định, bình quân mỗi ngày, gia đình anh Tuấn, chị Bích thu hơn 1 triệu đồng tiền lãi sau khi trừ các chi phí. Dự kiến, anh chị sẽ tiếp tục đầu tư thêm 100 m2 chuồng trại để nhân rộng mô hình.

Làm giàu từ cá nước ngọt

Nghề nuôi cá hiện nay cũng đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế cao trong số các mô hình nông nghiệp tiêu biểu của hội viên nông dân TP Bảo Lộc. Tiêu biểu có mô hình nuôi cá của gia đình anh Hoàng Văn Kiều và chị Lê Nguyễn Hải Linh (ngụ tại thôn Ánh Mai 3, xã Lộc Châu).

Khởi nghiệp từ năm 2004, hiện nay gia đình anh Kiều, chị Linh đang sở hữu 3 mặt hồ với diện tích mặt nước khoảng 1,5 ha. Các loại cá gia đình anh chị đang nuôi gồm rô phi, trắm và chép. Theo chu kỳ, mỗi lứa cá từ khi thả đến khi thu hoạch mất từ 9 đến 12 tháng, cho thu nhập ổn định sau khi trừ các chi phí từ 150 đến 200 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, theo chia sẻ của gia đình, hiện nay hầu hết diện tích lòng hồ đều gặp khó khăn về hệ thống thoát nước, việc cải thiện mặt nước lòng hồ gặp rất nhiều khó khăn, mặt khác nước thải của các hộ dân xung quanh ít nhiều ảnh hưởng đất chất lượng nước nên số lượng cá giống thả xuống lòng hồ bị chết ngày nhiều hơn trước đây, làm ảnh hưởng đến năng suất nuôi trồng. Xử lý được vấn đề này sẽ giúp người nông dân an tâm đầu tư chăm sóc ao hồ, làm giàu chính đáng.

Cây ngắn ngày trong nhà kính

Vừa là thủ lĩnh của phong trào nông dân, vừa là người tiên phong trong việc thực hiện các mô hình kinh tế nông nghiệp, anh Mai Thành Nhã - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Nga đã áp dụng và thành công với nhiều mô hình nông nghiệp như mô hình nuôi chim cút, vịt trời, trồng cà chua, dưa lưới, dưa leo, ớt chuông...

Hiện nay, anh đang thực hiện mô hình trồng dưa lưới, dưa leo và ớt chuông trên tổng diện tích 3.000 m2. Các mô hình đều được anh đầu tư nhà kính, hệ thống tưới phun sương và thuê nhân công chăm sóc hàng ngày. Anh cho biết, tất cả loại cây trồng đều là cây ngắn ngày, mỗi cây từ lúc gieo giống cho đến lúc thu hoạch đều không quá 90 ngày, nên mỗi loại cây mỗi năm anh trồng được từ 3 đến 4 vụ. Mỗi vụ thu hoạch, anh thu lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ áp dụng công nghệ và đầu tư nhà kính nên sản phẩm anh làm ra đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn, được người tiêu dùng ưa thích. Là người dám mạnh dạn đầu tư, đi đầu trong tiếp cận khoa học kỹ thuật, hiểu được quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, có đầu ra ổn định, nên anh Nhã không còn lo mùa màng thất bại. Đặc biệt, những gì anh học và tìm hiểu được, anh đều muốn chia sẻ cho các nông hộ trên địa bàn với mong muốn thành lập một tổ hợp tác rau an toàn để các hội viên cùng nhau giúp đỡ và phát triển tổ hợp tác ổn định, lâu dài.

QUANG NGỌC

Bến Tre: Ra mắt Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Châu Thành

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm với Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Châu Thành. Ảnh: Nhựt Chiêu

Ngày 21-5-2019, Hội Nông dân huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nông dân tỷ phú huyện. Đến dự có bà Võ Thị Thanh Hà - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ông Đoàn Văn Đảnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ông Lê Quang Vịnh - Phó bí thư Huyện ủy Châu Thành.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về đa dạng hóa các mô hình tập hợp nông dân, làm nòng cốt để thu hút nhiều nông dân tham gia hăng hái sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo và làm giàu, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Châu Thành đã vận động thành lập CLB Nông dân tỷ phú huyện Châu Thành. CLB có 18 thành viên là những nông dân tỷ phú và đóng vai trò nòng cốt trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Trong đó, ông Đàm Văn Long - xã An Khánh, trồng bưởi da xanh làm Chủ nhiệm.

C.Trúc

Chọn tạo giống lúa chất lượng

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các vùng trồng lúa, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội luôn chú trọng công tác thí nghiệm, khảo nghiệm nhằm chọn tạo ra giống lúa chất lượng, phù hợp với điều kiện canh tác của Hà Nội.

Mô hình khảo nghiệm giống lúa vụ xuân 2019 của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội. Ảnh: Tùng Trần

Hà Nội có diện tích trồng lúa gần 100.000ha/vụ. Cơ cấu giống lúa của thành phố gồm nhóm chất lượng cao và lúa thuần. Tuy nhiên, các nhóm giống lúa này đã đưa vào sản xuất từ nhiều năm nay, có biểu hiện thoái hóa, khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh kém nên ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Vì vậy, việc xây dựng bộ giống lúa tốt, ít sâu bệnh hại, đáp ứng các điều kiện về thổ nhưỡng, tập quán canh tác cho năng suất, chất lượng cao là cấp thiết đối với sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.

Được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ, thời gian qua, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã tập trung cho công tác thí nghiệm, khảo nghiệm để chọn tạo ra các giống lúa mới, thời gian sinh trưởng phù hợp, năng suất cao, chất lượng tốt; từ đó, đưa vào sản xuất tại các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn thành phố. Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, trên cơ sở kết quả thí nghiệm, khảo nghiệm trên diện hẹp, sau đó trung tâm triển khai mô hình để nông dân tại các vùng sản xuất lựa chọn xác định giống lúa tốt nhất. Từ đây, trung tâm chọn tạo ra giống lúa tốt để đề xuất với Sở NN&PTNT Hà Nội bổ sung vào cơ cấu giống lúa của thành phố.

Vụ xuân 2019, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành khảo nghiệm 20 giống lúa chia làm 4 nhóm, gồm: Lúa chất lượng 11 giống; lúa năng suất 3 giống; lúa Japonica 4 giống và nhóm lúa nếp 2 giống. Ông Dương Văn Sơn, Phó Trạm trưởng Trạm Thực nghiệm cây trồng thuộc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho hay: Kết quả thí nghiệm, khảo nghiệm cho thấy, nhóm giống lúa thuần chất lượng, tất cả các giống tham gia đều cho năng suất cao hơn so với giống lúa đối chứng là Bắc thơm số 7, năng suất đạt từ 52,5 đến 66,9 tạ/ha; trong đó cao nhất là giống lúa Lam Sơn 116, năng suất đạt 66,4 tạ/ha, cao hơn so với giống lúa đối chứng Bắc thơm số 7 là 19,2 tạ/ha.

Đối với nhóm giống lúa thuần, đều cho năng suất cao hơn giống lúa đối chứng là Khang dân 18, cụ thể năng suất đạt từ 65,4 đến 66,9 tạ/ha; trong đó giống lúa có năng suất cao nhất là SL17, đạt 66,9 tạ/ha. Tương tự, nhóm giống lúa Japonica, năng suất đạt từ 63,2 đến 64,5 tạ/ha, chênh lệch không đáng kể so với giống lúa đối chứng là J02, đạt 62,7 tạ/ha…

Căn cứ vào kết quả thí nghiệm, khảo nghiệm và so sánh với một số giống lúa đối chứng, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã chọn tạo được bộ giống lúa triển vọng vụ xuân 2019 với nhóm giống lúa chất lượng, gồm: Lam Sơn 116, Gia Lộc 35, Gia Lộc 29, Gia Lộc 21, Hương thuần 8; còn nhóm giống lúa thuần năng suất, nổi trội là giống lúa SL17, ĐT100… Từ kết quả khảo nghiệm, thời gian tới, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội tiếp tục chọn tạo ra bộ giống phù hợp đối với sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.

Đánh giá về công tác thí nghiệm, khảo nghiệm giống lúa vụ xuân 2019 của Hà Nội, ông Hà Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong điều kiện thời tiết vụ xuân 2019 có những diễn biến phức tạp, nhưng nhờ theo dõi sát sao thời tiết, bám sát mô hình khảo nghiệm, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã có cách phòng chống sâu bệnh hại kịp thời, bón phân cân đối, đặc biệt đã linh hoạt không bón đạm cho nhóm lúa nếp. Qua đó, các nhóm giống lúa đều đạt được chất lượng, đáp ứng yêu cầu đề ra của mô hình khảo nghiệm, đồng thời cho kết quả chính xác nhất.

Đáng ghi nhận, thay vì thí nghiệm, khảo nghiệm trên nhiều giống lúa khác nhau trên thị trường, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện có chọn lọc, các giống lúa đưa vào thí nghiệm, khảo nghiệm đều là các giống được Bộ NN&PTNT đánh giá cao, triển vọng tốt, nhờ đó kết quả thí nghiệm, khảo nghiệm đạt hiệu quả tốt, rút ngắn thời gian, cho độ chính xác cao...

BẠCH THANH

Hậu Giang: Phát hiện sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết sau khi nhận được thông tin từ ngành nông nghiệp thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và kiểm tra thực tế bước đầu ghi nhận có một loài sâu mới đang gây hại trên cây bắp (diện tích 0,4ha) đó là sâu keo mùa thu. Hiện đơn vị đã lấy mẫu và gửi Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam để giám định. Loài sâu mới này có đặc điểm chung của những cá thể sâu keo thông thường như phần giữa miệng và hai mắt ở đầu có hình chữ Y ngược, có các sọc chạy dọc theo chiều dài cơ thể. Sâu cắn phá phần lá non trên ngọn làm cây bắp chậm phát triển và gây hại theo từng chòm nên rất dễ nhận biết khi quan sát tổng thể trên rẫy khi bắp ở giai đoạn 8-10 lá.

Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã chỉ đạo trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Vị Thanh tăng cường kiểm tra, rà soát kỹ các rẫy bắp trên địa bàn để sớm phát hiện và hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ nhằm ngăn chặn đối tượng sâu hại này lây lan trên diện rộng.

HỮU PHƯỚC

Trước tôm càng đỏ, nhiều sinh vật ngoại lai từng đe dọa hệ sinh thái VN

Nguồn tin: Lao Động

Từng được coi là coi là đặc sản, sinh vật cảnh hay nguyên liệu thuốc, song ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, đỉa... thực chất lại đe dọa nghiêm trọng tới mùa màng hay hệ sinh thái ở Việt Nam.

Đỉa

Việt Nam từng rộ lên “cơn sốt” đỉa. Người dân khắp các tỉnh thành như Lào Cai, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên… đua nhau nuôi đỉa.

Đỉa được thương lái mua với giá hời khiến nông dân ra sức bắt và lên kế hoạch gây nuôi với số lượng lớn, giá khoảng 10.000 đồng/con. Đỉa khô giá 1,3-1,5 triệu đồng/kg.

Đến năm 2011, Tổng cục Thủy sản đã phải có văn bản yêu cầu cấm nhập khẩu đỉa từ Campuchia về Việt Nam, đồng thời cấm việc thu gom, nuôi đỉa trên phạm vi cả nước để xuất đi nước ngoài. Tuy nhiên đến nay, đỉa vẫn là nỗi ám ảnh tại nhiều vùng quê.

Ốc bươu vàng

Ốc bươu vàng được du nhập vào nước ta từ những năm 1988 để nuôi làm thực phẩm và xuất khẩu, sau đó chúng thoát ra ngoài tự nhiên.

Đến thời điểm hiện tại, có thể nói ốc bươu vàng đang là loài động vật gây hại bậc nhất đối với nền nông nghiệp Việt Nam do chúng có tốc độ sinh trưởng và sinh sản nhanh.

Rùa tai đỏ

Ngày 5.3.2010, Cục Nuôi trồng thủy sản cho phép Cty CASEAMEX nhập khẩu 40 tấn rùa tai đỏ từ Mỹ về làm thực phẩm, trong giấy phép nêu rõ yêu cầu phải sử dụng đúng mục đích làm thực phẩm, không được phép nuôi. Tuy nhiên Cty này đã không tiêu thụ làm thực phẩm ngay.

Điều này khiến dư luận dậy sóng vì không chỉ gây hại cho các loài thủy sinh bản địa, loài rùa tai đỏ còn là hiểm họa lớn đối với ngành nông nghiệp, nguy cơ lây truyền vi khuẩn salmonella gây tiêu chảy và thương hàn cho người...

Ngày 10.8.2010, Tổng cục Thủy sản đã phải làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long đã có kết luận yêu cầu tái xuất, nếu không tái xuất được thì phải giết mổ, chế biến hoặc tiêu hủy toàn bộ số rùa trên ra khỏi Việt Nam trước ngày 31.8.2010.

Cá dọn bể

Cá dọn bể nhập về Việt Nam từ thập niên 1980 qua đường kinh doanh cá cảnh. Loài cá này từng được chế biến thành nhiều món ăn ưa thích của nhiều người nhưng chúng nhanh chóng bị liệt kê vào "danh sách đen" vì độc chiếm nguồn tài nguyên dinh dưỡng, làm thay đổi mạng lưới thức ăn, làm tăng độ đục và gây xói mòn bờ bao thông qua việc xây dựng tổ tại nơi mình sống.

Tháng 3.2018 của Trung tâm Nông nghiệp và Khoa học Sinh học Quốc tế (CABI) đã chỉ ra những tác hại khôn lường do loài cá dọn bể gây ra với môi trường.

PHAN ANH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop