Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 01 năm 2016

 

 

 

 

Nông dân Hướng Hóa mở rộng diện tích hồ tiêu

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

 

Thời gian qua, với việc giá tiêu hạt trên thị trường liên tục đứng ở mức cao, diện tích hồ tiêu ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) không ngừng được mở rộng nhờ các chính sách khuyến khích phục hồi và trồng mới loại cây này. Việc phát triển diện tích hồ tiêu đã giúp nông dân có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân tại địa phương.

 

 

Chăm sóc hồ tiêu ở Hướng Hóa

 

Với lợi thế có vùng đất đỏ ba dan màu mỡ, nhiều năm trước đây hồ tiêu được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa. Tuy nhiên một thời gian dài do dịch bệnh hoành hành cùng với giá tiêu xuống thấp đã khiến diện tích hồ tiêu trên địa bàn giảm sút nhanh chóng. Vài năm trở đây cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển cây hồ tiêu của chính quyền và sự trợ giúp đến từ các tổ chức xã hội, diện tích loại cây trồng này không ngừng tăng lên.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu gần 500 gốc đang phát triển xanh tốt, ông Nguyễn Mạnh, ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp cho biết: “Kinh tế gia đình tôi chủ yếu dựa vào cây cà phê và hồ tiêu. Những năm trước dịch bệnh xuất hiện đã tàn phá nhiều diện tích hồ tiêu, cùng với giá cả xuống thấp làm nản lòng không ít nông dân nhưng tôi vẫn kiên trì giữ lại vườn tiêu, nỗ lực chăm sóc và tìm kiếm các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ nên vườn tiêu của gia đình tôi vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập ổn định gần 150 triệu đồng/năm. Vài năm trở lại đây giá tiêu phục hồi nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi. Sắp tới tôi dự tính sẽ trồng mới thêm 200 gốc tiêu khi huy động được nguồn vốn”.

 

Cách đó không xa, ông Lê Long, người cùng thôn với ông Nguyễn Mạnh tranh thủ thời tiết thuận lợi vừa tiến hành trồng xen 300 gốc hồ tiêu trên diện tích cà phê gần 1,5 ha của gia đình. Đây được xem là một trong những giải pháp được nhiều nông dân Hướng Hóa lựa chọn trong thời gian qua để đối phó với tình trạng bấp bênh về giá cả của cây cà phê. Ông Long cho biết: “Giá cà phê mấy năm nay xuống thấp nên thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng. Bên cạnh trồng các loại cây như gừng, lạc để lấy ngắn nuôi dài, gần đây giá tiêu hạt khá cao và ổn định nên tôi quyết định trồng xen hồ tiêu trên diện tích cà phê để tăng thu nhập”. Những nông dân như ông Mạnh, ông Long là một trong số những điển hình đã lựa chọn cây hồ tiêu để phát triển kinh tế thời gian qua.

 

Không chỉ ở xã Tân Hợp, nông dân ở các địa phương có cùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây hồ tiêu như Tân Liên, Hướng Phùng, thị trấn Khe Sanh của huyện Hướng Hóa cũng tích cực mở rộng diện tích cây hồ tiêu sau một thời gian chưa chú trọng đến loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này. Đến thăm gia đình anh Võ Công Trí, thôn Đại Thủy, một trong những nông dân có diện tích khá lớn ở xã Tân Liên, anh Trí cho biết: “Cây hồ tiêu gắn với gia đình tôi từ lâu, hiện ngay trong vườn nhà tôi trồng 400 gốc tiêu, vụ hồ tiêu năm ngoái với sản lượng gần 6 tạ tiêu khô, gia đình tôi thu nhập trên 120 triệu đồng. Nếu so với trồng cà phê thì thu nhập từ cây tiêu ổn định hơn nhiều”.

 

Anh Trí cho biết thêm, ngoài diện tích được trồng ngay tại vườn nhà, anh còn mở rộng thêm một vườn hồ tiêu hơn 500 gốc, hiện vườn tiêu này đã được 2 năm tuổi, đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch lứa đầu vào năm sau. Được biết anh Trí là thành viên tích cực của câu lạc bộ chăm sóc vườn tiêu do UBND xã Tân Liên thành lập năm 2013 với sự hỗ trợ của tổ chức Roots of Peace (ROP) trong mục tiêu phục hồi và phát triển mới diện tích hồ tiêu được thực hiện tại địa bàn xã Tân Liên. Hiện có 50 hộ ở xã Tân Liên tham gia dự án này thông qua 2 câu lạc bộ trồng tiêu bền vững với hình thức hỗ trợ 50% chi phí vật tư, cây giống, kinh phí hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, người dân tham gia tự đối ứng 50% vốn còn lại. Đây là mô hình liên kết khá hiệu quả trong việc phát triển cây hồ tiêu đang được huyện Hướng Hóa khuyến khích nhân rộng.

 

Theo số liệu thống kê, toàn huyện Hướng Hóa có khoảng 200 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu tại các xã Tân Liên, Tân Hợp, Hướng Phùng và thị trấn Khe Sanh. Với việc giá tiêu hạt tiếp tục đứng ở mức cao như hiện nay, dự báo diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên để cây hồ tiêu ở Hướng Hóa phát triển bền vững, trở thành loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần xây dựng thương hiệu cho cây hồ tiêu Quảng Trị thì còn rất nhiều việc phải làm. Một trong những việc làm cần kíp hiện nay là bên cạnh khuyến khích người dân mở rộng diện tích, vấn đề phòng chống dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu chọn giống, chăm sóc và thu hái hồ tiêu cần được các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Có như vậy người dân mới yên tâm phát triển diện tích hồ tiêu, tránh những rủi ro bởi hồ tiêu là cây trồng đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc khá cao. Một số dịch bệnh trên cây tiêu vẫn chưa có thuốc đặc trị, nguy cơ lây lan trên diện rộng vẫn tiềm tàng nếu như không có những giải pháp ngăn chặn kịp thời.

 

Ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa cho biết: Để tránh nguy cơ do dịch bệnh nảy sinh trong quá trình trồng và chăm sóc hồ tiêu, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân nên sử dụng nguồn giống có nguồn gốc rõ ràng, chú ý đảm bảo quy trình kỹ thuật trồng tiêu từ khâu chọn giống đến khi ươm trồng lẫn quá trình chăm sóc. Khi phát hiện dấu hiệu dịch bệnh cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có giải pháp phòng trừ hiệu quả. Đặc biệt người dân không nên mở rộng diện tích hồ tiêu một cách tự phát mà cần tuân thủ quy hoạch chung của của các cơ quan chức năng.

 

CÔNG ĐIỀN

 

Gia Lai: Sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP

 

Nguồn tin: Báo Gia Lai

 

Là một trong những người tiên phong ở xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai tham gia mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Phan Bá Vượng (tổ hợp tác An Bình) cho biết, dù cà phê năm nay mất mùa song rẫy của anh và những người trong tổ hợp tác vẫn đạt trên 4 tấn nhân/ha. Có được kết quả trên là nhờ năm nay gia đình anh được tiếp cận với phương thức canh tác mới.

 

Theo anh Vượng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu là áp dụng khoa học kỹ thuật và tuân theo một quy trình rất ngặt nghèo. “VietGAP quản lý tất cả các vấn đề liên quan đến vườn cây như mua phân ở đâu, chủng loại, bón như thế nào, bón bao nhiêu. Còn thuốc bảo vệ thực vật thì cần phải chẩn đoán đúng loại sâu, bệnh từ đó xác định loại thuốc cần sử dụng. Thuốc phải được kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, sau khi dùng hết thì thu gom vỏ, bao bì để bảo vệ môi trường. Khâu sơ chế, bảo quản sản phẩm cũng rất quan trọng. Gia đình tôi phải đầu tư sân phơi xi măng, nhà kho theo quy trình. Sau khi thu hoạch sản phẩm đạt trên 80% quả chín, phải phơi cho hạt cà phê đạt ẩm độ 13%, sàng lọc tạp chất sao cho còn khoảng 1% rồi mới đóng bao cất vào kho”-anh Vượng nói về quy trình của VietGAP.

 

 

Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà vừa hoàn thành nhà máy chế biến cà phê bột với công suất 10 tấn/ngày (trên 3.000 tấn/năm). Ảnh: N.L

 

Theo tính toán của anh Vượng, mô hình này có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn 20% song bù lại năng suất, chất lượng lại tăng hơn 30% so với trước nên thu nhập cũng cải thiện rất rõ rệt. “Khi sản phẩm đã đạt được tất cả các tiêu chí trên, vấn đề đầu ra lúc này hết sức đơn giản. Doanh nghiệp chế biến sẽ đến tận rẫy thu mua với giá cao hơn thị trường 2.000 đồng/kg tại bất kỳ thời điểm nào, không phải ngóng đợi người mua và bị chê ỏng chê eo như trước. Đó là chưa kể chi phí phân, thuốc do được mua tận gốc từ doanh nghiệp sản xuất nên cũng tiết kiệm được khá nhiều. Với mỗi tấn cà phê nhân, người nông dân lãi thêm chừng 10 triệu đồng so với lối sản xuất truyền thống”-anh Vượng cho biết.

 

Theo tính toán, với 27 ha của 14 hộ trong tổ hợp tác An Bình, mỗi năm sẽ cho sản lượng tầm 120 tấn cà phê nhân. Theo cam kết, đơn vị thu mua hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/tấn, nghĩa là tổ hợp tác An Bình sẽ thu thêm lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Vậy, doanh nghiệp có lợi ích gì trong bài toán kinh doanh này? Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn Giác-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà cho biết, vốn là người trồng cà phê nên ông thấu hiểu được nỗi cơ cực của người nông dân. Do đó, ông luôn muốn giúp nông dân có thêm đồng lời mà khả năng doanh nghiệp có thể đáp ứng và đương nhiên trong mối quan hệ này đôi bên cùng có lợi. Với việc hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/tấn cà phê nhân cộng thêm bao bì và cho nông dân trong tổ hợp tác An Bình ký gửi hàng, theo ông Giác, doanh nghiệp vẫn không bị thiệt thòi. “Trước đây, tôi thu mua cà phê thông qua hệ thống thương lái. Năm nay bù thêm cho nông dân 2.000 đồng/kg thì cũng coi như là chi phí trung gian nhưng tin tưởng hơn bởi đây là cà phê sạch và chất lượng được đảm bảo. Điều đặc biệt là khi sản phẩm không an toàn thì có thể truy nguyên được nguồn gốc như ai sản xuất, sản xuất ở đâu, sản phẩm ô nhiễm ở khâu nào. Chính những cái lợi này nên nếu giá thị trường có xuống thấp hơn 25 triệu đồng/tấn, Thu Hà vẫn có thể thu mua cho nông dân tổ hợp tác An Bình với giá 30 triệu đồng/tấn”-ông Giác chia sẻ.

 

Nói về mô hình này, ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản Gia Lai cho biết, tiêu chí hướng đến của việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm; bảo vệ môi trường; an sinh xã hội; truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Đây là mô hình mới triển khai tại Gia Lai từ năm 2014. 2 hợp tác xã được xây dựng thí điểm là Chư Á và An Bình với tổng cộng gần 50 ha, sản lượng trên 200 tấn cà phê nhân. Mô hình đã phần nào giúp nông dân thay đổi kiểu canh tác lạc hậu, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập, tăng cường trách nhiệm đối với cộng đồng.

 

Ngọc Linh

 

Tưới nước tiết kiệm: Người trồng cà phê vẫn còn dè dặt

 

Nguồn tin: VOV

 

Mặc dù khẳng định được hiệu quả, nhưng người dân Tây Nguyên vẫn dè dặt sử dụng công nghệ mới do giá thành khá cao, tâm lý ngại chuyển đổi.

 

Trong quá trình tìm giải pháp phòng chống hạn hán cho cây cà phê, thời gian qua, một số doanh nghiệp, viện nghiên cứu và nông dân đã áp dụng những công nghệ tưới tiết kiệm nước cho các vườn cà phê ở Tây Nguyên. Công nghệ mới bước đầu đã khẳng định được hiệu quả, nhưng người dân Tây Nguyên vẫn dè dặt sử dụng, do giá thành khá cao và tâm lý ngại chuyển đổi.

 

Đầu mùa khô năm nay, ông Nguyễn Đình Hào, Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Công Bằng – Chư Đliê Mnông, huyện Chư Mnga, tỉnh Đăk Lăk, quyết định đầu tư 76 triệu đồng lắp đặt thử nghiệm hệ thống tưới nhỏ giọt cho 1,2 ha cà phê của hợp tác xã. Dù đã thấy hiệu quả sau 3 tháng khô hạn, nhưng ông Hào vẫn nghi ngại.

 

“Công nghệ mới đã chứng minh được hiệu quả tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm nguồn nước, bảo vệ được môi trường đất và còn tiết kiệm được 30% phân bón. Nhưng nhiều người trồng cà phê vẫn băn khoăn lo ngại khi tưới nước nhỏ giọt tiết kiệm liệu sẽ khiến cây cà phê không ra hoa đồng loạt. Khi nào công nghệ tưới nước đảm bảo được chất lượng cà phê ra hoa đậu trái, gia đình sẽ nhân rộng ra toàn bộ hơn 40 ha”, ông Hào cho biết.

 

TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hệ thống tưới tiết kiệm được Viện và một số doanh nghiệp ở Tây Nguyên nghiên cứu, cải tiến thành công và triển khai trong thực tế từ khoảng 5 năm nay. Giá thành lắp đặt cho 1 ha khoảng 50 triệu đồng, tuổi thọ thiết bị khoảng 10 năm.

 

Hiệu quả công nghệ tưới mới là rất rõ nét, đó là tiết kiệm 1 nửa lượng nước tưới, tiết kiệm hoàn toàn chi phí nhân công cho việc tưới; giảm được 20% phân bón và tăng được 20% năng suất. Dù vậy, đến thời điểm này, diện tích cà phê được tưới tiết kiệm vẫn rất khiêm tốn, mới dừng ở các mô hình nhỏ lẻ của một số doanh nghiệp và nông dân áp dụng trên một phần diện tích của gia đình.

 

Cũng theo TS. Lê Ngọc Báu, giá cà phê mấy năm nay thấp, việc đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm một lần hết 50 triệu đồng, giá thành này không dễ được nông dân chấp nhận. Thêm vào đó, nhiều bà con còn lo ngại việc tiết kiệm nước sẽ làm giảm năng suất vườn cây. Đây là những rào cản chính khiến tưới tiết kiệm vẫn đang dừng ở quy mô nhỏ. Tháo gỡ vướng mắc này, các địa phương cần tăng cường hỗ trợ kinh phí để tăng số lượng các mô hình thí điểm, trực quan hiệu quả kinh tế rộng rãi đối với người trồng cà phê.

 

“Để phổ biến công nghệ tưới nước tiết kiệm, nên xây dựng nhiều mô hình hơn trong thực tế, từ chỗ áp dụng công nghệ tưới cho đến khi thu hoạch, khi tạo được niềm tin chắc chắn người nông dân sẽ quyết tâm đầu tư. Hiện nay vẫn đề quan trọng nhất vẫn là nhận thức, khi thay đổi đầu tư, người trồng cà phê vẫn sợ ảnh hưởng đến năng suất”, TS. Báu cho hay.

 

Cùng chung suy nghĩ với TS. Lê Ngọc Báu, nông dân Nguyễn Bá Hán, ở xã Ea Bhôk, huyện Chư Quynh, người đã thành công với hệ thống tưới tiết kiệm cho cà phê từ 2 năm nay cho biết, sử dụng công nghệ mới ban đầu gia đình cũng ái ngại, sợ cà phê không ra hoa.

 

“Sau hơn 2 năm áp dụng công nghệ tưới nước mới, giá đình thấy đạt yêu cầu. Nhất là đối với những gia đình có ít lao động công nghệ mới mang lại hiệu quả rất tốt, một năm tiết kiệm được từ 15-17 triệu đồng chi phí tưới 1ha cà phê. Trước mắt, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ để nhiều người nông dân có thể lắp đặt công nghệ này nhiều hơn”, anh Hán bày tỏ.

 

Cho biết rõ hơn về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, để đầu tư công nghệ mới, người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo Quyết định 68/2013 của Chính phủ về hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp. Tuy vậy, nguồn lực nhà nước có hạn, nên quan trọng nhất vẫn là huy động các nguồn lực xã hội. Đã có những mô hình mới, cách làm hay, việc hiện nay là phải đẩy mạnh thông tin để người dân tin tưởng, tiếp cận, áp dụng công nghệ tưới phù hợp.

 

“Cần phải đổi mới về thông tin tuyên truyền. Các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan thông tin truyền thông, các Sở Nông nghiệp, phải chủ động trong công tác thông tin như vậy mô hình mới được nhân rộng được. Ngoài ra rất cần những mô hình tốt để người dân được nhìn thấy, cụ thể là cần hỗ trợ những nông dân làm giỏi, doanh nghiệp làm tốt, không phải mấy mô hình của các cơ quan nhà nước. Cùng với đó cũng cần tổ chức mạng lưới những người áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, bao gồm các nông dân, doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp sử dụng, các cơ quan quản lý nhà nước, và cả các tổ chức quốc tế…, để họ chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tiền bạc”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng chỉ rõ.

 

Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cà phê không chỉ là giải pháp phòng chống hạn hán, mà còn hướng đến sản xuất bền vững, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm cho loại cây trồng chủ lực của Tây Nguyên.

 

Bên cạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ sát với nông dân hơn, các cấp các ngành cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, để nhân rộng công nghệ tưới mới vào những vùng chuyên canh cà phê./.

 

Minh Huệ/VOV – Tây Nguyên

 

Kỹ thuật thâm canh giống mè đen 2 vỏ Bình Thuận

 

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

 

Mè hay còn gọi là cây vừng (tên khoa học là Sesamum indicum L.) là cây chịu hạn rất tốt, có thể trồng và sinh trưởng trên các loại đất khác nhau, mè có thời gian sinh trưởng ngắn (75 - 85 ngày).

 

Làm đất

 

Đất phải được cày độ sâu 15 cm cho tơi xốp, bằng phẳng, kết hợp với bón lót.

 

Kích thước luống tuỳ vào điều kiện địa hình đất đai, ở những vùng khó thoát nước nên lên luống cao 15 - 20 cm, mặt luống rộng 0,5 - 1,5 m, rảnh rộng 20 - 30 cm để tiện việc chăm sóc tưới và thoát nước khi mưa (mè rất sợ úng, kể cả tình trạng úng cục bộ khi có mưa lớn).

 

Gieo trồng

 

- Lượng giống: 4 - 5 kg/ha.

 

- Xử lý hạt giống trước khi gieo: 2 gr thuốc Rovral trộn đều cho 1 kg hạt, có thể xử lý khi có kiến bằng các loại thuốc như Vibasu…

 

Mè có thể gieo sạ hoặc gieo hàng, lưu ý trộn với thuốc kiến (Vibasu 10H) trước khi gieo để tránh bị mất cây.

 

- Gieo theo hàng: Rạch hàng sâu khoảng 4 - 5 cm, khoảng cách hàng 60 cm, khoảng cách hốc 15 cm, chừa 1 - 2 cây, lấp nhẹ và kín.

 

- Gieo sạ: Muốn sạ hạt cho đều thì gieo theo từng ô đất nhỏ với lượng hạt tương ứng và gieo 2 - 3 lần, sau đó gieo hết diện tích cần gieo. Sau khi sạ xong, cào nhẹ lớp đất mặt để lấp hạt sâu khoảng 1,5 cm. Nếu lấp hạt sâu quá thì hạt nảy mầm chậm và cây mọc yếu. Khi gieo hạt, đất phải đủ ẩm, nếu đất khô thì nên tưới nước và có thể lấp hạt sâu hơn nhưng không sâu quá 5 cm. Khi cây được 2 lá thật, tiến hành tỉa thưa chừa khoảng cách 60 x 15 cm, mỗi hốc 1 - 2 cây.

 

- Kinh nghiệm dân gian: Cho hạt mè vào chai nước khoáng rỗng, khoảng 1/2 - 1/3 chai, đục 1 – 2 lỗ nhỏ ở nắp chai, dốc ngược chai và rắc trên hàng.

 

Phân bón:

 

Lượng phân cho 1 ha: 120 kg N + 60 kg P2O5 +60 K2O + 300 kg vôi + 1.000 kg phân hữu cơ vi sinh/ha (tương đương 260 kg urê + 375 kg supe lân + 100 kg KCl + 300 kg vôi + 1.000 kg phân hữu cơ vi sinh).

 

- Nếu không bón các loại phân đơn thì có thể dùng NPK 16-16-8 với lượng 750 kg/ha.

 

- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, vôi và supe lân + 1/3 urê + 1/3 KCl (hay bón lót 150 – 200 kg phân NPK16-16-8).

 

- Bón thúc: Lượng phân vô cơ còn lại chia làm 2 lần bón vào lúc 15 ngày sau gieo và 25 ngày sau gieo (có thể bón 1 lần vào lúc 20 ngày sau gieo).

 

- Phân bón lá: dùng Tiltsuper hoặc Headline phun 2 lần. Lần 1 phun vào lúc 20 ngày sau gieo và lần 2 phun vào lúc 40 ngày sau gieo.

 

 

Mô hình trồng mè đen

 

Tưới, tiêu nước:

 

Mè rất sợ úng, nên tưới bằng vòi sen để cây không đổ ngã hoặc có thể tưới theo rãnh. Trong mùa mưa, khi gieo tránh để úng cục bộ. Trong muà khô, cần tưới nước đều đặn và tuyện đối không để bị hạn khi đang ra hoa.

 

Phòng trừ cỏ dại

 

- Có thể dùng bằng tay hoặc công cụ làm cỏ (xe đẩy cỏ), nên khống chế sạch cỏ trong giai đoạn đầu, từ khi mọc đến ra hoa và khép tán kín.

 

- Dùng Ronstar (tiền nảy mầm) phun kỹ trên mặt đất trước gieo, khi đất đủ ẩm hoặc phun Dual vào lúc 15 và 25 ngày sau gieo (liều lượng theo khuyến cáo cuả nhà sản xuất), xới xáo, kết hợp bón thúc, nếu mật độ dày thì tỉa thưa còn khoảng 10 - 20 cây/m2.

 

Phòng trừ sâu bệnh

 

- Sâu hại: Sâu hại mè chủ yếu là sâu gai, sâu xám, rệp, sâu đục thân và bọ xít. Có thể dùng một số loại thuốc thông dụng hiện nay trên thị trường như: Hopsan, Bassa, Fastac… để phòng trị.

 

- Bệnh hại: Mè thường bị 3 loại bệnh chủ yếu: đốm khô, héo khô và virút do lây truyền bởi rầy rệp. Cần chú ý phòng bệnh tốt bằng cách làm tốt vệ sinh đồng ruộng, chống úng, gieo trồng mật độ hợp lý. Có thể sử dụng các loại thuốc trừ bệnh thông dụng như Champion, Vicarben...

 

- Chống úng là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

 

Thu hoạch

 

Khi có khoảng 2/3 quả và lá ngã màu vàng (một số cây có vài quả dưới gốc đã khô) thì thu hoạch. Không nên thu hoạch sớm vì có nhiều hạt lép và làm giảm phẩm chất mè, thu hoạch muộn thì bị nứt nẻ hoặc hạt rơi vãi. Thu lúc trời nắng ráo. Dùng liềm cắt và bó thành từng bó có đường kính từ 10 – 15 cm, rồi dựng đứng các bó từ 3 – 5 ngày và đập lấy hạt, sau đó sàng sảy sạch và phơi tiếp 2 – 3 nắng. Khi đang phơi mà gặp mưa, nếu quả chưa khô thì ít bị ảnh hưởng, nhưng nếu quả đã khô thì ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất hạt. Có thể ủ trong mát 2 – 4 ngày trước khi phơi nhưng không được chất thành đống.

 

Th.S Võ Văn Quang - Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc

 

Trồng đinh lăng thu nhập cao

 

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

 

Với cơ ngơi khang trang của gia đình ông Bùi Văn Sớm cùng vườn đinh lăng ngút ngàn có giá trị bạc tỷ, khiến chúng tôi bất ngờ.

 

 

Nhờ trồng đinh lăng, nhiều hộ nông dân trở nên khá giả

 

Về xóm 11 xã Hải Quang, huyện Hải Hậu (Nam Định) chứng kiến cơ ngơi khang trang của gia đình ông Bùi Văn Sớm cùng vườn đinh lăng ngút ngàn có giá trị bạc tỷ chúng tôi không khỏi bất ngờ.

 

Vừa bật hệ thống phun nước tự động cho vườn, ông Sớm vừa vui vẻ cho biết: "Tôi gắn bó với cây đinh lăng cả hơn chục năm rồi. Diện tích hơn một mẫu này cũng đều là đất tôi thuê của bà con trồng lúa kém hiệu quả để làm. Vườn đinh lăng này năm nay mới bước sang tuổi thứ 3 nhưng tôi đã xuất bán hai lần được 250 triệu đồng.

 

Lần thứ nhất là khi vườn cây vừa được một tuổi thì tôi cắt cành bán giống được 100 triệu. Lần thứ hai là năm 2014, để giúp cho rễ đinh lăng còn lại phát triển thuận lợi hơn nên cứ hàng cách hàng tôi lại đào và bán từ gốc đến rễ với giá 27 nghìn đồng/kg được 150 triệu đồng.

 

Và đến tháng 6/2016 tới đây, nếu xuất bán hết cả vườn này dự kiến sẽ cho thu khoảng trên 400 triệu đồng nữa. Như vậy, tính ra 1 sào trồng 3 năm sau cho thu nhập từ 170 - 200 triệu đồng. Trừ đi chi phí giống, phân bón, mỗi một năm cũng cho thu nhập từ 18 - 22 triệu đồng/sào, tương đương 520 - 580 triệu đồng/ha/năm. Đây quả là một con số không hề nhỏ!".

 

Hiện tại gia đình ông đã ký kết hợp đồng với Cty Cổ phần Traphaco một năm cung cấp 100 tấn đinh lăng khô (tương đương 500 tấn đinh lăng tươi). Không chỉ dừng lại ở việc tiếp tục mở rộng diện tích đinh lăng nhà mình và vận động các hộ dân trong xóm, trong xã cùng trồng. Hiện gia đình ông còn có 3 cơ sở thu mua và chế biến đinh lăng tại các xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu; thị trấn Xuân Trường và xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy.

 

Từ nhiều năm nay, bình quân gia đình ông thu mua từ 400 - 500 tấn đinh lăng tươi cho bà con trong và ngoài huyện về sơ chế, xấy khô xuất bán cho Cty Cổ phần Traphaco. Qua đó đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 20 - 30 công nhân với mức 120 nghìn đồng/ngày.

 

Được biết các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định) được tổ chức HELVETAS Swiss Intercooperation Việt Nam lựa chọn để thực hiện dự án “Phát triển các hoạt động thương mại sinh học trong lĩnh vực hợp chất tự nhiên tại Việt Nam” (gọi tắt là dự án BioTrade).

 

Dự án BioTrade và Cty Cổ phần Traphaco cùng hợp tác để phát triển dược liệu đinh lăng theo tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).

 

 

Ông Phạm Văn Đà, Chủ tịch UBND xã Hải Quang cho biết, toàn xã có khoảng 40 ha trồng cây dược liệu đinh lăng rải rác ở tất cả các xóm. Trong đó tập trung ở các xóm 1, 2 với tổng diện tích gần 20 ha. Hải Quang cũng có cơ sở ký kết hợp đồng với Cty Cổ phần Traphaco để phát triển dược liệu đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO.

 

"Ngoài việc vận động, khuyến khích bà con mở rộng diện tích chúng tôi cũng rất chú trọng tuyên truyền để bà con thực hành tốt việc trồng, thu hái và sơ chế nhằm đảm bảo hiệu quả, chất lượng dược liệu trước khi xuất bán cho Cty", ông Đà chia sẻ.

 

Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự mạnh dạn trong chuyển đổi sản xuất, vừa qua xã Hải Quang đã được các phòng, ban của huyện về thẩm định, tiến tới công nhận “Làng nghề trồng cây dược liệu Quang Bắc”.

 

NHƯ XUÂN

 

Giá lúa đông xuân sớm cao hơn so với cùng kỳ

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

 

 

Thu hoạch lúa đông xuân 2015-2016 tại xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

 

Hiện tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, nông dân có lúa đông xuân 2015 - 2016 thu hoạch sớm rất phấn khởi khi giá lúa ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước từ 400 - 500 đồng/kg.

 

Tại nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như: Sóc Trăng, Vĩnh Long… hiện lúa đông xuân gieo sạ sớm đã bước vào thu hoạch. Nông dân bán lúa tươi giống IR 50404 tại ruộng cho thương lái ở mức từ 4.750 - 4.800 đồng/kg; các loại lúa tươi hạt dài như: OM 5451, OM 4218, OM 4900… giá 4.900 - 5.000 đồng/kg. Giá gạo lứt nguyên liệu làm thành gạo 5% tấm xuất khẩu đang được nhiều doanh nghiệp thu mua ở mức 7.200 - 7.300 đồng/kg; gạo lứt nguyên liệu làm thành gạo 25% tấm giá 6.600 - 6.700 đồng/kg. Giá lúa gạo đang ở mức cao so với cùng kỳ năm trước do ngay từ cuối năm 2015 và bước vào đầu năm 2016 các doanh nghiệp nước ta đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo, tạo thuận lợi về đầu ra trong xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhu cầu gạo phục vụ cho thị trường trong nước cũng đang tăng, nhất là các loại gạo thơm, đặc sản phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2016. Song nhiều khả năng tới đây khi nông dân vào vụ thụ hoạch rộ, khả năng giá lúa gạo có thể giảm là rất lớn, nhất là vào thời điểm trong Tết Nguyên đán 2016 khi mà nhiều doanh nghiệp, tiểu thương hạn chế hoạt động thu mua lúa gạo hoặc việc thu mua không đáp ứng so với nhu cầu cần thu hoạch và bán lúa của người dân.

 

Khánh Trung

 

Nông dân điêu đứng do nhà máy thu mua sắn chậm

 

Nguồn tin: VOV

 

Bà con nông dân ở 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang điêu đứng do nhà máy thu mua sắn chậm.

 

Sắn là nguồn thu nhập chính của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đang vào mùa chính vụ thu hoạch nhưng nhiều nơi bà con không bán được sắn do Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa thu mua quá chậm.

 

Những ngày này đến thôn, bản nào ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cũng nghe bà con phàn nàn chuyện Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa thu mua sắn chậm.

 

Gia đình bà Hồ Thị Liềng ở thôn Prin C, xã A Dơi trồng 5 sào sắn, nhưng đến nay mới chỉ bán được 2 sào. Bà Liềng cho biết, để bán được sắn, bà con phải đến tận nhà máy đăng ký, khi nhà máy cấp giấy hẹn ngày mua, bà con mới thu hoạch để bán. Suốt mấy tháng nay, gia đình bà Liềng và bà con trong thôn, bản đến sắp hàng tại Nhà máy để xin phiếu bán sắn, nhưng cán bộ nhà máy hẹn phải chờ đến lượt.

 

Bà Liềng chia sẻ nhà bà có 10 xe sắn mà mới bán được 2 xe, còn lại 8 xe. Sắn bán từ tháng 10/2015 lấy tiền mua gạo, mua đồ ăn. Giờ đã hết tiền mà công ty không cho bán nên gia đình mà không có tiền mua đồ ăn, không có tiền sắm Tết, cũng không có đất trồng lại.

 

 

Đồng bào PaKô- Vân Kiều, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa thu hoạch sắn

 

Người dân ở huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, tỉnh Quảng Trị thu nhập chủ yếu nhờ cây sắn. Thời điểm này mọi năm, bà con cơ bản thu hoạch xong và bán hết sắn cho nhà máy, có tiền trang trải cuộc sống, mua sắm Tết và chuẩn bị trồng lại vụ mới. Năm nay, Nhà máy thu mua quá chậm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bà con.

 

Ông Hồ Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cho biết, toàn xã có 520 héc ta sắn, ước sản lượng đạt hơn 20 ngàn tấn củ nhưng đến nay mới bán chưa được 1 nửa. Từ khi Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa thực hiện chủ trương phát phiếu hẹn thu mua sắn đã khắc phục tình trạng sắn củ thu hoạch để dồn ứ, hư hại do không tiêu thụ kịp, nhưng người dân lại quá phụ thuộc vào nhà máy. Điều khiến ông Hồ Văn Thăng bức xúc, trong khi người trồng sắn bị khống chế thời gian thu mua thì nhà máy lại ưu ái cho tư thương.

 

“Đáng lẽ ra phải ưu tiên trên địa bàn khu vực đóng nhà máy, nhưng nhà máy nhập hết từ bên ngoài. Khu vực này nhà máy có nhập nhưng nhập hạn chế, rất ít, trong khi đó thương lái cho nhập 2 ngày một xe, mà không biết bao nhiêu thương lái ở trên khu vực này. Bà con đất không có, muốn trồng vụ mới thì phải thu hoạch. Đợt này nắng hạn nhiều, nếu không trồng kịp mùa vụ thì cây không thể lên được,” ông Thăng nói.

 

Vì sao có nghịch lý này?

 

Ông Lê Văn Thể, Giám đốc Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị giải thích, công suất nhà máy mỗi ngày chỉ tiêu thụ hơn 700 tấn, trong khi đó nhu cầu bán sắn củ của bà con quá lớn, không thể thu mua cùng một lúc. Nhà máy phải phân bổ lịch thu mua trải đều ra các tháng để bà con chủ động thu hoạch, tránh tình trạng dồn ứ nguyên liệu.

 

Ông Thể cho biết, trước mắt nhà máy phân bổ, đảm bảo thu mua mỗi gia đình một ít, còn lại bà con phải chờ đến lượt. Lãnh đạo Công ty cũng đã có phương án cho bà con tạm ứng tiền trước để mua sắm Tết. Theo ông Lê Văn Thể, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa đã có kế hoạch nâng công suất lên 900 tấn/ngày, sẽ góp phần giải quyết tình trạng dồn ứ nguyên liệu.

 

“So với công suất nhà máy bây giờ, nếu dài trải ra một năm 9 tháng thì vẫn thiếu nguyên liệu. Ví dụ tháng 8 nhà máy chỉ sản xuất nửa tháng, tháng 9 chỉ khoảng 50% đến 60% công suất nhưng đến tháng 11, 12 hoặc tháng 1, tháng 2 năm sau vượt quá công suất. Khi nào hoàn thành nâng công suất từ 700 đến 900 tấn/ ngày thì giảm bớt căng thẳng,” ông Thể cho hay.

 

Năm nào cũng vậy vào chính vụ thu hoạch, người trồng săn ở các xã vùng cao huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị lại gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sắn củ. Dù Nhà máy cam kết sẽ thu mua hết sắn củ cho bà con nhưng ai cũng lo lắng vì sắn để lâu ngày trên nương sẽ giảm chất lượng tinh bột, mất giá và ảnh hưởng đến lịch trồng mới vụ sau.

 

Bài toán phát triển vùng nguyên liệu và giải quyết đầu ra cho nông sản cần được chính quyền cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị tính toán kỹ lưỡng.

 

Đình Thiệu/VOV - miền Trung

 

Các tỉnh phía Nam ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn gây hại cây trồng

 

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phía Nam quan tâm chỉ đạo sản xuất trong tình hình hạn hán và trong thời gian Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

 

Theo kết quả khảo sát và tổng hợp từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh chịu ảnh hưởng của tình hình khô hạn nặng là Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đăk Nông, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang. Hiện nay các trà lúa Đông Xuân đang ở nhiều giai đoạn từ giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, làm đòng và trỗ chín, giai đoạn nào của cây lúa cũng chịu tác động của những diễn biến khô hạn, nắng nóng và có thể ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa, gạo.

 

Riêng vùng ĐBSCL trong thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Bính Thân sẽ có khoảng 600 ngàn ha lúa Đông Xuân ở giai đoạn chín, thu hoạch cần tập trung theo dõi sát sao để tránh những thiệt hại và thất thoát sản lượng.

 

Trước tình hình hạn hán gay gắt, nguồn nước tưới tụt giảm nghiêm trọng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương phát động rộng rãi các biện pháp tích trữ nước từ mọi nguồn, mọi phương tiện. Tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, chất lượng nước và tình trạng xâm nhập mặn trong và ngoài hệ thống cống, có kế hoạch vận hành ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo phân phối nước công bằng, hợp lý, hiệu quả cho từng đối tượng cây trồng ở những tiểu vùng sinh thái khác nhau.

 

Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra, tu sửa, gia cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước, giảm thất thoát nước; sử dụng tiết kiệm nguồn nước trong các hồ chứa phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân và dự tính cho sản xuất vụ Hè Thu 2016 cũng như các loại cây trồng khác trong mùa khô 2016.

 

Đồng thời quán triệt đến từng địa phương cụ thể về khả năng đảm bảo của nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại những nơi có khả năng thiếu nước.

 

Chuyển đổi cây trồng trên đất thiếu nước

 

Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ sản xuất lúa ở các tiểu vùng sinh thái và có giải pháp ứng phó với các điều kiện thiếu nước, xâm nhập mặn, diễn biến thất thường của thời tiết, nắm vững các trà lúa trỗ, chín để khuyến cáo thu hoạch tập trung, hợp lý tránh thất thoát.

 

Những vùng không đủ nước tưới cho lúa, nhưng vẫn đảm bảo cho rau màu ngắn ngày, hoặc khai thác được nguồn nước bổ sung (nước ngầm, nước hồ, đập, sông, suối…) tiếp tục chuyển đổi sang gieo trồng cây ngô, lạc, rau đậu các loại là các cây trồng có nhu cầu nước thấp hơn cây lúa. Khi chuyển đổi cần lưu ý thị trường tiêu thụ và hiệu quả kinh tế của người sản xuất.

 

Đối với vườn cây ăn trái, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, trữ nước trong các kênh trong vườn, theo dõi tình hình nước mặn trước khi đưa nước vào vườn.

 

Lan Phương

 

An Giang: Nhiều nỗi lo với lúa đông xuân

 

Nguồn tin: Báo An Giang

 

Lũ nhỏ, thời tiết khô hạn, dịch bệnh phức tạp... là những tác động bất lợi khiến nông dân đang canh tác lúa đông xuân lo lắng. Cùng với đó, giá lúa thấp cũng gay tâm lý bất an đối với vụ sản xuất chính trong năm.

 

“Giặc chuột” hoành hành

 

Lũ 2015 nhỏ, nước không tràn đồng nên nông dân canh tác lúa dọc theo các tuyến kênh Mới, kênh 3, kênh 4, kênh Võ Văn Kiệt (T5), T6, Vĩnh Tế, Tám Ngàn… tranh thủ xuống giống sớm vụ lúa đông xuân. Thời điểm này, có nơi lúa đã lác đác chín, có nơi trổ đều, có nơi đang làm đòng, ngậm sữa nhưng nông dân vẫn chưa thể yên tâm vì bị chuột cắn phá. “Những năm trước, lũ ngập sâu trên đồng nên chuột co cụm lại ở các gò cao, bụi cây, dễ bị tiêu diệt. Đến khi rút nước xuống giống lúa đông xuân, chuột cũng không gây hại nhiều. Còn năm nay lũ nhỏ, chuột sinh sản ngay trên bờ kênh, bờ đê nên cắn phá dữ quá. Chúng tôi dùng mọi cách tiêu diệt mà cũng không xuể. Xuống giống được nửa tháng, tôi phải thuê cấy giặm hết mấy chục ngày công do lúa nảy mầm bị chuột, ốc bươu vàng cắn. Đến khi lúa lớn lên, chúng cũng vào phá hoại dần. Năng suất năm nay chắc khó bằng năm ngoái” - anh Huỳnh Văn Tiền, canh tác 6 héc-ta lúa ở khu vực ấp Cà Na (xã Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang), chia sẻ.

 

 

Chuột cắn phá khiến nông dân phải cấy giặm lúa

 

Bên cạnh nỗi lo “giặc tí”, nông dân canh tác lúa đông xuân sớm ở Tri Tôn và cặp tuyến kênh Vĩnh Tế cũng chưa yên tâm khi giá lúa đang xuống thấp. “Tôi nghe Việt Nam ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo lớn cho một số nước như Indonesia, Philippines… đáng lý giá lúa phải giữ ở mức cao mới đúng. Đằng này, các công ty lại thu mua gạo với giá thấp hơn vụ thu đông trước đó. Do vậy, giá lúa thu mua tại ruộng hiện nay chỉ quanh mức 4.800 – 4.900 đồng/kg đối với lúa IR50404, còn các giống OM như 6976, 4218, 2517, 1490, 2514… cũng chỉ ở mức 5.000 – 5.200 đồng/kg (lúa tươi)” – anh Trần Văn Minh, thương lái quê Phú Tân, thông tin.

 

Đối với các vùng canh tác lúa Nhật, lúa Đài Loan ở huyện Thoại Sơn, như: Vọng Đông, Vọng Thê, An Bình, Tây Phú… do thời gian canh tác vụ thu đông kéo dài nên xuống giống vụ đông xuân trễ hơn nhiều vùng khác. Hiện nay, lúa được khoảng 2 – 3 tuần tuổi, nông dân cũng đau đầu với nỗi lo chuột cắn phá mạnh.

 

Dịch bệnh phức tạp

 

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang, cho biết, do mùa lũ năm 2015 có mực nước rất thấp nhiều năm qua nên tiến độ xuống giống vụ đông xuân 2015 – 2016 sớm hơn 15 – 30 ngày so cùng kỳ. Cũng do mức nước lũ thấp không phân hủy được lúa chét, rơm rạ trên đồng nên chi phí làm đất gia tăng, các loại dịch hại có nơi sinh sống, lưu tồn và dễ lây nhiễm sang vụ đông xuân. Trong sản xuất vụ thu đông 2015, có những vùng xuống giống trễ (sau ngày 9-9-2015), tạo nguy cơ làm cầu nối cho các loài dịch hại, nhất là bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá, lây lan sang vụ đông xuân.

 

Theo ông An, cơ cấu giống lúa vụ đông xuân phần lớn vẫn là các giống nhiễm bệnh đạo ôn, rầy nâu, trong khi thời tiết vụ đông xuân thuận lợi cho các sinh vật như: Rầy nâu, bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá, chuột, bệnh đạo ôn, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, bệnh cháy bìa lá, nhện gié gây hại phát sinh và phát triển mạnh trên diện rộng. Trong đó, bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá vẫn còn là mối nguy cơ khi kết quả các mẫu rầy nâu gởi kiệm nghiệm tại Trung tâm BVTV phía Nam có tỷ lệ khoảng 10% là rầy nâu mang virus lùn xoắn lá. Trong khi đó, rầy nâu còn có khả năng xuất hiện thêm một đợt vào giữa tháng 2-2016, phát triển trên trà lúa muộn ở giai đoạn làm đòng đến ngậm sữa, mức độ gây hại từ trung bình đến nặng. Đối với bệnh đạo ôn, thời gian xuất hiện từ giữa tháng 12-2015 đến tháng 2-2016, mức độ gây hại từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng, nhất là trên các giống nhiễm, gieo sạ dày và bón phân thừa, như: Jasmine, IR50404, OM4218, OM7347, OM4900, OM5451, OM6976, OM2514… Từ giữa tháng 2 đến tháng 3, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát triển từ nhẹ đến trung bình, cá biệt nặng từng chòm đốm trên các ruộng bị nhiễm đạo ôn lá nặng giai đoạn trước. Đối với sâu cuốn lá, dự báo sẽ xuất hiện thêm 2 đợt (sâu non nở) từ khoảng đầu đến giữa tháng 2 và từ khoảng đầu đến giữa tháng 3, mức độ gây hại từ trung bình đến nặng…

 

Ông An khuyến cáo, nông dân nên thăm đồng thường xuyên khi thời tiết có nhiều sương mù vào sáng sớm hoặc chiều tối; gieo sạ hàng hoặc sạ thưa; bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, tránh bón thừa đạm để phòng bệnh đạo ôn. Đối với rầy nâu di trú từ nơi khác đến khi lúa đang ở giai đoạn mạ thì phải chờ đến khi rầy cám nở, theo dõi mật độ trên 3 con/tép và rầy đa số tuổi 1 - 3 thì hãy xử lý bằng thuốc đặc trị rầy nâu. Nên áp dụng gói kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” (sử dụng giống xác nhận, giảm lượng phân đạm, tăng cường kali giai đoạn đầu giúp cây lúa khỏe, trồng cây có hoa trên bờ ruộng…) và không sử dụng thuốc gốc cúc hoặc hỗn hợp nhiều loại thuốc trừ sâu vào giai đoạn 40 ngày đầu của cây lúa để bảo vệ thiên địch, tránh rầy nâu bộc phát…

 

HOÀNG XUÂN

 

Nguy cơ giảm năng suất nếu cấy mạ già

 

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

 

Ngày 21/1, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị bàn giải pháp triển khai sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2015 - 2016 trong điều kiện thời tiết ấm tại các tỉnh phía Bắc.

 

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn T.Ư, nhiệt độ trung bình trong các tháng nửa đầu năm 2016 trên phạm vi các tỉnh miền Bắc có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C. Như vậy, các tỉnh miền Bắc tiếp tục có vụ Đông Xuân ấm, có khả năng bị khô hạn và thiếu nước cục bộ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

 

Theo kế hoạch, toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy khoảng 1,13 triệu héc ta, giảm 33.000ha so với vụ Đông Xuân 2014 – 2015. Báo cáo tiến độ sản xuất từ các địa phương cho thấy, tại một số tỉnh miền Bắc, nông dân đã và đang gieo cấy các giống Xuân sớm và mạ đã có 5 - 6 lá. Với nền nhiệt ấm, mạ sinh trưởng mạnh, lúa cấy sẽ bén rễ hồi xanh nhanh, đẻ nhánh sớm và nguy cơ phân hóa, trổ bông vào tháng 3 nguy cơ làm giảm trầm trọng năng suất là rất cao.

 

Do đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị, đối với trà lúa Xuân sớm, gieo mạ sớm đề nghị các địa phương khẩn trương thành lập các đoàn cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông kiểm tra, đánh giá cụ thể tình hình mạ và vận động nông dân kiên quyết loại bỏ mạ già quá 6 lá, thay thế bằng nhóm giống lúa ngắn ngày.

 

Thiên Tú

 

Cục Trồng trọt yêu cầu không dùng xi măng bón cho lúa

 

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

 

Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản đề nghị các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường kiểm tra và giải thích cho người dân hiểu rõ về tác hại đồng thời khuyến cáo người dân không dùng xi măng để bón cho lúa và các cây trồng khác.

 

Qua báo cáo kiểm tra xác minh của Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, đến nay có hai trường hợp nông dân sử dụng xi măng bón cho lúa gồm: một nông dân ở huyện Lai Vung và một nông dân ở huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp.

 

Đây là hiện tượng nông dân tự phát thực hiện, không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp và có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đất trước mắt và lâu dài.

 

Theo Cục Trồng trọt, phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất. Xi măng không phải là phân bón, cũng không phải chất cải tạo đất, về cơ bản xi măng không có các chất dinh dưỡng cho cây trồng. Khi bón xi măng vào đất sẽ ảnh hưởng xấu đến tính chất đất và sinh trưởng phát triển của cây trồng. Do vậy không được sử dụng xi măng bón cho lúa cũng như các cây trồng nông nghiệp.

 

Cục Trồng trọt nhấn mạnh là nước sản xuất lúa gạo hàng hóa và xuất khẩu gạo lượng lớn trên thế giới, những tác động tiêu cực đến sản xuất lúa đều có thể gây bất lợi cho tình hình sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ảnh hưởng thương hiệu lúa gạo nước ta.

 

Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo, người dân cần bón phân theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời kỳ và đúng cách), cùng với các biện pháp kỹ thuật áp dụng phổ biến trong canh tác lúa hiện nay như “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận-giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón, giảm nước, giảm thất thoát sau thu hoạch), canh tác theo VietGap... là những kỹ thuật canh tác tiên tiến mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị lúa gạo Việt Nam.

 

Cũng theo Cục Trồng trọt, hiện chưa phát hiện thêm trường hợp nào sử dụng xi măng bón cho lúa ở những tỉnh, thành khác ở Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thành khác trên cả nước.

 

Khánh Linh

 

“Vua tạo hình” trái cây ở châu thổ

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Trời se lạnh, nhưng anh vẫn tranh thủ thức sớm ra vườn. Hết tỉa cắt cành, anh lại cẩn thận kiểm tra “o bế” từng dây khung ốp để tạo hình trên bưởi Năm Roi. Anh mân mê và nở nụ cười tươi rói bên những trái bưởi “đóng dấu” bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu nhô lên trong màu xanh mát dịu của bưởi Năm Roi.

 

 

Anh Võ Trung Thành với sản phẩm bưởi Năm Roi được tạo hình “Bản đồ Việt Nam”, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Tạo hình từ đất sét

 

Người chủ khu vườn bưởi tạo hình chính là anh Võ Trung Thành vừa bước qua tuổi 55. Cách đây 5 năm, anh là nhà vườn đầu tiên ở ĐBSCL nghĩ ra tạo hình bưởi hồ lô ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Những ngày giáp Tết Bính Thân 2016, “vua bưởi tạo hình” di chuyển như con thoi để tư vấn cho nhà vườn ở Phú Tân vừa làm bưởi tạo hình “hồ lô”, “Cát Tường”, “Tài - Lộc”, “Bản đồ Việt Nam… Chỉ với 3 công vườn trồng bưởi Năm Roi, trong 5 năm qua, anh Thành đã thành tỉ phú nổi tiếng với trái cây tạo hình độc đáo.

 

Chân dung của “vua bưởi tạo hình” bắt đầu từ câu chuyện nghe rất “kỳ cục”. “Cách đây 7 năm, tình cờ thấy một trái bưởi kẹt trong nhánh cây vẫn phát triển bình thường với hình thù “chẳng giống ai”, thế là tôi nảy ra ý tưởng làm sao “uốn ép” cho nó ra hình hồ lô”, anh Thành nhớ lại kỷ niệm nảy ra ý tưởng tạo hình trên trái bưởi. Cận tết năm đó, anh ép vài trái chưng cho vui. Hóa ra lại vui hơn mong đợi khi dự đấu xảo trái ngon ở Hội chợ Quốc tế Cần Thơ lại đoạt giải! Đó là nguồn động viên anh bắt tay vào sản xuất “hàng độc” dịp tết trong năm 2009. Và từ đó biệt danh “vua bưởi tạo hình” cũng được đặt cho anh Thành. Không chỉ làm giàu cho chính bản thân mà anh còn quy tụ, hướng dẫn 26 gia đình (bình quân 1 hộ có 1ha vườn) làm bưởi hồ lô bán trong dịp tết. Đó cũng là lý do để hình thành CLB sản xuất trái cây tạo hình. Và anh Thành được người dân tin tưởng bầu vào vị trí chủ nhiệm CLB.

 

“Vua bưởi tạo hình” Võ Trung Thành đã trải qua nhiều nghề nghiệp: thầy giáo rồi… “tháo giày” đi chạy xe lôi. Xe lôi bị “dẹp tiệm” mới quay về lui cui với 3 công vườn bưởi của gia đình. Khi về nhận vườn bưởi, anh Thành không biết trái bưởi nào chín, nói chi về kỹ thuật. Để có thành quả như hôm nay, là cả một quá trình kiên trì. Nhiều người dân trong CLB khi nói đến anh Thành vẫn hay nhắc lại câu chuyện gắn với “kỳ”. Họ bảo, chuyện nảy ra ý tưởng làm bưởi hồ lô “kỳ cục” thì “thằng cha” đi làm khuôn đúc càng “kỳ dị” hơn! Vốn anh Thành lấy đất sét nắn thành hình trái bưởi hồ lô như mong muốn. Lang thang lên Cần Thơ gặp một doanh nghiệp nhựa, anh Thành đưa “cục đất sét” ra, chủ doanh nghiệp nhựa nói một câu “xanh dờn”: “Để có khuôn đúc phải bỏ ra 4.000 USD”. Anh Thành nghe mà tái mặt. Mất ngủ mấy hôm, một người bạn điện thoại lên TP.Hồ Chí Minh giới thiệu tìm chỗ đúc khuôn. Lúc đầu định làm khuôn bằng thủy tinh nhưng nhà sản xuất nói phải làm vài trăm ngàn cái mới sản xuất. Anh Thành nghe mà mặt bí xị. Tuy nhiên, nhà sản xuất này rất “Fair play”, đã giới thiệu anh đến một điểm đúc khuôn bằng thép để từ đó sản xuất ra bằng nhựa !

 

Thổi tình yêu quê hương vào trái cây

 

Câu chuyện “kỳ cục” của “tay chơi đất sét” đã mang về cho chính anh thu nhập 120 triệu đồng năm 2009 và trong 5 năm qua, con số thu nhập của anh vài trăm triệu/năm khỏe re. Những thành quả của anh Thành, cũng là niềm tin để nhà vườn ĐBSCL bầu chọn anh đảm nhận vị trí Chủ nhiệm CLB Nông dân sáng tạo ĐBSCL.

 

Giờ đây, không chỉ TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng mà tận Hà Nội, khách hàng cũng “săn tìm” đặt hàng bưởi tạo hình trong dịp tết. Sau bưởi Năm Roi tạo hình “hồ lô”, anh Thành “kỳ công” làm tiếp tạo hình bưởi có chữ “Tài - Lộc”, “Phước - Lộc - Thọ”, “Cát Tường”. Trong đó, một doanh nghiệp lớn trong nước đã mời anh làm chuyên viên kỹ thuật tạo hình bưởi “Cát Tường” để xuất khẩu ra nước ngoài. Anh Thành thì được hưởng lương trên đầu sản phẩm bưởi tạo hình, nhà vườn ở Châu Thành được công ty hỗ trợ các vật liệu tạo hình và ký kết hợp đồng bao tiêu. Thu nhập của hàng chục nhà vườn trồng bưởi tạo hình nơi đây từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng trong dịp tết đã khá phổ biến.

 

Bưởi Năm Roi được tạo hình in “Bản đồ Việt Nam” lần đầu tiên sẽ xuất hiện trong dịp Tết Bính Thân 2016 ở ĐBSCL. Theo anh Thành, các nhà vườn ở Châu Thành đã chắc chắn tạo hình thành công 10.000 trái bưởi tạo hình. Trong đó, “vua bưởi tạo hình” rất nôn nao chờ ngày “trao tay” 1.000 trái bưởi tạo hình “Bản đồ Việt Nam”. Trong đó, 800 trái đã được khách “đặt hàng mua”, giá dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng/trái.

 

“Khi tình hình Biển Đông nóng, mình muốn gửi gắm tình cảm yêu quê hương, yêu biển đảo, nhất là trong ngày tết rất cần hành động “ôn cố tri tân”. Từ đó, tôi đã nảy ra ý tưởng tạo hình “Bản đồ Việt Nam”, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên bưởi Năm Roi, hòng nhắc nhở con em nhớ, yêu thương và có trách nhiệm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của quê hương”, anh Thành tâm sự.

 

Ngày tết thì người dân luôn mong muốn có cặp trái cây ý nghĩa mang lại may mắn. Giờ bưởi Năm Roi được tạo hình “Bản đồ Việt Nam”, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sẽ mang đến nhiều ý nghĩa thiêng liêng khi được đặt trên bàn thờ tổ tiên.

 

CAO PHONG

 

Mô hình cánh đồng mẫu nhãn - hình thức liên kết sản xuất cần được nhân rộng

 

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

 

Hiện nay, diện tích nhãn toàn tỉnh Bến Tre 4.000ha, trong đó huyện Bình Đại chiếm diện tích lớn nhất 1.845ha. Mô hình cánh đồng mẫu là hình thức liên kết sản xuất đã được triển khai thực hiện trên cây lúa trong nhiều năm qua và đã mang lại những thành công nhất định; là giải pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.

 

Tiếp nối thành công từ cây lúa, trong năm 2015, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bình Đại và UBND 2 xã Châu Hưng và Long Hòa (huyện Bình Đại) đã thực hiện mô hình cánh đồng mẫu nhãn với diện tích 162ha, có 292 hộ tham gia, đầu vào là Công ty cổ phần nông dược HAI cung ứng thuốc bảo vệ thực vật và Công ty Lio Thái cung ứng phân bón cho cây nhãn.

 

UBND xã Châu Hưng đã tổ chức sơ kết mô hình cánh đồng mẫu nhãn tại xã Châu Hưng nhằm đánh giá kết quả thực hiện trong năm qua và rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Nhiều giải pháp đã được thảo luận, đúc kết từ thực tiễn, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị, giải pháp áp dụng được vận dụng một cách linh hoạt tùy điều kiện từng vùng.

 

Hiệu quả kinh tế trong mô hình cánh đồng mẫu ở xã Châu Hưng và Long Hòa cho thấy lợi nhuận thu được từ các vườn nhãn trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 25 triệu đến 30 triệu đồng/ha (tăng 22% so với ngoài mô hình), nguyên nhân do việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật đã làm tăng năng suất, đặc biệt là nông dân biết ứng dụng quy trình quản lý bệnh chổi rồng như cắt, tiêu hủy cành bệnh, phun thuốc trừ nhện khi ra đọt non, ra hoa, dinh dưỡng cho cây khỏe. Năng suất nhãn bình quân các hộ trong mô hình cánh đồng mẫu đạt 15 - 17 tấn/ha, cục bộ có hộ đạt đến 20 - 22 tấn/ha, tăng 15 - 20% so với ngoài mô hình. Ngoài ra, mô hình cánh đồng mẫu nhãn còn tạo điều kiện cho các hộ nông dân gắn bó cùng nhau học tập kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, nắm bắt quy trình quản lý sâu bệnh, hạn chế thất thoát do sâu bệnh gây ra, nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho con người.

 

Nhiều cán bộ kỹ thuật, nông dân đánh giá cao hiệu quả của mô hình, đề nghị tiếp tục duy trì và nhân rộng. Để mô hình phát triển bền vững, cần chú ý các giải pháp trọng tâm: chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cây nhãn nhằm nâng cao năng suất, quản lý tốt các sâu bệnh hại nhất là bệnh chổi rồng và điều quan trọng là sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhà doanh nghiệp đồng hành đầu vào, đầu ra, cán bộ kỹ thuật và nông dân, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia.

 

Mô hình cánh đồng mẫu nhãn với những bước khởi đầu còn nhiều khó khăn, nhưng đã cho những kết quả rất khả quan. Đây là xu thế tất yếu, là giải pháp thiết thực nhất cho sản xuất trồng trọt nói chung và sản xuất nhãn nói riêng hiện nay và tương lai, nhằm hướng tới trái cây Việt Nam vươn xa ra thị trường quốc tế. Phương thức sản xuất cánh đồng mẫu cũng góp phần quyết định thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt; do vậy rất cần thiết có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành nhằm mở rộng mô hình này.

 

Nguyễn Thị Nguyệt

 

Tỷ phú trên núi

 

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

 

Thôn Đoàn Kết, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) được ví như “thôn tỷ phú”. Trong thôn có gần chục gia đình thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ cây có múi.

 

 

Vùng cam ở thôn Đoàn Kết, xã Tân Quang.

 

Năng động chuyển đổi cây trồng mới

 

Nói đến vùng đất Lục Ngạn, nhiều người nghĩ ngay đến những triệu phú có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm từ cây vải thiều. Nhưng ngay giữa thủ phủ của vải thiều lại có một địa phương hầu như không trồng vải thiều, đó là thôn Đoàn Kết, xã Tân Quang.

 

Sự khác biệt này không làm cho Đoàn Kết “chậm tiến” hơn các thôn khác trong huyện, trái lại thôn trở thành điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao.

 

Người dân thôn Đoàn Kết đều có quê gốc ở huyện Lý Nhân (Hà Nam) lên đây lập nghiệp từ những năm 1980. Có lẽ vì vậy mà khát khao làm giàu của những người dân nơi đây trở thành động lực để họ luôn tìm tòi, vươn lên phát triển kinh tế.

 

Thoạt đầu, theo phong trào, phần lớn diện tích đất vườn được trồng vải thiều, nhưng sau đó nhiều hộ dân chuyển sang trồng hồng Nhân hậu. Khi giá vải thiều có lúc xuống chỉ còn vài nghìn đồng/kg thì hồng vẫn cho thu nhập hàng chục nghìn đồng/kg. Đoàn Kết khi đó là một trong những thôn có sản lượng hồng lớn nhất của cả huyện, cho thu nhập ổn định.

 

Đến khoảng năm 2000, một số hộ chặt hồng, chặt vải thiều chuyển sang trồng một số loại cây hoàn toàn mới là cam đường Canh. Khi cây cam này trở nên phổ biến thì gần đây, nhiều hộ lại tiếp tục gây dựng những khu vườn trồng cam Vinh, bưởi da xanh, bưởi Diễn… mang lại hiệu quả cao, trở thành điển hình trong việc đưa cây giống mới vào vùng đất Lục Ngạn.

 

Ông Trần Đình Năm, Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết cho rằng: “Người dân thôn Đoàn Kết không bao giờ tự bằng lòng với mình và kết quả đạt được. Năng động, thích tìm tòi những cây trồng mới là một trong những đức tính của người Đoàn Kết hôm nay”.

 

Hiệu quả cao từ cây có múi

 

Anh Trần Văn Tiền năm nay 36 tuổi nhưng đã sớm trở thành tỷ phú có tiếng ở thôn Đoàn Kết. Bắt đầu “bén duyên” với cây cam đường Canh từ năm 2011, được coi là khá muộn ở thôn nhưng anh tìm cách học hỏi kinh nghiệm của các hộ đi trước để hạn chế rủi ro trong quá trình trồng, chăm sóc.

 

Nghĩ lại với quyết định phá bỏ hơn mẫu vườn trước đây trồng vải thiều và hồng Nhân hậu đang cho thu nhập tốt để chuyển sang trồng cam đường Canh, anh Tiền vẫn thấy mình quá liều lĩnh. Dù về lý thuyết anh thuộc làu làu nhưng khi áp dụng vào từng cây trong vườn, anh vẫn phải nhận “trái đắng” trong những vụ đầu tiên. Phải mất ba năm, vườn cam của anh mới bắt đầu ổn định ở mức thu hoạch khoảng 20 tấn/năm. Năm 2014, với giá 60-70 nghìn đồng/kg, anh thu gần 1,5 tỷ đồng. Năm nay, dự tính với giá cả ổn định, vườn cam sẽ còn cho doanh thu cao hơn nữa.

 

Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết Trần Đình Năm cũng là một trong số những tỷ phú ở đây. Ông Năm cho biết, cả thôn hiện có 230 hộ và gần 1.000 nhân khẩu thì tất cả các hộ đều trồng các loại cây có múi như cam đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn… với diện tích gần 80 ha.

 

Theo ông Năm, đây là những cây trồng khó tính, đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nếu không rất dễ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, thôn có đến gần chục hộ có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm như: Trần Văn Thanh, Trần Văn Thục, Trần Văn Tĩnh, Trần Văn Thưởng… Riêng thôn Đoàn Kết đã chiếm đến hơn một nửa số tỷ phú của toàn huyện Lục Ngạn. Các hộ có thu nhập từ 300-500 triệu đồng mỗi năm đếm không xuể.

 

Chủ tịch UBND xã Tân Quang Dương Xuân Trường không giấu được niềm tự hào khi cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của thôn Đoàn Kết với những đột phá trong việc đưa các loại cây mới vào sản xuất đã tạo động lực cho người dân trong xã đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn đồi. Hiện nay với thu nhập bình quân khoảng 70 triệu đồng/người/năm, người dân Đoàn Kết đang có thu nhập trung bình cao nhất so với các địa phương trong toàn tỉnh.

 

Chương Huyền

 

Xã Tân Phú (Tân Phú Đông, Tiền Giang): Con đường đến "vương quốc" mãng cầu Xiêm

 

Nguồn tin: Tiền Giang

 

Là nơi đầu tiên trồng và phát triển cây mãng cầu Xiêm mang tính thương mại, đến nay, xã Tân Phú (Tân Phú Đông, Tiền Giang) có diện tích trồng cây ăn trái này lớn nhất huyện, trong đó có những ấp mà diện tích cây trồng này chiếm đến 100% diện tích canh tác.

 

 

1. Theo nhiều nhà vườn trồng mãng cầu Xiêm xã Tân Phú, cây mãng cầu Xiêm có mặt trên địa bàn xã từ rất lâu đời nhưng chỉ trồng để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong gia đình, không mang tính thương mại. Cây trồng này chỉ thực sự xuất hiện và phát triển phục vụ yêu cầu trao đổi thương mại vào khoảng những năm cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000. Lúc đầu, cây được trồng ở ấp Tân Ninh sau đó lan rộng xuống các ấp Tân Thạnh, Tân Thành,...

 

Thấy cây trồng này cho thu nhập tốt, nhiều hộ bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi cây lúa, vườn cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng mãng cầu Xiêm. Đến nay, cây mãng cầu Xiêm đã mở rộng diện tích ra khắp các ấp trong xã, trong đó, các ấp Tân Ninh, Tân Thạnh, Tân Xuân hầu như 100% diện tích đất sản xuất đều trồng mãng cầu Xiêm. Không dừng lại trên địa bàn xã, cây mãng cầu Xiêm còn phát triển sang các xã khác. Đến nay, cây mãng cầu Xiêm đã có mặt ở các xã Tân Phú, Tân Thới, Tân Thạnh, Phú Thạnh.

 

Theo thống kê, năm 2005, toàn xã Tân Phú có 115 ha trồng mãng cầu Xiêm, đến nay đã phát triển lên trên 570 ha trong tổng diện tích trồng cây ăn trái này trên toàn huyện khoảng 850 ha. Diện tích phát triển, sản lượng trái tăng kéo theo mạng lưới thu mua được hình thành và phát triển dọc Đường tỉnh 877B. Giờ đây, cây mãng cầu Xiêm đã được nhiều nơi trong và ngoài tỉnh biết đến.

 

2. Sở dĩ cây mãng cầu Xiêm phát triển mạnh trên địa bàn xã Tân Phú nói riêng và huyện Tân Phú Đông nói chung là nhờ đặc tính chịu phèn - mặn (mức độ cho phép) và hạn khá tốt nên phù hợp với vùng đất hàng năm bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt vào mùa khô của xã Tân Phú. Vì thế cho nên dù được trồng nơi vùng đất thường bị thiếu nước ngọt, nhưng cây vẫn cho năng suất khá cao khoảng 15 - 17 tấn/ha/năm. Càng phấn khởi hơn khi thời gian qua, giá mãng cầu Xiêm khá ổn định ở mức cao, người trồng được lợi nhuận khá tốt.

 

Ông Lê Văn Gạo, ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, là một trong những người tham gia trồng mãng cầu Xiêm từ rất sớm cho biết, trước đây khu vực này chủ yếu trồng lúa, năng suất rất thấp. Từ khi chuyển sang trồng cây mãng cầu Xiêm, thu nhập gia đình tăng lên thấy rõ. Cây trồng này chịu hạn, chịu mặn tốt, lại cho trái quanh năm, nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây mãng cầu Xiêm cho lợi nhuận khá cao, khoảng trên 200 triệu đồng/ha/năm.

 

Xuất phát từ hiệu quả kinh tế, thời gian qua, các ngành, các cấp đã quan tâm hỗ trợ kỹ thuật cho nhà vườn thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật canh tác, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây mãng cầu Xiêm; hỗ trợ, thực hiện các chính sách đầu tư phát triển cây mãng cầu Xiêm như cho vay vốn...

 

Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với ngành Nông nghiệp huyện mở hàng chục lớp dạy nghề nông thôn trồng mãng cầu Xiêm như bo ghép, thụ phấn cho cây đậu trái... Từ các hoạt động đó, đến nay, ý thức về chăm sóc, phun thuốc đúng quy trình, bón phân cân đối; việc thụ phấn, xử lý ra hoa, cho trái vừa sức cây... trong nhà vườn được nâng lên đáng kể.

 

Cùng với đó, để từng bước tạo đầu ra ổn định trái mãng cầu Xiêm cũng như tạo cơ sở để phát triển bền vững cây trồng này, tiến đến xây dựng thương hiệu, xã Tân Phú đã thành lập Tổ hợp tác Kinh tế mãng cầu Xiêm xã Tân Phú.

 

Đặc biệt, trước tình hình bệnh khô cành, thối rễ trên mãng cầu Xiêm tăng mạnh, vừa qua, Viện Cây ăn quả miền Nam đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu và hướng dẫn nhà vườn quy trình phòng trừ bệnh khô cành, thối rễ trên cây ăn trái đặc sản này của xã. Không chỉ vậy, từ năm 2013, thông qua dự án của tỉnh, Viện Cây ăn quả miền Nam đã xây dựng mô hình sản xuất VietGAP trên cây mãng cầu Xiêm tại Tổ hợp tác Kinh tế mãng cầu Xiêm xã Tân Phú. Đến năm 2015, Tổ hợp tác đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 13,5 ha của 20 hộ tham gia.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, thời gian qua, hiệu quả từ cây mãng cầu Xiêm mang lại cho người dân trên địa bàn xã đã rất rõ rệt, nhưng việc phát triển cây ăn trái này vẫn còn không ít vấn đề. Đó là dù ý thức về sản xuất cây mãng cầu Xiêm bền vững trong dân đã được nâng lên rất nhiều nhưng vẫn còn nhà vườn chạy theo lợi nhuận đã lạm dụng sử dụng phân thuốc, khai thác quá triệt để khả năng cho trái của cây, dễ làm cho cây suy kiệt, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển.

 

Mặt khác, hệ thống kinh, mương ở nhiều vườn không đảm bảo yêu cầu thoát nước, chống úng. Điều đáng lo nhất hiện nay là diện tích mãng cầu Xiêm bị bệnh, suy kiệt có xu hướng tăng trong công tác phòng trừ bệnh chưa phát huy hiệu quả đã đe dọa đến sự phát triển của vùng chuyên canh mãng cầu Xiêm trên địa bàn.

 

Đồng thời, việc tiêu thụ trái mãng cầu Xiêm phụ thuộc chủ yếu vào thương lái, nên giá cả đầu ra còn bấp bênh, nhiều lúc gây bất lợi cho người sản xuất. Tổ hợp tác về sản xuất mãng cầu Xiêm đã thành lập trong thời gian dài, nhưng vẫn chưa hoạt động hết chức năng...

 

Trước thực trạng trên, cùng nỗ lực hướng cây ăn trái đặc sản cù lao đến phát triển bền vững của các ngành, các cấp, về phía xã, trước mắt, để tăng nguồn nước tưới cho cây, nhất là trong mùa khô, vừa qua, xã đã cho nạo vét 5,4 km kinh, mương; vận động nhân dân rong lá cây ở dọc các tuyến kinh, mương nội đồng để tăng khả năng dự trữ nước ngọt trong kinh, mương. Còn về định hướng phát triển cây mãng cầu Xiêm trên địa bàn xã trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đấu cho biết, xã tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây mãng cầu Xiêm; mở rộng diện tích trồng mãng cầu Xiêm theo GAP, để nâng cao chất lượng trái mãng cầu Xiêm trên địa bàn.

 

Ngô Văn

 

Người đi tìm "vương miện" cho cây bơ

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Ngược nắng, ngược gió, chúng tôi vượt hơn 150km đường tìm về Tiền Yên để được thung thăng trong trang trại bơ giống hàng đầu khu vực Tây Nguyên của lão nông Nguyễn Đăng Trung. Nghe nói, lão là người đã bạt nắng đi tìm “vương miện” cho cây bơ…

 

 

Lão nông Nguyễn Đăng Trung bên cây bơ giống đầu dòng trĩu quả

 

Cha đẻ của giống bơ lạ

 

Táo bạo. Nhiều người nói về lão như thế. Bởi lão là người tiên phong ở Bảo Lâm dám cưa trắng cả chục hécta cà phê giống cũ để ghép giống mới, rồi trồng xen giống bơ sáp vào trang trại cà phê để thu lợi gấp hai, ba lần trên cùng đơn vị diện tích. Hiện trang trại hơn chục hécta của lão nông Nguyễn Đăng Trung tại thôn Tiền Yên (xã Lộc Đức, Bảo Lâm), với trên 2.500 cây bơ đang bước vào thời kỳ thu hoạch đều được cơ quan hữu quan công nhận là cây đầu dòng để nhân giống cung cấp cho cả vùng Tây Nguyên.

 

Nhiều người ở xã Lộc Đức, nói về lão rằng: Trong khi nhiều hộ tại Tiền Yên trồng cây keo che bóng cho cà phê, ông Trung lại làm theo cách khác. Ông quyết định chọn cây bơ, vì vừa làm cây che bóng vừa cho thu hoạch. Những năm trước, thấy năng suất, chất lượng của giống bơ thực sinh (trồng bằng hạt) còn thấp, ông tìm đến một trung tâm nghiên cứu cây ăn quả ở thành phố Bảo Lộc mua hơn 300 cây bơ ghép giống mới về trồng. Cây phát triển không được như mong đợi, ông lại khăn gói đi tìm những cây bơ cho quả ngon để cắt chồi mang về tự ghép… Sau hơn 13 năm ròng rã cất công tìm kiếm, đầu tư tiền của, nhân giống, trồng thử nghiệm, ông đã tạo dựng được trang trại cà phê - bơ giống đầu dòng hơn 10 hécta, đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Nhiều người dành cho lão cái biệt danh trìu mến: “ông vua kép”.

 

Nắng buông dịu nhẹ. “Ông vua kép” Nguyễn Đăng Trung đưa tôi ngược miền ký ức. Ông kể: Đi dữ lắm. Bạt nắng mà đi. Mình phải tìm đến những vùng trồng bơ nổi tiếng mới mong có cây giống tốt, cứ nghe ở đâu có giống bơ ngon là mình có mặt. Trong quá trình khảo nghiệm, điệp khúc “trồng - chặt” cứ lặp lại miết. Và niềm vui vỡ òa ngay chính mảnh đất cao nguyên bazan, ông phát hiện ra cây bơ ngon nhất ngay trung tâm huyện Bảo Lâm. Đó là cây bơ cổ thụ của gia đình bà Tuyết, được trồng từ thời Pháp thuộc. Ông xin cắt một số chồi về ghép. Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, chưa rành kỹ thuật nên cây bị thối rễ, chết gần hết. “Không nản chí, tôi lại tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, lên mạng tìm tài liệu, mạnh dạn đầu tư vườn ươm công nghệ cao, nhờ vậy đã ghép thành công và trồng đại trà giống bơ mới này” - ông Trung thổ lộ.

 

Qua thời gian, bơ phát triển tốt, lúc lỉu quả, nhiều quả nặng đến 1,5kg, dài 40cm, trông như quả mướp, thớ màu vàng, mịn và dẻo, hàm lượng chất béo cao. “Tôi may mắn tìm thấy cây bơ sáp độc nhất, vô nhị này khi cây còn sung sức và kịp xin chồi về ghép. Bây giờ thì lão bơ trên đã cằn cỗi, suy kiệt, do sự tác động của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan” - ông Trung bộc bạch.

 

Tình cờ, ông Trung còn tìm được cây bơ độc đáo khác tại huyện Bảo Lâm, để bổ sung vào bộ sưu tập bơ lạ của mình. Sau khi ông mang chồi về ghép, cho ra loại bơ có quả như cái bầu nước, dài đến 20cm, nhiều quả nặng hơn một ký, mùi và vị loài bơ lạ này làm nhiều người thích thú, tìm về.

 

Đưa bơ đi thi “hoa hậu”

 

Năm 2009, tại hội thi “cây bơ năng suất cao, chất lượng tốt tỉnh Lâm Đồng lần thứ ba”, lão nông Nguyễn Đăng Trung mang hai cây bơ “độc” và “lạ” này dự thi và giành luôn hai giải đứng đầu. Từ đây, Hội đồng khoa học công nhận, đây là những giống bơ đầu dòng và đặt tên là BLD 034 và BLD 036.

 

Nở nụ cười đôn hậu, ông Trung kể: Tìm được cây giống thì lại thấp thỏm chờ đợi nhiều năm ròng, đến ngày cây ra quả mới biết chất lượng. Chưa kể, khi có được giống bơ tốt vẫn phải chờ các cuộc thi về “cây giống ăn quả” của các cơ quan hữu quan. Những ai chuyên sản xuất, nhân giống cây ăn quả đều trông đợi vào những cuộc thi này, chẳng khác gì các cuộc thi “hoa hậu”, người nào cũng muốn giành “vương miện” cho cây giống của mình.

 

 

Ông Trung kiểm tra giống bơ ghép trước khi cung cấp cho người dân

 

Không dừng lại ở đó, ông Trung tiếp tục tuyển chọn thêm một số giống bơ phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để ghép BLD 034, BLD 036, tạo ra thế hệ bơ mới kháng bệnh tốt, đạt năng suất, chất lượng cao để trồng đại trà, trồng xen với cà phê trên toàn diện tích của trang trại. Để vươn tới đỉnh chất lượng, ông không ngần ngại đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ tiên tiến và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho toàn bộ diện tích trang trại. Nhờ đó, mỗi cây bơ mới sáu tuổi đã cho cả trăm quả mỗi năm, khoảng 9 đến 10 tấn/hécta. Riêng năm 2014, gia đình ông thu trên 50 tấn quả từ trang trại bơ trồng xen cà phê. Tùy vào kích cỡ quả, bơ chính vụ hay trái mùa mà giá bán dao động từ 30 - 60 ngàn đồng/kg, gấp nhiều lần so với bơ thường, mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiếng lành đồn xa, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến trang trại của “vua bơ”, đưa bơ lạ vào bán trong nhà hàng, siêu thị với giá nhảy vọt.

 

Cùng với bơ ăn quả, gia đình ông Trung còn dành hơn 1ha đất xây dựng trang trại bơ giống, chuyển giao mô hình trồng xen bơ với cây cà phê, cung cấp giống bơ ghép cho cả khu vực Tây Nguyên. Hai năm gần đây, ông Trung đã sản xuất và cung cấp cho nông dân quanh vùng trên 50 ngàn cây bơ giống chất lượng, thu về cả tỷ đồng.

 

Với hành trình không ngừng nghỉ tìm “thương hiệu” cho cây bơ, lão nông Nguyễn Đăng Trung đã được vinh danh tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng năm 2014. Vinh dự hơn, ông được nông dân trong vùng suy tôn là “vua bơ”.

 

THỤY TRANG

 

Bưởi Diễn trên đất Yên Ninh

 

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

 

Trồng bưởi Diễn trên đất Yên Ninh, huyện Yên Định (Thanh Hóa) cho thu nhập khá. Bình quân 1 ha lãi khoảng 700 – 800 triệu đồng.

 

 

Vườn bưởi diễn của ông Hồng.

 

Cây bưởi Diễn được người dân Yên Ninh đưa vào trồng gần 20 năm qua, hiện đã phát triển được trên 40 ha. Theo kế hoạch của UBND xã Yên Ninh sẽ mở rộng diện tích trồng bưởi diễn lên từ 100 - 150 ha.

 

Theo ông Trịnh Đình Hồng, chủ hộ trồng bưởi Diễn: “Tôi nhận thầu từ năm 2000 để trồng mía cho Cty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan. Trong 3 năm trồng mía, nuôi bò tuy có hiệu quả nhưng không cao. Đến năm 2004, tôi quyết định trồng bưởi Diễn. Đến nay cây bưởi cho thu nhập rất ổn định, trung bình mỗi cây cho quả bán được 6 triệu đồng.

 

Theo chia sẻ của một số nhà vườn, để bưởi Diễn đạt năng suất, chất lượng tốt cần lưu ý cắt tỉa cành, lá đúng lúc, lúc thu hoạch quả xong phải dọn sạch sẽ vườn tạo độ thông thoáng cho cây. Vấn đề chăm bón phải được tiến hành trước tiết lập xuân và sau lập xuân, trước khi ra lộc phun thuốc trừ bệnh để phòng trừ các bệnh chảy gôm, bệnh loét, bệnh ghẻ sẹo, trừ sâu, nhện.

 

Trước lúc ra hoa đậu quả, bón 3 - 5kg đạm ure và 4 - 5 kali clorua/cây. Khi đậu quả rồi thì bón ít đạm đi, tập trung chủ yếu là kali. Nếu thấy cây còi cọc thì bón thêm phân NPK dành riêng cho cây ăn quả, nên bón phân theo nhiều đợt trong năm. Ngoài ra, cần tưới đủ ẩm cho cây. Quyết định chất lượng sản phẩm là ở cách chăm bón, vì vậy cần phải chăm bón theo đúng quy trình để cho chất lượng bưởi thơm ngon.

 

Song song với việc mở rộng diện tích, UBND xã Yên Ninh đang hướng đến việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm bưởi Diễn Yên Ninh ra thị trường. Khuyến khích, động viên bà con tích cực cải tạo vườn, đồi tạp trồng bưởi Diễn. Phối hợp với doanh nghiệp Tiến Nông và các cơ quan ban ngành chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân...

 

MẠNH HÙNG

 

Lê Anh Hùng – tấm gương sản xuất giỏi

 

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

 

Lập nghiệp từ hai bàn trắng, đến nay cựu chiến binh Lê Anh Hùng, thôn Hiệp Hòa, xã Tân Hải (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) đã xây dựng mô hình trồng thanh long khá vững, thu nhập kinh tế mỗi năm hơn 500 triệu đồng.

 

 

Cựu chiến binh đã thực hiện được ước muốn bằng mô hình trồng thanh long trên đất cát.

 

Từ “kiếm cơm ăn áo mặc”

 

Trước năm 2008 từ một ngư dân gắn với biển cả, nguồn thu bấp bênh, ông Lê Anh Hùng tích góp mua 1 ha đất cát lập nghiệp. Sau khi mua đất, ông trồng 500 trụ thanh long và sản xuất một số hoa màu, chăn nuôi vài con bò.

 

Qua 2 năm vườn thanh long 500 trụ cho trái, thấy hiệu quả mang lại khá rõ, năm 2010 ông Hùng thu hẹp diện tích sản xuất hoa màu để mở rộng diện tích trồng thanh long lên 1.000 trụ. Nhờ chịu khó học hỏi kiến thức, ông mạnh dạn áp dụng chăm sóc thanh long phát triển nhanh. Trong năm 2012, niềm vui thật sự đã đến với gia đình ông, khi 1.000 trụ thanh long cho trái nhiều đợt bán được giá cao, nguồn thu lãi cả trăm triệu đồng/mỗi đợt thu hoạch.

 

Có nguồn thu ông lại tích góp để mua thêm 1 ha đất cát liền kề mở rộng diện tích trồng thêm 1.000 trụ. Đến nay ông đã xây dựng mô hình trồng thanh long được 2.000 trụ đều cho thu hoạch. “Qua sách báo và các lớp học ngắn ngày do địa phương tổ chức liên quan đến phương pháp chăm sóc cây thanh long, tôi áp dụng ngay vào vườn của mình. Đặc biệt các biện pháp khoa học kỹ thuật sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP được áp dụng khá kỹ, giúp cây thanh long phát triển nhanh, ít dịch bệnh. Năm 2014 vườn thành long 2.000 trụ đồng loạt chong điện nghịch vụ, cho trái đạt chất lượng, bán được giá cao, thu về hơn 500 triệu đồng”, ông Lê Anh Hùng vui mừng cho biết.

 

Đến “kiếm cơm ngon, áo đẹp”

 

Ngày nay, nói đến mô hình sản xuất thanh long thì không có gì lạ đối với người dân Bình Thuận, nhưng cách làm của ông Hùng có nhiều chú ý. Trên diện tích đất cát, trước khi trồng thanh long, ông đào hố trộn thêm ít đất thịt, rồi bón lót phân hữu cơ đã ủ hoai, cộng với ít phân hóa học rồi mới trồng. Sau khi trồng, ông chú trọng tưới nước và tiếp tục bón phân theo từng giai đoạn phát triển của thanh long, bên cạnh đó xịt thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ nấm bệnh. Thời gian gần đây nhiều diện tích thanh long bị nhiễm bệnh đốm nâu, thán thư, bệnh khô thối đầu trụ… nhưng vườn thanh long của ông vẫn phát triển xanh tốt, ít dịch bệnh gây hại, cho trái đạt qua từng đợt.

 

“Đi từ phong trào cựu chiến binh tham gia phát triển kinh tế gia đình, Hội Cựu chiến binh xã Tân Hải có nhiều cựu chiến binh tham gia phát triển với những mô hình kinh tế hiệu quả. Nhưng đối với mô hình trồng thanh long của ông Hùng là khá hiệu quả. Bởi khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay ông đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng”, ông Trần Văn Thiên – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Hải cho biết.

 

Nhìn cơ ngơi kinh tế ông Lê Anh Hùng tạo dựng đến ngày hôm nay, khiến ai nghe qua cũng phải khâm phục. Kinh tế ổn định, giúp ông Hùng có điều kiện chăm lo cho 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Ông là một trong số những cựu chiến binh sản xuất giỏi của địa phương. Giờ đây ước muốn làm giàu của ông đã được thực hiện.

 

NGUYÊN CHÂN

 

Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn nhập khẩu xoài và chanh của Đồng Tháp

 

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

 

Công ty In Jae (Hàn Quốc) vừa có chuyến thăm và làm việc thực tế tại chợ đầu mối trái cây - vùng sản xuất chanh của huyện Cao Lãnh và Công ty TNHH thực phẩm Việt Đức, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) về việc xúc tiến thương mại xuất khẩu nông sản.

 

 

Công ty In Jae tham quan thực tế vùng sản xuất chanh ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp).

 

Qua tham quan thực tế vùng sản xuất chanh và xoài của huyện Cao Lãnh, Công ty In Jae đánh giá cao chất lượng của hai loại sản phẩm này. Dự kiến tháng 3/2016, Công ty sẽ xây dựng lại nhà sơ chế, đóng gói nông sản tại khu vực chợ đầu mối trái cây Mỹ Hiệp và đi vào hoạt động 1 năm sau đó.

 

Qua làm việc tại Công ty TNHH thực phẩm Việt Đức, phía đối tác Hàn Quốc bày tỏ sự hài lòng về quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm của Công ty. Hiện Công ty In Jae và Công ty Việt Đức đã có một số thỏa thuận về hợp tác xuất khẩu nông sản sấy.

 

Mỹ Lý

 

Lục Ngạn: Chủ động đón vụ vải mới

 

Nguồn tin: Báo Công Thương

 

Thời điểm này, trái vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) mới chuẩn bị ra hoa nhưng tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để đón vụ vải mới trong tâm thế hướng đến những thị trường khó tính nhất.

 

 

Mùa vải 2015 bội thu về tiêu thụ, giá cả và thị trường mới

 

Mùa vải năm 2015 tại Bắc Giang khép lại với những kết quả khả quan cả về tiêu thụ, giá cả lẫn thị trường mới. Giá vải năm 2015 được đánh giá là cao nhất trong 60 năm qua, với giá bán bình quân khoảng 15.000 đồng/kg. Số tiền thu được từ vải thiều tại Lục Ngạn là 1.170 tỷ đồng, còn với cả tỉnh Bắc Giang là trên 2.500 tỷ đồng.

 

Để chuẩn bị cho vụ vải mới, ngay từ đầu năm 2016, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục triển khai cho bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng vải, thực hiện quy trình san xuất theo VietGap và GlobalGap. Cùng với việc thương hiệu vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia, huyện Lục Ngạn sẽ tiếp tục đăng ký thương hiệu tại các thị trường tiềm năng như Mỹ, Úc, Malaysia, Singapore và Nga…

 

Theo kế hoạch, năm 2016, tỉnh Bắc Giang sẽ mở rộng vùng được cấp mã số, nâng từ 60,38 ha ở xã Hồng Giang lên 100 ha và mở rộng thêm 50 ha ở hai thôn Chão Mới và Chão Cũ của xã Giáp Sơn, nâng diện tích sản xuất theo quy trình GlobalGap lên 150 ha, nâng số vùng được cấp mã số vùng trồng từ 6 vùng (năm 2015) lên hơn 10 vùng (năm 2016). Tỉnh Bắc Giang sẽ không mở rộng thêm diện tích trồng vải mà đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng theo quy trình VietGap và GlobalGap, giữ vững về số lượng và tăng mạnh về chất lượng.

 

Hiện Lục Ngạn có 16.290 ha diện tích đất trồng vải thì có 10.500 ha theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap. Tỉnh Bắc Giang chi trả kinh phí 15 - 17 triệu đồng/ha cho những vùng làm thí điểm GlobalGap, đồng thời, hỗ trợ cho người dân một phần thuốc bảo vệ thực vật.

 

Ông Trần Quang Tấn- Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang- cho biết, hiện Sở đang chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2016 với từng thị trường để có sự chuẩn bị phù hợp. Về thị trường tiêu thụ, huyện Lục Ngạn định hướng, một mặt vẫn mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Malaysia, Singapore, mặt khác, chú trọng đến thị trường nội địa và Trung Quốc. UBND tỉnh Bắc Giang đã làm việc với Công ty Cổ phần suất ăn Hàng không Nội Bài để đưa trái vải thiều vào các chuyến bay của Vietnam Airlines.“Năm ngoái, Bắc Giang đã đưa khoảng 30 tấn trái vải vào suất ăn của các chuyến bay nội địa, năm nay hướng đến các chuyến bay quốc tế, đây là hình thức quảng bá sản phẩm cho đất nước”- ông Trần Quang Tấn nói.

 

Theo ông Trần Quang Tấn, mới đây, Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm có trụ sở tại Hà Nội đã đăng ký thêm 3 vùng trồng, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ với nông dân tại các xã Tân Mộc (9,45 ha), Tân Sơn (13,5 ha) và Kiên Lao (10,5 ha). Ở 3 vùng trồng này, theo cam kết ban đầu, công ty sẽ mua từ 50 - 70% loại quả chất lượng cao. Công ty đang kết nối với Vietnam Airlines trong vụ vải năm nay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận chuyển từ 1 - 2 container/ngày bằng máy bay xuất hàng sang Úc. Malaysia và bán tại thị trường nội địa. Năm 2016, huyện Lục Ngạn sẽ thành lập thêm các hợp tác xã (HTX), đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các HTX hiện có là Hồng Xuân và Hồng Giang ở Kép 1 (nơi có 150 ha diện tích cây vải GlobalGap), HTX Trại Mới ở Giáp Sơn, để tiếp nhận các nguồn vốn trong triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật.

 

Huyện Lục Ngạn hướng tới xây dựng mô hình các HTX là đầu mối kết nối nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore... Toàn tỉnh Bắc Giang cũng như người dân huyện Lục Ngạn đang tích cực chuẩn bị cho vụ vải thiều năm 2016.

 

Hạnh Nguyễn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop