Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 02 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 02 năm 2020

Bến Tre: Hoạt động sản xuất ngành dừa đang gặp khó

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Thời điểm này, mặn đã xâm nhập bao trùm trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Hệ thống các nhà máy nước cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất cũng đã mặn toàn bộ, không thể phục vụ cho hoạt động sản xuất. Nhiều nơi bị thiệt hại do không kịp xử lý tình huống mặn đến nhanh. Cùng với đó là dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra đã tác động kép khiến hoạt động sản xuất, thương mại của nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN ngành dừa đang rất khó khăn.

Cơ sở sản xuất thương mại Trần Minh Tâm giảm công suất sản xuất đáng kể.

Bà Lê Thị Bê - Chủ cơ sở sản xuất thương mại Trần Minh Tâm, Phường 6, TP. Bến Tre cho biết: Đợt mặn năm nay đến sớm khiến DN không kịp “trở tay”. Mới đây, lô sản phẩm được sản xuất từ thạch dừa xuất khẩu đi Nhật Bản đã hư do nước mặn. Để tiếp tục sản xuất, cơ sở đã mua nước uống đóng thùng (loại bình 21 lít) sử dụng.

Việc chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19, không thể xuất khẩu hàng vào thị trường Trung Quốc, cộng với yếu tố nước mặn đã khiến các DN, cơ sở sản xuất thạch dừa chịu thiệt hại kép.

“Mặc dù cơ sở không còn xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc trong 2 năm nay, tuy nhiên, tác động gián tiếp là không tránh khỏi. Các nước nhập khẩu hàng của Cơ sở Minh Tâm vì không xuất khẩu sang thị trường này được nên cũng đã tạm ngưng nhập khẩu hàng của cơ sở từ khoảng 1 tháng nay, khiến cơ sở phải giảm công suất, giảm lao động. Thậm chí, cơ sở phải tháo dỡ thiết bị máy móc ở nhiều công đoạn để vệ sinh lại và tạm thời cất đi, tránh hư hỏng vì ảnh hưởng của nước mặn”, bà Lê Thị Bê cho biết thêm.

Công ty cổ phần đầu tư dừa Bến Tre (Beinco), xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc cũng rơi vào tình trạng khó khăn trên. Ông Trần Văn Đức - Tổng giám đốc Beinco cho biết, DN sử dụng khoảng 300m3 nước để sản xuất mỗi ngày. Tuy nhiên, từ tháng 12-2019 đến nay, DN không đủ nước ngọt để sử dụng, nước máy thường xuyên ghi nhận độ mặn cao, từ 3 - 4‰. Giải pháp của Beinco là sử dụng hệ thống lọc nước RO. Việc đầu tư hệ thống lọc nước tốn nhiều chi phí. Mặt khác, hoạt động xử lý bằng hệ thống nước này cũng gây tốn kém. Cụ thể, chi phí lọc mặn 1m3 nước từ 40 ngàn đồng (nếu là nước máy thủy cục) đến hơn 60 ngàn đồng (nếu khai thác nước mặt).

“Cùng với việc giá dừa nguyên liệu tăng cao, việc xử lý nước mặn đã đẩy giá thành sản xuất 1 tấn cơm dừa nạo sấy lên trên 60 triệu đồng, trong khi giá thế giới chào bán ra thị trường hiện chỉ hơn 40 triệu đồng/tấn. Trong bối cảnh đầu vào cho sản xuất cao hơn giá thành, Beinco hoạt động khoảng 10% công suất nhà máy”, ông Trần Văn Đức cho hay.

Tại cuộc làm việc của UBND tỉnh với Sở Công Thương và các DN tiêu biểu mới đây, nhiều DN cho biết phải tạm dừng nhiều dây chuyền sản xuất, thậm chí tạm ngừng sản xuất do thiếu nước ngọt.

Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ có liên quan theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020. Trước mắt, sẽ triển khai nhiều công trình nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mặn xâm nhập sâu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập chỉ đạo Sở Công Thương cần theo dõi, kịp thời tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp linh hoạt hỗ trợ DN gặp khó khăn do tác động của mặn xâm nhập và dịch bệnh Covid-19.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói gì về việc "giải cứu" dưa hấu, tôm hùm?

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ dễ dẫn đến rủi ro. Ông mong muốn các hộ sản xuất nhỏ lẻ liên kết lại theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Trong cuộc trò chuyện ngắn với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ góc nhìn về chuyện “giải cứu” nông sản do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Lý giải chuyện “giải cứu”, Bộ trưởng cho biết, ở Việt Nam đang có 2 quy mô nông nghiệp song song tồn tại. Một là quy mô sản xuất lớn tập trung. Ở mô hình này, có các doanh nghiệp lớn đóng vai trò rường cột, hạt nhân trong chuỗi liên kết với người nông dân.

Ở quy mô này, các doanh nghiệp gần như ít bị ảnh hưởng do xuất khẩu chính ngạch, hàng hóa có chất lượng cao. Nếu có khó khăn, doanh nghiệp hạt nhân sẽ hỗ trợ tác động tới người nông dân trong chuỗi liên kết.

Sản xuất nhỏ lẻ dễ gặp rủi ro

Quy mô thứ hai, chiếm tỷ lệ lớn hơn là hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, cả nước hiện vẫn còn 7-8 triệu hộ nông dân, hơn 80 triệu mảnh ruộng. 35% lực lượng lao động đang sống phụ thuộc chính vào nông nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Đình Tùng/NNVN.

Chính quy mô sản xuất nhỏ lẻ này dễ gặp rủi ro hơn trên thị trường, điển hình là dịch Covid-19 vừa qua. Bộ trưởng khẳng định đã là nền kinh tế thị trường thì chuyện giá cả lên, xuống là đương nhiên. Tuy nhiên, vẫn có những cách để hạn chế việc giá cả xuống thấp, phải “giải cứu” nông sản như thời gian vừa qua.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT, các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cần phải tập hợp nhau lại, bằng cách vào các hợp tác xã kiểu mới, giống như mô hình một doanh nghiệp.

“Chúng ta có 7 - 8 triệu hộ nông dân, nếu không thành lập các hợp tác xã kiểu mới thì rất khó giải quyết được vấn đề đó. Chúng ta đã có chủ trương, luật, và thực tiễn chứng minh điều đó”, Bộ trưởng nhận định.

Người đứng đầu ngành NN&PTNT đưa ra ví dụ về sự thành công những năm qua của Sơn La. Bộ trưởng cho biết, chỉ sau vài năm, Sơn La đã thành lập được hơn 400 hợp tác xã kiểu mới với hàng hóa phong phú, chế biến sâu. Trên toàn tỉnh đã có 136 cơ sở chế biến, tạo ra những mặt hàng có giá trị cao.

Không thể một sớm một chiều

“Để có các hợp tác xã kiểu mới rất cần sự quan tâm của nhiều cấp, của chính quyền địa phương, liên minh hợp tác xã Việt Nam... động viên người dân tham gia”, Bộ trưởng nói. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận chuyện nhân rộng mô hình, hay chấm dứt việc “giải cứu” nông sản không phải một sớm, một chiều. Điều này còn phụ thuộc vào cả quá trình đi lên của xã hội.

Dưa hấu được kêu gọi "giải cứu" ở một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: HC.

Trong tương lai, cả nước sẽ phấn đấu giảm lao động trong nông nghiệp xuống còn khoảng 10-15%, để có điều kiện tích tụ ruộng đất, thay đổi phương thức sản xuất...

Nói về triển vọng ngành Nông nghiệp năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết hoàn toàn có thể vượt mốc xuất khẩu của năm 2019 là 41,3 tỷ USD, các ngành hàng nông nghiệp đều có những triển vọng tốt và kim ngạch xuất khẩu cao.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT rất quan tâm đến khâu phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, để hàng hóa Việt Nam có thể đến được nhiều nước, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

“Ngay hôm nay (22-2), chúng tôi có một đoàn đi Mỹ với 19 doanh nghiệp để xúc tiến mở rộng thị trường. Đó là chưa kể một đoàn đang đi Dubai, một đoàn khác đi Brazil. Sau khi về chúng tôi tiếp tục đi Nga. Như vậy, công tác phát triển thị trường mới là liên tục và liên tục”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.

Theo Hiếu Công/Zing

Hưng Yên: Thời tiết thuận lợi, nhãn, vải sai hoa

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Thời điểm này, cây nhãn, vải chính vụ đang trong giai đoạn ra nụ, hoa. Để có được vụ nhãn, vải năng suất, chất lượng tốt và cho hiệu quả kinh tế cao, nông dân các địa phương trong tỉnh Hưng Yên đang tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp để chăm sóc cây.

Theo số liệu của Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh, hiện toàn tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng 4.545ha nhãn, tập trung ở thành phố Hưng Yên, các huyện: Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu… và 825ha vải, tập trung ở huyện Phù Cừ, Ân Thi. Do thời tiết khá thuận lợi và người dân trong tỉnh đã có kinh nghiệm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây nên năm nay, tỷ lệ nhãn, vải ra hoa đạt từ 80 - 100%.

Với nhiều năm kinh nghiệm thâm canh nhãn, ông Trịnh Văn Thinh ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên), Giám đốc Hợp tác xã Nhãn lồng Hồng Nam cho biết: “Gia đình tôi có diện tích 1 mẫu trồng nhãn và đã thực hiện một số biện pháp để xử lý cho nhãn ra hoa. Năm nay, tỷ lệ nhãn ra hoa của gia đình tôi và hơn 20 thành viên trong hợp tác xã đạt khoảng 90%, cao hơn so với năm trước. Để kéo dài thời gian thu hoạch quả, chúng tôi cũng áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nhãn ra hoa thành 3 trà, mỗi trà cách nhau khoảng 15 ngày”.

Những năm gần đây huyện Khoái Châu hiện là một trong những vùng trồng nhãn lớn của tỉnh Hưng Yên. Những ngày này, các chủ vườn nhãn trên địa bàn huyện đang tích cực áp dụng các biệp pháp kỹ thuật cho nhãn ra hoa, đậu quả, phòng trừ sâu bệnh gây hại. Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu, toàn huyện hiện có khoảng 1.671ha nhãn tập trung ở các xã: Đông Kết, Hàm Tử, Bình Kiều, Ông Đình, An Vĩ... Năm nay, tỷ lệ nhãn ra hoa trên địa bàn huyện đạt trên 80%, cao hơn so với năm 2019.

Nông dân xã Đông Kết (Khoái Châu) chăm sóc cây nhãn thời kỳ ra hoa

Hiện nay, cây nhãn đang trong giai đoạn nhú giò hoa. Thời tiết trong những ngày qua có độ ẩm cao, có mưa nhỏ, mưa phùn tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, phát triển gây hại trên cây nhãn. Anh Nguyễn Đức Dương ở thôn Bắc Châu, xã Đông Kết cho biết: Gia đình tôi trồng 1 mẫu nhãn các loại. Nhiều năm nay, tôi chăm sóc nhãn theo quy trình VietGap. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên 90% diện tích nhãn của gia đình tôi đã trổ hoa. Thời điểm này, tôi tiếp tục chăm bón cho cây và phun thuốc phòng sâu bệnh bằng các loại thuốc trừ sâu sinh học.

Thời tiết tương đối thuận lợi, không chỉ cây nhãn mà diện tích vải trên địa bàn tỉnh cũng cho tỷ lệ ra hoa cao hơn so với năm 2019.

Huyện Phù Cừ là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất của tỉnh Hưng Yên với khoảng 557ha tập trung ở các xã: Tam Đa, Minh Tiến, Tống Trân, Nguyên Hòa, Phan Sào Nam, Minh Tân... Theo ngành nông nghiệp huyện đánh giá, năm nay do điều kiện thời tiết thuận lợi cho cây vải sinh trưởng và phát triển, đồng thời nhân dân trong huyện ngày một quan tâm, tích cực và chú trọng đến khâu chăm sóc cây thời kỳ sau thu hoạch, đặc biệt là chăm sóc cây thời kỳ ra hoa và đậu quả nhằm giúp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, ra hoa và đậu quả nhiều bằng các biện pháp kỹ thuật như: Tỉa cảnh, tạo tán, bón phân, tưới nước, khoanh vỏ và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời… nên hầu hết diện tích vải trong huyện đều ra hoa (đạt từ 95 - 100% diện tích).

Theo ông Nguyễn Tiến Ngợi ở thôn Tam Đa, xã Tam Đa: Tôi có hơn 2 sào trồng vải, năm nay, tỷ lệ cây ra hoa đạt 100%. Theo kinh nghiệm của tôi, đối với cây vải, trong thời kỳ ra hoa, đậu quả cần phải giữ ẩm thường xuyên, nếu để cây thiếu nước, hoa sẽ rụng nhiều, nhưng nếu tưới quá nhiều nước, độ ẩm cao cũng sẽ làm cho hoa và quả non rụng nhiều. Thời điểm này cần phải bón phân cân đối, không được bón phân giàu chất đạm. Thời kỳ này cây vải thường gặp một số loại sâu, bệnh như bệnh nấm, sương mai… Vì vậy, tôi luôn tích cực chủ động phun phòng trừ các loại sâu, bệnh và côn trùng gây hại bằng các loại thuốc trừ sâu có trong danh mục cho phép.

Nông dân xã Tam Đa (Phù Cừ) kiểm tra sâu bệnh cho cây vải thời kỳ ra hoa

Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, trên cây ăn quả lâu năm như: nhãn, vải của tỉnh đang ở thời kỳ ra hoa - đậu quả non, điều kiện thời tiết lạnh, có mưa phùn, độ ẩm không khí cao, rất thuận lợi cho một số loài sâu, bệnh phát sinh và gây hại.

Để chủ động các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và sâu, bệnh đến sự nở hoa, đậu quả của cây, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân: Không được chăm bón bất kỳ loại phân bón đa lượng (N, P, K) cho cây đến khi kết thúc quá trình đậu quả; bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách kết hợp phun phân bón qua lá cùng với phun thuốc phòng, trừ sâu, bệnh để giảm rụng quả non, bảo đảm năng suất và chất lượng quả; khi áp dụng các biện pháp hóa học phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”...

Hương Giang

Tiền Giang: Quyết tâm bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Trước ảnh hưởng của xâm nhập mặn, các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang đang chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, bảo vệ vùng sản xuất nông nghiệp.

So với đợt hạn, mặn lịch sử cuối năm 2015, đầu năm 2016, tình hình xâm nhập mặn năm nay được đánh giá là gay gắt hơn, ảnh hưởng đến nhiều khu vực phía Tây của tỉnh, đặc biệt là vùng chuyên canh cây ăn trái.

Người dân đến UBND xã Tam Bình nhờ đo độ mặn nước trong vườn.

XÂM NHẬP MẶN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Năm nay, xâm nhập mặn đến sớm, rất phức tạp và vượt qua độ mặn lịch sử năm 2016. Đối với khu vực phía Tây của tỉnh, ngoài bị tác động trực tiếp của nước mặn từ hướng cửa sông Tiền, nơi đây còn bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập từ phía sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) qua sông Tiền (đoạn qua cù lao Ngũ Hiệp).

Ông Võ Văn Hiệp (ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) cho biết, gia đình ông trồng 9 công sầu riêng. Do độ mặn cao nên không thể lấy nước tưới được. Gia đình ông phải mua bạt trải dưới mương và thuê sà lan chở khoảng 80 m3 nước để tưới cho vườn sầu riêng. Mỗi m3 nước có giá khoảng 60.000 đồng.

Cũng tại xã Ngũ Hiệp, gia đình ông Ngô Văn Sáu đã chủ động dự trữ nước dưới các mương; đồng thời, giữ cỏ ở các gốc sầu riêng để giữ ẩm cho đất. Dù vậy, ông Sáu phải tưới nước rất tiết kiệm mới có thể cầm cự được trong những ngày qua.

Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Đỗ Quốc Khánh cho biết, đây là lần thứ 2 mặn ảnh hưởng đến xã. Năm 2016, độ mặn cao nhất được ghi nhận trên sông Tiền (gần ngã ba sông Hàm Luông) chỉ có 1,98g/l. Năm nay, mặn đến sớm hơn 1 tháng, độ mặn cao nhất đo được trên địa bàn là 3,89g/l. Do đặc thù xã cù lao nên mặn đã ảnh hưởng đến hết các diện tích cây trồng trên địa bàn. Do đó, trong khoảng 10 ngày qua, xã thông báo cho người dân ngưng tưới nước cho cây ăn trái. Do diễn biến mặn hết sức phức tạp nên địa phương kiểm tra mặn hằng ngày để thông tin cho người dân; đồng thời, vận động người dân trải bạt dưới mương để bơm nước ngọt vào dự trữ, tưới nước tiết kiệm; khuyến cáo người dân nạo vét các mương vườn, để cỏ giữ ẩm cho gốc.

Cũng theo đồng chí Đỗ Quốc Khánh, đối với các vườn sầu riêng đang cho trái, một số người dân đã thuê các sà lan lên khu vực Cái Bè, cầu Mỹ Thuận để lấy nước ngọt về tưới cho cây. Song, đây chỉ là giải pháp tình thế.

Còn tại huyện Châu Thành, mặn cũng đã xâm nhập sâu và ảnh hưởng đến vùng sản xuất nông nghiệp của huyện. Ông Nguyễn Văn Út (xã Phú Phong, huyện Châu Thành) trồng 6 công sầu riêng khoảng 2 năm tuổi. Do ảnh hưởng của nước mặn nên nửa tháng nay ông không thể lấy nước tưới cho vườn sầu riêng.

QUYẾT TÂM BẢO VỆ SẢN XUẤT

Nước mặn đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở các huyện phía Tây của tỉnh. Nhiều vườn cây ăn trái đang có nguy cơ nhiễm mặn, cây suy kiệt trước đợt hạn, mặn mang tính lịch sử này. Để bảo vệ sản xuất, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Về giải pháp căn cơ ứng phó xâm nhập mặn trong thời gian tới, đồng chí Đỗ Quốc Khánh cho biết, ngày 4-2, UBND tỉnh chỉ đạo xã Ngũ Hiệp phân những ô nhỏ để làm cống, đập nhỏ. Khi mặn có chiều hướng xâm nhập, xã sẽ cho nước ngọt vào và đóng các cống, đập lại để trữ nước. Khi đó, người dân sẽ sử dụng nguồn nước từ trong các đập, cống để tưới cho cây. Hiện xã đang rà soát để đề xuất UBND tỉnh, huyện xem xét. Bên cạnh đó, xã sẽ vận động người dân trữ nước ngọt trước khi mặn xâm nhập, nạo vét các mương và sử dụng tấm bạt để chứa nước.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Nguyễn Văn Bằng, hiện toàn huyện còn khoảng 1.500 ha sầu riêng đang ra trái. Trong tình hình nước ngọt không thể lấy vào vườn được, địa phương sẽ vận động người dân cắt bỏ trái. Bên cạnh đó, để chống hạn, mặn, huyện đã chủ động trang bị thêm máy đo độ mặn, nhiều người dân cũng đã tự trang bị, đảm bảo kiểm tra nước thường xuyên trong mương vườn. Đồng thời, địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân nạo vét mương để khi có điều kiện lấy nước ngọt sẽ tiến hành lấy vào tưới cây. Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Bằng, hiện một số người dân trên địa bàn đã mua túi ni lông để trữ nước tưới cây trước ảnh hưởng của mặn.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai, để ứng phó với hạn, mặn huyện đã tập trung cao cho các xã ven sông Tiền. Đồng thời, bổ sung các phương án ứng phó trên tinh thần kiểm tra, rà soát lại tất cả 173 cống trên địa bàn. Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên theo dõi, quan trắc độ mặn để thông tin kịp thời cho các xã. Đến thời điểm này, các cống cơ bản đã được khép kín.

Hiện tại, dù độ mặn ở khu vực phía Tây đã giảm, một số vùng có thể lấy nước được, nhưng theo dự báo của các ngành chức năng, trong những ngày tới, nước mặn sẽ tiếp tục xâm nhập sâu, nhiều khả năng các vườn cây ăn trái không thể lấy được nước. Do đó, công tác chống xâm nhập mặn vẫn phải được tiếp tục, đảm bảo hoạt động sản xuất của người dân.

A. PHƯƠNG - M. THÀNH

Bến Lức (Long An): Trồng chanh bông tím cho năng suất cao

Nguồn tin: Báo Long An

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng cơ giới và khoa học kỹ thuật trong canh tác chanh, hàng năm, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, tỉnh Long An thu hoạch hàng trăm tấn chanh bông tím phục vụ cho thị trong và ngoài nước.

Vườn chanh bông tím ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức

Giám đốc HTX - Trần Duy Thuận thông tin: Hiện HTX trồng 10ha chanh bông tím, trong đó có 3ha ứng dụng công nghệ cao (tưới bec phun, phun thuốc bằng máy, trồng thảm cỏ giữ nước). Ngoài ra, HTX còn có 40ha chanh không hạt (chủ yếu xuất khẩu), trong đó, có 14ha ứng dụng công nghệ cao.

Ứng dụng xịt thuốc bằng cơ giới hóa

HTX hiện có 7 thành viên tham gia, diện tích trải dài ở các xã: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi và Lương Hòa của huyện Bến Lức.

Mùa nắng hạn nhưng gốc chanh luôn được giữ ẩm

Ông Thuận chia sẻ: “Tôi bắt đầu trồng chanh từ cách nay hơn 7 năm. Trải qua nhiều năm, tôi đúc rút kinh nghiệm trong việc quản lý cỏ để bảo vệ và tái tạo hệ sinh thái cho vườn chanh”.

Theo ông Thuận, khi cỏ mọc xung quanh cây chanh, không nên phun thuốc diệt cỏ mà nên giữ cỏ, khi mùa mưa, cỏ phát triển mạnh thì cắt lớp trên và để cỏ bị cắt đè trên gốc tạo thành lớp mùn khi bị phân hủy và hạn chế gốc cỏ phát triển. Vào mùa khô, hạn thì để cỏ tự phát triển vì lúc này cỏ có tác dụng giữ nước, giữ phân.

Ông Thuận cho biết, chanh bông tím có năng suất rất cao, mùi thơm dịu nên khách hàng ưa chuộng

Cũng theo HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, nhờ biện pháp giữ cỏ mà qua các mùa hạn, mặn, HTX tiết kiệm khoảng 20 triệu đồng/ha so với dùng thuốc diệt cỏ. Ngoài ra, cây chanh bông tím vẫn trĩu quả ngay trong mùa nghịch. Chính vì vậy, chanh bông tím loại 1 (đóng hộp) khi bán ra thị trường phía Bắc có giá 20.000 - 25.000 đồng/kg. Chanh còn lại có giá từ 12.000 đồng - 15.000 đồng/kg.

Ông Thuận cho biết thêm: “Đặc biệt, chanh bông tím có năng suất rất cao gấp nhiều lần chanh không hạt. Cụ thể, 1ha chanh bông tím mỗi năm cho năng suất khoảng 80 tấn, trong khi chanh không hạt chỉ khoảng 25 tấn”.

Do thường xuyên theo dõi tình hình khí hậu nên HTX chủ động trong việc bón phân, hạn chế lượng phân thất thoát ra bên ngoài. “HTX còn thực hiện các biện pháp giúp cây chanh phát huy hết bản năng trong việc ra rễ, kích thích cây hấp thụ được lượng phân bón trong từng mùa vụ để cho trái quanh năm và năng suất cao” - ông Thuận chia sẻ thêm.

Chăm sóc cho cây chanh

Giữa mùa nắng hạn nhưng từng hàng chanh bông tím vẫn trĩu quả và xanh tốt. Đây chính là minh chứng cho cách làm, tư duy đổi mới của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức trong thời gian qua./.

Lâm Đỗ

Ổn định nhờ liên kết

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Bắp sú, cà chua, hành tây, ớt tây, xà lách… là những loại nông sản được sản xuất chính ở vựa rau Đơn Dương. Và tất cả những loại cây này đều không thoát khỏi điệp khúc được mùa mất giá, được giá, mất mùa. Tuy vậy, hàng trăm ha khoai tây được sản xuất ở Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) nhiều năm qua không rơi vào vòng luẩn quẩn đó bởi giá khoai tây ổn định nhờ liên kết.

Toàn bộ sản phẩm khoai tây đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Ảnh: H.My

Trên những vùng đất đỏ, bằng phẳng, không xây dựng nhà kính, nhà lưới của bà con huyện Đơn Dương thời điểm này đang vào vụ thu hoạch khoai tây. Gia đình anh Trần Minh Tâm, thôn Quảng Lợi, xã Quảng Lập hiện đang khẩn trương thu hoạch 6 sào khoai để kịp đóng hàng, giao nông sản cho doanh nghiệp như đã thỏa thuận. Hai máy xới được thợ vận hành, chạy liên tục trên những luống đất để đưa khoai lên khỏi mặt đất. Phía sau là hàng chục nhân công nhặt, lựa khoai và cho vào những bao tải trọng lượng 20 kg để đưa lên xe tải. Việc thu hoạch của người dân còn có sự đồng hành của cán bộ kỹ thuật từ doanh nghiệp. Ở vườn khoai được mùa, chủ vườn Trần Minh Tâm phấn khởi chia sẻ: “6 sào khoai của gia đình đợt này có thể cho thu được hơn 20 tấn. Với giá bán từ 8.000-9.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì có thể lãi ròng hơn 100 triệu đồng”. Cũng như hầu hết nông dân trồng khoai tây ở Đơn Dương, anh Tâm hiện đang sản xuất giống khoai tây hoa tím, củ vàng từ năm 2015 và liên kết với Chi nhánh Công ty Pepsico Việt Nam tại Lâm Đồng. Theo anh Tâm, việc liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất đã giúp gia đình ổn định các hoạt động, không phải lo về đầu ra.

Theo những nông dân trồng khoai tây tại đây, điều kiện để ký kết các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp trước hết là nông dân phải có đất sản xuất phù hợp với giống khoai tây. Đồng thời sau khi ký kết hợp đồng, phía doanh nghiệp sẽ cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và có kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật sản xuất. Chính nhờ điều này nên diện tích khoai tây của bà con đạt năng suất chất lượng, củ có hình dáng đồng đều, ít nứt nẻ hay thối hỏng. Đặc biệt do chăm sóc đúng kỹ thuật nên khoai có độ rắn cao, mắt mầm cạn. Sau khi thu hoạch, khoai được chở ngay từ đồng ruộng đến cơ sở chế biến, không qua thời gian vận chuyển quá dài nên tỉ lệ hao hụt rất thấp. Điều này đặc biệt có lợi cho người nông dân. “Khi kết thúc mùa vụ, doanh nghiệp thu mua toàn bộ nông sản. Đây cũng là thời điểm mình trả tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho doanh nghiệp. Điều này không chỉ tạo sự ổn định đầu ra mà còn giúp nông dân bớt được gánh nặng chi phí đầu tư sản xuất”, anh Tâm nói.

Cũng trên địa bàn xã Quảng Lập, khu vườn trồng khoai tây rộng 0,5 ha của gia đình anh Ngô Nguyễn Đạt đã bước vào giai đoạn trụi lá và sẵn sàng cho thu hoạch. Chủ vườn cho hay, gia đình anh xuống giống từ khoảng tháng 11 âm lịch và dự kiến thu hoạch trong vài ngày tới. Anh Đạt thổ lộ: “Năm nay tôi trồng 0,5 ha khoai tây và gần 1 ha bắp cải. Tuy nhiên, bắp cải hiện nay giá đang xuống quá thấp có thể sẽ phải băm bỏ để trồng vụ rau khác vì nguồn thu không đủ trả tiền công thu hoạch. May mà có diện tích khoai tây được mùa, giá cả ổn định nên gia đình cũng đỡ lao đao”. Ông Nguyễn Bình Trị - Bí thư, chủ tịch UBND xã Quảng Lập cho biết: Hiện bà con Quảng Lập sản xuất gần 300 ha khoai tây và tất cả đều ký hợp đồng liên kết với công ty Pepsico. Giai đoạn này nhiều loại rau ở Đơn Dương đang xuống giá mạnh, nhất là bắp sú và ớt tây, ớt sừng. Tuy nhiên, giá khoai tây vẫn rất ổn định nhờ hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

Cùng với Quảng Lập, xã Tu Tra là hai địa bàn có diện tích khoai tây đứng đầu huyện Đơn Dương. Ông Đinh Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Tu Tra cho biết, địa phương có khoảng gần 200 ha diện tích khoai tây với năng suất khoảng 26,8 tấn/ha. Diện tích này chủ yếu nằm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên việc thực hiện liên kết đã giúp người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. “Chính quyền luôn khuyến khích người dân phát triển kinh tế tập thể, phát triển các chuỗi liên kết để giải quyết đầu ra cho nông sản. Ngoài ra, việc phát triển liên kết cũng giúp nông dân tránh những tác động tiêu cực như được mùa mất giá”, ông Hoàng thổ lộ.

Theo bà Tou Prong Nai Khoan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương, toàn huyện có 20,3 nghìn ha đất sản xuất các loại rau, hoa... Riêng khoai tây chiếm trên 500 ha và chủ yếu nằm trong liên kết doanh nghiệp. Là giống cây ưa lạnh, khoai tây rất thích hợp với khí hậu ở miền đồi núi Lâm Đồng. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát để xây dựng vùng nguyên liệu khoai tây trên địa bàn toàn tỉnh, Đơn Dương với các đặc trưng riêng về độ cao, lượng mưa, thời tiết được xem là phù hợp. Hiện trung bình các diện tích trồng khoai tây ở Đơn Dương đều đạt năng suất từ 25-30 tấn/ha. Trên địa bàn huyện hiện có 2 doanh nghiệp lớn liên kết với nông dân sản xuất khoai tây là Công ty Pepsico Việt Nam và Công ty thực phẩm Orion Vina. Trong đó Orion liên kết sản xuất khoảng 100 ha còn Pepsico liên kết khoảng 400 ha.

HOÀNG MY

Mùa tiêu buồn

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Chỉ mới 5-6 năm trước, cây hồ tiêu được mệnh danh là “vàng đen” khi giá tăng vọt lên gần 200.000 đồng/kg mang lại lợi nhuận lớn cho người trồng tiêu vùng Đông Nam bộ cũng như cả nước. Nhưng nay, do việc phát triển ồ ạt diện tích trồng tiêu, đã khiến người người, nhà nhà điêu đứng.

Người trồng tiêu huyện Bù Đốp (Bình Phước) điêu đứng vì giá cả xuống thấp kéo dài

Lỗ nặng

Bình Phước là một trong những tỉnh có diện tích cây hồ tiêu lớn nhất cả nước (16.855ha) được trồng tập trung ở các huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập với sản lượng 25.000 tấn. Vụ thu hoạch năm nay, toàn tỉnh có hàng trăm hécta tiêu chết do nhiễm bệnh, mùa màng thất thu và giá rớt thê thảm khiến nhiều hộ điêu đứng.

Gia đình ông Lê Công Chóng (ngụ xã Bình Tân, huyện Phú Riềng) có 3.000 trụ tiêu, vụ mùa trước, thu về hơn 5 tấn nhưng từ đầu năm 2019, hồ tiêu nhiễm bệnh khiến hơn 1.000 dây tiêu chết chậm, năng suất giảm, ước thu về chỉ gần 1 tấn. Với giá tiêu hiện dao động 37.000 - 40.000 đồng/kg, không đủ chi trả công xay, phơi, tưới tiêu, chăm sóc, phân bón; gia đình đã bỏ ra hàng chục triệu đồng mua lưới trải dưới gốc để hứng những chuỗi tiêu chín rụng.

Không khí ảm đạm cũng bao trùm lên mảnh vườn với 4.000 trụ tiêu của gia đình bà Lê Thị Chính (ngụ xã Tân Thành, huyện Bù Đốp). Bà buồn rầu cho hay: “Năm nay nhân công thu hái hiếm nên chỉ có 2 vợ chồng và 1 công hái. Mỗi năm tiêu trúng mùa thì trung bình mỗi công hái được khoảng 15kg tiêu khô, chứ giờ thất mùa chỉ tầm 10kg thôi mà tiền công lên đến 150.000 - 160.000/ngày/người. Do thu không đủ bù chi nên vụ này gia đình lỗ nặng”.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, mấy năm qua giá tiêu xuống thấp, nhiều hộ không còn đầu tư, chăm sóc vườn tiêu như trước đây. Nhiều vườn tiêu đã kiệt sức nên năng suất giảm, dẫn tới sản lượng có thể giảm tới 20%. Tuy nhiên, lượng tiêu hàng hóa vẫn rất dồi dào từ những vụ trước còn tồn trong nhiều hộ dân, cơ sở, doanh nghiệp do “găm hàng” đầu cơ để chờ giá lên.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Nguyễn Thuận Quang (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) cho biết, năm nay hồ tiêu chín muộn nên ngay từ sau Tết Nguyên đán, gia đình đã tìm người thu hoạch 2,5ha tiêu. Sau cả chục ngày chạy đôn chạy đáo tìm người hái thuê nhưng vẫn không đủ vì giá nhân công thấp, gia đình anh phải huy động người thân ra vườn tiêu thu hoạch. Theo các hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Châu Đức, giá tiêu hiện tại thương lái thu mua cũng chỉ từ 38.000 - 40.000 đồng/kg, trong khi đó giá nhân công khoảng 250.000 - 280.000 đồng/ngày/công, chưa kể chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chăm sóc ban đầu nên đa số người trồng tiêu đều lỗ.

Xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất của tỉnh Đồng Nai, với trên 1.600ha. Tình trạng nơi đây cũng không hề sáng sủa.

Tìm hướng ra

Xã Đắk Ơ từng được coi là vùng chuyên canh hồ tiêu trù phú nức tiếng ở miền biên giới huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, trong vòng 2 năm đã tiêu điều vì hồ tiêu bị bệnh gây thiệt hại gần 800ha trên tổng diện tích 1.540ha hồ tiêu toàn xã, khiến 1.716 hộ trồng tiêu khốn đốn. Điển hình là ông Điểu Pré (người dân tộc S’tiêng) với hơn 4.000 trụ hồ tiêu thì đã có trên 2.000 trụ nhiễm bệnh chết héo. Hiện gia đình ông còn nợ ngân hàng hơn 1 tỷ đồng chưa trả được. Tính đến hết tháng 10-2019, dư nợ cho vay của Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Bù Gia Mập là 570 tỷ đồng của 1.600 người vay đầu tư chăm sóc phát triển hồ tiêu.

Tỉnh Bình Phước đang hành động quyết liệt để hỗ trợ các nông hộ trồng tiêu và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn UBND huyện Bù Gia Mập rà soát, lập danh sách cụ thể từng trường hợp và đề xuất hướng giải quyết; báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ.

Còn tại Đồng Nai, người trồng tiêu đang tính đến phương án thay thế bằng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Do giá tiêu xuống thấp trong thời gian dài nên nông dân trên địa bàn huyện đã chặt bỏ 750ha tiêu để chuyển sang trồng chuối, bưởi da xanh... Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai Nguyễn Thành Vinh, sở đã khuyến cáo người dân địa phương ngưng mở rộng diện tích; đồng thời để giải bài toán đầu ra bền vững cho cây tiêu nói riêng, Đồng Nai đang triển khai các dự án cánh đồng lớn sản xuất an toàn, liên kết doanh nghiệp bao tiêu, tập trung phát triển ngành chế biến để tăng giá trị cho nông sản.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đức Linh (Bình Thuận): Hồ tiêu giảm hơn 50% diện tích

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Dịch bệnh chết nhanh, chết chậm xảy ra trên cây tiêu từ năm 2017 đến nay đã làm diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) giảm mạnh hơn 50% diện tích, hiện chỉ còn khoảng 1.080 ha. Cùng với dịch bệnh vẫn tiếp diễn, giá hồ tiêu những năm qua ở mức thấp, hiện tại chỉ còn từ 38.000 – 42.000 đồng/kg trong khi đó chi phí sản xuất đầu vào lại tăng khiến người trồng tiêu gặp khó khăn.

Dịch bệnh, giá hồ tiêu xuống thấp diện tích hồ tiêu giảm mạnh.

Theo ông Trương Quang Đến – Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Đức Linh cho hay, với tình hình giá cả và dịch bệnh như hiện nay và theo nhận định, dự báo về thị trường của hiệp hội hồ tiêu đến năm 2050 hồ tiêu mới tăng giá trở lại. Để giải quyết khó khăn cho nông dân, huyện chỉ đạo giảm diện tích tiêu chết do dịch bệnh chuyển đổi sang các cây trồng khác như bưởi da xanh, sầu riêng, mãng cầu…

Thanh Duyên

Tiền Giang: Nông dân các huyện, thị phía Tây: Trúng mùa vụ lúa đông xuân

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Nông dân trúng mùa vụ lúa đông xuân 2019 - 2020. Ảnh: Nguyễn sự

Nông dân các huyện, thị phía Tây tỉnh Tiền Giang đang tất bật thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân 2019 - 2020. Theo ghi nhận, năm nay nông dân trúng mùa, giá lúa tương đối cao, đầu ra dễ dàng nên lợi nhuận mang lại khá. Tiếp đà thuận lợi trên, nông dân đang tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, làm đất… để chuẩn bị xuống giống vụ lúa mới.

Khi trời vừa nắng gắt, những chiếc máy gặt liên hợp bắt đầu di chuyển xuống các cánh đồng lúa đang chín vàng ươm. Chủ ruộng mang bao đến đưa cho các nhân công gặt lúa rồi đứng trên bờ chờ thương lái đến bán.

Nông dân xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) tích cực thu hoạch lúa đông xuân 2019 - 2020.

TRÚNG MÙA

Ông Lê Văn Phó (ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) trồng 1 ha lúa Đài Thơm 8. Cân xong bao lúa cuối cùng, ông cộng sổ và nhẩm tính: Năm nay, lợi nhuận được 21,2 triệu đồng/ha, cao gần gấp đôi so với vụ lúa đông xuân năm trước. Kiểm tiền từ thương lái đưa xong, ngồi nghỉ một lát rồi ông cho biết: “Năm nay, năng suất lúa đạt 9,1 tấn/ha, cao hơn 3 tấn/ha so với vụ đông xuân năm trước. Chi phí cho vụ lúa này cũng không cao, thấp hơn 500 ngàn đồng/ha so với vụ lúa này năm trước. Với giá lúa bán tại ruộng 5.000 đồng/kg, gia đình còn lãi khá cao. Có lợi nhuận, gia đình phấn khởi để đầu tư tiếp cho vụ lúa sau”.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cái Bè Phạm Văn Thanh cho biết, đến thời điểm này, huyện đã thu hoạch dứt điểm 8.000/12.500 ha lúa đông xuân 2019 - 2020, năng suất lúa khô đạt 7,5 - 8 tấn/ha; giá bán lúa IR 50405 khoảng 4.400 - 4.500 đồng/kg, lúa hạt dài và lúa thơm khoảng 4.900 - 5.000 đồng/kg. Các giống lúa được nông dân trồng phổ biến là: Đài Thơm 8, OM 4900, OM 5451…

Có được niềm vui như người trồng lúa ở huyện Cái Bè, nông dân huyện Cai Lậy cũng đang trúng mùa, lợi nhuận tương đối cao. Giữa cái nắng như đổ lửa, ông Nguyễn Văn Mỹ (ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy) phải sắp xếp lại các bao lúa vừa thu hoạch xong và chờ thương lái đến mua.

Vừa sắp xếp, ông Mỹ cho biết: “Trong vụ đông xuân này, gia đình trồng 0,6 ha lúa OM 4900. Mặc dù chưa cân bán, nhưng số lượng bao đếm được có thể đạt khoảng 9 tấn/ha. Với giá bán 4.900 đồng/kg, gia đình lợi nhuận gần 19 triệu đồng/ha”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, nông dân trồng lúa trên địa bàn đã thu hoạch được 5.800/gần 7.400 ha, năng suất ước đạt 9 tấn lúa tươi/ha. Trong đó, lúa IR 50404 chiếm 40% diện tích, còn lại lúa hạt dài và lúa thơm.

Theo nhiều nông dân, vụ lúa này chi phí sản xuất tương đối thấp do thời tiết thuận lợi, lúa ít bị sâu bệnh. Từ đó, nông dân ít tốn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để xử lý cho cây lúa sinh trưởng. Ngoài ra, nguồn nước từ đầu cho đến cuối vụ khá dồi dào nên cũng ít chi phí bơm tát. Bên cạnh đó, công thu hoạch lúa năm nay cũng không tăng so với năm rồi, chỉ khoảng 2,7 - 3 triệu đồng/ha. Từ những yếu tố đó, lợi nhuận mang lại cho nông dân cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm rồi.

Nông dân xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) bán lúa cho thương lái tại bờ ruộng.

HÚT HÀNG

Trong thời gian gần đây, thị trường gạo trên thế giới đã khởi sắc trở lại. Nhu cầu nhập khẩu gạo của một số nước trên thế giới cũng sôi động hơn. Chính điều này đã tác động đến giá lúa, gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Chiều 19-2, thương lái Trần Văn Biên (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) thu mua lúa của nông dân tại xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán, giá lúa, gạo tăng lên và sau đó bình ổn trở lại. Trong những ngày qua, giá lúa, gạo tiếp tục tăng lên vài trăm đồng/kg. Nhu cầu gạo của các công ty cũng nhiều hơn trước. Hiện tại, thương lái thu mua lúa IR 50404 tại ruộng 4.400 - 4.500 đồng/kg, hạt dài 4.900 - 5.000 đồng/kg; những loại lúa có chất lượng gạo tốt hơn thì giá cao hơn 100 - 300 đồng/kg.

Trao đổi vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng Nguyễn Văn Đôn cho biết, mặc dù Trung Quốc hạn chế nhập khẩu gạo trong thời điểm này, nhưng một số nước và vùng lãnh thổ như: Philippines, Hồng Kông, Malaysia… nhập khẩu khá mạnh nên bù vào số lượng giảm từ Trung Quốc. Riêng Công ty TNHH Việt Hưng, trước đây công ty xuất sang thị trường Trung Quốc khoảng 40% thì nay chỉ còn 10%. Từ đầu năm đến nay, công ty đã ký kết và giao hàng cho các đối tác trên 25.000 tấn. Thời gian tới, công ty sẽ giao hàng nhiều hơn và liên tục. Chính vì vậy, công ty đang tích cực thu mua lúa, gạo trong dân để dự trữ giao cho khách hàng. Hiện nay, gạo 5% tấm của công ty xuất khẩu có giá từ 360 - 365 USD/tấn, 10% tấm có giá từ 355 - 360 USD/tấn…

Trong vụ đông xuân này, tỉnh Tiền Giang xuống giống 57.600/58.770 ha lúa. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 13.500 ha, năng suất lúa khô đạt 7 tấn/ha, sản lượng ước đạt 94.500 tấn. Hiện nông dân đang tích cực xuống giống vụ lúa hè thu sớm 2020 ở những diện tích đã thu hoạch.

SĨ NGUYÊN

Sóc Trăng công bố hết dịch bệnh dịch tả heo châu Phi

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu đã ký Quyết định số 339/QĐ-UBND, ngày 19-2-2020 về việc công bố hết dịch bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Sau thời gian xảy ra dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, Sóc Trăng có hơn 3.600 hộ chăn nuôi heo ở 105 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố và đã tiêu hủy hơn 65.400 con heo với tổng trọng lượng hơn 4.300 tấn.

Hiện nay, đàn heo ở Sóc Trăng có trên 160.200 con, do dịch tả heo châu Phi, giảm hơn 32% so cùng kỳ năm trước. Nguồn cung heo hơi về các lò mổ ở tỉnh Sóc Trăng bắt đầu dồi dào trở lại. Giá heo hơi tại các lò giết mổ thịt đã bắt đầu giảm. Tuy nhiên các hộ chăn nuôi thận trọng chưa vội tái đàn, do phải tìm nguồn cung heo giống sạch bệnh.

Các địa phương cần tổ chức giám sát chặt chẽ đàn heo, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp đề phòng dịch bệnh, đề phòng bùng phát ổ dịch mới, tái phát ổ dịch cũ. Ảnh: Q.B

Theo ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng, bệnh dịch tả heo châu Phi đã được khống chế hoàn toàn và đã được Cục Thú y thẩm định đủ điều kiện công bố hết dịch trên địa bàn tỉnh.

Tại quyết định trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi, chỉ đạo kiểm tra, giám sát về dịch bệnh dịch tả heo châu Phi; báo cáo kịp thời tình hình và diễn biến dịch bệnh phát sinh mới trên địa bàn tỉnh (nếu có). UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi theo đúng quy trình kỹ thuật quy định trên địa bàn quản lý.

Quang Bình

Hưng Yên: Giá gà, vịt giảm mạnh

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Từ đầu tháng 2 đến nay, giá thịt, trứng, con giống gia cầm các loại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giảm mạnh khiến người chăn nuôi gặp khó.

Chị Nguyễn Thị Huệ ở xã Dạ Trạch (Khoái Châu) là một trong những hộ nuôi vịt thương phẩm lớn nhất xã. Sau Tết Nguyên đán, gia đình chị như “ngồi trên đống lửa” vì giá vịt thương phẩm liên tục giảm mạnh. Chị cho biết: “Thời điểm trước Tết âm lịch khoảng 2 tháng, tôi nuôi 4.000 con vịt thương phẩm, với giá mua giống là 30.000 đồng/con. Đến nay, đàn vịt đã đến kỳ xuất chuồng nhưng thương lái chỉ trả giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Với mức giá này, chúng tôi lỗ nặng, nhưng nếu không bán thì mỗi ngày phải bù thêm hơn 1 triệu đồng tiền thức ăn cho vịt”.

Để giảm bớt thua lỗ, chị Huệ còn rao bán vịt trên mạng xã hội theo hình thức “bán xô” 100.000 đồng/con có trọng lượng từ 3,3 – 3,6kg. Đồng thời nhờ người thân, bạn bè chia sẻ giúp để “nhanh hết hàng”. “Hiện gia đình tôi còn 5.000 con vịt loại nhỏ, chỉ mong sao giá cả dần ổn định trở lại để người chăn nuôi như chúng tôi đỡ vất vả”, chị Huệ chia sẻ thêm.

Nông dân phun thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi vịt

Giống tâm trạng của chị Huệ, ông Nguyễn Văn Phóng, chủ một trang trại nuôi gia cầm ở thôn Quảng Uyên, xã Minh Châu (Yên Mỹ) cho biết: Tôi chủ yếu nuôi vịt, ngan, gà đẻ để lấy trứng ấp nở con giống. Năm 2019 giá vịt thịt dao động 38.000 - 40.000 đồng/kg, vịt giống từ 20.000 - 25.000 đồng/con vẫn cháy hàng, năm nay giá giảm mạnh mà thương lái còn kén mua. Hiện nay, giá vịt thịt ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg; trứng vịt 1.600 đồng/quả; giá vịt giống 3 ngày tuổi chỉ từ 5.500 – 8.000 đồng/con, tùy từng giống, giảm 2 - 3 lần so với năm 2019. Với mức giá như vậy, thậm chí có lúc giảm sâu hơn, chỉ trong vòng gần 1 tháng, gia đình tôi đã phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng chi phí thức ăn, thuốc... cho đàn vật nuôi”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ một trang trại chăn nuôi gà ở huyện Tiên Lữ cho biết: “Trước Tết, thương lái đến tận chuồng gom mua với số lượng lớn. Còn nửa tháng trở lại đây, hàng ngày mặc dù mình liên tục gọi điện mời thương lái đến nhưng họ lấy lý do hàng tiêu thụ chậm, rồi dịch bệnh để ép giá”.

Không chỉ giá gia cầm lấy thịt, hiện giá trứng gia cầm cũng đang “lao dốc”, sức tiêu thụ cũng chậm hẳn.

Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh như chợ Chiều (Tiên Lữ), chợ Gạo, chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), chợ đầu mối nông sản Trần Cao (Phù Cừ)… giá trứng giảm mạnh so với trước Tết. Theo đó, giá bán trứng vịt thường dao động từ 18.000 – 2.300 đồng/quả, trứng vịt lộn từ 2.500 – 2.800 đồng/quả, trứng gà công nghiệp từ 1.800 – 2.000 đồng/quả, trứng gà ta cũng chỉ còn 3.000 – 3.200 đồng/quả.

Một tiểu thương bán trứng tại chợ Chiều, thị trấn Vương (Tiên Lữ) cho biết, giá tất cả các loại trứng gia cầm từ vịt, gà công nghiệp cho đến trứng cút, trứng vịt lộn đều giảm từ 600 - 800 đồng/quả tùy loại.

Theo lý giải các thương lái, giá thịt, trứng gia cầm giảm mạnh do tình trạng cung vượt cầu và tâm lý lo ngại của người tiêu dùng khi có thông tin dịch cúm gia cầm A/H5N6 đang tái phát tại một số tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, thời điểm này, các trường học đều cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, lượng suất ăn của nhiều bếp ăn tập thể giảm mạnh, dẫn đến đầu ra cho các sản phẩm thịt, trứng gia cầm bị ảnh hưởng.

Theo thông tin từ Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, hiện nay, tổng đàn gia cầm, thủy cầm toàn tỉnh đạt trên 8 triệu con (cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái). Thời điểm này, giá gia cầm, thủy cầm giảm mạnh so với trước Tết Nguyên đán, trong khi đó, vịt là vật nuôi ngắn ngày, chỉ sau từ 50 - 60 ngày (tùy từng giống) là được xuất bán nên nông dân cần tính toán, theo dõi diễn biến thị trường trước khi đầu tư, tăng đàn. Đặc biệt, hiện nay một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã xuất hiện dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm, chính vì vậy, nông dân cần chú ý, tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, bảo đảm đàn vật nuôi được tiêm phòng vắc - xin cúm gia cầm đầy đủ, chuồng trại được vệ sinh, khử trùng tiêu độc định kỳ, thường xuyên, bảo đảm vệ sinh môi trường...

Dương Miền - Hương Giang

Thu nhập ổn định từ nuôi dê sinh sản

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Rời quê nhà Cao Bằng, gia đình chị Nông Thị Nội, dân tộc Tày đến sinh sống, lập nghiệp tại thôn 8, xã Đắk Ha (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) vào năm 2013. Tại đây, cũng như nhiều hộ dân tộc thiểu số phía Bắc khi mới đến định cư, gia đình chị Nội là hộ nghèo, kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Được Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh (Dự án WB) hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, gia đình chị đã tận dụng tốt chiếc “cần câu” này để phát triển kinh tế.

Đàn dê của gia đình chị Nội đều khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều con đang mang thai

Năm 2014, dù tích góp mua được 2 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu nhưng do thời gian đầu chỉ tập trung đầu tư nên gia đình chị Nội gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2016, qua điều tra rà soát, Dự án WB hỗ trợ gia đình chị xây dựng mô hình nuôi dê sinh sản.

Dự án cho gia đình 5 con dê giống cùng với nguồn thức ăn và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, cách duy trì và phát triển sinh kế. Gia đình chị xây dựng chuồng trại kiên cố, nghiên cứu trồng nhiều giống cỏ và phù hợp với sở thích của đàn dê. Mùa mưa, chị tranh thủ đi tìm nguồn cây cỏ làm thức ăn tự nhiên cho đàn dê. Mùa nắng, chị tận dụng thân chuối rừng và chuối được trồng quanh nhà, trộn với cám và các loại thức ăn khác giúp đàn dê có nguồn thức ăn đầy đủ hơn. Xung quanh vườn, chị trồng các loại cỏ khác nhau để có thể duy trì nguồn thức ăn cho đàn dê mỗi khi mưa gió.

Chị Nội chia sẻ: “Được Dự án WB hỗ trợ nuôi dê, gia đình tôi rất vui mừng, cố gắng chăm sóc đàn dê thật tốt. Qua quá trình nuôi, tôi thấy đàn dê rất thích ăn giống cỏ bắp. Theo chị mỗi lần cắt cỏ này là dê ăn sạch từ gốc đến ngọn, khả năng sinh trưởng cũng tốt hơn so với một số giống cỏ khác. Để đàn dê sinh sản và phát triển khỏe mạnh, cần phải bổ sung dinh dưỡng, thức ăn thô, xanh, tinh bột và chất khoáng. Chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè và ấm áp vào mùa đông”.

Khi thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, chị Nội tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và áp dụng đúng quy trình như làm chuồng trại hợp vệ sinh, tiêm vắc xin phòng dịch, trồng cỏ làm thức ăn cho dê… Từ những kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi đã tích lũy cùng việc áp dụng kiến thức nuôi dê học được qua các lớp tập huấn giúp chị chăm sóc tốt. Chị cũng thành thạo trong việc phòng và trị các bệnh thông thường hay xảy ra trên đàn dê như: thương hàn, chướng hơi, loét miệng, kí sinh trùng, viêm vú, viêm phổi, đau mắt…

Chị Nội cắt cỏ bắp trồng quanh vườn làm thức ăn cho đàn dê

Chị Nội cũng cho biết thêm, dê vốn là động vật dễ nuôi, nguồn thức ăn chủ yếu là các loại lá, rễ cây dễ tìm nên phù hợp với điều kiện để canh tác của gia đình. Hơn nữa, thịt dê có thị trường tiêu thụ rộng, nên việc chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Thông thường, mỗi lần dê mẹ đẻ được 1 - 3 con, một năm 2 lứa. Đến nay, đàn dê của gia đình chị thường xuyên duy trì từ 20 - 40 con.

Mỗi năm, chị xuất bán được 20 con, trọng lượng từ 20 - 35 kg, với giá bán như hiện nay từ 100.000 - 130.000 đồng/kg, thì gia đình chị thu về hơn 60 triệu đồng/năm. Trong năm 2019, gia đình chị Nội bán được gần 50 con thu được hơn 100 triệu đồng. Việc có được nguồn thu nhập khá cao từ mô hình nuôi dê sinh sản còn giúp gia đình chị có nguồn phân lớn ủ cẩn thận đem bón cho cây trồng, giảm được chi phí chăm sóc các loại cây trồng trong thời kỳ giá thấp.

Được hỗ trợ và phát triển đàn dê sinh sản không những giúp gia đình chị Nội thoát nghèo mà còn từng bước vươn lên làm giàu. Thu nhập từ mô hình nuôi dê không những giúp gia đình chị trang trải cuộc sống hằng ngày mà có nguồn vốn đầu tư vào chăm sóc vườn cây cà phê, hồ tiêu... Bản tính siêng năng, cần cù, lao động sản xuất là một trong những điều kiện tiên quyết giúp gia đình chị phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: H'Mai - Ngọc Huyền

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop