Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 03 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 03 năm 2020

Nhiều nông dân Trà Vinh ‘sống khỏe' trước hạn mặn

Nguồn tin:  VOV

Nhờ có hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít được đầu tư hoàn chỉnh nên nhiều hộ nông dân Trà Vinh vẫn "sống khỏe" trước hạn mặn uy hiếp cả vùng ĐBSCL.

Trong khi nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp, thì tình hình ở Trà Vinh ít nghiêm trọng hơn, vì có hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít được đầu tư hoàn chỉnh. Đặc biệt có nhiều hộ nông dân vẫn “sống khỏe” trước hạn mặn uy hiếp cả vùng ĐBSCL.

Trong khi nhiều hộ nông dân trên địa bàn đang gặp khó khăn vì lúa bị thiệt hại, rau màu cho năng suất kém, thì hàng trăm hộ dân ở ấp Nang Nơn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang lại rất phấn khởi vì lúa được mùa lẫn giá. Có được kết quả này là do địa phương chú trọng điều chỉnh khung thời vụ để tương thích với điều kiện tự nhiên, trong khi nông dân nghiêm túc thực hiện theo khuyến cáo.

Xuống giống theo khuyến cáo lúa vẫn cho năng suất cao.

Ông Huỳnh Quang Sĩ, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hòa cho biết, ấp Nang Nơn là địa phương chuyên canh 3 vụ lúa trong năm, nên vụ đông xuân thường xuống giống trễ, do khoảng thời gian cách vụ sau khi đã thu hoạch vụ thu đông thường kéo dài gần cả tháng. Nhưng năm nay thì khác, sau khi ngành nông nghiệp có khuyến cáo về diễn biến hạn mặn, bà con nơi đây chủ động giống sớm hơn, đồng thời tăng cường nạo vét kênh thủy lợi nội đồng nên tránh được mặn.

“Cơ cấu lại thời vụ, vụ hai, bà con xuống giống sớm, vụ ba bà con xuống giống trước 1 tháng. Do đó nước còn ngọt, lúa phát triển tốt. Theo đánh giá sơ bộ năng suất bình quân đạt từ 5-6 tấn” - ông Huỳnh Quang Sĩ chia sẻ.

Vườn mít thái của ông Nguyễn Văn Thôi.

Còn hộ ông Nguyễn Văn Thôi ở xã Huyền Hội, huyện Càng Long, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2017 ông chuyển gần 8 công đất lúa thường cho thu nhập bấp bênh khi mặn xâm nhập sang trồng mít thái. Đến nay vườn mít của ông đã cho thu hoạch.

Với giá 35.000đồng/kg mít tại vườn hiện nay, cứ sau nửa tháng ông thu về từ 20 - 30 triệu đồng tiền bán mít. Ước thu nhập sẽ cao hơn khi cây mít cho trái đồng đều.

Ông Thôi chia sẻ, trồng mít không lo hạn mặn, thời điểm độ mặn tăng lên thì đóng kín không cho nước vào, khi độ mặn hạ xuống dưới 1-2 phần ngàn thì cho vào, vì mít có thể cắt nước cả tháng.

Hệ thống bơm tưới mít chủ động.

“Nếu độ mặn như bây giờ thì tưới vẫn bình thường, còn trường hợp mặn hơn thì cắt nước không sao cả vì mít có thể không tưới cả tháng trời. Nước ngọt mình đã trữ sẵn từ trước, 1 ngày tưới 1 lần. Nếu chưa cho trái thì ngưng cũng không sao, cây này chịu hạn tốt hơn cây khác” - ông Thôi cho biết.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Trà Vinh, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh xuống giống hơn 60.000 ha. Trong số này, hơn 9.000 ha bị thiệt hại do mặn xâm nhập, tức chiếm 13% diện tích. Diện tích thiệt hại này chưa bằng 1/4 so với vụ đông xuân năm 2016. Có được kết quả này, là do nhận định được tình hình mặn sẽ xuất hiện sớm và gay gắt trong mùa khô này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 cống Tân Dinh, Bông Bót và Vũng Liêm.

Cống ngăn mặn Bông Bót - Trà Vinh.

Theo đó, các công trình này hoàn thành và đưa vào vận hành sớm hơn so với kế hoạch; kịp thời khép kín hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít, khống chế được tình hình xâm nhập mặn, điều tiết nước ngọt phục vụ nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết thêm: “Hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít làm rất tốt công tác ngăn mặn trữ ngọt. Tuy nhiên nếu hạn mặn kéo dài, các hệ thống cống đóng tuyệt đối 24/24 thì trong nội đồng thiếu nước rất trầm trọng.

Do đó, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu Tỉnh ủy, Uỷ ban tỉnh xây dựng các cống điều tiết nước, các trạm bơm thành tiểu vùng cụ thể để tiếp nước khi cần thiết. Kinh phí dự kiến trên 1.000 tỷ đồng, nên phải nhờ Trung ương hỗ trợ”.

Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đã, đang và sẽ còn chịu nhiều tác động bất lợi của hạn mặn, nếu nông dân luôn thực hiện nghiêm túc những khuyến cáo, kế hoạch của ngành chức năng, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp chắc chắn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại kinh tế do yếu tố bất lợi gây ra, góp phần hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững./.

Sa Oanh/VOV-ĐBSCL

Quảng Nam: Tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh bằng hình thức online

Nguồn tin:  Công Thương

Theo thông tin từ UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam), để phòng chống dịch Covid-19 lây lan, phiên chợ sâm Ngọc Linh định kỳ hàng tháng sẽ chuyển sang hình thức bán hàng online vào tháng tư.

Phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi được tổ chức định kỳ từ ngày 01 đến ngày 03 hàng tháng ( Phiên chợ). Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017, đến nay Phiên chợ đã thu hút rất đông người dân và du khách tham quan và mua hàng.

Các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh được bày bán tại gian hàng

Tuy nhiên trước tình hình, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND huyện Nam Trà My đã ra thông báo tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng miền núi nông sản trong tháng tư bằng hình thức bán hàng online qua các ứng dụng trên mạng xã hội (Facebook, YouTube) với tên gọi “Thủ phủ sâm Ngọc Linh”, “Phiên chợ sâm Ngọc Linh” từ ngày 01-03/4. Trong các ngày ngày Phiên chợ sẽ không mở cửa đón khách mà thay vào đó sẽ bán hàng trực tiếp bằng hình thức online.

Thành Long

Mô hình trồng cây ăn quả (Cam, Quýt, Sầu riêng) tại xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh

Nguồn tin: Mard

Mô hình Mô hình trồng cây ăn quả (Cam, Quýt, Sầu riêng) có diện tích khoảng 50 ha, trong đó có 10 ha quýt đường xen Sầu riêng Monthong, 18 ha cam xoàn, 05 ha cam sành, diện tích còn lại là nhãn Ido.

Mô hình trồng cây ăn quả

Được chuyển đổi từ diện tích cao su thanh lý. Đến nay vườn cam, quýt được 33 tháng, dự kiến trước tết 2019 là thu hoạch.

Theo ông Hưng, chi phí đầu tư để trồng 01 ha cam, quýt đến khi thu hoạch lên đến khoảng 400-500 triệu/ha, Sầu riêng khoảng 150 triệu đồng. Cam, quýt khoảng 3 năm rưỡi là có thể thu hoạch. Hiện đã xử lý ra hoa đậu trái, đầu năm 2019 thu hoạch vụ đầu, ước tính năng suất cam quýt đạt khoảng 40-50 tấn/ha. Với giá bán bình quân hiện tại đạt 15 ngàn đồng/kg, thì 1 ha cam, quýt mang loại doanh thu 600 triệu, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận đạt khoảng 300 triệu/ha. Trong khi đó, trồng cao su sau 6 năm mới thu hoạch, năm đầu cạo mủ không nhiều, năm thứ hai nếu giá mủ như hiện nay thì sau khi trừ chi phí, thu nhập còn lại khoảng 30 triệu đồng/ha.

Thông tin liên hệ mô hình: ấp Tân Thanh, xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm điều trên địa bàn xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai

Nguồn tin: Mard

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Viễn thực hiện cung ứng dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã không chỉ cho các thành viên mà cho toàn bộ nông dân có nhu cầu trên địa bàn, trong đó có chế độ ưu tiên đối với các thành viên của HTX.

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm

Hợp tác xã đang thực hiện dự án Cánh đồng lớn hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm điều tại xã An viễn, huyện Trảng Bom và thời gian thực hiện dự án là 7 năm (2015-2023). Diện tích trồng Điều hiện nay là 568 ha với 347 hộ tham gia.

Dự án Cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Điều tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-UBND, ngày 14/01/2015. Giai đoạn thực hiện dự án 2015 – 2021, với diện tích toàn dự án là 568 ha và 347 thành viên tham gia;

Về cung cấp dịch vụ đầu vào cho nông dân: HTX An viễn Đã ký kết hợp đồng với Công ty phân bón Sông Gianh để cung cấp 400 tấn phân bón các loại với giá nhà máy (không thông qua trung gian ) cho nông dân.

Về thu mua sản phẩm: HTXDVNN An Viễn tổ chức thu mua hạt Điều và hợp đồng bao tiêu thu mua hạt điều với Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Sang theo hợp đồng đã ký kết với thời gian thực hiện là 07 năm theo dự án với giá sàn là 18.000đ/1kg. Kết quả hợp tác xã đã thu mua được 450 tấn và bán toàn bộ sản phẩm thu mua của bà con nông dân tham gia dự án cho Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Sang.

Ngoài những kết quả đạt được trong dự án, vùng sản suất điều của dự án còn tiếp nhận một số mô hình khác như: HTX được sự giúp đỡ của Trung tâm nghiên cứu cây trồng thuộc Viện khoa học Việt Nam đầu tư thí điểm 10 ha điều thâm canh theo từng giai đoạn phát triển của cây điều với tổng giá trị hỗ trợ phân bón cho 10 ha là 59 triệu đồng và hướng dẫn cách sử dụng phân bón đúng kĩ thuật, UBND huyện Trảng Bom đầu tư thí điểm 10 ha ca cao trồng xen trong điều với 10 ha được thực hiện tưới nước tiết kiệm cho cây ca cao và cây điều; HTDVNN An Viễn đã ký hợp đồng ghi nhớ với Công ty Cổ phần Bamboo Capital để kết hợp đầu tư mở rộng diện tích ca cao trồng xen trong điều với dự án cánh đồng lớn.

Có thể nói, sau khi có dự án cánh đồng lớn vùng sản xuất điều An Viễn nói chung và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX NNDV An Viễn có những bước chuyển biến rõ rệt trong việc định hướng sản xuất, tổ chức sản xuất và tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật mới trong phát triển sản xuất điều. Tuy mới thành lập để làm tổ chức đại diên của nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn nhưng với sự đồng thuận của Ban Quản trị, Ban giám đốc và các thành viên hợp tác xã trong việc tổ chức sản xuất điều theo đúng hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa HTX với các thành viên và giữa HTX với Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Sang, có như vậy chuỗi giá trị sản phẩm điều tại xã An Viễn mới bền vững và thực hiện tốt đến thời điểm này.

Chủ dự án đã vận động nhân dân nhân rộng thực hiện sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp trên đại bàn theo chương trình của huyện Trảng Bom năm 2017. Với mục đích sản xuất và sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ bền vững góp phần vào việc giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nhằm mục đích hạn chế tối đa việc lạm dụng phân bón hóa học, vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp làm ảnh hưởng xấu đến độ phì nhiêu của đất cũng như năng suất, chất lượng.

Thông tin liên hệ mô hình: xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai

Kon Tum: Trang trại trái cây tiêu chuẩn GlobalGAP ở huyện Đăk Hà

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Hướng đến sản xuất sản phẩm trái cây sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu đi Châu Âu, 2 anh Phạm Quang Huy và Phạm Anh Tuấn thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát ở xã Đăk Psi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) để trồng 300ha cây ăn quả theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Mục tiêu của Công ty đặt ra sau 4 năm là chào bán các loại trái cây như mít, sầu siêng ở tỉnh Kon Tum, đồng thời tìm đối tác xuất khẩu sang Châu Âu.

Đứng giữa trang trại có tổng diện tích khoảng 230ha trồng mít Thái xen lẫn cây sầu riêng và 50ha cây dổi bao bọc xung quanh đang phát triển tốt, anh Phạm Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát chia sẻ, có được thành quả trên, trước đó anh và Ban giám đốc đã quyết định chặt bỏ gần 400ha cao su được 5 năm tuổi với kinh phí đầu tư khoảng 70 tỷ đồng, để chuyển sang trồng cây ăn trái theo mô hình GlobalGAP.

Theo anh Tuấn, mục tiêu cơ bản trồng sản phẩm cây ăn quả theo tiêu chuẩn GlobalGAP là an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GlobalGAP còn đề cập các vấn đề an toàn, sức khỏe và phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường.

Trang trại trái cây của anh Huy và anh Tuấn. Ảnh: MT

Những nông sản đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP nghĩa là được thừa nhận đảm bảo chất lượng trên toàn cầu (được cấp chứng nhận) thì phải trải qua một hệ thống kiểm soát vận hành nghiêm ngặt, tối ưu, và phải tốn thêm một khoản chi phí đáng kể, nhưng những sản phẩm được chứng nhận sẽ dễ dàng tiêu thụ, dễ dàng lưu hành ở mọi thị trường trên thế giới và mang lại lợi nhuận cao hơn sản phẩm thông thường cùng loại. Đặc biệt tất cả người sản xuất, lưu thông, phân phối theo chuẩn GlobalGAP đều có liên đới chịu trách nhiệm với sản phẩm của họ đối với mọi khách hàng trong và ngoài nước.

Với những quy định đạt chuẩn nghiêm ngặt trên, từ năm 2018 đến nay, Công ty Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát đã tuyển dụng hơn 10 kỹ sư nông nghiệp và 100 lao động để đưa đi học tập kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn ở các đơn vị có mô hình trồng cây đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trong nước, cũng như có sự tư vấn và hướng dẫn của các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài có liên quan đến việc cấp chứng chỉ này tại Việt Nam.

“Căn cứ vào quy trình, hướng dẫn của các chuyên gia sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, đơn vị đã áp dụng đúng quy định là: Người sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu sửa soạn nông trại canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ. Chẳng hạn như phải làm sạch nguồn đất, đảm bảo độ an toàn nguồn nước; chọn giống cây trồng sạch bệnh; lựa chọn vật tư sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) cũng phải đảm bảo là những thuốc trong danh mục, chủ yếu là thuốc có nguồn gốc hữu cơ an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, những người liên quan phải ghi chép lại toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch và bảo quản để phòng ngừa khi xảy ra sự cố như là ngộ độc thực phẩm hay dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép và có thể truy nguyên được nguồn gốc” - anh Phạm Quang Huy, Giám đốc Công ty nói về quá trình sản xuất.

Gắn bó từ những ngày đầu với Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Tri Phương thông tin, gần 1 năm trồng 230 ha cây sầu riêng Musa King xen lẫn mít Thái với tiêu chuẩn đi xuất khẩu, nên đòi hỏi yêu cầu khâu chăm sóc phải đạt chuẩn cao. Thời gian qua, đơn vị đã đầu tư cho trang trại hệ thống công nghệ tưới phun sương bu áp, cùng đó tất cả các loại phân, chất dinh dưỡng đều được định lượng chính xác, hòa tan trong nước và theo đường nước đến tận từng gốc cây. Hiện tại, trang trại đang có 5.000 quả mít vụ đầu tiên, hứa hẹn cho thu hoạch chào hàng đạt chuẩn đến các công ty chuyên xuất khẩu nông sản sang Châu Âu.

Cùng tham gia chăm sóc thường xuyên cho hàng ngàn cây ăn quả chất lượng cao, chị Y Đoàn ở thôn Đăk Cang Peng, xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) vui vẻ nói: Công việc làm nông ở đây cũng khá nhàn, không phải khuân vác nặng nhọc. Nhưng người làm phải chịu khó học hỏi, theo dõi, áp dụng đúng kỹ thuật tưới nước phun cho cây theo giờ quy định, thực hiện làm cỏ đúng chu kỳ, rồi đi cắm cây le, đi cột cây, xử lý lá trên thân cây đảm bảo cho cây phát triển đều... Công việc như thế đỡ vất vả hơn làm ruộng làm rẫy nhà ở nhà và thu nhập cũng ổn định 5-7 triệu đồng/tháng.

Phó Giám đốc Công ty Phạm Anh Tuấn cung cấp thêm, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 500 tỉ với 4 năm đầu tư bao gồm sản xuất, kinh doanh, xây dựng khu chế biến trái cây xuất khẩu và chi phí quảng bá ra nước ngoài. Đi cùng với mô hình phát triển kinh tế này, đơn vị nhận được sự hỗ trợ vay vốn khoảng 30-40% theo các gói hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh và Trung ương. Hàng tháng luôn được chuyên gia của tổ chức GlobalGAP đến theo dõi, đào tạo và hướng dẫn đội ngũ nhân viên đơn vị nhận thức về quy định của tiêu chuẩn. Tất cả những phần việc trên đã và đang được Công ty triển khai khá thuận lợi, và dự kiến thu hoạch cho cả mít và sầu riêng đạt doanh thu từ năm thứ 5 ổn định trên 2 tỷ đồng/ha/năm.

Qua trò chuyện với Giám đốc Phạm Quang Huy, thì sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GlobalGAP hiện đang được nhiều doanh nghiệp, người dân trong và ngoài tỉnh lựa chọn để có thể tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Đồng thời, với mô hình trang trại hiện có, anh Huy cho hay, đơn vị sẵn sàng đón các hộ dân, đơn vị có nhu cầu đến tham quan và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, nhân rộng mô hình trồng nông sản theo phương thức này, nhằm tạo chuỗi sản phẩm hàng hóa sạch, an toàn cho người tiêu dùng ngay trên quê hương mình.

Mai Trâm

Điều vừa mất mùa, mất giá

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Đầu vụ thu hoạch năm nay, giá điều tươi trên địa bàn huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) đang bị giảm sâu cùng lẫn mất mùa. Hiện thương lái trong vùng chỉ mua giá 24.000 đồng- 25.000 đồng/kg (vụ điều năm 2019 đầu vụ là 30.000 đến 32.000 đồng/kg, năm 2018 là 37.000 - 38.000 đồng/kg). Nguyên nhân được cho thời tiết không thuận lợi, sương muối, sâu rầy khiến điều hạt nhỏ, kém chất lượng khi đưa vào chế biến thực phẩm. Cùng với đó, phần lớn diện tích cây trồng này đang bị thất thu, khiến người trồng thua lỗ nặng. Nhất là các vườn điều già nằm xen lẫn trong các khu dân cư gần như mất trắng.

Được biết, huyện Hàm Tân có khoảng 2.000 ha điều các loại. Trước đó, Hội nông dân các xã, thị trấn phối hợp ngành chức năng tuyền truyền bà con chặt tỉa cho vườn điều rộng rãi, loại bỏ những cây quá già; vay vốn ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trên địa bàn trồng điều mới cao sản, hoặc keo giâm hom sẽ đem lại hiệu quả hơn.

Một số hình ảnh điều thất bát

Thụy Khanh

Bình Định: Phù Mỹ được mùa ớt nhưng kém vui

Nguồn tin: Báo Bình Định

Gần nửa tháng qua, nông dân huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) thu hoạch ớt vụ Đông Xuân. Năm nay, ớt được mùa nhưng không được giá.

Nông dân thôn Tường An, xã Mỹ Quang thu hoạch ớt.

Trên đồng ớt thôn Tường An, xã Mỹ Quang, khi tôi đến, nhiều nông dân đang thu hoạch ớt. Vì ớt vụ Đông Xuân năm ngoái có giá cao, lên tới 40.000 - 60.000 đồng/kg, nhiều người trúng cả trăm triệu đồng, nên năm nay, nhiều người mở rộng diện tích. Bà Nguyễn Thị Điệp kể: “Năm ngoái tôi trồng hơn 2 sào ớt chỉ thiên, thu lãi được hơn 100 triệu đồng. Năm nay tôi mở rộng diện tích lên 4 sào, và tập trung trồng ớt chỉ địa giống Trang Nông, loại này thường có lợi nhuận cao hơn. Thời tiết thuận lợi, ớt phát triển tốt, năng suất ước đạt hơn 1,5 tấn/sào, cao hơn tới 5 - 7 tạ so với năm ngoái. Nhưng giá ớt rớt đến mức thê thảm. Đầu vụ thương lái mua 5.000 đồng/kg, nhưng 2 tuần sau giá rớt tiếp chỉ 3.000 đồng/kg”.

Tương tự, đồng ớt thôn Trung Hội, xã Mỹ Trinh đã chín rộ nhưng nông dân không buồn ra đồng hái ớt, thậm chí không muốn nói gì đến ớt. Nể lắm, cuối cùng bà Lê Thị Liên, một người trồng ớt cho biết, năm ngoái lãi khá, ai cũng ham; năm nay được mùa nhưng giá chỉ còn có 1/10 so với trước, ai cũng rầu. Không chỉ mất tiền công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bạt phủ… giá ớt như thế thì người trồng ớt không chỉ mất trắng mà còn thâm vào vốn nữa.

Vụ Đông Xuân năm nay, nông dân Phù Mỹ trồng hơn 1.230 ha ớt, tăng gần 250 ha so với năm ngoái. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu ớt sang thị trường chủ yếu là Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, ách tắc. Chủ vựa ớt Thanh Phương, một trong những vựa thu mua ớt lớn của huyện Phù Mỹ, cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu ớt gặp nhiều khó khăn. Bây giờ ai cũng mong thị trường sớm hồi phục để gỡ gạc.

THANH TRỌN

Ông Đời ‘gà đồi’

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Đến thôn Tự Do, xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi, hầu như ai cũng biết đến ông Phùng Minh Đời mà người dân nơi đây quen gọi với biệt danh Đời "gà đồi”. Ông là người tiên phong áp dụng mô hình chăn nuôi gà ta thả đồi cho lãi trên 400 triệu đồng mỗi năm.

Đến thăm trang trại chăn nuôi gà ta thả đồi của ông Phùng Minh Đời, chúng tôi có dịp trò chuyện và hiểu thêm về người cựu chiến binh có ý chí làm giàu này. Được biết, ông sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo đông con. Sau khi rời quân ngũ, chuyển ngành và công tác tại Hợp tác xã Vận tải 3 huyện Sơn Tịnh. Trong thời gian này, ông đã vay mượn để mua xe tải làm dịch vụ vận tải và trong một biến cố lớn, ông Đời đã phải bán hết tài sản để khắc phục. Nản chí, ông xin nghỉ việc và dùng số tiền còn lại mua mảnh đất và làm căn nhà nhỏ tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh. Ông xin làm thủ kho cho công ty thép Đại Việt ở khu công nghiệp Tịnh Phong. Nhận đồng lương ít ỏi, ông Đời nhận thấy không thể kéo dài mãi tình trạng làm thuê ăn lương này được. Với bản chất người lính cụ Hồ, ông đã tìm hiểu và quyết tâm sẽ xây dựng một trang trại chăn nuôi gà ta thả đồi với hy vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Năm 2011, ông Đời bôn ba vay mượn tiền để mua mảnh đồi rộng khoảng 02 ha tại thôn Tự Do, xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi để nuôi gà ta thả đồi. Ông Đời nhớ lại: Khi đó vùng đồi này heo hút lắm, không có đường đi, không có điện, không có nước, ông phải tự mở đường lên núi, tự kéo điện và khoan giếng mới có nước dùng và ông đã trở thành người đầu tiên chăn nuôi gà ta thả đồi tại vùng đất này. Ban đầu ông chỉ nuôi với số lượng ít và gặp rất nhiều khó khăn vì chưa nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi gà, phải tự mày mò học hỏi từ những người chăn nuôi gà trước, học trên mạng, qua các chương trình hội thảo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà do Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi tổ chức. Sau một thời gian, hiệu quả chăn nuôi dần tăng lên, ông tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà ta thả đồi kiên cố trên diện tích 2ha nhằm tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Theo ông Đời, với đặc điểm dễ nuôi, không mất nhiều chi phí đầu tư, ít tốn công chăm sóc nhưng hiệu quả từ chăn nuôi gà thả vườn đồi rất lớn. Trong quá trình nuôi, gà được chăm sóc, phòng bệnh tốt nên dịch bệnh ít xảy ra, chi phí đầu tư thấp hơn so với nuôi nhốt, thịt gà lại săn chắc, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên để thành công được hay không thì việc chọn con giống rất quan trọng. Sau nhiều lầ thử nghiệm các giống gà Cao Khanh, Phùng Dạo Sơn, Khatoco… nhưng không hiệu quả, cuối cùng ông chọn nuôi giống gà của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (Bình Định).

Hiện nay, mảnh vườn đồi rộng khoảng 2ha của gia đình ông Đời được chia làm 3 khu vực nuôi gà theo từng giai đoạn phát triển của gà với gần 6.000 con gà ta. Nuôi gà ta thả đồi có lợi thế tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên là các loại côn trùng và cây cỏ tự nhiên. Ngoài ra, tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của gà mà bổ sung thêm thức ăn cho phù hợp như: Khi gà giống 01 ngày tuổi được nhập về, ông Đời nuôi úm trong khu trại riêng và sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp, công tác tiêm phòng trong giai đoạn này đặc biệt được chú trọng. Sau khoảng 30 ngày nuôi, gà được thả ra khu vực đồi dành riêng và sử dụng thức ăn phối trộn theo tỷ lệ 50% cám công nghiệp và 50% bột bắp nấu chín. Khoảng 1 tháng nuôi sau, gà được chuyển sang khu vực đồi nuôi lớn và sử dụng thức ăn phối trộn theo tỷ lệ 30% cám công nghiệp và 70% bột bắp nấu chín.

Ông Đời cho biết: “Phải làm tốt việc phòng bệnh cho gà, vì thế mỗi khu nuôi gà tôi đều dùng trấu để làm đệm lót và định kỳ sử dụng các loại men có nguồn gốc tự nhiên để phân hủy chất thải của gà, đồng thời bổ sung các loại men tiêu hóa, vitamin C… vào thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng và giúp gà tiêu hóa được tốt hơn”. Ngoài ra, ông Đời còn thường xuyên liên hệ với cán bộ thú y thành phố Quảng Ngãi đến tiêm phòng định kỳ và kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chữa bệnh cho gà.

Ông Đời còn cho biết thêm, hiện nay ông đã liên kết với các Công ty cung ứng thức ăn công nghiệp, các cơ sở thu mua và cung ứng bắp trên địa bàn xã Tịnh Ấn Đông. Còn việc tiêu thụ hiện nay thì khá ổn định bởi sản phẩm gà ta nuôi thả đồi của gia đình ông có chất lượng thịt rất ngon và giá bán lại không quá cao nên được các dịch vụ đám cưới, bếp ăn tập thể, công nhân các khu công nghiệp Tịnh Phong, Visip và người tiêu dùng ở thành phố Quảng Ngãi… đặt mua nhiều.

Bình quân mỗi lứa trang trại chăn nuôi gà ta thả đồi của gia đình ông Đời xuất bán ra thị trường hơn 5.000 con gà, trung bình nuôi khoảng 4 tháng, mỗi con nặng từ 1,9kg - 3 kg, tương đương hơn 12 tấn gà thịt. Với mức giá ổn định 70.000 - 80.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông còn lãi trên 400 triệu đồng/năm.

Chăn nuôi gà ta theo mô hình thả đồi ở của ông Đời ở xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi không chỉ nhàn hạ, chi phí thấp nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tịnh Ấn Đông và các xã lân cận đã học tập và nhân rộng mô hình này.

Mạnh Hùng - Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi

Người chăn nuôi làm gì để tái đàn heo an toàn, hiệu quả?

Nguồn tin: VOV

Giá heo hơi hiện vẫn ở mức cao đang thúc đẩy người chăn nuôi ở Đông Nam Bộ tái đàn.

Sau đợt bệnh dịch tả heo Châu Phi, người chăn nuôi ở các tỉnh Đông Nam Bộ đang tái đàn. Tuy nhiên, virus của loại dịch bệnh này tồn tại rất lâu trong môi trường, bởi vậy nếu không đảm bảo tốt các điều kiện an toàn sinh học mà tái đàn có thể gây nguy cơ dịch bệnh tái phát trở lại. Vậy người chăn nuôi làm gì để tái đàn heo an toàn và hiệu quả?

Trại heo giống ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

Đợt bệnh dịch tả heo Châu Phi vừa qua, hộ chăn nuôi ông Bùi Duy Hinh ở xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương bị thiệt hại rất nặng, vì phải tiêu hủy cả ngàn con heo.

Vừa qua, ông Hinh định tái đàn 300 con heo thịt, nhưng giá heo giống quá cao nên ông Hinh chỉ tái đàn hơn 100 con để thăm dò thị trường. Số con giống này, ông mua ở trại heo giống Bắc Tân Uyên. Giá mỗi con 2,3 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước dịch bệnh.

Ông Hinh cho biết, với những kinh nghiệm vừa qua, ít nhiều ông đã có kinh nghiệm để khắc phục lại việc chăn nuôi heo như cho ăn thêm những chế phẩm sinh học để hỗ trợ, nâng cao sức đề kháng. Cộng thêm việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi, kỹ lưỡng hơn khi chăm sóc sẽ thành công.

Hiện nay, sau dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi ở Đông Nam Bộ muốn tái đàn, vì giá heo hơi đang ở mức cao. Tuy nhiên, giá con giống cao, nguồn cung hạn chế nên số hộ chăn nuôi tái đàn chưa nhiều.

Đến thời điểm này, đàn heo ở Bình Dương chỉ khoảng 740.000 con; tại Bà Rịa –Vũng Tàu khoảng 360.000 con. Riêng ở “thủ phủ heo” Đồng Nai có khoảng 2,1 triệu con heo, tăng 500.000-600.000 con so với trước khi dịch bệnh. Với nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tìm ẩn nên ngành thú y ở các tỉnh Đồng Nam Bộ khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt mà tái đàn phải đảm bảo an toàn sinh học.

Ở Đồng Nai, người chăn nuôi và doanh nghiệp muốn tái đàn phải đăng ký với chính quyền và các ngành chức năng. Đến nay, Đồng Nai có 142 cơ sở chăn nuôi đăng ký tái đàn với hơn 220.000 con heo. Để hỗ trợ người chăn nuôi, ngành thú y tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống bệnh dịch.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đang xây dựng tiếp các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh ở các trang trại, tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn tốt hơn.

“Chúng tôi hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng chuồng trại an toàn dịch bệnh. Chúng tôi cũng đang triển khai tháng tiêu độc khử trùng, làm sạch mầm bệnh, tiêu độc khử trùng nơi có nguy cơ cao như đường xá, chợ, khu giết mổ, chăn nuôi…”, ông Giang nói.

Chuồng heo thịt ở trại heo huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Bên cạnh đó, ngành thú y các tỉnh Đông Nam Bộ khuyến khích người dân nên chăn nuôi tập trung, trại kín. Đặc biệt, người chăn nuôi chú ý đến nguồn con giống phải có nguồn gốc rõ ràng.

Ông Trần Hải Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi-Thú y theo dõi sát tình hình tái đàn của người dân, hướng dẫn bà con biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tư vấn điều kiện để chăn nuôi lại. Đối với các trang trại, chúng tôi có các đoàn kiểm tra, tư vấn xem trại có nên nuôi lại hay chờ đợi đến thời điểm dịch bệnh ổn định”.

Con giống đang là vấn đề nan giải đối với các hộ chăn nuôi heo vì hiện nay, nguồn con giống heo đang thiếu và phần lớn giống cũ, năng suất thấp.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai kiến nghị: “Cơ quan chức năng cần hỗ trợ cung cấp con giống tốt để đàn nái của chúng ta năng suất cao, phát triển chăn nuôi bền vững hơn, tránh tình trạng đàn heo nái nhiều nhưng năng suất không cao”.

Giá heo hơi hiện vẫn ở mức cao đang thúc đẩy người chăn nuôi ở Đông Nam Bộ tái đàn. Tuy nhiên, để tái đàn hiệu quả ngoài giải pháp bảo đảm an toàn sinh học thì các cơ quan chức năng cần có chính sách phát triển đàn heo giống chất lượng, vì đây cũng là yếu tố quyết định sự phát triển chăn nuôi bền vững./.

Nhóm PV/VOV-TPHCM

Bảo vệ đàn gia súc, gia cầm: Tăng cường giám sát xử lý tại chỗ

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Thời điểm hiện tại, thời tiết diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh trên vật nuôi phát triển, gây dịch bệnh. Để bảo vệ đàn vật nuôi, hiện các địa phương đang tập trung triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc tăng cường giám sát tại chỗ và nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Hiện nay, người dân ở các địa phương tập trung tái đàn, phát triển chăn nuôi nhưng do thời tiết mưa, rét bất thường khiến nhiều mầm bệnh trong môi trường phát triển, nguy cơ gia tăng dịch bệnh. Ông Đặng Hữu Hỷ ở xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) cho biết, trang trại của gia đình hiện có 20.000 gà đẻ trứng, chăn nuôi theo quy trình khép kín. Dù vậy, ông rất lo lắng bởi nhiều hộ xung quanh vẫn chăn nuôi theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất lớn.

Trong khi đó, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện là 231.320 con. Huyện có một cơ sở giết mổ lợn tập trung tại xã Vạn Phúc (công suất 1.500 con/ngày), trong đó 60% số lợn giết mổ nhập từ các tỉnh, thành phố khác - đây cũng là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thực tế, thời điểm đầu năm, trên địa bàn huyện tái phát một ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi ở xã Vạn Phúc, dù bệnh dịch đã qua 30 ngày không phát sinh nhưng người chăn nuôi ở đây vẫn rất lo lắng.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 5 ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm ở 5 xã thuộc 2 huyện (Chương Mỹ và Mê Linh) tại 10 hộ chăn nuôi. Ngoài ra, dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi đến nay cơ bản được khống chế, nhưng do không có vắc xin phòng bệnh, vi rút này lại có sức đề kháng cao nên rất dễ tái phát. Bên cạnh đó, người dân vẫn có thói quen buôn bán, giết mổ động vật nhỏ lẻ; việc sử dụng thịt tươi, mua, bán gia súc, gia cầm sống còn phổ biến… cũng là một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện việc thống kê, quản lý chặt chẽ tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Mặt khác, các xã, thị trấn đã tổ chức tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh…). Huyện cũng tăng cường tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất tại khu vực đã từng xuất hiện ổ dịch, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm…

Ngoài các địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, Sở đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố theo phương châm giám sát dịch bệnh ngay từ cơ sở để sớm phát hiện, bao vây, xử lý ổ dịch theo quy định, không để lây lan diện rộng. Đặc biệt, tại các chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố, các đầu mối giao thông duy trì hoạt động 24/24 giờ nhằm tăng cường kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn.

Ngoài ra, Sở chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch; đồng thời, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, khi có dịch phải báo ngay cho chính quyền địa phương, không vứt xác động vật bừa bãi ra môi trường nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan…

NGỌC QUỲNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop