Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 05 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 05 năm 2016

Thu nhập cao với củ sắn lấy hạt

Nguồn tin: Báo An Giang

Những năm gần đây, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con nông dân xã Phước Hưng (An Phú, An Giang) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong những mô hình giúp nông dân nguồn có thu nhập cao và ổn định là trồng củ sắn lấy hạt.

Nặng công ban đầu

Mô hình trồng củ sắn lấy hạt xuất hiện ở xã Phước Hưng từ rất lâu. Không giống như các loại rau màu khác, trồng sắn lấy hạt đòi hỏi thời gian gieo trồng lâu hơn, từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 5 tháng. Để có được nguồn giống, nông dân phải trồng bằng củ để lấy hạt, sau đó dùng hạt đó trồng lại cho vụ sau. Có 2 loại củ sắn giống là sắn mùa và sắn Ba Tri. Hiện nay, nông dân thường chọn giống Ba Tri vì năng suất cao hơn và thời gian canh tác cũng ngắn hơn so với sắn mùa. Giống củ sắn Ba Tri có giá 5.000 đồng/kg và được người bán cho vào bọc 10kg. Ông Huỳnh Thanh Bình (nông dân xã Phước Hưng), thông tin: “Bình quân 40kg củ giống sau khi trồng sẽ cho 20 lít hạt. Mỗi công, tôi gieo khoảng 15 lít hạt, số dư còn lại đem bán lại cho bà con xung quanh với giá từ 300.000 – 350.000 đồng/lít”.

Sắn dây đang trong giai đoạn ra hoa

Là một trong những nông dân trồng sắn lấy hạt đầu tiên ở xã Phước Hưng, ông Bình cho biết, trồng sắn lấy hạt nặng công và cần chi phí đầu tư ban đầu. Trước đây, ông trồng theo hình thức lên liếp để sắn tự bò, thấy hiệu quả không cao nên khoảng 7 năm trở lại đây, ông chuyển sang trồng sắn leo giàn, năng suất được cải thiện. Vì phải làm giàn nên chi phí khá cao. Thông thường, giàn được làm bằng cây tràm, bình quân 1 công sắn cần từ 1.300 – 1.400 cây cọc tràm, giá mua mỗi cây là 6.000 đồng. Như vậy, chi phí bỏ ra cho 3 công sắn từ 23 - 25 triệu đồng, đó là chưa kể đến chi phí thuê nhân công róc chàm, bóc vỏ và cắm cọc.

Để giảm chi phí, ông Bình cắm cọc khoảng cách 1,5m, ở giữa ông căng dây để sắn có thể bò lên trên. Cọc tràm sau 3 năm phải thay mới một lần. Sau mỗi vụ thu hoạch, ông Bình thường chặt bỏ phần cọc ở dưới đất để giàn được chắn chắn, tránh đổ ngã khi có gió mạnh. “Trồng sắn lấy hạt cực nhất và nặng vốn nhất là lúc ban đầu. Tuy nhiên, chăm sóc đúng cách thì chỉ vụ đầu là lấy lại vốn và có lãi khá” – ông Bình chia sẻ.

Lợi nhuận cao

Mặc dù chi phí đầu tư khá cao, thời gian trồng khá lâu mới cho thu hoạch nhưng bù lại năng suất và giá cả hạt sắn khá cao. Những năm gần đây, hạt sắn luôn ổn định từ 120.000 – 250.000 đồng/kg. “Bình quân 1 công sắn cho năng suất từ 280 - 300kg hạt. Với 3 công đất, tôi thu nhập trên 20 triệu đồng/công. Có những năm, vụ đông xuân tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng, còn vụ hè thu khoảng 45 triệu đồng. Tuy nhiên, do năm nay nắng nhiều nên năng suất không đạt bằng các năm trước đây” - ông Bình cho biết.

Hạt sắn có giá cao và ổn định

Ông Hồ Hoàng Dũng (ở cùng xã Phước Hưng) cho biết, củ sắn khá dễ trồng nhưng nặng công chăm sóc, quan trọng là chú ý ngắt đọt cho cây tập trung ra hoa, đậu trái nhiều. Sắn thích hợp với vùng đất gò cao, không chịu mưa nên cần phải thoát nước liền nếu không sẽ bị thối. Sau khi thu hoạch, nông dân thường cắt gần phần gốc để canh tách tiếp. Một gốc sắn có thể cho thu hoạch 2 đợt. Sau khi thu hoạch nên bón lót để tăng độ hữu cơ cho đất. Trong quá trình canh tác, phải thăm đồng thường xuyên để phòng tránh các loại sâu bệnh gây hại làm rơi bông, mù đọt, ảnh hưởng đến năng suất hạt.

Mô hình trồng sắn lấy hạt có hiệu quả cao, cho thu hoạch khá nên nông dân ở xã Phước Hưng vẫn duy trì tốt diện tích, còn người dân ở những nơi khác cũng tìm về đây để mua hạt giống về trồng. Hạt sắn được bán nhiều tại vùng Bảy Núi, bán ra miền Trung, Hà Nội… và xuất sang Campuchia. Tuy hiệu quả cao nhưng không phải đất nào cũng canh tác được nên cây trồng này chưa được phổ biến. Thêm vào đó là mất nhiều công sức và chi phí đầu tư nên nhiều nông dân không dám mạnh dạn bỏ vốn vào loại cây trồng này. Trong khi đó, nhờ đầu ra ổn định nên nhiều nông dân xã Phước Hưng vẫn yên tâm phát triển mô hình trồng sắn lấy hạt.

ĐỨC TOÀN

Kỳ lạ như hồ tiêu

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

10 năm qua, ngành hồ tiêu thế giới liên tục phát triển, giá từ 1,6USD/kg lên 9USD/kg, đời sống người trồng hồ tiêu được cải thiện, nên sản lượng hồ tiêu thế giới từ 128.000 tấn/năm lên mức 400.000 tấn/năm. Đó là phát biểu của ông Gunaratne, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) tại hội nghị toàn thể IPC lần thứ 42, tổ chức ở TPHCM những tháng cuối năm 2014. Đến nay, giá hồ tiêu vẫn ở mức cao.

Hồ tiêu được trồng mới nhiều ở khu vực Tây Nguyên

Hồ tiêu như một loại tiền tệ

Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam duy trì vị trí số một trong xuất khẩu hồ tiêu (cả đen và trắng) trên thị trường thế giới, chiếm 32% sản lượng hồ tiêu toàn cầu (dự báo sẽ chiếm 34% trong vài năm tới) và chiếm hơn 50% lượng giao dịch hồ tiêu trên thị trường quốc tế. Lợi nhuận của hồ tiêu quá cao, chưa có cây công nghiệp nào vượt qua như cà phê, cao su, nhân điều, ca cao, mía, kể cả cây công nghiệp ngắn ngày như khoai mì (sắn)… Vì vậy, diện tích hồ tiêu đã tăng gấp đôi so với quy hoạch, lên mức 100.000ha, sản lượng dù chịu ảnh hưởng thời tiết nhưng vẫn đạt 168.000 tấn, cao hơn năm 2015. Giá hồ tiêu vẫn có xu hướng vững ở mức cao, hiện ở mức 180.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tháng 3 là tháng thu hoạch rộ của vụ hồ tiêu Việt Nam, giá tiêu giảm xuống còn hơn 130.000 đồng/kg, nhưng chỉ trong thời gian ngắn rồi hồi phục. Tháng 4 năm nay, dù có lượng hồ tiêu xuất khẩu lớn nhất trong nhiều năm qua, trên 20.000 tấn, nhưng giá bán vẫn đi lên. Đây là điều kỳ lạ vì thông thường, khi lượng xuất tăng thì giá phải giảm. Lý giải điều này, nhiều người cho rằng, có khả năng do El Nino kéo dài, ảnh hưởng trầm trọng đến hạn hán tại các nước, có cả Việt Nam, đã tác động tới tâm lý nông dân và cả những nhà kinh doanh. Giá giảm đầu năm chỉ là hiện tượng nhất thời, không phản ánh đúng tình hình sản lượng hồ tiêu tại Việt Nam. Do vậy, khi nắm bắt thông tin giá hồ tiêu tại Ấn Độ không giảm vì nhu cầu cao, nên nông dân trồng hồ tiêu trong nước không vội vàng bán hết mà chuyển qua xu hướng trữ hàng để chờ bán với giá cao hơn, trong khi đây là giai đoạn các nhà nhập khẩu phải mua vào để thực hiện hợp đồng đã ký.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, cho rằng không ai tác động, kể cả vai trò VPA, chính nhờ sự điều tiết lượng bán ra của nông dân nên hồ tiêu không bị làm giá trong những thời điểm nhạy cảm. Dù vài năm tới sản lượng sẽ tăng mạnh do diện tích thu hoạch tăng lên, nhưng với kinh nghiệm, khả năng tích lũy và việc điều tiết như vừa qua, nên nhiều khả năng giá chưa thể có sự sụp đổ mạnh. Tuy nhiên, giá nội địa không thể cao như năm 2015, do tình hình xuất khẩu không khả quan bởi trở ngại của vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của hồ tiêu Việt Nam.

Theo VPA, từ năm 2006 đến nay, nông dân trồng hồ tiêu ngày càng cho thấy là người chủ động quyết định giá hồ tiêu, nên thị trường bớt bị lũng đoạn, cùng với doanh nghiệp góp phần điều tiết phần nào giá hồ tiêu thế giới - điều mà từ lâu những nhà nhập khẩu đầy kinh nghiệm của những tập đoàn thế giới luôn chi phối. Và mỗi năm trôi qua, người nông dân trồng hồ tiêu lại am hiểu và có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm tốt về cung cầu thị trường, nên sử dụng hồ tiêu như một loại tiền tệ, lưu trữ để đưa ra thị trường khi có giá tốt nhất.

Chuyển đổi trước khi thị hiếu tiêu dùng thay đổi

Giá hồ tiêu trên thị trường quốc tế duy trì ở mức cao, vượt cả dự báo về giá cả khi kéo dài quá lâu so với quy luật về giá, nhưng ai cũng lo ngại về tương lai lâu dài, vì khó có thể duy trì mãi ở mức cao. Rất cần có những nghiên cứu và phân tích mang tính chất hệ thống, như nhận định của GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam. Điều quan ngại nhất hiện nay của hồ tiêu Việt Nam là cần khắc phục nhược điểm kéo dài về an toàn thực phẩm. “Có thể nói, đây là điểm hạn chế mà các nước sẽ lợi dụng để cạnh tranh với hồ tiêu Việt Nam”, GS-TS Bùi Chí Bửu cảnh báo.

Từ năm 2015 các nước bắt đầu siết chặt quy định về chất lượng hồ tiêu nhập khẩu, nhất là châu Âu, không ít lô hàng bị trả về. Nguyên nhân do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là hoạt chất carbendazim. Hoa Kỳ đã đưa carbendazim vào danh mục chất cấm trong thực phẩm. Hiệp hội Gia vị Nhật Bản không nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam nếu có carbendazim trong mẫu kiểm nghiệm. Hiện có hơn 600 hoạt chất bị cấm hoặc bị giới hạn do các nhà nhập khẩu đưa ra, nhưng với carbendazim, rất khó kiểm soát.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, một chủ trại hồ tiêu đã lấy mẫu hồ tiêu trong kho trữ tại nhà đem phân tích ở Đức, phát hiện dư lượng carbendazim gấp 10 lần; trong khi người chủ trại này cho biết chỉ sử dụng carbendazim vào tháng 8-2015, tháng 1-2016 thu hoạch, nhưng dư lượng vẫn cao. Trong khi đó, theo các nhà khoa học, hoạt chất này phân hủy khá nhanh. Nhưng điều khó hiểu hơn, tại vùng nguyên liệu hồ tiêu tập trung, được tổ chức trồng quy mô, bài bản, kiểm soát chặt vật tư đầu vào, vẫn phát hiện 2 lô bị nhiễm trong 10 lô khi xét nghiệm. VPA kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc làm rõ. Được biết, hoạt chất carbendazim được sử dụng rộng rãi ở nước ta như một loại thuốc diệt nấm.

Sẽ đến lúc nguồn cung bão hòa! Lúc đó, nhu cầu thị trường sẽ chuyển mạnh sang tiêu thụ hồ tiêu chất lượng cao, sạch, có thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý hay hồ tiêu hữu cơ. Ông Đỗ Hà Nam cảnh báo, ngành hồ tiêu Việt Nam phải gấp rút chuyển đổi trước khi nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng thay đổi.

Dù sản lượng chiếm tỷ lệ ngày càng tăng, nguồn cung dồi dào, nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến xây dựng nhà máy chế biến hồ tiêu tại Việt Nam lại không hoạt động hết công suất, do thiếu nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm qua, một số DN đã phải nhập khẩu khoảng 21.000 tấn hồ tiêu chủ yếu từ Indonesia, Brazil (chất lượng đảm bảo hơn hồ tiêu Việt Nam) về chế biến và xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với những nước khó tính như Nhật Bản. Điều gây đau đầu là vẫn chưa xác định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà hồ tiêu Việt Nam bị lây nhiễm là từ khâu nào.

CÔNG PHIÊN

Nghi Lộc (Nghệ An): Trồng dưa hấu phủ ni lông vụ hè thu

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Thời điểm này, cùng với thu hoạch diện tích lạc xuân bà con nông dân Nghi Lộc (Nghệ An) bắt đầu bước vào sản xuất 150ha dưa hấu hè thu 2016.

Chị Nguyễn Thị Loan xóm 13 xã Nghi Long trồng dưa hè thu

Nghi Long là một trong những địa phương có diện tích trồng dưa hấu hè thu lớn nhất huyện. Cùng với việc thu hoạch lạc xuân hiện nay bà con nông dân tập trung gieo trồng 40ha dưa hấu hè.

Chị Nguyễn Thị Loan xóm 13 xã Nghi Long cho biết: Dưa hấu là cây trồng cho thu nhập cao. Năm ngoái gia đình chị trồng 1 sào dưa hấu hè thu sau 2 tháng thu về gần 14 triệu đồng. Năm nay, gia đình chị mở rộng diện tích 5 sào dưa hấu hè thu. Dưa hấu là cây trồng ngắn ngày. Thời gian từ lúc gieo trồng đến lúc thu hoạch trong vòng 2 tháng. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, những ngày này gia đình chị Loan tập trung nhân lực ra đồng vừa gieo trồng vừa dẫn nước vào ruộng để cây dưa bén rễ nhanh.

Từng cây dưa được đúc bầu ở nhà để tăng them sức sống

Vụ hè thu năm 2016 này, toàn huyện Nghi Lộc sản xuất 150ha dưa hấu hè thu. Chủ yếu cơ cấu các giống dưa: Trang nông 755 và dưa Phù Đổng. Dưa chỉ phù hợp với những cánh đồng đất cát chủ động được nguồn nước và có hệ thống tiêu thoát nước nhanh. Do đó, diện tích trồng dưa hấu của Nghi Lộc chủ yếu tập trung nhiều ở các xã Nghi Long, Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Hợp, Nghi Khánh, Nghi Thuận, Nghi Trung, Nghi Thạch.

Nước dẫn vào để tăng độ ẩm và tưới cho cây dưa hàng ngày.

Để đảm bảo vụ hè thu thắng lợi, bước vào vụ sản xuất, phòng nông nghiệp đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương ra quân làm giao thông thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy đảm bảo tốt việc tiêu thoát nước cho cây trồng hè thu.

Ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng NN& PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: "Xác định, hè thu là vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết, do vậy ngay từ đầu vụ ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung bám sát kế hoạch của huyện để triển khai sản xuất vụ hè thu sát đúng tình hình thực tế của địa phương. Chủ động liên hệ với các ngành hàng cung ứng kịp thời giống, vật tư cho nông dân sản xuất. Tập huấn chuyển giao KHKT, chủ động công tác chống hạn, chống lụt ".

Thu Hiền (Đài Nghi Lộc)

Tam Nông (Đồng Tháp): Nông dân thiệt hại vì chuột cắn phá lúa

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Những ngày này, nông dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang chuẩn bị thu hoạch vụ lúa hè thu 2016. Tuy nhiên, một số cánh đồng thuộc địa bàn xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất do chuột cắn phá.

Nông dân buồn rầu vì lúa bị chuột cắn phá

Theo nhiều hộ dân ở ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính, lúa bị chuột cắn phá nghiêm trọng từ giai đoạn làm đòng đến trổ. Nhìn mảnh ruộng bị chuột cắn phá, ông Võ Tuấn Lập ngụ ấp Tân Lợi buồn rầu nói: “Năm nay, số lượng chuột nhiều gấp đôi các năm trước. Từ thời điểm lúa giai đoạn 30 – 35 ngày đã xuất hiện chuột cắn phá, tôi mua thuốc về diệt và làm nhiều biện pháp xử lý nhưng cũng không tác dụng. Ban đầu, chuột tấn công chỉ một khoảnh ruộng nhỏ rồi lan dần khắp nơi trên ruộng khiến năng suất lúa có thể giảm hơn 30%”.

Tương tự như trường hợp của ông Lập, 2ha lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch của ông Nguyễn Thanh Hùng ngụ ấp Tân Lợi cũng bị ảnh hưởng do chuột cắn phá. Ông Hùng cho biết: “Đầu vụ, nhìn lúa phát triển tốt, tôi rất phấn khởi. Vậy mà tới thời điểm lúa chuẩn bị làm đòng, chuột xuất hiện và cắn phá nhiều. Để cứu vãn, tôi giặm lại lúa rồi can thiệp bằng nhiều biện pháp phòng trừ nhưng tình hình vẫn không ổn. Ước tính từ đầu vụ tới giờ, ruộng của tôi thiệt hại hơn 40%”.

Còn trường hợp của anh Nguyễn Văn Hiền cùng ngụ ấp Tân Lợi lại thê thảm hơn. Vụ hè thu này, gia đình anh Hiền canh tác khoảng 10ha lúa (gieo sạ từ ngày 19/1 âm lịch). Thế nhưng, hơn 50% diện tích đã bị chuột cắn phá. Anh Hiền nói: “Lúc đầu, chuột gây hại ít, tôi còn can thiệp thuốc nhưng tới khi quá nhiều thì đành bỏ phế. Thiệt hại kinh tế do chuột gây ra có thể hơn 150 triệu đồng. Tôi mong các ngành, các cấp hỗ trợ cho những hộ bị thiệt hại để phần nào khôi phục sản xuất trong vụ tiếp theo”.

Trao đổi với chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND xã Tân Công Sính Phạm Minh Phụng cho biết: “Đến ngày 19/5, UBND xã vẫn chưa nhận được thông tin từ nông dân về việc chuột gây hại lúa. Tuy nhiên, xã sẽ khảo sát lại trên diện rộng những thiệt hại để có báo cáo tổng hợp cho UBND huyện”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTTN) huyện Tam Nông, qua kiểm tra đồng ruộng, số diện tích ruộng lúa ảnh hưởng do chuột cắn phá có thể là do nông dân tự ý gieo sạ sớm hơn 2 tuần so với lịch thời vụ, khiến lượng chuột trong khu vực tập trung về cắn phá. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nước lũ ít cũng là nguy cơ khiến tỷ lệ chuột sinh sản nhiều.

Ông Lưu Văn Tiến – Phó Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông cho biết: “Từ đầu vụ, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân về việc xuống giống tuân thủ theo nguyên tắc là gieo sạ tập trung theo lịch khuyến cáo, gieo sạ đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng. Trước thực trạng lúa bị chuột cắn phá, ngành nông nghiệp huyện sẽ rà soát lại tỷ lệ ảnh hưởng, tìm hiểu rõ các nguyên nhân để báo cáo Sở NN&PTNT chờ chỉ đạo cụ thể”.

Để phòng trừ chuột gây hại, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, trước khi gieo sạ lúa, nông dân nên dọn vệ sinh những bờ ruộng cho sạch cỏ để chuột không còn nơi ẩn náu; tăng cường việc đào hang để diệt chuột kết hợp với dùng bả thuốc. Nông dân có thể dùng màn phủ che chắn ngay chân ruộng để hạn chế lượng chuột phá hoại.

Khánh Phan

An Giang: Nỗi buồn cây điều Bảy Núi

Nguồn tin: Báo An Giang

Từng được xem là cây trồng “đặc sản” của nông dân xứ núi nhưng cây điều đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tồn tại ở vùng Bảy Núi (An Giang). Theo thời gian, nông dân cũng hết “mặn mà” với loài cây đã gắn bó cùng họ mấy chục năm qua.

“Vương quốc” của cây điều trong quá khứ

Nhớ lại thời kỳ “vàng son” của cây điều, ông Đặng Văn Son, người dân xã Thới Sơn (Tịnh Biên), cho biết: “Ngày xưa, ở vùng này nhìn đâu cũng thấy cây điều. Những vườn điều bạt ngàn quanh chân núi Két luôn tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách, bởi mỗi mùa trái chín là nhìn mê cả mắt. Thời điểm đó, người ta trồng điều để bán lẻ cho khách qua đường hay tiêu thụ ở các chợ địa phương”..

Theo ông Son, do đặc tính chịu hạn giỏi và dễ canh tác nên trong khoảng thời gian dài đến mấy chục năm, cây điều đã phủ bóng mát lên khắp các khu vườn ở miệt Thất Sơn. Không ai biết chính xác nguồn gốc của giống điều Bảy Núi nhưng loại cây này đã trở thành người bạn thân thiết của dân trồng vườn. Ông Nguyễn Văn Bèo, người dân xã Tân Lợi (Tịnh Biên) chia sẻ: “Ngày trước, đất đồi núi ở vùng này chỉ trồng mỗi cây điều. Cũng bởi giá trị kinh tế không cao, cây điều chỉ được trồng để “cho con cháu ăn chơi” và lấy củi. Ngoài ăn sống với nước mắm đường, người ta nghĩ ra đủ cách để tiêu thụ loại trái này. Có người dùng trái điều nấu canh chua, người khác lại xào tương, thậm chí là ngâm rượu uống… Tuy nhiên, khi hạt điều được phát hiện là loại thức ăn có thể mang đi xuất khẩu thì dân trồng vườn cũng bắt đầu có thu nhập kha khá từ loại cây này”.

Những năm đầu thập niên 90, cây điều được nhân giống trồng rộng rãi ở vùng Bảy Núi và đến năm 2004, diện tích trồng điều trên địa bàn huyện Tri Tôn hơn 300 héc-ta. Với ý định xây dựng Bảy Núi làm vùng nguyên liệu, Nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu Nông Gia 2 được xây dựng đã tạo niềm tin về đầu ra sản phẩm cho cây điều. Tuy nhiên, những khó khăn của cây điều cũng bắt đầu từ đây.

“Nỗi buồn” của cây điều

Với mức giá thu mua thời điểm đó là 30.000 đồng/kg hạt, người trồng vườn vẫn kiếm được nguồn thu kha khá từ cây điều. Tuy nhiên, hạt điều Bảy Núi lại không đạt yêu cầu về kích cỡ. Do đó, sản lượng thu mua giảm dần. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tri Tôn Lý Văn Chính thông tin: “Phía Công ty Nông Gia 2 cũng đã hỗ trợ hàng chục ngàn cây điều giống có xuất xứ từ nước ngoài. Tuy nhiên, khi về với đất Bảy Núi thì chúng không thích nghi được. Kết quả là diện tích trồng điều khá lớn nhưng không thể tìm được đầu ra ổn định. Người trồng điều khi đó đã không còn “mặn mà”, họ phá vườn điều để chuyển sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn”.

Ngoài yếu tố chất lượng hạt, cây điều cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt tại vùng Bảy Núi. Dù là cây giỏi chịu hạn và được xem là phương án “phủ xanh đồi trọc” nhưng cây điều lại không thể cho năng suất cao khi thời tiết quá khô hạn. Vì vậy, nhà vườn ở Tri Tôn và Tịnh Biên đua nhau phá vườn điều bởi họ không thể trông chờ vào loại cây này mãi được. Từ diện tích vài trăm héc-ta trước đây, hiện nay trên địa bàn huyện Tri Tôn chỉ còn lại vài héc-ta điều, tập trung ở đồi Tà Pạ, đồi Nam Vi.

“Phương hướng của chúng tôi là khuyến cáo nhà vườn nên chọn những loại cây có giá trị kinh tế cao để canh tác, nếu họ chủ động được nguồn nước. Với thực trạng hiện nay, ngành chuyên môn đã không còn quy hoạch phát triển cây điều mà chuyển sang các loại cây ăn quả, như: Xoài, mãng cầu, vú sữa, thanh long, hồng quân… Dù cây điều đã gắn bó lâu năm với xứ núi nhưng chúng tôi buộc phải hướng đến những mô hình phù hợp hơn, đảm bảo đời sống kinh tế cho người dân” - ông Chính lý giải.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tri Tôn Lý Văn Chính kỳ vọng: “Hướng tới của ngành Nông nghiệp Tri Tôn là phát triển những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và một số cây dược liệu ở các vùng đất đồi, núi. Với việc các hồ chứa nước Soài So, Soài Chék, Ô Tà Sóc, Ô Thum được đưa vào phục vụ nhu cầu người sinh hoạt và sản xuất đã giải quyết một phần bài toán thiếu nước tưới tiêu cho những “vùng cao” của huyện. Hy vọng trong tương lai, những cây ăn quả sẽ có điều kiện phát triển ổn định, mang lại đời sống kinh tế khấm khá hơn cho người dân”.

THANH TIẾN

Chuyển lúa sang màu

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Gần đây, tuy khu vực ĐBSCL xuất hiện vài cơn mưa nhưng tình hình hạn, mặn vẫn còn gay gắt, nông dân nhiều địa phương chưa thể xuống giống lúa hè thu. Bộ NN-PTNT đã khuyến cáo giảm 1 vụ lúa để tránh hạn mặn, chuyển sang trồng màu. Giải pháp này đang dần được nông dân đón nhận?

Nông dân Hậu Giang chuyển sang trồng màu cho hiệu quả kinh tế cao

Cơ hội điều tiết cung, cầu

Thật ra lâu nay, ngay cách gọi tên các vụ mùa sản xuất lúa ở ĐBSCL cũng gây tranh cãi. Chẳng hạn gọi vụ lúa đông - xuân, nhưng thật ra nông dân lại bắt đầu xuống giống từ mùa thu (còn gọi đông - xuân sớm), còn vụ hè - thu đã xuống giống từ mùa xuân (nhiều nơi gọi vụ hè - thu sớm hoặc xuân - hè)… Việc hình thành hệ thống thủy lợi đã giúp nông dân tận dụng tối đa để sản xuất lúa. Nhiều nơi, nông dân không chỉ sản xuất 3 vụ/năm, có nơi 2 năm làm tới… 7 vụ. Đây là cách khai thác đất ruộng phản khoa học, làm đất mau kiệt quệ, các chất hóa học tồn dư tăng lên… Thực tế, việc gia tăng mùa vụ kéo theo sản lượng lúa liên tục tăng nhưng lại gây ra áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa rất lớn. Tình trạng lúa rớt giá, khó tiêu thụ liên tục tái diễn nhiều năm. Tuy nhiên, trong “cái rủi có cái may”, khi diện tích lúa bị thiệt hại đã tác động tích cực giá lúa ở ĐBSCL. Với sản lượng trên 25 triệu tấn/năm (chiếm khoảng 60% sản lượng cả nước), việc giảm một phần diện tích lúa bị ảnh hưởng vùng hạn, mặn không ảnh hưởng lớn đến yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng có thể thấy rằng, việc cắt giảm một vụ lúa ở các vùng hạn mặn ngoài tránh những thiệt hại cho nông dân, còn tác động rất lớn đến quy luật cung - cầu, tác động tích cực đến mặt bằng giá lúa trong vùng.

Đưa cây màu đến vùng đất khó

Mới đây, tại cuộc họp giao ban về phòng chống hạn, mặn tại Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chính thức yêu cầu các tỉnh, thành ĐBSCL xem xét cắt một vụ lúa ở các vùng thường xuyên bị hạn, mặn; Điều chỉnh lịch thời vụ hợp lý để nông dân sản xuất chắc ăn. Lãnh đạo ngành nông nghiệp ở các tỉnh ven biển trong vùng rất tán đồng với chỉ đạo này và đang khẩn trương triển khai thực hiện. Thật ra, chuyện nông dân ĐBSCL bị thiệt hại 5.000 - 10.000ha trong mùa khô hạn đã xảy ra nhiều năm qua, nhưng năm 2016 là đỉnh điểm do hạn, mặn khốc liệt nên ngành nông nghiệp mới chính thức cảnh báo cho toàn vùng.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo: Trong tháng 5, tình trạng mặn xâm nhập tại các tỉnh Nam bộ vẫn còn khả năng duy trì ở mức cao nếu không có mưa. Hiện đã có 25.000ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn gây ra, tập trung chủ yếu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Đến trung tuần tháng 5-2016, nhìn lại đợt hạn, mặn đã và đang diễn ra, có hai tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang đã giảm thiểu được mức thiệt hại do khô hạn và xâm nhập mặn gây ra. “Tỉnh đã lượng được mức độ khốc kiệt của hạn, mặn xảy ra nên đã có giải pháp. Trong đó, 1 thị xã không sản xuất lúa, 2 huyện bỏ 1 vụ lúa nên thiệt hại rất thấp (chỉ khoảng 12.000ha bị ảnh hưởng). Trong đó, tỉnh chủ động mua sắm thêm các thiết bị quan trắc để kiểm tra độ mặn. Mỗi cửa cống ngăn mặn, dẫn ngọt có người quản lý chịu trách nhiệm cụ thể”, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết. Tại Hậu Giang, để thích ứng với biến đổi khí hậu, hơn 2 năm trước tỉnh đã triển khai việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng Đề án 1.000. Bước đầu, đề án này đã mang lại hiệu quả khả quan khi các hộ dân tham gia chuyển đổi đã tăng thêm giá trị sản xuất từ 1,5 - 2 lần trên cùng diện tích canh tác.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Ngành nông nghiệp đã quyết định cắt 1 vụ lúa trên 6.000ha đất vùng bị hạn, mặn đe dọa để chuyển sang sản xuất 2 vụ lúa + 1 màu, có nơi 2 lúa + 1 thủy sản. Hiện tại, hàng trăm nông dân xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã chủ động bỏ 1 vụ lúa, chuyển sang trồng dưa lê. Nhờ đó nông dân trúng đậm khi thương lái mua tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg, đem lại thu nhập gấp 5-6 lần so với trồng lúa. “Có thể nói bỏ lúa, trồng dưa lê trong vùng hạn, mặn là mô hình sáng tạo của nông dân xã Lương Tâm. Chính ngành nông nghiệp của Hậu Giang cũng phải học hỏi và tìm cách nhân rộng mô hình này”, ông Nguyễn Văn Đồng tâm sự. Mong rằng sau đợt hạn, mặn này, nông dân và ngành nông nghiệp ĐBSCL sẽ chủ động tìm cách né hạn, mặn, bỏ lúa nhưng vẫn tạo ra sinh kế như người dân xã Lương Tâm đang làm.

Không kịp rửa đất, lúa chết

Vừa qua, tại 2 xã Thường Thới Tiền và Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) có hơn 40ha lúa chết bất thường. Theo PSG-TS Trần Kim Tính, Trưởng phòng Thí nghiệm chuyên sâu, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ: Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng lúa chết do chất hữu cơ tích tụ trong ruộng quá nhiều, dẫn đến ngộ độc hữu cơ. Cùng lúc, thời tiết nắng nóng nên lượng nước trên mặt ruộng bị bốc hơi, cạn dần khiến độ mặn trong đất và nước tăng lên, gây chết lúa. Do vậy, nông dân cần tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật và khuyến cáo của ngành nông nghiệp nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc như vụ lúa hè - thu năm nay. (CHÂU SA)

CAO PHONG

Bưởi da xanh tăng giá đột biến, thiếu hàng cung

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo nhiều nhà vườn trồng bưởi ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, do thời điểm này là mùa nghịch của trái cây có múi, đặc biệt là bưởi, nên thương lái tìm đến tận nhà để thu mua với giá cao ngất ngưởng, từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, cao hơn khoảng một tháng trước từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Do sản lượng ít dẫn đến việc thu mua hiện nay có sự cạnh tranh, nên phần nào cũng đẩy giá lên cao.

Do là mùa nghịch nên dù bưởi tăng giá mạnh, nhưng sản lượng hiện nay không nhiều.

Toàn huyện Phụng Hiệp hiện có khoảng 140ha bưởi, trong đó bưởi da xanh chiếm trên 40%.

THANH DUY

Xuất khẩu vải thiều: Hướng tới thị trường cao cấp

Nguồn tin: Báo Công Thương

Dự báo, sản lượng vải thiều năm 2016 của tỉnh Bắc Giang giảm do yếu tố thời tiết. Tuy nhiên, những người trồng vải không hề lo lắng bởi một lượng lớn vải thiều đã được một số thị trường lớn như: Mỹ, Úc, EU… đặt mua với giá cao.

Chăm sóc tốt nhất để trái vải cho giá trị cao

Đơn đặt hàng tăng

Tại Hội nghị bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều năm 2016 vừa diễn ra tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang – cho biết, năm 2016, tổng diện tích vải thiều của tỉnh là 30.000ha, giảm 1.000ha so với năm 2015 (do chuyển đổi cơ cấu cây trồng), cộng với thời tiết không thuận lợi nên tổng sản lượng vải thiều của Bắc Giang chỉ đạt 130.000 tấn.

So với năm 2015, sản lượng vải thiều năm 2016 sẽ giảm 65.000 tấn – tương đương hơn 30%. Tuy nhiên, ông Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - tự tin khẳng định: Sản lượng vải thiều giảm nhưng giá trị sẽ không giảm bởi năm nay, riêng huyện Lục Ngạn đã được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158ha theo tiêu chuẩn Globalgap – sản lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn, đảm bảo điều kiện xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, Úc, EU…

“Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều DN đăng ký mua vải thiều để đưa vào các thị trường Mỹ, Úc, EU… Một số DN xuất khẩu đã đến khảo sát và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đối với vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Tấn chia sẻ.

Bên cạnh đó, chất lượng vải thiều năm nay cao hơn hẳn những năm trước, nhiều người trồng cũng đã có ý thức chuẩn bị kỹ lưỡng cho các công đoạn thu hoạch, tiêu thụ, bảo quản.

Ông Phạm Văn Dũng – Giám đốc HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân – chia sẻ, vụ vải thiều năm 2015, có lô hàng xuất sang Úc không đạt yêu cầu do trái vải còn để cả cành. Trong khi vải thiều xuất cho thị trường này rất được giá (45.000 đ/kg). Năm nay, với số vải xuất đi Úc, chúng tôi sẽ chủ động cắt cành theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Mở rộng thị trường

Theo ông Dương Văn Thái, năm nay, Bắc Giang xác định thị trường nội địa tiếp tục là thị trường tiêu thụ trọng điểm. Ngoài ra, duy trì thị trường XK truyền thống, mở rộng thị trường mới...

Vải thiều Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ, EU...

Với định hướng này, Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm vải thiều – đặc biệt là vải thiều an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap, VietGap; tổ chức các chương trình kết nối sản xuất, tiêu thụ, xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp và hiệu quả, đưa vải tươi vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại tại các siêu thị lớn như: Metro, Co.opmart, Hapro, Big C, Aeon…và các chợ đầu mối. Cùng với đó, tạo dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác gắn bó với đối tác khách hàng Trung Quốc, Lào, Campuchia nhằm tạo tính ổn định, bền vững trong XK vải thiều. Đặc biệt, Bắc Giang cũng nỗ lực để tiếp tục XK vải thiều vào các thị trường cao cấp Mỹ, Úc, EU với số lượng nhiều hơn.

Bên cạnh hành trình tìm đầu ra cho quả vải, việc nâng cao chất lượng, giá trị quả vải thiều trong giai đoạn hội nhập là mục tiêu hàng đầu của tỉnh Bắc Giang. Đánh giá cao quyết tâm này của Bắc Giang, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước - đề nghị: Sở Công Thương Bắc Giang cần tích cực phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và các vụ ngoài nước (Bộ Công Thương) trong các hoạt động xúc tiến thương mại, thăm dò, đánh giá nhu cầu, yêu cầu của một số nước về vải thiều, từng bước XK vải thiều vào những thị trường cao cấp.

Vụ vải thiều năm 2016, tổng sản lượng vải Bắc Giang tiêu thụ trong nước dự kiến khoảng 78.000 tấn, chiếm khoảng 60%, xuất khẩu khoảng 52.000 tấn, chiếm khoảng 40%...

Hoàng Mai

Xã Tả Phời, thành phố Lào Cai: Năm thứ hai liên tiếp lê VH6 mất mùa

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Bà Vi Thị Hởi, Chủ tịch UBND xã Tả Phời, thành phố Lào Cai cho biết, đây là vụ thứ hai liên tiếp 77ha lê VH6 (lê Tai-nung) của xã trồng tại thôn Phìn Hồ và Phìn Hồ Thầu bị mất mùa, với tỷ lệ cây sai quả chưa đến 1%, số cây có 1 đến 5 quả cũng chỉ chiếm dưới 6%.

Năm 2014, xã Tả Phời có vụ thu hoạch lê VH6 ra bói với tổng sản lượng khoảng 200kg, năm 2015 số lượng sụt giảm còn khoảng 30kg dù số cây đến tuổi cho quả tăng lên và năm 2016 dường như mất trắng.

Lê VH6 sinh trưởng bình thường nhưng đại đa số các cây không đậu quả.

Hiện, chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chuyên môn nhưng khả năng lớn nhất là do thời tiết diễn biến bất lợi cho cây lê VH6 trong kỳ ra hoa, không khí ẩm và nhiệt độ thấp khiến bao phấn không thể bung ra, cây không tự hoàn thiện quá trình thụ phấn.

Xã Tả Phời bắt đầu trồng lê VH6 từ năm 2009 đến năm 2013, chi phí đầu tư do nhà nước hỗ trợ bà con trồng cây ăn quả là trên 1 tỷ đồng cho việc cung ứng giống, mua phân bón trong 2 năm đầu.

Năm 2014, quả lê VH6 trồng tại xã Tả Phời bán giá cao hơn nhiều so với lê ngoại nhập, mức giá từ 25 đến 45 nghìn đồng kg. Tuy nhiên, do sản lượng thấp nên trên thị trường không có bán, chủ yếu địa phương tự sản, tự tiêu.

CAO CƯỜNG

Hà Lâm (Lâm Đồng) - Vùng đất sầu riêng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Hầu hết 8 xã và 2 thị trấn của Đạ Huoai (Lâm Đồng) hiện nay đều trồng sầu riêng được, nhưng không đâu trồng nhiều và có chất lượng trái thơm ngon tuyệt hảo như ở xã Hà Lâm.

Niềm vui trong mùa thu hoạch sầu riêng

Triệu phú sầu riêng

Không khó để tìm được nhà ông Trần Minh Thiên 47 tuổi, ở thôn 2 - một trong những nông dân sản xuất giỏi, “triệu phú sầu riêng” của xã Hà Lâm.

Gia đình ông Thiên có 3ha vườn, cũng như bao người dân nơi đây, trước đây, vườn cây trái của ông là vườn tạp, mỗi thứ một ít, giá trị kinh tế của vườn hằng năm chẳng mang lại bao nhiêu. Được chính quyền địa phương vận động, ông từng bước chuyển toàn bộ khu vườn nhà sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn là măng cụt và sầu riêng ghép các giống mới như Ri6, Moong Thon, Dona...

Cho đến nay, vườn ăn trái của ông Thiên trong đó có sầu riêng đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho gia đình. Tổng thu nhập từ vườn mỗi năm trên 600 triệu đồng, trừ đi mọi khoản chi phí chừng 200 triệu đồng, gia đình ông vẫn còn lại một số tiền không nhỏ. Trong niên vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, dù hạn hán kéo dài nhưng nhờ chăm sóc kỹ nên vườn ông vẫn đạt khoảng 30 tấn sầu riêng, khoảng 900 triệu đồng. Riêng măng cụt ông cũng thu được khoảng 5 tấn, chừng trên 75 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho mình, ông Thiên bằng kinh nghiệm của mình còn nhiệt tình hướng dẫn cho bà con trong thôn, xã cách chọn các giống sầu riêng ghép phù hợp với điều kiện địa hình, chất đất của từng khu vườn; cách chăm sóc; cách sử dụng phân bón hợp lý để có vườn sầu riêng đạt sản lượng cao như mong muốn. Đồng thời, ông cũng là thành viên tích cực của địa phương trong xây dựng nông thôn mới, vận động mọi người trong vùng chuyển đổi cây trồng, vươn lên làm giàu.

Cũng như ông Thiên, ông Phạm Hồng Phúc, 53 tuổi, người ở thôn 1 - Hà Lâm cũng vươn lên từ trồng sầu riêng giống mới. Trong khu vườn 3ha của mình, ông Phúc trồng xen sầu riêng với nhiều loại cây khác như chôm chôm, mít nghệ, mít tố nữ, măng cụt... Chăm sóc đúng cách, biết áp dụng khoa học kỹ thuật học được từ các lớp tập huấn của huyện, xã tổ chức hằng năm, vườn của ông rất tươi tốt, mỗi năm, gia đình ông thu nhập từ vườn khoảng 500 triệu đồng. Vừa rồi, ông Phúc đã tự nguyện hiến trên 80m² đất vườn với 20 cây chôm chôm nhãn đang thời gian kinh doanh và đóng góp 17 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn.

Khi sầu riêng là cây chủ lực

Hà Lâm nằm ở phía Bắc trung tâm huyện Đạ Huoai với trục Quốc lộ 20 chạy dọc theo xã, ven đường là các vườn cây ăn trái nối tiếp nhau. “Không phải vô cớ mà chúng tôi chọn sầu riêng làm cây chủ lực đâu nhé” - ông Phạm Doãn Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Lâm cho hay.

Sầu riềng trên vùng đất này đã vang danh từ thời Pháp thuộc, có chất lượng tuyệt hảo, cho đến nay vẫn “danh bất hư truyền”, đến mùa thương lái nhộn nhịp đổ về đây mua trái cây, mua sầu riêng Hà Lâm mang đi mọi nơi.

Nhưng sầu riêng trồng hạt nơi đây trải qua nhiều đời đã bị thoái hóa giống nặng nề, năng suất thấp, sâu bệnh hoành hành, đặc biệt là các loài nấm bệnh ký sinh trên cây, làm bao nhà vườn điêu đứng. Một quãng thời gian dài, người dân nơi đây loay hoay với bao thứ cây trái trong các khu vườn tạp, thu nhập mỗi thứ một ít không bõ công chăm sóc nên sống nghèo khó trên vùng đất đai này.

Và sầu riêng chỉ thực sự lên ngôi từ năm 2000 đến nay, đó là năm Công ty Dona - Techno lên đây mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng sầu riêng ghép cho nông dân Hà Lâm, họ bán cây giống, bán phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật cho người trồng. Những năm đầu, theo ông Thành, nhiều người vẫn còn e ngại, phải chừng 4-5 năm sau, khi những cây ghép đầu tiên ra trái bói, người người rủ đến xem, từ đó phong trào trồng sầu riêng ghép mới nở rộ. Lần lượt sau đó, hàng loạt các giống sầu riêng mới có nguồn gốc từ Thái Lan vào Việt Nam, giúp cho người trồng đa dạng hơn trong việc chọn giống cây.

Để hỗ trợ nhà vườn chuyển đổi cây trồng, ngành chức năng huyện và xã cũng vào cuộc. Nhiều chính sách được thực hiện như hỗ trợ giống, phân bón, tổ chức các lớp tập huấn hội thảo về qui trình chăm sóc, bón phân, kỹ thuật thu hoạch; hỗ trợ vay vốn tín dụng. Xã Hà Lâm cũng thành lập 2 câu lạc bộ gồm những hộ chuyên trồng sầu riêng để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất.

“Cùng với cây điều cũng là cây chủ lực trong giảm nghèo (xã có khoảng 900ha điều), chúng tôi chọn sầu riêng ghép là cây chủ lực cho làm giàu vì so với tất cả các loại cây trồng khác đang có hiện nay tại xã thì hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng ghép là vượt trội hẳn, giá cả lại khá ổn định” - ông Thành nhấn mạnh.

Đến thời điểm này, Hà Lâm đã có trên 580ha sầu riêng, sản lượng hàng năm đạt trung bình 4.500 tấn, trong đó có trên 450ha được trồng bằng các giống chất lượng cao, doanh thu bình quân 1ha sầu riêng từ 350 đến 500 triệu đồng, lợi nhuận mang lại cho người dân từ 50 đến 60% doanh thu.

Hà Lâm hôm nay đã xuất hiện rất nhiều những “triệu phú sầu riêng”, họ đang làm giàu trên chính mảnh đất của mình và tạo ra động lực để những người còn lại tiếp tục vươn lên. Có thể nói đến Hà Lâm hôm nay như một vùng chuyên canh cây trái cho xứ Đạ Huoai, trong đó sầu riêng chính là đặc sản độc đáo của vùng đất này.

Viết Trọng

Lai Vung (Đồng Tháp): Dưa lê vụ hè thu đạt năng suất khá

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Vụ dưa lê hè thu 2016 ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đạt năng suất tương đối khá, trung bình 18,4 tấn/ha; lợi nhuận bình quân 11 triệu đồng/ha.

Công ty Hồng Huế – TP.HCM là doanh nghiệp tiếp tục hợp đồng bao tiêu sản phẩm dưa lê, cung ứng hạt giống và một phần chi phí sản xuất cho nông dân. Giá dưa lê vụ hè thu 2016 không tăng so những vụ trước, dưa loại 1, loại 2 (trọng lượng 1,3kg trở lên) 10 ngàn đồng/kg, loại 3 (nhỏ hơn 1,3kg) 3.000 đồng/kg.

Tổ Hợp tác dưa lê xã Tân Hòa, huyện Lai Vung đang rà soát số hộ tiếp tục trồng dưa lê, chuẩn bị lập kế hoạch sản xuất vụ dưa lê đông xuân 2016 - 2017. Dự kiến, bắt đầu xuống giống khoảng tháng 10 âm lịch.

Mỹ Thức

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop