Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 07 năm 2017

Vựa nhãn lồng tiến vua ước thu trăm tỷ vụ này

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Xã Hồng Nam, TP Hưng Yên là địa phương thâm canh nhãn cao nhất trong cả nước và được coi là cái nôi của nhãn lồng tiến vua nổi tiếng.

Do hầu hết diện tích nhãn trồng ở Hồng Nam đều được chọn lọc từ các cây nhãn đầu dòng trong và ngoài tỉnh, nên chất lượng quả luôn được xếp vào hàng “đỉnh” trong khu vực. Một vài nét đặc tính nổi bật của nhãn Hồng Nam là quả to, hạt nhỏ, vỏ mỏng mềm, cùi dày, hương thơm, vị ngọt sắc. Sản phẩm chuyên cung ứng cho các nhà hàng, siêu thị ở Hà Nội và Hải Phòng.

Thu hoạch nhãn sớm

Ông Đặng Văn Xây, Chủ nhiệm HTX Nhãn lồng Hồng Nam cho biết, toàn xã có hơn 300ha nhãn đang ở thời kỳ khai thác kinh doanh. Trung bình mỗi hộ gia đình trồng 5 - 7 sào nhãn. Rất nhiều hộ trồng trên 1 mẫu. Một số hộ trồng 3 - 4 mẫu nhãn. Tổng sản lượng nhãn quả của xã năm nay ước đạt 3.500 tấn. Giá trị hơn 100 tỷ đồng. Tương đương giá trị sản lượng nhãn năm 2016.

Hiện tại, các nhà vườn địa phương đang bước vào mùa thu hoạch nhãn. Giá bán đầu vụ cắt tại vườn dao động ở mức 50 - 60 nghìn đồng/kg. Dự báo, vào thời kỳ thu hoạch rộ (trong tháng 8), giá nhãn vẫn sẽ ở mức trên 30 nghìn đồng/kg. Vì nhiều địa phương trên miền Bắc năm nay không được mùa nhãn.

Ông Trịnh Văn Cương, thôn Nễ Châu, Hồng Nam, hồ hởi khoe với chúng tôi: “Gia đình vừa có được hơn 40 triệu đồng từ bán 7 tạ nhãn sớm. Còn gần 3 tấn nhãn trà chính vụ nữa, chắc thu không dưới 100 triệu đồng”. Theo đó, thu nhập từ trồng 1 sào nhãn năm nay tương đương 10 sào lúa cấy.

Nét mới trong mùa thu hoạch nhãn ở Hồng Nam năm nay là: Nhiều nhà vườn đã áp dụng qui trình thâm canh nhãn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Và thời gian cho thu quả kéo dài từ tuần đầu tháng 7 tới giữa tháng 9.

Đáng chú ý, nhãn Hồng Nam luôn có sự khác biệt với nhãn Thái Lan là, có hương thơm đặc trưng, chùm quả chụm, cùi quả bao gồm 2 lớp lồng bọc vào nhau, nên thường gọi là nhãn lồng. Nhãn Thái Lan quả rải đều trên chùm, bản lá to và dài hơn nhãn Hưng Yên, cùi quả có vị hăng nhẹ hoặc hơi ngái ngái.

Đóng gói nhãn đem đi tiêu thụ

Qua tìm hiểu chúng tôi biết, sở dĩ quả nhãn Hồng Nam luôn thơm ngon sắc nước, chủ yếu là nhờ các nhà nông địa phương đã thường xuyên gom đất phù ven sa sông Hồng bồi dục cho vườn nhãn. Kết hợp thay thế kịp thời các cây nhãn thoái hoá bằng các giống ưu tú hơn. Ngoài ra, lợi thế sinh thái tiểu vùng cũng góp phần quan trọng làm nên hương vị nhãn đặc sắc nơi đây.

Ông Vũ Duy Hân, Chủ tịch UBND xã Hồng Nam cho biết: Điểm nổi bật nhất trong nghề trồng nhãn ở đây là, các nhà vườn đều biết sử dụng thuần thục Kaliclorat (KClO3) để điều khiển cho nhãn ra hoa đậu quả theo ý muốn. Nên đã kéo dài được thời vụ thu hoạch quả, giúp gia tăng năng suất và giá trị sản lượng. Vì vậy, trong rất nhiều năm qua địa phương không còn hiện tượng nhãn mất mùa.

Ông Bùi Xuân Tám, thôn Nễ Châu đã dùng KClO3 cho nhãn ra hoa cực sớm, cuối tháng 6 gia đình ông đã có nhãn bán, được giá cao gấp 2 - 3 lần so nhãn chính vụ. Nhờ cách làm có thu nhập cao này, gia đình ông Tám đã thuê và chuyển nhượng lại được gần 2 mẫu ruộng từ người dân trong xã để chuyên canh nhãn.

Từ thực tế xã Hồng Nam luôn được mùa nhãn nhờ KClO3 chúng tôi khuyến cáo, ngay sau mỗi lần dùng KClO3 điều khiển cho cây nhãn ra hoa, nhà nông cần chú ý: Nếu không có đất phù sa sông bồi dục cho vườn nhãn thường xuyên, thì bên cạnh bón cần đối đạm, lân, kali, nhà vườn cần tăng lượng bón phân hữu cơ vi sinh, để khôi phục nhanh hệ vi sinh vật đất. Vì cây nhãn hút dinh dưỡng thông qua hệ nấm háo khí hoạt động ở vùng rễ.

Riêng với giống nhãn muộn Khoái Châu (thường gọi là nhãn Miền Thiết) thì việc xử lý cho nhãn ra hoa bằng KClO3 còn chưa rõ nét.

Để thâm canh nhãn nhanh cho sản lượng quả cao, cần rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản trong vườn bằng cách, trồng cây giống 3 - 5 tuổi, bón cân đổi đạm lân, kali, phân hữu cơ các loại, kết hợp phun Atonic định kỳ, cây nhãn sẽ tăng trưởng nhanh, năng suất quả cao.

"Diện tích trồng nhãn đã không ngừng mở rộng, thúc đẩy các ngành nghề chế biến long nhãn, khai thác mật ong, phấn hoa cùng phát triển. Cây nhãn bây giờ đã trở thành cây làm giàu cho nhiều nông hộ. Chính quyền xã luôn khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tới tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và bao tiêu sản phẩm nhãn tại địa phương", ông Vũ Duy Hân.

Nguyễn Hải

Bình Thuận: Tập trung phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Sáng nay (21/7), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương liên quan về tình hình triển khai nhiệm vụ phát triển thanh long VietGAP và công tác phòng chống đốm nâu trên cây thanh long.

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, đến cuối tháng 6/2017, diện tích thanh long trên địa bàn toàn tỉnh đạt 27.166,8 ha (tăng 135 ha so cuối năm 2016); sản lượng thu hoạch 277.079 tấn. Lũy kế từ trước đến nay, diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh còn 7.680,22 ha/382 tổ/nhóm, đạt 79,16% so với kế hoạch giao. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp & PTNT, sau những năm triển khai chương trình sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP, mặc dù chưa đạt được diện tích sản xuất thanh long VietGAP theo kế hoạch tỉnh giao (9.700 ha) nhưng diện tích sản xuất thanh long VietGap đến nay đạt được 7.680 ha, chiếm tỷ lệ 28,27% diện tích trồng thanh long cả tỉnh, với hơn 9.000 hộ nông dân tham gia và hình thành được 382 tổ hợp tác, nhóm liên kết và trang trại; sản xuất VietGAP bước đầu đi vào thực chất và đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, phù hợp yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của thế giới, qua đó góp phần giữ uy tín và chất lượng cho sản phẩm thanh long Bình Thuận…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận những cố gắng của các sở, ngành địa phương để đạt diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục như: một số địa phương chưa quán triệt sâu sắc về tầm quan trọng của sản xuất thanh long VietGAP nên chỉ đạo chưa quyết liệt; công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các xã, thị trấn trong quá trình thực hiện có làm nhưng chưa có giải pháp cụ thể nên không đạt theo yêu cầu…

Do đó trong thời gian tới, PCT UBND tỉnh xác định công tác phòng trừ đốm nâu trên thanh long là nhiệm vụ trọng tâm. Tiếp tục tuyên truyền phòng chống bệnh đốm nâu trên thanh long. Trong đó, công tác vệ sinh vườn, tiêu hủy nguồn bệnh phải xem là việc làm thường xuyên, liên tục. Tiếp tục nhân rộng mô hình cắt tỉa cành thanh long bị bệnh, cành già; ủ cành bằng chế phẩm sinh học BiO-ADB, bằng vôi bột để tiêu diệt bào tử nấm bệnh…

Kiều Hằng

Mãng cầu xiêm đang có đầu ra, hiệu quả gấp 10 lần lúa

Nguồn tin: Nông nghiệp VN

Từ cây trồng ít được người dân quan tâm, chỉ trong thời gian ngắn, mãng cầu xiêm đã trở thành cây trồng chủ lực của xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang cho thu nhập tiền tỷ/ha.

Nông dân xã Hiệp Lợi phát triển mãng cầu xiêm

Những mảnh vườn hay thửa ruộng canh tác kém hiệu quả đang được người dân địa phương mạnh dạn lên liếp trồng mãng cầu xiêm do thị trường tiêu thụ loại trái cây này tương đối lớn, giá ổn định, lợi nhuận kinh tế cao. Vào thời điểm hút hàng, mãng cầu xiêm có giá lên đến 30.000 đồng/kg, thấp nhất cũng dao động ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg. Đặc biệt, thương lái đến tận vườn đặt hàng khi trái còn nhỏ khiến nhiều nông dân phấn khởi hơn. Theo ước tính của nhà vườn, 1ha mãng cầu xiêm xử lý cho trái nghịch vụ có thể thu lợi nhuận gấp đôi so với mùa thuận, bỏ xa nhiều loại cây trồng khác.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn mãng cầu xiêm rộng 2 công của gia đình đang trĩu quả, ông Nguyễn Văn Quang ở ấp Xẻo Vông A, xã Hiệp Lợi cho biết: "Khu vực này trước đây trồng lúa hoặc vườn tạp. Khi xã được đầu tư các công trình thủy lợi, chúng tôi chuyển sang trồng cam sành nhưng được vài năm thì vườn cây bị bệnh. Tôi thấy thời gian qua có nhiều bà con trong xóm trồng mãng cầu xiêm cho hiệu quả kinh tế khá cao nên quyết định đốn bỏ cam để trồng loại cây này. Qua hơn 1 năm chăm sóc, vườn cây phát triển tốt và đang cho trái lứa đầu".

Hộ anh Nguyễn Thành Giáp ở ấp Xẻo Vông B là một trong những gia đình trồng nhiều và làm giàu nhờ mãng cầu xiêm. Diện tích vườn mãng cầu xiêm nhà anh Giáp khoảng 1,8ha. Cách đây 10 năm, anh tiên phong chuyển đổi từ lúa sang trồng mãng cầu xiêm với diện tích thử nghiệm 5.000m2. Sau 3 năm thấy hiệu quả kinh tế đạt cao, anh mạnh dạn chuyển đổi phần diện tích lúa còn lại sang cây trồng này.

Anh Giáp cho biết, trước đây gia đình trồng lúa hiệu quả không cao, thu nhập thấp, từ đó thôi thúc anh phải tìm ra cây trồng mới để cải thiện kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu anh được biết đến cây mãng cầu xiêm cho thu nhập khá và đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao hơn lúa nhiều lần và rất nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh. Từ khi cây bắt đầu cho thu hoạch ổn định, đời sống kinh tế gia đình anh thoải mái hơn khi làm lúa. Bình quân mỗi công cho thu nhập không dưới 60 - 70 triệu đ/năm, hiệu quả hơn lúa gấp 10 lần. Sau khi trừ hết chi phí 1,8ha lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.

Trồng mãng cầu xiêm có đầu ra ổn định

Một hộ khác cũng nhờ mãng cầu xiêm mà thoát nghèo, xây nhà mua đất là anh Nguyễn Văn Bình ở ấp Xẻo Vông C. Hiện anh Bình trồng 4 công mãng cầu xiêm được 7 năm tuổi, cho thu lãi khoảng 350 triệu đ/năm. Anh Bình tâm sự: “Nhờ 4 công mãng cầu xiêm mà tôi mua thêm được 3,5 công đất, xây được ngôi nhà khang trang trên 400 triệu đồng. Trồng mãng cầu xiêm chỉ cực khi cây nhỏ, thỉnh thoảng chăm sóc, xịt rầy là xong. Sau khi thu hoạch thì thương lái vô tận nơi để thu mua”.

Ông Nguyễn Văn Đèn, Phó bí thư Đảng ủy xã Hiệp Lợi cho biết, phong trào trồng mãng cầu xiêm đang phát triển mạnh với khoảng 170 hộ trồng trên diện tích 140 ha. Trên địa bàn xã hiện có 2 vựa chuyên thu mua đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền xã đang chuyển giao kỹ thuật trồng mãng cầu xiêm cho người dân, đồng thời định hướng xây dựng các tổ hợp tác sản xuất, tiến tới xây dựng nhãn hiệu mãng cầu xiêm Hiệp Lợi.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Trưởng ấp Xẻo Vông B cho biết, toàn ấp có khoảng 100 hộ trồng mãng cầu xiêm đều khá giả, xây nhà tường ở chiếm 95%, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hoàng Vũ - Minh Đảm

Dâu hạ châu vào mùa thu hoạch

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Dâu hạ châu - loại trái cây đặc sản của huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đã bước vào mùa thu hoạch. Thời điểm này, du khách đến huyện Phong Điền có thể dễ dàng tìm mua loại trái cây này.

Giá bán lẻ dâu hạ châu trên thị trường đang phổ biến ở mức khoảng 25.000 đồng/kg, giá nhà vườn bán cho tiểu thương ở mức khoảng 16.000-18.000 đồng/kg, tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Theo nhà vườn trồng dâu hạ châu, năm nay năng suất nhiều vườn dâu hạ châu không bằng các năm trước do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, nhất là tình trạng mưa trái mùa.

Khánh Trung

Nông dân đổi đời nhờ mô hình làm ăn tập thể

Nguồn tin: VNExpress

95 hộ dân hợp tác xã Thành Đạt thường xuyên họp chia sẻ kinh nghiệm trồng cacao, tìm được đầu mối bao tiêu với giá cao hơn thị trường.

Sau gần 6 năm thành lập, hợp tác xã Thành Đạt (trụ sở thôn 4, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, Đăk Lăk) đã tăng từ 7 lên 95 thành viên. Nhờ rủ nhau làm ăn tập thể, cacao cho hạt khô chất lượng, giá thu mua ổn định ở mức 60.000 đồng mỗi kg, cao hơn thị trường 6.000-15.000 đồng. Năm 2015, tổng thu của hợp tác xã là 4,2 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 2 tỷ đồng.

Theo anh Đường Văn Đình - chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ và thương mại Thành Đạt, thành quả này có được là nhờ 95 thành viên sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm trồng, tuân thủ các quy định sản xuất cacao sạch.

Anh Đình và vườn cacao sai quả. Ảnh: NVCC

Ngày đầu cây cacao đến Ea Sar, nông dân chủ yếu tự học hỏi cách trồng qua các nhóm nhỏ, câu lạc bộ cacao. Anh Đình là một trong những người thử nghiệm trồng 1,5ha cacao xen điều từ năm 2007. Sau 3 năm, bản thân thành công, anh mới dám tập hợp những người trồng cacao khác và thuyết phục họ cùng nhau lập hợp tác xã Thành Đạt.

Năm 2011, hợp tác xã chính thức đi vào hoạt động với 7 thành viên vừa trồng vừa học. Để nâng cao chất lượng hạt cacao, các thành viên thường xuyên họp chia sẻ kinh nghiệm trong suốt quá trình cây sinh trưởng và phát triển. Các thời điểm quan trọng như khi cây chuẩn bị ra hoa, trước và sau thu hoạch quả... đều lấy ý kiến chăm sóc khoa học.

Trồng cacao cần chú ý việc tỉa cành tạo tán, cách tỉa một lần trong năm khác với tỉa thường xuyên mỗi tuần một lần. Kết thúc thu hoạch nên bón phân hữu cơ vi sinh 4kg mỗi gốc, bón một kg phân lân trước khi cây ra hoa vào tháng 5-6, ngoài ra còn dùng các loại phân bón lá khác, áp dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh...

Cacao là loại cây lâu năm, ưa bóng râm, sinh trưởng tốt khi đất đủ độ ẩm, do đó, nước tưới là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nếu tưới theo phương pháp truyền thống thì chi phí cho ống nước và nhân công lớn, hiệu quả không cao. Hợp tác xã giới thiệu cho nông dân hệ thống tưới nước nhỏ giọt của Israel giúp giảm nhân công, giảm nhiên liệu. Mặc dù giá thành hệ thống 35-40 triệu đồng mỗi ha, nhưng đến nay đã có 30-40% xã viên đầu tư áp dụng.

Buổi họp chia sẻ kinh nghiệm trồng cacao của các thành viên hợp tác Thành Đạt. Ảnh: NVCC

Sau năm thứ 5, cây bắt đầu cho năng suất ổn định, chất lượng hạt tương đối đồng đều. Hợp tác xã đứng ra tìm đầu mối bao tiêu và liên kết với doanh nghiệp thu mua. Đến nay, đã ký được với 3 doanh nghiệp là Công ty Puratosgrand Place Việt Nam; Công ty TNHH Thương mại Atlantic Việt Nam; Công ty CP SX Thương mại Cacao Bến Thành với giá thu mua cao hơn thị trường.

Giang Ngọc

Phân bón Đầu Trâu Mặn - Phèn canh tác lúa thông minh

Nguồn tin: Nông nghiệp VN

ĐBSCL có khoảng 1,5 triệu ha đất phèn, tập trung ở các vùng SX lúa trọng điểm như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau.

Cùng với đó là khoảng trên 800.000ha đất nhiễm mặn ở các tỉnh ven biển. Những khu vực nhiễm phèn, mặn này đều đang sử dụng để canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản mang lại thu nhập chính cho nông dân.

GS.TS Mai Văn Quyền trao đổi nông dân tại mô hình ở U Minh Thượng, Kiên Giang

Canh tác nông nghiệp nói chung và canh tác lúa nói riêng trên đất nhiễm phèn, mặn là tương đối khó khăn. Tuy nhiên nhờ quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh, nguồn nước ngọt tương đối dồi dào cộng với nhiều tiến bộ mới về kỹ thuật canh tác được áp dụng nông dân khu vực ĐBSCL dần chinh phục và canh tác lúa trên các vùng đất phèn, mặn.

Hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, bên cạnh đó là nguồn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về ít hơn nên canh tác trên đất nhiễm phèn, mặn gặp nhiều khó khăn hơn trước. Một trong những kỹ thuật quan trọng nhất để sản xuất lúa trên đất phèn, mặn là sử dụng nước ngọt để ém phèn, rửa phèn và đẩy nồng độ mặn ra khỏi ruộng lúa. Để tăng tác dụng rửa phèn cần bổ sung thêm phân bón để tăng tác dụng cải tạo đất, trong đó vôi và lân là sản phẩm được sử dụng rộng rãi nhất.

Từ vụ lúa HT 2016, Cty CP Phân bón Bình Điền nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm Đầu Trâu Mặn - Phèn. Sản phẩm ra thị trường đã được nông dân rất ưa chuộng vì hiệu quả rất tốt ở các vùng đất chịu tác động của phèn mặn. Thành phần chủ yếu là lân, canxi và silic giúp tan nhanh, hấp thu nhanh, ra rễ mạnh, chắc cây. Sản phẩm đang được áp dụng tại các mô hình canh tác lúa thông minh và được nông dân đánh giá rất cao về mặt hiệu quả. Với lượng bón lót từ 100 - 160kg/ha cây lúa trong các mô hình đều đang phát triển rất tốt, đẻ nhánh mạnh và đặc biệt giảm được tác hại ngộ độc phèn giữa vụ.

Rễ lúa 30 ngày bị ngộ độc phèn

Xã Thạnh Yên A, huyện U Minh Thương, Kiên Giang là vùng đất tương đối khó khăn do đất nhiễm phèn và mặn xâm nhập hàng năm trước vụ HT. Chúng tôi đến thăm mô hình giai đoạn cây lúa 25 ngày sau sạ, mặc dù lượng giống sạ rất thấp, 80kg/ha so với 150kg/ha ở ruộng đối chứng nhưng ruộng mô hình cây lúa phát triển rất khỏe, đẻ nhánh tốt đạt 640 chồi/m2. GS.TS Mai Văn Quyền nhận định, ruộng lúa đang phát triển rất tốt, màu xanh sáng, cứng cây và với mật độ chồi như thế này là đủ để đảm bảo năng suất cao.

Anh Dương Văn Sơn, nông dân thực hiện mô hình rất phấn khởi chia sẻ: “Bón lót Đầu Trâu Mặn - Phèn rất hiệu quả, cây lúa phát triển mạnh, giảm được đáng kể lượng phân bón thúc cho cây lúa nhưng vẫn đảm bảo số chồi hữu hiệu”.

Các mô hình khác tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh hay Bến Tre, nông dân cũng nhận định như vậy.

Tại ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, Long An nhiều ruộng lúa của nông dân bị ngộ độc phèn giai đoạn 25 ngày sau khi gieo sạ. Theo nhiều nông dân, đây là vùng đất phèn nên họ rất chú trọng việc bón lót, đầu vụ đã lót đến 700kg lân nung chảy/ha nhưng do thiếu nước nên phèn vẫn xì lên và cây lúa bị ngộ độc. Cây lúa giai đoạn 30 ngày phát triển rất kém, bộ rễ bị vàng và không hút được dinh dưỡng nên cây còi cọc, triệu chứng ngộ độc phèn thể hiện rất rõ trên bộ lá lúa.

Tuy nhiên, ruộng lúa cả 5 hộ trong mô hình canh tác lúa thông minh đều phát triển tốt, rõ ràng nông dân trong mô hình đã có bước chuẩn bị đất tốt hơn, và việc bón lót Đầu Trâu Mặn - Phèn đã mang lại hiệu quả tốt.

Rễ lúa ra trắng, bao phủ các rễ bị ngộ độc bên trong sau khi bón Đầu Trâu Mặn - Phèn 10 ngày

Trước tình hình đó Cty Bình Điền đã tặng 2 tấn phân Đầu Trâu Mặn - Phèn để bón ở 40ha ruộng lúa bị nhiễm phèn ở ngoài mô hình. Ngày 4/7/2017, tức 10 ngày sau khi bón cây lúa đang phát triển tốt trở lại. Thăm thực tế các ruộng đã bón Đầu Trâu Mặn - Phèn cho thấy lúa phục hồi tốt, rễ mới ra rất nhiều và với số lá hiện tại ruộng vẫn đảm bảo cho năng suất tốt.

Có thể nói, bón lót Đầu Trâu Mặn - Phèn có hiệu quả tốt trong việc rửa phèn, mặn tạo môi trường đất thuận lợi cho lúa trong các mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vụ HT 2017 phát triển.

Đỗ Hưng

Liên kết trong sản xuất cây hồ tiêu ở Vĩnh Linh

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Vụ tiêu này nhiều nông dân trồng tiêu trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị rất phấn khởi vì họ là những người đầu tiên thành lập nên Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh. Đến thời điểm này, đây là HTX quy mô toàn huyện duy nhất ở Quảng Trị.

Xã viên HTX sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh thu hoạch sản phẩm

Tháng 6/2017, 279 hộ nông dân trồng cây hồ tiêu sống trên địa bàn 4 xã: Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Kim, Vĩnh Nam với tổng diện tích trên 500 ha đã chính thức trở thành xã viên HTX sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh. Nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, huyện Vĩnh Linh đã được dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý Việt Nam” do Cơ quan phát triển Pháp tài trợ trong giai đoạn 2016-2018 hỗ trợ thành lập HTX. Với mục tiêu tăng cường năng lực quản lý, tổ chức hiệp hội đại diện cho người trồng tiêu tại Vĩnh Linh; nghiên cứu thị trường nhằm đẩy mạnh việc thương mại hóa sản phẩm, trong đó tập trung hướng đến thị trường châu Âu. Lần đầu tiên những người trồng tiêu ở Vĩnh Linh bắt đầu có sự liên kết, hợp tác sản xuất theo mô hình HTX kiểu mới.

Trao đổi về cách hoạt động của HTX, ông Lê Tấn Tửu, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh cho hay, dù mới đi vào hoạt động nhưng trước đó, để thành lập được HTX quy mô toàn huyện chúng tôi đã có nhiều lần khảo sát, tìm hiểu nguyện vọng của người trồng tiêu trên địa bàn. Có thể khẳng định hồ tiêu là loại cây trồng rất thích hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng huyện Vĩnh Linh. Tuy nhiên, do suất đầu tư cao nên nhiều hộ nông dân ở Vĩnh Linh vẫn trồng hồ tiêu theo cách truyền thống, vì thế năng suất thấp, dưới 1,5 tấn/ha. Thời gian qua, một số nông hộ bắt đầu chú ý đến việc đầu tư thâm canh cây hồ tiêu nhưng nông dân vẫn mạnh ai nấy làm nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

Vì vậy, nhu cầu thành lập HTX để có mối liên kết, gắn bó cùng nhau hợp tác sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu là điều tất yếu. Trước mắt HTX đẩy mạnh cải tạo các vườn hồ tiêu theo mô hình hồ tiêu sạch theo đúng một quy trình để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm hạt tiêu, đồng thời kiểm soát được quy trình sản xuất của nông dân hướng đến dòng sản phẩm tiêu khô cao cấp. Dù mới thành lập HTX sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh đã phối hợp với tổ chức Roots of Peace (ROP) mở 4 lớp tập huấn về quy trình sản xuất tiêu sạch cho xã viên.

Theo đó, với hồ tiêu đã thu hoạch thì tập trung bón phân hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh, xã viên HTX được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn phòng trừ mầm bệnh hại tiêu và được cung cấp những kiến thức bổ ích về giống, kỹ thuật trồng, cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong việc trồng, chăm sóc cây hồ tiêu. Dần thay đổi tư duy sản xuất từ quảng canh sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện sản xuất theo hướng thâm canh tạo ra sản phẩm hàng hóa. HTX cũng đã tranh thủ được một dự án nông nghiệp của ROP để đầu tư thí điểm một mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây hồ tiêu của một xã viên ở xã Vĩnh Hòa.

Từ mô hình điểm này, thời gian tới HTX sẽ khuyến khích xã viên sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện Ban quản trị HTX đã tìm hiểu ký hợp đồng mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật với một số doanh nghiệp ở trong nước để cung ứng vật tư đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ xã viên chăm sóc cây hồ tiêu sau vụ thu hoạch này. Hiện ROP đã khâu nối cho một doanh nghiệp nhập khẩu ở Mỹ thông qua Công ty TNHH Phúc Duy An ở Quảng Trị để thu mua hạt tiêu đỏ trên địa bàn, trong đó có huyện Vĩnh Linh nhằm sản xuất dòng hạt tiêu khô cao cấp xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Bước đầu, công ty này đã thu mua cho người dân ở đây trên 10 tấn tiêu tươi. Theo bà Võ Thị Liên, Trưởng đại diện tổ chức ROP tại Quảng Trị, gắn bó với người trong tiêu Quảng Trị trong đó có huyện Vĩnh Linh từ năm 2011 đến nay với dự án phát trển nông nghiệp bền vững, ROP đang chuyển dần từ hướng hỗ trợ kỹ thuật sang tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, muốn tổ chức sản xuất sản phẩm hạt tiêu hàng hóa xuất khẩu thì cần có tổ chức tập thể đại diện hợp pháp cho nông dân, đồng thời khâu nối, kiểm soát được chuỗi quy trình tạo ra sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chí khá khắt khe về quy định an toàn thực phẩm ở các thị trường quốc tế. Vì vậy, HTX sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh ra đời là cơ hội để ROP liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhằm đưa sản phẩm, thương hiệu cây hồ tiêu Vĩnh Linh vươn ra thị trường thế giới.

Năm nay cây hồ tiêu ở Vĩnh Linh khá được mùa, năng suất ước 2 – 2,5 tấn/ha, cao gấp đôi so với năm ngoái. Tuy nhiên, giá tiêu đang ở mức thấp với khoảng 70 – 80 ngàn đồng/kg tiêu khô, chỉ bằng một nửa so với những năm trước. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đúng thời này HTX hồ tiêu Vĩnh Linh được thành lập và bước đầu có những hoạt động kết nối, gắn kết và định hướng phát triển lâu dài cho xã viên nên nông dân trồng tiêu ở Vĩnh Linh khá vững tâm trong việc đầu tư phát triển cây hồ tiêu trong những năm tới.

Lâm Thanh

Huyện Krông Bông (Đắk Lắk): Diện tích trồng mía tăng cao

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Bông (Đắk Lắk) cho biết, tính đến cuối tháng 7-2017, huyện Krông Bông đã trồng được 1.006 ha mía, đạt 141,3% kế hoạch, trong đó tập trung nhiều ở các xã Cư Kty (390 ha); Khuê Ngọc Điền (326 ha); xã Ea Trul (155 ha)…

Người dân xã Cư Kty thu hoạch mía niên vụ 2016-2017.

Nguyên nhân diện tích mía gieo trồng vượt kế hoạch là do giá mía niên vụ 2016-2017 khá cao (đầu vụ là 930.000 đồng/tấn, tăng 70.000 đồng/tấn so với niên vụ trước) nên người trồng mía mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó, các công ty mía đường và Hợp tác xã Thăng Bình đã đứng ra hợp đồng thu mua sản phẩm cho người dân, đồng thời cung cấp cây giống bảo đảm chất lượng; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả, tiết kiệm… để bà con nông dân yên tâm trồng mía.

Khả Lê

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop