Tin nông nghiêp ngày 25 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 25 tháng 11 năm 2019

Mô hình thâm canh cây ăn quả: Giúp nhà nông thay đổi tập quán sản xuất

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh, trong năm 2019, ngành khuyến nông đã triển khai mô hình thâm canh cây ăn quả trong tỉnh, hiện hỗ trợ 30% vật tư gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các mô hình.

Ông Hà Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, mục đích của việc triển khai mô hình thâm canh cây ăn quả không chỉ là hỗ trợ người nông dân về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà những nông dân được chọn để áp dụng mô hình còn được ngành khuyến nông tổ chức tập huấn về quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây để đánh giá hiệu quả.

Hiện tại, Tây Ninh đang hỗ trợ triển khai mô hình thâm canh cây ăn quả trên diện tích 11 ha cây sầu riêng, 8 ha nhãn, 15 ha thanh long, 12 ha mít…

Ông Lê Thành Đông bên diện tích mít Thái được chọn triển khai thí điểm mô hình thâm canh cây ăn quả của ngành khuyến nông.

Việc triển khai một loại cây ăn quả ở 2 địa phương khác nhau cũng nhằm mục đích so sánh 2 vùng đất, qua đó đánh giá vùng đất nào phù hợp với từng loại cây trồng cho hiệu quả cao hơn.

Song song đó, việc hướng dẫn người nông dân về kỹ thuật, quy trình canh tác như bón phân, xịt thuốc với mục đích thay đổi tập quán canh tác của người dân. Nếu các mô hình cho hiệu quả cao, người nông dân sẽ tuyên truyền cho nhau về quy trình canh tác mới có hiệu quả hơn, bảo đảm chất lượng, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón như cách thức canh tác truyền thống lâu nay, để nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là trong bối cảnh các tiêu chuẩn chất lượng đối với cây ăn quả ngày càng cao.

Ông Lê Thành Đông (ngụ khu phố Ninh Trung, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) có hơn 2ha mít thái được chọn triển khai thí điểm mô hình thâm canh cây ăn quả. Khi thực hiện canh tác theo hướng dẫn của ngành khuyến nông, ông nhận thấy vườn mít năm nay cho năng suất cao hơn những vụ trước khoảng 30%.

Từ việc được tập huấn quy trình chăm sóc, cũng như cán bộ khuyến nông thường xuyên vào thăm vườn mít để hỗ trợ kịp thời ông Đông về mặt kỹ thuật, thời điểm bón phân. Qua đó ông Đông cho rằng việc canh tác cây ăn quả nếu thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn của ngành nông nghiệp sẽ cho hiệu quả cao mà không phải lạm dụng việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như thời gian trước đây.

Thế Nhân

Bình Phước: Đồng Phú phát triển vùng điều hữu cơ liên kết chuỗi giá trị

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Điều là cây trồng mang lại giá trị xuất khẩu hàng hóa cao trong những năm gần đây. Một hướng đi mới trong nâng cao giá trị cho cây điều là liên kết sản xuất sạch, trồng điều hữu cơ để xuất khẩu. Tại huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), loại cây trồng chủ lực này đang được địa phương tập trung phát triển, nhất là xây dựng vùng điều nguyên liệu hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị nhằm mang lại thu nhập ổn định cho người trồng điều.

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Thành Công (ấp 2, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú) chuyên sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến hạt điều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, là một trong những HTX được UBND tỉnh phê duyệt dự án liên kết điều hữu cơ theo chuỗi giá trị. Theo đó, HTX xây dựng dự án liên kết với Công ty cổ phần sản xuất - thương mại - xuất nhập khẩu Sơn Thành, HTX nông nghiệp Bình Phước với các hạng mục được hỗ trợ: tư vấn hỗ trợ liên kết, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Hiện HTX có 39 thành viên với tổng diện tích canh tác 650 ha, trong đó 600 ha điều. Sản phẩm hạt điều thô do HTX sản xuất năm 2019 đạt 540 tấn, tổng doanh thu sản xuất và cung ứng dịch vụ 11.300 triệu đồng.

Đồng Phú tổ chức ra quân hỗ trợ nông dân cứu hộ vườn điều bị sâu bệnh hại niên vụ 2017-2018. Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh hướng dẫn nông dân xã Đồng Tiến phòng, trị sâu bệnh hại cây điều

Ông Mai Ngọc Luận, Chủ tịch HTX nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Thành Công, cho rằng: Hiện nay, ngành điều phụ thuộc 70% nguyên liệu từ nước ngoài, năng suất bình quân chỉ 1 tấn/ha. Toàn huyện có hơn 31 cơ sở chế biến điều nhưng chưa có chuỗi chế biến sâu, chưa tận dụng hết các phế phẩm khác từ cây điều. Hiện chỉ còn 12 cơ sở hoạt động, 17 cơ sở đã giải thể, 2 cơ sở tạm ngưng hoạt động. Do đó, việc chủ động nguyên liệu đóng vai trò tiên quyết trong chuỗi phát triển ngành điều. Để làm được điều này, các doanh nghiệp và người trồng điều phải có kế hoạch chăm sóc vườn hiệu quả, cho năng suất cao, chất lượng tốt, giảm tỷ lệ hao hụt trong chế biến. Đồng thời, nông dân phải tỉa cành, tạo tán để hạn chế ổ sâu đục thân, cành, bọ xít muỗi tấn công, canh tác sinh học sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, người trồng tăng cường trồng keo để dụ kiến vàng tìm đến cây điều. Kiến vàng là khắc tinh của sâu đục thân và bọ xít muỗi. Với biện pháp này, người trồng sẽ giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây điều, vừa áp dụng canh tác sinh học, tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt điều khi thu hoạch.

Ông Phan Văn Tiến (SN 1951), ngụ ấp Chợ, xã Tân Tiến là nông dân trồng điều giỏi của huyện Đồng Phú. Gắn bó với cây điều hơn 20 năm nay, ông Tiến cho rằng: Hiện nay, các tiến bộ kỹ thuật mới chưa được ứng dụng đại trà vào quy trình canh tác cây điều; các biện pháp kỹ thuật thâm canh đồng bộ để tăng hiệu quả sản xuất điều cũng chưa được nhiều nông dân quan tâm. Hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất chế biến và tiêu thụ điều theo hình thức HTX để sản xuất điều sạch và các tiêu chuẩn cao hơn như VietGAP, GlobalGAP... là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, trồng điều theo phương thức canh tác hữu cơ chắc chắn sản lượng sẽ giảm, chất lượng cao hơn nhưng giá thu mua có tăng hay không là điều mà tôi cũng như nhiều hộ trồng điều băn khoăn.

Hiện nay, tổng diện tích trồng điều của huyện Đồng Phú 14.247 ha. Thực hiện chương trình “Hỗ trợ phát triển ngành điều Bình Phước”, thời gian qua huyện Đồng Phú đã tư vấn, hỗ trợ 2 HTX trồng điều chuyên canh đăng ký tham gia chuỗi liên kết điều hữu cơ với diện tích khoảng 800 ha, sản lượng dự kiến liên kết 600 tấn/năm; triển khai hỗ trợ điều tái canh cho đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2018 và 2019 với 4.576 cây, tương đương khoảng 25 ha; tổ chức cho 175 người học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây điều và kỹ thuật lai ghép, cải tạo vườn điều; tổ chức thống kê diện tích trồng điều bị sâu bệnh đối với 2.414 hộ với tổng diện tích 3.903,7 ha đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thanh - kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn kết quả 1 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không đạt chất lượng, 5 cơ sở vi phạm điều kiện kinh doanh và nhãn mác hàng hóa, huyện đã lập biên bản xử lý theo quy định pháp luật.

Theo kế hoạch, định hướng phát triển ngành điều huyện Đồng Phú đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vẫn là ổn định diện tích hiện có, năng suất bình quân từ 1-1,2 tấn/ha. Với tái canh, trồng mới sử dụng 100% giống điều được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Huyện phấn đấu có ít nhất 720 ha điều sản xuất theo quy trình hữu cơ; hình thành ít nhất 2 cánh đồng lớn đối với cây điều, mỗi cánh đồng từ 100 ha trở lên.

Minh Hiền

Hưng Yên: Phát triển bò thịt chất lượng cao

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Theo tổng hợp của ngành chăn nuôi, tổng đàn trâu, bò của toàn tỉnh Hưng Yên đạt gần 40 nghìn con, trong đó bò thịt chiếm khoảng 70%. Để thúc đẩy phong trào chăn nuôi đại gia súc theo hướng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên đã triển khai mô hình: “Nhân giống bò chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo” tại huyện Văn Giang và thành phố Hưng Yên với quy mô 122 con.

Bê lai BBB của gia đình ông Lã Văn Thỏ, xã Hùng Cường được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo

Mục tiêu của mô hình là tạo được giống bò lai BBB thông qua thụ tinh nhân tạo, trên cơ sở đàn bò nền (bò cái lai Sind) sẵn có trên địa bàn, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển đàn bò theo hướng trang trại và sản xuất hàng hóa; cải tạo, nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò địa phương…

Bò BBB có nguồn gốc từ Bỉ, là giống bò thịt cho năng suất, chất lượng nổi tiếng thế giới hiện nay, được ví như “cỗ máy sản xuất thịt” với thể trọng lớn, tỷ lệ thịt xẻ đạt cao (gần 70%). Khi nhập về Việt Nam chăn nuôi lai tạo thành giống bò lai F1 BBB.

Tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản; được tham quan học tập một số mô hình chăn nuôi bò lai BBB ở trong và ngoài tỉnh; được hưởng một số chính sách khuyến khích như được hỗ trợ 50% kinh phí mua tinh bò; 30% thức ăn hỗn hợp cho bò có chửa (tương đương 72kg)…

Ông Đào Văn Thái, Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Văn Giang cho biết: “Qua thực tế triển khai mô hình “Nhân giống bò chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo” tại huyện Văn Giang cho thấy: số bò cái đăng ký tham gia mô hình (40 con ở 18 hộ) đạt tiêu chuẩn và được phối giống trong thời gian quy định đạt 100%; tỷ lệ thụ thai 78,45% đạt yêu cầu kỹ thuật. Mô hình này giúp người chăn nuôi bò tiết kiệm thời gian, kinh phí để phối giống và hạn chế được sự lây lan bệnh tật; tạo ra đàn bê nuôi thịt cho năng suất cao phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi…”.

Anh Lã Văn Thỏ ở thôn Cao Xá, xã Hùng Cường (thành phố Hưng Yên) là một trong những chủ hộ nuôi bò sinh sản nhiều năm nay, nhưng chủ yếu cho bò phối giống tự nhiên. Sau khi được tuyên truyền, gia đình anh quyết định áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò cái giống.

Anh Thỏ cho biết: “Sau khi gia đình tôi áp dụng thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái giống. So với thụ tinh truyền thống tôi thấy bê con sinh ra từ phương pháp mới này có tầm vóc cao hơn, sức đề kháng cũng cao hơn. Nếu chăm sóc tốt thì trung bình một ngày bê con tăng trọng khoảng 1kg. Hiện trong thôn chúng tôi hầu hết các hộ chăn nuôi bò đều áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo này”.

Cùng tham gia mô hình từ đầu năm 2019, ông Phạm Văn Được ở thôn Tân Hưng, xã Hùng Cường (thành phố Hưng Yên) phấn khởi nói: “Tôi may mắn có 3 con bò cái lai Sind được chọn cho thụ tinh nhân tạo, đã thành công cả 3 (đạt 100%) và hiện một con đã sinh sản. Bê con mới sinh nặng trên 30kg, rất dễ nuôi, tăng trọng nhanh, sức đề kháng tốt, không tốn nhiều thức ăn như nuôi bò lai Sind trước đó. Sau nuôi 3,5 tháng tôi đã bán được với giá 25 triệu đồng/con, trừ các khoản đầu tư cho cả bê con và bò mẹ, tổng lãi thu được trên 18 đồng/con”.

Ông Lê Ngọc Thương, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Kết quả sau gần 1 năm triển khai thực hiện, mô hình đã nhân tạo được hơn 80 bê lai F1 BBB. Tỷ lệ thụ thai đạt trên 78% (mục tiêu cần đạt là trên 50%). Bê con sinh ra từ thụ tinh nhân tạo đều có trọng lượng cao hơn từ 15 - 20% và có ngoại hình, thể chất đẹp hơn so với bò con sinh ra từ phối trực tiếp với bò đực địa phương. Nếu được nuôi dưỡng đúng kỹ thuật, dưới 4 tháng tuổi, bê đực đã bán được 18 - 25 triệu đồng/con, bê cái được giá 12 – 14 triệu đồng/con, giá bán cao hơn từ 5 – 8 triệu đồng/con so với bê được sinh ra từ phương pháp mang thai tự nhiên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình vẫn còn một số hạn chế, như: Đa số bà con nông dân chăn nuôi dựa theo kinh nghiệm là chính, ngại thay đổi tập quán chăn nuôi nên gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; bò nuôi phân tán… Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người chăn nuôi mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh đưa giống bò BBB vào nuôi; tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào nuôi bò thịt, không nên giết thịt bê mà nên nuôi bò thịt (kể cả bê cái). Đồng thời, tiến hành phối giống bò BBB cho những con bò cái BBB (50%) để theo dõi quá trình thụ thai, sinh sản, sinh trưởng, phát triển...

Hương Giang – Dương Miền

Kiên Giang: Chuyển đổi vật nuôi sau dịch tả heo châu Phi

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang

Đến ngày 14-11, toàn Kiên Giang có 48.558 con heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) buộc phải tiêu hủy, với trọng lượng hơn 3 triệu tấn, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Do vậy, nhiều hộ dân trong tỉnh chuyển sang nuôi vật nuôi khác mang lại hiệu quả kinh tế.

Trong 43 hộ dân phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá) có heo mắc DTHCP, gần 50% hộ chủ động chuyển sang nuôi vật nuôi khác. Đồng chí Bùi Thanh Giang Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Quang, cho biết: “Nhiều hộ chăn nuôi heo đã chuyển sang nuôi lươn, cá điêu hồng, gà, vịt, trồng rau màu. Hội Nông dân phường đang hoàn tất thủ tục để các hộ dân vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội đầu tư vào cây, con khác trong lúc chưa có chủ trương tái đàn heo”.

Sau khi đàn heo bị DTHCP phải tiêu hủy vào cuối tháng 8-2019, ông Lê Văn Tuấn, ngụ khu phố Nguyễn Thái Bình, phường Vĩnh Quang tận dụng chuồng trại nuôi 100 con vịt, 200 con gà nòi chân vàng đón thị trường tết. Phía trước nhà, ông xây 3 bể xi măng thả nuôi cá điêu hồng và lươn thương phẩm. “Để tiết kiệm chi phí, hàng ngày tôi lấy thức ăn cặn về làm thức ăn cho gà, vịt. Phần thịt, cá trong thức ăn cặn cắt nhỏ nuôi cá và lươn. Đây là thành phố nên đầu ra của gà, vịt, lươn, cá cũng dễ bán”, ông Tuấn nói.

Tại nhiều xã, thị trấn ở hai huyện Giồng Riềng và Tân Hiệp, tranh thủ cơ hội thiếu hụt nguồn thịt heo do DTHCP gây ra, nhiều hộ mở rộng quy mô nuôi cá lóc, gà, vịt thương phẩm cung ứng cho thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế. Ông Lê Hùng Tín, ngụ ấp Tân Lộc, xã Tân Thành (Tân Hiệp), sau khi tiêu hủy hơn 14 tấn heo bị DTHCP, chuyển sang nuôi gần 300 con vịt siêu nạc, gần 100 con gà trên diện tích chuồng nuôi heo trước đây. Nhờ chú trọng phòng, chống dịch bệnh nên gà, vịt hao hụt ít và bắt đầu cho thu nhập. Ngoài ra, ông Tín còn nuôi 10.000 con cá lóc, 5.000 con cá thác lác cườm trong vèo trong một phần ao đang nuôi cá tra, nhằm đảm bảo thu nhập khi chưa thể tái đàn heo. “Do chưa có kinh nghiệm nên tôi chọn cá thác lác, cá lóc, gà, vịt nuôi để dễ bán, giá ổn định. Tuy nhiên, giai đoạn đầu cá thác lác bị dịch bệnh nên hao hụt khoảng 20%. Nhưng tôi không lo lắm, vì vừa làm vừa rút kinh nghiệm rồi sẽ thành công”, ông Hùng Tín nói.

Tại khu phố Kinh B, thị trấn Tân Hiệp, ông Lê Minh Sơn chuyển sang nuôi ba ba và cá chạch lấu trên một phần trang trại bỏ trống sau khi đàn heo hơn 400 con bị DTHCP phải tiêu hủy. Từ số tiền được huyện hỗ trợ tiêu hủy heo, ông Sơn đầu tư 150 triệu đồng nuôi lươn, ba ba và cá chạch lấu. “Khó khăn hiện nay là do chưa nắm vững kỹ thuật, chưa có kinh nghiệm dẫn đến hao hụt trong sản xuất. Cá chạch nuôi trong bể lót bạt nên dù đã đầu tư hệ thống sục khí tạo ô xy nhưng cá vẫn chậm lớn”, ông Sơn cho biết.

Từ nay đến cuối năm, dự báo sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chăn nuôi tiềm ẩn khó khăn; DTHCP chưa có dấu hiệu chấm dứt, do đó, khả năng khôi phục đàn heo thấp. Để đảm bảo tăng trưởng, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tăng sản lượng các nhóm trong ngành. Đồng chí Phan Kim Loan - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp cho biết, để hỗ trợ bà con chuyển đổi, ngành nông nghiệp huyện chuẩn bị triển khai mô hình nuôi cá chạch lấu cho các hộ có heo bị DTHCP phải tiêu hủy. Mô hình này thực hiện theo hình thức doanh nghiệp đầu tư giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi và thu mua sản phẩm cho nông dân. Đồng chí Phan Kim Loan nói: “Đề nghị các hộ dân chuyển đổi từ chăn nuôi heo sang các cây, con khác cần liên hệ tổ kinh tế kỹ thuật cơ sở, Trạm Khuyến nông hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, quy trình sản xuất, nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất”.

BÍCH LINH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop