Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 5 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 5 năm 2019

Lại lo đầu ra cho vải, mận

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Miền Bắc dịp này đang có rất nhiều loại trái cây sắp vào mùa. Vui vì được mùa nhưng điều mà các địa phương lo lắng nhất hiện nay là tìm thị trường, lo “đầu ra” cho bà con nông dân để không tái diễn cảnh phải bán rẻ, đổ bỏ như các năm trước.

Nông dân ở xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nuôi hy vọng vào vụ vải thiều năm 2019

Nuôi hy vọng mới

Dưới cái nóng như đổ lửa của tháng 5 nhưng trên các đồi vải ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), bà con nông dân vẫn miệt mài chăm sóc cây để nuôi hy vọng, đợi chờ thành quả sau gần một năm vất vả. Mặt bịt kín che chắn cái nóng gần 400C, tay thoăn thoắt cắt tỉa cành, ông Vi Văn Hồng ở thôn Muối, xã Giáp Sơn, phấn khởi khoe con đường dài gần 2km để xe mua vải thiều vào tận thôn, do chính người dân ở đây đóng góp và hiến đất làm đường đã được hoàn thành đầu tháng 5. Vụ vải năm nay, gia đình ông cũng như các hộ dân khác trong thôn sẽ không còn vất vả chở vải ra tận chợ Chũ để bán cho các tiểu thương như nhiều năm trước.

Giáp Sơn là xã đang có 1.860 hộ sống nhờ trồng vải, tổng diện tích gần 1.000ha. Chị Vi Thị Minh, cán bộ khuyến nông của xã Giáp Sơn cho biết, vụ vải năm nay mặc dù sản lượng giảm do điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhưng bù lại, diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn an toàn được mở rộng, giá có thể sẽ cao hơn mọi năm. Để chuẩn bị “dịch vụ hậu cần” cho vụ vải xuất khẩu vài ngày tới, ông Vũ Văn Tiến, Phó Giám đốc Chi nhánh Điện lực huyện Lục Ngạn, cho biết, trên địa bàn có 3 cơ sở sản xuất thùng xốp, 42 cơ sở sản xuất đá cây đã bắt đầu khởi động, ngành điện lực sẽ đảm bảo cấp đủ điện cho các cơ sở hoạt động trong suốt mùa vải năm nay; sẽ bố trí lực lượng ứng trực suốt ngày đêm, sẵn sàng sửa chữa, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Theo ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn, thời điểm hiện nay mới chỉ chuẩn bị bước vào thu hoạch vải thiều chín sớm (chưa phải chính vụ) nhưng đã có hàng trăm thương lái Trung Quốc, các doanh nghiệp, tiểu thương từ các chợ đầu mối lớn trong nước đến huyện Lục Ngạn để khảo sát, đánh giá chất lượng, chuẩn bị thu mua vải.

Năm nay, toàn bộ diện tích 15.300ha vải thiều của Lục Ngạn đã được Trung Quốc cấp 36 mã số vùng trồng, cấp tem xuất khẩu. Bởi theo quy định mới của thị trường xuất khẩu, từ năm 2019, các sản phẩm trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải có tem nhãn chứng nhận xuất xứ để tiện truy xuất nguồn gốc khi cần. Vì vậy, chính quyền cùng với doanh nghiệp đang khẩn trương, tạo mọi điều kiện, thủ tục thông thoáng nhất để thực hiện yêu cầu này.

Theo ông Hoàn, về phía huyện, hiện có 3 đơn vị đủ điều kiện đóng gói, dán tem truy xuất để xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc. Địa phương cũng hỗ trợ kinh phí thiết kế mẫu mã, bao bì đối với các hợp tác xã sử dụng tem truy xuất tối đa là 20 triệu đồng/cơ sở và kinh phí hỗ trợ không quá 50%. “Đây là một trong những điều kiện khẳng định trách nhiệm của người sản xuất đối với người tiêu dùng; bảo vệ và nâng cao uy tín của thương hiệu vải thiều Lục Ngạn”, ông Hoàn cho biết.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2019, tỉnh Bắc Giang duy trì gần 28.500ha vải, sản lượng ước khoảng 150.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm sẽ diễn ra từ ngày 25-5 đến ngày 10-6; vải chính vụ từ ngày 5-6 đến ngày 5-7. Năm nay, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp tốt VietGAP đạt gần 14.000ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218ha, tập trung tại huyện Lục Ngạn.

Tổ chức tuần lễ quảng bá xoài, mận

Từ ngày 22-5 và kéo dài đến hết ngày 26-5, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT cùng UBND tỉnh Sơn La đã khai mạc “Tuần lễ mận Sơn La năm 2019”. Theo ông Vũ Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La, tính đến tháng 5, tổng diện tích mận cho thu hoạch trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt 8.715ha và sản lượng mận dự kiến đạt 50.747 tấn.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội, cho biết, trước khi tổ chức “Tuần lễ mận Sơn La”, tỉnh Sơn La cũng đã tổ chức “Tuần lễ xoài Sơn La” tại siêu thị BigC Thăng Long - Hà Nội. Tại đây, bà con đã bán được 30 tấn xoài, 20 tấn nhãn và 20 tấn chanh leo cùng nhiều sản phẩm khác, thu về 3,5 - 4 tỷ đồng. Nhưng chỉ riêng thị trường Hà Nội sẽ không “gánh” nổi cả vựa trái cây với nhiều chủng loại sản phẩm đang hoặc sắp vào mùa, nhất là đối với 2 loại trái có diện tích lớn như vải thiều và nhãn. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương để giúp bà con nông dân mở rộng thị trường nội địa, đồng thời mời gọi đầu tư, tìm kiếm đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế lặp lại tình trạng được mùa rớt giá, trái cây phải tống tháo, thậm chí đổ bỏ như các năm trước.

PHÚC HẬU

Bắc Giang: Vải sớm được giá, thuận đầu ra

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Gần một tuần qua, tại các vùng trồng vải trọng điểm của huyện Tân Yên, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang,… của tỉnh Bắc Giang người dân vào vụ thu hoạch vải sớm. Bước đầu cho thấy, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao; riêng vải thiều VietGAP được thu mua từ 35 nghìn đồng/kg trở lên.

Giá bán tăng cao

Những ngày này, từ sáng sớm đến chiều tối khắp các tuyến đường trục chính của xã Phúc Hòa (Tân Yên) xe ô tô lớn nhỏ tấp nập nối đuôi nhau vận chuyển vải thiều.

Chị Nguyễn Ngọc Thuận, thôn Quất Du 1, xã Phúc Hòa nói: “Gia đình có hơn 2 sào vải sớm trồng theo quy trình VietGAP, vợ chồng tôi tranh thủ dậy từ 3 giờ sáng để thu hoạch.

Đến nay, đã bán được 2 tạ, giá 35 nghìn đồng/kg, cao gần gấp đôi vụ trước”.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tuệ, thôn Phúc Đình, xã Phúc Hòa (Tân Yên) thu hoạch vải VietGAP.

Với hơn 1,5 mẫu vườn, 2 hôm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Tuệ, thôn Phúc Đình, xã Phúc Hòa phải thuê từ 3-5 nhân công để thu hoạch vải.

Do tuân thủ đúng quy trình VietGAP, chú ý quá trình sinh trưởng, phát triển của cây để hãm cành và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên cả vườn vải sai quả.

Anh dự kiến thu được 5,5 tấn. Quả vải bảo đảm chất lượng, mã đẹp, không bị sâu cuống nên các tiểu thương đến tận vườn thu mua, giá từ 35-37 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, vụ này anh lãi khoảng 200 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Thái Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, năm nay, toàn huyện có 1,3 nghìn ha vải sớm, sản lượng ước đạt 15 nghìn tấn.

Phần lớn diện tích tập trung tại xã Phúc Hòa với gần 600 ha; trong đó có 300 ha canh tác theo quy trình VietGAP.

Để tạo thuận lợi cho tiêu thụ vải thiều, UBND huyện bố trí kinh phí tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, khảo sát mở rộng thị trường…

Được biết, đến thời điểm này chỉ tính riêng trên địa bàn xã Phúc Hòa có khoảng 30 điểm cân vải sớm.

Phần lớn sản phẩm được đưa vào thị trường các tỉnh miền Nam, một số ít chuyển sang Lào và Campuchia.

Vải Phúc Hòa là sản phẩm đã xây dựng thương hiệu, chất lượng dẫn đầu toàn huyện.

Hiện có nhiều người dân tại các vùng khác trong và ngoài huyện cũng mang vải đến Phúc Hòa tiêu thụ nhưng do chất lượng, mẫu mã kém hơn nên giá bán thấp, dao động từ 15-20 nghìn đồng/kg.

Cùng với Tân Yên, tại các huyện: Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế… nhà vườn cũng đang tất bật thu hoạch vải sớm. Khảo sát tại một số điểm cân khác tại thị trấn Vôi (Lạng Giang), thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam), giá vải sớm từ 17-25 nghìn đồng/kg.

Riêng vải sớm ở huyện Lục Ngạn, một phần diện tích được người dân chăm sóc theo quy trình VietGAP, giá bán trung bình từ 30-40 nghìn đồng/kg.

Tiếp tục nâng cao chất lượng

Trao đổi với ông Trần Văn Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) được biết, toàn tỉnh có 6 nghìn ha diện tích vải sớm, trong đó khoảng 500 ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Tổng sản lượng ước đạt 40 nghìn tấn, tương đương năm ngoái.

Hiện vải bắt đầu vào vụ thu hoạch, dự kiến kéo dài đến trung tuần tháng 6. Điểm mới trong vụ vải sớm năm nay là chất lượng ngày một nâng cao do nhiều người dân quan tâm áp dụng biện pháp canh tác an toàn sinh học, chất lượng quả bảo đảm.

Qua đây, góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm vải thiều Bắc Giang. Ví dụ như ở xã Phúc Hòa có 300 ha vải thiều VietGAP, vải không bị sâu cuống, ăn ngọt.

Nhiều gia đình chưa đến thời điểm thu hoạch đã có thương nhân đến tận vườn đặt mua như các hộ ông, bà: Ngô Văn Cường, Ngô Văn Ánh thôn Quất Du 2; Lương Thị Liệu, thôn Phúc Đình, thu nhập từ 500 triệu đồng/vụ trở lên.

Thời gian thu hoạch vải sớm vẫn còn khá dài, thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, thời gian tới thời tiết sẽ có diễn biến thất thường, nắng nóng gay gắt xen kẽ mưa dông, lốc.

Vì vậy, cán bộ chuyên môn cần tiếp tục xuống các xã, thôn, bản nắm tình hình thu hoạch vải, kịp thời hướng dẫn người dân biện pháp chăm sóc vườn, hạn chế tình trạng nứt, thối quả hàng loạt.

Đồng thời, khuyến cáo các chủ vườn không nên hái quả lúc còn xanh làm ảnh hưởng đến thương hiệu vùng vải sớm.

Được biết, cùng với việc hướng dẫn người dân chăm sóc bảo đảm chất lượng vải sớm, thời gian qua, chính quyền các cấp và ngành chức năng cũng đã và đang tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Hỗ trợ bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Các địa phương cũng tạo điều kiện cho thương nhân đến thu mua sản phẩm như: Bố trí bãi đỗ xe, điểm cân; cử lực lượng chức năng, dân quân tự vệ, thanh niên tham gia bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự.

Riêng huyện Lục Ngạn, từ đầu tháng 5, đã tôn tạo các tuyến đường, tạo điều kiện cho thương nhân đặt điểm cân tận các thôn, bản một cách thuận lợi nhất.

Thành Nam- Hoàng Phương

Bến Tre: Trồng dừa hữu cơ: Hướng phát triển bền vững cho chuỗi giá trị cây dừa

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Mục tiêu chính của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (Dự án) là xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Trong 5 năm triển khai dự án (2014 - 2018), với các mô hình nghiên cứu và công nghệ sản xuất nông nghiệp hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ sạch đã được triển khai hiệu quả.

Vườn dừa hữu cơ của ông Trần Hữu Danh, ấp An Qui, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam.

Lợi ích về môi trường và kinh tế

Các mô hình sản xuất và kỹ thuật quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi mà Dự án triển khai như: hệ thống khí sinh học biogas, các phương pháp ủ phân, máy tách phân... là một phần của phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giúp người nông dân xử lý tốt chất thải chăn nuôi, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời quản lý được lượng chất thải để làm phân bón cho cây trồng. Ở huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre), ông Nguyễn Văn Phong - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp An Qui, xã An Thới là hộ đầu tiên của xã tiên phong trong ứng dụng quy trình trồng dừa hữu cơ tại vườn nhà mình. Hiện nay, với hơn 1,6ha vườn dừa hữu cơ được Công ty dừa Lương Quới thu mua bao tiêu hàng tháng đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Phong.

Cùng ấp An Qui, hộ ông Trần Hữu Danh cũng đã trồng dừa theo quy trình hữu cơ hơn 5 năm nay, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ngay trong cả những thời điểm giá dừa thị trường xuống thấp. Được tập huấn, chuyển giao công nghệ, ông Danh chăm sóc vườn dừa đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu của doanh nghiệp bao tiêu thu mua. Ông Danh không sử dụng phân bón hóa học trên vườn, mà chỉ dùng phân hữu cơ được ủ hoai từ phân chuồng nuôi dê và heo ở nhà. Hiện tại, ông Danh nuôi trên 20 con dê và 70 con heo. Để xử lý chất thải chăn nuôi, ông được Dự án hỗ trợ lắp đặt bể khí sinh học biogas thể tích 24m3. Ngoài ra, ông ủ hoai phân dê với nấm Tricoderma để làm phân hữu cơ bón cho vườn dừa 2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa, kết hợp bồi bùn làm tăng độ phì nhiêu của đất. “Canh tác vườn dừa theo quy trình hữu cơ giúp tăng năng suất hơn 10% so với dừa trồng bình thường, chất lượng cũng ổn định hơn qua nhiều năm”, ông Danh nói.

Hướng phát triển bền vững

Phát triển bền vững chuỗi giá trị cây dừa là định hướng phát triển kinh tế chủ đạo của huyện Mỏ Cày Nam; trong đó, huyện chú trọng mở rộng diện tích dừa hữu cơ để nông dân chuyển đổi trồng dừa theo hướng bền vững và được ký kết với doanh nghiệp bao tiêu thu mua dừa ổn định. Riêng xã An Thới, có 972ha đất trồng dừa với 950ha dừa đang cho trái, trong đó đã có 31 vườn dừa hữu cơ (tổng diện tích 30,8ha).

Với chủ trương phát triển của chính quyền địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân hiểu lợi ích của phương thức sản xuất hữu cơ, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật để bà con thực hiện. Chị Trương Ngọc Hà - cán bộ khuyến nông xã An Thới cho biết, phương hướng của địa phương là triển khai trồng dừa hữu cơ tại 7/7 ấp. Lợi thế của An Thới là người nông dân đã canh tác dừa sẵn từ lâu nay, nhiều hộ ở địa phương mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dừa theo phương pháp hữu cơ cũng đã được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cho thu nhập ổn định. Đây chính là những mô hình cụ thể, khuyến khích những hộ khác tham gia chuyển đổi, ứng dụng kỹ thuật.

Tuy nhiên, hạn chế còn tồn tại là do tập quán trồng dừa của bà con còn nhiều manh mún, diện tích nhỏ nên ngán ngại đầu tư chuyển đổi quy trình kỹ thuật. Theo chị Trương Ngọc Hà, doanh nghiệp đã có hướng chấp nhận ký bao tiêu thu mua dừa cho các hộ có diện tích trồng ít liên kết với nhau và tham gia tổ hợp tác. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền địa phương tích cực vận động bà con vào tổ hợp tác trồng dừa, hướng các hộ có điều kiện chuyển đổi sang trồng dừa hữu cơ để được công ty thu mua. Trong những cuộc họp tổ tự quản, khuyến nông xã cũng kết hợp vận động bà con tham gia làm nông nghiệp hữu cơ, tuyên truyền cho bà con hiểu về sự an toàn và ổn định của sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để bà con tham gia.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Đăk Hà (Kon Tum): Lợi ích từ trồng xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đẩy mạnh việc trồng xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê. Hướng đi này ngày càng khẳng định ưu thế mang lại lợi nhuận kép, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị diện tích...

Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết: Những năm gần đây, giá cả mặt hàng cà phê trên thị trường luôn biến động, nhận thấy lợi ích thiết thực từ các loại cây ăn trái trồng xen trong vườn cà phê mang lại, người dân trên địa bàn huyện học hỏi nhau, tìm hiểu khoa học kỹ thuật và từng bước mở rộng diện tích xen canh. Cách làm này giúp nâng cao giá trị sử dụng và thu nhập trên một diện tích đất, đa dạng hoá sản phẩm thu hoạch, giảm tỷ lệ rủi ro khi giá cả nông sản bấp bênh. Từ thực tế trên, huyện Đăk Hà đề ra chủ trương khuyến khích người dân canh tác theo hướng này, nhưng xen canh ở mức độ vừa phải, đảm bảo quy định trong trồng xen và lựa chọn những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, ổn định đầu ra.

Toàn huyện Đăk Hà hiện có khoảng 600ha cây cà phê có trồng xen cây ăn trái, tập trung chủ yếu ở một số xã như Đăk Ngọk khoảng 100ha, Đăk Hring khoảng 100ha, Ngọc Wang khoảng 200ha… Các loại cây trồng xen trên rẫy cà phê được người dân lựa chọn chủ yếu là bơ, sầu riêng, cam quýt... Đây là những loại cây thu hoạch khác mùa với cà phê nên giúp người dân có thêm nguồn thu giữa các vụ cà phê và hạn chế sự phụ thuộc vào một loại sản phẩm nông nghiệp.

Tham quan vườn cà phê xen cam, hồng xiêm của gia đình anh Trần Văn Dũng (ở thôn 7, xã Ngọc Wang), chúng tôi thực sự bị thuyết phục, bởi cách làm bài bản đã tạo nên một khu vườn quy mô, các loại cây trồng đều phát triển rất tốt, ra quả nhiều.

Anh Dũng chia sẻ: Nhận thấy cây có múi phù hợp chân đất và thị trường tiêu thụ rất thuận lợi nên từ năm 2015, tôi bắt đầu đầu tư trồng xen canh các loại cam, quýt. Năm đầu trồng khoảng nửa héc ta, sau đó mở rộng dần diện tích và trồng thêm cây hồng xiêm. Cách làm này tuy phải bỏ nhiều công hơn, nhưng lợi nhuận rõ ràng cao hơn hẳn. Năm ngoái tôi thu được khoảng 150 triệu đồng từ tiền bán cam, quýt; năm nay, cây lớn hơn, số lượng cây cho thu quả nhiều hơn, dự kiến thu nhập cũng sẽ cao hơn.

Vườn cây trồng xen cà phê và cây ăn quả của gia đình anh Dũng. Ảnh: TH

Cách khu vườn nhà anh Dũng không xa, vườn cà phê xen canh bơ, cam của anh Quảng Thanh Thanh (thôn 8, xã Ngọc Wang) cũng cho hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người trầm trồ khen ngợi và tìm đến học hỏi. Với diện tích hơn 1ha, ngoài cây cà phê, anh trồng gần 1.000 gốc cam, 200 cây sầu riêng, bơ…

Anh Thanh tính toán: Các loại cây trong vườn cho thu hoạch vào các thời điểm khác nhau trong năm, chẳng hạn như sầu riêng, bơ cho thu hoạch vào đợt tháng 3 – 5, cam tháng 9 – 10, sang tháng 11 -12 thu cà phê nên thu nhập của gia đình tương đối đều đặn và ổn định. Bình quân, mỗi loại cây ăn trái mang về cho nhà tôi từ 30 – 40 triệu đồng/vụ, trong khi chi phí đầu tư và công chăm sóc ít hơn cà phê nên tính ra lợi nhuận không thua kém gì cây trồng chính, thậm chí có những vụ còn vượt xa.

Vườn cây trồng xen cà phê và cam của anh Thanh. Ảnh: TH

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, ngoài lợi ích kinh tế nhìn thấy được, các loại cây ăn trái khi trồng xen trong vườn cà phê có tác dụng che bóng, hạn chế quá trình bốc hơi nước, từ đó giúp giảm bớt lượng nước tưới và giãn khoảng cách của các đợt tưới cho cây cà phê trong mùa khô. Đây chính là hiệu quả kinh tế gián tiếp từ việc trồng xen canh. Mặt khác, do thời vụ thu hoạch của các cây khác nhau nên còn tạo việc làm cho lao động nông thôn trong cả năm.

Đa dạng hoá cây trồng trên cùng một diện tích đất là một trong những giải pháp tốn ít chi phí, đem lại lợi nhuận cao và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê của nông dân Đăk Hà là cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay- một mô hình kinh tế nông nghiệp rất đáng để bà con nông dân trên địa bàn học hỏi, nhân rộng.

Thiên Hương

Sản phẩm tiêu đầu tiên Việt Nam đạt 3 chứng nhận hữu cơ

Nguồn tin: Lao Động

Đó là sản phẩm tiêu được trồng theo mô hình "cây tiêu leo cây tràm" của nông dân huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

Năm 2017, Cty Sinh học tự nhiên Phú Quốc đầu tư cho 12 người trồng tiêu ở 2 xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao) trồng 11,5ha tiêu theo quy trình hữu cơ.

Sau khi đã xét nghiệm và xác định các thành phần sinh hóa trong đất, nước và cây tiêu của nông dân đăng ký tham gia mô hình đạt yêu cầu cần thiết, Cty đưa chuyên gia nông nghiệp đến tư vấn và đề xuất quy trình gieo trồng thích ứng với từng kết quả đất, nước cụ thể.

Ảnh: Lục Tùng

Từ trải nghiệm cá nhân, nông dân huyện Gò Quao đã sáng tạo khi đưa cây tiêu đứng chân trên nền đất trũng phèn bằng mô hình trồng tiêu trên nọc tràm tươi. Cây tràm vừa hóa giải phèn trong đất, vừa che mát cho cây tiêu phát triển tốt.

Theo đó, tuyệt đối không sử dụng phân, thuốc hóa học mà chỉ sử dụng phân bón sinh học. Vì thế ngay trong năm đầu tiên tham gia mô hình, nhưng người trồng tiêu trong mô hình đã rất hài lòng vì được hưởng nhiều lợi ích.

Nhiều vườn tiêu trong mô hình đã bắt đầu tưới bằng hệ thống tưới tự động. Ảnh: Lục Tùng

Thu hoạch tiêu trong mô hình cây tiêu leo cây tràm. Ảnh: Lục Tùng

Người trồng tiêu được đầu tư, bao tiêu với cao hơn giá thị trường 30.000đ/kg. Với cam kết này, hộ tham gia mô hình biết chắc lãi thêm 100 triệu đồng so người trồng tiêu bình thường nên nghiêm túc áp dụng quy trình canh tác theo tư vấn.

Tổ chức phơi nhanh sau khi thu hoạch trước khi đưa đến nhà máy xử lý. Ảnh: Lục Tùng

Nhờ vậy mà ngay năm đầu hợp tác, tiêu trong mô hình đã được 3 cơ quan uy tín thế giới là Mỹ, Châu Âu và Nhật cấp chứng nhận là sản phẩm hữu cơ. Theo kế hoạch, vụ tiêu năm 2019, Cty tăng diện tích lên thêm 10ha và phấn đấu nâng tổng diện tích tiêu hữu cơ tại Gò Quao lên 100ha.

LỤC TÙNG

Sóc Trăng: Chuyển đổi trồng thí điểm cây cao lương trên diện tích đất mía

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Ngày 21-5, tại UBND tỉnh, đồng chí Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có buổi làm việc với GS - TS, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân và Tập đoàn Thành Tín để bàn về phương án thay đổi cây trồng trên diện tích đất mía. Cùng dự có lãnh đạo UBND các huyện: Cù Lao Dung, Mỹ Tú, Long Phú và Thạnh Trị.

Đồng chí Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với GS - TS, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân và Tập đoàn Thành Tín.

Tại buổi làm việc, Tập đoàn Thành Tín đã đề xuất phương án chuyển đổi trồng cây cao lương trên diện tích đất mía kém hiệu quả. Theo thông tin từ Tập đoàn Thành Tín, tập đoàn có thế mạnh trong phát triển cây cao lương ngọt và cây cao lương sinh khối; đồng thời, trong thời gian qua đã phối hợp với GS - TS Võ Tòng Xuân nghiên cứu cây cao lương thay thế cây mía để cung cấp nhiên liệu đốt lò hơi cho một số dự án nhiệt điện trong nước mà tập đoàn trúng thầu.

Cũng theo Tập đoàn Thành Tín, cây cao lương có thể sử dụng để làm nhiên liệu, hóa chất, thực phẩm, nhiên liệu sinh học… Đặc điểm nổi trội của cây cao lương là có chu kỳ sinh trưởng ngắn (khoảng 100 - 110 ngày/vụ), mỗi năm có thể trồng 2 - 3 vụ, khả năng tái sinh chồi mạnh; có thể sử dụng cơ giới hóa hoàn toàn; sử dụng ít nước và phân; có khả năng chịu hạn, mặn…

Với những đặc điểm nêu trên, Tập đoàn Thành Tín đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh chọn điểm thực nghiệm; bố trí vùng đất cao không bị ngập lũ, tiến hành xuống giống ngay 2 loại giống cao lương ngọt và cao lương sinh khối. Nếu thành công sẽ tiếp tục nhân rộng với diện tích khoảng 2.000ha.

Thông qua buổi làm việc, các đại biểu đã cùng trao đổi thêm một số vấn đề về: phương thức hợp tác, kế hoạch trồng thí điểm, hình thức bao tiêu giữa tập đoàn với hộ dân… Theo đó, thống nhất triển khai trồng thí điểm tại 2 huyện Cù Lao Dung và Mỹ Tú.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Hiểu cho rằng: “Hiện nay, tình hình về cây mía khó khăn, việc phát triển cây cao lương thay thế diện tích trồng mía sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân. Do đó, nhất trí triển khai mô hình thí điểm ngay tại huyện Cù Lao Dung và Mỹ Tú. Thí điểm thành công sẽ nhân rộng diện tích, thay thế dần cây mía bị thua lỗ trong nhiều vụ gần đây.

K.X

Thu lãi cao từ trồng nấm bào ngư

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8-2018, nhưng mô hình trồng nấm bào ngư của HTX nuôi trồng nấm bào ngư Tân Giao (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã mang lại nguồn thu nhập khá và ổn định cho các thành viên. HTX đang tính chuyện mở rộng quy mô sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế của mô hình này.

Ông Phạm Văn Hội, Giám đốc HTX Tân Giao kiểm tra độ ẩm tại trại nấm của gia đình.

Chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất nấm bào ngư của gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn (thôn Sông Xoài 3, xã Láng Lớn), thành viên HTX Tân Giao vào một ngày cuối tuần. Ông Sơn phấn khởi cho biết, trước đây gia đình ông chăn nuôi heo, nhưng do giá heo thất thường và hay xảy ra dịch bệnh nên bị lỗ nặng, phải ngừng nuôi. Năm 2018, ông Sơn tìm hiểu về kỹ thuật trồng nấm bào ngư và tham gia HTX Tân Giao. Theo ông Sơn, với hơn 10 ngàn bịch phôi (chi phí đầu tư khoảng 30-35 triệu đồng), mỗi lứa phôi cho thu hoạch khoảng 4 lần trong thời gian 4 tháng (mỗi tháng khoảng 2 tạ). Sau khi trừ chi phí, mỗi lứa phôi nấm bào ngư cho thu lãi từ 30-35 triệu đồng.

Biết được mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình ông Sơn mang lại hiệu quả cao, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã tìm đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và đều được ông tận tình hướng dẫn. Theo kinh nghiệm của ông Sơn, trồng nấm chỉ cần tưới nước dạng phun sương xung quanh lớp vỏ bịch. Muốn phôi tăng trưởng tốt, phải giữ vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp, bảo đảm đủ độ ẩm và môi trường không bị nhiễm bệnh. “So với chăn nuôi heo, trồng nấm khỏe hơn nhiều: chi phí đầu tư thấp hơn, công chăm sóc ít hơn, môi trường làm việc cũng bảo đảm vệ sinh hơn. Ngoài ra, khi trồng nấm, tôi có thể tận dụng được thời gian rảnh rỗi để làm thêm việc khác tạo thu nhập”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Phạm Văn Hội, Giám đốc HTX nuôi trồng nấm bào ngư Tân Giao cho biết, HTX hiện có 7 thành viên với diện tích trồng nấm khoảng 100-200m2/thành viên. Mô hình đã bước đầu đạt hiệu quả, thu nhập của gia đình các thành viên đã được cải thiện hơn trước. Ông Hội chia sẻ, trồng nấm bào ngư có 2 cách: chất phôi lên kệ và treo bằng dây. Gia đình ông Hội chọn cách chất phôi lên kệ. Kệ được làm bằng gỗ hoặc thép, cao từ 1,8-2m. Nhà trồng nấm phải được che chắn kỹ, ngăn được côn trùng, bảo đảm sạch sẽ, tránh xa khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm; nguồn nước tưới phải khử phèn. “Trồng nấm bào ngư không khó, kỹ thuật trồng rất đơn giản, nhẹ công chăm sóc, nhưng cần sự tỉ mỉ, siêng năng. Điều quan trọng nhất là phải nắm vững quy trình kỹ thuật, các yếu tố liên quan đến nhiệt độ, độ ẩm, gió, ánh sáng, môi trường... để chăm sóc tốt các lứa phôi nấm. Hiện tại, các thành viên trồng nấm chủ yếu là mua phôi bên ngoài, nếu HTX tự sản xuất phôi sẽ giảm được chi phí đầu tư ban đầu từ 10-15 triệu đồng/lứa”, ông Hội cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, thành viên HTX Tân Giao có thu nhập khá nhờ trồng nấm.

Nấm bào ngư được trồng theo hướng vệ sinh, an toàn, là sản phẩm nông nghiệp sạch nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, nhiều khách hàng đã lên hệ đặt mua nấm của HTX Tân Giao với số lượng lớn. Tuy nhiên, do không đủ nấm để bán nên HTX chưa dám ký hợp đồng. Việc tiêu thụ nấm của HTX vẫn chủ yếu là giao cho tiểu thương tại các chợ đầu mối. Dự định thời gian tới HTX sẽ mở rộng diện tích trồng nấm và tăng thêm thành viên. “Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nấm bào ngư Tân Giao; tạo điều kiện cho HTX vay vốn ưu đãi để sản xuất phôi nấm, khép kín quy trình sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho HTX và thành viên”, ông Phạm Văn Hội mong muốn.

Theo nhận định của ông Lê Đình Khởi, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, mô hình trồng nấm đang có nhiều triển vọng, mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở vùng nông thôn. “Phòng NN-PTNT huyện cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất để phát triển, nhân rộng mô hình trồng nấm cho nông dân địa phương; sẵn sàng hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và thủ tục vay vốn đầu tư sản xuất”, ông Khởi nói.

Bài, ảnh: THANH HẢI

Chủ động sản xuất nhờ đầu tư nhà kính

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Những năm trước đây, nông dân huyện Đắk Song (Đắk Nông) phải lặn lội qua tỉnh Lâm Đồng mua các loại giống rau thơm, cà chua, ớt chuông, cà tím… về trồng. Việc phải đi mua cây giống ở xa đã đội chi phí sản xuất của người nông dân lên cao. Thế nên, cũng là điều dễ hiểu khi sản phẩm của nông dân Đắk Song khó cạnh tranh được về mặt giá cả với những tỉnh thành chủ động được nguồn giống.

Từ thực tế trên, gia đình ông Nguyễn Sự, ở bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song đã tìm hiểu, đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà kính nhằm chủ động ươm giống các loại rau màu.

Ông Nguyễn Sự, ở thôn Đầm Giỏ đầu tư nhà kính nhằm phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững

Ông Sự cho biết: Trước đây, gia đình tôi đã ươm các loại giống rau, cây ngắn ngày ngoài trời nhưng hiệu quả mang lại không cao, thậm chí bị thất bại nặng nề. Bởi khi gieo giống ngoài trời, các loại giống rau sẽ rất dễ bị chết nóng hoặc hạt mưa làm gãy nát. Để tránh thất bại, gia đình tôi đã đầu tư hơn 340 triệu đồng để xây dựng 1.500 m2 nhà kính nhằm sản xuất cây giống. Sau khi ươm giống trong nhà kính, gia đình không còn lo sợ thời tiết bất lợi, dù mùa mưa hay mùa nắng vẫn có thể gieo giống mà không lo bị thiệt hại như trước. Hiện nay, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định với lợi nhuận thu về hàng tháng trên 40 triệu đồng từ bán cây giống.

Người dân xã Thuận Hà (Đắk Song) phát triển sản xuất trong nhà kính đã tránh được thời tiết bất lợi, cây trồng phát triển ổn định

Qua một thời gian tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Độ, ở thôn Bắc Sơn, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) đã quyết định đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng xây dựng nhà kính để sản xuất dưa lưới.

Theo anh Độ, sản xuất dưa lưới trong nhà kính là biện pháp khá hữu hiệu và mang lại hiệu quả cao. Cây dưa lưới được trồng trong các túi giá thể chứa vật liệu sạch, nền đất lót bạt, cây không tiếp xúc trực tiếp với đất. Ngoài ra, anh Độ còn ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt vào sản xuất. Khu nhà kính hoàn toàn cách ly, tránh sự rủi ro tác động của thời tiết bất lợi, đồng thời ngăn ngừa côn trùng xâm nhập, giúp kiểm soát cũng như giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra. Phát triển cây trồng trong nhà kính, anh Độ chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học nên người sử dụng hoàn toàn yên tâm bởi đây đều là những sản phẩm nông nghiệp sạch.

Theo anh Độ, việc đầu tư nhà kính tuy tốn kém nhưng người nông dân sẽ không phụ thuộc nhiều vào thời tiết, có thể chủ động sản xuất quanh năm. Với phương thức sản xuất hiện đại này, sản phẩm dưa lưới của anh Độ được thị trường đón nhận với mức giá cao hơn dưa lưới trồng ngoài trời. Hiện nay, vườn dưa của anh Độ chủ yếu xuất bán cho thị trường TP. Hồ Chí Minh với giá bán khá cao, có thời điểm lên đến 50.000 đồng/kg.

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thành ở thôn Đầm Giỏ, xã Thuận Hà (Đắk Song) đầu tư 2.300 m2 nhà kính, trị giá gần 900 triệu đồng để phát triển sản xuất

Trao đổi về vấn đề phát triển nông nghiệp trong nhà kính, ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song cho biết: "Phát triển nông nghiệp trong nhà kính giúp việc sản xuất được tiến hành quanh năm do có thể điều tiết được khí hậu. Đây là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp trong xu thế thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Hơn nữa, các sản phẩm nông nghiệp khi sản xuất trong nhà kính chẳng những giảm được các rủi ro trong sản xuất mà còn đáp ứng nhu cầu cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch ngày càng cao của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Bài, ảnh: Phan Tuấn

Triển khai 3 dạng mô hình sản xuất sản phẩm an toàn theo chuỗi

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã triển khai 3 dạng mô hình khuyến nông sản xuất sản phẩm an toàn theo chuỗi. Trong đó, trồng trọt có 1 dạng mô hình và chăn nuôi - thủy sản có 2 dạng mô hình tại 13 điểm với 69 hộ gia đình tham gia. Cụ thể: Mô hình thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô 6ha, thực hiện tại 2 điểm (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng và Cát Quế, huyện Hoài Đức) với 39 hộ gia đình tham gia.

Mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “sông trong ao” quy mô 6ha thực hiện tại 5 điểm trên địa bàn 3 huyện: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Quốc Oai với 6 hộ gia đình tham gia. Còn mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAHP quy mô 25ha thực hiện tại 6 điểm ở 5 huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên và Ứng Hòa với 24 hộ gia đình tham gia.

Các mô hình trên đều được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, con giống… bảo đảm sản xuất ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, có đơn vị hỗ trợ bao tiêu sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc.

SƠN TÙNG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop