Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 7 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 7 năm 2019

Cấp bách chống hạn miền Trung

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tình hình hạn hán, thiếu nước ở Bắc Trung Bộ còn tiếp tục có nguy cơ xảy ra đến đầu tháng 8 và sẽ có khoảng 14.900 ha cây trồng bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 3,2% diện tích gieo trồng; Nam Trung Bộ sẽ có khoảng 54.400 ha, chiếm 15% diện tích gieo trồng.

Ảnh minh họa

Diện tích đất “chết” vì hạn lớn

Theo Tổng cục Thủy lợi, hạn hán, thiếu nước bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 6/2019 ở khu vực Bắc Trung Bộ. Do có đợt mưa đầu tháng 7, tình trạng hạn hán, thiếu nước tạm thời chấm dứt nhưng xuất hiện trở lại ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Ở khu vực Nam Trung Bộ, tình trạng hạn hán, thiếu nước xuất hiện tại Bình Định từ giữa tháng 6, đến đầu tháng 7 đã xuất hiện thêm ở các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Khánh Hòa.

Cụ thể, ở khu vực Bắc Trung Bộ, lúc cao điểm nhất là cuối tháng 6 có khoảng 21.600 ha bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước, chiếm 4,5% diện tích gieo trồng của khu vực. Hiện tình trạng hạn hán, thiếu nước ở mức độ nhẹ hơn so với thời gian cuối tháng 6/2019.

Ở khu vực Nam Trung Bộ, diện tích bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước là 16.300 ha, chiếm 4,6% diện tích gieo trồng; trong đó, diện tích cây trồng bị chết trên 500 ha. Nắng nóng kéo dài cũng đã ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt cho gần 114.000 hộ dân nông thôn.

Tính đến thời điểm này, tình hình khô hạn chưa có chuyển biến gì tích cực hơn. Hàng chục nghìn ha lúa và cây màu tiếp tục đối mặt với tình trạng hạn hán phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thậm chí có diện tích mất trắng. Điển hình như Bình Định có 2.780 ha; trong đó 2.670 ha đang thực hiện các giải pháp chống hạn, khoảng 116 ha canh tác ngoài vùng công trình thủy lợi đã bị chết; Phú Yên 3.236 ha thiếu nước đang được tích cực chống hạn, 28 ha mất trắng... Thậm chí, tại Ninh Thuận, do không chủ động được nước tưới địa phương đang có hơn 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp phải ngưng sản xuất, thậm chí cũng không thể chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày hay dài ngày.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo Tổ chức Khí tượng thế giới, năm nay là năm nắng nóng kỷ lục nhất trong 140 năm qua. Nắng nóng liên tục kéo dài kèm theo độ ẩm thấp, gió Foehn Tây Nam thổi mạnh nên lượng nước bốc hơi rất lớn, trong khi lượng mưa ít. Điều này dẫn tới nhu cầu nước tưới tăng, đồng thời làm giảm lượng nước hồ chứa.

Khu vực Trung Bộ của Việt Nam, nắng nóng gần như liên tiếp xảy ra, cùng với đó là sự thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy nên một số tỉnh đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước. Cụ thể, theo Tổng cục Thủy lợi, tổng lượng mưa từ đầu vụ Hè Thu 2019 đến nay thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ phổ biến từ 5-15%. Dung tích các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Trung Bộ trung bình đạt phổ biến từ 33-56% dung tích thiết kế, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 12%.

Theo dự báo, nắng nóng sẽ tiếp tục, diện tích cây trồng có khả năng bị hạn hán, thiếu nước tưới trong vụ Hè Thu 2019 là khoảng 64.800 ha. Địa phương dự kiến sẽ bị hạn hán nặng là Quảng Nam 19.800 ha, Quảng Ngãi 13.000 ha, Bình Định 10.000 ha, Phú Yên 5.000 ha...

Phối hợp nhiều biện pháp

Chiều 22/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc làm việc với các đơn vị về tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vụ Hè Thu, Mùa năm 2019 khu vực Trung Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, Tổng cục Thủy lợi cần đánh giá thực trạng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, tính chủ động, bị động của từng nơi để từ đó có các giải pháp phù hợp. Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn xây dựng mô hình hỗ trợ người dân xây dựng bể chứa nước mưa để có thể đảm bảo nước sinh hoạt tối thiểu trong những tháng hạn hán, thiếu nước. Từ đó đánh giá hiệu quả của các mô hình và nhân rộng ra các địa phương.

Cùng với đó, Tổng cục Thủy lợi cần đánh giá thực trạng, năng lực hồ chứa, công trình thủy lợi ở Trung Bộ, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa khô để đảm bảo sản xuất.

Cục Trồng trọt cần đánh giá thực trạng, khả năng sản xuất của các vùng; đồng thời, có những khuyến cáo cụ thể với các địa phương về việc cần chuyển bao nhiêu diện tích đất trồng lúa sang cây trồng cạn để không chỉ đảm bảo an toàn trong thiên tai mà còn về thị trường và tính bền vững.

Trước nhu cầu chuyển đổi diện tích của các địa phương, Cục Trồng trọt cũng cần đưa ra những bộ giống cây trồng cạn phù hợp cho chuyển đổi, đặc biệt là các loại cây chịu hạn và khuyến kích chuyển đổi sang trồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm kê nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt trên địa bàn. Các địa phương khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể cho từng vùng phục vụ của công trình thủy lợi. Địa phương cần bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước, tránh việc mở rộng sản xuất vượt quá năng lực thiết kế công trình.

Đặc biệt, địa phương không thực hiện gieo trồng vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới hoặc vùng phụ trách tưới của công trình thủy lợi nhưng nguồn nước không bảo đảm phục vụ tưới cho cả vụ sản xuất.

Các địa phương tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước tới người dân; vận động nhân dân trữ nước và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.

Tổng cục Thủy lợi sẽ phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam, các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện xây dựng và thực hiện kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện hợp lý, bảo đảm ưu tiên nguồn nước cung cấp cho cả vụ Hè Thu, Mùa 2019.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt, những năm gần đây ngành luôn động viên, khuyến khích các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước.

Trước tình hình nắng nóng có thể tiếp tục kéo dài, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tiến hành cơ cấu lại thời vụ, cơ cấu lại giống cho phù hợp với tình hình thực tế. Đối với diện tích lúa không thể cứu vãn được, địa phương chuyển sang trồng lúa Mùa, hoặc chuyển sang cây trồng khác như ngô, rau màu ngắn ngày. Các địa phương chủ động cung ứng hỗ trợ giống, kỹ thuật cho nông dân kịp thời chuyển đổi cho kịp mùa vụ.

Sau vụ Hè Thu này, Cục Trồng trọt sẽ định hướng và đề nghị các địa phương có đánh giá lại những diện tích thường xuyên ảnh hưởng, chuyển đổi sang cây ngắn ngày, chuyển đổi sang cây ăn quả, kết hợp tưới tiết kiệm. Việc chuyển đổi phải được xây dựng căn cơ thành vùng tập trung, tránh chuyển đổi tự phát không thành vùng hàng hóa.

Đỗ Hương

Yên Bái: Mù Cang Chải triển khai sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quả sơn tra

Nguồn tin: Báo Yên Bái

Huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) vừa tổ chức Hội nghị triển khai sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quả sơn tra Mù Cang Chải.

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đề tài Dự án "Xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận quả sơn tra Mù Cang Chải cho sản phẩm sơn tra của huyện Mù Cang Chải”, huyện đã tiến hành điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin phục vụ việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận.

Qua điều tra tại 13 xã có sự tham gia trực tiếp của người dân, hiện trên địa bàn huyện có tổng diện tích 4.182,9 ha cây sơn tra; trong đó, diện tích cho sản phẩm ước khoảng 2.500 ha, với tổng sản lượng 3.000 tấn quả/năm cùng với các tiêu chí chứng nhận về quả sơn tra như: ngoại hình, thành phần sinh hóa, hàm lượng các chất, nước, vitamin, đường...

Với việc đáp ứng các yêu cầu đề ra, quả sơn tra hay còn gọi táo mèo đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp "Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu” năm 2016 với tên gọi sơn tra Mù Cang Chải do UBND huyện Mù Cang Chải chủ sở hữu nhãn hiệu này.

Cùng đó, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, trong đó, quy định cụ thể tổ chức cá nhân, điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu, trách nhiệm của người sử dụng nhãn hiệu, phí sử dụng...

Hiện tại, huyện mới chỉ cấp sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quả sơn tra cho 2 cơ sở kinh doanh. Thời gian tới, huyện tiếp tục giao chỉ tiêu để cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho từ 12 đến 19 cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, cấp khoảng 13.000 đến 19.000 tem, túi lưới, bao bì cho các cơ sở để kinh doanh quả sơn tra.

Việc triển khai, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quả sơn tra Mù Cang Chải thể hiện niềm tin cũng như lợi thế của địa phương, tạo sự tin tưởng hơn đối với người tiêu dùng với quả sơn tra; đồng thời, nâng cao thương hiệu, uy tín của sản phẩm quả sơn tra trên thị trường trong, ngoài nước.

Mạnh Cường (Trung tâm TT&VH Mù Cang Chải)

Đắk Nông: 6 tháng đầu năm, Đắk Song ghi nhận hơn 525 ha hồ tiêu bị chết

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông), trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn huyện đã ghi nhận 525,64 ha hồ tiêu bị chết.

Hiện nay, Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện đang triển khai các giải pháp để khống chế dịch bệnh lây lan trên cây hồ tiêu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Đồng thời, đơn vị tiếp tục thống kê diện tích tiêu bị nhiễm bệnh và bị chết để báo cáo UBND huyện, Sở Nông nghiệp – PTNT sớm có giải pháp hỗ trợ và xử lý tình trạng dịch bệnh đang lan rộng trên cây hồ tiêu; tham mưu UBND huyện đề xuất UBND tỉnh có ý kiến với ngành chức năng khoanh nợ, giãn nợ cho các nông hộ để bà con vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất.

Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện khuyến cáo người dân không nên trồng lại cây hồ tiêu ngay trên diện tích đất hồ tiêu vừa bị chết.

Vương Hợp

Đắk Lắk: Có trên 3.000 ha ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện đã có trên 3.017 ha ngô vụ hè thu 2019 bị sâu keo mùa thu gây hại, với mật độ phổ biến 1 - 20 con/m2.

Dự báo trong thời gian tới, thời tiết nắng mưa đan xen sẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu keo mùa thu phát triển, gây hại mạnh trong trà ngô muộn từ khi mới gieo cho đến 7 - 8 lá.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra tình hình gây hại của sâu keo mùa thu ở huyện Krông Bông

Chi cục cũng đã tổ chức hướng dẫn cho nông dân nhận biết về đặc điểm nhận diện sâu keo mùa thu, triệu chứng gây hại để người nông dân chủ động phòng trừ. Đồng thời phổ biến Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu của Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành; chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra những diện tích canh tác ngô đã phát hiện sâu keo mùa thu, kết hợp với hướng dẫn nhân dân trực tiếp trên đồng ruộng về đặc điểm gây hại và biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu.

Sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô

Được biết, sâu keo mùa thu là loại sâu hại mới xâm nhập vào Việt Nam từ trước tháng 4-2019. Tại Đắk Lắk, sâu keo mùa thu được phát hiện vào tháng 5-2019, đầu tiên ở huyện Lắk, sau đó là các huyện Ea H'leo, Krông Bông, Ea Súp, M'Đrắk, Ea Kar, Buôn Đôn, TP. Buôn Ma Thuột, với mật độ phân bố khoảng 8 - 12 con/m2 .

Minh Thuận

Trồng cây ăn trái ở vườn nhà phố

Nguồn tin: Khoa học phổ thông

Trồng cây ăn trái trong chậu luôn là niềm đam mê của cư dân đô thị. Thế nhưng, chọn loại cây ăn trái nào phù hợp, dễ chăm sóc và cho trái? Hiện có nhiều loại giống cây ăn trái mới hoàn toàn thích nghi điều kiện chăm sóc trong chậu hay khoảng sân vườn chật hẹp, thời gian trồng đến cho trái chỉ mất 3 - 6 tháng, cây có khả năng cho trái quanh năm. Vì vậy, tùy thuộc vào khuôn viên vườn nhà và niềm đam mê trồng cây, bạn hoàn toàn có thể trồng được các loại cây ăn trái.

Theo khuyến cáo của Nguyễn Thanh Phương, Trại giống cây trồng Thanh Duy (Chợ Lách, Bến Tre), để trồng cây trái nhà phố phát triển tốt và cho trái cần có khoảng sân nhiều nắng, có thể trồng sân thượng nhưng phải bố trí lưới đen giảm nắng và sử dụng loại chậu lớn. Khuôn viên càng rộng càng trồng được nhiều loại. Với khoảng sân vườn nhỏ, nếu có nắng tốt vẫn trồng được cây ăn trái. Những loại cây trồng có tán thấp, thích hợp khoảng sân nhỏ, dễ chăm sóc và cho trái, có thể chọn cây ổi, hiện có nhiều giống ổi ngon cho trái quanh năm như ổi lê, ổi Ruby không hạt, ổi tím… Ngoài ra, có thể chọn trồng lựu đỏ, cóc trái chùm, tắc, chanh tứ quý, chanh ngón tay, táo xanh ít gai, khế ngọt… Nếu trồng sân thượng cần vô chậu cao từ 50 cm, đường kính 50 - 60 cm, đảm bảo đủ đất cho cây phát triển và nuôi trái. Các loại cây trên nếu chăm sóc tốt, sau trồng 3 - 6 tháng sẽ cho trái.

Với khuôn viên sân vườn rộng khoảng từ 15 - 30 m2 trở lên, ngoài các loại cây ăn trái trên, có thể chọn trồng cây ăn trái có tán lớn như mận (mận An Phước, mận tam hoa) hay nhãn tím. Nếu có khoảng sân từ 50 m2 trở lên thì lý tưởng trồng được nhiều loại cây hơn, nếu không vướng dây điện có thể trồng như dừa xiêm lùn uống nước (chọn đúng giống dừa xiêm lùn thì trồng 20 - 24 tháng cho trái, thân cây cao chưa tới 1 m), tán lá nhỏ, thân nhỏ, thích hợp trồng nhà phố. Dừa xiêm lùn đúng giống trái rất sai, nước ngọt thanh, mỗi tháng thu 1 buồng trái (15 - 25 trái) đều đặn quanh năm. Ngoài ra, có thể trồng me ngọt, mãng cầu xiêm, mãng cầu dai (trồng 12 tháng cho trái), mít siêu sớm (trồng 20 tháng cho trái, cây cao chưa tới 3 m), nhãn xuồng, xoài Đài Loan xanh (18 tháng cho trái), sapôchê (20 tháng cho trái), thanh long ruột đỏ (10 tháng cho trái), có thể trồng giàn nho xanh (chọn gốc lớn, 20 tháng cho trái), chanh dây (10 tháng cho trái)… Đây là các giống dễ trồng, không đòi hỏi chăm sóc khó khăn, dễ cho trái, thời gian cho trái nhanh.

Trong điều kiện nhà phố, ánh nắng rất quan trọng với mọi loại cây trồng, cây quang hợp tốt sẽ phát triển nhanh và khỏe mạnh. Nếu trồng chậu thì nên thay đất, bổ sung thêm đất 1 năm/lần, trồng thẳng vào đất thì cũng bổ sung thêm lớp đất mặt để rễ cây phát triển tốt. Chú ý thoát nước, không để cây úng ngập. Mỗi năm nên bón 5 - 20 kg phân hữu cơ/gốc tùy lớn nhỏ, bón bổ sung phân hữu cơ định kỳ 1 tháng/lần. Tỉa cành tạo tán thông thoáng, không để cây um tùm, nhiều cành không hữu hiệu. Khi cây cho trái thì nên mua túi bao trái lại tránh sâu ăn trái, không nên phun thuốc trừ sâu, bệnh hóa học độc hại vì gần nhà và có trẻ em. Sau mỗi vụ trái hoặc 6 tháng/lần nên tỉa cành thấp lại, xu hướng trồng cây nhà phố phải tạo tán thấp (không cao vượt quá 3 - 4 m tùy cây) để thuận tiện chăm sóc và thu hái, đồng thời tạo cảnh quan.

Nhà phố với vườn cây ăn trái lủng lẳng quanh nhà sẽ là không gian tuyệt vời, độc đáo nơi phố thị, cảm giác chúng ta được sống với vườn cây xanh, được gần với thiên nhiên thật thú vị. Nếu nhà bạn có không gian nhiều nắng, đừng bỏ qua cơ hội trải nghiệm một khu vườn xanh cây trái trĩu cành do chính tay mình vun xới.

ĐỨC AN

Hậu Giang: Gần 500ha mít bị sinh vật gây hại tấn công

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh ghi nhận có gần 500ha mít của nông dân ở huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy bị sinh vật gây hại tấn công như: sâu đục trái, thán thư, bệnh chảy gôm, xơ đen… Trong đó, có khoảng 376ha bị nhiễm nhẹ, 86ha nhiễm trung bình và 19ha bị nhiễm nặng.

Áp dụng biện pháp bao trái để ngăn ngừa sâu đục trái mít hiệu quả.

Trước tình hình sinh vật gây hại trên cây mít đang có dấu hiệu tăng mạnh về diện tích bị nhiễm, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện các sinh vật gây hại mới xuất hiện để phòng trị hiệu quả, đặc biệt lấy công tác chủ động phòng ngừa bằng kinh nghiệm và các biện pháp kỹ thuật do cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn là chính. Đặc biệt, để ngăn ngừa sâu đục trái hiệu quả thì bà con nên áp dụng biện pháp bao trái ngay từ khi trái mít còn nhỏ.

Ngoài chủ động phòng trừ sinh vật gây hại trên cây mít thì ngành nông nghiệp tỉnh còn khuyến cáo bà con không nên trồng mít ồ ạt vì diện tích mít đang tăng nhanh. Cụ thể vào thời điểm này, tổng diện tích mít trên địa bàn tỉnh đã lên hơn 3.385ha, tăng 2.044ha so với thời điểm giữa năm 2018, tập trung nhiều ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy. Việc tăng mạnh diện tích mít sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường đầu ra, nhất là khi cung vượt cầu thì giá mít sẽ giảm sâu và khó tiêu thụ. Mặt khác, hiện chưa có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu trái mít cho nông dân mà đa phần bà con bán qua thương lái của các vựa mít.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Hiệu quả sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Long An

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Phan Kim Truyết, ngụ ấp Song Tân, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thanh long mang hiệu quả kinh tế. Ông là 1 trong 184 cá nhân điển hình vừa được UBND tỉnh tặng bằng khen trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2018.

Lợi nhuận từ sản xuất GlobalGAP

Ông Truyết bộc bạch: “Năm 2005, gia đình tôi chuyển từ 1ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long kết hợp nuôi bò lấy thịt. Với số vốn tích lũy được, năm 2010, tôi đầu tư hạ thế điện xông đèn cho thanh long ra hoa trái vụ và vận hành tưới nước thông minh. Năm 2013, tôi chuyển sang sản xuất thanh long theo hướng GlobalGAP. Hiện tại, với hơn 1ha thanh long ruột đỏ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, gia đình tôi thu lãi hơn 800 triệu đồng/năm”.

Từ khi ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh, ông Phan Kim Truyết tiết kiệm được nhiều thời gian trong việc tưới nước, bón phân cho thanh long

Việc ứng dụng công nghệ cao giúp gia đình ông Truyết giảm chi phí tưới nước, bón phân, thuận lợi trong việc quản lý dịch bệnh, tăng lợi nhuận. “Hiện nay, thanh long của tôi được Công ty TNHH Một thành viên The Fruit Republic Cần Thơ (Rau quả Cần Thơ) bao tiêu sản phẩm. Với mức giá từ 30.000-35.000 đồng/kg/năm, chúng tôi có thể an tâm về đầu ra sản phẩm. Đặc biệt, từ khi ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh, tôi tiết kiệm được thời gian tưới nước, bón phân. Trước đây, sáng sớm tôi ra ruộng tưới nước đến xế chiều mới xong 1ha thanh long, còn bây giờ mất không quá 30 phút” - ông Truyết thổ lộ.

Theo ông Truyết, tham gia sản xuất thanh long GlobalGAP, nông dân được tạo điều kiện tham gia các cuộc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng; được hỗ trợ từ khâu chọn giống, quy trình canh tác, chăm sóc, phân bón, chống dịch bệnh đến bảo quản sau thu hoạch, quy trình quản lý, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, nông dân không còn sử dụng phân gà tươi để bón mà sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất, tiết kiệm điện năng và lượng nước sử dụng, tăng hiệu quả hấp thu phân bón,...

Chăm lo hội viên, nông dân

Không chỉ là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền, ông Truyết còn là Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Song Tân gương mẫu, hết lòng chăm lo cuộc sống hội viên, nông dân. Ông chủ động phối hợp một số công ty: Vĩnh Điền Phát, Tây Đức, Ba Con Rồng, MeKong Cần Thơ, Đại Tấn Tài,... phân phối phân hữu cơ vi sinh, thuốc trị bệnh dạng sinh học cho các hội viên, nông dân trong và ngoài ấp. “Hàng năm, gia đình tôi cung ứng hơn 100 tấn phân, thuốc với giá gốc của công ty, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho hội viên, nông dân cũng như nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình” - ông Truyết chia sẻ.

Ông Truyết còn tham gia giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với những công việc tương đối phù hợp: Vuốt ngoe, làm cỏ, rứt râu, tỉa trái thanh long. Đồng thời, ông còn quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.

“Hiện nay, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP của ông Truyết góp phần cải thiện môi trường sản xuất; giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sự phát sinh, gây hại của các loại sâu, bệnh cho cây trồng. Qua đó, làm tăng uy tín, chất lượng sản phẩm, nâng giá trị sản phẩm thanh long và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020” - Chủ tịch UBND xã An Lục Long - Hà Minh Tuấn nhận xét./.

Sông Măng

An Giang: Phát triển đàn bò sữa 20.000 con tại Tri Tôn

Nguồn tin: Báo An Giang

UBND huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang:) vừa có buổi làm việc với Tập đoàn TH True Milk (Nghệ An) về dự án đầu tư trang trại bò sữa tại huyện.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cam kết sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tập đoàn sớm triển khai dự án. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, mở ra triển vọng mới cho huyện miền núi Tri Tôn.

Trước mắt, Tập đoàn TH True Milk thống nhất sẽ thuê lại 178ha đất tại xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) để đầu tư trang trại bò sữa quy mô 20.000 con và xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn, kinh phí thực hiện khoảng 4.300 tỷ đồng.

NGÔ CHUẨN

Ninh Thuận: Triển khai mô hình chế biến thức ăn cho đại gia súc

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Phước Sơn và Phước Vinh là 2 xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp của huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Tổng diện tích trồng lúa xã Phước Sơn là 295 ha/1 vụ và trồng bắp (ngô) 300 ha/1 vụ; tổng diện tích trồng lúa xã Phước Vinh là 480 ha/1 vụ và trồng bắp 130 ha/1 vụ; lượng phụ phẩm đối với 2 loại cây trồng này rất cao: 6,5 – 7 tấn thân bắp/ha, 5,5 tấn rơm/ha.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, vào vụ thu hoạch thì lượng thân cây lúa và bắp bị bỏ đi tương đối nhiều, người dân đốt bỏ vừa gây lãng phí lại gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó vào mùa khô hạn và mùa mưa thì gia súc lại thiếu thức ăn.

Trước tình hình đó, năm 2019, được sự hỗ trợ kinh phí của dự án "Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh cho chăn nuôi đại gia súc thích ứng với tình hình hạn hán, ngập mặn", Trung tâm Công nghệ sinh học Chăn nuôi (thuộc Phân Viện Chăn nuôi Nam Bộ) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận triển khai mô hình chế biến thức ăn (ủ rơm với urê và ủ chua thân bắp) cho đại gia súc, trên địa bàn 2 xã Phước Sơn và Phước Vinh, với quy mô 60 hộ dân tham gia.

Mục đích của dự án nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa khô hạn, mùa mưa; tăng hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn; tăng tỷ lệ tiêu hóa thức ăn của gia súc; giúp người chăn nuôi nắm được quy trình chế biến thức ăn.

Tham gia mô hình các hộ được hỗ trợ 100% vật tư như: rỉ mật đường, phân urê, muối hột, men vi sinh, túi ủ kịp thời.

Tháng 3/2019, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận đã hướng dẫn cho 60 hộ tham gia mô hình kỹ thuật ủ chua thức ăn cho gia súc, trong đó tập huấn kỹ thuật ủ rơm với urê cho 30 hộ, các hộ còn lại được tập huấn kỹ thuật ủ chua thân bắp.

Đến nay, phần lớn các hộ tham gia mô hình đã nắm rõ kỹ thuật ủ và chủ động ủ thêm thức ăn dự trữ cho gia súc

Quy trình ủ rơm với urê như sau:

100 kg rơm với 100 lít nước + 4 kg urê + 2 kg rỉ mật đường + 1 kg muối.

Hòa tan urê, rỉ mật đường, muối với nước, tưới đều lên rơm theo tỷ lệ như trên, cho vào túi ni lông, nén chặt, cột kín hoặc hố ủ phủ kín. Đối với rơm rời thì sau 7 ngày có thể dùng cho gia súc ăn; đối với rơm cuộn thì sau 15 ngày có thể dùng cho gia súc ăn.

Quy trình ủ chua thân bắp như sau:

100 kg thân bắp với 5 kg rỉ mật đường + 2 kg muối ăn + 0,1 kg men vi sinh (hoặc 5 – 7 kg cám gạo, cám bắp).

Băm nhỏ thân cây bắp, phơi héo từ 2 – 5 giờ, trộn đều thân bắp với rỉ mật đường, muối ăn, men vi sinh với tỷ lệ nêu trên, nén chặt và cột kín vào túi ủ ni lông hoặc hố ủ, sau 21 ngày là sử dụng được.

Bước đầu mô hình được đánh giá cao và được nhiều hộ dân đặc biệt quan tâm. Bà con nông dân sau khi được tập huấn kỹ thuật đã nắm bắt và từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học vào trong quá trình ủ như: Pha trộn nguyên liệu với vật tư đúng theo tỷ lệ hướng dẫn, đặt túi ủ đúng vị trí thuận lợi trong việc cho ăn cũng như tránh hư hại nguyên liệu.... Kết quả 60 hộ/02 xã tham gia mô hình đều thực hiện tốt, nhiều hộ còn đặt mua thêm nguyên vật liệu để thực hiện ủ, đặc biệt có hộ đã ủ chua thân bắp với khối lượng 5 tấn.

Phạm Thị Minh Loan - TT Khuyến nông Ninh Thuận

Hậu Giang: Giá trứng vịt tiếp tục giảm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Vào giữa cuối vụ thu hoạch lúa Hè thu 2019, giá trứng vịt trên địa bàn sụt giảm nhiều. Người nuôi vịt cho biết giá trứng giảm do vào mùa vịt chạy đồng nên lượng trứng tăng nhiều, các thương lái thu mua với giá thấp.

Giá trứng vịt đã giảm khoảng 3.000-5.000 đồng/chục.

Cụ thể, khoảng 2 tuần nay, giá trứng vịt giảm khoảng 3.000-5.000 đồng/chục. Khảo sát ở các chợ trên địa bàn huyện Long Mỹ, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh, giá trứng vịt được bán từ 15.000-17.000 đồng/chục. Giá thu gom chỉ khoảng 11.000-13.000 đồng/chục. Lúc này, người nuôi vịt chạy đồng canh cánh nỗi lo thua lỗ vì giá trứng vịt đầu năm đến nay luôn giữ mức thấp, trong khi chi phí chăn nuôi không giảm.

Tin, ảnh: KỲ ANH

Nông hộ nuôi 30 con bò sữa khép kín

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Ông Nguyễn Văn Tư ở thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, Hưng Yên từ vài năm nay đã đạt được mục tiêu gia đình đề ra: 30 con bò sữa + 4 lao động = thu lãi 50 triệu đồng/tháng.

"Chỉ nghe và tham quan mô hình thì việc đạt được mục tiêu nói trên là khá đơn giản. Nhưng bắt tay vào thực hiện mới thấy phát sinh nhiều vấn đề chưa lường hết được. Nếu không có bề dày kinh nghiệm chăn nuôi, có khi còn phải trả giá đắt, thậm chí rất đắt", ông Tư nhấn mạnh.

Trang trại bò sữa của gia đình ông Tư.

Trong câu chuyện làm giàu từ chăn nuôi bò sữa của mình, ông Tư vẫn còn lộ vẻ xót xa: “Những ngày mới khởi nghề, sẵn có tiềm lực trong gia đình, tôi đã mua liền 15 con bò sữa đang mang thai, hy vọng vài ba tháng sau sẽ nhân rộng đàn bò lên gấp đôi. Nào ngờ, cả đàn bò sắp đến ngày sinh nở, chỉ ở được chưa đầy 40 ngày đã theo nhau vào lò giết mổ hết.

Sau này tôi mới biết mình quá liều, chưa từng trải qua thực tế chăn nuôi, đã xuống tiền mua số lượng lớn bò sữa, toàn là những con đang bụng mang dạ chửa, gặp phải thời tiết nắng nóng không làm mát giải nhiệt kịp thời cho trang trại, dẫn đến sức khỏe của cả đàn bò bị suy kiệt nhanh chóng... gây lỗ ngót 700 triệu đồng.

Buồn bã vì bị mất “tiền ngu” quá lớn, hàng ngày lại phải nghe vợ con trách móc eo xèo, tôi đã tính bỏ nghề, nhưng nghĩ lại, thấy nhiều hộ trong làng vẫn đang nuôi bò sữa rất hiệu quả, chẳng lẽ mình chịu thua.

Hơn nữa số tiền đầu tư cho nuôi bò đang nằm trong cơ sở hạ tầng cũng phải là nhỏ (khoảng 1 tỷ đồng), bao gồm vừa thuê vừa chuyển nhượng lâu dài gần 3ha ruộng trồng cỏ voi, cùng hệ thống chuồng trại, máy cắt thái cỏ, máy trộn thức ăn, máy vắt sữa, nhiều bể ủ cỏ dự trữ nuôi bò và hàng chục m3 hầm biogas xử lý chất thải... Nếu dừng chăn nuôi thì số vốn này cũng sẽ mất theo".

Ông Tư nghiền cỏ nuôi bò sữa.

Xuất phát từ những cân nhắc trên, ông Tư đã xốc lại tinh thần, động viên vợ con, vay vốn ngân hàng và người thân, rồi lặn lội lên Tuyên Quang học hỏi lại kỹ thuật nuôi bò sữa, kết hợp mua mới con giống về nuôi. Theo đó ngày nào cũng vậy, ông thức dậy từ 4 giờ sáng cùng gia đình vệ sinh chuồng trại, tắm rửa sạch sẽ cho bò, pha nước ấm rửa lại bầu vú từng con bò trước khi vắt sữa. Công đoạn này phải hoàn thành trước 7 sáng và 5 giờ chiều mỗi ngày, để đưa sữa kịp thời đến điểm thu gom theo thời gian qui định của nhà máy...

Mọi công việc tuần tự trong ngày, đều được các thành viên trong gia đình ông thực hiện chính xác như lập trình trên máy. Kết quả, chỉ 3 năm chăn nuôi bò sữa, ông đã trả được hết vốn vay, thu hồi được tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, sau đó là kinh doanh có lãi.

Ông Tư còn hào hứng khoe: Có khá nhiều hội nghị tập huấn kỹ thuật chăn nuôi của tỉnh và huyện đã chọn trang trại của tôi làm mô hình trực quan, một số sinh viên từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam từng về đây tập sự.

Theo ông Tư, trong chăn nuôi bò sữa có 3 khâu then chốt nhất là: Chọn mua con giống tốt. Cho ăn đầy đủ, cân đối thức ăn thô tinh. Và đảm bảo vệ sinh, mát mẻ cho đàn bò suốt quá trình chăn nuôi, trước và sau vắt sữa.

Để có được giống bò sữa tốt nên mua từ Nông trường Mộc Châu (Sơn La). Nếu mua từ các địa phương khác phải có lý lịch giống rõ ràng, bê cái được sinh ra từ các cặp bố mẹ khỏe mạnh, mắn đẻ, nhiều sữa, dễ vắt, cơ thể cân đối, thân gọn nhỏ, ngực sâu rộng nở nang, cổ thanh, mặt ngắn, miệng và mũi to, đuôi dài bông, mông to, hông nở phẳng, bầu vú to đều gắn chặt vào bụng, 4 núm vú đều và cách xa nhau, chân thẳng, đứng không vẹo, tính nết hiền dịu, phàm ăn, linh hoạt, dễ điều khiển, kết hợp với loại thải sớm các con bò ít sữa trong quá trình khai thác.

Bò sữa hay mắc nhất là bệnh viêm vú, có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vệ sinh chuồng trại, tắm rửa cho bò ngày 2-3 lần, khi thời tiết nắng nóng phải bật dàn máy phun mưa làm mát mái chuồng, sau vắt sữa cũng phải vệ sinh bầu vú bò 2 lần bằng nước sạch và thuốc sát trùng, máy vắt sữa, các dụng cụ chứa đựng phải tráng rửa cẩn thận bằng nước ấm 70 độ C.

Cỏ các loại, cám ngô, cám gạo, bột đậu tương, vitamin, men tiêu hóa, phải phối trộn đều trước khi cho bò ăn. Chú ý cho bò ăn đúng giờ, ngay sau khi vắt sữa xong...

“Trang trại nhà tôi chẳng bỏ đi thứ gì, phân bò dùng thâm canh cỏ voi, nước thải chuồng đưa xuống hầm biogas lấy khí đốt cho sinh hoạt gia đình và đun nước rửa vệ sinh bầu vú cho bò”, ông Tư chia sẻ.

NGUYỄN HẢI TIẾN

Nguồn nước, tác nhân chính khiến dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Theo ghi nhận của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp, đến ngày 17/7, toàn tỉnh đã có trên 63 ngàn con heo buộc phải tiêu hủy do dịch tả heo Châu Phi (DTHCP), chiếm gần 24% tổng đàn heo của tỉnh. Các chuyên gia nhận định nguồn nước là tác nhân chính khiến cho tình hình DTHCP khó kiểm soát và gây thiệt hại nghiêm trọng trong thời gian qua.

Sử dụng nguồn nước không đảm bảo, một trong những nguyên nhân chính khiến dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngoài các tác nhân như: người chăn nuôi không thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an toàn sinh học trong chăn nuôi, sử dụng nguồn thức ăn thừa, không kiểm soát khâu vận chuyển... thì việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho DTHCP lây lan nhanh.

Xã Tân Phú Trung, một trong trong những địa phương có tổng đàn heo lớn nhất huyện Châu Thành thì những đợt mưa bão kéo dài, DTHCP sẽ bùng phát dữ dội và tốc độ lây lan sẽ nhanh hơn vào những ngày nắng. Ông Võ Đình Trọng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: “Đặc điểm chăn nuôi heo ở địa phương chủ yếu là nhỏ lẻ, các chuồng heo của hộ dân thường tập trung và san sát nhau, vì vậy tốc độ lây lan dịch bệnh giữa các hộ chăn nuôi sẽ nhanh hơn tại các địa phương khác. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo, chưa qua xử lý sát trùng cũng là nguyên nhân khiến cho DTHCP bùng phát mạnh ở địa phương thời gian qua”.

Theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong thời gian tới, đặc biệt bước vào cao điểm của mùa mưa và nước lũ từ thượng nguồn bắt đầu đổ về, nguồn nước vẫn là yếu tố tác động hàng đầu đến đàn heo của tỉnh nhà. Ngoài ra, với tập quán chăn nuôi hiện nay của người dân, chuồng trại thiết kế không đảm bảo và người chăn nuôi không thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học (sử dụng nguồn nước sông chưa qua xử lý để vệ sinh chuồng trại, không kiểm soát người và phương tiện ra vào trại, sử dụng thức ăn thừa...) thì tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài đến hết tháng 8/2019.

Ông Bạch Tuấn Kiệt - Trưởng phòng Kiểm soát dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Theo khảo sát của chúng tôi về diễn biến của DTHCP tại Đồng Tháp thì đối với một số trang trại lớn có sử dụng nguồn nước máy hoặc nguồn nước ngầm độc lập thì phần nhiều tới thời điểm này vẫn đảm bảo sức khỏe an toàn cho đàn heo. Riêng đối với các hộ chăn nuôi có thói quen xử dụng nước sông chưa qua xử lý để phục vụ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh gia súc thì phần nhiều DTHCP rất dễ tấn công. Vì vậy, ngành thú y khuyến cáo người chăn nuôi chỉ nên sử dụng nước máy, nước sông đã qua xử lý thuốc sát trùng hoặc nước giếng... để tắm rửa gia súc và vệ sinh chuồng trại. Đồng thời, các chất thải sau khi vệ sinh chuồng trại cần xử lý và lưu trữ tại hầm biogas hoặc hầm trữ lắng, không xả thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài. Người chăn nuôi cần lưu ý tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, nên giữ ấm cho gia súc, nhất là những ngày mưa bão nhằm giúp vật nuôi không bị cảm lạnh, đủ sức đề kháng chống chịu với bệnh tật”.

Tính đến ngày 17/7/2019, toàn tỉnh đã có 3.531 hộ chăn nuôi ở 121 xã của 12/12 huyện, thị, thành có heo mắc bệnh, với số lượng: 63.069 con (chiếm khoảng 24% tổng đàn heo của tỉnh). Trong đó, heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 63.020 con, tổng khối lượng heo tiêu hủy hơn 4.442 tấn. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 xã, phường: Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh), phường 1 (TP.Sa Đéc), Hưng Thạnh (huyện Tháp Mười) và thị trấn Cái Tàu Hạ (Châu Thành) đã qua 30 ngày và 6 xã, phường, thị trấn khác đã hơn 21 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới. Các huyện, thị, thành đã chi hỗ trợ cho 452 hộ chăn nuôi bị thiệt hại, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 21 tỷ đồng.

Mỹ Lý

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop