Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 03 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 03 năm 2020

Đắk Lắk: Nông dân khóc ròng vì cây trồng khô hạn

Nguồn tin:  Báo Đắk Lắk

Hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh Đắk Lắk đang bị khô hạn, thiếu nguồn nước tưới.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, đơn vị và kiểm tra thực tế tại 7 huyện trong tỉnh (Ea H'leo, Ea Súp, M’ĐrắK, Ea Kar, Lăk, Krông Bông, Krông Năng) của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT), đến ngày 23-3 toàn tỉnh có 1.085 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 491 ha lúa và 594 ha cây hoa màu các loại. Đã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ ở một số địa phương như: các xã Ea H'leo, Ea Sol, Cư Amung, huyện Ea H'leo (30 hộ); các xã Ea Trul, Jang Reh, huyện Krông Bông (127 hộ); xã Ia R’vê, Ia Lốp, Cư Kbang huyện Ea Súp (khoảng 300 hộ).

Theo Sở NN - PTNT, với diện tích cây trồng hiện có, thực trạng nguồn nước tưới và theo thông tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia các tỉnh ven biển Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, đến giữa tháng 4- 2020 nếu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có mưa, dự kiến có khoảng 30.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới (gồm 4.000 ha lúa, 1.000 ha hoa màu và 25.000 ha cây lâu năm). Trong đó: diện tích không còn nguồn nước để chống hạn có khả năng bị mất trắng khoảng 2.000 ha (gồm 500 ha lúa, 300 ha cây hoa màu và 1.200 ha lâu năm). Tình trạng thiếu nước sinh hoạt có thể xảy ra ở nhiều thôn buôn, kể cả khu vực có công trình cấp nước tập trung do giếng khoan bị cạn (dự kiến khoảng 2.000 hộ bị thiếu nước), chủ yếu ở các huyện: Ea Kar, Cư M'gar, Buôn Đôn, Ea H'leo, Krông Búk, Krông Bông, Lắk, Ea Súp.

Vì vậy, Sở NN - PTNT yêu cầu các đơn vị liên quan và các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết; đồng thời tập trung triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 22-1-2020 việc tăng cường phòng, chống hạn hán trong mùa khô năm 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

Dưới đây là một số hình ảnh về hạn hán ở các địa phương:

Hồ chứa nước tưới ở buôn Bhung (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) khô nứt nẻ. Ảnh: Văn Tâm

Nhiều diện tích lúa ở xã Cư Mta (huyện M 'Đ'răk) bị chết khô. Ảnh: Nguyên Hoa

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M'Đrắk Nguyễn Thế Thập đánh giá: so với mọi năm, diễn biến hạn hán năm nay phức tạp hơn. Ngoài diện tích lúa nước, ngô, sắn và mía bị thiếu nước tưới, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra cục bộ tại một số điểm dân cư - điều này chưa xảy ra ở địa phương. Ảnh: Nguyên Hoa

8 sào cà phê trồng được 2 năm của ông Y Bliêm Niê (buôn Cư Mtao, xã Ea Sin, huyện Krông Búk) dự kiến cho thu bói trong năm nay nhưng do không có nước tưới nên đang chết cháy. (Trong ảnh: Một cán bộ địa phương kiểm tra vườn cà phê của ông Y Bilêm). Ảnh: Như Quỳnh

Suối Ea Súp Né (buôn Ea Kring, xã Ea Sin, huyện K rông Búk) đã cạn kiệt nước. Ảnh: Như Quỳnh

Còn đây là ao trữ nước tưới cho cánh đồng lúa ở buôn Sơ Đăng (xã Ea Sar, huyện Ea Kar). Người dân địa phương phản ánh, đây là lần đầu tiên nước trong ao bị cạn gần trơ đáy. Mùa khô năm 2016 ao trữ nước này cũng từng bị hạn, nhưng mực nước vẫn còn gần được nửa ao. Ảnh: Linh Ân

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar (huyện Ea Kar) Văn Đình Thìn kiểm tra diện tích lúa đông xuân 2019 - 2020 bị khô hạn ở cánh đồng buôn Sơ Đăng. Ảnh: Linh Ân

Một số diện tích cà phê mới tái canh trên địa bàn xã Ea Sar cũng đang chết héo. Ảnh: Linh Ân

Không đủ nước tưới, bà Hoàng Thị Thảo ở thôn 4 (xã Ea Sô, huyện Ea Kar) phải bỏ bớt diện tích trồng bầu, bí đao. Ảnh: Linh Ân

Trước tình hình hạn hán, người dân xã Ea Sô (huyện Ea Kar) mua máy nổ bơm nước cứu cây trồng Ảnh: Linh Ân

Tại huyện M'Đrắk, bà con nông dân cũng đang bơm nước để cứu lúa. Ảnh: Nguyên Hoa

Hồ Ea Tung Xây, xã Cư Mta, huyện M'Đrắk bắt đầu cạn nước. Ảnh: Nguyên Hoa

Phòng Báo Điện tử thực hiện

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bình thường trở lại

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Ngày 24-3, theo tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu giáp với Trung Quốc đã bình thường trở lại nhưng tốc độ chậm do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Theo thống kê của các địa phương những ngày gần đây: Tại tỉnh Lạng Sơn còn khoảng hơn 1.000 xe hàng, chủ yếu là các loại trái cây, nông sản chờ xuất khẩu; tại cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), thông quan trong nửa đầu tháng 3-2020 là 169 container hoa quả gồm thanh long, xoài, mít, chuối..., (tương đương 3.524 tấn), 290 container bột sắn (10.046 tấn), 165 container thủy hải sản tươi sống (1.586 tấn)..., không có hoa quả tồn qua ngày.

Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, các tỉnh biên giới chỉ đạo trạm hải quan, trạm kiểm dịch và lực lượng chức năng tăng cường biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa tại địa phương có biên giới giáp với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường quản lý nhà nước về thương mại, quản lý thị trường, lưu thông, cung ứng hàng hóa; kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và tiêu dùng; hướng dẫn các địa phương cân đối cung - cầu, tránh đưa hàng hóa ồ ạt lên các tỉnh biên giới, gây nguy cơ ùn tắc, ứ đọng…

Đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT chuẩn bị đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa, kích cầu tiêu dùng trong nước, chuẩn bị cho các vụ thu hoạch rau, củ, quả; thực hiện mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó có nông sản…

NGỌC QUỲNH

TP. Huế vận động hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản

Nguồn tin:  Báo Thừa Thiên Huế

Chiều 23/3, UBND TP. Huế ra thông báo về việc hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản giúp người dân 3 huyện Phong Điền, Quảng Điền và Phú Vang do ảnh hưởng của dịch COVID- 19.

Nhiều trang trại vịt đến kỳ xuất chuồng nhưng không tiêu thụ được khiến người nông dân gặp khó

Để giúp bà con vượt qua khó khăn, thành phố yêu cầu các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố; UBND 27 phường, Ban Quản lý các chợ trên địa bàn TP. Huế vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức tham gia mua hỗ trợ sản phẩm gia cầm cho bà con nông dân với số lượng ít nhất 1 sản phẩm/người.

Theo đó, số lượng gia cầm cần tiêu thụ là 90.000 con, trong đó có 50.000 con gà có trọng lượng từ 1,4- 1,7kg/con, 40.000 con vịt có trọng lượng từ 1,8- 2,6kg; cá diêu hồng khoảng 40 tấn. Qua khảo sát, hiện toàn thành phố có trên 1.800 CBCNV- LĐ trực thuộc UBND TP. Huế.

Ngoài việc vận động CBCNV- LĐ mua sản phẩm, thành phố đề nghị ban quản lý các chợ vận động tiểu thương hình thành các điểm kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản; đông thời tăng cường hoạt động thu mua, tiêu thụ cho bà con nông dân.

Tin, ảnh: THANH HƯƠNG

Tưới tiết kiệm cho cây sầu riêng trên đất trồng điều

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sầu riêng, cây trồng cho thu nhập cao nhưng làm sao để nông dân có thể trồng sầu riêng trên vùng đất trồng điều được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng “giải mã” khi thực hiện mô hình “Trồng cây sầu riêng trên đất trồng điều kết hợp sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho cây sầu riêng”.

Mô hình tưới nước tiết kiệm nhà anh Lương Công Tuyên.

Gia đình anh Lương Công Tuyên, Thôn 4, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai vốn chuyên trồng điều. Anh Tuyên bảo rằng, thấy bà con xung quanh trồng sầu riêng cho thu nhập rất cao, gia đình anh cũng mong mỏi tiếp cận kỹ thuật trồng sầu riêng và đã tham gia mô hình trồng sầu riêng tưới tiết kiệm nước do cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện. Với 1 ha đất điều già cỗi, anh Tuyên đào từng hốc điều để thay vào đó là các hố trồng sầu riêng. Đầu mùa mưa năm 2019, anh xuống giống trên 130 cây sầu riêng giống và tới hôm nay tất cả diện tích sầu riêng của anh đều phát triển ổn định, chiều cao đã đạt xấp xỉ 1,2 m.

Điều làm anh Tuyên mừng nhất là cây sầu riêng cần rất nhiều nước, nhất là trong giai đoạn cây non, cây kiến thiết cơ bản. Đạ Huoai mùa khô nước thiếu nhưng sầu riêng đòi hỏi phải tưới thường xuyên, tần suất tuần tưới 1-2 lần tùy nhiệt độ, mỗi lần tưới đẫm cần tới 80-100 lít nước/gốc. Nhiều gia đình phải mất 2 công lao động/ngày tưới cho 1 ha sầu riêng mới trồng. Nhưng khi lắp đặt hệ thống tưới tự động cho sầu riêng, chỉ cần mở van nổ máy, nước sẽ chảy từ từ vào đúng gốc. Chỉ cần 3 lít dầu và gần 2 giờ, cả ha sầu riêng đã được tưới đẫm, chi phí giảm nhiều lần so với dùng sức người kéo ống, tưới cây.

Anh Nguyễn Thanh Sơn, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, người trực tiếp thực hiện đề tài cho biết, tưới tiết kiệm trên sầu riêng là kỹ thuật mới phát triển nhằm giảm lượng nước tưới, giảm công lao động cũng như chi phí nhiên liệu. Đặc biệt, với tình hình nguồn nước ngày càng khó khăn, giảm lượng nước sử dụng sẽ góp phần giữ gìn môi trường rất lớn, đảm bảo an ninh nguồn nước. Quá trình thực nghiệm cho thấy, tưới dí bằng vòi sẽ mất khoảng 80-100 lít nước/gốc. Tưới tiết kiệm chỉ tốn khoảng 40-60 lít/gốc, giảm 50% lượng nước sử dụng do tưới trực tiếp vào gốc, không bị lãng phí nước ra ngoài. Với nhu cầu nước cao như cây sầu riêng, việc tiết giảm lượng nước tưới có ý nghĩa quan trọng bên cạnh giảm công lao động cũng như giảm chi phí dầu tưới.

Với mô hình nhà anh Lương Công Tuyên, Trung tâm áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho cây sầu riêng kiến thiết cơ bản gồm hệ thống ống chạy ngầm, ống tưới có gắn đầu phun gốc. Nhằm tính trước khả năng cây phát triển, hệ thống ống đã được lắp sẵn ống chờ để khi cây trưởng thành, sẽ lắp thêm hệ thống phun thuốc và tưới phun trên đỉnh, phục vụ cho cây sầu riêng đơm hoa đậu quả. Hiện tại mô hình đầu tư từ giống, phân bón và hệ thống tưới tự động, Trung tâm hỗ trợ gia đình anh Tuyên gần 60 triệu đồng, gia đình đối ứng xấp xỉ 25 triệu đồng. Với chi phí chưa tới 85 triệu đồng/ha sầu riêng, nhiều nông hộ có thể đầu tư để đạt thuận lợi trong sản xuất. Và thực tế, tại Hà Lâm, một số hộ gia đình trồng mới đã áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, vừa tiết kiệm nước, vừa tiết kiệm công và chi phí tưới, nhất là đảm bảo nguồn nước trong mùa khô cao nguyên.

DIỆP QUỲNH

Tiền Giang: Gần 85 ngàn khối nước giúp dân cứu sầu riêng

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, tỉnh đã tổ chức 37 điểm cấp nước ngọt cứu khẩn cấp cây sầu riêng và phục vụ sản xuất các cây ăn trái khác ở các huyện phía Tây.

Đến 15 giờ ngày 22-3 các địa phương đã tiếp nhận 84.559 m3 nước ngọt, đã phân phối 66.193 m3 cho 10.974 hộ dân, cụ thể: Huyện Châu Thành đã tổ chức được 6 điểm, với 12.390 m3 nước tiếp nhận, đã phân phối 11.300 m3 , cấp cho 1.505 hộ; TX. Cai Lậy đã tổ chức được 12 điểm, với 12.767 m3 nước tiếp nhận, đã phân phối 6.924 m3 , cấp cho 1.888 hộ; Huyện Cai Lậy đã tổ chức được 19 điểm, với 59.402 m3 tiếp nhận, đã phân phối 47.968 m3, cấp cho 7.581 hộ.

Hiện tỉnh cũng đang vận chuyển nước ngọt tưới cho cây thanh long, mít, bưởi tại vùng Ngọt hóa Gò Công.

M.T

Vĩnh Long: Nỗ lực ‘giải cứu’ vườn sầu riêng nhiễm mặn

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Sau thời gian tích cực giải độc mặn, chăm sóc lại vườn sầu riêng héo lá do nhiễm mặn, một số nhà vườn ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết sầu riêng đã có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên cần có thời gian từ 1- 2 năm mới có thể cho trái trở lại.

Sầu riêng đã có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên phải mất từ 1- 2 năm chăm sóc thì cây mới có thể cho trái trở lại.

Trở lại vườn sầu riêng của nhà vườn Nguyễn Văn Chung (ấp Lăng, xã Thanh Bình- Vũng Liêm), nơi mà cách đây hơn một tháng, 10 công sầu riêng của ông bị nước mặn xâm nhập gây héo lá, chết cây.

Đang loay hoay chăm sóc lại vườn sầu riêng, ông Nguyễn Văn Chung cho biết, nhờ được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật giải độc mặn, sử dụng phân thuốc chăm sóc lại vườn sầu riêng nên đến nay vườn sầu riêng héo lá của ông đã “tỉnh” lại, cây bắt đầu ra đọt non và có dấu hiệu phục hồi.

Do sầu riêng còn yếu nên hiện một số cây có nhánh, đọt bị héo ông Chung vẫn chưa thể tỉa cành, tạo tán vì sợ cây mất sức. Dự kiến đến tháng 5, khi sầu riêng đã phục hồi bộ rễ ông mới cưa bớt nhánh đã chết.

Gần đó, 10 công sầu riêng của ông Nguyễn Văn Liêm (ấp Lăng, xã Thanh Bình) cũng có dấu hiệu hồi phục sau thời gian bị nước mặn tấn công.

Ông Liêm cho biết đã sử dụng các loại phân thuốc giải độc mặn và bổ sung phân hữu cơ để cứu vườn cây. Tuy nhiên vườn sầu riêng của ông có một số cây bị suy kiệt, khó có khả năng phục hồi nên ông đành phải đốn bỏ.

3 công sầu riêng của anh Nguyễn Văn Niêm (ấp Lăng, xã Thanh Bình) thì phục hồi khá tốt, chỉ có 1 cây bị héo lá, khô nhánh tưởng đã chết nhưng sau thời gian chăm sóc, cây vẫn cho ra lá non nên vẫn còn cứu được. Điều mà anh Niêm lo nhất hiện nay là nguồn nước ngọt để tưới đang rất khó khăn.

Vì từ khi mặn xâm nhập đến nay, độ mặn ngoài sông luôn ở ngưỡng gây hại cho sầu riêng nên nhà vườn nơi đây không thể lấy nước, hiện nguồn nước trong mương vườn đã gần khô kiệt.

Đã vậy, độ mặn của nước trong mương vườn vẫn đang ở mức 0,8‰. Với độ mặn này mà tưới cho cây thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng vì nắng nóng, nước bốc hơi, độ mặn tồn lưu trong đất sẽ còn cao hơn mức này. Anh Niêm cho biết chỉ còn cách chờ mưa xuống chứ không thể lấy nước sông tưới cho cây.

Ghi nhận tại một số nhà vườn có sầu riêng bị nhiễm mặn, mặc dù cây đang “chết khát” nhưng nhiều hộ chưa có giải pháp hữu hiệu để trữ nước ngọt giúp cây chống chịu qua thời gian hạn, mặn này.

Ông Nguyễn Văn Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình- cho biết: Trước nay, nhà vườn nơi đây chủ yếu trữ nước trong mương, vườn và hầu như ít lót bạt.

Việc làm này hiệu quả không cao, tưới vài lần là bị xì mặn vì ở cù lao này nước mặn còn xâm nhập theo đường mọi đáy.

Hiện địa phương đang tích cực khuyến cáo nhà vườn mua túi trữ nước ngọt hoặc lót bạt trữ nước trong mương vườn để ứng phó với mặn hiệu quả hơn.

Hạn, mặn vào tháng 1 và tháng 2/2020, khiến cho 100ha sầu riêng của xã Thanh Bình bị cháy lá, ước giảm năng suất từ 10- 30%.

Do chưa có giải pháp trữ nước ngọt phù hợp nên nhiều nhà vườn gặp khó khi độ mặn ngoài sông còn cao. Trong ảnh: Nhà vườn ở cù lao Dài đào ao lót bạt trữ nước ứng phó với hạn, mặn.

Theo ông Nguyễn Văn Sáu- Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vũng Liêm, để phục hồi vườn sầu riêng bị nhiễm mặn tùy tình trạng nặng hay nhẹ, nhà vườn cần cắt tỉa những cành héo, chết, tỉa bỏ toàn bộ hoặc một phần hoa hoặc trái.

Bên cạnh đó là sử dụng nước ngọt tưới cây thường xuyên để rửa trôi lượng muối đã tích tụ trong đất giúp rễ cây sớm phục hồi.

Để tăng tính chống chịu của cây, nhà vườn nên sử dụng các chế phẩm hoạt chất Brassinolide (gồm: Ethephone etthephon, Plasti Mula, Brightstar 25 EC, Rice Holder) và các chất có chứa các acid amin như Proline, Alanine, Leucine.

Ngoài ra, phân hữu cơ hoai mục cũng giúp cung cấp thêm dinh dưỡng rất tốt cho sầu riêng. Khi hoàn thiện bộ rễ non, sầu riêng cần cung cấp đầy đủ các chất trung, vi lượng từ phân bón NPK để giúp cây sớm phục hồi.

Nhà vườn cần lưu ý không sử dụng phân bón có thành phần Natri và Clo để bón cho cây vì sẽ làm tình trạng nhiễm mặn nặng hơn, đồng thời không xử lý ra hoa đối với những cây mới phục hồi, chỉ để hoa và trái với số lượng phù hợp ở những cây khỏe mạnh.

Bài, ảnh: THÀNH LONG- TẤN ANH

Nông dân trồng bắp sú thua lỗ trên 1,2 tỷ đồng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Vụ Đông Xuân vừa qua, nông dân huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) trồng trên 175 ha bắp sú ước tính sản lượng đạt trên 5.200 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ chậm, vì vậy giá bắp sú từ sau tết đến nay giảm mạnh. Hiện nay thương lái mua bắp sú với giá 1.000 đồng/cây, do đó đã có hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn bị thua lỗ từ 10 triệu lên đến 50 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, ớt chuông trước Tết Nguyên đán thương lái mua tại vườn với giá 25 ngàn đồng/kg, cá biệt có thời điểm lên đến 40 ngàn đồng/kg thì nay chỉ còn 5 ngàn đồng/kg nên nhiều hộ nông dân cũng rơi vào tình cảnh điêu đứng vì trồng ớt chuông.

NGỌC THANH

Bạc Liêu: Sản xuất giống lúa ST24, ST25 ở vụ hè thu và vụ lúa trên đất nuôi tôm

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, tỉnh sẽ triển khai canh tác giống lúa ST24, ST25 thí điểm vụ hè thu và vụ lúa trên đất nuôi tôm 2020.

Trước đó, Bạc Liêu đã triển khai sản xuất giống lúa ST24 ở vụ mùa 2019 - 2020 (lúa trên đất tôm) tại xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long) với diện tích gần 200ha và xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân) khoảng 120ha.

Qua đánh giá bước đầu cho thấy, giống lúa ST24 chống chịu tốt với điều kiện phèn mặn, sâu bệnh; năng suất đạt 6,2 - 7,7 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 31 - 39 triệu đồng/ha/vụ. So với các giống lúa khác thì lợi nhuận của giống lúa ST24 rất cao.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ triển khai canh tác giống lúa ST24, ST25 thí điểm vụ hè thu và lúa trên đất tôm năm 2020, chủ yếu trên địa bàn huyện Phước Long, huyện Hồng Dân và TX. Giá Rai. Thời gian xuống giống lúa ST24, ST25 vụ hè thu khoảng vào tháng 5/2020; xuống giống lúa ST24, ST25 cho vụ lúa trên đất nuôi tôm vào tháng 9/2020 (với khoảng 3.500ha).

 PV

Phong Điền (Thừa Thiên Huế): Đẩy mạnh tiêu hủy sắn bị bệnh khảm lá sắn

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang đẩy mạnh việc tiêu hủy sắn bị bệnh khảm lá, tránh lây lan và hạn chế thiệt hại…

Cán bộ, giáo viên Trường THCS Phong Hiền giúp dân nhổ bỏ những cây sắn bị bệnh khảm lá

Quyết liệt trong tiêu hủy

Tại cánh đồng thuộc thôn Bắc Triều Vịnh (Phong Hiền, Phong Điền), anh Hoàng Ngọc Hùng vừa nhổ những gốc sắn bị bệnh vừa than thở: “Gia đình tôi năm nay trồng 7ha sắn, hàng năm trung bình mỗi ha sắn mang lại thu nhập cho gia đình từ 30 – 40 triệu đồng. Giờ buộc phải nhổ bỏ mang đi tiêu hủy làm ảnh hưởng khá lớn đến kinh tế của gia đình”.

Theo tính toán của anh Hùng, từ đầu vụ đến nay gia đình anh đã chi phí hơn 100 triệu đồng để đầu tư vào cây sắn. Trong đó, tiền thuê người làm đất, trồng sắn khoảng 40 triệu đồng, anh đã trả. Số tiền còn lại khoảng 70 triệu đồng tiền phân bón, thuốc từ sâu đang nợ chủ cửa hàng và phải chịu lãi suất 10%/tháng. Dự định khi thu hoạch sẽ trả, nhưng nay thì không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ đây. Hiện nay, 7ha sắn của anh, thì có đến 6ha bị bệnh khảm lá trên 70%, 1ha bị bệnh khảm lá dưới 70%.

Nhiều nông dân ở xã Phong Hiền cũng đang đứng trước nguy cơ nợ nần vì diện tích sắn bị mất trắng do bệnh khảm lá gây hại.

Ông Nguyễn Nguyên, nông dân trồng sắn thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền buồn bã nói: Gia đình tôi năm nay trồng được 2,5 mẫu sắn, đến nay gia đình tôi đã chi phí ra hơn 6 triệu đồng tiền làm đất, phân bón, phun thuốc, chưa kể tiền công chăm sóc hơn 3 tháng nay. Khi mới phát hiện bệnh, tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây mua đủ các loại thuốc bảo vệ thực vật về phun nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm, đành nhìn sắn chết dần.

Trước diễn biến của dịch bệnh, UBND xã Phong Hiền đã vận động người dân nhổ bỏ các cây sắn đã nhiễm bệnh nhằm hạn chế lây lan. UBND xã cũng đã thành lập Ban chỉ đạo và các tổ tiêu hủy sắn ở các thôn để vận động, kiểm tra, giám sát việc tiêu hủy sắn tại địa phương.

UBND xã Phong Hiền đã huy động gần 200 cán bộ, giáo viên của 5 trường học trên địa bàn và 100 đoàn viên thanh niên giúp người nông dân nhổ bỏ, tiêu hủy diện tích sắn bị nhiễm bệnh. Qua triển khai, đông đảo đoàn viên, giáo viên tích cực, nhiệt tình trong việc giúp dân.

Ngoài việc giúp các hộ nông dân nhổ bỏ, tiêu hủy sắn bị bệnh, các giáo viên, đoàn viên còn tham gia vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn người trồng sắn hiểu rõ mức độ nguy hại, các triệu chứng nhận biết cây sắn bị bệnh, từ đó, áp dụng biện pháp phòng, chống quyết liệt, kịp thời, triệt để.

Người dân Phong Sơn nhổ bỏ sắn bị bệnh khảm lá

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền, huyện Phong Điền cho biết, toàn xã trồng 286ha. Trong đó, có trên 200ha hư hại trên 70%. Đến nay, UBND xã đã vận động và huy động lực lượng giúp đỡ người dân nhổ bỏ, tiêu hủy khoảng 90% sắn bị bệnh. Đối với những hộ không chấp hành, UBND xã lập biên bản vi phạm hành chính; đồng thời xử lý vi phạm, buộc hộ gia đình phải chấp hành tiêu hủy theo quy định.

Sẽ hỗ trợ nông dân

Theo kế hoạch năm 2020, huyện Phong Điền sẽ đưa vào trồng 1.200ha sắn, đến nay đã triển khai trồng được 1.198ha. Hiện, toàn huyện đã có trên 991ha diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, xuất hiện hầu hết ở tất cả các xã, thị trấn, trong đó tỷ lệ bệnh gây hại trên 70% là 550,8ha và 440,3ha bị nhiễm bệnh dưới 70%. Các xã bị nhiễm bệnh nặng như Phong Mỹ 128,5/128,5ha; Phong Hiền 259,15/268,44ha; Phong An 172,75/176ha; Phong Sơn 157/182ha…

Chở sắn bị bệnh khảm lá đem đi tiêu hủy

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền -Nguyễn Văn Quang, hiện nay nhiều người dân đang chần chừ vì tâm lý tiếc của khi phải nhổ bỏ số sắn nhiễm bệnh, khiến diện tích sắn nhiễm bệnh ngày càng gia tăng. Do vậy, huyện Phong Điền đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương quyết liệt xử lý theo hình thức tiêu hủy toàn bộ diện tích sắn nhiễm bệnh trên 70% và tổ chức tiêu hủy cục bộ đối với diện tích sắn nhiễm bệnh dưới 70%. Đến nay toàn huyện đã xử lý, tiêu hủy 377,5ha.

UBND huyện Phong Điền đã thống nhất mức hỗ trợ tiêu hủy trên diện tích sắn bị nhiễm bệnh là 2 triệu đồng/ha đối với diện tích bị nhiễm bệnh trên 70% và 1 triệu đồng/ha đối với diện tích bị nhiễm bệnh dưới 70%. Với phương án hỗ trợ trên đã phần nào giảm bớt khó khăn cho người nông dân, tạo niềm tin để các hộ dân có thể chuyển đổi cây trồng trước mắt, tránh thiệt hại về sau.

Tiêu hủy sắn ngay tại nơi nhổ bỏ

Hiện nay, bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát sinh và gây hại. Do đó, các địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân không sử dụng giống sắn đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước, giống từ vùng bị nhiễm bệnh để trồng mới; đồng thời vận động nông dân tiêu hủy những cây sắn có biểu hiện bệnh khảm lá, tránh thiệt hại về cả công sức lẫn tiền bạc.

Bài, ảnh: Hải Huế

Vĩnh Long: Phát triển chăn nuôi dê sinh sản theo hướng an toàn sinh học

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Nghề chăn nuôi dê ở Vĩnh Long đã có từ lâu, tuy nhiên hầu hết các hộ nuôi ở quy mô nhỏ, lẻ, theo phương thức truyền thống, chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nên khó khống chế dịch bệnh, từ đó, hiệu quả chưa cao.

Để khơi dậy phong trào chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa có kiểm soát, an toàn sinh học và xử lý chất thải thì việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi cho các nông hộ trong tỉnh là hết sức cần thiết. Xuất phát từ thực tế đó, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi dê sinh sản theo hướng an toàn sinh học quy mô nông hộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017 - 2019” cho 68 hộ tham gia trong 15 xã trên địa bàn các huyện Trà Ôn, Tam Bình, TX. Bình Minh, Bình Tân với quy mô 68 mô hình. Tổng số lượng dê dự án đã chuyển giao cho hộ dân tham gia mô hình là 408 con. Các giống dê được sử dụng trong dự án là dê lai Bách Thảo, dê lai Boer, trọng lượng dê cái từ 20 kg/con trở lên, dê đực từ 30 kg/con trở lên. Mỗi hộ dân đủ điều kiện tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 50% chi phí mua 06 dê giống trong đó gồm 05 con dê cái, 01 con dê đực và 30% chi phí mua thức ăn (37,8 kg/mô hình); hỗ trợ 100% chi phí tập huấn chuyển giao kỹ thuật và theo dõi mô hình.

Anh Trương Hoàng Việt tại ấp Bình Điền, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình cho biết: Năm 2017, anh được xã cử đi học lớp dạy nghề nuôi dê sinh sản an toàn sinh học. Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình này nên anh đã tham gia dự án nuôi dê an toàn sinh học và được dự án hỗ trợ kinh phí 25.170.000 đồng.

Anh nói: “Gia đình chỉ có 2,5 công đất vườn trồng cây ăn trái chưa có thu nhập nên thu nhập chính từ làm thuê. Nay tham gia dự án chăn nuôi dê sinh sản an toàn sinh học, mỗi năm mỗi nái sinh sản từ 2-3 dê con, tính ra từ tổng đàn 05 con ban đầu đã phát triển lên 8-12 con dê con. Dê con nuôi thêm 5- 6 tháng đạt trọng lượng 30 - 40 kg/con, bán với giá từ 120.000 -160.000 đồng/kg, anh thu được 3,5 - 4 triệu đồng/con. Dê rất dễ chăm sóc, nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ, phụ thêm một ít thức ăn tinh, cám trộn xác đậu nành cho dê mau lớn. Nuôi dê dễ bán, mỗi khi có việc cần tiền bán dê là có, tính ra mỗi năm cũng thu được 28- 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cám, xác đậu nành, thuốc thú y khoảng 5 triệu/năm, còn lại là phần lời, sau 1 năm là lấy lại vốn”. Hiện tổng đàn dê của gia đình anh có 12 con, trong đó anh thường xuyên duy trì 05 con dê mẹ và 01 con dê giống.

Mô hình nuôi dê ATSH tại hộ anh Trương Hoàng Việt, ấp Bình Điền, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình

Để mô hình đạt kết quả, Trạm Khuyến nông địa phương đã tổ chức 14 lớp tập huấn với 430 lượt người tham dự về các nội dung kỹ thuật như: giới thiệu các giống dê; cách chọn dê cái để nuôi sinh sản, dê đực làm nọc giống; phối giống cho dê; thiết kế chuồng trại; thức ăn dinh dưỡng cho dê; kỹ thuật trồng các loại cỏ; ủ thức ăn xanh; xử lý phân và nước tiểu; chăm sóc nuôi dưỡng dê các lứa tuổi; phòng và trị các bệnh thường gặp trên dê...; Tổ chức 11 cuộc hội thảo cho 330 người tham dự. Kết quả đã hạn chế được dịch bệnh trong mô hình, tỷ lệ nuôi sống đến 3 tháng tuổi đạt 97%, trọng lượng dê sơ sinh đạt 1,85 kg/con, số con/lứa 1,75 con. Đến nay, các dê cái trong mô hình đã đẻ được 1.122 dê con.

Từ hiệu quả của mô hình, đến thời điểm tổng kết, mô hình đã thu hút trên 90 hộ chăn nuôi dê trong và ngoài xã đến tham quan và có trên 60 hộ trong khu vực mạnh dạn làm theo. Dự án đã cung cấp ra thị trường ước khoảng 76,5 tấn thịt dê sạch đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời tạo mối liên kết giữa nông dân trong vùng dự án và vùng lân cận để tiêu thụ sản phẩm thịt dê theo hướng bền vững.

Nuôi dê theo hướng an toàn sinh học là mô hình được ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đánh giá khá hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với những nông hộ ít đất sản xuất, mang lại kinh tế ổn định cho nhiều nông hộ.

Thành Khải - TT Khuyến nông Vĩnh Long

Ngắm cặp nhung hươu ‘siêu khủng’ có giá gần 35 triệu đồng ở Hà Tĩnh

Nguồn tin: VOV

Lần đầu tiên tại huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) xuất hiện cặp nhung hươu siêu khủng, với trọng lượng lên đến 3,2kg.

Trước thông tin gia đình anh Nguyễn Thanh Bằng (trú tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cắt bán cặp nhung hươu “siêu khủng”, rất nhiều người dân ở xã Quang Diệm và vùng lân cận đã đổ xô đến nhà anh để tận mắt chứng kiến. Nhìn cặp nhung hươu “siêu to”, nhiều người khẳng định đây là cặp nhung có trọng lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Cặp nhung được coi là "siêu khủng" với trọng lượng 3,2kg

Cặp nhung được gia đình anh Bằng cắt có trọng lượng 3,2kg được bán với giá 34,6 triệu đồng.

Nói về nguồn gốc cặp nhung, anh Bằng cho biết cách đây gần 1 tháng, con hươu này được anh mua lại của một người ở xã Sơn Lâm với giá 100 triệu đồng. Lúc này, hươu đã lên “lộc” với trọng lượng ước khoảng 2kg.

Đây là năm thứ 6 con hươu này cho “lộc” với trọng lượng từ 2,5-3,2kg. Tôi nghĩ đây là con hươu tốt nên đã kỳ công săn mua cho bằng được để về làm giống”, anh Bằng nói.

Lâu nay, Hương Sơn (Hà Tĩnh) được biết đến là “thủ phủ” hươu sao Việt Nam, với tổng đàn hơn 35.000 con, mỗi năm ước tính thu về khoảng 14,5 tấn nhung, thu lợi vài trăm tỉ đồng./.

CTV Thùy Chi/VOV.VN

Giải cứu vịt chạy đồng

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lây lan mạnh, đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường đầu ra của vịt. Trước khó khăn này, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giải cứu đàn vịt chạy đồng cho nông dân.

Anh Hồ Văn Thành, xã Phong Chương, huyện Phong Điền nuôi 3.000 con vịt. Thông thường, theo chu kỳ vịt thả nuôi từ 52-55 ngày sẽ xuất bán. Tuy nhiên, đến nay vịt thả nuôi lên đến 70 này nhưng vẫn chưa tìm được đầu ra.

Theo anh Thành, hiện vịt anh đạt trọng lượng 2,5-2,7kg /con, nếu không bán được, phải găm lại thì mỗi này gia đình phải bỏ ra hơn 5 triệu đồng để chi phí tiền thức ăn, đó là chưa kể công chăm sóc, khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng như tình trạng của anh Thành, bà Lê Thị Thìn, ở xã Điền Lộc hiện thả nuôi 4 đàn vịt với số lượng lên đến 10.000 con. Hiện, có trên 6.000 con, với trọng lượng bình quân 2,5 kg/con đã vượt quá thời gian xuất bán gần 15 ngày nay nhưng vẫn bế tắc thị trường đầu ra.

Huyện Phong Điền hiện có tổng đàn vịt đến thời kỳ xuất bán trên 23.000 con của hơn 20 chủ trang trại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thị vịt đã không tìm được đầu ra. Điều này không chỉ gây thua lỗ, thiệt hại về kinh tế mà còn rào cản lớn cho người nông dân trong việc khôi phục, tái đàn gia cầm.

Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Điền cho biết, để giúp người nông dân tháo gỡ những khó khăn, UBND huyện Phong Điền đã triển khai các biện pháp cứu đàn gia cầm. Đến nay, UBND huyện đã vận động cán bộ, viên chức trên địa bàn tiêu thụ 6.000 con, với giá từ 140-150 nghìn/cặp. Ngay trong chiều ngày 23/3, huyện phối hợp với các chủ trang trại để thu mua và vận chuyển lên cung cấp cho cán bộ, viên chức và giáo viên các xã vùng gò đồi Phong Sơn, Phong Mỹ, với số lượng gần 1.000 con.

Những hình ảnh "giải cứu" vịt chạy đồng cho người nuôi huyện Phong Điền:

Vịt chạy đồng mùa dịch Covid 19

Vịt đã quá ngày xuát bán, lông vũ rơi đầy khắp vùng nuôi, người dân lo âu không có đầu ra

Những con vịt có trọng lượng đến 2,5kg nhưng vẫn không thể bán được

Các hộ nuôi quây vịt để chờ xuất bán

Khi có người mua

Chuyển giao

Nụ cười nhẹ nhõm khi vịt nuôi được giải cứu kịp thời

Tin, ảnh: Nguyễn Khoa Huy

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop