Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 03 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 03 năm 2021

Thanh niên 9X thu tiền tỷ từ mô hình nông nghiệp sạch

Nguồn tin:  VOV

Từ nguồn nước thải của các nhà máy chế biến thủy sản, Nguyễn Hữu Huy Hào – Chàng thanh niên sinh năm 1995, đã nghiên cứu, xử lý ra được sản phẩm bùn vi sinh có ích cho cây trồng.

Trở về Cần Thơ sau khi đạt Giải nhì vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp “Start-up Student Ideas” lần thứ nhất năm 2016 tại Hà Nội, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Huy Hào, sinh năm 1995, tại tỉnh Cà Mau - Sinh viên ngành môi trường, Trường Đại học Cần Thơ hăng say hơn với việc nghiên cứu các sản phẩm đất sạch được xử lý từ bùn thải. Với nền tảng từ quá trình nghiên cứu, anh mạnh dạn thành lập doanh nghiệp chuyên xử lý môi trường và sản phẩm sau xử lý là đất sạch hữu cơ Nata.

Trên nền tảng thành công của đất sạch Nata, tháng 6/2018, Huy Hào bắt đầu “tấn công” vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tiến hành xây dựng nhà kính trồng dưa lưới hữu cơ. Thử nghiệm trồng và nghiên cứu giống dưa mới tại vùng đất mặn Cà Mau, nên Huy Hào gặp không ít khó khăn trong quá trình nuôi cây lớn, cho trái ngọt. Anh tâm sự: “Khi nói ý tưởng đó ra, hầu như ai cũng cho là Hào “ảo tưởng”, ngay cả nhà cung cấp giống bên Nhật cũng bảo là cây không thể sống”. Tuy nhiên, Hào vẫn quyết tâm làm và có sự động viên rất lớn từ gia đình.

Trang trại dưa lưới của Nguyễn Hữu Huy Hào tạo công ăn việc làm cho hơn 70 lao động.

“Bắt tay vào nghiên cứu, giai đoạn đầu rất nhiều khó khăn, thử nghiệm trên 6.000 – 7.000 cây nhưng chỉ có vài trăm cây sống. Khi thử nghiệm xong, trồng và rút ra được quy trình riêng cho bản thân. Thành công giai đoạn 1 là dưa lưới” - Huy Hào chia sẻ.

Trải qua nhiều quá trình nghiên cứu, không ít bài học kinh nghiệm, Huy Hào đã gặt hái được thành công trong mô hình trồng dưa lưới, thành lập ra công ty Nông trại nông nghiệp công nghệ cao Cà Mau Farm. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty của Huy Hào đã có 40 trang trại trồng dưa lưới ở các tỉnh, mỗi trang trại rộng 500m2, trải dài từ tỉnh Cà Mau lên đến thành phố Cần Thơ. Trung bình mỗi tháng, Công ty thu hoạch được 10 – 12 tấn dưa, sản phẩm được tiêu thụ trong các siêu thị lớn như Coop, Go và xuất đi nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản, lợi nhuận thu về trên 2 tỷ đồng/năm.

ADVERTISEMENT

Không dừng lại ở đó, Huy Hào cũng chính là người tiên phong đưa dâu tây về trồng thành công ở Cà Mau. Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh, hiệu quả, Huy Hào chọn cách làm nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch. Khách đến vườn sẽ được tự tay chọn lựa những trái dưa, trái dâu ưng ý. Nên thường chỉ sau vài ngày, trái cây trong trại đã được bán hết.

Mô hình khởi nghiệp thành công của Huy Hào đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương lẫn thời vụ, thu nhập mỗi người bình quân từ 5 – 8 triệu đồng/tháng.

Vườn dâu tây tại Cà Mau của Nguyễn Hữu Huy Hào hấp dẫn nhiều khách tham quan.

Bạn Hồng Hoàng Hảo, sinh viên năm 3, Trường Đại học Cần Thơ, làm việc thêm tại trang trại kính trồng dưa lưới ở thành phố Cần Thơ cho biết: “Qua thời gian làm việc với Giám đốc, em thấy công việc này mang lại cho em nhiều lợi ích: Thứ nhất là giúp em phát triển thêm nhiều kiến thức về công việc; Thứ hai giúp em sáng tạo thêm và vận dụng được kiến thức đã học trên ghế nhà trường; Thứ ba là giúp em kiếm được một khoản thu nhập để đi học và nuôi dưỡng ước mơ của mình”.

Anh Trần Việt Tuấn, Phó chủ tịch Hội LHTN thành phố Cần Thơ cho biết, Huy Hào trưởng thành từ cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp của Trung ương, sự cố gắng vươn đến thành công của Hào đã tạo sự tin tưởng cho các bạn đoàn viên thanh niên và giữ chức Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Đổi Mới Sáng Tạo thành phố Cần Thơ. Các bạn tham gia CLB đều là những người khởi nghiệp thành công, lĩnh vực nào cũng có, nên rất thuận tiện cùng thành phố hỗ trợ cho thanh niên mới khởi nghiệp.

“Trong thời gian tới, Thành đoàn cũng như lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục có những buổi trao đổi, đối thoại để hỗ trợ nhiều hơn cho thanh niên thành phố trong lĩnh vực khởi nghiệp; cũng như có những buổi để các bạn khởi nghiệp thành công như Hào chia sẻ kinh nghiệm của mình. Trong năm 2021 thì cũng sẽ hỗ trợ bạn Hào để đăng ký sản phẩm OCOP của thành phố” - anh Trần Việt Tuấn cho biết thêm.

Với vai trò Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Đổi Mới Sáng Tạo thành phố Cần Thơ, Huy Hào đã đồng hành và chỉ đạo có hiệu quả mảng công tác tuyên truyền định hướng khởi nghiệp, mô hình khởi nghiệp cho các bạn trẻ, duy trì tốt hoạt động của CLB hàng tuần và tổng kết hàng quý.

Về chặng đường dài phía trước, chàng thanh niên 9X này chia sẻ: “Chúng em sẽ tiếp tục mở rộng trang trại, không chỉ riêng ở Cà Mau đâu mà các tỉnh thành ĐBSCL mình nữa, để từ sản phẩm giá trị khá là cao trong siêu thị thì nó trở thành sản phẩm đại chúng, ai cũng có thể sử dụng”.

Ở tuổi 26, Nguyễn Hữu Huy Hào hiện đang làm chủ 4 doanh nghiệp: Công ty TNHH xử lý môi trường Nguyễn Trần chuyên xử lý dịch vụ bùn thải cho các nhà máy xí nghiệp sản xuất tôm tại Cà Mau; Công ty TNHH tổ thức sự kiện Tám Hồng; Công ty đất sạch hữu cơ NaTa và Nông trại Nông nghiệp công nghệ cao Cà Mau Farm. Anh là 1 trong 56 gương mặt tiêu biểu nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2020 và còn nhiều bằng khen từ cấp thành phố đến Trung ương.

Thành công của chàng thanh niên 9X đến từ quyết tâm không bao giờ bỏ cuộc và chắc rằng, Huy Hào sẽ cống hiến sức mình nhiều hơn nữa, như phương châm anh đưa ra: “Làm giàu trên chính quê hương mình, cống hiến cho cộng đồng là khát vọng mà bản thân anh luôn theo đuổi”./.

Hồng Phương/VOV-ĐBSCL

Gia Lai: Giá chanh dây tăng do khan hiếm nguồn cung

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Gần 1 tháng qua, giá chanh dây ở Gia Lai tăng cao hơn so với năm ngoái. Dù vậy, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng không nhiều dẫn đến khan hiếm nguồn cung cho thị trường.

Hiện nay, giá chanh dây xuất khẩu đang được các đại lý thu mua với mức 22.000-24.000 đồng/kg, còn chanh xô thì 9.000-10.000 đồng/kg. Với mức giá này, các hộ trồng chanh dây sẽ có nguồn thu nhập khá.

Ông Lê Văn (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng của những đợt lạnh kéo dài làm cho 4 sào chanh dây của tôi không đậu quả. Tôi phải cắt bỏ 2 đợt dây để chăm sóc lại. Đến đợt thứ 3 mới có quả nhưng sản lượng không đạt. Cứ vài ba ngày, tôi hái được khoảng 50 kg, bán xô 9.000-10.000 đồng/kg”.

Nông dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch chanh dây. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Nguyễn Ngọc Thanh (cùng thôn) cũng đang tất bật thu hoạch chanh dây. Ông cho hay: Với 2 sào chanh dây, chi phí đầu tư hơn 30 triệu đồng. Hiện nay, giá chanh đang tăng cao giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. Chỉ tiếc là thời tiết không thuận lợi nên vườn cây ít quả, lợi nhuận mang lại không như ý muốn. Mong sao giá ổn định trong thời gian tới để người dân có nguồn thu nhập và tái đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Hoa (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) có 600 cây chanh dây trồng xen trong vườn hồ tiêu. Hiện nay, chanh dây đang tăng giá nhưng bà cũng chỉ thu hoạch được khoảng 100 kg quả trong 3 ngày. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh đã làm cây bị xoăn đọt và xoăn lá non buộc phải cắt bỏ để chăm sóc lại.

“Thời điểm này mà có chanh dây bán là sướng nhất, thương lái đánh ô tô đến tận vườn thu mua. Những năm trước, giá chỉ 3.000-4.000 đồng/kg nhưng tìm người mua rất khó. Bây giờ, giá tăng cao thì lại không có chanh để bán”-bà Hoa nói.

Toàn tỉnh có khoảng 3.000 ha chanh dây, trong đó, 2 doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết đầu tư, sản xuất, thu mua, chế biến là Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai (thuộc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao) và Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên đã sở hữu trên 1.000 ha.

Ông Trần Ngọc Châu-Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất chanh dây thôn 1 (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho hay: “Chúng tôi hợp tác với Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai từ năm 2018. Ban đầu chỉ có 20 hộ tham gia. Đến nay, gần 60 hộ tham gia với diện tích khoảng 60 ha. Năm 2020, Tổ đã cung cấp cho nhà máy gần 350 tấn chanh xô. Năm 2021, Tổ ký hợp đồng cung cấp khoảng 625 tấn chanh dây”.

Theo ông Châu, sau khi ký hợp đồng, Tổ liên kết sản xuất chanh dây thôn 1 được Công ty Doveco Gia Lai cung cấp giống và thu mua với giá thấp nhất là 6.500 đồng/kg. Nếu giá thị trường tăng cao, bà con có thể bán ra ngoài chứ không bắt buộc phải bán cho Công ty. Cách liên kết sản xuất-tiêu thụ như thế này đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Diệp

Còn ông Đinh Gia Nghĩa-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai-thông tin: Hiện nay, Công ty vẫn đang duy trì hoạt động chế biến với công suất khoảng 70-80% do chanh dây mùa này ít. Giá chanh dây tăng là tín hiệu tích cực thúc đẩy nông dân liên kết đầu tư sản xuất-tiêu thụ để xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng bền vững.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Diện tích chanh dây của huyện dao động trong khoảng 400-500 ha. Hiện nay, giá chanh dây đang tăng cao là do mùa này vườn cây thường ít quả. Đang là mùa khô nên sản lượng chanh dây không có nhiều dẫn đến tăng giá. Huyện đang khuyến khích người dân trồng chanh dây xen trong vườn hồ tiêu hoặc cà phê tái canh cũng như liên kết với các doanh nghiệp sản xuất-tiêu thụ để ổn định đầu ra sản phẩm.

NGUYỄN DIỆP

Cam Lâm (Khánh Hòa): Xoài bị ảnh hưởng bởi sương muối

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Nhiều diện tích xoài trên địa bàn huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đang trong thời kỳ ra hoa nhưng bị ảnh hưởng bởi sương muối khiến tỷ lệ đậu quả thấp. Ngoài ra, các loại bọ trĩ, rệp sáp cũng đang gây hại trên một số diện tích xoài của người dân.

Thời gian này, xoài đang độ kết trái nhưng ông Mang Văn Trường - người trồng các loại xoài Úc, xoài Tứ quý ở khu vực Đá Giăng (xã Suối Cát) chẳng vui bởi vườn xoài vừa trải qua đợt sương muối nay lại bị bọ trĩ, rệp sáp tấn công. “Gia đình tôi trồng gần 3ha xoài các loại, trung bình mỗi năm thu khoảng 20 tấn quả. Giữa tháng 2 vừa qua, xoài bắt đầu ra bông thì gặp phải sương muối đen bông, không đậu trái; mỗi cành chỉ đậu được vài trái nhưng cũng rụng non, thiệt hại đến 70 - 80%. Hiện nay, vườn xoài lại bị bọ trĩ, rệp sáp tấn công gây hại. Cả vườn xoài chẳng được mấy trái”, ông Trường nói.

Xoài của người dân xã Suối Cát bị thiệt hại nặng do sương muối.

Theo thống kê của UBND xã Suối Cát, toàn xã hiện có hơn 750ha xoài, trong đó diện tích đang trong thời kỳ kinh doanh gần 500ha, chủ yếu là xoài chính vụ. Thời gian qua, hầu hết các diện tích xoài trên địa bàn đều bị thiệt hại do sương muối; nhiều diện tích còn xuất hiện tình trạng bọ trĩ, rệp sáp gây hại; tỷ lệ đậu quả chỉ đạt khoảng 30 - 40%. Nông dân trên địa bàn đang tích cực phòng, trị các loại rệp sáp, bọ trĩ trên xoài để giữ số quả còn lại. Lãnh đạo UBND xã nhận định, năm nay, sản lượng xoài ở xã Suối Cát sẽ giảm sâu, ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập của người dân địa phương, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 3 thôn Suối Lau, bởi xoài là một trong những loại cây trồng chủ lực của xã.

Tương tự, xã Suối Tân có 1.200ha xoài các loại thì có đến 400ha cũng bị ảnh hưởng bởi sương muối và các loại bọ trĩ, rệp sáp gây hại. Hiện nay, nhiều nông dân trồng xoài trên địa bàn xã tiếp tục đầu tư mua thuốc kích cho cây ra bông tiếp. Những diện tích ra bông trước và sau đợt sương muối thì tỷ lệ đậu trái đến 80%. Bà Trịnh Thị Tươi - nông dân trồng xoài xã Suối Tân cho biết: “Hơn 2ha xoài của gia đình ra bông đợt tháng 2 vừa qua đều bị sương muối, mỗi cành chỉ lác đác vài trái. Để tránh mất trắng, nhiều nông dân chọn cách đập hết bông bị đen do sương muối, sau đó xử lý, kích thích để xoài ra bông mới. Gia đình tôi còn đang phân vân bởi thời tiết khá thất thường, mùa hạn đã đến, nước tưới khó khăn, nếu xử lý không ổn thì càng bỏ tiền đầu tư càng lỗ, mỗi lần xử lý như vậy mất 15 - 20 triệu đồng”.

Không chỉ 2 xã Suối Cát, Suối Tân, nhiều diện tích xoài của nông dân các địa phương khác trên địa bàn huyện Cam Lâm cũng bị ảnh hưởng bởi sương muối và bị các loại sâu hại. Ông Đặng Chí Liêm - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết: Trên địa bàn toàn huyện đang có hơn 7.000ha xoài các loại, trong đó khoảng 80% là xoài đang trong thời kỳ kinh doanh, khoảng 20% trồng mới trên diện tích đất đồi, chuyển từ các loại cây trồng khác sang. Việc bọ trĩ, rệp sáp gây hại trên cây xoài hầu như năm nào cũng có nhưng tỷ lệ gây hại không cao. Nông dân các địa phương trong huyện đang tiếp tục phòng, trị bọ trĩ, rệp sáp theo hướng dẫn. Thiệt hại của người trồng xoài chủ yếu là do ảnh hưởng của sương muối đợt giữa tháng 2 vừa qua, tỷ lệ đậu quả chưa đến 30% nhưng thiệt hại do sương muối thì khó phòng tránh.

HẢI LĂNG

Châu Thành (Long An): Xây dựng 5.500ha thanh long ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Long An

Thời gian qua, huyện Châu Thành, tỉnh Long An tập trung ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất thanh long bước đầu mang lại hiệu quả.

Hiện huyện có 9.100ha thanh long, trong đó có 1.005ha thanh long ruột trắng, 8.095ha thanh long ruột đỏ, diện tích cho trái là 8.500ha. Thực hiện đề án sản xuất thanh long theo hướng phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, đến tháng 3/2021, toàn huyện hiện có trên 3.044ha thanh long với trên 5.044 hộ tham gia; đã có 664,38ha thanh long 1.041 hộ tham gia được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Thanh long Châu Thành

Huyện phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng chỉ dẫn địa lý “Thanh Long Châu Thành Long An”; đồng thời, hướng dẫn các hợp tác xã (HTX) lập hồ sơ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chỉ dẫn địa lý cho từng HTX. Toàn huyện có 13/15 HTX được Cục Sở hữu trí tuệ cấp mã vạch. Đến nay, có 5/15 HTX được cấp nhãn hàng hóa trái thanh long.

Theo Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Văn Khải, thời gian tới, các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân duy trì và giữ vững diện tích thanh long ƯDCNC, đồng thời, cải tạo, tiếp tục trồng lại cây thanh long đối với những diện tích già cỗi; phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 5.500ha thanh long ƯDCNC theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó, xây dựng vùng trồng thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với 300ha.

Để cây thanh long phát triển bền vững trên đất Châu Thành, ông Nguyễn Văn Khải chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các xã, thị trấn phải xây dựng hoàn chỉnh về chỉ dẫn địa lý, có đầy đủ mã vạch truy xuất nguồn gốc, có nhãn hiệu hàng hóa, nông dân phải tham gia vào tổ hợp tác, HTX, sản xuất theo quy trình VietGAP (đây là tiêu chuẩn thấp nhất), sau đó nâng dần lên sản xuất thanh long hữu cơ không sử dụng phân hóa học, thuốc diệt cỏ, xây dựng môi trường sinh thái cân bằng, bền vững. Trong quá trình sản xuất, người dân lưu ý phải ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ, chính xác các thông tin để làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc thanh long./.

Minh Trực

‘Sống khỏe’ với tiêu hữu cơ

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Nhờ áp dụng quy trình chăm sóc hồ tiêu theo hướng hữu cơ, nhiều hộ dân tại Đắk Song (Đắk Nông) đã có thu nhập cao hơn hẳn so với phương pháp sản xuất tiêu thông thường.

Những ngày gần đây, khu vực vườn tiêu của gia đình anh Đào Văn Nga, ở thôn Thuận Bình, xã Thuận Hạnh (Đắk Song), lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng người. Gần 70 nhân công, chủ yếu là người địa phương được anh Nga thuê hái tiêu khoảng chục ngày nay.

Vườn tiêu của gia đình anh Nga là một trong những vườn lớn nhất nhì xã Thuận Hạnh. Với hơn 15 ha đất liền thửa, anh đã lựa chọn tiêu là cây trồng chủ lực từ năm 2007 tới nay. Không chỉ có diện tích rộng, vườn tiêu của anh còn nổi tiếng nhiều năm nay với phương pháp chăm sóc theo hướng hữu cơ.

Theo anh Nga, việc lựa chọn chăm sóc vườn tiêu hữu cơ xuất phát từ suy nghĩ bảo vệ sức khỏe của chính bản thân. "Nếu lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vào chăm sóc cây trồng thì chính người nông dân trực tiếp canh tác bị ảnh hưởng đầu tiên. Hơn nữa, nếu áp dụng quy trình chăm sóc hữu cơ và các chế phẩm sinh học thì cây trồng sẽ kéo dài tuổi thọ và sản phẩm cũng được thị trường ưa chuộng hơn", anh Nga chia sẻ.

Vườn tiêu của gia đình anh Nga sử dụng 100% phân chuồng. Thường thì sau khi thu hoạch, anh Nga thuê người bón xung quanh các trụ tiêu với khoảng cách trung bình 1m. Vườn tiêu nhiều cỏ, nhưng chủ vườn không bao giờ dùng thuốc hóa học mà thuê nhân công đến phát dọn.

Anh Nga cho biết: Việc chăm sóc theo hướng hữu cơ thường tốn công hơn so với phương pháp chăm sóc thông thường, năng suất cũng giảm hơn. Tuy nhiên, sản phẩm tiêu hữu cơ lại rất được thị trường ưa chuộng và có giá bán cao hơn khoảng 1,5 lần so với tiêu thông thường. Do đó, nông dân hoàn toàn có thể “sống khỏe” nếu lựa chọn việc chăm sóc tiêu theo hướng hữu cơ.

Hiện gia đình anh Nga đã xây dựng hệ thống nhà lồng, nhà kho không chỉ giúp sản phẩm tiêu không bị bám đất, bụi mà còn bảo đảm thời gian phơi tiêu nhanh hơn. Nhà kho rộng, gia đình có thể bảo quản tốt sản lượng tiêu trung bình 80 tấn mỗi năm.

Ngoài gia đình anh Nga, rất nhiều hộ dân khác ở xã Thuận Hạnh đang lựa chọn phương pháp trồng tiêu theo hướng hữu cơ. Các hộ dân đã tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Hồng Nguyên, xã Thuận Hạnh, với diện tích khoảng 100 ha.

Theo UBND xã Thuận Hạnh, sau khi hình thành, hợp tác xã đã bước đầu tìm kiếm được thị trường cho sản phẩm tiêu hữu cơ tại địa phương. Giá sản phẩm tiêu hữu cơ cao hơn hẳn so với tiêu thông thường và mở ra cơ hội nâng cao thu nhập cho người trồng tiêu tại địa phương.

Đắk Song là vùng sản xuất hồ tiêu lớn nhất của tỉnh, với diện tích trên 15.000 ha. Những năm qua, ngành Nông nghiệp địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân trồng hồ tiêu trên trụ sống và sử dụng các chế phẩm sinh học vào chăm sóc tiêu.

Ông Nguyễn Văn Đô, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song cho hay: Người dân địa phương ngày càng nâng cao nhận thức trong việc phát triển cây hồ tiêu theo hướng bền vững. Tại Đắk Song đã hình thành các vùng, các hợp tác xã sản xuất tiêu hữu cơ. Với phương pháp canh tác này bước đầu, người dân đã có thu nhập cao và ổn định hơn.

Bài, ảnh: Lê Phước

Gia Lai: Giá hồ tiêu bấp bênh, nông dân băn khoăn nên bán hay giữ lại

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Hiện nay, giá hồ tiêu tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục “neo” ở mức cao khiến người trồng hồ tiêu không biết nên bán hay nên giữ lại chờ giá tăng thêm.

Tại thị trường trong nước, giá hồ tiêu ngày 22-3 giao dịch ở mức 72.000-76.000 đồng/kg. Còn ở Gia Lai, sau 2 ngày đạt đỉnh của tuần lễ tăng giá liên tục (đạt 81.000-81.500 đồng/kg), ngày 22-3, giá hồ tiêu đã về lại mức 73.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đây cũng là mức giá cao so với nhiều tháng qua, giúp người trồng hồ tiêu có lãi. Việc giá hồ tiêu liên tục tăng rồi giảm nhẹ không theo quy luật trong những ngày qua khiến người trồng hồ tiêu rất băn khoăn.

Ông Nguyễn Tuấn (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Hà Phương

Mấy ngày qua, ông Nguyễn Tuấn (thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) chạy ngược xuôi tìm nhân công thu hoạch hồ tiêu. Ông cho biết: “Giá hồ tiêu liên tục tăng mạnh trong những ngày qua khiến nhiều người rất phấn khởi. Năm nay, do thời tiết thất thường nên năng suất hồ tiêu giảm mạnh. Năm ngoái, với 2.000 trụ hồ tiêu, tôi thu được gần 5 tấn. Trong khi đó, năm nay ước tính chỉ còn hơn 2 tấn. Nhờ giá hồ tiêu tăng gần gấp đôi nên bà con có lãi. Hai hôm trước, nhiều thương lái đến hỏi mua với giá hơn 80.000 đồng/kg nhưng tôi chưa bán”.

Ông Tuấn cho hay, khoảng hơn 10 ngày nữa, vườn hồ tiêu của gia đình mới thu hoạch xong. “Trong vòng 1 tháng nữa dù giá hồ tiêu tăng hay giảm thì tôi cũng bán. Với giá hồ tiêu hiện tại, gia đình tôi dự kiến thu về khoảng hơn 300 triệu đồng”-ông Tuấn chia sẻ.

Giá hồ tiêu liên tục tăng mạnh trong những ngày qua khiến nhiều nông dân muốn giữ hàng lại để chờ tăng giá tiếp. Tuy nhiên, tiếp theo đà tăng liên tục, ngày 22-3, giá hồ tiêu lại giảm 6.000-7.000 đồng/kg (còn 73.000 đồng/kg). Trước tình hình đó, một số hộ lo bán sớm.

Những ngày này, chị Lê Thị Châu (xã Ia Hlốp) cùng 5 nhân công thu hoạch hơn 500 trụ hồ tiêu của mình. Khác với ông Tuấn trữ hàng chờ giá tăng, chị Châu thu hoạch đến đâu, phơi khô là xuất bán luôn.

“Vụ trước, giá không tăng mà còn giảm. Vì vậy, năm nay, thu hoạch đến đâu tôi xuất bán đến đó. Vừa rồi, tôi bán trước 2 tạ với giá 77.000 đồng/kg. Cũng muốn trữ hàng chờ giá hồ tiêu tăng thêm nhưng phải bán vì còn đủ thứ chi phí phải trả. Hơn nữa thấy giá cứ lên xuống phập phù nên tôi cũng lo”-chị Châu bộc bạch.

Nhân công thu hoạch hồ tiêu tại vườn của gia đình chị Lê Thị Châu (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê). Ảnh: Hà Phương

Bà Lê Thị Diệu (trú tại xã Ia Hlốp) cho biết: Trước đây, gia đình trồng mấy ngàn trụ hồ tiêu. Sau 2 năm dịch bệnh chết nhanh chết chậm, giờ chỉ còn 500 trụ. Vụ trước, dù giá hồ tiêu thấp nhưng sản lượng đạt 1,7 tấn. Năm nay chỉ thu được 4 tạ, bù lại giá hồ tiêu cao gấp đôi. “Hiện tại, gia đình tôi đã thu hoạch xong, phơi khô chờ giá tăng lên 90.000 đồng/kg sẽ xuất bán”-bà Diệu cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Giá hồ tiêu tăng nhanh khiến bà con nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, diện tích và sản lượng không còn nhiều, chỉ một vài hộ có điều kiện tích trữ chờ giá lên rồi mới bán. Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn huyện hiện còn hơn 2.500 ha hồ tiêu đang vào vụ thu hoạch. Năm nay, sản lượng hồ tiêu của huyện giảm đến 20-30%.

“Với mức giá này, người dân trồng hồ tiêu đã có lãi. Bán hay tiếp tục giữ chờ giá lên thêm là quyền của bà con. Nhưng với gia đình ít vốn thì nên bán để đầu tư tái sản xuất, không nên giữ lại vì chưa thể dự đoán chính xác giá cả thị trường thời gian tới sẽ ra sao”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê nhận định.

HÀ PHƯƠNG

T.P Sông Công (Thái Nguyên): Công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Cán bộ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp T.P Sông Công tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò trên địa bàn phường Lương Sơn.

T.P Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) vừa có quyết định công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn phường Lương Sơn và Châu Sơn.

Trước đó, ngày 18 và 19-3, 1 con bò của gia đình ông Dương Văn Hiệp ở tổ dân phố 3, phường Châu Sơn và 2 con bò, 1 con bê của gia đình ông Nguyễn Viết Bính, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn có biểu hiện sốt, trên da nổi cục và bị chết. Kết quả xét nghiệm cho thấy, số bò trên của hai gia đình dương tính với bệnh viêm da nổi cục. Ngay sau khi xuất hiện dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố đã tiến hành tiêm phòng 240 liều vắc xin bao vây ổ dịch, trong đó phường Lương Sơn 200 liều, phường Châu Sơn 40 liều.

Trước tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò như hiện nay, T.P Sông Công yêu cầu cấm vận các phường chuyển trâu, bò và các sản phẩm trâu, bò ra, vào vùng dịch, vùng bị uy hiếp theo quy định của Luật Thú y. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm da nổi nổi cục ở trâu bò trên địa bàn; chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch….

V.V

Anh Thạch Lý Nết: Nuôi ong thiên nhiên lấy mật kiếm tiền triệu mỗi tuần

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Ấp ủ trong lòng ước mơ xây dựng mô hình nuôi ong ruồi lấy mật đã từ lâu, sau nhiều lần tìm tòi học hỏi về đặc tính của ong, đến năm 2020 anh Thạch Lý Nết (43 tuổi, ngụ ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) đã mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi này.

Anh Thạch Lý Nết chăm sóc tổ ong. Ảnh: T.Q

Trong một lần thấy có nhiều tổ ong ở trên cột điện và các cành cây, anh Nết nảy ra ý định tận dụng các tổ ong thiên nhiên này để nuôi lấy mật. Nghĩ là làm, anh Nết liền lấy tổ ong về nhà và bắt đầu nuôi thử nghiệm. Ban đầu anh nuôi hơn 50 đàn ong nhưng thất bại, chỉ còn sống vài đàn. Không nản chí, anh quyết tâm học hỏi kỹ thuật nuôi ong qua kênh YouTube, sau khi tích lũy được kinh nghiệm, anh đã “làm chủ” được đàn ong.

Vật liệu mà anh Nết chọn để làm tổ cho ong là thùng bằng cây gỗ tạp mà anh đặt mua trên chợ online. Hiện anh đang nuôi 7 thùng ong, trung bình mỗi thùng để khoảng 4 - 6 cầu ong. Sau 2 tháng nuôi, ong cho mật, trung bình mỗi tuần anh lấy 0,5 lít mật/thùng (mỗi lít giá 1,2 triệu đồng). Như vậy, trong vòng một tuần đàn ong sẽ cho anh nguồn thu nhập hơn 4 triệu đồng.

Anh Nết chia sẻ: “Mô hình nuôi ong lấy mật rất dễ thực hiện; không cần nhiều vốn; diện tích nuôi không cần quá lớn, có thể tận dụng diện tích vườn xung quanh nhà, sắp xếp thùng xung quanh đúng hướng cho ong đi lấy thức ăn. Trong quá trình chăm sóc, người nuôi phải nắm rõ đặc tính của ong như: xây tổ, chia đàn, cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa, bổ sung thức ăn cho ong là hoa quả… Người nuôi cũng cần phải kiểm tra, vệ sinh từng thùng ong hàng ngày để theo dõi tình trạng ong, đặc biệt là ong chúa, nếu ong chết hay đẻ kém thì phải thay ong chúa khác, bởi ong chúa khỏe mạnh thì đàn ong và những lứa sau sẽ khỏe mạnh, cho lượng mật nhiều. Nếu như đáp ứng đầy đủ các quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi, sẽ giúp cho đàn ong sinh trưởng mạnh, ít dịch bệnh, tăng sản lượng và chất lượng của mật ong”.

Hiện anh đang chuẩn bị thêm nhiều thùng gỗ để gây thêm đàn nhằm mở rộng mô hình. Anh Nết cũng cho biết sẽ sẵn sàng chia sẻ và hướng dẫn kỹ thuật nuôi để giúp mọi người tạo thêm thu nhập.

Minh Luân

Chi phí thức ăn cao, chủ trang trại chăn nuôi ở Gia Lai lo lắng

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Giá thức ăn gia súc, gia cầm liên tục tăng trong thời gian qua khiến nhiều hộ chăn nuôi ở Gia Lai lo lắng. Trong khi những hộ chăn nuôi heo còn có thể trụ được vì giá heo ổn định ở mức cao thì nhiều hộ chăn nuôi gia cầm đang phải chịu lỗ bởi sản phẩm bán ra có giá thấp.

Giá thức ăn liên tục tăng

Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh liên tục tăng và hiện cao hơn 20-25% so với năm 2020. Cụ thể, giá 1 bao cám trọng lượng 25 kg tăng 50-70 ngàn đồng. Trong đó, tăng cao nhất là cám cho heo tập ăn và cám đậm đặc. Giá cám tăng cao khiến người chăn nuôi không khỏi lo lắng bởi những rủi ro về dịch bệnh và đầu ra còn bấp bênh.

Ông Hồ Quang Thành (thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho hay: Trang trại của tôi nuôi 200 con heo thịt và 30 con heo nái. Với giá tăng cao như hiện nay, nếu hạch toán thì bình quân mỗi con heo nái của gia đình tôi phải đẻ 10 heo con trở lên thì may ra hòa vốn, còn dưới 10 con thì lỗ.

Cửa hàng của bà Nguyễn Thị Kim Ngọc (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cũng gặp khó khăn trong bán hàng và thu hồi nợ khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Ảnh: Nguyễn¬¬ Hồng

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc-chủ đại lý thức ăn chăn nuôi ở phường Thắng Lợi (TP. Pleiku), từ cuối năm 2020 đến nay, các công ty sản xuất thức ăn gia súc liên tục điều chỉnh tăng giá. Nguyên nhân là vì giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao. Điều này khiến không chỉ người chăn nuôi mà cả các đại lý cũng gặp khó trong bán hàng và thu hồi nợ.

Người chăn nuôi gia cầm khốn đốn

Toàn tỉnh hiện có khoảng 41.600 hộ chăn nuôi heo và hơn 130.000 hộ nuôi gia cầm. Trong đó, có 262 trang trại heo với 121.428 con; 74 trang trại gia cầm với khoảng 813.600 con.

Theo nhìn nhận của cơ quan chuyên môn, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay thì chỉ người nuôi heo có thể trụ được nhờ giá heo thịt ổn định ở mức trên 70 ngàn đồng/kg. Riêng các hộ chăn nuôi gia cầm sẽ gặp nhiều khó khăn và dễ phá sản.

Ông Dương Văn Hoàng (làng Blang 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho biết, ông nuôi 4.000 con gà đẻ trứng, mỗi ngày phải cho ăn 20 bao cám loại 25 kg. Với mức giá 238 ngàn đồng/bao, tính ra ông phải bỏ ra hơn 4 triệu đồng tiền thức ăn cho gà. Tuy nhiên, giá trứng bán sỉ trên thị trường chỉ 12 ngàn đồng/chục. Nếu chăm sóc đầy đủ, gà đẻ đỉnh điểm đạt 90% tổng đàn, ông vẫn phải bù lỗ, chưa tính công chăm sóc, thuốc thú y, điện, nước. Còn nuôi đến tháng thứ 6, sản lượng trứng sẽ tụt dần, giá trứng chưa biết tăng hay giảm nên ông rất lo lắng.

“Trang trại của tôi còn có thể duy trì chứ các trại nuôi gà bán thịt thì còn lỗ nặng hơn nữa, bởi đầu ra rất khó. Thời điểm này, cứ sau 1 đêm ngủ dậy, tôi mất hơn 600 ngàn đồng từ tiền đầu tư vào đàn gà này. Vị chi mỗi tháng lỗ khoảng 20 triệu đồng”-ông Hoàng buồn bã nói.

Trang trại chăn nuôi gia cầm của bà Phạm Thị Kim Ngà (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đang gặp khó khăn vì giá thức ăn tăng cao. Ảnh: Nguyễn Hồng

Tương tự, bà Phạm Thị Kim Ngà (thôn 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) bộc bạch: “Tôi nuôi 6.000 con gà đẻ trứng. Trong dịp Tết vừa rồi, tôi bán bớt 3.000 con. Nếu không, với giá thức ăn tăng cao như thời điểm này thì chắc chắn lỗ nặng. Trong khi thời tiết nắng nóng, tỷ lệ gà đẻ trứng không đạt, giá trứng chỉ 12.000 đồng/chục nên không chỉ gia đình tôi mà các hộ chăn nuôi gà đều gặp rất nhiều khó khăn”.

Trao đổi với P.V, ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Từ trước Tết đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Điều này đẩy người chăn nuôi, nhất là các hộ nuôi gia cầm vào tình cảnh khó khăn. Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi mà phải nhập từ tỉnh khác về.

“Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao trong khi giá bán sản phẩm làm ra lại thấp. Vì vậy, người dân nên xây dựng phương án chăn nuôi phù hợp với quy mô và nhu cầu tiêu thụ của thị trường để giảm thiểu rủi ro”-ông Thanh khuyến cáo.

NGUYỄN HỒNG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop