Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 05 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 05 năm 2016

Nâng chất lượng thanh long Chợ Gạo

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

 

Thời gian qua, mô hình trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã cho hiệu quả khá cao, đời sống của các hộ trồng thanh long được cải thiện, vùng quê đang từng bước đổi thay… Từ những hiệu quả đó, ngành chức năng tỉnh, huyện xác định thanh long là cây trồng chủ lực và đang có chủ trương mở rộng diện tích, chuyển đổi những cây trồng không thích hợp sang mô hình trồng thanh long.

 

* Hiệu quả nhưng vướng khâu tiêu thụ

 

Năm 2009 đến 2015, Đề án phát triển cây thanh long được triển khai thực hiện tại 12 xã thuộc huyện Chợ Gạo. Kể từ khi triển khai đề án, diện tích cây thanh long được nâng lên gần 4.400ha, tăng 2,5 lần so với trước đó. Năng suất bình quân tăng 1,68 lần, đạt 30 tấn/ha; sản lượng tăng 2,9 lần, đạt 96.000 tấn. Ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, cho biết: Trong quá trình triển khai đề án, huyện đã phối hợp cùng các ngành chức năng tỉnh hướng dẫn cho nông dân về kỹ thuật trồng thanh long theo hướng an toàn, kỹ thuật sử dụng điện để xông thanh long cho ra hoa trái vụ. Tập trung triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ trong sản xuất, tiêu thụ thanh long, thực hiện các đề tài nhằm tăng phẩm chất trái thanh long; ứng dụng chiếu sáng bằng đèn Led, xử lý cành thanh long bị loại bỏ bằng các chủng vi sinh vật có lợi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sản xuất; khuyến khích nông dân thực hiện trồng thanh long theo tiêu chuẩn GAP. Bên cạnh đó, người trồng thanh long trong đề án còn được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn đầu tư, mở rộng các tuyến đường giao thông, nạo vét các công trình thủy lợi...

 

 

Trồng thanh long mang lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: NGUYỄN SỰ

 

Bên cạnh những thuận lợi trong phát triển, thanh long Chợ Gạo cũng còn gặp nhiều khó khăn như: Người trồng chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, đầu ra của sản phẩm thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP chưa ổn định; chưa có doanh nghiệp xuất trực tiếp sản phẩm trái thanh long. Nông dân chưa liên kết được trong sản xuất theo hợp đồng mua, bán. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất, tiêu thụ thanh long chưa cao, chưa ký hợp đồng bán sản phẩm ổn định... Theo thống kê của UBND huyện Chợ Gạo, hằng năm, các HTX, THT tổ chức thu mua từ 6.000 - 10.000 tấn thanh long của các hộ nông dân. Hai doanh nghiệp (Công ty TNHH Long Việt và Doanh nghiệp tư nhân Chín Sơn) thu mua, đóng gói với sản lượng tiêu thụ trên 300 tấn/tháng và 44 cơ sở thu mua nhỏ tiêu thụ cho người dân từ 50 - 100 tấn thanh long/tháng. Theo ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên (xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), hằng năm, doanh nghiệp chỉ thu mua khoảng 2.000 tấn/năm phục vụ cho chế biến của đơn vị. Công ty chưa mạnh dạn mở rộng địa bàn thu mua, do giá cả thanh long luôn biến động, chất lượng trái bên trong rất khó kiểm soát. Việc xuất khẩu thanh long tươi gặp nhiều trở ngại do giá thành quá cao. Hơn nữa, mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn GAP chưa thu hút được nhiều nông dân tham gia, do giá bán sản phẩm làm theo quy trình GAP ngang bằng với giá không làm theo quy trình. Từ đó, doanh nghiệp gặp rất khó khăn trong việc tìm nguồn thanh long đạt tiêu chuẩn để ký kết hợp đồng với đối tác. Ngoài ra, trái thanh long của chúng ta còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Nếu Trung Quốc ngưng thu mua thì trái thanh long sẽ bị ách tắc ngay, giá cả xuống dốc rất nhanh.

 

* Tìm giải pháp mở rộng diện tích

 

Để nâng cao chất lượng trái thanh long, Công ty TNHH Long Việt (huyện Chợ Gạo) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất thanh long sạch với quy mô 30 ha. Ngoài ra, Công ty TNHH Long Việt còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang triển khai dự án 100 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Global GAP, tập trung trên địa bàn xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo. Toàn bộ thanh long trồng trong vùng dự án được Công ty TNHH Long Việt ký hợp đồng tiêu thụ với giá cao hơn thị trường 10%; đồng thời, công ty hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế đóng gói theo tiêu chuẩn Global GAP, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

 

Theo ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, trong thời gian tới, huyện Chợ Gạo sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long thêm 2.400 - 2.900ha, nâng tổng diện tích cây thanh long trong huyện lên 6.500 - 7.000 ha vào năm 2020. Trong đó, diện tích trồng thanh long theo tiêu chuẩn GAP chiếm 30 - 40%. Huyện sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng hỗ trợ người trồng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng và giá trị cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, THT sử dụng nhãn hiệu chứng nhận xuất xứ hàng hóa thanh long Chợ Gạo để quảng bá, tiếp thị; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, nhu cầu, thị hiếu khách hàng để chủ động trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tìm kiếm thêm thị trường trong và ngoài nước nhằm giúp người dân tiêu thụ sản phẩm ổn định. Để mở rộng diện tích trồng thanh long trong, huyện Chợ Gạo đề nghị điện lực đầu tư 22,48km đường dây trung thế 3 pha, 9,65km đường dây trung thế 1 pha ở các tuyến đường trục chính; 45km đường dây trung thế 1 pha đến hộ sản xuất theo đề án đã được phê duyệt để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện xông thanh long của các hộ dân.

 

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, huyện Chợ Gạo và các ngành chức năng cần quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư, thống kê thu nhập của người trồng thanh long. Tìm kiếm thêm thị trường để đầu ra của trái thanh long dễ dàng hơn. Ngoài ra, để phát triển thanh long thì cần đầu tư cơ sở hạ tầng, có cơ chế quản lý. Mô hình trồng thanh long đã cho hiệu quả bước đầu. Vì vậy, xem xét cho xây dựng đề án giai đoạn 2016-2020. Cây thanh long là cây trồng chủ lực, được tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển. Tuy nhiên, các địa phương cần có những giải pháp đồng bộ như: mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đến kiện toàn hệ thống hạ tầng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng thanh long đạt lợi nhuận cao nhất.

 

SĨ NGUYÊN

 

Bức tranh sản xuất tuyệt đẹp ở làng rau nổi tiếng nhất Nghệ An

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Về vựa rau Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) những ngày này mới thấy hết không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp trên những cánh đồng rau. Giữa trưa hè nắng cháy, bà con nông dân vẫn ra đồng thu hoạch rau màu để đảm bảo chất lượng và thời vụ.

 

 

Vụ hè thu 2016, toàn xã Quỳnh Lương có 200 hecta rau màu các loại. Riêng cây hành lá đang vào chính vụ, chiếm trên 60% diện tích.

 

 

Hành lá được giá, gia đình chị Hoa tranh thủ đi thu hoạch giữa trưa để kịp giao hàng cho thương lái.

 

 

 

 

Dù đang là giữa trưa nhưng không khí lao động trên những cánh đồng rau ở Quỳnh Lương rất nhộn nhịp và khẩn trương.

 

 

Những luống hành mới thu hoạch, người dân lại tranh thủ làm đất để gieo đợt mới.

 

 

Cà chua cũng đang vào mùa chín rộ

 

 

Những cành cà chua lúc lỉu quả chín

 

 

Cà chua được thu hái và bán sỉ tại ruộng với giá 4.000đ/kg

 

 

Dưa hấu Quỳnh Lương cũng đang vào vụ thu hoạch chính. Người dân cho biết năm nay dưa hấu được mùa.

 

Lan Thái

 

Cây thanh long trên vùng đất cát Tiến Thành (Bình Thuận)

 

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

 

Có lợi thế về diện tích đất canh tác rộng lớn, nhưng trong nhiều năm về trước đời sống của nông dân tại xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao. Năm 2006, mô hình trồng thanh long trên đất cát được trồng thử nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, tại vùng đất Tiến Thành đã và đang có thêm nhiều hộ làm giàu từ cây trồng này.

 

Với diện tích 1,2ha đất rẫy, tuy nhiên nhiều năm trước, gia đình anh Trần Văn Ngà ở thôn Tiến Hòa, xã Tiến Thành vất vả làm lụng mà kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Bởi lẽ canh tác các cây trồng ngắn ngày như mè, dưa, đậu… hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, vụ được vụ mất. Thời điểm năm 2007, anh Ngà quan sát một số hộ trồng thanh long tại thôn Tiến Phú đem lại hiệu quả kinh tế và nảy sinh ý tưởng đưa cây thanh long về khu rẫy của gia đình. Tuy nhiên, khó khăn nhất khi thực hiện ý tưởng này là phải chủ động được nguồn nước tưới. “Với quyết tâm thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất của gia đình, tôi đã bàn bạc với vợ thuê nhân công thăm khoan dò nguồn nước. Khi máy khoan ở độ sâu 52m thì đụng mạch nước ngầm. Khó có thể diễn tả được cảm giác vui mừng của gia đình tôi khi tìm được nguồn nước quý giá lúc bấy giờ. Có nước tưới giúp vợ chồng tôi giải quyết vấn đề khó nhất. Từ đó có thêm điều kiện để mở rộng vườn thanh long lên 2.000 trụ như hôm nay” - anh Trần Văn Ngà chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Văn Trọng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Thành cho biết: Toàn xã hiện có 150 hộ trồng cây thanh long/diện tích 200ha, tập trung ở các thôn Tiến Phú, Tiến Hòa, Tiến Bình và Tiến An. So với các loại đất thịt, cát pha thì việc trồng thanh long trên vùng đất cát tại Tiến Thành tốn nhiều công sức, chi phí chăm sóc hơn. Do đất cát tại đây ít có khả năng giữ nước, bốc hơi nhanh. Hơn nữa, đất cát có nồng độ chất dinh dưỡng thấp nên lượng phân bón cung cấp cho cây thanh long bắt buộc phải lớn hơn. Bên cạnh đó, để canh tác cây thanh long trong vụ nghịch thì bắt buộc phải đầu tư hệ thống bình điện. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình trải dài, các khu rẫy ở cách xa trung tâm dân cư nên chi phí kéo đường điện khá cao. Đây chính là những khó khăn mà nhiều hộ trồng thanh long tại Tiến Thành gặp phải.

 

Bên cạnh những yếu tố bất lợi khi trồng thanh long trên đất cát Tiến Thành, bù lại mặt tích cực là trái thanh long khi thu hoạch được thương lái rất ưa chuộng. Thanh long thường có kích cỡ to hơn, da bóng đẹp nên được thu mua với giá nhỉnh hơn một số vùng khác, lại ít gặp dịch bệnh, nhất là các bệnh về thối cành, rễ… Nhờ đó giúp bà con nông dân tiết kiệm đáng kể chi phí về thuốc bảo vệ thực vật.

 

CHÂU TỈNH

 

Trồng dưa Kim hoàng hậu cho thu nhập cao

 

Nguồn tin: Nhân Dân

 

Kỹ thuật trồng dưa Kim hoàng hậu rất đơn giản, chỉ cần chú ý thường xuyên giữ đủ độ ẩm trên đồng ruộng, kịp thời thoát hết nước khi mưa nhiều. Mỗi sào Bắc Bộ trồng với mật độ từ 450 đến 500 cây, cây cách cây 40cm, lên luống cao 30cm, mặt luống rộng 3m, rãnh rộng 40cm kết hợp bón phân lót, phủ bạt ni-lông đúng kỹ thuật.

 

Trong quá trình cây phát triển cần tỉa bỏ các nhánh phụ ở các nách lá phía dưới cho cây thông thoáng, dễ quản lý sâu bệnh và tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Trước khi thu hoạch mười ngày cần nhổ rễ cây để gốc cây không hút nước lên làm thối quả, bảo đảm độ ngọt của dưa và tránh được dập nát khi vận chuyển. Việc chăm sóc dưa cũng không có gì khó chỉ cần chú ý phòng một số bệnh thường gặp như: Phấn trắng, đốm lá, nứt dây chảy mủ, bệnh chết cây con là được. Đến vụ thu hoạch, trọng lượng quả đạt từ 1,1 đến 2kg, quả có hình ô-van, vỏ trơn, khi chín có mầu vàng, ruột cũng mầu vàng, cùi giòn, ngọt mát.

 

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ về giống, tập huấn kỹ thuật trồng cho gia đình anh Lê Văn Tài, ở xóm 4, xã Mai Sơn, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Sau hai tháng trồng, năm sào dưa của gia đình anh cho thu hoạch. Theo tính toán, một sào dưa Kim hoàng hậu thu được 8 tạ đến 1 tấn quả. Với năm sào dưa Kim hoàng hậu, gia đình anh có thu nhập hơn 100 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Giống dưa này sau khi thu hoạch chỉ cần để ở nơi khô ráo, thoáng mát có thể bảo quản được một tháng. Dưa càng để lâu thì vỏ càng vàng đậm, dưa càng ngọt nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

 

Bà Nguyễn Thị Chiến ở thôn Điện Biên, xã Hồng Nam (TP Hưng Yên, Hưng Yên) cho biết: “Gia đình tôi có gần năm sào ruộng, trước đây chuyên cấy lúa nhưng việc điều tiết nước gặp khó khăn, cho nên năng suất thấp. Ban đầu còn băn khoăn không biết giống dưa này có phù hợp với đồng đất nơi đây hay không, vì nếu không hợp thì coi như mất trắng. Tuy nhiên, khi bắt đầu cho thu hoạch, chất lượng không thua kém gì dưa nhập khẩu, giá bán tại vườn được 25 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí 2,5 đến 3 triệu đồng, mỗi sào dưa cho thu lãi 7 đến 8 triệu đồng”.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên nhận xét: Dưa Kim hoàng hậu là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, kỹ thuật trồng đơn giản, không tốn nhiều công lao động và thuốc bảo vệ thực vật, có khả năng thích nghi với vùng đất của tỉnh. Dưa có thể gieo trồng từ tháng 2 đến cuối tháng 9 dương lịch hằng năm, thời gian sau gieo trồng đến khi thu hoạch khoảng 65 đến 70 ngày (tùy vụ), nếu không trồng liên tục có thể trồng xen canh các cây rau màu ngắn ngày khác. Vì vậy, nông dân cần nắm chắc kỹ thuật và mở rộng diện tích gieo trồng và chú ý đến việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước thay thế những cây trồng cho giá trị thu nhập thấp; tích cực tìm kiếm thị trường, đồng thời phối hợp đơn vị cung ứng hạt giống chứng nhận nguồn gốc xuất xứ để người tiêu dùng biết và tin dùng sản phẩm.

 

BẢO LÂM

 

Hiệu quả trồng cây ăn trái trên đất mặn

 

Nguồn tin: Báo Cà Mau

 

Trồng cây ăn trái trên vùng đất mặn hiện không còn là mô hình xa lạ đối với người nông dân trên địa bàn huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, trồng thế nào để có hiệu quả kinh tế là vấn đề quan trọng, ông Nguyễn Văn Kỳ, ấp Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ, là một trong những người tiêu biểu thực hiện có hiệu quả mô hình trồng cây ăn trái trên đất mặn có hiệu quả.

 

Trồng cây ăn trái trên đất mặn thực tế không phải dễ thực hiện, bởi phần lớn đất đai thấm mặn nên đòi hỏi phải có thời gian rửa mặn triệt để mới trồng cây có hiệu quả. Thời gian đầu thực hiện việc lên liếp trồng cây ăn trái, ông Kỳ gặp không ít khó khăn, do rửa mặn chưa triệt để, cây trồng năm đầu rất tốt, nhưng năm sau cằn cỗi và chết đi do rễ cây ăn sâu vào lòng đất và nhiễm mặn, nhất là vào mùa nắng nóng. Còn nữa, không phải loại cây nào cũng thích hợp trồng trong điều kiện vùng đất nuôi tôm nhiễm mặn.

 

 

Vườn cây ăn trái trên đất mặn của ông Nguyễn Văn Kỳ, ấp Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ.

 

Rút kinh nghiệm từ thực tế này, ông Kỳ triệt để thực hiện việc rửa mặn bằng cách đào mương bao xung quanh khu vườn để trữ ngọt dưới chân. Ðồng thời, lên liếp cao ráo và chọn các giống cây phù hợp điều kiện đất đai nhiễm mặn và chịu được nắng hạn, ông thấy, loại cây thích hợp nhất là xoài, sa-pô, mận, ổi các loại. Các loại cây này thực tế chịu được đất nhiễm mặn vài ba phần ngàn và khả năng phát triển nhanh, chỉ sau 2 mùa, cây có thể cho trái với năng suất khá.

 

Ðến nay, cây đã cho trái được 2 năm, với trên 200 cây ăn trái lớn nhỏ, ông Kỳ đã có thu hoạch hằng năm từ 1-1,5 tấn trái cây các loại, bán được vài chục triệu đồng bổ sung vào nguồn thu nhập của gia đình, đồng thời, giảm chi phí tiêu dùng một cách đáng kể.

 

Theo ông Kỳ, trồng cây ăn trái trên đất mặn không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc từng cây để tránh cây bị chết yểu. Các loại cây như: xoài, mận, sa-pô lại rất dễ bị sâu đục thân, khi trồng cần phải đảm bảo khi cây trưởng thành có độ che phủ kín đất để giữ độ ẩm cho đất giúp cây phát triển tốt, nhất là trong mùa nắng.

 

Tận dụng phần đất trống, ông Kỳ tranh thủ trồng thêm các loại rau cải, hành, hẹ để cải thiện bữa ăn và góp phần tăng thu nhập. Trên diện tích đất vườn hơn 3 công này, nguồn thu từ cây trái, rau màu tuy không phải là chủ lực nhưng cũng giúp gia đình có thêm tiền trang trải cuộc sống khi tôm nuôi thất bát. Ðiều quan trọng là chủ động được lượng rau màu, trái cây đảm bảo an toàn để sử dụng do chính mình làm ra

 

Hiệp Ðoàn

 

Thanh niên mê trồng gừng

 

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

 

Mô hình trồng gừng của anh Trịnh Minh Huy - Ảnh: N.THANH

 

Với khát khao làm giàu, anh Trịnh Minh Huy, SN 1988, kỹ sư công nghệ thông tin, đang thực hiện mô hình trồng gừng tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Trị 2, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Sự kiên trì, chịu khó của chàng thanh niên này khiến không ít người cảm phục.

 

Sinh ra và lớn lên tại TP Tuy Hòa nhưng anh Trịnh Minh Huy lại có đam mê làm nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, anh Huy cảm thấy mình không có hứng thú với công việc này. Anh luôn muốn trở về quê để theo đuổi niềm đam mê làm nông nghiệp. Minh Huy cho biết: Tôi đã tìm hiểu rất nhiều mô hình trồng các loại cây và cuối cùng quyết định chọn cây gừng để thực hiện ước mơ. Năm 2015, tôi tìm đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Trị 2 để thuê sân kho trồng gừng. Loại cây này dễ chăm sóc, ít tốn diện tích và không cần nhiều vốn đầu tư nên tôi mạnh dạn triển khai trồng thử. Gừng cũng dễ tiêu thụ.

 

Ban đầu, anh Huy trồng gừng trong bao và trồng được 5.000 bao gừng với chi phí khoảng 60 triệu đồng. Sau 7 tháng chăm sóc, đến khi thu hoạch, trừ hết chi phí, anh Huy lãi được 20 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ gừng của anh chủ yếu là ở các chợ. Theo anh Huy, cách trồng gừng trong bao nhọc công trồng cũng như chăm sóc lại không có kinh nghiệm nên năng suất không cao, lãi ít. Tuy nhiên, đây là động lực để anh tiếp tục trồng gừng.

 

Anh Huy đã tham khảo những cách trồng gừng khác từ các địa phương trong và ngoài tỉnh. Kinh nghiệm mà anh rút ra là cây gừng cần đất tương đối tốt, tầng đất dày, tơi xốp, ít đá lẫn, khả năng giữ nước lớn nhưng thoát nước tốt. Đất trồng gừng phải có độ ẩm trong suốt thời gian cây sinh trưởng. Gừng không ưa đất cát và đất sét. Thời vụ trồng gừng từ tháng 3-4 âm lịch.

 

Rút kinh nghiệm từ vụ gừng trước, năm nay, anh không trồng gừng trong bao mà trồng theo luống. Anh trộn đất với phân chuồng, ủ vỏ trấu hoặc mùn cưa theo tỉ lệ 1:5:1 (nghĩa là 5m3 đất thì cho 1m3 phân chuồng, phân NPK và 1m3 mùn cưa hoặc vỏ trấu) trộn đều nhằm tạo độ tơi xốp. Hiện nay, với diện tích 2.000m2, anh Huy trồng 4 tạ gừng giống. Anh áp dụng hệ thống nước tưới nhỏ giọt tự động. Bên trên các luống gừng, anh cho phủ lớp lưới chống nắng cao khoảng 1m giúp cho đất luôn ẩm. Sau nửa tháng xuống giống, hiện những luống gừng của anh Huy đã cao được khoảng 20cm.

 

Ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Trị 2, cho biết: Tuy trẻ nhưng Trịnh Minh Huy rất chịu khó và chăm chỉ. Khi nghe Huy trình bày phương án trồng gừng, HTX đã quyết định cho Huy thuê đất với giá rẻ để tạo điều kiện cho lớp trẻ có thể thực hiện ước muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. HTX cũng giới thiệu Huy với những người có kinh nghiệm trồng gừng lâu năm để Huy học hỏi thêm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Huy cũng đã áp dụng thêm nhiều phương pháp kỹ thuật mới trong việc trồng gừng nên cây gừng giảm bớt sâu bệnh và cho năng suất cao.

 

NHƯ THANH

 

Bạc Liêu: Sản xuất vụ hè thu: Không nên nóng vội

 

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

 

Những trận mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái oi bức của nắng hạn do biến đổi khí hậu. Nhiều nơi, nông dân bắt đầu cải tạo đất chuẩn bị xuống giống lúa hè thu. Tuy nhiên, để cải tạo diện tích đất nhiễm mặn không phải là chuyện dễ dàng.

 

 

Nông dân xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) cải tạo đất chuẩn bị sản xuất vụ hè thu. Ảnh: P.Đ

 

Đừng vội lấy nước vào ruộng

 

Sau một thời gian dài nằm phơi mình dưới nắng hạn, giờ đây, những cánh đồng ở vùng Bắc Quốc lộ 1A như được hồi sinh nhờ những cơn mưa. Cơn khát nước ngọt đã được giải tỏa và nông dân chuẩn bị cho mùa vụ mới. Nhiều nơi, bà con bắt đầu bơm nước từ các kênh nội đồng vào ruộng để chuẩn bị khâu làm đất.

 

Ở thị trấn Hòa Bình, xã Minh Diệu, xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), không ít nông dân đã lấy nước vào ruộng để tiến hành xới đất. Ông Nguyễn Văn Triều (ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình) nói: “Năm nay, do mưa đến trễ nên phải tranh thủ sản xuất cho kịp thời gian. Có người cày ải phơi đất cả tháng trước để đón trận mưa đầu mùa này. Một số hộ bắt đầu bơm nước vào ruộng để làm đất chuẩn bị xuống giống. Nếu làm trễ thì đồng nghĩa với việc mất một vụ lúa”.

 

Điều đáng lo là nông dân bơm nước từ các kênh vào ruộng nhưng không biết nước mặn hay ngọt!? Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, mặc dù những cơn mưa đầu mùa phần nào làm giảm độ mặn trên các sông lớn và kênh nội đồng, song độ mặn vẫn còn ở mức cao. Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, khuyến cáo: “Qua theo dõi độ mặn cho thấy, tuyến kênh Hòa Bình độ mặn dao động từ 1,5 - 5,3%o; tuyến kênh Phước Long - Vĩnh Mỹ: độ mặn từ 2,3 - 3,6%o. Với độ mặn như trên, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con không nên lấy nước vào ruộng để sản xuất, mà cần tiếp tục chờ mưa để giảm độ mặn của nước. Nếu lấy nước trong điều kiện hiện nay thì đồng nghĩa với việc làm cho đất bị nhiễm mặn, và vụ lúa hè thu sẽ gặp rủi ro cao”.

 

Tập trung cho khâu làm đất

 

Một vấn đề quan trọng ở vụ hè thu năm nay là nhiều nông dân đang trăn trở về phương pháp cải tạo đất, đặc biệt là đối với những nơi bị nhiễm mặn, phèn. Ông Nguyễn Văn Thắng (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) nói: “Vừa qua, nông dân ở đây gieo sạ và lúa chết vì nhiễm mặn, phèn. Điều khó khăn nhất hiện nay là vấn đề cải tạo đất. Nếu không có biện pháp cải tạo đất hiệu quả thì lúa có thể chết thêm lần nữa dù có nước ngọt”.

 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, cho rằng: “Thời gian này chỉ là thời điểm giao mùa chứ chưa phải vào mùa mưa chính thức. Với thời tiết như hiện nay, có thể đến giữa tháng 6 thì mới bắt đầu vào mùa mưa. Vì thế bà con cần đợi thông báo lịch xuống giống từ ngành Nông nghiệp. Về khâu cải tạo đất, cần đợi mưa đều để có lượng nước ngọt ổn định thì mới làm đất. Đặc biệt, đối với những vùng nhiễm phèn và xâm nhập mặn, bà con cần rửa mặn, xổ phèn từ 1 - 2 tuần. Bên cạnh đó, xử lý rơm rạ thật kỹ để tránh cây lúa bị ngộ độc hữu cơ”.

 

PHẠM ĐOÀN

 

Huyện Như Thanh (Thanh Hóa): Trồng thử nghiệm giống cỏ Cực Đông số 6

 

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

 

Mô hình trồng thử nghiệm giống cỏ Cực Đông số 6 được huyện Như Thanh (Thanh Hóa) triển khai thực hiện từ vụ đông năm 2015 tại các xã Hải Long, thị trấn Bến Sung, Yên Thọ và Phúc Đường.

 

Mỗi đơn vị thực hiện với diện tích 500m2, trồng trên đất bãi và đất hai lúa. Các hộ tham gia mô hình trồng thử nghiệm được UBND huyện hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch; hỗ trợ phân bón và tiền do chuyển đổi cây trồng trong 1 năm với mức 2 triệu đồng/sào. Ngoài những chính sách hỗ trợ trên, toàn bộ sản lượng cỏ thu được từ mô hình, các hộ được sử dụng để làm thức ăn cho trâu, bò.

 

Giống cỏ Cực Đông số 6 có nguồn gốc từ Hàn Quốc, dùng làm thức ăn cho gia súc, đặc biệt là bò thịt chất lượng cao. Tại Việt Nam loại cỏ này mới được trồng thử nghiệm tại tỉnh Đồng Nai và Thanh Hóa do Tổng Công ty CP NAMSAN - Hàn Quốc hỗ trợ giống. Đây là giống cỏ có khả năng nảy mầm nhanh, tỷ lệ nảy mầm cao, đồng đều, phát triển khá nhanh, thu hoạch sau 150 ngày trồng, năng suất đạt 365kg/100m2.

 

Quốc Hương

 

Luồng gió mới trong sản xuất lúa

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Sản xuất nông nghiệp với mô hình ký kết tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp đang mang lại những tín hiệu vui ban đầu cho nhà nông tại Hậu Giang. Người dân trên địa bàn và các cơ quan chức năng đang hy vọng mô hình liên kết này sẽ là “luồng gió mới” trong sản xuất lúa theo nhu cầu thị trường.

 

 

Nông dân sản xuất theo mô hình mới vụ lúa thu hoạch xong, doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng, không phải lo đầu ra.

 

Tín hiệu vui

 

Vụ Đông xuân 2015 - 2016, trên cánh đồng lớn hơn 100ha thuộc ấp 9 và ấp 11, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, rền vang tiếng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Cả cánh đồng lúa, tất cả khâu sản xuất đều được sử dụng cơ giới hóa. Đặc biệt, ngoài niềm vui được mùa, nông dân ở đây thêm phần phấn khởi vì toàn bộ lúa sản xuất với giống lúa RVT đã được doanh nghiệp tư nhân Công Bình bao tiêu với giá 6.100 đồng/kg lúa tươi, cũng như hỗ trợ cho mượn giống và 5 triệu đồng mua phân thuốc sản xuất.

 

Ông Nguyễn Văn Tạo, ở ấp 11, xã Vị Thắng, cho biết: “Đây là vụ đầu tiên tôi tham gia vào cánh đồng mẫu và sản xuất lúa cho Công ty Công Bình với kết quả ngoài mong đợi. Nhà có 3ha lúa sản xuất theo mô hình mới đã cho lợi nhuận trên 110 triệu đồng, cao hơn sản xuất lúa khác khoảng 40 triệu đồng”.

 

Cũng trong vụ Đông xuân vừa qua, 45ha lúa của Hợp tác xã Hai Huynh, ở ấp 7, xã Vị Thắng, cũng được Công ty Công Bình ký hợp đồng sản xuất nếp chùm với giá bao tiêu 5.700 đồng/kg nếp tươi. Khi tham gia ký kết sản xuất, nông dân được hỗ trợ giống, áp dụng đồng loạt các biện pháp khoa học kỹ thuật, gieo sạ đồng loạt, vì vậy nhiều nông dân của Hợp tác xã Hai Huynh thu được lợi nhuận từ 2,5 - 3 triệu đồng/1.000m2, cao hơn từ 1 - 1,5 triệu đồng/1.000m2 so với những hộ sản xuất lúa không tham gia mô hình liên kết tại khu vực. Bà Nguyễn Thị Cẩm, ở ấp 7, xã Vị Thắng, một trong những hộ tham gia mô hình liên kết vui mừng, cho biết: “Lúc đầu công ty đưa giống để gieo sạ, bà cũng lo ngại vì sợ không bán được lúa. Nhưng khi được thu hoạch, công ty thu mua giá 5.700 đồng/kg nên bà con ở đây rất phấn khởi”.

 

Trên nét mặt rạng ngời niềm vui, nông dân Danh Tài, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, canh tác hơn 1,5ha lúa, cho biết đã 5 vụ lúa liên tiếp được doanh nghiệp tư nhân Công Bình bao tiêu giống RVT. 5 vụ lúa vừa qua của ông Tài là cả 5 vụ lúa thu hoạch xong, doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng, không phải lo đầu ra gì cả. Đồng thời, việc bán lúa được nhanh nên lúa không bị hao hụt, đảm bảo năng suất và chất lượng. Ông Tài hợp đồng với công ty thu mua và được bao tiêu giá cao hơn so với sản xuất bình thường trên 1.000 đồng/kg. Công ty đưa lúa giống, hỗ trợ ông Tài mua vật tư kịp thời, do đó ông không lo bị ép giá và không tốn công vận chuyển sau thu hoạch.

 

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho hay: “Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã có hơn 5.000ha lúa được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cũng như ký kết với nông dân sản xuất theo quy trình, kỹ thuật, giống lúa do công ty đưa ra. Cách thức làm ăn mới bước đầu hiệu quả và phù hợp này đang được khá đông bà con nông dân trong tỉnh tham gia; việc ký kết đã giúp nông dân mạnh dạn chủ động sản xuất. Cũng nhờ đó, việc sản xuất nông nghiệp đã ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng cao, góp phần xây dựng cánh đồng lớn hiệu quả”.

 

Thắt chặt liên kết

 

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, vụ lúa Đông xuân vừa qua trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết bao tiêu 8.000ha lúa, gồm Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty Xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm Miền Tây, Công ty TNHH một thành viên Khang Hưng, Công ty TNHH một thành viên thủy sản Hoàng Long, doanh nghiệp tư nhân Công Bình. Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Thời gian qua, việc thực hiện mô hình cánh đồng lớn có một vài trở ngại, khó khăn, trong đó cái khó lớn nhất là nông dân khi tham gia mô hình này thì đầu ra còn thiếu ổn định, giá cả còn bấp bênh và vẫn còn bị thương lái ép giá. Bên cạnh đó, mối liên kết của một vài mô hình bao tiêu sản xuất lúa thời gian qua vẫn chưa được chặt chẽ như mong muốn. Cụ thể, mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, nông dân với nông dân trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông vẫn còn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau”.

 

Theo ông Ngô Triều Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, hiện nay hợp đồng bao tiêu nông sản có tính pháp lý thấp, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua. Trong khi đó, vai trò liên đới giữa “4 nhà” lại thiếu chặt chẽ và chưa mang tính đồng bộ. Nhà nước chưa có chế tài cụ thể nên khó xử lý khi xảy ra vi phạm hợp đồng giữa các bên, do đó mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân chưa được lan rộng mạnh.

 

Còn ông Nguyễn Văn Đồng cho biết thêm: “Các vụ lúa trước đây, việc nông dân phá vỡ hợp đồng trong ký kết với đơn vị bao tiêu thường xuyên xảy ra. Dù đã giao ước hợp đồng và nhận tiền đặt cọc, nhưng khi giá thị trường tăng, nông dân bán ra bên ngoài hoặc bán một nửa theo hợp đồng, một nửa cho người khác. Đây là một trong những nguyên nhân gây mất lòng tin với doanh nghiệp”.

 

Ngược lại, người dân còn ngần ngại uy tín, thực lực của các đơn vị bao tiêu. Điển hình như vụ lúa Hè thu 2016, Công ty Lương thực Sông Hậu là thành viên của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy ký kết bao tiêu 300ha lúa tại xã Vị Trung và Vị Bình, huyện Vị Thủy - 2 địa phương đang xây dựng cánh đồng mẫu lớn của huyện nhưng không thành công, do công ty hẹn 3 ngày sau cân lúa sẽ trả tiền nhưng nông dân muốn công ty trả tiền liền tại chỗ.

 

Ông Nguyễn Văn Đồng cho biết: Ngành nông nghiệp tỉnh đã cử cán bộ theo dõi cũng như tham gia tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất lúa vụ Hè thu này. Hiện nay, tại các địa phương có mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất lúa cũng như hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia đại diện phía nông dân. Đặc biệt, trong hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nay có thêm điều khoản doanh nghiệp phải trả tiền sau bao nhiêu ngày cân lúa của nông dân. Điều khoản này trước đây không có nên giữa doanh nghiệp và nông dân nhiều nơi không hiểu nhau đã dẫn đến nhiều chuyện không đáng có.

 

THU HIỀN

 

Cần mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

 

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

 

Trên cùng một diện tích canh tác, hoạt động chuyển đổi trồng loại cây có hiệu quả hơn đã và đang được người dân mạnh dạn áp dụng. Trong điều kiện nắng hạn như hiện nay, các loại cây cần ít nước trở thành ưu tiên hàng đầu.

 

Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ hè thu 2016, do thiếu nước, toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ sản xuất chưa đầy 8.000ha lúa, hơn 10.000ha khác phải bỏ vụ. Việc chuyển sang các loại cây trồng ngắn ngày, cần ít nước đã và đang được triển khai trên toàn tỉnh, dự kiến sẽ có 361ha được chuyển đổi. Bà Trịnh Thị Thùy Linh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã chuyển đổi được gần 120ha sang trồng các loại cây trồng khác phù hợp hơn với điều kiện thời tiết nắng hạn. Ở huyện Cam Lâm đã có 50ha khoai sáp trên đất lúa và 16ha dưa hấu trên đất màu đã được xuống giống; TP. Cam Ranh có 50ha đất được chuyển sang trồng dưa hấu, bắp… Cùng với quá trình chuyển đổi, ngành chức năng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng nước tiết kiệm, áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm; quán triệt đến từng địa phương không sản xuất trên diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng”.

 

 

Ruộng khoai sáp của ông Nguyễn Văn Chính ở xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm cho hiệu quả cao hơn trồng lúa

 

Lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, địa phương đã chuyển đổi được 20ha từ đất trồng lúa gặp khó khăn về nguồn nước, đất màu kém hiệu quả sang trồng bắp, ớt, đậu xanh, mè… Đây là những loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt hơn so với cây lúa cũng như một số cây trồng khác, trong khi tính hiệu quả vẫn được duy trì nên địa phương đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi.

 

Tại huyện Cam Lâm, đưa chúng tôi tới cánh đồng khoai sáp ở thôn Cửu Lợi 3, xã Cam Hòa, ông Trần Vi Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay: “Vào năm 2009, xã đã trồng thử nghiệm khoảng 5ha khoai sáp và loại cây trồng này tỏ ra phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nơi đây. Năm 2016, toàn xã đã có 50ha khoai sáp được trồng”. Ông Nguyễn Văn Chính đang chăm sóc khoai sáp tại đây cho biết: “Nhà tôi có 4,5 sào trồng khoai sáp, mỗi vụ khoai có năng suất bình quân 2,5 tấn/sào, với giá 17.000/kg như hiện nay, sau khi trừ hết chi phí, cây khoai sáp mang lại hiệu quả gấp 8 lần so với trồng lúa. Cụ thể, cây lúa chỉ cho thu nhập 1,5 - 2 triệu đồng/sào/vụ, cây khoai sáp lại mang về cho người dân 10 - 15 triệu đồng/sào/vụ”. Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Cam Hòa, ngoài khoai sáp, ở những diện tích khó khăn hơn về nước tưới, người dân đã trồng các loại cây như: bí chanh, dưa leo, dưa hấu, đậu cô ve… Toàn xã có gần 500ha sản xuất lúa nhưng đến thời điểm này, vụ hè thu 2016 mới chỉ xuống giống được 50ha, diện tích còn lại đang phải chờ nước về mới có thể xuống giống.

 

Còn nhớ, trong các buổi kiểm tra thực địa ở một số huyện, thị xã và các cuộc họp liên quan đến công tác chống hạn, chuyển đổi cây trồng cách đây chưa lâu, đồng chí Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan nhanh chóng và mạnh dạn chuyển đổi các diện tích đất nông nghiệp và đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. “Tỉnh Khánh Hòa không phải là vùng lúa trọng điểm, nên việc chuyển đổi cần mạnh dạn hơn nữa; yêu cầu các ngành tập trung nghiên cứu, thử nghiệm các loại giống cây trồng mới, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của tỉnh, làm sao giúp người dân có được những cây trồng phù hợp, hiệu quả hơn so với cây lúa”, đồng chí Lê Đức Vinh nhấn mạnh.

 

Rõ ràng, trong quá trình phát triển, các loại cây có hiệu quả cao hơn trên cùng một diện tích canh tác đang được người dân ưu tiên chuyển đổi. Cùng với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt như hiện nay, việc chuyển đổi các loại cây trồng cần ít nước còn là yêu cầu bắt buộc nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất những hệ quả do hạn hán gây ra.

 

H.Đ

 

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop