Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 05 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 05 năm 2020

Hà Nội đẩy mạnh phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Hiện nay, để quản lý chất lượng các mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR code. Việc này không chỉ tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chất lượng mà người tiêu dùng và doanh nghiệp đều hưởng lợi vì nguồn gốc sản phẩm được minh bạch.

Sản phẩm nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc bán tại một hội chợ kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Đăng Khôi

Doanh nghiệp và người tiêu dùng hưởng lợi

Sau hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 3-1-2018 của UBND thành phố Hà Nội về duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến nay, hệ thống này đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý cho 2.746 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản. Đồng thời đã cấp 7.771 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống (tăng 543 mã sản phẩm so với cuối năm 2019).

Việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, minh bạch sản phẩm trên thị trường và người tiêu dùng được hưởng lợi. Đứng ở góc độ của người sản xuất, theo ông Hoàng Văn Khảm - Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ), sau hơn 2 năm thực hiện truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của hợp tác xã được đối tác và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Hiện nay, bình quân mỗi năm hợp tác xã cung cấp 720 tấn rau, quả an toàn cho thị trường. Mỗi ngày, sau khi thu hoạch tại ruộng, rau được đưa về kho phân loại, sơ chế, dán tem truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, việc ứng dụng hệ thống thông tin điện tử, sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc còn nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Hiền (phường Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết, đây là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hơn nữa, khi dán tem, người tiêu dùng dễ dàng có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm bằng điện thoại thông minh về: Thông tin nơi sản xuất, nhà sản xuất, tên loại rau, giá cả và ngày, tháng sử dụng. Đặc biệt, việc này tránh được tình trạng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trà trộn trên thị trường.

Đánh giá về hiệu quả của việc ứng dụng mã QR code trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay: Việc này nhằm nâng cao nhận thức trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm để doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng nhau ngăn chặn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trên thị trường. Qua đây, người sản xuất và doanh nghiệp phân phối thực phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về khâu nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển thực phẩm…

100% số chuỗi sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc

Để tiếp tục phát huy hiệu quả trong phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, theo ông Nguyễn Thế Lâm - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh), các ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ cho hợp tác xã về việc dán tem truy xuất nguồn gốc rau, quả; tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại, qua đó, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Ngoài ra, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm hàng nhái, hàng giả để minh bạch thông tin sản phẩm trên thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Thực hiện mục tiêu Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020, cuối năm 2020, thành phố phấn đấu duy trì, tăng mới hơn 20% chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn tiêu thụ trên địa bàn thành phố; phấn đấu 100% chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR code. Để đạt mục tiêu này, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia liên kết, hợp tác trong sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản ứng dụng mã QR code trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm tự công bố sản phẩm nông, lâm, thủy sản ở các cơ sở, tập trung vào các sản phẩm, cơ sở có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao; thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những sản phẩm vi phạm để người tiêu dùng biết và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Cùng với đó là đẩy mạnh việc lấy mẫu giám sát thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng, tập trung vào các sản phẩm rau, thịt; điều tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm mất an toàn tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội…

QUỲNH DUNG

Ngành hàng chủ lực vực dậy sau “kỳ nghỉ dài”

Nguồn tin:  Báo ảnh Đất Mũi

“Trong những tháng còn lại của năm 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là phát triển các ngành hàng chủ lực, đưa các sản phẩm OCOP Cà Mau phát triển hơn nữa, thực sự trở thành các sản phẩm chủ lực của tỉnh”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông Lê Thanh Triều khẳng định.

Ngành tôm Cà Mau đang “nén lại” do tác động của dịch COVID-19 và sẽ “bung ra” trong thời gian tới.

Quá nhiều thử thách

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ: Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm (sản lượng tôm giảm 16,3% so với tháng trước; chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 giảm 25,5% so với tháng trước); riêng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tăng 71ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến tăng 30ha.

Thiên tai, hạn hán gay gắt tiếp tục gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân: Làm thiệt hại 20.495ha lúa, 22ha rau màu, 2.161ha nuôi trồng thủy sản. Toàn bộ diện tích rừng U Minh Hạ và rừng cụm đảo (43.583,7ha) đang khô hạn với mức cảnh báo nguy cơ cháy cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội sẽ khởi sắc do dịch COVID-19 đã được kiểm soát và tình trạng hạn hán sẽ kết thúc. Do đó, để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh cần “Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời khởi động lại và đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội”. Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, TP. Cà Mau tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến của thời tiết để người dân chủ động bố trí, tổ chức sản xuất. Tiếp tục theo dõi, cập nhật sát tình hình thiệt hại do hạn hán, thiên tai, thời tiết gây ra trên địa bàn tỉnh; rà soát, điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, tiểu vùng; hướng dẫn địa phương, nhân dân đăng ký sản xuất ban đầu (đối với trường hợp phải đăng ký) và tổ chức sản xuất trên từng lĩnh vực: Thủy sản (chủ yếu nuôi tôm), nông nghiệp (chủ yếu cây lúa, đặc biệt lúa hè thu, rau màu) và lâm nghiệp.

Ngành hàng gỗ cũng là một ưu tiên hàng đầu nữa trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Hàng loạt giải pháp của ngành Nông nghiệp

Phối hợp, chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách để thúc đẩy nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến: Tăng cường kiểm tra, giám sát vùng nuôi, tăng tần suất quan trắc, dự báo diễn biến môi trường; quản lý chất lượng giống thủy sản, thức ăn và các chế phẩm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn người nuôi cải tạo ao đầm, thời điểm thả giống… để nâng cao hiệu quả nuôi, khôi phục sản xuất. Trong đó, lưu ý dự báo sát nhu cầu, giá cả thị trường đối với từng loại tôm để hướng dẫn người dân sản xuất hiệu quả, giá tôm sú có xu hướng tiếp tục giảm (do sản phẩm cao cấp, người tiêu dùng chọn tôm thẻ thay thế), giá tôm thẻ tăng, nhưng chi phí nuôi thâm canh, siêu thâm canh ít thay đổi, khuyến cáo người dân lựa chọn mô hình, đối tượng thích hợp để sản xuất; giá tôm sú giảm nhưng ít ảnh hưởng đối với mô hình nuôi quảng canh cải tiến (do chi phí nuôi thấp) khuyến cáo thực hiện và kết hợp thêm các đối tượng khác (cua, sò, cá…); tận dụng diện tích ao lắng để nuôi các đối tượng phù hợp… Hướng dẫn nhân dân cày ải, xuống giống, kỹ thuật canh tác, thời điểm lấy nước, tưới tiêu… thích nghi với điều kiện thời tiết nhằm hạn chế thiệt hại. Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để tái nhiễm dịch bệnh, nhất là dịch tả heo châu Phi; đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, chăn nuôi an toàn sinh học.

Ngành Lâm nghiệp tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng; khai thác rừng theo kế hoạch; chuẩn bị cây giống và các điều kiện cần thiết để trồng rừng đạt chỉ tiêu năm 2020. Thu hút, kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lâm nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, tiêu thụ lâm sản…

Đẩy nhanh tái cấu trúc, tái cơ cấu kinh tế theo ngành, lĩnh vực, sản phẩm; tập trung sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là mặt hàng thủy sản (nhất là kế hoạch đầu tư, phát triển của ngành tôm) theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chú trọng hình thành các liên kết theo chuỗi hiệu quả và bền vững, nâng cao giá trị gia tăng là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, Cà Mau vẫn còn một số khó khăn, quy mô nền kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh còn hạn chế; là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thu ngân sách mới đáp ứng được chi thường xuyên khoảng 44%, giải ngân vốn đầu tư đạt hơn 60%, cơ sở hạ tầng liên kết vùng cũng còn nhiều khó khăn.

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Do đó, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Cà Mau cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, khó khăn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau 5 năm 2016 - 2020.

Tái cấu trúc, tái cơ cấu kinh tế theo ngành, lĩnh vực, sản phẩm; tập trung sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là mặt hàng thủy sản (nhất là kế hoạch đầu tư, phát triển của ngành tôm) theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chú trọng hình thành các liên kết theo chuỗi hiệu quả và bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thị trường, phát triển công nghiệp chế biến làm nền tảng để thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, thu ngân sách cho nhà nước. Chính quyền và doanh nghiệp phải có tư duy hội nhập, chủ động, hướng đến thị trường quốc tế, nâng cao chất lượng, vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các nước, tránh các vấn đề pháp lý.

Đồng thời, thực hiện quyết liệt các giải pháp để phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, gia tăng năng lực sản xuất của từng lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực còn tiềm năng phát triển. Triển khai công tác quy hoạch ngành lĩnh vực, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch năm 2017. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong công tác, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chính quyền các cấp, xây dựng nền hành chính thông thoáng, khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế tư nhân, một trong những trụ cột của nền kinh tế. Chú trọng hơn môi trường kinh doanh, cần tập trung cải thiện mạnh hơn, nhất là trong những lĩnh vực còn hạn chế.

PHÚ HỮU

Tiền Giang đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Tiền Giang là một tỉnh nông nghiệp, đất đai phần lớn là nhóm đất phù sa trung tính, thuận lợi cho việc trồng trọt, hình thành vùng lúa năng suất cao và vườn cây ăn trái chuyên canh của tỉnh. Ngoài ra, với bờ biển dài 32km và có hệ thống sông ngòi, kênh rạch với nguồn nước ngọt do sông Tiền cung cấp nên thuận lợi cho nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Tiền Giang còn là cửa ngõ miền Tây, nên trong những năm gần đây công nghiệp phát triển mạnh. Chính vì thế, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược,... tạo ra những cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, những loại thực phẩm, dược phẩm phục vụ cho việc chữa bệnh cho con người.

Nhận thức được điều đó, cấp ủy, chính quyền đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông tri số 28-TT/TU để lãnh đạo triển khai thực hiện, Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1258/KH-UBND về việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và tính đến năm 2020.

Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, dưới sự lãnh đạo Tỉnh ủy, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, nhất là sự ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân, Tiền Giang đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:

Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm sâu sát, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, y dược, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường được tập trung thực hiện, góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, các dịch vụ ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh.

Việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ nghiên cứu công nghệ sinh học được quan tâm, đến nay đã có 01 khu phục vụ bảo tồn và sản xuất giống, phôi nuôi trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu với 01 văn phòng, 01 nhà kho chứa vật tư và 01 nhà kho chứa thành phẩm, 01 phòng thí nghiệm và 3 phòng giống, 4 trại thực nghiệm; 01 khu sản xuất; các hoạt động hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được thực hiện trên các lĩnh vực như: Cây ăn trái, cây lúa, y tế, trao đổi sinh viên thực tập, cử giảng viên học hỏi kinh nghiệm với nước ngoài,… Công tác phát huy, bồi dưỡng nguồn nhân lực trí thức về công nghệ sinh học được các trường cao đẳng, đại học, các đơn vị chuyên môn trên địa bàn tỉnh đầu tư và tạo điều kiện. Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh trong đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, kinh phí nghiên cứu các đề tài cấp cơ sở, cấp tỉnh nên những năm gần đây, số lượng đề tài về lĩnh vực công nghệ sinh học tăng lên, nhất là tại các cơ quan, đơn vị như trường đại học, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh,…

Công tác nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học cũng được các ngành quan tâm chỉ đạo và thực hiện. Sự phối hợp hoạt động của các ngành với các địa phương, doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học ngày càng nhiều và hiệu quả hơn. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, nhất là việc ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học sản xuất sạch, bảo quản và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính sự phối hợp giữa đội ngũ trí thức cùng với sự sáng tạo của nhân dân tạo ra những sản phẩm mới, an toàn cho môi trường phục vụ tốt đời sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Việc ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học đã góp phần tăng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra nhiều giống mới (nâng tổng đàn heo lai trên địa bàn tỉnh lên 95% là các giống heo từ tổ hợp giống heo lai có từ 03 - 04 máu ngoại có năng suất cao; tỷ lệ bò lai tăng lên 85,16% tổng đàn, tỷ lệ xẻ thịt tăng từ 35 - 40% lên 45 - 47%; trên gia cầm, bên cạnh các giống gia cầm công nghiệp có năng suất cao, chiếm tỷ lệ đàn vật nuôi lớn, chiếm 60 - 70% tổng đàn) đáp ứng yêu cầu thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, bảo vệ môi trường (xử lý nước thải công nghiệp, nước thải chăn nuôi bằng công nghệ vi sinh; sử dụng chế phẩm EM trong xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý môi trường bãi rác, môi trường nước nuôi trồng thủy sản, xử lý nước thải y tế, thuỷ sản, nông nghiệp, chất thải công nghiệp tư các cơ sở kinh doanh, dịch vụ), bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều đề tài, dự án, mô hình đạt hiệu quả được ứng dụng nhân rộng như sản xuất, chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, SQF, nông nghiệp (an toàn dịch bệnh vùng nuôi, các chương trình hỗ trợ toàn diện cây ăn trái đặc sản của tỉnh, sản xuất giống cây trồng bằng phương pháp cấy mô, toàn tỉnh có 215,53 ha lúa, 1.557,13 ha diện tích sản xuất cây ăn trái được chứng nhận VietGAP/GlobalGAP, triển khai 05 chương trình phát triển toàn diện trái cây chủ lực, sử dụng vi sinh vật đối kháng trong quản lý dịch bệnh hại cây trồng), ứng dụng kỹ thuật trong thủy sản nâng cao hiệu quả kinh tế người nuôi, giảm chi phí đầu tư khai thác cho ngư dân (sản xuất giống nghêu, giống tôm), phát triển mạnh các loại nấm ăn, nấm dược liệu; y tế (ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực nghiên cứu vắc xin mới ngừa sốt xuất huyết, sản xuất thuốc, chẩn đoán, phòng trị bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân),...

Tập quán canh tác của nông dân được thay đổi nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, từ lạc hậu, thủ công sang canh tác hiện đại, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Công nghệ sinh học được ứng dụng vào sản xuất và đời sống ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, bước đầu tạo ra phong trào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Một bộ phận người dân từng bước tiếp thu, làm chủ, sáng tạo công nghệ tiên tiến và hiện đại, tạo điều kiện các tiến bộ kỹ thuật đến với sản xuất nhanh hơn, mạnh dạn ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học vào thực tiễn, nhất là các giống cây, giống con và các chế phẩm sinh học. Nhiều giải pháp, mô hình sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các cá nhân và tổ chức trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ.

Kim Truyện

Xây dựng hệ thống giám sát côn trùng thông minh

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 19-5, UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, vừa phê duyệt đề án xây dựng hệ thống giám sát côn trùng thông minh, phục vụ công tác bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Hệ thống được xây dựng tại 6 huyện trồng lúa chủ lực của tỉnh, gồm: Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long và Châu Thành.

Đề án tiến hành lắp đặt các bẫy đèn điện tử thay thế hệ thống bẫy đèn truyền thống nhằm tăng cường công tác theo dõi, dự báo tình hình dịch hại trên cây lúa theo hướng hiện đại. Các bẫy đèn sẽ giúp theo dõi côn trùng trên cây lúa, rầy nâu di trú; lấy mẫu rầy nâu phân tích giám định mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Bẫy đèn thông minh nhận dạng chính xác số lượng, chủng loại côn trùng vào đèn, giúp nhà quản lý có cơ sở dữ liệu trên máy chủ và máy trạm, thông qua phần mềm ứng dụng; từ đó ghi nhận kết quả, phục vụ công tác dự tính, dự báo kịp thời và chính xác hơn.

Các bẫy đèn sẽ giúp theo dõi côn trùng trên cây lúa

Ngoài ra, công nghệ bẫy đèn thông minh, giám sát côn trùng sẽ giúp nông dân truy cập thông tin nhanh, chính xác bằng điện thoại thông qua phần mềm ứng dụng; giúp phòng trừ dịch hại hiệu quả, giảm chi phí sản xuất; đặc biệt là giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa.

ĐÌNH CẢNH

Tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang

Theo kế hoạch, trong quý IV/2020, tỉnh Hậu Giang sẽ tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản với quy mô dự kiến khoảng 150-200 đại biểu. Thành phần đại biểu tham dự là lãnh đạo Bộ Công thương, Cục Xúc tiến thương mại; Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh; Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm Xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh; các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố bạn; các diễn giả...

Hội nghị sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh gặp gỡ trao đổi, tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, phương thức cung ứng và tiêu thụ sản phẩm; trao đổi thông tin, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, khai thác nguồn nguyên liệu, phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường. Thúc đẩy việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng - tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ; tạo kênh tiêu thụ hàng hóa một cách ổn định, đa dạng, chất lượng, giá cả hợp lý và có tính cạnh tranh cao. Tập trung hỗ trợ, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa đặc trưng có thế mạnh của tỉnh Hậu Giang. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh...

H.TÂM

Phát triển chỉ dẫn địa lý Dứa Đồng Giao

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Dứa Đồng Giao là đặc sản của Ninh Bình, có mặt trong sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00074 cho sản phẩm Dứa Đồng Giao. Tuy nhiên, đây chỉ là bước ban đầu để xác lập quyền sở hữu và những yếu tố pháp luật có liên quan, về lâu dài, để khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ này, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường thì đơn vị quản lý và người dân trồng dứa còn nhiều việc phải làm.

Chăm sóc dứa tại Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: Anh Tuấn

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: Từ năm 1967, cây dứa được đưa về trồng ở Nông trường Đồng Giao (nay là Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao), nó tồn tại và phát triển bền vững và trở thành biểu tượng và sản phẩm chính của đơn vị.

Hiện nay, ở Tam Điệp, cây dứa chiếm 60% diện tích trồng các cây ăn quả (khoảng 3.600 ha) với khoảng 1.700 hộ chuyên trồng dứa, tổng sản lượng dứa mỗi năm từ 55.000- 60.000 tấn. Dứa Đồng Giao có 2 giống chính là Dứa Cayen với diện tích trồng khoảng 1.900 ha và Dứa Queen 1.700ha. Dứa Cayene Đồng Giao có hình trụ, màu vàng cam nhạt, mùi thơm, vị ngọt đậm, không xơ; khối lượng quả từ 1,53 đến 1,78 kg; đường kính quả từ 12,90 đến 13,90 cm; chiều dài quả từ 19,45 đến 20,39 cm; số lượng mắt dứa từ 111 đến 115 mắt; tỷ lệ phần ăn được từ 72 đến 75%. Dứa Queen Đồng Giao có hình trụ, màu vàng rơm, mùi thơm, vị ngọt, không xơ; khối lượng quả từ 0,54 đến 0,61 kg; đường kính quả từ 7,71 đến 8,49 cm; chiều dài quả từ 10,46 đến 11,27 cm. Số lượng mắt dứa từ 92 đến 94 mắt; tỷ lệ phần ăn được từ 60 đến 74%.

Bên cạnh kinh nghiệm và bí quyết canh tác, kỹ thuật thu hoạch và bảo quản sản phẩm của người dân, các đặc tính trên của dứa Đồng Giao có được là nhờ điều kiện tự nhiên độc đáo của khu vực này: vùng bán sơn địa, có mức độ phân cắt địa hình ít nên tạo sự đồng đều về khí hậu, tiêu thoát nước tốt, thuận lợi cho việc trồng và sản xuất cây dứa. Đất đai nơi đây có hàm lượng sét cao, tầng mặt của đất tơi xốp, phù hợp với đặc điểm của cây dứa là có bộ rễ yếu, ăn nông và cần lượng nước cao.

Ngoài ra, đây là khu vực có biên độ nhiệt ngày đêm lớn (4oC - 6oC) và lượng bức xạ cao giúp tạo nên điểm đặc thù cho sản phẩm dứa. Để bảo tồn nguồn gen, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, tỉnh Ninh Bình đã được phê duyệt và triển khai dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý Đồng Giao cho sản phẩm dứa của tỉnh Ninh Bình”. Sau thời gian triển khai thực hiện, dự án đã nhận được sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Và tháng 5/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00074 cho sản phẩm Dứa Đồng Giao.

Đây là bước ban đầu để xác lập quyền sở hữu và những yếu tố pháp lý có liên quan song đã có những tác động tích cực, bước đầu giúp gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ đồng thời làm thay đổi nhận thức của người sản xuất…Minh chứng là trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thì quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu của Công ty vẫn bằng 431% so với cùng kỳ năm 2019. Không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi, mà chính bà con nông dân cũng đang rất vui mừng bởi sản phẩm dứa sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ đến đó, nhiều hộ nông dân có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu nhập từ 80-100 triệu đồng/ha. Anh Nguyễn Văn Thanh, đội Hang Nước, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao phấn khởi cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá dứa ổn định, thậm chí thời điểm này, mặc dù đã vào chính vụ nhưng giá không bị giảm mà còn tăng gấp đôi so với năm ngoái. Bà con chúng tôi rất tự hào và sẽ cố gắng giữ gìn bản sắc, thương hiệu dứa Đồng Giao. Niềm vui của những người nông dân chúng tôi là sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, để chế biến và xuất khẩu đi các nước, được thế giới biết đến.

Ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: Để phát triển nhãn hiệu Dứa Đồng Giao cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, ngành chuyên môn, tất cả các nhà sản xuất, nhà chế biến và những người nông dân. Trước tiên, cơ quan quản lý nhãn hiệu này là UBND thành phố Tam Điệp phải thực hiện đúng các quy trình, các quy định đã đề ra trong quá trình tạo lập, xây dựng chỉ dẫn địa lý Dứa Đồng Giao. Cụ thể như việc quản lý tem, nhãn mác hay tuyên truyền, quảng bá, đào tạo, tập huấn cũng như giám sát quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý là thực phẩm cần gắn với các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như VietGAP, hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, chúng ta phải tích hợp được chỉ dẫn địa lý với cải thiện chất lượng, công nghệ và chế biến sâu để bán được sản phẩm với mức giá ngày càng cao. Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá ra thị trường trong và ngoài nước để người tiêu dùng biết đến, qua đó giúp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Hà Phương

Cam sành ruộng tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Ngày 22/5/2020, Viện Cây ăn quả Miền Nam hội thảo khoa học đánh giá thực trạng canh tác cam sành tại Vĩnh Long.

Nâng cao chất lượng trái cam sành ruộng để thương hiệu cam sành Vĩnh Long được duy trì và vươn xa hơn.

Bên cạnh đưa ra giải pháp kỹ thuật để hướng dẫn người trồng cam sành trên đất ruộng nâng cao hiệu quả sản xuất, viện khuyến cáo Vĩnh Long nên có các nghiên cứu về mật độ cam sành trong điều kiện canh tác khác nhau để chọn được mô hình đảm bảo năng suất, kéo dài tuổi thọ vườn cam, đáp ứng yêu cầu thị trường về ngoại hình, trọng lượng, kích cỡ trái, độ ngọt và an toàn thực phẩm.

Cũng theo Viện Cây ăn quả Miền Nam, hiện cam sành ruộng tiêu thụ chủ yếu thị trường nội địa nhưng khả năng chấp nhận của thị trường đối với cam sành ruộng thấp hơn cam sành vườn vì chất lượng thấp hơn. Vĩnh Long có tổng diện tích trồng cam năm 2019 trên 10.000ha tập trung chủ yếu tại các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm.

Tổng sản lượng cam sành cả tỉnh đạt gần 105.000 tấn/năm. Cam sành được nhiều nông dân chuyển đổi trên đất lúa. Do ảnh hưởng của đợt rớt giá thấp vào năm 2017, diện tích cam sành trồng mới năm 2019 là 511,4ha, không còn phát triển nóng như những năm trước.

Tin, ảnh: LÊ SƠN

Áp dụng khoa học kỹ thuật vào ươm giống sâm Ngọc Linh

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam vừa nghiên cứu thành công các biện pháp ứng dụng khoa học vào quá trình gieo ươm hạt giống, bước đầu đạt hiệu quả cao, tỷ lệ cây sâm con mọc khoẻ, số cây tăng dần theo từng năm.

Nếu gieo ươm hạt giống sâm Ngọc Linh được thực hiện trực tiếp dưới tán rừng, thì tỷ lên cây con mọc thấp

Theo ông Hồ Văn Du, trú tại Nóc Măng Lùng (thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), trước đây, công tác gieo ươm hạt giống sâm Ngọc Linh được thực hiện trực tiếp dưới tán rừng, nên tỷ lên cây con mọc thấp. Đặc biệt, sau khi cây mọc mầm bị rất nhiều loại sâu bệnh gây hại, có năm sâu bệnh hại làm cây chết gần như toàn bộ, xem như mất trắng cả vụ cây giống. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, người dân đã được Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My tập huấn về công tác gieo ươm giống và chăm sóc cây con bước đầu cho hiệu quả rất cao.

“Trước đây gieo dưới tán rừng 30 hạt chỉ mọc khoảng 10 cây và cây giống xuất vườn cũng chỉ khoảng 5 cây thì bây giờ đã khác. Chúng tôi đã biết cách gieo ươm giống trong nhà lưới có mái che nên tỷ lệ cây con tăng lên khoảng 80% số lượng hạt giống và tỷ lệ cây giống khoẻ có thể xuất vườn đạt gần 60%. Đây là tín hiệu đáng mừng của người trồng sâm chúng tôi”, ông Du khoe.

Đồng bào Xê Đăng đã biết cách gieo ươm giống sâm có mái lưới che

Tại Nóc Măng Lùng, Trung tâm sâm huyện Nam Trà My cũng đã triển khai tập huấn cho bà con nông dân, khá nhiều hộ đã ươm giống đúng quy trình, cây giống đạt hiệu quả cao. Cùng với việc áp dụng thành công khoa học công nghệ vào ươm giống cộng với kinh nghiệm lâu năm trồng sâm của bà con nên nhiều hộ dân đã phát triển rất tốt.

Ngoài ra, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cùng Trung tâm sâm huyện Nam Trà My đang thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ cây giống cho bà con với giá khoảng hơn 100.000 đồng/cây, thay vì trước đây giá hơn 300.000 đồng/cây.

Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam và Trung tâm sâm huyện Nam Trà My đang thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ cây giống cho bà con

Nhiều năm trở lại đây, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào gieo ươm cây giống, chăm sóc và quản lý dịch hại trên cây sâm giống sâm Ngọc Linh luôn được ngành chức năng cũng như người trồng sâm chú trọng. Qua đó giúp cây sâm giống gốc phát triển tốt, sức khỏe hạt giống được đảm bảo và tỷ lệ cây sống xuất vườn cao.

Ông Trần Út, Giám đốc Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, hiện tại Trung tâm đã cơ bản làm chủ được quy trình kỹ thuật sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh, vườn sâm giống gốc cũng đã áp dụng biện pháp canh tác theo hướng sinh thái phù hợp.

“Ngoài việc gieo ươm hạt giống trong nhà lưới có mái che thì Trung tâm đã tiến hành thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như chọn hạt giống khỏe, sạch bệnh để tạo cây giống, làm sạch nguồn bệnh trong giá thể mùn đất, giữ độ ẩm bằng cách luôn tưới nước và vệ sinh vườn ươm, hạn chế người lạ vào vườn ươm…”, ông Út nói.

Một số đề tài nghiên cứu của tỉnh Quảng nam về ngâm mủ, nước ấm, ủ cát… các biện pháp vật lý và hoá học hạt giống sâm Ngọc Linh cho ra tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ sống khi cây xuất vườn rất cao

Theo ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở KH-CN Quảng Nam, cách đây hơn 10 năm, khi biết giá trị cây sâm Ngọc Linh cao nên người dân đã khai thác quá mức và gieo ươm trực tiếp dưới tán rừng nên tỷ lệ nảy mầm rất thấp khoảng 40%, tỷ lệ sống đủ tiêu chuẩn xuất vườn cũng rất thấp khoảng gần 30%.

Theo kết quả của một số đề tài nghiên cứu, ngâm mủ, nước ấm, ủ cát… các biện pháp vật lý và hoá học thì cho ra tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ sống khi cây xuất vườn rất cao, khoảng khoảng 4-5 năm trở lại đây tỷ lệ cây con mọc đạt 80%.

Hiện tỉnh Quảng Nam đang triển khai các biện pháp để thực hiện các Dự án sản xuất giá thể sâm Ngọc Linh, Dự án khảo nghiệm nuôi cấy mô, Dự án chế biến sâu về sâm Ngọc Linh cho mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Tuy nhiên, cũng cần nhiều thời gian và nguồn nhân lực có kinh nghiệm để triển khai.

“Điều quan trọng nhất phải có định hướng nghiên cứu bảo tồn gien cho cây sâm Ngọc Linh. Chống sự lai tạp, phải quản lý được nguồn sâm, chỉ một loại sâm Ngọc Linh. Khôi phục nguồn gien của sâm Ngọc Linh không bị thoái hoá”, ông Tích nhấn mạnh.

NGỌC PHÚC

Đắk Lắk: Hợp tác xã nông nghiệp dồn sức chống hạn

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Tình trạng thiếu nước tưới trên diện rộng đã làm ảnh hưởng lớn đến công tác sản xuất tại các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trước thực tế đó, nhiều giải pháp đang được các HTX cùng thành viên thực hiện nhằm nỗ lực cứu cây trồng, giảm thiệt hại do tác động xấu của thời tiết.

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Quyết Tiến (huyện Cư M’gar) có 95 thành viên và 55 nông dân liên kết, với tổng diện tích canh tác hơn 230 ha, chủ yếu là cà phê xen tiêu. Hơn 6 tháng qua, toàn bộ khu vực sản xuất của nông dân HTX tại địa bàn xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar) chưa ghi nhận cơn mưa nào đáng kể, tình trạng thiếu hụt nước tưới đã bắt đầu xuất hiện từ hơn 3 tháng trước, chủ yếu là các hộ sử dụng ao hồ, giếng đào. Thời gian gần đây, nhiều giếng khoan với độ sâu trên 100 m cũng đã bắt đầu hụt nước, nông dân phải tìm đủ mọi cách xoay xở cứu cây trồng.

HTX Thăng Bình 1 tổ chức đắp kè ngăn dòng Krông Ana để bơm nước cứu lúa.

Gia đình anh Trần Văn Trường (thành viên HTX Quyết Tiến) có 1 ha cà phê xen tiêu. Khoảng 5 năm trước, gia đình anh phải đầu tư thêm giếng khoan với độ sâu 130 m do giếng đào không còn đủ nước để tưới cho cây trồng trong mùa khô. Từ khoảng đầu tháng ba năm nay, giếng khoan bắt đầu hụt nước, dù anh sử dụng bơm 7,5 mã lực nhưng áp lực nước bơm lên quá yếu, không thể tưới trực tiếp nên đành phải bơm từ giếng khoan qua giếng đào rồi mới hút nước từ giếng đào tưới cho cây trồng. Anh Trường than vãn, bơm liên tục 3 giờ từ giếng khoan mới đủ nước để tưới cho cà phê trong vòng 1 giờ, rồi lại phải chờ 3 giờ nữa cho nước giếng khoan “hồi” lại mới bơm được tiếp, thế nhưng hiệu quả chẳng là bao. Tiêu trong vườn xem như mất trắng, còn cà phê đã bắt đầu có dấu hiệu cháy lá, suy kiệt do thiếu nước.

Đại diện HĐQT HTX Quyết Tiến theo dõi, cập nhật tình trạng thiếu nước tưới của thành viên trong cao điểm nắng hạn.

Ông Phạm Công Phi, thành viên HĐQT HTX Quyết Tiến cho biết, từ năm 2018 đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT, toàn HTX có gần 20 hộ thành viên lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, với tổng diện tích 27,5 ha. Trong điều kiện khô hạn, các hệ thống tưới tiết kiệm đang phát huy hiệu quả tốt trong việc duy trì độ ẩm cung cấp cho cây trồng. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cao, lên đến hơn 40 triệu đồng/ha nên nhiều thành viên của HTX không đủ kinh phí để tự đầu tư, HTX đang nỗ lực kết nối để Dự án tiếp tục hỗ trợ bà con. Bên cạnh đó, lãnh đạo HTX cùng tổ trưởng các tổ sản xuất thường xuyên nắm bắt tình hình, vận động các thành viên lân cận chia sẻ nguồn nước cho những thành viên thiếu nước nghiêm trọng. Nhờ vậy, toàn bộ diện tích canh tác của thành viên và nông dân liên kết chưa có hiện tượng cà phê chết do nắng hạn song dự báo năng suất năm nay sẽ giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 50% năng suất niên vụ 2019.

Tính đến giữa tháng 5-2020, toàn tỉnh có 12.015 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 917 ha cây trồng bị mất trắng; 2.802 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Thiệt hại ước tính khoảng 190 tỷ đồng.

Tại HTX Nông nghiệp Thăng Bình 1 (huyện Krông Ana), việc giải quyết tình trạng thiếu nước tưới trở nên cấp bách bắt đầu từ giữa tháng tư, khi mực nước sông Krông Ana xuống thấp chưa từng có, suối Krông Điết cạn khô. Đây cũng là thời điểm bà con nông dân bắt đầu xuống giống vụ hè thu nên HTX phải huy động 20 ca máy cùng 500 công lao động của người dân và thành viên HTX đắp kè ngăn giữa dòng Krông Ana để có đủ nước bơm vào cánh đồng. Ở nhiều điểm, HTX phải dùng thêm máy bơm động cơ diesel chuyển tiếp nước vào trạm bơm song hiện chỉ có 2/4 trạm bơm hoạt động. Lượng nước cung cấp cho cánh đồng chỉ đủ cầm cự cho cây lúa tại những diện tích đã gieo sạ. Ông Đoàn Công Bình, Giám đốc HTX Thăng Bình 1 cho biết, đơn vị phải tăng cường nhân lực túc trực cùng nông dân chống hạn, tận dụng mọi nguồn nước để duy trì sản xuất. Chi phí quản lý, vận hành hệ thống thủy nông trong mùa khô năm nay đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Theo kế hoạch, vụ hè thu phải kết thúc trước ngày 10-5 để tránh thiệt hại do bão lũ vào cuối vụ. Tuy nhiên, đến nay toàn HTX chỉ mới gieo sạ được 350 ha và vẫn còn hơn 180 ha chưa có nước để xuống giống.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 281 HTX nông nghiệp đang hoạt động, tổ chức sản xuất nhiều loại cây trồng như: cà phê, tiêu, lúa nước, ca cao, cây lâm nghiệp, cây ăn trái… Trước tình trạng hạn hán, các HTX đã tích cực thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó. Trước mắt, các đơn vị đang tận dụng nguồn lực tại chỗ, nỗ lực phân bổ tiết kiệm, hợp lý nguồn nước để giúp cây trồng vượt qua thời kỳ nắng hạn và lên phương án chăm sóc, phục hồi phù hợp khi diễn biến thời tiết khả quan hơn. Ngoài ra, trong giai đoạn chuyển tiếp giữa mùa khô và mùa mưa thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, mưa đá nên các HTX cùng nông dân luôn theo sát thông tin dự báo thời tiết để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Đinh Nga

Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ cần được nhân rộng

Nguồn tin: VOV

Thực tiễn của mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ được đánh giá là phù hợp để áp dụng vào quá trình chăn nuôi của các nông hộ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác vừa đến thăm mô hình phát triển chăn nuôi hữu cơ an toàn sinh học bằng công nghệ vi sinh, tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đoàn công tác đã đi thực tế và kiểm tra tình hình chăn nuôi các gia trại, trang trại áp dụng quy trình công nghệ vi sinh trong mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ tại thị xã Hương Thủy và huyện Phong Điền.

Từ năm 2013, Tập đoàn Quế Lâm đã liên kết với các hợp tác xã và người dân phát triển chăn nuôi hữu cơ theo công nghệ vi sinh. Sau 7 năm, tập đoàn này đã liên kết phát triển chăn nuôi hữu cơ, tiêu thụ sản phẩm với trên 500 hộ gia đình ở các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc… với tổng đàn hơn 30.000 con. Thực tiễn của mô hình áp dụng trong chăn nuôi lợn hữu cơ, được đánh giá là mô hình phù hợp áp dụng vào các nông hộ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra mô hình nuôi lợn hữu cơ tại các gia trại

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn Quế Lâm trong việc triển khai ứng dụng quy trình công nghệ vi sinh trong mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ và những hộ chăn nuôi liên kết. Mô hình này không chỉ kiểm soát từ nguồn giống, thức ăn, nước uống, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần vào phát triển nền nông nghiệp bền vững.

“Với mô hình chăn nuôi này hoàn toàn tự tin để nhân rộng ra ở khu vực các hộ gia đình. Chăn nuôi khu vực hộ gia đình hiện vẫn đang chiếm trên dưới 50% tỷ trọng sản phẩm, nếu không có chăn nuôi hộ gia đình, thu nhập của người dân sẽ thấp đi và ảnh hưởng đến những mục tiêu khác. Do vậy, việc phát triển chăn nuôi trong nông hộ, đặc biệt là chăn nuôi lợn vẫn đang là nhiệm vụ rất quan trong kể cả trước mặt và kể cả lâu dài”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ rõ./.

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Giá thịt lợn hơi vẫn ở mức gần 100.000 đồng/kg

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Ngày 24-5, giá thịt lợn hơi trên cả nước vẫn giữ mức cao, dao động từ 96.000 đồng/kg đến 99.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg so với tháng trước.

Cụ thể, giá thịt lợn hơi tại các tỉnh: Thái Bình, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hưng Yên đang ở mức 98.000 đồng/kg; tại Hà Nội, giá ở các trang trại bán giá 99.000 đồng/kg; tại miền Trung, Tây Nguyên, giá dao động từ 90.000 đồng/kg đến 97.000 đồng/kg. Tại các tỉnh phía Nam, giá thịt lợn hơi cũng tăng mạnh nhất từ nhiều năm trở lại đây, dao động ở ngưỡng 97.000-99.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) cho biết, trung bình mỗi ngày, trang trại của gia đình ông xuất bán 2-3 con lợn. Khoảng một tuần nay, giá thịt lợn hơi tăng mạnh, song người dân cũng không có lợn để bán. Trước đây, lợn phải đạt trọng lượng 120kg/con mới xuất chuồng thì nay do giá cao và khan hiếm nên lợn đạt trọng lượng 100kg/con là người dân đã bán.

Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố cơ bản được khống chế; thành phố cũng đã có chính sách hỗ trợ người dân trong việc mua lợn giống để khôi phục sản xuất. Các địa phương đang đẩy mạnh tái đàn với tổng đàn lợn đạt hơn 1,2 triệu con.

Dự kiến, đến cuối năm 2020, tổng đàn lợn đạt 1,8 triệu con - cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người dân Thủ đô.

NGỌC QUỲNH

Khi kỹ sư điện... nuôi heo

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Nguyễn Viết Hùng nhận thấy mình có “duyên”… nuôi heo. Ảnh: LÊ TRÂM

Là kỹ sư điện, nhưng anh Nguyễn Viết Hùng ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) lại bén duyên với công việc chăn nuôi. Hai năm làm việc trên đất Malaysia, người thanh niên 36 tuổi này về quê đầu tư nuôi heo bằng công nghệ và gặt hái thành công.

Bỏ việc nước ngoài về mở trại heo

Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Viết Hùng rời quê Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) vào TP Hồ Chí Minh làm nhiều nghề để kiếm sống. Một thời gian, Hùng thi vào Trường đại học Kỹ thuật Công nghệ TP Hồ Chí Minh, vừa làm vừa học và tốt nghiệp. Nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi, cuối cùng anh vào làm việc tại Công ty TNHH Tư vấn điện Đông Nam Á. Tại đây, công ty hợp đồng với Hùng sang Malaysia làm việc tại Nhà máy nhiệt điện Jimah Power Plant 3 năm, bắt đầu từ năm 2018. Thế nhưng, năm 2019, khi về thăm quê, thấy ba mình là ông Nguyễn Văn Hảo đang chuẩn bị đầu tư nuôi heo trang trại trên đồi rộng, Hùng rất thích rồi quyết định không qua Malaysia mà ở lại quê nuôi heo. “Tôi cùng ba và em trai hùn vốn 2 tỉ đồng đầu tư mở trang trại nuôi heo bằng máy lạnh”, Hùng nói.

Trang trại heo của anh Hùng nằm trên khu gò đồi vùng giáp ranh giữa thôn 1 và thôn 2 (xã Đa Lộc), nuôi heo bằng công nghệ khép kín: cho heo ăn bằng máy, đổ cám vào thùng rồi dây chuyền chạy ra các máng ăn. Nước cho heo uống cũng dùng hệ thống tự động, chỉ cần heo ngậm miệng vào vòi là nước tự chảy ra miệng heo. Ngoài hệ thống máy lạnh, trại nuôi heo còn gắn hệ thống quạt gió cho chuồng trại thoáng khí.

Anh Hùng cho biết, trang trại rộng 0,5ha (riêng chuồng nuôi gần 1.000m2), mỗi lứa nuôi 1.200 con. Heo xuất chuồng mỗi con có trọng lượng thấp nhất 110kg. Có lúc trang trại nuôi đến 1.500 con.

Theo anh Hùng, heo con mới vào chuồng thì điều khiển máy lạnh ở mức 300C. Từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 5 (heo nuôi 5 tháng tuổi), điều chỉnh nhiệt độ trung bình ban ngày 27-280C, còn ban đêm thả cửa để đỡ tốn điện vì nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. “Đó là mùa nắng. Còn mùa lạnh, ở đây là vùng núi, ban đêm nhiệt độ “rớt” xuống dưới 200C nên người nuôi thắp bóng điện công suất lớn để “úm” heo, đủ nhiệt độ 270C. Nuôi heo mùa lạnh ngoài việc dùng hệ thống bóng điện “úm” heo, còn phải dùng máy quạt làm không khí thông thoáng, “ru” heo ngủ. Heo ăn ngủ được sẽ mau lớn, tạo nạc. Khác với heo cỏ nuôi truyền thống ở quê là giống heo lưng gãy, bụng sà, còn heo siêu nạc “phong độ” cao to, vì vậy tạo môi trường heo ăn rồi ngủ, ngủ dậy ăn, thì heo sẽ mau lớn, đủ tạ xuất chuồng”, anh Hùng chia sẻ.

Nuôi heo có thưởng

Nuôi heo trang trại thì người nuôi hợp đồng với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam. Công ty đầu tư giống, thức ăn, thuốc thú y và lo đầu ra sản phẩm; còn người nuôi thì “chịu” cơ sở vật chất gồm trang trại, đường, điện…

Khi thả heo con nuôi đến khi 5 tháng tuổi thì xuất bán, trọng lượng thấp nhất đạt 110kg/con, sau khi trừ trọng lượng heo con (heo giống), còn lại khối lượng tăng trọng, người nuôi được công ty trả “đầu ký hơi”, với giá mỗi ký là 5.000 đồng. “Giả sử một con heo khi xuất chuồng nặng 120kg, trừ heo con 30kg, còn lại 90kg nhân với 5.000 đồng (theo hợp đồng ký kết gọi là công nuôi) ra số tiền người nuôi hưởng lợi là 450.000 đồng/con. Mỗi năm nuôi 2 lứa, mỗi lứa 1.200 con, trung bình thu không dưới 1 tỉ đồng”, anh Hùng nói.

Theo anh Hùng, nuôi heo có cái “sướng” là người nuôi được cộng thêm các khoản chi phí khác, đó là tiền thưởng nuôi heo tăng trọng nhanh (đàn heo vượt trên 110kg/con chiếm số lượng nhiều), nuôi heo ít tốn cám, trong quá trình nuôi rủi ro thấp... Mỗi năm “nuôi heo có thưởng”, người nuôi bỏ túi cả trăm triệu đồng.

Vừa rồi dịch tả heo châu Phi, nguồn cung thiếu hụt, khiến giá thịt heo trên thị trường tăng cao. Trang trại nhà anh Hùng nuôi heo theo quy trình an toàn sinh học, được công ty chọn “gửi” nuôi 1.200 heo con, thời gian nuôi 2 tháng. Heo con khó nuôi, nên khi nuôi thành công, người nuôi được thưởng nhiều. Gia đình anh Hùng có thêm thu nhập nửa lứa heo con nữa. Tổng cộng trong năm 2019, trang trại nhà anh Hùng nuôi hai lứa rưỡi (hai lứa heo tạ 10 tháng và lứa heo con nuôi 2 tháng), tính cả tiền công nuôi, tiền thưởng, họ thu vào 1,4 tỉ đồng.

Nuôi heo thành công, trước khi xuất chuồng, gia đình có cuộc họp… bán heo. Năm rồi cộng hết lại, nuôi heo “đẻ ra” tiền tỉ. Gia đình họ dự định mở rộng trang trại nuôi heo lên đến 2,5ha trên khu gò đồi theo hướng sát núi, không để mùi “đụng chạm” đến khu dân cư.

Nói về ý định mở rộng trang trại heo, ông Nguyễn Văn Hảo cho hay: Trong trang trại nuôi heo của gia đình thì Hùng “chủ công” nuôi heo, còn tôi chạy vòng ngoài phun thuốc tiêu độc khử trùng, rảnh thì trồng rau ớt. Đất ở đây trồng cỏ cũng có tiền, trồng cỏ voi bón lót phân heo. Đất tốt, cỏ lên cao xanh tươi, người nuôi bò đến cắt trả 20.000 đồng/bó. Vậy nên ngoài nuôi heo, xung quanh trang trại gia đình tôi cũng không cho đất ở không.

MẠNH LÊ TRÂM

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop