Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 05 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 05 năm 2021

Tiêu thụ nông sản trước thách thức đại dịch

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu nông sản thực phẩm trên thị trường giảm, nhiều mặt hàng tiêu thụ khó khăn. Việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố cũng gặp nhiều trở ngại. Thời gian tới, một số loại trái cây vụ hè như vải, dưa hấu, xoài, thanh long, chôm chôm, nhãn... đến kỳ thu hoạch và được dự báo sẽ gặp nhiều bất lợi. Vậy, vấn đề tiêu thụ nông sản trước thách thức đại dịch cần được hóa giải theo cách nào để hạn chế các rủi ro?

Ngành Nông nghiệp Thủ đô đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường liên kết chuỗi để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Trong ảnh: Đóng gói rau sạch tại Hợp tác xã Rau sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Việt Cường

Đối mặt nhiều khó khăn

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, từ đầu tháng 5-2021 đến nay, việc tiêu thụ rau an toàn giảm cả về số lượng và giá cả. Hiện tại, mỗi ngày hợp tác xã chỉ bán được 1-2 tấn rau cho các siêu thị, giảm 30% so với tháng 4-2021 và lượng tiêu thụ tại các chợ đầu mối, bếp ăn tập thể mỗi ngày vào khoảng 20-25 tấn, giảm 50% so với tháng 4-2021.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Hòa Phú (huyện Quốc Oai) Lê Đình Bình, gia cầm lại đối mặt với việc giá giảm mạnh, hiện gà ta thả vườn dao động trong khoảng 60.000-80.000 đồng/kg, trứng gà 900-1.200 đồng/quả, giảm 20-30% về giá so với tháng 4-2021 và lượng tiêu thụ cũng giảm. Nếu tình hình này kéo dài, người chăn nuôi gia cầm tiếp tục đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản thông tin, sắp tới việc tiêu thụ quả vải và một số loại trái cây vụ hè khác như dưa hấu, xoài, thanh long, chôm chôm, nhãn... cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Ước tính niên vụ 2021, sản lượng vải của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên đạt 250.000 tấn; trong đó tiêu thụ quả tươi xuất khẩu chiếm 50% và tập trung chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ tạo áp lực lớn cho xuất khẩu.

Về những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thời điểm hiện tại dịch Covid-19 đã lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, cản trở việc lưu thông hàng hóa. Thời gian tới, nhiều sản phẩm nông nghiệp, nhất là trái cây sẽ vào vụ thu hoạch và Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính nên sẽ tạo áp lực lớn về tiêu thụ cho người nông dân và doanh nghiệp. Mặt khác, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã, đang khiến chi phí sản xuất, lưu kho, bảo quản nông sản tăng cao; cùng với đó là hoạt động kinh doanh bị đứt đoạn, giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới bị chậm...

Đa dạng hóa kênh tiêu thụ nông sản

Hóa giải một phần khó khăn này, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) Nguyễn Thế Lâm tính toán, cùng với việc tiêu thụ cây ăn quả tại các kênh thương mại truyền thống, hợp tác xã sẽ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến (online); trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... Tuy nhiên, về lâu dài các ngành chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, đưa nông sản lên “Chợ thương mại điện tử” của thành phố; đồng thời triển khai các gói tín dụng đặc thù đối phó với dịch Covid-19, trong đó có việc khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi để nông dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ở góc độ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce Nguyễn Thị Phương cho biết, Vincommerce gồm 122 siêu thị, đại siêu thị và 2.300 cửa hàng tiện ích Vinmart+ tại 58 tỉnh, thành phố trên cả nước. Vincommerce sẽ tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở các tỉnh, thành phố, đặc biệt đối với các loại trái cây như vải, nhãn... và các loại rau đến kỳ thu hoạch, nhằm chia sẻ khó khăn với nông dân, hợp tác xã.

Còn Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội đã và đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường liên kết chuỗi để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản đến kỳ thu hoạch; đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ qua hệ thống “Chợ thương mại điện tử”, trên các kênh phân phối hiện đại.

Để giảm áp lực tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cùng với việc phát triển nhiều loại hình bán lẻ online, các nhà máy chế biến nông sản cần tăng công suất, tập trung vào phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, thủy sản đồ hộp, gia cầm chế biến, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon… Mặt khác, các tỉnh, thành phố cần thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường; đồng thời thành lập các trung tâm thu mua nông sản cơ động tại các tỉnh, kiểm soát thu mua từ hợp tác xã để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Cùng với đó là nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản bên cạnh thị trường truyền thống.

NGỌC QUỲNH

Bắc Giang: Vải sớm tiêu thụ thuận lợi, giá từ 18 đến 25 nghìn đồng/kg

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Thời điểm này, nông dân các huyện: Lạng Giang, Tân Yên, Lục Nam, Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) bắt đầu thu hoạch vải sớm. Ngày 22/5, giá vải dao động từ 18-25 nghìn đồng/kg, tiêu thụ khá thuận lợi.

Cụ thể, tại xã Phúc Hòa (Tân Yên), đại diện lãnh đạo UBND xã cho biết, trên địa bàn xã có 20 điểm cân vải, tiêu thụ từ 250 đến 500 tấn/ngày. Vải chủ yếu được các thương nhân thu mua sang thị trường Trung Quốc. Việc thu hoạch, tập kết, vận chuyển tiêu thụ được thực hiện bảo đảm an toàn phòng dịch Covid - 19.

Nông dân xã Phúc Hòa (Tân Yên) thu hoạch vải sớm- Ảnh CTV cung cấp.

Còn tại huyện Lục Ngạn, thời điểm này mới chỉ có một số diện tích vải sớm tại các xã: Quý Sơn, Tân Mộc, Phượng Sơn, Nam Dương… cho thu hoạch.

Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại, xuất nhập khẩu Hùng Thảo, thôn Hạ Long, xã Giáp Sơn là đầu mối thu mua lớn nhất với số lượng từ 18 đến 20 tấn/ngày, giá từ 20 đến 25 nghìn đồng/kg để giao cho Hệ thống siêu thị Co.opmart.

Vải thiều sớm được bày bán tại Siêu thị Co.opmart Bắc Giang- Ảnh Hoàng Phương.

Vải sớm tại huyện Lạng Giang, Lục Nam cũng tiêu thụ thuận lợi ở các chợ đầu mối trên địa bàn.

Năm nay, toàn tỉnh có hơn 6 nghìn ha vải thiều sớm, sản lượng ước đạt hơn 45 nghìn tấn. Diện tích vải sớm tập trung nhiều ở Tân Yên và Lục Ngạn. Dự kiến thời gian thu hoạch vải sớm từ nay đến hết ngày 5/6.

Tin, ảnh: Hoàng Phương

Xoài cát Hòa Lộc giảm giá mạnh

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo nhiều hộ dân trồng xoài trên địa bàn Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), hiện nay xoài cát Hòa Lộc của bà con đang vào mùa thu hoạch rộ. Tuy nhiên gần đây thương lái thu mua với giá rất thấp so với trước đây.

Giá xoài giảm nhưng cũng ít người mua.

Anh Trần Văn Bình, ở ấp 1A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, đang thu hoạch hơn 3 công xoài cát Hòa Lộc cho biết nếu như những ngày trước thương lái vào tận vườn mua với giá 35.000-40.000 đồng/kg cân xô thì nay giảm xuống chỉ còn 10.000-12.000 đồng/kg, tính ra nếu trừ đi các chi phí thì người trồng xoài không còn lợi nhuận.

Nhiều người mua bán trái cây dọc tuyến Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ) thuộc địa phận huyện Châu Thành A cũng than phiền vì ế ẩm. Chị Sáu Phụng, chuyên bán trái cây cho rằng mặc dù trước đây xoài cát Hòa Lộc bán rất chạy, giá tương đối cao, sức mua khá mạnh. Mấy ngày qua giá xoài này bán lẻ giảm xuống chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg, nhưng số lượng người mua rất ít và mức tiêu thụ chậm.

Tin, ảnh: QUANG HẢI

Ninh Hòa: Nông dân phập phồng trữ tỏi mùa dịch

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Hiện nay, hàng trăm tấn tỏi khô được nông dân thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) tích trữ để chờ bán. Thời điểm này, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nếu từ nay đến hết năm 2021, tỏi vẫn không bán được thì nông dân sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Mỗi nhà trữ 5 - 8 tấn tỏi

Xã Ninh Phước có 3 thôn: Ninh Yển, Ninh Tịnh, Mỹ Giang; tỏi là cây trồng chủ lực của địa phương này với diện tích gần 100ha. Đưa chúng tôi vào kho chứa tỏi của gia đình, ông Ngô Thanh Hải (thôn Mỹ Giang) cho biết, ông trồng tỏi đã 20 năm nhưng chưa có năm nào phải trữ tỏi với số lượng nhiều (6 tấn) như năm nay. Vụ tỏi năm nay, 1ha cho thu hoạch 15 tấn tươi, sau khi phơi khô còn khoảng 8 - 10 tấn. Mọi năm, tỏi tươi bán 25.000 đồng/kg, nhưng năm nay chỉ còn 15.000 đồng/kg; tỏi khô từ 50.000 đồng/kg hiện nay còn 25.000 đồng/kg. Giá bán này không đủ chi phí đầu tư, đã vậy bán cũng không ai mua… Ông đành phải phơi khô, chất toàn bộ tỏi vào kho chờ bán. Đến nay, dù đã trữ 3 - 4 tháng nhưng tỏi vẫn không bán được”. Được biết, hiện nay, trên địa bàn xã Ninh Phước có 85 hộ trồng tỏi, mỗi hộ trữ trung bình 5 - 8 tấn tỏi vì không bán được.

Ông Ngô Thanh Hải (thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước) trữ 6 tấn tỏi trong nhà chờ bán.

Các vùng trồng tỏi khác ở thị xã Ninh Hòa như: Ninh Vân, Ninh Thọ, Ninh Sơn, Ninh An, Ninh Xuân, người dân cũng đang phập phồng lo âu vì trữ tỏi. Ông Nguyễn Tâm (xã Ninh Vân) cho biết, gia đình ông trữ hơn 4 tấn tỏi, không chỉ lo lắng vì không bán được, ông còn lo mưa xuống, thời tiết ẩm ướt sẽ khiến tỏi bị hư.

Bà Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết, diện tích trồng tỏi trên địa bàn xã năm nay là 20ha, do giá thấp, không có thương lái mua nên hiện nay, số lượng tỏi người dân trữ khá nhiều. Với số lượng tỏi khô đang trữ, nếu để lâu không bán thì tỏi sẽ bị xốp (phồng tỏi) và hao hụt theo thời gian.

Sẽ có hướng hỗ trợ tiêu thụ

Ông Nguyễn Trọng Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Phước cho biết, những năm trước, người dân ở xã cũng trữ tỏi chờ giá, nhưng chỉ trữ đến tháng 5, tháng 6 (âm lịch) là bán hết. Các thương lái hai miền Nam, Bắc thường mua tỏi để cung cấp cho các nhà hàng. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các nhà hàng đều đóng cửa, nhiều nơi phong tỏa, cách ly nên không ai mua tỏi. Nếu từ nay đến cuối năm, tỏi vẫn dồn ứ, không bán được thì người dân phải bỏ, vì qua năm sau đến tháng 2 (âm lịch) đã thu hoạch tỏi vụ mới.

Được biết, niên vụ 2020 - 2021, tổng diện tích trồng tỏi trên địa bàn thị xã Ninh Hòa là 164ha, năng suất đạt trung bình 10 - 12 tấn/ha. Để giúp đỡ người dân, năm nay, Hội Nông dân thị xã đã huy động một số cơ quan, cơ sở hội trên địa bàn thị xã mua tỏi, nhưng cũng chỉ “giải cứu” hơn 10 tấn. Do đó hiện nay, số lượng tỏi trên địa bàn thị xã còn rất nhiều.

Ông Lê Minh Tâm - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, địa phương đã nắm được tình hình. Trong cuộc họp giao ban sắp tới, UBND thị xã sẽ yêu cầu cán bộ phụ trách nông nghiệp ở các xã, phường tổng hợp, báo cáo số lượng tỏi người dân tích trữ có nhu cầu cần bán để thị xã lên kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ tiêu thụ. Hiện nay, tỏi Ninh Hòa đã có thương hiệu nên được nhiều người tiêu dùng trên cả nước chọn mua. Do đó, từ nay đến cuối năm, nếu số lượng tỏi tích trữ trong dân nhiều không bán được, dựa trên số lượng tỏi cụ thể, thị xã sẽ huy động sự hỗ trợ của các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đưa tỏi Ninh Hòa vào các cửa hàng, siêu thị… để tiêu thụ giúp nông dân.

THÁI THỊNH

Ứng phó bệnh chết héo trên cây keo

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Bệnh chết héo đang gây hại trên 120 ha keo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và có nguy cơ tiếp tục lây lan diện rộng.

Biểu hiện bệnh chết héo trên cây keo

Mấy ngày nay, người dân xã Phong Mỹ (Phong Điền) rất lo lắng trước nhiều cây keo trên địa bàn bị bệnh chết héo. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, loại bệnh nguy hiểm này xuất hiện trở lại. Các hộ dân tích cực triển khai các biện pháp ứng phó, xử lý nhưng bệnh vẫn chưa giảm.

Ông Nguyễn Nam ở xã Phong Mỹ lo lắng: “Bệnh chết héo trên cây keo tại địa phương diễn ra từ hơn một tuần nay. Một số cây có dấu hiệu héo lá, cành, ngọn và dần dần chết cây. Các biện pháp xử lý theo kinh nghiệm và hướng dẫn của chính quyền địa phương, cán bộ bảo vệ thực vật đã được triển khai nhưng bệnh vẫn không khỏi. Nhiều cây đang tiếp tục bị bệnh gây hại”.

Theo kinh nghiệm của ông Nam cũng như người dân Phong Mỹ, một trong những biện pháp xử lý hiệu quả, có thể chữa khỏi bệnh khi các lô rừng bị bệnh dưới 15% đến 50% là, các hộ trồng tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và tiêu hủy (đốt) các cây bị bệnh chết héo, chỉ giữ lại các cây chưa có triệu chứng bị bệnh. Nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân trên 50% cần chặt bỏ, thanh lý toàn bộ các lô rừng theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền thông tin, bệnh chết héo xảy ra tại các địa phương trong vòng mười ngày nay.

Đến nay, huyện đang thống kê số cây, diện tích bị mắc bệnh để có biện pháp xử lý. Bước đầu xác định tỷ lệ bệnh gây hại trung bình từ 15-20%, những nơi cao 30-35%. Ngành nông nghiệp huyện cùng cán bộ bảo vệ thực vật tỉnh đang tập trung hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý.

Ngoài huyện Phong Điền, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến ngày 23/5, trên địa bàn tỉnh có khoảng 125ha keo bị bệnh chết héo. Đây là loại bệnh nguy hiểm, khó chữa và đang tiếp tục phát sinh, gây hại với tỷ lệ bệnh 15-20%, nơi cao 30-50% diện tích, tập trung tại huyện A Lưới, TX. Hương Thủy… Nguyên nhân gây bệnh chết héo trên cây keo là do nấm Ceratocystis manginecans.

Triệu chứng của loại bệnh này khó nhận biết, người dân cần phải thường xuyên theo dõi, lưu ý thật kỹ trên thân, cành cây bị bệnh có những vết loét, thâm hoặc vết lõm ở phần vỏ cây. Vỏ và gỗ xung quanh vị trí vết bệnh bị đổi màu đậm hơn bình thường, có thể chảy nước, chảy gôm hoặc sùi bọt. Phần gỗ ở vị trí vết bệnh bị biến màu, gỗ thường bị chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Khi vỏ cây và gỗ bị chuyển màu, tán lá bắt đầu héo, nhưng lá vẫn chưa rụng. Sau một thời gian, lá bị khô, rụng và cây chết.

Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh lưu ý, người dân cần tích cực triển khai các biện pháp phòng bệnh, ngăn chặn không để loại bệnh này xảy ra gây nguy hại đến cây keo. Cụ thể, người dân phải xử lý thực bì trước khi trồng ba tháng; thu gom thực bì, cành, nhánh sau khai thác, băm nhỏ, xử lý bằng vôi bột, hoặc có thể đốt thực bì có kiểm soát.

Các hộ, tổ chức, cá nhân cần đào hố trước khi trồng ít nhất một tháng, bón vôi và trộn đều với đất trong hố ngay sau khi đào hố, phơi ải hố ít nhất hai tuần sau khi bón vôi, kết hợp sử dụng các chế phẩm phòng chống mối, kiến trước khi trồng. Khi phát hiện cây bị bệnh cần phải chặt bỏ và tiêu hủy. Trước khi trồng lại phải xử lý thực bì, hố đất theo khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Tăng thu nhập 5 lần nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất lúa bạc màu

Nguồn tin:  Báo Lao Động

Ông Đinh Thanh Quỳnh (Hưng Hà-Thái Bình) thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: Sở NNPTNT Thái Bình

Thu nhập của nông dân tăng gấp 3-5 lần khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả của các tỉnh Thái Bình, Hải Dương.

Thái Bình: Trái ngọt từ những người tiên phong chuyển đổi

Với 9 sào trồng 60 gốc hồng xiêm, hè này bước sang năm thứ 3 cây cho trái, tính bình quân mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Giang (xã Lô Giang, Đông Hưng, Thái Bình) thu lãi "ròng" trên 100 triệu đồng. “Tính ra, thu lãi từ trồng hồng xiêm cao gấp 3 lần trồng lúa, chăm sóc hồng xiêm lại dễ hơn vì ít sâu bệnh, ít phụ thuộc vào thời tiết hơn” – ông Nguyễn Văn Giang cho biết.

Gia đình ông Giang là một trong nhiều hộ đang có thu nhập khá từ trồng cây ăn quả trên đất nông nghiệp, đặc biệt là quả hồng xiêm trồng trên đất Đông Hưng (Thái Bình) rất hợp thổ nhưỡng, cho trái to, mọng, vị ngọt đậm được thị trường ưa chuộng.

“Cây bắt đầu đậu quả là thương lái đã đến thăm và đặt mua cả vườn. Tính ra, bán buôn như vậy mức lãi không cao bằng tự đưa hàng ra chợ bán, nhưng ổn định và không bị “nát” tiền, có thể đầu tư hoặc tích lũy ra tấm ra món, nên nhiều người chọn bán sản phẩm theo hình thức này” – ông Nguyễn Văn Mậu (xã Thụy Duyên, Thái Thụy, Thái Bình), cho hay.

Không chỉ hồng xiêm, nhiều gia đình còn chọn các loại cây ăn quả cho giá trị cao như thanh long, vú sữa, cam Vinh, ổi Đài Loan, mít Thái Lan… cho thu lãi ròng hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang giúp người nông dân có thu nhập cao hơn, đời sống nông thôn đang chuyển mình mạnh mẽ, tạo niềm tin để nông dân học tập lẫn nhau, hình thành những mô hình trang trại tập trung, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, những "lão nông" mạnh dạn đi đầu trong phong trào chuyển đổi đang ổn định thu nhập và bắt đầu cho mức lãi ròng cao hàng năm.

Ông Trần Văn Thưởng (xã Hồng An, Hưng Hà, Thái Bình) đã cải tạo và biến 5,5ha đất thành trang trại Surfam theo tiêu chuẩn VietGaP, trồng hàng nghìn cây ăn quả, cho lợi nhuận khoảng 1,5 tỉ đồng/năm. Surfam trở thành trang trại điển hình của mô hình chuyển đổi sản xuất, nhiều nông dân các tỉnh lân cận tìm đến học hỏi.

Nông dân Hải Dương biến đất bạc màu thành đất "đẻ tiền"

Tại Hải Dương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng đang diễn ra mạnh mẽ trên đất lúa bạc màu. Chỉ với những loại cây trồng bình dị như chuối, bưởi, ổi, củ ấu, dưa hấu, mùi tàu… thay thế trên đất lúa, hiệu quả kinh tế đã tăng gấp 4-5 lần.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương, mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây chuối tại các xã Tân Quang, Quang Khải, huyện Tứ Kỳ từ những diện tích lúa trũng kém hiệu quả đã mang lại hiệu quả lớn.

Huyện Thanh Hà có gần 200ha chuyên trồng bưởi đào có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh cao, năng suất ổn định, độ đồng đều quả cao, dễ tiêu thụ, cho tổng thu 500-800 triệu đồng/ha.

Tại huyện Ninh Giang, thay đổi từ trồng lúa sang trồng ổi cũng đã cho người dân tăng thu nhập lên 9-10 lần. Đến nay, địa phương này có trên 100ha trồng ổi, xây dựng được vùng ổi VietGAP rộng 40ha…

Trong nhiều năm gần đây, huyện Kinh Môn cũng có hơn 310ha trồng sắn dây tập trung ở các xã Thượng Quận, An Phụ, Lạc Long, Thăng Long, Long Xuyên, Duy Tân... Bột sắn dây Kinh Môn đã đạt Thương hiệu vàng nông nghiệp năm 2018 và là sản phẩm tiêu biểu của huyện.

VŨ LONG

Gia Lai: Đak Đoa chú trọng lai cải tạo đàn bò

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Những năm qua, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) tập trung hỗ trợ người chăn nuôi nâng cao chất lượng đàn bò, trong đó có chương trình lai cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt.

Huyện Đak Đoa hiện có hơn 19.000 con bò, trong đó, tỷ lệ bò lai đạt 49%. Để đẩy mạnh chương trình lai cải tạo đàn bò, từ năm 2019 đến nay, huyện đã cấp cho người dân 19 con bò đực lai làm giống và cấp hơn 2.100 liều tinh các giống bò lai (Brahman, Angus, Droughtmaster, BBB, Charolais) để thụ tinh nhân tạo cho đàn bò địa phương. Nhờ đó, đàn bê lai sinh ra có chất lượng tốt, tỷ lệ thịt cao.

Đàn bò lai của gia đình ông Nguyễn Thôi (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Lê Nam

Năm 2019, ông Nguyễn Thôi (thôn 5, xã Nam Yang) đầu tư hơn 36 triệu đồng mua 1 cặp bò cái về phối với giống bò lai Brahman. Đến nay, cặp bò này đẻ được 2 con bê có giá hơn 30 triệu đồng. “Nuôi bò lai ít tốn công chăm sóc, ít rủi ro. Tôi trồng 1 sào cỏ để lấy thức ăn cho bò. Ngoài ra, hàng ngày, tôi cho bò ăn thêm rơm, chuối cây và cám gạo. Bình quân, mỗi con bò lai có thể cho thu nhập 1-1,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, hiệu quả của nuôi bò lai cao hơn bò cỏ 3-5 lần”-ông Thôi chia sẻ.

Thấy hiệu quả từ việc nuôi bò lai, ông Bun (thôn 2, xã Glar) liên hệ với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để phối giống bò lai BBB bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. “Hy vọng, bê sinh ra phát triển tốt và giúp gia đình có nguồn thu nhập cao hơn so với nuôi bò địa phương”-ông Bun nói.

Ông Phạm Văn Trang-cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa-cho hay: Với phương pháp thụ tinh nhân tạo, người chăn nuôi sở hữu những con bò lai có giá trị kinh tế cao. Ngoài những giống bò lai như: Brahman, Angus, Droughtmaster, Charolais thì bà con nông dân rất chuộng giống BBB. Đây là giống bò có trọng lượng lớn, giá cao và rất phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ bò lai của huyện vẫn còn thấp. Nguyên nhân do người dân vẫn còn thói quen nuôi thả rông và chưa tiếp cận với phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò”.

Trao đổi với P.V, ông Diệp Đại Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa-cho biết: “Việc chú trọng lai cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chú trọng lai cải tạo đàn bò. Huyện khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại, hộ dân chăn nuôi theo quy mô lớn ở những nơi xa khu dân cư. Đồng thời, mở các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; xúc tiến tìm kiếm thị trường tiêu thụ thịt bò để có đầu ra ổn định”.

LÊ NAM

Phú Yên: Triển khai mô hình cơ giới hóa trong chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đang thực hiện mô hình Cơ giới hóa hỗ trợ máy ép viên thức ăn chăn nuôi tại huyện Phú Hòa và TX Đông Hòa với 10 hộ dân tham gia.

Khi tham gia mô hình, người dân được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ 35% chi phí mua máy ép viên thức ăn chăn nuôi, đối ứng 65% chi phí máy. Máy sẽ làm ra các viên ép thức ăn giống các loại thức ăn hỗn hợp bán sẵn trên thị trường từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương như bắp, lúa, đậu…

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong thời gian qua, việc đưa máy ép viên thức ăn vào phục vụ chăn nuôi sẽ giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí và chủ động được hàm lượng dinh dưỡng, độ an toàn của thức ăn cho vật nuôi.

SƠN CA

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop