Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 10 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 10 năm 2020

Hà Giang: Mùa Hồng không hạt ở Nghĩa Thuận

Nguồn tin: Báo Hà Giang

Thời điểm tháng 10 đến với xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) với cái se lạnh của sương sớm cuối Thu là hình ảnh người dân trên địa bàn xã nở những nụ cười thật tươi, trên vai địu quẩy tấu chất đầy trái Hồng không hạt màu vàng óng. Những nụ cười cùng một mùa Hồng không hạt bội thu dường như giúp bà con quên đi những tháng ngày lao động mệt nhọc để gặt hái được thành tựu như hôm nay.

Ông Vàng Dung Pháng, thôn Phín Ủng thu hoạch Hồng không hạt.

Đến thăm vườn Hồng không hạt của gia đình ông Vàng Dung Pháng, thôn Phín Ủng; cây nào cũng sai trĩu quả, đa phần quả đã chuyển sang màu vàng óng và bắt đầu cho thu hoạch. Ông Pháng cho biết: Hiện tại, tôi có gần 500 cây Hồng không hạt, trong đó, 150 cây đã được thu hoạch, dự kiến gần 350 cây khoảng 2 năm sẽ bắt đầu sai quả. Năm 2019, tôi thu hoạch được khoảng 3 tấn quả; năm nay, tuy thời tiết mưa nhiều làm quả rụng, nhưng nhờ kinh nghiệm gần 20 năm trồng hồng nên vẫn được một mùa hồng bội thu, sản lượng năm nay ước thu trên 4 tấn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ thu hoạch Hồng không hạt năm nay trên địa bàn xã Nghĩa Thuận đạt năng suất hơn năm 2019. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên quả Hồng không hạt ở xã Nghĩa Thuận có nhiều bột hơn, ngọt và giòn hơn ở một số địa phương khác; do đó, Nghĩa Thuận được mệnh danh là vùng lõi cây Hồng không hạt. Tuy sản lượng Hồng không hạt trên địa bàn xã nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, do đó, vì lợi ích cá nhân nên một số người dân lấy Hồng không hạt ở địa phương khác về tiêu thụ, giả mạo Hồng không hạt của địa phương.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, Phan Thông Quyết, cho biết: Toàn xã có hơn 700 hộ, trong đó hơn 300 hộ trồng cây Hồng không hạt, tập trung ở các thôn, như: Phín Ủng; Khủng Cáng, Cốc Pục; Na Linh. Từ đầu năm đến nay, người dân trồng mới được gần 50 ha, nâng tổng diện tích cây Hồng không hạt toàn xã lên trên 150 ha, với 70 ha diện tích đang cho thu hoạch. Nhằm giữ vững thương hiệu Hồng không hạt của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa Thuận tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người mua không bị nhầm quả Hồng không hạt của địa phương với các nơi khác; liên kết với HTX Hồng không hạt Quản Bạ trong việc bao tiêu sản phẩm; giám sát chặt chẽ từ khâu nhân giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm ra thị trường; thành lập các tổ hoặc nhóm sở thích trồng cây ăn quả phát triển kinh tế; triển khai thực hiện có hiệu quả dự án phát triển Hồng không hạt và trồng cây hồng ghép theo chương trình giảm nghèo của huyện; tăng cường các biện pháp bảo vệ thương hiệu Hồng không hạt Quản Bạ…

Có thể nói, những năm qua, cây Hồng không hạt ở xã Nghĩa Thuận nói riêng và huyện Quản Bạ nói chung đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo của huyện nhà.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyến

Yên Bái: Diện tích cây ăn quả đạt trên 9.600 ha

Nguồn tin: Báo Yên Bái

Diện tích cây ăn quả tăng gần 717 ha so với cùng kỳ năm 2019.

Nhờ triển khai hiệu quả các đề án phát triển cây ăn quả nên đến thời điểm này, toàn tỉnh Yên Bái có trên 9.600 ha cây ăn quả các loại, tăng gần 717 ha so với cùng kỳ năm 2019.

Diện tích tăng ở một số cây ăn quả có quy mô lớn thuộc Đề án trồng cây ăn quả có múi theo chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh Yên Bái như: bưởi tăng trên 390 ha, cam tăng trên 197 ha, tập trung ở một số huyện: Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên…

Ngoài ra, diện tích một số cây ăn quả khác cũng tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 do các địa phương đã chuyển đổi sang trồng các cây ăn quả giống mới như: thanh long tăng trên 24 ha, đu đủ lai đặc ruột tăng trên 19 ha, mít thái tăng gần 47 ha, ổi tăng gần 16 ha.

Đây là các loại cây trồng không mất nhiều công chăm sóc nhưng sản lượng cao mang lại hiệu quả kinh tế. Nhằm xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, tỉnh đang vận động nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất theo hướng VietGAP, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của tỉnh ra thị trường ngoại tỉnh.

Hồng Duyên

Đào tạo chuyên sâu về trồng bưởi cho hơn 3.000 nông dân

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT) cho biết, để mở rộng diện tích bưởi chất lượng cao, trong hai năm (2019-2020), Trung tâm đã tổ chức đào tạo chuyên sâu về trồng bưởi chất lượng cao cho hơn 3.000 nông dân.

Qua đó, toàn thành phố đã phát triển trồng mới đạt 1.000ha/năm; trồng theo phương pháp VietGAP, hữu cơ 50ha/ năm... Nhờ vậy, đến nay, diện tích trồng bưởi toàn thành phố đạt 6.743,8ha, tăng 1.895ha so với năm 2017.

Hà Nội phấn đấu từ nay đến năm 2025, bình quân phát triển trồng mới thêm 250ha bưởi/năm; xây dựng 5 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao về trồng trọt để hỗ trợ xây dựng vùng trồng mới các giống bưởi theo hướng VietGAP, hữu cơ, tiết kiệm nước tưới. Đồng thời xây dựng 3 chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế đóng gói và tiêu thụ sản phẩm bưởi; đào tạo, tập huấn về kỹ thuật trồng bưởi cho hơn 3.000 cán bộ, nông dân, chủ trang trại...

BẠCH THANH

Kinh nghiệm trồng cây ăn quả an toàn, thân thiện với môi trường của một nông dân

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Trong dịp về công tác tại xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) chúng tôi được mọi người hướng dẫn đến tham quan mô hình trồng cây ăn quả tại gia đình anh Nguyễn Thành Cang – một hộ nông dân rất thành công với việc trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây bưởi da xanh tại địa phương.

Hồ hởi đón chúng tôi, anh Cang khoe trong vườn cây ăn quả của gia đình anh hiện có 20 gốc bưởi trồng cách đây khoảng 7 năm, hiện đang ăn trái năm thứ 2, năm ngoái cho thu nhập được 9 triệu đồng, năm nay khá hơn được hơn 30 triệu đồng.

Anh Cang cho biết, trước đây vợ chồng anh làm nghề buôn bán hàng tạp hóa, sau khi lo lắng, dựng vợ, gả chồng cho các con xong, anh chị chuyển về sinh sống trên đất thừa kế của cha mẹ để coi nhà, thờ cúng ông bà và bắt đầu làm vườn với diện tích khoảng 4.000 m2. Ban đầu lập vườn, anh tập tành trồng đủ loại cây nhưng do chưa có kinh nghiệm nên anh nhiều lần thất bại. Sau này được cậu con trai học Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang làm tại Sở Nông nghiệp tỉnh Long An động viên, hướng dẫn anh trồng vườn cây ăn quả nên anh bắt đầu tìm hiểu và thử trồng các giống cây ăn quả như bưởi, cam sành, quýt, mít Thái, dừa xiêm lùn, ổi, xoài… trong đó đạt hiệu quả nhất là cây bưởi da xanh. Ngoài ra anh chị còn tranh thủ trồng rau xanh, rau gia vị ngắn ngày, nuôi gà, vịt dưới tán cây ăn quả, đào ao trồng sen, nuôi cá để có sản phẩm bán chợ cho thu nhập hàng ngày, lấy ngắn nuôi dài. Anh chủ trương sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ nên tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi các phương pháp phòng trừ thủ công, sinh học để hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến chất lượng trái cây và ảnh hưởng đến gà, vịt… nuôi dưới tán bưởi.

Dùng thử quả bưởi da xanh vườn nhà anh Cang, cảm nhận của chúng tôi là vị thanh, ngọt của bưởi da xanh trồng trên đất Hòa Thịnh hơn hẳn bưởi trồng tại các địa phương khác, tuy nhiên trái bưởi da xanh vườn nhà anh không đẹp như bưởi trồng tại các nơi khác do anh hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên bề ngoài có vẻ thô ráp, kém xanh, bóng. Một trái bưởi tại vườn nhà anh Cang có trọng lượng bình quân khoảng từ 1,5 - 2 kg, anh bán với giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Để bán được hàng, anh đã nhờ các cháu dưới Tuy Hòa gửi, giới thiệu bạn bè để ăn thử và bán hàng online. Do chất lượng đạt, đảm bảo được mọi người tin dùng nên bưởi vườn nhà anh thu hoạch đến đâu bán hết đến đó và bán tận các thành phố: Đà Nẵng, Hồ Chí Minh… Hiện gia đình anh Cang đang đầu tư, mở rộng diện tích vườn bưởi trồng thêm trên 100 gốc bưởi mới và cải tạo lại vườn cây ăn quả đã trồng trong thời gian qua.

Anh Nguyễn Trung Cang bên vườn bưởi da xanh đang cho trái của gia đình

Theo anh Cang, để thành công trong việc làm vườn cây ăn quả thì trước hết cần có vốn, đất đai, sau đó cần phải chuyên cần, ham học hỏi các kiến thức mới. Người trồng phải siêng năng, luôn tìm tòi học hỏi để thành công, ví dụ như xử lý ruồi đục trái thì không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần pha vôi bột, ngâm trong nước lạnh với tỉ lệ vừa phải, phun lên trái non rất hiệu quả. Khi bưởi ra hoa phải siêng, sáng nào cũng dậy sớm đi rung bông giúp hoa thụ phấn và rụng bớt tai hoa để khỏi bị sâu tơ cuốn lại làm hư bông. Khi bưởi đậu quả đạt rồi bắt đầu đi tỉa quả để chùm bưởi còn lại khoảng 3 quả. Tùy theo sức khỏe của cây mà để lại quả cho hợp lý, nếu cây yếu sức mà để trái nhiều thì sẽ làm hư cây, chết cây. Để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong vườn cây ăn quả, xung quanh vườn, quanh tán cây có thể trồng rau màu, hoa quả… để vừa làm đẹp cảnh quan, vừa có thu nhập hàng ngày và mục đích chính là dẫn dụ ong ruồi đến và hạn chế chích phá quả non.

Sau khi thấy được hiệu quả của vườn bưởi của gia đình anh Cang, bà con nông dân địa phương cũng học tập làm theo. UBND xã Hòa Thịnh đã xây dựng chương trình khuyến nông với việc hỗ trợ 308 cây giống bưởi da xanh cho 3 hộ nông dân tại địa phương với diện tích 6.500 m2 và số bưởi này cũng bắt đầu ra trái chiến.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp và thị hiếu người tiêu dùng đang phát triển hướng hữu cơ, sạch và an toàn thì kinh nghiệm trồng và kỹ thuật trồng vườn cây ăn quả theo hướng an toàn, bền vững của gia đình anh Nguyễn Trung Cang là một điển hình tiên tiến cần học tập, nhân rộng.

Phạm Minh Nhật - Trung tâm Khuyến nông Phú Yên

Hải Dương sẽ lập ‘bản đồ nông sản’ để đầu tư trọng điểm

Nguồn tin:  VOV

Hiện tỉnh Hải Dương đã quy hoạch và hình thành được gần 500 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 1,5 – 3 lần so với sản xuất nhỏ lẻ.

Xã Quốc Tuấn (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) có hơn 315 ha lúa và 26 ha hoa màu. Trước đây, mỗi hộ trong xã được phân chia từ 5 – 6 thửa ruộng. Diện tích ruộng nhỏ lẻ, manh mún, các hộ "mạnh ai, nấy làm", mỗi hộ trồng 1 giống, chăm bón 1 kiểu, cây trồng dễ bị sâu bệnh, năng suất không cao. Từ năm 2015, sau khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, xã Quốc Tuấn đã quy hoạch đất canh tác trên địa bàn thành các vùng chuyên canh với quy mô, diện tích lớn.

“Những năm gần đây, chúng tôi đã hình thành được những vùng lúa chất lượng, canh tác rất thuận lợi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí cho nông dân. Điển hình như vụ Mùa năm 2020, chúng tôi đã đưa cơ giới hóa cấy bằng mạ khay, riêng Quốc Tuấn cấy được 10,9 ha; trong đó có 3 vùng, cấy tập trung "1 vùng 1 giống 1 thời gian" đạt năng suất cao”, ông Phạm Công Sáng, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quốc Tuấn cho biết.

Phun thuốc bảo vệ thực vật tự động tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương

Từ năm 2016, các vùng chuyên canh nông nghiệp của Hải Dương có thêm cơ chế, động lực để phát triển và mở rộng khi tỉnh triển khai Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững giai đoạn 2016-2020". Không chỉ được hỗ trợ kinh phí đầu tư sản xuất, người dân tham gia sản xuất hàng hóa tập trung còn được tập huấn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.

Đến nay, tỉnh Hải Dương đã hình thành được gần 500 vùng sản xuất hàng hóa tập trung; trong đó, gần 300 vùng sản xuất lúa có quy mô từ 30 ha trở lên, nhiều vùng canh tác hoa màu, cây ăn quả quy mô lớn như: Vùng rau (ở Gia Lộc, Tứ Kỳ), cà rốt (Cẩm Giàng, Nam Sách), hành, tỏi (Kinh Môn, Nam Sách)... Theo bà Hoàng Thị Loan, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều.

“Chúng tôi đã thực hiện được các vùng quy hoạch sản xuất tập trung, cho năng suất cao. Đặc biệt, huyện Cẩm Giàng có vùng sản xuất cà rốt tập trung, có những vùng quy mô lớn từ 50 ha trở lên. Huyện có 23.000 m2 diện tích nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: dưa lưới, cà chua, hoa lan... Diện mạo nông thôn Cẩm Giàng được thay đổi, thu nhập của nông dân tăng lên. Ví dụ năm 2020, ước thu nhập bình quân trên đầu người huyện Cẩm Giàng là 58,5 triệu đồng/người”, bà Hoàng Thị Loan nói.

Sau khi các vùng sản xuất hàng hóa tập trung được quy hoạch và phát triển, ngành nông nghiệp Hải Dương đang tiến tới định hình "bản đồ nông sản" của địa phương theo hướng đầu tư có trọng điểm nhằm đạt hiệu quả bứt phá. Tỉnh xác định 21 nông sản thế mạnh để tập trung phát triển. Hải Dương giờ đây không chỉ có vải thiều xuất khẩu mà còn nhiều nông sản khác của tỉnh, như: cà rốt, dưa leo, cà chua... cũng được sơ chế và xuất khẩu ra thế giới.

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất ngày càng được mở rộng tại Hải Dương

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất ngày càng được mở rộng tại Hải Dương. Năm 2020, tỉnh có trên 17.000 ha rau sản xuất theo quy trình GAP, 23 ha nhà màng, nhà lưới với hệ thống phục vụ sản xuất đồng bộ như: hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, quạt thông gió… Trên các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, máy móc đã thay thế sức người từ khâu gieo hạt, cấy lúa, thu hoạch...

“Trong khâu cơ giới hóa, Hải Dương là tỉnh đi đầu các tỉnh phía Bắc đã thực hiện được khoảng 5, 6 năm nay. Hiện nay, Hải Dương đã hình thành được một số hợp tác xã dịch vụ hoạt động tốt, xây dựng được quy trình mạ khay, dịch vụ cấy trọn gói mang lại hiệu quả tốt, giảm chi phí, nâng cao năng suất chất lượng. Hiện nay, tốc độ mở rộng diện tích gieo cấy bằng máy của Hải Dương tương đối nhanh. Như năm nay, đạt gần 10%, gấp đôi năm ngoái. Đây là xu hướng rất đáng mừng”, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá.

Mặc dù đã đạt được hiệu quả bước đầu nhưng việc phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tại Hải Dương vẫn chưa thực sự bền vững. Diện tích cấy lúa bằng máy của tỉnh còn thấp, chỉ đạt 10% diện tích gieo cấy. Về chăn nuôi, Hải Dương cũng chưa có nhiều trang trại, vùng nuôi trồng thủy sản quy mô lớn.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng cho rằng, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn là chìa khóa của phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung.

“Để thay đổi nền nông nghiệp, thay đổi cơ cấu cây trồng, để nhân dân phát triển hơn nữa, theo tôi phải tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất nhiều hơn nữa. Mỗi hộ phải vài hecta trở lên trên 1 mảnh ruộng, 1 khu đồng thì mới thuận lợi trong phát triển sản xuất, giảm chi phí, đưa giống mới... thúc đẩy sản xuất phát triển. Thứ hai, phải quan tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất, đưa giống mới vào sản xuất, có xuất khẩu thì mới tăng thu nhập”, ông Nguyễn Đức Thuận nêu ý kiến.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là nhiệm vụ kinh tế hàng đầu mà tỉnh Hải Dương đặt ra trong thời gian tới. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp của địa phương cần tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư để hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu./.

Thanh Nga - Linh Giang/VOV-Đông Bắc

Vì sao nông dân không mặn mà trồng rau an toàn?

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Hiện toàn tỉnh Quảng Trị có 5.018 ha diện tích đất trồng rau, tuy nhiên chỉ có 5 ha rau ở thành phố Đông Hà được chứng nhận VietGAP và gần 20 ha rau ở một số địa phương khác được chứng nhận an toàn. Nếu tính tỉ lệ thì chỉ có 0,49% diện tích rau trên địa bàn tỉnh được chứng nhận an toàn? Con số còn lại chiếm trên 99%!

Vậy tại sao nông dân lại không mặn mà sản xuất rau sạch trong khi người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng trong đó có mặt hàng rau xanh? Một nghịch lý đang diễn ra là dù nhu cầu rau sạch, rau an toàn cao nhưng sản phẩm rau sạch, rau an toàn lại đang “bí” đầu ra. Điển hình như năm 2017 có mô hình sản xuất rau sạch theo công nghệ thủy canh của HTX Nguyên Khang, thị trấn Diên Sanh (trước là thị trấn Hải Lăng) huyện Hải Lăng đầu tư số vốn ban đầu gần 2 tỉ đồng. Đây là một trong những mô hình tiên phong của tỉnh về triển khai sản xuất rau quả theo công nghệ cao mang nhiều kỳ vọng về sự đổi thay trong phương thức, tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân Quảng Trị. Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm đi vào thử nghiệm, mô hình này phải ngừng hoạt động vì rau đến kỳ thu hoạch nhưng bán chẳng có người mua. Người tiêu dùng thì cho rằng giá thành sản phẩm quá cao không mua nổi, trong khi người sản xuất lại giải thích không thể hạ giá bán sản phẩm vì hạ giá thì thu không đủ bù chi.

Tìm hiểu về quy trình sản xuất rau an toàn, chúng tôi được biết cần những khoản chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn để cải tạo đất đai, nguồn nước tưới, kiểm soát giống, đăng ký bao bì nhãn mác… Những chi phí này khiến cho sản phẩm rau an toàn có giá thành cao hơn so với rau sản xuất theo phương thức truyền thống, trong khi thị trường lại chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa rau được chứng nhận an toàn với rau không được chứng nhận an toàn nên sản phẩm làm ra dễ bị nhập nhằng, “vàng, thau lẫn lộn”.

Một nguyên nhân nữa là nông dân ngại thay đổi tập quán canh tác, quen với cách sản xuất theo kinh nghiệm, mạnh ai nấy làm trong khi bộ tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn để được cấp giấy chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, RAT, rau hữu cơ của Bộ Nông nghiệp &PTNT đòi hỏi phải ghi chép nhật ký sản xuất với đầy đủ các quá trình như thời gian gieo trồng, chủng loại, nguồn gốc giống, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng, quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… đảm bảo tồn dư về vi sinh vật, hóa chất độc hại dưới mức cho phép. Đồng thời, phải tuân thủ nghiêm các bộ quy tắc trong sản xuất rau an toàn, bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng… Công sức bỏ ra lớn nhưng đầu ra cho sản phẩm rau được chứng nhận an toàn chưa tương xứng khiến nông dân càng không mặn mà.

Hiện nguồn cung rau xanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của các thương lái chợ đầu mối và hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trong khi đó, sự gắn kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng nông sản còn lỏng lẻo, khó truy xuất nguồn gốc rau. Chưa có sự phân biệt giữa rau được chứng nhận an toàn với các loại rau khác. Vì thế, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các thành viên trong mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong việc phát triển các vùng sản xuất rau an toàn. Cần có một mô hình liên kết nhằm giảm thiểu các chi phí để các bên đều có lợi, đó là người tiêu dùng có thể chi trả thêm để bù đắp một phần kinh phí tăng thêm của người sản xuất rau an toàn nhưng giá thành sản phẩm rau an toàn cũng cần giảm bớt để người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Minh chứng cụ thể như giá rau công nghệ cao của HTX Nguyên Khang thời điểm năm 2017 là 55 - 60 ngàn đồng/kg, cao gần gấp 3 lần so với giá thị trường rau xanh thông thường cùng loại, đó là mức giá quá cao so với mức thu nhập bình quân của người dân trong tỉnh nên khó có người tiêu thụ lâu dài được.

Thời gian gần đây, mạng lưới phân phối rau an toàn đã bắt đầu phát triển, đó là ngoài các siêu thị trên địa bàn thành phố Đông Hà đã xuất hiện một số cửa hàng cung ứng nông sản sạch, nông sản hữu cơ. Tuy nhiên, số lượng rau xanh từ các tỉnh khác chuyển về vẫn chiếm rất lớn, việc kiểm soát chất lượng còn bất cập. Do vậy, để tìm đầu ra ổn định cho rau an toàn, tỉnh cần có cơ chế, chính sách về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo hướng hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ; tập trung phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc đến hộ gia đình, gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng. Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội chợ đầu mối, chợ dân sinh để bố trí thêm điểm bán rau, giới thiệu an toàn. Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người sản xuất và nhận thức cho người tiêu dùng về rau an toàn. Và quan trọng nhất là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp hộ sản xuất, kinh doanh rau không an toàn… Chỉ khi nào người tiêu dùng có thể phân biệt, thấy được giá trị của rau an toàn để có lòng tin khi sử dụng rau xanh được cấp chứng chỉ chứng nhận an toàn và sẵn sàng chi trả chi phí cao hơn để mua được rau sạch thì diện tích trồng rau an toàn trên địa bàn tỉnh mới có thể mở rộng.

Lâm Thanh

Xót cảnh nông dân Quảng Nam đổ sắn xuống ruộng

Nguồn tin: VOV

Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn vừa qua, nhiều diện tích sắn của người dân ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam bị hư hỏng. Nhiều ngày qua, nông dân cố gắng thu hoạch nhằm vớt vát lại phần nào công sức, vốn liếng đã đầu tư.

Sáng 23/10, gia đình ông Trần Công Hùng, 47 tuổi, ở thôn An Phú, xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam tranh thủ thu hoạch hết diện tích sắn bị ngập lụt vừa qua. Do nước ngập lâu ngày nên 50% củ sắn trồng trên 8 sào đất của gia đình ông bị hỏng. Thế nhưng ông Hùng cho rằng, mình còn may mắn hơn các hộ dân khác trong thôn bởi đã bán được cho nhà máy với giá 1.300 đồng/kg.

“Các năm trước tôi thu được 20 triệu, nhưng năm nay chỉ thu bán được hơn 3 triệu mà đã gần hết rồi. Mưa lụt, nước thoát không được nên ngập vào đám sắn. Hiện nay đã hư hỏng trên 50%, tôi chặt hết những củ sắn bị thối ra rồi mang những củ sắn không bị thối đi bán được chừng nào hay chừng đó nhưng không đủ trả tiền phân, tiền công”, ông Hùng chia sẻ.

Xe tải chở đầy sắn ùn ứn trước cổng nhà máy thu mua sắn ở xã Quế Cường, huyện Quế Sơn

Tại các xã Quế Mỹ, Quế Thuận và thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), diện tích cây sắn bị hỏng do ngập lụt khá lớn. Nhiều hộ dân đã thu hoạch sắn nhưng không có người mua hoặc chở đến nhà máy mà không bán được phải đổ bỏ.

Dọc tuyến đường vào các khu dân cư ở các xã Quế Hiệp, Quế Mỹ, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) rất dễ bắt gặp hình ảnh từng đống sắn để dọc đường đã hư hỏng và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Để bớt mùi hôi từ các đống sắn bốc ra, người dân phải thuê nhân công mang sắn hư hỏng đổ xuống ruộng.

Sắn thu hoạch lên hư hỏng rất nhiều

Bà Nguyễn Thị Phượng, 53 tuổi, trú thôn Phước Thượng, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn vừa cùng chồng gom 3,5 tấn sắn ra ruộng đổ để tránh làm ảnh hưởng khu dân cư do mùi hôi bốc ra. Cách đây vài ngày, bà Phượng được thương lái phát bao tải để thu hoạch và gom sắn lại rồi đến mua. Nhưng đến khi bà Phượng thu hoạch xong, sắn đã vào bao chờ cân nhưng không liên lạc được với thương lái, đành đổ bỏ.

“Thương lái buôn họ bỏ hết rồi, bao thì để lại đây, gọi điện thì tắt máy, dân phải chịu thiệt hại. Bà con đang phân vân, giờ cứ chở ra ruộng đổ nhưng sợ chất chua trong sắn, mùa sau làm không được. Để là sắn thối cả làng không được”, bà Phượng nói.

Sắn hư hỏng không thể bán được đành đổ bỏ

Những ngày này, do lượng sắn bà con thu hoạch quá lớn nên tại nhà máy thu mua sắn ở xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn ùn ứ lượng sắn rất lớn. Có xe phải nằm lại tại nhà máy từ một vài ngày mới nhập được sắn. Nhiều xe chở sắn bốc mùi hôi do sắn hư hỏng. Năm nay, nông dân huyện Quế Sơn trồng hơn 2.000 ha sắn, đến nay đã thu hoạch hơn 70% diện tích. Những ngày qua mưa lũ kéo dài, sắn vừa thu hoạch bị ứ đọng tại các nhà máy chế biến sắn khá nhiều.

Ông Đinh Nguyên Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, bà con trồng sắn tự phát và trồng ở đất ruộng nên chỉ cần mưa kéo dài sẽ gây hư hỏng ngay. Việc giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm nông sản này rất khó.

“Giải bài toán này không phải dễ, nhà máy không thu mua thì bây giờ giải quyết thế nào rất khó. Bây giờ chúng tôi xem qua lũ lụt rồi tổng hợp thiệt hại do cây sắn và mưa lũ rồi hỗ trợ bà con nhân dân một phần. Sắn muốn tiêu thụ phải có nhà máy mà nhà máy năng lực có hạn. Sắp tới sẽ chuyển đổi cây trồng cho bà con chứ người dân bây giờ chủ yếu là trồng theo kiểu tự phát”, ông Vũ cho hay./.

CTV Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Bắc Kạn: Nuôi bò vỗ béo ở Vũ Muộn

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Mang lại nguồn thu nhập khá so với cách nuôi truyền thống, chăn nuôi bò vỗ béo đang là xu hướng được các hộ dân tại xã Vũ Muộn (Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Lộc Văn Chọi, thôn Tốc Lù hiện đang nuôi vỗ béo cho gần chục con bò.

Thay đổi tập quán chăn nuôi

Là xã vùng cao nằm ở phía Đông Bắc huyện Bạch Thông, từ lâu chăn nuôi gia súc đã trở thành thế mạnh của người dân xã Vũ Muộn. Tuy nhiên, thói quen chăn nuôi truyền thống không mấy khả quan nên nhiều hộ bắt đầu có những lựa chọn phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, trong đó nuôi trâu, bò vỗ béo là một điển hình, hình thức chăn nuôi này đang phát triển.

Anh Đinh Như Tiệp, thôn Tốc Lù là hộ chăn nuôi bò vỗ béo tương đối thành công của xã, trước đây anh từng chăn nuôi nhiều loại nhưng không mấy khả quan. Nhận thấy xu hướng nuôi bò vỗ béo phù hợp với điều kiện gia đình ít lao động, anh mua 02 con về nuôi. Sau khoảng vài tháng chăm sóc, bán ra có lãi, gia đình quyết định tăng tổng đàn lên hơn 10 con, với số lượng đó anh đã đầu tư chuồng trại kiên cố, trồng 5.000m2 cỏ voi để làm nguồn thức ăn lâu dài. Vừa làm vừa học hỏi, mô hình nuôi bò vỗ béo của anh Tiệp mang lại hiệu quả rõ rệt. Sau 3 - 4 tháng chăn nuôi, bình quân mỗi con anh lãi được 1 triệu đồng/tháng, tổng đàn hơn 10 con anh lãi từ 20 - 30 triệu đồng. Theo anh Tiệp nuôi bò vỗ béo không quá khó, nhưng phải biết lựa chọn con giống, trước tiên con vật nuôi phải có bộ khung to, không bệnh tật, nguồn thức ăn phải đảm bảo đầy đủ từ cỏ xanh, tinh bột, nước uống, đặc biệt là cần áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, tiêm phòng, chuồng trại cao ráo, thoáng đãng thì con vật mới có sức đề kháng tốt, nhanh lớn. Đầu ra cũng khá thuận lợi vì thường xuyên có thương lái đến tận thôn, xã mua, với lợi thế đó nên mô hình nuôi bò vỗ béo tiếp tục là sự lựa chọn để gia đình anh Tiệp phát triển kinh tế, tăng thu nhập trong thời gian tới.

Ông Lộc Văn Chọi ở thôn Tốc Lù, xã Vũ Muộn tiếp cận mô hình chăn nuôi bò vỗ béo từ năm 2019, bước đầu đã mang lại kết quả khá. Đợt cao điểm ông nuôi 12 con, mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ, bình quân mỗi con bán ra ông lãi từ 1-1,5 triệu đồng/tháng, gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Ông Chọi cho biết: “Trước đây gia đình cũng từng chăn nuôi bò sinh sản nhưng không mấy hiệu quả vì thời gian nuôi lâu, mất nhiều công chăn dắt mà lợi nhuận lại thấp, chuyển sang nuôi vỗ béo giúp tôi chủ động hơn trong việc chăm sóc, dễ dàng phát hiện bệnh để phòng kịp thời”. Hiện tại, ông Chọi trồng 3.000m2 cỏ voi trên đất ruộng để phục vụ cho chăn nuôi lâu dài.

Tăng diện tích trồng cỏ voi

Nếu so với các địa phương khác, Vũ Muộn không có lợi thế lớn về bãi chăn thả, bởi nơi đây bốn bề là rừng phòng hộ, một số chân đồi thấp thì được tận dụng để trồng ngô. Với điều kiện, đặc điểm thổ nhưỡng như vậy, người dân trong xã lựa chọn nuôi bò vỗ béo là phù hợp hơn cả, trước phong trào vỗ béo bò ngày một phát triển, người dân trong xã đã chủ động trồng cỏ voi để có nguồn thức ăn phục vụ dài lâu. Đến nay diện tích trồng cỏ voi toàn xã có 20ha, những diện tích như bờ ruộng, hoặc chân ruộng, chân núi đá, khe suối đều được một số hộ chuyển đổi, tận dụng trồng cỏ voi.

Cùng với nhu cầu chăn nuôi phát triển, diện tích cỏ voi trên địa bàn cũng tăng theo.

Đồng chí Đinh Như Hiếu, Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn cho biết: "Xác định chăn nuôi gia súc đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của xã, vì vậy cấp ủy, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân lựa chọn các hình thức chăn nuôi phù hợp để phát triển kinh tế. Theo đó, mô hình chăn nuôi bò vỗ béo 2 năm nay giúp cho một số hộ xóa đói, giảm nghèo và cải thiện nguồn thu nhập, toàn xã hiện có gần 20 hộ chăn nuôi bò vỗ béo, một số hộ đã có thu nhập khá như anh Đinh Văn Tám ở thôn Nà Kén, Đàm Văn Hùng, Đinh Như Tiệp ở thôn Tốc Lù...".

Mô hình nuôi bò vỗ béo tại địa bàn chủ yếu là tự phát, người dân tự tìm mua con giống về vỗ béo, nếu không có kinh nghiệm và quá trình chuẩn bị tốt thì vật nuôi dễ trở bệnh, tăng cân chậm. Vì vậy, để mô hình chăn nuôi bò vỗ béo thực sự phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo thì rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn của các ngành chức năng về khoa học kỹ thuật để bà con vận dụng hiệu quả vào chăn nuôi./.

Thu Trang

Bắc Ninh: Toàn tỉnh có 868 trang trại chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh

Nhiều năm qua, Bắc Ninh tích cực thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ sang chăn nuôi gia trại, trang trại tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa; nhiều giống vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất, rút ngắn thời gian chăn nuôi, nên năng suất, sản lượng chăn nuôi của tỉnh tăng qua các năm. Toàn tỉnh hiện có 868 trang trại chăn nuôi (theo tiêu chí của Luật chăn nuôi), trong đó 27 trang trại quy mô lớn, 149 trang trại quy mô vừa, 692 trang trại quy mô nhỏ.

Riêng năm 2019, do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã làm đàn lợn của tỉnh sụt giảm từ 392.029 con (năm 2018) xuống còn 213.004 con. Toàn tỉnh hiện có 300 nghìn con lợn; 5,7 triệu con gia cầm; 31 nghìn con trâu, bò.

Bên cạnh đó, diện tích ao, hồ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đang giảm dần, nhưng do đẩy mạnh hình thức nuôi thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kết hợp với đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên sông nên sản xuất thủy sản trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về năng suất, sản lượng. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong ao đất năm 2020 ước đạt 5.150 ha và 2.062 lồng cá trên các sông. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 39.000 tấn. Toàn tỉnh có 162 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô từ 10ha trở lên, với diện tích 2.757 ha.

V.T

Đánh giá mô hình nuôi thỏ thương phẩm an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Sáng ngày 22/10, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình) tổ chức hội nghị tham quan, đánh giá mô hình nuôi thỏ thương phẩm an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Trọng Quan (Đông Hưng).

Trung tâm Khuyến nông đánh giá mô hình thực hiện tại xã Trọng Quan (Đông Hưng).

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai xây dựng mô hình nuôi thỏ thương phẩm an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm tại 3 huyện gồm Đông Hưng, Quỳnh Phụ và Vũ Thư; trong đó huyện Đông Hưng có 2 xã gồm Trọng Quan và Đông Phương được chọn triển khai mô hình. Mỗi mô hình nuôi được thực hiện với quy mô 400 con thỏ thịt (giống thỏ New Zealand). Qua đánh giá mô hình, các chỉ tiêu đều vượt so với yêu cầu đề ra như: tỷ lệ nuôi sống đàn thỏ trung bình đạt 97,37%; tốc độ tăng trọng từ lúc nuôi đến lúc xuất bán (thời gian nuôi khoảng 3 tháng) trung bình đạt 2,67kg/con. Thị trường đầu ra ổn định do có đơn vị thu mua bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Thông qua việc xây dựng mô hình nhằm khai thác thế mạnh, lợi thế chăn nuôi của tỉnh, hướng người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống và chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh; phát triển chăn nuôi thỏ thành vùng, theo chuỗi để phong phú sản phẩm chăn nuôi; đồng thời phổ biến, nhân rộng và hình thành vùng chăn nuôi thỏ giống, thỏ thịt, từng bước tạo sản phẩm thịt thỏ chất lượng. Từ đó xây dựng mối liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để việc phát triển chăn nuôi thỏ tại Thái Bình được ổn định và bền vững.

Thanh Huyền

Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Hiện nay, các địa phương đang đẩy nhanh công tác tái đàn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, thời tiết chuyển mùa đông làm giảm sức đề kháng của vật nuôi cùng với lưu lượng vận chuyển gia súc, gia cầm lớn… nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Để giảm rủi ro, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học...

Tiêm phòng vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả phòng, chống dịch bệnh phát sinh trên đàn gia cầm. Ảnh: Sơn Ngọc

Hà Nội là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với 36,5 triệu con gia cầm, 1,3 triệu con lợn, 158.267 con trâu, bò. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát tốt; trong đó đàn trâu, bò chủ yếu mắc bệnh tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi… tỷ lệ trâu, bò ốm chiếm 0,42%/tổng đàn. Đàn lợn chủ yếu mắc các bệnh phó thương hàn, tụ huyết trùng, tiêu chảy, tỷ lệ ốm chiếm 0,5%/tổng đàn. Đàn gia cầm mắc các bệnh tụ huyết trùng, Newcastle… tỷ lệ ốm chiếm 0,11%/tổng đàn…

Tuy nhiên, vật nuôi trên địa bàn thành phố vẫn mắc một số bệnh nguy hiểm như bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Từ ngày 4-9 đến nay, bệnh xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Thường Tín, Đông Anh… buộc tiêu hủy 157 con lợn với tổng trọng lượng 10.765,5kg.

Nhận định về tình hình dịch bệnh thời gian tới, ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội) cho biết: Hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn rất cao do trên địa bàn thành phố còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý. Người chăn nuôi chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh; thời tiết mưa, nắng thất thường cũng tạo điều kiện cho mầm bệnh truyền nhiễm phát sinh. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cuối năm của người dân tăng cao nên việc vận chuyển gia súc, gia cầm tương đối lớn cũng tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh…

Để hạn chế dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát vào dịp cuối năm, ông Bạch Văn Nghị ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho biết, gia đình ông vừa nhập hơn 100 con gà về nuôi để chăm sóc và bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Gia đình ông đã chủ động tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm; trước khi nuôi, tiến hành tổng vệ sinh môi trường chuồng trại và nhập con giống rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cũng về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khuyến cáo các địa phương cần đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc xin đạt tỷ lệ từ 80% tổng đàn trở lên để tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó là thực hiện tổng tẩy uế môi trường, giảm sự lây nhiễm mầm bệnh ở các cơ sở chăn nuôi; thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh tại các cơ sở, chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở thực hiện tốt việc giám sát tại các thôn, xóm có chăn nuôi; tăng cường kiểm tra các bãi rác, kênh mương, kịp thời xử lý xác gia súc, gia cầm chết trôi nổi, không rõ nguồn gốc; kịp thời phát hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để có biện pháp ngăn chặn; lấy mẫu làm các xét nghiệm để dự tính, dự báo dịch bệnh, nhất là các cơ sở chăn nuôi lớn, vùng chăn nuôi tập trung…

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, các địa phương cần chỉ đạo các xã tăng cường giám sát biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, giết mổ, bán gia súc, gia cầm mắc bệnh; làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm xảy ra; duy trì 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố để kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn thành phố; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật/sản phẩm động vật bất hợp pháp vào thành phố.

NGỌC QUỲNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop