Tin nông nghiêp ngày 26 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 26 tháng 11 năm 2019

Hưng Yên khai mạc phiên chợ cam

Nguồn tin: Nhân Dân

Ngày 23-11, tại khu đô thị Ecopark, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên tổ chức khai mạc phiên chợ cam Hưng Yên năm 2019.

Phiên chợ có 30 gian hàng trưng bày, bán cam của các hợp tác xã, trang trại, nhà vườn và 20 gian hàng trưng bày, bán các loại nông sản, sản phẩm nông nghiệp chủ lực khác của tỉnh như: bưởi, long nhãn, mật ong nhãn, tinh bột nghệ, ổi, trà hoa cúc…

Hưng Yên là tỉnh có diện tích trồng cây cam khoảng 1.600 ha, năm nay, sản lượng cam ước đạt hơn 30 nghìn tấn. Việc tổ chức phiên chợ cam nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu và trực tiếp phục vụ sản phẩm cam Hưng Yên với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh và các du khách nước ngoài.

Theo kế hoạch, phiên chợ cam Hưng Yên tổ chức trong hai ngày, từ ngày 23 đến ngày 24-11. Ngay trong buổi sáng khai mạc phiên chợ cam các nhà vườn và HTX nông nghiệp đã bán được khoảng 5 tấn cam, với giá từ 25 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng/kg.

PHẠM HÀ

Bình Định: Trồng dừa hữu cơ

Nguồn tin: Báo Bình Định

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Nhơn thực hiện mô hình “Liên kết sản xuất trồng dừa hữu cơ gắn với chế biến sản phẩm dầu dừa” tại xã Hoài Thanh Tây.

Mô hình hướng đến sản xuất dừa hữu cơ, đảm bảo chất lượng, an toàn khi sử dụng, bảo vệ hệ sinh thái đối với cây trồng, đẩy mạnh phát triển hoàn thiện chuỗi giá trị của ngành dừa, góp phần giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Mô hình được thực hiện theo các tiêu chuẩn xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ: Không sử dụng phân hóa học, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, thay vào đó là các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh.

Mô hình trồng dừa hữu cơ của một hộ dân ở xã Hoài Thanh Tây.

Theo ông Bùi Duy Khánh, nông dân tham gia mô hình, trước đây, gia đình ông trồng dừa theo phương pháp truyền thống, không áp dụng KHKT trong canh tác. Do sử dụng phân hóa học thời gian dài nên đất bạc màu, vườn dừa kém phát triển, không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ khi tham gia mô hình, gia đình được các cán bộ kỹ thuật chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc dừa theo quy trình hữu cơ chuẩn. Bên cạnh đó, sản phẩm được HTXNN Ngọc An thu mua, giá đầu ra ổn định - đây là điều kiện để người dân yên tâm canh tác, gắn bó lâu dài với cây dừa.

Ông Đỗ Đình Hồng, Chủ tịch Hội nông dân xã Hoài Thanh Tây, cho biết: Lợi thế của xã là người nông dân đã canh tác dừa lâu nay, nhiều hộ ở địa phương mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dừa theo phương pháp hữu cơ cũng đã được HTXNN Ngọc An ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để sản xuất dầu dừa, cho thu nhập ổn định.

Đến cuối năm 2018, Bình Định có hơn 9.332 ha trồng dừa, trong đó Hoài Nhơn chiếm 31,8%. Chính quyền địa phương, ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân hiểu lợi ích của phương thức sản xuất hữu cơ, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật để bà con thực hiện. Huyện Hoài Nhơn còn tích cực vận động nhân dân tham gia tổ, nhóm hợp tác, thay đổi giống, tỉa thưa vườn dừa, kết hợp trồng xen, nuôi xen, nâng cao năng suất để giữ diện tích vườn dừa; đồng thời, hợp đồng với HTXNN Ngọc An để bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra.

MINH TIẾN

Hiệu quả từ mô hình trồng táo nhà lưới

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Để hạn chế ruồi vàng và các loại côn trùng phá hoại cây táo, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả, gia đình bà Đỗ Thị Lương ở thôn 6 (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) đã áp dụng phương pháp trùm lưới cho vườn táo, bước đầu mang lại hiệu quả cao.

Trước đây, gia đình bà Lương thuê 1 ha đất trồng sắn, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đất dần cằn cỗi. Sau khi được tham quan mô hình trồng táo Đài Loan của nhà bạn ở Tây Ninh, đầu năm 2017, gia đình bà đã quyết định cải tạo lại đất và đầu tư trồng 900 gốc táo Đài Loan. Sau 10 tháng vườn táo đã cho thu hoạch, với năng suất đạt 10 tấn/ha, giá bán 40-50 nghìn đồng/kg, vụ đầu tiên gia đình bà đã thu được gần 400 triệu đồng. Năm 2018, gia đình bà thuê thêm 3 ha đất để trồng loại táo này.

Trực tiếp trồng và chăm sóc táo từ vụ đầu, bà Lương nhận thấy vườn có nhiều côn trùng, sâu bệnh gây hại cho quả và cây, dù đã sử dụng nhiều cách như: dùng bẫy ruồi vàng, côn trùng, xịt nước tỏi ớt... nhưng vẫn không hiệu quả. Do đó bà trăn trở tìm cách bao bọc vườn, nhằm giảm thiểu sâu bệnh xâm hại.

Tháng 7-2019, bà dựng các trụ gỗ trong và xung quanh vườn để làm khung, rồi tìm mua lưới chống côn trùng ở Sài Gòn và thuê nhân công may lại thành tấm lưới lớn có diện tích 12.000 m2 bao bọc hết 1 ha táo, với chi phí đầu tư khoảng 120 triệu đồng và nhà lưới có thể sử dụng trong khoảng 3 năm. Bên cạnh đó, gia đình bà còn trồng theo hướng hữu cơ, chủ yếu sử dụng phân bò, xác cá trộn với chế phẩm sinh học để bón cho cây...

Bà Đỗ Thị Lương thu hoạch táo.

Bà Lương cho biết, tháng 10 vừa qua, vườn táo của gia đình đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, 3 ha táo không trồng trong nhà lưới thì khoảng 90% số quả bị hư hại, hầu như mất trắng. Còn 1 ha táo trồng nhà lưới thì cho năng suất cao, cây trĩu quả nhưng cũng mất khoảng 30% số quả bị hư hỏng.

Theo bà Lương nguyên nhân do khi cây đã có quả nhỏ như ngón tay cái, gia đình mới tiến hành bọc lưới, lúc này sâu bệnh đã xuất hiện trong vườn; việc sử dụng màn lưới giảm thiểu được sâu bệnh hại phát triển. Nếu áp dụng phương pháp này sớm hơn thì tỷ lệ quả phải loại bỏ chỉ chiếm khoảng 10%.

Trồng táo trong nhà lưới tránh được sâu bệnh nên giảm thiểu việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học; bảo vệ được quả không bị rám vỏ, sẫm màu do ánh nắng mặt trời, giảm tỷ lệ gãy cành, rụng quả khi mưa to, gió lớn... giúp gia đình thu được sản phẩm sạch và chất lượng cao.

Nhờ có diện tích táo trồng trong nhà lưới, mùa vụ năm nay gia đình bà Lương thu được hơn 30 tấn quả, với giá bán 40 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí gia đình bà thu lãi hơn 200 triệu đồng. Cách làm này đã mang lại hiệu quả thiết thực, bà Lương dự định sẽ đầu tư vốn để làm nhà lưới cho 3 ha táo còn lại vào vụ táo năm sau, hứa hẹn sẽ có thu nhập cao từ mô hình này.

Phương Thảo

Cau tươi rớt giá, người dân lao đao

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Năm nay, người trồng cau huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang dở khóc, dở cười khi giá mỗi kg cau chỉ bán được 2.000 - 3.000 đồng - chỉ bằng 1/10 những năm trước.

Các chủ lò sấy cau trên địa bàn Nam Đông đang thu mua cầm chừng vì sợ bán không được

Bán không người mua

Khi cau tươi tăng giá, người trồng trên địa bàn huyện Nam Đông nức lòng, phấn khởi mở rộng diện tích và dốc công sức đầu tư chăm sóc, mong loại cây này sẽ cho thu nhập cao. Nhưng vụ cau năm nay, người dân đứng ngồi không yên khi trái cau rớt giá thê thảm. Hiện tại, quả cau đang được thương lái thu mua tại vườn chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg; tại các lò sấy giao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thu mua năm 2018 có thời điểm gần 30.000 đồng/kg. Một vụ mùa thất thu đã hiện hữu trước mắt đối với người trồng cau.

Bà Nguyễn Thị Cúc, thôn 11, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông chỉ về hàng cau mới được trồng xen với những cây cau trĩu quả xót xa: Gia đình tui có thu nhập nhờ vào mấy cây cau. Năm trước, có lúc giá cau lên đến 30.000 đồng/kg nên mở rộng diện tích. Bây giờ, giá xuống 2.000 - 3000 đồng/1kg, tui lỗ vốn do phải bỏ tiền mua giống cây về trồng, phân bón, công chăm sóc.

Theo thống kê, tổng diện tích trồng cau trên địa bàn huyện Nam Đông khoảng 160ha. Trong đó, cây cau cho thu hoạch gần 150ha tập trung chủ yếu ở các xã Hương Hòa, Hương Lộc, thị trấn Khe Tre. Sản lượng năm nay ước khoảng 1.500 tấn.

Trước đây, toàn huyện có 6 lò sấy cau được đầu tư quy mô, hiện đại hoạt động hết công suất, nhưng hiện nay chỉ còn 4 lò hoạt động cầm chừng. Đơn cử như lò sấy cau của ông Phan Gia Điền ở xã Hương Hòa đã tạm dừng cả tháng nay. “Những năm trước, giá cau cao khiến người dân đầu tư trồng mới nhiều. Tuy nhiên năm nay giá cả tụt xuống thảm hại, người dân lao đao. Chủ lò sấy như tôi cũng rơi vào tình cảnh khó khăn”, ông Phan Gia Điền lo lắng.

Nông dân đỏ mắt chờ thương lái đến vườn thu mua, còn các chủ lò cũng đang nơm nớp lo lắng, sợ lượng cau đã nhập và sấy tại lò không xuất bán được. Vì thế, việc thu mua sấy khô và đầu tư sản xuất được tiến hành cầm chừng để nghe ngóng nắm bắt thông tin, giá cả thị trường. Không mở rộng diện tích

Nhiều diện tích cau trên địa bàn huyện cây vẫn trĩu quả vì thương lái mua giá rẻ mạt

Trong quá khứ, cây cau là một trong những cây trồng cho thu nhập tương đối cao và ổn định đối với nông dân của huyện miền núi Nam Đông. Song, với thị trường phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc như hiện nay, người dân cần cân nhắc trước khi mở rộng diện tích, để tránh thiệt hại do biến động của thời tiết, giá cả và đầu ra cho sản phẩm.

Nguyên nhân dẫn đến điệp khúc “được mùa mất giá” được các cơ quan chức năng xác định là bởi sự mất cân đối cung cầu, sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định và dường như trong nước chưa có một doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm, chế biến các sản phẩm từ loại quả này.

Theo đó, người trồng cau bây giờ như “đánh bạc với trời”, phó mặc cho sự biến động của thị trường chứ chưa có hướng đi nào hiệu quả. Các cơ quan chức năng vẫn loay hoay giải bài toán đầu ra cho cây cau.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, những năm trước giá cau cao do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc lớn. Tuy nhiên, đây là thị trường không ổn định nên huyện Nam Đông chỉ đạo các địa phương duy trì diện tích chứ không quy hoạch phát triển diện tích cau tập trung.

“Huyện cũng chỉ đạo các địa phương vận động người dân cố gắng duy trì chăm sóc vườn cau hiện tại. Đặc biệt, thị trường cau thường không ổn định, thời gian tới huyện chỉ vận động Nhân dân chăm sóc và phát triển cây cau trong vườn để góp phần làm đẹp theo tiêu chí nông thôn mới chứ không phát triển thành những vườn cau tập trung. Thế nhưng có nhiều hộ dân thấy lợi trước mắt nên không nghe theo mà tự động đầu tư trồng thêm” - ông Trần Quốc Phụng nói.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng gần 190 ha cây cau, tập trung ở các huyện Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà (riêng Nam Đông 160ha). Những năm trước, với sự được giá của quả cau tươi, có lúc lên gần 30.000 đồng/1kg, Sở từng khuyến cáo bà con không nên tự ý chuyển đổi cây trồng khác sang trồng cau để tránh rủi ro.

Bài, ảnh: Thái Sơn

Xã Vạn Hưng (Khánh Hòa): Thử nghiệm trồng giống tỏi voi

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Với kinh nghiệm trồng tỏi hơn 10 năm, xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đang thử nghiệm giống tỏi voi nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.

Thí điểm ở 3 hộ

Những ngày này, nông dân xã Vạn Hưng đang xuống giống tỏi. Riêng 3 hộ trồng thử nghiệm, cây tỏi voi đã lên xanh. Ông Lê Văn Thông (thôn Xuân Tây) - người có nhiều kinh nghiệm trồng tỏi thường cho biết, tỏi voi vừa mới xuống giống được hơn 1 tháng, diện tích 250m2, tỏi phát triển tốt, tỷ lệ nảy mầm đạt 99%. Về kỹ thuật, trồng tỏi voi không khác tỏi thường là mấy. Điểm khác là đất trồng phải thoát nước nhanh, không gây ngập úng (tỏi thường chịu ẩm hơn). Thứ hai, các chuyên gia hướng dẫn trồng theo hướng sạch, không dùng thuốc hóa học. Họ cung cấp cả phân bón đặc chủng sản xuất từ Nhật Bản nên ruộng tỏi chưa bón loại gì khác mà vẫn xanh tốt. Giống tỏi này lấy từ huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày lấy giống cũng là ngày huyện Mộ Đức triển khai sản xuất thử nghiệm giống tỏi này, có sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật. Về thị trường tiêu thụ thì không lo, bởi huyện Mộ Đức đang xây dựng Dự án sản xuất củ quả sạch do Nhật Bản liên doanh đầu tư với số vốn lên tới 87 tỷ đồng.

Trồng thử nghiệm tỏi voi tại hộ ông Thông

Ông Trần Trung Tiến (thôn Xuân Đông) cũng vừa xuống giống tỏi voi hơn 1 tháng, tỏi đang phát triển xanh tốt. Theo ông Tiến, huyện Mộ Đức trồng tỏi trên đất cát phủ bạt, nhưng tại Vạn Hưng, nền đất cũ là đất thịt nên chỉ đổ thêm lớp cát dày 10cm để tăng độ thoát nước cho tỏi. Mật độ trồng 35 x 35cm, hàng cách hàng 1,2m. Ruộng tỏi vẫn sử dụng hệ thống tưới phun lâu nay, trong khi ở Mộ Đức sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt. “Chúng tôi được xã đưa đi tham quan cách làm của người dân Mộ Đức trong ngày khai trương dự án. Huyện Mộ Đức sẵn sàng hỗ trợ Vạn Hưng sản xuất tỏi voi. Một chuyên gia của dự án thường xuyên liên lạc, hướng dẫn chúng tôi, cả phân bón đặc chủng cũng lấy từ đó”, ông Tiến nói.

Được biết, số lượng tỏi giống hơn 1 tạ đem về từ Quảng Ngãi, xã đã phân cho 3 hộ trồng tỏi có nhiều kinh nghiệm trên địa bàn trồng thí điểm, mỗi hộ 250m2.

Đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp

Tỏi voi (Elephant garlic) có tên khoa học là Allium Ampeloprasum L. Var, có xuất xứ từ Đông Địa Trung Hải, thời gian thu hoạch 5 - 6 tháng (tỏi thường là 4 tháng). Những năm gần đây, tỏi voi (còn gọi là tỏi không mùi) nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng vì có hiệu quả cao về dược liệu so với các cây thuộc họ hành khác.

Lãnh đạo xã Vạn Hưng cho biết, xã là vùng trọng điểm trồng tỏi của huyện Vạn Ninh. Diện tích trồng tỏi lên tới 150ha, tập trung tại các thôn: Xuân Tây, Xuân Đông và Xuân Vinh. Thời gian qua, cùng với thị xã Ninh Hòa, Vạn Ninh đề xuất xây dựng thương hiệu cho cây tỏi Khánh Hòa. Giá tỏi vào mùa thu hoạch bình quân 50.000 - 70.000 đồng/kg, khi hiếm hàng lên tới 100.000 đồng/kg, nhưng cũng có lúc giá rớt chỉ còn hơn chục ngàn đồng/kg.

Ông Trần Thanh Tòng - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết: “Vừa qua, huyện Mộ Đức đã mời đoàn công tác xã Vạn Hưng ra thăm mô hình sản xuất củ quả sạch liên doanh liên kết với Nhật, đồng thời triển khai xuống giống tỏi voi. Nông dân ở huyện Mộ Đức đã nhượng 1,1 tạ giống, trị giá hơn 30 triệu đồng để chúng tôi sản xuất thử. Chúng tôi chọn 3 hộ thí điểm, kết quả bước đầu rất khả quan. Việc lựa chọn cây tỏi voi trồng thí điểm nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thêm thu nhập cho kinh tế hộ”.

Q.Viên

Lạng Sơn: Bảo hộ nhãn hiệu tập thể: Nâng tầm cho nông sản và quả tươi Hữu Lũng

Nguồn tin:  Báo Lạng Sơn

Ngày 23/11/2019, huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) sẽ tổ chức đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Măng Bát độ Hữu Lũng”, “Nem nướng Hữu Lũng” và “Quả tươi Hữu Lũng”. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của huyện.

Người dân xã Cai Kinh gắn tem truy suất nguồn gốc cho quả na

Tại huyện Hữu Lũng, tre Bát độ được trồng chủ yếu ở các xã: Quyết Thắng, Yên Bình, Hòa Bình, Minh Tiến, Minh Hòa, Hòa Thắng, Minh Sơn với diện tích khoảng 200 ha. Ngoài sản phẩm măng tre Bát độ, trên địa bàn huyện còn có một số loại nông sản và hoa quả có giá trị kinh tế cao như: na, xoài, táo đại, nho, thanh long, chuối, mít, cam, quýt, chanh, bưởi… với tổng diện tích gần 4,5 nghìn héc ta (tổng diện tích cây lâu năm toàn huyện có hơn 4,6 nghìn héc ta).

Ông Lương Xuân Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hữu Lũng cho biết: Diện tích lớn nhưng nông sản và hoa quả tươi của Hữu Lũng vẫn chưa có thương hiệu và chưa được bảo hộ. Đặc biệt, khi chưa có thương hiệu thì việc xuất khẩu các loại nông sản và hoa quả tươi gặp nhiều khó khăn, thường bị ép giá.

Xác định rõ nguyên nhân và để nâng giá trị các loại nông sản và hoa quả tươi của địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hữu Lũng đã ban hành Nghị quyết số 36 ngày 7/5/2018 về việc đẩy mạnh chỉ đạo triển khai các mô hình sản xuất mới, sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 – 2020. Ngay sau đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng, xác định vùng trồng một số loại nông sản và hoa quả tươi của huyện để triển khai làm hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Ông Bùi Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Thời gian qua, huyện đã triển khai đồng loạt các quy trình hỗ trợ, tạo lập nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản và quả tươi của huyện. Theo đó, để hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản và quả tươi được trồng trên địa bàn, UBND huyện đã chủ động vận dụng, áp dụng các chính sách hỗ trợ sản xuất, như: ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ phát triển sản xuất; quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các nông phẩm của huyện…

Với cách làm đó, đến thời điểm hiện tại, sản phẩm nem nướng, măng Bát độ và các loại quả tươi đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể gắn với địa danh “Hữu Lũng”. Việc được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm nông sản và các loại quả tươi sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản hàng hóa của huyện phát triển theo hướng bền vững và có điều kiện tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ở cả thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường.

Để tiếp tục khẳng định thương hiệu và nâng tầm các sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, thời gian tới, huyện Hữu Lũng sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản bằng việc chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Có thể thấy rằng, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản gắn với nguồn gốc địa lý tại thời điểm này là hướng đi đúng đắn, qua đó sẽ phát huy được lợi thế đa dạng về điều kiện tự nhiên của huyện, đồng thời hướng tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và có giá trị gia tăng cao theo nhu cầu của thị trường, gắn với quy hoạch vùng sản xuất.

TRÍ DŨNG

Hà Nội có 3.066 trang trại

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020", hiện toàn thành phố Hà Nội đã có 3.066 trang trại, trong đó có 2.126 trang trại chăn nuôi, 484 trang trại nuôi trồng thủy sản, 246 trang trại tổng hợp, 209 trang trại trồng trọt và 1 trang trại lâm nghiệp.

Các trang trại trên đang sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực về lao động, đất đai và vốn. Hiệu quả sản xuất từ các trang trại đã đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn thành phố, góp phần tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo sản phẩm chất lượng cao… Các trang trại sinh thái còn gắn kết với du lịch và tạo lá phổi xanh cho Thủ đô.

MINH PHÚ

Thái Bình: Nuôi ngan phục vụ thị trường

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Bắt nhịp với nhu cầu của thị trường, mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi ngan Pháp giống R71 đã mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Trần Đức Anh ở thôn Vinh Hoa, xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Mô hình của anh đã mở ra hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương.

Anh Đức Anh cho biết, gia đình anh từng đầu tư chăn nuôi lợn nhưng những năm gần đây, giá thức ăn liên tục tăng mà giá lợn hơi bán ra ngoài thị trường thấp. Bên cạnh đó dịch bệnh lại thường xuyên đe dọa, đặc biệt đầu năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lây lan nhanh ở các địa phương khiến chăn nuôi lợn hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thịt ngan trên thị trường ngày càng cao, trong khi đó nguồn cung còn hạn chế nên gia đình anh chuyển sang chăn nuôi giống ngan Pháp R71.

Theo kinh nghiệm của anh, chăn nuôi ngan R71 đòi hỏi khâu vệ sinh chuồng trại, bãi chăn thả sạch sẽ, thoáng mát, đủ ánh sáng và thực hiện đúng quy trình chăn nuôi hàng ngày, cung cấp đủ thức ăn, phòng trừ dịch bệnh tốt thì ngan sinh trưởng rất nhanh. Mật độ nuôi cũng rất quan trọng, nếu không đảm bảo, ngan bị bệnh và phát triển kém. Mật độ nuôi phù hợp như sau: Ngan giai đoạn từ 0 – 4 tuần tuổi là 15 – 20 con/m2 nền chuồng, từ 9 – 12 tuần 5 – 7 con/m2. Đồng thời diện tích sân chơi phải đảm bảo bằng 2 lần diện tích nền chuồng. Ngoài ra, phải chọn cơ sở cung cấp con giống uy tín, chất lượng giống đảm bảo mới thu được hiệu quả cao.

Hiện nay gia đình anh nuôi 500 con ngan Pháp giống R71. Đối với ngan cái anh nuôi khoảng 65 ngày là xuất bán, trọng lượng đạt 2,8 – 3,0 kg/con. Ngan đực anh nuôi 84 ngày xuất bán khi trọng lượng đạt 5,0 – 5,5 kg/con. Với giá bán ngan thương phẩm 50.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi lứa anh thu lãi khoảng 40 – 45 triệu đồng. Một năm anh nuôi 3 lứa (còn lại là thời gian để trống chuồng), gia đình thu lãi khoảng 120 – 130 triệu đồng.

Có được kết quả thành công như vậy là do anh chịu khó học hỏi, tìm tòi theo hướng đi mới và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó anh còn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong và ngoài xã để phát triển đàn ngan thịt thương phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Anh là tấm gương vươn lên làm giàu nhờ chuyển đổi vật nuôi kịp thời, hiệu quả, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Phạm Thị Xuyên - Trung tâm Khuyến nông Thái Bình

Hội nghị áp dụng kỹ thuật chăn nuôi bò thịt khép kín của Nhật Bản

Nguồn tin: Báo Long An

Ngày 22/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An tổ chức hội nghị áp dụng kỹ thuật chăn nuôi khép kín của Nhật Bản để cải thiện chất lượng chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị có đoàn công tác Công ty Ushichan Farm (Nhật Bản); lãnh đạo sở, ngành; Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, huyện; chủ trang trại, hợp tác xã, hộ chăn nuôi bò thịt; chủ cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 11.000 hộ chăn nuôi bò thịt, quy mô chăn nuôi trung bình 6 – 10 con/hộ; có 8 trang trại nuôi bò thịt có quy mô trên 100 con (chiếm 0,008% tổng số hộ chăn nuôi). Tổng đàn bò thịt trên địa bàn tỉnh khoảng 115.161 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 2.362 tấn.

Với vị trí địa lý tiếp giáp biên giới Campuchia, tỉnh Tây Ninh và sát cận thành phố Hồ Chí Minh, cùng với đặc điểm sinh thái phù hợp với chăn nuôi bò nên Long An là vùng có tiềm năng lớn cho mục tiêu phát triển đàn bò thịt và bò sinh sản.

Trong những năm gần đây, khu vực chăn nuôi bò thịt của tỉnh tập trung ở 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ (số bò thịt của 2 huyện chiếm khoảng 61% tổng đàn bò thịt của tỉnh).

Tại hội nghị, đoàn công tác Công ty Ushichan Farm giới thiệu quy trình chăn nuôi khép kín, hệ thống nuôi bò thịt bền vững của Nhật Bản có thể áp dụng tại Việt Nam. Qua đó, đại biểu tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm triển khai ứng dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến để cải thiện chất lượng chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh cho biết, Sở và Công ty Ushichan Farm tổ chức khảo sát thực tế tại các trang trại chăn nuôi bò thịt có quy mô trên 100 con tại các huyện. Qua khảo sát, nhận định hiện trạng ban đầu các trang trại trên địa bàn tỉnh phù hợp với việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ chăn nuôi bò thịt theo công nghệ Nhật Bản; nếu được ứng dụng công nghệ sẽ góp phần tăng về chất lượng, lợi nhuận và giảm tỷ lệ bò nhập khẩu./.

Thanh Nhã

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop