Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 2 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 2 năm 2019

Vì sao nhà vườn ở Tiền Giang chưa tha thiết trồng vú sữa xuất sang Mỹ?

Nguồn tin: VOV

Hơn 100ha cây vú sữa ở Tiền Giang đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc sang Mỹ, nhưng nhà vườn lại không mặn mà với thị trường này.

Trước đây, tỉnh Tiền Giang có hơn 100ha cây vú sữa của trên 270 nhà vườn ở các huyện Châu Thành, Cai Lậy và Thị xã Cai Lậy được cấp mã Code vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Để có được trái vú sữa đạt chuẩn xuất sang Hoa Kỳ, nhà vườn mất nhiều chi phí và công lao động nhưng giá cả đầu ra chưa cao.

Đến đầu năm nay, địa phương này đưa khoảng 400 tấn vú sữa xuất cảng sang Mỹ. Đây là năm thứ hai, vú sữa Việt Nam vào được thị trường khó tính này. Tuy nhiên, các nhà vườn trồng cây vú sữa xuất sang Hoa Kỳ thì kỹ thuật đòi hỏi rất khắt khe, phải thực hiện đúng quy trình từ bón phân, phun thuốc và phải bao trái. Trong khi đó, giá cả đầu ra trái vú sữa do doanh nghiệp quyết định và mua vào ở mức không cao.

Tại xã Mỹ Long, Thị xã Cai Lậy, doanh nghiệp thu mua trái vú sữa đưa đi xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ ớ mức 35.000 đồng/kg, cao hơn tiêu thụ nội địa chưa đến 10.000 đồng/kg. Đồng thời, để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ chọn khoảng 50% số lượng trái đã thu hoạch, số còn lại nhà vườn phải bán tiêu thụ tại chỗ với giá thấp.

Trồng cây vú sữa xuất sang Hoa Kỳ phải chăm sóc chua đáo, phải bao trái từ nhỏ

Ông Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Long, Thị xã Cai Lậy cho biết, hiện nay, nhà vườn địa phương không tha thiết với dự án trồng cây vú sữa xuất sang Hoa Kỳ nên chặt bỏ để trồng các loại cây ăn trái khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn xã hiện chỉ còn khoảng 30ha cây vú sữa.

"Cây vú sữa trên địa bàn xã năm nay với năm rồi, giá cả bấp bênh. Giá xuất sang Mỹ mua cao hơn giá thị trường chỉ từ 5.000-7.000 đồng và lựa rất kỹ. Thứ hai nữa là đòi hỏi phải bao trái, người dân tốn công nhiều quá nên không mặn mà nữa. Khi thu hoạch nếu bao trái rất khó để hái. Hiện tại, trên địa bàn xã cây sầu riêng phát triển rất nhiều, giá cả cũng ngon hơn nên người dân đổ xô trồng các loại cây ăn trái khác không mặn mà với cây vú sữa nữa", ông Trung cho hay./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Vĩnh Long: Tập trung nâng cao chất lượng, đầu ra cho cây có múi

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

Cam sành được mở rộng trên đất ruộng.

Cây có múi (bưởi, cam) là một trong những nông sản chủ lực, có thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long, phát triển rất nhanh về diện tích, năng suất, sản lượng trong những năm gần đây.

Để đảm bảo chất lượng và đầu ra sản phẩm loại cây trồng này, thời gian qua, ngành nông nghiệp- PTNT và chính quyền các địa phương trong tỉnh có tiến hành quy hoạch lại vùng trồng; tập trung xây dựng vùng sản xuất chuyên canh theo hướng an toàn, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP để tạo sản phẩm có chất lượng; chú trọng thực hiện các dự án về xây dựng thương hiệu, hỗ trợ liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để khắc phục những khó khăn hiện tại; đồng thời xây dựng thương hiệu cho cây bưởi, cây cam sành và đa dạng hóa hình thức tiêu thụ sản phẩm (đặc biệt là cam sành) thông qua đầu tư nghiên cứu chế biến để tạo nhiều loại sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, trong năm 2018, sở đã triển khai “mô hình kiểu mẫu bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP” trên 10ha tại huyện Vũng Liêm; xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn cho cây cam sành và bưởi Năm Roi tại huyện Tam Bình và TX Bình Minh (mỗi huyện 10ha); hỗ trợ trồng mới 90ha bưởi Năm Roi, 100ha bưởi da xanh; chuyển giao kỹ thuật, chứng nhận VietGAP 86ha bưởi da xanh, chứng nhận GlobalGAP 20ha bưởi Năm Roi; hỗ trợ xây dựng, chuyển giao phần mềm truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam sành, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại cho HTX cam sành Khánh Nhân (Tam Bình) và xây dựng logo, nhãn hiệu, hệ thống mã vạch nhận diện sản phẩm cây có múi; đồng thời tổ chức liên kết cung- cầu giữa nông dân và doanh nghiệp về tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị cây có múi.

Đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 19.765ha cây có múi (tăng 140ha so với năm 2017), trong đó có 177ha có chứng nhận VietGAP; sản lượng thu hoạch đạt 207.614 tấn (tăng 8.062 tấn hay 4,04% so cùng kỳ).

Tin, ảnh: MỸ TRUNG

Chanh ngón tay - một giống mới, lạ đang phát triển tại Việt Nam

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Gần đây, một số nông dân ở ĐBSCL đã nhân giống trồng một giống chanh mới, lạ, độc đáo, gọi là chanh ngón tay (tiếng Anh gọi là finger lime), tên khoa học Microcitrus Australasica, thuộc họ cam chanh.

Giống chanh này có nguồn gốc từ Úc. Cây sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt. Cây có thể trồng trong chậu hoặc ngoài tự nhiên. Sau 12 tháng chăm sóc cây sẽ cho trái, từ 5 năm trở đi mỗi cây có thể cho 20kg trái/năm.

Trái chanh ngón tay

Đặc điểm của chanh ngón tay là trái có quanh năm. Trái nhỏ, thon dài từ 8 – 12cm giống như ngón tay. Khi xẻ ra, trong ruột mọng nước với đủ các màu xanh, vàng, đỏ, hồng, tím. Chanh có vị chua ngọt và mùi thơm rất đặc biệt.

Kỹ sư Đào Duy Anh, chủ cơ sở cây giống Gia Thịnh ở ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, chanh ngón tay được trồng bằng 2 cách: chiết, ghép hoặc gieo hạt. Cây chiết, ghép sẽ mau cho trái hơn, chỉ sau 1 năm là ra hoa. Còn cây trồng bằng hạt phải mất 4 – 5 năm. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, ông Duy Anh cho biết cây chanh ngón tay rất thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu Việt Nam. Hiện cơ sở ông đang sở hữu 3.000 cây giống trên vùng đất Chợ Lách, trong đó có đến vài trăm cây trồng trong chậu và đang cho trái, phát triển rất tốt.

Chanh ngón tay – trái chín

Với tinh thần cần cù và sáng tạo, ông đã cho ra mắt một loại sản phẩm độc, lạ, ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Dù trồng trong chậu hay ngoài đất ông cũng đều đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Để người mua an tâm, ông đã áp dụng các biện pháp xử lý đất bằng vi sinh, sử dụng các chế phẩm sinh học và phân hữu cơ, không dùng hóa chất nên cây đặt ở vị trí quanh nhà rất an toàn.

Ông Đào Duy Anh giới thiệu cây chanh ngón tay đang cho trái

Tuy cơ sở mới thành lập còn nhiều bộn bề nhưng mỗi tháng ông đã bán ra trên 100 cây giống, giá mỗi cây 350.000 đồng. Đặc biệt cây lớn đang cho trái có giá từ 1 triệu đến vài triệu đồng/chậu. Ngoài ra cơ sở cây giống Gia Thịnh còn trực tiếp nhập khẩu, sản xuất và phân phối cây giống tại Việt Nam với số lượng lớn.

Hiện nay, Úc là quốc gia cung cấp chanh ngón tay nhiều nhất sang các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp Ý… với giá trên 3,5 triệu đồng/kg trái. Vì vậy một số nước ở châu Á như Thái Lan, Việt Nam… đang phát triển loại chanh quý hiếm này để hướng tới cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

Về giá trị dinh dưỡng, theo tài liệu hướng dẫn của cơ sở cây giống Gia Thịnh thì hàm lượng Vitamin C cao gấp 3 lần so với cam chanh khác. Ngoài ra, chanh ngón tay còn giúp phòng chống ung thư, hạn chế máu cao, cao huyết áp, sỏi thận. Loại chanh này dùng làm gia vị và ăn kèm với hải sản, thịt và các món tráng miệng rất hấp dẫn.

THÀNH HIỆP

Công nhận sản xuất thử giống nho ăn tươi NH01-152

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Ngày 19-1, Hội đồng Khoa học chuyên ngành Trồng trọt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp và xét công nhận sản xuất thử đối với giống nho ăn tươi NH01-152.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng khoa học đánh giá cao kết quả của quá trình tuyển chọn, khảo nghiệm và hoàn thiện hồ sơ báo cáo của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố thực hiện. Các chuyên gia đã phân tích và chỉ rõ tính ưu việt của giống nho ăn tươi NH01-152. Cụ thể, giống nho ăn tươi có thời gian sinh trưởng phù hợp với canh tác 2 vụ tại Ninh Thuận, có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt và mẫu mã chùm quả nho phù hơp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Giống nho ăn tươi NH01-152. Ảnh: Văn Nỷ

Phan Công Kiên

Chỉ dẫn địa lý đưa dừa xiêm xanh, bưởi da xanh vươn xa

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Năm 2018, hai nông sản chủ lực dừa xiêm xanh và bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Sự kiện này một lần nữa khẳng định vị trí “số 1” của dừa xiêm xanh và bưởi da xanh có nguồn gốc xuất xứ Bến Tre. Điều này đã đánh dấu, tạo nên điểm khởi đầu mới cho vùng đất cù lao trên cuộc hành trình dài sắp tới, với kỳ vọng tạo đột phá mới cho kinh tế nông nghiệp.

Dây chuyền đóng gói bảo quản bưởi da xanh tại Công ty TNHH MTV sản xuất nông sản Hương Miền Tây. Ảnh: C. Trúc

“Giữ hồn” sản vật

Chứng nhận CDĐL dừa xiêm xanh và bưởi da xanh của tỉnh là sự ghi nhận chính thức, thể hiện lòng biết ơn, niềm tự hào của quê hương đối với các thế hệ cha ông qua nhiều thời kỳ đã không ngừng tìm kiếm, lai tạo, gìn giữ, lưu truyền và phát triển đến hôm nay. Những người nông dân trên mảnh đất cù lao đã không quản một nắng hai sương, ngày đêm cần cù lao động trên từng mảnh vườn để chăm sóc, nhân giống tạo ra những sản phẩm nổi tiếng hiện nay trên thị trường trong nước và quốc tế. Địa lý Bến Tre với những đặc thù riêng, được thiên nhiên ban tặng những lợi thế, góp phần hình thành nên những đặc sản có danh tiếng. Tất cả đã quyện hòa làm nên những giá trị cốt lõi của đất và người quê hương Đồng Khởi.

Giám đốc Tập đoàn Vina T&T Nguyễn Đình Tùng đã trải nghiệm qua nhiều loại nước dừa tươi ở nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan. Bén duyên với người con gái xứ Dừa, được thưởng thức trái dừa xiêm xanh ngọt lịm nguyên chất bản địa, anh bất ngờ nhận ra trái dừa Bến Tre có vị ngọt thanh rất riêng, rất đậm đà, hoàn toàn đặc biệt hơn so với nước dừa mà anh từng thưởng thức ở các nước bạn. Điều này khiến anh quyết định khởi công đầu tư nhà xưởng vào tháng 11-2018, với thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm tập trung vào phát triển, “chắp cánh” cho trái dừa xiêm xanh nơi đây.

“Khi quyết định đưa container dừa đầu tiên “bay” sang Hoa Kỳ, Tập đoàn Vina T&T đã định hướng là trái dừa xiêm của vùng đất Bến Tre chứ không phải là trái dừa của Vina T&T hay là trái dừa nào khác. Hiện nay, khách hàng ở Hoa Kỳ đã biết đến trái dừa Bến Tre. Nhiều người ở Hoa Kỳ đã định vị khi ra chợ là phải mua trái dừa Bến Tre về uống”, Giám đốc Tập đoàn Vina T&T Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.

Chứng nhận CDĐL Bến Tre là sự trả về với giá trị đúng của dừa xiêm xanh, bưởi da xanh trên thị trường hiện nay - nơi mà người tiêu dùng trong và ngoài nước vẫn có thể nhầm lẫn. Với những giá trị được người tiêu dùng tôn vinh và Nhà nước công nhận, hai sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh và bưởi da xanh được xem là sản vật độc đáo và vô giá của tỉnh.

Bơi ra biển lớn

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo là người đã trăn trở, đôn đốc, thậm chí cùng đi với lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ trên con đường xây dựng CDĐL Bến Tre cho dừa xiêm xanh, bưởi da xanh. Sau khi hai nông sản này được cấp chứng nhận, ông chỉ đạo các cấp, các ngành phải đẩy mạnh quảng bá sản phẩm. Việc phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm không còn đơn thuần là câu chuyện kinh tế mà còn là vấn đề của việc trân quý, gìn giữ, phát triển hồn thiêng của sản vật nói riêng và hình ảnh quê hương Đồng Khởi nói chung.

Năm 2018, định hướng của Tỉnh ủy là thực chất hóa các tổ chức kinh tế hợp tác đã có và phát triển nhiều hơn nữa, nhất là ở những vùng đã được quy định trong CDĐL. Thường trực Tỉnh ủy cũng đã quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành tập trung thực hiện tốt các chính sách phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mới của Trung ương và địa phương. Trong đó, thực hiện chương trình xây dựng, củng cố phát triển 15 HTX điểm của tỉnh.

Mô hình 15 HTX điểm lĩnh vực nông nghiệp, chủ lực là các sản phẩm dừa và bưởi đã đánh dấu bước đột phá của tỉnh trong phát triển kinh tế hợp tác theo Luật HTX năm 2012. Nhiều HTX quy mô nhỏ đã được củng cố với số lượng thành viên tăng lên đến hàng trăm người và vốn góp từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/HTX. Điển hình như HTX nông nghiệp xã Phú Túc, huyện Châu Thành góp vốn gần 500 triệu đồng; HTX nông nghiệp Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam có vốn góp hơn 1 tỷ đồng.

Sự kiện tái ký kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ bưởi da xanh giữa nông dân (10 tổ hợp tác, 1 HTX) và doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV xuất khẩu nông sản Hương Miền Tây) đã minh chứng cho sự trưởng thành, phát triển của mô hình kinh tế hợp tác. Ông Đàm Văn Hưng - Giám đốc công ty kỳ vọng, với hướng đi này, cùng với CDĐL Bến Tre, bưởi da xanh sẽ vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.

Ông Bùi Dương Thuật - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành là một trong những người đã có công lớn trong việc đưa trái dừa xiêm xanh của Bến Tre xuất khẩu khá nhiều nước trên thế giới, trong đó có thị trường Mỹ. Năm 2019, ông sẽ chú trọng thị trường trong nước. Ông chia sẻ: “Công ty đang chú trọng và phát triển thị trường trong nước, dự kiến tăng quy mô thị trường trên 50%. Khi đó, công ty sẽ sử dụng CDĐL, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng”.

Để đảm bảo hiệu quả của tem chứng nhận CDĐL, ông Bùi Dương Thuật cho rằng, đơn vị chủ quản tem nhãn phải kiểm soát thật chặt chẽ, tránh mang CDĐL đó nhưng sản phẩm không đạt chất lượng. Người nông dân phải chú ý đến giá trị trái dừa, trái bưởi. Phải gìn giữ, bảo vệ sản phẩm Bến Tre trước làn sóng cạnh tranh và hội nhập.

CDĐL đang tôn thêm giá trị, góp phần ổn định đầu ra sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Việc tôn tạo, vun đắp giá trị của tài sản này được ví như “giữ hồn” cho sản vật riêng của một địa phương.Vấn đề của người dân và doanh nghiệp là không chỉ trồng hay kinh doanh mà quan trọng hơn nữa là giữ gìn danh tiế́ng của sản vật. Chính giá trị vô hình này sẽ giúp tăng thêm vượt trội cho giá trị hữu hình.

Trong chuyến về Bến Tre dự lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất dừa tươi tại huyện Châu Thành cuối năm 2018, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nói: "Việc Bến Tre mời gọi nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào đầu tư chế biến sâu tại tỉnh là thể hiện đúng chủ trương tái cơ cấu của ngành nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đồng hành với chính quyền địa phương, với doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất dừa tươi nói riêng và các sản phẩm chứng nhận CDĐL nói chung cần phát triển nguồn nguyên liệu. Tỉnh nên tham mưu xây dựng những đề án lớn có quy mô cấp Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ cho tỉnh và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long".

Cẩm Trúc

Bỏ việc IT về ‘số hóa’ nghề nông

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh

Sinh năm 1986 nhưng trông Nguyễn Quốc Vượng (thôn Hoài Trung, xã Liên Bão, Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) chững chạc hơn so với tuổi. Vượng cười bảo: “Ngày trước cũng quần áo bảnh bao, thư sinh lắm, dù gì mình cũng từng 2 lần làm Giám đốc công ty phần mềm rồi. Nhưng từ ngày về làm bạn với ruộng đồng, gương mặt mình phong sương đi nhiều đấy”.

Hệ thống điều khiển tưới nước nhỏ giọt tại khu vực nhà màng trồng dưa lưới của anh Nguyễn Quốc Vượng.

Chàng trai từng là cử nhân công nghệ thông tin của trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có thâm niên 10 năm khởi nghiệp tại thủ đô Hà Nội. Chỉ sau 1 năm duy nhất đi làm thuê cho doanh nghiệp, anh Vượng quyết tâm theo đuổi giấc mơ làm chủ cơ ngơi của riêng mình. Trong 7 năm tiếp theo, anh đã 2 lần thành lập công ty lập trình, chuyên viết phần mềm công nghệ thông tin theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, do thiếu nhiều thứ từ vốn, kỹ năng, quan hệ... nên cả 2 công ty đều yếu dần rồi sụp đổ cuốn theo bao tích lũy của cả gia đình. “Thực sự trong những lúc lao đao ấy, mình chưa bao giờ nản chí mà chỉ coi đó là những thử thách cần có để rèn luyện bản thân trưởng thành hơn. Bởi con đường khởi nghiệp không phải bao giờ cũng thuận lợi, bằng phẳng, mỗi người phải học cách đứng lên từ vấp ngã”, Vượng chia sẻ.

Trở về quê với 2 bàn tay trắng, Vượng được người quen giới thiệu làm nông nghiệp. Vốn sinh ra trong gia đình thuần nông, cảm nhận được những gian truân trong việc đồng áng từ nhỏ nên điều đó đã thôi thúc anh quay lại canh tác, nhưng không phải bằng thủ công truyền thống mà bằng tư duy mới: Áp dụng công nghệ số vào nông nghiệp. Biết ý định đó, gia đình hết sức lo lắng nhưng anh thì tràn đầy niềm tin đây là lối rẽ hấp dẫn và tiềm năng. Anh cho rằng, công nghệ thông tin chính là nền tảng của mọi doanh nghiệp, vì muốn sản xuất và quản lý hiện đại, người ta phải tư duy “số hóa”, ngay cả với lĩnh vực vốn tưởng chỉ dành cho lao động tay chân như nông nghiệp.

Anh bắt đầu lên mạng tìm hiểu về các sản phẩm, xu thế sản xuất nông nghiệp trong nước, thế giới và thích thú với 2 loại cây trồng mới cho giá trị cao, thị trường rộng mở: Măng tây xanh và dưa lưới. Mỗi ý tưởng hình thành sáng rõ hơn lại thôi thúc anh dấn thân mạnh mẽ vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ này.

Sau thời gian dài đàm phán, anh thuê được 5.000m2 đất tại thôn Hoài Trung, xã Liên Bão và tiến hành cải tạo đất; huy động hơn 1 tỷ đồng xây dựng 1.200m2 nhà màng hiện đại và mời 3 kỹ sư nông nghiệp về làm việc, phụ trách các vấn đề về kỹ thuật. Nghĩ là làm, anh xây dựng và đặt hàng đơn vị viết phần mềm tích hợp hệ thống, lắp đặt các cảm biến tại khu nhà màng để có thể điều khiển từ xa theo nhu cầu của cây về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm. Anh cũng tiến hành thu thập dữ liệu thời tiết và điều kiện khí hậu tại trang trại của mình để có lượng thông tin cần thiết sử dụng trong tương lai.

Trong khu nhà màng, anh chia thành các phân khu nhỏ để trồng dưa lưới gối vụ. Khởi đầu tưởng chừng suôn sẻ, tuy nhiên chỉ sau vài tháng, anh đón nhận thất bại đầu tiên. Vụ ấy, hơn 50% số dưa lưới bị chết, những cây còn lại ra quả nhưng không đạt yêu cầu chất lượng. Không nản chí, đến lứa thứ 2 anh thay đổi quy trình, vừa làm vừa thử nghiệm cho phù hợp với điều kiện đồng đất và khí hậu địa phương. Tới nay, mỗi lứa dưa cho thu hoạch hơn 1 tấn/vụ/400m2 nhà màng. Tỷ lệ quả loại 1 để bán ra thị trường lên tới 80%. Phần còn đất còn lại anh để trồng măng tây xanh, đến nay đang vào thời kỳ chăm sóc tích cực chuẩn bị cho thu hoạch.

Ban đầu chỉ là những bạn bè thân quen đến tận nơi để tham quan và mua về dùng cho gia đình, đến nay sản phẩm đã có mặt ở rất nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị ở Hà Nội, Bắc Ninh. Với giá thành bình dân chỉ khoảng 60.000 đồng/kg dưa lưới, mô hình của anh Vượng đã phần nào đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người dân. Anh cũng thành lập Công ty TNHH nông nghiệp Tâm Điền, tạo việc làm cho 10 lao động, tiến tới việc tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả hơn.

Nhìn lại hành trình khởi nghiệp của mình, anh Vượng cho rằng, khởi nghiệp không dành cho những người có ý tưởng dạo chơi, mà cần phải có sự chuẩn bị, tích lũy kiến thức, vốn, mối quan hệ... Các bạn trẻ đừng nhìn bề ngoài hào nhoáng của những doanh nhân thành đạt để liều lĩnh khởi nghiệp theo phong trào. Bởi ý tưởng chỉ là hạt giống, ý chí mới chính là môi trường nuôi dưỡng hạt giống sinh trưởng mạnh mẽ. Và theo anh, cái mất tiền là cái mất rẻ nhất, thứ quý giá hơn là ý chí, bản lĩnh của mình. Vì vậy, nếu thất bại, đừng nản chí, hãy tiếp tục đứng lên và theo đuổi đến cùng, để đi tới thành công.

Huyền Thương - Việt Anh

Sáng tạo trong làm vườn

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Học hỏi kinh nghiệm từ chú ruột trồng 10 ha sầu riêng Thái xen măng cụt đạt 3 tỷ đồng/năm tại tỉnh Đồng Nai, anh Mai Quốc Trí (27 tuổi, ngụ ấp Suối Da, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) áp dụng vào diện tích đất canh tác của mình. Vốn đam mê làm vườn, chịu khó nên vườn sầu riêng Thái xen măng cụt của gia đình anh trồng gần 10 năm luôn phát triển tốt, cho thu hoạch 4 năm nay.

Anh Mai Quốc Trí chăm sóc vườn sầu riêng Thái xen măng cụt của gia đình

Thông thường cây sầu riêng Thái mua giống ở ngoài thị trường 4-5 năm tuổi là ra trái. Nhưng 3 ha sầu riêng Thái của anh 6 năm mới ra trái là do anh tự ghép cây giống. Kỹ thuật ghép bằng cách lấy mắt của cây sầu riêng Thái ghép với cây sầu riêng thường. “Cây sầu riêng Thái mình tự ghép thu chậm hơn nhưng bù lại cây mạnh và bền. Không phải bỏ tiền mua cây giống, có thời điểm 1 cây giống sầu riêng Thái giá 100 ngàn đồng” - anh Trí cho biết.

Cây sầu riêng cành không phủ kín nên măng cụt trồng xen trong vườn vẫn hấp thụ tốt ánh sáng tự nhiên. Tại vườn nhà, anh trồng 4 cây sầu riêng trên 8m2, cây măng cụt trồng chính giữa. Mùa thu hoạch vừa qua, vườn sầu riêng đạt 13 tấn, giá bán tại vườn 40 ngàn đồng/kg, trái lớn nhất nặng 12kg, bình quân 4,5kg/trái. Như vậy, 3 ha sầu riêng cho thu nhập 520 triệu đồng. Còn cây măng cụt trồng được 4 năm, vụ tới mới cho trái.

Người tiêu dùng ưa thích sầu riêng Thái vì ưu điểm múi to, nhiều múi, thịt trái màu vàng đậm, ngon và hạt lép. Sầu riêng Thái từ lúc nở hoa đến khi thu hoạch là 4 tháng. Bón phân 1 năm 3 đợt, đợt đầu cây chuẩn bị ra hoa, đợt 2 nuôi trái và đợt cuối sau thu hoạch. Ngoài ra còn bón thêm các loại phân nuôi trái và chủ động phòng trừ nấm, sâu bệnh gây hại để cây phát triển tốt.

Với cách làm vườn cho hiệu quả kinh tế ổn định, anh Mai Quốc Trí trở thành gương sáng trong phong trào tuổi trẻ làm kinh tế giỏi của xã Tân Hưng.

Duy Hiến

Thanh long tăng giá mạnh sau Tết

Nguồn tin: VnExpress

Mỗi kg thanh long tại vườn tuần qua tăng 1.000 - 3.000 đồng.

Nếu như năm ngoái, sau rằm tháng Giêng giá thanh long hạ nhiệt thì năm nay lại tăng mạnh. Tại Bình Thuận, giá thanh long một tháng qua dao động ở mức 16.000 - 18.000 đồng một kg, và tăng thêm 1.000 - 3.000 đồng trong tuần qua.

Anh Tuấn, chủ vườn thanh long ở Bình Thuận cho biết, thanh long năm nay được mùa, trái đều đẹp nên được thương lái thu mua sớm. Nếu năm ngoái thời điểm này giá thanh long chỉ khoảng 7.000 - 12.000 đồng một kg (tùy loại) thì năm nay giá tốt, người trồng có lãi khá cao.

"Nhờ giá tăng nên một ha thanh long nhà tôi thu lãi được 180 triệu đồng. Năm nay trái thanh long bóng, to và tròn đều đảm bảo cho thị trường xuất khẩu", anh Tuấn nói.

Không chỉ thanh long ruột trắng ở Bình Thuận được giá, tại Tiền Giang, giá hàng ruột đỏ cũng tăng cao. Ông Hoàng, canh tác thanh long ở Chợ Gạo cho biết, giá thanh long ruột đỏ được thương lái thu mua 35.000 - 38.000 đồng một kg, tăng gần gấp đôi thời điểm trước Tết và tăng 5.000 đồng so với hai tuần qua. Năm nay, năng suất của vườn nhà ông đạt 25 tấn. Sau khi trừ chi phí, ông lãi gần nửa tỷ đồng.

Theo ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Chợ Gạo, nguyên nhân khiến giá thanh long ruột đỏ sau Tết tăng cao là do thương lái thu gom mạnh trong khi đó nguồn cung không nhiều. Mặt khác, năm nay chất lượng sản phẩm đồng đều nên thị trường xuất khẩu chuộng.

Chợ Gạo, địa phương hiện có gần 3.900 ha thanh long ruột đỏ, lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Còn tỉnh Bình Thuận, đến nay vẫn dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng trái thanh long với gần 30.000 ha, cung ứng trên 500.000 tấn một năm.

Hồng Châu

Ninh Thuận: Chuyện khắc phục thiệt hại của những người trồng nho, táo

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Những cơn mưa lớn cuối tháng 12 năm ngoái, đầu tháng 1 năm nay đã làm cho nông dân tỉnh ta mất trắng nhiều diện tích trồng nho, táo. Năm hết, tết đến mà nói chuyện thất bát mùa màng có vẻ không đúng lúc. Tuy nhiên, thiên tai là chuyện không thể lường trước được, vấn đề là người dân khắc phục ra sao để tự tin bước vào năm mới với quyết tâm đầu tư tái sản xuất đạt hiệu quả.

Tại huyện Ninh Phước, chúng tôi đã đến các xã Phước Thuận, Phước Hậu tìm hiểu. Anh Bùi Đăng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: “Xã có khoảng 192 ha nho và khoảng 86 ha táo, trong những trận mưa lớn đã làm 35-40% diện tích táo đang thu hoạch dở ở các thôn Thuận Lợi, Thuận Hòa, Hiệp Hòa bị hư hỏng một phần; lúc ấy đa số táo đã thu hoạch xong nên thiệt hại không đáng kể, chỉ có nho là bị nặng nề nhất, chắc chắn bà con sẽ không có nho bán đợt tết này”. Nho được trồng nhiều ở các thôn Phước Khánh, Thuận Hòa, Hiệp Hòa, Phước Lợi, đang trong thời điểm đậu trái bóng mượt, gặp mưa nhiều nên hầu như các trà nho chuẩn bị bán tết có trên 90% bị hư, trong đó có 2 giàn nho, diện tích khoảng 4.000 m2 ở thôn Phước Khánh bị sập.

Bên cạnh thiệt hại do mưa kéo dài gây ra, nông dân thôn Thành Sơn (Xuân Hải) tích cực đầu tư chăm sóc 20% diện tích nho còn lại. (Trong ảnh: giàn nho của ông Đặng Văn Tiễn đã cho trái sắp thu hoạch)

Còn ở Phước Hậu thì thiệt hại nặng nề nhất là táo, cả xã chỉ có 4 ha nho nhưng có tới 124 ha táo, tập trung trồng nhiều nhất tại thôn Trường Sanh. Theo anh Nguyễn Như Hùng Triết, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, mưa dài ngày đã làm 1,1 ha táo trồng đang cho trái chín bị chết và gây ngập úng toàn bộ diện tích táo, nho còn lại. Đối với táo ngập, dù cây còn sống nhưng hầu hết xuất hiện dấu hiệu không đậu trái hoặc có trái thì đều hư. Anh Hùng Triết nói: Nhà tôi cũng trồng 3 sào táo nên cũng chịu tình trạng chung, táo trái đều bị thâm bã trầu, nhăn da và khô héo dần nên phải chuyển làm thức ăn cho dê, cừu. Nhiều người trồng táo chặt bỏ, nhổ gốc để trồng lại, dù có khó khăn nhưng bà con vẫn cố gắng khắc phục, vui tết nhưng không quên việc đồng áng.

Đến xã Xuân Hải (Ninh Hải), càng thấy rõ tình trạng nông dân mất trắng vụ nho do mưa lớn kéo dài trong khoảng thời gian nói trên. Nho trồng ở đây chủ yếu là nho xanh NH 0148, với diện tích trên 120 ha, trong đó có khoảng 100 ha nho trồng tập trung tại thôn Thành Sơn. Tất cả đều là nho đang thu hoạch, phần trồng mới chỉ có khoảng 4-5 ha. Nho Thành Sơn mỗi năm làm 2 vụ hè-thu và đông- xuân (chính vụ), vụ hè-thu vừa rồi năng suất bình quân đạt 2 tấn/sào, được mùa nhưng mất giá, chỉ còn 20-25 ngàn đồng/kg nên người trồng nho đã lao đao. Vào vụ chính đông-xuân, đang đặt kỳ vọng chăm sóc kịp thu hoạch bán tết thì những cơn mưa không đúng lúc gây thiệt hại - anh Lê Văn Bình, Trưởng thôn Thành Sơn chia sẻ. Theo tổng hợp của Ban Quản lý thôn, do mưa nông dân không thể xịt thuốc được nên có khoảng 24-25 ha nho đang trổ bông hoặc “xổ” trái đều rơi rụng hết. Tính chung trong tổng diện tích nho toàn thôn, có 50% bị hư rễ, thối gốc phải nhổ bỏ trồng lại từ đầu; tức là coi như mất trắng. Một trong những người trồng nho trong thôn bị thiệt hại nhiều là ông Bùi Thanh Dương than thở: Tôi có 6 sào nho xanh trồng đã lâu năm, đang giai đoạn sinh trưởng tốt, nay có khả năng phải chặt bỏ gốc toàn bộ.

Từ những gì quan sát được ở các xã Phước Thuận, Phước Hậu và Xuân Hải, chúng tôi hình dung được những tổn thất mà người trồng nho, táo gánh phải. Tuy nhiên, với tính cần cù và tinh thần vượt khó, những nông dân bị thiệt hại mùa màng đang từng bước khắc phục. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Các vườn nho, táo bị mưa bão gây thiệt hại vừa qua không nằm trong diện hỗ trợ của Nhà nước, toàn bộ đều được nông dân tự khắc phục”. Tương tự ở thôn Thành Sơn, trừ số diện tích nho hư gốc, còn lại nông dân đang tích cực đầu tư chăm sóc, có giàn nho có trái đang sắp thu hoạch, như 1 sào nho của ông Đặng Văn Tiễn. Anh Lê Văn Bình tâm sự: “Mưa gió gây thiệt hại cho nho vẫn thường xảy ra, bà con thôn Thành Sơn cũng đã xác định rõ nên nhân đây phá các cây nho lão để tái đầu tư trồng mới.

Theo anh Võ Thành Lâm, Chủ tịch Hội Nông xã Xuân Hải, từ thiệt hại mùa màng do mưa lớn gây ngập úng, nông dân Xuân Hải, cụ thể là thôn Thành Sơn đã chủ động chuyển đổi nho trồng lên vùng đất gò, cao. Cũng như Xuân Hải, ở các xã Phước Thuận, Phước Hậu và một số địa phương khác, qua sự thiệt hại từ mưa bão, người trồng nho, táo đã tích lũy thêm kinh nghiệm để ứng phó. Nhìn chung, dù đang trong thời điểm đón mừng xuân mới, điều đáng biểu dương là bà con vẫn chủ động, tự lực khắc phục hậu quả mà không đòi hỏi sự trợ giúp của Nhà nước.

Bạch Thương

Khẩn trương triển khai chuỗi giá trị lúa gạo Japonica

Nguồn tin: Báo An Giang

Bằng nỗ lực hợp tác giữa UBND tỉnh An Giang và Tập đoàn SunRice (Úc), trước mắt, tỉnh sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu lúa Japonica tại 5 huyện (Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Thoại Sơn và Châu Phú). Đây là cơ sở xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo Japonica bền vững từ nghiên cứu sản xuất giống, sản xuất lúa gạo hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, chế biến, tiêu thụ và tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm lúa gạo…

Tích cực triển khai hợp tác

Ngày 12-9-2018, UBND tỉnh An Giang và Công ty TNHH Ricegowers Singapore PTE (gọi tắt là Công ty SunRice, thành viên Tập đoàn SunRice) đã ký thỏa thuận hợp tác về xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo Japonica bền vững. Hai bên sẽ hợp tác từ khâu liên kết sản xuất, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, thực hiện quy trình sản xuất lúa gạo hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế (GAP, SRP, hữu cơ…) cho đến tiêu thụ lúa cho nông dân, tồn trữ, chế biến sản phẩm lúa gạo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhằm cụ thể hóa các nội dung hợp tác, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, phân công rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương. Theo đó, ngay trong quý I-2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp Công ty SunRice, các sở, ngành, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh và các địa phương liên quan thành lập Tổ điều phối chương trình hợp tác giữa An Giang và Công ty SunRice; thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu lúa Japonica 10.000ha trên địa bàn tỉnh trong quý II-2019. Năm nay, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp rà soát và giới thiệu cho Công ty SunRice vị trí tiềm năng để xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo.

An Giang có kinh nghiệm xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao

Bắt đầu từ vụ hè thu 2019, UBND các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Thoại Sơn và Châu Phú sẽ chủ trì, phối hợp Công ty SunRice, Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh và các sở, ngành liên quan có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lúa Japonica và tổ chức triển khai ở từng địa phương. Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương hỗ trợ Công ty SunRice các thủ tục đăng ký dự án đầu tư... Tháng 12 hàng năm, các bên liên quan sẽ tổ chức sơ kết các nội dung hợp tác giữa UBND tỉnh và Công ty SunRice.

Liên kết thông qua hợp tác xã

Cùng với lập quy hoạch sản xuất lúa Japonica và triển khai xây dựng vùng nguyên liệu cho Công ty SunRice thông qua sự thống nhất giữa các bên, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai lồng ghép những chương trình, dự án để hỗ trợ các hoạt động khuyến nông phục vụ vùng nguyên liệu lúa Japonica của Công ty SunRice. Trong khi đó, Hội Nông dân tỉnh có nhiệm vụ vận động nông dân, các tổ chức nông dân như: tổ hợp tác, HTX nông nghiệp tích cực tham gia phát triển vùng nguyên liệu lúa Japonica trên hợp đồng hợp tác, đôi bên cùng có lợi. Đối với Liên minh HTX tỉnh, sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới có sự tham gia của Công ty SunRice hoặc đối tác của công ty theo yêu cầu để định hướng phát triển vùng nguyên liệu cho công ty. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về quản trị điều hành, lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh, tư vấn giám sát nội dung hợp đồng, quản lý hợp đồng sau khi ký kết cho các HTX trong vùng nguyên liệu của Công ty SunRice.

Đối với UBND các huyện tham gia vùng nguyên liệu (Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Thoại Sơn và Châu Phú), bên cạnh phối hợp xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu lúa Japonica tại từng địa phương, còn phải chủ động triển khai, tổ chức các hoạt động kết nối giữa Công ty SunRice và các tổ chức nông dân trên địa bàn để tiến tới ký hợp đồng tại từng xã. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, UBND các xã liên quan đẩy mạnh vận động nông dân, tổ hợp tác, HTX tham gia và tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ cho Công ty SunRice xây dựng vùng nguyên liệu trên từng địa bàn xã đã được quy hoạch. UBND các huyện có nhiệm vụ cử cán bộ đầu mối tham gia tổ điều phối, phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác phát triển vùng nguyên liệu lúa Japonica trên địa bàn mỗi huyện…

Đối với lúa Japonica, tổng diện tích gieo trồng hiện nay tại An Giang đạt hơn 15.000ha (chiếm 2,37% cơ cấu giống), năng suất đạt từ 7 - 8 tấn/ha, tập trung phần lớn ở Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn… Tùy theo nhu cầu liên kết của các doanh nghiệp, việc mở rộng diện tích canh tác lúa Japonica rất dễ dàng.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Bình Phước: Toàn tỉnh có 17.178 ha hồ tiêu

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, toàn tỉnh hiện có tổng diện tích trồng cây hồ tiêu là 17.178 ha, tăng 726 ha so với năm 2017. Năng suất hồ tiêu của tỉnh trong niên vụ năm 2017-2018 chỉ đạt 14 tạ/ha, với tổng sản lượng 18.736 tấn, giảm 14.940 tấn tương đương với 40% so với năm 2016-2017.

Diện tích cây hồ tiêu tập trung chủ yếu ở các huyện như: Lộc Ninh 4.743 ha, chiếm 27,6%; Bù Đốp 4.489 ha, chiếm 26,1%; Bù Gia Mập 2.292 ha, chiếm 13,3%; Hớn Quản 2.006 ha, chiếm 11,6%; thị xã Bình Long 1.190 ha, chiếm 6,9%;… Ngoài ra, còn khoảng 2.583 ha trồng không tập trung ở các huyện Đồng Phú, Bù Đăng, Phú Riềng. Những năm gần đây, bệnh vàng lá và bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu đã làm cho diện tích trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh giảm nhanh. Ở nhiều huyện có hàng loạt vườn tiêu bị chết. Cụ thể là các huyện, thị xã: Bù Gia Mập 310 ha, thị xã Bình Long 79,0 ha, huyện Hớn Quản 54,0 ha, Bù Đốp 41.1 ha, Lộc Ninh 25,5 ha, Đồng Phú 8,5 ha. Ở một số huyện khác có diện tích chết dưới dạng cục bộ rải rác theo trụ khoảng từ 5 đến 10 trụ/vườn.

XT

Lâm Đồng: Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Dripnet

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang tiến hành hỗ trợ 6 nông hộ ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Dripnet trên cây chè có hệ thống điều khiển smartline và van điện. Các nông hộ trên thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, xã xây dựng nông thôn mới tại huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Diện tích hỗ trợ 1 ha/mô hình, chủ yếu là các giống chè chất lượng cao như Oolong, Tứ Quý, Kim Tuyên, Ngọc Thúy và có tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Công nghệ tưới nhỏ giọt Dripnet giúp người nông dân điều chỉnh được lượng nước tưới theo nhu cầu, tiết kiệm nước và tiết kiệm công lao động, là giải pháp hiệu quả trong canh tác nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

D.Q

Đăk Glei (Kon Tum): Người dân liên kết trồng sâm Ngọc Linh

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Có dịp về 3 xã: Xốp, Mường Hoong và Ngọc Linh của huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum), chúng tôi đã được nghe những câu chuyện bà con liên kết trồng sâm Ngọc Linh tự nhiên. Ai cũng hy vọng sẽ được đổi đời từ loại cây này...

Hình thành nhóm, tổ hợp tác trồng sâm Ngọc Linh

Cuối tháng 7/2018, Quyết định 2465/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và công nghệ) ban hành sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh cho tỉnh Kon Tum. Theo đó, tỉnh Kon Tum có vùng chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh từ 2 xã ban đầu được công nhận năm 2016 là Ngọc Lây và Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), nay được mở rộng thêm 7 xã, bao gồm 3 xã Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp (huyện Đăk Glei) và 4 xã khác (huyện Tu Mơ Rông).

Khi biết được thông tin trên, UBND xã Ngọc Linh đã yêu cầu Ban tự quản các thôn tổng hợp số liệu báo cáo. Đến nay, 17 thôn của xã có khoảng 200 hộ dân liên kết tạo thành nhóm, hoặc tổ hợp hộ tự tìm, chia sẻ kinh nghiệm gầy giống và trồng được khoảng 1ha sâm củ Ngọc Linh tự nhiên dưới tán rừng nguyên sinh.

Anh A Túc – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh, kiêm Tổ trưởng Tổ hợp hộ quản lý vườn sâm Ngọc Linh thôn Tu Răng rất vui mừng, vì hơn 30 năm kinh nghiệm trồng cây thuốc “giấu” của anh đã có đất dùng đến.

Anh kể, năm 1978, khi học lớp 5 đã đi rừng cùng cha, thấy củ cây sâm quý đào để dành trong nhà, không ai biết đó là củ gì. Những lúc giáp hạt, nhà thiếu lương thực, củ sâm Ngọc Linh tự nhiên được bố mẹ lấy ra nấu nước uống cầm hơi, người khỏe trở lại. Sau này, tư thương vào tận xã tìm mua, anh cũng đi rừng nhổ củ sâm quý, bán được 80 ngàn đến 200 ngàn đồng/kg (tùy củ lớn, hoặc nhỏ). Số tiền này, anh đưa bố mẹ mua gạo muối, cá mắm cho cả nhà. Mãi đến tận năm 1992, gia đình anh mới biết cây sâm Ngọc Linh là cây thuốc quý. Cũng năm đó, cả nhà đi rừng chịu đói rét gần 10 ngày, gùi về 3,2kg củ sâm, bán được 680 ngàn đồng. Số tiền này mua được chiếc máy khâu cho mẹ để may vá quần áo cho anh chị em trong nhà.

Nhờ sâm mà A Túc có điều kiện theo học hết phổ thông, trở thành cán bộ nhà nước. Năm 2010, về UBND xã Ngọc Linh công tác, nhiều doanh nghiệp có dự án trồng và bảo tồn sâm Ngọc Linh đã đến làm việc, đề nghị xã tuyên truyền, vận động bà con tìm nguồn sâm quý bán lại họ.

Từ những chuyến đi cùng các doanh nghiệp, anh đã có thêm thông tin, quyết định trở lại những cánh rừng nguyên sinh ngày nhỏ đi cùng cha tìm củ sâm, gầy lại vườn giống cho gia đình. Việc làm của anh dần dà được anh chị em ruột, bà con trong họ biết, đăng ký tham gia đi tìm, liên kết lập vườn chung. Đến nay, các hộ di thực, gộp sâm củ có tuổi đời 4-7 năm, thành vườn trồng diện tích khoảng 500m2.

Ở xã Mường Hoong cũng có người mê ý tưởng làm giàu từ vườn cây thuốc “giấu”. Đó là A Thiếp - cán bộ UBND xã Mường Hoong. Anh Thiếp nói: Năm 2004, tôi đang học lớp 8, cha đã dẫn tôi đi rừng sâu, ở 1 tuần liền để tìm sâm. Cha con tôi phát hiện, góp nhặt được không ít củ sâm trơ trụi; có thời điểm, thì nhổ được cây sâm có đủ củ, lá hoa, hoặc cây đang cho quả, kết trái. Nhưng ông dặn dò tôi, con đi rừng bới đất lấy củ sâm thôi, còn những cây có hoa, kết trái kia đừng nhổ đi mà phải cắt lá, che đi… để dành mùa sau, mùa sau nữa, quay lại lấy thêm củ sẽ được sinh sôi từ cây mẹ.

“Khi đào được 4-5 củ to bằng ngón tay trỏ, hai cha con không trở về nhà. Tinh mơ ngày cuối cùng chuyến đi, cha dậy thật sớm trút hết gạo ở túi vải mang theo, nấu cơm chín và chia thành 2 phần to, lấy lá chuối rừng túm lại. Ông đưa tôi một nắm và nói, cố gắng đưa sâm này xuống xã Trà Sơn (huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam) để bán lấy tiền nhiều hơn” - A Tiếp kể.

A Thiếp nói, những năm sau, anh cũng đi được vài lần với cha và các chú ở xã Mường Hoong để tìm sâm bán, trang trải cho sinh hoạt gia đình. Anh biết đi tắt đường rừng, đưa đặc sản của núi rừng Kon Tum xuống các xã thuộc huyện Trà My (Quảng Nam) để bán lấy tiền, hoặc đổi sâm lấy gạo, cá khô, đồ dùng cho gia đình.

Chăm sóc sâm Ngọc Linh. Ảnh: V.P

Những năm sau đó, A Thiếp dành thời gian cho học tập, những câu chuyện đi tìm củ sâm Ngọc Linh đã trở thành kỷ niệm đẹp của tuổi thơ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên, năm 2010, anh về công tác tại UBND xã Mường Hoong. Khi xã vận động bà con tham gia phát triển, bảo tồn cây sâm Ngọc Linh, theo định hướng chỉ đạo của UBND huyện Đăk Glei, anh là người tiên phong quay lại rừng, sưu tầm được gần chục củ sâm 3-5 tuổi, tạo vườn sâm cho mình.

Năm 2017 đến nay, A Thiếp làm Trưởng tổ hợp hộ trồng và phát triển, bảo tồn sâm Ngọc Linh ở thôn Mô Po, Tổ hợp hộ của anh có 30 hộ tự nguyện thu gom, gây trồng chung vườn sâm được 50 cây.

Mở lối giúp dân làm giàu

Anh Lê Bá Thế - Chủ tịch UBND xã Mường Hoong thông tin, địa phương có gần 0,5ha cây sâm Ngọc Linh đang được khoảng 120 hộ tham gia mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, thông qua hình thức quản lý liên kết của 8 nhóm hộ và tổ hợp hộ.

Tổng diện tích vườn sâm trên, người dân tự tìm hạt giống tự nhiên ở rừng nguyên sinh để ươm thành những cây giống mới, tự di lý tập hợp cây trồng tại một diện tích nhất định, nhằm thuận tiện chăm sóc, tạo thành vườn sâm củ Ngọc Linh tự nhiên. Tuy nhiên, năm 2018, bà con

A Thiếp cho biết, vườn sâm 50 cây của tổ hợp thôn Mô Po có 30 hộ chia thành 5 nhóm luân phiên bảo vệ, chăm sóc cây hàng tháng, dưới hình thức đổi công làm rẫy. Chẳng hạn như, đến lượt nhóm 5 hộ trực, thì mỗi nhà cử 1 người tự túc đưa lương thực thực phẩm đem sử dụng 2 - 5 ngày. Cách làm này vừa bảo vệ vườn cây chung, vừa chống trộm vừa chống sự phá hoại của các con vật, côn trùng.

“Cây sâm giống được trồng mới sẽ trưởng thành cho hoa, kết trái, sau 4-6 năm. Lúc này, nhà vườn thu hoạch 6- 8 hạt/cây, số hạt giống có thể bán đi, chia lãi cho các hộ thụ hưởng. Trường hợp các hộ muốn lấy hạt trồng thêm, mở rộng diện tích vườn sâm, Tổ hợp hộ vẫn khuyến khích. Tôi nghĩ đây là hình thức, giúp các hộ nâng giá trị cây trồng, góp phần bảo vệ được rừng, tránh được tình trạng chặt phá rừng. Thế nhưng, hiện nay, đa phần bà con đều thuộc diện nghèo, đất canh tác cũng ít, không có vốn đầu tư lâu dài. Bà con đề nghị huyện, tỉnh sớm tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, trồng cây xen canh dưới tán rừng để tạo điều kiện chăm vườn sâm lâu dài” - A Thiếp nói.

Còn ông A Túc - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh giãi bày: 200 hộ ở xã tham gia nhóm và Tổ hợp hộ trồng sâm Ngọc Linh đã được 4 - 6 năm với hy vọng làm từ loại cây này. Nhưng cái khó hiện nay, 78% số hộ nghèo trên địa bàn đều thiếu vốn và cần kỹ thuật phát triển tốt vùng sâm, rất mong được hỗ trợ kịp thời.

Trong khi đó, tháng 7/2018, HĐND huyện Đăk Glei đã phê duyệt Nghị quyết 05/NQ-HĐND, về ban hành Đề án bảo tồn và hỗ trợ phát triển cây sâm Ngọc Linh tại các xã Mường Hoong, Ngọc Linh và xã Xốp đạt 5ha đến năm 2020, định hướng đến 2030 nâng cao chuỗi giá trị bảo tồn và phát triển đạt 400ha, đảm bảo cung ứng giống sâm cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về giống, gắn với chuỗi sản xuất kinh doanh.

Căn cứ Đề án trên, UBND huyện Đăk Glei cho biết, đang chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền, vận động bà con 3 xã: Xốp, Mường Hoong, Ngọc Linh tham gia mô hình liên kết tổ, nhóm trồng vườn sâm Ngọc Linh; tham gia xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng phù hợp.

Ông Hoàng Trung Thông – Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei thông tin, địa phương đã và đang phối hợp với các sở, ngành tham mưu chính sách kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư liên kết, phát triển dược liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó ưu tiên hàng đầu là sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Đây là các bước đi cần thiết, quan trọng để Nghị quyết 05 của huyện Đăk Glei từng bước cụ thể hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện Đăk Glei, tiến đến cùng các địa phương khác trong tỉnh xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh theo định hướng chỉ đạo của tỉnh.

Trần Hà

Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm canh tác lúa - tôm hữu cơ

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng

Vừa qua, tại Hợp tác xã Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên), Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng phối hợp Tổ chức Oxfam và Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm canh tác lúa - tôm hữu cơ. Đến dự có ông Koen Etienne M. Duchateau - Tham tán thứ nhất, Phái đoàn Châu Âu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu và các hợp tác xã tôm - lúa huyện Phước Long, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu).

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm về sản xuất tôm nước lợ của cả nước, tương ứng chiếm trên 90% về diện tích và 80% về sản lượng. Riêng Sóc Trăng, tôm sú chủ yếu được nuôi bán thâm canh 60%, tôm - lúa 36% và thâm canh 4%. Tại tỉnh Bạc Liêu, tôm sú được nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh là 11%, quảng canh cải tiến chuyên tôm 0,5%, mô hình tôm - lúa 28%, mô hình tôm kết hợp cua - cá 66%. Ưu điểm của tôm thẻ chân trắng là thức ăn hàm lượng protein thấp, chu kỳ nuôi ngắn so với tôm sú, có thể nuôi thâm canh và siêu thâm canh; bán phổ biến trên thị trường, phù hợp với đa số người dùng. Về con tôm sú có ưu thế là ít cạnh tranh, kích cỡ lớn, mùi vị giống tôm hùm nên dành cho thị trường cao cấp, tôm sú nuôi chủ yếu bằng hình thức quản canh, luân canh tôm - lúa hoặc tôm kết hợp rừng ngập mặn, chi phí đầu tư thấp.

Các đại biểu được nghe chia sẻ kinh nghiệm canh tác lúa - tôm hữu cơ tại hội nghị

Ông Koen Etienne M. Duchateau - Tham tán thứ nhất, Phái đoàn Châu Âu, đánh giá cao mô hình sản xuất lúa - tôm hữu cơ của Hợp tác xã Hòa Đê cũng như tình hình sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên. Theo đó, Liên minh Châu Âu có dự án hỗ trợ làm chuỗi giá trị tôm cho một số hợp tác xã tại Việt Nam, trong đó có Sóc Trăng. Việc Liên minh hỗ trợ tạo ra sản phẩm tôm đưa vào thị trường Châu Âu, chắc chắn người tiêu dùng Châu Âu sẵn sàng mua sản phẩm. Với lúa hữu cơ, Châu Âu là thị trường tiềm năng và người tiêu dùng sẽ chấp nhận mua gạo giá cao khi vào thị trường này. Vì vậy, người dân nên sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ thị trường Châu Âu yêu cầu.

Bà Quách Thị Thanh Bình - Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng mong muốn Liên minh Châu Âu kêu gọi các viện, trường nghiên cứu hỗ trợ cho Việt Nam phòng chống dịch bệnh trên con tôm nuôi nước lợ cũng như tiếp tục hỗ trợ con tôm nuôi theo chuỗi giá trị bền vững; hỗ trợ Sóc Trăng tạo ra sản phẩm tôm nuôi an toàn nhằm cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn Châu Âu, góp phần tăng thu nhập người dân, cải thiện đời sống thành viên các hợp tác xã.

THÚY LIỄU

Lào Cai: Người dân Văn Bàn thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha khoai tây

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Vụ đông năm 2018, huyện Văn Bàn trồng trên 110 ha khoai tây, tập trung ở các xã Dương Qùy, Hòa Mạc, Làng Giàng. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nên cây khoai tây ở Văn Bàn sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao.

Người dân được doanh nghiệp hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật và ký cam kết bao tiêu sản phẩm.

Hiện, mỗi ha khoai tây ở Văn Bàn cho thu hoạch trên 20 tấn củ, với giá bán bình quân khoảng 5.000 đồng/kg, trừ hết chi phí người dân thu về khoảng 50 triệu đồng/ha. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch củ khoảng 3 tháng. Khoai tây thu hoạch về được bán cho doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đã được ký kết từ trước.

Ruộng khoai tây xanh tốt ở xã Làng Giàng.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Bàn kiểm tra cây khoai tây.

Được biết, những năm qua, huyện Văn Bàn đã chủ động đưa cây trồng có năng suất, chất lượng tốt và phù hợp với điều kiện tự nhiên vào canh tác. Bên cạnh đó, địa phương chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, qua đó giúp người dân yên tâm về đầu ra, sản phẩm.

Hiện, ngoài khoai tây trên địa bàn huyện Văn Bàn còn trồng thêm cây gai xanh, bước đầu đã cho kết quả khả quan.

TẤT ĐẠT

Người trồng dược liệu lao đao vì doanh nghiệp đơn phương bỏ hợp đồng

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Trong thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân trồng cây dược như gấc, đương quy, đinh lăng ở huyện Cư Jút (Đắk Nông) đang "đứng ngồi không yên" vì vườn cây đến lúc thu hoạch nhưng các doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm bỗng dưng "trở quẻ".

Sự việc một số nhóm hộ thực hiện chuỗi liên kết trồng dược liệu với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nhưng không được đối tác giữ cam kết đã và đang khiến bà con gặp “thất bại kép”, vì họ không bán được sản phẩm và còn phải gánh theo khoản nợ đầu tư cho vườn dược liệu.

Bán giống xong... "chạy làng"

Từ năm 2013, cây gấc do HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Nam Hà, ở xã Tâm Thắng đưa về trồng tại Cư Jút và được ví như là một loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác. Vì vậy, sau vài năm, toàn huyện có khoảng 100 hộ trồng gấc, với diện tích là 110 ha. Nhưng hiện tại, do sản phẩm làm ra không bán được nên nhiều hộ đã phá bỏ.

Gia đình bà Nguyễn Thị Mai, ở thôn 4, xã Tâm Thắng trồng được 4 sào gấc. Từ khi vườn gấc cho trái, bà phải tự đi tìm đầu ra. Bà Mai cho biết: “Với 4 sào gấc, mỗi năm cũng cho sản lượng trên 10 tấn quả. Thế nhưng chúng tôi phải mang ra chợ bán lẻ từng kg”.

Đơn vị liên kết không bao tiêu sản phẩm, bà Nguyễn Thị Mai ở thôn 4, xã Tâm Thắng (Cư Jút) phải mang gấc ra chợ bán

Theo bà Mai thì khi mới trồng, gia đình bà được HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Nam Hà cung cấp giống và cam kết thu mua với giá 7.000 đồng/kg, nhưng về sau chẳng thấy ai đến thu mua.

Còn tại xã Nam Dong, gia đình ông Lê Văn Tự, ở thôn Tân Bình cũng trồng 5 sào gấc. Ông Tự cho biết: “Khi xuống giống, mọi việc tưởng chừng rất sáng sủa. Nhưng bây giờ, HTX không thu mua quả gấc nên tôi gặp không ít khó khăn”.

Theo ông Vũ Trung Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Dong thì đầu năm 2018, người dân xã Nam Dong đã được HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà cung ứng giống trồng 5 ha gấc và cam kết bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với giá từ 6.000 – 7.000 đồng/1 kg. Diện tích tập trung nhiều ở các thôn 11, 16, thôn Tân Ninh và thôn Tân Bình. Tuy nhiên, thực tế thì niềm vui của người nông dân chưa trọn vẹn mà nỗi lo lại tới khi toàn bộ sản phẩm đến thời kỳ thu hoạch, HTX này lại không thực hiện cam kết bao tiêu.

Không chỉ có cây gấc là “tắt đầu ra” mà các hộ nông dân trồng đinh lăng trên địa bàn huyện cũng được một doanh nghiệp đến tư vấn, cung cấp giống và cam kết thu mua từ gốc tới ngọn. Giá cây giống vào lúc cao điểm là 6.000 – 7.000 đồng/bầu. Mỗi ha trồng thuần cũng lên đến trên 2.500 gốc đinh lăng. Vì vậy, kinh phí đầu tư giống ban đầu khi trồng đinh lăng cũng không hề nhỏ.

Tuy nhiên, với cam kết từ phía doanh nghiệp (giờ người dân không biết đích thực họ là ai - PV) là khi cây đinh lăng trồng được 3 năm trở lên, đơn vị cung ứng giống này sẽ thu mua phần thân, lá với giá trên 30.000 đồng/kg, riêng phần củ từ 3 năm trở lên mỗi kg có giá trên 100 ngàn đồng. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp bán giống cũng “biệt tăm”, chỉ có một số thương lái đến mua đinh lăng của bà con với giá quá "bèo” là không mua thân, lá, chỉ mua củ rễ với giá 45.000 đồng/kg. Với giá mua như vậy, hộ dân trồng đinh lăng không những "vỡ mộng làm giàu" mà còn thua lỗ nặng. Không những vậy, doanh nghiệp cung ứng giống còn bán cho bà con giống đinh lăng lá lớn, không có giá trị dược tính nên trồng ra rất khó bán.

Gia đình anh Phạm Đức Tráng ở thôn 1, xã Cư K’nia (Cư Jút) trồng phải giống đinh lăng lá lớn, không có giá trị dược tính, nên vườn đinh lăng 3 - 5 tuổi phải nhổ bỏ

Anh Phạm Đức Tráng, ở thôn 1, xã Cư K’nia cho hay: “Nghe bảo trồng đinh lăng lá lớn cho năng suất cao hơn nên tôi đã trồng gần 1.000 gốc. Kêu bán chẳng ai mua, bây giờ còn mất tiền thuê công đào bỏ”. Theo anh Tráng, phong trào trồng đinh lăng bùng phát ở nhiều vùng trong huyện, bây giờ bán không được thì nông dân chịu thiệt. Chỉ có doanh nghiệp bán giống là thu lợi thôi.

Tương tự, năm 2017, có 7 hộ dân tại xã Cư K'nia đã tham gia ký hợp đồng liên kết trồng sâm đương quy với Công ty Cổ phần Dược liệu Solavina trong thời hạn 1 năm trên diện tích 2,5 ha. Trong đó, theo hợp đồng, mỗi ha, phía Công ty Solavina chi ra trước 80 triệu đồng tiền giống (sẽ thu lại sau), hỗ trợ kĩ thuật chăm sóc, bao tiêu đầu ra với giá 15-16 ngàn đồng/kg. Người dân chịu 120 triệu đồng chi phí tiền phân bón, ống nước, béc tưới…

Để giúp người dân phát triển sản xuất, địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ trồng đương quy vay với tổng số vốn là 200 triệu đồng. Thế nhưng, đến tháng thứ 5, dự kiến còn khoảng 3 tháng nữa sẽ thu hoạch, các vườn đương quy đồng loạt xuất hiện nấm bệnh thì Công ty này đã "bặt vô âm tín". Trước tình trạng đó, huyện Cư Jút đã liên lạc và nhiều lần mời Công ty Cổ phần Solavina làm việc để giải quyết hợp đồng đã ký kết giữa Công ty với các hộ trồng dược liệu, nhưng đại diện Công ty này không tham gia và sau đó thì không liên lạc được (?).

Ba sào cây đương quy của bà Nguyễn Thị Bảy ở thôn 11, xã Cư K’nia (Chư Jút) phát triển kém, không đạt chất lượng do chưa có kinh nghiệm chăm sóc

Không để nông dân mất niềm tin

Tình trạng các loại cây dược liệu đinh lăng, gấc, đương quy đã và đang trong thời kỳ thu hoạch, nhưng các công ty ký liên kết “bỏ rơi” nông dân đã gây nên tâm lý hoang mang cho bà con.

Điều đáng nói, việc doanh nghiệp nóng vội đưa một số cây dược liệu về trồng nhưng chưa đánh giá kỹ lưỡng điều kiện thời tiết, đất đai. Đặc biệt, các doanh nghiệp, HTX chưa chủ động được thị trường đầu ra nhưng lại cam kết với nông dân, ồ ạt bán với số lượng lớn cây giống (đinh lăng, gấc) để rồi đơn phương phá vỡ hợp đồng liên kết khiến nông dân chịu thiệt đang đặt ra một câu hỏi là liệu có dấu hiệu lừa đảo?.

Trong khi đó, bà con chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây dược liệu trên diện tích trồng liên kết phát triển kém, không đạt chất lượng, yêu cầu. Sản phẩm không được bao tiêu, nông dân bán ra thị trường bị ép giá, mua với giá rẻ.

Về lâu dài, ngành Nông nghiệp huyện cần sớm bố trí lại sản xuất, với các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương, đặc biệt là thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, nông dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác về những đơn vị trá hình liên kết để bán giống, có sự phối hợp với chính quyền địa phương theo chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các nhà “Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông” nhằm hạn chế những rủi ro trong quá trình hợp tác sản xuất.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã có Công văn số 4611/2018 về việc kiểm soát liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, UBND huyện Cư Jút cũng đã giao cho Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện phối hợp với đơn vị liên quan chủ động liên hệ với các doanh nghiệp trong, ngoài huyện để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, trước tiên là cây đương quy, giúp hộ dân vượt qua khó khăn.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop