Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 01 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 01 năm 2016

 

Đoàn Văn Được - “Tỷ phú nông dân” vùng đất Tháp Mười

 

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

 

Cần cù, giản dị, chịu khó - đó là những đức tính cao quý của nông dân Đoàn Văn Được (66 tuổi). Ông sở hữu hơn 30ha đất trồng lúa, mỗi năm thu hoạch hơn 500 tấn lúa, thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng và được mệnh danh là “Tỷ phú nông dân” vùng đất Tháp Mười.

 

 

Ông Được với hệ thống máy cơ giới của mình sở hữu

 

Lập nghiệp từ vùng đất mới

 

Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo thuộc xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An với nghề làm thuê kiếm sống, cuộc sống ở quê nhà khó khăn, ông tìm về vùng đất Tháp Mười để khai hoang lập nghiệp. Năm 1968, ông lập gia đình và lần lượt sinh 9 người con (7 trai, 2 gái). Vốn siêng năng, cần cù và chịu thương chịu khó nên ông Đoàn Văn Được đã học tập kinh nghiệm sản xuất lúa từ việc tham gia các lớp tập huấn về phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là việc ứng dụng các công cụ hỗ trợ vào quá trình sản xuất giúp ông tiết kiệm được thời gian, công sức và nâng cao lợi nhuận. Ông chia sẻ, để có thành công như hôm nay bản thân và gia đình đã phải cố gắng vượt qua nhiều khó khăn.

 

Hiện 30ha lúa của ông tập trung 2 xã Thạnh Lợi và Hưng Lợi với các giống: PM 4900, VNĐ 20, Jasmine... cho năng suất cao, dao động từ 7 - 8 tấn/ha. Thời gian qua, ông đã đầu tư máy cắt lúa, máy cày, máy sới... cùng với hàng trăm nhân công phục vụ cho việc sản xuất. Ông Đoàn Văn Được cho biết, bình quân sau khi trừ chí phí về đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các khoản khác, gia đình thu lợi nhuận từ 1 - 1,5 tỷ đồng/năm.

 

Từ sản xuất lúa thương phẩm đến chuyên sản xuất lúa giống

 

Giải quyết khó khăn cho điệp khúc “được mùa mất giá”, “được giá lại mất mùa” và tình trạng thương lái ép giá, đầu năm 2014, ông Đoàn Văn Được chuyển từ sản xuất lúa thương phẩm sang sản xuất lúa giống cung ứng cho thị trường và được các công ty hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

 

Đến nay, gia đình ông Đoàn Văn Được tập trung đầu tư sản xuất lúa giống với tổng diện tích 30ha với các loại giống: VNĐ 20, OM 4900, Jasmine 85... giá bán dao động từ 5.500 - 6000 đồng/kg. Năng suất đạt mức cao từ 7 - 7,5 tấn/ha, tùy theo điều kiện mà có thể sản xuất từ 2 - 3 vụ/ năm. Việc canh tác lúa giống đã giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động từ các công việc: khử lẫn, gieo cấy, xuống giống, thu hoạch... với thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày/lao động.

 

Tiên phong trong các hoạt động

 

Đi lên từ gian khó nên ông luôn thấy được những khó khăn vất vả của người nông dân và đặc biệt là dân nghèo. Hằng năm, ông hỗ trợ từ 200 - 300 triệu đồng cho các công tác từ thiện như: cấp phát từ 20 - 40 tấn lúa, xây dựng cầu nông thôn, rải đá đường nông thôn... Ông chia sẻ, gia đình lúc trước rất khó khăn nên khi có của ăn của để thì phải chung tay cùng chính quyền địa phương làm công tác xã hội.

 

Những việc làm của ông góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và là tấm gương vượt khó cho các nông dân khác noi theo. “Tỷ phú nông dân” Đoàn Văn Được đã nhận được Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp về phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; Bằng khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh về xây dựng cầu đường nông thôn; được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Đồng Tháp lần V năm 2015.

 

Chí Trung

 

Nghệ An: Người dân căng mình chống rét cho cây trồng và vật nuôi

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Hiện nay, các địa phương như Anh Sơn, Nghĩa Đàn (Nghệ An) đang triển khai các phương án chống rét cho cây trồng vật nuôi nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.

 

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn, từ ngày 23 - 27/1, Nghệ An đón đợt không khí lạnh với cường độ mạnh, nhiệt độ giảm sâu gây rét đậm, rét hại trên diện rộng. Nhiều nơi, nhiệt độ xuống mức âm và tuyết trắng bao phủ một số bản làng ở Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương. Thời điểm này, bà con nông dân đang căng mình chống rét.

 

 

Ông Đặng Đình Thông ở xóm 1, xã Thạch Sơn, Anh Sơn phủ ni lông để chống rét cho mạ. Ảnh: Huyền Trang

 

Ông Đặng Đình Thông thôn 1 xã Thạch Sơn cho biết: Theo kế hoạch gia đình sẽ thực hiện cấy xong vào ngày 24/1, tuy nhiên thời tiết rét đậm rét hại, hơn nữa dự báo trong những ngày tới, nhiệt độ lại tiếp tục xuống thấp, do vậy gia đình đã dừng ngay kế hoạch gieo cấy để bảo toàn diện tích mạ.

 

 

Vào những ngày giá rét như hiện nay, người dân không chăn thả trâu bò ra ngoài đồng mà dùng bạt vây kín, giữ ấm cho đàn vật nuôi. Ảnh Huyền Trang

 

Cùng với việc bảo vệ diện tích cây trồng, đàn vật nuôi cũng được người chăn nuôi chăm sóc cẩn thận. Chị Nguyễn Thị Hiền ở xóm 1 xã Thạch Sơn nuôi 12 con bò sinh sản. Nắm được thông tin thời tiết của trên các phương tiện thông tin đại chúng về đợt rét tăng cường nên chị đã không thả bò ra đồng như những ngày trước mà nhốt lại trong chuồng để cho ăn rơm.

 

Theo chị Hiền, rút kinh nghiệm từ những năm trước, vụ mùa vừa qua, chị đã thu gom hết rơm cất trữ, đàn bò của gia đình không lo thiếu thức ăn trong những ngày rét mướt. Đồng thời, chị bổ sung thêm bột cám ngô, sắn và cây ngô tươi trồng vụ đông cho đàn.

 

 

Bổ sung nguồn thức ăn cũng là cách chống rét hiệu quả cho đàn bò. Ảnh: Huyền Trang

 

* Tại Nghĩa Đàn, bà Hoàng Thị Muộn, xóm Hiệp 3 xã Nghĩa Liên có một con trâu kéo, trước tình hình nhiệt độ xuống thấp những ngày qua gia đình nhốt trâu ở nhà đồng thời căng bạt xung quanh chuồng trâu để giữ ấm. Bà Muộn chia sẻ: “cả gia tài được con trâu để kéo nên rất lo, hai ngày qua trời lạnh quá, chúng tôi phải nhốt trâu ở nhà, buổi tối đốt thêm lửa ở gần chuồng để giữ ấm cho trâu, đồng thời cho trâu ăn đầy đủ, không để trâu đói khát”.

 

 

Nhiều người chăn nuôi Nghĩa Đàn tranh thủ chặt ngọn mía về dự trữ cho trâu bò ăn. Ảnh: Đinh Thùy - Ngọc Linh

 

Xã Nghĩa Liên có hơn 500 con trâu, 1800 con dê, bước vào mùa lạnh, xã đã có nhiều biện pháp nhằm thay đổi nhận thức cũng như tập quán chăn nuôi của người dân bằng cách tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm chuồng, che chắn đảm bảo kín gió và nhốt gia súc vào những ngày rét đậm, rét hại, chuẩn bị thức ăn tinh, thô để cho trâu bò ăn vào những ngày giá rét, đồng thời tiêm phòng cho gia súc đầy đủ.

 

Ông Hà Văn Tư - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Liên, Nghĩa Đàn cho biết: Hiện nay xã đã tiêm được 1000 liều vắc xin LMLM và tiếp tục theo dõi động viên nhân dân bảo vệ gia súc gia cầm.

 

 

Gia súc ở Nghĩa Đàn được nhốt và cung cấp đầy đủ thức ăn nước uống. Ảnh Đinh Thùy - Ngọc Linh

 

Người chăn nuôi nhiều xã ở Nghĩa Đàn đang nỗ lực thực hiện giữ ấm, chống đói cho gia súc gia cầm, không để vật nuôi bị chết đói chết rét. Đây cũng là thời điểm Nghĩa Đàn đang thu hoạch mía, vì vậy thuận lợi cho người dân trong việc dự trữ ngọn mía làm thức ăn cho trâu bò. Bà Trương thị Thu, xóm Nam Phong, xã Nghĩa Long cho biết : ngọn mía là thức ăn chính của gia súc, gia đình nuôi 3 con bò, trời lạnh không chăn thả được nên hai người thường xuyên đi chặt ngọn lá mía cho bò. Bên cạnh đó tăng cường thêm thức ăn tinh, nước uống đầy đủ để bò không bị ốm.

 

Nghĩa Đàn hiện có hơn 24 nghìn con trâu, bò, 37.000 con lợn; 840.000 con gia cầm. Để chủ động đối phó với diễn biến thời tiết bất thường, Nghĩa Đàn đã chỉ đạo phòng nông nghiệp, trạm thú y phối hợp với 25 xã thị trấn tiêm phòng đầy đủ cho gia súc gia cầm, đồng thời quán triệt các địa phương không giấu dịch nếu có dịch bệnh xẩy ra trên địa bàn. Trong những ngày qua các hộ chăn nuôi đã thực hiện tốt việc phòng chống đói rét cho gia súc gia cầm, nhận thức của đồng bào một số xã vùng sâu vùng xa như Nghĩa Lạc, Nghĩa Mai, Nghĩa Yên nơi có tập quán chăn thả đã thay đổi.

 

Ông Nguyễn Hồng Tuấn- PCT UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết Huyện Nghĩa Đàn chỉ đạo các xã thực hiện tốt việc tiêm phòng cho gia súc gia cầm, không chủ quan, chỉ đạo quyết liệt cho cá địa phương phòng đói chống rét cho gia súc gia cầm, đảm bảo đủ nguồn dinh dưỡng cho vật nuôi, cấm người dân chăn thả vật nuôi khi nhiệt độ xuống thấp. Đối với cây trồng chỉ đạo phòng nông nghiệp bám sát cơ sở, tuyên truyền hướng dẫn người dân lấy nước giữ ấm cho những diện tích đã gieo cấy, phủ kín ni lông diện tích mạ chưa gieo cấy.

 

Huyền Trang - Đinh Thùy - Ngọc Linh

 

Giá hạt tiêu giảm hơn 50 ngàn đồng/kg

 

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

 

Hiện nay, giá hạt tiêu các đại lý tại Đồng Nai mua vào dao động từ 160 - 162 ngàn đồng/kg, giảm trên 50 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Lý do khiến giá hạt tiêu dịp này giảm sâu là vì nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới liên tục bung hàng, nguồn cung tạm thời dồi dào khiến giá giảm sâu.

 

Đồng Nai đang bắt đầu vào vụ thu hoạch tiêu mới, năm nay thời tiết khá thuận lợi nên năng suất tiêu khá cao. Đồng Nai nằm trong tốp 3 tỉnh có diện tích tiêu lớn nhất cả nước. Tiêu Đồng Nai được các thương lái đánh giá cao về chất lượng. Có khoảng trên 80% tiêu của tỉnh sau khi được các đại lý mua bán lại cho các doanh nghiệp để xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Năm 2015, có thời điểm giá hạt tiêu đen lên đến 230 ngàn đồng/kg nhưng chỉ trong 2 - 3 ngày rồi lại hạ.

 

Hương Giang

 

Nâng sức cạnh tranh cho cà phê

 

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

 

Lượng cà phê xuất khẩu năm 2015 thấp hơn năm 2014, nhưng Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới về số lượng; riêng với cà phê Robusta, Việt Nam vẫn đứng đầu. Tại diễn đàn Triển vọng và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, vấn đề quan trọng là tái canh và nâng cao khả năng cạnh tranh cà phê.

 

Thách thức

 

Cà phê thuộc nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực chỉ sau gạo. Cả nước có khoảng 650.000ha cà phê ở 22 tỉnh, thành phố nhưng chủ yếu ở Tây Nguyên, kế đến là các vùng Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ và trung du miền núi phía Bắc. Vậy nhưng ngành cà phê phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn như: Tổ chức ngành hàng chưa chặt chẽ, phát triển ngoài vùng quy hoạch, thâm canh cà phê chưa đều, nguồn nước tưới hạn chế... Điều quan ngại nhất vẫn là diện tích cà phê già cỗi khoảng 86.000ha đã trên 20 năm tuổi (chiếm 15%), 140.000ha 15 - 20 năm tuổi (chiếm 25%). Sự “lão hóa” ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng hạt cà phê. Năng suất bình quân giảm còn 2,2 tấn/ha so với năm 2011 là 2,3 tấn/ha.

 

 

Trong vườn ươm cây giống của WASI tại TP Buôn Ma Thuột

 

Số diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 năm tới khoảng 140.000 - 160.000ha. Nếu không thực hiện tốt sản lượng cà phê, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng cả về năng suất lẫn chất lượng, tác động đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Những vấn đề trên là thách thức trong chiến lược phát triển của ngành cà phê Việt Nam. Đề án tái canh vùng cà phê trọng điểm, Tây Nguyên cần tái canh 90.000ha, ghép cải tạo 30.000ha. Tuy nhiên, hiện vấn đề tái canh lại đang gặp khó khăn, không chỉ cần nguồn vốn lớn mà còn rủi ro quá cao khi tỷ lệ thành công tái canh thấp. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một trong những điều kiện để được vay vốn là nông dân phải có tên trong danh sách tái canh cà phê, được địa phương xác nhận. Nhưng việc tổng hợp danh sách rất chậm, thậm chí có huyện chưa triển khai. Nhiều nơi lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, dẫn đến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp khó khăn. Trong khi mức cho vay tín dụng thấp, tối đa chỉ 150 triệu đồng/ha và giải ngân theo tiến độ từ 2 đến 3 lần.

 

Mô hình Nescafé plan

 

Năm 2011, dự án Nescafé plan, chương trình hợp tác giữa Nestlé và các đối tác được triển khai. Dự án có sự đồng hành và hỗ trợ tích cực của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) trong việc nghiên cứu, lựa chọn cây giống, thông qua việc cung cấp giống cà phê chất lượng tốt, kháng sâu bệnh, năng suất cao nhằm tăng năng suất và thu nhập. Đến năm 2015, sau 5 năm, tổng lượng giống được phân phối cho nông dân đạt 11 triệu cây. Trả lời câu hỏi, vì sao chỉ hỗ trợ 50% kinh phí cây giống, ông Phạm Phú Ngọc, Trưởng bộ phận hỗ trợ nông nghiệp, cũng là Trưởng chi nhánh Nestlé Việt Nam tại Tây Nguyên, cho biết hỗ trợ 50% để nông dân có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và chăm sóc cây giống.

 

Bên cạnh hỗ trợ tái canh, dự án Nescafé plan còn phối hợp với Tổ chức 4C tập huấn các biện pháp kỹ thuật trên nền tảng bộ quy tắc 4C, sản xuất cà phê bền vững cho hơn một 100.000 lượt nông dân, góp phần cải thiện điều kiện môi trường, kinh tế và xã hội. Nông dân tuân thủ theo bộ quy tắc qua việc tưới nước tiết kiệm; kiểm soát sâu bệnh; ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê; bón phân hợp lý, thu hoạch quả chín; ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi và nhất là bảo vệ môi trường. Nhờ đó, việc tưới nước tiết giảm chỉ còn khoảng 300 - 400 lít nước/ha/lần tưới, thay vì dùng gấp đôi lượng nước như trước đây. Phân bón cũng giảm bớt 20% nhờ hướng dẫn nông dân biết tận dụng phế phẩm như vỏ cà phê. Từ hơn 1.500 nông dân đạt chứng nhận của Tổ chức 4C trong năm đầu tiên (2011), sau 5 năm đã có hơn 21.000 nông dân đạt chứng nhận.

 

Một hoạt động khác hỗ trợ 5 tỉnh Tây Nguyên là nguồn nước khi cùng tổ chức Thụy Sĩ xây dựng bản đồ nguồn nước để có khuyến cáo bà con. Qua 5 năm, chương trình góp phần nâng cao năng suất và chất lượng, tăng sản lượng cà phê lên 14%/ha, thu nhập của nông dân tăng thêm 14%/ha, tương đương 16 triệu đồng/ha/năm. Những nỗ lực này đã giúp Nestlé trở thành nhà thu mua cà phê hàng đầu tại Việt Nam, chiếm từ 20% - 25% sản lượng. Dự án tiếp tục hỗ trợ nguồn giống 5 năm tới với 4 triệu cây/năm; tập huấn thêm cho 21.000 nông hộ về kiến thức quản lý và tính toán để “doanh nhân” hóa nông dân.

 

Dự án Nescafé plan là một phần trong cam kết của Nestlé nhằm tối ưu hóa các khâu trong chuỗi cung ứng cà phê từ canh tác đến sản xuất và tiêu dùng. Có trách nhiệm và mục tiêu là nâng cao khả năng cạnh tranh hạt cà phê như các bộ tiêu chuẩn (4C, UTZ Certified, Rain forest Alliance…) mà các nhà rang xay thế giới hướng đến và đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới.

 

CÔNG PHIÊN

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop